Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Karmapa Rangjung Dorje

31/03/201107:52(Xem: 3579)
03. Karmapa Rangjung Dorje

CUỘC ĐỜI SIÊU VIỆT CỦA 16 VỊ TỔ KARMAPA TÂY TẠNG
Nguyên tác: The History of Sixteen Karmapas of Tibet
Karma Thinley Rinpoche - Việt dịch: Nguyễn An Cư
Thiện Tri Thức 2543-1999

3
Karmapa Rangjung Dorje
(1284-1339)

Ngày 8 tháng 1 năm con Khỉ Mộc (1284), hóa thân Karmapa đời thứ ba, Rangjung Dorje, sanh ra ở vùng Tingri miền tây Tây Tạng. Truyền rằng khi sanh ra, mặt trăng bắt đầu lên và đứa bé ngồi dậy, nói : “Trăng đã lên.”

Đứa bé tỏ ra khôn sớm một cách lạ thường. Một hôm, lên ba tuổi, khi chơi với bạn, nó đòi các bạn làm cho một cái ngai. Xong, em ngồi lên ngai, đội lên đầu một cái mũ đen và tuyên bố mình là Lạt ma Karmapa.

Những tin tức về đứa bé đáng chú ý này liền vang xa, đến tai Lạt ma Urgyenpa. Vị Lạt ma phái Drukpa Kagyu này yêu cầu Rangjung Dorje mới năm tuổi đến gặp ngài. Những phẩm chất tâm linh của em khiến Urgyenpa nghĩ rằng đây chính là hóa thân của Karmapa. Để làm sống lại mối liên kết giữa hai người, Lạt ma Urgyenpa làm lễ nhập pháp Cakra-samvara và Hevajra cho Rangjung Dorje.

Sự giáo dục và tu hành của vị Karmapa mới bắt đầu từ năm lên bảy, khi ngài được Lạt ma Kunden Sherab cho thọ giới Sadi. Sau đó, ngài được chính thức lên ngôi như là Karmapa ở Tsurphu. Ở đây, ngài tiếp tục tu hành trong mười một năm, nghiên cứu toàn bộ giáo lý của phái Kagyu và Nyingma từ Lạt ma Nyenre Gendrun Bum và Lạt ma Namtshowa. Vị trước xem Rangjung Dorje như là hậu thân của Saraha, vị đại thánh Mật thừa Ấn Độ. Ngài hoàn thành thời kỳ học tập gắt gao này bằng một cuộc ẩn tu thiền định trong vùng phụ cận của Jomo Gangkar “Bà hoàng của tuyết trắng,” mà bây giờ được gọi là ngọn Everest.

Năm mười tám tuổi, Rangjung Dorje du hành đến đại tu viện Kadampa ở Sangphu, nơi đây, ngài thọ đại giới từ vị trụ trì là Sakya Zhonnu. Ngài ở lại đây một thời gian, học về triết học, luận lý và giới luật. Sự nghiên cứu này gồm Luật tạng, sự chuyển hóa tư tưởng (TT : blo-sbyong), Năm luận của Di Lặc,(1) triết lý Trung Quán, A tỳ đạt ma(2) và kinh Đại Bát Nhã và những luận.

Karmapa đời thứ ba là một sinh viên tạp thực. Dầu còn giữ sự hiểu biết từ các đời trước, ngài cũng tìm hiểu mọi khía cạnh của học vấn đương đại và truyền thống. Ngài nhận sự học vấn từ các học giả thâm sâu thời mình. Một ví dụ cho điều này : một số học vấn ngài nhận được từ Lạt ma Kunga Dondrup đáng chú ý như :

Kalacakra Tantra : nguyên bản và chú giải
Guhyasamaja Tantra
Cakrasamvara : nguyên bản và chú giải
Yamantaka(3)
Vajramala
Hevajra Tantra và chú giải
Samputika(4)
Lời dạy về Guhyagarbha
“Các thần hòa bình và thần hung nộ”(5)
Lời dạy Shi Jaypa của Dampa Sangjay
Lời dạy về Chod của Machig Labdron
Lời dạy Đạo và Quả của phái Sakyapa
Yoga Sadanga về Kalacakra(6)
Văn bản Kanjur và Tanjur(7)
Sự khảo cứu so sánh về triết học Ấn Độ.

Khi nhận được sự truyền thọ về Kalacakra, ngài có một kinh-nghiệm-thấy là toàn thể vũ trụ như được chứa đựng trong thân thể mình. Cảm hứng bởi điều này, ngài làm một bài văn đầy ấn tượng về thiên văn học.

Khi thời gian học với Lạt ma Kunga Dondrup đã xong, ngài đi vào một cuộc thiền định mãnh liệt ở lâu đài Garuda, trung tâm ẩn cư gần Tsurphu. Trong thời nhập thất, ngài mơ thấy những lời dạy của triết gia Long Thọ được gởi đến cho ngài do vị thầy quá cố là Urgyenpa.

Sự nghiên cứu của ngài mở rộng ra đến lãnh vực y học. Từ Lạt ma Bare, ngài nhận được sự giáo dục y học Sowa Rikpa. Sau đó, ngài ở một thời gian với vị trụ trì thông thái Tsultim Rinchen, nhận được nhiều lời dạy, trong đó có :

Guhyasamaja Tantra
Triết lý Trung Quán
Mahamaya (Đại huyễn) Tantra
Lời dạy về Hevajra, từ dòng của Ngok Chodor và Meton Tsonpo(8)
Yamantaka Tantra
Cakrasamvara Tantra.

Về sau, Rangjung Dorje học với Rigdzin Kumararaja, vị giải nghĩa quan trọng nhất về giáo lý yếu tánh (TT : snying-thig) của truyền thống Nyingma. Những giáo huấn này được truyền vào Tây Tạng trong thế kỷ thứ tám bởi pháp sư Vima-lamitra, hiển lộ kinh nghiệm trực tiếp về Phật tánh thông qua trí huệ không ô nhiễm. Chúng có một ảnh hưởng lâu dài đối với ngài. Trong thiền định, ngài có một linh kiến thấy Vimalamitra đi vào nơi trán. Hiệu quả của giáo pháp này khiến cho ngài nhập chung trộn lẫn hai giáo pháp Đại Ấn của Kagyupa và Đại Toàn Thiện của Nyingma vào một dòng.

Sự sâu và rộng trong học vấn của ngài có một tầm mức phù hợp với ý niệm của châu Âu về “con người của thời Phục Hưng” và với quan niệm của Tây Tạng là sự hoạt động của vị Rime (không biên giới) hậu thời. Thâu thập hầu hết giáo lý Phật giáo, các sự thọ pháp và các văn bản đã được truyền vào Tây Tạng, ngài đã truyền thông cái nhìn chứng ngộ của mình trong nhiều văn bản quan trọng. Một trong những tác phẩm hiện còn, đỉnh cao của phái Kagyu là cuốn Nội Nghĩa Thậm Thâm (TT : zab-mo-snang-don), một chú giải vô giá về bản chất của Tantra.

Khi đã hoàn thành sự nghiên cứu, Rangjung Dorje bắt đầu đi xuyên qua phía nam Tây Tạng, truyền dạy và ban phát các lễ truyền thọ. Ngài dừng lại ở vùng Kongpo trong ba năm. Nhiều người đã nồng nhiệt nghiên cứu giáo pháp nhờ vào sự có mặt gây hứng khởi cũng như danh tiếng là một Pháp sư của ngài.

Danh tiếng ngài lan xa đến nỗi vua Mông Cổ là Togh Temur mời ngài sang thăm. Ngài nhận lời và đi Trung Quốc, nhưng trên đường đoàn phải dừng lại vì thời tiết quá xấu. Mùa Xuân năm sau đoàn lại đi Trung Quốc. Trên đường đi vài điềm triệu xảy ra chỉ cho ngài biết là vua đã băng hà. Trước khi tiếp tục đi, Karmapa đã làm lễ cầu siêu cho nhà vua. Cuối cùng đoàn đến triều đình Tai-ya Tu vào ngày 18 tháng 10 năm con Khỉ Thủy (1332). Ở đấy mới biết quả thật vua Togh Temur đã băng hà vào ngày có những điềm triệu. Tuy nhiên, triều đình và hoàng gia vẫn chào đón ngài.

Karmapa khuyên người em của vua quá cố là Toghon Temur hãy đợi sáu tháng rồi lên ngôi và tiên đoán rằng Toghon Temur sẽ là một quân vương vĩ đại. Ngày 15 tháng 1 năm con Chim Thủy vua lên ngôi trong một buổi lễ lớn do ngài chủ lễ.

Năm con Chó Mộc, Karmapa hành trình về Tây Tạng để cung cấp cho vua như một quà tặng ít cam lồ trường sanh (tse chu) được Padmasambhava để gần Samye. Trên đường đi, ngài xây dựng nhiều chùa thuộc phái Kagyu. Chùa quan trọng đặc biệt là chùa ở Ngũ Đài Sơn, ngọn núi của đức Văn Thù ở Trung Hoa.

Trên đường về Tây Tạng, ngài tiếp tục giáo hóa và giải quyết những vấn đề chính trị. Rồi Karmapa lại nhận được lời mời của Toghon Temur trở lại thăm Trung Hoa. Thế nên, vào năm con Chuột Hỏa, Karmapa lên đường qua Trung Hoa một lần nữa. Suốt trên hành trình dài dẳng, ngài tiếp tục dạy pháp. Khi ngài đến, nhà vua chào đón ngài rất mừng rỡ, và nhận thuốc tse chu, thuốc này khiến ông là người sống lâu nhất trong các hoàng đế Mông Cổ. Ở lại đây, ngài lập ra một chùa mới thuộc phái Kagyu. Ngài cũng chấm dứt những thiên tai có thể làm hại mùa màng trong thời gian này.

Ngày 14 tháng 6 năm con Thỏ Thổ (1339), ngài nói với vua về linh cảm cái chết sắp đến của mình. Ngài đi vào cung thờ Cakrasamvara, ở đó ngài thiền định về Heruka và ra đi trong khi đại định. Hôm sau, như lời chỉ dạy cuối cùng cho vua và hoàng hậu, ngài xuất hiện khuôn mặt mình trong mặt trăng rằm.

Ảnh hưởng ngài đối với Kim Cương thừa Phật giáo là không thể tính hết. Như các luận văn vô giá, lời dạy ngài trải dài trong nhiều đệ tử thành tựu. Ngài đã dạy cho nhà học giả phái Sakya nổi tiếng là Yagde Pandita(9) cũng như vị guru sâu xa nhất của phái Nyingma là Longchen Rabjampa. Các đệ tử khác là Shamar Rinpoche, Drakpa Senge và Toghon Temur.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]