Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hoàng Đế Asoka giã từ chinh chiến với nỗi thống khổ của người thắng trận

23/09/201014:50(Xem: 6305)
Hoàng Đế Asoka giã từ chinh chiến với nỗi thống khổ của người thắng trận

Những tàn tích vùng Dhauligiri, một làng nhỏ trong bang Orissa, thường khơi dậy ký ức về một biến cố lịch sử vĩ đại nằm cách thủ phủ Bhubaneswar của tiểu bang Đông Ấn này chừng 10 km, làng Dhaulirigi vẫn còn giữ được gò đất và con lạch nhỏ dưới chân gò. Đối với một du khách chiêm bái hay một học giả chân chính, cả hai vật này đều là bảng chỉ đường về lịch sử và truyền thống văn hóa Ấn Độ cổ đại. Bên dưới đống đá lởm chởm và con lạch kia là cả câu chuyện thương tâm về việc cảm hóa một anh hùng viễn chinh của Ấn Độ thành một sứ giả nhiệt tình vì hòa bình và nhân ái trên khắp thế giới (A-dục vương).

Sự kiện này xảy ra trong cuộc đời của vị đại đế cổ Ấn Độ Asoka (A-dục vương 273 - 236 trước công nguyên) tiếp theo sau trận chiến Kalinga lẫy lừng, có lẽ đó là chiến trận bạo tàn nhất từng diễn ra trên đất Ấn. Kể từ năm 231 trước CN, trận chiến Kalinga đã có khoảng 100.000 người bị giết, hàng trăm ngàn người thương vong và 150.000 bị bắt làm tù binh. Ngày nay, vùng Dhauligiri luôn nhắc nhở cho con người thấy sự vô nghĩa của bạo lực và khiến cho họ phải lắng lòng suy nghĩ thật sâu sắc.

Đường đi đến Dhauligiri rất dễ dàng, phi cảng gần nhất là Bhubaneswar, nối với Delhi, Calcutta, Bombay, Hyderabad và Bangalore. Những chuyến tàu siêu tốc cũng có thể đưa bạn đến Bhubaneswar từ nhiều đô thị lớn khắp Ấn Độ. Mọi tiện nghi đều sẵn có trong các khách sạn do Công ty phát triển Du lịch Orissa quản lý hoặc các nhà trọ tư nhân. Xe buýt và taxi, sẵn sàng phục vụ ngay tại Bhubaneswar đi đến Dhauligiri và nhiều thắng cảnh thu hút khách du lịch trong vùng quanh đó rất dễ ra vào.

Trong khi theo đuổi chủ nghĩa bành trướng một cách bạo tàn, hoàng đế Asoka đã mở rộng vương quốc khắp mọi phía. Thực ra ngài đã thừa hưởng một vương quốc khá lớn do vị Tiên vương để lại, trải dài từ Persia (Iran ngày nay) đến Nam Ấn. Ngài còn bành trướng thêm bằng cách sáp nhập lãnh thổ Kalinga. Các sử gia cho rằng vương quốc của ngài là đế quốc vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ - Văn hào H. G. Wells còn miêu tả ngài là "Đệ nhất Đại đế của xứ sở này".

Song Kalinga là trận chiến thắng cuối cùng của Đại đế Asoka. Cuối cùng, chính là vì những nỗi khổ đau của kẻ chiến bại và lòng hối hận của người chiến thắng tràn ngập trong lòng Đại đế đến mức độ ngài từ giã chiến chinh mãi mãi, vì hoàng đế ăn năn đã chấp nhận đạo Phật thành một tín ngưỡng được tôn trọng suốt đời mình và đem hết những năm tháng còn lại ra sức thuyết giảng giáo lý phổ biến đạo từ bi khắp mọi tầng lớp quần chúng không chỉ trong quốc độ ngài mà còn vượt cả biên thùy Ấn Độ mãi cho đến bao đời sau!

Sừng sững giữa di tích ở Dhauligiri là một thạch tượng oai nghi, đẽo bằng đá tàng, dễ thu hút khách chiêm bái. Thạch tượng dáng cao cả, đơn độc như là nhân chứng câm lặng và bất lực trước cuộc chiến kinh hoàng. Người ta cho rằng con suối nhỏ kia tên là Daya (Từ tâm) cũng đã nhuộm thắm máu đào của cuộc tàn sát tập thể thời ấy. Đứng bên bờ suối, bạn có cảm tưởng như con suối kia chảy lờ đờ vì nó vẫn còn mỏi mòn kiệt quệ với nỗi đau do cuộc chiến Kalinga gây nên. Tàn tích Dhauligiri vẫn còn đó, suốt đời hậu chiến cho đến bao thế kỷ hậu lai.

Đặc điểm phi thường nhất trong biến cố trọng đại này là Đại đế Asoka đã không đổi đời vì bất cứ một động lực chính trị nào thúc đẩy từ trong nước cũng như ngoài nước, mà đơn thuần vì lòng từ bi đột nhiên sinh khởi đưa đến sự chuyển tâm toàn diện, một sự thay đổi trong tư duy lẫn hành động. Ngài vẫn là vị Đế vương tối thượng đầy đủ mọi uy quyền. Ngài được quần thần, chư hầu khắp nơi tôn trọng và kiêng oai. Song nỗi thống khổ do cuộc chiến Kalinga gây ra quá nặng nề đến độ ngài không thể nào chịu đựng được nữa.

Đại đế Asoka đầy ăn năn liền đi tìm gặp vị danh Tăng thời ấy là Tỳ kheo Upagupta. Ngài phủ phục trước vị Tỳ kheo và thỉnh cầu vị Pháp sư đem lại cho ngài sự bình an trong tâm trí. Do đó ngài được đưa dần vào đạo Phật và đạo Phật đã dần dần cảm hóa ngài, thu hút ngài mãnh liệt. Trong mọi nỗ lực hành trì giáo lý Bất hại (Ahinisa) và Từ tâm (metta) là nền tảng của đạo Phật, ngài truyền nhiều phái đoàn Phật giáo đi đến tận những vùng đất xa xôi vượt biên giới Ấn Độ để truyền đạo của Đức Thế Tôn.

Ngài lại ban các sắc dụ giải thích mọi công đức thiện sư này cho toàn dân thông hiểu và tuân hành. Các sử gia xem Đại đế Asoka là vị quốc vương Ấn đầu tiên ban hành các sắc dụ để truyền bá lý tưởng cao cả của ngài.

Sử gia Ấn Độ lỗi lạc, tiến sĩ Radha K. Moorkerji, chia các sắc dụ này thành ba loại. Loại thứ nhất là "Sắc dụ Kalinga"; bao gồm mười bốn sắc dụ trong đó có cả các sắc dụ liên hệ vùng Dhauligiri này. Sắc dụ XIII khắc trên trụ đá diễn tả nỗi khổ đau sâu sắc của vua Asoka vì đã gây nên sự việc, mà theo lời ngài, là cuộc bạo hành đối với nhiều người vô tội đầy lòng mộ đạo trong suốt cuộc chiến Kalinga này. Vì thế, ngài cầu mong mọi người hưởng được niềm hạnh phúc của nếp sống bất hại, từ điều thân, bình đẳng và thân ái. Quan niệm "chinh phục bằng vũ khí" trước kia đã được thay thế bằng lý tưởng chiến thắng bằng Đạo pháp. Và đạo ngài theo đuổi không phải là đạo cuồng tín, mà thấm nhuần tính nhân đạo giải thoát.

Đối với Đại đế Asoka, an lạc hạnh phúc của toàn dân là điều tối quan trọng. Ngài tuyên bố : "Tất cả thần dân đều là con ruột của Trẫm và ví như Trẫm ước mong các con Trẫm được hưởng mọi thứ an lạc hạnh phúc trong đời này lẫn đời sau, Trẫm cũng ước mong mọi thần dân được như nguyện".

Bằng các thiết lập một mối quan hệ đầy tình người giữa nhà vua cai trị và thần dân bị trị, ngài cho phép mọi triều thần và cận vệ trình tấu ngài mọi việc từ quốc sự đến dân tình vào bất cứ giờ phút nào, ngay cả khi ngài ở trong các hậu cung của các vương phi.

Là vị vua sáng lập ra một quốc gia hưng thịnh ở Ấn Độ, ngài nhấn mạnh đức tính vị tha và thông cảm giữa các tôn giáo qua các sắc dụ của ngài, chính ngài vẫn phán bảo quần thần "Nếu người nào chỉ ca ngợi giáo pháp của mình và chê bai các giáo phái khác thì chính người ấy đã làm hại giáo phái mình một cách nghiêm trọng".

Theo đúng giáo lý bất hại của đức Phật, vua Asoka nêu bật tầm quan trọng, tính cách thiêng liêng của cuộc sống không chỉ giữa loài người mà cả với loài vật. Ngài tuyên bố "Không sinh vật nào được giết hại hay đem ra tế lễ trong quốc độ Trẫm".

Quả thật, vua Asoka đã cống hiến hầu hết cuộc đời mình - khoảng hai thập niên - sau trận chiến Kalinga để thực hiện các phận của một Phật tử thuần thành. Một số sử gia có thể không tán đồng việc này, song một số khác cho rằng công cuộc ngài theo đuổi trong thời hậu chiến này còn có giá trị đối với nhân loại hơn cả thành tích chiến thắng của nhiều người khác.

Trên đỉnh đồi của quần thể vùng Dhauligiri ngày nay có dựng lên một Phật đài rộng rãi được thiết kế rất mỹ thuật. Nó thu hút sự chú ý của mọi người từ xa như một chứng tích thể hiện công cuộc mưu tìm hòa bình của Đại đế Asoka qua đạo Phật. Các Phật tử khắp nơi trên thế giới đã đến đây để chiêm bái vùng Thánh địa cao cả này.

Song ý nghĩa trọng đại hơn đối với đất nước Ấn Độ ngày nay là sự việc vua Asoka đã đặt nền tảng vững chắc cho một cơ chế dân chủ yêu chuộng hòa bình cao cả. Trên thực tế quốc huy nước Ấn Độ độc lập ngày nay là khuôn mẫu lấy từ Thạch trụ Asoka có hình bốn con sư tử lớn trên đỉnh cột hình tròn được dựng lên khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Dưới quốc huy là phương châm: Chỉ có chân lý chiến thắng (Satyameva Jyate). Cũng vậy, hình bánh xe với 24 căm xe mà xanh dương trên nền quốc kỳ màu trắng, phát xuất từ Pháp Luân (Dharma Cakka) trên Thạch trụ Asoka. Bánh xe nằm nổi bật trên hình hoa sen nở trên đỉnh trụ.

Quả thật các tàn tích trận chiến Kalinga, các Thạch trụ của vua Asoka và quần thể Phật đài ở Dhauligiri tượng trưng ba giai đoạn trong cuộc đời ngài: giai đoạn đầu tiên giai đoạn ngài trưởng thành qua đạo Phật và sau cùng là những ước mơ về tương lai cho chính ngài cùng hậu thế. Chính phần cuối cùng này đã đem lại lợi lạc cho quốc dân ngài và toàn thể nhân loại mãi mãi về sau./.

GOPÁL SEXNA (Realist Budhhist, 1993)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]