Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lần đầu tiên tôi gặp một nhà sư

15/02/201108:37(Xem: 3873)
Lần đầu tiên tôi gặp một nhà sư
Bhikkhu Bodhi
Hòa Thượng Bodhi
kể về nhân duyên đưa Ngài
đến với Phật Giáo 

 

 

Hồi đó là tuần lễ đầu tiên của tháng 8, năm 1965, sau khi học xong khóa hè, tôi dự định sẽ đi California từ New York bằng xe hơi. Ngày ấy tôi mới 20 tuổi và sang tháng 9 là tôi sẽ vào năm thứ tư Đại học Brooklyn. Tôi muốn đến thăm một người bạn. Anh ta đang ở San Francisco mùa hè ấy. Tôi cũng đã thu xếp để đi theo mấy người bạn. Chúng tôi khởi hành từ một quán ăn nhỏ gần Đại học Brooklyn vào một buổi sáng thứ Hai, và sau khi lái xe cả ngày trên đường, chúng tôi dừng lại ở Madison, Wisconsin, để ngủ đêm nhờ nhà một người bạn đồng hành.

Đấy là lần đầu tiên tôi được đi qua phía Tây của dãy núi Pocono, điều đó làm tôi rất thích thú. Sau một đêm ngủ khỏe, sáng hôm sau, tôi quyết định đi bộ một lúc. Đó là một buổi sáng nắng ấm. Tôi thả bước qua những phố vắng để đến một cái hồ lớn rất đẹp nằm cạnh Đại học Wisconsin. Đi theo đường đất vào phía trong, tôi tiến vào khuôn viên của trường đại học. Tôi đang vào trung tâm khuôn viên thì một sự việc rất đáng ngạc nhiên đã xảy ra. Ở tầm mắt bên phải của tôi, cánh cửa ra vào tòa nhà bằng đá bỗng nhiên mở ra và một người đàn ông trung niên, nét mặt miền Đông Á, mặc áo dài rộng màu vàng, bước ra. Theo ngay sau là một người Mỹ cao lớn bước theo bắt kịp vị đàn ông đó và hai người sánh vai vừa đi vừa nói chuyện.

Ngay lập tức, tôi biết là tôi đang thấy một nhà sư. Tôi chưa bao giờ gặp một nhà sư nào, và hồi ấy, ở Hoa Kỳ số nhà sư thực sự có thể đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Mấy tháng trước, tôi đã bắt đầu đọc về đạo Phật, và qua cuốn sách “Siddhartha” của Hermann Hesse, tôi đã biết là các nhà sư đều mặc áo màu vàng nghệ. Do đó, tôi nhận ra ngay con người tôi trông thấy là một Tỳ-kheo. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và ngẩn người ra khi thấy vẻ bình thản và tự tại của con người ấy, đang toát ra một sự thư thái, sự mãn nguyện của nội tâm, cùng vẻ trang nghiêm mà tôi chưa từng thấy ở một người Tây phương nào. Người Hoa Kỳ đi bên cạnh, dường như là một vị giáo sư, có vẻ như rất kính trọng và nể nang người đó. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng vị ấy không phải là một nhà sư bình thường mà là một người có vị thế cao. Chỉ nhìn vị ấy đi qua, tôi đã cảm thấy thích thú và hạnh phúc vô cùng. Tôi nghĩ tình cảm của tôi lúc ấy cũng như tình cảm của một thanh niên Bà-la-môn xứ Ấn Độ ngày xưa, khi anh ta ngước lên và lần đầu tiên nhìn thấy, bước trên một lối đi gần anh ta, một vị đệ tử của con người khổ hạnh Gautama, người được mọi người gọi là Đấng Giác ngộ.

Lúc ấy, tôi chỉ đứng cách họ khoảng 70 thước, tôi muốn đến gần hỏi thăm nhà sư và tham vấn nhiều câu khác nữa, nhưng tôi nhát quá và cũng không muốn tỏ ra điên khùng mà làm như vậy. Thế là tôi chỉ trân trân đứng nhìn, mắt chăm chú quan sát mọi cử chỉ của ông ta suốt bốn, năm phút khi hai người bước qua sảnh đường. Quả thật là tôi đã chết trân ra đấy, như đã vào một nhân sinh pháp giới khác. Trong tâm tôi sôi lên một niềm ao ước. Tôi nghĩ lúc ấy nếu có ai đứng sau mà chích tôi bằng một cái kim, tôi cũng chẳng cảm thấy gì, bởi vì đầu óc tôi đã để hết cả vào nhà sư đang đi qua. Thế rồi, nhà sư với vị giáo sư tới một tòa nhà khác, ông giáo sư mở cửa, và hai người biến mất vào trong đó. Tôi vẫn còn cảm thấy thích thú được gặp nhà sư, nhưng sự thích thú đó nay đã bị một chút buồn chen lấn vào. Lòng nặng trĩu khi thấy cuộc gặp gỡ đã qua đi, và tôi đã mất cơ hội tìm đến một nguồn tuệ giác còn tại thế, đến từ Đông phương. Bây giờ tôi chỉ có thể nghĩ rằng nhà sư tuyệt vời đó đã đi mất, tôi phải đi đường tôi và chúng tôi sẽ không bao giờ gặp nhau nữa.

Quả thực là nghiệp báo đã vận động một cách kỳ lạ và bất ngờ. Khoảng hơn một năm sau đó, vào tháng Chín năm 1966, tôi ghi danh vào Đại học Claremont Graduate School tại tiểu bang California (cách 25 dặm về phía Đông thành phố Los Angeles), để theo học môt chương trình tiến sĩ triết học. Vào học kỳ mùa Xuân năm ấy, có một nhà sư từ Việt Nam đến học tại Claremont và dọn đến ở ngay tầng dưới cùng khu nội trú với tôi. Vị này không có gì là “thư thái và tự tại” như vị sư tôi gặp ở Wisconsin, mà là một loại “hỷ lạc chi nhân”, hay chơi đàn banjo, thích nghêu ngao hát nhạc dân ca Việt Nam và học khoa Chính trị - một môn học ông ta hay nói tới một cách bạo dạn có thể làm cho Henry Kissinger phải phát ngượng. Vì những lẽ đó, cho nên mặc dầu tôi ưa thích Phật giáo, tôi phải “kính nhi viễn chi” nhà sư này. Tuy vậy, một khi biết ông ta rõ hơn, tôi cũng mến ông ta và rồi nhận ông ta là người thầy Phật học đầu tiên của mình. Sang đến mùa Hè năm 1967, chúng tôi đã cùng ở chung một phòng của khu nội trú cho sinh viên cao học và ít lâu sau, cùng ra thuê một căn nhà nhỏ ngoài khuôn viên của trường.

Một hôm (có lẽ là vào tháng 11 năm 1967) ông sư bạn tôi bảo tôi là có một vị Thượng tọa từ Việt Nam, tên là Thích Minh Châu, hiện đang ở Hoa Kỳ và ngài sẽ đến Los Angeles một ngày gần đây. Ông bạn tôi nói Thượng tọa Minh Châu là Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh và là một nhà trí thức vẹn toàn. Thượng tọa đã có bằng tiến sĩ từ Đại học Phật giáo Nalanda bên Ấn Độ và ngài đang soạn thảo một bộ sách nghiên cứu đối chiếu hai bộ Trung bộ kinh viết bằng Pali và kinh Trường a hàm viết bằng Hán tự. Ông sư bạn tôi cho biết, sẽ đi Los Angeles để đảnh lễ Thượng tọa Minh Châu và mời tôi cùng đi theo.


HT Minh Chau3

Thế là một buổi sáng tươi đẹp mùa Thu năm ấy, chúng tôi đã đến căn nhà một gia đình Việt Nam mà Thượng tọa Minh Châu đang tạm trú. Khi Thượng tọa từ phòng riêng đi ra, tôi thấy đó là một người trung niên mặc áo cà sa vàng, đi đứng bình thản vững chãi, người toát ra một vẻ tử tế đầy trí huệ. Quả thật ông ta trông giống như vị sư mà tôi đã gặp hai năm trước đây khi người bước qua khuôn viên Đại học Wisconsin. Tuy nhiên, tôi không chắc lắm vì không có gì là chắc, với lại có thể có hai nhà sư Đông Á trông giống nhau. Tôi đã trông thấy vị sư ở Wisconsin cách bảy, tám mươi thước, nên tôi không thấy rõ mặt lắm. Tôi đành phải chịu khó ngồi chờ để cho chủ nhà và ông sư bạn tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt xong đã. Khi có cơ hội, tôi mới hỏi Thượng tọa: “Thưa đây có phải là lần đầu tiên ngài sang Hoa Kỳ không?”. Ông ta trả lời: “Thưa không, tôi đã ở đây vài năm về trước”. Chỉ chờ đợi có thế, tôi hỏi tiếp: “Thưa có phải là ngài đã ở trong khuôn viên Đại học Wisconsin vào tháng Tám năm 1965 không?”. Và ông ta trả lời: “Đúng vậy, hôm ấy tôi đến thăm một người bạn tôi là Giáo sư Richard Robinson. Hôm đó, ông Robinson vừa bắt đầu một chương trình nghiên cứu Phật học tại đấy”. Tôi kể lại hôm ấy tôi đã thấy ngài từ xa đi qua khuôn viên đại học. Ông ta cười nhẹ và nói: “Thế thì đây không phải là lần đầu tiên chúng ta gặp nhau”.

Nhiều năm sau, khi Thượng tọa Minh Châu trở lại Hoa Kỳ (chắc khoảng năm 1969), ngài ở lại vài ngày tại nhà trọ của chúng tôi ở Claremont. Tuy nhiên, khi tôi chuẩn bị sang Á châu để thọ Bồ-tát giới và học Phật pháp, Thượng tọa đã có nhiều lời khuyên bảo hữu ích và cho tôi một bức thư giới thiệu đến các bậc tôn túc của Giáo hội Phật giáo bên Á châu. Tôi giữ kỹ bức thư đó và khi tôi đến Kandy thì bức thư ấy vẫn còn. Thượng tọa đã đề nghị với tôi là khi đến Sri Lanka, tôi hãy thọ giáo với ngài Nyanaponika MahaThera. Tôi đã đi tu ở đó bảy năm nhưng vẫn chưa học được đầy đủ. Trong năm đầu, thỉnh thoảng tôi viết thư cho Thượng tọa Minh Châu để tham vấn và người bao giờ cũng trả lời tôi rất sớm và đầy đủ.

Năm 1975, tôi không còn liên lạc với người nữa, nhưng khi tôi chuẩn bị buổi pháp thoại, nhớ lại những lần gặp gỡ trước đây một cách sâu sắc, tôi thấy tôi phải tìm cách hỏi xem người ra sao. Nhờ mạng lưới internet, qua một người Việt Nam ở bên Úc châu, tôi được biết là Thượng tọa vẫn còn ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nay thì rất yếu và bị bệnh Parkinson. Người chắc đã phải gần 90 tuổi. Tôi viết cho người một lá thư, và gửi điện thư (e-mail) đến người Việt Nam bên Úc, nhờ ông ta chuyển thư ấy đến người bạn ông ta, cũng là một tu sĩ Phật giáo, từng là đệ tử của Thượng tọa Minh Châu.

Trong vài chục năm vừa qua, trước khi mắc căn bệnh tàn hại, Thượng tọa Thích Minh Châu đã dịch bốn bộ kinh Nikaya từ tiếng Pali sang tiếng Việt. Tôi chỉ biết được điều đó mới gần đây thôi. Bây giờ đây là một chuyện kỳ thú và lạ lùng đã xảy ra làm mọi người phải thắc mắc. Vào cái ngày đầu tháng Tám năm 1965 ấy, có một chàng sinh viên Hoa Kỳ mới 20 tuổi, một anh chàng ngày nào đó sẽ trở nên người đồng dịch giả Trung bộ kinh, dịch giả Tương ưng bộ kinh, và (hy vọng) một ngày nào đó sẽ dịch cả Tăng chi bộ kinh sang tiếng Anh, vì một sự tình cờ, được gặp một vị sư Việt Nam, lớn hơn anh ta gần ba chục tuổi, cũng đang dịch bốn bộ kinh đó sang tiếng Việt. Anh chàng sinh viên Hoa Kỳ ngày đó chẳng quan tâm gì đến Phật học mà chỉ mới bắt đầu đọc ít sách về Phật giáo mà thôi. Anh ta không có ý định gặp vị sư, mà thực ra cũng đâu có giáp mặt nhau đâu. Nhìn dưới khía cạnh nhân quả khách quan, thì cuộc gặp gỡ chỉ là một sự trùng hợp. Chàng sinh viên Hoa Kỳ chỉ ngẫu nhiên đi vào một thành phố anh tình cờ đến, nhìn thấy vị Thượng tọa từ xa, để rồi ra đi không biết vị đó là ai. Vị sư cũng không nhìn thấy chàng thanh niên Hoa Kỳ này.

Điều gì đã khiến tôi quyết định đi tản bộ sáng hôm đó, rồi rẽ khỏi đường quanh hồ mà đi vào khuôn viên đại học, đúng chỗ đó và lại đúng lúc đó? Có thực đó chỉ là một sự tình cờ, một chuỗi những quyết định ngẫu nhiên? Nếu đã nêu lên những câu hỏi đó thì hãy hỏi thêm: Có một cái vòng duyên khởi nào nối kết chuyến đi California của tôi với chuyến đi Wisconsin của nhà sư đúng lúc ấy không? Nếu tôi nhớ không lầm thì chúng tôi đã định khởi hành hai ngày trước, nhưng vì có một chút vướng bận vào phút cuối nên chúng tôi phải dời chuyến đi đến sáng thứ Hai ấy. Nếu chúng tôi đã đi đúng ngày giờ như đã định thì buổi hội ngộ với nhà sư chắc đã không xảy ra.

Khi tôi rời trường đại học, yên chí rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại nhà sư ấy nữa, tôi không bao giờ nghĩ trong thâm tâm làm sao để gặp lại con người ấy. Tuy nhiên, tôi đã đưa một chuỗi những quyết định, trong thâm tâm không cố ý, đến việc gặp lại nhà sư lần nữa, mà lần này hai người chúng tôi đã là con Phật. Tôi đã chọn học cao học tại một đại học mà tại đó tôi đã gặp và trở thành bạn hữu với một nhà sư Việt Nam khác, tuy rằng tôi khi vào đó học tôi không biết vị sư ấy cũng học trường này (đúng hơn, không biết cả việc có tu sĩ Việt Nam học nữa). Và qua người bạn này, tôi được gặp lại vị sư mà tôi đã gặp hai năm trước, một vị sư có một phong thái đã làm tôi rất chú ý, mặc dầu tôi không biết là hai nhà sư này lại quen biết nhau. Dù tôi biết là Hòa thượng Thích Minh Châu đã viết một cuốn sách nghiên cứu đối chiếu Trung bộ kinh viết bằng Pali và kinh Trung a hàm viết bằng Hán tự, nhưng hẳn nhiều năm sau, khi tôi bắt đầu dịch những kinh viết bằng Pali (sang tiếng Anh), tôi vẫn chưa biết là Thượng tọa đã dịch sang tiếng Việt rồi. Và cả hai bản dịch của chúng tôi, sang tiếng mẹ đẻ của chúng tôi, gần như giống hệt nhau. Phải chăng điều đó đã được tiên liệu bởi cuộc gặp gỡ ở Đại học Wisconsin, nơi mà tôi chưa bao giờ trở lại sau cuộc gặp gỡ và có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quay lại nữa trong đời.

(Bài của HT Bodhi, do Đào Viên dịch Việt


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]