Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI

11/02/201111:14(Xem: 3801)
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI

Dalailamathesixth 
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI

Sự viên tịch của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V và sự ra đời của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI đã được Sangye Gyatso giữ bí mật suốt mười lăm năm. Tin tức được loan đi rằng đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ nhập thất thiền định vô kỳ hạn. Thông báo này chỉ được quần chúng và các công chức chính phủ thừa nhận về mặt hình thức mà thôi. Để giữ kín bí mật này, Sangye Gyatso, viên quan nhiếp chính đã phải thực hiện những việc bất bình thường. Việc này chỉ có các thị giả riêng của đức Đạt-lai Lạt-ma, vị Tăng sĩ giả dạng đức Đạt-lai Lạt-ma và viên quan nhiếp chính biết mà thôi. Sự mạo dạng này là yêu cầu bắt buộc không thể tránh được khi các Hoàng tử Mông Cổ và các nhân vật tầm cỡ khác muốn thỉnh cầu được tiếp kiến riêng với đức Đạt-lai Lạt-ma. Khi khoác lên mình chiếc y và mũ lễ phục, đeo kính râm vào, vị Tăng sĩ giả dạng đức Đạt-lai Lạt-ma đã có thể gạt được các viên chức cao cấp, những người dường như trước đó chưa từng nhìn thấy đức Đạt-lai Lạt-ma bao giờ.

Một số tài liệu cho rằng, chính đức Đạt-lai Lạt-ma trước khi viên tịch đã chỉ thị mưu kế này để giúp cho công trình xây cất cung điện Potala có thể được hoàn tất mà không bị bất cứ trở ngại nào và cũng để ngăn ngừa dân Mãn Châu gieo rắc mầm mống chia rẽ những người dân Mông Cổ thuộc vùng Kokonor.

Một số học giả cho rằng có lẽ Sangye Gyatso đã bày ra mưu kế này hoặc vì lý do an ninh quốc gia, hoặc vì muốn chính mình tiếp tục duy trì việc điều hành quốc sự của Tây Tạng. Thậm chí có học giả còn xác nhận rằng, bí mật này thật ra nhiều người dân Tây Tạng đã biết. Tuy nhiên, không ai phủ nhận khả năng điều hành quốc sự một cách đáng khâm phục của Sangye Gyatso. Malik còn đi xa hơn nữa khi phát biểu rằng: “Sangye đã bảo vệ tổ quốc thoát khỏi sự can thiệp của ngoại bang nhờ không giải bày cho quần chúng biết về tâm sự bí mật của riêng mình và những tình hình bất ổn trong nội bộ cũng như sự bất an của quốc gia”.

Năm 1695, cung điện Potala được hoàn tất. Năm sau đó (1696) tin tức về “đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V đã viên tịch và tái sinh của Ngài đã được phát hiện ra trước đó rất lâu” đã được loan báo và thông báo chính thức với triều đình Trung Quốc.

Vào năm 1683, một bé trai chào đời ở huyện Monyul thuộc miền Nam Tây Tạng (ngày nay là huyện Tawang thuộc tiểu bang Arunachal, Ấn Độ). Cha của cậu bé là Ridgzin Tashi, một Lama Mật tông nổi tiếng của truyền thống Nyingmapa, đồng thời cũng là một Terton - người đã phát hiện ra bảo vật trong dòng truyền thừa của Padmaglingpa. Mẹ cậu bé là Tsewang Lhamo, một Phật tử thuần thành.

Theo truyền thuyết địa phương, vài hiện tượng kỳ diệu được cho là do cậu bé thực hiện. Những điều này bao gồm những vết chân cậu bé đã để lại, dấu vết xương đầu được in khi đặt cậu bé nằm và những chữ thần bí được viết bằng ngón tay trên tảng đá cứng. Tất cả những dấu tích này cho đến tận bây giờ vẫn còn có thể nhìn thấy được. Một trường hợp ngẫu nhiên khác được xem là kỳ diệu về việc cậu bé trồng ba cây gỗ đàn hương. Cậu ta nói rằng ba cây này sẽ phát triển và khi nào chúng cao bằng nhau thì cậu ta sẽ trở lại. Điều này đã được ghi nhận rằng vào năm 1959 những cây này đều có chiều cao, kích cỡ và hình dáng như nhau. Sau đó không lâu, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV đã đi ngang qua Tawang trong cuộc hành trình lưu vong đến xứ Ấn. Ngài thấy chúng còn để lại dấu tích bị xém lửa vào thời điểm hỗn loạn nhất do sự xâm lăng của Trung Quốc đối với Tây Tạng.

Viên quan nhiếp chính Sangye Gyatso đã bí mật nghiên cứu những chỉ dẫn về thân tái sinh của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V. Với sự hướng dẫn của các nhà tiên tri, vào năm 1685, phái đoàn tìm kiếm đã báo cáo về sự ra đời của một cậu bé khác thường. Sau hai chuyến viếng thăm liên tiếp của các phụ tá tin cậy và những cuộc hội ý cặn kẽ với các nhà tiên tri, cậu bé đã được xác nhận là tái sinh của đức Đạt-lai Lạt-ma. Năm lên sáu tuổi, đức Đạt-lai Lạt-ma tí hon và mẹ của Ngài được đưa đến ở gần chùa Tsona và được bảo vệ an ninh chặt chẽ cho đến năm 1697. Vào thời điểm đó, Ngài được đưa đến Nakartse gần Lhasa để sư phụ của Ngài – đức Panchen Lama Lobsang Yeshe truyền lễ xuất gia, đặt Pháp danh Tsanyang Gyatso và giảng pháp cho Ngài. Tại đó, trước sự chứng kiến của đông đảo Tăng chúng bao gồm cả các Viện chủ của các Tu viện Drepung, Sera và Ganden, Sangye Gyatso đã trình bày chi tiết về những lời di huấn của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V. Sau đó, Tsanyang Gyatso được đăng quang thành đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI và ngự tại cung điện Potala trước sự tụ họp của các cư sĩ quí tộc, những nhân vật quan trọng trong giáo hội và các viên chức nước ngoài. Đức Đạt-lai Lạt-ma trẻ đã nhận được sự truyền dạy về tâm linh dưới sự chăm sóc và giám hộ của Sangye Gyatso và đức Panchen Lama thứ II. Tuy nhiên, Tsanyang Gyatso thích dành thời gian cho việc tập bắn cung tên và vui thú với bạn bè bên ngoài hơn là sự sợ sệt đối với viên quan nhiếp chính. Với cá tính mộc mạc, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI đã giản hóa những nghi lễ và cũng không cần người phục vụ hầu hạ. Ngài tự pha trà cho chính mình và sẵn sàng chia sẻ với bất cứ ai đến tiếp kiến và thỉnh cầu sự ban phúc của Ngài. Mặc dù ngài ít chú tâm vào sự học hỏi, huấn luyện ở chốn Thiền môn, thế nhưng Ngài lại nổi tiếng là một người thông minh, sâu sắc và đã sáng tác được nhiều luận thuyết uyên bác. Ngài cũng là một nhà kiến trúc khéo léo, đã trang trí cho cung điện Potala và xây dựng cung điện Lu Khang (Toà nhà Rắn) phía dưới cung điện Potala. Như một vũ công, Tsanyang Gyatso đã cống hiến cho sự phát triển của Cham - một nền nghệ thuật nhạc kịch trong các tu viện Tây Tạng.

Năm hai mươi tuổi, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI đến Tashi Lhunpo, dự định sẽ thọ Đại giới với sư phụ của mình là đức Panchen Lama, nhưng Ngài đã trì hoãn việc đó trong suốt thời gian rất dài. Sau đó, bất chấp sự nài nỉ khẩn cầu của các viên chức lãnh đạo như Thanyang Khan – anh trai vua Qosot của Tây Tạng, Ngài Panchen Lama và các vị Viện trưởng của Drepung, Sera, Ganden – Tsanyang Gyatso xả giới và hoàn tục. Tuy Ngài không còn là bậc lãnh đạo tôn giáo của Tây Tạng nữa, nhưng vẫn có thể giữ địa vị của mình ở thế gian như một Đạt-lai Lạt-ma.

Từ đó, Tsanyang Gyatso thích giữ khoảng cách với Sangye Gyatso. Hơn nữa, trước sự sửng sốt của viên quan nhiếp chính và tất cả các nhân vật lãnh đạo quốc gia, đức Đạt-lai Lạt-ma có cách ăn ở được xem là không thích hợp với người Tăng sĩ. Lối ăn mặc như một cư sĩ với những bộ quần áo lụa xanh và gấm thêu kim tuyến, để tóc dài, thường đến các quán rượu ở Lhasa và Shol, một khu phố ngay dưới chân của cung điện Potala… Trong khi lối cư xử của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI bị xem như một nỗi kinh hoàng trong giới viên chức lãnh đạo cả lĩnh vực tôn giáo lẫn thế gian thì Ngài lại được quần chúng hết sức tôn sùng và niềm tôn kính ấy vẫn còn duy trì cho mãi đến ngày nay trong hầu hết người dân Tây Tạng. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI đã đặc biệt được mến mộ qua những tác phẩm thơ ca của Ngài. Bên cạnh nhiều bài thơ hàm chứa tính trào phúng sâu sắc đề cập đến sự bất công của xã hội và đạo đức giả của nhiều Tăng sĩ, còn có những bài thơ tình rất sáng sủa. Tuy nhiên, thơ ca của Ngài cũng đã thể hiện được những cảm xúc tôn giáo rất sâu sắc. Có những bài thơ được các học giả Tây Tạng đánh giá như những tác phẩm của một bậc Đạo sư Mật tông, hàm chứa những ẩn ý mà độc giả thông thường không thể cảm nhận được. Sự đánh giá này được ủng hộ bởi các luận thuyết của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI. Có ý kiến cho rằng Ngài đã hành động với khả năng của một Đạo sư Mật tông – một bậc Thầy tinh thông – người đã dạy cho ta biết rằng: “Chính cuộc đời, dù nó xảy đến với chúng ta trong bất cứ hình thức nào, cũng đều là một trong những bậc Thầy vĩ đại nhất của chúng ta”.(1) Một l‎ý do khác được các tác giả nêu ra về cách cư xử của Tsanyang Gyatso là Ngài đã không nhận được sự dạy dỗ và giáo dục nghiêm ngặt về tôn giáo, điều mà các Đạt-lai Lạt-ma và các vị hóa thân cao quý khác phải trải qua ngay từ tuổi ấu thơ. Do những hoàn cảnh xung quanh cái chết của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V nên vị hóa thân trẻ thứ VI này được sống nhiều năm trong những mối quan hệ tự do. Tuổi trẻ của Ngài đã có thời gian tiêm nhiễm cái sở thích về những thú vui thế gian, cho thấy rằng những đặc điểm và các sở thích ấy không thể sẵn sàng gạt bỏ sang một bên được. Không lấy gì làm ngạc nhiên rằng, theo lối suy nghĩ ấy, vị Đạt-lai Lạt-ma trẻ vô tư ấy đã lẩn tránh cái gánh nặng của những trách nhiệm mới bị áp đặt này.

Đức Đạt-lai Lạt-ma hiện tại thì nêu lên một giả thuyết khác rằng có thể đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI cảm thấy sẽ tốt hơn nếu gián đoạn dòng hóa thân của Ngài bằng cách ủng hộ quyền kế vị theo dòng truyền thừa di truyền cha truyền con nối như truyền thống phái Sakya. Điều này sẽ loại trừ được sự vô nghĩa của quyền lực, điều mà chắc chắn sẽ tồn tại trong thời gian giữa cái chết của một vị Đạt-lai Lạt-ma cho đến khi vị tái sinh của Ngài đạt đến tuổi trưởng thành. Rắc rối chỉ có thể được giải quyết bởi cậu con trai của người lãnh đạo - khi đã được trang bị đầy đủ và chín muồi, sẵn sàng bước vào địa vị thừa kế của cha mình. Là một Tăng sĩ theo truyền thống Gelugpa, điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách xả giới, hoàn tục và sống cuộc đời như một người cư sĩ.

Lhazang Khan, thủ lĩnh của dân Qosot - người nắm giữ vương quyền của Tây Tạng bằng cách hạ độc anh trai của mình, vẫn giữ chức vị là vua của Tây Tạng. Lhazang và Sangye Gyatso càng ngày càng đối kháng lẫn nhau. Năm 1703, Sangye Gyatso bị buộc phải từ chức do một số bất bình của người Mông Cổ đối với ông ta. Trước khi từ chức, ông đã xây một lăng mộ bằng vàng trong cung điện Potala để bảo quản di thể của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V. Khi từ chức, ông đã đề cử con trai lớn của mình là Ngawang Rinchin làm quan nhiếp chính. Tuy nhiên, từ phía hậu trường ông vẫn duy trì việc điều hành chính trị một cách rất hiệu quả. Các cuộc tranh cãi về thực tiễn tôn giáo và sự thất bại của Sangye Gyatso đối với việc chỉnh sửa cách quản lý của đức Đạt-lai Lạt-ma đã làm tăng thêm tình hình căng thẳng với Lhazang Khan. Cuối cùng, Sangye Gyatso đã cố hạ độc Lhazang và một trong những thư ký của ông ta, nhưng Jamyang Shepa ở tu viện Drepung đã cứu được họ.

Ba vị viện chủ của ba tu viện chính của phái Gelupa là vị đại diện của Ngài Panchen Lama, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI và nhà tiên tri Lamo là những người đã nỗ lực đứng ra hòa giải mối xung đột này. Kết quả là Lhazang Khan, không thể từ chối được, phải tuân lệnh của nhà tiên tri Lamo chuyển đến xứ Kokonor. Tuy nhiên, đi chưa được bao xa thì Lhazang Khan xảo quyệt ấy lại tập hợp quân lính của mình và tiến đến Lhasa. Sự thương thuyết của Panchen Lama và các vị viện chủ đã không tạo được sự ngừng bắn. Theo những báo cáo của Dhondup thì Sangye Gyatso và quân đội Tây Tạng của ông đã nhanh chóng bị bại trận. Sau đó, vị cựu quan nhiếp chính này đã bỏ đi Gongkar nhưng đã bị chặn lại theo lệnh của vợ Lhazang Khan và đã bị hành quyết vào năm 1706. Sự việc này đã bị nhân dân Tây Tạng phản đối kịch liệt, bởi vì ngoài những khiếm khuyết của mình, Sangye Gyatso đã được xem như một người vô địch trong các mối quan tâm của người dân Tây Tạng. Lúc bấy giờ, Lhazang Khan đã hoàn toàn nắm giữ quyền điều hành chính sự.

Dù cách sống của đức Đạt-lai Lạt-ma được lý giải dưới góc độ nào thì đó cũng là lý do chính để phe đối kháng buộc Ngài từ bỏ chức vụ của mình. Với lý do đó, Lhazang Khan đã khích động về việc cách chức đức Đạt-lai Lạt-ma. Ông đã ra sức lôi kéo sự ủng hộ của ba tu viện chính và Ngài Panchen Lama. Ông cũng tìm kiếm sự trợ giúp của hoàng đế K’ang His, người đã ban hành lệnh truy bắt đức Đạt-lai Lạt-ma đưa về Bắc Kinh. Lhazang Khan ra sức xúi giục những vị lãnh đạo truất phế đức Đạt-lai Lạt-ma trên với lý do không còn đủ tư cách ở địa vị đó nữa. Mặc dù họ không tiến hành xa như thế nhưng cũng đã ban hành một quyết định ám chỉ rằng: Tsanyang Gyatso dù còn là một vị Đạt-lai Lạt-ma hợp pháp nhưng tinh thần giác ngộ đã không còn trong con người của Ngài nữa. Với cái cớ ấy, Lhazang Khan đã ra lệnh đưa đức Đạt-lai Lạt-ma đến doanh trại quân đội của người Mông Cổ ở Lhalu nằm bên ngoài Lhasa, và tất cả những tài sản riêng của Ngài phải chuyển đi khỏi cung điện Potala.

Vào ngày 27/06/1706, tin tức đức Đạt-lai Lạt-ma đã bị truất phế và sẽ bị đưa đi đày ải được loan truyền khắp nơi. Khi đoàn hộ tống Ngài đi đến Drepung thì có một đám đông người không có khí giới đã tấn công, sau đó đã bị đánh bật trở lui. Họ đưa được đức Đạt-lai Lạt-ma đến Drepung. Ngày hôm sau, vị Thần tiên tri Nechung được thỉnh cầu về để tham khảo ý kiến và Ngài đã công bố rằng Tsanyang Gyatso chính là hoá thân thật sự của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V. Nhận thấy rằng một cuộc thảm sát có thể sẽ xảy ra nên đức Đạt-lai Lạt-ma khăng khăng đòi ra đi cho dù bạn bè của Ngài đã bị giết sạch trong cuộc tấn công để bảo vệ Ngài thoát khỏi tay của quân lính Mông Cổ. Tuy thế, Lhazang Khan, trong cơn tức giận, đã tấn công và cướp phá chùa trước khi sang Trung Quốc cùng với vị Đạt-lai Lạt-ma đã bị truất phế. Tháng 11/1706, tại một hồ nhỏ tên là Gunganor ngay miền Nam Kokonor, Tsanyang Gyatso, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI đã biến mất. Theo hồ sơ của Tây Tạng và chính quyền Trung Quốc thì Ngài đã từ trần do bệnh tật. Thi thể của Ngài không bao giờ được tìm thấy và theo sự suy xét thì Ngài đã bị giết.

Trong truyền thuyết dân gian và trong biên niên sử của Tây Tạng vẫn còn câu chuyện rằng, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI - đã sử dụng những năng lực huyền bí của mình - chỉ biến mất khỏi tay những người bắt giam Ngài. Trước tiên Ngài đến miền Đông Tây Tạng, sau cuộc du hành vạn dặm, Ngài đã đến Mông Cổ. Theo một số sử liệu của Mông Cổ thì tại đây, Ngài sống một cuộc đời tĩnh lặng trong sự thiền định và đã thu nhận nhiều đệ tử. Trong cuốn “Tiểu sử bí mật của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI” cũng nói rằng, “Ngài đã xây dựng nhiều chùa chiền và cuối cùng viên tịch vào năm 1746”. Trong một bản phóng tác khác chép rằng: sau khi biến mất khỏi những người bắt giam Ngài, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI đã vân du như một Tăng sĩ, thỉnh thoảng có xuất hiện nhưng lại biến mất ngay lập tức mỗi khi Ngài bị người phát hiện ra. Cuối cùng, Ngài đã đến Mông Cổ và làm việc như một người chăn dê.

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI là một nhân vật bi thương trong nhiều khía cạnh. Ngài đã chống đối lại chức vụ cao trọng mà Ngài đã được sinh ra ở đó, thay vì chỉ thích sống một cuộc đời theo đuổi những thú vui - một cuộc sống mà đã được giải thích nhiều dưới ánh sáng của Mật tông là đã nâng những hành động của Ngài “vượt lên trên những việc làm bình thường của những con người bình thường ở thế gian”. Ngài là con người của dân tộc, đã thể hiện được chính mình qua những vần thơ kiệt tác. Mặc dù Ngài là nguồn hiềm khích của giới viên chức Tây Tạng nhưng Ngài đã được quần chúng Tây Tạng tôn kính và yêu quí vô cùng. Đối với họ, Ngài chính là một vị Thần có lòng từ bi vĩ đại, đã giáng hạ xuống để có những cảm xúc như một con người. Thậm chí Ngài đã hành động như một con người bình thường trong khi vẫn tiếp tục duy trì hóa thân của đức Quán Thế Âm, vị Bồ-tát của lòng từ, vị Hộ thần cao quý của miền đất tuyết.

Biển Xanh

Phỏng dịch theo phần: “A History of Dalai Lamas within the Context of Their Times” của tác giả Ardy Verhaegen.

(1) Trong “Tibet” của Norbu và Turnbull, tr. 284-293, hai tác giả này đã bàn về những nét nổi bật trong sự giảng dạy Mật tông của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI. Một vấn đề đáng chú ý trong mối quan hệ của Tsanyang Gyatso với nữ giới là Ngài đã khẳng định rằng không hề cho phép một giọt tinh dịch nào xuất ra trong tất cả các mối quan hệ với nữ giới. Điều này được xem là một sự thực hành Mật Tông tối thượng đưa đến sự tỉnh giác của tâm ở cấp độ cao. Những ý kiến tương tự cũng đã được bàn đến trong “Dalai Lama of Tibet” của Malik, tr. 34-35; “Initiates and Initiations in Tibet” của Alexandra David-Neel, tr.123.

Nguồn: Tập San Pháp Luân 32

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]