Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu sử đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V

11/02/201111:07(Xem: 5462)
Tiểu sử đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V

Dalailamathefifth 
Tiểu sử đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V ra đời vào thời điểm những cuộc nội chiến đang lan tràn khắp Tây Tạng. Năm 1618, vì các thuộc hạ của đức Đạt-lai Lạt-ma có những quan điểm bất đồng với vua Karma Phuntsok Namgyal nên ông đã tấn công Lhasa. Quân lực của ông ta đã giết hàng nghìn người kể cả Tăng sĩ ở chùa Sera và Drepung, những người còn sống sót phải tìm cách lánh nạn trong các ngôi chùa của phái Karmapa thuộc phía Nam thành phố. Phuntsok Namgyal đã dùng vũ lực buộc một số chùa nhỏ của phái Gelugpa phải đổi thành những trụ sở của phái Karmapa. Tsang được thiết lập các doanh trại quân đội để giám sát và khống chế các hoạt động của phái Gelugpa. Có lẽ điều tàn nhẫn nhất là sắc lệnh ngăn cấm việc tìm kiếm tái sanh của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV.

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V chào đời vào năm 1617 tại Chingwoi Taktse thuộc huyện Chongyas trên vùng biên giới phía Đông của Tsang. Cha của Ngài là một viên quan cao cấp thuộc tầng lớp quý tộc, ông cũng là môn đồ của phái Nyingmapa, có liên hệ với phái Sakya và dòng họ Phagmotru. Ngài được nhận diện vào năm 1619. Trong quá trình tiến hành những thủ tục thử nghiệm thông thường, cậu bé Ngawang Lobsang Gyatso đã nhận dạng những dụng cụ cá nhân thuộc về tiền kiếp của mình rất chính xác. Sau đó ít lâu, thân thế của Ngài được khẳng định thêm lần nữa bởi Lobsang Chokyi Gyaltsen, Viện trưởng của Tashi Lumpo, nhưng vì tình hình chính trị nên sự phát hiện ra Ngài và những vấn đề có liên quan đều phải được giữ bí mật cho đến năm 1622. Trong khoảng thời gian ấy, Ngài được đưa đến Nakartse, gần Lhasa.


Năm 1620, quân Mông Cổ - những người đã bị vua Tsang đánh bại vào năm 1605 - đã giả dạng những du khách hành hương trở lại Tây Tạng. Họ tấn công vào các doanh trại quân đội của Tsang ở bên ngoài Lhasa, đánh bại quân của Tsang. Ngài Lobsang Chokyi của Tashi Lumpo và ngài Ganden Tripa - vị lãnh đạo Tăng đoàn phái Gelugpa đã đứng ra hòa giải giữa hai lực lượng, kết quả là quân lính Mông Cổ đồng ý rút binh, còn lực lượng của Tsang cũng phải rời khỏi các doanh trại của mình và hoàn trả lại các chùa chiền cho phái Gelugpa. Năm sau, vua Phuntsok Namgyal băng hà, nhờ vậy sự căng thẳng về quân sự giữa các tỉnh trung tâm Tây Tạng và Tsang có phần lắng dịu. Năm 1622, sự phát hiện và nhận dạng về đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V được tiết lộ và Ngài được tấn phong tại Drepung. Tuy nhiên, do tình hình bất ổn nên Ngài phải tiếp tục sống ẩn náu cho đến năm 1625, Sư phụ của Ngài là Lobsang Chokyi (sau này là Panchen Lama) mới làm lễ thế phát cho đức Đạt-lai Lạt-ma tí hon và cho Ngài nhập chúng tại Drepung.

Ngawang Gyatso được giáo dưỡng theo quy chế dành cho một Đạt-lai Lạt-ma bao gồm các kinh điển Phật giáo và cả về y học. Ngài cũng được học Kinh tạng và Mật tạng dưới sự hướng dẫn của vị Thầy là Lobsang Chokyi Gyaltsen. Ngài nghiên cứu về Mật tông của truyền thống Nyingmapa và lối thực hành thiền định của truyền thống này đã trở thành một nét đặc trưng nổi bật trong cuộc đời Ngài. Theo Huffmann thì một số lượng đáng kể trong các tác phẩm của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V về thuyết thần học và thần bí đều đề cập đến truyền thống Nyingmapa. Ngài tỏ ra là một học giả nổi tiếng và tác phẩm của Ngài bằng tổng số tác phẩm của tất cả các Đạt-lai Lạt-ma trước. Các tác phẩm của Ngài bao gồm tiểu sử các nhân vật nổi tiếng trong thời đại của Ngài, về lịch sử Tây Tạng, các luận giải về thơ văn cổ điển Ấn Độ, về văn phạm, về thuật chiêm tinh và một phần lớn đề cập đến văn xuôi và thơ ca.

Những người đại diện cho phái Gelugpa cùng với Sonam Chospel, người đã trợ giúp cho thế lực của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V, đã tiếp cận những bộ lạc Oriat, Dzungar và Choskar của Mông Cổ, những người đã ủng hộ phái Gelugpa. Thủ lĩnh của họ là Gushri Khan thuộc bộ lạc Qoshot - một phần của liên bang Oriat. Ông ta đã lợi dụng cơ hội về những mối bất hòa giữa các bộ lạc Mông Cổ ở khu vực Kokonor để thiết lập một bộ máy chính quyền tại đó. Dưới sự lãnh đạo của ông, liên minh của các bộ lạc Mông Cổ đồng ý tham gia cuộc chiến tranh tôn giáo để ủng hộ đức Đạt-lai Lạt-ma.

Trong khi đó, quan nhiếp chính Desi Tsangpa đã kêu gọi sự hỗ trợ lực lượng từ các bộ lạc Mông Cổ Chogthu - những bộ tộc đã có mối liên minh lâu dài với các triều đại vua Tsang. Mười ngàn binh lính dưới sự chỉ huy của Arsalang đã được điều động đến để truy quét phái Gelugpa nhưng đã bị lực lượng của Gushri Khan ngăn lại. Cuối cùng, nhờ sự thuyết phục của Gushri Khan, Arsalang đã thay đổi kế hoạch của mình và chính ông ta đã tìm đến Lhasa để đảnh lễ trước mặt đức Đạt-lai Lạt-ma. Sau khi nhận được những lời khai thị từ đức Đạt-lai Lạt-ma, Arsalang đã phát nguyện không bao giờ làm tổn hại đến phái Gelugpa nữa. Sự chuyển hóa của Arsalang đã khiến cho cha của mình - vị tộc trưởng của bộ tộc Chogthu - hết sức phiền toái và ông ta đã ra lệnh giết Arsalang. Nhận thấy được tình hình bất ổn đó, Gushri Khan đã lãnh đạo binh lính của mình chống lại Chogthu và quét sạch hoàn toàn bộ tộc này, nhờ vậy mà triệt tiêu được mối đe dọa đối với phái Gelugpa. Vào năm 1638, Khan đã thực hiện một chuyến hành hương đến Lhasa để thọ nhận sự khai thị tâm linh từ đức Đạt-lai Lạt-ma. Để tán thán sự trợ giúp của Khan, trong một buổi lễ tại Lhasa, đức Đạt-lai Lạt-ma đã ban tặng cho Gushri Khan các tước hiệu: “Vua Tôn giáo”; “Bậc nắm giữ niềm tin Phật pháp”.

Phái Gelugpa đã biết được âm mưu giữa vua xứ Beri và vua Tsang muốn tiêu diệt phái Gelugpa. Điều này đã gây nên sự phản ứng lập tức từ phía Gushri Khan; ông đã mở cuộc hành quân chống lại âm mưu của cả hai triều đình. Theo Shakabpa thì đức Đạt-lai Lạt-ma tán thành biện pháp chống lại Beri; nhưng Ngài phản đối việc tấn công chống lại vua Tsang và có phần bình thường hóa mối quan hệ với họ. Ngài cũng lưu ý đến nguyên do của những rắc rối đã ập lên số phận của phái Gelugpa là do trong thời kỳ của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ IV đã làm mất mặt vua Tsang. Vị hầu cận chính của Ngài là Sonam Chospel đã cãi lại và dốc toàn tâm cho cuộc chiến. Cuối cùng, ông đã thay đổi sắc lệnh của đức Đạt-lai Lạt-ma với ngụ ý rằng nên tấn công luôn cả vua Tsang. Một năm sau, Gushri Khan đánh thắng Beri, hành quyết vua của họ và sau đó mở cuộc hành quân tấn công Tsang. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã phản đối khi hay tin ấy, nhưng Sonam Chospel, lại một lần nữa bất chấp cả Sư Phụ của mình, đã cùng với binh lính lên đường để tham gia vào chiến trận. Giữa những sự kiện này, đức Đạt-lai Lạt-ma, Panchen Lama và Gushri Khan đứng về phía của họ; quan nhiếp chính Desi Tsangpa và Karmapa Lama từ một phía khác đã gởi các đại diện ngoại giao của mình đến tìm kiếm sự ủng hộ từ Hoàng đế Mãn Châu - người đã làm một cuộc đảo chính ở Trung Quốc và đang phát huy thế lực ở khu vực miền Đông Trung Quốc. Ông trả lời rằng, ông không thiên vị về phía nào hay trường phái nào, không chú ý tới màu y của họ; ông chỉ phục vụ để mở rộng mối quan hệ giữa Trung quốc và Tây Tạng.

Bấy giờ, đức Đạt-lai Lạt-ma được mời đến Shigatse, ở đó, Ngài đã nhận được sự kính trọng tột bực. Năm 1642, Ngài được tôn làm vua của xứ Tsang và Gushri Khan cũng chiếm một ngôi vị khác hơi thấp hơn. Sau đó, Gushri Khan được trao quyền thống trị toàn bộ Tây Tạng, vượt hơn cả đức Đạt-lai Lạt-ma. Sonam Chospel lên làm quan nhiếp chính, đảm nhiệm về sự thi hành chính trị, chuyển giao những vấn đề quan trọng lên đức Đạt-lai Lạt-ma khi cảm thấy cần thiết. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã trở thành bậc lãnh đạo tinh thần lẫn quốc sự của nhân dân Tây Tạng. Về sau, Ngài tuyên bố rằng Lhasa là thủ đô chính thức của Tây Tạng và chính quyền Tây Tạng sẽ mang tên Ganden Phodrang, cùng tên với trú xứ của Ngài ở Drepung. Ngài cũng soạn thảo ra những bộ luật cho kỷ luật quần chúng và chỉ định các bộ trưởng trong nhà nước và các cấp chính quyền địa phương. Gushri Khan duy trì như danh nghĩa vua của Tây Tạng, có tầm ảnh hưởng rất quan trọng và trở thành nhà bảo trợ và hộ vệ của đức Đạt-lai Lạt-ma. Mối quan hệ mới giữa bậc Đạo sư và người bảo hộ đã được chính thức thiết lập.

Sự phản kháng của phái Karmapa vẫn còn nóng bỏng nhưng liên tục bị Gushri Khan và Sonam Chospel ngăn chặn. Sau đó, Karma Tenkyang bị hành quyết và tất cả tinh thần kháng cự bị suy sụp. Vào những năm kế tiếp, nhiều chùa chiền thuộc phái Karmapa và Kagyupa bị bắt buộc phải đổi theo phái Gelugpa, kết quả là nhiều Tăng sĩ phái Mũ Đỏ đã tự đày ải mình đến những đất nước khác thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn để thoát khỏi quyền lực của đức Đạt-lai Lạt-ma. Một phe cánh của phái Karmapa Mũ Đỏ là Brugpa đã thiết lập được một nhà nước chính trị thần quyền ở Bhutan. Tuy nhiên, tổng quát lại, đức Đạt-lai Lạt-ma đã thực hiện lòng khoan dung trong những vấn đề này, thậm chí còn cho phép một số chùa thuộc truyền thống Karmapa được tái thiết lập. Ngài cũng cho phép phái Nyingmapa thiết lập Mindroling - một trung tâm giảng dạy thiền môn quan trọng ở ngay trung tâm Tây Tạng. Phái Bonpo và phái Nyingmapa hoạt động chủ yếu ở miền Đông Tây Tạng cũng được phép sinh hoạt mà không gặp bất cứ trở ngại nào, phái Sakya cũng thế. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng và những tiêu chuẩn của phái Gelugpa đã nhanh chóng tác động đến sự tổ chức và quản lý của các phái khác bởi lẽ Gelugpa tổ chức tốt hơn, đầy nhiệt huyết và mới mẻ nhất so với các phái khác.

Những kỹ năng lãnh đạo quốc gia của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V dựa trên nền tảng hướng đến một nền chính trị thần quyền. Tuy nhiên, Ngài vẫn được hầu hết nhân dân Tây Tạng kính trọng về năng lực tâm linh vĩ đại của Ngài và vì Ngài thiết lập vững chắc các luật lệ về tôn giáo. Trong khi nắm quyền lãnh đạo chính phủ, Ngài đã giao hầu hết quyền hành quốc sự cho quan nhiếp chính và dành hầu hết thời gian của mình cho sự nghiệp tâm linh. Điều này phần nào giải thích được về một số lượng tác phẩm đồ sộ của Ngài và Ngài nổi tiếng là một hành giả của các nghệ thuật Mật tông. Dưới sự lãnh đạo của Ngài, hình thức kiểm soát của quyền lực trung ương đã được thiết lập và duy trì cho đến ngày nay. Hệ thống lãnh đạo được chia đều giữa Tăng sĩ và cư sĩ. Có lẽ chỉ có một sai lầm thật sự trong suốt thời gian lãnh đạo của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V là đã để cho cuộc chiến với Bhutan xảy ra và đã bị thất bại hoàn toàn do sự thiếu chuẩn bị của nhân dân Tây Tạng và các đồng minh Mông Cổ. Sự liên hệ ngoại giao thành công nhất của đức Đạt-lai Lạt-ma là chuyến viếng thăm Trung Quốc sau khi nhận được những lời thỉnh cầu của hoàng đế Mãn Châu. Hoàng đế hy vọng rằng sự ảnh hưởng của đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ ngăn chặn được quân Mông Cổ xâm lấn lãnh thổ Trung Hoa. Sau chuyến viếng thăm truyền thống Hồ Nước Thiêng Lhamo Latso ở chùa Chokhor Gyal, đức Đạt-lai Lạt-ma cùng với đoàn tùy tùng hùng hậu đã lên đường đi Trung Quốc. Dọc đường, Ngài đã nhận được sự chào đón nồng hậu của dân Tây Tạng và Mông Cổ. Với mong muốn thể hiện trạng thái tự do của mình, Ngài yêu cầu cuộc gặp gỡ đầu tiên với Hoàng đế ở một nơi bên ngoài biên giới Trung Quốc. Một sự thỏa thuận đã được ấn định, Hoàng đế đã phản đối sự tham mưu của các cố vấn của mình và đi gặp đức Đạt-lai Lạt-ma tại thành phố Khothor, cách xa Bắc Kinh. Trong khi đó, tài liệu của Trung Quốc ghi lại rằng Hoàng đế Mãn Châu đã gặp đức Đạt-lai Lạt-ma trong một cuộc đi săn. Những cuộc gặp gỡ như thế cho thấy rằng Hoàng đế Mãn Châu đã có sự cân nhắc thận trọng khi thực hiện một cuộc hành trình chỉ vì mục đích duy nhất là để gặp gỡ đức Đạt-lai Lạt-ma. Đến Bắc Kinh, đức Đạt-lai Lạt-ma được mời về ở tại cung điện Màu Vàng, được xây dựng để đón tiếp Ngài. Ngài được thỉnh giảng cho người Trung Quốc và Mông Cổ, giúp họ xem xét và điều chỉnh lại một số thiền môn quy cũ trong các tự viện. Đó là một chuyến thăm viếng rất thành công. Cuộc gặp gỡ ngoại giao này đã mang lại sự lợi ích cho Trung Quốc vì có sự can thiệp của đức Đạt-lai Lạt-ma vào năm 1662 và trong những dịp khác nên hạn chế được những cuộc đột kích của quân Mông Cổ vào những thành phố vùng biên giới Trung Quốc.

Năm 1655, Gushri Khan băng hà, hai hoàng tử của ông chia nhau lãnh đạo Tây Tạng. Họ không mấy hứng thú trong việc lãnh đạo Tây Tạng và cũng không kế vị vua cha. Do vậy, dần dần, tất cả quyền lực được giao lại cho đức Đạt-lai Lạt-ma, kể cả quyền bổ nhiệm quan nhiếp chính.

Năm 1662, Panchen Lama viên tịch, thọ 91 tuổi. Tăng chúng của Tashi Lhunpo đã thỉnh cầu đức Đạt-lai Lạt-ma xác thực hiện thân tái sinh của Ngài. Sau một buổi cầu nguyện ở chùa Tashi Lhunpo, đức Đạt-lai Lạt-ma nhận ra một cậu bé ở vùng Tsang là tái sinh của ngài Panchen Lama và đặt tên cho cậu bé là Lobsang Yeshi. Sau đó, Lobsang Yeshe đã được thọ lễ xuất gia và được sự dạy dỗ của đức Đạt-lai Lạt-ma. Từ khi Lobsang Yeshe xuất gia và cho mãi đến sau này, ngôi vị của Panchen Lama luôn được đặt ở vị trí thứ hai – sau đức Đạt-lai Lạt-ma.

Đức Đạt-lai Lạt-ma tiếp tục củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng. Nhiều hoàng tử và vua các nước đã đến viếng thăm Lhasa. Ngành thương mại cũng phát triển khi có những cuộc gặp gỡ của các học giả. Điều này dẫn đến việc phiên dịch các bản kinh Pali và Phạn văn, do các học giả Ấn Độ thực hiện. Một trong những thành tựu lớn nhất của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V là xây dựng cung điện Potala, công trình này được xây trên ngọn đồi Đỏ - nơi mà vị Quốc Vương thứ 33 của Tây Tạng – Songtsen Gampo – đã xây một pháo đài Đỏ ở đó. Tu viện Potala trở thành biểu tượng tâm linh vĩ đại của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V. Đó cũng là ngôi nhà chính của các Đạt-lai Lạt-ma và chính quyền Tây Tạng trong hơn 300 năm, là một trong những nơi quan trọng cho sự hành hương tâm linh và là một điển hình cho thiên tài văn hóa quốc gia của Tây Tạng. Bắt đầu từ năm 1645, công trình kéo dài đến gần 50 năm mới hoàn tất. Ngài viên tịch vào năm 1682, trong lúc Ngài đang nhập thất, thọ 65 tuổi. Sau khi Ngài viên tịch, tu viện Potala được tiếp tục xây dựng.

Ngài trở nên nổi tiếng vì những di sản bất hủ mà Ngài đã để lại. Dưới sự lãnh đạo của Ngài, Tây Tạng đã trở thành một quốc gia thống nhất và độc lập. Ngài đã tạo nên một hình thức chính quyền của Tây Tạng, soạn thảo những bộ luật, thiết lập hệ thống thu thuế, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia và chương trình giáo dục quốc gia. Ngài cũng tổ chức lại Lễ Hội Đại cầu nguyện cho phù hợp với hình thức hiện tại. Là một nhà ngoại giao khéo léo, Ngài đã củng cố mối quan hệ của Tây Tạng với các nước láng giềng. Là một học giả uyên thâm, Ngài đã để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ. Đặc biệt, nhân dân Tây Tạng đã xem Ngài như một bậc Thầy lãnh đạo tinh thần, người đã thể hiện được lòng khoan dung đối với các truyền thống tôn giáo khác. Một nhân vật mạnh mẽ như Ngài thật khó ai có thể sánh kịp và điều này đã được hậu thân của Ngài (đức DLLM thứ VI) chứng minh tất cả là sự thật; mặc dù, trên một số khía cạnh nào đó, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VI có cuộc sống nhiều bi kịch hơn đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V. ■

Biển Xanh

Phỏng dịch theo phần: “A History of Dalai Lamas within the Context of Their Times” của tác giả Ardy Verhaegen.

Nguồn: Tập San Pháp Luân 25

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]