Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đại Sư Thái Hư

20/01/201109:51(Xem: 8879)
Đại Sư Thái Hư


dai su thai hu

TIỂU SỬ ĐẠI SƯ THÁI HƯ

(Theo Hải Triều Âm Xã) - (1889 - 1947)




Ngài họ Lữ, húy là Duy Tâm tự Thái Hư sinh ngày 2-12 năm 1889, đời vua Quang Tự năm thứ 15 tại huyện Sùng Đức, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa.

Ngài mồ côi từ thuở bé, người gầy yếu nhiều bệnh tật, nhờ bà ngoại nuôi dưỡng. Bà là một Phật tử thuần thành, lời kinh tiếng kệ hôm sớm của bà đã đánh thức hạt giống Phật trong lòng ngài tự bao giờ trỗi dậy.

Năm lên 9, theo bà ngoại đi hành hương núi Cửu Hoa. Năm 13 tuổi, Ngài đến viếng núi Phổ Đà. Từ dạo đó, hạt giống lành ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Đến năm 16 tuổi (1904 năm thứ 30 đời vua Quang Tự), Ngài quyết chí đến núi Phổ Đà xuất gia. Rủi đi nhầm thuyền qua Tô Châu, Ngài lại thẳng lên ngọn Tiểu Cửu Hoa, xin xuất gia với Khoan Công, Khoan Công đưa Ngài về Tứ Minh, làm lễ ra mắt sư tổ là Tráng Niên Lão Nhân. Tại đây, Ngài được chấp thuận và cắt tóc, mặc áo giải thoát.

Cuối năm đó, Ngài đến thọ Cụ túc giới với Hòa thượng Kính An Ký Thiền ở chùa Thiên Đồng. Giới tràng này có hàng trăm giới tử, Ngài là người nhỏ tuổi nhất, cũng là người đối đáp lanh lợi nhất; Hòa thượng Ký Thiền khen là Huyền Trang tái thế.

Bước đầu học vấn, Ngài theo pháp sư Kỳ Xương học kinh Pháp Hoa và tông chỉ Thiên Thai Giáo Quán cùng văn tự thế gian. Ngài cũng thường nghe các bậc danh sư đương thời như: Đạo Giai, Đế Nhàn… giảng giải các kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm…. Ngoài ra, Ngài tham cứu thêm về Thiền với Hòa thượng Ký Thiền. Sức lãnh hội phi thường của Ngài làm cho đồng bạn vô cùng thán phục.

Năm 18 tuổi, Ngài đọc Đại tạng kinh tại chùa Tây Phương ở Từ Khê. Khi đọc đến kinh Đại Bát Nhã, Ngài bỗng nhiên quên lửng thân, cảnh, trong tâm rỗng suốt, vọng niệm vắng bặt, trải qua hằng giờ như thế mà thấy như trong chốc lát, cho đến ngày hôm sau, thân tâm vẫn còn nhẹ nhàng khoan khoái. Từ đấy, đối với kinh điển Đại thừa, mỗi khi đọc đến là Ngài thấu hiểu cặn kẽ, như đã nằm sẵn trong lòng. Lại niệm nghi đối với các bản Ngữ lục của Thiền tông cũng tan rã như băng tuyết khi mặt trời xuất hiện.

Cuối đời Thanh, văn hóa Tây phương bắt đầu du nhập Trung Quốc, các luồng tư tưởng cách mạng nổi dậy như thể lửa bùng. Đồng bạn với Ngài, các pháp sư trẻ như Hoa Sơn, Kinh Ái… thảy đều hấp thu tư tưởng mới này, hăng hái cải cách Tăng đoàn, xây dựng xứ sở. Riêng Ngài, lúc ấy vẫn say sưa trong sách vở, với thời cuộc bên ngoài, lòng không chút xao xuyến.

Sau, nhân đọc các loạt bài của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, và sách báo phiên dịch từ Âu Châu, Ngài mới lập thệ cứu đời, dấn thân vào trần lao, giáo hóa.

Thế là, trang sử vẻ vang của Phật giáo được Ngài mở ra từ đây.

Vào Đông năm Tuyên Thống thứ nhất (1909) Ngài vừa 21 tuổi, theo Hòa thượng Kýù Thiền dự Đại hội giáo dục Phật giáo tại Giang Tô. Năm sau, Ngài đến Tịnh xá Kỳ Hoàn ở nửa năm. Mùa thu năm này, Ngài lãnh trách nhiệm giáo sư trường Tiểu học Phật giáo tại chùa Tiểu Vũ núi Phổ Đà. Năm 23 tuổi, Ngài giảng Phật pháp trong tỉnh Quảng Châu, rồi được cử chức trụ trì chùa Song Khê núi Bạch Vân.

Năm 1911, Ngài 24 tuổi, cùng pháp sư Nhơn Sơn, thành lập "Hội Trung Quốc pháp giáo Hiệp Tiến" tại Nam Kinh. Không bao lâu, Hòa thượng Ký Thiền tuẫn giáo vì cuộc vận động cho Phật giáo ở Bắc Kinh. Bấy giờ, cả tỉnh Thượng Hải cử hành lễ truy điệu. Giữa buổi lễ vừa long trọng, vừa đau khổ, vừa tức bực, Ngài công bố ba điểm.

- Chỉnh trang giáo lý.

- Chỉnh trang giáo chế.

- Chỉnh trang giáo sản.

Từ năm 1913 đến năm 1917, sau việc tổ chức Tổng hội Phật giáo Trung Hoa tại Thượng Hải, và làm chủ bút cho tờ Phật giáo Nguyệt San không kết quả như ý, Ngài về kiết thất ba năm tại Thiền viện Tích Lân núi Phổ Đà.

Thời gian này, Ngài nghiên cứu khắp hết kinh luận của các tông phái Phật giáo, nhưng với hai tông Duy Thức và Tam Luận, Ngài rất lưu tâm.

Ở đây, các vị Ấn Quang, Phật Sơn cũng thường lui tới đàm đạo với Ngài.

Ngoài ra, đối với học thuyết Đông Tây, xưa nay Ngài đều phán xét bằng cặp mắt Phật thừa và đều có viết bài bình luận. Có thể nói, đây là thời kỳ Ngài chuẩn bị một đường hướng mới thích hợp, để đáp ứng thời cơ, chấn hưng đạo pháp, xây dựng xứ sở. Chính thời gian này, bộ luận Chỉnh lý chế độ Tăng già ra đời, đồng thời các luận khác như Thiền Điển Tông, Pháp giới, Tam minh cũng lần lượt xuất hiện.

Điểm đặc biệt của Ngài trong thời gian nhập thất. "Có một chiều nhập định, nghe chuông lúc đầu vào buổi hoàng hôn, rồi Ngài vào trong Tam muội. Lúc sau nghe chuông báo xả định, Ngài xả ra mới hay trời đã sáng..."

Ngài cũng thường nói:

"Lúc nào thấy mệt mỏi, thân tâm không được điều hòa, để trị bệnh vặt này, chỉ có cách lấy bút mực ra thảo ít bài, liền thấy trong người thư thái..."

Vừa ra thất, Ngài đi Đài Loan, Nhật Bản, để quan sát những cải tiến của Phật giáo. Những điều mắt thấy, tai nghe, làm cho Ngài càng tin tưởng vào bộ Tăng già chế độ của mình vừa tung ra.

Chúng ta cũng nên hiểu thêm rằng, tiêu chuẩn cải cách của Thái Hư Đại Sư đưa ra là đặt sự cải cách trên nền tảng luật nghi, để tránh những tệ hại về sau.

Từ năm 1918 đến năm 1921, Ngài nhận lời yêu cầu của Hòa thượng Liễu Dư, giữ chức Tri chúng chùa Phổ Đà. Chẳng bao lâu, Ngài từ chức, rồi đi du hóa khắp nơi trong nước. Một mặt giảng diễn các kinh luận Đại thừa, để gây niềm tin chân chính cho mọi người. Mặt khác, Ngài tiếp xúc với các yếu nhân, Phật tử, sáng lập cơ quan truyền bá giáo lý, lập hội Chánh Tín Phật Giáo… Ngài đã gây thành phong trào học Phật mới mẻ chưa từng có.

Như lúc Ngài giảng Đại Thừa Khởi Tín tại Hán Khẩu, có cư sĩ Lý Ẩn Trần, ông đọc được Đạo Học Luận Hành, Lăng Nghiêm Nhiếp Luận của Ngài rồi khen : "Dẫu cho gặp Lục Tổ, chưa chắc Ngài đã độ được tôi, nhưng với văn chương tam muội thế này, đã làm cho tôi cúi đầu bái phục".


dai su thai hu-2
dai su thai hu-3
dai su thai hu-03

thai-hu-dai-su-02


Chính thời gian này, tờ Giác Xã Tùng Thư xuất hiện (tiền thân Nguyệt san Hải Triều âm) cùng các luận Phật Thừa Tông Yếu Tân Đích, Duy Thức… cũng lần lượt được xuất bản.

Về sau, Ngài được cử làm trụ trì chùa Tịnh Từ, nhưng gặp sự chống đối, Ngài lại bỏ đi.

Từ năm 1922, năm này Ngài 34 tuổi, đến năm 1928, Ngài càng hăng say sáng tác và để hết tâm lực vào công cuộc vận động cải cách Phật giáo nước nhà. Có thể nói, bao nhiêu hoài bão trong lòng, Ngài đều tung ra hết. Chính hai bài báo “Chi Hành Tự Thuật”, “Thích Tân Tăng” đã nói lên chí nguyện, cùng chỗ mong muốn của Ngài, đối với tiền đồ Đạo pháp và sự tồn vong của đất nước.

Trong năm 1923, Ngài cho ra một loạt bài tranh luận với cư sĩ Âu Dương Cánh Vô về Khởi Tín Luận có phải ngụy tạo chăng? Vấn đề tướng phần đồng chủng, biệt chủng, năm Phật giáng sinh.

Việc làm trên của hai vị đã làm cho giới học Phật bấy giờ càng thích thú nghiên cứu Phật pháp hơn nữa.

Sang năm 1924, Ngài có mở một "Đại hội Phật giáo Liên hiệp thế giới" tại chùa Đại Lâm. Kế tiếp bốn năm liền, Ngài giảng kinh Nhân Vương Hộ Quốc tại trường Đại Học Trung Hoa. Rồi đi thăm Ngũ Đài Sơn và hướng dẫn phái đoàn Phật giáo Trung Hoa đi Nhật tham dự "Đại hội Phật Giáo Đông Nam Á". Về nước, Ngài đi Thượng Hải lập "Phật Hóa Giáo Dục Xã", xuất bản tuần san Tâm Đăng, đến giảng tại Đại Học Hạ Môn và Phật Học Viện Mân Nam.

Bấy giờ trong nước cuộc chiến tranh đã lan tràn tới phương Bắc, Tăng, Ni bị bắt buộc phải hoàn tục. Trong tình thế này, Ngài có viết ra quyển Tăng Chế Kim Luân để vận động cho tân Phật giáo.

Năm 1927 ngài được mời làm trụ trì chùa Nam Phổ Đà và Viện trưởng Phật Học Viện Mân Nam. Cũng năm này, Đại học Lãng Phước đặt tại bên Đức mời ngài giảng về môn Trung Hoa. Khi đó Ngài có trước tác quyển "Tự Do Sử Quan" đã dịch ra tiếng Anh.

Năm sau, Ngài từ chùa Linh Ẩn (Hàng Châu) về giảng "Phật học đại cương" tại Nam Kinh.

Công việc vừa xong, ngài lại xuất dương công du các nước Âu Mỹ để diễn giảng. Ở đây, có rất nhiều học giả của các nước Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Mỹ nhiệt tình hoan nghinh ngài (Ghi rõ trong Hoàn du ký).

Ngài là vị tăng đầu tiên của Trung Hoa sang Âu Mỹ hoằng pháp và lập "Phật học Uyển" ở Pa-ri.

Từ năm 1929 đến năm 1939, Ngài nhận chức Ủy viên thường vụ "Hội Phật Giáo Trung Hoa" làm viện trưởng Viện Giáo lý Bá Lâm ở Bắc Kinh. Rồi vào Tứ Xuyên hoằng pháp, hợp với cư sĩ Lưu Tương lập "Viện Giáo Lý Hán Tạng"... và có kế hoạch đặt Phật học uyển tại Nam Kinh. Các Phật học viện Vũ Xương, Mân Nam, Bá Lâm, Hán Tạng cùng ba chùa Đại Lân, Quy Sơn, Tuyết Đậu đều thuộc Phật học uyển cả.

Sau đó, từ năm 1933-1935, ngài luân lưu giảng dạy ở các tỉnh lớn nước nhà Trung Hoa như: Triết Giang, Giang Nam, Thiểm Tây, Phước Kiến, Quảng Châu... và công du các nước châu Á, lập mối bang giao giữa các nước Phật giáo miền này với Trung Hoa.

Thời gian này các quyển Đại Thừa Tông Địa Đề Thích, Đại Thừa Duy Thức Chương Giảng Lục... lần lượt ra đời.

Năm 1941, Ngài giảng "Pháp tánh không tuệ học khái luận", "Trung Quốc Phật học" tại viện Giáo lý Hán Tạng, rồi trù bị cải tổ Giáo Hội Tăng già Trung Hoa, lập "Trung học đại hùng" ở Bắc Bồi và tổ chức "Hội Phật Giáo Trung Quốc", cũng chính Ngài giữ chức "Ủy viên chỉnh lý" trong đó.

Bài giảng cuối cùng của Ngài, đề tài là "Bồ tát học xứ", ngài giảng tại chùa Diên Khánh vào thượng tuần tháng 2 năm 1947.

Tháng sau, bệnh cũ tái phát và đến ngày 17/3 (25/2Âl) Ngài an tường từ giã cõi đời.

Tuổi đời của Ngài là 59, tuổi đạo được 43.

Ngày 19 làm lễ nhập kim quan, di thể Ngài ngồi tươi tắn như đang nhập định. Quàn cho đến ngày 8 tháng 4, người đến chiêm ngưỡng đông không kể xiết, và khi nhìn thấy dung nhan an tường của Ngài, ai nấy đều phát lòng tin Tam Bảo.

Môn nhân đưa linh cốt Ngài về chùa Tuyết Đậu cúng dường, phần xá lợi được chia đều cho các ngôi chùa lớn trong nước.



Bồ tát đã để cả một đời đề xướng cải cách Phật giáo trên ba phương diện:

Chỉnh trang giáo lý.

Chỉnh trang giáo chế.

Chỉnh trang giáo sản.

Song song với công cuộc chỉnh trang vừa nêu, Bồ tát lại chủ trương xướng lập "Tịnh độ Phật giáo tại nhân gian".

Để hướng dẫn hàng Tăng, tín đồ và tạo cho họ có niềm tin vững đối với Phật giáo cùng một lý tưởng sống để xây dựng xứ sở, Bồ tát tổ chức cơ quan truyền bá Phật thừa khắp nơi trên lãnh thổ. Bản thân Ngài đã hết sức chú trọng đến việc diễn giảng Phật lý phát huy tinh nghĩa Phật thừa, dung nạp các tư tưởng mới, loại bỏ mọi tà thuyết dị đoan và kêu gọi tinh thần đoàn kết, cầu học của Tăng, tục trên toàn thế giới.

Trên phương diện tôn giáo mà nhìn, thì Ngài là một vị Bồ tát thị hiện trong đời năm trược để cứu độ chúng sinh. Di sản của Ngài đến nay vẫn còn mà chúng ta được thừa hưởng là "Thái Hư Bồ Tát Tạng" gồm cả một đời thuyết giáo của Ngài.

Ngoài ra, tùy vào quan điểm mỗi người, có thể có những lối nhìn khác về cuộc đời của Đại sư. Phần này, bút giả xin hẹn một dịp riêng.

HT.THÍCH NHẬT QUANG


Source: http://thientongvietnam.net/


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]