Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần III: Những dữ liệu lịch sử do Ngài Pháp Hiển ghi lại

27/05/201312:16(Xem: 7619)
Phần III: Những dữ liệu lịch sử do Ngài Pháp Hiển ghi lại

Pháp Hiển, Nhà Chiêm Bái

Thích Minh Châu (1963)
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1997)

Nguyên tác: Thich Minh Chau (1963), "Fa-Hsien, The Unassuming Pilgrim", Nalanda, India
Bản dịch Việt ngữ: "Pháp Hiển, Nhà Chiêm Bái", Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1997),
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành


--- o0o ---

Phần III

Những tư liệu lịch sử và bán lịch sử
do Pháp Hiển ghi lại

--- o0o ---

1. Lịch sử và huyền thoại về đời Phật

Một bằng chứng sự cống hiến giá trị của Pháp Hiển cho lịch sử Phật giáo là chúng ta có thể căn cứ vào những tư liệu cung cấp trong ký sự của Ngài để viết lại lịch sử đức Phật. Không những ngài đã viếng thăm tất cả những địa điểm quan trọng liên hệ đến những hoạt động chính của Phật, mà ngài cũng không quên ghi lại những nơi trở thành Thánh địa nhờ sự hiện diện của đức Thế Tôn, và kể lại những giai thoại hay huyền thoại thuộc về vài khía cạnh của đời Phật. Những dữ kiện rải rác khắp ký sự của ngài cung cấp cho chúng ta đầy đủ tư liệu để khôi phục những giai đoạn chính trong cuộc đời của nhà sáng lập Phật giáo.

A. Đản sanh

Giấc mộng của Hoàng hậu Ma-gia và sự đản sanh của Phật tại vườn Lâm tỳ ni được chứng minh bằng những đoạn văn: "Trong cung điện cũ cuả vua Suddhodana [Tịnh Phạn], có hình ảnh của bà mẹ Thái Tử, với Thái Tử cỡi voi trắng vào thai mẹ" (c: 4a, 18-19). "Cách 50 dặm về phía Đông đô thành, có một vườn thượng uyển tên Lumbini [Lâm-tỳ-ni]. Hoàng hậu tắm xong từ bờ phía Bắc đi ra khỏi ao tắm bước 20 bước, đưa tay vin một cành cây, và trong khi mặt day về phương Đông, bà sinh Thái Tử. Khi Thái Tử xuất hiện trên đất, ngai bước đi 7 bước và được hai Long vưong tắm rửa. Nơi ngài tắm biến thành một cái giếng. Những tu sĩ thường đến uống nước trong giếng này, và trong ao" (c: 4b, 2-4).

B. Thiếu thời và tuổi trẻ

Tuổi thơ của Thái tử, một vài việc quan trọng lúc thiếu thời của ngài, khát vọng của ngài sống đời cao thượng được mô tả trong đoạn sau đây: "Ở đây cũng là những nơi A-tư-đà xem tướng thái tử, nơi thái tử cùng Nan-đà và những vị khác thắng một con voi và bắn tên. Một mũi tên được bắn ra từ đây bay về phưong Tây Nam cách 30 dặm, xuyên xuống đất khiến một dòng suối chảy lên. Người sau đã đào tại đấy một cái giếng cho người đi đường uống" (c: 4a, 19-20). "Cách thành vài dặm về phía Đông Bắc là một thửa ruộng của hoàng gia, nơi Thái tử đã ngồi dưới cây ngắm nhìn những người cày ruộng" (c: 4b, 2).

C. Xuất gia và tu khổ hạnh

Những đoạn sau đây tả Thái tử lần đầu tiên tiếp xúc cuộc đời, sự xuất gia tu khổ hạnh của ngài:

"Một ngôi tháp được xây dựng tại chỗ Thái tử ra cổng Đông thành, trông thấy một người ốm và bảo người đánh xe quay về". (c: 4a, 19).

"Từ tu viện Sràmanera đi về phía Đông cách 3 do-tuần là nơi Thái Tử bảo Xa-nặc quay xe bạch mã trở về" (c: 4b. 11).

"Đi về Phía Nam 20 dặm, họ đến một nơi ngày xưa Bồ tát tu khổ hạnh trong 6 năm. Chỗ này là một rừng cây gỗ" (c: 6a, 2-3).

"Lại đi 2 lý về phía Bắc, họ đến một nơi ở đấy cô gái Gramika dâng cháo sữa cúng Phật" (c: 6a, 3-4).

"Từ nơi này đi thêm 2 dặm về phía Bắc, họ đến một nơi ngày xưa Phật đã ngồi trên tảng đá dưới gốc cây để dùng cháo ấy, mặt hướng về phương Đông" (c: 6a, 4).

"Từ chỗ này đi thêm nữa do-tuần ề phía Đông Bắc, họ đến một hang đá. Nơi đây đức Bồ tát đã ngồi kiết-già mặt hướng về Tây, nghĩ rằng nếu ngài sẽ thành Phật thì hãy có vài phép lạ hiện ra. Khi ấy trên vách đá liền xuất hiện một cái bóng của Phật cao chừng 3 tấc. Ngay cả bây giờ, cái bóng ấy vẫn còn hiện rõ.

Lúc ấy, trời đất rung chuyển mạnh, và chư Thiên trong không trung nói: "Đây không phải chỗ mà chư Phật quá khứ vị lai sẽ đạt giác ngộ. Từ đây đi về phía Tây Nam chưa đến nửa do tuần, dưới một cây bối đa, là nơi mà chư Phật quá khứ vị lai đạt thành Chánh Giác". Nói xong chư Thiên ca hát đi trước dẫn đường; Bồ tát đứng dậy đi theo".

"Ba mươi bước cách cây ấy, chư Thiên dâng cúng ngài một ít cỏ cát tường và đức Bồ-tất đã nhận lấy. Ngài bước thêm 15 bước, bỗng có 500 con chim xanh bay đến liệng quanh ngài 3 vòng rồi bay đi. Đức Bồ Tát đến trước cây pattra [Bối đa] trải cỏ cát tường và ngồi xây mặt về hướng Đông. Vào lúc ấy Ác ma sai 3 cô gái đẹp từ hướng Bắc đến cám dỗ ngài, còn chính ông ta thì đến từ hướng Nam để thách thức Bồ Tát. Ngài ấn mũi chân trên đất thì đạo quân ma bỏ trốn, còn 3 cô gái biến thành những bà già" (c: 6a, 5-9).

"Ngưòi đời sau đã dựng những tháp và hình ảnh còn tồn tại đến ngày nay tại nhưng nơi sau đây:

- Nơi Phật sau khi giác ngộ, trải qua 7 ngày ngắm cây và thưởng thức đại lạc giải thoát.
- Nơi Đức Phật kinh hành từ Đông sang Tây dưới gốc cây bối-đa.
- Nơi chư Thiên hóa hiện một điện thờ làm bằng 7 báu để dâng Phật trong 7 ngày.
- Nơi con rắn mù mucilinda quấn quanh Phật trong 7 ngày.
- Nơi đức Phật ngồi trên một tảng đá vuông dưới cây Ni-câu-luật, mặt hướng về Đông, khi Phạm thiên đến thỉnh Ngài thuyết pháp.
- Nơi bốn vua Trời [Tứ thiên vương] dâng cúng Ngài cái bát.
- Nơi 500 người buôn dâng cúng Ngài bột và mật" (c: 6a, 9 - 11).

E. Đức Phật du hóa thuyết pháp

Bài pháp đầu tiên của Phật cho 5 vị Tỳ-kheo, sự cải hóa 3 anh em Ca-diếp, và một vài giai đoạn quan trọng trong cuộc du hóa của Ngài được Pháp Hiển kể lại, theo địa điểm như sau:

a) Tại Sarnath:

"Cách chừng 10 dặm về phía Đông Bắc thành Vàrànasi [Ba-la-nại] trong tinh xá Kỳ Viên, khởi thủy có một vị Độc Giác sống và thường có nai hoang lui tới. Khi Đức Thế Tôn sắp thành Phật, chư Thiên trên trời loan báo: "Thái tử của vua Tịnh Phạn, người từ bỏ đời sống gia đình để thực hành Chánh Pháp, 7 ngày nữa sẽ thành Phật". Vị Độc Giác Phật sau khi nghe thế bèn nhập Niết Bàn, do vậy nơi này được gọi là vuờn Nai của cac vị Tiên nhân. Sau khi đức Phật thành Chánh Giác, người đời sau dựng một tinh xá tại đây." (c: 6b, 9-11).

"Đức Phật muốn độ cho Kiều-Trần Như và 4 người bạn đồng tu. Cả 5 vị này bảo nhau, ẩn sĩ Gotama đã thực hành khổ hạnh trong 6 năm, chỉ ăn mỗi ngày một hột mè và một hột gạo mà vẫn không thể đạt thành Chánh Giác. Thế mà bây giờ lại đi vào trong nhân gian, buông thả thân miệng ý, thì làm sao đạt chân lý được? Khi anh ta đã đến; chúng ta đừng nói chuyện với y. Nhưng khi Đức Phật đến gần thì cả 5 người đều đứng lên thi lễ" (c: 6b, 11 - 13).

"Lại đi thêm 60 bước về phía Bắc họ đến một nơi ở đấy ngày xưa đức Phật đã ngồi xoay mặt về hướng Đông mà chuyển hóa độ 5 anh em ông Kiều Trần Như" (c: 6b, 13),

"Hai mươi bước từ nơi này đi về hướng Bắc, là nơi mà đức Phật đã tiên đoán tương lai của Bồ tát Di-lặc" (c: 6b, 13).

"Năm mươi bước về phía Bắc nơi này, là chỗ mà con rồng Y-bát-la đã hỏi Phật: "Khi nào thì con có thể thoát thân rồng?" (c: 6b 13-14).

b) Tại Gayà:

"Nơi Đức Phật độ cho ba anh em Ca-diếp và 1000 đệ tử của họ" (c: 6a, 11 - 12).

c) Tại Pàtaliputra [Ba-liên-phất].

"Từ chỗ này (đô thị Địa Ngục) về phía Đông Nam 9 do-tuần, có một ngọn núi nhỏ đứng cô đơn, trên đỉnh có một hang đá. Trong cái hang này Đức Phật đã từng ngồi xoay mặt về hướng Nam. Trời Đế Thích phái nhạc công cõi trời là Pancasikha [Pan Che] đến thổi sáo cho Phật nghe và hỏi Phật về 42 điểm. Đức Phật làm dấu mỗi câu hỏi bằng một vạch trên đá với ngón tay của Ngài. Những dấu ấy nay vẫn còn" (c: 5b; 5-6).

"Đi về phía Tây dọc sông Hằng 10 do tuần. Pháp Hiển đến một tu viện tên Anavi (Hoang Dã) Đức Phật đã từng sống ở đấy" (c: 6b; 8-9).

d) Tại Xương Xá:

"... Đấy là nơi Ni-kiền-tử đào một hố lửa và dọn cơm độc để hại Phật, nơi A-xà-thế phục rượu cho voi đen say để hại Ngài" (c: 5b, 9-10).

"Ở khúc quanh về phía Đông Bắc đô thị, là nơi Jìvaka [Kỳ-bà] dựng một tu viện trong vườn xoài để dâng cúng Phật và 1250 đệ tử" (c: 5b, 10).

"Không đầy 3 dặm từ đỉnh núi Linh Thứu, có một hang đá hướng về Nam. Ngày xưa đức Phật đã ngồi Thiền ở đấy. Phía Tây Bắc, cách 30 bước có một hang đá khác. Một hôm trong lúc A-nan ngồi Thiền tại đây, Ma vương Pisuna hóa làm con chim Thứu đến khủng bố Tôn giả. Đức Phật đã duỗi tay xuyên qua đá mà vỗ vai A-nan. Nỗi sợ hãi của Tôn giả liền tiêu tan" (c: 5b, 11-12)

"Một lần khi đức Phật đang kinh hành theo hướng Đông Nam trước hang đá của Ngài, Đề-bà-đạt-đa từ hướng Bắc của mỏm núi đã lăn đá xuống làm chảy máu chân Phật (c: 5b, 13-14).

"Ngày xưa đức Phật giảng Kinh Lăng Nghiêm tại núi Linh Thứu" (c: 5b, 15).

"Cách 300 bước về phía Tây của Nan Sơn, có một hang đá tên là Pippala nơi Đức Phật thường ngồi Thiền sau bữa ăn" (c: 5b, 17-18).

e) Tại Ca-tỳ-la-vệ:

Những ngôi tháp đã được xây dựng tại những chỗ sau đây: "Nơi Phật về thăm thân phụ sau khi thành Chánh Giác; nơi 500 người con trai dòng Thích Ca xuất gia đến đảnh lễ Ưu-ba-ly; vào lúc ấy quả đất rung động 6 lần; nơi Đức Phật giảng pháp cho chư Thiên với Tứ thiên vương canh giữ bốn cửa để ngăn vua Tịnh Phạn đi vào; nơi Đức Phật ngồi dưới cây Ni-câu-luật xoay mặt về Đông lúc bà Mahàpàjapati [Ma-ha-ba-xà-ba-đề, Đại Ái Đạo] cúng Ngài y Tăng-già-lê. Cây ấy hiện nay vẫn còn. Tại đây cũng có một cái tháp dựng lên tại chỗ vua Lưu Ly tàn hại con cháu dòng Thích Ca, những người này đã đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn" (c: 4a, 30; 4b, 1-2).

f) Ở Ô-trường [Udyàna]:

"Theo truyền thuyết, khi đức Phật viếng thăm miền Bắc Ấn Độ. Ngài đã viếng xứ này.Ngài để lại dấu chân ngắn dài tùy tâm trí người nhìn. Dấu chân này hiện nay vẫn còn. Người ta còn thấy được tảng đá trên đó Ngài đã phơi áo, chỗ Ngài đã cải hóa một con rồng dữ..." (c: 2a, 1-2).

g) Ở Phất-lâu-sa [Purushapura]:

"Xưa đức Phật cùng chúng đệ tử đã du hành trong xứ này. Ngài đã nói với A-nan: "Sau khi ta nhập Niết Bàn, một vị vua tên Kanishka [Ca-nị-sắc-ca] sẽ xây một cái tháp ở đây" (c: 2a, 8-9).

h) Tại Na-kiệt [Nagarahàra]:

"Cách thành Nagarahàra nửa do tuần về phía Nam, hướng Tây Nam ngọn núi, có một hang đá nơi đức Phật đã để lại cái bóng của Ngài" (c: 2b, 6).

"Chừng 100 bước vè phía Tây của hang Bóng Phật, là nơi Đức Phật đã cạo tóc và cắt móng tay. Ngài đã đích thân cùng các đệ tử xây một cái tháp cao 70-80 bộ để làm mẫu cho những cái tháp tương lai. Tháp này hiện nay vẫn còn" (c: 2b, 8).

i) Tại Tăng-già-thi [Sankàsya]:

"Từ đây họ du hành 18 do-tuần về phía Đông Nam thì đến một xứ gọi là Sankàsya nơi đức Phật đã xuống từ cõi trời 33 sau khi lên trời giảng pháp cho mẹ trong 3 tháng. Đức Phật đã vân thần thông lên trời nên chúng đệ tử không biết được việc ấy. Bảy ngày sau ngài rút phép thần thông. Anuraudha [A-na-luật] với thiên nhãn đã thấy được đức Thế Tôn nên bảo Mục-kiền-Liên: "Hiền giả hãy đi đảnh lễ đức Thế Tôn" Mục-Kiền-Liên bèn đi đến nơk, cúi đầu dưới chân Phật và kính chào Ngài. Sau đó đức Phật bảo Mục-kiền-liên, 7 ngày sau ta sẽ trở xuống Diêm-phủ-đề. Mục-kiền Liên liền trở về cõi đất. Bấy giờ vua của 8 nước cùng đại thần và dân chúng đã lâu không thấy Phật nên rất nóng lòng yết kiến Ngài, họ tụ lại như mây tại xứ này để chờ Ngài trở về. Khi ấy một Ni cô tên là Utpala nghĩ: "Nay các vua quan và quần chúng ai cũng chờ đón đức Phật. Là một nữ nhân làm sao ta có thể thấy được Ngài trước tiên?". Cô liền hóa phép tự biến thành một vua. Chuyển luân nên được yết kiến Đức Phật trước tiên".

Huyền Trang cũng nói đến việc này nhưng ít chi tiết hơn; ngài đã bỏ bớt vai trò A-na-luật và Mục Kiền Liên, và bỏ chuyện A-dục vương làm những cái thang. Trong ký sự của Huyền Trang, 3 cái thang được trời Đế Thích làm ra, giữa bằng vàng, cái bên trái bằng pha lê và bên phải bằng bạc . Ngài kể rằng nhiều thế kỷ về trước, những cái thang vẫn còn, nhưng bây giờ đã biến mất. Bởi thế những vương tử ở vùng lân cận đã xây 3 cái thang bằng gạch và đá, mỗi cái cao 70 bộ. Trên nóc những thang ấy họ dựng một tinh xá [Vihara, Tòng Lâm]. Tại đây A-dục vương đã xây một trụ đá cao 70 bộ, trên đỉnh đặt một tượng sư tử. Huyền Trang cũng nói đến câu chuyện Ni Utpala nhưng với một kết thúc khác. Mặc dù bà hoá làm vua Chuyển luân, nhưng cũng không được thấy Phật trước tiên. Trong lúc ấy Tu-bồ-đề vẫn ngồi yên trong hang đá, nhưng nhờ liễu trí tánh không của vạn pháp với tuệ nhãn ngài đã thấy được pháp thân của Phật trước. Điều này được Phật xác nhận với Utpala khi Ngài từ trên trời trở xuống".

"Đức Thế Tôn từ cõi trời ba mươi ba xuống đất và làm xuất hiện một chiếc thang với 3 đường làm bằng châu báu. Phật xuống đường giữa làm bằng 7 báu. Phạm thiên hóa hiện một cái thang bằng bạc, tay cầm quạt lông theo hầu bên phải Phật. Vô số chư Thiên tháp tùng theo hầu Phật xuống đất. Khi Ngài xuống đến đất thì cả 3 cái thang biến mất trong đất, chỉ còn trồi lên bảy bực. Về sau vua A-dục muốn biết chiều sâu của những cái thang, đã cho người đào thử. Họ đào xuống đến hoàng tuyền mà cũng chưa tới đầu kia cái thang. Điều này càng làm cho vua thêm tín tâm, bởi thế ông đã xây một ngôi chùa trên những bực thang ấy. Trên cái thang giữa, ông đã đăt tượng Phật cao 16 bộ" (c: 3a, 8 - 15).

"Cách năm mươi do-tuần phía Bắc chùa Rồng, có một ngôi chùa gọi là Agnidagdha, tên một ác quỷ đã được Phật hóa độ" (c: 3b, 2-3)

j) Tại thành Kanyàkubja:

"Cách sáu bảy dặm phía Tây thành, trên bờ bắc sông Hằng, là nơi đất Phật giảng pháp cho chúng đệ tử. Theo truyền thuyết, Ngài đã giảng về vô thường khổ không, và dụ thân này với bọt nước' (c: 3b, 8-9).

k) Tại làng Hari:

"Họ vượt qua sông Hằng, đi bộ về hướng Nam do tuần thì đến làng Hari. Những ngôi tháp dựng tại những nơi Phật thuyết pháp, noơi Ngài kinh hành và ngồi thiền" (c: 3b, 9).

l) Tại Vaisàkha:

"Ở cổng Nam Thành này, phía Đông con đường, Phật có lần chà răng bằng cành dương xong, cắm nó xuống đất. Cành ấy mọc thành một cây cao bảy bộ, và từ đấy trở đi vẫn giữ chiều cao ấy không Tăng giảm. Ngoại đạo ganh ghét chặt phá, nhổ gốc quăng bỏ, nhưng cây khác lại mọc lên" (c: 3b, 10-11).

m) Tại Xá vệ:

"Khi Phật lên cung trời ba mươi ba để thuyết pháp cho mẹ trong ba tháng, vua pasenadi [Ba-tư-nặc] nhớ Phật, sai thợ khắc hình tượng Ngài bằng gỗ chiên-đàn và đặt tượng ngồi trên tòa của Phật. Về sau, khi Phật trở về, tượng bèn rời chỗ đi ra đón chào Ngài. Phât dạy: "Ngài cứ ngồi yên chỗ. Sau khi tôi nhập Niết bàn. Ngài sẽ làm mẫu mực cho bốn chúng đệ tử tạc tượng trong tương lai". Khi ấy tượng trở lại chỗ ngồi. Đây là pho tưọng Phật đầu tiên đã được tạc, và người đời sau lấy mẫu từ đó. Rồi đức Phật dời về một tu viện nhỏ khác ở phía Nam, cách chỗ của tượng tưởng chừng 20 bộ" (c: 3b, 15 - 17).

"Cách tinh xá 4 dặm về phía Tây Bắc là một khu rừng có tên Được Mắt. Ngày xưa 500 người mù sống tại đây, gần nơi Phật ở. Đức Phật đã giảng Pháp cho họ, và tất cả đều sáng mắt trở lại. Những người mù mừng rỡ cắm gậy vào đất và cúi đầu đảnh lễ Phật. Những cây gậy của họ mọc rễ và lớn lên cao. Dân chúng không dám chặt, bởi thế chúng thành một khu rừng có tên là rừng Được Mắt. Chư Tăng từ tinh Xá Kỳ Viên sau khi ngọ trai thưòng đến khu rừng này để ngồi Thiền" (c: 4a, 2 - 3).

"Từ 6-7 dặm về phía Đông Bắc của tinh xá Kỳ Viên là nơi bà Visàkha [Tỳ-xá-khư] đã dựng một tu viện để cúng Phật và chúng đệ tử, đến nay vẫn còn dấu tích ngôi chùa đổ nát" (c: 3a, 3 - 4).

"Tu viện Kỳ Hoàn có 2 cổng, một hướng về Đông, một hướng về Bắc. Ngôi vườn này là nơi ngày xưa trưởng giả Cấp Cô Độc lót vàng trên đất để mua. Hương thất của Phật đứng ở giữa. Đức Phật ở đây trong một thời gian khá dài, giảng dạy giáo pháp, cải hóa nhiều người, kinh hành và Thiền Định. Khắp nơi đều có tháp kỷ niệm, mỗi cái có một tên riêng. Ở đây cũng là nơi ngoại đạo nữ tên Sundari [Tôn đà lợi] tự để cho đồng đạo giết để vu oan cho Phật" (c: 4a, 4-5).

"Từ phía cổng Đông của tinh xá đi 70 bước, phía Tây con đường là nơi ngày xưa đức Phật đã biện luận với 96 phái ngoại đạo. Vua, đình thần và cư sĩ tụ họp lại đây để nghe tranh luận. Một nữ ngoại đạo tên Cinca dã độn bụng một bó vải giả bộ có thai để phao vu cho Phật trước mặt chúng hội. Khi ấy trời Đế Thích biến thành con chuột trắng cắt dây độn bụng làm cho bó vải rơi xuống đất. Đất bèn mở ra chôn sống nàng" (c: 4a, 5-8).

"Đây cũng là nơi Đề-bà-đạt-đa tẩm độc móng tay để hại Phật và đã sa xuống địa ngục sống đang sống. Người đời sau đã ghi dấu những nơi này" (c: 4a, 8) "Cũng tại đây Đề-bà-đạt-đa có một toán đệ tử đảnh lễ 3 vị Phật quá khứ mà không lễ đức Phật Thích-ca" (c: 4a; 1-4).

"Phía Đông Bắc thành Xá-vệ cách 4 dặm là nơi vua Lưu Ly gặp Phật đứng bên vệ đường khi ông muốn khởi hành chinh phạt bộ tộc Thích-Ca" (c: 4a, 14-15).

n) Tại xứ Kausambi [Câu diệm bì]:

"Ngôi chùa ở đây tên gọi là Ghoshira [Cù-sư-la]; ngày xưa đức Phật đã sống ở đấy" (c: 5b, 15-16).

"Từ đây đi về phía Đông 8 do-tuần, là nơi đức Phật ngày xưa đã hàng phục một ác quỷ. Cũng tại đây Ngài đã sống, kinh hành, và ngồi Thiền" (c: 6b, 15-16).

o) Tại xứ Champa:

"Về phía Đông 18 do-tuần xuôi sông Hằng, ở phía bờ Nam có một xứ lớn gọi là Champà. Ở đây có tháp được xây trên di tích tu viện của Phật, nơi Ngài kinh hành, nơi Ngài Thiền định" (c: 7a 9-10).

p) Tại đảo Sư Tử:

"Có lần Đức Phật đã đến xứ này để hàng phục một con rồng dữ. Ngài dùng thần thông đặt một chân ở phía Bắc hoàng cung, chân kia đặt trên đỉnh núi. Hai dấu chân cách nhau 15 do-tuần" (c: 7a, 16).

q) Tại Tỳ-xá-ly:

"Về phía Bắc thành Tỳ-xá-ly là Giảng đường lầu trong khu Rừng Lớn, nơi đức Phật đã từng sống" (c: 4b, 15-16).

"Trong thành này, tín nữ Amràpali đã xây một ngôi tháp cúng Phật, hiện nay vẫn còn dấu tích" (c: 4b, 16).

"Cách đô thành 3 dặm về phía Nam, ở phía Tây con đường là nơi tín nữ Amràpali đã dâng cúng Phật một khu vườn và xây cho Ngài một tu viện" (c: 4b, 16-17).

F. Đức Phật nhập Niết bàn

Hành trình cuối cùng của Phật từ Tỳ-xá-ly đến Câu thi na, sự Niết bàn của Ngài, sự hỏa thiêu Xá-lợi được kể lại trong những đoạn sau đây:

a) Tại Tỳ-xá-ly:

"Bên cạnh tháp Buông Cung Gậy, đức Phật bảo A-nan: 3 tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết Bàn, A-nan bị ma ám đã không thỉnh cầu Phật lưu lại đời thêm nữa" (c: 5a, 4-5).

"Khi thời gian Niết bàn của Ngài đã gần kề, đức Phật cùng các đệ tử ra khỏi thành Ty-xá-ly hàng cổng phía Nam. Ngài xoay mình v62 bên phải nhìn thành Tỳ-xá-ly mà bảo các đệ tử: Đây là nơi cuối cùng mà Như Lai viếng thăm. Người đời sau đã dựng ngôi tháp tại chỗ này" (c: 4b, 17-18).

"Từ chỗ này họ đi thêm 12 dặm về phía Đông Nam, và gặp địa điểm ở đó những người dòng họ Licchavi [Lê-xa] mong muốn tiễn đưa Phật đến nơi Ngài nhập Niết-bàn. Nhưng Phật không bằng lòng và họ cũng không chịu trở lui. Đức Phật bèn hóa hiện một cái hố sâu trước mặt, làm họ không qua được. Rồi Ngài cho họ cái bát khất thực để kỷ niệm và bảo họ lui về. Một ưu đá có khắc bia được dựng tại nơi này". (c: 4b, 14-15).

b) Tại Câu-thi-na:

"Đi thêm 12 do-tuần về phía Đông, họ đến thành Câu-thi-na. Về phía Bắc thành này, giữa hai cây sala bên bờ sông Ni-liên, đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn chỗ này, đầu hướng về phương Bắc" (c: 4b, 12-13).

"Tháp và chùa được dựng tại những nơi như sau:

- Nơi Subhadra [Tu-bạt-đà-la] đệ tử cuối cùng của Phật gia nhập Tăng đoàn.
- Nơi đức Thế Tôn nằm trong một quan tài bằng vàng và nhận cúng dường trong 7 ngày.
- Nơi Vajrapàni [Kim Cương Thủ] đặt khí giới bằng vàng xuống.
- Nơi 8 vua chia nhau Xá Lợi của Phật" (c: 4b, 12-13).

2. Những tiền thân của Phật

Trong Phật Quốc Ký, Pháp Hiển đã kể lại chuyện tiền thân của Phật:

"Từ đây (chùa thờ xương sọ Phật) đã về phía Bắc một do-tuần, thì đến thủ đô nước Na Kiệt [Nagarahàra]. Đây là nơi đức Bồ Tát đã mua 5 cái hoa để dâng cúng đức Phật Samàdhiprabhà [Định Quang]" (c: 2b; 3-4).

"Ngày xưa Đế Thích muốn thử Bồ Tát, đã hóa làm diều hâu quắp bồ câu, và dụ Bồ tát cắt thịt để chuộc bồ câu. Sau khi đạt giác ngộ ngang qua chỗ ấy (Suvastu - Tú-ha-đa) Phật đã nói với chúng Đệ Tử: "Đây là nơi mà ngày xưa Ta đã cắt thịt để chuộc bồ câu" (c: 2a, 3-4) "Lại Bồ tát đã bố thí mất. Một bảo tháp trang trí bằng vàng được xây trên chỗ này" (c: 2a, 5).

"Khi Đức Phật còn là Bồ Tát, ngài đã bố thí đầu tại chỗ này, do đó chỗ này có tên là Cắt Đầu (Takshasilà - Trúc-sát-thi-la)" (c: 2a, 6).

"Ba dặm về phía Tây Bắc thành Tỳ-xá-ly có một ngôi tháp gọi là Buông Cung Kiếm, Tháp có tên như vậy vì câu chuyện sau đây:

"Trên thượng lưu sông Hằng có một xứ do một ông vua cai trị. Một bà thứ phi của vua sinh một bào thai kỳ dị. Hoàng hậu do ganh tị nên bảo: "Ngươi đã sinh một điểm xấu". Rồi bà ra lệnh bỏ bào thai vào một hòm gỗ ném xuống sông Hằng. Ở hạ lưu sông Hằng có một ông vua khác đang ra ngoài dạo chơi. Trông thấy chiếc hòm nổi trên dòng sông, ông mở ra thì thấy 1000 bé trai xinh đẹp. Vua đem về nuôi, chúng trở thành những thanh niên lực lưỡng đánh đâu thắng đó. Sau đó họ đến tấn công vương quốc của người cha đang hết sức lo lắng buồn khổ. Bà thứ phi hỏi nguyên nhân, vua bảo: "Ông vua xứ kia có 1000 vương tử bách chiến bách thắng sắp kéo đến đánh nước ta. Do đó mà ta sầu não" Thứ phi nói "Hoàng thượng đừng lo. Xin dựng một tòa tháp cao cho tôi lên, tôi sẽ hàng phục được chúng". Nhà vua làm theo yêu cầu. Khi quân địch kéo đến, bà thứ phi lên đỉnh tháp gọi: "Hỡi các con trai của ta, sao dám phản nghịch". Quân giặc nói: "Con cái hồi nào? Bà nói bậy". Thứ phi nói: "Nếu các ngươi không tin ta, hãy nhìn lên đây mà hả miệng ra". Tức thì bà nặn ngực mình với hai bàn tay, và từ mỗi bầu vú bà tuôn ra 500 tia sữa rơi tuốt vào trong miệng của 1000 đứa con trai. Khi nhận ra đấy là mẹ mình, họ bèn buông gậy xuống. Hai vua trầm tư về việc này và trở thành những vị Phật Độc Giác này hiện nay vẫn còn. Về sau khi Đức Thế Tôn thành Phật, Ngài đã bảo đệ tử: "Đây là nơi ngày xưa ta đã buông cung kiếm. Người đời sau biết như vậy bèn xây tháp trên chỗ ấy và đặt tên theo đó. Một ngàn người con trai ấy chính là 1000 vị Phật trong Hiền kiếp [Bahadra Kalpa]" (c: 4b, 18-20; 5a, 1-4).

3. Các đức Phật khác và các vị A-la-hán

Không những chúng ta có thể viết lại đời sống của Phật Thích Ca nhờ những tài liệu trong tập Ký sự của Pháp Hiển, mà qua đó ta còn có thể biết thêm vài điều về ba vị Phật trước Phật Thích Ca, về Phật Di Lặc, về một vài vị Độc giác và La Hán.

1- Bốn đức Phật:

"Còn có tháp tại những nơi ba vị Phật quá khứ và đức Thích Ca đã ngồi thiền hoặc kinh hành " (c: 3a, 18).

"Lại nữa, ở đây (nước Vaisàkha) cũng là những nơi mà bốn đức Phật đã từng đi và ngồi. Dấu tích của tháp hiện vẫn còn đến ngày nay". (c: 3b, 11).

"Trước hang động (trên đỉnh Linh Thứu, là chỗ mà bốn đức Phật đã từng ngồi (c: 5b - 13).

"Tháp được dựng lên tại chỗ mà bốn đức Phật đã ngồi [Ở Champà]" (c: 7a, 10).

2- Đức Phật Câu-lưu-tôn:

"Từ thành Xá vệ đi thêm 12 do-tuần về phía Đông Nam, họ đến một thành phố tên Napika. Đây là nơi Đức Phật Krakucchanda [Câu-lưu-tôn] đản sinh, gặp thân phụ và nhập Niết bàn. Những nơi này cũng có tháp được xây lên" (c: 4a, 16-17).

3- Phật Câu-na-hàm-mâu-ni:

"Từ chỗ này đi về phía Bắc không đầy một do tuần, họ đến một thành phố nơi đức Phật Kanakamuni [Câu-na-hàm-mâu-ni] đản sinh, gặp thân phụ và nhập Niết Bàn; cũng có tháp xây tại những nơi này" (c: 4a, 17).

4- Phật Ca diếp:

"Cách thành Xá vệ 50 dặm về phía Tây họ đến một thành phố tên Tadwa, nơi đức Phật Ca-diếp đản sanh, gặp thân phụ và nhập Niết Bàn Niết-Bàn. Những nơi này cũng có tháp được xây lên" (c: 4a, 16-17).

"Một ngôi đại tháp cũng được xây dựng trên Xá lợi của toàn thân Phật Ca-diếp". (c: 4a, 16).

"Ở đây có một ngôi chùa của Phật Ca-diếp ngày xưa được khắc trong núi đá, có 5 tầng. Dưới cùng là hình con voi có 500 hang đá; tầng hai có hình sư tử với 400 hang; tầng ba hình ngựa với 300 hang, tầng 4 hình bò với 200 hang và tầng 5 hình chim bồ câu với 100 hang. Trên đỉnh núi có dòng nước chảy xuống lượn quanh các hang đá qua một đường vòng cho đến khi xuống tầng thấp nhất mà ra đến cổng. Rải rác đó đây có một khe hở luồn qua các hang đá khiến cho ánh sáng lọt vào, không một xó góc nào bị chìm trong bóng tối. Bốn góc mỗi hang đá đều có những bực cấp. Người này nay nhỏ thó, phải dùng những bực cấp này để leo lên đỉnh, nhưng những người xưa chỉ cần bước một bước là lên tới. Do điều này, ngôi chùa được gọi là Po lo yuch. Po lo yuch tiếng Ấn độ nghĩa là bồ câu. Có những người xưa chỉ cần bước một bước là lên tới. Do điều này, ngôi chùa được gọi là Po lo yuch. Po lo yuch tiếng Ấn Độ nghĩa là bồ câu. Có những vị La-hán sống ở đây" (c: 6b, 16-20).

5- Phật Di Lặc:

"Tại xứ này (Darada - Đà lịch), có một vị La hán có thần thông đã đưa một nhà điêu khắc lên cõi trời Đâu suất quan sát hình dung của Phật Di-lặc để về tạc tượng. Sau khi lên trời Đâu suất ba lần, thợ điêu khắc đã hoàn thành pho tượng cao 80 bộ đáy rộng 80 bộ, thường phát quang vào những ngày Bồ-tát. Vua chúa các nước tranh nhau lễ bái cúng dường, đến nay tượng vẫn còn tại nước Darada (c: 1b, 13-15).

"Hai mươi bước từ nơi này (chỗ Phật thuyết phát cho 5 Tỳ-kheo đầu tiên) là nơi đức Phật đã tiên đoán tương lai Di-lặc". (c: 6b, 13).

6- Độc giác.

"Có một ngôi chùa có 600-700 Tỳ-kheo. Đây là nơi ngày xưa một vị Độc Giác đã nhập Niết bàn. Địa điểm này lớn bằng cái bánh xe. Cỏ mọc khắp nơi nhưng không mọc ở nơi này. Tại nơi ngày xưa Ngài đã phơi áo, cỏ cũng không mọc. Những lằn y vẫn còn hiện rõ" (c: 3b, 6-7).

"Khi hai vị vua trầm từ về sự cố 1000 vương tử đã buông bỏ khí giới vì nhận ra mẹ mình, họ đều trở thành Độc Giác. Ngày nay tháp của hai vị Độc Giác này vẫn còn" (c: 5a, 3)

"Chừng 10 dặm về phía Đông Bắc thành Vàrànasi [Ba-la-nai] là di tích Vưòn Nai. Khởi thủy có một vị Độc Giác sống trong vườn này, nơi thường có những con nai lui tới. Khi đức Thế Tôn sắp thành Chánh Giác, chư Thiên công bố: "Thái tử con vua Tịnh Phạn người đã từ bỏ đời sống gia đình để tu tập Pháp, 7 ngày nữa sẽ thành Phật". Sau khi nghe thế, vị Độc Giáp nhập Niết Bàn. Bởi thế nơi này được gọi là Vườn Nai cuả các Tiên nhân. Sau khi Đức Phật thành Chánh giác, người đời sau đã xây một tịnh xá tại đây" (c: 6b, 9-11).

7- La hán.

"Mỗi vị La hán có một hốc đá riêng để ngồi Thiền. Có tất cả 700 hốc đá" (c: 5b, 13).

"Sau khi mặt trời lặn, những vị La hán đến sống trong núi Kê Túc này (Kukkutapada). Hằng năm dân địa phương và tín đồ từ các nước đến đây để đảnh lễ ngài Ca-diếp. Nếu những người đến đây mà tâm còn hoài nghi, thì về đêm, những vị La hán sẽ xuất hiện bàn bạc với họ. Khi những hoài nghi của họ đã được giải tỏa, các vị ấy biến mất" (6b, 7-8).

(Xin xem tiếp)

--- o0o ---

Chân thành cảm ơn Đạo hữu Bình Anson đã gởi tặng tập sách này
Trình bày : Mỹ Hạnh - Thiện Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]