Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần I: CUỘC ÐỜI LY KỲ

24/05/201316:12(Xem: 3925)
Phần I: CUỘC ÐỜI LY KỲ

66dipa166dipa2

DIPA MA

Cuộc Ðời Và Di Huấn

DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master

AMY SCHMIDT

Thiện Nhựt dịch

---o0o---

PHẦN I: CUỘC ĐỜI LY KỲ

Chương 1: SANH TRONG ĐẠO PHẬT

“Nào có gì đáng bám víu trên thế gian.”

Nani Bala Barua sanh ngày 25 tháng 3 năm 1911, tại một làng thuộc miền Đông xứ Bengal, gần biên giới Miến Điện. Vùng Chittagong có đặc điểm là nơi hòa hợp các truyền thống tôn giáo; tín đồ ấn giáo, Hồi giáo và Phật giáo chung sống hài hòa bên nhau. Nền văn hóa Phật giáo tại đia phương này có lẽ là di sản chưa bi đứt khoảng còn sót lại từ thời Đức Phật.

Gia đình của Nani thuộc thi tộc Barua, dòng dõi của những người theo đạo Phật nguyên thủy từ Ấn Độ. Mặc dầu việc thực tập thiền định đã gần như bi thất truyền ở đây vào thời Nani ra đời, nhưng còn một số gia đình vẫn tiếp tục giữ gìn các nghi thức và tập tục Phật giáo; trong số đó có gia đình của Nani, cha là Pumachandra, và mẹ là Prasana Kumari.

Là chị cả trong sáu người con trong nhà. Nani rất thân thiện với các anh chị em trong gia quyến và là đứa con được quí mến nhất trong đại gia đình. Nani và mẹ, cả hai đều tác tháp nước da mơn mởn, luôn luôn quấn quít nhau thật khắn khít. Nani nhớ lại, mẹ rất âu yếm và trầm lặng, còn cha là một người đàn ông rất nguyên tắc chưa hề chịu nhượng bước trước một điều nào mà ông cho là sai trái. Dù cha có nghiêm khắc, Nani đối với cha cũng luôn luôn trìu mến.

Gia đình Nani thưởng hành hạnh đàn na (bố thí).Cha mẹ Nani hay cúng dường thực phẩm cho tu sĩPhật giáo, Bà La Môn giáo, và cho tất cả những ai đikhất thực. Chính nhờ nơi hạnh này của cha mẹ màcô bé Nani đã học được ý nghĩa của sự bố thí: khiđem cho, chẳng nên phân biệt; nên cho khắp mọingười.

Ở tuổi ấu thơ, Nani đã tỏ lòng tôn kính các nghi thức Phật giáo. Nani thường thích đi chùa và cúng dường chư tăng. Mặc dầu trẻ con phải đứng nép xa khi có các vị khất sĩ đi qua, nhưng vì lòng quá mộ đạo Nani được phép đến gần chư tăng dâng thực phẩm, rửa chân quí thầy và ngồi gần bên cạnh khi các vị ấy thọ thực.

Nani thích ở một mình, ít khi nô đùa với các trẻ khác. Nani thường chơi với búp bê, nhưng đặc biệt say mê việc tạo tượng Đức Phật. Trong khi trẻ gái Ấn Độ lo giả bộ nấu nướng, Nani lại nướng theo trì tưởng tượng mà tạo thực phẩm, hoa quả cúng Phật, lau dọn bàn thờ, và quì lạy theo các lễ nghi tôn giáo.Gia đình Barua ở gần hồ nước, ở bên kia bờ có một ngôi chùa màu sắc sáng chói mà Nani thưởng đền viếng thăm hiến cúng. Nani nhớ lại rằng lòng mộ đạo đó đã đến với mình một cách tự nhiên, chớ chẳng hề do sự thúc giục của mẹ cha.

Chẳng những không thích nấu nướng, Nani lại còn ít ăn nữa. Đã biết bao lần mẹ của Nani dỗ dành Nani ngồi lại để ăn uống trong một bữa cơm thường ngày. Nani trái lại, chỉ muốn dùng một trái cây hay một chiếc bánh bích quy thôi. Nani thường hỏi mẹ: “Mẹ có đói bụng không? Đói thì ra làm sao, hở mẹ?”

Ngược lại, lòng khao khát học hỏi của Nani thật là không bờ bến. Mặc dầu phong tục trong làng không gởi con gái đến trường, nhưng với Nani chẳng có gì ngăn cản được. Ngay cả khi đau yếu, được dặn phải ở nhà hôm đó, Nani vẫn lẻn trốn đến lớp học. Chiều chiều, Nani ngồi bên bàn với cha, nhờ cha chỉ dạy thêm bài vở trong trường, trong khi các đứa trẻ khác chẳng buồn mang sách về nhà.

Vào thời đó ở Ấn Độ, tuổi thiếu niên của các cô gái bị chấm dứt rất sớm. Nhũng em may mắn được đến trường cũng không được phép tiếp tục học qua lớp năm. Theo đúng tập tục bấy giò, Nani phải lấy chồng khi vừa có kinh nguyệt lần đầu. Thế nên, vừa lên mười hai, Nani đã bị kéo ra khỏi lớp học để kết hôn với một người đàn ông tuổi đã hai mươi lăm. Vị hôn phu của Nani là Rajani Ranjan Barua, kỹ sư, ngụ tại làng Silghata gần bên. Đúng theo phong tục, sau lễ cưới Nani liền được đưa ngay sang với gia đình bên chồng. Nani nhớ nhung cha mẹ vô vàn. Thảm thương hơn nữa, người chồng lại rời ngay sang Miến Điện làm việc. Nani sống trơ trọi một mình với gia đình chồng bên cạnh những người khó tánh mà Nani ngán sợ. Đôi khi được trở về thăm cha mẹ, nhưng người bên chồng đã vội đi qua bắt lại.

Sau hai năm buồn bã, vừa lên mười bốn, Nani được đưa xuống thuyền đi sang Rangoon (nay là Yangon, thủ đô của Miến Điện), để bắt đầu cuộc sống tại một nước mới, với người chồng, chỉ được quen biết nhau không quá một tuần lễ. Vừa bước ra khỏi thuyền, người con gái quê mùa nhút nhát đã bàng hoàng trước khung cảnh mới chung quanh, Rangoon là một đô thị ồn ào, xa lạ với biển người mặt mũi chưa hề quen thân, với một ngôn ngữ mà Nani chẳng thể nào hiểu được. Buổi đầu, Nani cảm thấy hết sức bơ vơ, luôn khóc nhớ đến quê hương và gia đình.

Cuộc sống lứa đôi cũng có nhiều thử thách. Mặc dầu Nani được cha mẹ và các cô dì dạy cho rất tận tình tỉ mỉ công việc nội trợ, nhưng chẳng ai nói tiếng nào về vấn đề tình dục. Được chồng, chính là người thứ nhất đã nói về vấn đề ấy với mình, Nani thất kinh, bối rối và hết mực thẹn thùng. Trong năm đầu chung chăn gối, Nani sợ chồng khủng khiếp. May là Rajani lúc nào cũng tỏ ra ân cần mềm mỏng và săn sóc đến vợ, chẳng bao giờ ép vợ theo ý dục của mình. Rồi từ từ, niềm tín cẩn được nẩy nở giữa hai người, Nani bấy giờ xem chồng như là một người hiếm có. Cùng với năm tháng trôi qua, cả hai cảm thấy yêu nhau tha thiết. Vào những năm về sau, Nani thường nói mình đã kính trọng Rajani như một vị thầy đầu tiên của mình.

Tình nghĩa đằm thắm của đôi vợ chồng, tuy nhiên, lại bị khuấy động bởi một vấn đề cực kỳ đau khổ: lòng mong mỏi nơi mỗi người đàn bà Ấn Độ có được một đứa con, con trai càng quí, một năm sau khi lấy chồng, đúng theo phong tục bổn xứ; thế mà hết năm này sang năm nọ, Nani vẫn chưa có thai. Nani đi thăm nào bác sĩ, nào thầy lang, nhưng chẳng ai tìm ra được nguyên nhân hiếm muộn. Điều này khiến cho Nani cảm thấy tủi hổ và đau khổ. May thay, Rajani lúc nào cũng âu yếm, ân cần và nhẫn nại, chưa bao giờ thúc hối Nani hay phàn nàn sao chẳng sanh con.

Dẫu rằng Rajani chấp nhận việc không con cái, nhưng gia đình bên trong và bên ngoài, lại chẳng chịu như vậy. E rằng vì Nani mà tông đường thiếu người nối dõi, họ lấy cớ người nhà bị bịnh, gạt Rajani phải về Chittagong để kịp thăm. Về đến nơi, Rajam được thông báo là người vợ mới đang chờ chàng và lễ cưới đã sẵn sàng. Rajani từ khước. Chàng bảo thân nhân: “Khi kết hôn với Nani, tôi không hề buộc nàng phải có con, bằng không tôi sẽ bỏ nàng. Đó đâu phải là một điều kiện trong hôn ước của chúng tôi. Nay cưới vợ khác là bất công, tôi không thể nào xa lìa nàng được.”

Rajam trở qua Miến Điện và bảo rồi đây Nani chớ có bao giờ lo lắng về việc phải có con nữa. Chàng gợi ý cho vợ là, hãy đối xử với mọi đứa trẻ mà nànggặp được như chính con mình sanh ra - một lời khuyên thật quí báu mà Nani sẽ thực hiện được bằng nhiều cách rất đặc sắc những năm sau này.

Vào năm mười tám tuổi, Nani hay tin mẹ đã từ trần một cách đột ngột. Dầu đã có điềm báo trước trong giấc mộng, Nani cũng rất bàng hoàng khi được tin buồn. Kể từ khi sang Miến Điện, Nam chỉ về thăm mẹ có hai lần. Nỗi khổ mất mẹ vẫn còn ghi đậm nhiều năm trong tâm hồn của Nani. Liền sau cái chết của mẹ, Nani bị bịnh thương hàn quật ngã. Bịnh tình lại bị chẩn đoán sai, trị liệu lầm, khiến Nani phải nằm bịnh viện nhiều tháng.

Mẹ Nani để lại một đứa bé trai mười tám tháng, tên là Bijoy. Người cha không thể săn sóc chu đáo, nên đã hiến cho Nani và Rajani một cơ hội tốt được nuôi đứa em trai út như con ruột mình và Bijoy liền được gởi sang Rangoon để sống với họ.

Nani và Rajani tham gia hoạt động rất tích cực trong cộng đồng Phật giáo. Ngoài việc giữ đúng năm giới của người tại gia - không sát sanh và làm tổn hại, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, không dùng các chất say - họ còn tụng kinh hàng ngày, bảo trợ hai cuộc lễ hàng năm của cộng đồng dâng cúng thực phẩm cho các vị sư địa phương đi khất thực. Họ còn được mọi người biết đến vì tấm lòng quảng đại, cấp học bổng cho trẻ con nhà nghèo và chia sẻ mái ấm gia đình cho những kẻ không nhà.

Ngay từ khi mới đến Rangoon, Nani đã mong muốn thiết tha được tập thiền. Mặc dầu chẳng có cô gái nào chịu học thiền, nhưng Nani cứ nài nỉ xin phép Rajani được theo học. Mỗi lần Nani hỏi xin, Rajani đều đề nghị hãy đợi khi nào Nani đã lớn tuổi sẽ học, theo như tục lệ của người Ấn là phụ nữ gác việc học thiền lại cho đến khi đã làm xong bổn phận của người nội trợ.

Mặc dầu không nói được tiếng Miến Điện, Nani đã tìm ra được một phương cách học Phật pháp ngay tại quê hương mới này. Bất cứ lúc nào gặp được một cuốn sách đạo bằng tiếng Bengali, Nani liền đọc và tự học lấy một mình. Còn các sách khác, Nani nhờ đứa cháu trai mười ba tuổi, tên Sunil, dịch các bài Kinh căn bản Phật học từ tiếng Miến sang tiếng Bengali. Cậu Sunil ngạc nhiên đến kinh dị trước sự chăm chỉ và trí nhớ của Nani về những gì mà cậu đã đọc cho nghe. (Các năm về sau, khi Nani trải qua các cuộc trắc nghiệm tâm lý, người ta thấy trí năng của Bà vượt hẳn các thiên tài).

Năm 1941, khi Nani được ba mươi tuổi, Miến Điện bị quân đội Nhật Bổn tấn công và xâm chiếm. Đó là một thời kỳ đầy lo âu, khan hiếm và khổ cực cho dân chúng. Khi chiến tranh chấm dứt, Bijoy đã khôn lớn, trở về Ấn Độ và lập gia đình riêng. Với ngôi nhà hiu quạnh và cha mẹ đều khuất núi, Nani nghĩ. “Đây là lúc nên học thiền.” Rồi một phép mầu bỗng hiện đến. Sau hai mươi năm chờ đợi, Nani khám phá ra mình mang thai. Vào tuổi ba mươi lăm, Nani hân hoan sanh được một bé gái. Tuy nhiên, ba tháng sau, đứa bé bịnh nặng rồi chết. Ngập chìm trong đau khổ, Nani vướng phải bịnh tim.

Bốn năm sau đó, phước lành lại đến với Nani, thọ thai lần nữa. Và chuyến này, cũng sanh gái, Nani đặt tên là Dipa. Và từ đó, Nani được gọi là Dipa Ma, hay là “Má của Dipa”. Vì chữ Dipa có nghĩa là ánh sáng, nên cái tên mới của Nani cũng có nghĩa là DipaMa, Mẹ của ánh Sáng.

Dipa là một đứa bé khỏe mạnh, vừa biết đi lẫm đẫm, thì mẹ lại có thai lần nữa; kỳ này được một “quí tử” hằng mong đợi. Nhưng đứa bé vừa sanh ra đã chết, và điều vô phúc này đã khiến mối u sầu của Dipa Ma không có gì làm nguôi ngoai được. Trong cơn tuyệt vọng, Nani đòi hỏi được quyền học thiền để làm nhẹ bớt nỗi đau lòng. Nhưng chồng Bà, lại một lần nữa, bảo rằng Bà vẫn còn quá trẻ. Bà dọa sẽ trốn nhà ra đi, khiến cho Rijani và nhiều người láng giềng phải canh chừng Bà luôn.

Nhưng rồi họ cũng không cần phải canh chừng nữa. Bị chứng áp huyết cao, Dipa Ma trong nhiều năm, chẳng đủ sức để ra khỏi giường, nói chi là bỏ trốn. Trong thời gian này, Bà hoàn toàn trông đợi cái chết đến bất cứ giờ phút nào. Chỉ có một mình mà Rijani phải săn sóc vợ, nuôi dạy con, vẫn tiếp tục làm việc trọn ngày với nghề kỹ sư. Áp lực của hoàn cảnh đè nặng lên, làm Rijani hết phương chống đỡ. Một đêm trong năm 1957 , ông đi làm về, than thở với vợ rằng mình đang đau bịnh. Vài giờ sau, ông chết vì con đau tim bộc phát.

CHƯƠNG 2: THỨC TỈNH

“Còn mang theo được gì khi tôi chết?”

Trong vòng mười năm, Dipa Ma đã mất hai con, chồng và sức khỏe của Bà. Chỉ ngoài bốn mươi tuổi, Bà trở thành góa phụ phải một mình nuôi dạy đứa con gái bảy tuổi. Cha mẹ đã qua đời, quê hương Ấn thì xa diệu vợi và Bà đang chìm ngập trong nỗi sầu lo bối rối.

“Tôi cũng chẳng biết phải làm gì, đi đâu, hay sống bằng cách nào đây?” Bà than thở. “Tôi chẳng có chút gì để gọi là của tôi, chẳng có ai để gọi là người thân.” Tháng tháng trôi qua, và Bà chỉ biết cầm bức ảnh của Rijani để trên đùi mà than, mà khóc. Mấy năm kế tiếp theo, sức khỏe Bà càng ngày càng suy giảm. Hoàn cảnh thật nghiêm trọng khiến Bà nghĩ, hy vọng cuối cùng của Bà để sống sót là phải thực tập thiền. Bà ngao ngán ngắm cảnh ngộ trớ trêu của mình. Khi còn trẻ, đầy đủ sức khỏe, sốt sắng ham muốn hành thiền, thì lại bị ngăn cản. Giò đây, với

trách nhiệm nuôi dạy con thơ và sức khỏe đã mỏi mòn, đang tuyệt vọng đối đầu với cái chết, Bà cảm thấy chẳng còn lối thoát nào hơn là mang trái tim rạn vỡ đi vào cõi chết, trừ phi Bà làm được một chút gì để thay đổi được tâm trạng của Bà.

Bà tự hỏi, “Tôi mang theo được gì khi tôi chết?” Bà nhìn đến của hồi môn, mấy chiếc áo san bằng lụa, vòng vàng nữ trang, và cả đứa con gái thân yêu. “Tôi có yêu con tôi cho lắm đi nữa, tôi cũng không thể nào mang nó theo tôi được... Thôi thì, cứ đến trung tâm thiền tập đi. Biết đâu đến đó, tôi tìm ra được chút gì tôi có thể mang theo, khi tôi chết.”

Ngay trong phút mà cuộc đời đã tuột xuống đến mức thấp nhất, Đức Phật đã hiện ra trong giấc mộng của Bà. Trong ánh hào quang rực rỡ, Ngài đã dịu dàng ngâm lên bài Kệ trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), trước đây đã được Ngài nói lên để an ủi một người cha vừa mất đứa con trai:

Luyến ái sanh sầu muộn,

Trìu mến sanh lo sợ.

Ai cắt đứt dây luyến ái

Không sầu, sao có sợ?

Khi Dipa Ma tỉnh giấc, Bà cảm thấy tâm an tịnh và trong sáng. Bà biết ngay, mình phải học tập thiền, cho dầu tình trạng sức khỏe ra sao đi chăng nữa. Bà hiểu rõ lời Đức Phật dạy: muốn an tịnh thật sự, Bà phải thực tập cho đến khi nào cắt đứt mọi luyến ái ràng buộc và lo âu. Mặc dầu cả đời sống theo các lễ nghi Phật giáo, Bà chỉ biết rất ít về những gì việc tu tập thiền đòi hỏi. Trực giác Bà đã đẩy đưa Bà theo con đường xưa hứa hẹn sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau. Khác với phương pháp thiền chỉ (Samatha)theo đó sự chú tâm được an trú trên một đối tượng duy nhất, Thiền Minh Sát (Vipassana)lại soi chiếu vào bản chất đổi thay liên tục của đối tượng. “Minh Sát” nghĩa là soi thấy thật rõ ràng về ba đặc tính của đối tượng: vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Đức Phật dạy rằng. xuyên qua thiền quán, ta có thể phá vỡ các ảo tưởng đã hạn chế cuộc đời của chúng ta. Giải thoát, hoặc giác ngộ, căn cứ theo Giáo Pháp của Đức Phật, nằm trong kinh nghiệm về bản chất thật sự của đời sống.

Dipa Ma sắp xếp mọi việc để đi đến Trung Tâm Thiền Kamayut ở Rangoon. Tất cả những gì chồng Bà để lại tài sản, nữ trang, và các vật dụng khác – Bà giao cho người láng giềng trước cửa, “Xin làm ơn vui lòng nhận hết tất cả những gì tôi có đây, và dùng đó để nuôi dưỡng con tôi, Dipa”. Bà chẳng hy vọng sẽ trở về lại. Nếu thế nào Bà cũng sắp đi vào cõi chết, Bà tự nhủ, sao lại chẳng đi tới chết tại trung tâm thiền tập?

Khóa thiền đầu tiên của Dipa Ma không được như mong muốn. Vừa đến trung tâm. Bà được chỉ cho một căn phòng và dặn qua các điều căn bản về thực tập, rồi bảo bốn giờ chiều ngày hôm sau phải đến trình pháp tại đại sảnh của thiền đường. Bà bắt đầu thực tập ngay từ sáng sớm, trước chú tâm vào hơi thở, kế đến các cảm giác, ý nghĩ, và các tình cảm khởi lên trên thân và trong tâm Bà. Ngày giờ lặng lẽ trôi qua, đinh lực của Bà từ từ lắng sâu. Chiều hôm đó Bà đi bộ đến đại sảnh của thiền đường để gặp thiền sư. Thình lình Bà ngừng lại, không thể nào bước tới. Bà không biết chắc tại sao, Bà chỉ biết mình không cách gì dở chân lên được. Bà đứng khựng đó, bối rối nhưng chẳng quá hoảng hốt lo âu, trong vài phút. Cuối cùng, Bà nhìn xuống và thấy một con chó to lớn đang ngoạm chặt chân Bà. Định lực của Bà mới đó đã thâm sâu, ngay từ những giờ đầu tiên vừa thực tập, đến độ Bà chẳng còn cảm giác.

Bật ra khỏi cơn thiền định, Dipa Ma cất tiếng kêu cứu và cố vùng vẫy kéo chân ra. Con chó vẫn không chịu nhả, sau cùng mấy vị sư đến mới đàn áp được chó và đuổi nó đi. Mặc dầu được trấn an là con chó không điên, nhưng Dipa Ma lại sợ chết - trớ trêu thay, trước đó chính Bà cũng muốn đến để chết ở trung tâm thiền tập! - nên tìm đến bịnh viện để được chích ngừa chó dại. Đi nhà trường và trở về như thế có nghĩa là Bà phải mất phần ăn, vì theo truyền thống tại các tu viện Nam Tông, bữa ăn chỉ được cung cấp một lần mỗi ngày và phải dùng trước giờ Ngọ. Không bao lâu, Dipa Ma kiệt sức, các vị sư khuyên Bà nên trở về nhà để hồi phục sức khỏe lại.

Ở nhà đứa con gái nhỏ của Bà bấn loạn lên vì mẹ bỏ đi đột ngột, bây giờ không chịu rời mẹ lấy một bước. Dipa Ma nghĩ cơ hội duy nhất để được giác ngộ đã qua mất rồi. Bà thường tức tưởi khóc, khóc cho sự thất bại ê chề.

Tuy nhiên, Bà không chịu bỏ cuộc việc tu tập. Được chỉ dạy các điều căn bản sơ lược trong một ngày ngắn ngủi. Bà kiên nhẫn hành thiền trong nhiều năm, ngay tại nhà, mỗi khi Bà tìm được thời giờ rảnh. Bà tin tưởng chắc chắn rằng rồi đây sẽ có một cơ hội khác để đi an cư lần nữa. Cơ hội đó đến với Dipa Ma khi Bà hay tin có một người bạn trong gia đình và là một vị giáo thọ, pháp hiệu là Anagarika Munindra, đang ngụ tại một trung tâm thiền tập ở gần đấy. (Anagarika có nghĩa là xuất gia, rời bỏ gia đình đi tu). Bà liền thỉnh Sư đến nhà và trong khi Sư dùng trà, Bà thuật lại kinh nghiệm thiền tập vừa qua. Munindra khuyến khích Bà nên đến thiền viện Thathana Yeiktha, nơi mà Sư đang thiền tập tích cực, dưới sự giám thủ của Đại Lão Hòa thượng Mahasi, vị thiền sư và học giả lỗi lạc nhất ở Miến Điện vào thời bấy giờ. Như thế, Dipa Ma được duyên may hiếm có đến thọ giáo với một bậc thầy vĩ đại có sự hướng dẫn bằng tiếng mẹ đẻ của một người bạn trong gia đình. Đồng thời vào độ ấy, em của Bà là Hema cùng gia đình vừa mới sang định cư ở Miến Điện, thành ra Dipa có thể về ở với dì dượng, cùng anh chị em họ trong khi Bà đến thiền viện.

Dipa Ma tham dự kỳ thiền này với một tâm trạng khác hẳn - ít hối hả vụt chạc hơn, nhiều chuẩn bị và trầm tĩnh hơn. Mặc dầu từ ngày Rijani mất Bà bị bịnh mất ngủ, nhưng nay Bà khó giữ sao cho khỏi ngủ gục. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, Bà đã đắc được một trạng thái định lực sâu, rồi nhu cầu ngủ nghỉ và ăn uống cũng không còn. Munindra lo ngại cho định lực của Bà mất thăng bằng, nên khuyên Bà phải tham dự các thời pháp hàng tuần của Ngài Mahasi, dù Bà chẳng hiểu tiếng Miến Điện. Bà đâu muốn đi, nhưng Munindra cứ khuyên mãi, nên để làm vừa lòng Sư, Bà phải đến đó.

Trên đường đến nghe pháp, Dipa Ma thấy tim đập loạn động, tay chân yếu ớt, nên phải bò lên cầu thang vào chánh điện. Bà chẳng hiểu tí nào về bài pháp, nhưng cứ tiếp tục ngồi hành thiền. Sau thời pháp, Dipa Ma không thể đứng lên nổi. Dán chặt vào chỗ ngồi, thân Bà trở nên cứng ngắt, bất động dưới ảnh hưởng của sức định thâm sâu.

Trong những ngày sau đó, công phu thực tập của Dipa Ma tiến bộ vượt bực, khi Bà nhanh chóng vượt qua trình tự phát triển về tuệ Minh Sát trước khi chứng ngộ, đã được mô tả rõ trong Giáo Pháp của truyền thống Theravada (Phật giáo nguyên thủy). Bà thể nghiệm một ánh sáng chói lọi, tiếp theo cảm giác mọi sự vật chung quanh Bà đang từ từ tan vở.

Thân Bà, sàn gổ, mọi vật, đều rạn nứt từng mảnh, bể nát và trống rỗng. Điều đó đã đưa đến một sự đau đớn tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần, với một cảm giác bị nung đốt và co rút nhức buốt làm toàn thân như sắp bị nổ tung.

Rồi một điều kỳ lạ xảy đến. Trong giây phút bình thường - vào ban ngày, Bà đang ngồi trên sàn nhà thực tập cùng với một nhóm thiền sinh - một sự chuyển tiếp tức khắc vô cùng an tịnh và vi tế, xem như chẳng có gì xảy ra cả. Giây phút sáng chói đó, sau này Bà Dipa Ma chỉ nói, “Tôi cũng chẳng biết nữa”, vậy mà cả cuộc đời còn lại của Bà đã được chuyển hóa một cách thật sâu xa kỳ diệu.

Sau ba thập niên đi tìm sự giải thoát, vào tuổi đã năm mươi ba chỉ qua sáu ngày thực tập, Dipa Ma đã đạt đến nấc thang đầu của sự chứng ngộ. (Như đã diễn tả trong Thanh Tịnh Đạo, truyền thống Theravada công nhận có bốn giai đoạn giác ngộ. Mỗi giai đoạn là một tiến trình thanh lọc tâm được hành giả tự nhận biết rõ ràng). Gần như tức khắc liền sau đó, huyết áp của Bà trở lại mức bình thường và các hồi tim đập mạnh cũng giảm xuống. Trước đây Bà không thể bước lên cầu thang giảng đường của thiền viện, bây giờ leo lên chẳng chút mệt nhọc, và Bà cất bước với bất cứ nhịp độ nào.

Dipa Ma tiếp tục thực tập ở thiền viện ThathanaYeiktha thêm hai tháng nữa, rồi trở về nhà ở Rangoon. Vài tuần lễ sau, Bà đi đi lại lại thiền viện trong suốt một năm. Vào khóa thiền kế đó, Bà lại đạt thêm một thân chứng mới, chỉ sau năm ngày thực tập. Con đường đưa tới tuệ giác này cũng giống như lần trước ngoại trừ sự đau đớn lại gia tăng hơn. Sau khi đạt đến mức chứng ngộ thứ hai, tình trạng thể chất và tâm linh lại thay đổi hơn nữa; nơi Bà, sự xaođộng bất an giảm hẳn, còn tiềm năng chịu đựng lại gia tăng hơn.

Những ai trước kia được biết Dipa Ma đều kinh ngạc trước mọi thay đổi nhanh chóng của Bà. Rất nhanh, từ một thiếu phụ bịnh hoạn, nhu nhược, sầu não, Bà đã biến thành một người đàn bà tráng kiện, tự lập và rạng rỡ. Dipa Ma nói với các người chung quanh: “Các bạn đã biết tôi dạo trước ra sao. Tôi đã gục ngã não nề trước cái chết của chồng con, trước bịnh hoạn. Tôi đã đau khổ thái quá đến nỗi không cất nổi bước chân đi cho đàng hoàng. Nhưng bây giờ đây các bạn thấy không? Tất cả bịnh tật đều biến mất. Tôi tươi tắn, chẳng còn gì vướng bận trong tâm, không sầu lo, không hiềm hận. Tôi hoàn toàn an lạc. Nếu các bạn tới tập thiền, các bạn cũng sẽ an lạc. Chỉ cần làm đúng các lời chỉ dẫn thôi”.

Phấn khởi noi gương Dipa Ma, các bạn hữu cùng gia đình họ đều đến trung tâm thực tập. Những người đến đầu tiên là em Bà, Hema và bạn thân là Khui Ma. Bà Hema mặc dầu có tám con, năm người còn ở chung trong gia đình, vẫn tìm đủ thời giờ đi thực tập với chị trong gần một năm. Sau đó, Dipa và các con của Hema cũng đến gia nhập. Một cảnh tượng cảm động đáng ghi nhớ là hai thế hệ phụ nữ trung niên và thiếu nữ vào tuổi cập kê cùng ngồi tập thiền bên cạnh các vị sư khắc khổ mặc áo cà sa màu vàng. Các thiền viện trưởng chẳng đủ chỗ trú cho các nữ thiền sinh, và họ phải chen chúc nhau trong những căn phòng nhỏ hẹp xây cất tận góc cuối của thiền viện. Con gái bà Hema, Daw Than Myint kể lại, họ phải len qua các bụi rậm trên đồi cao để có thể đi đến nơi trình pháp với thiền sư Munindra.

Trong những ngày trường nghỉ lễ, Dipa Ma và Hema có khi được đến sáu đứa con bên cạnh họ. Dầu không khí thân mật như trong gia đình, kỷ luật lại nghiêm khắc. “Cả một gia đình chúng tôi ăn cơm trong im lặng”, Daw Than Myint nhắc lại, “Và chẳng ai nhìn nhau. Thật là hết sức đặc biệt!” Trong năm thực tập “phi thường” đó, tất cả sáu đứa con của thị tộc Barua, bốn gái hai trai, đã thành tựu ít nhất mức chứng ngộ đầu tiên. Việc cô Dipa nhiệt thành tập thiền là một phần thưởng quí giá cho mẹ, Dipa Ma. Bà muốn trao cho con một tặng phẩm có giá trị lâu dài, một “tặng phẩm vô giá”. Bà nhắc đi, nhắc lại mãi với Dipa rằng thiền tập cống hiến con đường duy nhất đi đến bình an.

Em của Dipa Ma là Hema cũng rất thâm hậu trong thiền tập và đã tiến bộ song song với Dipa Ma. Daw Than Myint đã kể lại hiệu lực mạnh mẽ của thiền tập đã đến với mẹ cô, như sau:

Khi tôi vừa về đến nhà sau kỳ nghỉ hè ở đại học, không thấy mẹ ra đón tôi. Thật là khác thường, bởi vì bà chẳng hề vắng nhà lâu như thế. Anh chị tôi cho tôi hay mẹ đang ở trung tâm tập thiền. Khi tôi đến trung tâm, tôi thấy mẹ tôi đang ngồi gần thiền sư Munindra, bà rất an tịnh, điềm nhiên và có vẻ không nhận ra tôi đang đi đến. Tôi rất xúc động. Tôi cũng muốn được xa vắng như thế. Tôi quyết định, nếu tập thiền mà thay đổi được mẹ tôi như thế, thì thiền phảicó năng lực mạnh lắm và tôi cũng cần phải thực tập. Dĩ nhiên, sau này tôi mới hiểu ra dược là thiền không phải cốt chỉ để điềm nhiên và xa vắng.

Nhưng, đâu phải tất cả mọi người trong gia đình đều nỗng nhiệt với sự thay đổi của Hema:

Cha tôi rất bất mãn vì mẹ tôi chẳng nhúng tay vào việc nội trợ, bà chỉ ngồi, ngồi và ngồi, cho nên cha tôi dọa sẽ mách với Đại Lão Hòa thượng Mahasi. Mẹ tôi bảo: "Tốt!”. Khi cha tôi đến trình với Hòa thượng Ngài thuyết phục cha tôi nên bắt đầu việc thiền tập của chính ông. Chẳng bao lâu, cha tôi cũng được được tuệ giác, rồi ông chẳng hề phiền hà việc mẹ tôi ngồi nhiều quá nữa.

Đến năm 1965, Dipa Ma được thu hút theo một chiều hướng mới của việc thực tập thiền. Biết trước thiền sư Munindra sắp trở về Ấn Độ, Đại Lão Hòa thượng Mahasi bảo đệ tử rằng, trước khi quay về với “mảnh đất của thần thông”, sư cũng nên biết đôi chút về các năng lực tâm linh này. Ngài muốn truyền thọ cho Munindra các phép thần thông, nhưng Munindra quá bận bịu với việc giảng dạy không đủ thời giờ để tập luyện. Thay vì thế, Munindra quyết định huấn luyện các người khác để có thể phần nào chứng minh rằng thần thông là điều có thật. Nhằm vào mục tiêu này, ông chọn các đệ tử tiến bộ nhất của ông, Dipa Ma và gia đình Bà, và huấn luyện họ theo phương pháp được rút thẳng từ trong sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga).Munindra biết rõ thần thông chẳng những phi luân lý mà còn có tiềm năng cám dỗ nữa. Nguy cơ lạm dụng rất lớn, trừ phi căn bản đạo đức của người đệ tử được đảm bảo. Dipa Ma được tuyển chọn, chẳng những vì định lực thâm hậu mà còn là vì đức độ toàn bích của Bà nữa.

Dipa Ma, Hema và ba người con gái của họ được mời làm quen với các môn: phân tán vật chất, phân thân, nấu nướng không cần lửa, tha tâm thông, du hành cõi trời và địa ngục, vượt thời gian, túc mạng thông, và nhiều môn khác nữa. Trong hàng các đệ tử của Munindra về thần thông, Dipa Ma là hành giả thâm hậu nhất mà cũng lại hay hí lộng nhất. Bà thường hững hờ đến trình pháp với Munindra bằng cách đi xuyên qua tường, hoặc giữa khoảng không khí loảng. Bà học cách sử dụng theo ý mình muốn mọi khả năng về tâm trí và chế phục được tất cả năm loại thần thông (Xem Chương 9)

Từ năm 1966, sau khi Munindra đã rời về Ấn Độ, Dipa Ma trở thành vị thiền sư mà rất nhiều người tìm đến để được hướng dẫn và Bà bắt đầu giảng dạy tại Rangoon. Bà rất hân hoan cống hiến sự an lạc đến cho những người khác, sự an lạc mà chính Bà đã tìm thấy và Bà đã thuyết phục được nhiều thân bằng quyến thuộc cùng Bà thực tập thiền định.

Đệ tử chính thức của Dipa Ma là người láng giềng với Bà, tên là Malati Barua, một góa phụ phải nuôi dưỡng một mình sáu đứa con. Trường họp của Malati là một thách thức kỳ thú: bà ta rất nhiệt tâm muốn tập thiền, nhưng chẳng thể rời nhà đi đến thiền đường. Dipa Ma tin rằng giác ngộ có thể xảy ra ở bất cứ môi trường nào, đã nghĩ một phương cách cho người đệ tử mới của mình có thể thực tập ngay tại nhà Bà bảo Malati hãy bền bỉ và cương quyết ghi nhận cái cảm giác khởi lên khi đứa hài nhi nút vào núm vú mình, trong mỗi lần cho con bú mớm, với một sự tỉnh thức toàn vẹn. Sự ghi nhận đó kéo dài hàng giờ mỗi ngày, và đúng như Dipa Ma đã kỳ vọng, Malati đã đạt đến giai đoạn đầu giác ngộ mà chẳng cần ra khỏi nhà.

Như thế, Dipa Ma đã bắt đầu sự nghiệp hướng dẫn các bà nội trợ đi đến trí huệ, ngay giữa đòi sống bận rộn của họ trong gia đình.

Chương 3: AN LẠC CHẲNG LUNG LAY

“Giờ tôi đã hoàn toàn thanh tịnh.

Tôi an nhiên đón nhận mọi điều.”

Năm 1967, chánh phủ Miến Điện ra lịnh mọi người ngoại quốc, kể cả các di dân Ấn Độ, phải rời khỏi nước. Dipa Ma rất bối rối chẳng biết nên ở lại hay ra đi. Các vị sư trấn an rằng Bà có thể xin giấy phép đặc biệt lưu lại Rangoon với tư cách một nhà giáo, và con gái Bà cũng có thể ở lại với Bà. Đấy là một vinh dự chưa hề dành cho người ngoại quốc nào, nữa lại là một phụ nữ, một người mẹ độc thân với đứa con thơ.

Bà còn đắn đo có nên ở lại chăng, nhưng càng ngày tình hình chánh trị, nhất là tại Rangoon, càng trở nên bất an. Mối quan tâm về học vấn của Dipa cuối cùng đã khiến Bà quyết định ra đi. Về Ấn Độ, Dipa có thể hội nhập lại cội nguồn của mình, đồng thời tiếp tục việc học ở cấp cao hơn bằng tiếng mẹ đẻ Bengali. Hai mẹ con đến ở chung với người bà con

tại ngoại ô thành phố Calcutta (nay là Kolkata). Trong khung cảnh mới này, Dipa Ma thấy vắng bóng các bạn bè đồng tâm nguyện với mình. Bà mời các bà láng giềng tu tập thiền, nhưng họ chẳng màng quan tâm đến.

Năm sau, hai mẹ con dọn đến ở một căn phòng nhỏ bé trên một cao ốc cũ kỹ, bên dưới là một hãng đúc kim khí, trong khu chợ cũ của đô thị Calcutta. Bếp núc thu gọn vào trong khoảng một thước bề ngang hai thước bề dài, với một lò lửa than đá kê trên sàn nhà, không có nước máy (phải gánh nước leo lên bốn từng lầu) và một phòng vệ sinh công cộng cho nhiều gia đình. Dipa Ma ngụ trên một manh chiếu rơm mỏng. Mặc dầu Dipa được chánh phủ cấp học bổng để theo bậc đại học, nhưng mẹ con chẳng có lợi tức nào mà phải nhờ vào các sự tặng dữ của những người tốt bụng trong gia quyến.

Cuối cùng về sau, tiếng đồn lan rộng trong cộng đồng Bengali rằng có một vị thiền sư lỗi lạc, “có thể đem lại kết quả” vừa mới từ Miến Điện về. Nhiều gia đình ở đây tuy thuần thành theo nghi thức Phật giáo, nhưng việc tu thiền vẫn còn xa lạ đối với hạng cư sĩ trung bình. Dipa Ma cống hiến một cái gì mới và khác: một sự tu tập thực tế về tâm linh. Từng người một, các bà nội trợ ở Calcutta bắt đầu đến gõ cửa nhà của Dipa Ma.

Trình bày các bài học, tuy khó khăn nhưng hiệu quả cho những người muốn tập thiền ngay trong cuộc đời bận rộn của các bà nội trợ, Dipa dạy các học viên của Bà phải biết lọi dụng bất cứ giây phút nào như một cơ hội để thực tập. Chánh niệm, Bà bảo, có thể vận dụng vào mọi động tác: nói năng, ủi quần áo, nấu nướng, đi chợ mua hàng, chăm sóc trẻ con. “Con đường chánh niệm trọn vẹn”, Bà thường nhắc đi nhắc lại không hề mệt mỏi, chính là: “Bất cứ việc gì bạn đang làm, bạn cũng phải nhận biết ngay việc đó.” Dipa Ma tin tưởng rất mãnh liệt vào sức thực tập ngay giữa sự huyên náo ồn ào của đời sống gia đình, khiến cho một người ái mộ Bà đã phong tặng Bà là “Vị Thánh bảo hộ các bà nội trợ.” Khi được hỏi sự khác biệt giữa công phu thực tập đúng theo nghi thức và đời sống hàng ngày, thì Bà cương quyết nhấn mạnh: “Bạn chẳng thể nào tách rời thiền tập ra khỏi đời sống của mình được.”

Bất cứ điều gì Bà đòi hỏi các học viên phải làm, thì chính Bà, Bà cũng làm mà lại còn làm hơn thế nữa: giữ năm giới, ngủ nghỉ chỉ trong bốn tiếng thôi, thiền tập nhiều giờ mỗi ngày. Học viên phải trình pháp hai lần mỗi tuần và trong năm, phải dành ra nhiều thời gian tự thiền tập. Trong khi đa số người Calcutta thích trò chuyện và tranh cãi, thì Bà lại trầm lặng, chỉ nói vài câu giản dị khi giảng dạy. Các học viên của Bà có thể tìm nơi an trú trong sự im lặng và vẻ an hòa chẳng lay động của Bà. Một học viên nhớ lại “Bà là một trong số ít người tôi gặp được trong đời tôi mà khi gần bên họ, tôi cảm thấy thật lắng yên. Tôi có thể an trú vào bên trong sự im lặng của Bà như là đang ngồi nghỉ mệt dưới bóng mát tàng cây lớn.”

Căn phòng duy nhất của gia đình dùng làm cả phòng khách, phòng ăn cho Dipa Ma, con gái Bà và sau này cho đứa cháu ngoại, Rishi. Lại cũng dùng chỗ đó để giảng dạy các học viên người Ấn và cả những người Tây phương đang bắt đầu tìm đến. Đôi

khi vì phòng chật quá, khách đến phải đứng ngoài bao lơn và hành lang. Từng đợt khách đến viếng từ sáng sớm cho mãi đến chiều muộn. Dipa Ma chẳng hề từ chối tiếp một ai cả, dầu có nhọc mệt đến mấy đi nữa. Con gái Bà theo nài nỉ Bà dành chút ít thòi giờ riêng cho Bà, Bà cứ bảo, “Họ đang khát khao đạo pháp, hãy cứ để họ tới đây.”

Ngay cả các vị tì kheo đã thọ cụ túc giới cũng đến nhờ Bà hướng dẫn như một vị sư phụ. Đại Đức Rastrapala Mahathera, xuất gia đã mười tám năm, kể lại rằng, nhiều người không tán thành việc chọn thầy của Sư, hỏi tại sao Sư đã đậu bằng tiền sĩ rồi mà còn đi học thiền với một người đàn bà. Đại Đức giải thích: “Tôi chẳng biết được phương pháp, còn Bà thì biết rõ, nên tôi đến nhờ cậy Bà, tôi không xem Bà như một phụ nữ. Tôi kính Bà như là vị sư phụ của tôi.” Đại Đức đã theo dự một khóa thiền dưới sự hướng dẫn của Bà và nhờ đó đã thân chứng được những gì chỉ biết đọc qua trong mười tám năm. Dipa Ma vui lòng chấp thuận cho ông được dạy thiền, và sáu tháng sau, vào năm 1970, ông thành lập Trung tâm Thiền Minh Sát đầu tiên ở Ấn Độ, tại Bồ Đề ĐạoTràng (Bodh Gaya)rất nổi tiếng.

Con gái của Dipa Ma đã chứng kiến nhiều sự thay đổi khả quan trong cộng đồng các học trò của Bà. Khi mới đến để tập thiền, họ còn đầy xao động, giận hờn, ưa chuyện tào lao, nói năng thô lỗ. Sau vài tháng thực tập, các tư cách đó bớt dần. Nam thiền sinh trước thường câu cá, bẫy thú, nay cũng dẹp bỏ thói săn bắn, dưới ảnh hưởng của Dipa Ma. Jack Engler, vào khoảng giữa những năm 1970 đến Ấn Độ để trau giồi thiền tập và để hoàn tất việc khảo cứu luận án tiền sĩ về Thiền Định Phật giáo, ghi nhận rằng sự hiện diện của Dipa Ma đã ảnh hưởng nhiều đến cả những người lân cận:

Khi Dipa Ma mới dọn về chung cư, thì ở đó thật là một nơi ồn ào, xào xáo, có biết bao vụ cãi vả, gây gỗ và quát tháo của những người ở thuê, vang dội thêm trong khoảng sân trống. Người nào cũng biết người kia đang làm việc gì, vì cứ mãi nghe tiếng hò qua hét lại suốt ngày. Trong vòng sáu tháng kể từ ngày Dipa Ma dọn về, trọn khu chung cư làng dịu lại và chòm xóm láng giềng mới chịu thân mật nhìn nhau lần đầu. Sự hiện diện của Bà, và cách Bà đối đãi người khác - trầm tĩnh, điềm đạm, dịu hiền, cư xử với mọi người bằng sự kính trọng và ân cần, đạt giới hạn và đương đầu với hành vi của họ khi cần, nhưng cũng vì sự an lạc của mọi người chớ đâu phải do giận hờn hoặc ích kỷ vì tiện nghi của mình - đã làm tấm gương sáng cho họ để bỏ đi các thái độ thô xấu trước kia. Chính vì sự hiện diện giản dị của Bà ở đó, cho nên họ không còn tiếp tục hành xử như cũ nữa khi ở gần quanh Bà...

Joseph Goldstein là học viên người Mỹ đầu tiên được giới thiệu theo học với Dipa Ma. Năm 1967, ông gặp Munindra tại Trung Tâm Thiền Miến Điện ở Bồ Đề Đạo Tràng. Munindra sau đó có nói với Joseph rằng ông muốn giới thiệu một người hết sức đặc biệt cho ông, rồi dẫn ông đến nhà Dipa Ma. Mối liên hệ giữa hai người đã sớm biến thành sợi dây tình cảm thắm thiết giữa mẹ và con mãi cho đến ngày Bà mất đi hai mươi năm sau. Joseph hồi tưởng lại buổi gặp gỡ đầu tiên nơi nhà Bà như sau:

Muốn lên tới các căn phòng trên từng chót, bạn phải lách mình qua một hành lang chật hẹp và tối tăm, kế leo lên nhiều bực thang. Nhưng khi bước vào phòng Bà, bạn sẽ cảm thấy nơi đây như ngập tràn ánh sáng. Cảm giác đó thật là kỳ diệu. Và khi ra về, cơ hồ như tôi đang lướt nhẹ bập bềnh trong các nẽo đường dơ dáy, đông nghịt người của Calcutta. Thật là một kinh nghiệm thần bí và linh thiêng.

Vào nhưng năm đầu của thập niên 1970, Joseph giới thiệu Sharon Salzberg với Dipa Ma. Một mối liên hệ thân ái tương tự kết chặt họ với nhau và Dipa Ma đã xem cả hai Joseph và Sharon như con ruột. Sharon thường nhắc lại, Dipa Ma lưu giữ các bức ảnh của họ trong tập hình của Bà. Và họ ngồi uống trà vừa xem ảnh, vừa luận bàn về Phật pháp. Sharon và Joseph đều tưởng nhớ đến Dipa Ma như “một con người khả ái nhất chưa từng gặp trên đời.”

Jack Kornfield gặp gỡ Dipa Ma vào nhưng năm cuối của thập niên 1970. Jack kể lại chuyền gặp gỡ đầu tiên như sau:

Trước đây, tôi có xuất gia một thời gian, tôi quenđảnh lễ các vị thầy, vì thế vừa gặp Bà tôi đã cúi xuống lạy. Tôi tự nghĩ, điều này cũng hơi kỳ kỳ - Bà chẳng phải là một vị sư nữ, Bà chỉ là một người nội trợ thôi - nhưng Bà đã vội kéo tôi đứng lên, và ôm tôi thân ái. Từ đó về sau Bà chào tôi bằng cách đó, mỗi khi tôi đến gặp Bà. Thật là kỳ diệu! Ý như Bà muốn nói với tôi: “Chẳng nên lễ lạy rườm rà! Tôi đâu phải là một vị đại sư mà bày đặt lễ nghi như thế”. Chỉ cầnmột cái ôm thân ái thôi.

Jack, loseph, và Sharon, nay tất cả đều dạy thiền ở Mỹ Châu; họ thường nói chuyện về Dipa Ma với các thiền sinh của họ. Rồi các thiền sinh lại nói lại với người này, người này lại nói với người kia. Dipa Ma trở nên một thực thể gợi sự hiếu kỳ cho người Tây phương: về thể chất, Bà rất nhỏ thó, một lão bà gầy yếu thò ra khỏi chiếc áo sari trắng tựa như “một con tằm nhỏ quấn trong mảnh bông gòn”, như đã có người nói như vậy. Nhưng về mặt tâm linh, Bà thật là vĩ dại. Đi đến bên Bà cũng như đang đi vào một từ trường mà các điều kỳ diệu có thể xảy ra: nhận thứcđổi thay, thâm tâm thông cảm, và định lực thâm hậu ngẫu phát...

Vào năm 1980 và năm 1984 nữa, Joseph, Sharon, và Jack Kornfield thỉnh Dipa Ma sang giảng dạy tại khóa thiền ba tháng thường niên của Hội Thiền Minh Sát. Mặc dầu đã sáu mười chín tuổi, sức khỏe kém và chẳng thoải mái với các chuyến phi cơ, Bà cũng nhận lời du hành sang Mỹ quốc, cùng đi có con gái Bà với cháu ngoại vừa biết đi lẫm đẫm và một thông dịch viên.

Sự cách biệt văn hóa đối với người Ấn thật là sâu rộng. Họ hoàn toàn xa lạ với những chi tiết thông thường trong đòi sống hàng ngày ở Mỹ Châu, như đi tắm thì nước tuôn từ trên bông sen xuống, như chó được nuôi ngay trong nhà và ăn trong chén, như ăn bánh bắp sấy (com tiakes) với sữa thì phải dùng muỗng, như mấy thùng sắt kê ở góc đường lại nhả ra tiền khi ta bấm nút. Sharon kể lại giai thoại sau đây:

Dipa Ma sống rất bình dị và không hiểu được nền kỹ thuật Tây phương. Lần đầu tiên khi chúng tôi mời Bà sang Mỹ, chúng tôi dẫn Bà vào các khu chợ bán tạp hóa và nơi này nơi nọ. Chúng tôi đưa Bà tới gần một trong những chiếc máy ATM vừa mới sáng chế, khi ta đút cái thẻ vào rồi bấm các số mật mã thì giấy bạc lọt ra. Bà đứng đợi bên vách tường ngân hàng, trong khi chúng tôi làm thủ tục lấy tiền ở máy, Bà cứ đứng đó, lắc đầu và nói: “Ôi thật tội quá! Tội quá!”. Chúng tôi ngạc nhiên: “Có chi mà buồn mà tội? Và Bà đáp: "Tội nghiệp cho cái người khổ sở phải ngồi cả ngày trong bức rường kín mít chẳng có ánh sáng, chẳng có khí trời, chờ có ai đưa thẻ vào, đọc rồi trao tiền ra.”

Chúng tôi liền nói. “Không, chẳng có ai trong đó cả. Đấy chỉ là một máy móc tự vận hành vậy thôi.” Bà liền nói: “A! Thế thì đó lại cũng như là vô ngã (anatta = sự vắng bóng của cái ta ). Và chúng tôi đáp. “Vâng, đúng thế!” Rồi Bà bắt đầu giảng ngay trong giờ phút đó ý niệm về vô ngã. Đó, chẳng những là vắng bóng một tự ngã đang tìm cách kiểm soát phương tiện vận hành ấy, đang đòi hỏi thân tâm chúng ta phải hành động theo thị hiếu nhất thời của nó, theo ý muốn của nó, theo sự mong cầu của nó, mà lại còn là cái ý nghĩa thâm sâu về sự hỗ tương nhân quả, về sự trong sáng chỉ còn là một khi chúng ta quay nhìn thật sâu vào nội tâm chúng ta.

Mặc dầu việc giảng dạy của Dipa Ma không dùng đến bục gỗ cao với máy vi âm, trước một cứ tọa đông đảo trong một giảng đường rộng lớn, nhưng Bà luôn cố gắng làm thỏa mãn các người bạn Mỹ đã mời Bà đến. Còn chưa quen với tiết trời lạnh lẽo của tiểu bang New England, Bà đi đến thiền đường “quấn kín mít trong áo lạnh và khăn choàng cổ khiến ta chẳng biết đó là người hay vật gì”, theo như lời của một thiền sinh. Bà thường thích nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc rằng, “Tất cả các bạn ở đây đều là pháp tử

--- o0o ---

Vi tính: Diệu Nga, Diệu An

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]