Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Thiên Thai Tông (khóa 5 - Phật Học Phổ Thông do HT Thích Thiện Hoa biên soạn)

03/12/202207:29(Xem: 1249)
06. Thiên Thai Tông (khóa 5 - Phật Học Phổ Thông do HT Thích Thiện Hoa biên soạn)

Phật Học Phổ Thông

HT. Thích Thiện Hoa


Khóa Thứ Năm

Lịch Sử Truyền Bá Phật Giáo,
10 Tông Phái và Vũ Trụ Nhơn Sanh

--- o0o ---

Bài Thứ 9

Mười Tông Phái Phật Giáo Ở Trung Hoa

(tiếp theo)

THIÊN THAI TÔNG (PHÁP HOA TÔNG)


DUYÊN KHỞI LẬP TÔNG

Thiên Thai tông được khởi xướng từ Bắc Tế do ngài Huệ Văn Thiền sư dựa vào bộ Trí độ luận mà lập ra pháp “Nhất tâm tam quán”. Pháp quán này được truyền cho ngài Nam Nhạc Huệ Tự Thiền sư. Ngài Huệ Tự lại truyền cho ngài Trí Giả ở núi Thiên Thai. Ngài Trí Giả là một bậc đại sư, y theo kinh Pháp Hoa, bổ túc thêm cho pháp “Nhất tâm tam quán” được hoàn bị và lập thành một tông phái có uy thế tại núi Thiên Thai. Do đó mới có cái tên Thiên Thai tông (hoặc gọi Pháp Hoa tông). Vị đại đệ tử của ngài Trí Giả là ngài Chương An Đại sư ghi chép lại những lời của thầy, làm ra nhiều bộ luận có giá trị, để làm cơ sở cho Thiên Thai tông, như bộ Pháp Hoa huyền nghĩa, Pháp Hoa văn cú, Ma ha chỉ quán. Từ ngài Chương An, giáo nghĩa của tông này được hoằng truyền mãi qua các vị đại đệ tử, thứ tự như sau: Ngài Trí Oai, ngài Huệ Oai, ngài Huyền Minh và ngài Trạm Nhiên.

Đến đời ngài Trạm Nhiên, cũng gọi là Kinh Khê tông giả, giáo lý và tông chỉ của Thiên Thai tông lại được rộng truyền và thêm nhiều thanh thế, vì ngài Trạm Nhiên là một vị cao tăng, học rộng, hiểu nhiều, bổ túc và chú giải thêm cho các bộ luận căn bản của tông được hoàn bị. Từ ngài Trạm Nhiên về sau, đời nào cũng có những vị đệ tử có tài đức rộng truyền giáo nghĩa của tông này.

Kinh sách của Thiên Thai tông rất nhiều, trong số này có thể lựa ra ba bộ sách lớn làm căn bản cho tông này là: Pháp Hoa huyền nghĩa, Pháp Hoa văn cú, Ma ha chỉ quán. Ngoài ra có thể kể thêm năm bộ nhỏ, tuy không quan trọng bằng ba bộ trên, nhưng cũng rất cần thiết cho người tu học là: Quán Âm huyền nghĩa, Quán Âm nghĩa sớ, Kim Quang Minh huyền nghĩa, Kim Quang Minh văn cú và Quán kinh sớ.

TÔNG CHỈ VÀ GIÁO LÝ CĂN BẢN

Cũng như các tông phái khác trong Phật Giáo, Thiên Thai tông không đi ra ngoài giáo lý căn bản của đức Phật. Đó là: “Chư pháp duy nhất tâm”. Cái công lớn nhất của Thiên Thai tông là làm sáng tỏ giáo lý trên bằng một phương pháp diễn dịch rất là minh bạch tinh vi.

Sao gọi là “Chư pháp duy nhất tâm”? Theo Thiên Thai tông thì ngoài tâm không có các pháp, ngoài các pháp không có tâm. Tâm tức là nhất thiết pháp, nhất thiết pháp ấy là tâm. Hai cái không phải là khác, nhưng cũng không phải là một. Tâm bao trùm tất cả. Tâm tức là chúng sinh, tâm cũng tức là Bồ tát, Phật. Sinh tử cũng ở nơi tâm ấy, Niết bàn cũng ở nơi tâm ấy.

Nhưng làm sao để nhận chân được những phương diện của tâm, mà mới nghe qua hình như là trái ngược, mâu thuẫn với nhau.

Muốn thấy được toàn diện của tâm, người quan sát phải đứng ở nhiều khía cạnh, nhiều quan điểm khác nhau mà nhìn:

– Nếu chúng ta đứng về phương diện tuyệt đối mà xét sự vật (hay nói theo danh từ nhà Phật, đứng về phương diện chân đế), thì thấy sự vật trong vũ trụ, không có một vật gì tự nó đứng vững một mình và tồn tại, mọi vật đều nương vào nhau mà tồn tại, mọi vật không có thể tự riêng biệt, mọi vật đều do nhân duyên mà thành. Cái “có” của sự vật là một cái có tạm bợ giả dối, “có” mà cũng như “không”. Đứng về phương diện tuyệt đối mà xét thì không có một pháp nào là tuyệt đối cả. Cho nên gọi là “không”.

Nhưng nếu đứng về phương diện tương đối mà xét (hay nói theo danh từ nhà Phật là phương diện tục đế), thì không thể bảo mọi pháp là hoàn toàn “không” được. Trước mắt chúng ta, đành rành có đủ mọi vật, và mỗi vật có một giới hạn, một đời sống riêng biệt, sao lại bảo là hoàn toàn “không”? Cho nên đứng về phương diện đối đãi, thì mọi vật đều không thiếu một vật gì.

Đứng về phương diện tuyệt đối, thì vạn pháp là “không”; đứng về phương diện tương đối thì vạn pháp là “có”. “Không” và “có”, đấy là hai phương diện của tâm. Lấy phương diện này mà bỏ phương diện kia, hay trái lại lấy phương diện kia mà bỏ phương diện này, đều là thiên chấp, thiếu sót. Một giáo lý hoàn toàn là phải chấp nhận cả hai phương diện ấy. Đó là trung đạo. Phải là trung đạo, mới có thể tuyên bố: “Tâm là nhất thiết pháp, nhất thiết pháp là tâm; tâm là sinh tử luân hồi, mà cũng là Niết bàn tịch tịnh”.

Như thế tâm có đầy đủ các tính: thiện và ác, tịnh và bất tịnh, Phật và chúng sinh. Trong cõi sinh diệt vô thường, vẫn có cái lý bất sinh bất diệt; trong cõi Ta bà, vẫn có cảnh giới của Phật. Đó là ý nghĩa của câu “pháp môn tính cụ” mà tông này thường chủ trương. “Pháp môn tính cụ” nghĩa là bản tính bao giờ cũng có đủ các pháp, như lành và dữ, tịnh và bất tịnh,v.v… Do có đủ các pháp, nên hành động như thế nào thì kết quả sẽ như thế ấy. Muốn thành Phật, thì tu nhân Phật, còn muốn làm chúng sinh thì tạo nhân chúng sinh. Chúng sinh muốn thành Phật chỉ dứt trừ ác nghiệp và chuyển lại tu thiện nghiệp.

Và cũng vì có đủ các pháp, nên trong mỗi pháp giới nào cũng đều có đầy đủ mưới pháp giới là sáu loại phàm phu (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, A tu la, Nhân, Thiên) và bốn bậc Thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật).

Do chủ trương: “Pháp môn tính cụ”, và mỗi pháp giới đều có đủ mười pháp giới, nên quan niệm tu hành của Thiên Thai tông cũng lạc quan hơn các tông phái khác. Ở trong pháp giới nào cũng dù tối tăm, khổ sở bao nhiêu cũng có thể tu hành và thành tựu được. Như thế không cần phải từ bỏ một cảnh giới này, cầu sinh vào một cảnh giới khác mới có thể tu hành và thành Phật.

PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH

Phần chủ trương của Thiên Thai tông như vừa trình bày ở trên, có phần lạc quan và dễ dàng: trong cảnh giới hiện tại có đủ cảnh giới phàm và thánh muốn thành Phật, Bồ tát thì cứ gieo nhân (tu hành) thành Phật, Bồ tát. Đó là nói về lý thuyết. Nhưng trong thực hành không phải dễ dàng như thế.

Trước tiên, chúng ta phải nhận định hoàn cảnh thực tế của chúng sinh là một hoàn cảnh bị che phủ rất nhiều mê lầm, hay nói theo thuật ngữ nhà Phật thì là “chướng” hay “hoặc”. Dứt trừ được những “chướng” hay “hoặc” ấy là công việc chính của người tu hành. Nhưng muốn dứt trừ những tên giặc nguy hiểm ấy, trước tiên phải tìm hiểu tướng trạng, hành tung, phạm vi họat động của chúng như thế nào đã. Những chướng ngại, mê lầm hay những hoặc nói trên nhiều vô số, nhưng có thể phân chia làm ba loại, từ cạn đến sâu, từ hẹp đến rộng. Đó là kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc.

  1. Kiến tư hoặc: Kiến tư hoặc tức là danh từ chỉ cho những kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặc là sự mê lầm về lý, làm che lấp trí não của chúng ta, không cho thấy rõ được chân lý; tư hoặc tức là điều mê lầm về sự, nghĩa là những sự tham nhiễm chấp trước theo sự vật, hoàn cảnh. Vì hai thứ mê lầm về lý và sự này mà chúng sinh phải sinh tử luân hồi, lăn lóc trong ba cõi. Những mê lầm này thường được gọi là những mê lầm về giới nội, nghĩa là ràng buộc chúng sinh trong ba giới. Hàng Nhị thừa chỉ mới khám phá ra loại mê lầm này, ngoài ra không nhận ra được những mê lầm hay “hoặc” sâu xa hơn nữa. Vì thế, khi họ tu tập và dứt trừ được những “hoặc” này, thì họ cũng mới chỉ thoát ra ngoài tam giới mà thôi.
  2. Trần sa hoặcTrần sa nghĩa đen là cát bụi. Trần sa hoặc là những hoặc nhiều không thể đếm được, như cát bụi. Thật vậy, các pháp trong thế gian và ngoài thế gian đã là vô hạn lượng, thì sự mê lầm cũng nhiều không thể lường được. Những kẻ tâm lượng hẹp hòi và không tìm được nguyên nhân của những “hoặc” ấy, nên hoảng sợ trước trần sa hoặc, không dám phát lòng đại bi cứu độ chúng sinh. Chỉ riêng các bậc Bồ tát mới dứt trừ mê lẩm ấy, nên trần sa hoặc cũng gọi là biệt hoặc; và vì nó rộng lớn, ra ngoài cả ba giới nên cũng gọi là giới ngoại hoặc.
  3. Vô minh hoặc: Chữ vô minh nghĩa chung là mê lầm. Mê lầm cũng có nhiều tầng bậc cạn và sâu, hẹp và rộng, thô thiển và vi tế. Hàng Tiểu thừa cũng dùng chữ vô minh, mà hàng Đại thừa cũng dùng chữ vô minh. Nhưng vô minh theo quan niệm của Tiểu thừa là sự mê lầm che lấp không cho chúng sinh thấy được cội gốc của đau khổ, phiền não, nguyên nhân của sinh tử luân hồi. Còn vô minh theo nghĩa của Đại thừa và đặc biệt của Thiên Thai tông là sự mê lầm che lấp chân lý thật tướng của Trung đạo. Vô minh hoặc ở đây có một nghĩa bao quát rộng rãi như thế, nên cũng gọi là giới ngoại hoặc; và chỉ có hàng Bồ tát mới dứt trừ được, nên cũng gọi là biệt hoặc.

Đối trị với ba hoặc này, Thiên Thai tông lập ra ba pháp quán là: Không quán, Giả quán và Trung quán.

BA PHÁP QUÁN: Ba pháp này nguyên ngài Tuệ Văn rút từ những phẩm kệ trong bộ Trung luận của ngài Long Thọ Bồ tát mà lập ra. Phẩm kệ ấy như sau:

Nhân duyên sở sinh pháp

Ngã thuyết tức thị không

Diệc danh vi giả danh

Diệc thị Trung đạo nghĩa.

(Các pháp do danh duyên sinh, nên ta bảo là không, mà cũng là giả danh, đó cũng là nghĩa lý của Trung đạo).

Đối với Thiên Thai tông thì ba pháp quán này là phần nòng cốt trong sự tu hành. Nếu không thực hành ba pháp quán này thì không làm sao thành tựu được. Ba pháp quán này, như trên đã nói : Không quán, Giả quán và Trung quán ; nghĩa là quán các pháp cũng tức là Không, cũng tức là Giả, cũng tức là Trung.

  1. Không quánKhông quán là đứng về phương diện chân đế mà quán sát sự vật. Theo chân đế thì các pháp vốn là không, nhưng chúng sinh vì mê lầm không rõ, chấp là có thật. Do đó mà có kiến tư hoặc, và cứ mãi quay cuồng trong sinh tử luân hồi của tam giới. Nay phải dùng Không quán mà phá trừ sự mê lầm chấp trước trên, cắt đứt tất cả tình chấp (trừ kiến và tư hoặc) mới thoát khỏi sinh tử luân hồi.
  2. Giả quán: Giả quán là đứng về phương diện tục đế mà quán sát sự vật. Các pháp tuy không và không sở đắc nhưng đứng về thế tục mà nhìn, thì thấy bản tính vốn đủ các pháp, muôn hình vạn trạng, không thiếu một pháp nào. Pháp quán này có thể dứt trừ được trần sa hoặc, vì hành giả biết rằng hoặc tuy nhiều như cát bụi, nhưng đều là giả cả, nên không lo sợ trước số nhiều ấy, và cứ vững tâm phát nguyện độ sinh khắp tất cả.
  3. Trung quánTrung quán là đứng về phương diện trung đế để quán sát các pháp. Trung đế hay Đệ nhất nghĩa đế là sự thật đúng đắn nhất, không gì hơn, sự thật trung chính, tóm thâu, bao gồm tất cả các sự thật khác. Khi đứng về chân đế hay tục đế mà quán sát sự vật, thì không phải là không đạt đến sự thật; nhưng sự thật ấy mới chỉ được vén lên ở một khía cạnh này hay khía cạnh khác mà thôi. Và những sự thật ấy, nếu không có trung quán, thì trở thành mâu thuẫn, đối chọi nhau. Nhờ Trung quán mới nhìn được cùng một lần cả hai khía cạnh Có và Không, mới nhận chân được rõ ràng các pháp không phải Chân mà cũng không phải Tục, tức Chân, tức Tục, dung thông cả hai, không có chướng ngại. Pháp quán này sẽ trừ được vô minh hoặc một cách rốt ráo, cùng tột.

Ba pháp quán này có thể thực hành bằng nhiều lối:

– Hoặc quán theo thứ lớp, hết Không đến Giả đến Trung. Lối quán này gọi là quán ba đế về lối cách lịch, thứ đệ, hay về biệt tướng, hay biệt giáo.

– Hoặc quán theo lối thông tướng. Theo lối sau này thì quán một đế mà ba đế đều đủ, ba tức là một. Thí dụ: quán pháp Không, thời hết thảy đều Không; Giả, Trung cũng đều Không; quán pháp Giả, thời hết thảy đều Giả; Không, Trung cũng đều Giả; quán pháp Trung, thời hết thảy đều Trung; Không, Giả cũng đều Trung.

– Hoặc quán theo lối Viên dung; Viên nghĩa là đầy đủ, Dung nghĩa là dung hòa. Theo pháp quán này, thì dùng một tâm mà đồng thời tu ba pháp quán, nghĩa là trong một tâm niệm mà ba pháp quán đều đủ và không ngăn ngại nhau. Quán như thế gọi là “Nhất tâm tam quán”, một pháp quán của viên giáo. Nhất tâm tam quán là pháp quán vi diệu nhất. Nhờ pháp quán này mà hành giả trực nhận được trong một lúc mọi khía cạnh của tâm (mà cũng tức là của vạn pháp), rõ ràng như khi chúng ta đứng soi vào gương, mà vừa nhận thấy được ánh sáng của gương (dụ cho không), những bóng phản chiếu trong gương (dụ cho giả), và thể tính của chất gương (dụ cho trung). Ba thứ: ánh sáng, bóng phản chiếu và thể tính của gương đều đầy đủ, đều thể hiện cùng một lúc mà vẫn viên dung, không trở ngại nhau. Cái lý ba đế viên dung là đức tính sẵn có trong mười pháp giới, không một sự vật, một pháp gì, là không viên dung cả ba đế, cho nên thông thường gọi là: “ Một cảnh ba đế”.

Hành giả khi quán thuần thục, sẽ đi đến cái kết luận sau đây:

Chân như, Tâm và Vật, quan hệ mật thiết như tính ướt, nước và sóng. Chân như dụ cho tính ướt, Tâm dụ cho nước, Vật dụ cho sóng. Ngoài tính ướt không có nước; ngoài nước không có sóng. Ngoài chân như không có Tâm, ngoài Tâm không có Vật. Chân như, Tâm và Vật không rời nhau, mà cũng không phải là một, mà cũng không khác.

QUẢ VỊ TU CHỨNG

Như trên đã nói, do sự khám phá của “Nhất tâm tam quán”, Thiên Thai tông có một quan niệm lạc quan về sụ tu chứng. Thật vậy, khi đã nhận rõ chân như nằm ngay trong sụ vật, phàm, thánh không hai, uế độ tức tịnh độ, thì hành giả không cần phải cầu sinh ở một cảnh giới thanh tịnh nào khác mới tu hành được, cũng không cần phải tu hành lâu đời lâu kiếp mới thành Phật được. Ngay trong hiện tiền, nếu hiểu rõ được nghĩa lý của Trung đạo và khởi công tu luyện thì cũng đã là Phật rồi. Ấy là ý nghĩa của Thiên Thai tông đã đề xướng trong chủ trương “Lục tức Phật”.

  1. Lục tức Phậtgồm có: Lý tức Phật, Danh tự tức Phật, Quán hạnh tức Phật, Tương tự tức Phật, Phần chứng tức Phật, Cứu kính tức Phật.
  2. a) Lý tức Phật:Lý tức là nghĩa lý. Hiểu rõ được nghĩa lý mà đức Phật đã dạy trong câu “Chúng sinh vốn đủ Phật tính, cùng các đức Như Lai không hai không khác”; hay trong câu: “Hết thảy chúng sinh đều là Phật”; hiểu rõ được lý ấy tức là Phật.
  3. b) Danh tự tức PhậtDanh tự ở đây tức là những kinh điển, hay những lời thuyết pháp mà mình đã học hay đã nghe được, và đã hiểu được thông suốt rằng: “Hết thảy các pháp đều là Phật pháp”. Danh tự tức Phật nghĩa là lãnh hội được lý tính của vũ trụ vạn hữu qua kinh điển, văn tự, tức là Phật.
  4. c) Quán hạnh tức Phật: Quán là quán tưởng. Hạnh là tu hành, hành động; nói một cach tổng quát: quán hạnh tức Phật nghĩa là thực hành đúng theo lời Phật dạy tức là Phật.
  5. d) Tương tự tức Phật: Chữ tương tự ở đây có nghĩa là trong lúc mình tu hành, tuy chưa có thể thực chứng được lý tính , nhưng tâm mình đã được yên lặng, nơi lý đã mường tượng như tuồng đã chứng được, nên gọi là tương tự tức Phật. Đến đây tức là Phật thập tín, thuộc về nội phàm (phàm phu trong nội giáo).

đ) Phần chứng tức Phật: Theo Thiên Thai tông, thì vô minh như là một tấm màn dày đặc, gồm có 41 lớp; mỗi khi nhờ công phu tu hành, phá được một lớp, tức là chứng được một phần Trung đạo. Đó là ý nghĩa của phần chứng tức Phật. Đến đây tức là đã lên đến các bậc Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa và Đẳng giác.

e) Cứu cánh tức PhậtCứu cánh tức là đạt được bực cuối cùng, chứng được chỗ mầu nhiệm cực điểm, nghĩa là đến bực Diệu giác, Chủng trí đều viên mãn. Đến đây tức là đến bực Diệu giác hay Phật.

Chúng ta nên nhớ rằng “Lục tứ Phật” này có phân biệt Lý và Sự khác nhau. Về Lý thì kẻ mới bắt đầu bước lên bực thứ nhất và vị đã đến từng bực thứ sáu, đều bình đẳng như nhau, không hơn không kém, vì thể tính vẫn là một và mọi chúng sinh đều là Phật. Cái Lý này đem lại cho hành giả sự phấn khởi, trên đường tu hành, không sinh lòng chán nản, không buồn trách mình chậm thành đạo quả mà thối tâm.

Nhưng về Sự thì vị thứ cao thấp đều có trật tự, kẻ mới tu hành và vị đã chứng quả Phật, không thể như nhau và ngang nhau được. Người tu hành hiểu rõ như thế mới không sinh lòng tăng thượng mạn, tự xưng là Phật là Thánh trên bước đường tu hành của mình.

Về Sự thì chỉ những vị đã đạt đến bực thứ sáu, tức là bực Cứu cánh, mới đúng danh nghĩa là Phật, vì chỉ có Phật mới có đủ ba Trí, ba Đức.

  1. Ba trí: Ba trí tức là Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí.
  2. a) Nhất thiết tríTrí này rõ biết hết thảy các pháp đều không sinh; biết rõ danh, tướng các pháp của nội tâm và ngoại cảnh, biết rõ không có ngã và ngã sở. Trí này các bậc tu theo Tiểu thừa, sau khi đã chứng quả đều có được. Còn theo Thiên Thai tông thì do tu Không quán mà có được.
  3. b) Đạo chủng tríTrí này rõ biết nhất thiết pháp đều là Có, nhưng có một cách giả dối, do nhân duyên hòa hợp mà thành. Cái trí ở trên (nhất thiết trí) chỉ thông suốt được các pháp không sinh. Chứ không phân biệt được các pháp do duyên khởi. Vì không rõ được nguyên nhân sinh khởi các pháp như thế, nên không thể dùng đạo pháp của các đức Phật để phát khởi các giống lành cho hết thảy chúng sinh, và không dám phát nguyện rộng lớn cứu độ chúng sinh. Vậy phải có Đạo chủng trí này mới phá tan được trần sa hoặc, có tâm dũng mãnh để cứu độ chúng sinh. Trí này chỉ có các bậc Bồ tát mới có được, và do Giả quán mà thành.
  4. c) Nhất thiết chủng tríTrí này rõ biết được hết thảy pháp đều là trung đạo, biết được đạo pháp của các đức Phật và hết thảy nhân chủng (chủng tử khi tạo nhân) của các loại chúng sinh, phá tan được vô minh hoặc, thông suốt thật tướng của các pháp. Trí này tức là trí của Phật, do thành tựu Trung quán mà có.

Chứng được ba trí trên này là nhờ tu ba pháp quán: Không, Giả, Trung. Vì ba pháp quán này có cách lịch, viên dung khác nhau, nên khi chứng được ba trí cũng có thứ lớp và không thứ lớp khác nhau. Ba trí có thứ lớp, nghĩa là thành tựu tuần tự từ Nhất thiết trí, đến Đạo chủng trí, cuối cùng đến Nhất thiết chủng trí.

Ba trí không thứ lớp tức là ba trí đồng thời thành tựu, do tu pháp “Nhất tâm viên quán”.

Đoạn văn sau đây, trong bộ Ma ha Chỉ quán có thể tóm tắt một cách đầy đủ ý nghĩa của ba trí nói trên:

“Trí tuệ Phật soi rõ lý Không, như chỗ nhận thấy của bực Tiểu thừa, gọi là Nhất thiết trí. Trí huệ Phật soi rõ lý Giả, như sự nhận thấy của các bực Bồ tát, gọi là Đạo chủng trí. Trí-huệ soi rõ cả lý Không, Giả, Trung, thông suốt thật tướng các pháp, gọi là Nhất thiết chủng trí… Ba trí do một tâm đồng thời tu ba pháp quán mà thành, biết rõ ba cảnh bất tư nghị, trí ấy do tu quán mà đặng, nên gọi là trí. Trí ấy cũng tức là Phật trí”.

  1. Ba đức: Kết quả tu chứng của Thiên Thai tông, không phải chỉ có được ba Trí mà còn được ba Đức nữa. Chữ “Đức” ở đây không phải hiểu theo nghĩa thông thường ở thế gian, mà là Đức của cảnh giới Niết bàn, nghĩa là có đầy đủ thường, lạc, ngã, tịnh. Ba đức ấy là:
  2. a) Đức Pháp thânPháp tức là khuôn phép đúng với chân tướng của vũ trụ. Các đức Phật nhờ nương theo khuôn phép ấy mà tu hành thành Phật, thể chứng được chân tướng vũ trụ, cho nên gọi là pháp thân.
  3. b) Đức Bát nhã: Tức là cái sáng suốt về thỉ giác của Phật, rõ biết các pháp không sinh không diệt, vắng lặng siêu hình, một mực bình đẳng, không thêm không bớt.
  4. c) Đức Giải thoát: Giải là không bị ràng buộc; Thoát là vượt ra ngoài, là tự tại vô ngại. Ở đây muốn nói các đức Phật đã lìa bỏ các phiền não nghiệp chướng ràng buộc, chứng được cảnh giới đại tự tại, Giải thoát vậy.

KẾT LUẬN

Bốn phần trình bày trên này về Thiên Thai tông (duyên khởi lập tông, tông chỉ và giáo lý căn bản, phương pháp tu hành, và quả vị tu chứng) tuy không nói lên được một cách tỉ-mỉ về mọi khía cạnh của tông, nhưng thiết tưởng cũng đem lại cho quý vị độc giả một ý niệm tổng quát về Thiên Thai tông, một tông đặc biệt thành lập ở Trung Hoa và đã lan tràn ảnh hưởng sang các nước Mông Cổ, Nhật Bản, Cao Ly và Việt-Nam.

Điểm đặc sắc của tông này chính là ở pháp “Nhất tâm tam quán”. Nhờ ba pháp quán này mà hành giả nhận chân được một cách rõ ràng ba khía cạnh của vũ trụ vạn hữu: Vật, Tâm, và Chân như. Ba thứ ấy dụ cho sóng, nước và tính ướt. Ba thứ ấy không rời nhau, cũng không phải là một mà cũng không phải là khác và vẫn dung thông nhau, cùng nhau hòa hiệp: Có một tất có cả ba, cả ba nhưng có thể quy về một; nếu đứng về phương diện sóng mà xét, thì nước cũng là sóng mà tính ướt cũng là sóng; nếu đứng về nước mà xét, thì sóng cũng là nước, mà tính ướt cũng là nước; nếu đứng về phương diện tính ướt, thì sóng cũng là tính ướt, mà nước cũng là tính ướt. Nếu góp cả ba phương diện mà xét, thì ba phương diện có thể quy về một; nếu đứng về một phương diện mà xét, thì vẫn có thể thấy cả ba. Đó là ý nghĩa sâu sắc của Thiên Thai tông mà cũng tức là lý nghĩa chung của Viên giáo.

Nguồn: Trích từ sách Phật Học Phổ Thông (HT. Thích Thiện Hoa)


  ---*^*---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com