ẤN ĐỘ: Khai quật tượng bằng vữa có kích thước bằng người thật tại địa điểm Phật giáo Phanigiri
Một tác phẩm điêu khắc bằng vữa, có kích thước bằng người thật, đã được khai quật tại địa điểm Phật giáo Phanigiri, bang Telangana ở miền nam Ấn Độ. Đây là di tích Phật giáo có từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên.
“Tác phẩm điêu khắc độc đáo được phát hiện trong các cuộc khai quật này là mẫu vật lớn nhất và quan trọng nhất, và là một phát hiện hiếm có không chỉ ở Telangana mà còn cả ở trong nước”, ông Sunita Bhagwat, giám đốc cục Di sản địa phương cho biết.
Việc khai quật địa điểm này cũng đã tiết lộ các công trình kiến trúc hình vòm được gọi là bảo tháp, các hội trường có cột trụ, môt tu viện, các sân nền và cầu thang với các dòng chữ Brahmi có niên đại từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.
(NewsNow – May 1, 2019)
Tượng bằng vữa có kích thước bằng người thật được khai quật tại địa điểm Phật giáo Phanigiri
Photos: TNM
HÀN QUỐC: Một ngày nghỉ của các tiểu tăng tại công viên giải trí ở Yonhin
Yonhin, Gyeonggi - Nhìn thấy trẻ em đi xe tại một công viên giải trí là điều bình thường, nhưng điều gây tò mò nhất là khi các em này lại mặc áo tu sĩ Phật giáo.
Có thể đây là điều lạ đối với nhiều người, nhưng trẻ em trong trang phục tăng sĩ là phong tục ở Hàn Quốc vào thời điểm này trong năm.
Các tiểu tăng nói trên là một phần của lễ ‘Trẻ em Trở thành Tăng sĩ Phật giáo’ được tổ chức hàng năm.
Trong những tuần trước lễ Phật Đản (năm nay nhằm ngày 12-5 Dương lịch), trẻ em được gởi đi để tham gia chương trình này. Các em cạo đầu, mặc đồ tu và nhận chuỗi hạt cầu nguyện trong một buổi lễ như một phần của chương trình ở- lại-chùa đặc biệt. Với tư cách là những sa di, các em sẽ học đạo pháp và trải nghiệm cuộc sống của các nhà sư trong 2 tuần.
Nhưng không phải tất cả chỉ có kinh kệ, vì các tiểu tăng tại thành phố Yongin vẫn có được một ngày nghỉ để tham quan công viên giải trí Everland.
(The Straits Times – May 3, 2019)
Một ngày nghỉ của các tiểu tăng tại Yonhin, Hàn Quốc
Photos: AFP
HÀN QUỐC: Chính thức khánh thành ngôi chùa bằng đá cổ xưa nhất của đất nước sau gần 2 thập kỷ trùng tu
Ngày 30-4-2019, cơ quan di sản văn hóa của Hàn Quốc đã chính thức khánh thành ngôi chùa bằng đá cổ xưa nhất của đất nước sau một nỗ lực tu sửa kéo dài gần 2 thập kỷ qua.
Chùa đá Iksan Mireuksaji thuộc khu đền thờ Mireuksa cổ đại ở tỉnh Bắc Jeolla là ngôi chùa đá lâu đời nhất ở Hàn Quốc, được xây dựng vào thời vương quốc hùng mạnh Baekje (18 BC – 660 AD).
Nằm ở phía tây của khu đền thờ Mireuksa, ngôi chùa đá được phục hồi này cao 14.5 m, rộng 12.5 m và nặng khoảng 1,830 tấn, được chỉ định là Bảo vật Quốc gia số 11.
Quá trình phục hồi bao gồm việc tháo dỡ và xây dựng lại chùa đá có chi phí 20.3 triệu USD.
(Buddhistdoor Global – May 5, 2019)
Ngôi chùa đá được khôi phục tại khu đền Mireuksa đã chính thức khánh thành vào ngày 30-4-2019
Photo: yna.co.kr
Chùa đá Iksan Mireuksaji trước khi trùng tu.
Photo: wikipedia.org
Một tấm bảng bằng vàng khắc chữ ghi chi tiết nguồn gốc của chùa đá
đã được phát hiện trong quá trình phục hồi chùa
Photo: wikipedia.org
ẤN ĐỘ: Đức Đạt lai Lạt ma đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ nạn nhân trận bão Fani
Dharamshala, Ấn Độ - Sau trận bão Fani, Đức Đạt lai Lạt ma đã viết thư gởi Thống đốc bang Odisha, Naveen Patnaik, bày tỏ tình đoàn kết với những người bị ảnh hưởng và đóng góp 1 triệu Rupees từ Quỹ Đạt lai Lạt ma cho nỗ lực cứu trợ.
Trong thư, Đức Đạt lai Lạt ma ca ngợi chính quyền bang về việc đã làm giảm số thương vong nhờ nhanh chóng sơ tán người dân.
Hơn 1 triệu người từ khoảng 15,000 ngôi làng và 46 thị trấn đã được sơ tán.
Đức Đạt lai Lạt ma gởi lời chia buồn đến những gia đình đã mất người thân trong trận bão Fani (đổ bộ vào quận Puri vào ngày 3-5-2019) và cầu nguyện cho sự an toàn của mọi người.
(Phayul – May 6, 2019)
Đức Đạt lai Lạt ma
Photo: NDTV
NHẬT BẢN: Triển lãm “Nghệ thuật của Jishu: Một Phật phái Mới vào Thời đại Kamakura”
Kyoto, Nhật Bản – Khoảng 130 hiện vật, bao gồm 12 tranh cuộn bảo vật quốc gia “Ippen Hijiri-e” của chùa Shojokoji (ngôi chùa chính của tông phái Jishu ở Fujisawa, tỉnh Kanagawa) được trưng bày tại triển lãm “Nghệ thuật của Jishu: Một Phật phái Mới vào Thời đại Kamakura (1192-1333)”, đợt đầu tiên bắt đầu từ ngày 13-4 đến 12-5-2019 tại Bảo tàng Quốc gia Kyoto. Triển lãm đợt hai sẽ bắt đầu từ ngày 14-5 đến 9-6-2019.
Bộ tranh cuộn “Ippen Hijiri-e” mô tả nhà sư Ippen (1239-1289), người từng đi khắp nước Nhật để truyền bá đạo Phật bằng cách vừa tụng kinh vừa múa, và là người sáng lập tông phái Jishu vào thời đại Kamakura.
Triển lãm cũng kỷ niệm 700 năm ngày viên tịch của sư Shinkyo (1237-1319), đệ nhị sư tổ của phái Jishu, người kế thừa các hoạt động của sư Ippen.
(Tipitaka Network – May 7 , 2019)
Một số tranh thuộc bộ tranh cuộn bảo vật quốc gia “Ippen Hijiri-e” đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Kyoto, Nhật Bản
Photos: Shimbun Asahi