Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Những “vị thánh của ngày cuối cùng”

06/01/201206:49(Xem: 7276)
2. Những “vị thánh của ngày cuối cùng”

LỊCH SỬ VĂN MINH ẤN ĐỘ 

Tác giả: Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch

CHƯƠNG IX

ẤN ĐỘ VÀ KI TÔ GIÁO

II. NHỮNG “VỊ THÁNH CỦA NGÀY CUỐI CÙNG”

Ki Tô giáo ở Ấn – Brahma Somaj – Hồi giáo – Ramakrishna – Vivekananda.

Trong hoàn cảnh đó, dĩ nhiên là Ấn Độ tìm nguồn an ủi trong tôn giáo. Mới đầu, trong một thời gian, họ tiếp đón Ki Tô giáo với một tinh thần thân thiện; họ thấy tôn giáo đó dạy nhiều qui tắc luân lí mà chính họ cũng đã tôn trọng từ mấy ngàn năm trước; và tu viện trưởng Dubois bảo: “Trước khi người Ấn biết tư cách cùng phong tục của người Âu thì đạo Ki Tô cơ hồ có thể truyền vô Ấn Độ được”. Suốt thế kỉ XIX, các nhà truyền giáo cố hò hét, gióng lên tiếng hô hào của Chúa Ki Tô mặc dầu bị tiếng đại bác lấn át; họ dựng trường học và nhà thương, phát chẩn, phát thuốc và không quên phát các sách giáo lí cương yếu, và lần đầu tiên họ làm cho một số người Ấn nhận rằng hạng “tiện dân” cũng là người như ai. Nhưng rồi người Ấn thấy lời dạy của Chúa Ki Tô với hành vi của tín đồ Ki Tô sao mà trái ngược nhau quá, họ đâm hoài nghi, có kẻ mỉa mai, châm biếm nữa. Họ bảo sự tái sinh của thánh Lazare có gì đáng kể đâu vì tôn giáo họ vẫn luôn luôn thực hiện được những phép màu lạ lùng hơn nhiều; chứng cớ là các yogichân chính hiện nay vẫn làm được nhiều phép màu còn Ki Tô giáo thì có làm thêm được phép nào mới nữa đâu. Các người Bà La Môn hiên ngang giữ vững tín ngưỡng, đưa ra một hệ thống tư tưởng cũng tế nhị, thâm thuý và cũng khó chấp nhận, để chống lại các chính giáo phương Tây. Charles Eliot bảo: “Sự truyền bá Ki Tô giáo ở Ấn chẳng tiến bộ được bao nhiêu”.

Cứ xét tỉ số người Ấn theo Ki Tô giáo, trong ba trăm năm mà chỉ được 6%, ta tưởng Ki Tô giáo chẳng có ảnh hưởng gì lớn cả; nhưng sự thực cá tính của Chúa Ki Tô đã làm cho dân tộc Ấn phải mê. Cuốn Bhagavad-Gitađã ghi dấu hiệu của ảnh hưởng đó; rồi gần đây Gandhi và Rabidranath Tagore cũng có tinh thần Ki Tô giáo nữa. Nhưng hiển nhiên nhất là ảnh hưởng của Ki Tô giáo tới phong trào cải lương Brahma-Somaj[5]do Ram Mohun Roy phát động năm 1828. Không ai có đủ tư cách hơn Roy để nghiên cứu vấn đề tôn giáo. Ông học tiếng sanscrit để đọc các kinh Veda, tiếng pali để đọc Tripitaka[Kinh, Luật, Luận] của Phật giáo, tiếng Ba Tư và tiếng Ả Rập để hiểu Hồi giáo và kinh Coran, tiếng hébreu để hiểu Cựu Ướcvà tiếng Hi Lạp để hiểu Tân Ước. Sau cùng ông học tiếng Anh và viết tiếng Anh hay tới nỗi Jeremy Bentham mong sao James Mill[6] cũng có được một bút pháp thanh nhã, hoàn toàn như vậy. Năm 1820, Roy xuất bản cuốn Lời dạy của Chúa Ki Tô: Kim chỉ nam để đạt được hạnh phúc và sự an ổn tâm hồn. Ông bảo: “Tôi nhận rằng giáo lí của Chúa Ki Tô tạo được đạo đức và hợp với nhu cầu của những người có lí trí, hơn hết thảy các tôn giáo khác mà tôi biết được”. Vì vậy ông đề nghị với đồng bào một tôn giáo mới, bỏ đa thần giáo, chế độ đa thê, chế độ tập cấp, tục cưới gả trẻ con, tục hoả thiêu quả phụ, tục thờ các ngẫu tượng, mà chỉ nhận mỗi một Đấng Tối Cao là Brahman. Đồng bào ông ngạc nhiên, bất bình. Cũng như Akbar, ông mong ước dân tộc ông đoàn kết với nhau, chung quanh tôn giáo rất giản dị đó, và cũng như Akbar, ông coi thường sức mạnh của lòng mê tín. Sau một trăm năm gắng sức, phong trào Brahman-Somaj ngày nay gần như không có chút ảnh hưởng nào cả[7].

Các người Hồi giáo chỉ là một thiểu số tôn giáo, nhưng một thiểu số mạnh nhất, đáng kể nhất; chúng tôi sẽ nghiên cứu đạo đó trong một cuốn riêng. Chúng ta không ngạc nhiên rằng mặc dầu Aureng-Zeb đã gắng sức mà Hồi giáo không thu phục được dân tộc Ấn; trái lại, điều này mới ngạc nhiên là sao Hồi giáo không bị Ấn giáo đánh đổ. Nhất thần giáo đơn giản mà mạnh mẽ đó tồn tại được giữa khu rừng đa thần giáo, đủ tỏ tư cách của người Hồi hùng dũng ra sao, ta nên nhớ rằng đạo Phật đã bị đạo Bà La Môn thu hút, như vậy thấy sức kháng cự của đạo Hồi đáng phục thật. Chúa Allah [đạo Hồi] hiện nay được bảy chục triệu người thờ ở Ấn.

Tóm lại, Ấn Độ tìm được ít niềm an ủi trong các tôn giáo ngoại lai và những sứ đồ ở thế kỉ XIX đã ảnh hưởng mạnh nhất tới dân chúng chính là những vị đã dựa vào các giáo lí cổ và các tập quán, lễ nghi tôn giáo trong dân gian. Ramakrishna, một người Bà La Môn nghèo ở Bengale, đã có hồi theo đạo Ki Tô, mê Chúa Ki Tô[8], lại có hồi ông theo Hồi giáo, dự các lễ của tôn giáo nghiêm khắc đó, nhưng chẳng bao lâu ông trở về Ấn giáo, thờ cả nữ thần hung dữ Kali [vợ thần Shiva và là nữ chúa ở Âm Ti] mà ông biến thành một Thần Mẫu rất âu yếm, hiền từ. Ông bài xích thuyết chủ trí, chủ trương điều khiển và hợp nhất tình thương: Bhakti-yoga. Ông bảo: “Sự nhận thức Thượng Đế, khác với lòng yêu Thượng Đế, cũng như đàn ông khác với đàn bà. Tri thức chỉ vô được những đền thờ ở ngoài, chỉ lòng yêu mới đạt được những bí ẩn sâu kín nhất của Thượng Đế”. Trái với Ram Mohun Roy, Ramakrishna không chịu học thêm, ông không biết tiếng Sanscrit, không biết tiếng Anh; không viết lách gì cả và tránh các cuộc tranh luận. Một hôm một nhà luận-lí-học hỏi ông: “Tri thức là gì? Chủ thể biết là gì? Khách thể được biết là gì?”, ông đáp: “Ông ơi, tôi đâu có biết tất cả những tế vi kinh viện đó, tôi chỉ biết Thần Mẫu của tôi và chỉ biết rằng Ngài đã sinh ra tôi”. Ông dạy các tín đồ: Tôn giáo nào cũng có chỗ tốt: mỗi tôn giáo cho ta một phương tiện đạt được Thượng Đế hoặc ít nhất cũng là một giai đoạn trên con đường đựa tới Thượng Đế, và hợp với trí tuệ và tấm lòng của người đi tìm chân lí. Cải giáo là chuyện điên khùng, cứ theo con đường của mình và tìm hiểu cái tinh tuý của tôn giáo mình. “Dòng sông nào cũng đổ ra biển. Cứ theo dòng sông của mình, mặc người khác theo phía họ”. Ông chấp nhận đa thần giáo trong dân chúng, có chút cảm tình với tín ngưỡng đó nữa, mà cũng cung kính chấp nhận cả thuyết nhất thần của các triết gia; nhưng riêng ông thì ông tin rằng Thượng Đế ở trong mọi người và cách chân chính để thờ phụng Ngài là yêu toàn thể nhân loại.

Nhiều người có tâm hồn cao thượng, trong giới giàu có cũng như trong giới nghèo khổ, Bà La Môn có, hạng “ti tiện” có, coi ông là Guru(tôn sư) và lập một hiệp hội dưới danh nghĩa của ông. Tín đồ xuất sắc nhất là một Kshatriya trẻ tuổi, tự đắc tên là Narendranath Dutt, làu thông học thuyết của Darwin và Spencer, xin được gặp ông. Lúc đó, chàng là một người bất mãn vì chủ trương vô thần, thắc mắc, đau khổ, nhưng lại khinh tôn giáo mà chàng cho là chỉ gồm toàn những thần thoại, những mê tín dị đoan. Chàng phục lòng nhân từ kiên nhẫn của Ramakrishna, và thành đệ tử nhiệt thành của “thầy”; chàng bảo Thượng Đế là “tổng số mọi linh hồn” và khuyên các đạo hữu muốn tu thì đừng theo lối khổ hạnh, toạ thiền mà cứ tuyệt đối hi sinh cho mọi người.

Để đến kiếp sau hãy đọc triết thuyết Vedantavà toạ thiền.

Trong kiếp này hãy đem thân xác còn sống của ta này phục vụ người khác!...

Đây là chân lí cao nhất: Thượng Đế ở trong vạn vật. Vạn vật chỉ là những hình thức của Ngài thôi. Đừng tìm Thượng Đế nào khác. Chỉ người nào phục vụ vạn vật là thực sự thờ phụng Thượng Đế.

Sau “Naren” đổi tên là Vivekananda, rời Ấn Độ để đi khắp nơi quyên tiền cho Giáo hội Ramakrishna. Năm 1893, ông ta tới Chicago, không còn một đồng trong túi, bơ vơ. Hôm sau, lấy tư cách là đại diện Ấn giáo, ông diễn thuyết ở Hôi nghị các tôn giáo tổ chức nhân cuộc đại triển lãm ở Chicago. Ông uy nghi bước lên diễn đàn, thuyết về sự nhất thể của các tôn giáo, về cái đạo thờ Thượng Đế là phải phục vụ mọi người, thính giả say mê nghe ông; nhờ giọng hùng hồn, cảm hứng, chủ trương vô thần của ông thành một tôn giáo cao thượng, và nhiều tăng đồ Anh, Mĩ chính thống vỗ tay khen con người “vô tín ngưỡng” bảo Chúa chỉ là linh hồn của các sinh vật đó. Trở về Ấn, ông thuyết cho đồng bào ông một tôn giáo vô cùng cương cường hơn hết những thuyết họ được nghe từ thời các kinh Veda:

Chúng ta cần một tôn giáo tạo những con người cho ra người... Bạn nên bỏ những tôn giáo thần bí làm cho bạn suy nhược đi, và bạn nên cương cường… Trong năm chục năm sắp tới đây… chúng ta nên bỏ hết các thần linh khác trong trí óc ta đi. Chỉ có mỗi một Đấng Thượng Đế có ý thức là nòi giống của ta, đâu đâu cũng có bàn tay của Ngài, bàn chân của Ngài; cặp tai của Ngài[9];Ngài bao trùm hết thảy… Sự sùng bái chính đáng nhất là sự sùng bái vạn vật chung quanh ta… Người và vật, đó là các thần linh chân chính của ta và những thần mà chúng ta phải thờ phụng trước nhất, chính là đồng bào của chúng ta[10].

Vivekananda và Gandhi không cách biệt nhau bao nhiêu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]