Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

(c)

10/11/201115:49(Xem: 4959)
(c)

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT TỔ CỒ ĐÀM

Maha Thongkham Medhivongs

THIÊN THỨ MƯỜI BA (c)

NHỮNG CHUYỆN LẠ XẢY RA TRONG BỐN MƯƠI LĂM NĂM
TRUYỀN ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT TỔ CỒ ĐÀM (tt)

-ooOoo-

THẮNG NGƯỜI NGOẠI ĐẠO TÊN SUNDARÌ

Sau khi Thành đạo, Phật giáo phổ biến trong nhân gian một cách mau chóng và sâu rộng, tất cả các hạng người từ vua chúa, hàng quí phái, các bậc Trưởng giả đến hạng cùng đinh đều hồi đầu hướng thiện. Vì vậy mà làm cho bọn tà kiến ngoại đạo phải bị lui lần vào nơi bị bế tắc vì không người sùng bái kính nể như xưa.

Các vị Tổ sư của các giáo phái trong thời kỳ ấy lấy làm căm tức Phật giáo nhứt là đức Thế Tôn, nên hội lại nghiên cứu kế hoạch làm cho mất uy tín của Phật. Những người có mặt tại hội ấy có cô Sundarì (đọc là SUN ĐA RI) là người đẹp nhứt và thông minh nhứt, nên được bọn ngoại đạo giao phó trách nhiệm làm cho mất uy tín của Phật.

Cô lại đi theo dấu chơn của cô Cincà. Nhưng bọn ngoại đạo đã bị nếm mùi thất bại nên kỳ nầy khôn hơn là: thuê bọn côn đồ giết cô Sundarì rồi đem thây vùi ở đống hoa của tín đồ cúng dường bữa trước gần bên tư thất của Phật ngự. Khi cô ra vào chùa bọn ngoại đ?o làm như không hay biết chi hết đến khi bọn chúng giết cô Sundarì vùi vào đống hoa xong, bọn chúng truy hô lên là mất cô Sundarì. Sau khi tìm thấy trong đống hoa héo bọn chúng liền vào tâu cho đức vua xứ Thất La Phiệt và xin đức vua trừng trị đức Phật.

Khi bọn ngoại đạo đem tử thi vào thành và đem chuyện ấy truyền rao mọi nơi để bêu xấu Đức Phật rằng: Vì Ông Cồ Đàm thầm vụng yêu đương cô Sundarì , khi biết chuyện đổ bể ra nên giết cô để diệt khẩu, nay đã tìm thấy nơi đống bông cũ gần bên tư thất của thầy Cồ Đàm.

Khi ấy đức vua nghe bọn ngoại đạo đem chuyện ấy nói mọi nơi, Ngài liền cho mật thám phải đi dò thăm cho ra sự thật. Người thành Thất La Phiệt, ngoại trừ các bực Thánh nhơn thì ai ai cũng lấy làm chán nản mất đức tin với đức Thế Tôn.

Còn chư Tỳ khưu còn là phàm nhơn lấy làm bất bình vào bạch Phật chuyện ấy. Đức Thế Tôn liền dạy: Nầy chư Tỳ khưu, các thầy đừng phiền trách hàng đại chúng, người nào nói xấu kẻ vô tội, người ấy sẽ thọ lấy cái quả của mình đã làm. Rồi Ngài dạy câu kệ:

ABHMTAVADINIRIYAM UPETI YO
PÀPAM KATVÀNA KAROMICCAHAM
UBHOPI TE PECCA SAMÀBHÀVANTI
NIHÌNAKAMMÀ MANUJA PURATTHATI.

Nghĩa: Người nói xấu kẻ khác bằng lời nói dối khi nói không thật, người ấy phải bị đọa vào địa ngục. Hơn nữa, người nào làm việc chẳng lành, lại che giấu tội ấy bằng lời nói rằng: Tôi không có làm tội lỗi đê hèn ấy, rồi cố che không cho ai biết. Hai hạng người ấy sau khi từ bỏ cõi đời nầy sẽ bị thọ khổ trong bốn đường ác đạo. Người không làm việc ác, hằng ngày làm lợi ích cho người đời, người ấy sẽ thoát khỏi ác đ?o và sẽ được hưởng quả cao thượng trong đời nầy và vị lai.

Sau khi dứt câu kệ có rất nhiều vị đắc Thánh quả.

Đồng thời ấy, mật thám của đức vua đã bắt gặp được bọn côn đồ giết nàng Sundarì đang uống rượu say cãi nhau rằng: Bộ chỉ có một mình ngươi là người giết cô Sundarì sao? Chúng ta đồng làm chuyện ấy thì phải được hưởng đồng đều.

Mật thám liền bắt hết bọn ấy đưa về thành để đức vua phán xét. Khi về đến đức vua phán hỏi: Phải bọn ngươi giết cô Sundarì không? Bọn côn đồ thú thật mọi việc. Đức vua liền hạ chiếu bắt hết bọn ngoại đạo đã chủ mưu chuyện ấy, tùy theo tội nặng nhẹ mà xử.

Khi ấy đức Thế Tôn mới thuyết cho chư Tỳ khưu nghe rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, không phải chỉ có kiếp nầy nàng Sundarì nói dối và nói xấu Như Lai mà thôi đâu. Cô ấy đã từng nói xấu Như Lai kiếp quá khứ rồi.

Chư Tỳ khưu thỉnh cầu đức Thế Tôn dạy Túc Sanh Truyện ấy.

Đức Thế Tôn dạy: Trong kiếp quá khứ có nhà vua tên Brahamadatta trị vì xứ Bàrànasì. Khi ấy đức đại Bồ Tát sanh vào gia đình của vị Đại thần. Sau khi cha quá vãng đức Bồ Tát được thay cha kế vị.

Khi ấy đức vua có một bà Hoàng hậu, đức vua lấy làm yêu thương. Lúc nọ, có loạn ở biên cương, quan quân không dẹp nổi, nên đức vua phải thân chinh. Trước khi đi Ngài cho Hoàng hậu hay và bảo phải ở lại xem việc trào chánh thay Ngài. Hoàng hậu nằn nằn đòi theo, nhưng không được đức vua chấp thuận. Lịnh bà liền yêu cầu đức vua phải cho quan hầu về cho tin luôn luôn, đức vua nhận lời. Khi đi mỗi do tuần đều cho về một vị quan hầu để cho bà hay nhà vua đã đi đến nơi nào và bình yên.

Mỗi vị quan hầu về cho tin, đều được lệnh bà chiếu cố một đêm với bà. Từ kinh thành đến nơi nổi loạn xa ba mươi hai do tuần, nghĩa là có ba mươi hai vị quan hầu về cho bà hay và bà đã chiếu cố ba mươi hai vị.

Sau khi dẹp xong loạn quân đức vua hồi trào. Cũng mỗi do tuần đều cho một vị về cho Hoàng hậu biết tin. Ba mươi hai vị ấy cũng được bà chiếu cố mỗi vị một đêm với bà. Tính cả thảy là sáu mươi bốn vị gần với bà trong khi đức vua dẹp loạn.

Khi về đến thành đức vua còn ở ngoài thành để cho quan hầu đưa tin vào cho vị Đại thần ở trào (là đức Bồ Tát) biết để lo chuẩn bị tiếp đón Ngài. Đức Bồ Tát liền vào hoàng cung báo tin ấy cho Hoàng hậu hay.

Khi bà trông thấy vị Đại thần trẻ tuổi đẹp trai thì bà ưng ý, bà liền tỏ vẻ yêu đương, nhưng đức Bồ Tát cương quyết phản đối chuyện đê tiện ấy. Bà cho biết sáu mươi bốn vị quan kia đã làm như lời bà, mặc dầu vậy đức Bồ Tát cực lực phản đối. Bà lấy làm tức giận sanh oán thù. Bà liền nghĩ ra kế là vu cáo Ngài. Bà liền xé y trang cào mặt mày trầy.

Đức vua ngự vào thành đến hoàng cung thăm bà trước nhứt, thấy tình trạng của bà như vậy phán hỏi, bà liền vu oan rằng: Đã bị vị Đại thần ấy cưỡng dâm nhưng bà không bằng lòng nên bị đánh đập như vậy. Đức vua lấy làm tức giận truyền đem Đại thần ra xử tử.

Nhưng đã là đức Bồ Tát thì trí tuệ hơn người nên Ngài liền thuật lại câu chuyện Hoàng hậu hành động đê hèn như vậy có cả sáu mươi bốn vị quan làm bằng. Đức Bồ Tát liền dạy đức vua phải hành động cho đúng là một vị minh quân, và phải có ngũ giới nhứt là phải có pháp không tây vị.

Sau khi thuyết pháp xong đức Bồ Tát xin xuất gia vào ở rừng Tuyết Lãnh.

Sau khi thuyết Túc Sanh Truyện xong Ngài dạy rằng: Vị đại Bồ Tát trong ấy chính là Như Lai hôm nay, bà Hoàng hậu trong khi ấy chính là cô Sundarì trong kiếp nầy. Ananda đức vua trong kiếp ấy.

HÓA ĐỘ NGOẠI ĐẠO SACCAKA

SÀCCAM VIHÀYA MATISACCAKAVÀDAKETUM
VÀDÀBHIROPITAMANAM ATIANTABHMTAM
PANNAPAVÌPAJALITO JITAVÀ MUNINDO
TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI.

Nghĩa: Đức Phật sáng suốt nhờ ngọn đèn tuệ. Ngài đã cảm thắng ngoại đạo tên Saccaka là kẻ không ngay thật. Chỉ ưa thích sự nâng cao lời nói mình như người dựng cột phướn, kẻ rất si mê, chẳng khác người mù. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho sự hạnh phúc phát sanh đến người.

CHUYỆN TÍCH

Khi đức Thế Tôn ngự tại Kutagàrasàlà ở rừng Mahàvana gần thành Vesàlì. Trong khi ấy có con của một người Nigraítha tên là Saccaka ở trong thành Vesàlì. Saccaka là người rất có tài biện luận. Khi đến vấn đạo một vị giáo chủ nào thì vị ấy không sao trả lời câu hỏi của y được. Thật là một người rất thông minh giỏi về việc vấn nạn người. Người thời ấy đặt tên y là Đại Trí Thức.

Saccaka thường tự hào khoe khoang tài mình giữa nơi hội họp rằng: Ta chưa từng gặp bậc Sa môn hay Bà la môn hoặc các vị Tổ sư của một đạo giáo nào tự xưng là A-la-hán hiểu thông mọi sự việc để ta được vấn nạn cho mãn nguyện.

Chỉ có những người bị ta vấn nạn trước công chúng mồ hôi chảy ướt cả châu thân vì thẹn là không trả lời được câu hỏi của ta. Sự thật khi mà ta đã vấn nạn góc cột hoặc vật vô tri giác nó cũng kinh sợ run rẩy lên.

Nhờ chút tài mọn chưa gặp người đối đáp nên tên ngoại đạo Saccaka tự kiêu, tự đắc, ngạo mạn càng ngày càng nặng, khinh khi tất cả các bực trưởng lão và các bực xuất gia.

Khi ấy có nhiều vua chúa, các quan cùng các nhà quí phái đưa con đến xin học với y. Khi ấy y tự xưng cho mình là Giáo sư tên là Disàpamokkha (có nghĩa là vị Giáo sư giỏi nhứt trong một châu).

Bịnh ngạo mạn tự kiêu càng ngày càng nặng, nên ngày nọ y mới nghĩ rằng: Ta là người học nhiều hiểu rộng, lão thông kinh sử, trên đoạt thiên văn dưới thông địa lý. Sự hiểu biết của ta càng ngày càng thêm nhiều, ngày nào đây bụng ta không còn có chỗ chứa nổi nữa nó sẽ nổ tung ra. Vậy ta phải làm một cái niền để niền cái bụng lại để cho nó khỏi nổ tung ra. Tôi (soạn giả) dịch đến đây lấy làm lạ cho bực gọi là Đại trí thức mà nghĩ chuyện trẻ con như vậy. Nhưng tôi không dám bỏ đoạn nầy vì trong kinh nói sao tôi thuật y vậy.

Tất cả người trong thời kỳ ấy lấy làm lạ và xôn xao bàn tính về cái bụng niền bằng cái niền sắt của người ngoại đạo Saccaka ấy. Tiếng đồn đại đến các lân quốc.

Tên tuổi của Saccaka không ai không biết và không ai không ca tụng kính nể. Vì vậy mà bịnh của y càng ngày càng trầm trọng. Nếu y nghe rằng: Nơi nào có các vị trí thức là Sa môn hay Bà la môn hoặc ai chẳng hạn, không nề đàng xa hay cực nhọc y thân hành đến vấn nạn.

Đồng thời ấy Hồng danh của đức Đại Giác cũng đang phổ biến sâu rộng trong thế gian. Pháp bảo của Ngài chiếu ánh sáng huy hoàng tất cả mọi nơi đều sùng bái và tu theo giáo lý của Ngài nhiều không kể xiết. Hầu như thời kỳ ấy không một ai không biết Phật là vị đại Sa môn Cồ Đàm. Vị Chánh đẳng Chánh giác, đấng Đại Giác, đấng Đại Từ Bi, đấng Phổ độ những người bất kham v.v... Saccaka nghe tin ấy lấy làm bất mãn vì y muốn rằng: Tiếng Đại trí thức độc quyền một mình y thôi. Nên y có ý định sẽ tìm Phật để vấn nạn, làm cho Phật không còn thanh danh và mất hết uy tín trong thế gian nầy.

Ngày nọ, Đại Đức Assaji (vị Đại Đức mà Ngài Xá Lợi Phất gặp đầu tiên và do Ngài thuyết pháp nên đắc Tu-đà-hườn) đang đi khất thực trong thành Vesàlì. Saccaka trông thấy Đại Đức từ xa đi đến gần Ngài và hỏi: Thưa thầy, ông Sa môn Cồ Đàm hằng giáo hóa hàng đệ tử những gì?

Ngài Đại Đức đáp: Nầy Aggivesana , đức Thế Tôn hằng dạy chư đệ tử nhiều pháp môn không sao kể hết được, nhưng có thể tóm lại là: Sắc không thường. Thọ không thường. Tưởng không thường. Hành không thường. Thức không thường. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không thường là không phải của ta gọi là Vô Ngã. Đây là lời giáo hóa của đức Bổn Sư.

Khi nghe xong trở về nơi cư ngụ, gọi tất cả học trò lại đưa vấn đề đã hỏi ngài Đại Đức ra bàn cãi nhau và mọi người nơi ấy đều có quyền đưa ý kiến ra. Sở dĩ mà Saccaka làm như vậy vì muốn tìm ra tất cả ý kiến mọi người cho thật chu đáo đến vấn nạn Phật. Khi mọi người đều đưa ý kiến và Saccaka đã thu lượm được rất nhiều ý kiến, y chắc rằng đã chu đáo hoàn toàn rồi. Vì y đã chọn lọc những ý kiến hay rồi.

Saccaka liền tìm đến Đại Đức Assaji hỏi Ngài: Nầy ông Assaji , ông xuất gia đây có lợi ích chi cho ông?

- Nầy Saccaka , bần đạo xuất gia hầu được sự ích lợi là giải thoát.

- Nầy ông Assaji ơi, lời nói đây thật là chuyện vô ích, mà việc làm của ông là nhân đi đến nơi địa ngục, không phải là lối đi đến nơi an lạc đâu. Từ kiếp này đến kiếp sau xin ông đừng bao giờ nói đến tiếng nầy nữa, lời ấy thật là lời không nên nói. Thật là lời đáng ghê tởm. Ông hãy nghe lời ta đây, ông hãy về chỗ của ông Cồ Đàm đang ở và ta cũng dẫn năm trăm đệ tử ta đến nơi ấy.

Ông liền gọi năm trăm đệ tử đắc ý của ông nhứt là năm trăm vị hoàng thân vua Licchavì xứ Vesàlì , đến nơi Phật ngự.

Theo thường lệ của đức Đại Giác thì hằng ngày sáng sớm thường dùng tuệ giác xem coi chúng sanh nào có duyên lành với Ngài để Ngài đi tế độ. Sáng hôm ấy đức Thế Tôn thấy Saccaka đã đi sâu vào lưới giác ngộ của Ngài, ông ấy sẽ bỏ lòng tự cao tự đại, xuất gia theo Phật giáo. Sau khi thoát sanh được sanh về cõi trời, sau khi Như Lai nhập diệt, ông nầy sẽ là người đem Phật giáo truyền bá tại Tích Lan. Saccaka sẽ sanh vào gia đình Bà la môn, là người có trí tuệ không ai có gì đo lường được, có lòng trong sạch với Phật giáo, xuất gia theo vị Đại Đức tên là Moggalliputta đắc A-la-hán quả. Vậy Như Lai nên quá độ cho được Saccaka nầy. Nên đến sáng ngày đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vesàlì khất thực, sau khi khất thực xong đức Thế Tôn không dẫn chư Tỳ khưu về chùa mà lại dẫn lại ngự dưới một cội cây ở nơi rừng Mahàvana và thọ thực nơi ấy.

Saccaka cũng dẫn đệ tử vào rừng Mahàvana gặp đức Thế Tôn đang ngự nơi ấy. Y liền đến gần tính vấn nạn Phật nhưng khi đến gần lấy làm kinh sợ nên tỏ vẻ kính trọng chớ không hách dịch như gặp các vị khác. Ông ta liền hỏi:

- Nầy ông đại Sa môn, thật là hân hạnh được gặp ông hôm nay. Tôi được nghe danh tiếng của ông vang rền như cồn, vì vậy nên tôi cố tìm ông hầu luận đàm pháp lý với ông.

- Nầy Saccaka , nếu ngươi muốn hỏi ta bao nhiêu và những gì thì cứ hỏi tự tiện hỏi. Như Lai rất vui lòng giải đáp những gì thắc mắc của ngươi.

- Nầy ông Cồ Đàm, ông hằng giáo hóa tín đồ những gì? Và những lời chỉ giáo ấy phần nhiều là gì?

- Nầy Aggivesana , Như Lai hằng dạy hàng đệ tử như vầy, những lời dạy c?a ta phần nhiều là Sắc không thường, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không thường. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không phải là ta, không phải của ta. Các pháp đều không phải là ta, không phải của ta. Như Lai hằng dạy hàng đệ tử như vậy.

- Nầy ông Sa môn Cồ Đàm, tất cả các thứ giống đều mọc lên tươi tốt đều nhờ vào quả địa cầu, lớn lên cũng nhờ quả địa cầu. Cũng ví như tất cả những hành vi và các việc làm của ta cũng nhờ quả địa cầu, nghĩa là vì có quả địa cầu thì ta mới có chỗ ở mà hành sự; điều nầy ta muốn đề cập đến là vì nhờ có Sắc là của ta, Thọ là của ta, Tưởng là của ta, Hành là của ta, Thức là của ta. Nhờ ta ở trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức mới có hưởng được tất cả mọi sự việc khoái lạc trong đời.

- Nầy Aggivesana , ngươi nói như vậy có phải ý ngươi muốn nói như vậy: Sắc là của thân ta, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là của thân ta có phải vậy không?

- Phải vậy, mà tất cả những người có mặt nơi đây cũng đồng ý với ta như vậy.

- Nầy Aggivesana , nay ngươi đến đây để đưa ra ý kiến chắc của ngươi là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức chắc là của thân ta. Những vật ấy đều ở dưới quyền sử dụng của bản thân ta. Giờ đây nếu thật Sắc ấy là của bản thân ngươi thật. Vậy ngươi hãy bảo Sắc của ngươi rằng: Sắc thân của ta không được phép già. Nếu Sắc thân ấy vâng lời ngươi thật nghĩa là không già. Khi ấy Như Lai xin tin theo ngươi rằng: Sắc là của ta. Sẽ lo săn sóc và bồi bổ cho thân nầy, mà cũng hết lòng thương mến nó. Ngươi nên bảo tóc của ngươi rằng: Tóc hãy đen hoài đừng bạc. Răng hãy ở mãi mãi với ta đừng rụng. Thử coi những vật ấy có vâng lời ngươi chăng? Thật ra nếu ngươi có khẩn cầu van xin tới đâu đi nữa, Sắc ấy cũng chẳng bao giờ vâng lời ngươi, nó sẽ từ từ thay đổi theo thời gian và theo ý nó.

Vậy nay ta hỏi ngươi: Sắc ấy có phải là của ta chăng? Vậy từ đây đi ngươi hãy bỏ ý định: Các Sắc là của ta.

Saccaka không thể trả lời được nên cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Vì quá hổ thẹn nên không đủ sáng suốt để đối đáp, nên ngồi lặng thinh. Đức Thế Tôn hỏi lần thứ nhì đến lần thứ ba mà Saccaka cũng vẫn lặng thinh không trả lời được.

Phàm một vị Chánh đẳng Chánh giác không bao giờ hỏi ai đến bốn lần, nếu đến lần thứ tư thì người ấy sẽ bị chết liền tại chỗ. Khi đức Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba vài phút sau, có Dạ xoa tên là Vajirapàni hiện ra tay cầm cây côn to, hào quang cây côn ấy chiếu lòa cả mắt, đứng trên không trung hét to lên rằng: Nầy Saccaka , nếu ngươi mà câu nệ và tự cao không trả lời câu hỏi của đức Thế Tôn để làm cho ý nghĩa đầy đủ, ta sẽ đập nát đầu ngươi ra. Vì đức Đại Giác không hề hỏi ai đến ba lần, mà nay đã hỏi ngươi ba lần rồi, đến lần thứ tư ta không dung tha ngươi được. Vì trước mặt đức Đại Từ Bi nên ta đã dung cho ngươi đến câu thứ ba rồi không còn dung câu thứ tư được.

Nơi ấy chỉ có đức Thế Tôn trông thấy Dạ xoa bằng Thiên nhãn của Ngài, còn Saccaka trông thấy vì Dạ xoa muốn cho Saccaka thấy. Saccaka thấy hình dung kỳ dị hung ác của Dạ xoa đã kinh khủng lắm rồi mà còn bị đe dọa rằng sẽ đập nát đầu nữa nên Saccaka liền cuối lạy đức Thế Tôn và nói:

- Bạch đức Thế Tôn, Ngài là nơi nương nhờ của tôi. Bạch Ngài, xin Ngài cứ hỏi tôi xin đáp lời Ngài.

- Nầy Saccaka , ngươi là kẻ ngoan cố, chấp rằng: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là của ta, là ta, là vật dưới quyền sở hữu của ta có phải vậy chăng? Hay là không phải?

- Bạch Ngài, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thật không phải ta. Không phải của ta. Không dưới quyền sở hữu của ta. Không thể rầy la nó được.

Khi ấy đức Thế Tôn liền dạy rằng:

- Pháp nào không thường là vật đem khổ não đến ta, nếu vật nào đem khổ não đến thì vật ấy không phải của ta, mà cũng chẳng phải là ta, ba pháp ấy gọi là Vô thường, Khổ não và Vô ngã. Đức Thế Tôn còn dạy nhiều pháp khác nữa.

Đức Thế Tôn muốn nhắc cho Saccaka có thêm trí nhớ và trí tuệ nên Ngài dạy rằng:

- Nầy Saccaka , người trong thế gian nầy khó mà gặp được đấng Đại Giác, có khi người phải luân hồi hằng trăm ngàn đại kiếp cũng không gặp được đức Chánh đẳng Chánh giác. Hiện nay ngươi là người có đào tạo nhiều duyên lành để dành trong vô số kiếp nên mới gặp được Như Lai.

Khi ấy, Saccaka cảm thấy lòng trong sạch kính thành với Phật bảo. Ông mới nói: Bạch Ngài Cồ Đàm, chúng tôi những người có mặt nơi đây, toàn là những kẻ si mê, tà kiến, cố ý đến để vấn nạn Ngài, thâm tâm chúng tôi muốn vấn nạn Ngài, không cho Ngài có lối thoát, bắt buộc Ngài phải kính phục chúng tôi. Trái lại Ngài là đấng Đại Từ Bi, dập tắt được tà kiến của chúng tôi bằng Pháp bảo, ví như người bị rắn độc cắn đang bị nộc hành thật là khổ sở, nhờ người đem thuốc đến chữa cho lành mạnh; người cho thuốc ấy chính là Ngài vậy. Hiện giờ tôi được sáng suốt cũng nhờ Pháp bảo của Ngài soi đường, đã ra khỏi vòng tà kiến. Tôi có thể làm cho tâm tôi được an vui. Ngài là vị đưa sự an vui tiến hóa vĩnh viễn cho chúng tôi. Tôi xin thỉnh cầu đức Thế Tôn và chư Tỳ khưu đến thọ thực nơi tư gia tôi sáng mai nầy. Saccaka biết đức Thế Tôn nhận lời nên gọi năm trăm đệ tử ra về và bảo rằng:

- Mai nầy các ngươi hãy đến tư gia ta để làm lễ trai Tăng đấy nghe.

Sáng ngày, đức Thế Tôn và chư Tăng đến thọ thực tại nhà của Saccaka. Saccaka lấy làm vui mừng được đức Thế Tôn đến trai Tăng. Nên ông lo lắng hết sức chu đáo. Khi trai Tăng xong ông liền bạch Phật rằng:

- Bạch hoá đức Thế Tôn, Ngài là người ban bố sự an vui và hạnh phúc cho tôi. Xin Ngài nhận tôi là người tín đồ Phật giáo.

Đức Thế Tôn dạy:

- Nầy Saccaka , ngươi làm phước lần nầy gọi là làm phước vĩ đại đúng theo pháp Ba la mật, kiếp sau ngươi sẽ diệt tận tham ái, sân hận, si mê không đi vào ác đạo nữa.

THU PHỤC LONG VƯƠNG NANDOPANANDA

NANDOPANANDABHUJÀGAM VIBUDHAMMA- HIDDHIM
PUTTENA THERABHUJAGENA DAMÀPAYANTO.
IDDHMPADESAVIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO
TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMAÍGALÀNI.

Nghĩa: Đức Phật dạy Đại Đức Mục Kiền Liên biến làm Long Vương để thu phục rồng chúa Nanh Đô Pá Nanh Đá (NANDOPANANDA) là rồng tà kiến có nhiều thần thông. Nhờ dạy Đại Đức Mục Kiền Liên mà đức Chánh Biến Tri thâu phục được rồng chúa ấy. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho sự hạnh phúc phát sanh đến người.

CHUYỆN TÍCH

Lúc nọ đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của Trưởng giả Cấp Cô Độc tại thành Thất La Phiệt. Khi ấy ông Trưởng giả vào thỉnh cầu đức Thế Tôn và năm trăm vị Đại Đức đến thọ thực nơi nhà của ông sáng hôm sau. Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách lặng thinh.

Phận sự của đấng Đại Giác là đến canh chót Ngài dùng tuệ nhãn xem coi chúng sanh nào có duyên với Ngài sáng hôm ấy để Ngài đi hóa độ. Ngày ấy, Ngài trông thấy Long vương Nandopananda là rồng rất hung ác nhưng lại có duyên lành với Ngài. Đức Thế Tôn nghĩ: Vậy trong hàng đệ tử vị nào là người có thể hóa độ Long vương nầy thay Như Lai. Đức Thế Tôn thấy Ngài Đại Đức Mục Kiền Liên là người có duyên thâu phục Long vương.

Sáng ngày, đức Thế Tôn dạy Đại Đức Ananda cho năm trăm vị Đại Đức biết rằng: Đức Thế Tôn ngự lên cõi trời. Các vị liền tụ lại đông đủ để cùng đi theo đức Thế Tôn.

Đồng thời, Long vương Nandopananda dẫn cung phi mỹ nữ ra nơi đồng trống, hiện ra một tòa lầu thật nguy nga đồ sộ. Toà lầu ấy trang điểm bằng các thứ ngọc quí thật là đẹp. Long vương truyền dọn yến ăn uống vui chơi.

Đức Thế Tôn dẫn chư Đại Đức đến nhà ông Trưởng giả Cấp Cô Độc để thọ thực, thay vì Ngài đi thẳng đến nhà ông Trưởng giả, trái lại Ngài dẫn chư Tăng bay lên cõi trời Đạo Lợi mà lại bay qua lâu đài của Long vương đang ăn uống vui chơi. Trước khi đi đức Thế Tôn dùng thần thông làm cho hào quang chiếu sáng và Ngài phát nguyện rằng: Xin cho chư Thiên và nhân loại cùng tất cả các loài có thức tánh đều trông thấy Như Lai và chư Tăng ngự đi lên trên cõi trời. Khi phát nguyện xong Ngài dẫn chư Tăng bay đi trên không như người đi trên bộ, ai ai cũng trông thấy rõ ràng.

Trong khi đức Phật và chư Tăng đang bay đi, Long vương lại trông thấy, lấy làm tức giận và rất ghét, nghĩ rằng: Bọn Sa môn nầy thật là dại dột, không biết kính nể oai thần, không biết khiếp sợ ta. Nếu họ muốn đi đến cõi Đạo Lợi thì cứ đi, nhưng xin đừng bay ngang qua đầu ta, nếu bay ngang qua đầu ta, thì ta sẽ gây sự với bọn ấy liền. Chắc chắn rằng: Khi bọn ấy bay ngang qua đầu ta thì cát bụi dưới chân bọn ấy sẽ rớt lên đầu ta và vật thực của ta. Vậy trước hết ta phải đón đường chúng không cho chúng đi ngang qua đây.

Nghĩ xong, Long vương liền dùng mình quấn lấy núi Tu Di cao tám muôn bốn ngàn do tuần, rộng một muôn do tuần bằng cái đuôi, còn đầu thì che mất cõi Đạo Lợi ngoài ra Long vương còn làm cho mây bay khói tỏa mịt mù tối đen làm cho không thấy đường đi.

Đại Đức Ratthapàla thấy bỗng dưng thiên ám địa hôn như vậy, nên đến gần Phật và bạch hỏi.

Đức Thế Tôn đáp: Có chuyện lạ như vậy là do nơi Long vương tên Nandopananda đang giận dữ muốn làm hại Như Lai và đang nguyền rủa Như Lai thậm tệ, đang dùng đuôi quấn núi Tu Di và đầu che án cõi Đạo Lợi làm cho trời tối không thấy chi hết.

Đại Đức Ratthapàla nghe vậy liền xin Đức Thế Tôn cho phép Ngài dùng thần thông để thâu phục Long vương tà kiến ấy. Đức Thế Tôn không nhậm lời. Lần lượt đến tám mươi vị đại đệ tử đến xin kể có cả Đại Đức Xá Lợi Phất nhưng không vị nào được Ngài ban cho đặc ân ấy. Sau cùng đến Ngài Mục Kiền Liên, đức Thế Tôn mới nhậm lời.

Sau khi nhậm lời xong Ngài liền dạy: Như Lai cho phép ngươi đi độ Long vương. Như Lai cầu chúc ngươi thắng và thâu phục được Long vương ấy. Đức Thế Tôn ngồi trên hư không có chư Thánh Tăng đứng hầu, để xem Đại Đức Mục Kiền Liên thâu phục Long vương.

Đại Đức thấy Long vương biến hình to như vậy Ngài nghĩ rằng: Long vương nghĩ rằng, biến thân hình như vầy là to lớn lắm rồi, vì Tu Di sơn vương là núi to nhất mà y còn quấn bảy lần. Y định rằng: Không còn có nhân vật nào lớn bằng. Vì vậy nên dám cả gan muốn giết đấng Đại Giác. Ta phải làm cho Long vương mất hết tâm thâm độc nầy, bỏ lòng tà kiến. Ngài liền hóa ra Long vương lớn gấp đôi Long vương Nandopananda và quấn bên trên mình của Long vương ấy và siết chặt vào làm cho Long vương Nandopananda bị ép chặt vào núi Tu Di, còn đầu của Ngài Đại Đức hóa Long vương to hơn đầu Long vương Nandopananda hằng trăm lần. Thân hình Long vương mà Đại Đức hóa ra quấn Long vương Nandopananda mười bốn lần. Long vương Nandopananda lấy làm khổ sở vì bị một sức mạnh lớn hơn hằng triệu lần quấn và ép vào Tu Di sơn, hình như xương bị gãy ra từng đoạn; không thể thở được thì làm sao cử động được.

Không còn chịu đựng với sự khổ sở ấy nữa nên Long vương liền thu hết tàn lực thổi ra một làn khói độc. Đại Đức biết rõ Long vương nầy có một chất độc vô cùng tai hại, có thể làm chết hết nhân loại và cỏ cây không thể sống được nếu không bị cháy tiêu tức khắc. Ngài liền dùng thần thông thâu hết chất độc đến đổi ngọn cỏ ở kề bên cũng không bị rung động. Khi thấy đã dùng đến hơi độc vô cùng nguy hiểm mà không làm gì được Đại Đức, Long vương liền hóa lửa để đốt Ngài. Đại Đức liền dùng ngay thiền định về chất lửa đẩy lui lửa của Long vương mà còn làm cho Long vương bị nóng nảy không sao chịu nổi. Thân hình Long vương bị lửa của bản thân mình hóa ra bao bọc coi như là một cây lửa cao tám muôn bốn ngàn do tuần vậy.

Long vương Nandopananda mới nghĩ rằng: Người nầy tên gì? Từ đâu đến? Thần thông cao đệ nhứt, hơn cả ta. Vậy ta nên hỏi xem cho biết. Long vương mới hỏi: Ông tên chi? Từ đâu đến? Xin ông cho tôi biết.

- Bần đạo là đệ tử chánh thức tay trái của đức Giác Ngộ tên là Mục Kiền Liên.

- Bạch Đại Đức, Ngài là vị Sa môn, tại sao Ngài lại nỡ hành hạ tôi như thế nầy. Đây thật là việc mà Ngài là bực Sa môn không bao giờ nên làm.

- Nầy Long vương, chính tâm bần Tăng không hề vì sân hận hay chút giận hờn gì làm cho ngươi khổ, hay làm hại nhân vật. Nhưng bần đạo đến đây vì tâm từ bi muốn giáo hoá Long vương đấy thôi, thâm tâm bần Tăng chỉ muốn đưa Đại vương ra khỏi nơi tội lỗi tà kiến, để đi theo con đường chân chánh là Bát chánh đạo. Vậy Đại vương không nên phiền trách bần đạo.

- Bạch Đại Đức, Ngài muốn vậy và làm như thế nầy thật là bất phải, vì Ngài làm khổ tôi. Vì vậy nên tôi cho rằng: Ngài không có hạnh kiểm như chư vị Sa môn khác.

Đại Đức nghe Long vương nói vậy Ngài liền hiện ra một vị Tỳ khưu, rồi Ngài dạy rằng: Nầy Long vương Nandopananda , ngươi nên biết rằng: Mặc dầu ngươi là Long vương nhưng vẫn còn trong hạng thú; ngươi lại có sự dễ duôi quá đáng, không phân biệt tội phước mà cũng chẳng hiểu tội phước, và lợi ích hiện tại và vị lai gì hết. Ngươi không biết ân đức Tam bảo hơn cả mẹ cha. Vậy ngươi có nên dùng lời đê tiện chưởi rủa mắng nhiếc một bực Đại Từ Bi như đức Chánh đẳng Chánh giác hay không? Nầy Long vương, tâm ngươi thật là tâm si mê tột độ. Nếu chân của đức Từ Bi mà chạm đến đầu của ngươi là vạn hạnh cho ngươi lắm rồi. Ngươi có biết tất cả chư Thiên, Phạm Thiên đều mong được có dịp để đảnh lễ và cúng dường hay nghe lời giáo hóa của Ngài, cũng mong được cúi đầu làm lễ vi trần dưới chân Ngài nhưng vẫn còn khó có dịp may như vậy thay. Hơn nữa chúng sanh trong tam giới khó mà gặp được đức Đại Giác, có khi sanh lại nhiều muôn ngàn kiếp cũng chưa có dịp may để gặp bực Đại Giác, dầu cho dấu chân của Ngài cũng khó trông thấy. Còn ngươi là vị Long vương thuộc về một trong bốn đường ác mà còn là con vật tà kiến lại dám chưởi mắng vị Chánh đẳng Chánh giác, là vị Thiên Nhơn Sư, ngươi dễ duôi khinh thường vị Chánh đẳng Chánh giác, đây cũng do nơi nghiệp chướng của ngươi thật nặng nề.

Nói xong Ngài liền đi kinh hành trong lỗ tai mặt của Long vương ra lỗ tai trái. Đi vào lỗ mũi bên nầy ra mũi bên kia, Long vương bị Ngài đi kinh hành như vậy lấy làm khó chịu liền nói: Đại Đức, lẽ cố nhiên của một vị Sa môn hằng hành theo chánh pháp là Từ Bi. Còn Đại Đức thì không có lòng từ bi thương hại tôi. Ngài đã nói rằng: Ngài chẳng giận hờn phiền hà tôi. Nhưng tại sao Ngài hành hạ tôi như thế nầy. Lời nói và việc làm của Ngài không đi đôi nhau chăng? Nói xong Long vương liền hả miệng ra.

Đại Đức Mục Kiền Liên nghe vậy nghĩ rằng: Hôm nay ta đã nhứt định giáo hóa Long vương nầy phải bỏ tà kiến, nên Ngài nói: Nầy Long vương, chính ngươi không biết kính trọng các bực Sa môn, Bà la môn là các bực hành chân chánh theo chánh pháp. Sở dĩ bần Tăng phải hành ngươi như thế nầy vì ngươi có tâm rất là hung ác sân hận, làm hại người. Giờ đây ngươi lại còn có ý định nhai ta, nhưng trái lại ta không hề có ý muốn làm hại ngươi. Vậy ngươi nên tỏ ra ngươi là kẻ biết ân người như ta là người đến giáo hóa ngươi. Ngươi nói rằng: Ta hành hạ ngươi, thật ra ta làm cho ngươi khổ như vầy cũng chưa xứng tội ngươi. Ta có ý muốn gieo duyên lành với ngươi, muốn cho ngươi trông thấy lợi ích cao cả trong ngày vị lai. Nói xong, Đại Đức liền đi ngay vào miệng Long vương đang hả răng bén như gươm đang sẵn sàng để nhai Ngài. Long vương không thể nào nhai Ngài được và để Ngài tự do đi kinh hành trong miệng, trong bụng.

Đức Thế Tôn biết rõ trong lòng Long vương đã kinh sợ Đại Đức lắm rồi. Ngài liền gọi Đại Đức rằng: Mục Kiền Liên, con đừng quên rằng: Long vương nầy có rất nhiều thần thông.

Đại Đức đáp: Bạch đức Thế Tôn, đệ tử đã có công rèn luyện bốn phép nguyện vọng pháp mầu, không thể dễ duôi lười biếng bỏ qua công phu ấy thì đệ tử có sợ gì Long vương Nandopananda nầy. Dầu cho có hằng muôn, ngàn Long vương như thế nầy đệ tử cũng có thể thu phục để bỏ dữ về lành được. Xin đức Đại Từ Phụ đừng quan tâm chi.

Long vương nghĩ: Vị Sa môn nầy đã nói rằng: Không hề có tí giận hờn nào về ta, nếu Ngài không giận hờn gì ta thiệt thì xin Ngài hãy ra; không nên đi kinh hành trong bụng ta như vầy.

Chỉ suy nghĩ thầm trong tâm như vậy mà Ngài Đại Đức biết rõ, Ngài liền hiện ra đứng ngay trước mặt của Long vương.

Long vương thấy Ngài hiện ra trước mặt, liền nghĩ: Vị Sa môn nầy thần thông cao thượng, hơi thở ta có thể tiêu tan một quả núi đá. Vậy sao ta không dùng hơi thở ta mà giết ông ta cho rồi. Nghĩ xong Long vương liền gom hết hơi lại thở một cái thật mạnh ngay vào người của Ngài Đại Đức, sức gió ấy độc và mạnh hơn cả bão tố, nếu không do nơi oai đức của Ngài thì núi rừng nơi ấy đều tiêu hoại hết. Vì biết tâm Long vương hung ác nên khi ấy Ngài Đại Đức đã dùng thần thông chế ngự được hơi độc ấy, mặc dầu chéo y của Ngài cũng chẳng hề rung động.

Long vương thấy hơi thở của mình vô cùng dũng mãnh mà không làm gì Ngài Đại Đức được thì lấy làm kinh sợ và nghĩ: Thật thầy Sa môn nầy thần thông vô lượng vô biên; nếu ta cố tranh tài với Ngài thì chắc lấy tai hại cho mình thôi. Vậy thượng kế là trốn càng mau càng hay. Nghĩ xong liền bỏ chạy thật lẹ.

Đại Đức thấy Long vương tháo ra bỏ chạy thật lẹ, Ngài liền biến ra một giống chim rất là hung dữ thường bắt rồng ăn đó là chim đại bàng Kim sí điểu; chim nầy to lớn khác thường, một cái đập cánh bay xa hằng mấy chục do tuần. Tiếng đập cánh của đại bàng Kim sí điểu như sấm nổ lưng trời làm cho Long vương kinh sợ không cùng liền thu hình nhỏ lại để chun vào kẹt đá cho dễ nhưng đại bàng khôn hơn vỗ cánh quạt tảng đá bay ra rất xa. Làm Long vương không biết trốn tránh nơi nào; liền hiện lại nguyên hình, rồi hoá ra một thanh niên tuấn tú, quì xuống đảnh lễ Ngài Đại Đức van xin Ngài rằng: Xin Đại Đức mở lòng từ bi tha tội lỗi; Tôi xin phát nguyện qui y hướng thiện. Tôi là kẻ tà kiến không hiểu Ngài là bực Thánh nhơn. Xin Ngài thương hại tôi như cha mẹ thương con còn trẻ dại lầm lỗi. Xin Ngài tha thứ cho.

Đại Đức liền đưa Long vương đến nơi Phật ngự. Long vương thấy đức Thế Tôn cùng chư Thánh Tăng ngự trên hư không rất lấy làm kinh sợ, đảnh lễ xong rồi bạch Phật rằng: Bạch đức đại Từ Bi Ngài là đấng Tế độ chúng sanh. Tôi là kẻ tà kiến hung ác lầm đường tội ác không hiểu đâu chánh đâu tà. Hiện giờ tâm tôi đã giác ngộ trông thấy rõ thiện, ác. Từ hôm nay tôi xin cúng dường thân nầy đến Tam bảo.

Đức Thế Tôn liền truyền Tam qui và Ngũ giới cho Long vương, và dạy nên hành thêm thiện pháp, giúp đỡ quyến thuộc, nhẫn nại từ bi v.v...

Rồi đức Thế Tôn mới dẫn chư Tăng đến nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc thọ thực. Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn thuật lại chuyện Đại Đức Mục Kiền Liên dùng thần thông thu phục Long vương Nandopananda. Trưởng giả nghe câu chuyện ấy lấy làm trong sạch với chư Tăng; ông xin cúng dường bảy ngày liền cho năm trăm vị Thánh Tăng.

Khi ấy đức Thế Tôn mới dạy: Trong thế gian nầy không có vị đệ tử nào có thần thông bằng Mục Kiền Liên.

Kể từ ngày ấy đi Đại Đức được liệt vào hàng đại đệ tử giỏi nhứt về thần thông.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567