Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Tế lễ theo kinh điển Vệ-đà

20/04/201100:32(Xem: 4224)
7. Tế lễ theo kinh điển Vệ-đà

ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản


Chương 01
563 - 528 trước CN
Thời Niên Thiếu - Cuộc Tầm Cầu - Giác Ngộ


TẾ LỄ THEO KINH ĐIỂN VỆ-ĐÀ

Hiển nhiên đạo giáo chuyên tế lễ thần linh của thế kỷ thứ sáu trước CN làm thất vọng bất cứ người nào có tâm nguyện đúng đắn về đạo giáo. Niềm say mê tiên tri là điều một ngàn năm trước đã khiến cho những nhà hiền triết Ấn Độ gốc Ariyan nghe được tri thức (Veda) của thần linh tự trong tâm và chuyển những gì đã nghe (Sruti) thành các khúc đạo ca, và niềm tự hào về thơ văn thúc đẩy họ thâu thập các khúc đạo ca tạo thành bộ sách Vệ-đà, “tri kiến thần linh”,rồi tán tụng chúng theo những nhịp điệu trang nghiêm trong lễ tế đàn, tất cả những thứ ấy không còn nữa.

Các khúc đạo ca vẫn còn được tán tụng trong lễ tế đàn như trước, nhưng vào thời đức Phật, chúng chỉ được xem như các loại thần chú trở thành máy móc. Các tế lễ ngày càng trở nên phức tạp và kéo dài, các phẩm vật và phí tổn dành cho các Bà-la-môn ngày càng quá đắt giá đối với người muốn tế lễ. Gánh nặng các “công đức” quá máy móc ấy hầu như đã bóp nghẹt tính cách thiêng liêng của thần thánh.

Sự phát triển từ các cách thờ cúng do thần khải thời cổ sơ thành hệ thống tôn giáo đầy lễ nghi tế tự của thế kỷ thứ sáu này có thể được thấy rõ ràng qua các kinh điển. Ngoài số 1028 khúc Thánh ca của kinh RgVedalà tài liệu tối cổ của văn hóa Ấn Độ, (khoảng 1500 trước CN) chúng ta còn thấy kinh Yajurveda, Sàmavedavà kinh Atharvavedađược xem là Thánh điển về sau, lại có kinh văn Bràhmanas(khoảng 1000 trước CN) giải thích rõ các lễ nghi, kinh Àranyakasvà các bộ Upanisadstối cổ (khoảng 700 trước CN). Các sách Upanisads (Áo Nghĩa Thư) tỏa ra tinh thần cải cách về tâm linh và có thể được xem như một phần của phong trào đi tìm tự do tôn giáo mà Thái tử Siddhattha Gotama, người sau này trở thành đức Phật, cũng đã bị lôi cuốn vào.

Đối với thời đại chúng ta, nhiều hình ảnh thần linh trong Thiên giới Vệ-đà thật khó tưởng tượng ra, bởi vì chúng kết hợp những đặc điểm thần linh với quan niệm về các hiện tượng thiên nhiên theo một cách bất chấp tính hợp lý. Thông thường, các đặc tính gán cho một vị thần nào đó lại tương phản nhau không thể nào kết hợp chung được trong tư tưởng. Do vậy phần lớn các thần Vệ-đà vượt ra ngoài định nghĩa trong một cảnh tranh tối tranh sáng, hay ba phần tư bóng tối không thể nào quan niệm được.

Ngôi vị tối cao trong đền thờ Vệ-đà do Indra Thiên Chủngự trị, vị thần có ngàn lực và là thần hộ mệnh của dân tộc Ấn gốc Ariyan từ hướng Tây đến chiếm thung lũng sông Hằng khoảng 1200 trước CN. Ngài là vị anh hùng đã có thời dùng gậy thần giết Vrtra, con quỷ gây hạn hán và như vậy đã giải phóng các dòng sông được quấn chặt trong thân rắn của nó. Ngài vung vẫy chiếc cầu vồng chính là cây cung của ngài, phát ra sấm chớp bằng chiếc kim cang chùy (vajra), ngài lao vùn vụt trên chiếc thiên xa từ trận chiến này đến trận chiến khác để diệt bầy quỷ cố tìm cách ngăn cản ngài ban bố những cơn mưa thuận gió hòa đem lại sự phong phú cho quả đất đang khao khát nước ngọt.

Thức uống của ngài là rượu soma, một thứ tiên tửu trộn với mật ong và sữa bò, mà các tín đồ dâng lên ngài trong những lễ cúng rượu thật tràn trề để mong ngài tọai ý và ban phước lộc. Thần Indra không chỉ là hiện thân của dũng lực và nam tính, khuyến khích tư tưởng và hành động phát triển, mà còn là thần tạo sự phong phú cho đám gia súc và ban tròn ước nguyện về vật chất cho con người. Kẻ nào có thần Indra ở bên mình thì không thiếu món gì cả. Một kẻ tôn thờ vị Thiên Chủ này cầu xin ngài ban phước theo cách không biết ngượng ngùng của người bản xứ:

Indra hỡi, nếu ta là Thiên Chủ,
Đấng phát ban mọi phẩm vật trên trần,

Thì kẻ nào ca tụng với tán xưng,

Sẽ chóng hưởng đàn trâu bò đẹp nhất!

Ta sẽ giúp người, tấu Trời Đại Lực,

Vì kính người, nên ta sẽ phát ban

Cho những ai ca tụng hoặc tri ân

Nếu ta được làm Chúa đàn súc vật! (Rv. 8 . 14 . 1 - 2)
Kế tiếp thần Indra là thần VarunaMitra. Varuna là hiện thân bầu trời trùm lên vạn vật, được tôn thờ như vị thần bảo vệ chân lý (rta) và trật tự vũ trụ. Phận sự thần này là bảo tồn sự điều hòa trong hướng đi của mặt trời, sự thay đổi ngày và đêm, các tuần trăng và các mùa. Vị này cũng chứng giám các lời cam kết và thề ước, vì không giữ lời thề ước là nói dối, và vi phạm tính thiêng liêng của chân lý mà thần Varuna có phận sự bảo vệ. Về sau theo kinh Vệ-đà, Varuna còn được xem là thần đại dương và sông nước, nên thần trừng phạt những kẻ nuốt lời thề bằng các căn bệnh phù thủng và giun chỉ là những bệnh rất thông thường ở Ấn Độ. Một bệnh nhân như vậy thường van xin thần Varuna:
Cho con đừng tới nhà mồ,
Va-ru-na hỡi, thứ cho lỗi lầm,

Va-run phước đức thi ân,

Con như bong bóng nổ bùng lững lơ;

Thần đầy ân đức, thứ tha,

Vì con ngu xuẩn hóa ra chống ngài,

Thứ tha con, đội ơn trời,

Đứng trong dòng nước, tôi đòi khát khao!

Thứ tha con, hỡi trời cao,

Dù loài người đã phạm bao lỗi lầm

Chống bề tôi của chư thần,

Nếu vì ngu xuẩn không tuân lệnh ngài,

Chúng con xin tấu lạy trời

Xin đừng thịnh nộ diệt nòi giống con. (Rv 7 . 89)
Varuna thường song hành với Mitra và theo cách phối hợp này, Varuna chỉ bầu trời ban đêm, còn Mitra chỉ bầu trời ban ngày và vầng nhật. Ở nơi khác Varuna lại được gọi là thần đuổi bắt rất gắt gao những kẻ phạm pháp và Mitra (Bạn) là người đoàn kết nhân loại.

Các thiên thể và hiện tượng tự nhiên đóng vai trò nổi bật trong đền thờ Vệ-đà. Usas, thần Bình minh, được thể hiện qua hình một thiếu nữ dịu dàng. Thần mặt trời được gọi là Savitarhay Sùrya, được thờ như vị thần phát sinh cây cỏ và súc vật, và cũng là vị thần xua đuổi sự ngu si. Các thần Marutslà thần Bão tố mang lại gió mùa và mưa lớn, bạn của thần Indra. Vàyulà tên thần gió, được xem là có năng lực làm trong sạch con người và thổi tan tai họa. Parjanyalà thần mưa tạo mầm sống trong cây cỏ và mọi loài khác. Prthivìlà nữ thần đất có bụng bự, háng rộng và sinh sản nhiều.

Nhưng ta không làm sao dâng lễ tế thần nếu thiếu thần lửa Agni, thần này dùng các chiếc lưỡi toàn bằng khói lửa mang lễ vật lên trên trời và thỉnh cầu chư Thiên xuống trần gian dự lễ tế đàn:

Agni cuộn quanh mình
Phẩm vật tế thần linh

Chỉ riêng mình thần lửa

Lên đến cõi Thiên đình.

Agni đầy uy lực,

Đầy vinh hiển, tín thành

Xin nguyện cầu Thiên chúng

Đưa xuống với quần sanh! (Rv I . 4 - 5)
Agni là thần của các Bà-la-môn tế tự, và đó cũng là tế sư của chư Thiên. Với sức nóng, thần lửa tạo điều kiện cho đời sống, nhưng thần lửa cũng là thần phá hoại. Tế lễ cuối cùng con người đặt trên bàn thờ thần Agni chính là ngọn lửa trên đàn tế. Sau đó Yama, thần chết hung ác sẽ khiêng xác chết lên cõi trời.

Trong thời kỳ Vệ-đà sơ khai, tế lễ được xem như yến tiệc mời thần linh. Từ “Àrya” mà dân Ấn gốc Aryan dùng để miêu tả bản chất của họ, có nghĩa là “hiếu khách” và vì Thiên thần cũng được bao gồm trong đặc tính hiếu khách ấy, nên từ này cũng để chỉ tôn giáo của họ. Mắt phàm tục không thể thấy được chư Thiên thần khi chư vị xuống dự lễ tế đàn và an tọa trên đàn tế lộ thiên. Thiên thần được vị chủ tế dâng thực phẩm, rượu soma bèn bày tỏ lòng hoan hỷ biết ơn qua các cách đáp lễ như cho mặt trời mọc mỗi ngày, làm mưa rơi xuống và đem thắng lợi, an cư lạc nghiệp, thành công, con đàn cháu đống, gia súc tăng trưởng, trường thọ, cường tráng. Việc đáp lễ của chư Thiên này có thể xem là đáng tin cậy được, miễn là đừng phạm lỗi lầm gì trong lúc cầu nguyện và dâng yến tiệc lên “chư Thiên”, nghĩa là “những vị có hào quang”.

Chính niềm lo sợ phạm lỗi lầm khi tế lễ đã đưa đến sự thay đổi căn bản trong thái độ đối với tế đàn. Vì nếu việc ấy không còn tùy ý nguyện của người chủ tế, mà phải tuân theo đúng mọi lễ nghi chuẩn mực là điều tối quan trọng, thì người chủ tế cần phải giao phó việc dâng yến tiệc lên chư Thiên cho một vị chuyên môn. Những người này dựa trên sự thông thạo các lễ nghi và am hiểu thần chú (brahman), đã đảm trách tế lễ theo sự ủy thác của người khác. Với thời gian dần dần được xem là những vị chuyên môn tế đàn và thông thạo lễ nghi thờ cúng, họ nhận được danh hiệu, trước tiên là từ chỉ nghề nghiệp, sau dần trở thành từ chỉ giai cấp Bà-la-môn (Brahmanas) và cũng vì quần chúng tin rằng vị tế sư Bà-la-môn có thể làm hại người chủ nhà bằng cách hành lễ không đúng nghi thức hoặc đọc sai Thánh ca, nên người nào muốn dâng tế đều rất thận trọng chu đáo làm cho vị Bà-la-môn tế tự được vui vẻ bằng cách hứa hẹn một món tiền hậu tạ và đãi một bữa ăn thịnh soạn.

Cũng vì các lễ nghi tế tự ngày càng phức tạp, các tế sư Bà-la-môn trở nên kiêu ngạo không những đối với các gia chủ hiến tế mà cả với thần linh nữa. Những lời nói như “Thiên thần nhờ cậy tế lễ”(SBr 14. 6, 8, 9) rất thường thấy trong các kinh Bà-la-môn, quả thật cái tư tưởng cho rằng chư Thiên thần trông cậy vào tài năng của vị Bà-la-môn tế tự và không thể làm gì được nếu không có sức mạnh tạo ra do tế đàn xuyên suốt nền văn học Bà-la-môn. Rõ ràng: “Tế lễ bảo tồn trời đất, tế lễ dành cho chư Thiên, tế lễ ngự trị trên chư Thiên”(TBr 6, 51, 8). Thần chú tế lễ (Brahman) là một loại thần chú có tính tự động bắt buộc chư thần linh phải làm theo ý muốn của vị Bà-la-môn tế tự. Thần chú có tính vạn năng, người nào hiểu chú và tụng chú chính xác là người cao trọng hơn tất cả mọi loài.

Điều đáng khen các Bà-la-môn là, mặc dù họ sinh thói kiêu căng chưa từng có trước kia vì sự thông thạo thần chú linh hiệu, chính họ cũng đã nỗ lực tìm ra những lý lẽ biện minh thần lực này. Theo họ nhận thấy, chính chân lý nội tại(rta, satya) tạo nên năng lực hiệu nghiệm của thần chú. Rta hay “chân lý” ở đây không có nghĩa là sự thật phù hợp lý luận như chân lý tuyệt đối, chân lý như thật. Nhưng vì thần chú “chân chánh” (Brahman) chứa đựng mọi thực tại trong bản chất nó, vì nó bao gồm mọi sự hiện hữu hoặc bất cứ điều gì có thể quan niệm được, nên nó có khả năng làm bất cứ chuyện gì.

Dĩ nhiên, trung tâm tế lễ của Kapilavatthu được bố trí phù hợp với kinh điển Bà-la-môn. Về phía tây của sân đàn tế xây cao dùng làm nơi cúng lễ vật lên chư Thiên thần, nơi đó được phủ cỏ mới cắt trước khi tế lễ, cùng với một ngọn lửa chuẩn bị cho các món phẩm vật. Lửa tượng trưng mặt trời đem lại sự sống, sinh hoa kết trái cho muôn loài, nên được đặt trong hỏa lò hình tròn.

Về phía đông bàn thờ chư thiên thần là một hỏa lò hình vuông theo hình thế giới được tưởng tượng như chiếc dĩa phẳng chữ nhật:Phẩm vật cúng tế được đổ vào ngọn lửa cháy tại đó để thần lửa Agni mang lên trời.

Cuối cùng về phía nam là ngọn lửa thứ ba tượng trưng mặt trăng nên có hình bán cầu. Ngọn lửa này được dùng để xua đuổi ma quỷ khỏi đến phá tế lễ. Một tế lễ đầy đủ cần có ba tế sư và một vị sư quản tế. Vào lúc kết thúc buổi tế lễ họ thường hô to: “svàhà” (cung nghênh!).

Ngoài các đại tế đàn theo yêu cầu của gia chủ, còn có các tiểu tế và đủ loại lễ nghi không được xem là “tế đàn”, ví dụ những phép ảo thuật như làm mưa bằng cách rảy nước, ăn tim lửa hổ để có can đảm, hoặc những lễ hội liên quan đến ngày tháng trong năm, hoặc các lễ hội gia đình như kết hôn, sinh con, đặt tên, mai táng v.v... Các lễ hội này cũng được linh nghiệm nhờ thần chú (Brahman) mà chỉ riêng vị tế sư chuyên nghiệp mới có thể tán tụng đúng âm luật.

Một người chỉ đạt đến chức vụ tế sư Bà-la-môn sau khi đã làm môn đồ tại nhà một vị tế sư Bà-la-môn suốt mười hai năm, hằng ngày chăm sóc ngọn lửa, học thuộc Thánh ca, thần chú, lễ nghi và sống đời kiêng sắc dục để phát triển ưu thế đối với mọi người. Chỉ khi nào việc học tập này kết thúc, vị Bà-la-môn trẻ tuổi ấy mới được phép mang kiểu tóc đặc biệt của vị Bà-la-môn chuyên nghiệp, gồm một chòm tóc kết bên phải đầu, và ba chòm nữa ở các nơi khác. Nếu ta xét kỹ khoảng thời gian huấn luyện lâu dài và khó khăn cần thiết để trở thành một tế sư Bà-la-môn thì ta có thể hiểu tại sao chỉ một phần nhỏ trong những người thuộc giai cấp Bà-la-môn theo huyết thống đã trở thành tế sư chuyên nghiệp.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]