Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Kinh thành Kapilavatthu và vị Quốc vương

20/04/201100:32(Xem: 4404)
4. Kinh thành Kapilavatthu và vị Quốc vương

ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản


Chương 01
563 - 528 trước CN
Thời Niên Thiếu - Cuộc Tầm Cầu - Giác Ngộ


KINH THÀNH KAPILAVATTHU VÀ VỊ QUỐC VƯƠNG

Nếu thời niên thiếu, hoàng tử Siddhattha nhìn ra phương bắc, chàng thường thấy rặng núi trùng điệp nhấp nhô đến tận chân trời. Theo chàng biết, nơi này chỉ xa khoảng tám yojana: do-tuần (80km) nhưng rất khó đến, vì thành Kapilavatthu bị ngăn cách rặng núi bằng một dãi lau sậy và rừng rậm đầy hổ báo, voi, tê giác lai vãng và nhiều người liều lĩnh băng qua rừng rậm này đều chết vì sốt rét. Song nếu ta vượt qua chướng ngại này thì mặt đất lại bằng phẳng lên cao dần và ta đến vùng đồi cỏ cây thưa thớt. Phía sau các chân đồi (nay là Sivalik hay Churia) là một thung lũng xanh tươi và tiếp đó nữa lại là rặng núi Mahàbhàrata, từ thành Kapilavatthu ta có thể thấy được vài đỉnh núi này. Sau rạng núi tục truyền còn nhiều núi cao hơn nữa, đó là dãy Himavathay Himàlayas(Tuyết Sơn) với các đỉnh tuyết hùng vĩ cao ngất tận trời xanh, đó là nơi tận cùng xứ Jambudìpa(Diêm-phù-đề) hay lục địa Hồng Đào này vậy.

Quang cảnh hướng về đông ít trở ngại hơn. Phía ấy có thôn làng Lumbini là nơi chính thái tử Siddhattha đã ra đời dưới một gốc cây và xa hơn nữa là Devadaha, nơi mẫu hậu Màyà mà chàng chưa từng biết và kế mẫu Pajàpati đã sinh trưởng, và đó cũng là nơi ngoại tổ Anjana đã sống. Từ Devadaha ta có thể đi vài ngày đường về hướng mặt trời mọc, song rồi lại gặp rừng rậm và hoàn cảnh trở nên nguy hiểm. Tại đó các thổ dân da đen lai vãng săn bắn và nói thứ ngôn ngữ không ai hiểu được.

Cảnh về phía tây lại hoàn toàn khác. Phía ấy có con đường cái đưa đến các thành Setavyà và Sàvatthi và miền xa hơn nữa, tại Sàvatthi có vị đại vương mà phụ vương Suddhodana thường nói đến, khi yết kiến vị đại vương này, ta phải chấp hai tay lại, cúi đầu đảnh lễ (añjali) thật cung kính. Đại vương ấy có quân hùng tướng mạnh, đôi khi vài đội binh chủng của họ kéo đến thành Kapilavatthu đều được tiếp đón trọng thể.

Ta có thể du hành bình an đến thành Sàvatthi: quân đội nhà vua canh phòng cẩn mật để các đoàn lữ hành bằng xe bò mang đủ loại hàng hóa qua lại không bị bọn đạo tặc quấy phá. Thường các đoàn xe từ Sàvatthi đi qua ít khi dừng lại ở Kapilavatthu, mà tiếp tục đi về hướng đông nam đến Kusinàrà và Vesàli, cuối cùng vượt qua sông Hằng đến Pataligàma và tiếp tục đi đến Ràjagaha, nơi đó lại có một đại vương khác ngự trị.

Thái tử từng nghe nói nếu ai muốn, có thể lên thuyền ở Pàtaligàma và dong buồm đi vài ngày nữa lên thượng lưu sông Hằng đến Vàrànasi (Benares) và Payàga (Allàhabad). Khi lớn khôn, chàng sẽ du ngoạn các nơi ấy và nhiều thành phố khác nữa để về kể chuyện cho dân chúng nghe. Nhưng hễ khi nào chàng phát họa các chương trình nầy với Phụ vương, vua Suddhodana đều cười xoà và lắc đầu, bảo rằng một vị Thích-ca không được phép phiêu bạt giang hồ như một khất sĩ xuất gia (paribbàjaka), một kẻ chăn bò hoặc thương nhân, mà ở vị trí một nông gia Sát-đế-lỵ, chàng phải canh tác ruộng đất, luyện tập nghề binh khíù, để một ngày kia được bầu lên làm vua cai trị như chính phụ vương vậy.

Rồi Phụ vương chàng thường chỉ ra các đồng ruộng chung quanh với các bụi cây Sàla sừng sững, và phía kinh thành Kapilavatthu vươn lên dưới ánh mặt trời với “hoàng cung” cùng các ngôi nhà tranh vách đất hay các chòi tre nứa trong làn không khí lung linh nắng nhạt.

-Khung cảnh ngày nay tương ứng với thành Kapilavatthu ngày xưa ra sao vẫn còn là vấn đề được các nhà khảo cổ học bàn luận. Nhà chiêm bái Trung hoa Fa-hsien(Pháp Hiển) đến hành hương các Phật tích Ấn Độ khoảng giữa năm 399 và 414 CN, đã phát biểu những lời dường như muốn chỉ rõ các di tích ở cạnh vùng Pipràvà ngày nay trên đất Ấn, cách phía nam Lumbini 12 km. Vị đồng hương của ngài là Hsuan-tsang(Huyền Trang) đi chiêm bái Phật quốc vài thế kỷ sau (629 - 645) để tìm hiểu Thánh điển, cũng cho biết các khoảng cách và lời hướng dẫn chỉ đường đến di tích ở Tilaurakot trong vương quốc Nepal, cách tây bắc Lumbini 24 km. Biên giới Ấn Độ -- Nepal nằm giữa hai địa điểm này, chúng cách nhau 16km nhưng phong cảnh giống nhau.

Cuộc tranh luận về quê hương đức Phật không hoàn toàn thoát khỏi những thành kiến của mỗi dân tộc. Các học giả Nepal bênh vực vùng Tilaurakot nhấn mạnh phạm vi của di tích này, và sự hiện diện của một bức thành cổ với hào lũy bao bọc Tilaurakot: đó là những đặc điểm mà chỉ kinh thành vua chúa ngày xưa mới có được. Họ nêu lên rằng Tilaurakot, cũng như Kapilavatthu trong Kinh Điển Phật giáo, nằm trên bờ sông mà lòng sông này đã chuyển đi 400m về phía tây bắc.

Để nhấn mạnh lời tuyên bố họ làm chủ vùng Kapilavatthu lịch sử này, năm 1961 chính phủ Nepal “đổi tên” Tilaurakot và toàn thể vùng lân cận thành Kapilavastu(tên chữ Sanskrit của Kapilavatthu), để cho vùng này mang tên ấy trên các bản đồ gần đây.

Mặt khác các nhà khảo cổ Ấn Độ chủ trương rằng Kapilavatthu giống hệt vùng Pipràvà của Ấn, đã đặt lời công bố chủ quyền dựa trên các khám phá sau đây.

-Năm 1898, trong một ngôi tháp bằng gạch gần Pipràvà, năm cái bình được phát hiện, một cái được miêu tả theo lời ghi bằng thứ chữ Bràhmì trong ngôn ngữ Màgadhì là chiếc bình đựng xá lợi đức Phật Thế Tôn của bộ tộc Sakiya. Chiếc bình này đựng tro và một số vật cúng dường rất nhỏ.

-- Năm 1972, dưới tháp này, lại tìm thấy một ngôi tháp còn cổ hơn nữa, được đánh giá vào thế kỷ thứ năm trước CN, cùng với hai chiếc bình chứa khoảng mười hay mười hai khúc xương (của đức Phật?).

-- Năm 1973, tháng 4, trong một di tích tu viện xây khoảng thế kỷ 1 hoặc 2 CN, tại Pipràvà, lại tìm thấy nhiều tấm bia bằng gạch nung mang nhiều lời ghi chú khác nhau nói đến “ngôi tinh xá ở Kapilavatthu” hoặc ở “Đại Kapilavatthu “và một chiếc nắp bình tại đó cũng mang những lời tương tự.

-- Năm 1976, tháng 6, cuối cùng, ở cách tây nam Pipràvà khoảng một ki-lô-mét tại một nơi tên là Ganwaria, lại khám phá ra di tích của một quần thể kiến trúc thời xưa được suy diễn ra là “hoàng cung” của vua bộ tộc Sakiya.

Mặc dù chiếc bình có ghi chữ ở Pipràvà được tìm thấy năm 1898 là một chiếc bình bằng đá láng Steatite cao 153mm với chiếc nắp cũng được khắc chữ, quả thật ra vẻ đựng tro xá lợi Phật, các khám phá khác ở Pipràvà và Ganwaria lại rõ ràng không chứng minh được Pipràvà chính là quê hương đức Phật. Có lẽ chúng ta cần phân biệt cổ thành Kapilavatthu, bối cảnh thiếu thời của thái tử Siddhattha và tân thành Kapilavatthu. Vì xưa kia vua Vidùdabha nước Kosala chiến thắng bộ tộc Sakiya thời đức Phật tại thế và tiêu diệt cổ thành Kapilavatthu (tức Tilaurakot), nên có lẽ đám người Sakiya sống sót di tản từ cổ thành về sau lập nghiệp tại vùng Pipràvà ngày nay và xây dựng Tân thành Kapilavatthu (hay Đại Kapilavatthu), nơi đây họ đã tôn thờ xá lợi Phật sau khi ngài diệt độ.-

Địa điểm chính xác về quê hương thái tử Siddhattha chỉ còn cách phải chờ đợi từ các cuộc khai quật tương lai. Đặc biệt là vùng Tilaurakot cần được điều tra thấu đáo hơn nữa -- ngành khảo cổ bằng máy bay có thể sẽ cung cấp nhiều di chỉ quan trọng, song ngành này từ trước đến nay vẫn chưa thí nghiệm việc ấy.

Chúng ta đã biết rõ về cơ cấu chánh trị của -cộng hòa Sakiya được ban ra từ thành Kapilavatthu. Khi hai hoàng tử Siddhattha và Nanda ra đời, phụ vương Suddhodana như đã nói trên, là vị quốc trưởng được bầu lên đang cai trị lãnh thổ này. Ngài cầm quyền bao lâu thì không được biết, nhưng rõ ràng ngài đã giữ chức vụ ấy trong hàng chục năm. Khi thái tử Siddhattha trở về thăm quê hương vào tuổi ba mươi sáu, phụ vương ngài vẫn cầm quyền. Vì quốc trưởng được bầu lên từ giới quí tộc võ tướng hay triều thần, có thể những cuộc bầu cử ấy không diễn ra ở các khoảng thời gian cố định, mà do nhu cầu, hoặc là vì quốc vương già yếu không đảm trách nhiệm vụ đầy đủ, hoặc vì Đại vương Kosala, vị chúa tể của cộng hòa Sakiya muốn đưa người mới lên thay.

Hiển nhiên là vị quốc vương một khi được bầu cử rồi, chỉ có thể cầm quyền nếu được Đại vương Kosala chấp thuận. Như vậy quốc vương Sakiya bao giờ cũng là người thân tín của đại vương Kosala -- đó là một yếu tố mở ra nhiều cửa thuận lợi cho các hoàng tử và về sau còn giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp hoằng Pháp viên mãn của thái tử Siddhattha.

Khác với cộng hòa Licchavi có cả ba quốc vương cùng cai trị, vua Suddhodana cai trị chỉ một mình, nhưng không giữ độc quyền quyết định, vì mọi vấn đề quan trọng đều được bàn luận ở hội đồng của nước cộng hòa. Các kỳ họp trong phòng hội đồng vốn được mở ra mọi phía nên mọi tầng lớp xã hội đều có thể nghe được, mặc dù chỉ các nam nhân quý tộc được quyền phát biểu và giữ vai trò tích cực trong việc quyết định quốc sự. Do vậy các vị ấy được gọi là các nhà cai trị (ràjana).

Ở Ấn Độ cổ đại không có việc bầu phiếu vì dân chúng chưa hề nghĩ đến việc một nhóm đa số với quyền ưu tiên do đông người có thể bắt buộc một nhóm thiểu số gồm nhiều ý kiến khác nhau phải tuân theo một quyết định nào đó. Cuộc họp chỉ kéo dài cho đến khi nào phe đối lập được thuyết phục hoặc do quá mệt mỏi nên đã nhượng bộ và đi đến thỏa hiệp. Để đạt được sự thống nhất ý kiến như vậy, vị quốc vương chủ tọa hội đồng phải có khả năng đàm luận và tài thuyết phục hùng -hồn. Đó là các đặc tính mà chắc hẳn vua -Suddhodana đã đạt đến cao độ và thái tử Siddhattha thừa hưởng về sau.

Ta có thể hình dung được vùng đất do vua Suddhodana cai trị theo lời nhà chiêm bái Trung Hoa Huyền Trang. Ngài cho ta biết vùng lãnh thổ Sakiya có chu vi 4.000 lý (khoảng 1880 km) và gồm mười thành phố mà nhà du hành ở thế kỷ thứ bảy này thấy đã đổ nát hoang tàn. Ngài bảo kinh thành Kapilavatthu được một bức thành bảo vệ, vẫn còn thấy rõ các nền bằng gạch của nó dài khoảng 15 lý ( bảy ki-lô-mét). Rõ ràng mười thành phố này phần lớn trùng hợp với chín thành phố được mô tả trong Kinh Điển Phật giáo như các đô thị bộ tộc Sakiya: Ngoài kinh thành Kapilavatthu, là Devadaha, Càtumà, Sàmagàma, Khomadussa, Silàvati, Medatalumpa, Ulumpa và Sakkàra. Có lẽ đó là các thủ phủ địa phương, mỗi nơi là một thị trấn, trung tâm thương mại của nhiều làng xã.

Những lời xác nhận của ngài Huyền Trang ít ra cũng khiến ta có thể kết luận một cách khái quát về lãnh thổ và dân chúng của cộng hòa Sakiya. Vùng đất này có lẽ rộng khoảng 2000km2, phần lớn gồm rừng rậm và không được canh tác. Nếu ta giả thiết đối với vùng đất phì nhiêu ở trung ương bình nguyên Tarai và tính thấp hơn so với con số khá cao hiện nay, mật độ trung bình 90 người trên 1km2, ta sẽ có tổng số 180.000 dân trong đó 8000 người sống ở thành Kapilavatthu và 4000 người sống ở một trong tám hay chín thị trấn kia. Như vậy, khoảng 40.000 cư dân cộng hòa Sakiya là dân thành- thị, và phần còn lại 140.000 là dân thôn quê. Giới quý tộc- võ tướng có lẽ khoảng 10.000 người hầu hết sống ở đô thị, nhưng cũng như đa số dân chúng, họ đều làm nghề nông.

Trong các phận sự của quốc vương thì việc thu thuế là việc không được dân chúng ưa thích chút nào và mức độ thâu thuế cũng không được biết rõ. Dân quê thường trao đổi hàng hóa lẫn nhau, hầu như không biết đến tiền, nên phải đóng góp bằng sản phẩm, phần lớn là lúa, cho những người thu thuế đặc biệt phải có sẵn kho chứa và đem lên thành thị bán lại. Thuế đánh vào nông dân tùy thuộc kết quả thu hoạch, việc ấy do người đánh thuế qui định. Thời ấy chưa có nguyên tắc thâu thuế như ở Ấn Độ sau này, theo đó mọi đất đai đều thuộc vào nhà vua, vua thâu tiền thuê ruộng đất từ người sử dụng chúng.

Khi hoàn cảnh cho phép, thuế được thâu bằng tiền chứ không phải nông sản. Vì thời ấy chưa có thứ đồng tiền đánh dấu nhà nước nên hệ -thống tiền tệ gồm các thỏi đồng hay bạc hình vuông trị giá theo cách chia nhỏ đồng tiền Kahàpana. Một con bò sữa giá từ 8 đến 12 đồng Kahàpana.

Đồng tiền Kahàpanađược chia ra 4pàda= 20 màssakas. Các số tiền nhỏ hơn được tính bằng vỏ ốc đánh bóng rực rỡ. Những đồng tiền này mang dấu hiệu của một vị chủ ngân khố tư nhân phát hành, bảo đảm đúng cân nặng và cam kết trả lại theo giá trị thật bằng hàng hóa. Vị này cũng làm thêm việc của người cho vay. Nên không lạ gì các nhà tài phú tích trữ tiền bạc trở thành những người thế lực nhất trong xã hội.

Ta không biết rõ vua Suddhodana phải trả phần thuế bao nhiêu cho vị chúa tể ở Sàvatthi là Đại vương Kosala. Vì thuế lợi tức thay đổi theo mùa gặt, nên có lẽ đó không phải là số tiền cố định. Cũng có thể Đại vương Kosala đã hài lòng với những món cống vật mà thỉnh thoảng cộng hòa Sakiya gửi tặng như một dấu hiệu phục tùng.

Các phận sự khác của quốc vương gồm các việc công cọng như xây đường sá, trạm xe, làm thùng đựng nước đắp đập và đào giếng. Vì không ai xung phong làm những công tác này, nên những người có thể lực cường tráng, nhất là các tay thợ lành nghề đầy đủ kỹ năng bị buộc phải cống hiến sức lao động cho vua (Ràjakariya). Những công tác này được các kỹ sư đặt kế hoạch và điều khiển, họ được vua trả lương lấy từ tiền thuế. Những công việc xây dựng công viên, đắp đập, làm thùng đựng nước... được đức Phật liệt kê- vào danh sách các công đức thiện sự đưa đến tái sanh vào cõi lành. (SN1. 5. 7)*

-Ngoài các công việc nội bộ, vua Suddhodana còn bận rộn trong lãnh vực ngoại giao ở hai mặt. Đặc biệt ngài phải duy trì mối quan hệ với Đại vương nước Kosala ở Sàvatthi, vị chúa tể của toàn cộng hòa Sakiya. Ngài cần phải giữ gìn thiện ý và sự tín nhiệm của vị đại vương này đối với một tiểu quốc cộng hòa, đồng thời phải giữ một khoảng cách vừa đủ để bảo tồn một phần độc lập cho nước cộng hòa an hưởng. Vua Suddhodana hẳn thường đi công du đến Sàvatthi để dự các phiên họp giữa các quốc vương.

Trong khi chính sách quốc gia của nước Kosala, việc chấm dứt các liên minh và gây chiến đều ở trong tay vị đại vương này, các quốc vương cộng hòa và bộ tộc chỉ còn trông cậy vào “chính sách láng giềng tốt”. Đây là ngành hoạt động ngoại giao thứ hai của vua Suddhodana. Mục đích là đi đến các thỏa hiệp với các lân bang kế cận mà không phải hy sinh các quyền lợi căn bản quốc gia. Các vấn đề thông thường nhất là việc điều hành cánh đồng chăn nuôi và dẫn thủy nhập điền dọc theo các biên giới. Tài nghệ của vị quốc vương được thi thố qua khả năng đem lại những giải pháp thỏa đáng cho cả đôi bên.

Chiến sự không phải là phận sự của quốc vương. Ngài phải duy trì hòa bình, nhưng nếu ngài thất bại trong việc này, và chiến tranh bùng nổ thì việc binh đao sẽ do vị đại tướng quân sự (senàpati) điều khiển, vị này giữ chức vụ độc lập đối với quốc vương. Trong quốc độ Kosala, tất cả tướng lãnh điều khiển các lực lượng trọng tâm cũng như các tướng lãnh của các cộng hòa và bộ tộc đều đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của đại vương.

Nhờ cách này, đại vương ngăn cản các vua chư hầu phối hợp với các đại tướng của họ để cầm quyền chính trị bằng vũ lực trong nước mình.

Đối với các quốc vương, sự phân quyền chính trị và quân sự có hai mặt. Về một mặt, họ biết rằng vị đại vương, qua cá nhân vị đại tướng, có sẵn sàng phương tiện khống chế họ để buộc họ tuân theo lệnh trên. Mặt khác, họ cũng được bảo vệ khỏi bị âm mưu nổi loạn từ phía vị đại tướng, bởi vì đại vương không bao giờ dung thứ sự phế truất quốc vương mà ngài đã bổ nhiệm và sự tiếm quyền chính trị của đại tướng.

Một lãnh vực hoạt động khác của vua Suddhodana là lãnh vực công lý, bao gồm các hành vi dân sự quan trọng và các tội phạm. Chúng ta không biết chính xác bao nhiêu phạm nhân bị bắt giữ và tòa án diễn ra theo hình thức gì ở bộ tộc Sakiya, nhưng có thể rút ra kết luận từ các cộng hòa Koliya, Malla tiếp giáp cộng hòa Sakiya ở phía đông nam. Các xứ này có lực lượng trị an với các nhân viên canh phòng vừa nổi bật qua cách để râu tóc đặt biệt vừa khét tiếng tàn bạo độc tài và tham nhũng.

Tiến trình pháp luật giữa bộ tộc Sakiya có lẽ hơi khác thủ tục của liên bang Vajji. Tại đây, căn bản quyền phán xét là một bộ luật (thành văn?), có lẽ bao gồm các phương châm hoặc quyết định về các vụ tố tụng điển hình. Các chuyên gia luật pháp tham dự mọi phiên xử và bảo đảm việc xét xử theo đúng bộ luật này. Quyền lợi của hai phe hoặc của bị cáo được các luật sư biện hộ hoặc hội đồng bảo vệ chăm lo, và vụ án được một hay nhiều phán quan quyết định. Đơn kháng án được giao cho quốc hội, đại tướng, phó vương (vị này hình như không có mặt trong bộ tộc Sakiya) và quốc vương. Ta có thể phỏng đoán là mọi việc diễn tiến trong một kỳ họp duy nhất, và quốc vương với vị trí lãnh đạo tối cao ở quốc nội, tuyên bố phán quyết tối hậu. Song quốc vương không có quyền tuyên án tử hình: việc này chỉ dành riêng cho đại vương ở thành Savatthi mà thôi.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]