Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 1: Thiền vào giai đoạn Nhật Bản thống nhất (từ thời Momoyama bước qua thời Edo)

14/04/201114:17(Xem: 3965)
Tiết 1: Thiền vào giai đoạn Nhật Bản thống nhất (từ thời Momoyama bước qua thời Edo)

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 4 
Phát triển của Thiền thời tiền cận đại (thời Edo) 

Tiết 1- Thiền vào giai đoạn Nhật Bản thống nhất 
(từ thời Momoyama bước qua thời Edo) 

Từ thống nhất xứ sở cho đến an định nội tình 

Thời Sengoku kéo dài trên một thế kỷ (1467-1568). Vị lãnh chúa gồm thu được địa phương Owari (phía tây Nagoya bây giờ) là Oda Nobunaga (Chức Điền, Tín Trường, 1534-82) sau khi phá quân của kình địch là Imagawa Yoshimoto (1519-1560) trong trận Okehazama (1560) đã nhập kinh vào năm 1568, đặt được Ashikaga Yoshiaki (1537-1597) vào chức vụ shôgun và thành công trong việc đổi chác quyền lực với triều đình. Oda lại đánh bại hai lãnh chúa khác, Asai Nagamasa (1545-1573) và Asakura Ashikage (1533-73), qua năm sau, phóng hỏa đốt chùa Enryakuji trên Hieizan, rồi lại đuổi Ashikaga Yoshiaki khỏi chức vụ (1573), dứt nghiệp Mạc phủ Muromachi. Năm 1575, đánh bại con của Takeda Shingen là Katsuyori trong trận Nagashino. Thế rồi, đến năm 1580 lại bình định được loạn Ikkô Ikki của tín đồ phái Tịnh Độ Chân Tông (chùa Ishiyama Honganji) nổi lên chống lại chế độ quản lãnh của các lãnh chúa. Tuy nhiên, chính Oda Nobunaga, người mở màn cho công cuộc thống nhất Nhật Bản đã bị cận thần của mình là Akechi Mitsuhide mưu phản và tập kích, đến nổi phải bỏ mình ở Honnôji, một ngôi chùa trong nội thành Kyôto. 

Người tiếp tục sự nghiệp của Oda Nobunaga và thành tựu trong việc thống nhất đất nước là Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát, 1537?-1598). Năm 1585, triều đình phong Hideyoshi chức kampaku, đại thần có quyền nghe thay vua mọi việc tâu bẩm. Ông ban mệnh lệnh sôbujirei (tổng vô sự) tức lệnh đình chiến trên toàn quốc, đặt mọi cuộc tranh chấp dưới sự xử lý của chính quyền mình. Điều này có nghĩa là ông mượn danh nghĩa lệnh ấy đem binh bình định các lãnh chúa ở các vùng Ôu, Shikoku và Kyuushuu còn chưa chịu phục tùng. Thêm vào đó là các lệnh kenchi (kiểm địa) để nắm tình hình sản xuất nông sản và katanagari (đao thú) nhằm ruồng bắt võ khí còn cất giấu, hitobarai (nhân tảo) để bắt mọi người thuộc giai cấp nào phải giữ vị trí đó, chế độ phân chia giai cấp (mibun) như thế đã được thành lập. Hideyoshi lại nuôi chí chinh phục bán đảo Triều Tiên nên đã hai lần xuất binh xâm lấn (chiến dịch năm Bunroku 1592 và chiến dịch năm Keichô 1596). 

Oda Nobunaga đối xử nghiệt ngã đối với Phật Giáo. Ông đã từng đốt rụi chùa Enryakuji trên Hieizan (1571) để phô trương uy thế và công phá chùa Honganji, dẹp loạn tín đồ Tịnh Độ Chân Tông. Thế nhưng lúc đó với đạo Ki-Tô, ông hãy còn tỏ ra rộng rải. Chẳng bao lâu sau, Toyotomi Hideyoshi, người kế vị ông, đã ban hành bateran tsuihôrei tức lệnh đuổi giáo sĩ (bateran) (1587) rồi đến năm 1596 thì nghiêm khắc hơn, xử hình 26 giáo sĩ và tín đồ. 

Năm 1598, khi Hideyoshi chết thì địa vị của Tokugawa Ieyasu (Đức Xuyên Gia Khang), người lãnh đạo thế lực miền đông, càng lúc càng mạnh. Các tướng như Ishida Mitsunari (1560-1600) tôn Môri Terumoto (1553-1625) làm minh chủ các đạo quân miền tây để đối chọi lại nhưng thảm bại trong trận quyết chiến ở cánh đồng Sekigahara (1600). Năm 1603, Ieyasu lãnh chức Chinh Di Đại Tướng Quân tức shôgun (tại chức 1603-05) và khai sáng mạc phủ Tokugawa ở Edo tức Tôkyô bây giờ. 

Năm 1615, mượn cớ bài minh khắc trên chuông chùa Hôkôji (Phương Quảng Tự) có ý nguyền rủa mình [1] , Ieyasu mở lại cuộc tấn công mùa đông và mùa hạ vào căn cứ nhà Toyotomi là thành Ôsaka và dứt tuyệt dòng họ ấy. Sau đó, Ieyasu cùng con là là shôgun đời thứ hai Tokugawa Hidetada (tại chức 1605-1623) củng cố cơ sở của mạc phủ bằng cách đặt ra nhiều chế độ và luật lệ cũng như phân bố, thay đổi đất phong (kaieki = cải dịch) các lãnh chúa. Đến đời thứ ba là Iemitsu (tại chức 1623-51) thì thể chế mạc phủ đã vững mạnh. 

Mạc phủ đặt ra các bộ luật hành chính (hattô = pháp độ) như Buke Shohatto (1635), Kinchuu Narabini Kuge Shohattô (1615), Jiin Shohattô (1601-16) để quản lý lãnh chúa, triều đình, công khanh và chùa chiền. Đối với đạo Kitô thì buổi đầu, họ còn làm ngơ cho hoạt động nhưng năm 1612 đã ban hành lệnh cấm đạo, đến năm sau lại bắt buộc tất cả tín đồ trong nước phải bỏ đạo (kaishuu =cải tông). Qua năm 1637, xảy ra cuộc loạn Shimabara (1637-38), vì nó có liên hệ tới nhiều tín hữu, nên Ki-Tô Giáo trở thành mối lo ngại mới cho nhà nước. Mậu dịch với Trung Quốc và Hòa Lan từ đó bị hạn chế trong phạm vi Deshima (thuộc Nagasaki), kỳ dư các cảng trên toàn quốc đều đóng cửa (sakokurei hay lệnh tỏa quốc, 1641). 

Chính sách Phật giáo của chính quyền Tokugawa 

Mạc phủ Edo không giống với các mạc phủ đời trước ở Kamakura và Muromachi nghĩa là họ không trọng Phật Giáo bằng Nho Giáo, đặc biệt Chu Tử Học. Lý do là Chu Tử Học lấy đại nghĩa danh phận làm nòng cốt, coi trọng trật tự xã hội, cho nên không gì phù hợp hơn với nguyên lý trị nước của một quốc gia mới vừa thống nhất. 

Vì nho gia còn bài xích cả Phật Giáo nữa cho nên mạc phủ mới qui định Jiin Shohatto (Tự viện chư pháp độ, 1601-16) để kiểm tra giáo đoàn Phật giáo một cách nghiêm ngặt (thế nhưng cũng nên thấy khía cạnh tích cực của nó vì nhờ đó mà chùa chiền yên ổn hơn và kiến thiết tu tạo tốt hơn). Cái tên Jiin Shohattô dùng để gọi tổng quát các luật lệ về các loại chùa chiền, chứ riêng về Thiền Tông thôi cũng đã có Sôtô-shuu Hatto (Tào Động Tông pháp độ, 1612), Chokkyo Shie Hatto (Sắc hứa tử y pháp độ, 1613), Gozan Jissetsu Shohatto (Ngũ sơn thập sát chư sơn pháp độ), Myôshinji Hatto (Diệu Tâm Tự pháp độ), Eiheiji Hatto (Vĩnh Bình Tự pháp độ), Daitokuji Hatto (Đại Đức Tự pháp độ), Sôjiji Hatto (Tổng Trì Tự pháp độ, cả ba đều ban hành vào năm 1615). Đặc biệt là với Gozan Jissetsu Shozan Hatto thì các định chế cũ như chức Lộc Uyển Tăng Lục (Rokuon Sôroku)và Âm Lương Chức (Inryoshoku) thời trước đặt ra đều bị bải bỏ. Thay vào đó, từ thời Edo trở đi có đặt ra chức Tăng Lục (Sôroku) còn gọi là Konchiin Sôroku (Kim Địa Viện Tăng Lục) và đầu tiên cử (1619) một nhà sư thân tín vốn xuất thân từ Nanzenji là Ishin Suuden (Dĩ Tâm Sùng Truyền (Truyện), 1569-1633) đảm nhiệm chức ấy để cai quản chư tăng. Mục đích của nhà nước là thế nhưng sức cai quản của tăng lục không ra khỏi phạm vị của các chùa Ngũ Sơn (Gozan) tức chùa nhà nước. Sau khi Sôden chết rồi thì công việc cai quản chùa chiền rơi vào tay viên jisha bugyô (tự xã phụng hành, chức này được lập ra từ 1635) Quyền hạn của các chùa sau đó lại còn bị thu hẹp lại, cơ bản họ chỉ đứng ra làm đầu đàn (furegashira = xúc đầu; xúc = tiếp xúc) để điều hành hoạt động các chùa thuộc phái Ngũ sơn mà thôi. 

Bằng các đạo luật mang tên Jiin Shohatto ấy, mạc phủ thống trị được giới tăng lữ, cùng lúc thông qua hai chế độ (seido) khác gọi là terauke (tự thỉnh) và honmatsu (bản mạt) họ triệt để kiềm chế Phật giáo. Terauke seido đòi hỏi mỗi chùa chiền phải chứng minh được ai là đàn việt của mình. Chế độ này trước tiên lập ra để bài trừ tín đồ Ki-Tô Giáo, theo đó, mỗi người dân Nhật bắt buộc phải là đàn việt trực thuộc một ngôi chùa. Chùa ấy có trách nhiệm dìu dắt chỉ dạy đàn việt của mình và như thế, giáo đoàn Phật Giáo đã được phó thác một phần công việc của cơ cấu thống trị mà mạc phủ dựng nên. 

Còn chế độ honmatsu thì nhắm vào việc đặt các giáo đoàn trong khuôn khổ của hệ thống honji (bản tự) và matsuji (mạt tự) tức là chùa gốc (chùa chính) và chùa ngọn (chùa chi nhánh), giúp cho nhà nước kiểm soát các giáo đoàn dễ dàng hơn. Muốn được như thế thì bắt buộc cố định hóa sự liên hệ giữa các chùa và không để cho bất luận ngôi chùa nào tồn tại mà không phụ thuộc vào một chùa gốc. Cho nên đến năm 1631, mạc phủ không cho phép xây thêm chùa mới. Thế rồi từ năm 1632 trở đi, nhà nước các chùa gốc nổi tiếng gọi là "danh bản sơn" (các chùa ngũ sơn thường được xếp vào loại này) phải thường thuyên phúc trình lên họ tờ khai gọi là matsujichô (mạt tự trướng) hay danh sách các chùa ngọn của mình. Do đó, để phù hợp với đòi hỏi của mạc phủ, các chùa nổi tiếng ở địa phương cũng phải liên kết vớii một chùa gốc (bản sơn) nào đó, dù có khi chỉ là trên hình thức. Nhờ vậy, mạc phủ đã kiểm soát được Phật giáo thông qua chức furegashira tức các chùa đứng đầu trách nhiệm điều hành các chùa khác, có trụ sở ở Edo. Mạc phủ phân chia các giáo đoàn Thiền Tông làm 4: phái Gozan, phái Daitokuji, phái Myôshinji, phái Sôtô, sau đó thêm Ôbaku-shuu (Hoàng Bá (Bích) Tông) nữa là thành ra 5. Còn phái gọi là Shômon (Tiểu Môn) không đứng chung với 5 phái này thì được tính gộp với Gozan. 

Hậu quả của các chính sách mà mạc phủ đề ra đã triệt hạ cơ năng của các "tháp đầu" (tacchuu) cũng như của các môn phái, những tổ chức xưa nay vốn giữ vị trí trung tâm trong hoạt động giáo đoàn. Với chế độ terauke, những tổ chức ấy không còn có thể nới rộng phạm vi ảnh hưởng ra một cách dễ dàng nữa. Còn chế độ honmatsu, một khi được áp dụng, sẽ làm cho quyền lực tập trung vào tay các chùa gốc (bản sơn) mà thôi. Thành ra từ đó về sau các giáo đoàn phải hành động theo ý muốn của bản tự chứ không theo ý kiến môn phái hay tháp đầu. Lại nữa, các chùa ngọn (hay chi nhánh) có khuynh hướng trực thuộc vào các bản tự (tức bản sơn) chứ không phải các tháp đầu. Cứ như thế, đến thời cận đại thì việc này đã trở thành phổ biến và ta có một cấu trúc lưỡng cực, một bên là bản tự (chùa chính) và một bên là mạt tự (chùa chi nhánh).Đặc biệt đáng chú ý là những tông phái như Sôtô (Tào Động) cũng đã phát triển được qui mô rộng lớn của họ nhờ phương thức này. Lý do là để cho tông môn của mình có tính độc sáng, Sôtô cần phải lập ra môn học về chính họ (tông học) và chỉ khi nào có cơ hội qui tụ được nhiều nhân tài như thế thì mới thành công trong việc đó. 

Vai trò của furegashira đối với giáo đoàn Thiền Tông. 
Ba chùa lớn vùng Kantô của tông Sôtô (Kansansetsu) 

Các chùa đóng vai furegashira (xúc đầu) [2]có những nhiệm vụ như sau: 

1) Truyền đạt ý định của mạc phủ cho các chùa chi nhánh thuộc tông phái mình. 

2) Giải quyết xử lý những cuộc tranh chấp nội bộ tông phái. 

3) Trung gian để đệ trình lên chức jisha bugyô (tự xã phụng hành, quan coi về hoạt động các đền chùa) giấy tờ đơn trạng của các chùa chi nhánh. 

Các chùa được mạc phủ giao nhiệm vụ làm furegashira của giáo đoàn Thiền Tông là: 

1) Tôkaiji (Đông Hải Tự) ở Shinagawa cho các chùa phái Daitokuji (Đại Đức Tự). 

2) Bốn chùa vùng Tôkyô có tên Edo Shikaji (Giang Hộ tứ cá tự) tức là Shôgenji (Tùng Nguyên Tự), Tôzenji (Đông Thiền Tự), Rinshôin (Lân Tường Viện), Kaizenji (Hải Thiền Tự), đại diện cho các chùa phái Myôshinji (Diệu Tâm Tự). Về sau , năm 1738, khi Rinshôin rút lui thì chỉ còn 3 nên gọi là "tam cá tự". 

3) Ba chùa gọi là Edo sankaji (Giang Hộ tam cá tự) tức Sôsenji (Tổng Tuyền Tự), Seishôji (Thanh Tùng Tự), Sengakuji (Tuyền Nhạc Tự), đại diện cho tông Tào Động. 

4) Zuishôji (Thụy Thánh Tự) và Kaifukuji (Hải Phúc Tự) đại diện cho tông Hoàng Bá (Bích). 

Vào năm 1612, shôgun Tokugawa Ieyasu đã bổ nhiệm tông Tào Động (Sôtô) làm chức Kantô Sôroku (Quan Đông Tăng Lục) cai quản hoạt động các tông phái thông qua 3 chùa của họ là Sôneiji (Tổng Ninh Tự), Daichuuji (Đại Trung Tự) và Ryuuonji (Long Ẩn Tự). Đó là 3 chùa lớn vùng Kantô, gọi tắt là Kansansetsu (Quan Tam Sát). Kansansetsu chia các chùa toàn quốc ra làm ba và thay nhau cai quản hằng tháng. Người trụ trì của họ phải được mạc phủ bổ nhiệm. Nhân vì có thông lệ là người trụ trì chùa Eiheiji (Vĩnh Bình Tự của Dôgen) nổi tiếng sẽ được chọn từ trong đám họ (Kansansetsu) cho nên quyền uy của họ đối với tông môn càng được nâng cao. Riêng địa phương Shizuoka (khu vực Tôkai, phía nam Tôkyô) vì là đất thang mộc của nhà chúa Tokugawa cho nên lại được thuộc vào một hệ thống riêng và chức Tôkai Sôroku (Đông Hải Tăng Lục) của vùng Tôkai có quyền ngang ngửa với cả Kansansetsu. 

Ngược lại, bằng hai chế độ terauke và honmatsu, mạc phủ đã bảo đảm địa vị của các giáo đoàn và chùa chiền. Cũng nhờ vậy mà cơ sở kinh tế của các chùa mới củng cố và đấy là điều các chùa mong mỏi. Kể từ đó, các giáo đoàn mới tập trung được vào việc học tập và phổ biến giáo lý nhà Phật vào các tầng lớp bình dân. Cái gọi là tư tưởng Thiền Tông Nhật Bản nhân vậy mới có được một khuôn mặt thực sự. Đó là mặt tích cực mà hai chế độ này đã mang lại. Tuy nhiên, không phải là không có những yếu tố tiêu cực khó lòng phủ nhận. Ví dụ việc truyền giáo kể từ ngày ấy đã mất đi nhiệt tình và tinh thần phê phán, công việc nhà chùa luẩn quẩn trong vòng lễ nghi tang tế, khuynh hướng tùy thuộc vào qui định của thể chế nhà nước ngày càng mạnh thêm ra. 

Để ngăn ngừa những phần tử gây rối lọt vào trong giáo đoàn, mạc phủ ngăn cấm những ai không có pháp tự trở thành trụ trì. Nhờ đó mà các già lam đã chỉnh đốn được hình thức truyền thụ pháp tự. Một số trong đám họ có khuynh hướng đi theo phương pháp truyền thụ của phái Genjuu (Huyễn Trú) vốn đã hoàn chỉnh. Hơn nữa, vì cần đệ trình cho mạc phủ xem xét, các tông phái đều phải soạn ra hệ đồ truyền pháp (già lam pháp tông phái đồ) của mình. Phái Tôfukuji (Đông Phúc Tự) có Huệ Nhật Sơn Đông Phúc Thiền Tự Tông Phái Đồ (1819), phái Daitokuji (Đại Đức Tự) có Chính Đăng Thế Phổ (1708), Myôshinji (Diệu Tâm Tự) có Chính Pháp Sơn Tông Phái Đồ (1660), tông Sôtô (Tào Động) có Nhật Bản Động Thượng Tông Phái Đồ (1744). Sau đó chúng vẫn được thường xuyên bổ túc. 

Như thế, chính sách Phật giáo của mạc phủ Edo đã làm cho các giáo đoàn Phật giáo có bộ mặt hết sức mới mẻ. Trong việc thành lập chính sách, thực ra có bàn tay của hai nhân vật Phật giáo đóng góp. Ấy là các thiền tăng Seishô Shôtai (Tây Tiếu Thừa Đoái, 1548-1607) xuất thân chùa Tướng Quốc (Shôkokuji) và Ishin Suuden (Dĩ Tâm Sùng Truyền) chùa Nam Thiền (Nanzenj). Hai ông là đầu não, cố vấn cho Tokugawa Ieyasu. Họ đã lập ra kế hoạch hành chính tự viện và chính sách khuyến học, thảo ra luật lệ và văn thư ngoại giao cho phủ chúa. Bản thân các chính sách cũng mang nặng dấu ấn lối suy nghĩ của họ. Thêm vào đó, những nhà Chu Tử Học lỗi lạc đầu thời Edo như Fujiwara Seika (Đằng Nguyên, Tỉnh Oa, 1561-1619) và Hayashi Razan (Lâm, La Sơn, 1583-1657) cũng là người xuất thân từ Gozan (Ngũ Sơn), cho nên có thể bảo việc trong việc dựng nền móng cho quyền uy của Mạc phủ Edo, công lao của các thiền tăng Gozan vô cùng to lớn. 

Nói về Seishô Shôtai (Tây Tiếu Thừa Đoái) 
và Ishin Suuden (Dĩ Tâm Sùng Truyền) 

Seishô Shôtai người vùng Fushimi (thuộc Kyôto), xuất gia từ nhỏ. Ông học thiền với nhiều thầy, trong đó có Ninjô Shuugyô (Nhân Như Tập Nghiêu, 1483-1574), đến năm 1584 thì đến trụ trì ở Shôkokuji, bái tháp để nhận pháp tự [3] của Chuuka Shôshun (Trung Hoa Thừa Thuấn, năm sinh và mất không rõ) và như thế, chuyển qua phái Muusô (Mộng Song). Năm sau giữ chức vụ Rokuon Sôroku (Lộc Uyển Tăng Lục), cai quản chư tăng. Thế rồi ông lại trụ trì ở Nanzenji và sau đó nữa, trở về làm Rokuon Sôroku, hoạt động như cố vấn chính trị cho Toyotomi Hideyoshi. Ông giao du thân mật với con nuôi (Hidetsugu, 1568-95) và con đẻ (Hideyori, 1593-1615) của Hideyoshi cũng như với Tokugawa Ieyasu, lúc ấy chỉ là một cận thần có thế lực. Ông đã cho xuất bản sách Chu Dịch (Shuueki) ấn bản Fushimi và nhờ đó mà sự nghiên cứu Dịch học ở Nhật đã có cơ hội phát triển. 

Mặt khác, Ishin Suuden vốn sinh ra trong gia đình một gia thần của shôgun Ashikaga Yoshiteru (Túc Lợi Nghĩa Huy, tại chức 1546-1565). Sau khi nhà Ashikaga bị diệt, ông mới vào Nanzenji tu hành, thành học trò Seishaku Tokurin (Tịnh Thúc Đức Lâm, năm sinh và mất không rõ) thuộc một tháp đầu trong đó (gọi là Konchi-in = Kim Địa Viện) và nhận pháp tự của thầy. Năm 1605, ông trụ trì hết Kenchôji rồi đến Nanzenji. Năm 1607 Seishô Jôtai mất thì năm sau đó, ông được họ Tokugawa mời vào phủ chúa để lo việc từ hàn ngoại giao cũng như cố vấn về các vấn đề chính trị và tôn giáo. Chính ông là người đã chủ trì việc soạn ra các hattô (pháp độ) như Buke Shohatto (1635), Kinchuu Narabini Kuge Shohattô (1615), Jiin Shohattô (1601-16).. đã đề cập đến bên trên, nhúng tay vào sự cố chuông chùa Hôkôji đưa đến sự diệt vong của dòng họ Toyotomi cũng như việc cấm đạo Ki-Tô. Năm 1619, khi định chế Kim Địa Viện Tăng Lục được đặt lại, ông được bổ vào chức ấy (từ đó chức này nằm trong tay pháp hệ của Suuden). Ông đi đi lại lại giữa Edo và Nam Thiền Tự để chấp hành công việc, cùng với nhà sư phái Tendai là Tenkai (Thiên Hải, 1536-1643) được đời gọi là hai "hắc y tể tướng" (các nhà sư Nhật có tục mặc kokue tức áo cà sa màu đen). Ông lại có công lớn trong việc phục hưng hai chùa Nanzenji và Kenchôji, thu thập thư tịch và xuất bản sách. Hai cuốn nhật ký Ikoku Nikki (Dị Quốc Nhật Ký) và Honkô Kokushi Nikki (Bản Quang Quốc Sư Nhật Ký) là hai tư liệu sử học rất quan trọng vì ghi chép lại tình hình chính trị đương thời. 

Sự cố "áo tía" và vụ án "tạp học" 

Muốn biết mạc phủ đã đẩy mạnh việc khống chế Phật giáo đến mức độ nào thì phải nhắc đến shie jiken (tử y sự kiện) hay "sự cố áo cà sa màu tía". Đó là việc năm 1623 nhà nước đã đặt ra đạo luật "Tử y sắc hứa chi pháp độ" bắt buộc mỗi khi triều đình muốn ban tử y tức áo cà sa màu tím (vinh dự to lớn đặt ra từ năm 1249 cho một cao tăng) đều phải thưa gửi trước với mạc phủ. Thế nhưng về sau triều đình của Thiên Hoàng Go Mizu-no-o (Hậu Thủy Vỹ, 1596-1680, đời thứ 108, trị vì 1611-1629) tiếp tục làm ngơ đạo luật này. Chính vì thế mạc phủ đã nhân việc Thiên Hoàng muốn ban áo tía cho vị trụ trì đời thứ 172 của chùa Daitokuji là Shôin Sôchi (Chính Ẩn Tông Tri, 1588-1629) mà thông cáo rằng những áo tía được ban tặng cho ngũ sơn thập sát kể từ năm 1615 tức năm mà Kinchuu narabini Kuge Shohatto (Cấm trung tịnh công khanh chư pháp độ), đạo luật qui định chế độ cho triều đình (cấm trung) lẫn công khanh, ra đời, đều không có ý nghĩa. Nhân vì qua năm sau, các cao tăng như Takuan Sôhô (Trạch Am Tông Bành, 1573-1645), Gyokushitsu Sôhaku (Ngọc Thất Tông Phách, 1572-1641) của Daitokuji, Tôgen Etô (Đông Nguyên Huệ Đẳng, năm sinh và mất không rõ) và Tanden Shiin (Đơn Truyền Sĩ Ấn, năm sinh và mật không rõ) của Myôshinji phản đối quyết định này kịch liệt cho nên đến năm 1629, Takuan và Tangen bị đày đi Dewa, còn Gyokushitsu và Tôgen thì bị đày lên vùng Mutsu, đều thuộc miền đông bắc bây giờ. Để bày tỏ sự phẫn khái đối với mạc phủ, Thiên hoàng Go Mizu-no-o đột nhiên thoái vị, truyền ngôi cho Nữ thiên hoàng Meishô (Minh Chính, 1624-96, đời thứ 109, trị vì 1629-43). 

Thiên hoàng Go Mizu-no-o (Hậu Thủy Vỹ) 

Được Tokugawa Ieyasu phò tá, tức vị năm 1611. Thế nhưng mạc phủ lại đẩy mạnh sự chèn ép và gò bó đối với ông bằng cách lần lượt ban hành các bộ luật về quí tộc (1613), về tử y (1613) về công khanh và triều đình (1615) cũng như cho con gái của Tokugawa Hidetada, shôgun đời thứ hai, bà Kazuko (Hòa tử, 1607-78) nhập cung. Ghét bỏ những điều này, nhân sự cố áo tía bùng nổ, ông đột ngột thoái vị để bày tỏ sự chống đối. Về sau, trong suốt 50 năm ở địa vị thái thượng hoàng, ông chú tâm và trở nên tinh thông nhiều ngành học vấn và nghệ thuật. Trong đám nhân tài ra vào cửa của ông có những nghệ sĩ, thiền sư và chajin (trà nhân) như Hon.ami Kôetsu (Bản A Di Quang Duyệt, 1558-1637), Kobori Enshuu (Tiểu Quật Viễn Châu, 1579-1647), Tawaraya Sôtatsu (Biểu Ốc Tông Đạt, năm sinh và mất không rõ), Karasumaru Mitsuhiro (Ô Hoàn Quang Quảng, 1558-1637). Về phần mình, ông cũng vẽ kiểu và cho thiết kế một ly cung dùng làm nhà học (Shuugakuin Rikyuu hay Tu học viện ly cung, 1655-59). Về thơ ca, ông có tập Osôshuu (Ô Sào Tập). Cùng với Thiên hoàng Hanazono (Hoa Viên, 1297-1348, đời thứ 95, trị vì 1308-1318), ông là một trong hai hoàng đế hiểu biết sâu rộng về Thiền, đã từng qui y và hỏi đạo nơi các cao tăng như Takuan Sôhô, Gudô Tôshoku (Ngu Đường Đông Thực), Ungo Kiyô (Vân Cư Hy Ưng), Ryuukei Shôsen (Đông Khê Tính Tiềm, hay Tông Tiềm), Isshi Monshu (Nhất Ti Văn Thủ). Ngoài ra, trong dịp xây dựng Manfukuji (Vạn Phúc Tự), ông dã tiến cúng Phật xá lợi và xá lợi tháp. 

Đến năm 1632 thì Takuan được ân xá. Nhân sự kiện này, trớ trêu là chính shôgun đời thứ ba, Tokugawa Iemitsu (Đức Xuyên Gia Quang, 1604-1651, tại chức 1623-51), và trọng thần Yagyuu Munenori (Liễu Sinh Tông Cự, 1571-1646), một kiếm khách, lại qui y với ông, cho dựng chùa Tôkaiji ở Shinagawa (vùng Tôkyô) đón ông về khai sơn. Trong tập Fudôchi Shinmyôroku (Bất Động Trí Thần Diệu Lục,) thu thập thư tín Takuan gửi cho Yagyuu Munenori có câu nói nổi tiếng kenzen ichimi (kiếm thiền nhất vị) nghĩa là kiếm và thiền cũng đồng một nghĩa. 

Nói về tông Tào Động (Sôtô-shuu) thì năm 1653, đã xảy ra vụ án gọi là zatsugaku jiken (tạp học sự kiện) [4] , còn gọi là daigo kôroku jiken (đại ngữ giảng lục sự kiện) liên quan đến họ. Ấy là việc mười nhà sư chùa Seishôji (Thanh Tùng Tự) trong mùa an cư đã bị tổ chức quan phòng tôn giáo Kansansetsu (Quan Tam Sát) buộc tội đã giảng "tạp học" tức là những kinh điển ngoài giáo lý Tào Động cũng như đi ngược lại đường lối mạc phủ. Việc hài tội này đã đưa ra pháp đình. Dù lời cáo buộc của Kansansetsu tỏ ra hàm hồ, cơ quan này cũng được xử thắng kiện, rốt cuộc 36 chùa bị liên lụy và chịu trừng phạt. Đương thời, người vận động phục hưng Phật giáo như Ban.an Eishu (Vạn An Anh Chủng) cũng dính vạ lây. Người ta xem vụ án này là bằng chứng mạc phủ muốn duy trì quyền lực và nâng cao uy tín Kansansetsu, công cụ giám sát của mình. 

Fudôchi Shinmyôroku (Bất Động Trí Thần Diệu Lục) 

Đây là tên tập sách thu thập pháp ngữ mà thiền sư Takuan gửi qua thư tín cho học trò mình, trọng thần Yagyuu Munenori, một kiếm khách và nhà binh pháp. Sách ra đời vào năm nào thì không ai rõ. Nó gồm trên mười thiên có nhan đề như Mumyô Juuji Bonnô (Vô minh trụ địa phiền não), Shofutsu Fudôchi (Chư Phật bất động trí) vv... Nội dung xem việc học kiếm và tu thiền có cùng một nghĩa như nhau. Chủ trương của sách là nếu đứng trước sự diễn biến của mọi vật mà cái tâm của mình không ngừng lại thì có thể hành động một cách tự do, cái đó chính là "bất động trí" (fudôchi). Nếu tu luyện đạt được nó thì sẽ trở thành "vô tâm vô niệm", dứt tuyệt với mọi hành vi và quay về cái tâm buổi ban sơ. Takuan còn nhấn mạnh rằng sau khi tu luyện cái tâm như thế rồi (lý chi tu hành), lại phải tu luyện làm sao (vật chi tu hành) để nó nối kết được với động tác của thân thể. Từ đó, không chỉ riêng kiếm đạo mà trong những lãnh vực khác đều sẽ được tinh thông. Kể từ thời Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) trở đi, thiền đã trở thành đại cơ đại dụng thiền tức là thiền coi trọng cái tâm bình thường trong cuộc sống hằng ngày cho nên nó mới được phổ biến trong lớp sĩ phu tân hưng đời Tống. Thiền Nhật Bản cũng thừa kế tư tưởng đó nhưng vì những kẻ nắm quyền chính trị ở Nhật là giai cấp võ biền samurai nên loại tác phẩm như của Takuan mới có cơ hội ra đời. Thế nhưng suy nghĩ như ông thì thành ra đã xa rời tinh thần Phật Giáo cơ bản và trở thành lý luận về đạo đức và tu thân mà thôi. Do đó nó đã là khởi điểm cho vấn đề hợp tác của người Phật tử vào nỗ lực chiến tranh trong giai đoạn lịch sử cận đại. 

Cuộc vận động phục hưng Phật giáo được khơi mào 

Mạc phủ Edo ra đời làm cho xã hội ổn định và chùa chiền được chỉnh đốn nên đã giúp cho Phật giáo đồ có dịp suy nghĩ lại để thấy rằng họ phải vượt qua mọi dị biệt tông phái để làm sống lại Phật giáo. Do đó một cuộc "vận động phục hưng Phật giáo" đã được khơi mào. Riêng về Thiền Tông mà thôi thì từ thời Sengoku trở đi, người ta có khuynh hướng không tọa thiền nữa mà chỉ thực hành thiền mật tham. Hiện trạng đó đã bị phê phán mạnh mẽ và người ta muốn trở lại phương pháp tu hành bản lai của Thiền Tông gọi là biến tham, cho phép người tu thiền đến hỏi đạo với các bậc thầy khắp nơi để tìm con đường giác ngộ. Đó là chủ trương mang tên ketsumei henzan (kết minh biến tham = liên kết thành nhóm đi học hỏi khắp nơi) của những tăng sĩ phái Kanzan (Quan Sơn, phái bắt đầu với Kanzan Egen = Quan Sơn Huệ Huyền) như Gudô Tôshoku (Ngu Đường Đông Thực, 1577-1661), Ungo Kiyô (Vân Cư Hy Ưng, 1582-1659), Daigu Sôchiku (Đại Ngu Tông Trúc, 1584-1669). Tuy sau đó những người này đã chia rẽ vì có sự dị biệt trong lối suy nghĩ nhưng mỗi một người trong bọn đều đã tận tụy với việc phục hưng Thiền Tông. Gudô trụ trì ở Myôshinji, giữ được truyền thống đã có từ Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền), Ungo thì đề xướng "niệm Phật thiền", được lãnh chúa có thế lực ở miền Đông Bắc đến xin qui y, và được trụ trì chùa Zuiganji (Thụy Nham Tự) ở Matsushima thuộc Sendai (tỉnh Miyagi bây giờ). 

Phong trào kết đoàn tham học ketsumei henzan nói trên đã vạch ra những lối tu khác nhau do những thiền sư đầy cá tính đứng ra chủ trương. Ví dụ lối thiền bằng cách niệm Phật (nenbutsu zen = niệm Phật thiền) có tên khác nữa là Niôzen (Nhân Vương thiền) [5] mà Suzuki Shôsan (Linh Mộc Chính Tam, 1579-1655) cổ xúy, hay trì giới thiền (jikaizen) tức thiền bằng cách giữ gìn giới luật, theo kiểu Isshi Monshu (Nhất Ti Văn Thủ, 1608-46), người đã phục hưng Eigenji (Vĩnh Nguyên Tự ở Ômi (tỉnh Shiga), hoặc jikai nenbutsu zen (trì giới niệm Phật thiền) đòi hỏi cả hai phương pháp, được Sessô Sôsai (Tuyết Song Tông Thôi, 1589-1649) đề xướng. Những phương cách khác nhau này căn bản vẫn có một điểm chung là mục đích tìm về giác ngộ. Ngoài ra, cả Shôsan lẫn Sessô, kể từ cuộc nổi loạn ở Shimabara (1637-38, vùng Nagasaki), đã hành động đúng như mạc phủ mong muốn nghĩa là không tiếc lời bài xích tín đồ đạo Ki-Tô ở Kyuushuu. Shôsan đã viết Ha-Kirishitan (Phá Kiết-lợi-đan) và Sessô đã viết Taijija shuuron (Đối trị tà chấp luận). Ngoài ra, còn có người tên là sư huynh (irmao) Fukansai (Bất Can Trai) Fabian (Ba Tỵ Am, 1565-1621) trước học Thiền, chạy theo đạo Ki-Tô rồi lại bỏ Ki-Tô trở lại Thiền đã viết Ha-Deusu (Phá Đề-vũ-tử) để chống báng đạo Ki-Tô. Ba quyển sách này được liệt vào hạng "phá tà thư" tiêu biểu. Đặc biệt cách lập luận của Sessô rất có sức thuyết phục. Qua đó, người ta nhận ra ảnh hưởng hai người thầy của ông là các thiền sư Saigin (Tây Ngâm, 1605-1663) và Gekkan (Nguyệt Cảm, 1600-1674). 

Đặc biệt Isshi Monshu (Nhất Ti) và một người xuất hiện sau đó một chút là Bankei Yôtaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác, 1622-93) là hai thiền tăng thuộc loại "vô sư độc ngộ", không thấy nói hai ông đã nhận pháp tự từ ai cả. Lại nữa, Shôsan là người theo học cả hai tông Rinzai (Lâm Tế) lẫn Sôtô (Tào Động), tự mình giữ lập trường cho thêm nenbutsu (niệm Phật) vào Thiền. Không có bằng chứng cho biết ông ta trực thuộc pháp hệ hay tông phái nào. Về điểm này, ta nhận thấy thời đó đã có một sự thay đổi lớn trong giá trị quan, bởi vì cho đến lúc ấy, nói đến tu Thiền là bắt buộc phải nói đến việc nhận pháp tự từ ai. 

Như trên, cuộc vận động để phục hưng Phật giáo mà trung tâm là phái Lâm Tế đã hiện rõ. Thế nhưng cũng không nên quên rằng, vào thời này, từ phía phái Tào Động cũng có những nhân vật như Ban.an Eishu (Vạn An Anh Chủng, 1591-1654) biết nối tiếp truyền thống của cao tăng Dôgen phục hưng được Kôhôji (Hưng Thánh Tự, ở thành phô Uji gần Kyôto). Ban.an Eishu là nhân vật có giao tiếp với từ Taigu Sôchiku, Ungo Kiyô, Isshi Monshu, Suzuki Shôsan cho đến Ryuukei Sôsen (1602-1670. Ông này trước thuộc phái Myôshinji sau chuyển sang phái Hoàng Bá). 

lichsuthientong-nhatban-04-01
Suzuki Shôzan (Linh Mộc Chính Tam, 1579-1655) 

đã biết dùng văn nghệ để phổ biến Thiền.

Suzuki Shôsan (Linh Mộc Chính Tam) là người thế nào? 

Ông họ Hozumi (có nơi viết là họ Suzuki) người vùng Mikawa (tỉnh Aichi) tên thật là Juuzô (Trọng Tam), Suzuki Shôzô chỉ là bút danh. Ông sinh trong gia đình võ sĩ Mikawa, lập được chiến công trong trận Sekigahara khi Tokugawa Ieyasu thống nhất thiên hạ. Còn tham dự hai chiến dịch mùa đông và mùa hạ tiến chiếm thành Ôsaka, dứt tuyệt dòng họ Toyotomi. Khi còn nhỏ, ông đã mộ đạo Phật, du hành khắp nơi học đạo nhưng đến năm 42 tuổi mới có cơ hội xuất gia. Từ đấy, ông hỏi đạo các thiền sư Taigu Sôchiku và Gudô Tôshoku của Lâm Tế và Ban.an Eishu của Tào Động. Sau đó, ông trở lại cố hương, dựng chùa Sekiheizan Onshinji (Thạch Bình Sơn Ân Chân Tự) và trụ trì tại đấy. Buổi vãn niên mới lên Edo, hoạt động bố giáo ở Juushun.in (Trùng Tuấn Viện) ở Yotsuya và Ryôshin.in (Liễu Tâm Viện) ở Asakusa (hai khu vực trong thành phố Tôkyô bây giờ), lập ra một lối tu hành độc đáo có tên là Niôzen (Nhân Vương thiền). Tư tưởng của Suzuki Shôsan hàm chứa nhiều yếu tố khác nhau kể cả giáo lý Tịnh Độ và chủ trương tam giáo nhất trí. Ông mượn những hình thức văn nghệ để giáo hóa quần chúng hóa và ảnh hưởng đến văn chương bình dân về sau. Cùng lúc, ông lại có mối liên hệ mật thiết với chế độ mạc phủ và phiên trấn. Với ông, giáo lý nhà Phật đã trở thành một môn học thực tiễn. Suzuki Shôsan có nhiều trứ tác như Môanjô (Manh An Trượng = Gậy dẫn lối người mù, 1851) viết bằng quốc ngữ kana trong đó ông đứng trên lập trường Thiền Tông để giải thích cụ thể 10 điều đạo đức phải noi theo, Roankyô (Lư An Kiều = Cầu Yên Lừa, 1660) là tập ngữ lục do đệ tử là Echuu (Huệ Trung, năm sinh và mất không rõ) ghi lại lời phát biểu của thầy. Ngoài ra ông còn viết những tiểu thuyết nôm na dùng vào mục đích truyền đạo, ví dụ Ninin bikuni (Nhị nhân tì khưu ni = Hai bà vãi, 1632), Inga Monogatari (Nhân quả vật ngữ = Truyện có vay có trả, 1661), hay những tập pháp ngữ viết riêng cho một cá nhân nào đó sau được thu thập trong Hogoshuu (Phản cố tập = Tập giấy nháp, 1634) và Banmin tokuyô (Vạn dân đức dụng =Ai cũng dùng được, 1661) triển khai từ Shokubun Butsugyôsetsu (Chức phận Phật hành thuyết = Trình bày về những Phật hành trong chức phận mình) vốn dựa trên cuốn Sehô soku Buppô (Thế pháp tức Phật pháp = Đạo đời tức đạo Phật) đã có trước. Đó là chưa kể sách bài báng đạo Ki-Tô như Ha Kirishitan (Phá Kiết-lợi-đan, 1662) đã được nhắc đến bên trên và sách khuyến khích việc niệm Phật nhan đề Nenbutsu Sôshi (Niệm Phật thảo chỉ, Truyện niệm Phật). Shôsan như thế đã viết những tác phẩm đáng chú ý và theo nhiều chiều hướng khác nhau 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]