TẤN CÔNG HÓA HỌC Ở HUẾ
Tâm Diệu Lời tòa soạn: Lễ Phật Đản năm nay 2013, kỷ niệm đúng 50 năm xảy ra cuộc vận động của Phật Giáo 1963 bắt đầu ở Huế với cái chết của tám Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh, rồi cuộc tự thiêu của HT. Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn và chiến dịch “nước lũ” tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/ 8/1963. Ba biến cố lịch sử quan trọng của phong trào Phật Giáo tranh đấu này dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng kéo dài nửa năm và kết thúc bằng cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bài viết dưới đây kể lại diễn tiến sự kiện lịch sử xảy ra ngày 3/6/1963tại Huế, trước ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, theo các điện văn báo cáo của Toà Đại Sứ Mỹ đã được bạch hóa. **** Sau biến cố đẫm máu xảy ra tại đài phát thanh Huế vào buổi tối ngày lễ Phật Đản 8/5/1963, khắp các nơi tại miền Nam Việt Nam, từ Sài Gòn đến Quảng Trị, chư Tăng ni hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đã đồng loạt tuyệt thực tại chùa 48 tiếng đồng hồ kể từ 2 giờ chiều ngày 30/5/1963 để cầu nguyện cho những người đã tử nạn và đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo. Trong khi đó quần chúng Phật tử tại gia cũng đồng loạt xuống đường biểu tình khắp nơi để ủng hộ chư Tăng ni. Riêng tại thành phố Huế, vào lúc 13:00 giờ ngày 03 tháng 6 năm 1963, khoảng 500 thanh niên, sinh viên và học sinh Phật tử đã biểu tình ngồi trước trụ sở Tòa Đại biểu Chánh phủ Trung Nguyên Trung Phần, đối diện trước một đội quân đông đảo 300 người, bao gồm cảnh sát dã chiến, lính nhảy dù và biệt kích quân, trang bị sung ống, lưỡi lê và lựu đạn cay đứng dàn chào. Bên chính quyền, qua loa phóng thanh cho biết là trong đám đông người biểu tình có trà trộn các phần tử Việt Cộng đang gây khích động và yêu cầu tất cả giải tán. [01] Khi đám đông biểu tình đáp trả lại, cũng qua loa phóng thanh cầm tay gọi những người lính là “những kẻ giết người ngu xuẩn”, thế là cả đội quân lập tức ráp lưỡi lê vào súng và đeo mặt nạ phòng hơi độc rồi đồng loạt bắn lựu đạn cay vào đám đông. Đồng bào la hét vang trời. Một số người biểu tình bỏ chạy, trong khi những người khác vẫn ngồi yên cầu nguyện. Một vị lãnh đạo Phật Giáo (Thượng tọa Thích Trí Thủ) kêu gọi đồng bào hãy trở về nhà hay về chùa Từ Đàm để được điều trị y tế cho người bị hơi cay. Thật là may mắn, chết chóc và bị thương đã không xảy ra. [01] [02] Đoàn người biểu tình tháo chạy về hướng chùa Từ Đàm, nhưng khi tới Bến Ngự, thì bị chặn lại lại với dây thép gai, họ ngồi xếp bằng ngay trên mặt đường và tiếp tục cầu nguyện. Lúc này (15:00) dân chúng khắp nẻo đường thành phố tụ tập về đây hợp cùng đoàn biểu tình đông đến 1500 người. Một cuộc đối đầu xảy ra khi đoàn người biểu tình cố gắng vượt qua hàng rào kẽm gai băng qua cầu Bến Ngự. Nhiều đợt phóng hơi cay của đội quân chống biểu tình và đội quân khuyển tấn công, nhằm giải tán đám đông đã thất bại. [02]Một quan chức chính phủ đứng trên xe vận tải, sử dụng loa phóng thanh kêu gọi quần chúng Phật tử mà phần đông là học sinh trung học và sinh viên đại học giải tán. Lời kêu gọi được đáp trả lại bằng những tiếng la hét khi người phát ngôn chính phủ đổ lỗi cho tình trạng bất ổn này là do Việt Cộng gây nên. [02] Sau một thời gian dài bế tắc, vào khoảng 6 giờ 30 chiều, đội quân hỗn hợp chống bạo động đeo mặt nạ quyết định giải tán đoàn biểu tình bằng cách phun một loại chất lỏng màu đỏ nâu lên trên đầu những người biểu tình đang ngồi cầu nguyện. Dân chúng la hét, chạy tứ tung, người thì ôm đầu quằn quại, kẻ thì ngã gục, dầy dép vứt ngổn ngang. Kết quả là không có người chết, chỉ có 67 Phật tử phải nhập viện vì thương tích hóa học với các triệu chứng bao gồm phồng rộp nghiêm trọng trên da và các bệnh về đường hô hấp. [02]Đoàn biểu tình đã kịch liệt phản đối việc sử dụng các khí độc và việc này đã trở thành một thảm họa quan hệ với công chúng và với Mỹ cho ông Ngô Đình Diệm. [07] Đến nửa đêm, tình trạng căng thẳng lên cao độ. Lệnh giới nghiêm và thiết quân luật của Đại tá Đỗ Cao Trí được ban hành và đọc nhiều lần trên đài phát thanh. Tin đồn lưu hành cho biết có ba người đã chết và phóng viên Newsweek cho hay cảnh sát đã triển khai súng phóng khí blister gas vào đám đông biểu tình. Báo cáo trích dẫn nguồn tin đáng tin cậy từ văn phòng ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn cho biết rằng ông Diệm không thoả hiệp và đã lập kế hoạch cho một thách thức bằng quân sự (a military showdown) chống lại các Phật tử[02] [07]. Tham tá lãnh sự Mỹ John Helble, thường trú ở Huế, trong một báo cáo về Tòa Đại Sứ ở Saì Gònrằng rằng quân đội miền Nam Việt Nam đã sử dụng hơi cay và "có thể là một loại khí gây mụn nước ngoài da" để giải tán đoàn người biểu tình của Phật giáo. [03]Helble báo cáo rằng chất này, mặc dù chưa được xác định, đã dấy lên mối lo ngại của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng khí độc đã được sử dụng bởi vì các triệu chứng không phù hợp với tiêu chuẩn hơi cay. [07] Sau khi nhận được các báo cáo, Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đã hai lần chỉ thị ông William Trueheart, người xử lý thường vụ Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn “yêu cầu ông Diệm nên hoà giải với Phật giáo và báo cáo rõ hơn về khói hóa học đã sử dụng để đàn áp Phật tử”.Điện văn của ông Rusk nói thêm: “Ông Diệm nên đích thân ra Huế gặp các nhà lãnh đạo Phật Giáo, nói chuyện với họ và rút quân đội ra khỏi Huế, thay thế bằng lực lượng Cảnh Sát. Chuyện Ông Quang (Thích Trí Quang) và các nhà lãnh đạo Phật Giáo không thực là Việt Cộng. Chính quyền Việt Namcần phải tránh nhữngsai lầm trong việc xác định một cách tự động những người biểu tìnhvà các nhà lãnh đạo của họ là Việt Cộngnếu muốn thành công trong nỗ lực kiểm soát tình hình”. [03] Ông Trueheart đến gặp ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng tại phủ Tổng thống vào trưa ngày 4/6/1963. Ông Trueheart cho ông Thuần biết là các triệu chứng của các nạn nhân phù hợp với những khí mù tạt và hội đủ yếu tố để Hoa Kỳ tố cáo chế độ VNCH thực hiện các cuộc tấn công hóa học.[04][08] Sau buổi họp, ông Nguyễn Đình Thuần đồng ý mở cuộc điều tra về việc quân đội sử dụng vũ khí hóa học đàn áp người biểu tình do Tướng Trần Văn Đôn cầm đầu ủy ban và Trung tá Y sĩ Liêm thuộc Bộ Quốc Phòng phụ tá. [06] Khác với chủ trương mềm mỏng của Đại sứ Nolting đang nghỉ vacation, Trueheart cảnh cáo chính quyền Ngô đình Diệm rằng Mỹ có thể ngưng yểm trợ nếu còn tiếp tục đàn áp Phật Giáo. (U.S. support for GVN could not be maintained in face of bloody repressive action at Hue.) Ông Nguyễn Đình Thuần cho ông Trueheart biết Hội đồng Bộ trưởng chính phủ đã đề nghị thành lập một Ủy Ban Liên Bộ để cứu xét các đòi hỏi của Phật Giáo như ông Trueheart yêu cầu từ ngày 1/6/1963, và ông Diệm đã chấp thuận. [04] [06] Nhưng khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, Bộ Tư lệnh Quân viện Mỹ tại Việt Nam xin ý kiến ông Trueheart về việc Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH yêu cầu Mỹ giúp không vận 300 Cảnh sát từ Vũng Tàu ra Huế để dập tắt các cuộc biểu tình tại đây, nhưng ông Trueheart đã từ chối. [05] Kết qủa cuộc điều tra của tướng Đôn sau đó (06/06/1963) cho hay hơi cay được sử dụng trong ống thủy tinh là thành phần hoá lỏng sẽ biến thành khí khi được kích hoạt. Hơi cay sử dụng được lấy từ kho vũ khí cũ còn lưu lại bởi người Pháp. Vào ngày 18/6/1963, các nhà hóa học của quân đội Mỹ tại Arsenal Edgewood ở Maryland xác nhận, từ mẫu cung cấp, rằng khí được sử dụng là một loại hơi cay của các loại hơi cay được sử dụng bởi người Pháp trong thế chiến thứ nhất.[06][07] Lời Kết: Năm mươi năm trôi qua, một thời gian đủ dài để chúng ta nhìn lại lịch sử. Chúng ta đã thấy rằng chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã không giải quyết khủng hoảng bằng phương pháp hoà bình mà dùng giải pháp vũ lực bằng cách đem binh sĩ tấn công, phong toả các chùa chiền, bắt các nhà sư và các đại diện của đảng phái, đàn áp những người dân biểu tình vô tội với cả vũ khí hóa học do quân đội Pháp để lại và quy tội cho họ có liên hệ với Cọng Sản. Các hành động này không những không làm êm dịu được tình hình mà còn làm khủng hoảng đi đến bùng nổ, tự làm mất sự ủng hộ của quần chúng và của các quốc gia trên thế giới. Tâm Diệu (Theo các tư liệu lịch sử của Bộ Ngoại Giao Mỹ FRUS) DẪN CHIẾU: [01] Foreign Relations of the United States (FRUS), 1961–1963 Volume III, Vietnam, January–August 1963, Document 144, PP. 343-344.http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v03/pg_343 [02] FRUS, 1961–1963 III, Document 146, PP. 346-347 http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v03/pg_346 [03] FRUS, 1961–1963 III, Document 147, PP. 348 http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v03/pg_348 [04] FRUS, 1961–1963 III, Document 149, PP. 349-351 http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v03/pg_350 [05] FRUS, 1961–1963 III, Document 150, PP. 351-352 http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v03/pg_351 [06] FRUS, 1961–1963 III, Document 151, PP. 352-353 http://history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v03/pg_352 [07] Jones, Howard (2003). Death of a Generation: how the assassinations of Diem and JFK prolonged the Vietnam War. New York City, New York: Oxford University Press.ISBN0-19-505286-2. pp. 261–262 & 263–264. [08] Hammer, Ellen J.(1987). A Death in November: America in Vietnam, 1963. New York City, New York: E. P. Dutton. ISBN0-525-24210-4, p. 136. |