Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Các Ân Sư của trường Đốc Thanh Chiêm

20/05/201703:26(Xem: 7189)
Các Ân Sư của trường Đốc Thanh Chiêm
Trường Đốc Thanh Chiêm- Đại học đầu tiên của Quảng Nam- Đà Nẵng



Các Ân Sư của trường Đốc Thanh Chiêm
 
Châu Yến Loan

 

 

 

 

Đa số các ân sư của trường đốc Thanh Chiêm là người Quảng Nam nhưng cũng có những vị ở ngoại tỉnh được bổ dụng đến. Dù sinh ra trên quê hương nào nhưng khi đảm nhận chức vụ cao quý này, các quan Đốc học đều dốc hết tài đức của mình vào sự nghiệp trồng người. Chính vì thế mà Trường Đốc Thanh Chiêm dưới thời phong kiến nhà Nguyễn đã lừng danh là lò luyện nhân tài không chỉ cho Quảng Nam-Đà Nẵng mà còn cho cả nước. Nhiều bậc đại khoa, nhiều lãnh tụ phong trào Cần Vương như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, nhiều chí sĩ cách mạng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã trưởng thành từ ngôi trường này. Dưới đây là một số vị đã làm Đốc học ở Quảng Nam :

 

Trương Văn Thúy

Người huyện Lễ Dương, tỉnh Quảng Nam, văn tài uyên bác. Làm quan Hàn Lâm viện thời Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần. Khi Tây Sơn khởi binh, quân Trịnh thừa cơ tiến chiếm Thuận Hóa, Phú Xuân thất thủ, Duệ Tông phải chạy vào Quảng Nam. Rồi Quảng Nam cũng có nguy cơ mất, Trương Văn Thúy theo Tả quân Nguyễn Cửu Dật đem chiến thuyền hộ giá chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng Hoàng tôn Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Gia Định. Đoàn thuyền vừa đến vùng biển Bình Định thì gặp gió bão, thuyền của Tôn Thất Kính và Nguyễn Cửu Dật đều bị đắm chỉ có thuyền của chúa thoát nạn. Nguyễn Cửu Dật chết, Trương Văn Thúy trôi dạt vào bờ biển rồi lén về làng. Tây Sơn mời ông hợp tác nhưng ông giả say không nhận lời.

Đầu niên hiệu Gia Long (1802) ông được tham gia soạn điển lễ Nam Giao, sau làm Đốc học Quảng Nam. Ông đã đào tạo được nhiều sĩ tử thành đạt.

 

Nguyễn Duy Hiệp (1744-?)

Ông nguyên có tên là Nguyễn Bá Thông, sinh năm Giáp Tý (1744), người xã Đông Địa Linh huyện Phụ Dực (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình)

Làng Đông Linh huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình dân gian thường gọi là làng Nghìn. Thời Lý làng Nghìn có tên chữ là Đông Địa Linh, thời Nguyễn được tách thành hai làng là Đông Linh và Địa Linh. Trải qua nhiều biến đổi, tên làng Đông Linh vẫn còn đến ngày nay.

Theo Phạm Minh Đức (báo Văn Nghệ) Đông Linh là vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sinh ra nhiều bậc hiền tài, là nơi có lắm di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà dân làng từ xưa đã rất tự hào nên chạm khắc  2 câu  thơ treo ở đình làng:

 

Địa linh nhân kiệt kim nhi lậu

Văn vật thanh danh cổ tự hoàn

Làng Đông Linh là một làng khoa bảng nổi tiếng ở Thái Bình, thời phong kiến làng có 2 người đỗ Hoàng giáp, 2 người Tiến sĩ, 15 người Cử nhân và hơn 50 Giám sinh, Sinh đồ.

Sinh trưởng trên quê hương có truyền thống hiếu học, ngay từ nhỏ, Nguyễn Duy Hiệp đã nổi tiếng học giỏi và có tài đối đáp. Khi gia đình ông bị nạn, thân phụ ông là ông đồ Cư cùng con cái phải lưu lạc đến một vùng quê ở huyện Thụy Anh để dạy học. Gặp lúc có một quả phụ đang lập đàn cúng tế linh đình để trả nghĩa cho chồng trước khi tái giá. Các vị hương chức đã đến viết giúp bài văn tế nhưng chưa nghĩ ra lời hay ý đẹp. Nghe tin có thầy đồ qua làng, chủ nhà mời vào viết giúp. Cụ đồ Cư xin phép cho con chấp bút. Nguyễn Duy Hiệp viết :

Trước cùng chung chăn gối

Nay kẻ mất người còn

Thương xót lập đàn cúng tế, trả nghĩa cũ…

Còn tình chồng vợ không dám nói. Mọi người đều tấm tắt khen.

Nguyễn Duy Hiệp đỗ Tiến sĩ năm 1772. Thời Tây Sơn, ông lánh cư ở ẩn. Đến đời Nguyễn Gia Long (1802-1819) ra nhậm chức Học sĩ ở Viện Hàn Lâm, sau được cử làm Hiệp trấn Kinh Bắc rồi Đốc học Quảng Nam, khi dân làng mất mùa bị đói ông dốc hết tài sản để cứu đói cho dân làng, sau cáo quan về nhà.

 

Đinh Phiên (1764- 1833)

Theo Gia phả họ Đinh Văn ở làng La Giáp (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) do ông Đinh Văn Niêm cung cấp.

Đinh Phiên thuộc đời thứ 9, sinh năm 1764 tại làng Ông La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Lúc đầu ông có tên là Giáp, sau đổi là Nguyễn Phiên, sau nữa đổi là Hồng Phiên, tự là Trọng Tường, hiệu là Chỉ Hiên, bút hiệu Tường Phủ . Khoa thi năm Quý Mão niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) đời vua Lê Hiển Tông, ông đậu Hương cống (cử nhân) tại trường thi Nghệ An, khoa này Nguyễn Du đậu Sinh đồ (tú tài). Năm 1787, ông đi thi Hội khoa Đinh Vị đậu Tam trường trúng cách (tương đương Phó bảng thời Nguyễn ) rồi được bổ Toản tu Quốc sử quán triều Lê.

Thời Tây Sơn, ông không ra làm quan mà lui về quê mở trường dạy học.

Thời Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long vời ông ra làm quan. Tháng 5 năm Ất Hợi Gia Long thứ 14 (1815) ông được bổ Đốc học Quảng Nam. Sách Đại Nam thực thục ghi “Lấy Hương cống đời Lê là Đinh Phiên làm Đốc học Quảng Nam” ( ĐNTL, nxb Giáo Dục 2002, T1, tr 901).

Trong thời gian làm việc tại đây ông đã viết bài văn bia Trùng tu Lai viễn kiều ký đến nay vẫn còn lưu truyền

Tháng 3 năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 ( 1819) ông được bổ Đông các học sĩ rồi được phái đi sứ nhà Thanh cùng Cần Chính điện học sĩ Nguyễn Xuân Tình. Khi tới Tương Đàm, ông làm bài thơ “Tương Nam Tương Đàm đa hữu Giang Tây khách kỳ địa hạ sơ tương đấu sát thương đãi thất bách số trung hưng chí thử viên thuật sở văn”, chép lại thảm kịch xảy ra ở Tương Đàm, nguyên nhân bởi ngôn ngữ bất đồng giữa khách buôn Giang Tây và dân bản địa, mâu thuẫn xung đột dẫn đến ẩu đả, đến nỗi hơn 700 người mất mạng. Bài thơ được GS Zhan Zhihe (詹志和) trường Đại Học Sư Phạm Hồ Nam- Trung Quốc đánh giá “là một trong hai bài thơ ghi chép sự kiện có ý nghĩa trọng đại nhất”

(Thơ đi sứ chữ Hán của Việt Nam trong mối quan hệ với Văn hóa Hồ Nam- http://khoavanhocngonngu.edu.vn/home/index.php?option )

Trong chuyến đi sứ này ông có làm tập thơ Hán Cao Tổ, một số câu đối  còn truyền lại đến nay cùng một số bài thơ được in vào các đồ sứ Trung Hoa như câu “Nghêu ngao vui thú sơn hà / Mai là bạn cũ  hạc là người thân”,  được in nguyên chữ Nôm vào đồ gốm, mà người đời sau lầm tưởng là của Nguyễn Du, vì Đinh Hồng Phiên và Nguyễn Du là bạn đồng hương, đồng khoa cũng vừa là sui gia. Con trai Đinh Hồng Phiên là Tiến sĩ Đinh Văn Phác, lấy Nguyễn Thị Tiềm là con gái Nguyễn Du.

Thời Minh Mạng, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng ở triều đình, nhiều năm làm Giám thí các kỳ thi Hương, nhưng quan trọng nhất là được vua sai soạn định khuôn mẫu, thể thức các cáo sắc cho triều đình, chức này đã giúp cho Đinh Hồng Phiên có điều kiện để  soạn Ngọc Phổ cho vua Minh Mạng, được vua “châu phê”. Ngày 20 tháng 11 năm 1820, Minh Mạng thứ nhất,  Nguyễn Đình Phiên đã dâng lên vua 11 bài trong Ngọc Phổ, bài đầu là “Đế hệ thi” và 10 bài sau là “Phiên hệ thi”. (bản dịch từ chữ Hán, Châu bản triều Nguyễn, tờ 223 đến 235). Vua Minh Mạng đã sửa chữa, thay đổi câu chữ nhiều lần để hoàn chỉnh, nhất là bài “Đế hệ thi”.

Tháng 5 năm Tân Tỵ, Minh Mạng thứ 2 (1821), ông được chọn làm Toản tu tham gia biên soạn sách Liệt thánh thực lục (viết về các chúa Nguyễn), rồi làm Thị trung Trực học sĩ (tức hầu cận cho nhà vua liên quan đến vấn đề từ chương). Đến tháng 6 làm thêm công việc ở Bộ Lại.Cuối năm 1821, ông là Giám thí kỳ thi Hương ở kinh đô và nhiều tỉnh khác, và là người lo việc ở khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn vào năm 1822. Ông cũng là người được giao chăm lo việc ở Bộ Lễ.

Con trai của Đinh Hồng Phiên là Đinh Văn Phác đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ  tại kỳ thi Hội  năm Nhâm Ngọ, Minh Mạng thứ 3 (1822) này.                                                                                                                       

Tháng 12 năm Quý Tỵ, Minh Mạng thứ 4 (1823) Đinh Phiên do không kiểm tra phát hiện được các thuộc cấp sắp lẫn mấy cái sắc phong của Tây Sơn vào bản tấu nên bị đánh 100 trượng, bị cách chức,  phát đi Hà Tiên để làm việc chuộc tội, sau vua xét lại công lao của Đinh Phiên nên phát phối đi Quảng Ngãi.

Năm năm sau, Mậu Tý (1828), Đinh Phiên được phục chức rồi sung Huấn đạo Bình Dương.

Tháng 5 năm Quý Tỵ (1833), ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi- con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt- chống lại triều đình, được phong làm Lễ bộ Thái khanh. Ông thay Lê Văn Khôi thảo hịch kêu gọi dân chúng ủng hộ cuộc nổi dậy, đánh đổ nhà Nguyễn, khôi phục nhà Lê được nhiều người hưởng ứng.

Quân triều đình phản công mãnh liệt, cuộc khởi nghĩa thất bại, giữa tháng 8 năm 1833, Đinh Phiên ra đầu thú. Ông bị chết trên đường áp giải về kinh đô, bị phanh thây, bêu đầu ở Gia Định và Nghệ An rồi vứt xuống sông. Vợ và 4 con trai của ông trong đó có Tiến sĩ Đinh Văn Phác cũng bị hành hình tại chợ Nghệ An. Các học trò của ông như Nguyễn Đức Phương, Giáo thọ Phước Long, Nguyễn Năng Tĩnh, Giám sát Ngự sử đạo Nam Ngãi, Nguyễn Văn Dư, Giáo thọ Vĩnh Tường đều bị bãi chức.

Đinh Phiên đã đào tạo được nhiều môn sinh tài giỏi và để lại cho hậu thế những áng thơ văn có giá trị.

 

Nguyễn Viết Tiêm (1767-1830)

Sinh năm Đinh Hợi (1767), quê ở  Thanh Văn - huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Vào khoảng 1580, trong thời chiến tranh Lê- Mạc (1533-1592), bà cụ tổ Nguyễn Thị Ổi (vợ của một vị tướng họ Nguyễn) có thai chạy loạn vào đất giáp Cồn Trù, thôn Phan Xá, xã Đại Đồng (là vùng đất Thanh Cao thuộc xã Thanh Văn, Thanh Chương ngày nay) và sinh ra cụ Nguyễn Viết Nhân là thủy tổ của dòng họ Nguyễn Viết.

Cụ Nguyễn Viết Tiêm xuất thân trong một dòng tộc có truyền thống yêu nước, cần cù, chịu thương chịu khó và hiếu học. Dòng họ đã cống hiến cho quê hương, đất nước nhiều danh nhân chí sĩ yêu nước, nhiều người khoa bảng, như: Nguyễn Viết Quý (1632 - 1732) hiệu Huệ Phú Phủ Quân, Thụy Anh Dũng có công dẹp giặc nổi loạn ở Bạch Ngọc, huyện Lương Sơn (nay là vùng Bạch Ngọc, Đô Lương), được vua Lê Hiển Tông phong chức Ngự tiền phó quản lĩnh, thuộc tòng ngũ phẩm thời Lê; Nguyễn Viết Quỳnh (1766 - 1853) đỗ Tú tài khoa Canh Tý đời Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng;

Nguyễn Viết Tiêm đậu Tú tài. Năm Kỷ Mão Gia Long thứ 18 (1819) ông được bổ  làm Đốc học tỉnh Quảng Nam. ( ĐNTL, nxb Giáo Dục 2002, T1, tr 986).

Thời Minh Mạng, năm Quý Mùi (1823) ông phạm tội cho vay nặng lãi, vua Minh Mạng nói: “Tiêm giữ chức dạy học mà không biết giữ mình cho trong sạch thì sao có thể làm thầy dạy người ta được?” bắt giáng một cấp, đổi đi làm chức khác. Lấy tri huyện Văn Giang là Hoàng Văn Vận làm Đốc học Quảng Nam thay Nguyễn Viết Tiêm. (ĐNTL, nxb Giáo Dục 2007, T2, Tr 262).

Về sau ông được thăng chức Hàn lâm viện thị giảng đứng chầu vua đọc sách.

Ông mất năm Canh Dần ( 1830), hưởng thọ 64 tuổi.

 

 

 

Trần Trỗi (1784- 1850)

Còn có tên là Trần Lỗi, hoặc Trần Lê Hiệu, hiệu là Chính Trai, người Thanh Hóa Ông sinh năm Giáp Thìn (1784) đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng 45.

Thuở nhỏ nổi tiếng thông minh, năm 13 tuổi ông học với ông Huấn Nguyễn làng Phúc Triển, đến năm 20 tuổi lại được học với quan Đốc học Thanh Hóa Phan Thất An là một nhà nho uyên bác.

Năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819) ông thi Hương đậu Giải Nguyên (đậu đầu). Minh Mạng nguyên niên (1820) ông được sung vào Sử quán giữ chức Biên tu (ghi chép tài liệu) nhưng vì mẹ già nên ông xin về quê nuôi mẹ.

Năm 1821 ông được cử đi coi thi ở huyện Lỗi Dương (nay là huyện Thọ Xuân).

Năm Nhâm Ngọ (1822) ông thi Hội rồi thi Đình đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi vinh quy bái tổ, ông xin ở nhà nuôi mẹ.

Mãi cho đến năm Kỷ Sửu (1829) ông được bổ làm Hàn lâm tu soạn, sau thăng Đốc học Quảng Nam.

Năm 1831, ông được thăng Công bộ lang trung đến năm 1832, Minh Mạng thứ 13, ông cáo bệnh xin về hưu lúc mới 48 tuổi. Ông làm quan vẻn vẹn chỉ có 4 năm

Về quê ông mở trường dạy học, ông thông cả Nho, Y, Lý số, học vấn uyên thâm nên đào tạo được nhiều nhân tài.

Ông mất năm Canh Tuất (1850), hưởng thọ 66 tuổi.

Ông Nghè Trần Trỗi đã nêu gương sáng cho quê hương về sự kiên trì học tập và thành đạt. Tài đức của ông nổi tiếng cả xứ Thanh “ trăm nhà không ai mà không biết đến” đúng như lời ghi trên bia mộ của ông.

 

Bùi Sỹ Tuyển (1789-1864)

Người làng  Hà Xá, tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Nay là thôn Hà Xá xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 40 tuổi, ông đậu Tú tài, được bổ chức Hồng lô. Sau khi dự kỳ sát hạch đủ điểm dự thi Hội, đậu Phó bảng Ân khoa Mậu Thân, Tự Đức 1 (1848) cùng khoa với Phó bảng Lê Đình Thức.

Ông làm quan trải qua các chức: Hàn lâm viện Tu soạn, sung Tập Hiền viện, Kinh Diên khởi chú; Đốc học Hải Dương; Đốc học Quảng Nam; Lang trung Bộ Binh; Được thăng hàm Hàn Lâm viện Thị độc học sĩ; Hồng Lô tự khanh, sung Sử quán Toản tu tham gia biên soạn “Đại Nam thực lục chính biên”  

Bài thơ “Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt” Cao Bá Quát sáng tác khi bị phát phối vào xứ Quảng lần thứ hai đã cho biết ông là bạn thân với quan Đốc học Quảng Nam họ Bùi.

Bài thơ không nói tên quan Đốc học nhưng ai cũng hiểu là Bùi Sỹ Tuyển vì trong thời gian này Bùi Sỹ Tuyển đang giữ chức Đốc học Quảng Nam.

 

Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt

Thư đường chước bãi vãn lương sinh

Thụy khởi Đồng Long báo tứ canh

Tùy ngộ bất tri thân thị khách

Tương khan thùy vị nguyệt vô tình!

Vũ phi Tổ Địch không đề kiếm

Thi nhượng Trường Canh diệc lạc tinh

Trà táo yên môi hoàn khiển hứng

Đối nhiên bằng chẩm đáo thiên minh

 

Dịch nghĩa:

 

Cùng quan Đốc học Quảng Nam họ Bùi nửa đêm trở dậy thấy trăng

 

Tại thư đường, tàn cuộc rượu trời chiều mát mẻ

Ngủ dậy ở Đồng Long (vịnh Sơn Trà-Đà Nẵng) đã sang canh tư

Gặp nhau quên bẳng mình là khách

Nhìn nhau ai bảo là trăng kia vô tình

Múa không bằng Tổ Địch nên không rút kiếm

Thơ kém Trường Canh (Lý Bạch) mà vẫn khiến sao rơi

Uống trà hút thuốc tìm cảm hứng

(Đành) ngồi ôm gối chờ đến sáng

 

Bài thơ đã hé lộ tâm sự của Cao Bá Quát, một người cũng có chí lớn như Tổ Địch  mà phải chịu bó tay vì chưa gặp thời cơ.

 

Nguyễn Tường Phổ (1807-1856)

Sinh năm Đinh Mão (1807), tự là Quảng Thúc, và Hy Nhân, hiệu Thứ Trai, quê làng Cẩm Phô, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam ( naythuộc  phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), con của Binh bộ thượng thư, Phó Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Tường Vân và bà Nguyễn Khoa, em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Tường Vĩnh (đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh 19 (1838).

Ông xuất thân trong một gia đình vọng tộc, thân phụ ông theo giúp Nguyễn Ánh lúc còn long đong, lập nhiều chiến công được Nguyễn Ánh ban ân tứ họ Nguyễn Tường thay cho Nguyễn Văn.

Thời trai trẻ Nguyễn Tường Phổ rất thông minh, học rộng, có chí khí, tài kiêm văn võ.

Ông đổ Cử Nhân khoa Tân sửu (1841) lúc 34 tuổi, năm sau đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Dần (1842)

Ông được bổ Hàn lâm viện biên tu Nội các, rồi thăng Tri phủ Hoằng An(Bến Tre), Tri phủ Tân An (Gia  Định), sau đó ông cáo bệnh xin về quê.

Năm Tự Đức thứ 6 (1853) giáng bổ Giáo thụ huyện Điện Bàn, sau thăng Quyền Đốc học Quảng Nam. (Các nhà khoa bảng Việt Nam- Ngô Đức Thọ chủ biên- Văn học, 1993). Cụ Phổ từng làm tri phủ Cẩm Giàng, chẳng bao lâu bị giáng chức làm Giáo thọ Hải Dương. Sau làm Đốc học tỉnh Hải Dương.

Nguyễn Tường Phổ là người nổi  tiếng thơ văn, làm quan liêm chính, công bằng, được sĩ phu trọng vọng. Trong Quốc triều đăng khoa lục, ông Cao Xuân Dục (1842- 1923 từng  là thượng thư Bộ Học) đã bình phẩm rằng : “Ông là người có khí tiết, không a dua, không thiết gì sự  thăng quan tiến chức, chỉ lấy câu thơ, chén rượu làm vui, Người bấy giờ ví ông với Đào Tiềm ”.

Ông mất năm Bính Thìn (1856), hưởng dương 50 tuổi.

 

Nguyễn Dục (1807-1877)

Sinh năm Đinh Mão (1807), tự là Tử Minh, quê làng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tam An, thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam). Tổ tiên ông vốn ở huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam sau chuyển vào lập nghiệp tại làng Chiên Đàn. Cụ thân sinh của Nguyễn Dục cũng sống bằng nghề dạy học, môn đồ rất đông và đã đào tạo nhiều nhân tài nổi tiếng cho đất nước.

Thời niên thiếu ông nổi tiếng là người thông minh, nhanh nhẹn, văn hay, chữ tốt.

Ông đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), Minh Mạng thứ 18 tại trường thi Thừa Thiên. Năm sau, khoa Mậu Tuất (1838) Minh Mạng thứ 19, thi Hội đỗ Phó bảng. Ông được bổ làm quan nhưng xin về quê phụng dưỡng mẹ già.

Năm Quý Mão (1843), Thiệu Trị thứ 3, ông nhận chức Kiểm Thảo, sau đó được cử làm Tri phủ Kiến Thụy tỉnh Thái Bình, chuyển về  Huế sung Quốc sử quán biên tu, rồi Hành tẩu Nội các.

Năm Đinh Mùi (1847), ông bị bệnh xin về quê. Ông mở trường dạy học đào tạo được nhiều nhân tài.

Năm Tân Dậu (1861), Tự Đức 14, ông nhận chức Giáo thọ Điện Bàn rồi Đốc học Quảng Ngãi.

Năm Tự Đức 17 (1864) ông về Huế giữ chức Lang trung Bộ Lại. Bấy giờ sinh viên ở Quốc tử giám phần nhiều vắng thiếu, vua hỏi Tham tri Bộ Lại là Phạm Phú Thứ rằng: “Ở Quảng Nam có người nào phẩm hạnh đoan chính không?” Phạm Phú Thứ thưa: “Có Nguyễn Dục” (Theo Đại Nam liệt truyện, Q 33). Ông được vua cho giữ chức Tế tửu, nhưng chẳng bao lâu ông cáo bệnh xin từ chức. Vua giữ lại rồi sung Phó chủ khảo trường thi Bình Định.

Năm Tự Đức 21 (1868) lĩnh chức Đốc học Quảng Nam. Ở cương vị này ông đã đào tạo cho xứ Quảng nhiều nhân tài mà tên tuổi đã đi vào lịch sử như những nét son chói lọi. Điển hình như Tiến sĩ Trần Văn Dư, một trong những lãnh tụ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Ông Dư vừa là học trò vừa là con rể của Nguyễn Dục. Nguyễn Thích, con của ông Nguyễn Dục, sinh năm Canh Tuất 1850, đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thân (1884), niên hiệu Kiến Phúc 1, làm quan tới chức Cơ mật viện biên tu. Khi kinh thành Huế xảy ra cuộc binh biến tháng 5 năm Ất Dậu (1885), Nguyễn Thích đã xả thân chiến đấu để bảo vệ hoàng thành. Ông thà chết chứ nhất định  không chịu đầu hàng, bị giặc Pháp sát hại.

Những người được Nguyễn Dục dạy dỗ đều trở thành những người có tài đức phục vụ tốt cho đất nước. Vì thế tiếng tăm của ông lừng lẫy trong ngành giáo dục.

Năm Tự Đức 25 (1872), ông được cất lên chức Thị lang Bộ Lễ, sung Giáo đạo Dục Đức đường. Mỗi khi lên dạy, ông khăn áo nghiêm chỉnh nên hoàng tử rất kính nể.

Năm Tự Đức 29 (1876) ông đã 70 tuổi lại bị bệnh nên xin về nghỉ.

Mùa đông năm Đinh Sửu (1877), ông qua đời tại quê nhà, hưởng thọ 71 tuổi. Vua Tự Đức chiếu lệ cấp tiền tuất và truy tặng chức Tham tri.

Nguyễn Dục là người tài đức vẹn toàn, một vị quan liêm chính được nhiều người tôn trọng, kính nể, một nhà giáo dục gương mẫu đã làm rạng danh cho quê hương Quảng Nam. Cụ Hà Đình Nguyễn Thuật, một danh thần nhà Nguyễn và cũng là người bạn đồng liêu của ông đã nhận xét về ông:

Thói đời khác xa, người làm quan đau đáu lợi danh, nhưng ông thì lặng lẽ sống đời cao khiết thanh bạch, vượt khỏi hạng tầm thường, không màng vàng bạc, uống nước lã khác cách thế gian, mười lăm năm làm quan thẳng thắn, không lo toan của tiền. Cho nên, một mai ra đi không lưu luyến thứ gì. Sự tiến thoái của ông khớp với nghĩa, ấy là đạo dạy người”.

 Vua Tự Đức cũng ban chiếu khen thưởng ông:

“Nguyễn Dục vốn giữ Thị Lang, sung làm giáo đạo Dục Đức Đường là hoằng tài trong hàng phụ phát, là RƯỜNG CỘT VĨ ĐẠI, từng đi lên qua những chức trọng yếu trong nhiều quận, kết giao với những bạn bè tốt đẹp cả trong lúc gian nan ở chốn miếu đường, lắm phen được ca ngợi là bậc mô phạm tốt đẹp hợp với vũ nghi, cố gắng mọi việc  đều xong không lười nhác, chăm chăm giữ ý cung kính, xếp đặt vỗ về làm cho những điều đoan chính càng tốt đẹp, được gần gũi, kiêng nể, ôm lòng trung nghĩa dồn vào bổn phận hoàn thành kế hoạch điều hành. Nay đặc cách thăng thụ TRUNG PHỤNG ĐẠI PHU, GIỮ CHỨC HỮU THAM TRI BỘ LỄ, BAN CHO CÁO MỆNH…"

(Trích chiếu khen thưởng của vua Tự Đức cho phó bảng Nguyễn Dục)

 

Trịnh Xuân Thưởng (1816-1871)

Sinh năm Bính Tý (1816), người xã Danh Lâm, tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Tp.Hà Nội).

Trịnh Xuân Thưởng xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt cao. Thời phong kiến làng của ông có 4 người đỗ Tiến sĩ thì gia tộc họ Trịnh của ông đã chiếm hết ba người :

Trịnh Đức Nhuận (1653-1713) là cháu đời thứ 7 của dòng tộc, đỗ Tiến Sĩ năm 1676, ông được bổ làm Giám sát Hải Dương, rồi Hình khoa Đốc Đồng sứ Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa, được thăng chức Lễ Bộ hữu thị lang, Bồi tụng. Ông đã có nhiều công lao trong việc bảo vệ biên cương phía Bắc.

Con của Trịnh Đức Nhuận là Trịnh Xuân Thụ (1704-?) đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn (1748), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9, làm quan đến chức Đông các học sỹ, tước Bá,  triều vua Lê Hiển Tông. Ông đã được cử đi sứ nhà Thanh.

Trịnh Xuân Thưởng là cháu đời thứ 12 của chi họ Trịnh.

Ông thi đỗ Cử nhân khoa Quý Mão ( 1843), niên hiệu Thiệu Trị thứ 3. Năm 31 tuổi, đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi (1847), niên  hiệu Thiệu Trị thứ 7. Ông đã giữ các chức quan như Hàn lâm viện Biên tu, Tri phủ Hàm Thuận, Thị giảng sung làm Quốc sử quán biên tu, Đốc học Quảng Nam, Tư vụ Bộ Hình, Viên Ngoại lang Tôn nhân phủ, Lang trung, Án sát Sơn Tây.

Ngoài ba Tiến Sĩ, họ Trịnh này còn có 33 người đỗ Hương Cống, Cử nhân, trong đó có 29 người thuộc các đời thứ 8, 9, 10, đỗ dưới triều Lê- Trịnh. Các năm 1723, 1771 mỗi khoa có 3 người thi đỗ, khoa thi năm 1726 có 4 người họ Trịnh cùng đỗ.

Hiện nay dòng họ còn lưu lại nhà thờ và tấm bia đá lớn “Đông Hoa Trịnh Tiến sĩ”. Bia được dựng năm 1696, niên hiệu Chính Hòa thứ 17, triều Lê-Trịnh, ghi lại lai lịch dòng họ và thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ Trịnh Đức Nhuận.

 

Nguyễn Tạo (1822-1892)

Sinh năm Nhâm Ngọ (1822), trước có tên là Nguyễn Công Tuyển, sau đổi là Nguyễn Tạo, tự là Thăng Chi, quê xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, đạo Thừa tuyên Quảng Nam nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là trưởng nam của ông Nguyễn Đạo và bà Võ Thị Tại, là anh của Hà Đình Nguyễn Thuật. Thủy tổ của Nguyễn Tạo là cụ Nguyễn Công Châu, nguyên quán xã Bình Luật, phủ Thạch Hà, trấn Nghệ An. Khoảng thời Lê Thánh Tông (1471) vào khai khẩn rồi định cư tại xã Hà Lam. Từ nhỏ Nguyễn Tạo đã nổi tiếng hay chữ.

Niên hiệu Thiệu Trị thứ 6, ông thi Hương đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ (1846) tại trường thi Thừa Thiên. Sau đó ông thi Hội 6 lần đều bị hỏng.

Niên hiệu Tự Đức 16 (1863) ông mới bắt đầu được bổ làm Huấn đạo huyện Gia Lộc và huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên sau thăng Biên tu, sung viện Tập hiền giữ việc chú thích, khảo dị, biên tập thơ văn, sách vở do vua viết ra.

Năm Ất Sửu (1865), niên hiệu Tự Đức 18, ông được chuyển vào làm tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây là huyện mới lâp, đất đai hoang vu, rừng rậm nhiều thú dữ, là sào huyệt của trộm cướp. Với tinh thần làm việc siêng năng mẫn cán, chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy 3 năm ông đã biến đổi hoàn toàn bộ mặt của huyện này. Ông ra sức mở mang ruộng đất, diệt trừ trộm cướp, hổ báo mang lại cho nhân dân đời sống ấm no, yên ổn. Do có công trạng lớn mà Án sát tỉnh Bình Định là Thân Văn Nhiếp đã đề cử ông là người xuất sắc nhất. Ông được vua Tự Đức khen ngợi, ban cho Kim khánh đề 4 chữ “Liêm Bình Cần Cán” và thông báo khắp nơi trong nước để nêu gương. Sau đó ông được cải bổ Tri phủ Hoài Đức, rồi thăng Thị độc lãnh Án sát sứ tỉnh Hải Dương. Lúc bấy giờ, giặc Thanh là Tăng Á Trị nổi lên quấy nhiễu, cướp phá các huyện Nam Sách, Đông Triều, ông phối hợp với Tán lý Ông Ích Khiêm và Đề đốc Đặng Duy Ngọ đánh tan quân giặc.

Năm 1872, Tự Đức thứ 25, thân phụ ông qua đời, ông xin về quê cư tang.

Đến năm 1874, Tự Đức thứ 27, ông trở lại làm việc được thăng Thị Giảng học sĩ sung Các vụ. Vào năm này, Phạm Như Mai và Trần Tấn khởi binh ở Nghệ An liên kết với Nguyễn Hoàn ở Hà Tỉnh, thành Hà Tỉnh thất thủ, vua cử ông làm Bố chính sứ Quảng Bình để lo phòng thủ. Sau đó đổi ra Nam Định.

Nhân dịp tấu trình, Nguyễn Tạo tâu xin vua cho kinh doanh miền núi Quảng Nam vì miền thượng du từ đồn Bảo Định đến đồn Phước Sơn rừng gò hoang vu, rộng rãi màu mỡ, xin lập Nha Sơn phòng, chọn người địa phương tài giỏi để trông coi, cho hương binh đến đóng để khai phá và tha những tội phạm cho họ đến đó ở để khẩn hoang. Những thân hào tình nguyện bỏ tiền của mua nông cụ, lương thực, tổ chức người thành đội ngũ đưa đến khai khẩn thì được khen thưởng, khuyến khích. Vua thấy ông là người tài giỏi và có tấm lòng nên cử ông giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam.

Nguyên khi ông làm việc ở Nam Định, nha lại coi kho đã thâm lạm của công và ở sơn phòng giặc giã nổi lên nên năm 1878, Tự Đức thứ 31, ông bị cách chức cho đi hiệu lực tiền quân về tỉnh làm việc doanh điền và đào sông. Năm đó mất mùa, triều đình giao cho ông nhiệm vụ cứu đói, ông ra sức giúp dân thoát cảnh chết chóc nên được khôi phục hàm Biên tu, bổ làm Giáo thọ phủ Thăng Bình, rồi Quyền Đốc học Quảng Nam.

Năm 1885, niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên, ông được thăng Trước tác sung Cơ mật viện Thừa biện, nhưng ông xin từ nhiệm.

Kinh thành Huế thất thủ, tại Quảng Nam, phong trào Cần Vương do Tiến sĩ Trần Văn Dư lãnh đạo hoạt động mạnh mẽ, Nguyễn Tạo bị Pháp nghi ngờ nên triều đình đổi ông ra Huế nhằm hạn chế ảnh hưởng của ông đối với tầng lớp trí thức và quần chúng Quảng Nam.

Năm 1886, khi tình hình tạm lắng dịu, ông được giữ nguyên hàm, sung Thừa biện Quốc sử quán, được mấy tháng ông bị bệnh nên xin nghỉ.

Tại quê nhà ông mở trường dạy học, nhiều người đỗ đạt cao.

Ông mất năm Nhâm Thìn (1892), niên hiệu Thành Thái thứ 4, hưởng thọ 71 tuổi, an táng tại quê nhà.

Năm 1893, Thành Thái thứ 5, ông được truy thọ Hàn lâm viện Thị độc.

Nguyễn Tạo là một vị quan tài giỏi, thanh liêm, làm quan ở đâu cũng có tiếng tốt, được vua phê là “Quan giỏi hiếm có”. Ông là vị Đốc học có tài đức đã đào tạo cho quê hương nhiều nhân tài, được giới trí thức và quần chúng kính yêu.

 

Đặng Văn Kiều (1824-1881)

Ông vốn tên Đặng Duy Kiệu, hiệu là Nghiêu Đình, sinh ngày 28 tháng 7 năm Giáp Thân (22-8-1824) tại xã Phất Nạo, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà (nay là xã Thạch Bình, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). 

Thân sinh ông, Đặng Duy Thận (còn có tên là Thuần) (1795-1848) là người có học nhưng chỉ làm phó lý. Sau khi con mình thành đạt thì ông được tặng hàm Phụng thành đại phu.

Gia phả chép: “ Một lần, ông Thận đưa dân phu đi đắp đường, đến chậm bị viên tri phủ quát nạt và đánh mấy chục roi. Uất ức quá, ông quyết nuôi con ăn học, dặn bảo con phải rửa nhục. Lúc này ông Kiều con trưởng, đang thụ giáo với cụ đồ Lê Thức ở xã Vĩnh Lại. Ông Thận bán ruộng nương cố mời được vị thầy học nổi tiếng Phan Nhật Tính ở xã Yên Đồng, huyện La Sơn, Cử nhân khoa Tân Sửu (1841), Tiến sĩ khoa Nhâm Dần (1842) về dạy các con.” (Theo Wikipedia)

Năm 19 tuổi, ông đi thi Hương lần đầu, Khoa Quý Mão (1843), đỗ Tú tài. Chính trong khoa thi này, ông đã được quan trường đổi tên Duy Kiệu thành Văn Kiều. Khoa sau, Bính Ngọ (1846), ông lại đỗ Tú tài lần thứ hai. Đến khoa Nhâm Tý (1852) niên hiệu Tự Đức thứ 5, ông mới đỗ Cử nhân, được sơ bổ Biên tu Viện Hàn lâm, rồi làm Đốc học tỉnh Bình Định. Khoa Nhã sĩ năm Ất Sửu (1865) niên hiệu Tự Đức thứ 18, ông thi đỗ Thám hoa.

Trong kỳ thi Đình năm đó không có ai là Trạng Nguyên hay Bảng Nhãn, cho nên ông là người đỗ đầu, lúc này ông đã 42 tuổi, được thưởng một tấm Kim khánh Hiển dương.

Ông nổi tiếng Văn học và rất giỏi về khoa Lý số, được đánh giá là “Đại bút hùng văn, nhất giáp thạch bi truyền quốc sử. Hoành từ nhã sĩ, thiên thu kim bảng trấn gia thanh” (Tay đại bút hùng văn, nhất giáp bia đá truyền sử trước. Bậc Hoành từ nhã sĩ, nghìn thu bảng vàng rạng tiếng nhà).

Tương truyền trước khi về kinh đô dự thi Đình, ông nằm mơ thấy mình thi đỗ Thám hoa được ban áo mão, võng lọng vinh quy. Sáng dậy ông kể lại với vợ nhưng bà không tin vì gia đình ông tuy có truyền thống học tập nhưng nhiều đời chỉ đỗ Tam trường. Sau ông đi thi đỗ Thám hoa, nào ngờ ngày vinh quy bái tổ ông lại nhận được tin bà vợ của ông vừa mất do bạo bệnh. Ông vô cùng thương xót người vợ siêng năng, tần tão suốt đời hy sinh vì chồng vì con nên không cầm được nước mắt và nói rằng

-        Bà ơi, tôi đỗ Thám hoa thật rồi, tôi có nói dối về giấc mơ đâu, sao bà không chờ được?

Ông được bổ Đốc học tỉnh Quảng Nam, hàm Thị giảng, sau được thăng Án sát Quảng Bình, hàm Thị giảng học sĩ.

Đặng Văn Kiều nổi tiếng là vị quan nhân từ, thanh liêm chính trực, ông không chịu được khi phải hành hạ người khác và bị mua chuộc vì tiền.Gia phả chép: Có lần khảo một  tên trộm, ông sai lính đóng cửa lại, lấy roi đánh vào cây chuối, vì thương nó quá. Tên trộm thấy vậy cảm động mà nhận tội, ông bèn tha cho.

Lần khác khi ông đang xử một vụ kiện, có người mang đến nhà biếu một rá gạo nếp, ông sai người xem kỹ thì tận đáy rá có mấy nén bạc. Ông liền trả lại và cảnh cáo người đưa biếu.

Ngoài số lương tiền ít ỏi chỉ đủ sống đạm bạc qua ngày, không có bổng lộc gì khác, nhiều lúc gặp khó khăn, ông phải đưa cả bộ phẩm phục thế chấp để vay nợ. Bà vợ kế thấy cảnh nhà luôn túng quẩn, thường phàn nàn, ông chỉ cười và ngâm thơ:

Nghĩ cuộc thanh liêm vua chúa trọng.

Hóa đường nghèo túng vợ con vân.

Ông từng làm Chánh chủ khảo trường thi Thanh Hóa, Phó chủ khảo khoa thi Hội. năm Đinh Mão (1867)

Năm Canh Ngọ (1870), ông được chuyển về kinh giữ chức Chưởng giáo tôn học đường (nơi chuyên dạy con cháu những người trong Tôn thất)

Năm Quý Dậu (1873) ông làm Toản tu Quốc sử quán, kiêm Biện lý Bộ Lễ. Ông có tham gia soạn Khâm Định Việt sử.

Theo Wikipedia, vào năm 1874 cả nước đang sôi sục phản đối việc triều đình Huế ký hòa ước Giáp Tuất (15-3-1874) nhường hẳn sáu tỉnh Nam kỳ cho Pháp. Cuộc khởi nghĩa “Cờ Vàng” do Tú Tấn (tức Trần Tấn), Tú Mai (tức Đặng Như Mai) ở Nghệ An, Đội Lựu (tức Trần Quang Cán), Tú Khanh (tức Nguyễn Huy Điển) ở Hà Tĩnh, cầm đầu đánh hạ đạo thành Hà Tĩnh, làm chấn động triều đình Huế. Theo truyền ngôn ở vùng Kỳ Anh thì Thám hoa Đặng Văn Kiều được cử ra dẹp cuộc nổi dậy của Lân Biểu (một tướng Cờ Vàng dưới quyền Tú Khanh) đóng quân ở Hòa Hiệu. Nhưng Đặng Văn Kiều cáo ốm, không có mặt trong cuộc hành quân này.

Ông làm việc tại Quốc sử quán hơn 10 năm rồi mất tại nhiệm sở ngày 14-7 năm Tân Tỵ (8-8-1881), hưởng thọ 58 tuổi, được triều đình cấp 300 quan tiền tuất và đưa quan tài về an táng tại quê nhà.

Con của ông là Đặng Văn Bá, đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (1900) niên hiệu Thành Thái 12 nên gọi là Cử Đặng hay Cử Bá

Năm 1904, Cử Bá tham gia phong trào Duy Tân tại Nghệ An- Hà Tĩnh, là một trong những người đã sáng lập Triêu Dương thương điếm ở Vinh (Nghệ An).

Ông bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo năm Mậu Thân (1908) cùng với Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn...

Năm 1921 (có tài liệu nói 1916), ông được tha, ở Sài Gòn một thời gian ngắn, sau đó về Huế sống với Phan Bội Châu, rồi về quê  và mất năm 1931.

 

Nguyễn Đình Tựu (1828-1888)

Sinh năm Mậu Tý (1828), tự là Doãn Ngũ, Vọng Chi, quê làng Hội An, cư ngụ làng Phú Thị, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam (nay là thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Ông xuất thân trong một gia đình vọng tộc, là cậu ruột của Huỳnh Thúc Kháng.

Khoa Tân Dậu (1861), Tự Đức 14 ông thi Hương tại trường Thừa Thiên đỗ Cử nhân.

Khoa Mậu Thìn (1868), niên hiệu Tự Đức 21, ông thi Hội đỗ Phó bảng khi đó ông đã 41 tuổi. Ông được giữ chức Tu soạn tại Bộ Hộ, lãnh chức Chủ sự  Bộ Hộ.

Năm Tự Đức 22 (1869), bắt đầu đặt Dục Đức đường, ông được tiến cử chức giảng tập dạy Hoàng tử Ưng Chân. Sau ông viện cớ cha mẹ già xin cáo quan về quê, vua Tự Đức không đồng ý nên bổ ông làm Đốc học Quảng Nam tạo điều kiện cho ông phụng dưỡng song thân.

Sau khi cha mẹ qua đời, ông chuyển sang giảng dạy ở Chánh Mông đường (dạy Hoàng tử Ưng Đăng) chưa bao lâu thì được bổ nhiệm giữ chức Tế tửu Quốc tử giám.

Niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên (1885) ông được đặc cách thăng chức Thị giảng học sĩ, hàng tuần giảng sách cho vua.

Năm Ất Dậu (1885), kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở xướng hịch Cần Vương. Tại Quảng Nam phong trào Cần Vương do Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo đang hoạt động mạnh mẽ, cho nên năm 1886 ông bị triều đình cử về Quảng Nam giữ chức Sơn phòng sứ thay Tiến sĩ Trần Văn Dư nhằm kéo Trần Văn Dư ra khỏi địa bàn hoạt động. Lúc đầu Trần Văn Dư có ý phản kháng nhưng sau đó Nguyễn Đình Tựu được nghĩa quân mời làm “Hội chủ”,  ông viện cớ tuổi già để cáo từ.

Trong phong trào “Nghĩa hội” có người nghi ông ám thông với quân triều đình, muốn hại ông, Nguyễn Duy Hiệu bảo: “Bọn ta cử sự, biết chắc thế nào cũng bại, chỉ vì danh nghĩa mà thôi. Nay mang tiếng giết thầy, biết lấy gì tỏ với thiên hạ hậu thế?” Nhờ thế ông thoát nạn.

Năm 1887, sau khi Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự tử, Nguyễn Duy Hiệu tự nộp mình, Nguyễn Thân làm Tiểu phủ sứ đến đóng đồn ở Đại Đồng để tìm diệt dư đảng Nghĩa Hội, ông Nguyễn Đình Tựu dõng dạc ra trước, nhờ thế mà đa số những người trong Nghĩa Hội khỏi bị Pháp và Nguyễn Thân khủng bố. Sau đó ông lại trở về Huế giữ chức Thị giảng học sĩ. Ông được thăng Hồng lô tự khanh rồi trở lại làm Đốc học Quảng Nam lần thứ hai.

Năm Mậu Tý (1888), Đồng Khánh thứ ba, ông bị bệnh mất, hưởng thọ 61 tuổi.

Nguyễn Đình Tựu là một nhà giáo nổi tiếng đương thời, được mọi người tôn xưng là bậc mô phạm. Đại thần Cao Xuân Dục đã có nhận xét về ông như sau:

“Tiên sinh văn học bác nhã, hạnh kiểm thuần chính, chung thủy giáo chức, nhân hàm dĩ mô phạm suy.”

Tạm dịch:

Tiên sinh văn học bác nhã, hạnh kiểm chân chính, trước sau ở nghề giáo, được mọi người tôn xưng là bậc mô phạm.

 

Hoàng Vỹ tức Hoàng Chấn

Em của Tổng đốc Hoàng Diệu người làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam ( nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)

Gia đình ông gốc từ Huệ Trì, huyện Quang Minh, phủ Nam Sách, đạo Hải Dương. Cụ tổ gốc họ Mạc, vào lập nghiệp ở vùng Kỳ Lam, ông là đời thứ 7.

Gia đình ông có bảy anh em đều nổi tiếng là những người thông minh, học giỏi, Hoàng Diệu đỗ Phó bảng khoa Quý Sửu (1853), thời Tự Đức, ba người đỗ Cử nhân, hai người Tú tài. Hoàng Vỹ đỗ Cử nhân năm 1870 được bổ làm Huấn đạo, tri huyện Trực Ninh, tri phủ Xuân Trường Nam Định

Năm 1879, Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh quản lý Hà Nội và vùng phụ cận, ông chỉ đạo quân dân tử thủ chống lại quân Pháp bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng.

Ngày 25 tháng 4 năm 1882 (tức ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ), thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tự vẫn tại Võ Miếu. Sĩ dân Hà Nội vô cùng thương tiếc, ngày hôm sau, họ đã sắm sửa mền nệm rước quan tài của Hoàng Diệu từ trong thành ra khâm liệm và mai táng tại khu vườn Đình Đốc học (nay là địa điểm khách sạn Royal Star ở đường Trần Quý Cáp, cạnh chợ Ngô Sĩ Liên, sau ga Hà Nội). Hơn một tháng sau, hai người con trai của ông là Hoàng Tuấn và Hoàng Hiệp ra Hà Nội đưa thi hài thân phụ về quê nhà. Vua Tự Đức nhận biểu trần tình của Hoàng Diệu, ra chỉ dụ khen ngợi ông và giao cho các quan tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định lo việc bốc mộ, khâm liệm, đưa quan tài ông về Quảng Nam bằng đường thủy. Các quan tỉnh Quảng Nam được lệnh khâm mạng tổ chức tế lễ, an táng.

Hoàng Vỹ đang làm tri phủ Xuân Trường cũng đưa linh cửu của anh về quê rồi xin ở lại phụng dưỡng mẹ già. Tự Đức cấp một ngàn quan tiền để phụng dưỡng thân mẫu của Hoàng Diệu.

Hoàng Vỹ được bổ nhậm Đốc học Quảng Nam.

Cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 thất bại, ông bị thực dân Pháp truy bức nhưng không khuất phục, đành phải chết. Ông được truy tặng Thị độc (theo Đại Nam chính biên liệt truyện)

 

Trần Đình Phong (1847-1920)

Sinh năm Đinh Mùi (1847), hiệu là Mã Sơn, nhân dân quen gọi ông là Đốc học Mã Sơn, người xã An Mĩ, huyện An Thành, tỉnh Nghệ An.

Ông thi đỗ Cử nhân khoa Bính Tý (1876), niên hiệu Tự Đức thứ 29.Khoa Kỷ Mão (1879), niên hiệu Tự Đức thứ 32, đỗ Tiến sĩ. Ông  được bổ làm Tri phủ Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa sau đó chuyển làm Đốc học tỉnh Quảng Ngãi, Đốc học Quảng Nam rồi về Huế làm Tế tửu Quốc tử giám.

Ông nổi tiếng về đạo đức cao trọng, là gương mẫu của giới sĩ phu đương thời. Dưới sự dạy dỗ của  Đốc học Trần Đình Phong, học trò Quảng Nam đã đạt được những thành tích vô cùng vẻ vang. Khoa thi năm Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ 10, Quảng Nam có 3 người đỗ Tiến sĩ và 2 người đỗ Phó bảng. Năm vị đỗ Đại khoa này được quần chúng tôn vinh là “Ngũ phụng tề phi”

Ngoài thành tích vẻ vang đó ông còn có công đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Các lãnh tụ của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đều là môn sinh của ông.

Các con trai ông : Trần Đình Phiên, Trần Đình Diệm, Trần Nguyên Đỉnh, Trần Đình Nam là những người có công nhiều trong phong trào Duy tân tự cường hồi năm 1908 ở miền Trung.

Trần Đình Phong không chỉ nổi tiếng là một nhà Sư Phạm mẫu mực mà còn nổi tiếng văn chương. Trong thời gian làm Đốc học Quảng Nam ông đã nghiên cứu về vùng đất này và viết một bài phú rất nổi tiếng là Quảng Nam tỉnh phú. Ông còn viết Quốc triều chánh biên toát yếu và nhiều thơ Hán Nôm rất có giá trị .

 

Hồ Trung Lượng (1860-1942)

Sinh năm Canh Thân (1860), quê xã An Dưỡng, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ( nay là xã Duy Trung, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam)

Năm 31 tuổi đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1891) niên hiệu Thành Thái 3, năm sau đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1892) đồng khoa với Tam nguyên Vũ Phạm Hàm (1864-1906), Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền (1866-1925), Chu Mạnh Trinh (1862-1905)

Ông được sơ bổ Thừa biện Bộ Lễ tại Huế.

Năm 1894, ông giữ chức Tri phủ Tư Nghĩa, năm 1902 thăng Đốc học Bình Định.

Năm 1905, nhân một khóa khảo hạch chuẩn bị cho kỳ thi Hương khoa Bính Ngọ (1906) tại trường Đốc Bình Định do ông làm chủ khảo, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng phổ biến bài thơ Chí thành thông thánh và bài phú Danh Sơn Lương Ngọc để cảnh tỉnh các sĩ phu, gây một tiếng vang rất lớn trong toàn quốc. Cả hai bài đều ký tên là Đào Mộng Giác.

Mặc dầu ông biết rõ tác giả của bài thơ và bài phú nhưng ông giữ kín không báo với quan lại Nam triều và thực dân, ông chỉ tiết lộ với bạn đồng liêu là Tiến sĩ Phan Quang mà thôi.

Sự kiện này về sau các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đều biết nên rất mến mộ tài đức của ông.

Ông được bổ Đốc học Quảng Nam, sau thăng Hồng lô tự khanh.

Năm 1912, được bổ Phó chủ khảo trường thi Hương Nghệ An khoa Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân thứ 6.

Năm 1915, được bổ Phó chủ khảo thường thi Hương Thanh Hóa khoa Ất Mão, niên hiệu Duy Tân thứ 9.

Ông mất tại quê nhà năm Nhâm Ngọ (1942), hưởng thọ 83 tuổi.

 

Nguyễn Mậu Hoán (1877-1910)

Ông sinh năm Đinh Sửu (1877), quê xã Phú Cốc huyện Quế Sơn, nay thuộc xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

Năm 24 tuổi, ông thi đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (1900), niên hiệu Thành Thái 12, năm sau ông đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu (1901), niên hiệu Thành Thái 13.

Ông được bổ Đốc học tỉnh Quảng Nam

Ông mất ngày 23-11 năm Canh Tuất (1910).

 

Đinh Văn Chấp (1893-?)

Sinh năm Quý Tỵ (1893), người xã Kim Khê tổng Kim Nguyên, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ông sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng về học hành, khoa bảng. Họ Đinh của ông có 5 người liên tục qua 5 thế hệ thi đỗ Tiến sĩ.

Ông cố của Đinh Văn Chấp là Đinh Hồng Phiên, đỗ Tiến sĩ đời Cảnh Hưng (1720-1784). Giữ chức Đốc học Quảng Nam từ 1815 đến 1819, thời Gia Long.

Con của Đinh Hồng Phiên là Đinh Văn Phác, sinh năm 1802, đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Minh Mạng. Khi thân phụ bị tội, ông bị truy đoạt mọi bằng sắc, đục bỏ tên trên bia Tiến sĩ và bị hành hình.

Con của Đinh Văn Phác là Đinh Văn Chất sinh năm Đinh Mùi (1847), đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Ất Hợi (1875), niên hiệu Tự Đức thứ 28. Ông làm quan đến chức Tri phủ Nghĩa Hưng. Năm 1833 quân Pháp đánh Nghĩa Hưng ông chống cự mãnh liệt, quân Pháp không chiếm được phủ. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ ông hưởng ứng chiếu Cần vương, từ quan về quê tổ chức nghĩa quân chống Pháp, lập căn cứ ở Thanh Chương. Năm 1887 ông bị Pháp bắt và “tru di tam tộc”.

Khi gia đình Đinh Văn Chất bị hành quyết thì Đinh Văn Chí, con trai của ông mới 5 tuổi được người bà con cứu thoát đem sang Phúc Kiến- Trung Quốc lánh nạn hơn 10 năm mới trở về nước, khai sụt tuổi và đổi tên thành Đinh Văn Chấp.

Đinh Văn Chấp, đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý (1912), niên hiệu Duy Tân thứ 6. Đỗ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng Giáp) khoa Quý Sửu (1913), niên hiệu Duy Tân thứ 7, lúc mới 21 tuổi.

Ông Đinh Văn Chấp làm quan, giữ chức Đốc học Quảng Nam.

Năm 1917, ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, có mở kỳ thi cho những học sinh bảy tuổi, thi cả chữ Hán, Việt văn và toán do ông nghè Đinh Văn Chấp chấm. Cậu bé Bửu đỗ cao và từ đấy nổi tiếng học giỏi.

Cậu bé xuất sắc đó chính là Giáo sư Tạ Quang Bửu. Ông sinh ngày 23/7/1910 tại làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cha là cụ cử nhân Nho học Tạ Quang Diễm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đào (tức nữ sĩ Sầm Phố). Bà đã sáng tác  nhiều bài thơ vịnh cảnh nghèo, gửi gắm chút tình non nước in trên các báo Tiếng Dân, Phụ Nữ Thời Đàm...

Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học uyên bác trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong khoa học tự nhiên mà cả trong các khoa học xã hộinhư lịch sử, cổ học và đã có những đóng góp lớn lao cho đất nước. Ông mất ngày 21 tháng 8 năm 1986, hưởng thọ 76 tuổi.

Năm 1930 Đinh Văn Chấp bị tố cáo khai man lý lịch nên bị chuyển ra làm Án sát Hà Tĩnh. Sau đó ông từ quan về quê nghiên cứu Phật Giáo và dịch thơ của các Thiền sư thời Lý Trần.

Ông Đinh Văn Chấp rất giỏi thơ văn và tinh thông Phật giáo, ông đã dịch nhiều bài thơ bằng chữ Hán ra tiếng Việt vừa sát nghĩa lại vừa hay, tiêu biểu như dịch bài thơ sau đây của Sư Vạn Hạnh :

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

                    

                                                         Sư Vạn Hạnh

 

Có không tựa chớp chiếc thân này,

Muôn vật tư mùa khéo đổi thay.

Khí vận thịnh suy nào chút sợ,

Xem dường giọt móc đỗ trên cây.

                       

                                                        Đinh Văn Chấp dịch

 

Ông Đinh Văn Chấp cũng có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung. Năm 1932, sau khi vua Bảo Đại hồi loan, do sự thúc đẩy của Hoàng thái Hậu Đoan Huy (tức bà Từ Cung) nhà vua đã ban chiếu cho thành lập Hội An Nam Phật Học. Ngoài chư tôn hòa thượng, thượng tọa, các cụ  Hoàng giáp Đinh Văn Chấp, bác sĩ Lê Đình Thám, những người trong Hoàng tộc như Ưng Bàng, Bửu Bác, Viễn Đệ, Tôn Thất Tùng, Tráng Đinh, Các nhân sĩ ở kinh đô như bà Cao Xuân Sang (tức bà Hồ Thị Hạnh, sau nầy là Sư bà Diệu Không), ông Nguyễn Khoa Tân v.v..là những nhân tố tích cực đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng phong trào.

Ông mất năm 1953.

Con của Đinh Văn Chấp là Đinh Văn Nam tức Hòa thượng Thích Minh Châu, Tiến sĩ về Phật học tại Pháp.

Ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 tại làng Kim Thành, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lúc thân phụ đang làm Đốc học Quảng Nam.

 

Gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chế độ thi cử bằng chữ Hán lần lượt bị bãi bỏ ở Bắc kỳ năm 1915 và ở Trung Kỳ năm 1919, trường Đốc Thanh Chiêm nay chỉ còn là vang bóng nhưng tên tuổi của các quan Đốc học như Nguyễn Dục, Trần Đình Phong v.v.. vẫn không phai mờ trong tâm khảm của những bậc cao niên Quảng Nam- Đà Nẵng mỗi khi nhắc đến ngôi trường này.

 

 

Châu Yến Loan

 

 
Một số ảnh chân dung của các nhân tài trường Đốc Thanh Chiêm:
1) Ảnh 3 vị Tiến Sĩ trong Ngũ phụng tề phi của Quảng Nam
2) Ảnh Nguyễn Duy Hiệu, hội chủ Nghĩa Hội Quảng Nam
3) Ảnh 3 chí sĩ cách mạng phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX

Nguyen Duy HieuPham Chau TrinhPham LieuPham TuanPhan Quang



Huynh Thuc Khang
T.S HUỲNH THÚC KHÁNG



Tran Quy Cap

T.S TRẦN QUÝ CÁP





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]