Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 15: Những khuôn mặt Phật Tử khác trong Ðời Trần

03/04/201320:07(Xem: 7717)
Chương 15: Những khuôn mặt Phật Tử khác trong Ðời Trần
Việt Nam Phật Giáo Sử Luận - Tập 1

Chương 15: Những Khuôn Mặt Phật Tử Khác Trong Đời Trần

Nguyễn Lang
Nguồn: Nguyễn Lang

Như ta đã thấy, những ghi chép về Phật Giáo đời Trần chỉ chú trọng về các nhà vua Phật tử và ba vị tổ Trúc Lâm. Những ghi chép này tuy vậy vẫn còn rất nhiều thiếu sót và một số đã bị thất lạc. Chắc chắn đời Trần còn có những cao tăng và Phật tử xuất sắc mà tên tuổi không còn được ghi lại.

Sau đây ta hãy ghi nhận tên tuổi của một số người đã được nhắc qua trong những tài liệu Phật Giáo đời Trần, mong rằng sau này có dịp tìm ra được những tài liệu khác nói thêm về họ.


TRÍ VIỄN THIỀN SƯ

Đây là một người bạn của Tuệ Trung. Trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Tuệ Trung có làm một bài thơ trêu đùa Trí Viễn thiền sư về việc rất chăm nghiên cứu kinh chú thích kinh điển. Có thể Trí Viễn thiền sư để nhiều thì giờ để dịch các kinh chữ Hán ra Nôm, bởi vì đầu đề của bài thơ mà Tuệ Trung viết để trêu Trí Viễn là “Trêu Thiền Sư Trí Viễn Đọc Kinh Viết Nghĩa” (Hí Trí Viễn Thiền Sư Khán Kinh Tả Nghĩa). Bài thơ ấy như sau :

Mực thơm: mồi tốt; bút: cần câu
Thuyền vượt phong ba biển học sâu
Thầy Viễn buông câu xin cẩn trọng
Năm lừa gặp động Ninh Long sầu!
(Mặc vi hương nhĩ, bút vi can
Học hải phong ba lý điếu thuyền
Trân trọng Viễn Công tần hạ điếu
Hội Ninh Long thượng thị lư niên).


THUẦN NHẤT PHÁP SƯ

Đây là một vị cao tăng sống đồng thời với Tuệ Trung. Tuệ Trung có hai bài thơ sau đây để tặng ông, chép trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục:

Pháp thân tịch diệt, sắc thân còn
Đêm tĩnh canh khuya nhập mộng hồn
Dù chưa rong chơi miền tổ vực
Lại càng lui tới chốn thiền môn
Chưa lên nẽo thánh vô sinh giới
Thì bạn nhân thiên hữu lậu môn
Nếu gặp người hay bàn diệu chỉ
Bên trời đâu dậy lũ hồ tôn?
(Pháp thân tịch diệt sắc thân tồn
Dạ tịnh tam canh nhập mộng hồn
Túng vị ưu du thiền tổ vực
Giã tằng xuất nhập pháp vương môn
Lăn đăng hiền thánh vô sinh lộ
Cam kết nhân thiên hữu lậu căn
Nhược ngộ tác gia đàm diệu chỉ
Thiên tân hà xứ khởi hồ tôn?


TĂNG ĐIỀN ĐẠI SƯ

Đây cũng là một vị cao tăng sống đồng thời với Tuệ Trung. Tuệ Trung đã đặt với ông ta một câu hỏi về Thiền học trong hình thức bài thơ sau đây, nhan đề Vấn Tăng Điền đại sư:

Dầu ở cung môn hoặc núi rừng
Rốt cùng vẫn chẳng thấy an tâm
Non xa sáng tỏ muôn hình dáng
Ai nghe vượn hú chốn rừng thâm?
(Bất yếu châu môn bất yếu lâm
Đáo đầu hà xứ bất an tâm
Nhân nhàn tận kiến thiên sơn hiểu
Thùy thính cô viên đề xứ thâm?)


BẢO PHÁC QUỐC SƯ

Đây là một vị đệ tử của Trúc Lâm được vua Anh Tông tặng phong danh hiệu quốc sư sau khi Trúc Lâm qua đời. Trong thời gian Trúc Lâm còn sống, ông thường tùy tùng để tham học và tiếp tay Trúc Lâm trong việc xây dựng giáo hội mới. Sau ông về tu tại núi Vũ Ninh. Năm 1322 ông được Pháp Loa vời về mở lớp dạy Tứ Phần Luật cho tăng sĩ ở chùa Báo Ân và các chùa khác thuộc giáo hội Trúc Lâm. Ông có làm bài kệ sau đây để tán thán Tuệ Trung, được chép vào sách Thượng Sĩ Ngữ Lục.

Tay níu tai Linh Sơn
Miệng nhai tủy Đạt Ma
Ăn no, mớm con cháu
Chồn cáo hóa sư tử
Tự do nói hay im
Muốn biết muối bao mặn
Trở thành chuột già kia
(Linh Sơn thân đề nhĩ
Tước đắc ngốc Hồ tủy
Bão hậu bô nhi ton
Hồ li biến sư tử
Phùng trường ngữ mặc nhàn
Nguyệt tiếu thu giang thủy
Yếu thức diêm vị toàn
Hoàn tha lão thử nhĩ).


TÔNG CẢNH QUỐC SƯ

Đây là một vị đệ tử của Tuệ Trung, và cũng được vua Anh Tông tặng phong danh hiệu quốc sư sau khi Trúc Lâm qua đời. Ông cư trú ở Tiên Du, và cũng đã thể theo lời mời của Pháp Loa để về giảng Tứ Phần Luật cho tăng sĩ năm 1322. Ông cũng có để lại một bài kệ tán tụng đạo đức của Tuệ Trung, được giữ lại trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục.

Thiền đạo thầy ta: con Quỳ (77)một cẳng
Buông thả giữa vời tâm vẫn như như
Trên đầu sào cao đẽo một ngọn chùy
Lừa ba chân kia bỗng dưng cưỡi ngược
Năm xưa tặng ta con trâu đất rống
Ngày nay trả người ngựa gỗ hí vang
Trâu sắt đầu nhỏ hai sừng mọc ngược
Đêm về húc ngã núi lớn Tu Di
Ninh Long hang ấy nhảy vào ngang dọc
Đoạt được san hô quý nhất cành kia
Đội thần biển lên, đất trời tỏ rạng
Na Tra giận dữ, mất hết quyền uy
A ha ha!
Rất diệu kỳ!
Mùa xuân tuyết bay, có chẳng mấy thuở
Bước nước cuối cùng ai hiểu được đây?
Án tô rô tô rô, tất rị!
(Ngô sư thiền đạo độc túc Quỳ
Huyền nhai tán thủ tâm như như
Sát can đầu thượng tiễn chùy tử
Mạch nhiên đảo kị tam cước lư
Tích niên tặng ngã nê ngưu hống
Kim nhật hoàn tha mộc mã tê
Thiển thủ thiết ngưu quai giác thâm
Dạ lai xúc phá đại Tu Di
Đẳng nhàn khiêu nhập Ninh Long quật
Đoạt đắc san hộ đệ nhất chi
Hải thần kình xuất chiếu thiên địa
Phẫn nộ Na Tra thất khước uy
Ha ha ha!
Giã đại kỳ!
Dương xuân bạch tuyết hòa giả hi
Mạc hậu nhất trước như hà hội?
Án tô rô tô rô, tất rị!)


PHÁP CỔ THIỀN SƯ

Pháp Cổ thiền sư là đệ tử của Trúc Lâm. Ông cũng có lưu lại một bài kệ tán dương Tuệ Trung, có trích trong chương 11 nói về Tuệ Trung. Ta không biết ông cư trú tại đâu.


HUỆ NGHIÊM THIỀN SƯ

Cũng là đệ tử của Trúc Lâm và cũng đã để lại một kệ tán dương Tuệ Trung, được giữ nhờ sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục:

Tuyết trên hỏa lò hồng
Sen nở giữa mùa đông
Không bút nào viết ra
Không lời nào nói xiết
Lửa nháng khi đá chọi
Chớp lòe khi điện qua
Chẳng cách gì đuổi kịp
Chẳng hướng nào tìm được
Về bậc Thượng Sĩ ấy
Khôn dò được cơ huyền
Hòa cùng ánh sáng ấy
Lẫn cùng bụi bặm kia
Tì Gia nắm lấy tay
Hoàng Dương kết lông mày
Vòng vàng bị thâu mất
Cỏ gai bị nuốt sạch
Trâu nước cùng vượn hồ
Rừng thiền rọi phép kia
Niềng đầu loại mãnh hổ
Con Quỳ nơi Pháp Uyển
Miệng trống một lần truyền
Cành vàng xuân về đến
Cổ chùy ơi
Cổ chùy ơi!
(Hồng lô chí tuyết
Lạp nguyệt chi liên
Phi bút khả bút
Phi ngôn khả ngôn
Kích thạch chi hỏa
Thiểm điện chi quang
Phi truy khả truy
Phi phương khả phương
Bỉ chi Thượng Sĩ
Mạc trắc kỳ cơ
Tì Gia bả thủ
Hoành Dương kết mi
Kim khuyên lập cúc
Thôn chi thâu chi
Thủy cổ hồ tôn
Thiên chi thiền lâm
Niết chi ninh hổ
Pháp uyển thần Quỳ
Nhất truyền cổ khẩu
Xuân nhập kim chi
Cổ chùy, Cổ chùy!)


BẢO SÁT THIỀN SƯ

Bảo Sát thiền sư là đệ tử đầu tiên của Trúc Lâm. Tháng bảy năm 1308, trước khi Trúc Lâm cho tất cả đệ tử hạ sơn hành đạo và ở lại núi Yên Tử, thì chỉ có Bảo Sát ở lại bên mình. Tháng chín, Trúc Lâm cùng Bảo Sát đi du hành khắp miền núi Yên Tử. Có lẽ Bảo Sát là đệ tử yêu mến nhất của Trúc Lâm. Ngày Trúc Lâm sắp viên tịch ông đã cho mời Bảo Sát về. Khi Bảo Sát tới, Trúc Lâm cười và hỏi Bảo Sát có còn điều gì muốn hỏi về đạo pháp nữa không? Cuộc đàm đạo cuối cùng giữa Trúc Lâm và Bảo Sát được chép trong Tam Tổ Thực Lục. Tại sao Trúc Lâm không ủy Bảo Sát làm tổ thứ hai Trúc Lâm thay vì Pháp Loa, trong khi Bảo Sát là đệ tử đầu và được ông yêu mến nhất? Có lẽ Bảo Sát không thuộc hạng người có khả năng và tổ chức lãnh đạo giáo hội như Pháp Loa(Về cuộc đàm luận cuối cùng giữa Trúc Lâm và Bảo Sát, xin xem Chương XII nói về Trúc Lâm). Bảo Sát là người có công lớn trong việc coi sóc ấn hành Đại Tạng Kinh triều trần. Năm 1311, chính ông đã được Pháp Loa ủy nhiệm quản đốc việc tục san Đại Tạng Kinh. Đứng về thứ bực pháp tử, ông là Pháp huynh của Pháp Loa, bởi ông là đệ tử đầu của Trúc Lâm. Nhưng đứng về phương diện lãnh đạo giáo hội, trách nhiệm của Pháp Loa lại lớn hơn ông.


VIÊN THIỀN SƯ

Ta không biết chữ đầu của pháp danh Viên thiền sư là chữ gì, vì khi Minh Tông nhắc tới tên vị cao tăng này, vua chỉ gọi là Viên công. Theo Minh Tông trong bài thơ Đông Sơn Tự thì Viên thiền sư là một vị lão tăng đạo cao đức trọng thế gian ít có. Viên thiền sư ở tại chùa Đông Sơn. Bài thơ sau đây Minh Tông trong lúc viếng thăm Đông Sơn Tự lúc vị cao tăng đã tịch, được giữ lại trong Toàn Việt Thi Lục:

Mây dáng non xanh, núi dáng mây
Núi mây thân cận lão tăng hoài
Từ độ Viên công lìa cõi thế
Khắp nơi Phật tử chẳng còn ai.
(Vân tự thanh sơn, sơn tự vân
Vân sơn trường dữ lão tăng thân
Tự tòng Viên công khứ thế hậu
Thiên hạ thích tử không vô nhân).

Đông Sơn không biết có phải là núi Đông Cứu gần Yên Tử Sơn hay không. Vua Nghệ tông cũng đã từng đi thăm am Liễu Xá trên núi Đông Sơn và khi về có làm một bài thơ đầu đề là “Vọng Về Am Liễu Xá Trên Đông Sơn” (Vọng Đông Sơn Liễu Xá Am). Có thể Viên thiền sư ngày xưa ở tại am Liễu Xá này. Theo vua Anh Tông, chùa Đông Sơn rất đẹp, không thua gì Ngũ Đài Sơn. Vua có làm bài thơ Đông Sơn Tự như sau, có chép trong Toàn Việt Thi Lục:

Tiếng thu theo gió qua cành lá
Đêm lạnh trăng trong lọt tịnh bình
Mơ tới Ngũ Đài chi nữa nhỉ?
Đông Sơn cảnh đẹp xứ nào tranh?
(Phong dao giải hổ thu thiền quá
Nguyệt tả Quân Trì dạ nhuận hàn
Hưu hướng Ngũ Đài lao mộng mị
Khán lai thiên hạ kỷ Đông Sơn?)


TRÍ THÔNG THIỀN SƯ

Trí Thông thiền sư là thiền sư trú trì chùa Siêu Loại từ thời Nhân Tông chưa xuất gia. Ngày Nhân Tông xuất gia, thiền sư đốt cánh tay mình, cháy từ bàn tay đến khủy tay, sắc mặt vẫn an nhiên không thay đổi. Nghe nói, Nhân Tông có đến chùa Siêu Loại để nhìn tận mắt. Trí Thông sai dọn chỗ ngồi mời vua xuất gia ngồi và nói: “Đó là thần tăng đốt đèn {cúng dường} mà thôi. Đốt đèn xong, rồi về thiền viện ngủ kỹ, thức dậy vết thương lại khỏi”. Sau khi Trúc Lâm tịch, xá lợi an trí tại bảo tháp núi Yên Tử, Trí Thông liền lên Yên Tử để gần gũi bảo tháp. Thiền sư tự thiêu dười thời vua Minh Tông (1314-1329) không biết là năm nào. Chuyện thiền sư Trí Không có được chép trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Ta có thể nói rằng thiền sư Trí Không đã hiến chùa Siêu Loại để Trúc Lâm làm một trong những trụ sở lớn của giáo hội Trúc Lâm. Sau này Trúc Lâm trao lại chức trú trì Siêu Loại cho Pháp Loa.


VÔ SƠN ÔNG

Vô Sơn Ông tức hiệu của Tư đồ Văn Huệ Vương Trần Quang Triều. Không biết đây là bút hiệu hay pháp hiệu của ông bởi vì ông cũng đã xuất gia. Ông là con của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tuấn, tước Văn Huệ Vương là do vua Anh Tông ban. Ông lấy công chúa Thượng Trân, và sau khi công chúa mất thì ông xuất gia học đạo. Hồi chưa xuất gia ông từng xây một thảo am tên Bích Động tại núi Quỳnh Lâm; văn nghệ sĩ thường hay lui tới ngâm vịnh. Ông lấy bút hiệu Cúc Đường. Ông là một thi sĩ có tài, nổi tiếng một thời. Vua Anh Tông đã từng chỉ định ông làm nhập nội tư đồ phụ chính. Ông xuất gia dưới sự hướng dẫn của thiền sư Pháp Loa.

Sách Tam Tổ Thực Lục cho biết ông xuất gia năm Nhâm tuất (1322). Trong năm 1322 trước khi xuất gia, ông đã cúng dường hỗ trợ việc đúc 1.000 tượng Phật do Pháp Loa chủ trương. Ông lại đã mời Pháp Loa tới chùa An Long giảng kinh Lăng Nghiêm, sau đó lại nhờ Pháp Loa duyệt lại sách Tứ Phần Luật rồi thêm những lời chú thích, rồi sau đó cúng tiền in ra 5.000 bản để cúng dường tăng sĩ học tập. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho biết ông mất năm 1325, thọ 39 tuổi. Như vậy ông xuất gia hồi 36 tuổi.

Sách Tam Tổ Thực Lục nói sau khi xuất gia, ông “thờ Pháp Loa thiền sư theo lễ đệ tử”. Năm 1323, ông cùng Uy Huệ Vương thỉnh Pháp Loa tới chùa Siêu Loại để trao Bồ Đề Giới cho hai người và làm pháp quán đỉnh. Sau đó ông lại cùng Bảo Từ hoàng thái hậu thỉnh Pháp Loa đến Quỳnh Lâm viện để giảng kinh Pháp Hoa. Ông được nhiều bạn văn sĩ và thi sĩ luyến mộ, trong đó có Nguyễn Xưởng, Nguyễn Ức, những người đã từng xướng họa với ông và đã làm những bài thơ khóc ông khi nghe tin ông mất.

Trần Quang Triều có để lại Cúc Đường Di Tập mà Phan Huy Chú cho là “thanh thoát khá khen”. Đây là một vài bài của ông, có thể viết sau khi ông xuất gia, được giữ lại trong Toàn Việt Thi Lục:

Chùa Gia Lâm:
Tro lòng tàn mộng nhỏ
Chân dạo tới thiền đường
Cuối xuân sắc hoa nhạt
Rừng vẳng tiếng ve suông
Mưa tạnh rời bích ngọc
Hồ lặng lộ khuôn trăng
Khách về, tăng chẳng nói
Hoa thông rụng ngát vườn.
(Tâm khôi oa giác mộng
Lý bộ đáo thiền đường
Xuân văn hoa dung bạc
Lâm u thiền vận trường
Vũ thâu thiên nhất bích
Trì tĩnh nguyệt phân lương
Khách khứ, tăng vô ngữ
Tùng hoa mãn địa hương).
Ngôi chùa hoang ở Mai Thôn:
Chùa hoang đầy cỏ dại
Gió thổi bãi chiến trường
Mưa chiều chìm bia mộ
Tượng cổ ánh tà dương
Thạch thất tàng y hậu
Đài hoa tỏa dạ hương
Đừng trụ vào đâu cả
Để cùng đời hưng vong.
(Hoang thảo tiền triều tự
Thu phong cựu chiến trường
Tàn bi trầm mộ vũ
Cổ Phật quải tà dương
Thạch thất tàng vân nạp
Hoa đài cúng dạ hương
Ứng thân vô xứ sở
Dữ thế cộng hưng vong).


MINH ĐỨC CHÂN NHÂN

Minh Đức chân nhân trú trì chùa Tiên Lữ, cũng gọi là chùa Quãng Nghiêm hay là chùa So ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông. Ông tên Nguyễn Bình An, người sáng lập ra chùa này vào thế kỷ thứ mười ba. Tại chùa này có khán thờ Minh Đức đại sư, vốn người làng Bối Khê, đã từng được vua Nhân Tông vời đến tiếp kiến tại triều đình. Chính danh hiệu Minh Đức chân nhân đã được vua Nhân Tông ban tặng cho ông. Nguyễn Bá Lăng trong Kiến Trúc Phật Giáo Việt Nam có nói về chùa Tiên Lữ như sau: “Chùa nổi tiếng vì phong cảnh đẹp, bên trong có những tấm tranh Thập Bát La Hán và Thập Điện Diêm Vương khắc trên gỗ và phủ sơn mài nhiều màu. Chùa còn có tên nữa là chùa Trăm Gian vì đây là một quy mô kiến trúc rộng lớn gồm nhiều lớp nhà ngang dãy dọc. Chùa đã được hai quan triều Lê (hiện còn tượng thờ trong chùa) đại trùng tu khoảng thế kỷ thứ mười bảy và mười tám. Nhưng xét về quy mô cơ cấu ta có thể thấy ở đây phần nào đường nét kiến trúc Phật Giáo đời Trần.


ĐỨC SƠN THIỀN SƯ

Đức Sơn thiền sư trú trì am Thanh Phong. Vua Trần Thái Tông từng lên ở lại am Thanh Phong với ông. Vua có làm một bài thơ “Gửi Đức Sơn Ở Am Thanh Phong” (Ký Thanh Phong Am Tăng Đức Sơn - xem Chương X về Trần Thái Tông).


VƯƠNG NHƯ PHÁP

Đây là một vị cư sĩ, đệ tử của Tuệ Trung. Ông cũng được gọi là Thiên Nhiên cư sĩ. Ông có làm một bài kệ tán thán Tuệ Trung, còn giữ trong Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục:

Kỳ diệu thật! Kỳ diệu thật!
Trâu đất rống trăng không nghẹn nấc!
Viết nên sáu bảy trí tuệ môn
Không cần bút núi và biển mực!
(Giã kỳ đặc! Giã kỳ đặc!
Nê ngưu hống nguyệt vô quan đắc
Tả khải lục thất trú tuệ môn
Mạc đạo bút sơn kiêm hải mặc).


TRẦN THÁNH TÔNG

Hoàng hậu của Thánh Tông là em gái Tuệ Trung thượng sĩ. Thánh Tông rất tôn kính Tuệ Trung gọi Tuệ Trung là sư huynh và giao con mình là Nhân Tông cho Tuệ Trung dạy dỗ. Bài kệ mà Thánh Tông làm để đáp lại bài kệ Trình Kiến Giải của Tuệ Trung cho thấy sức học Phật khá uyên thâm của vua(xem Chương XI về Tuệ Trung thượng sĩ). Tuệ trung có làm một bài thơ ca tụng đạo học của Thánh Tông như sau:

Thánh học cao minh tột cổ kim
Quán thông Long tạng thấu vào tim
Phật tâm thấy quả lòng tay mở
Ý tổ nhìn kim đáy biển chìm
Trí vượt cửa Thiền và Thiếu Thất
Tĩ siêu biển Giáo đến Uy- Âm
Nhân gian chỉ thấy ngàn non đẹp
Ai nghe vượn hú chốn rừng thâm?
(Thánh học cao minh đạt cổ câm
Thiết nhiên long tạng quán hoa tâm
Thích phong ký đắc khai quyền bảo
Tổ ý tương vô thấu thủy châm
Trí bạt thiền quan thông Thiếu Thất
Tình siêu Giáo hải khóa Uy Âm
Nhân gian chỉ kiến thiên sơn tú
Thùy thính viên đề thâm xứ thâm).


TRẦN MINH TÔNG

Trần Minh Tông là con thứ tư của vua Anh Tông, ngồi trên ngôi vua 15 năm. Vua học Phật, ăn chay, đọc Kinh Dịch khuyến khích Nho học. Nho thần xuất hiện rất nhiều trong thời gian vua tại vị. Vua thường lui tới ủng hộ công việc Phật sự của Pháp Loa thiền sư. Sau đây là một bài thơ theo lối cổ thể gọi là Giới Am Ngâm trong đó vua quán tưởng thân thể con người làm một chiếc am nhỏ đủ để con người cư trú trong an lạc. Chữ “giới am” có nghĩa là “am hạt cải”. Bài ngâm được chép trong sách Toàn Việt Thi Lục:

Nửa gian Giới Am vừa duỗi gối
Không gian đủ sống qua tháng ngày
Chim chóc chẳng lại, vẫn còn xuân
Bốn vách trống trơn không một vật
Vật đã là không vách cũng không
Làm sao hạt cải tìm đến được?
Có ai muốn phá Giới Am này
Lạc đường khiên cả ma trời khóc
Đói lòng ăn một bát cơm thôi
Nước lạnh đầy bình đỡ cơn khát
Giường mây gối gỗ giấc nghỉ trưa
Đó chính là giờ rất khoái hoạt
Kinh cũng không đọc Phật không thờ
Mắt nhặm chẳng biết gì tốt xấu
Khách vào có hỏi gốc tích ta
Đáp: hiểu theo xưa sai lạc mất(78)
Thôi đừng nhọc công tìm kiếm ngoài
Xưa nay cùng chung một mũi thở
Giới Am nào phải vật gì lạ
Mũi dọc mày ngang, ta đó thôi!
(Giới Am bán gian khả dung tất
Ngột ngột đằng đằng tự độ nhậtư
Bách điểu bất lai xuân trú nhàn
Du nhiên tứ bích chân vô vật
Vật nhược vô trần, bích bất lập
Mê lư giới tử tòng hà nhập?
Thùy nhân khuy phá giới am trung
Thất lộ tiện sử thiên ma khấp!
Cơ lai cơ nghiết phạn nhất bát
Thanh thủy mãn bình khả tiêu khát
Đằng sàng chẩm thượng trác ngọ nhãn
Chính thị ngọ trung chân khóai hoạt
Kinh giả bất khán, Phật bất lễ
Ế nhãn hà vi toàn tiết quý
Khách lai vấn cập bản lai nhân
“Nhận trước y tiền hoàn bất thị”
Hưu hưu ngoại mịch nhược chinh công
Phất phất tị, khổng cổ kim đồng
Giới Am tất cánh vô kỳ vật
Chỉ thị mi hoành tỷ trực ông!)


BÍCH PHONG TRƯỞNG LÃO

Vị này sống đồng với Pháp Loa. Sách Tam Tổ Thực Lục chép năm 1330, khi Pháp Loa sức yếu không thể tiếp tục khóa giảng về Kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc Tàng Viện được, Bích Phong trưởng lão đã được ông ủy thác giảng tọa để tiếp tục giảng khóa. Như vậy Bích Phong trưởng lão phải là một vị cao tăng sức học rất vững vàng về Phật Giáo và hệ thống Hoa Nghiêm.


SA MÔN THU TỬ

Không biế Sa Môn Thu Tử là đệ tử của ai và thuộc về pháp hệ nào. Sách Tam Tổ Thực Lục cho biết ông trú trì chùa Hiển Linh Diên Quang. Ông có mời Pháp Loa tới đây để giảng phẩm Thập Địa Kinh Hoa Nghiêm. Pháp Loa đã hai lần ủy ông làm chủ lễ cầu mưa cho triều đình tổ chức năm 1319 và năm 1326. Cả hai lần đều hiệu nghiệm.


LÃM SƠN QUỐC SƯ

Lãm Sơn Quốc Sư sống vào thời vua Duệ Tông (1372 -1377). Trong các bản danh sách các vị tổ sư chùa Vân Yên không có tên ông, vì vậy ta biết vị quốc sư n ày không cư trú ở Yên Tử. Thi sĩ Phạm Nhân Khanh, hiệu Cổ Nhân, có làm một bài thơ tiễn quốc sư về núi, nhan đè là Tống Lãm Sơn Quốc Sư Hoàn Sơn, nhờ đó mà ta biết được sự có mặt của vị cao tăng này trong hạ bán thế kỷ thứ mười bốn. Bài thơ như sau:

Xuống núi vài hôm, lại trở lên
Sơn cư quen nếp sống thần tiên
Trà đun thơm ngát hương Tùng Viện
Bát rửa trong veo nước Hạc Tuyền
Buông mở Thiền Phong cao mấy độ
Phát biểu Thi danh sáng một miền
Về hướng đỉnh cao mây phủ kín
Tưới thầm mưa pháp lợi nhân thiên

(Xuất sơn kỷ nhật cánh hoàn sơn
Vị ái sơn cư ý tự nhàn
Tùng Viện chữ trà hương mạc mạc
Hạc Tuyền tẩy bát thủy sàn sàn
Phong khai thiền giá cao thiên cổ
Phát lộ thi danh chính nhất bàn
Quy hướng lĩnh vân thâm xứ ngọa
Ám thi pháp vũ sái nhân gian).

Bài thơ cho biết Lãm Sơn quốc sư là một ẩn sĩ, có thiền phong cao, và lại có tài thi văn, không biết ông cư trú ở đâu. Chỉ biết tác giả bài thơ trên, Phạm Nhân Khanh, đã từng làm quan và dự vao việc tu chính quốc sử, lại từng làm an phủ ở lộ Lương Sơn. Có lẽ chính lúc ông cư trú ở Lương Sơn, nghe đạo phong và thi tài của quốc sư nên đã thỉnh cầu quốc sư hạ sơn mấy ngày để thù tiếp. Có lẽ Lãm Sơn là tên một ngôi chùa ở làng Lãm Sơn, huyện Quế Dương tỉnh Bắc Ninh ngày nay, được xây dựng từ năm 1086; và có lẽ vị quốc sư này đã từng làm tọa chủ ở đây nên đã mang danh là Lãm Sơn quốc sư. Danh hiệu quốc sư có lẽ đã được vua Nghệ Tông ban tặng.


THẠCH ĐẦU VÀ MẬT TẠNG

Thạch Đầu là một vị thiền sư đệ tử của thiền sư Tiêu Dao(*) và đồng sư với Tuệ Trung. Mật Tạng là đệ tử của Trúc Lâm, đồng thế hệ với Pháp Loa. Huệ Nguyên, trong bài “Lược Dẫn Thiền Phái Đồ” in ở đầu sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục có ghi là hai vị này đều tự thiêu sau khi đắc pháp. Như vậy, ta biết trong đời Trần có ít ra là ba vị tăng sĩ tự thiêu: Thạch Đầu, Mật Tạng và Trí Thông. Trí Thông vốn là trú trì chùa Siêu Loại, người đã cúng chùa cho Trúc Lâm đê hoằng dương giáo pháp.


TUYÊN CHÂN CÔNG CHÚA VÀ LỆ BẢO CÔNG CHÚA

Hai vị này xuất gia năm 1329 dưới sự chứng minh của Pháp Loa. Tuyên Chân công chúa là con của quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn, và Lệ Bảo công chúa là con của Chiêu Huân Vương. Ta không biết pháp danh của hai người này, và cũng không biết họ trú trì ở chùa nào. Năm 1330, chính Lệ Bảo công chúa đã cùng với một thiền sư tên là Kiên Đức tổ chức mời Pháp Loa giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc Tàng Viện


NHỮNG VỊ ĐỆ TỬ

Huệ Nguyên, trong bài “Lược Dẫn Thiền Phái Đồ”, có kể tên một số đệ tử của Ứng Thuận, Tiêu Dao, còn có Chân Giám, Đạo Sĩ, Quốc Nhất và Quế Sâm. Sách Thuyền Uyển Tập Anh cho biết các vị Nhất Tông, Giới Minh và Giới Viên cũng là đệ tử của Ứng Thuận.

Theo Huệ Nguyên, thì ngoài Tuệ Trung, Tiêu Dao còn có các đệ tử sau đây: Thôn Tăng, Thạch Lâu, Lại Toản, Thần Tán, Thạch Đầu, Vị Hải, Đạo Tiềm, Thủ Nhân, Ngu Ông và Vô Sở. Nhưng Huệ Nguyên không nhắc tới thiền sư Huệ Tuệ, người kế thế của Tiêu Dao làm tổ Yên Tử thứ năm chùa Vân Yên.

Theo Huệ Nguyên, ngoài Trúc Lâm,Tuệ Trung còn có những đệ tử sau đây: An Nhiên, Thiên Nhiên, Thạch Kính, Thoại Bà. Cuối sách Tuệ Trung Thượng Sĩ ta còn thấy có quốc sư Tông Cảnh và cư sĩ Thiên Nhiên (Vương Như Pháp) là đệ tử của Tuệ Trung.

Theo Huệ Nguyên, ngoài Pháp Loa, Trúc Lâm còn có những đệ tử sau đây: Pháp Tràng, Hương Tràng, Hương Sơn, Mật Tạng và Pháp Cổ. Sách Tam Tổ Thực Lục cho biết những vị sau đây là đệ tử của Trúc Lâm: Bảo Sát, Bão Phác, Pháp Không và Huệ Nghiêm.

Huệ Nguyên cũng cho biết tên hai vị đệ tử của Pháp Loa là Cảnh Huy và Quế Đường. Tam Tổ Thực Lục có chép tên một số đệ tử xuất sắc khác của Pháp Loa: Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn, Hoàng Tế, Huyền Giác, Cảnh Nguy, Cảnh Trưng và Tuệ Quán.


TRUYỀN THỐNG YÊN TỬ

Sau đây là 23 vị tổ truyền thừa chùa Yên Tử từ Hiện Quang tổ sư đến Vô Phiền đại sư, thấy trong sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục quyển hai của Phúc Điền hòa thượng đính bản:
  1. Hiện Quang Tổ Sư
  2. Viên Chứng Quốc Sư
  3. Đại Đăng Quốc Sư
  4. Tiêu Dao Tổ Sư
  5. Huệ Tuệ Tổ Sư
  6. Nhân Tông Tổ Sư
  7. Pháp Loa Tổ Sư
  8. Huyền Quang Tổ Sư An Tâm Quốc Sư
  9. An Tâm Quốc Sư
  10. Phù Vân (hiệu Tĩnh Lự) Quốc Sư
  11. Vô Trước Quốc Sư
  12. Quốc Nhất Quốc Sư
  13. Viên Minh Tổ Sư
  14. Đạo Huệ Tổ Sư
  15. Viên Ngộ Tổ Sư
  16. Tổng Trì Tổ Sư
  17. Khuê Thám Quốc Sư
  18. Sơn Đẳng Quốc Sư
  19. Hương Sơn Đại Sư
  20. Trí Dung Đại Sư
  21. Tuệ Quang Tổ Sư
  22. Chân Trú Tổ Sư
  23. Vô Phiền Đại Sư




CHÚ THÍCH
(77) Quỳ: tên một loại thú ở núi, chỉ đi một chân
(78) Lập lại câu “Nhân trước y tiền hoàn bất thị” (chấp theo lối cũ là sai lạc) mà Trúc Lâm thường dùng để đáp nhiều câu hỏi của thiền giả đặt ra.
(*) Ở các chương trên, tác giả phiên âm là Tiêu Diêu, cũng chỉ là một người (N.H.C.)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567