Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự đóng góp về giáo dục Phật học của PG Gia Định-Sài Gòn-TP HCM 300 năm

23/04/201318:47(Xem: 12194)
Sự đóng góp về giáo dục Phật học của PG Gia Định-Sài Gòn-TP HCM 300 năm
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Sự Đóng Góp Về Giáo Dục Phật Học Của PG Gia Định-Sài Gòn-TP HCM 300 Năm

Thích Thiện Nhơn



DẪN NHẬP

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam kể từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, nhưng mãi cho đến hậu bán thế kỷ XVII, đạo Phật mới được truyền đến đầu tiên trên mảnh đất Gia Định-Sài Gòn, nay là TP. Hồ Chí Minh, do các bậc tiền bối Tổ sư, Thiền sư, cao tăng từ Thuận-Quảng, theo bước lưu dân đến định cư lập nghiệp tại vùng đất mới.

Qua thời gian, công cuộc truyền bá Phật pháp, đạo Phật đã bám rễ vào lòng dân và xã hội, chan hòa cùng dân tộc, trong suốt chiều dài lịch sử truyền thừa gần 300 năm, làm cho chánh pháp tồn tại ở thế gian, đạo Phật mãi mãi hiện hữu trong lòng dân tộc và nhân dân thành phố.

Sự kiện ấy bắt đầu từ sự đào tạo, kế thừa và phát triển, chính là đầu mối của sự giáo dục Phật học trải qua các thế hệ truyền thừa và thực hiện của Phật giáo (PG) Gia Định-Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh. Công việc đó thực hiện như thế, kết quả ra sao, đã đóng góp đến mức độ nào cho PG Gia Định-Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh trong gần 300 năm qua - chính là vấn đề được bàn bạc và đánh giá qua bản tham luận: SỰ ĐÓNG GÓP VỀ GIÁO DỤC PHẬT HỌC CỦA PG GIA ĐỊNH-SÀI GÒN- TP. HỒ CHÍ MINH 300 NĂM, gồm có 5 phần như sau:


GIAI ĐOẠN I (1744 - 1930)

I) Các lớp học gia giáo:

1. Chùa Từ Ân - Khải Tường (1744-1821)

Vào buổi bình minh của PG, những Tăng sĩ theo đoàn lưu dân từ Thuận-Quảng, đến định cư lập nghiệp tại đất Gia Định là những dấu ấn lịch sử. Đó là Thiền sư Linh Nhạc-Phật Ý, đệ tử Tổ Thành Đẳng-Minh Lượng cùng với một vị Tăng khác, xây dựng những am tranh để tu hành tại làng Tân Lộc (1744), gần 10 năm sau, đến năm 1752, Tổ Linh Nhạc đã triệt hạ am tranh xây dựng ngôi chùa mới đặt tên là chùa Từ Ân, vị Tăng khách cũng hành động tương tự, đặt tên cho ngôi chùa mới của mình là chùa Khải Tường.

Sau khi đời sống đã ổn định, cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng đã thiết lập, với khả năng và học Phật sẵn có, Thiền sư Linh Nhạc đã gia tâm giảng dạy cho Tăng chúng, thuộc môn nhơn, đệ tử và chư Tăng trong vùng, để truyền trì chánh pháp. Qua đó, Tổ Linh Nhạc đã gieo những hạt nhân tốt trên mảnh đất Gia Định-Sài Gòn để Phật pháp tỏa khắp vùng Gia Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Thuận Hóa (Huế) và lục tỉnh - như TS Liễu Đạt, Tế Chánh, Tế Bổn, Tiên Tín, Viên Quang, Mật Hạnh, Trí Tâm, Mật Hoằng v.v.. trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển Phật giáo Nam Kỳ.

2. Phật học xá Giác Lâm (1772-1861)

Chùa Giác Lâm được xây dựng tại gò Cẩm Sơn, huyện Tân Bình, năm 1744, do Phật tử Lý Thoại Long người Minh Hương phát tâm xây dựng, nhưng không có trụ trì. Đến năm 1772, thể theo sự thỉnh cầu của một Phật tử, Tổ Linh Nhạc đã cử đệ tử là Tổ Tông-Viên Quang về trụ trì. Ngài đã mở rộng cơ sở chùa Giác Lâm, để thành lập Phật học xá, đây là Phật học đường đầu tiên tại Gia Định.

Ngài tập hợp chư Tăng cả xứ Đồng Nai-Gia Định và lục tỉnh về cùng chung tu học trong tinh thần hòa hợp và truyền thụ và đài thọ cho mọi chi phí trong suốt thời gian theo học... Với tinh thần đạo pháp, vì sự mở mang trí thức cho chư Tăng, kế thừa mạng mạch đạo pháp, Tổ Viên Quang đã lèo lái Phật học xá Giác Lâm ngày càng đi vào ổn định, tiến triển theo từng thời gian và lịch sử của đất nước.

Phật học xá hoạt động đến năm 1792 thì tạm ngưng để trùng tu cơ sở. Công cuộc trùng tu đến năm 1804 thì hoàn thành, và chương trình giáo dục của Phật học xá lại tiếp tục cho đến năm 1827, khi Tổ Viên Quang viên tịch.

Đến năm 1844, Phật học xá hoạt động trở lại, do Tổ Tiên Giác-Hải Tịnh điều hành chương trình giảng dạy. Ở đây cũng nói thêm, hệ thống giáo dục ở thời điểm này gồm có 2 trường: trường Giác Viên thành lập năm 1850, chuyên dạy về khoa ứng phú đạo tràng; trường Giác Lâm chuyên dạy về giáo lý cho chư Tăng và Phật tử. Nhưng cả hai đều bổ sung và hỗ tương tác động cho nhau trong hệ thống giáo dục Phật giáo Nam Kỳ. Phật học xá hoạt động đến năm 1861 thì tạm ngưng khi Pháp chiếm trọn miền Đông. Chương trình giáo dục bị xem như gián đoạn một thời gian dài. Nhưng tiềm năng Phật giáo vẫn còn luân lưu bất tận, do các vị Tăng tài thạc đức được đào luyện từ chùa Giác Lâm, Giác Viên truyền bá như: Thiền sư Hải Tịnh, Hoằng Ân, Hoằng Nghĩa, Như Hiển, Như Lợi, Như Như, Như Hòa, Đạt Lý, Huệ Liêu, Hồng Hưng v.v.. tiếp tục phát huy chánh pháp, làm cho Phật pháp mãi mãi chuyển lưu trong xã hội, trong chư Tăng và Phật tử ở vào giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử đất nước và Phật giáo.

3. Chùa Long Thạnh (1760-1940)

Chùa Long Thạnh theo truyền thuyết sử được xây dựng vào năm 1760, do Ngài Tổ Đạt-Trí Tâm, đệ tử Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc sáng lập.

Trải qua nhiều đời trụ trì, đến năm 1878 Tổ Minh Hòa-Hoan Hỷ, đệ tử Tổ Minh Nhiên... đã mở lớp Phật pháp giảng dạy cho chư Tăng trong xứ Gia Định, Đồng Nai và lục tỉnh. Kết quả học tập đã đào tạo được các bậc cao tăng danh đức, những nhà sư yêu nước, nhiệt tình góp phần truyền bá chánh pháp, xây dựng phong trào chấn hưng PGVN, tham gia các phong trào chống Pháp cứu nước, góp phần trong cao trào Cách mạng Tháng Tám: như Tổ Long Quang-Đạt Thanh, Tổ Như Trí-Khánh Hòa, Bửu Chung, Từ Phong, Từ Vân, Minh Huyên, Như Bằng, Như Hào, Như Nhượng (Quảng Chơn) v.v..

4. Chùa Huệ Nghiêm (1780-1898)

Chùa Huệ Nghiêm được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, do Tổ sư Thiệt Thoại-Tánh Tường, đệ tử Tổ Minh Vật-Nhất Tri kiến tạo. Bằng tinh thần đạo pháp, Phật học uyên thâm, đạo đức đĩnh đạc, tiếp thu từ bổn sư Minh Vật, Ngài nỗ lực giáo hóa đạo chúng, quy y Phật tử, hướng dẫn Phật pháp, nỗ lực tự học, trở thành pháp khí Đại thừa, hoằng truyền chánh pháp. Tục Phật huệ đăng, truyền trì chánh pháp, Tổ đã đào tạo được một số lớn chư Tăng có tài thực đức, làm mô phạm cho đời, kế vãng khai lai, phò trì Phật pháp,như Thiền sư Tế Lý-Quảng Đức, Tế Vĩnh-Quảng Nhơn, Tế Giác-Quảng Châu (Tiên Giác-Hải Tịnh), Liễu Xuân-Minh Chí, Đạt Lý-Huệ Lưu v.v..

5. Các lớp gia giáo, học kinh bộ khác (1867-1930)

Sau năm 1867, khi Pháp đã bình định xong vùng chiếm đóng, khu vực Gia Định tạm ổn định sau hơn năm năm loạn lạc chinh chiến, chư Tăng trở lại sinh hoạt bình thường, chương trình tu học được tiếp tục theo các mùa an cư kiết hạ, trường hương trường kỳ, các lớp giáo lý, học kinh bộ do các Thiền sư mai danh ẩn tích, các vị Tổ sư trụ trì tổ đình hướng dẫn tại chùa Phước Tường, Hội Sơn, Long Huê, Trường Thọ, Giác Hải, Phụng Sơn, Long Triều v.v... nên đã tiếp tục duy trì được mạng mạch Phật pháp làm cơ sở Phật cho phong trào chấn hưng PGVN vào những thập niên 1920-1930, như thành lập Hội Lục hòa Liên hiệp năm 1920 do Tổ Khánh Hòa đề xướng.


GIAI ĐOẠN 1930 - 1950

II. Các hệ thống Phật học viện:

1. Phật họåc viện Linh Sơn (1933)

Trước sự thành công của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập năm 1931, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn, do Hòa thượng Thiện Chiếu hiến cúng cho Hội : Tổ Từ Phong làm Hội trưởng, Tổ Khánh Hòa là Phó Hội trưởng. Mục đích của Hội là đào tạo Tăng tài, hoằng dương Phật pháp, bằng cách dịch kinh sách Phật giáo từ chữ Hán ra chữ Việt để truyền bá.

Với nhu cầu cấp thiết của phong trào chấn hưng Phật giáo, cộng với sự quyết tâm của chính mình, Tổ Khánh Hòa đã nỗ lực vận động, tổ chức thành lập Phật học viện. Và mặc dù gặp phải những khó khăn, nhưng Tổ vẫn quyết tâm khai giảng Phật học viện Linh Sơn tại hội quán vào đầu năm 1933. Nhưng Phật học viện chỉ hoạt động hơn một tháng thì ngưng hoạt động, vì chính quyền Pháp không cho phép. Tuy nhiên, đây cũng là tiền đề phát khởi phong trào thành lập Liên đoàn Học xã, là một dạng trường Phật học lưu động hoạt động tại các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Bến Tre, tiến tới thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học, hoặc Học đường Lưỡng Xuyên-Trà Vinh.

2. Lớp Phật học chùa Từ Hòa - Hải Ấn và Kim Sơn

Xuất phát từ cái nôi của Ni giới, đó là chùa Từ Hòa, sau đổi thành Hải Ấn ni tự, quận Tân Bình. Năm 1936, Ni sư Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Tánh, Diệu Thuận, Như Thanh... đã khai giảng lớp gia giáo giảng dạy cho Ni chúng đầu tiên, làm cơ sở cho chương trình giáo dục Phật học cho Ni giới. Đến năm 1939, lớp học được tiếp tục khai giảng tại chùa Kim Sơn, Phú Nhuận, quy tụ hơn 20 Ni chúng, và chính hai lớp học Ni đầu tiên này là nền tảng cho hệ thống giáo dục Ni giới sau này. Nói khác đi, chư Ni lãnh đạo cao cấp trong Giáo hội và mô phạm trong Ni giới, đều xuất thân từ lớp học chùa Từ Hòa (Hải Ấn) - Tân Bình, Kim Sơn - Phú Nhuận.

3. Phật học đường Liên Hải (1946-1950)

Thừa hưởng thành quả của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, các Phật học đường được thành lập từ Bắc chí Nam: Bắc có Phật học đường Quán Sứ, Bồ Đề; Trung có Phật học đường Tây Thiên, Tường Vân, Báo Quốc, Kim Sơn; Nam có Phật học đường Lưỡng Xuyên - Trà Vinh.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Phật học tại trường Báo Quốc - Huế, quý Thượng tọa Trí Tịnh, Thiện Hoa đã trở về Nam, thành lập Phật học đường Phật Quang - Trà Ôn, Cần Thơ. Nhưng vì ảnh hưởng chiến cuộc, Phật học đường Phật Quang bị dao động và không thuận tiện cho việc giáo dục lâu dài nên Thượng tọa Trí Tịnh trở về Sài Gòn và thành lập Phật học đường Liên Hải tại chùa Vạn Phước - Bình Trị Đông, Chợ Lớn.

Tiếp theo sự thành lập Phật học đường Liên Hải là Mai Sơn, Sùng Đức do Thượng tọa Huyền Dung sáng lập, Giác Nguyên do Thượng tọa Hành Trụ sáng lập, Ứng Quang do Thượng tọa Trí Hữu sáng lập; trung bình mỗi lớp có gần 30 học tăng và Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây theo học chương trình mông đẳng, sơ đẳng, trung đẳng Phật học.

Ban Giảng huấn gồm các vị Thượng tọa tốt nghiệp Phật học đường Báo Quốc, Lưỡng Xuyên: Thượng tọa Trí Tịnh, Hành Trụ, Quảng Liên, Huyền Quang, Trí Minh, Huệ Hưng, Trí Hữu, Nhật Liên, Quảng Minh v.v.. phụ trách.

Nội dung môn học là Kinh, Luật, Luận thuộc cấp mông đẳng, sơ đẳng, trung đẳng, đều là học chữ Hán, sáng học, chiều trùng tuyên, chưa có chế độ thi cử phát bằng tốt nghiệp và học văn hóa phổ thông.

Các Phật học đường sơ đẳng, trung đẳng hoạt động trong một thời gian 4 năm nhằm đáp ứng nhu cầu học vấn của chư Tăng hiện thời, là nhân tốt của đạo pháp, với tâm hồn trong trắng, tâm linh mát dịu, trí huệ bắt đầu phát triển bằng tinh thần tu học nghiêm túc và thăng tiến không ngừng.

4. Ni trường Huê Lâm (1947-1975)

Trong sứ mệnh truyền trì đạo mạch, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, đào tạo Ni tài đức cho Giáo hội; sau quá trình học tập đã viên mãn, năm 1947, Ni sư Như Thanh thành lập ni trường Huê Lâm - Q.11, để giảng dạy giáo lý cho Ni chúng và Phật tử. Trong tinh thần phục vụ đạo pháp và chúng sinh không biết mỏi, Ni sư đã đào tạo một số Ni chúng trở thành những bậc hữu ích cho đạo pháp và xã hội trong những thập niên 1950-1970, làm cơ sở cho sự thành lập và phát triển Ni giới miền Nam.


GIAI ĐOẠN 1950-1963

1. Phật học đường Nam Việt (1950-1963)

Sau 14 năm du học tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ, Hòa thượng Thiện Hòa đã trở về Nam, trú tại chùa Sùng Đức, Phú Lâm. Với tầm nhìn phổ quát và nhất quán trong hệ thống giáo dục, Hòa thượng đã đề nghị các vị lãnh đạo Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức, Ứng Quang, Giác Nguyên v.v.. nên hợp nhất để thành lập Phật học đường Nam Việt. Kết quả được thành tựu, Phật học đường Nam Việt ra đời năm 1950, đầu tiên đặt tại chùa Sùng Đức - Phú Lâm, Chợ Lớn, do Hòa thượng Thiện Hòa làm Giám đốc.

Sang năm 1951, Thượng tọa Trí Hữu cúng chùa Ứng Quang cho Hòa thượng Thiện Hòa và Hòa thượng đã đổi tên thành chùa Ấn Quang. Trường dời toàn bộ số chúng về Ấn Quang, và Phật học đường Nam Việt bắt đầu đi vào hoạt động với một quy mô rộng lớn, gồm 3 lớp: Sơ, Trung và Cao đẳng. Chương trình được thống nhất, do Ban Giáo dục GHTG NV biên soạn. Từ đây, hệ thống giáo dục mới được hình thành có quy củ, có lãnh đạo nhất quán. Đến năm 1953, Thượng tọa Thiện Hoa từ Trà Ôn lên hợp tác và đảm nhận chức vụ Trưởng ban Giáo dục của Giáo hội kiêm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt, không những làm cho Phật học đường Nam Việt có một sinh khí mới, mà còn đẩy mạnh chiều hướng phát triển cả ba mặt, sâu rộng và cao hơn.

Năm 1954, sau khi lớp Cao đẳng mãn khóa, gồm có: Hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Tắc Phước, Hòa thượng Tịnh Đức v.v.., còn lại lớp Sơ-Trung đến 1955 cùng mãn khóa gồm có: khóa 2: Thượng tọa Thanh Từ, Thượng tọa Huyền Vi, Thượng tọa Thiền Định, Thượng tọa Từ Thông..., khóa 3 có: Thượng tọa Trí Quảng, Thượng tọa Nguyên Ngôn, Thượng tọa Minh Thành... Chương trình Trung đẳng được cải tiến như sau: về giáo lý giảng dạy bằng chữ Việt, nhẹ phần chữ Hán. Về văn hóa, thêm chương trình phổ thông hệ 12 năm, của Bộ Quốc gia Giáo dục quy định. Và có thể nói, chế độ thi cử tốt nghiệp, cũng như học văn hóa phổ thông bắt đầu từ đây.

2. Trường Phật học Lục hòa Tăng - chùa Giác Viên (1952-1968)

Thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo Tăng tài, phát huy chánh pháp, xây dựng cho Tăng Ni tinh thần yêu nước trong sáng, nồng nàn và tích cực trong sứ mệnh hộ quốc an dân, duy trì đạo pháp, năm 1952, GHLHTVN, thành lập trường Lục hòa Tăng tại chùa Giác Viên, do Thượng tọa Huệ Chí làm Giám đốc trường, là hậu thân của lớp Phật học Lục Hòa đầu tiên mở tại chùa Khánh Hưng - Hòa Hưng. Trường đặt dưới sự lãnh đạo của chư tôn đức trong Giáo hội và điều hành, giảng dạy của quý Hòa thượng, Thượng tọa : Thiện Thuận, Bửu Ý, Minh Nguyệt, Thiện Hào, Thiện Tòng, Phật Ấn, Huệ Chí, Pháp Lan, Minh Giác, Thiên Lý v.v..

Trường mở được 2 khóa: khóa I (1952-1957) đào tạo Tăng tài theo hệ thống PHV gồm các môn Kinh, Luật, Luận. Khóa 2 (1957-1960) chuyên về mặt bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì và cán bộ xây dựng phát triển cơ sở. Qua 2 khóa học, trường đã đào tạo được những danh tăng thạc đức, đã đóng góp nhiều công đức trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và phát triển đạo pháp, xây dựng Giáo hội trong thời hiện đại.

3. Ni trường Từ Nghiêm, Dược Sư (1957-1958)

Với tư cách là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt, Hòa thượng Thiện Hòa luôn luôn quan tâm đến công tác giáo dục cho chư Ni. Thành thử, năm 1957, Hòa thượng đã thành lập ni trường Từ Nghiêm - Chợ Lớn, và năm 1958 thành lập Phật học ni trường Dược Sư - Gò Vấp, do Hòa thượng làm Giám đốc và chư Ni trực tiếp điều hành 2 lớp học Sơ đẳng và Trung đẳng Phật học hơn 220 học ni một cách có hệ thống và quy củ, tuân thủ giới luật, y chỉ với Tăng, cầu Tăng làm giáo thọ.

Và theo thời gian, Phật học ni trường Dược Sư và Từ Nghiêm tiếp tục hoạt động cho đến năm 1975 dưới sự lãnh đạo của GHPGVNTN do Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Huyền Học và Ni trưởng Như Chí lãnh đạo điều hành một cách có hiệu quả.

4. Phật học viện Giác Sanh (1960-1975)

Trong mục đích mở rộng phạm vi hoạt động và cơ sở Phật học đường Nam Việt,Hòa thượng Giám đốc Thích Thiện Hòa đã thành lập Phật học viện Giác Sanh, là một bộ phận phụ thuộc của PHĐNV, do TT. Minh Thành, TT. Liễu Minh, HT. Thiện Thành làm Giám viện, để điều hành sinh hoạt lớp Trung đẳng Phật học hơn 54 Tăng sinh. Kết quả đã đào tạo được số Tăng sinh có trình độ Phật pháp Trung đẳng để thi vào các PHV Cao đẳng và Đại học Phật giáo.


GIAI ĐOẠN 1964-1975

Sau khi thống nhất Phật giáo 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, hệ thống giáo dục ban đầu thuộc về Tổng vụ Pháp sự và Tăng sự. Nhưng đến năm 1966 thì thuộc về Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ, một chương trình giáo dục được hình thành, xuyên suốt từ thấp đến cao, có nghĩa là từ Sơ đẳng, Trung đẳng, và Cao đẳng, Đại học Phật học - gồm cả hai hệ Nam tông và Bắc tông.

1. Các Phật học viện Trung đẳng

a/ Phật học viện Huê Nghiêm (1964-1971)

Được sự ủy nhiệm của quý Hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, ba Thượng tọa Thích Bửu Huệ, Thiên Tâm, Thanh Từ đã mở lớp Trung đẳng Phật học chuyên khoa, cơ sở đặt tại An dưỡng địa Phú Lâm, Bình Chánh, Gia Định, do Thượng tọa Bửu Huệ làm Giám đốc. Lớp học quy tụ hơn 40 Tăng sinh, học theo hệ chuyên khoa Phật học, và một số môn văn hóa phổ thông, để làm phương tiện hoằng dương chánh pháp, lợi lạc chúng sanh, thích ứng với nhu cầu của thời đại.

Đến năm 1965, để đáp ứng yêu cầu tu học cho Tăng Ni, thủ đô Sài Gòn và các tỉnh, Giáo hội đã chuyển trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa thành Phật học viện Huệ Nghiêm và chia làm 8 lớp, có hơn 300 Tăng sinh. Về thế pháp, từ đệ thất đến đệ nhất, hệ 12 năm, theo chương trình thống nhất của Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ soạn.

Tất cả Tăng sinh từ đệ thất đến đệ tứ học tại Viện, từ đệ tam đến đệ nhất đi học tại trường Bồ Đề Chợ Lớn và Sài Gòn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quản lý.

Đặc biệt, sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, nhà trường bị khủng hoảng về kinh tế và cơ sở. Ban Giám đốc đã phân tán một số lớn Tăng sinh đi các nơi - Phật học viện khác tại Sài Gòn cũng như các tỉnh. Tại Viện chỉ còn một số nhỏ khoảng 60 Tăng sinh theo học chương trình chuyên khoa Phật học, đến cuối năm 1971, làm lễ mãn khóa và phát bằng tốt nghiệp và theo học chương trình Cao đẳng Phật học, khi Viện Cao đẳng Phật học được thành lập.

Ngoài ra, các Phật học viện Phổ Quang, Hải Tràng, Huỳnh Kim, Linh Sơn giảng dạy theo chương trình Sơ -Trung đẳng Phật học 4 năm, cũng đã tạo cơ sở cho các Tăng sinh thi tuyển hoặc xin theo học các Phật học viện Trung đẳng tại Sài Gòn và Gia Định v.v.. một cách có hiệu quả và đáng khích lệ.

b/ Phật học viện Nam tông (1966-1975)

Trên tinh thần thống nhất về mặt tổ chức và lãnh đạo, nhưng về mặt giáo dục vẫn tôn trọng tinh thần và giáo lý đặc thù của hệ phái. Do đó, Giáo hội đã cho phép Phật giáo Nam tông thành lập hai Phật học viện là Phật Bảo tại Tân Bình, do Thượng tọa Giới Nghiêm và Đại đức Thiện Giới lãnh đạo, Phật học viện Pháp Quang - Gia Định, do Hòa thượng Thiện Luật và Đại đức Hộ Giác lãnh đạo và điều hành.

Nội dung, chương trình giảng dạy Tam tạng giáo điển, và Ban Giảng huấn do Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy chủ động, và thống nhất trong chương trình giảng dạy do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quy định, thông qua Tổng vụ Giáo dục và Phật học vụ.

c/ Phật học viện Minh Đức - chùa Thiên Tôn (1969-1975)

Sau Tết Mậu Thân 1968, trường Phật học Lục Hòa tại chùa Giác Viên bị thiệt hại nặng nề vật chất, nhưng để chương trình giáo dục đào tạo Tăng tài cho đạo pháp của Giáo hội được tiếp tục, HT Thích Minh Đức, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đã nỗ lực thành lập Phật học viện Minh Đức tại chùa Thiên Tôn, do HT làm Giám đốc, thành lập trường Tiểu học Lục Hòa Tăng tại chùa Giác Lâm, Giác Viên, do Thượng tọa Huệ Chí làm Giám đốc. Viện hoạt động một thời gian từ 1969-1975, có hơn 142 Tăng sinh theo học. Qua sự giáo hóa, tài bồi của quý giảng sư hữu danh, hữu đức, đã đào tạo được những Tăng sinh trở thành bậc hữu ích cho đạo pháp và xã hội, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc, làm tốt Đạo, đẹp Đời.


HỆ THỐNG GIÁO DỤC CAO ĐẲNG

1. Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964-1965)

Thực hiện chương trình giáo dục của Giáo hội, mang tính toàn diện, từ Sơ đẳng đến Cao đẳng Phật học, sau khi thống nhất Phật giáo năm 1964, Giáo hội đã quyết định thành lập Viện Cao đẳng Phật học, gọi là Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, cơ sở đặt tại chùa Pháp Hội và giảng dạy tại chùa Xá Lợi.

Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn là một Viện Phật học chuyên khoa đầu tiên được thành lập sau mùa Pháp nạn 63, do Hòa thượng Trí Thủ làm Viện trưởng, Thượng tọa Minh Châu làm Phó Viện trưởng.

Trong niên khóa đầu, và trước mắt, Viện chỉ đào tạo và cấp phát văn bằng cử nhân cho 250 sinh viên nam nữ và Tăng Ni ghi danh theo học.

Nội dung giảng dạy và đào tạo, Viện có 6 chứng chỉ - Phật học đại cương, Văn học Phật giáo đại cương, Duy thức học đại cương, Văn học Bát Nhã, Văn học A Tỳ Đàm, Hán văn và Pàli.

Muốn ghi danh vào học hệ cử nhân, sinh viên phải có bằng tốt nghiệp tú tài 2, nếu là Tăng Ni phải có bằng tốt nghiệp trung đẳng Phật học chuyên khoa. Muốn lấy bằng cử nhân Phật học, sinh viên phải học và thi đậu 12/chứng chỉ/thời gian là 3 năm. Mỗi chứng chỉ học một khóa, gồm khóa Đông và Xuân, gồm 8 tháng, 4 tháng thi học kỳ 1, 4 tháng thi học kỳ 2.

Tuy nhiên, vì yêu cầu đòi hỏi và phát triển không ngừng của hệ thống giáo dục Phật học, Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn chỉ hoạt động một thời gian ngắn 1964 - 1965, thì chuyển thành Viện Đại học Vạn Hạnh, và dời về cơ sở mới ở đường Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sỹ, Q.3.

2. Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm (1971-1991)

Để đáp ứng yêu cầu Đại học Phật giáo chuyên khoa Phật học, ngoài hệ thống giáo dục phổ thông như Viện Đại học Vạn Hạnh, Giáo Hội cần đào tạo một số Tăng Ni có trình độ Phật học chuyên sâu để đảm đang công tác phiên dịch Tam tạng, giáo dục và hoằng pháp, lãnh đạo Giáo hội trên một bình diện rộng lớn và mô phạm. Do đó, năm 1971, Giáo hội đã quyết định thành lập Viện Cao đẳng Phật học, lấy tên là Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, cơ sở đặt tại chùa Huệ Nghiêm, Gia Định, do Thượng tọa Trí Tịnh làm Viện trưởng, Thượng Tọa Bửu Huệ làm Phó Viện trưởng.

Khóa Cao đẳng Phật học đầu tiên được khai giảng vào 17-10-1971, quy tụ khoảng 60 sinh viên Tăng của của lớp chuyên khoa Phật học, và một số Tăng sinh được tuyển chọn từ các Phật học viện Linh Quang, Liễu Quán - Huế, Nguyên Thiều - Bình Định, Già Lam, Giác Nguyên - Sài Gòn.

Chương trình đào tạo và giảng dạy theo quy chế Đại học Phật giáo, gồm 3 cấp: cử nhân 4 năm, cao học 2 năm, tiến sĩ 2 năm, tổng cộng là 8 năm. Bốn năm đầu học tổng quát hai hệ tư tưởng văn học Nam-Bắc Tống, tư tưởng triết học Đông-Tây, và sự phát triển của trào lưu văn học Phật giáo và thế giới. Hai năm cao học được phân ban, và sinh viên Tăng chọn một trong bốn ban - ban Kinh, Luật, Luận và Thiền. Khi hoàn thành tiểu luận cao học mỗi ban, sinh viên Tăng được gọi là Pháp sư, Luật sư, Luận sư và Thiền sư.

Trên thực tế, Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm chỉ thực hiện và phát bằng Cử nhân Phật học và Cao đẳng Phật học. Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm duy trì chương trình giảng dạy theo tinh thần nội trú và thi hành hợp nhất. Nhằm thực hiện những điều đã học, giúp cho sinh viên Tăng có đủ tư lương và chất liệu Phật học, và tâm linh, đạo lực trong sáng, để đảm nhận công tác hoằng dương chánh pháp, lợi lạc chúng sanh trong mọi thời gian và không gian của lịch sử bằng tinh thần Tâm đức, Trí đức và Tuệ đức, Viện đã đào tạo một số Tăng sinh có khả năng thực sự đã, đang phục vụ cho các cấp Giáo hội trước năm 1975 cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.


GIAI ĐOẠN 1975-1998

1. Phật học Viện Thiện Hòa (1979-1986)

Sau ngày 30/4/1975, trong sự đổi thay của xã hội và lịch sử đã sang trang, các Phật học viện Sơ đẳng, Trung đẳng tại Sài Gòn-Gia Định đều ngưng hoạt động.

Để đáp ứng yêu cầu tu học cho một số lớn Tăng, Ni thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời trong khi chờ Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy trình giáo dục cụ thể, Hòa thượng Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cố vấn Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang, đã xin phép Viện Hóa đạo và Ủy ban Nhân dân thành phố được thành lập Phật học viện Thiện Hòa, quý danh Hòa thượng Giám đốc Phật học đường Nam Việt, cơ sở đặt tại chùa Giác Ngộ, Giác Sanh và Ấn Quang, do Hòa thượng cùng quý tôn đức trong Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang làm Giám đốc.

Chương trình học được chia làm 3 cấp, do Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam soạn. Sơ cấp 1 hai năm, Sơ cấp 2 hai năm và Trung cấp 3 năm,, tổng cộng 7 năm. Ngoài chương trình Phật học, nhà trường còn đạo tạo thêm hệ bổ túc văn hóa cấp 1 và 2 hệ 10 năm, do Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh quy định.

Với số lượng hơn 300 Tăng Ni sinh, chia làm 3 lớp, trong quá trình hoạt động gần 6 năm, trong tình hình thành phố vừa được giải phóng, Giáo hội, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh mới được thành lập là một vấn đề tương đối khó khăn. Tuy nhiên, Ban Giám đốc đã vì tương lai đạo pháp, vì sự tu học của Tăng Ni thành phố, nên đã cố gắng vượt qua tất cả những trở ngại, để hoàn thành chương trình, công tác giáo dục đào tạo Tăng tài cho Giáo hội và đạo pháp. Và trường chỉ hoạt động đến năm 1986 thì tạm ngưng, để Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh thành lập trường Cơ bản Phật học, theo chủ trương và đường hướng giáo dục do Giáo hội quy định, thông qua Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư và Ủy viên Giáo dục TN Thành hội Phật giáo quản lý, điều hành và lãnh đạo xuyên suốt từ T.Ư đến các Tỉnh, Thành hội trong phạm vi cả nước.

2. Trường Cơ bản Phật học TP. Hồ Chí Minh (1988-1998)

Để đáp ứng nhu cầu, nguỵện vọng tu học Phật pháp của Tăng Ni thuộc diện tại thành phố, đồng thời thực hiện chương trình giáo dục Tăng Ni của Trung ương Giáo hội và Thành hội Phật giáo, nhằm đào tạo một thế hệ Tăng Ni trẻ có năng lực và trình độ học văn hóa và Phật học, để kế thừa đạo mạch, hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh, tốt đạo đẹp đời, ngay nhiệm kỳ đầu, 1982-1987, Thành hội Phật giáo đã có văn thư xin phép UBND thành phố, cũng như các cơ quan chức năng lãnh đạo thành phố. Nhưng vì lý do hành chánh, cho đến nhiệm kỳ 2 (1987-1990), UBND thành phố mới cho phép Thành hội Phật giáo thành lập trường Cơ bản Phật học, cơ sở đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm - quận 3, do Thượng tọa Thích Từ Thông làm Hiệu trưởng.

Trường đã chính thức khai giảng và hoạt động kể từ ngày 30/4/1989 với số lượng 165 Tăng Ni sinh.

Nhằm giải quyết dứt điểm và đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng của Tăng Ni thành phố còn dôi ra của khóa I, UBND thành phố đã cho phép Thành hội Phật giáo được mở thêm cơ sở 2 tại chùa Thiên Minh - Thủ Đức, cho 152 Tăng Ni sinh học.

Trường đào tạo theo hệ chính qui và ngoại trú, tổng số Tăng Ni sinh của trường là 318 Tăng Ni, gồm 3 hệ phái Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ theo học.

Chương trình giáo dục gồm có 4 năm. Năm đầu ôn tổng quát chương trình sơ cấp, 3 năm sau học chương trình Trung cấp do Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư biên soạn. Trình độ từ lớp 9 đến lớp 12. Tuổi đời từ 16 đến 30. Nội dung giảng dạy: Tam tạng giáo điển Kinh - Luật - Luận, hệ Bắc tông và Nam tông. Nhà trường còn áp dụng chương trình hệ bổ túc văn hóa cấp 3 và một số môn chính khóa, như công dân giáo dục và sinh hoạt Giáo hội. Tăng Ni học riêng; Tăng học buổi sáng, Ni học buổi chiều.

Qua thời gian, trường đã đào tạo được 2 khóa, khóa 1 - 318 Tăng Ni sinh, Khóa 2 - 365 Tăng Ni sinh, trở thành những Tăng Ni có trình độ Phật pháp cấp trung đẳng. Một số lớn Tăng Ni sinh trúng tuyển vào đại học tại Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh, nay là Học viện Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, trường đang giảng dạy khóa 3 (1997-2001), có 457 Tăng Ni sinh, đang hoạt động có hiệu quả, góp phần đào tạo Tăng tài cho Giáo hội PGVN và TP. Hồ Chí Minh.

3. Các lớp Sơ cấp Phật học

Để đáp ứng yêu cầu tu học cho các Tăng Ni mới xuất gia, tạo điều kiện thuận lợi căn bản cho các Tăng Ni sinh theo học Trường Cơ bản Phật học thành phố, Thành hội Phật giáo đã cho phép Ban Đại diện Phật giáo Q.2, Q.4, Q.8, Q.9, Tân Bình, Thủ Đức mở các lớp Sơ cấp Phật học thuộc phần Cơ bản Phật học, có hơn 1.458 Tăng Ni sinh theo học và mãn khóa tốt nghiệp đang theo học Trường Cơ bản Phật học TP. Hồ Chí Minh.

4. Lớp Cao đẳng Phật học TP. Hồ Chí Minh (1995-1998)

Đáp ứng yêu cầu tu học cho những Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Cơ bản Phật học muốn đi sâu vào nội điển và nâng cao trình độ Phật pháp, do đó THPG đã xin phép Giáo hội và các cơ quan chức năng lãnh đạo thành phố xin mở lớp Cao đẳng Phật học và lớp gối đầu, cho hơn 650 Tăng Ni sinh theo học, lớp học đã đang hoạt động có kết quả, lạc quan và tin tưởng theo yêu cầu của Giáo hội và THPG.

5. Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 (1984-1998)

Sau khi thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, một trong những công tác trọng tâm của chương trình hoạt động là giáo dục Tăng Ni. Để đáp ứng nguyện vọng của chư tôn giáo phẩm trong Giáo hội, nhất là lời thỉnh cầu của đức Pháp chủ, Hội đồng Bộ trưởng và Nhà nước đã cho phép Giáo hội thành lập trường Cao cấp Phật học cơ sở 1 đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Hiệu trưởng. Khóa 1 quy tụ được 18 Tăng Ni sinh chính thức, 28 Tăng Ni sinh dự bị.

Đến năm 1984, Nhà nước tiếp tục đáp ứng yêu cầu của Giáo hội, nhất là Tăng Ni các tỉnh phía Nam, Hội đồng Bộ trưởng đã cho phép Giáo hội thành lập cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh, tọa lạc tại số 716, đường Nguyễn Kiệm - Phú Nhuận, do Hòa thượng Minh Châu cũng làm Hiệu trưởng. Trường được phép chiêu sinh từ Bình Trị Thiên đến Minh Hải. Đến năm 1997 đổi tên thành Học viện Phật giáo Việt Nam.

Qua đó, hơn 10 năm hoạt động, trường đã thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo có hiệu quả, vô cùng khích lệ.

Khóa 1 (1984-1987): Đào tạo 60 Tăng Ni sinh.
Khóa 2 (1987-1993): Đào tạo 125 Tăng Ni sinh.
Khóa 3 (1993-1997): Đào tạo 234 Tăng Ni sinh.
Khóa 4 (1997-2001): Đang hoạt động: có 350 Tăng Ni sinh.

Từ khóa 1 (1984) khóa 2 (1987) khóa 3 (1993), TP. Hồ Chí Minh đã có 66 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cao cấp Phật học, có trình độ đại học, trên đại học, đều do trường Cao cấp Phật học Việt Nam đào tạo và thành tài đạt đức hiện đang du học tại các nước và phục vụ tại các ban ngành Trung ương và Thành phố.

Như vậy, có thể nói các trường Phật học, các Phật học viện đã cống hiến cho đạo pháp những đóa hoa đạo hạnh tươi thắm, trang nghiêm, những pháp khí đại thừa, những nhân tài Phật giáo, góp phần duy trì và phát triển đạo pháp, lợi lạc chúng sanh qua các thời đại và lịch sử khác nhau của đất nước và xã hội, làm cho ánh sáng chánh pháp mãi mãi soi sáng tại thế gian.


HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CỦA CÁC TRƯỜNG BỒ ĐỀ VÀ ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO (1950-1975)

Thực hiện chương trình giáo dục của Giáo hội, nhằm phát triển và nâng cao trình độ trí thức và văn hóa cho Tăng Ni và Phật tử trong toàn Giáo hội, vì vậy, ngoài chương trình giáo dục chuyên khoa Phật học, Giáo hội đã nỗ lực vận động xin phép Chính phủ để thành lập các trường Trung-Tiểu học tư thục Bồ đề, là hình thức, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục cho Phật giáo gồm: tiểu học, trung học và đại học.


GIÁO DỤC MẪU GIÁO KIỀU ĐÀM

Mầm non của đạo pháp, dân tộc và xã hội là các cháu, các em thiếu nhi Phật tử. Môi trường uốn nắn, đào tạo từ buổi ban sơ trong trắng, hồn nhiên là các trường Mẫu giáo Kiều Đàm.

Vì thề, hầu hết các trường Mẫu giáo Kiều Đàm đều được Giáo hội thành lập tại các chùa sư nữ, như Huệ Lâm - quận 11 (năm 1952). Phước Hòa (1956), Huệ Lâm - quận 8, Kim Liên - quận 4, Kiều Đàm - quận 3, Long Nhiễu - Thủ Đức, do chư Ni quản lý, giảng dạy.

Số lượng trung bình mỗi trường từ 100 đến 150 em. Nội dung hướng dẫn và giảng dạy theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục quy định.

Bằng tinh thần trách nhiệm và lý tưởng xây dựng mầm non tuổi trẻ, quý Ni sư, Sư cô đã thành công trong trách nhiệm giáo dục hơn 2.500 trẻ em Phật tử, làm cơ sở cho các lớp Tiểu học Bồ Đề của Giáo hội.


GIÁO DỤC TIỂU HỌC BỒ ĐỀ

Qua quá trình uốn nắn và xây dựång tại các trường Mẫu giáo Kiều Đàm, các em thiếu nhi tiếp tục được dạy dỗ tại các trường Tiểu học Bồ Đề, như Pháp Vân - quận 3, Tiểu học Bồ Đề Huệ Đức - quận 11, huyện Bình Chánh, Long Nhiễu - Thủ Đức, Bồ Đề An Khánh, Thủ Thiêm - quận 9, Phước Duyên - quận 4, Hưng Long - quận 10... tổng số, trung bình mỗi trường có từ 150 em đến 250 em, được giảng dạy và đào tạo theo chương trình từ lớp Năm đến lớp Nhất theo chương trình Bộ Quốc gia Giáo dục quy định.

Bằng kinh nghiệm sẵn có và lòng nhiệt tình của quýTăng Ni, Phật tử, lực lượng giáo viên thầy, cô đã tận tình dạy dỗ, kết quả đã đào tạo được trên 4.500 em, thi đậu tiểu học trên 2.560 em. Đây là một thành quả đáng khích lệ cho công tác giáo dục hệ tiểu học Phật giáo tại các trường Bồ Đề.


GIÁO DỤC TRUNG HỌC ĐỆ NHẤT CẤP

Thông qua hệ thống giáo dục của Giáo hội, các trường Bồ Đề Trung học đệ nhất cấp được thành lập. Năm 1959, Giáo hội Tăng già Nam Việt đã xin phép Chính phủ thành lập trường Trung-Tiểu học Bồ Đề Giác Ngộ - Chợ Lớn, cơ sở đặt tại chùa Giác Ngộ, số 90 đường Trần Hoàng Quân nay là Nguyễn Chí Thanh, do Thượng tọa Quảng Liên làm Hiệu trưởng. Nhưng từ năm 1964 đến năm 1975 do Đại đức Quảng Chánh làm Hiệu trưởng.

Nội dung giảng dạy và đào tạo gồm 2 cấp tiểu học và trung học đệ nhất cấp (ĐNC). Về tiểu học có 12 lớp, mỗi lớp trên 120 học sinh, dạy từ lớp Năm đến lớp Nhất. Chương trình THĐNC có 16 lớp, dạy từ đệ nhất đến đệ tứ, mỗi lớp có trên 65 học sinh. Tổng cộng tiểu học có 1.440 học sinh, trung học đệ nhất cấp có 1.040 học sinh.


GIÁO DỤC TRUNG HỌC ĐỆ NHỊ CẤP

Để phát triển chương trình giáo dục, mở rộng thêm cơ sở trường Bồ Đê, năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã xin phép Chính phủ cho thành lập Trung ương Tiểu học Bồ Đề Sài Gòn. Giáo hội đã được Bộ Quốc gia Giáo dục cho phép thành lập trường Bồ Đề Sài Gòn. Trường do Giáo hội mua lại của trường Trung học Nguyễn Khuê, tọa lạc tại đường Nguyễn Thái Học, quận 1.

Nội dung giảng dạy của trường gồm 3 cấp: Tiểu học từ lớp 5 đến lớp nhất. Trung học đệ nhất cấp từ lớp đệ thất đến đệ tứ. Trung học nhị cấp từ đệ tam đến đệ nhất, tổng cộng có 17.560 học sinh, do Thượng tọa Quảng Liên làm Hiệu trưởng.

Bằng tinh thần giáo dục Phật giáo và chương trình giáo dục do Bộ quy định, lực lượng giáo viên, giáo sư gồm 2 giới, cư sĩ và chư Tăng, đã tận tình dạy dỗ, phấn đấu không ngừng, hạ quyết tâm giành uy tín cho trường về mặt giáo dục, đạo đức và đậu cao. Cụ thể cho thấy: Tiểu học đậu 2.576 học sinh, Trung học đệ nhất cấp đậu 4.673 học sinh, Tú tài 2 đậu 6.583 học sinh trên tổng số học sinh của trường.

Đồng thời, trường trung học Bồ Đề Hạnh Đức - Tân Bình, thành lập năm 1969 do Đại đức Thiện Trí làm Hiệu trưởng, Thượng tọa Tâm Thanh làm Giám đốc, gồm có 3 cấp tiểu học, trung học cấp 1, trung học cấp 2. Tổng cộng có 1.650 học sinh đều thực hiện theo chương trình giảng dạy thống nhất do Bộ giáo dục qui định.

Qua hơn 4 năm hoạt động, thành quả đạt được như sau: Tiểu học đậu 721 học sinh, trung học đệ nhất cấp đậu 460 học sinh, tú tài 1 đậu 179 học sinh trên tổng số học sinh của trường.

Bên cạnh, một số trường trung học đệ nhất cấp cũng đã được thành lập, như Đức Trí (1968), Huệ Đức, Huệ Quang (1970), (1969) v.v.. đã đóng góp một phần nhỏ cho chương trình giáo dục phổ thông, đào tạo nhân tài cho xã hội, cho đạo pháp và cho đất nước.


GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

1. Viện Đại học Vạn Hạnh

Thực thi Nghị quyết của Đại hội giáo dục kỳ 1, Giáo hội đã quyết định thành lập một Viện Đại học Phật giáo, để đáp ứng nhu cầu giáo dục sau Trung học Bồ Đề. Do đó, vấn đề thành lập Đại học Vạn Hạnh là một nhu cầu hợp lý và trình tự nhi tiến theo trào lưu của xã hội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Viện Đại học Vạn Hạnh được lấy tên một vị Thiền sư có công đức lớn đối với đạo pháp và dân tộc thời Lý đặt tên cho Viện. Viện được thành lập do Quyết định số 1805/GD ngày 17-10-1964 của Bộ Giáo dục và Thanh niên, do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Viện trưởng. Cơ sở đặt tại số 222 Trương Minh Giảng, nay là đường Lê Văn Sỹ, quận 3.

Hệ thống tổ chức của Viện gồm có một Hội đồng Quản trị do Viện trưởng điều hành và lãnh đạo toàn Viện. Viện gồm có 5 phân khoa và một trung tâm ngôn ngữ.

- Phân khoa Phật học, do Thượng tọa Trí Tịnh làm Khoa trưởng.
- Phân khoa Văn khoa, do Giáo sư Nguyễn Đăng Thục làm Khoa trưởng.
- Phân khoa Khoa học xã hội, do Giáo sư Tôn Thất Thiện làm Khoa trưởng.
- Phân khoa Khoa học thực nghiệm, do Giáo sư Vĩnh Chấn làm Khoa trưởng.
- Phân khoa Giáo dục, do Đại đức Nguyên Hồng làm Khoa trưởng.
- Trung tâm Ngôn ngữ, do Giáo sư Nguyễn Cẩm Quỳnh làm Giám đốc.

Thông qua lập trường và mục đích giáo dục, đào tạo của Viện, Viện Đại học Vạn Hạnh khẳng định bằng 3 mục tiêu và 3 đường hướng.

Ba mục tiêu là:

- Thực hiện tinh thần xây dựng của một nhà giáo dục, giữa những sụp đổ cá nhân, gia đình và xã hội.
- Làm sống dậy niềm tin cho tuổi trẻ Việt Nam.
- Tạo ra một môi trường thật sự đại học, giới thiệu những đường hướng giáo dục căn bản, để trang bị cho những sinh viên những tư tưởng, kiến thức, khả năng và tác phong cần thiết, để sinh viên chuẩn bị tiến bước vào đời. Và 3 đường hướng là:
- Đường hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là một đường hướng toàn diện, xây dựng trọn vẹn Hạnh đức, Tâm đức và Tuệ đức cho con người.
- Đường hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là đường hướng giáo dục dân tộc, phát huy quốc học, giúp cho sinh viên tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.
- Đường hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh là đường hướng giáo dục nhân tính, tạo những con người, giữ được tình người Việt Nam, tình người Vạn Hạnh, trong cộng đồng Việt Nam và Vạn Hạnh, và xây dựng tình người nhân loại.

Trên cơ sở đó, Viện Đại học Vạn Hạnh, trên mọi lãnh vực hoạt động, đều dựa trên tinh thần và châm ngôn "Duy tuệ thị nghiệp".

Với vai trò vị trí và trình độ tương đương, Viện Đại học Vạn Hạnh, thiết lập 3 cấp giáo dục, tương đương với một đại học quốc gia và quốc tế : cấp Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ. Nhưng trên thực tế, Viện chỉ mới thực hiện và cấp phát văn bằng Cao học, là văn bằng cao nhất của Viện.

Điều kiện căn bản là, các sinh viên Tăng Ni, Phật tử, không phải là Phật tử, muốn ghi danh theo học tại Đại học Vạn Hạnh, phải có văn bằng tú tài 2, nếu ghi danh theo học Phân khoa Phật học, đối với Tăng Ni, cần phải có văn bằng tốt nghiệp trung đẳng Phật học, muốn theo học Phân khoa Giáo dục, Khoa học xã hội, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển. Muốn tốt nghiệp Cử nhân, sinh viên phải hoàn tất 128 học phần, thời gian là 4 năm, tối đa là 6 năm. Muốn tốt nghiệp cao học, sinh viên hoàn tất tối thiểu 42 học phần, với hạng bình thứ và trình một tiểu luận Cao học.

Qua gần 10 năm hoạt động và đào tạo, Đại học Vạn Hạnh đã cho ra trường và cấp bằng tốt nghiệp cho 782 sinh viên. Cụ thể như sau:

* Phân khoa Phật học có 63 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 340 sinh viên.
* Phân khoa Văn Khoa có 175 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 531 sinh viên.
* Phân khoa Khoa học xã hội, có 257 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 1.700 sinh viên.
* Phân khoa Giáo dục có 123 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 630 sinh viên.
* Phân khoa Khoa học thực nghiệm có 51 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 474 sinh viên.
* Trung tâm Ngôn ngữ có 119 sinh viên tốt nghiệp trên tổng số 760 sinh viên.

Tổng cộng là 782 sinh viên. Trong đó, cao học là 214 sinh viên, cử nhân là 568 sinh viên/4.445 sinh viên của Viện.

Ngoài công tác giáo dục đào tạo, thông qua Ban Tu thư và Ấn quán Vạn Hạnh, Viện dã cho xuất bản trên 150 đầu sách, tổng số trên một triệu 600.000 bản đủ loại, bao gồm các tài liệu giảng dạy, nghiên cứu bằng 4 thứ tiếng (Hán, Anh, Pàli và Việt ngữ) cho sinh viên nghiên cứu, học tập, đóng góp một phần lớn vào kho tàng văn hóa Phật giáo cũng như văn hóa dân tộc đất nước.

Theo đà biến thiên của xã hội, và quy luật vô thường của đạo Phật, trước cuộc Đại thắng mùa Xuân 1975, xã hội đã đổi thay, lịch sử đã sang trang, đường hướng giáo dục cũng đổi thay, và cơ chế quản lý cũng không còn tồn tại đối với Viện Đại học Vạn Hạnh. Do đó, theo chủ trương của Chính phủ, Giáo hội đã bàn giao cơ sở cho Nhà nước quản lý, thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, đến đây, được xem như Viện Đại học Vạn Hạnh đã hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của mình đối với Giáo hội cũng như đất nước và dân tộc. Trên tinh thần vô ngã, vị tha, dù ở bất cứ cương vị, phương sở nào, con người Vạn Hạnh vẫn luôn đóng góp công sức và khả năng trí tuệ của mình trong sự nghiệp giáo dục của toàn dân và toàn xã hội, góp phần nâng cao dân trí, văn minh tiến bộ và khoa học theo từng thời đại và lịch sử khác nhau.

2. Viện Đại học Phương Nam (1967-1975)

Sau Đại hội kỳ I năm 1966, vì những điều kiện khách quan và chủ quan, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã tách thành hai Giáo hội, Giáo Hội PG Ấn Quang và Việt Nam Quốc tự. Giáo hội Việt Nam Quốc tự do Thượng tọa Tâm Châu, Hòa thượng Thiện Tường, Hòa thượng Minh Thành, Thượng tọa Tâm Giác lãnh đạo, đã xin phép Chính phủ thành lập Viện Đại học Phương Nam, năm 1967, cơ sở tọa lạc trong khuôn viên Việt Nam Quốc tự, số 16 đường Trần Quốc Toản, quận 10, nay là đường 3 tháng 2, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Viện Đại học Phương Nam gồm có một Ban Giám đốc và do Giáo sư Lê Kim Ngân làm Viện trưởng.

Viện gồm có 3 phân khoa - Kinh tế, Thương mãi, Văn khoa và Ngoại ngữ. Số lượng sinh viên tương đối thấp, có khoảng 750 sinh viên, và chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, thì xã hội đã đổi thay, lịch sử đã sang trang, nên hiệu năng và thành quả đạt được không có gì nổi nét và rõ ràng, kết quả chỉ là tương đối, và còn nhiều hạn chế, cuối cùng chấm dứt vai trò của Giáo hội đối với Viện Đại học Phương Nam cũng tương tợ như Viện Đại học Vạn Hạnh.


VI/ KẾT LUẬN

Tổng quan vấn đề, kể từ ngày Phật giáo có mặt trên mảnh đất Gia Định-Sài Gòn, nay là TP. Hồ Chí Minh, do những cao tăng thạc đức, gieo hạt giống đầu tiên cho đến nay, thời gian gần 300 năm. Về hình thức giáo dục Phật học, Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện có thể đánh giá như sau:

1. Về mặt cơ sở giáo dục: Có thể nói, từ buổi ban đầu, dưới dạng thức là những lớp gia giáo, học kinh bộ, hết quyển này sang quyển khác, không hạn cuộc thời gian. Chủ giảng là những vị Tổ sư, trụ trì cơ sở tự viện. Đến khoảng giữa thế kỷ 20 mới hình thành các Phật học đường, Phật học viện trên một quy mô và có hệ thống tổ chức tương đối hoàn bị và có qui củ, chia làm 4 cấp, rồi 3 cấp: Mông đẳng, Sơ đẳng, Trung đẳng và Cao đẳng Phật học.

2. Nội dung giáo dục: Chủ yếu là Phật học, dựa trên cơ sở Tam tạng giáo điển Kinh - Luật - Luận, phần chính là chữ Hán, đến cuối thế kỷ 20, vấn đề chuyển ngữ mới đặt ra và thực hiện ngày càng Việt ngữ hóa, nhưng căn bản vẫn là Hán học, mặc dù đã phổ thông hóa hệ thống giáo dục Phật giáo.

3. Đối tượng giáo dục : Phần lớn là những Tăng Ni vùng Đồng Nai, Gia Định-Sài Gòn và lục tỉnh có nhiệt tâm vì đạo pháp và hết lòng phục vụ chúng sinh và xã hội cũng như dân tộc; duy trì mạng mạch Phật pháp, phát triển đạo Phật ngày càng trang nghiêm vững mạnh huy hoàng trong lòng dân tộc.

4. Kết quả giáo dục: Gần 300 năm giáo dục Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo biết bao danh tăng thạc đức, những bậåc thạch trụ chốn tòng lâm, pháp khí Đại thừa, giàu lòng yêu nước, yêu đồng bào, hết lòng hy sinh để phụng sự nhân dân, hòa mình hiện hữu trong lòng dân tộc nhất là trong 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ, giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc.

Đặc biệt, trong sự nghiệp duy trì và phát triển Phật pháp, không ít Tăng Ni, Phật tử đã hy sinh tự ngã, thể hiện tinh thần vô ngã vị tha, lục hòa cộng trụ, đoàn kết hòa hợp, thống nhất Phật giáo Việt Nam, xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm vững mạnh trong lòng dân tộc, làm cho đạo pháp mãi trường tồn tại thế gian, "tốt Đạo, đẹp Đời".

Mùa Phật Đản PL 2542 - DL 1998
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]