Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổ Sư Minh Đăng Quang Với Chí Nguyện Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp

23/04/201317:50(Xem: 12981)
Tổ Sư Minh Đăng Quang Với Chí Nguyện Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Tổ Sư Minh Đăng Quang Với Chí Nguyện Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp

Thượng Tọa Thích Giác Toàn
Nguồn: Thượng Tọa Thích Giác Toàn


I. VÀI NÉT VỀ TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sinh năm 1923, tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 15 tuổi, Ngài xin phép thân phụ qua xứ Chùa Tháp Nam Vang để tầm sư học đạo. Cuối năm 1941, Ngài về lại Sài Gòn, sau đó vâng lời thân phụ lập gia đình năm 1942. Một năm sau, người bạn đời và đứa con thơ đều thọ bệnh rồi lần lượt qua đời. Vào năm 1943, một lần nữa Ngài xin phép thân phụ lên vùng núi Thất Sơn, ẩn tu tròn một năm. Trong năm 1944, Ngài đến đầu gành Mũi Nai, Hà Tiên an trú thiền định 7 ngày đêm và chính nơi đây Ngài ngộ được ý pháp "Thuyền Bát Nhã ngược dòng đời cứu độ chúng sinh". Từ đó Ngài lên đường hành cước giáo hóa theo hạnh "Một bát cơm ngàn nhà...". Một hôm, trên đường vân du hóa đạoa có một thiện nam cảm phục đạo phong cao khiết và cốt cách đoan nghiêm nên thỉnh Ngài về giáo hóa ở Linh Bửu tự, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Nơi đây suốt 3 năm (1944-1947), buổi sáng Ngài đi khất thực, đến trưa Ngài thọ trai, buổi chiều Ngài giáo hóa, buổi tối Ngài tham thiền nhập định, nêu một tấm gương sáng về đời sống phạm hạnh thanh tịnh, y theo truyền thống của Phật Tăng thời Chánh pháp. Đầu năm 1947, Ngài rời Linh Bửu tự, quyết tâm thực hiện tâm nguyện "Nối truyền Thích Ca chánh pháp - Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam".

Từ Phú Mỹ, Ngài đi khắp nơi để giáo hóa như Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Thủ Thừa, Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa, Vũng Tàu... sau đó là khắp các tỉnh miền Tây, đồng bằng Nam Bộ.

Sau tám năm tiếp Tăng độ chúng, khuyên tu khuyến thiện, giáo hóa bá tánh cư gia không một ngày dừng nghỉ, vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954), trên đường hành đạo từ Sa Đéc xuống Cần Thơ, khi đi ngang qua thị trấn Cái Vồn (nay là huyện Bình Minh) thì Ngài đã hoan hỷ đi vào "lửa nạn", vui trả nghiệp quả trong nhiều đời kiếp luân hồi. Thế rồi Ngài vắng bóng, biền biệt cho đến ngày nay đã 44 năm rồi (1954-1998), Trong thời gian giáo hóa, Ngài có soạn ra bộ Chơn lý gồm 69 quyển và tập Bồ tát giáo. Hai tác phẩm Pháp bảo cao quý còn lại này chứa đựng những tư tưởng đặc thù phát xuất từ suối nguồn tự chứng tự ngộ của bản thân, dựa trên nền tảng là pháp môn Giới - Định - Tuệ truyền thống của đạo Phật.


II. NGUỒN CỘI TÂM LINH VÀ BIỂU TƯỢNG HOA SEN VỚI ĐÈN CHƠN LÝ

1. Nguồn cội tâm linh:

Tổ sư Minh Đăng Quang có một nhơn duyên thù thắng đối với giáo pháp của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. Tổ sư sinh ra đời cách Đức Phật Tổ trên 2500 năm, vậy mà khi bừng ngộ ra ánh sáng Chánh pháp của Đức Phật, của giáo pháp thì tức khắc tâm linh phấn chấn, Tổ sư đã tuyên bố và khẳng định con đường hành đạo phải là "Nối truyền Thích Ca chánh pháp". Từ suối nguồn tâm linh vi diệu này, Tổ sư tiếp tục khơi thông nguồn mạch, thuận duyên hành đạo trong cộng đồng dân tộc, khai sơn "Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam", một sắc thái Phật giáo đặc thù, biệt truyền tại miền Nam Việt Nam.

Với phương châm "Nối truyền Thích Ca chánh pháp", chúng ta thấy Tổ sư Minh Đăng Quang quyết chí đi theo con đường truyền thống mà Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đã vạch ra. Tổ sư đã thực hiện thành tựu và lưu truyền cho hậu thế hữu duyên một dòng truyền thừa Chánh pháp với ba pháp yếu quan trọng sau đây:

a) Tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia: Các nay hơn 25 thế kỷ, trên trái đất này, xuất hiện một Thái tử Tất Đạt Đa có chí nguyện vĩ đại: giải quyết tận căn để những nỗi đau của thân phận con người. Ngài đã tự thân thể nghiệm và khai phá một con đường tâm linh đưa chúng sinh vượt thoát được khỏi sự chi phối của vô minh, của luân hồi sinh tử, của sinh, già, bệnh, chết. Vì vậy mà yếu chỉ đầu tiên là tư tưởng viễn ly trong hạnh xuất gia.

b) Tinh thần tinh tấn trong tu tập: Suốt 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh, Thái tử không bao giờ giải đãi hay biểu lộ sự giải đãi, buông trôi. Từ khi rời hoàng cung, dấn thân trong núi rừng, nắng mưa, sương gió..., Ngài chỉ một lòng tìm đạo, học đạo, t hiền quán, thân chứng và an trú trong đạo quả, hoằng pháp độ sinh đến khi nhập Niết bàn, Ngài nêu lên m ột tấm gương sáng về tinh tấn ba la mật.

c) Tinh thần giải thoát trong hoằng hóa độ sinh: Người tu xuất gia khi chứng đạt đạo quả rồi thì bước kế tiếp là thể hiện đức hạnh giải thoát trên đường hoằng hóa độ sinh. Tự mình đặt công hạnh độ sinh như là một bổn phận, một sứ mạng thiêng liêng, không ngại gian lao, không từ khó nhọc. Người làm đạo phải có đủ nhẫn lực và tư duy lực, đồng thời xem sự kham nhẫn như là niềm vui giải thoát trên đường tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự.

Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương quay về với cội nguồn tâm linh, quyết tâm thực hiện truyền thống Giới - Định - Tuệ, phát huy tinh thần viễn ly trong hạnh xuất gia, tinh tấn trong tu tập và chu toàn đức giải thoát trên đường hoằng hóa độ sinh. Đối với đời sống cộng đồng, cọng trú tu học trong những ng��i già lam tịnh xá, Tổ sư nêu lên phương châm:

Nên tập sống chung tu học:
Cái SỐNG là phải sống chung,
Cái BIẾT là phải học chung,
Cái LINH là phải tu chung.

Sống chung tu học để nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng cái sống, cái b iết, cái linh chính là cụ thể hóa tinh thần Tam tụ Lục hòa mà chư Phật đã giáo huấn tự ngàn xưa.

2. Biểu tượng hoa sen với đèn chơn lý:

Tổ sư Minh Đăng Quang chọn hoa sen và ngọn đèn chơn lý làm biểu tượng cho dòng pháp "Nối truyền Thích Ca chánh pháp - Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam", hiện nay là hệ phái Khất sĩ. Tổ sư đã bày tỏ ý hướng đem Chánh pháp thanh tịnh của chư Phật (hoa sen), soi đường dẫn lối cho người hữu duyên (ngọn đèn chơn lý). Đó là pháp phụng thờ Chánh pháp một cách tốt đẹp nhất.

Trong quyển Chơn lý "Trên mặt nước" (số 19), Đức Tổ sư có nói rằng sen có phẩm chất là ở trong bùn nước mà vượt khỏi bùn nước. Hạt bùn, hạt đất tượng trưng cho một người hay một gia đình ở dưới thấp, ác quấy tội lỗi; ích kỷ, rời rã từng hột, từng đơn vị. Hạng này bị đời sa thải giẫm đạp. Nước là xã hội thánh thiện theo duyên trôi chảy. Sen là bậc giải thoát Khất sĩ chư Tăng Sư: lời nói như hoa, việc làm như lá, ý niệm như gương; tất cả đều cao vượt lên không gian chứ không thấp kém như ở trong n ước bùn thế sự. Gốc sen là chỉ cho người tu còn phải nương trần thế về vật chất, còn đi đứng trong xã hội; nhưng tâm trí thì đã cao xa khác hẳn. Sen khác đất nước là có sự sống, có linh hồn do đất nước; cũng như nhờ các việc thiện ác trong xã hội mà nuôi trí tạo tâm. Sen có giác ngộ, có nghĩa sống hơn thiên hạ. Sen đền ơn cho đất nước là thay cho đất nước chịu nắng mưa sương gió ben trên, chịu sự tai nạn động chạm từ bên ngoài; lá, hoa, quả sen che chở giữ gìn cho nước được yên lặng sạch trong bằng phẳng sáng rỡ; cọng sen cản không cho nước xoáy lộn làm cho nước đứng ngừng lóng bùn xuống đáy. Cũng vậy, người xuất gia đền trả cho đời bằng gương nết hạnh hiền lương: lời nói (hoa), việc làm (lá), ý niệm (quả) giúp cho xã hội, gia đình, cá nhân được bình yên trong sạch, sáng láng, đứng vững, không rối loạn.

Cũng trong quyển Chơn lý này, Tổ sư nói tiếp rằng nhìn thoáng lại quá trình tiến hóa của địa cầu và nhơn loại từ thuở ban sơ ít người nên hồn nhiên, đến khi đông vầy thì phân ranh chủng tộc lấn cướp giành nhau mà sinh ra sự ích kỷ riêng tư giả dối, đốc xúi rủ ren, mạnh hiếp yếu, đông hiếp ít. Cho nên trần thế trở thành si mê dơ bẩn, tham lam sân hận, một bãi đất bùn, một nghĩa địa, phân bùn của hồ sen. Nhưng nhờ đó mànuôi sinh được hạt giống giác ngộ là sen. Cũng như trang hiền sĩ chiêm nghiệm sự ác quấy giữa chốn chợ đời mà tìm pháp vượt lên. Cũng nhờ sự quấy phá của học trò lớp dưới nên mới có lớp cao trên, cũng nhờ có khổ sở tội lỗi ở đời nên có kẻ đạo đức không muốn trở lại đời vì đã ghê sợ chán chê. Như vậy đời hại người tức là đời xúi người làm Trời Phật; rồi Trời Phật trở lại thương xót che chở cho đời. Hiểu được ý nghĩa đó mà Trời Phật không thối chí ngã lòng mà gắng công tiến lên thành trời Phật thương xót cho đời đặng chỗ hơn người đáng tôn kính là vậy. Ai cũng nên tìm đường giải thoát làm Phật, vượt khỏi thiện ác nước bùn... như lá hoa trái sen vượt lên không gian. "Đời là cái hồ nước để trồng sen. Ai ai rồi cũng là sen hết".

Như vậy, biểu tượng Hoa sen và Ngọn đèn chơn lý chính là lý tưởng, chính là hoài bão của Tổ sư về một quốc độ, một cuộc sống an vui, thuần thiện của tất cả mọi người. Trong đó người tu phải thể hiện một đời sống tu tập trong sáng, thanh thoát, thắp lên ngọn đèn chơn lý phụng hiến cho đời.


III. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA HỆ PHÁI SAU 50 NĂM HÀNH ĐẠO

Tổ sư Minh Đăng Quang khai mở giáo pháp từ năm 1994 nhưng đến năm 1948 thì những bước chân hoằng hóa của Tổ sư và đoàn du tăng mới xuất hiện ở vùng Chợ Lớn - Sài Gòn - Gia Định. Ngay từ buổi đầu, những nhà sư đầu trần chân đất, từng bước hóa duyên; thanh bần đơn giản đã gây ngạc nhiên cho người dân thành thị vốn quen với sặc sỡ phồn hoa, ồn ào náo nhiệt. Điều này đã được một thi sĩ Phật tử cảm nhận rồi ghi lại:

Sài Gòn hoa lệ từ xưa,
Trăng phơi cánh mộng, gió đưa điệu đàn.
Một ngày kia, dưới nắng vàng,
Bỗng trang nghiêm hiện: một đoàn du tăng.
Dân thành thị những băn khoăn,
Họ là ai? - Xin thưa rằng họ đây.
Là môn đệ của Đức Thầy,
Minh Đăng Quang chiếu tự rày mười phương.
(Ánh Minh Quang - tiểu sử thi hóa)

Từ năm 1946 đến năm 1954, đoàn du tăng Khất sĩ đầu tiên do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập thâu nhận hàng trăm Tăng Ni xuất gia nhập đạo. Những vị đệ tử đầu tiên này được Tổ sư trực tiếp giáo dưỡng, hầu hết là những vị có nhiều thiện duyên nên chẳng bao lâu đã trở nên những vị giới hạnh tinh nghiêm, đạo phong mẫu mực trong tu tập và hành đạo.

Mỗi đoàn du tăng hoặc ni được thành lập với túc số từ 20 vị trở lên. Theo sự điều động của Tổ sư, các đoàn chia nhau đi hành đạo khắp các vùng Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ. Dù ở nơi nào, mỗi sáng các nhà sư trong chiếc y vàng, mỗi sáng trình tự hóa duyên, trưa giờ ngọ tìm nơi tàng cây bóng mát hay miếu cổ vắng vẻ thọ thực đạm bạc thanh bần tùy theo số phẩm thực đã được hóa duyên. Chiều tối các nhà sư lại thuyết kinh giảng đạo tại các khu đông dân cư, nhà lồng chợ, sân trường học... để khuyên tu khuyến thiện cho bá tánh cư gia. Cứ như vậy, theo thời gian hình ảnh những nhà sư rày đây mai đó, vân du hóa đạo, không chấp giữ tiền bạc, của cải bổn đạo riêng tư, đã tạo dấu ấn thân thương trong tâm thức của hàng nam nữ Phật tử khắp nơi. Rồi lần lượt các nhà hảo tâm phát tâm cúng dường cơ sở đất đai, bá tánh chung lòng xây dựng những ngôi tịnh xá đạo tràng để chư Tăng có nơi tạm trú tu học và cư gia có nơi quy ngưỡng, thọ học đạo lành.

Tròn 50 năm qua (1948-1998), tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 50 ngôi tịnh xá được thành lập như 50 đóa sen để làm nơi tu học và cho bá tánh có nơi nương tựa tinh thần. Sau đây là một số đạo tràng tiêu biểu: Tổ đình Pháp viện Minh Đăng Quang, phường An Phú, quận 2, xây dựng năm 1968, là Tổ đình của hệ phái (và Giáo đoàn IV); tịnh xá Trung Tâm, phường 13, quận 6, xây dựng năm 1966, di tích của cố Trưởng lão Thích Giác Lý, vị Trưởng đoàn khai sáng Giáo đoàn V; tịnh xá Ngọc Chánh, phường 24, quận Bình Thạnh, xây dựng năm 1953, trung tu năm 1988, di tích của Tổ sư Minh Đăng Quang tại Gia Định; tịnh xá Trung Tâm, phường 5, quận Bình Thạnh, xây dựng năm 1965, nguyên là văn phòng của hệ phái; tịnh xá Ngọc Đăng, phường 12, quận Bình Thạnh, xây dựng năm 1965, di tích của Trưởng lão Thích Giác Tánh, vị Trưởng đoàn khai sáng Giáo đoàn II; tịnh xá Ngọc Phương, phường 1, quận Gò Vấp, xây dựng năm 1957, nguyên là văn phòng của Ni giới hệ phái, di tích của Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên; tịnh xá Ngọc Phú, phường 10, quận Tân Bình, xây dựng năm 1969, di tích của Sư bà Thích nữ Trí Liên tại Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.


IV. SỰ PHÁT TRIỂN VÀ TINH THẦN HỘI NHẬP CỦA HỆ PHÁI TRONG CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Đầu năm 1980, Phật giáo Việt Nam đã thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, hệ phái Khất sĩ là một trong 9 tổ chức thành viên có 2 đại biểu tham gia Ban Vận động: Thượng tọa Thích Giác Toàn đại diện cho Tăng già Khất sĩ và Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên đại diện cho Ni giới Khất sĩ.

Đến tháng 11 năm 1981, Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, thành công và hệ phái Khất sĩ, một tổ chức Phật giáo biệt truyền tại miền Nam là một trong 9 tổ chức đứng ra thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất. Chư tôn đức Tăng Ni tiêu biểu của hệ phái hài hòa tham gia vào Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, và các ban ngành Trung ương Giáo hội. Đến khi Ban Trị sự các tỉnh, thành được thành lập thì hầu hết chư Tăng Ni Khất sĩ ở các tỉnh, thành cũng tùy theo trường hợp cụ thể đã tham gia và được cơ cấu vào các ban ngành Phật giáo ở địa phương.

Ngay từ thời kỳ đầu khai sơn hệ phái, Tổ sư Minh Đăng Quang đã nêu cao tinh thần thống nhất và hội nhập trong cộng đồng Phật giáo. Đối với tập thể Tăng già, Ngài chủ trương người tu xuất gia: "Nên tập sống chung tu học: - Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung". Đối với cư sĩ tại gia, Ngài cũng chủ trương rất tích cực và gắn bó trong cuộc sống: "Mỗi người phải biết học chữ, mỗi người phải biết giữ giới, mỗi người phải biết tránh ác, mỗi người phải biết (học đạo) làm thiện". Vì vậy mà hệ phái Khất sĩ đã hòa nhập nhuần nhuyễn vào quá trình thành lập và những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hệ phái Khất sĩ hiểu rõ nguyên tắc" thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức"; đồng thời cũng có ý thức tự biết giữ gìn những truyền thống tốt đẹp và đặc thù của hệ phái biệt truyền mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã dày công tạo dựng và các bậc tôn túc trưởng thượng đã kế thừa, phát huy cho đến ngày nay.

Ngày nay, cùng với nhân dân cả nước và nhân dân thành phố, chúng ta ôn lại dấu tích lịch sử 300 năm trên vùng đất quê hương thân yêu "Gia Định - Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh"; cũng chính là khắc họa lại những nét đẹp mà chư vị Tổ sư tiền hiền đã đóng góp cho "Đạo pháp và Dân tộc" bằng cả tấm lòng thủy chung chan hòa hạnh phúc thiêng liêng.

TP. HCM, kỷ niệm Gia Định-Sài Gòn-TP.Hồ Chí Minh 300 năm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]