Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

46. Phật Hứa Với Ma Vương

19/03/201408:31(Xem: 27700)
46. Phật Hứa Với Ma Vương
blank

Phật Hứa Với Ma Vương



Hôm ấy, sau khi đi khất thực quanh thành Vesāli, độ ngọ xong, trên đường trở về, đức Phật nói với tôn giả Ānanda là đến điện thờ Cāpāla để nghỉ trưa.

Đến đây, tôn giả Ānanda lựa tìm một chỗ sạch sẽ, mát mẻ trải tấm tọa cụ cho đức Phật an ngự, còn mình thì ngồi xuống một nơi phải lẽ.

Chợt đức Phật đưa mắt nhìn quanh, cảm hứng ngữ thốt lên:

- Khả ái thay Vesāli! Khả ái thay điện thờ Udena! Khả ái thay điện thờ Gotamaka! Khả ái thay điện thờ Sattambaka! Khả ái thay điện thờ Bahuputta! Khả ái thay điện thờ Sārandada! Khả ái thay điện thờ Cāpāla!

Vào đề thế xong, đức Phật nói tiếp:

- Này Ānanda! Những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo - thì nếu người ấy muốn, có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Nay Như Lai đã tu bốn thần túc đã đến độ toàn diện, viên mãn, nếu muốn Như Lai có thể duy trì mạng căn, thọ hành sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại.

Mặc dầu đức Phật đã nói ba lần về khả năng tứ thần túc của ngài nhưng tôn giả Ānanda không hề hiểu sự gợi ý ấy. Nếu hiểu thì chắc tôn giả phải quỳ bạch rồi thỉnh cầu rằng: “Xin đức Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp. Xin đức Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên vì loài người!”

Thật ra, lúc ấy tôn giả Ānanda đang mơ mơ màng màng, nửa như cái tâm đang ngủ, nửa như bị ma ám – nên không nghe không biết lời gợi ý của đức Thế Tôn.

Khi đức Phật bảo ngài Ānanda tìm chỗ nghỉ ngơi, tôn giả đi chưa được bao lâu thì Ma vương tìm đến, nó nói:

- Trước đây, tại Uruvelā, trên bờ sông Nerañjarā, dưới gốc cây Ajapālanigrodha, khi sa-môn Gotama vừa thành đạo, tôi mời thỉnh sa-môn Gotama hãy diệt độ thì ông đã có nói với tôi rằng: “Như Lai sẽ không diệt độ khi nào chúng đệ tử chưa trở thành những con người chân chánh, sáng suốt, có kỷ luật, nghe nhiều học rộng, biết duy trì chánh pháp, thành tựu pháp học, pháp hành, sống theo chánh pháp, có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích, và giải thích rõ ràng chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, truyền bá chánh pháp một cách mỹ toàn và thần diệu”. Thì nay đệ tử của sa-môn Gotama thành tựu đã còn hơn thế nhiều. Cả hai giáo hội tăng ni cả hàng ngàn tỳ-khưu bác học, đa văn, thành tựu trí tuệ, thiền định, giới luật, thuyết pháp, cụ túc pháp học, pháp hành và đang thiện xảo xiển dương giáo pháp khắp cả châu Diêm-phù-đề rồi! Vậy nay tôi yêu cầu sa-môn Gotama thực hiện lời hứa thuở trước!

Yên lặng một lát, sau khi xác nhận điều mà Ma vương nói là hoàn toàn đúng với sự thực, đức Phật nói:

- Thôi được rồi, này Ma vương! Ngươi yên tâm, Như Lai sẽ thực hiện lời hứa. Đúng ba tháng kể từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ!(1)

Rồi ngay tại thời khắc ấy, đức Phật chánh niệm, tỉnh giác, nguyện từ bỏ thọ hành (āyusaṇkhāra), chỉ duy trì mạng căn trong ba tháng nữa thôi, thì cũng chính ngay lúc đó, địa đại chấn động kinh hoàng, sấm trời vang dậy, những âm thanh ghê rợn nổi lên, ai lông tóc cũng dựng ngược, sợ hãi... không hiểu là chuyện gì!

Tôn giả Ānanda nghe thấy trời đất như vậy cũng rất kinh sợ, đến bên Phật muốn hiểu căn do thì ngài đáp:

- Này Ānanda! Có tám nhân, có tám duyên khiến đại địa chấn động. Ông biết không? Đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không. Đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động.

Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Có vị sa-môn hay bà-la-môn có thần thông, tâm được chế ngự, hay hàng chư thiên có đại thần thông, có đại uy lực; những vị này quán địa tánh có hạn, quán thủy tánh vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất này rung động, chuyển động mạnh.

Ðó là nhân thứ hai, duyên thứ hai khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi vị bồ-tát ở cõi Tusita từ bỏ thân, chánh niệm, tỉnh giác, nhập vào mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Ðó là nhân thứ ba, duyên thứ ba khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi vị bồ-tát chánh niệm, tỉnh giác, ra khỏi mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Ðó là nhân thứ tư, duyên thứ tư khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, lúc ấy quả đất rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Ðó là nhân thứ năm, duyên thứ năm khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai chuyển bánh xe pháp, lúc lúc ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Ðó là nhân thứ sáu, duyên thứ sáu, khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ, không duy trì mạng sống, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh.

Ðó là nhân thứ bảy, duyên thứ bảy, khiến đại địa chấn động.

Còn nữa, này Ānanda! Khi Như Lai nhập vô dư y Niết-bàn, lúc ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ tám, duyên thứ tám, khiến đại địa chấn động.

Này Ānanda! Do tám nhân này, tám duyên này, khiến đại địa chấn động, không có một nhân, một duyên nào khác nữa.

Khi đức Phật tuyên bố là đã từ bỏ thọ hành, đã hứa với Ma vương là chỉ duy trì mạng căn ba tháng nữa thôi - tôn giả Ānanda vô cùng sầu não.

Thế Tôn lại phải ân cần nhắc nhở:

- Phải chăng ngay từ ban đầu, Như Lai đã từng tuyên bố rằng: Mọi vật mình ưu ái, luyến thương, thân sắc và hình dong này đều phải bị thay đổi, biến dịch, đều phải trả về cho hư không, cho cát bụi?

Này Ānanda! Làm sao những cấu tạo hữu vi, những gì sanh khởi, tồn tại, chịu sự vô thường, thay đổi mà không đưa đến biến diệt cho được?

Này Ānanda! Những gì Như Lai đã từ bỏ, xả ly, khước từ, chính là thọ hành. Như Lai đã tuyên bố và đã tuyên bố một cách dứt khoát như vậy. Vậy cầu mong Như Lai muốn sống, duy trì thọ hành - thì chẳng khác gì phản lại lời tuyên bố của Như Lai?

Đừng khóc thương, sầu muộn một cách vô ích nữa. Hãy chuẩn bị để cùng Như Lai ghé Kūṭagāra, rừng Mahāvana.

Hôm sau, muốn đưa Ānanda vào công việc, đức Phật bảo tôn giả tìm cách thông báo, mời thỉnh tất cả chư tăng ni tại Vesāli và vùng phụ cận đến tại giảng đường Đại Lâm để Thế Tôn giáo giới.

Và rồi tại đây, trước vài ngàn thính chúng tăng ni, đức Phật giảng tới giảng lui cặn kẽ, chi li về ba mươi bảy trợ đạo phẩm, như là tóm gọn toàn bộ giáo pháp mà đức Phật chứng ngộ và giảng nói suốt bốn mươi lăm năm qua. Đó là là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề phần, bát chánh đạo phần.

Đưa mắt nhìn khắp hội chúng tăng ni, đức Phật khởi tâm đại bi tạo một năng lượng đổ tràn ra không gian rồi lớn giọng, chẳng khác gì là lời di giáo:

“- Này đại chúng tăng ni! Đây là lời nhắn nhủ quan trọng nhất của Như Lai để các vị làm kim chỉ nam tu tập: Các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát”.

Hôm sau, đức Thế Tôn lại ôm y bát vào thành để khất thực, trên đường trở về, ngài đưa mắt nhìn bao quát Vesāli bằng cái nhìn của con voi chúa rồi nói với tôn giả Ānanda:

- Đây là cái nhìn Vesāli lần cuối cùng của Như Lai, không còn một lần nào khác nữa.

Và rồi, ngài tiếp:

- Chúng ta hãy cùng đi đến ngôi làng Bhandagāma. Sau Bhandagāma là Hatthigam, rồi Ambagāma, Jambugāma, Bhoganagara...

Và cứ thế, từng bước đi, đức Phật với từng bước đi như đi chỉ để mà đi, trọn vẹn trong mỗi bước đi, chứ không phải đi là để tìm kiếm cái gì phía trước, nhân và quả đủ đầy trong mỗi bước đi, trong mỗi hơi thở! Không biết tôn giả Ānanda và chư tỳ-khưu đi theo đức Phât, họ có học được bài học đó không? Hay chỉ có chư trưởng lão như Upāli, Anuruddha, Mahā Cunda, Upavāna... là họ cũng đang thực hiện điều ấy trong mỗi bước đi của mình? Gần suốt ba tháng như vậy, mỗi địa danh đức Phật dừng lại năm bảy hôm, mỗi nơi, đức Phật giảng một bài pháp khác nhau, nhưng quan trọng nhất, được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất là nói về thánh giới, thánh định, thánh tuệ và thánh giải thoát.

Đức Phật cũng ân cần nhắc nhở chư tăng ni phải nên kiểm chứng thế nào là pháp và luật. Khi nghe một vị niên cao, lạp lớn hoặc vị có nhiều uy tín trong hàng tăng lữ - nói thế này là pháp, thế kia là luật – chư vị chớ vội tin tưởng mà cũng đừng nên bài bác. Hãy suy tư, chiêm nghiệm. Hãy so sánh với cái thực trong nội tâm và trong đời sống. Giáo pháp không ở khô chết nơi lý thuyết, nơi bài giảng – mà chính là ở nơi hơi thở, nơi bước chân tu tập; ở nơi tĩnh lặng và sáng suốt của tâm và tuệ. Nói tóm lại là ở nơi thực hành và thân chứng. Vậy muốn so sánh để tin tưởng, y chỉ, thực hành theo thì nó là ở đấy. Pháp và luật chân chính là ở đấy. Và nó sẽ tương hợp với giáo pháp chân chính của Như Lai.

Rời Bhoganagara, đức Phật đến Pāvā.

Tại đây, đức Phật ngự tại vườn xoài của người thợ rèn Cunda. Nghe đức Thế Tôn đang ngự tại vườn xoài của mình, người thợ rèn rất hạnh phúc, tìm đến để nghe pháp. Ông hoan hỷ quá. Hôm sau, ông xin thỉnh đức Phật và tăng chúng đến cúng dường đặt bát tại tư gia. Ông đã công phu chuẩn bị những món ăn thượng vị cứng mềm rất chu đáo, đặc biệt là có món được gọi là Sūkara-maddava(1)là chỉ để dâng riêng cho đức Phật.

Độ xong, đức Phật nói với Cunda:

- Món ăn Sūkara-maddava còn lại, ngươi hãy đem chôn vào một hố nào đấy. Này Cunda! Như Lai không thấy một ai ở cõi trời, cõi người, ma giới; không một ai trong chúng sa-môn, bà-la-môn hoặc bất kỳ một ai khác, ăn món ăn này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.

Người thợ rèn Cunda vâng theo Thế Tôn.

Chừng nửa canh giờ sau khi độ thực món ăn ấy, đức Phật bị bệnh nặng, có triệu chứng lỵ huyết, đau đớn khốc liệt. Tuy nhiên, lát sau, trấn tĩnh cơn đau, đức Phật nói:

- Này Ānanda! Chúng ta hãy đi đến Kusinārā.

Tuy vâng lời nhưng tôn giả áy náy không yên. Và người áy náy không yên, đau khổ, dằn vặt nhất lại chính là Cunda! Người thợ rèn này cảm thấy mình có tội, mình là thủ phạm dâng cúng món ăn Sūkara-maddava nên đức Phật bị đau tả lỵ, có lẽ là có máu bị rỉ ra từ dạ dày, từ đường ruột! Ông gục đầu xuống, khóc nức nở:

- Con chỉ có thành ý, tâm niệm trong sáng và tốt lành khi dâng cúng món ăn ấy, nó non mềm, thơm ngon... con cũng không ngờ...

Đức Phật mỉm cười:

- Không phải tội là do ông đâu. Trong quá khứ, thuở còn là bồ-tát, trong các kiếp sống sinh tử, Như Lai có gây một ác nghiệp nên quả báo dư sót hôm nay nó đến đúng thời, đúng lúc, mà món ăn chỉ là duyên cuối cùng cho giọt nước tràn ly vậy thôi. 

Người thợ rèn lắng nghe. Đức Phật tiếp:

- Đây là bữa ăn cuối cùng của Như Lai, và sẽ không còn một bữa ăn nào khác nữa. Ông phải phát tâm hoan hỷ khi biết rằng: Hiện thân của một đức Phật trên đời này, có hai bữa ăn phước báu nhiều nhất, thù thắng nhất là bữa ăn trước khi đắc quả vị Chánh Đẳng Giác và bữa ăn trước khi Niết-bàn. Bữa ăn trước, phước báu tối thượng để dành nữ thí chủ Sujātā ở rừng khổ hạnh, bữa ăn cuối là phần của thí chủ Cunda tại thị trấn Pāvā, vườn xoài này. Cả hai bữa ăn ấy, phước giống nhau, quả báo thù thắng giống hệt nhau, bằng nhau.

Cunda cúi đầu lắng nghe.

Đức Phật tiếp:

- Như Lai lặp lại, là cả hai bữa ăn ấy đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, phước báu lớn hơn, lợi ích lớn hơn những sự cúng dường ăn uống khác. Và này Cunda! Tuổi thọ, sắc đẹp, sống lâu, an lạc, danh tiếng, quyền uy, ngũ dục công đức cõi trời đang chờ đợi ông trong mai hậu đó!

Rồi đức Phật quay sang vị thị giả:

- Nay Ānanda! Sau này, có ai thắc mắc về bữa ăn “có vấn đề” này của Cunda, ông phải cặn kẽ giải thích giống như Như Lai vừa nói ở trên để giải tỏa “mối oan” cho Cunda và mối nghi cho tứ chúng!

Khi thấy người thợ rèn an tâm rồi, đức Phật mới từ giã.

Cơn đau lại tái hiện, âm ỉ, thốn nhức, Thế Tôn lại điều hòa hơi thở, bước đi trong chánh niệm, tỉnh giác. Được mấy đỗi đường, cơn đau đã giảm nhưng đức Phật thấy khát và mệt. Đến một gốc cây, ngài ngồi nghỉ rồi bảo tôn giả Ānanda đi kiếm nước uống.

Lát sau, tôn giả về thưa:

- Người ta nói là vừa có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua, con suối đã bị bánh xe khuấy đục ngầu, nước không thể uống được. Cách đây không bao xa, một người kiếm củi nói, là có con sông Kakutthā nước trong xanh, mát mẻ. Chúng ta có thể đến đấy uống để dịu cơn khát, đồng thời, rửa mặt, rửa tay chân cho dễ chịu - bạch Thế Tôn!

Tuy nhiên, lần thứ hai, lần thứ ba, đức Phật vẫn bảo tôn giả Ānanda đi kiếm nước.

Thế rồi, lần thứ ba, tôn giả Ānanda mang bát trở lại con suối cũ ấy - thì thấy nước lại trong trẻo, không vẩn đục nữa.

Mang nước về, tôn giả reo lên với đức Phật:

- Thật là kỳ diệu quá sức! Thật là lạ lùng quá sức! Nước suối bị bánh xe khuấy động, đục ngầu, thế nhưng Thế Tôn lại cứ bảo lấy nước, lấy nước! Quả nhiên, lần thứ ba, nước đục ngầu ấy đã thay tên đổi họ, đã biến thành khuôn mặt trắng trẻo, trong xanh, mát lịm - bạch Thế Tôn!

Đức Phật không nói gì, im lặng uống nước.

Lúc bấy giờ, Pukkusa, dòng họ Mallā, đệ tử của ngài Alāra Kālāma mang hàng trên những cỗ xe, cùng với tùy tùng, đang trên con đường từ Kusināra đến Pāvā, thấy đức Phật đang ngồi tĩnh tại, trầm lặng dưới gốc cây, ông cảm nhận được cái gì đó nên đã đến gần bên, tán thán:

- Ôi! Thật kỳ diệu xiết bao là trạng thái trầm tĩnh, ổn định của bậc xuất gia! Nó định tĩnh như ngọn núi.

Đức Phật chỉ lắng nghe, và ông ta nói tiếp:

- Thuở xưa, ngài Alāra Kālāma, đạo sư của con, đang đi trên đường, ngồi xuống một gốc cây để nghỉ trưa. Đạo sư của con cũng ngồi với trạng thái trầm tĩnh, ổn định như ngọn núi vậy đó. Lát sau, có khách lữ hành đi ngang qua, cất tiếng hỏi đạo sư Alāra Kālāma rằng:

“ - Tôn giả có thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua đây không?”

Đạo sư đáp:

“- Ta không thấy!”

Ngạc nhiên, người kia hỏi tiếp:

“- Tôn giả có nghe tiếng đàn ngựa chuyển động, bánh xe sắt trì nghiến trên đất không?”

“- Ta cũng không nghe!”

“- Thế tôn giả có phải đang ngủ không?”

“- Không, ta không ngủ!”

“ - Thế tôn giả có thức không?”

“- Có, ta đang thức, ta luôn luôn tỉnh thức!”

“- Tôn giả đang tỉnh thức nhưng không thấy khoảng năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe thấy một tiếng động nào. Nhưng bạch tôn giả! Cái áo của tôn giả rõ ràng là đang lấm bụi!”

“- Phải! Cái áo, trên đầu, trên cổ gì cũng lấm bụi cả”

Người khách lữ hành tự nghĩ:

“- Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm tĩnh như đỉnh núi của một bậc xuất gia. Trong khi giác tỉnh, còn thức nhưng không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe một tiếng động nào”.

Do cảm phục đức trầm tĩnh ấy, khách lữ hành tỏ lòng thâm tín đối với đạo sư Alāra Kālāma rồi chào từ giã.

Pukkusa, dòng họ Mallā, đệ tử của ngài Alāra Kālāma nói với đức Thế Tôn như vậy, cũng chỉ để tỏ lòng tôn kính và cảm phục đức trầm tĩnh của bậc xuât gia.

Đức Phật chợt hỏi:

- Này Pukkusa! Nhà ngươi nghĩ thế nào? Cái gì khó làm hơn, cái gì khó thực hiện hơn? Một người trong khi giác tỉnh, còn thức mà không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe một tiếng động nào. Và một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy, cũng không nghe tiếng?

- Bạch Thế Tôn! Nói gì đến năm trăm cỗ xe này, cho đến sáu trăm, bảy trăm, tám trăm, chín trăm hoặc một ngàn, cho đến trăm ngàn cỗ xe, cũng không thể so sánh được. Thật khó làm hơn, khó thực hiện hơn – trong trường hợp một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động mà không thấy cũng không nghe tiếng.

Đức Phật lại tiếp tục:

- Này Pukkusa! Một thời, Như Lai ở Atumā, tại nhà đập lúa. Lúc bấy giờ trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết.

Tình cờ, Như Lai từ nhà đập lúa đi ra, vừa bước qua sân thì thấy một đám đông bèn cất tiếng hỏi:

“- Có việc gì ở đây mà quý vị tụ họp đông vậy?

Một người đáp:

“- Có hai nông dân và bốn con bò đực bị sét đánh chết, mọi người tụ hội để xem.

“- Thế à!

“- Vậy thì lúc ấy sa-môn ở đâu mà không thấy, không biết?

“- Ta đang ở đây, trong nhà đập lúa này.

“- Ngài không nghe thấy gì cả sao?

“- Vâng, không nghe thấy gì cả.

“- Vậy thì ngài đang ngủ?

“- Không, ta không ngủ.

“- Vậy ngài đang thức.

“- Vâng, ta đang thức.

Người kia ngạc nhiên, la lên:

“ - Sa-môn không ngủ, đang thức - vậy thì ngài đang làm cái gì mà cho chí mưa tầm tã ào ào như thác đổ, sét đánh rầm rầm tung trời dậy đất, đến nỗi hai nông dân tiêu mạng, bốn con bò đực nằm chết chỏng cọng – mà ngài lại không thấy, không nghe, không biết gì hết. Có lạ lùng không chứ!”

Nghe xong, Pukkusa tự nghĩ:

“- Đạo sư Alāra Kālāma của ta, đạo hạnh và trí tuệ nổi tiếng một thời, nhưng mà ngài tạ thế rồi. Sa-môn Gotama này, ta nghe tên từ hồi ở tu viện của thầy ta. Hôm nay, nghe câu chuyện này, ta biết ‘nội lực tịnh tu’của ông ta còn là bậc thầy đạo sư của ta nữa!”

Nghĩ thế xong, ông quỳ sụp người xuống, trổ miệng văn chương:

- Ôi! Trước đây, đạo sư của con, Alāra Kālāma, là bậc thầy mà con tin tưởng, giao phó sinh mạng. Thì nay, bạch Thế Tôn! Con đem “sự tin tưởng và việc giao phó sinh mạng ấy” về đạo sư của con đem rải rắc trước luồng gió mạnh, đem thả trôi vào dòng nước cuồn cuộn ngàn trùng! Xin cho con được quy y Thế Tôn, quy y pháp và quy y tỳ-khưu tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, trọn đời quy ngưỡng.

Nói thế xong, Pukkusa quát bảo viên quản lý thuộc hạ:

- Hãy tức khắc vào thùng xe của ta, lấy ngay một cặp áo màu kim sắc, vàng chói để ta dâng cúng đến đức đại Đạo sư của ta!

Sau đó, nâng cặp y quý giá lên ngang đầu, Pukkusa tác bạch:

- Mong đức Thế Tôn bi mẫn thọ dụng cặp áo này, là vật quý trọng nhất hiện thời của con. Vật quý trọng được dâng cho người quý trọng là hạnh phúc nhất đời của con vậy.

Đức Phật im lặng nhận lời, rồi bảo:

- Này Pukkusa! Hãy đắp cho Như Lai một tấm và đắp cho vị thị giả đặc biệt này một tấm.

Pukkusa làm theo lời của Thế Tôn. Sau đó, Pukkusa được đức Phật giáo giới ít lời làm cho tăng trưởng đức tin, ông hoan hỷ, và thấy cũng đã phải thời nên xin từ giã.

Sau khi Pukkusa đi rồi, tôn giả Ānanda ngắm nhìn đức Phật mãi, lát sau ông thốt lên:

- Thật là lạ lùng quá sức. Chiếc y kim sắc, vàng chói như mặt trời hừng đông của Pukkusa lại chợt như lu mờ trước nước da của Thế Tôn, có hy hữu không chứ!

Đức Phật gật đầu:

- Thật vậy, này Ānanda! Có hai trường hợp màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và hết sức sáng chói. Ấy là trong lần Như Lai chứng vô thượng Chánh Ðẳng Giác và trong lần Như Lai sắp diệt độ Niết-bàn... Và khắc ấy cũng cận kề, nội trong đêm nay đó thôi!

Nghe vậy, tôn giả Ānanda rơm rớm nước mắt.

Đức Phật lại bảo:

- Thôi, hãy đi! Hãy lên đường! Trời đã chiều rồi, chúng ta còn lội qua vài con sông nhỏ nữa.

Lúc dừng chân nơi con sông Kakutthā nước trong vắt, đức Phật xuống tắm, xong, ngài từ từ, chậm rãi lội bộ sang bờ bên kia. Đại chúng có người tắm rửa, uống nước, có người không.

Đức Phật trao lại y tắm cho tôn giả Ānanda giặt phơi, mặc lại tấm y khô ráo, khoác thêm tấm kim sắc, ngài đi vào một khu rừng xoài. Tại đây, đức Phật bảo tôn giả Mahā Cunda trải tấm y tăng-già-lê làm bốn rồi ngài ngồi nghỉ.(1)

Lúc tôn giả Ānanda làm công việc xong, vừa đến nơi, đức Phật ngồi dậy rồi bảo:

- Hãy đi, chúng ta còn đi qua con sông Hiraññavatī nữa mới tới Upavattana, thành phố Kusinnārā, rừng sālā của dòng họ Mallā.



(1)Hôm ấy đúng ngày rằm tháng giêng ta.

(1)Tên Pāḷi này, hòa thượng Minh Châu dịch là “một loại mộc nhĩ”. Thiền sư Nhất Hạnh dịch là “nấm chiên đàn”. Người biên soạn tra trong Pāḷi-English Dictionary, thì ghi là “Soft (tender) boar’s flesh” – nghĩa là “thịt heo rừng non mềm”. Tôi ghi ra đây tất cả để độc giả cùng tham khảo.

(1)Chỗ này, kinh Đại bát-niết-bàn ghi kệ như sau: “Ðức Phật tự đi đến.Con sông Kakutthā. Con sông chảy trong sáng. Mát lạnh và thanh tịnh. Vị Ðạo Sư mỏi mệt. Ði dần xuống mé sông. Như Lai đấng Vô Thượng. Ngự trị ở trên đời. Tắm xong, uống nước xong. Lội qua bên kia sông. Bậc Ðạo Sư đi trước. Giữa Tăng chúng Tỳ-khưu. Vừa đi vừa diễn giảng. Chánh pháp thật vi diệu. Rồi bậc Ðại Sĩ đến. Tại khu vực rừng xoài. Cho gọi vị Tỳ-khưu. Tên họ Cundaka: “Hãy gấp tư áo lại. Trải áo cho ta nằm. Nghe dạy, Cundaka. Lập tức vâng lời dạy. Gấp tư và trải áo. Một cách thật mau lẹ. Bậc Ðạo Sư nằm xuống. Thân mình thật mệt mỏi. Tại đây Cundaka. Ngồi ngay phía trước mặt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/05/2019(Xem: 15284)
Các nước phương Tây đang sống trong một thời đại bất thường: Trung Quốc trỗi dậy và uy hiếp, kinh tế khủng hoảng, nợ công cao ngất, nạn di dân đe doạ, xã hội bất bình đẳng, dân chúng nổi giận giúp đưa cho ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và đẩy Vương Quốc Anh thống nhất ra khỏi Liên Âu. Đâu là nguyên nhân cho nền kinh tế thị trường không còn vận hành hoàn hảo và giải pháp cho hệ thống dân chủ tự do đang lâm nguy? Phần một lý giải cho vấn đề này theo quan điểm của Francis Fukuyama trong tác phẩm Identity: khủng hoảng về bản sắc của các nhóm sắc tộc là nguyên nhân, đấu tranh để công nhận nhân phẩm là
04/01/2019(Xem: 110912)
“Hiểu về trái tim” là một cuốn sách khá đặc biệt, sách do một thiền sư tên là Minh Niệm viết. Với phong thái và lối hành văn gần gũi với những sinh hoạt của người Việt, Minh Niệm đã thật sự thổi hồn Việt vào cuốn sách nhỏ này. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã đưa ra 50 khái niệm trong cuộc sống vốn dĩ rất đời thường nhưng nếu suy ngẫm một chút chúng ta sẽ thấy thật sâu sắc như khổ đau là gì? Hạnh phúc là gì? Thành công, thất bại là gì?…. Đúng như tựa đề sách, sách sẽ giúp ta hiểu về trái tim, hiểu về những tâm trạng, tính cách sâu thẳm trong trái tim ta.
03/06/2018(Xem: 25114)
CHÁNH PHÁP Số 79, tháng 06.2018 NỘI DUNG SỐ NÀY:  THƯ TÒA SOẠN, trang 2  TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3  THÁNG SÁU EM VỀ HẠ CHỨA CHAN (thơ Tiểu Lục Thần Phong), trang 7  CÚNG DƯỜNG CHÁNH PHÁP (Sa môn Thích Tín Nghĩa), trang 8
03/03/2018(Xem: 27607)
CHÁNH PHÁP Số 76, tháng 03.2018 Hình bìa của Google Images NỘI DUNG SỐ NÀY: ¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2 ¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 ¨ VU VƠ, CAFÉ PALOMA (thơ Nguyễn Bá Trạc), trang 8 ¨ NỘI DUNG KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan), trang 9 ¨ ĐIỂM HẸN, MƯỢN TỪ ĐÂU (thơ NT Khánh Minh), trang 12 ¨ CŨNG LẠI LÀ TIM SEN (ĐNT Tín Nghĩa), trang 13 ¨ XUÂN ĐẠO, HƯƠNG XUÂN (thơ Chúc Hiền), trang 15 ¨ THƯ MỜI THAM DỰ LỄ HÚY NHẬT ĐLHT. THÍCH TRÍ CHƠN (TT. Thích Hải Chánh), trang 16 ¨ TÂM THƯ VẬN ĐỘNG MUA CƠ SỞ MỚI LÀM CHÙA BÁT NHà (HT. Thích Nguyên Trí) 17 ¨ ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ PHẬT GIÁO ỨNG DỤNG (Tuệ Uyển dịch), trang 18 ¨ MÙA XUÂN & CỎ HOA (thơ Mặc Phương Tử), trang 21 ¨ Ở ĐỜI VUI ĐẠO (Nguyễn Thế Đăng), trang 22 ¨ ĐÊM NGHE CHUÔNG VỌNG (thơ Huệ Trân), trang 23 ¨ MÙA XUÂN, THI CA VÀ THIỀN ĐẠO (Sakya Minh Quang), trang 24 ¨ TA ÚP MẶT (thơ Quách Thoại), trang 27 ¨ FRANCIS STORY (1910 – 1971) (H
15/12/2017(Xem: 87349)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 137468)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
22/12/2016(Xem: 28429)
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cổ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
24/04/2016(Xem: 35397)
Qua mạng Amazon.com, tôi đặt mua cuốn sách tiếng Anh “In The Buddha’s Words” của Bhikkhu Bodhi ngay sau khi xuất bản năm 2005. Đọc sơ qua phần đầu rồi để đó. Mỗi lần đi đâu, tôi mang theo để đọc từ từ vài trang, trong lúc chờ đợi, trước khi đi ngủ. Cứ thế dần dần qua năm tháng. Rồi cũng không thẩm thấu được bao nhiêu.
03/03/2016(Xem: 4853)
Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài viết ngắn phân tích hiện trạng của người nữ tu sĩ Phật giáo trên toàn thế giới. Trong suốt lịch sử nhân loại, vị trí của người phụ nữ luôn bị xếp vào hàng thứ yếu trong xã hội, và người nữ tu sĩ thì "thấp kém" hơn các nam tu sĩ trong lãnh vực tín ngưỡng. Phật giáo cũng không hoàn toàn tránh khỏi ảnh hưởng của tình trạng đó, dù rằng điều này đi ngược lại Giáo Huấn của Đức Phật. Bài này được viết cách nay đã 10 năm, trong khoảng thời gian này nhiều cải thiện đã được thực hiện, thế nhưng dường như vấn đề này vẫn còn là một đề tài nóng bỏng.
15/01/2016(Xem: 9182)
Dưới đây là phần chuyển ngữ của một bài viết trong quyển "Người phụ nữ" ("Les Femmes", nhiều tác giả, nhà xuất bản de l'Atelier, 2002), thuộc một bộ sách với chuyên đề "Các tôn giáo nghĩ gì?" (Ce qu'en pensent les religions). Tác giả bài viết này là Dominique Trotignon, nguyên tổng giám đốc Viện Nghiên Cứu Phật Học (IEB/Institut d' Etude Bouddhique) của Pháp, tu tập theo Phật giáo Theravada.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]