Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đi tu, hành trình khám phá tâm linh

11/12/201307:45(Xem: 23837)
Đi tu, hành trình khám phá tâm linh
di tu
ĐI TU

Hành Trình Khám Phá
Tâm Linh

Thiện Ý

Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc. Cho nên Ông bà mình có câu: 'Tu là cõi phúc, tình là giây oan.' Tu là cõi phúc vì mình đang tìm đường vượt cõi phiền não, khổ đau đến cõi phúc lạc, tự tại.

Trong ‘Kinh Người Áo Trắng’ do Sư ông Nhất Hạnh dịch nói về pháp tu của một người đệ tử tại gia như sau: ‘Xá Lợi Phất, thầy nên ghi nhớ rằng một người đệ tử áo trắng nếu thực tập được năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp là đã chấm dứt được sự sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và các đường dữ khác, đã chứng đạt được quả vị Tu Đà Hoàn, không còn thối đọa vào các ác pháp. Người ấy chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác và chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ.’Như vậy, đi tu là đi tìm khám phá một phương pháp hành trì để chuyển hóa tâm linh và con người mình.

Nhưng nếu tu không khéo có thể là ngược lại! Như trong kinh 'Người Bắt Rắn' của Sư ông Nhất Hạnh dịch và giải: ‘Họ cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt: khi đi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn, nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn. Người con trai hoặc con gái nhà lành khi học hỏi kinh điển cũng phải khéo léo tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi mà chỉ học với mục đíchtìm cầu giải thoát. Họ không cần trải qua những cực khổ và nhọc nhằn.

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm! Nếu mình không biết bắt rắn bằng đầu của nó, mình sẽ bị nó cắn lại. Cho nên có thể nói rằng tu là sống theo lời Phật dạy: Biết sống hạnh phúc an lạc, xa lìa phiền não, khổ đau. Chính vì vậy mà khi Phật lần đầu chuyển Pháp luân đã dạy Bốn Sự Thật Vô thượng (Tứ Thánh Đế) chỉ cho chúng ta con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Nếu chúng ta tự nhận mình đang tu mà không tìm thấy an lạc, như vậy là mình đang tu sai đường, không đúng như chánh pháp Phật đã dạy. Đừng để những ngộ nhận giáo lý hay lời Phật dạy là quả vị chứng đắc, nên nhớ đó chỉ là 'cái bè giáo lý' đưa mình sang bờ giác ngộ. Phật dạy 'Nhất thiết tu-đa-la như tu chỉ nguyệt,' nghĩa là tất cả các lời Phật dạy, hay kinh tạng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng mới chính là mục tiêu để giác ngộ. Các pháp môn, kinh điển chỉ là ngón tay chỉ hướng cho chúng ta mà thôi! Nếu chúng ta ngộ nhận ngón tay là mặt trăng thì sẽ hối tiếc khôn nguôi!

Thế còn các pháp môn thì sao? Pháp môn là những phương pháp hành trì nếu chúng ta chọn một pháp môn thích hợp với mình thì việc tu học sẽ có tiến bộ. Pháp môn là phương pháp, là chìa khoá để mở cánh cửa tâm linh của mình. Để tìm ra đúng chìa khóa để mở cửa, chúng ta phải thử nghiệm hành trì. Dùng trí tuệ để quán chiếu, soi sáng những thành quả đạt được qua công phu tu tập. Nếu thấy có tiến bộ, như vậy là mình đã tìm ra đúng chiếc chìa khóa cho tâm linh mình; bằng không mình phải tiếp tục tìm kiếm và thử nghiệm. Như pháp môn Tịnh độ hay còn gọi là Pháp môn Niệm Phật, Tịnh độ không chỉ là một cảnh giới mà còn là một trạng thái của tâm. Cho nên xưa chư Tổ có dạy 'Duy tâm Tịnh độ' hay 'Cực lạc hiện tiền', có nghĩa là Tịnh độ đến từ tâm và Cực lạc không phải đợi vãng sanh mới có, mà hiện diện ngay trong phút giây này! Nếu chúng ta thực tập pháp môn này mà tâm mình vẫn còn phiền não, sân hận thì rõ ràng chúng ta hoặc là đã thực tập sai, hay là đã chọn không đúng pháp môn, không đúng chìa khóa.

Trong giáo nghĩa Tứ tất đàn - Bốn tiêu chuẩn giáo hóa được thành tựu, Phật dạy các pháp môn tùy theo căn cơ của chúng sinh, như tùy bệnh mà cho thuốc. Do vậy, việc tu tập cần phải dụng tâm, quán xét mỗi khi hành trì để tìm đúng phương pháp chính đáng cho mình, không nên quá cố chấp vì chính sự hiểu biết của mình cũng phải trải qua những thay đổi tùy theo mức độ hành trì, thử nghiệm của mình. Do đó, chúng ta phải nắm cho được cái ‘tùy duyên bất biến và bất biến tùy duyên’ ở trong đạo Phật. Nói đến việc tùy bệnh cho thuốc, có nghĩa là đức Phật muốn chúng ta sau khi thử qua phương thuốc chữa trị của Ngài, mình phải cảm thấy kết quả của việc 'uống' thuốc đó.

Cho nên Phật dạy: Tu tập đúng chánh pháp sẽ thành tựu được 'hiện pháp lạc trú,' nghĩa là mình sẽ tìm thấy an lạc, hạnh phúc ngay trong lúc hành trì, không phải chờ đợi về sau. Trong thời Phật còn tại thế, Ngài đã quở trách một số thầy có quan niệm là tu tập để có quả tốt về sau, cũng như một số giáo sĩ ngoai đạo đến hỏi Ngài về việc này. Phương pháp thực hành 'hiện pháp lạc trú' mà các nhà Phật học trình bày trong nhiều sách báo, tạp chí Phật giáo là tinh thần Phật dạytrong “Kinh Tương Ưng Bộ,” phẩm Cây Lau, Kinh Rừng Núi do HT. Minh Châu dịch:

Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu.

Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành.

Cũng với nội dung này, sau đó đến “Kinh Trung Bộ” Kinh Nhứt Dạ Hiền Giả (Bhaddekarattasuttam) cũng có bài kệ:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập.

'Chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính ở đây!' cho chúng ta thấy hoa trái, kết quả của việc đi tu không phải là một sự mong chờ, hy vọng viển vông, mà là một sự gặt hái cụ thể, ngay trong hiện tại! Không những thế, quả hiện tại vui còn mang chúng ta đến một tương lai vui. Như Trong “Kinh Trung Bộ” Phẩm Ðại / Tiểu kinh pháp hành, do HT. Minh Châu dịch:

Hiện tại vui, sau vui
Là từ bỏ 10 ác
Với tâm trạng hân hoan
Chết sinh vào cõi lành
Như thuốc ngon lại bổ.
Lại như mặt trời lên
Tan mây mù hắc ám
Pháp hành hiện tại lạc
Quả tương lai cũng vui
Do Như Lai giảng dạy
Phá tan mọi tà thuyết.

Tất nhiên để thụ hưởng được sự an lạc nầy, chúng ta phải thay đổi cách sống và cư xử hàng ngày. Những thói quen, tập khí cũ đưa ta đến khổ đau phải được cắt đứt, đình chỉ. Mình giống như con kén đang từ từ lột xác để hóa thành con bướm đẹp đẻ rực rỡ! Chính trong quá trình chuyển hóa, lột xác này chúng ta mới cảm nghiệm sâu sắc được pháp môn an lạc ngay trong hiện tại. Như Sơ Tổ Trúc Lâm Vua Trần Nhân Tông (1258- 1308) trong bài phú Cư trần lạc đạo:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền!
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền!)
(HT.Thanh Từ dịch)
Vậy hành trình khám phá tâm linh là con đường đi tu để thoát khổ. Chúng ta có thể tìm thấy trong tất cả các kinh tạng. Phật luôn luôn nói về mục đích của đạo Phật là giải thoát mọi đau khổ, vì vậy các pháp môn được thiết lập, mọi nỗ lực tu tập đều hướng về mục tiêu ấy. Mà hễ hết khổ là vui, là hạnh phúc! Tóm lại, đi tu là nhìn lại những đầu mối gây đau khổ mà do chính mình đã tạo ra trong quá khứ, hay trong hiện tại. Và, lần lần tháo gỡ (chuyển hóa) những mối gút mắc, hay thay đổi cách sống, thái độ. Nếu mình chỉ chờ đợi một cơ may nào đó xảy đến để mình có hạnh phúc là một sự mơ tưởng viễn vông, không đúng chánh pháp như Phật đã dạy. Một người đi tu có chánh kiến là biết mình phải chọn một pháp môn thích hợp và ra công hành trì để chuyển hóa chính mình. Nếu không ‘nằm chờ sung rụng’ thì biết ngày nào có được an lạc thật sự.

San Jose, tháng 10 ngày Lễ Halloween
Thiện Ý
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 7454)
Đạo Phật là đạo của bình đẳng. Phật nói " Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật tử sẽ thành." Bởi thế, theo lời khẩn cầu của tôn giả A Nan, Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề là con thứ ba của A Noa của thích Ca vương, vua thành Thiện Tý, nước Kosala. Bà cũng là em gái của bà Ma Da phu nhân, là di mẩu của Phật Thích Ca. Con của bà là Nan Đà. Tuy nhiên tình thương của bà dành cho Tất Đạt Đa nhiều hơn.
09/04/2013(Xem: 3728)
Cuộc đời và tiểu sử Bà Maha Pajapati Gotami, sự xuất gia của bà và sau đó sự thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni (Bhikkhuni) là một trong những mẫu chuyện sáng chói và hấp dẫn nhất trong văn học Phật Giáo. Nó biểu lộ cùng lúc trí tuệ thấy xa và lòng nhân đạo của Đức Phật Đại Từ Đại Bi. Hơn nữa nó cho thấy đến mức nào năng lực hùng mạnh của sự quyết tâm bất khuất, bất thối chuyển và lòng quả cảm của một thiếu phụ có thể gieo ảnh hưởng đến xã hội đương thời.
09/04/2013(Xem: 3855)
Đức Phật Siddhattha Gotama đang ngự trong thành Savatthi (Sravasti, Xá Vệ), Ấn Độ, tại Kỳ Viện Tịnh Xá của Trưởng Giả Anathapindika, Cấp Cô Độc. Vào lúc ấy Đại Đức Ananda, vị đệ tử trung kiên và là thị giả chuyên cần nhất của Đức Bổn Sư cũng ngụ tại ngôi tự viện ấy. Ngày nọ, như thường lệ, Trưởng Lão Ananda y phục chỉnh tề, tay ôm bình bát, chân thong dong đều đặn từng bước, và mắt nhìn xuống, đi vào thành Savatthi.
09/04/2013(Xem: 3785)
Quan niệm về quyền lợi phụ nữ xưa nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trên bình diện đạo đức xã hội. Sự ra đời cụm từ ‘quyền lợi phụ nữ’ (women’s rights) hàm ý người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới. Cụm từ này có thể đã dẫn đến sự hình thành nhiều phong trào tích cực trong lịch sử phát triển xã hội.
09/04/2013(Xem: 5270)
Trong bài viết này, dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tôi sẽ trình bày khái quát về hiện thực Phật giáo Việt Nam và vai trò của ni giới Việt Nam ngày nay. Phần thứ nhất là giới thiệu về Phật giáo Việt Nam. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có 3 truyền thống lớn: Bắc tông (Mahayàna), Nam tông (Theravada), và Khất sĩ. Tuy hình thức sinh hoạt khác nhau, nhưng cả 3 truyền thống này đều có tăng ni tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam; và vai trò của Ni giới Việt Nam đã được thể hiện cụ thể trên nền tảng của tổ chức Phật giáo duy nhất này.
09/04/2013(Xem: 5205)
Giới thiệu : Bài này được trích từ tuyển tập những bài tham luận đọc tại các Hội Nghị Quốc Tế do Hội Ni Giới Phật Giáo Quốc Tế Sakyadhita tổ chức, nhan đề “ Bước Ra Khỏi Bóng Tối: Ni Giới Dấn Thân vào Xã Hội” (Out of the Shadows: Socially Engaged Buddhist Women), đo Ni Sư Karma Lekse Tsomo xuất bản năm 2006.
08/04/2013(Xem: 7513)
Từ lâu Ni giới có một vị trí thấp trong Xã Hội Campuchia, dường như họ không được thừa nhận và hoàn toàn bị lưu mờ bởi Tăng giới Phật giáo trong xứ sở này. Hầu hết các nữ tu không được học hành và không được tiếp nhận bất cứ một giáo dục Phật học nào. Hình ảnh đoàn thể của họ bị mang tiếng xấu bởi một số cá nhân đi khất thực trái phép.
08/04/2013(Xem: 3786)
Vai trò và vị trí của nữ giới và nam giới trong xã hội thường được ấn định khác nhau trong các vùng văn hóa khác nhau. Vì các lý do chính trị, xã hội hay tôn giáo, từ xưa nam giới thường được đề cao, nữ giới thì giữ một vị trí khiêm tốn hơn, có nơi bị xem nhẹ, như ở các xã hội chủ trương "đa thê", "phụ thê", "nam nhất viết hữu, nữ thập viết vô", phụ nữ ra đường phải che mặt, chỉ đảm nhiệm công việc gia đình, hay phải chịu tổn phí cưới hỏi.... Thậm chí thiếu mất quyền làm chủ gia đình và quyền lợi về giáo dục.
08/04/2013(Xem: 3552)
Ni sư Houn Jiyu Kennett, người khai sơn và làm Ni trưởng ni viện Shasta ở bang California, Hoa Kỳ, là một trong những nữ tu theo PG đầu tiên ở phương Tây. Trong 30 năm hoằng pháp tại Hoa Kỳ, bà đã đem lại lợi lạc cho người dân ở xứ sở này qua việc thuyết giảng, viết sách báo... Các tác phẩm đáng chú ý nhất của bà là "Con ngỗng trắng hoang dã" (The wild white Goose), xuất bản năm 1977 và tái bản năm 1978 ; và "Dòng sông bán nước" (Selling water by the river) in năm 1972, đến năm 1978, quyển sách này được tái bản với tựa đề mới là "Thiền là đời sống vĩnh hằng" (Zen is Eternal life). Đây là những cuốn sách rất được các thiền sinh phương Tây ưa chuộng. Tuy nhiên, trong thời gian hoằng pháp tại các nước phương Tây, bà đã tự mình tách khỏi các tông phái thiền khác ở Mỹ và cả ở Nhật Bản.
08/04/2013(Xem: 7369)
Một học giả Phật giáo, dịch giả và tác giả người Hoa Kỳ, cô Besty Napper đã từ bỏ công việc dạy học của mình ở Đại học đường Stanford vào năm 1990 để đến làm việc tại Dharamsala - Ấn Độ, giúp đỡ sư bà Rinchen Khadro, điều hành một kế hoạch xây dựng một ni viện và một trường Phật học cho ni giới Tây Tạng. "Tôi có cái may mắn mà người phụ nữ Tây Tạng không có được", cô đã trả lời phỏng vấn với sư cô Robina Courtin vào tháng sáu trong chuyến đi ngắn trở lại Hoa Kỳ để in lịch Tây Tạng năm 1996.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]