Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Về Thăm Lại Đức Vua Seniya Bimbisāra

26/10/201309:32(Xem: 28148)
01. Về Thăm Lại Đức Vua Seniya Bimbisāra
Mot cuoc doi bia 02

QUYỂN 2

01. Về Thăm Lại Đức Vua
Seniya Bimbisāra




Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm, mỗi nhóm chừng vài ba mươi người để đi độ thực rải rác các thôn làng. Vì đều là các bậc thánh nhân, ai cũng tỉnh giác, chánh niệm nên việc đến, việc đi, tá túc qua đêm chỗ này, chỗ kia đều sạch sẽ, tươm tất, không làm phiền đến ai, không làm tổn hại đến cả gốc cây ngọn cỏ. Tuy nhiên, đến ngày thứ năm, lúc gặp nhau tại một thung lũng, cách kinh thành chừng một do tuần, đức Phật còn giáo giới thêm rằng:

- Nầy các thầy tỳ-khưu! Chúng ta sắp đi vào kinh đô của một vương quốc giàu mạnh. Giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ và tuyên thuyết các thầy đã thấu hiểu, đã chứng nghiệm; và bây giờ, giáo pháp ấy đang và sẽ bắt đầu đi vào cuộc đời, đi vào lòng người. Nhân dân kinh thành Rājagaha và đức vua Seniya Bimbisāra cảm nhận về giáo pháp ấy như thế nào là tùy thuộc vào các thầy, tùy thuộc vào ngôn ngữ, khẩu giáo, tùy thuộc vào uy nghi, cốt cách, phong thái của các thầy! Như Lai nói ít nhưng các thầy sẽ hiểu nhiều! Hãy trân trọng!

Thế rồi, các nhóm tuần tự lên đường. Họ thâm hiểu lời dạy của đức Thế Tôn. Tôn giả Uruvelā-Kassapa có kiến thức khá thấu đáo về tình hình địa lý cũng như tình hình xã hội kinh thành Rājagaha, đã bàn với hai em và các đệ tử trưởng là nên tụ họp ở khu Rừng Kè có đền thờ Suppatittha cho đức Phật nghỉ ngơi tại phía tây nam kinh thành; là nơi rộng rãi, mát mẻ, không gần mà cũng không xa thành phố, ban đêm và ban ngày đều không bị sự ồn ào quấy nhiễu.

Hôm sau, cả kinh thành như bừng sáng lên, và xôn xao bàn tán về một ngàn vị khất sĩ áo vàng trang nghiêm, thanh tịnh đi qua cửa mọi nhà không phân biệt giai cấp, quý tiện, giàu nghèo. Khi nhận được chút ít vật thực, họ chỉ mỉm cười rất kín đáo rồi đọc nhỏ một lời kinh phúc chúc, không gật đầu và cũng chẳng cảm ơn ai cả! Họ cũng không nhận vàng, bạc, chỉ thọ những vật nấu chín... Thế rồi, đức vua Seniya Bimbisāra được các quan trình tấu rằng: “Sa-môn Gotama, nam tử dòng Sākya, sau sáu năm khổ hạnh, bây giờ tự xưng mình là Phật, là bậc Chánh Đẳng Giác hiện lãnh đạo một giáo đoàn có cả ngàn khất sĩ áo vàng đang tràn ngập kinh đô Rājagaha!” Nghe tin, đức vua Seniya Bimbisāra chợt nghe một niềm vui lạ lùng bừng bừng trong huyết quản; và ông biết ngay đấy là ai! “ Đúng rồi! Đức vua nghĩ - Chỉ có người ấy, vị ấy, chàng trai anh tuấn, đẹp đẽ, quý phái ấy, sau nhiều năm lang thang tầm đạo, bây giờ đã chứng đạt được cái gì đó rất tối thượng, hiện đang đến kinh thành của ta đúng như lời hứa thuở trước!” Tức tốc, đức vua tụ họp ngay một số quan đại thần kỳ lão thân tín, hằng trăm bà-la-môn và nhân sĩ trí thức uyên bác, các gia chủ danh gia vọng tộc cùng với đông đảo tùy tùng, vệ binh... rầm rộ lên xe ngựa đến khu Rừng Kè để thăm viếng cố nhân!

Tại chỗ phải lẽ, đức vua cho xe ngựa dừng lại rồi cùng với tùy tùng đi bộ vào, là thái độ kính trọng cần thiết, đã trở thành mỹ tục của quốc độ khi đức vua đi đến tham yết một vị đạo sư, một bậc giáo chủ uy danh! Biết tin đức vua đến, một người được xem là bạn cũ, một nhân vật quan trọng cho sự phát triển của giáo pháp sau này, đức Phật đã chuẩn bị sự đón tiếp: Một ngàn lẻ hai vị tỳ-khưu tự động ngồi trang nghiêm, lặng lẽ thành nhiều vòng bán nguyệt trên một khu đất rộng, còn đích thân ngài cùng với tôn giả Uruvelā-Kassapa đi bộ ra bìa rừng.

Khi thấy đức Phật và tôn giả Uruvelā-Kassapa đi gần đến nơi, đức vua đã nhận ra ngay ngài cùng một vị sa-môn già lão, đạo mạo khả kính; nhưng lại chợt đâm ra hồ nghi, chẳng rõ ai là người lãnh đạo giáo đoàn? Các quan đại thần và rất đông nhân sĩ trí thức đã nhận ra vị giáo chủ thờ thần lửa nổi tiếng bấy lâu nay bây giờ đã đổi phục sức, tướng mạo; chắc vị trưởng lão này là thầy của vị sa-môn trẻ trung kia!

Nhờ tha tâm thông, đức Phật đọc được sự suy nghĩ của đức vua và tùy tùng nên ngài quay sang hỏi tôn giả Uruvelā-Kassapa:

- Nầy hiền giả Uruvelā-Kassapa! Trước đây ông là giáo chủ thờ thần lửa, nay vì lý do gì mà ông lại từ bỏ sự thờ cúng ấy?

Biết được dụng ý câu hỏi của đức Phật và cũng muốn giải tan sự nghi ngờ của mọi người, tôn giả Uruvelā-Kassapa chấp tay cung kính trả lời:

- Bạch đức Thế Tôn! Tất cả mọi loại tế đàn đều vô ích và phù phiếm! Tất cả mọi loại tế đàn đều đưa đến dục lạc và phiền não chứ không thể đưa đến an vui và thanh tịnh! Vì biết rõ, thấy rõ như vậy nên đệ tử đã từ bỏ việc tế thần lửa!

- Vậy sau khi từ bỏ các loại tế đàn, ông tìm kiếm an vui và thanh tịnh ở đâu?

- Chính là nhờ vào giáo pháp của đức Thế Tôn! Chính nhờ giáo pháp bất tử ấy mà đệ tử đã thoát ly tất cả mọi chấp thủ ở bên trong hay bên ngoài, ở nhân giới cũng như thiên giới. Hiện giờ, tâm trí đệ tử đã đạt được sự an vui và thanh tịnh của Niết-bàn!

Nói như thế xong, tôn giả Uruvelā-Kassapa quỳ xuống và đảnh lễ ba lần sát chân đức Phật rồi tuyên bố ba lần: “Đức Thế Tôn là đạo sư của con! Con là đệ tử của ngài!” Dường như thấy vậy cũng chưa đủ để tuyên dương về đức Phật và đức Pháp; tôn giả còn hiển lộng thần thông, bay lên hư không cao một tầm cây thốt nốt rồi trở xuống quỳ lạy y chỗ cũ; lần thứ hai bay lên hư không cao hai tầm cây thốt nốt... đến lần thứ bảy cao bảy tầm cây thốt nốt đều được lặp lại như vậy...

Cách đảnh lễ ngoạn mục và sự quy ngưỡng vô cùng tôn kính của tôn giả Uruvelā-Kassapa đối với đức Phật - không những xóa tan mọi nghi ngờ, không những xác định vị trí lãnh đạo tinh thần tối thắng của đức Phật - mà còn tạo một ấn tượng sâu đậm trong tâm trí của đức vua và tùy tùng: Cái vị được gọi là Phật ấy phải là người có trí tuệ và uy đức như thế nào; cái giáo pháp mà vị ấy chứng ngộ là giáo pháp ra sao mà làm cho vị tôn túc trưởng lão kia, là giáo chủ có địa vị lớn, có danh vọng lớn phải thần phục, quy phục và quỳ lạy như thế?

Bây giờ mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía đức Phật. Họ thầm lặng chiêm ngưỡng. Họ giữ gìn sự yên lặng trong mỗi bước chân đi. Khi vào đến nơi, giữa Rừng Kè, nhìn cả ngàn vị sa-môn như một rừng đại định, họ cảm nhận một uy lực vô hình bắt họ phải thu thúc, giữ gìn thân khẩu ý!

Đức Phật mời đức vua và tùy tùng ngồi vào những nơi phải lẽ, rồi ngài chậm rãi, đoan nghi ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Ba tôn giả Kassapa ngồi hầu sau lưng như ba trưởng lão hộ pháp!

Đức Phật nói vài lời thăm hỏi sức khỏe của đức vua, cảm kích sự viếng thăm của đức vua và quần thần, sau đó giới thiệu ba anh em tôn giả Kassapa cùng một ngàn đồ chúng của họ, bây giờ đều là bậc thánh nhân vô lậu đang ở trong giáo pháp của ngài!

Đức vua Seniya Bimbisāra như chìm ngợp trong không gian tịnh định, bây giờ mới tỉnh lại, nói lời tri ân đức Phật đã nhớ lời hứa xưa đến thăm quốc độ của ông; và cả kinh thành này sẽ cung nghinh đức Phật và giáo đoàn như đón tiếp những bậc quốc khách! Đức vua cũng không quên giới thiệu các vị lão thần, các quan đại thần, các nhân sĩ trí thức đều là thành phần chủ chốt, cốt cán, quan trọng đang phụ tá, tham mưu triều chính về mọi lãnh vực tương thuộc cho ông. Và cuối cùng, đức vua có ước nguyện rằng, giáo pháp mà đức Phật đã chứng ngộ sẽ đem đến sự hạnh phúc và an vui cho chúng sanh, cho nhiều người trong quốc độ xinh đẹp nầy...

Biết là thời khắc phải lẽ, đức Phật thuyết một thời pháp, ngài nói về những pháp tuần tự (thuận thứ). Đầu tiên, ngài nói về những tạo tác sai lầm từ thân khẩu ý sẽ đưa đến những quả báo đau khổ như thế nào. Ngài hướng dẫn một đời sống trong sáng và lành mạnh bằng cách giữ gìn thân khẩu ý qua những giới điều cần phải thọ trì, những phương pháp định tâm cần phải tu tập. Hạnh phúc và an vui ở cõi người được quyết định bởi sự chu toàn các bổn phận tại thế. Ai cũng phải có những nghĩa vụ cần phải hoàn thành, những trách nhiệm liên đới cần phải gánh vác. Về vua tôi, cha con, chồng vợ, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu, làng xóm, quốc độ... đều có những khu xử phải lẽ, nhất định của đạo làm người. Phải biết tin tưởng vào các giá trị tinh thần thiêng liêng, vào Như Lai, giáo pháp của Như Lai cùng tăng đoàn thánh hạnh của Như Lai (tín); phải sống đời có giới hạnh (giới), phải biết nghe những điều hay, lẽ phải, nhất là biết học hỏi giáo pháp của đạo giác ngộ nơi các bậc sa-môn chân chính (văn); phải biết cung kính, cúng dường Tam Bảo; tế độ, giúp đỡ những kẻ đói nghèo, hoạn nạn, tai ương, hoàn cảnh bất hạnh (thí); phải có trí tuệ biết lánh xa điều ác, làm các việc lành; phải thường trực sáng suốt và tỉnh thức trên lộ trình hướng thiện và hướng thượng (tuệ)... Đức Phật còn nói khá nhiều về bản chất của cuộc đời như những sự thật phổ quát cần phải được thấy đúng, hiểu đúng. Dukkha chính là sự thật phổ quát ấy! Đừng vì dục lạc, sân si và tham vọng mù quáng mà đánh mất những tỉnh niệm, giác niệm hằng ngày! Đấy là sự sai lầm. Và chính sự sai lầm này làm cho dukkha chồng chất lên dukkha mà tạo nên khổ đau vô cùng tận. Đạo của Như Lai là đạo tỉnh thức, đạo giác ngộ - nên đạo ấy cần phải được thức tri, liễu tri, giác tri, minh tri tất thảy nguyên nhân của dukkha để tìm cách làm cho yên lặng chúng, chấm dứt chúng, đoạn diệt chúng! Tất cả nỗi khổ của trần gian, đời này và đời kia đều do con người tạo tác, tạo tác bởi sai lầm thì chính con người phải tìm cách xử lý, giải quyết lấy bằng sự đúng đắn của thân khẩu ý để điều chỉnh nó, hoàn thiện nó; không có vị thần linh, thượng đế nào xen dự vào đấy cả. Thấy đúng đưa đến suy nghĩ đúng, hành động đúng! Và đạo lộ ấy, Bát chánh đạo, Như Lai đã tìm ra, đã chứng ngộ; và giáo đoàn của Như Lai cũng đang trên con đường ấy mà tìm thấy niềm hạnh phúc siêu thế... Tuy nhiên, hạnh phúc siêu thế ấy không ở đâu xa, không ở ngoài trái đất, không ở trên hư vô! Đừng đi ra ngoài thế gian, mà cũng đừng tìm kiếm lông rùa, sừng thỏ! Nó ở đây và bây giờ, nơi Như Lai và ở nơi hội chúng của Như Lai, đang ở đây, truớc mặt chư vị! Nó như mặt trời lên thì bóng đêm tự lui! Nó như ánh nắng dọi đến thì mù sương tan! Nó như mây vẹt thì trăng tỏ! Nó như mắt lành thì hoa đốm hết! Minh nhiên! Tự nhiên! Rỗng lặng! Chẳng có cái gì bớt mà cũng chẳng có cái gì thêm! Chỉ cần chúng ta thấy đúng như chân lý và sống đúng như chân lý trong từng bước đi, trong từng hơi thở, trong từng khởi niệm - thì chúng ta đã tự giải quyết được bài toán sinh tử trần ai, luân hồi khổ đau muôn vạn kiếp...

Từng lời, từng chữ của đức Thế Tôn như thấm vào tâm trí và tim gan của hội chúng. Đức vua Seniya Bimbisāra càng nghe thì trí càng bừng sáng, tâm càng rộng mở. Sự điều chỉnh bản thân đã có câu trả lời. Sự hạnh phúc và an vui cho mọi người đã có lời giải. Lộ trình hướng thiện và hướng thượng đã chợt trở nên thênh thang trước tầm mắt. Sung sướng quá, đức vua quỳ xuống, năm vóc sát đất, đảnh lễ đôi chân trần có một ngàn căm bánh xe của đức Thế Tôn:

- Bạch đức Thế Tôn! Thuở trước, hồi còn là một tiểu vương tử, đệ tử có năm điều nguyện ước. Ước nguyện thứ nhất là được kế vị ngôi vua! Ước nguyện thứ hai là được một vị Phật, một đức Chánh Đẳng Giác đến viếng thăm quốc độ của mình! Ước nguyện thứ ba là được có duyên lành diện kiến, kính ngưỡng, đón tiếp đức Chánh Đẳng Giác ấy! Ước nguyện thứ tư là được đức Giác Ngộ ấy giảng dạy chánh pháp! Ước nguyện thứ năm là có thể thông hiểu được giáo pháp mà vị ấy đã tuyên thuyết! Kính bạch đức Thế Tôn, mầu nhiệm làm sao, hiện nay cả năm điều nguyện ước xưa kia đều đã được thành tựu viên mãn. Ôi! Giáo pháp bất tử đã được đức Thế Tôn khéo giảng nói bằng nhiều cách khác nhau, rất là sáng tỏ, rất là thiêng liêng! Ví như Người đã dựng lên cái gì đã bị quăng ngã xuống! Ví như Người đã ân cần chỉ đường cho kẻ lạc lối! Ví như Người đã đem một ngọn đèn vào nơi tối tăm để ai có mắt có thể trông thấy hình sắc mọi vật! Cũng vậy, đức Thế Tôn đã thuyết giảng chánh pháp với nhiều phương tiện thiện xảo, với nhiều ví dụ, hình ảnh sống động, cụ thể, với nhiều ẩn dụ sâu nhiệm dành cho kẻ trí nghe, tức khắc được chuyển hóa! Bạch đức Thế Tôn! Nay đệ tử xin nương tựa nơi đức Thế Tôn, nương tựa nơi Giáo pháp, nương tựa nơi Tăng đoàn thánh hạnh này! Xin đức Thế Tôn nhận cho đệ tử được làm một cận sự nam từ nay cho đến trọn đời!

Đức vua Seniya Bimbisāra vừa tác bạch xong tâm nguyện thì cả phái đoàn tùy tùng đồng quỳ xuống và đều xin được quy y, xin được làm đệ tử. Đức Phật mỉm cười, ngài biết là họ đã có bất động tâm, đã bước chân vào đạo lộ an vui (Nhập lưu) nên bảo tôn giả Uruvelā-Kassapa hướng dẫn cho nhà vua, quần thần và tùy tùng đọc ba lần tam quy. Lời phát nguyện đồng tâm, đồng trí của mấy trăm người như rúng động cả rừng cây, vang vang giữa hư không! Sau đó, nhà vua thỉnh cầu đức Phật và tăng chúng quang lâm đến thọ trai ở hoàng cung vào ngày hôm sau. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng.

Sáng ngày, lúc bình minh rạng, với y bát trang nghiêm, đức Phật dẫn đầu, sau lưng là ba anh em tôn giả Kassapa cùng một ngàn vị tỳ-khưu lậu hoặc đã tận từ từ, chậm rãi bộ hành hướng đến hoàng cung của đức vua Seniya Bimbisāra. Vì là đi hàng một nên đoàn sa-môn như một con rồng vàng khổng lồ uốn lượn dài cả một phần mười do-tuần. Các thôn làng ngoại ô vừa khuất sau lưng, qua khỏi cổng thành nam thì đường phố đã hiện ra. Có lẽ sự nghinh đón đức Phật và giáo đoàn sa-môn của đức vua tối cao đã được thông báo từ chiều qua nên cả kinh thành như vào ngày hội lớn. Đường sá đã được dọn dẹp sạch sẽ, quang đãng. Đèn treo hoa kết khắp mọi nơi. Hương trầm, hương chiên-đàn thơm thoảng giữa không gian. Người người chầu chực trước cửa mọi nhà. Rồi chỉ trong chốc lát, hàng ngàn, hàng ngàn người lũ lượt từ đâu đó đổ về đông nghẹt các lối đi! Có lẽ thông tin về đức Phật có tướng hảo quang minh và cả ngàn vị sa-môn trang nghiêm thánh hạnh đã tràn qua tai nhân dân thủ đô nên ai ai cũng tò mò, ai ai cũng muốn chiêm ngưỡng! Đến một ngã tư đường, lối rẽ phải đi vào hoàng cung thì đức Phật phải dừng lại vì đoàn người đã chặn bít...

Đúng lúc ấy thì một thanh niên xuất hiện. Với phục sức y mão cao sang vương giả. Với dung nhan cực kỳ tuấn tú, mỹ lệ. Như một vị thiên thần. Như vua của các vì vua. Thanh niên cúi đầu nghiêm cung đảnh lễ đức Phật, cầm trên tay cây đàn Balūva nhiều dây rồi bắt đầu cất tiếng hát. Ôi! tiếng hát của chàng! Ôi! những ngón tay kỳ diệu của chàng! Âm nhạc và lời ca đâu tự cung trời thánh thót rơi xuống, đổ tràn khắp cả hư không! Cả rừng người bỗng yên lặng! Cả rừng người không một máy động. Cả rừng người như chìm ngập trong thanh điệu, cung bậc lạ lùng! Tất cả như mê man. Tất cả chỉ còn tiếng hát và ca từ phiếu diễu, mênh mang, vô tận...

“- Hôm nay giữa đất trời thanh hương tú lệ

Tại kinh thành của đức vua hiền thiện, anh minh

Chuẩn bị hoa hương và lễ phẩm cung nghinh

Đức Giác Ngộ và một ngàn sa-môn thánh chúng

Đức Phật ấy có hào quang xán lạn

Có ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp

Hãy hát lên, hãy tụng ca đạo lộ vô thượng của Người

Hãy hát lên, hãy tụng ca công đức sáng ngời

Trong tam giới không có ai bì được

Người đã giải thoát luân hồi sinh tử

Người đã lên đường với chân trần, gót bụi độ sinh

Người với bi mẫn, từ tâm giáo hóa chúng hữu tình...”

Chàng thanh niên bước đi, chậm rãi, thong dong, vô sự. Vừa đi vừa gảy đàn vừa hát. Cả rừng người chợt chuyển động. Thanh niên bước sang một lối khác. Cả rừng người như bị hấp lực tự phát bị cuốn hút theo! Chàng thanh niên ấy, chính là thiên chủ Sakka hóa thân đang còn hát nữa. Chàng hát:

“- Thật là duyên lành hy hữu

Chúng ta mới làm được đệ tử của Người!

Thật là hạnh phúc làm sao

Khi chúng ta bước theo dấu chân của đức Tự Tại

Bước theo con đường xuân thắm hoa hương

Bước theo con đường trí tuệ và tình thương

Vô cùng vinh quang và vô cùng chiếu diệu...”

Khi đã tách được rừng người đi ra xa, khi đức Phật và Tăng chúng đã bước vào cổng hoàng cung, thiên chủ Sakka mới ngưng hát, ôm đàn biến mất, tức khắc xuất hiện ngay trước mặt đức Phật, cung kính đảnh lễ ngài rồi trở về thiên giới.

Đức vua Seniya Bimbisāra, hoàng hậu Videhi (Kosaladevi, em vua Kosala), quý phi Khemā, hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế) và cả hằng ngàn quần thần, nhân sĩ... đồng đi chân đất một cách trân trọng ra tận ngọ môn để cung nghinh đức Phật và giáo đoàn.

Cuộc đón tiếp cực kỳ trân trọng được thiết trí tại điện chầu rộng thênh thang. Toàn bộ mặt bằng sân đá đều được lót thảm nhung đỏ viền kim tuyến. Chỗ ngồi đều được sắp đặt dưới những căn lều vải, gấm vóc, lụa là màu sắc rực rỡ. Đèn, cờ, phướn đủ loại mắc võng, giăng hàng đầy khắp hoa viên, các lối đi. Những thảm hoa, những chậu hoa, những cây hoa chỉ trong một đêm mà được quy tụ về, trần thiết để đón tiếp bậc Vô Thượng.

Bảo tọa của đức Tôn Sư được tôn trí ở điểm trung ương, ba bảo tọa của ba tôn giả Kassapa cạnh sau lưng đức Phật, sau nữa là cả ngàn bảo tọa thấp hơn, mấy chục hàng kế tục dành cho một ngàn sa-môn tăng đoàn. Trước mặt là sân lộ thiên dành cho những nhân vật, quan khách của hoàng cung...

Đức Phật dừng lại cho người hầu dâng nước rửa chân, rửa tay trong cái thau bằng vàng rồi lau sạch bằng khăn thơm. Cả một ngàn lẻ ba vị tỳ-khưu đều được đón tiếp quý trọng như thế. Khi đức Phật và tăng chúng an tọa, nhà vua quỳ lạy ba lần rồi tác bạch lý do cuộc đặt bát cúng dường, là hạnh phúc của đức vua và hoàng gia, hạnh phúc cho quần thần và nhân dân cả nước. Quốc độ Māgadha giàu mạnh, tài sản lúa gạo sung túc, đời sống nhân dân no đủ... nhưng muốn có được hạnh phúc an vui thì phải biết sống theo chánh pháp, nương tựa vào chánh pháp. Vậy xin đức Thế Tôn và tăng chúng hoan hỷ chứng minh cho lòng thành của chúng đệ tử...

Sau lời thưa trình xong, tự thân đức vua bưng mâm vật thực trong cái khay bằng ngọc, sớt thức ăn loại cứng loại mềm thượng vị vào bát cho đức Tôn Sư. Hoàng hậu, quý phi, các vị công nương, Hoàng tử quốc thích, cung nga thể nữ, tỳ nữ, người hầu... lần lượt bưng những mâm vàng, mâm bạc vật thực dâng cúng đến chư vị tỳ-khưu tăng.

Đức Phật và tăng chúng đọc lời kinh ngắn có ý nghĩa quán tưởng và phúc chúc sau đó thọ thực trong lặng lẽ. Đức vua, hoàng gia, bá quan triều thần... ai cũng có phần của mình, họ cũng đều thọ thực trong lặng lẽ. Đây là lần thứ nhất trong đời, ai cũng cảm nhận được một cái gì rất an tịnh, siêu thoát và rất thiêng liêng toát ra nơi uy lực của đức Phật và Thánh chúng.

Thọ thực xong, nước và tăm xỉa răng đã dùng rồi, bát đã được người hầu mang đi rửa sạch, lau chùi khô ráo, dâng trả lại; đức Phật bắt đầu cất giọng phạm âm như tiếng chuông đồng vang xa nhiếp phục cả hội chúng mấy ngàn người. Ngài chỉ nói về tam quy và ngũ giới là điều kiện căn bản, tất yếu, cần yếu để ngăn việc ác, hoàn thiện bản thân và đem thanh bình, an vui cho mọi người, mọi nhà và cho cả quốc độ.

- Nầy chư vị thức giả! Như Lai đã từ trong truyền thống và kinh điển Vedā mà bước ra, đã tự mày mò con đường, đã tự lực tu tập và chứng ngộ. Hiện nay, chư thiên, phạm thiên trong các cõi đã tôn xưng Như lai là vị A-la-hán, là Chánh Biến Tri, là Minh Hạnh Túc, là Thiện Thệ, là Thế Gian Giải, là Vô thượng Điều Ngự Trượng Phu, là Thiên Nhân Sư, là Phật, là Thế Tôn... Những tôn xưng, những danh xưng ấy nhằm nói đến công hạnh và trí tuệ của chư Phật ba đời – là những bậc đáng cho chúng ta nương tựa, quy kỉnh để hướng đến những giá trị tinh thần cao đẹp và thiêng liêng nhất trên đời này. Tất cả các đức Chánh Đẳng Giác đều không còn những sanh niệm trôi lăn trong vô minh, ái dục nữa (Vô Sanh). Các ngài đã phá tan tất cả mọi thứ giặc phiền não ở nội tâm cũng như ngoại giới (Sát Tặc). Những bậc như vậy thật xứng đáng cho chư thiên và nhân loại xưng tán, tôn trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường (Ứng Cúng). Các vị Phật đều có cái thấy biết chơn chánh và toàn diện, giác ngộ chân lý và suốt thông tất cả (Chánh Biến Tri). Các ngài đều có trí vô thượng và có đức vô thượng nên luôn luôn minh mẫn, sáng suốt, luôn luôn có đức hạnh trong lành hoàn toàn (Minh Hạnh Túc). Lại nữa, các ngài không còn trở lại chỗ sinh tử khổ đau, đã khéo xuất ly luân hồi, các ngài ra đi mãi đến chỗ chí chân, chí mỹ, chí thiện mà không dính mắc; ra đi một cách an toàn, không chấp trước, vọng cầu (Thiện Thệ). Các ngài thấy rõ con đường đi đến ba cõi và đồng thời, thông suốt con đường xuất ly ba cõi (Thế Gian Giải). Những đức Chánh Biến Tri đều có thân khẩu ý trọn lành, tự mình điều phục và biết cách điều phục chúng sanh. Các ngài thông suốt nhân đạo là phải tu ngũ giới, thập thiện; thông suốt thiên đạo là phải tu bố thí, trì giới, tham thiền; thông suốt giải thoát đạo là phải tu giới định tuệ (Thiên Nhân Sư). Được tôn xưng là Phật vì các ngài hằng sáng suốt, tỉnh thức bất luận ngày hay đêm; các ngài giác ngộ Tứ Diệu đế rồi giảng nói cho chúng sanh (Phật).Và cuối cùng, được xem là xứng đáng được tôn vinh nhất trên thế gian (Thế Tôn).

Nầy chư vị thức giả! Vậy một người được gọi cư sĩ, khi họ quy y Phật thì đâu phải quy y một vị thần nào, một vị thượng đế mù sương bóng khói nào – mà chính họ đã tự trở về nương tựa nơi những giá trị cao đẹp có sẵn trong lòng mình, trong tâm trí mình. Nó xem nhẹ các hình thức tôn giáo tín ngưỡng mà xem trọng sự tu tập, sự tỉnh thức, sự giác niệm trong mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi hành động của chúng ta!

Nầy chư vị thức giả! Quy y Pháp là gì? Trở về nương tựa Pháp là gì? Pháp là chân lý, là sự thật! Chẳng lẽ nào một người cư sĩ lại không nương tựa nơi chân lý, nơi sự thật? Và đấy cũng là chân lý, là sự thật mà Như Lai đã chứng ngộ và đang tuyên thuyết đến cho chư vị đây! Pháp ấy ai cũng có thể thành tựu được cả nếu được lắng nghe một cách nghiêm túc, thọ trì một cách nghiêm túc và tu tập một cách nghiêm túc. Pháp ấy cụ thể, thiết thực, hiện tiền, chư vị có thể thấy ngay lập tức, ngay chính nơi sự sống đang diễn ra hằng ngày. Pháp ấy không bị quy định bởi thời gian và nhân quả. Pháp ấy để dành cho trực thị, nội quán, nó ở ngay chính nơi thân tâm này mà bậc trí có thể tự mình chiêm nghiệm, nóng lạnh khắc biết...Vậy ai là người muốn được tiến hóa, muốn được thăng hoa các giá trị tinh thần cao đẹp đều phải trở về quy y nơi Pháp ấy cả...

Nầy chư vị thức giả! Còn quy y Tăng là trở về nương tựa nơi tập thể Saṅghā (Tăng-già)! Tập thể ấy không chỉ giới hạn ở số lượng một ngàn lẻ ba vị tỳ-khưu sống đời phạm hạnh, lậu hoặc đã tận ở đây, sau lưng của Như Lai! Tập thể ấy rộng lớn hơn nhiều; nó bao gồm chư thánh phàm tăng quá khứ, hiện tại và vị lai. Tập thể ấy gồm những người đã đắc đạo, đắc quả, đang đắc đạo đắc quả, sẽ đắc đạo, đắc quả. Và ai trong họ cũng đã, đang và sẽ hoàn thiện thân khẩu ý, sống lợi mình, lợi người; họ ngay thẳng, chính trực, sống hợp lễ nghi, khuôn phép, quy củ xứng đáng mô phạm cho đời. Và cuối cùng, họ sống đời phạm hạnh thiêng liêng, trong sạch, thánh thiện vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người!

Nầy chư vị thức giả! Nếu giá trị Tam Bảo là như vậy thì có xứng đáng cho chư vị trở về quy kỉnh và nương tựa hay chăng?

Câu hỏi của đức Phật vừa cất lên thì hằng ngàn người như một đều đồng thanh, đồng tâm, đồng trí thốt lên “ Sādhu, sādhu - thật xứng đáng để quy y!”

Đức vua Seniya Bimbisāra khuôn mặt rạng rỡ khi thấy hoàng hậu Videhi, quý phi Khemā, hai người hai bên nắm hai tay hoàng tử Ajātasattu, bảy tuổi, đi đến chỗ đức Phật, dạy cách thức cho trẻ chấp tay búp sen quỳ lạy ngài rồi hai bà cùng nghiêm cẩn quỳ lạy theo. Và khi hai bà xin được làm lễ quy y Tam Bảo thì gần bốn ngàn người ở hiện trường đồng xin được quy y theo.

Cả không gian hoàng triều như nứt vỡ khi họ đồng quỳ lạy rồi đọc ba lần tam quy theo sự khởi xướng của tôn giả Uruvelā-Kassapa...

- Nầy chư vị thức giả! Đức Phật tiếp tục khóa giảng sau khi đã đặt để hội chúng nơi tam quy - Muốn làm một thiện nam tử, một thiện nữ nhân thì tam quy không, chưa đủ, chư vị còn cần phải thọ trì ngũ giới nữa, tức là những giới điều để ngăn điều ác, phát triển những hạnh lành.

Giới là gì, chư vị có biết không? Giới là cái hàng rào để bảo vệ thân và khẩu; nó ngăn ngừa những nói năng và hành động xấu ác để cho mình có được một đời sống tốt lành hơn, hiền thiện hơn. Giới của Như Lai và của đệ tử của Như Lai không phải là tín điều mặc khải, bắt buộc; chẳng phải áp đặt người khác phải tin, phải thực hành theo. Giới của Như Lai được tự do trong nhận thức và tự do để phát nguyện, thọ trì khi thấy nó đúng, nó hợp với lẽ phải, đúng với đạo đức, mỹ tục ở trên đời, trong tương giao xã hội. Giới của Như Lai là những bài học để chiêm nghiệm, để tu trì và cuối cùng là để mà giác ngộ chứ không phải chỉ đọc tụng, thọ trì suông hoặc có tính cách nghi lễ, máy móc!

Nầy chư vị thức giả! Giới thứ nhất, phải thọ trì điều học, là kiêng cữ, tránh xa hành động giết hại các loài hữu tình! Loài hữu tình là những chúng sanh có hơi thở, có thức tánh, có sự sống, chúng ta không nên xâm phạm, không nên giết hại! Tất cả chúng sanh bò, bay, máy, cựa dù nhỏ như muỗi mòng, kiến ruồi, lớn như chim muông, cầm thú đều ham sống, sợ chết, đều biết khổ, biết đau như tất cả chúng ta. Không lý gì mình biết quý trọng mạng sống của mình, mà mình lại đang tâm tiêu diệt, tước đoạt mạng sống của chúng sanh khác. Chẳng công bằng chút nào, có phải thế không? Là đệ tử của Như Lai, là người con của đạo giác ngộ, chư vị phải biết tôn trọng, quý trọng sự sống của muôn loài. Không những chỉ biết sống hòa bình với muôn người mà còn phải biết sống hòa bình với muôn vật. Phải thương yêu chúng, bảo vệ chúng! Và ngay cả quả đất vô tri, sông núi vô tình, không gian mây trời, thiên nhiên cỏ cây hoang dã cũng phải được đối xử phải lẽ, đừng quá thô bạo, tàn ác! Khi làm được như vậy là chư vị đã nuôi dưỡng được từ tâm, đem đến sự an vui cho chúng sanh muôn loại! Và chỉ cần giữ được một giới này thôi thì quốc độ này sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu? Nó sẽ không có chiến tranh, hận thù! Nó làm cho mọi người biết yêu thương, đoàn kết, đùm bọc nhau. Các quốc gia khác giữ được giới này thì đâu còn xâm lăng, can qua, chém giết? Quân đội sẽ được giải thể để trở về làm ruộng, làm các ngành nghề khác để phát triển dựng xây đất nước! Các xưởng rèn đúc vũ khí giáo mác cung tên, các xưởng sản xuất quân nhu, quân dụng, các nhà tù sẽ biến thành trường học, bệnh xá, hoa viên để phục vụ cho an sinh xã hội! Quốc độ sẽ thanh bình an lạc như thời của các đức Chuyển luân Thánh vương vậy!

Nầy chư vị! Giới thứ hai là phải biết kiêng cữ, tránh xa hành động trộm cắp, lấy cắp của người! Vật gì dù lớn, dù nhỏ, dù có giá tri hay không có giá trị, khi người ta chưa cho, chưa bằng lòng cho thì không nên lấy cắp mang về sử dụng. Bất cứ thời đại nào, xã hội nào cũng tôn trọng quyền sở hữu và quyền có tài sản của mọi người được làm ra, được tạo nên một cách chơn chánh. Tài sản nào cũng do mồ hôi, nước mắt. Tài sản nào cũng nhờ thức hôm dậy sớm chăm lo công việc, nghề nghiệp. Tài sản nào cũng phải hao tâm tổn trí mới có được. Vậy thì lẽ nào, chúng ta lại bẻ khóa, nạy tủ, khoét tường để lấy cắp tài sản của người khác? Người có chút liêm khiết, có chút đạo đức, hiểu một ít công bằng đều không thể làm cái việc thất đức, bất nhân ấy được. Nếu vì nghèo đói, quá túng thiếu, vợ con đau ốm, thiếu cơm cháo, thuốc thang mà trộm cắp thì người có tấm lòng đại lượng có thể châm chước, thông cảm, khả dung; nhưng luật pháp vẫn không tha, định luật nhân quả nghiệp báo vẫn làm việc như thường! Trái lại, có những người giàu có, ăn sung mặc sướng, có của dư của để mà vẫn lường gạt của người, mưu mô thủ đoạn để ăn chặn, cướp giật của người; sống trên mồ hôi nước mắt của kẻ đói nghèo thì tội ấy thật không thể dung tha, quả báo trả quả bất nhân ấy quả thật sẽ rất nặng nề vậy. Giới thứ hai này là một nguyên tắc đạo lý, là quyền sở hữu bình đẳng mà một bậc được gọi là thức giả phải biết tôn trọng, một người được gọi là thiện trí, hiền lương phải biết thọ trì nghiêm nghiêm, cẩn cẩn. Nó nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, tâm bi mẫn đối với sự đau khổ mất của cải, tài sản của người khác... Nếu ai cũng giữ được giới này thì xã hội sẽ công bằng, tạo sự tin yêu và vui sống; nhà nhà không cần phải kín cổng cao tường, xích khóa lớp trong, lớp ngoài; của rơi ngoài đường không ai thèm lượm, nếu nhặt được cũng tìm cách trả về cho khổ chủ! Nầy chư vị, trên quả đất này đã từng có những quốc độ được thanh bình và an lạc như vậy, không phải chỉ một, hai, mà là hằng trăm, hằng ngàn... Chỉ sợ chư vị thiếu nhiệt tình hộ pháp, an dân mà thôi!

Giới thứ ba là phải biết kiêng cữ, tránh xa hành động tà dâm, tà hạnh, xâm phạm tiết hạnh vợ con người khác. Hôn nhân một vợ một chồng sẽ tạo được sự bình ổn, an vui và hạnh phúc gia đình! Thủy chung và đức hạnh là nét đẹp truyền thống mà chúng ta nên giữ gìn và tôn trọng. Vợ chồng được cưới hỏi đủ lễ thì được gọi là chơn chánh. Sự lang chạ phi lễ được gọi là bất chánh. Được gọi là người trí thức trong giáo pháp của Như Lai thì chư vị phải biết điều tiết, chừng mực trong các mối quan hệ tình ái, vì chúng dễ đưa đến sa đọa và phá hoại hạnh phúc của gia đình người khác. Ngay cả lời nói sàm sỡ, tục tĩu, chọc ghẹo thiếu đứng đắn cũng nên tránh. Ngay cả ăn nói hoa tình, mắt liếc mày đưa, ưỡn ẹo vô duyên cũng đã đánh mất sự đoan chính rồi!

Giới thứ tư là phải biết kiêng cữ, tránh xa nói dối, nói sai với sự thật, nói không đúng với sự thật hoặc có lại nói không, không lại nói có! Ngay chính những cách đặt điều, thêm thắt, dựng đứng câu chuyện mà nói lại càng tệ hại hơn. Có trường hợp nói độc ác, hung dữ hoặc vu oan vu cáo đưa đến bất hòa, chia rẽ hoặc có thể đưa người khác vào tội tù, tán gia bại sản thì thật là bất nhân, nghiệp báo sẽ rất nghiêm trọng. Cũng có những lời nói gây ra ngộ nhận, bất mãn, oan trái, oán thù thì cũng nên dè chừng, cẩn trọng. Là những thiện nam tử, thiện nữ nhân trong giáo pháp của Như Lai thì tất thảy những cách nói trơn như mỡ, ngọt như đường, rỗng không, khách sáo, phù phiếm, cay chua, nhạt nhẽo, tục tĩu, vô duyên... đều phải được tránh xa... Giáo pháp của Như Lai là giáo pháp như thật, tôn trọng sự thật nên phải lấy như thật, sự thật làm đầu. Được như vậy chúng ta bảo vệ được sự trung tín, tạo sự tin tưởng giữa nhau trong cộng đồng, xã hội. Giữa cuộc đời có quá nhiều sự lừa phỉnh, dối trá, vọng ngôn, vọng ngữ, ác khẩu, gạ gẫm, láo lường, bất tín thì giới thứ tư này sẽ như một đóa hoa tươi thắm, hương thơm tỏa ngát giữa thế gian và trong lòng người...

Giới thứ năm là nên kiêng cữ, tránh xa các loại rượu men, rượu nấu, các chất kích thích, say nghiện từ chất liệu này hay chất liệu khác. Chúng làm rối loạn thần kinh, lú lẫn tâm trí; sẽ không còn làm chủ được mình, đánh mất tư cách, nhân phẩm, hủy diệt tác phong đạo đức. Và khi mà đã nghiện say, sa đọa rồi thì không một hành động hung dữ, bạo tàn, xấu xa, hèn hạ, bỉ ổi nào mà không dám làm. Là nguyên nhân của nhà tan, cửa nát, vợ chồng bất hòa, đổ vỡ, phân ly; con cái bơ vơ không có nơi nương tựa. Là nguyên nhân để từ đó, coi thường, phạm luôn mọi giới điều khác, phá hoại nền nếp, kỷ cương an sinh xã hội. Những chất say còn nguy hại hơn độc dược. Độc dược chỉ giết chết một người, một đời nhưng chất say với những hậu quả của nó sẽ giết chết nhiều người, nhiều đời; và nghiệp báo đau khổ sẽ trả quả liên tục, kế tục mãi hoài nơi những cảnh giới tối tăm, thống khổ. Chúng giết chết các mầm giống lành tốt. Chúng giết chết đức tin, thiền định, trí tuệ. Chúng tạo thêm vô minh, bóng tối, địa ngục, phiền não và đau khổ cho mình, cho người, cho cuộc đời vốn đã quá nhiều bất an và bất hạnh nầy!

Hỡi chư vị thức giả! Như vậy, ngũ giới không những để kiện toàn nhân cách, hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng và phát triển những thiện pháp mà chúng còn là nền tảng an vui và hạnh phúc cho gia đình, làng xóm và quốc độ. Chúng cũng là điều kiện tất yếu để tạo nếp sống trong lành, cao đẹp cho đời sống văn hóa, văn minh trong xã hội loài người. Cuối cùng, chúng còn là nấc thang tiến bộ tinh thần trên lộ trình hướng đến giác ngộ, giải thoát là mục tiêu rốt ráo trong giáo pháp của Như Lai!

Đức Phật thuyết xong thời pháp thì cả rừng người rùng rùng chuyển động. Họ đồng quỳ lạy, tán thán và xin được nghiêm túc thọ trì vì lợi ích tối thượng của Tam quy, Ngũ giới. Đức vua Seniya Bimbisāra với khuôn mặt tươi sáng như trăng rằm, dường như đã chuẩn bị đâu đó sẵn sàng, cùng với hai quan hầu đi hai bên bưng khay ngọc, bình ngọc đến bên chân Phật, quỳ lạy:

- Bạch đức Thế Tôn! Những lời giáo giới của đức Thế Tôn làm cho đệ tử rất an lành và hạnh phúc. Pháp bảo từ kim khẩu của đức Thế Tôn càng nghe càng minh mẫn, càng thấy rõ, biết rõ; một vị vua tốt thì nên làm cái gì và cái gì không nên làm! Từ nay, đức Thế Tôn và hình ảnh của thánh chúng, đệ tử phải được thấy hằng ngày để tự sách tấn mình; và khi nào đệ tử muốn nghe pháp để phát triển trí tuệ thì có thể đến hầu đức Thế Tôn một cách dễ dàng!

Bạch đức Thế Tôn! Nhà vua lại quỳ lạy – Phía bắc thủ đô, cách đây chỉ nửa do-tuần có một khu Rừng Trúc (Veḷuvana) rất tươi đẹp; ở đấy rộng rãi, cây xanh mát mẻ, có suối, có hồ, nhiều thỏ, nhiều sóc, nhiều hoa thơm cỏ lạ, lại có nhiều hang động... Nơi này thuận lợi cho việc lui tới của đệ tử và triều đình, thuận lợi cho khách hành hương, thương mãi từ phương bắc đến, phương tây sang; nó lại còn yên tĩnh cả đêm lẫn ngày, khá gần kinh thành mà lại không quá xa xóm làng. Đức Phật và Tăng chúng còn thuận lợi cho việc tĩnh cư, lại còn thuận lợi cho việc trì bình khất thực trong kinh thành hoặc quanh các ấp tụ lạc; riêng đệ tử lúc nào nhớ Pháp, nhớ Đức Thế Tôn thì có thể đến lúc chiều tối hoặc đêm khuya lúc việc triều chính rảnh rỗi. Còn ở Rừng Kè thì xa quá.

Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có tín tâm và lòng thành, xin dâng cúng đức Thế Tôn và Tăng chúng khu rừng Veḷuvana ấy, xin Người hoan hỷ dụng nạp vì hạnh phúc cho đệ tử, cho triều đình và cho cả vương quốc Māgadha nữa!

Đức Phật thọ nhận bằng cách chỉ mỉm cười. Đức vua Seniya Bimbisāra quỳ thẳng dậy thực hành nghi thức dâng cúng bất động sản theo phong tục. Một vị quan hầu bưng khay ngọc hứng ở dưới, một quan hầu trao cho vua một bình ngọc – trong đựng nước thiêng Soma - để đức vua đổ nước ấy lên tay đức Phật. Ngài ôm vốc nước, giữ lại một chút trên tay rồi lâm râm chú nguyện quả phước hy hữu đến cho nhà vua: Các con đường nước này sẽ chảy tràn khắp mọi nơi mọi chỗ, chảy qua nhiều quốc độ và chảy vào lòng người, ai ai cũng được tẩm mát, no đầy, sung mãn những giọt nước trong lành vi diệu của pháp bảo! Một cái gì rất là trang trọng, thiêng liêng đang diễn ra. Hằng ngàn đôi mắt chú mục vào một lễ nghi có từ ngàn xưa, tuy đơn giản mà trang trọng đã được đức Phật và một đức minh quân thể hiện rất là trân trọng và rất sống động. Ngay giây khắc ấy, chư thiên, phạm thiên khắp mấy tầng trời không ngớt hoan hỷ, tán thán; quả địa cầu rung chuyển mấy lượt, dường như cả chúng hữu tình, vô tình ấy đều cảm nhận và chứng kiến một biến cố, một sự kiện trọng đại: Giáo pháp bất tử đã đặt được nền móng đầu tiên tại một vương quốc giàu mạnh, do một vị vua có niềm tin bất động, là một vị thánh cư sĩ sẵn sàng hộ pháp đắc lực cho sự phát triển, hoằng hóa sau này!

Hôm ấy là vào một ngày đầu tháng năm, năm năm trăm tám mươi sáu trước Tây lịch, chừng vài tháng nữa là đến mùa mưa, đức Phật và một ngàn lẻ ba vị tỳ-khưu sa-môn đoàn đã có một cơ sở, một căn cứ địa lý tưởng tại Veḷuvana để tuyên dương giáo pháp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 8996)
Khi đất trời vạn vật được hình thành và con người được xuất hiện trên quả đất nầy, thì giới tính đã được phân chia rõ ràng: Đó là người nam hay người nữ. Từ những thuở xa xưa vai trò và vị trí của người nữ đã sánh vai cùng nam giới trong mọi lãnh vực của cuộc sống và từ đó cộng đồng xã hội đã được hình thành, trật tự xã hội được ổn định và con người càng ngày càng tiến xa hơn ở những lãnh vực khác nhau như văn hóa, chánh trị, giáo dục, v.v…
08/04/2013(Xem: 19164)
Trong cuộc sống, có người quan niệm tâm lý là sự hiểu biết về ý muốn, nhu cầu, thị hiếu của người khác, là sự cư xử lý tình huống của một người. Đôi khi người ta còn dùng từ tâm lý như khả năng “chinh phục đối tượng”.
01/04/2013(Xem: 7860)
“ Đức Phật dạy chư tỳ kheo có bổn phận suy xét hằng ngày 4 điều: Ân đức Phật, rãi tâm từ, niệm sự chết và quán bất tịnh!”. Hành giả cần phải: Hành 14 giờ chính thức mỗi ngày bằng thiền, trong tư thế ngồi và đi ...
02/08/2012(Xem: 16691)
Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.
05/06/2012(Xem: 35834)
Mới đây theo công trình nghiên cứu của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney, Australia, trong số những thánh nhân của thế kỷ thứ 20 này, có ba thánh nhân người châu Á. Đó là cố thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Thánh Mahatma Gandhi (1869 - 1948) và một vị hiện sống là Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (1935-?). Vâng, Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay được nhiều nơi trên thế giới công nhận là một hóa thân Quan Âm và một bậc thầy tâm linh vĩ đại của nhân loại
31/03/2012(Xem: 11425)
Vợ chồng con lấy nhau đưọc 10 năm nay, đã có hai cháu, một lên 8, một lên 5. Con là kỹ sư tin học, vợ con là giáo viên. Cuộc sống gia đình không khá giả, chỉ đủ sống và luôn đầm ấm. Song nửa năm trở lại đây, vợ con nghe theo chúng bạn đi cúng lễ ở khắp nơi, tiêu tốn hàng chục triệu đồng cho việc lễ bái. Con đã khuyên can nhiều lần nhưng cô ấy không nghe, tồi tệ hơn nữa là giờ cô ấy một mực yêu cầu con phải đi dự lễ cùngcô ấy. Con không đi viện cớ là bận việc công ty, cô ấy đi tối ngày, conphải ở nhà chăm sóc hai cháu, cô ấy không chịu, dọa nếu không theo cô ấy thì gia đình sẽ tan nát, có người chết sớm. Tuần trước, con và cháu bé thứ hai bị sốt siêu vi trùng, cô ấy không những không ở nhà chăm sóc mà còn trách cứ con, tại con không chịu đi lễ nên “bề trên” phạt cho ốm,nếu không chịu thay đổi sẽ còn ốm nữa. Trời ơi, con không nhận ra vợ con nữa rồi, một cô giáo hiền hòa, mẫu mực giờ thành ra người mê tín dịđoan, cuồng tín đến mù quáng. Con phải làm gì để “đánh thức” vợ con, thưa Thầy?
04/03/2012(Xem: 53495)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
15/02/2012(Xem: 4453)
Từ khi Phật giáo vươn đến biên thùy Hoa Kỳ trong thế kỷ XIX, nữ giới đã là một phần của sự truyền đạt Phật Pháp như sinh viên, người dân, giáo viên, nữ tu, các học giả, nghệ sĩ và các nhà hoạt động. Nữ giới từ một lực lượng lớn của nhiều sắc tộc và các ngành nghề tiếp tục định hướng cho bộ mặt của Phật giáo tại Hoa kỳ-như những phụ nữ đã gặp được Phật pháp trong Phong trào phụ nữ vào những năm 1960 cho đến những phụ nữ có chức sắc sáng lập nhiều ngôi chùa cho cộng đồng nhập cư, nữ giới trẻ xử dụng Phật giáo và nghệ thuật như một công cụ thay đổi thế giới, và nữ giới tạo ra một không gian Phật giáo trong các trường cao đẳng và đại học… Rita Gross-một học giả Phật giáo cẩn thận ghi nhận rằng những kinh nghiệm của nữ giới Phật giáo tại Hoa kỳ thì quy mô và đa dạng.
26/01/2012(Xem: 12198)
Nữ Phật tử ở khắp nơi trên thế giới đang cố gắng đổi mới, và bộ sưu tập này đề cập đến các hoạt động của họ ở Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái, Campuchia, Nepal, Tây Tạng, Đại Hàn, Nhật, Đức, Anh...
18/01/2012(Xem: 3541)
Bình đẳng giới tính(sexual equality) và nữ quyền thuộc về những vấn đề quan trọng nhất của thờiđại mới. Trong đa số các nền văn hóa (không cứ là văn hóa Đông phương) giới chịucác bất công trong những bất bình đẳng về giới tính thường là nữ giới. Do đótranh đấu về bình đẳng giới tính thường là đồng nghĩa với tranh đấu cho nữquyền... Phật Giáo là một trong những tôn giáo đầu tiên có giáo đoàn cho ni giới (đại khái là nữ tu sĩ). Giáo đoàn này được thành lập năm năm sau khi Đức Phật thành đạo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]