Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Cuộc hẹn cuối cùng

27/04/201113:56(Xem: 3403)
8. Cuộc hẹn cuối cùng

BỊ THIÊU SỐNG
HỒI KÝ RÚNG ĐỘNG THẾ GIỚI VỀ TỘI ÁC VỚI PHỤ NỮ
Souad
Nguyễn Minh Hoàng dịch

8 -
CUỘC HẸN CUỐI CÙNG

Đêm xuống. Tôi chờ đợi một cách tuyệt vọng, mong được trông thấy Faiez đến, một mình hoặc đi cùng cha mẹ anh, nhưng tôi biết chắc anh sẽ không đến. Giờ đã quá muộn rồi. Và chiếc ôtô không đậu trước nhà anh, các cửa sổ cũng đóng im lìm.

Đó thực là thảm hoạ lớn đối với tôi. Suốt đêm tôi không ngủ được, cố nghĩ rằng anh đi thăm gia đình ở nơi nào đó và chỉ vì trời nóng nực nên mới phải đóng kín các cửa sổ.

Kể cũng thật kỳ lạ, không ngờ mấy tuần lễ đó của đời tôi lại được in sâu trong ký ức tôi đến như vậy. Từ trước đến giờ, tôi phải rất khó khăn mới hình dung được quãng đời thơ ấu của mình, ngoài những hình ảnh đau lòng không có lấy một giây phút hạnh phúc hay bình yên dù nhỏ nhất, tôi không bao giờ quên những khoảnh khắc tự do vụng trộm đó, nỗi sợ hãi và niềm hy vọng. Đêm ấy, tôi thấy rõ hình ảnh tôi nằm dưới tấm da cừu, hai tay ôm bụng, lắng nghe từng tiếng động nhỏ trong bóng tối. Ngày mai anh ấy sẽ đến, ngày mai anh ấy sẽ không đến…Anh ấy sẽ cứu mình, anh ấy sẽ bỏ rơi mình…Nó như một khúc nhạc vang mãi trong đầu tôi.

Sáng hôm sau, tôi nhìn thấy chiếc ôtô đỗ trước nhà anh. Tôi tự nhủ: “Anh ấy còn sống!” Có một tia hy vọng. Tôi không thể ngóng nhìn anh đi làm nhưng buổi chiều ấy, khi anh đi làm, nhưng buổi chiều hôm ấy, khi anh đi làm về, tôi đã ở trên sân thượng. Tôi ra hiệu theo cách đã giao ước từ trước để hẹn gặp anh ngày mai trước lúc mặt trời lặn.

Và cuối buổi chiều hôm đó, trước lúc mặt trời lặn, tôi đi lấy cỏ khô cho đàn cừu. Tôi chờ mười phút, rồi mười lăm phút, hy vọng có lẽ anh nấp quanh đâu đấy. Lúa mì đã gặt xong nhưng ở một vài chỗ trên cánh đồng, tôi vẫn có thể nhặt được nhiều bó cỏ khá to và tôi lấy rơm buộc lại. Tôi xếp chúng thành hàng dài ở vệ đường và tranh thủ buộc sẵn. Tôi làm rất nhanh nhưng vẫn cẩn thận chừa lại ba bó chưa buộc để không bị lúng túng nếu có ai đi qua vì ở chỗ tôi đứng rất dễ bị nhìn thấy. Tôi chỉ cần giả vờ lom khom trên các bó cỏ và làm như đang rất bận rộn làm việc, một việc mà tôi đã làm xong. Như thế tôi sẽ có mười lăm phút rảnh tay trước khi trở về nhà. Tôi nói với mẹ tôi là tôi sẽ mang cỏ khô về trong khoảng nửa giờ. Vào giờ ấy, đàn cừu đã về chuồng, lũ dê và lũ bò cũng thế. Tôi chỉ còn việc vắt sữa, làm pho mát cho ngày hôm sau. Tôi viện ra đủ cớ để đến được những cuộc hẹn ấy. Tôi ra giếng lấy nước cho gia súc, công việc này tính ra cũng phải mất nhiều chuyến đi đi về về với một cái xô to đội thật vững trên đầu. Tôi phải kiếm cỏ non cho đàn thỏ, phải ra đồng mót lúa cho bầy gà mái…Tôi muốn ra xem các quả vả đã sắp chín chưa, tôi muốn hái mấy quả chanh về làm bếp hoặc ra quạt lò nướng bánh mì cho than củi cháy bùng lên…

Luôn phải cảnh giác đối với những bậc cha mẹ thường xuyên để mắt xem con gái của họ đang làm gì. Con gái có thể làm khối việc… Nó bước ra ngoài sân ư? Nó ra ngoài sân để làm gì? Có phải nó hẹn với thằng nào ở phía sau lò bánh mì? Nó đi ra giếng? Nó có mang cái xô theo không? Hình như cừu và bò đã uống nước rồi mà? Nó đi lấy cỏ khô? Nó sẽ mang về bao nhiêu bó?

Buổi chiều hôm ấy, tôi kéo lê cái bao tải đi từ bó cỏ này sang bó có khác. Tôi nhặt thật nhanh cho vào đầy bao và tôi đợi, tôi đợi mãi. Tôi biết, như thường lệ, cha tôi đang ngồi dưới ngọn đèn trước nhà, phì phèo chiếc tẩu như một ông vua, trên tay cầm sẵn chiếc thắt lưng da để đợi xem tôi có về nhà đúng giờ không. Ông đếm từng phút. Ông có một chiếc đồng hồ và tôi nói là đi nửa tiếng thì sẽ là đúng nửa tiếng kém một phút nếu tôi không muốn đánh bằng thắt lưng.

Tôi chỉ còn ba bó cỏ chưa buộc. Nền trời chuyển sang màu xám, sắc vàng của mặt trời nhạt dần. Tôi không có đồng hồ nhưng tôi biết tôi chỉ còn mấy phút nữa trước khi màn đêm ập xuống rất nhanh trên đất nước tôi. Người ta nói rằng mặt trời quá mệt khi phải chiếu sáng cho chúng ta nên mặt trời rọi xuống nhanh như một hòn đá và để lại chúng ta trong bóng tối.

Tôi mất hết hy vọng. Thế là hết. Faiez đã bỏ rơi tôi. Tôi về tới nơi. Không thấy ôtô của anh đậu trước nhà. Sáng hôm sau, tôi thức dậy, vẫn không thấy xe của anh đâu.

Thế là hết thật rồi. Không còn hy vọng gì để sống và tôi đã hiểu. Faiez đã lợi dụng tôi, đối với anh, đó là một trò vui. Nhưng với tôi thì khác.

Tôi cắn ngón tay mình, nhưng đã quá muộn. Tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại anh nữa. Một tuần lễ sau, tôi không còn tìm cách lên sân thượng để ngóng chờ anh nữa. Các cửa sổ của ngôi nhà màu hồng đóng kín bưng, anh đã bỏ trốn với chiếc xe. Tôi không thể xin ai giúp đỡ.

*
Đến tháng thứ ba hay thứ tư gì đó, bụng tôi bắt đầu to ra. Tôi còn giấu được cái bụng lùm lùm của mình dưới lớp áo dài, nhưng mỗi lần tôi xách một cái xô hay đội một vật nặng lên đầu, lưng ưỡn lên và hai tay giơ cao thì tôi phải rất cố gắng để mọi người không nhìn thấy nó. Còn vết nâu trên mũi, tôi đã cố chà xát thật mạnh để xoá nó đi nhưng vẫn không xoá được. Tôi không thể làm như lần trước là dùng nước lá móng, mẹ tôi sẽ không tin.

Vào ban đêm, nỗi sợ lại tăng lên. Tôi thường xuyên ngủ với đàn cừu. Lý do thì lúc nào cũng có sẵn: Khi một con cừu cái sắp đẻ, nó kêu ầm lên như con người, và nếu người ta không nghe thấy nó kêu thì cừu con có thể bị chết ngạt trong bụng mẹ.

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến con cừu cái đẻ khó ấy. Tôi phải nhẹ nhàng luồn tay vào tận trong nó để xoay đầu cừu con về đúng hướng và lôi ra. Tôi không dám làm nhanh, sợ làm con mẹ đau nên loay hoay mãi tôi mới lôi được cừu con ra ngoài. Tội nghiệp, con cừu mẹ. không rặn được nữa và tôi phải giúp nó. Khoảng một giờ sau, cừu mẹ chết.

Con cừu mới sinh là một con cái. Nó lẽo đẽo theo tôi như một đứa bé. Mỗi lần trông thấy tôi đi đâu là nó cất tiếng gọi tôi. Tôi vắt sữa của những con cừu cái khác rồi đổ vào bình cho nó bú. Dạo ấy tôi khoảng mười lăm tuổi. Tôi đã đỡ đẻ cho nhiều còn cừu cái nhưng chỉ còn nhớ duy nhất kỷ niệm ấy. Con cừu con ấy theo tôi ra vườn, nó trèo lên cầu thang trong nhà. Tôi đi đâu nó cũng lon ton chạy theo sau. Cừu mẹ chết nhưng cừu con còn sống…

Thật lạ khi nghĩ rằng người ta có thể vất vả đến thế để đỡ đẻ cho con cừu còn mẹ tôi lại làm cho những đứa con của mình chết ngạt. Hồi ấy, tôi hoàn toàn không nghĩ đến điều đó. Đó là một tục lệ cần phải tuân theo. Bây giờ, khi để cho những hình ảnh ấy lần lượt hiện trong ký ức, tôi thấy không thể chấp nhận được. Nếu tôi nhận thức được như bây giờ, có lẽ tôi đã bóp chết mẹ tôi để cứu dù chỉ một đứa trong số bé gái sơ sinh ấy.

Đối với một người đàn bà đã quen phục tùng đến mức đó thì việc giết những đứa bé gái là chuyện bình thừơng. Đối với một người cha như cha tôi thì chuyện lấy kéo cắt lông cừu để cắt trụi tóc con gái mình cũng là chuyện bình thường. Đánh chúng bằng thắt lưng da hoặc bằng gậy cũng là chuyện bình thừờng. Trói chúng suốt đêm trong chuồng gia súc, giữa đàn bò cũng là chuyện bình thừơng. Cha tôi sẽ làm gì nếu biết tôi có thai? Chị Kainat và tôi đều cho rằng bị trói trong chuồng gia súc là điều tệ hại nhất có thể xảy đến cho chúng tôi. Hai tay bị trói ngoặt ra sau lưng, khăn phu–la nhét vào miệng để không thể kêu la và hai chân bị buộc chặt bằng sợi dây thừng đã được dùng để đánh mình. Câm lặng, mắt mở thao láo suốt đêm. Chúng tôi chỉ còn biết nhìn nhau và cùng nghĩ đến một điều: “Một khi chúng tôi còn bị trói nghĩa là chúng tôi vẫn còn sống.”

Thế rồi một hôm, trong lúc tôi đang giặt quần áo thì cha tôi đến. Tôi nghe tiếng chân ông bước khập khiễn sau lưng và tiếng gậy khua lộc cộc trên mặt sân. Ông dừng lại sau lưng tôi, tôi không dám đứng lên:

- “Tao chắc là mày đã có chửa rồi.”

Tôi thả rơi cái áo đang giặt xuống chậu và tôi không còn sức để ngước nhìn ông. Tôi không thể ra vẻ ngạc nhiên hay bị sỉ nhục. Tôi không thể nói dối nếu tôi nhìn vào mắt ông.

- “Không phải thế đâu cha!

– Sao lại không phải! Mày cứ nhìn lại mình mà xem! Người thì xù ra! Và cái vết kia nữa, mày bảo là nước lá móng, sau đó là bị rám nắng! Mẹ mày sẽ khám vú của mày.”

Vậy là mẹ tôi nghi tôi đã có thai. Và cha tôi đến để ra lệnh cho tôi.

- “Cởi áo ra cho mẹ mày xem.”

Rồi cha tôi xách gậy bỏ đi, không nói thêm một lời nào. Ông không đánh tôi. Tôi cũng không chối cãi, mồm tôi như bị khâu lại. Tôi nghĩ rằng lần này thế là hết, tôi sẽ chết. Sau đó đến lượt mẹ tôi. Bà đi quanh cái chậu chậu của tôi, hai tay chống nạnh. Bà có vẻ bình tĩnh nhưng cứng rắn.

- “Bây giờ mày ngừng lại, không giặt giũ gì nữa! Mau giở vú ra tao xem!

– Không, con xin mẹ! Con ngượng lắm!”

– Mày cho tao xem hay đợi tao xé rách áo của mày?” Thế là, tôi cởi hết hàng cúc từ cổ xuống ngực và tôi vén áo lên.

- “Mày có thai phải không?

– Không phải đâu mẹ!

– Mày có kinh không?

– Có!

– Lần sau mày có kinh, mày đưa cho tao xem!”

Tôi vâng bừa để khỏi bị quấy rầy thêm, để mẹ tôi bớt giận, và để tôi được an toàn. Tôi biết là đến tuần trăng sau, thế nào tôi cũng phải tự cắt tay mình, lấy máu bôi lên tờ giấy và đưa ra cho mẹ tôi xem.
Tôi bỏ chậu quần áo ở đấy, tôi băng qua khu vườn để ra khỏi nhà mà không xin phép ai và tôi trèo lên nấp trên cành chanh già. Đi trốn theo cách ấy kể ra cũng ngốc, cây chanh không thể cứu nổi tôi, nhưng lúc đó tôi sợ đến nỗi không biết mình đang làm gì. Cha tôi lập tức đi tìm, và ông tìm thấy tôi đang trèo như một con dê giữa đám lá. Ông chỉ cần nắm chân tôi kéo cho tôi rơi xuống.

Một bên đầu gối tôi bị chảy máu và ông đưa tôi về nhà. Ông lấy lá cây từ bi nhai và đắp lên vết thương cho tôi để cầm máu. Thật lạ lùng. Tôi không hiểu sao sau khi làm tôi ngã một cách bất ngờ như vậy, giờ ông lại cất công chăm sóc cho tôi, một điều mà từ trước đến nay ông không bao giờ làm. Tôi tự nhủ rằng, cuối cùng, ông không phải là người hung dữ. Ông đã tin câu trả lời của tôi. Nhưng khi đã có thời gian ngẫm lại, tôi luôn tự hỏi không biết có phải ông làm thế chỉ vì một lý do đơn giản, ông nghĩ rằng tôi có thể dùng máu ấy để nói dối là tôi đã có kinh…

Sau cú ngã ấy, tôi thấy đau bụng và tôi hy vọng sẽ có kinh trở lại.

Ít lâu sau có một cuộc họp gia đình mà tôi không được phép tham dự. Cha mẹ tôi đã gọi chị Noura và anh Hussein đến. Tôi nấp sau bức tường dỏng tai nghe. Bốn người họ cùng bàn bạc và tôi nghe cha tôi nói:

- “Tao chắc chắn rằng nó đã có chửa nhưng nó không chịu nói cho chúng ta, hãy đợi xem nó có kinh không…”

Ngay khi mọi người bàn bạc xong xuôi, tôi trèo lên gác giả vờ ngủ.

Ngày hôm sau, cha mẹ tôi vào thành phố. Tôi bị cấm không được đi đâu. Cổng nhà bị khoá chặt nhưng tôi vẫn băng theo lối vường sau và trốn ra ngoài đồng. Cầm một hòn đá to, tôi đập liên tiếp vào bụng, đập qua lớp áo, để máu chảy ra. Chưa có ai nói cho tôi biết em bé trong bụng mẹ lớn lên như thế nào. Tôi chỉ biết đến một lúc nào đó, em bé sẽ bắt đầu cử động. Tôi đã trông thấy mẹ tôi có thai và tôi biết phải mất bao nhiêu lâu để em bé chào đời, nhưng những chuyện còn lại tôi hoàn toàn mù tịt. Kể từ lúc nào thì em bé có sự sống? Theo tôi là từ lúc nó được sinh ra vì tôi thấy lúc ấy, mẹ tôi sẽ quyết định để cho nó được được sống hay bắt nó phải chết. Trong khi có thai được ba tháng rưỡi hay bốn tháng, điều mà tôi hết sức mong mỏi là có kinh trở lại. Tôi chỉ nghĩ đến mỗi điều đó. Tôi thậm chí không nghĩ rằng đứa trẻ trong bụng tôi đã là một con người.

Và tôi khóc vì giận, vì sợ bởi tôi vẫn chưa có kinh, vì cha mẹ tôi sắp về và tôi phải có mặt ở nhà trước khi họ về đến nơi.

Cho đến giờ, kỉ niệm đó vẫn còn nhức nhối trong tôi… tôi cảm thấy tội lỗi vô cùng. Dù tôi đã cố tự nhủ rằng hổi đó tôi ngu dốt, tôi kinh sợ những gì đang chờ đợi tôi, nhưng quả tình là một cơn ác mộng mỗi khi nghĩ đến việc tôi đã cầm hòn đá đập vào bụng mình để đứa con của chính mình không thể tồn tại được nữa.

Và ngày hôm sau cũng thế, tôi đập vào bụng mình bằng bất cứ cái gì có trong tay, và bất cứ khi nào có thể. Mẹ tôi đang đợi. Bà đã hạn cho tôi một tháng kể từ ngày tôi buộc phải để cho bà khám vú. Tôi biết bà đang nhẩm tính ngày tháng trong đầu, và trong suốt thời gian đó, tôi không được đi ra ngoài. Tôi bị giữ lại trong nhà và chỉ được làm những việc nội trợ. Mẹ tôi bảo: “Mày không được ra khỏi cửa! Mày không đi chăn cừu nữa! Mày cũng không đi lấy cỏ khô.”

Tôi có thể thoát ra theo lối sân sau, băng qua các mảnh vườn, nhưng để đi đâu? Tôi chưa bao giờ đi xe khách một mình, tôi không có tiền, hơn nữa, dù trong trường hợp nào, bác tài xế cũng không cho tôi bước lên xe.

Có lẽ tôi đã có mang đến tháng thứ năm. Tôi thấy cái thai trong bụng đang quẫy đạp và tôi lao vào tường như một con điên. Tôi không nói dối được nữa, không giấu được cái bụng to vượt mặt và đôi vú đã thâm quầng. Tôi không còn lối thoát.

Thế rồi một ý nghĩ bỗng nhiên này ra trong đầu tôi, một ý nghĩ duy nhất nhưng xem chừng có thể thực hiện được: trốn khỏi nhà và đến ở nhà dì tôi. Bà ấy cũng ở trong làng. Tôi biết nhà dì ấy. Thế là vào một buổi sáng, nhân lúc cha mẹ tôi đi chợ, tôi băng qua vườn, tôi đi ngang cái giếng, tôi nhảy qua bờ đất và chạy thẳng tới nhà dì tôi. Tôi không hy vọng nhiều vì dì ấy có tiếng là khó tính, lại ghen tỵ với mẹ tôi vì những lý do mà tôi không biết. Nhưng biết đâu, bà ấy sẽ bằng lòng cho tôi ở lại và tìm được một giải pháp. Thấy tôi đến một mình, bà lo lắng hỏi ngay cha mẹ tôi đâu. Tại sao họ không cùng đến với tôi?

- “Dì phải giúp con dì ạ.”

Và tôi kể hết mọi chuyện, lễ cưới đã dự kiến và bị hoãn, cánh đồng lúa mì.

- “Là ai thế?

– Anh ấy tên là Faiez nhưng bây giờ anh ta không còn ở làng nữa rồi, anh ta đã hứa…

– Được rồi, tao sẽ giúp mày.”

Bà đi mặc áo, trùm khăn và nắm tay tôi.

- “Đi với tao. Đi một vòng loanh quanh đây với tao.

– Nhưng đi đâu? Dì định làm gì?

– Cứ đi với tao. Đưa tay đây cho tao. Không nên để người trong làng thấy mày đi một mình.”

Tôi nghĩ là bà định đưa tôi đến nhà một người phụ nữ nào khác, một bà hàng xóm biết bí quyết làm cho tôi có kinh trở lại hoặc ngăn không cho đứa bé trong bụng tôi tiếp tục lớn lên. Hoặc mang tôi đi giấu ở một nơi nào đó cho đến lúc tôi sinh nở xong.

Nhưng bà lại đưa tôi trở về nhà. Bà kéo tôi như kéo một con lừa đang đứng ì ra không chịu bước tới.

- “Tại sao dì lại đưa con về nhà? Xin dì giúp con với. Con van dì đấy!

– Bởi vì đây là nhà của mày. Người lo liệu mọi chuyện cho mày là cha mẹ mày chứ không phải tao.

– Con van dì, dì ở lại với con! Dì cũng biết khi con về nhà việc gì sẽ xảy đến với con mà!

– Đó là nhà mày! Hiểu tao nói gì chứ? Không được đi đâu nữa!”

Bà bắt tôi phải bước qua cửa, gọi cha mẹ tôi ra rồi quay đi không ngoảnh đầu nhìn lại. Tôi thấy sự độc ác, khinh bỉ biểu hiện trên nét mặt bà. Có lẽ bà đang nghĩ: “Chị mình đang có một con rắn độc trong nhà. Đứa con gái này đã làm ô danh cả gia đình.”

Cha tôi đóng ngay cánh cửa lại và mẹ tôi trừng mắt nhìn tôi, vừa hất hàm vừa giơ cao bàn tay như muốn nói: “Charmuta…con chết tiệt…mày dám trốn sang nhà dì mày hả!” Hai bà vốn ghét nhau. Người này gặp tai hoạ thì người kia mừng lắm.

- “Phải, con đến nhà dì ấy, con nghĩ dì ấy có thể giúp con, che chở cho con…

– Vào trong ngay! Đi lên phòng ngay!”

Tôi run bắn lên, hai chân sắp khuỵu xuống. Tôi không biết việc gì sẽ đón chờ tôi một khi bị nhốt trong phòng. Tôi không tài nào nhấc chân lên được.

- “Souad! Mày có đi vào không?”

Chị tôi cũng ngoảnh mặt không nói một lời. Chị cũng cảm thấy xấu hổ như tôi, và cũng không bước chân ra khỏi nhà. Mẹ tôi vẫn làm việc như thường lệ, hai đứa em trông nom đàn gia súc, còn tôi thì bị giam giữ như một đứa bị dịch hạch. Thỉnh thoảng, tôi nghe mẹ tôi và các chị em nói chuyện với nhau. Họ sợ có ai đó nhìn thấy tôi trên đường, sợ mọi người bàn tán. Việc tôi tìm cách thoát thân và trốn sang nhà dì tôi đã làm mẹ tôi cảm thấy nhục nhã hơn ai hết. Hàng xóm sẽ biết, miệng họ sẽ nói và tai họ sẽ nghe.

Kể từ hôm đó, tôi không được thò mặt ra ngoài nữa. Cha tôi đã lắp trên cửa phòng tôi một cái khoá mới và tối nào nó cũng kêu đánh tách một cái như súng nổ. Cánh cửa ngoài vườn cũng kêu đánh tách như thế.

Những lúc quét dọn ngoài sân, thỉnh thoảng tôi nhìn cánh cửa ấy và cảm thấy tim mình như thắt lại. Không bao giờ tôi thoát khỏi đó được. Tôi cũng không nhận thấy một cánh cửa như thế thật là ngớ ngẩn vì khu vườn và bờ tường đá được đắp lên để che chắn cánh cửa đó không phải là những chướng ngại vật không thể vượt qua. Trước đây tôi đã nhiều lần trèo qua. Nhưng đối với một đứa con gái đang ở vào tình cảnh của tôi, bị giam giữ thế này là an toàn nhất. Bên ngoài kia sẽ tồi tệ hơn. Bên ngoài sẽ là nhục nhã, là khinh bỉ, sẽ bị ném đá, hoặc những người hàng xóm phỉ nhổ, túm tóc lôi xềnh xệch về nhà. Tôi không dám nghĩ đến chuyện thò mặt ra ngoài. Rồi nhiều tuần trôi qua. Không ai hỏi han gì đến tôi, không ai muốn biết kẻ nào đã gây ra chuyện đó và cũng không ai muốn biết tại sao và như thế nào. Dù tôi có khai ra Faiez chăng nữa, cha tôi cũng không đi tìm anh để gả tôi cho anh. Đó là lỗi của tôi, không phải của anh. Một người đàn ông nếu lấy được cái ngàn vàng của một người con gái vẫn được xem là không có tội, vì chính cô ta đã muốn như thế. Và đáng xấu hổ hơn, chính cô ta đã yêu cầu như thế! Chính cô ta đã quyến rũ người đàn ông bởi vì cô ta là một con đĩ không biết đến danh dự. Tôi không có gì để tự bào chữa. Sự ngây ngô của tôi, tình yêu của tôi dành cho Faiez, lời hứa hôn của anh, thậm chí những lời anh dạm hỏi với cha tôi, tất cả đều không nghĩa lí gì. Ở đất nước chúng tôi, người đàn ông biết tự trọng không bao giờ cưới một cô gái đã thất thân với chính mình trước ngày cưới.
Faiez có yêu tôi không? Không. Tôi đã phạm sai lầm khi tin rằng tôi có thể giữ chân anh bằng cách làm tất cả những gì anh muốn. Tôi yêu anh chăng? Hay tôi sợ anh đi tìm một người con gái khác? Lời bào chữa này không có giá trị gì…ngay cả tôi cũng thấy nó vô nghĩa.

Một buổi tối, lại có cuộc họp mới trong gia đình: có cha mẹ tôi, chị Noura và anh Hussein chồng chị. Em trai tôi, Assad không có mặt vì vợ nó sắp sinh con. Nó đến nhà cha mẹ vợ để chăm sóc Fatma.

Tôi đứng sau bức tường rình nghe và thất kinh. Mẹ tôi bảo Hussein:

- “Việc này không thể sai Assad được. Nó không đủ khả năng và nó còn ít tuổi quá!

– Tôi sẽ giải quyết nó!”

Đến lượt cha tôi lên tiếng:

“Nếu có làm, anh phải làm thật chu đáo. Anh định thế nào?

– Cha mẹ đừng lo, tôi sẽ có cách.”

Mẹ tôi lại nói:

- "Anh phải giải quyết nó cho tôi, nhưng phải dứt điểm một lần cho xong.”

Tôi nghe chị Noura khóc và nói rằng chị không muốn nghe việc đó và chị chỉ muốn về nhà. Hussein bảo chị chờ một lát rồi nói tiếp với cha mẹ tôi:

- “Cha mẹ cứ đi. Hai người không nên có mặt ở đấy. Khi cha mẹ về, mọi việc sẽ êm xuôi.”

Chính tai tôi đã nghe bản án tử hình dành cho tôi. Tôi vội chạy lên cầu thang vì chị Noura sắp bước ra. Tôi không nghe được đoạn tiếp theo của cuộc họp. Một lúc sau, cha tôi đi một vòng quanh nhà và cánh cửa phòng bọn con con gái đóng sập lại.

Tôi không ngủ được. Tôi không thể tin những gì tôi đã nghe. Tôi tự nhủ: đó chỉ là một giác mơ chăng? Hay là một cơn ác mộng? Họ sẽ làm vậy thật sao? Hay họ chỉ doạ tôi sợ thôi? Nếu làm thật thì bao giờ? Bằng cách nào? Bằng cách chặt đầu tôi chăng?

Có lẽ họ sẽ đợi đến khi tôi sinh em đứa bé xong rồi mới giết tôi sau? Nếu đứa bé là con trai họ có giữ nó lại không? Nếu nó là con gái, liệu mẹ tôi có bóp chết nó hay không? Hay họ sẽ giết tôi trước?

Ngày hôm sau, tôi vẫn giữ vẻ bình thường làm như không nghe thấy gì. Tôi cẩn thận đề phòng nhưng tôi vẫn thật sự không tin. Thế rồi tôi lại run lên và tin đó là thật. Chỉ còn hai câu hỏi: bao giờ và ở đâu. Việc ấy không thể làm ngay vào lúc này…Vả lại Hussein đã đi rồi. và tôi không thể tưởng tượng nổi Hussein lại muốn giết tôi!

Hôm ấy, lấy giọng thản nhiên nhất, mẹ tôi bảo tôi:

– Đã đến lúc mày phải mang quần áo đi giặt rồi đấy. Tao và cha mày phải đi lên thành phố đây.

Tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cha mẹ tôi sẽ đi khỏi nhà như Hussein nói.

Gần đây khi nhớ lại cái chết của Hanan, tôi mới nhận ra rằng đáng ra tôi cũng chết như thế. Cha mẹ đi vắng cả, bọn con gái ở nhà một mình với anh em trai. Trong trường hợp của tôi, chỉ khác là Hussein chưa thấy đến. đến. Tôi nhìn ra sân. Khoảng sân rất rộng, được lát gạch một phần, phần còn lại phủ bằng cát. Một bức tường có hàng rào sắt với những chấn song vừa cao vừa nhọn bao quanh. Và ở một góc sân, cánh cổng màu xám, mặt trơn nhẵn quay vào sân, không ổ khoá cũng không chìa khoá, với mỗi tay nắm độc nhất phía ngoài.

Chị Kainat không bao giờ giặt quần áo với tôi vì công việc này không cần đến hai người.

Tôi không biết hôm nay mẹ tôi giao cho chị làm những việc gì, cũng không biết chị và hai đứa em gái đi đâu. Chị không nói chuyện với tôi nữa. Chị nằm ngủ cạnh tôi, nhưng quay lưng lại phía tôi kể từ hôm tôi tìm cách trốn sang nhà dì tôi.

Mẹ tôi đợi tôi đi gom tất cả quần áo bẩn cần phải giặt. Số quần áo bẩn rất nhiều vì thường chúng tôi chỉ giặt quần áo một tuần một lần. Nếu bắt đầu giặt khoảng hai, ba giờ chiều thì cũng không thể giặt xong trước sáu giờ tối.

Trước tiên, tôi ra cái giếng ở cuối vườn lấy nước. Tôi xếp củi đốt lửa và tôi đặt cái thùng to đùng để nấu quần áo lên trên rồi đổ nước ngập đến nửa thùng. Sau đó, tôi ngồi trên một tảng đá đợi nước sôi.
Cha mẹ tôi bước ra ngoài bằng lối cổng chính và bao giờ cũng khoá cửa trước khi đi.

Tôi thì ở phía bên này, trong sân. Tôi luôn tay cời than, giữ cho lửa lúc nào cũng cháy đượm vì nước trong nồi phải thật nóng để cho quần áo vào. Sau đó tôi xát xà phòng dầu ôliu lên các vết bẩn và tôi quay ra giếng lấy nước để xả quần áo.

Đây là một công việc vừa mất thời gian vừa mệt nhọc mà tôi đã phải cáng đáng nhiều năm nay, nhưng vào lúc này tôi cảm thấy nó trở nên vô cùng nặng nề.

Tôi ngồi đấy, hai chân để trần, ngồi trên phiến đá, mặc cái áo vải xám, mệt mỏi vì sợ hãi. Tôi cũng không biêt mình đã có thai với nỗi sợ hãi ấy trong bụng từ bao nhiêu lâu rồi nữa. Có lẽ cũng đã hơn sáu tháng. Chốc chốc tôi nhìn ra cánh cổng đằng kia, ở cuối sân rộng mênh mông. Tôi nhìn nó như thôi miên.

Nếu Hussein đến, anh ta chỉ có thể đi vào bằng cánh cổng ấy thôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 9277)
Thời Phật còn tại thế, tại thành Đức Xoa Tỳ La có một mỹ nữ sắc nước hương trời, tên là Liên Hoa Sắc, con một trưởng giả vô cùng sang giàu. Lúc lên 16 tuổi Liên Hoa Sắc lấy chồng. Sau thời gian chung sống với chồng, Liên Hoa Sắc sinh một bé gái, nhưng cảnh đời trớ trêu cha chồng chết sớm, mẹ chồng còn xinh đẹp, sinh lý còn cường thịnh, bà dụ dỗ chồng của Liên Hoa Sắc vào con đường mất hết đạo lý, bà còn đối xử tệ bạc với Liên Hoa Sắc, đúng là mẹ chồng nàng dâu theo thường tình. Bà cấm Liên Hoa Sắc không tiếp xúc nhiều với con bà, và xem Liên Hoa Sắc không khác hầu thiếp của bà.
09/04/2013(Xem: 7423)
Đạo Phật là đạo của bình đẳng. Phật nói " Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật tử sẽ thành." Bởi thế, theo lời khẩn cầu của tôn giả A Nan, Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề là con thứ ba của A Noa của thích Ca vương, vua thành Thiện Tý, nước Kosala. Bà cũng là em gái của bà Ma Da phu nhân, là di mẩu của Phật Thích Ca. Con của bà là Nan Đà. Tuy nhiên tình thương của bà dành cho Tất Đạt Đa nhiều hơn.
09/04/2013(Xem: 3712)
Cuộc đời và tiểu sử Bà Maha Pajapati Gotami, sự xuất gia của bà và sau đó sự thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni (Bhikkhuni) là một trong những mẫu chuyện sáng chói và hấp dẫn nhất trong văn học Phật Giáo. Nó biểu lộ cùng lúc trí tuệ thấy xa và lòng nhân đạo của Đức Phật Đại Từ Đại Bi. Hơn nữa nó cho thấy đến mức nào năng lực hùng mạnh của sự quyết tâm bất khuất, bất thối chuyển và lòng quả cảm của một thiếu phụ có thể gieo ảnh hưởng đến xã hội đương thời.
09/04/2013(Xem: 3845)
Đức Phật Siddhattha Gotama đang ngự trong thành Savatthi (Sravasti, Xá Vệ), Ấn Độ, tại Kỳ Viện Tịnh Xá của Trưởng Giả Anathapindika, Cấp Cô Độc. Vào lúc ấy Đại Đức Ananda, vị đệ tử trung kiên và là thị giả chuyên cần nhất của Đức Bổn Sư cũng ngụ tại ngôi tự viện ấy. Ngày nọ, như thường lệ, Trưởng Lão Ananda y phục chỉnh tề, tay ôm bình bát, chân thong dong đều đặn từng bước, và mắt nhìn xuống, đi vào thành Savatthi.
09/04/2013(Xem: 3773)
Quan niệm về quyền lợi phụ nữ xưa nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trên bình diện đạo đức xã hội. Sự ra đời cụm từ ‘quyền lợi phụ nữ’ (women’s rights) hàm ý người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới. Cụm từ này có thể đã dẫn đến sự hình thành nhiều phong trào tích cực trong lịch sử phát triển xã hội.
09/04/2013(Xem: 5255)
Trong bài viết này, dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tôi sẽ trình bày khái quát về hiện thực Phật giáo Việt Nam và vai trò của ni giới Việt Nam ngày nay. Phần thứ nhất là giới thiệu về Phật giáo Việt Nam. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có 3 truyền thống lớn: Bắc tông (Mahayàna), Nam tông (Theravada), và Khất sĩ. Tuy hình thức sinh hoạt khác nhau, nhưng cả 3 truyền thống này đều có tăng ni tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam; và vai trò của Ni giới Việt Nam đã được thể hiện cụ thể trên nền tảng của tổ chức Phật giáo duy nhất này.
09/04/2013(Xem: 5190)
Giới thiệu : Bài này được trích từ tuyển tập những bài tham luận đọc tại các Hội Nghị Quốc Tế do Hội Ni Giới Phật Giáo Quốc Tế Sakyadhita tổ chức, nhan đề “ Bước Ra Khỏi Bóng Tối: Ni Giới Dấn Thân vào Xã Hội” (Out of the Shadows: Socially Engaged Buddhist Women), đo Ni Sư Karma Lekse Tsomo xuất bản năm 2006.
08/04/2013(Xem: 7460)
Từ lâu Ni giới có một vị trí thấp trong Xã Hội Campuchia, dường như họ không được thừa nhận và hoàn toàn bị lưu mờ bởi Tăng giới Phật giáo trong xứ sở này. Hầu hết các nữ tu không được học hành và không được tiếp nhận bất cứ một giáo dục Phật học nào. Hình ảnh đoàn thể của họ bị mang tiếng xấu bởi một số cá nhân đi khất thực trái phép.
08/04/2013(Xem: 3769)
Vai trò và vị trí của nữ giới và nam giới trong xã hội thường được ấn định khác nhau trong các vùng văn hóa khác nhau. Vì các lý do chính trị, xã hội hay tôn giáo, từ xưa nam giới thường được đề cao, nữ giới thì giữ một vị trí khiêm tốn hơn, có nơi bị xem nhẹ, như ở các xã hội chủ trương "đa thê", "phụ thê", "nam nhất viết hữu, nữ thập viết vô", phụ nữ ra đường phải che mặt, chỉ đảm nhiệm công việc gia đình, hay phải chịu tổn phí cưới hỏi.... Thậm chí thiếu mất quyền làm chủ gia đình và quyền lợi về giáo dục.
08/04/2013(Xem: 3534)
Ni sư Houn Jiyu Kennett, người khai sơn và làm Ni trưởng ni viện Shasta ở bang California, Hoa Kỳ, là một trong những nữ tu theo PG đầu tiên ở phương Tây. Trong 30 năm hoằng pháp tại Hoa Kỳ, bà đã đem lại lợi lạc cho người dân ở xứ sở này qua việc thuyết giảng, viết sách báo... Các tác phẩm đáng chú ý nhất của bà là "Con ngỗng trắng hoang dã" (The wild white Goose), xuất bản năm 1977 và tái bản năm 1978 ; và "Dòng sông bán nước" (Selling water by the river) in năm 1972, đến năm 1978, quyển sách này được tái bản với tựa đề mới là "Thiền là đời sống vĩnh hằng" (Zen is Eternal life). Đây là những cuốn sách rất được các thiền sinh phương Tây ưa chuộng. Tuy nhiên, trong thời gian hoằng pháp tại các nước phương Tây, bà đã tự mình tách khỏi các tông phái thiền khác ở Mỹ và cả ở Nhật Bản.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]