Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự đóng góp của ni giới một sứ mệnh có thể thực hiện.

08/04/201319:59(Xem: 3520)
Sự đóng góp của ni giới một sứ mệnh có thể thực hiện.


Sự đóng góp của Ni giới:
Một sứ mệnh có thể thực hiện

TS.Thích nữ Huệ Liên

Trong hai ngày Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức,” chắc chắn có rất nhiều vấn đề được thảo luận, phân tích và chia sẻ. Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày hai thiển ý liên hệ đến vấn đề tiềm năng đóng góp của Ni giới.

I. VẤN ĐỀ PHÁT HUY TIỀM NĂNG NI GIỚI

Thế kỷ 20 và 21 đã chứng kiến những thành quả xuất sắc của phụ nữ trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội và chính trị. Vì vậy trước thềm thiên niên kỷ mới, chúng ta hãy phát huy hơn nữa tinh thần vô chấp, không phân biệt của Phật giáo để nâng cao giá trị lời dạy của Đức Phật: khả năng giác ngộ đều có sẵn trong tất cả chúng sanh và xoá bỏ ranh giới phân chia cách biệt giữa nam và nữ, nhất là trong Phật giáo.

Đức Phật đã giác ngộ và nhìn vạn vật hàm linh thật sự như chúng đang là với tuệ giác bình đẳng không phân biệt (1). Phật tánh trong con người và chúng sanh vốn đồng không sai khác, mặc dù giới tính nam nữ và sự biểu đạt vật lý của giới tính như hình thù, vóc dáng, điệu bộ, cử chỉ và ngay cả sự giao tế khác biệt nhau (2). Tiềm năng đạo đức, nhận thức và chứng đắc vốn hoàn toàn như nhau ở nam và nữ (3). Sự khác biệt về tiềm năng này chính yếu nằm ở phương diện nỗ lực và phương pháp luận về sự nỗ lực trong việc khai thác các giá trị tiềm năng sẳn có mà thôi. Trên nền tảng đó, chúng ta có thể xác quyết rằng sự giác ngộ và giải thoát có thể xuất hiện đối với bất kỳ ai, nếu người đó có phương pháp tu tập, làm sống dậy tiềm năng tuệ giác, thông qua các nỗ lực dứt trừ tham ái và chấp ngã.(4)

Gọi là “tiềm năng ni giới,” chúng tôi muốn ám chỉ nguồn năng lực, phương pháp, tính hiệu quả và các giá trị đóng góp của ni giới có thể đạt đến mức cao nhất mà một hành giả Tăng có thể đạt được, đang còn nằm trong dạng thức “chờ nhân duyên” khi điều kiện xã hội và cộng nghiệp của Tăng đoàn chưa cho phép thiết lập các phương pháp hay kế hoạch cụ thể nào có thể mở cửa cơ hội cho những người đồng hành khác phái của mình đóng góp vào công cuộc hoằng hoá Phật giáo. Sự kéo dài tình trạng tiềm năng của ni giới như trong nhiều thế kỷ qua chắc chắn dẫn đến ảnh hưởng thu hẹp hiệu quả vận chuyển bánh xe chánh pháp của Phật giáo. Một hạt giống khi bị cất giữ trong tình trạng hạt giống sẽ có thể đánh mất chức năng thành cây của nó, nếu tình trạng “cất giữ” đó phát xuất từ những lý do ‘giống cái- giống đực’ của cây đó. Tương tự, tiềm năng của Ni giới khó có thể trở thành mầm sống của cây đại thụ Phật giáo, khi chư tôn đức lãnh đạo Tăng đoàn không có ý niệm cần đến giá trị đóng góp của họ trong các hoạt động Phật sự. Những nhà chủ trương phân biệt giới tính của Nam tông đã có thể diễn giải chủ quan lời Phật dạy về sự liên hệ giữa mạt pháp (5) và Ni giới, từ đó có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong việc loại bỏ tính cách Tỳ-kheo-ni trong lịch sử phát triển giáo đoàn Phật giáo (6). Các nhà bình đẳng giới thời hiện đại đã có những nỗ lực phục hoạt truyền thống Tỳ-kheo-ni trong Nam tông và Mật tông, đáng kể nhất là Hoà thượng Tinh Vân. Các nỗ lực phục hoạt quan trọng nhất là việc tổ chức các giới đàn Tỳ-kheo-ni cho bất kỳ thành phần nữ lưu nào có chí nguyện lớn, dấn thân mang thông điệp từ bi của Phật vào đời, dưới hình thức “Tăng vị cụ túc.” Sau gần 30 năm nỗ lực, ngày nay, Hoà thượng Tinh Vân đã đào tạo hàng ngàn vị Ni tài, có khả năng dấn thân thành công trong mọi lãnh vực Phật sự, đặc biệt là giáo dục, hoằng pháp, văn hoá, nghệ thuật và các phương tiện thông tin đại chúng như TV, radio và internet.

Những nỗ lực đáng trân quý đó đã tạo ra những thành quả Phật sự của Ni giới vượt trội hơn hẳn các công tác tương tự ở Tăng giới. Điều đó, về một phương diện tế nhị nào đó, đã làm cho nhiều vị Tăng than vắn thở dài, buông những câu nói nửa đùa nửa thật rằng đây là thời “âm thịnh dương suy.” Trên thực tế, thịnh và suy theo đức Phật dạy, lệ thuộc hoàn toàn vào quy luật duyên khởi với các yếu tố nghiệp riêng và nghiệp chung của cá nhân và cộng đồng, trong sự tương tác với điều kiện và hoàn cảnh. Thịnh và suy là một phần của quy luật vô thường về phương diện thời gian, nhưng lại gần như toàn phần của quy luật nỗ lực tự thân nhiều hay ít với phương pháp đúng hay sai trong cách thức nỗ lực hành vi và thực hiện sự nghiệp. Nó không liên hệ chi đến giới tính nam và nữ. Đó là khẳng định như đinh đóng cột theo tinh thần Phật dạy trong Kinh. 

Khi, không thừa nhận học thuyết bình đẳng giới tính của đức Phật có giá trị xã hội và đạo đức, siêu việt thời gian, các nhà chủ trương giới tính trong Phật giáo đã không màng đến bản chất và tiềm năng đóng góp của Ni giới. Các nhà chủ trương giới tính trong đạo Phật đã căn cứ vào các văn liệu kinh điển nằm trong vòng tranh luận về tính tác giả gán cho Phật, đã sử dụng nguồn tài liệu “Bát kỉnh pháp” (7) và “Năm chướng của người nữ”(8) để hạ thấp giá trị người nữ nói chung và ni giới nói riêng. Các nhà chủ trương giới ngoài thế gian đã có nhiều sai lầm trong việc biến phụ nữ thành nô lệ phục vụ cho nam giới. 

Có người còn quan niệm rằng người nữ là biểu tượng của sắc dục, của bất tịnh, của nghiệp nặng, cần phải đì đọt hay tránh xa; đang khi sắc dục là hấp lực của tất cả những ai đang sống trong vòng cương toả Dục giới (9), bất tịnh có mặt trong thân 32 thể trược của cả nam lẫn nữ;(10) và nghiệp nặng là phá hoại thân Phật, giết thánh nhân, cha mẹ và người tốt, chứ đâu phải là nghiệp mang thân phận của người nữ mà ra. 

Tốt hay xấu tuỳ thuộc vào tự do ý chí (cetana) hay tâm định hướng của con người. Ai sống với những tư tưởng bất thiện, không làm chủ được bản tâm, sẽ có thể trở thành mối đe doạ đến hạnh phúc người khác. Lúc đó, người như vậy có thể trở thành người sắc dục (trong hưởng thụ), người bất tịnh (trong tâm tưởng) và người nghiệp nặng (bằng hành vi vị kỷ). Các quan niệm bất bình đẳng đó, trải qua chiều dài của thời gian, đã trở thành phong tục tập quán, tiếp tục được nâng lên thành chân lý, nên đã làm cho thân phận người nữ trở thành “xấu số.”

Mọi người, dĩ nhiên là người phàm, đều có những ưu điểm và khuyết điểm. Người ta cố tìm tòi cho ra một vài khuyết điểm của giới nữ để ngăn cản người nữ không được có vai trò và đóng góp ngang hàng với nam giới, để cản trở bước tiến của họ về mọi phương diện, kể cả nhận thức, đạo đức và tâm linh.

Vin vào thân bất tịnh của người nữ để loại trừ cơ hội bình đẳng của họ với người nam chẳng qua chỉ là cái cớ nhỏ nhưng hậu quả sẽ trở nên không nhỏ. 

Trong lịch sử phát triển Phật giáo mấy ngàn năm qua, một vị Ni Trưởng tuổi hạ dầu là 100 vẫn bị xem không có “thế” bằng hay nhỏ hơn nhiều so với một vị tăng mới thọ giới với tuổi đời đôi mươi, dù trước đó vài năm, vị ấy có thể là đệ tử ngũ giới của vị Ni trưởng, Ni sư hay vị Sư cô đó. Học thuyết về quy luật vô thường của thời gian qua bốn giai đoạn “sinh, già, bệnh, chết” của Phật giáo cho phép chúng ta khẳng định rằng cái có trước, phải được xem lớn hơn cái có sau, về phương diện thời gian, người thấy mặt trời trước phải là người lớn hơn người thấy mặt trời sau. Quan niệm lớn và nhỏ không dựa trên nền tảng đạo đức và thời gian như vừa nêu, đã khép kín cánh cửa cơ hội đào tạo của Ni giới đối với những vị xuất gia Tăng thuộc thế hệ sau của mình. Khi cánh cửa cơ hội đào tạo đó bị khép lại về phía Ni giới thì đồng lúc đó cánh cửa quan niệm “mình hơn” có thể sẽ xuất hiện về phía Tăng giới. Trục xoay tâm lý “tôi hơn” chính là cái gút của khủng hoảng giới tính và bế tắc trong cách thức thiết lập cơ hội bình đẳng cho hai giới Tăng Ni trong Phật giáo, trong khi tinh thần nguyên thuỷ của lời Phật dạy chủ trương bình đẳng giới tính, mở toang cánh cửa tiềm năng đóng góp của Ni giới. 

Học thuyết bình đẳng của đức Phật dạy mang tính khế lý với các trào lưu xã hội, đặc biệt là phương Tây kể từ giai đoạn triết học Ánh Sáng ra đời. Hơn thế, học thuyết đó siêu vượt thời gian. Cách sử dụng và quản trị nhân sự trong Phật giáo kể từ khi Phật qua đời có phần “thiên về nam giới,” cho nên, thay vì các Phật sự được cả giới Tăng lẫn Ni cùng gánh vác, nay chỉ còn Tăng vất vả một mình, trong khi Ni giới hiếm khi được quan tâm cắt đặt. Điều này dẫn đến tình trạng Phật giáo chỉ sử dụng phân nửa năng lực và chất xám dấn thân của người xuất gia. Tệ hơn, nó có thể kéo theo sự giảm yếu sức mạnh Tăng đoàn và tạo ra sự bất hoà hợp hay bất liên minh Phật sự trong Giáo hội.

Cho đến khi nào nếu các bất công xã hội, các bất bình đẳng cư xử giữa nam và nữ, giữa chủng tộc màu da, giữa giàu và nghèo và các phân biệt đối xử v.v… còn hiện hữu thì bóng dáng của thái bình và hạnh phúc sẽ chỉ là những ước mơ, khó có thể trở thành hiện thực.

Người nữ với thiên chức làm mẹ đã góp phần duy trì giống nòi trong loài hai chân. Ngay cả Đức Phật, bậc tôn quý nhất trong các loài hai chân, và các thánh nhân khác đều nương nhờ thân thể của người nữ mà có mặt trên cuộc đời. Chất liệu tình thương và nhiều phẩm chất cao quý khác của người nữ đã làm cho những người con trai trở thành đấng mày râu đúng nghĩa, đóng góp không nhỏ cho xã hội và cuộc đời. Không lý nào người con trai được mẹ sinh ra và được mẹ ấp yêu nuôi dưỡng đến trưởng thành, trở lại chê bai mẹ của mình là nhơ trược, thấp hèn, bất tịnh và nghiệp nặng, như một số người có khuynh hướng như vậy.

Có những vị Ni tinh nghiêm giới luật, nỗ lực tu hành và trở thành những bậc hướng dẫn đời sống tâm linh tại các tự viện cho nhiều người tại gia nam nữ. Có những vị Ni vào tu với niềm tin chân chánh, với nhiệt huyết tìm đạo, tinh tấn hướng thượng và sẵn sàng xả thân hy sinh vì đạo pháp. Có những vị Ni đức hạnh và thông minh, có thừa năng lực, can đảm và ý chí sắc bén để đạt thành nguyện vọng dấn thân của họ. Có những vị Ni không những có đủ kiến thức Phật pháp và thế pháp mà còn có đầy đủ bản lãnh đạo đức và trí tuệ có thể giúp nhiều người chuyển hoá và thăng tiến đời họ. Ấy thế mà trong thực tế, họ có quá ít cơ hội để đóng góp những giá trị đó cho cuộc đời, chỉ vì cánh cửa Phật sự của họ đã bị khoá từ lâu.

II. VẤN ĐỀ SỬ DỤNG CHẤT XÁM NI GIỚI TRONG GIÁO DỤC

Chư ni là một bộ phận nhân sự cấu tạo nên Tăng đoàn Phật giáo và là một trong hai thành phần quan trọng trong bốn chúng đệ tử Phật. Họ có tiềm năng Phật tánh, khả năng tuệ giác, năng lực tinh thần, và các năng khiếu ngang hàng với nam giới. Kết quả học tập của chư ni trong các trường Phật học, trong hai thập niên qua, không thua kém gì chư tăng. Đó là chưa kể đến trường hợp trong nhiều khoá học, có nhiều ni sinh đã đậu thủ khoa hoặc á khoa.

Số lượng chư ni có khả năng tâm huyết, có đạo hạnh, có phẩm chất cũng không ít nhưng họ chưa được Giáo Hội quan tâm và trưng dụng thích đáng. Các công việc họ thường làm là từ thiện xã hội, chăm sóc người già neo đơn, nuôi dạy mẫu giáo, hướng dẫn Phật tử tu học tại bổn tự v.v… Mặc dù vài tỉnh ở miền Bắc, chư Ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học được mời giảng dạy tăng ni sinh ở các trường Trung cấp Phật học. Phần lớn còn lại chưa được Giáo hội phân bổ làm giảng viên của các trường Phật học, của các trung tâm thuyết pháp, của các điểm giảng dạy giáo lý, mặc dù họ vẫn hội đủ các điều kiện và khả năng như chư tăng. 

Có một nghịch lý khó giải thích, đó là, trong các trường Phật học, các giảng viên và giáo sư nam nữ được mời giảng dạy, thậm chí có nhiều vị trong số đó không là Phật tử, vậy mà vẫn được mời đứng lớp giảng dạy cho cả ni lẫn tăng. Trong khi đó, theo cơ cấu Tam Bảo, chư ni có đời sống phạm hạnh chuẩn mực vẫn được dự phần vào hàng Tăng Bảo, nghĩa là, theo cấu trúc Tam Bảo thì vai trò của chư ni cao hơn cư sĩ. Vậy mà, đại đa số các trường Phật học, đặc biệt ở cấp Cao đẳng và Cử nhân, chưa mạnh dạn mời chư ni có đạo hạnh, có kiến thức, có học vị, có khả năng đứng lớp giảng dạy cho quí tăng và chư ni học sau họ. Có người lý giải sự nghịch lý này bằng cách viện dẫn lý do đức Phật chỉ quy định Bát Kỉnh Pháp cho chư ni nhưng không hề quy định Bát Kỉnh Pháp cho hàng cư sĩ nam và nữ đối với chư tăng? 

Thực ra, trong nhiều nguyên nhân tàng ẩn sâu xa nhất, các quy định về Bát Kỉnh Pháp là để tạo sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai giới xuất gia tăng và ni, thông qua đó, tạo khoảng cách các phát sinh có thể xảy ra về phương diện tình cảm giữa hai phái, chứ hoàn toàn không liên hệ gì đến những quy định được phép hay không được phép trao đổi và học hỏi kiến thức lẫn nhau. Đó là chưa nói đến vấn đề tính tác giả của tám điều luật này và tính thời gian ra đời của một số điều luật Bát kỉnh (chẳng hạn các điều liên hệ đến an cư và trị phạt) không tương thích nhau. (Bát Kỉnh Pháp được đức Phật chế định hay do các nhà biên tập kinh điển về sau sẽ được trình bày trong một dịp khác, nếu có thể)

Trong thời đức Phật còn tại thế, nhiều vị cao ni đã thể hiện được đức tài vô song. Tác phẩm Trưởng Lão Ni Kệ là một minh chứng hùng hồn về việc này. Chỉ cần làm một so sánh nhỏ giữa Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ, chúng ta sẽ thấy số lượng thánh ni và cao ni trong Trưởng Lão Ni Kệ đã nhiều hơn so với các vị thánh tăng và cao tăng trong Trưởng Lão Tăng Kệ. Điều đó cho thấy tiềm năng, khả năng chứng đắc và làm việc của con người không lệ thuộc và giới hạn vào giới tính.

Trong Kinh Trường A Hàm (11) chúng ta còn được biết đến một vị tỳ kheo ni tên Đồng Nữ Ca Diếp đã có công giáo hoá và cứu thoát nhiều người trong đó có cả cư sĩ lẫn chư tăng. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (12) còn cho thấy long nữ tám tuổi còn có thể thành Phật và có năng lực truyền bá giáo pháp cao thượng giúp chúng sanh được chuyển hoá. Tất cả những điều này nói lên rằng những gì người nam làm được thì người nữ cũng có thể làm đưcợc, tuỳ theo sự dụng công, nỗ lực và phương pháp. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị Lạt Ma tái sanh của Tây Tạng dù được quan niệm là vị Phật sống hay vị thánh nhân tái thế, vẫn hoan hỷ học các môn học dưới sự hướng dẫn của những nhà giáo ưu tú, dù đó là cư sĩ hay tăng ni.

Lại nữa, trong Luật tạng không hề có quy định nào cho phép người cư sĩ được quyền giảng dạy tăng ni, nhưng trong thực tế, do nhu cầu truyền trao kiến thức giữa người trước và người sau, họ được thỉnh mời. Như vậy, nếu chúng ta mạnh dạn mời cư sĩ giảng dạy cho tăng ni thì chúng ta cũng nên mạnh dạn mời các vị ni có đủ kiến thức và tư cách đứng lớp. Nếu chư ni có đạo hạnh, có kiến thức không được phép giảng dạy cho các chư tăng tân học thì cũng nên quy định điều đó đối với cư sĩ. Nói cách khác, nếu cư sĩ được quyền giảng dạy chư tăng thì chư ni cũng có thể. Điều quan trọng hơn là giảng dạy cốt để truyền trao kiến thức, chứ không phân định người học là thấp kém hơn người dạy. Một vị tôn túc ni có thể làm giáo thọ của một vị tăng tân học, nhưng nếu vị học tăng đó dù ít tuổi đạo mà có được đạo đức và trí tuệ, thì vị tôn túc ni này vẫn có thể đãnh lễ vị ấy như tôn trọng một vị đáng được tôn trọng. 

Nói tóm lại, các vị ni đạo hạnh, có kiến thức, có khả năng không được phân bổ giảng dạy trong các trường Phật học có tăng ni học chung, không chỉ là một thiệt thòi cho các vị ni đó, mà còn thiệt thòi cho các trường Phật học, vì đã bỏ lỡ cơ hội tiếp nhận và sử dụng một nguồn chất xám của Tăng đoàn, có thể hỗ trợ cho các vị cao tăng làm tốt công việc giáo dục và hoằng pháp đối với thế hệ tăng ni trẻ.

Mong sao mọi người sẽ cảm thông nhau, hiểu biết nhau, thương yêu nhau và biến thế giới ta bà này thành nơi lý tưởng để cùng được sống trong hoà hợp, hạnh phúc và an vui, bất luận giới tính nam nữ hay tăng tục. 

Kính chúc quí đại biểu nhiều sức khoẻ và kính chúc hội nghị thành công tốt đẹp. Xin chân thành cảm ơn.

Chú thích

1. Phật thấy rõ tướng chân thật của các Pháp như chúng đang là. Các Pháp có “tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhơn như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.” (Xem Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, do HT Thích Trí Tịnh dịch, TP. Hồ Chí Minh: Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh: 1993, trang 53).

2. Xem Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “Đức Phật đã dùng nhiều ví dụ để chứng tỏ rằng hạng người nào cũng có hạt giống bồ đề trong tâm để có thể thành Phật.” (Phẩm Phương Tiện, HT Thích Trí Tịnh dịch, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1993), trang 77-81.

3. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, HT Thích Trí Tịnh dịch: “Nếu có người nghe pháp/ Không ai chẳng thành Phật” (trang 81) và Phật tử hành đạo rồi/ đời sau đặng thành Phật/” (trang 75).

4. Đức Phật dạy: “Tham dục là cội gốc, nếu dứt được tham dục, khổ không chỗ nương đổ.” Xem Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (như trên), tr. 138.

5. S. II, 224; KS. II, 152; Tương II, 386f: ??c Phật nói với Đại Ca Diếp rằng: “Này Kassapa, có năm thối pháp khiến cho diệu pháp bị hỗn loạn và biến mất. Thế nào là năm? – Ở đây, này Kassapa, các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ : a) Sống không tôn kính, không tuỳ thuận bậc Đạo Sư, b) Sống không tôn kính, không tuỳ thuận Chánh Pháp, c) Sống không tôn kính, không tuỳ thuận chúng Tăng, d) Sống không tôn kính, không tuỳ thuận học Giới, e) Sống không tôn kính, không tuỳ thuận đối với Thiền định. Này Kassapa, chính những thối pháp này đưa đến sự hỗn loạn, sự biến mất của diệu pháp.” 

Và có năm pháp, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp. Thế nào là năm? – Ở đây, này Kassapa, các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ : a) Sống kính trọng, tuỳ thuận bậc Đạo Sư, b) Sống kính trọng, tuỳ thuận Chánh Pháp, c) Kính trọng, tuỳ thuận chúng Tăng, d) Sống kính trọng, tuỳ thuận học Giới, e) Sống kính trọng, tuỳ thuận Thiền định. Chính năm pháp này, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp.”

Lý do chánh pháp biến mất như nội dung này được Đức Phật nói với tôn giả Kimbila tại A. III, 339; GS. III, 240; Tăng III, 98f.

Một nơi khác, trong S. II, 266; KS. II, 179; Tương II, 466f, Đức Phật dạy: “Những bài kinh nào do Như Lai thuyết thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai, họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo. Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lóng tai, họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không sẽ đi đến tiêu diệt.”

Trong A. I, 58; GS. I, 53; Tăng I, 113 Đức Phật nêu hai lý do đưa đến sự biến mất của diệu pháp: “Thế nào là hai? Văn cú bị đảo ngược, và ý nghĩa bị hiểu lầm. Nếu văn cú bị đảo ngược thời ý nghĩa bị hiểu lầm. Những pháp này, này các Tỷ kheo, là hai pháp đưa đến hỗn loạn và biến mất của diệu pháp.”

6. Trong Anguttara Nikaya (A. IV, 277; GS. IV, 184f; Tăng III, 657) và Luật tạng (Vin.II, 256) có ghi lại lời Đức Phật nói với Ànanda rằng nếu ni chúng không có mặt trong Giáo đoàn thì Thánh đạo có thể kéo dài 1000 năm. Nhưng vì Ni chúng đã được thâu nhận, nên Chánh Pháp sẽ tồn tại chỉ 500 năm. Trong vấn đề này, cần phải xét đến các yếu tố: a) Độ chính xác của sự sao chép kinh, b) Khuynh hướng xã hội lúc bấy giờ, c) Dụng ý đằng sau lời dạy, d) Con số 500 hay 1000 năm đã trải qua. Mọi việc đã trở nên tốt đẹp. Giáo đoàn Phật giáo có thịnh suy theo hoàn cảnh, nhưng Giáo Pháp Phật giáo vẫn còn hiện hữu lâu hơn nhiều lần khoảng thời gian 500 năm được tiên đoán ấy, và vẫn tồn tại vững mạnh đến ngày nay. 

7. Bát kính pháp gồm tám điều tôn kính mà một vị Ni cần phải tuân thủ trước một vị Tăng: (1) Tỳ kheo ni dù 100 tuổi đạo phải lễ bái một tỳ kheo dù tuổi đạo chỉ có một ngày. (2) Tỳ kheo ni không được an cư ở một nơi không có Tỷ kheo. (3) Tỷ kheo ni phải mời chúng Tỷ kheo thuyết giới nửa tháng một lần. (4) Tỷ kheo ni phải làm lễ Tự tứ trước hai chúng tăng và ni về ba vấn đề thấy, nghe, nghi. (5) Tỳ kheo ni phạm giới phải thi hành hình phạt nửa tháng ý hỷ (pakkhamànattam) trước hai chúng tăng và ni. (6) Thức xoa ma na (Sikkhamana) tuân giữ 6 học giói trong hai năm, muốn thọ giới Tỷ kheo ni phải đến trước nhị bộ tăng và ni cầu xin. (7) Tỷ kheo ni không được chỉ trích, mắng nhiếc Tỷ kheo dù bất cứ lý do gì. (8) Tỷ kheo ni không được khuyên lơn, phê bình các Tỷ kheo, Tỷ kheo được quyền quở trách các Tỷ kheo ni (A. IV, 274; GS. IV, 183f; Tăng III, 654f).

Ai là tác giả chế định Bát kính pháp: Đức Phật hay các nhà biên tập kinh điển? Đây là câu hỏi khó có thể đạt được một đáp án thống nhất, từ Tăng và Ni, từ truyền thống và nghiên cứu hiện đại, từ học thuyết đến ứng dụng. Tôi xin nêu ra đây các nhà nghiên cứu không thừa nhận Bát kỉnh pháp là của Phật nói: Giáo sư T.W. Rhys Davids (người thành lập Hội Thánh Điển Pali), bà I.B.Horner (dịch giả Kinh Trung Bộ), Thượng toạ Dharmananda Kosambi (tác giả của tác phẩm Bhagavan Buddha = Lịch Sử Đức Phật), Hoà thượng Narawila Dharmaratana và Hoà thượng U. Wangeesa (tác giả của tác phẩm Bhikshuni Saranaya = Sự Tồn Tại của Tỳ Kheo Ni).

8. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa, tôn giả Xá Lợi Phất cho rằng thân người nữ có năm điều chướng, đó là chẳng được a) làm Phạm Thiên Vương, b) Đế Thích, c) Ma vương, d) Chuyển luân Thánh vương và e) Phật.

9. A. I, 1; GS. I, 1; Tăng I, 1f: Đức Phật nói với các Tỷ kheo: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông… Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc người đàn ông. Này các Tỷ kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.” 

10. Xem 32 thể trược của thân tại D. II, 293; DB. II, 330; Trường II. 189. M. I, 57; MLS. I, 73f; Trung I, 135. S. V, 278; KS. V, 250; Tương V. 427. A. III, 323; GS. III, 228; Tăng III, 71f.

11. Đặc biệt tập I, kinh thứ 7, từ trang 329 đến trang 364, Đại Tạng Kinh Việt Nam.

12. Chẳng hạn như phẩm Đề-bà Đạt-đa thứ 12


-- o0o --

Nguồn: nigioingaynay.com

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 19269)
Trong cuộc sống, có người quan niệm tâm lý là sự hiểu biết về ý muốn, nhu cầu, thị hiếu của người khác, là sự cư xử lý tình huống của một người. Đôi khi người ta còn dùng từ tâm lý như khả năng “chinh phục đối tượng”.
01/04/2013(Xem: 7901)
“ Đức Phật dạy chư tỳ kheo có bổn phận suy xét hằng ngày 4 điều: Ân đức Phật, rãi tâm từ, niệm sự chết và quán bất tịnh!”. Hành giả cần phải: Hành 14 giờ chính thức mỗi ngày bằng thiền, trong tư thế ngồi và đi ...
02/08/2012(Xem: 16750)
Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.
05/06/2012(Xem: 36148)
Mới đây theo công trình nghiên cứu của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney, Australia, trong số những thánh nhân của thế kỷ thứ 20 này, có ba thánh nhân người châu Á. Đó là cố thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Thánh Mahatma Gandhi (1869 - 1948) và một vị hiện sống là Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (1935-?). Vâng, Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 hiện nay được nhiều nơi trên thế giới công nhận là một hóa thân Quan Âm và một bậc thầy tâm linh vĩ đại của nhân loại
31/03/2012(Xem: 11611)
Vợ chồng con lấy nhau đưọc 10 năm nay, đã có hai cháu, một lên 8, một lên 5. Con là kỹ sư tin học, vợ con là giáo viên. Cuộc sống gia đình không khá giả, chỉ đủ sống và luôn đầm ấm. Song nửa năm trở lại đây, vợ con nghe theo chúng bạn đi cúng lễ ở khắp nơi, tiêu tốn hàng chục triệu đồng cho việc lễ bái. Con đã khuyên can nhiều lần nhưng cô ấy không nghe, tồi tệ hơn nữa là giờ cô ấy một mực yêu cầu con phải đi dự lễ cùngcô ấy. Con không đi viện cớ là bận việc công ty, cô ấy đi tối ngày, conphải ở nhà chăm sóc hai cháu, cô ấy không chịu, dọa nếu không theo cô ấy thì gia đình sẽ tan nát, có người chết sớm. Tuần trước, con và cháu bé thứ hai bị sốt siêu vi trùng, cô ấy không những không ở nhà chăm sóc mà còn trách cứ con, tại con không chịu đi lễ nên “bề trên” phạt cho ốm,nếu không chịu thay đổi sẽ còn ốm nữa. Trời ơi, con không nhận ra vợ con nữa rồi, một cô giáo hiền hòa, mẫu mực giờ thành ra người mê tín dịđoan, cuồng tín đến mù quáng. Con phải làm gì để “đánh thức” vợ con, thưa Thầy?
04/03/2012(Xem: 53905)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
15/02/2012(Xem: 4459)
Từ khi Phật giáo vươn đến biên thùy Hoa Kỳ trong thế kỷ XIX, nữ giới đã là một phần của sự truyền đạt Phật Pháp như sinh viên, người dân, giáo viên, nữ tu, các học giả, nghệ sĩ và các nhà hoạt động. Nữ giới từ một lực lượng lớn của nhiều sắc tộc và các ngành nghề tiếp tục định hướng cho bộ mặt của Phật giáo tại Hoa kỳ-như những phụ nữ đã gặp được Phật pháp trong Phong trào phụ nữ vào những năm 1960 cho đến những phụ nữ có chức sắc sáng lập nhiều ngôi chùa cho cộng đồng nhập cư, nữ giới trẻ xử dụng Phật giáo và nghệ thuật như một công cụ thay đổi thế giới, và nữ giới tạo ra một không gian Phật giáo trong các trường cao đẳng và đại học… Rita Gross-một học giả Phật giáo cẩn thận ghi nhận rằng những kinh nghiệm của nữ giới Phật giáo tại Hoa kỳ thì quy mô và đa dạng.
26/01/2012(Xem: 12214)
Nữ Phật tử ở khắp nơi trên thế giới đang cố gắng đổi mới, và bộ sưu tập này đề cập đến các hoạt động của họ ở Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái, Campuchia, Nepal, Tây Tạng, Đại Hàn, Nhật, Đức, Anh...
18/01/2012(Xem: 3547)
Bình đẳng giới tính(sexual equality) và nữ quyền thuộc về những vấn đề quan trọng nhất của thờiđại mới. Trong đa số các nền văn hóa (không cứ là văn hóa Đông phương) giới chịucác bất công trong những bất bình đẳng về giới tính thường là nữ giới. Do đótranh đấu về bình đẳng giới tính thường là đồng nghĩa với tranh đấu cho nữquyền... Phật Giáo là một trong những tôn giáo đầu tiên có giáo đoàn cho ni giới (đại khái là nữ tu sĩ). Giáo đoàn này được thành lập năm năm sau khi Đức Phật thành đạo.
06/11/2011(Xem: 3608)
Trong khoảng bốn mươi năm gần đây, phong trào Nữ quyền (Feminism) không ngớt làm sôi động dư luận. Chỉ riêng với tổ chức Liên hiệp quốc, năm 1952 bổn Tuyên ngôn về Quyền chính trị của Nữ giới được long trọng tuyên khải. Năm 1975 được gọi là năm quốc tế Nữ quyền, và Liên hiệp quốc triệu tập Hội nghị Thế giới về Nữ quyền tại Mexico. Hội nghị đầu tiên về Quyền sinh sản Làm mẹ và quyền tự do lựa chọn ngừa thai hay phá thai họp tại Nairobi, Phi châu năm 1985. Mười năm sau, năm 1995, Liên hiệp quốc tổ chức Đại Hội Nữ quyền Thế giới tại Bắc kinh, thủ đô của nước Trung hoa. Hội nghị kết hợp 185 quốc gia, gồm 4000 đại biểu chính phủ thảo luận trong mười ngày nhằm thay đổi đường lối, chính sách của các quốc gia để cải thiện phương tiện y tế, giáo dục, kinh tế và chính trị trong đời sống người đàn bà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]