Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Tha Thứ

03/01/201915:49(Xem: 16734)
08. Tha Thứ

Tha Thứ

(giọng đoc Hà Kiều Anh)

 

Tha thứ luôn là linh dược có thể chữa trị mọi nỗi khổ niềm đau cho kẻ được tha thứ và cả người tha thứ.

 

 

 

Chất liệu ân tình

 

Trong nguyên tắc thương yêu, đòi hỏi một bên phải có khả năng thương yêu và một bên phải thật sự đáng yêu. Nếu bên kia đánh mất tính đáng yêu, tức là họ đã tự rút lui ra khỏi mong muốn được thương yêu, thì đương nhiên không thể đòi hỏi mức thương yêu của bên này phải cố định. Tuy nhiên, lỗi không hoàn toàn thuộc về bên kia. Nếu tình thương bên này đủ chân thành, mạnh mẽ và tỏa sáng, thì sẽ dìu dắt và nâng đỡ được đối tượng thương yêu của mình cùng bay lên một lượt. Vậy khi cả hai cố gắng đắp bồi, một bên cố gắng vươn lên và một bên hết lòng nâng đỡ, thì tình cảm ấy sẽ không bao giờ bị gãy đổ.

 

Ta biết rằng khuyết điểm lớn nhất của nền văn minh hiện đại là làm cho con người quá bận rộn. Ta không còn thời gian để nghỉ ngơi và tận hưởng những giá trị mầu nhiệm xung quanh, thì đừng nói chi đủ sức để nhìn lại chính mình và chuyển hóa những năng lượng tiêu cực. Lúc nào ta cũng căng thẳng, mệt mỏi và đầy lo lắng cho tương lai. Một khi năng lượng suy yếu thì ta rất khó làm chủ được suy nghĩ hay hành động của mình. Một lời nói không dễ thương, hay cử chỉ vô tình làm nát lòng người khác là điều rất dễ xảy ra. Nếu chẳng may lúc ấy gặp phải những nghịch cảnh lớn lao khiến năng lượng suy giảm tới mức cạn kiệt, thì những phiền não trong ta chắc chắn sẽ tràn lấp ra ngoài. Tham lam, sân hận, si mê là những năng lượng luôn chực sẵn trong tâm một khi ta mất khả năng quan sát, nuôi dưỡng lý trí và đánh mất liên hệ với sự sống. Lỗi lầm thường phát sinh từ ấy.

 

Dĩ nhiên, không phải ai sống trong môi trường có quá nhiều năng lượng xấu thì cũng trở thành người xấu. Điều đó còn tùy thuộc vào sự thông minh và bản lĩnh của mỗi người. Nhưng một đứa bé lớn lên trong hoàn cảnh nghèo túng, gia đình ly tán, chưa bao giờ được đến trường, phải thường xuyên sinh hoạt với đám người lỗ mãng để nương tựa và tìm kế sinh nhai, thì khó mà mong đứa bé ấy luôn ngoan hiền hay thành thật. Một đứa bé khác lớn lên trong những điều kiện vật chất đầy đủ, nhưng cha mẹ lại bận lo làm giàu nên không có thời gian để gần gũi và thấu hiểu em. Thậm chí, họ thường hay cãi vã và bày những điều gian trá trước mắt em. Rồi họ bù đắp trách nhiệm dạy dỗ bằng cách đẩy em vào những ngôi trường danh tiếng, hay chiều chuộng theo mọi đua đòi của em. Như thế làm sao em ý thức được tinh thần trách nhiệm, hay biết nhường nhịn và tôn trọng mọi người?

 

Khi hay tin một nam sinh mang dao vào trường hăm dọa giết thầy cô giáo, hay một nữ sinh đã đánh bạn mình thê thảm rồi còn quay phim tung lên mạng thì ai mà không phẫn nộ. Ta cho đó là hành vi vô đạo đức. Ta muốn những học sinh ấy phải bị trừng phạt một cách đích đáng. Nhưng nếu ta đổ hết trách nhiệm lên vai em thì làm sao em gánh nổi. Em sẽ gục ngã và mất hết tương lai, rồi ta cũng sẽ mất dần những đứa em tiếp nối ta đi về tương lai. Em là đứa trẻ dại khờ luôn muốn trưởng thành nhanh chóng, nhưng vì tâm lý chưa chuẩn bị nên đã bị sa ngã. Đúng ra, gia đình và nhà trường phải là môi trường lý tưởng nhất để giúp em hiểu được mình và nuôi dưỡng lý tưởng sống. Nhưng cha mẹ chỉ luôn ao ước con mình ăn học thành tài, nhà trường chỉ trông mong học sinh có học lực xuất sắc, chứ đâu có kỳ vọng hay đầu tư vào phần đạo đức của em. Giáo dục không thể thành công khi chỉ nhờ vào nỗ lực cá nhân. Và nếu hai môi trường được coi là nhiều dưỡng chất nhất cho một đứa trẻ vững chãi vào đời mà cũng quay lưng với trách nhiệm, thì ai sẽ giúp những đứa em ấy trở về với xã hội, với chính em đây? Ta hy vọng vào các trại cải tạo ư? Sự trừng phạt là giải pháp thấp kém nhất trong công tác giáo dục. Ta thấy thực tế chỉ có số rất ít đủ nghị lực để quay về. Số còn lại mất hết niềm tin vào cuộc sống, nên họ sẵn sàng buông xuôi và lún sâu vào vũng lầy cũ.

 

Trước khi trách giận những đứa em dại khờ ấy, ta hãy tự hỏi mình đã làm gì giúp các em chưa? Hay ta nghĩ đó không phải là trách nhiệm của mình nên ta vẫn đứng bên lề để mặc tình lên án, buộc tội và xa lánh? Người lớn chúng ta cũng vẫn còn mắc phải rất nhiều vụng về, lầm lỡ kia mà. Dù người khác chưa hay biết hoặc phanh phui, nhưng ta không thể tự cho mình là trong sạch mà tùy tiện dán nhãn hiệu xấu xa lên đầu kẻ khác. Trong kinh Phúc Âm, Chúa Jesus đã nhắc nhở: "Ai thấy mình không có tội thì cứ ném đá vào người đàn bà này trước". Hãy cho người kia một cơ hội để chuyển hóa, vì như thế cũng chính là ta đã tạo cho mình một lối thoát trong tương lai. Đời sống còn chìm trong vô tâm thì không thể tránh khỏi những hành vi không tự chủ. Ta cần tha thứ và giúp nhau vượt qua gian khó, chứ không phải ngồi đó đòi hỏi người khác phải luôn hoàn hảo cho mình.

 

  

Làm sao có thể tha thứ?

 

Giả sử sự khó khăn của người kia khoảng một gang tay mà dung lượng trái tim ta có sẵn một gang rưỡi, thì xem như họ được chứa đựng. Nhưng nếu sự khó khăn của người kia lên tới một gang rưỡi hoặc hai gang, thì bắt buộc ta phải cố gắng để nới rộng trái tim mình lớn hơn mức khó khăn đó. Lỡ như ta đã cố hết sức rồi mà trái tim cũng chỉ giãn nở tới mức ngang bằng, hoặc dưới mức khó khăn của người kia thì sự nâng đỡ sẽ bất thành. Dù vậy, người kia vẫn cảm nhận được và ghi khắc sâu đậm ân tình của ta. Bởi không có thứ tình thương nào cao đẹp hơn khi nó được tạo thành từ sự buông bỏ bớt những nhu cầu hưởng thụ căn bản nhất của bản thân. Ngoài ra, nó còn phải vượt qua những áp lực của hoàn cảnh xung quanh, để giúp cho đối tượng thương yêu của mình bừng tỉnh và đi tới. Ân tình ấy chỉ đến từ sự chân thành và tự nguyện, chứ không có trong giao kết hay mong đợi của đối phương. Mà tha thứ chính là đỉnh cao của ân tình.

 

Nếu bình tĩnh và biết quan sát thì bao giờ ta cũng nhận thấy kẻ gây ra lầm lỗi mới là nạn nhân đáng tội nghiệp nhất. Họ có thể làm cho ta đau trong nhất thời, nhưng năng lượng sân hận hay những bế tắc tâm lý sẽ bủa vây và hành hạ họ trong từng giây từng phút. Họ càng tỏ ra cứng đầu, không biết hối lỗi, thì lại càng đáng thương hơn. Bởi không biết bao giờ họ mới tỉnh ngộ để có thể thiết lập cho mình một đời sống bình an và hạnh phúc vững vàng. Vừa đánh mất niềm tin vào bản thân, vừa sợ những người thân yêu bỏ mặc, vừa không biết cách giải quyết những đổ vỡ do chính mình gây ra, vừa lo lắng không biết tương lai sẽ đi về đâu, nên họ thường rất hoang mang và rất cần sự giúp đỡ. Họ biết họ không có tư cách để đòi hỏi gì thêm, vì ta đã từng thương yêu họ hết lòng. Nên họ chỉ còn biết trông mong vào ân tình - món quà tình cảm không suy tính, không dựa vào sự công bằng, không cần đáp trả từ nơi trái tim của một người độ lượng.

 

Khi ta đã ý thức được đây là một kẻ đáng thương hơn đáng trách


thì ta sẽ không còn muốn đẩy khó khăn ấy ra khỏi ta nữa. Tức là ta đã chấp nhận phần không dễ thương như ta đã từng đón nhận những phần dễ thương của họ. Vấn đề còn lại là làm sao ta có thể chứa đựng được nỗi khổ niềm đau ấy một cách dễ dàng khi trái tim ta vẫn chưa đủ lớn? Ta rất muốn tha thứ nhưng vẫn không tha thứ được, lòng cứ quặn đau mỗi khi nghĩ đến sự hư hỏng hay phản bội của họ. Nếu ta cho rằng tha thứ là một việc dễ làm, chỉ cần cố gắng một chút là được thì ta đã lầm. Bởi ta từng bám chặt vào những nguyên tắc cứng nhắc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo của người khác, vướng kẹt vào cảm xúc muốn được tôn kính, luôn thấy mình là kẻ cống hiến nhiều hơn, chưa có thói quen hứng chịu thiệt thòi hay hết lòng vì người khác, thì trái tim của ta sẽ rất khó nới rộng ra thêm. Ta phải có khả năng thu dọn bớt những nhu cầu thỏa mãn sự ích kỷ thì trái tim mới có chỗ để chứa đựng người khác. Nên nhớ, càng vị kỷ thì càng không thể vị tha. Bởi vị kỷ chính là trở lực của vị tha.

 

Trong truyền thống nhà thiền có hai cách để giáo huấn học trò, đó là: uy và ân. Uy tức là uy lực, là năng lực tỏa chiếu từ lối hành xử trang nghiêm và giữ gìn khuôn phép, chứ không phải do mình la hét vào mặt người khác mà có uy. Còn ân chính là ân tình, là sự tận tình giúp đỡ khi người kia yếu kém hay tấm lòng bao dung độ lượng khi họ mắc phải lỗi lầm, chứ không phải do mình thương yêu đến mức vướng lụy mà có ân tình. Thật ra cái uy cũng chính là cái ân, bởi cái uy kia giúp họ luôn tỉnh thức và cố gắng tiến bộ nên họ rất biết ơn. Và cái ân cũng chính là cái uy, vì cái ân kia giúp họ một cách hết lòng, không điều kiện nên họ luôn thầm nể phục. Cũng như hiểu biết và thương yêu, cái uy và cái ân không bao giờ tách rời nhau, dù có lúc một trong hai cái được thể hiện nhiều hơn.

 

Mỗi khi dùng uy hay ân, ta phải rất cẩn thận. Đôi khi ta nghĩ rằng mình phải làm như thế thì họ mới thức tỉnh, mới sợ mà không dám tái phạm, nhưng kỳ thực là trong thâm tâm ta đang rất tức giận và có ý  muốn trừng phạt. Hoặc đôi khi thấy người kia quá đáng thương, cần được che chở và vỗ về hơn là khiển trách, nhưng thực chất là ta đang lo sợ người ấy ghét bỏ hay không còn quý mến mình nữa. Người kia đang mắc nạn và cần sự cứu giúp mà ta lại xen ké quyền lợi của mình vào, thì sự tha thứ ấy không còn mang tính chân thật nữa. Khi ta biết lầm lỗi này quá lớn, trong nhất thời không thể nào coi như nó chưa từng xảy ra, ta nên cố nuốt nước mắt vào trong để cố gắng chấp nhận mà giúp người kia một con đường. Hoặc biết trái tim mình đang đau nhức, phải cần một thời gian nữa mới có thể chấp nhận và chuyển hóa. Thậm chí, ta phải đành thú thật cho họ biết trái tim ta chỉ mở rộng tới mức ấy thôi. Tất cả những hành động ấy đều là ân tình, là sự tha thứ đích thực.

 

Tuy ta không phải là bậc thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lỗi lầm của con người, nhưng nếu trái tim ta còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì thêm nữa, hãy tha thứ cho nhau đi. Tha thứ luôn là linh dược có thể chữa trị mọi nỗi khổ niềm đau cho kẻ được tha thứ và cả người tha thứ. Thà tha lầm còn hơn chấp lỡ. Lỡ khi nhận ra chính thái độ cố chấp và hẹp hòi của ta đã vô tình đẩy người kia rớt xuống tận cùng vực thẳm, thì ta sẽ ăn năn hối hận suốt đời. Còn khi phát hiện ra quyết định tha thứ của ta đã không mang lại hiệu quả thì ta vẫn còn nhiều cơ hội để cứu chuộc. Khi trái tim đang trong tình trạng giãn nở ra và ngày thêm mạnh mẽ là trái tim đã tìm đúng hướng hạnh phúc. Điều đáng sợ nhất trong quá trình yêu thương là ta đã để cho trái tim mình co rút lại, yếu đuối, không còn chất liệu linh thiêng để sẵn sàng rung cảm trước những tiếng kêu thương của cuộc đời.

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng tin tưởng tuyệt đối vào sự chuyển hóa kỳ diệu nơi trái tim con người: "Trái tim cho ta nơi về nương náu/ Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều" (Hãy yêu nhau đi).

 

 

Xin có mặt cho người

Bằng tất cả trong tôi

Phút giây này tỉnh thức

Với ân tình chưa vơi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/10/2014(Xem: 32856)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
18/08/2014(Xem: 58319)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
12/03/2014(Xem: 24959)
Trong một cuộc đàm thoại giữa thính chúng thuộc nhiều thành phân xã hội, là nhà truyền thông, nhà giáo dục, chính khách…Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề đời sống xã hội của người tham dự một cách thẳng thắn và có duyên.
20/02/2014(Xem: 19987)
Chiều hôm nay, tôi đang ở trong cốc thì Thầy Viện Trưởng đến, Thầy gọi tôi và đưa cho tôi quyển sách này, Thầy nói: "Thầy thấy Từ Đức thích dịch sách của ngài Đạt Lai Lạt Ma nên Thầy mua quyển sách này, con đọc rồi dịch, khi nào xong thì đưa cho Thầy!" Tôi thích quá, thật khó tả. Tôi chỉ mĩm cười, khẻ nói "Dạ" và cầm lấy quyển sách. Thế là ngay hôm ấy tôi liền bắt tay vào dịch những dòng đầu tiên của quyển sách để lấy ngày, 20 – 11 – 2010.
10/02/2014(Xem: 22108)
Lama Thubten Yeshe sinh năm 1935 tại Tây Tạng. Mới sáu tuổi, Ngài đã vào học tại Sera Monastic University ở Lhasa, một trong những tu viện lớn và nổi tiếng của Tây Tạng. Ngài học tại đây tới năm 1959
05/02/2014(Xem: 20762)
Bất cứ ai sinh ra trong thế gian này đều nghĩ rằng trong ta phải có một cái linh thiêng, làm chủ mạng sống của mình và gọi đó là “Cái Tôi” tức là bản Ngã. Từ đó những vật sở hữu của họ thì gọi là “Cái Của Tôi”. Khi cảm tính về “Cái Tôi” hiện lên thì tính ích kỷ, tính tư lợi hay là tự xem ta là trung tâm (self-centered) cũng bắt đầu bùng phát.
16/12/2013(Xem: 18060)
Dân tộc ta thừa hưởng nhiều tư tưởng triết lý tôn giáo cũng như chính trị và văn học của nhân loại; khởi đầu là tư tưởng Nho gia, Đạo giáo rồi đến Phật học. Suốt thời kỳ dài, "Tam giáo đồng nguyên" đã hòa hợp khá nhuần nhuyễn để dân tộc ta có một nếp sống hài hòa từ văn hóa đến kiến trúc, nghi lễ, chính trị, giáo dục, giao tế... Vì thế, những di tích còn để lại ngày nay ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, mỗi làng đều có Đình, Miếu và chùa trong một quần thể mỗi xã, huyện.
16/12/2013(Xem: 14017)
Giới là sự khác biệt căn bản giữa người nam và người nữ, liên quan đến giới tính, đến vai trò và vị trí xã hội của họ. Vấn đề bình đẳng giới được nêu lên nhằm giải quyết sự thiệt thòi của phụ nữ vì bị đối xử phân biệt
14/12/2013(Xem: 35079)
Năm 2006, khi tôi viết thư xin phép Thiền sư Bhante H. Gunaratana để dịch quyển tự truyện cuộc đời ngài, Hành Trình Đến Chánh Niệm (Journey To Mindfulness), Thiền sư không những đã từ bi hoan hỷ cho phép, mà còn giới thiệu về quyển sách mới của ngài, Eight Mindful Steps To Happiness. Do duyên lành đó hôm nay bản dịch của quyển sách trên được đến tay độc giả với tựa Bát Chánh Đạo: Con Đường Đến Hạnh Phúc.
11/12/2013(Xem: 22245)
Nói về kiếp người Đức Lão Tử đã thốt lên rằng: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân, Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?” Dịch : “ Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân, Nếu ta không thân thì đâu có khổ gì ?”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]