Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

14. Bài Học Về Rừng

05/11/201321:09(Xem: 35249)
14. Bài Học Về Rừng
mot_cuoc_doi_bia_3


Bài Học Về Rừng





Chiều ấy, tỳ-khưu Subhūti đang ngồi trên một tảng đá để vá y. Nghe tin đức Phật đã về Trúc Lâm, chẳng lẽ nào lại mặc chiếc y rách nát này để đến thăm ngài, chắc sẽ bị quở trách. Từng mũi kim cẩn trọng xuyên qua xuyên lại mấy mảng vải đã mục, vị tỳ-khưu mỉm cười. Cái thân của chúng sanh trong các kiếp sinh tử cũng tương tợ vậy, cứ vá tới, vá lui mãi. Kiếp nào có nhiều phước báu thì những tấm vá được lành lặn, đôi khi lại sang quý nữa. Kiếp nào ít phước báu, hoặc quá thiếu phước thì có khác gì chiếc y này đâu?

Tỳ-khưu Subhūti chưa đi đảnh lễ đức Phật mà ngài đã đến nơi rồi. Có cả tôn giả Mahā Moggallāna và số đông tỳ-khưu nữa. Đứng trên một ngọn đồi, không xa hang núi của tỳ-khưu Subhūti, đức Phật đưa tay chỉ, mỉm cười:

- Các thầy có thấy không? Con trai của Như Lai đang vá y đấy! Cái hình ảnh ấy trông đẹp làm sao!

- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!

- Có cả nhàn hạ, thảnh thơi và vắng lặng nữa! Tôn giả Mahā Moggallāna tiếp lời - Đúng là Bậc xứng đáng được cúng dường!

Đức Phật đưa mắt ngắm nhìn chiếc lưng cong, cái đầu cúi của tỳ-khưu Subhūti trong trạng thái chăm chú trên đầu mũi kim, sợi chỉ, ngài nói:

- Một động thái nhỏ, con trai của Như Lai cũng chăm chú, định tâm. Vì quá chăm chú, quá định tâm nên ông ta không thấy, không biết chuyện gì xảy ra xung quanh. Như Lai và các thầy đang đứng ở gần đây mà ông ấy cũng không hay biết. Vậy, do định thiền mà vị ấy không cần biết trời mưa hay nắng là điều dễ hiểu hay khó hiểu, này các thầy tỳ-khưu?

- Bạch, rất dễ hiểu ạ!

- Con trai của Như Lai cũng không thèm biết, chư thiên ái mộ, kính ngưỡng mình nên đã che mưa suốt một tháng trường, ảnh hưởng thời tiết, khí hậu cả một vùng, vậy ông ta có tội hay không có tội?

- Vì không cố ý nên không có tội, bạch đức Tôn Sư!

- Ừ, chính xác! Đức Phật nói - Chính tư tác (cetanā), chính cố ý, cố tình mới tạo nên nhân, tạo nên nghiệp là trọng tâm giáo pháp của Như Lai. Tuy nhiên, trong trách nhiệm liên đới, nhân duyên trùng trùng, con trai của Như Lai có đóng góp vào đấy một duyên xấu, theo cái hiểu của thế gian là liên đới trách nhiệm đấy! Khi nhập định, vị tỳ-khưu cần phải khởi tâm quán xét!

Hội chúng không hiểu. Chỉ có tôn giả Mahā Moggallāna là hiểu nên ngài xin được trả lời:

- Đức Tôn Sư từng dạy rằng, một vị tỳ-khưu nhập định diệt thọ, tưởng bảy ngày, nếu không quán xét những sự việc xảy ra; ví dụ có chuyện trọng đại về tăng sự trong thời gian ấy, vị ấy sẽ bị đức Tôn Sư hoặc các bậc thượng thủ A-la-hán khiển trách! Do thế, thường xuyên định tâm không, chưa đủ, phải thường xuyên tuệ quán nữa!

Đức Phật giảng thêm:

- Một vị tỳ-khưu có định thâm sâu, có tuệ giải thoát không chưa đủ. Khi cần, trong tuệ có định, trong định có tuệ. Nếu tỳ-khưu Subhūti thuần thục cả hai, định và tuệ đều viên mãn thì khi vào định, nếu cần, có thể dùng tuệ để quan sát tất thảy những gì xảy ra xung quanh. Trường hợp như Sāriputta và Mahā Moggallāna, ngồi định ở đây nhưng hai vị còn có thể biết việc xảy ra cả nhiều ngàn thế giới, nếu vị ấy muốn!

Chư vị tỳ-khưu đi theo được mở sáng mắt, họ rùng mình. Có những bàn tán nho nhỏ:

- Nghiêng quá về định cũng không được.

- Không quan sát xung quanh, trên dưới, gần xa; đôi khi lửa cháy rừng không biết thì nguy to!

- Tuy không trực tiếp tạo duyên xấu, nhưng chỉ cần thả chút tuệ rà soát xung quanh thì chắc chắn, hiện tượng trời không mưa cả tháng kia sẽ không xảy ra.

Tôn giả Mahā Moggallāna đi thụt lùi ra sau, gật đầu:

- Khá khen chư hiền đã rất tiến bộ!

Lần bước theo lối đá và con đường mòn nhỏ xuống đồi, đức Phật và hội chúng đến gần nơi am thất của tỳ-khưu Subhūti.

Đức Phật chợt nói:

- Hãy dừng chân đây một lát, đợi thầy tỳ-khưu của chúng ta vá y xong cái đã!

Rồi câu chuyện còn được tiếp tục.

Đức Phật hỏi xung quanh:

- Đức vua Bimbisāra có hứa kiến tạo liêu thất, nhưng sau đó, do bận rộn quốc gia đại sự mà quên đi - vậy, vị đại vương của chúng ta có tội hay không có tội?

Chư tỳ-khưu lại bàn thảo. Kẻ bảo có chút ít, nhưng do bận việc lớn, đem lại sự yên ổn cho nhiều người nên có thể khoan giảm. Người nói, đây là vấn đề nhân, duyên và quả chứ đâu có như luật pháp thế gian mà luận bên này để châm chước cho bên kia? Một vị khác, đức vua của chúng ta có khiếm khuyết, bất toàn thế nào đó về trí não nên bị cái tội hay quên; nếu có trí nhớ tốt thì chỉ cần ra một khẩu lệnh thì quân hầu lo liệu xây liêu thất được ngay; việc này không liên hệ đến chuyện ổn định biên giới! Vị khác nữa, hay đây là cái tội thiếu định tâm tu tập?

Đức Phật nói với tôn giả Mahā Moggallāna:

- Ông hãy nói rõ điều đó cho họ nghe đi, con trai!

- Dạ thưa vâng, thầy tỳ-khưu khi thuần thục định tứ thiền, nếu vị ấy muốn có túc mạng thông, tức là thắng trí nhớ lại các kiếp sống trong quá khứ - đầu tiên họ nhớ đến một ngày, hai ngày... nhớ lui cho đến giai đoạn vừa sinh ra, trong thai bào, đến kiếp sống trước đó. Cứ thế, cứ thế, và cứ thế, vị ấy nhớ một kiếp, hai kiếp, mười kiếp, trăm kiếp... Cứ vậy, cho đến trăm ngàn kiếp cũng còn nhớ, huống hồ gì là trong ngày! Trường hợp đức vua của chúng ta là thiếu chánh niệm. Người có chánh niệm tinh minh, thuần thục thì đi đứng ăn nói, cử chỉ, thái độ, ý nghĩ bất cứ nơi đâu, lúc nào - nói chung, hoạt trạng của thân hành, khẩu hành và ý hành bất cứ nơi đâu, lúc nào đều được thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ!

Đến ngang đây thì mọi người đều đã hiểu. Tỳ-khưu Subhūti cũng đã vá y xong và vị ấy đã thấy đức Phật, tôn giả Mahā Moggallāna cùng chư vị tỳ-khưu đến thăm. Ngài không ngờ có được sự vinh hạnh hiếm có này.

Đức Phật rất giản dị, ngài lựa tìm một chỗ ngồi trên tảng đá có tấm tăng-già-lê gấp bốn, quay mặt về hướng cánh rừng xanh xanh trước mặt. Tỳ-khưu Subhūti đến đảnh lễ rồi ngồi xuống nơi phải lẽ. Đức Phật nói:

- Chắc ông đã học được bài học về chuyện đức vua Bimbisāra rồi chứ?

- Dạ thưa vâng, có ạ!

- Bài học đó như thế nào, con trai?

- Thưa, đệ tử cũng vừa suy ngẫm, chiêm nghiệm từ rừng - và học được bài học đó từ rừng!

- Hãy nói cho Như Lai nghe với nào?

- Ban đêm rừng ngủ, nhưng rừng vẫn luôn luôn sống động, luôn luôn tỉnh thức, bạch đức Thế Tôn! Thế nên, vị tỳ-khưu khi vào định, ngoại trừ định sâu, cũng phải luôn luôn tỉnh thức sống động như rừng vậy!

- Hay lắm! Vậy là trong định có tuệ , ông hãy tu tập cho thuần thục điều mà rừng đã gợi ý cho ông. Vậy, ông còn học được gì từ rừng nữa không, Subhūti?

- Thưa, đệ tử chỉ mới suy ngẫm điều ấy nhưng chưa thực tập về điều ấy!

Đức Phật bèn nói với hội chúng xung quanh:

- Rừng không những chỉ có một đặc tính như tỳ-khưu Subhūti vừa kể. Nó có cả thảy mười điều, hãy nghe và Như Lai sẽ giảng nói.

- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!

Rồi đức Phật quay qua nói với tôn giả Mahā Moggallāna đang đứng gần bên:

- Thời pháp này Như Lai nói về rừng nhưng không thuần túy chỉ nói về rừng thôi, mà còn những ý nghĩa khác quan trọng hơn nữa. Vậy ông hãy nhiếp tâm, sử dụng thần thông lực mời thỉnh tất cả các vị trưởng lão, các vị thượng thủ A-la-hán có thắng trí ở tại Vương Xá và xung quanh Vương Xá, qua không gian, hãy đến đây để cùng lắng nghe thời pháp này!

Vâng lời, tôn giả Mahā Moggallāna ngồi xuống, trú định, vào định tứ thiền, xuống cận định, sử dụng đồng lúc tha tâm thông, thiên nhãn thông để gởi tư tưởng theo lời dạy của đức Phật. Chỉ một lát sau đó thôi, chư vị trưởng lão, thượng thủ A-la-hán từ khắp các phương như những cánh chim ưng vàng từ trong những đám mây trắng, đồng vân tập, xuất hiện, đảnh lễ đức Phật một cách rất ngoạn mục. Chư tỳ-khưu phàm tăng trố mắt, sững sờ. Lại càng ngạc nhiên hơn nữa, trong một khoảng rừng, góc núi nhỏ thế mà chư vị thánh tăng vẫn thừa chỗ ngồi, lặng lẽ xung quanh đức Phật mà không gian dường như cũng không lớn rộng thêm ra? Ôi! thật là phúc lành hy hữu cho chư vị tỳ-khưu này!

Đức Phật tiếp tục buổi giảng, như sau:

- Này các thầy tỳ-khưu! Như Lai nhắc lại, rừng có mười đặc tính; vậy mỗi vị tỳ khưu hãy học hỏi 10 đặc tính ấy để đem đến lợi lạc cho mình và cho giáo pháp.

Thứ nhất, rừng luôn luôn tỉnh thức, vậy một vị tỳ-khưu phải luôn luôn tỉnh thức, bất luận ngày hay đêm. Thứ hai, rừng ẩn trong lòng mình rất nhiều loại gỗ quý; cũng vậy, vị tỳ-khưu phải phát hiện những đức tính quý báu trong tâm của mình. Thứ ba, rừng là nơi hằng trăm hằng ngàn chủng loại động vật, thực vật cộng cư, cũng vậy, trong tâm của chúng sanh cũng đang có hằng triệu, hằng triệu chủng tử tốt có, xấu có từ vô lượng kiếp đến nay đang sinh sống ở đấy. Thứ tư, trong lòng đất của rừng có nhiều mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ kim cương, cũng vậy, trong tâm một vị tỳ-khưu cũng có những kho báu, đó là những thắng trí, những khả năng phi thường nếu biết đào xới những vỉa quặng ấy. Thứ năm, cây cối trong rừng dù to, dù nhỏ, dù cao, dù thấp thường nương nhau mà tồn tại, cũng vậy, trong giáo hội của Như Lai: Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, người lớn, người nhỏ, người tốt, người xấu phải nương nhau mà tu tập. Thứ sáu, rừng là nơi giữ nước, là nơi tươm rỉ những dòng suối trong xanh, từ đó, tuôn chảy ra sông ngòi, ruộng vườn nuôi sống muôn sinh. Cũng vậy, giáo hội của Như Lai là nơi lưu giữ chánh pháp, phát triển chánh pháp, những dòng giáo pháp trong xanh, tinh khiết, vô nhiễm đổ tràn ra thế gian để đem đến hạnh phúc, an vui cho trời và người. Thứ bảy, rừng sợ nhất bị chặt phá, bị đốt cháy, cũng vậy, giáo pháp của Như Lai kỵ nhất là sự phá hoại từ nội bộ, bị đốt cháy bởi tham lam, dục vọng của một số tỳ-khưu tầm cầu danh vọng và lợi dưỡng. Thứ tám, rừng có thứ tự cây cao, cây lớn, cây thấp, cây nhỏ và có cả cây nương nhờ, cũng vậy, trong giáo hội của Như Lai, mọi người phải biết tôn trọng hạ lạp, tuổi tác lớn nhỏ, đồng thời phải đùm bọc, che chở những người đang nương nhờ mình. Thứ chín, rừng là nơi điều hòa nhiệt độ cho trái đất, cũng vậy, giáo hội của Như Lai phải là nơi điều hòa sự an vui và hạnh phúc cho nhân quần, xã hội. Thứ mười, rừng hút bụi bặm, ô nhiễm trong không gian rồi nhả hơi nước, tạo không khí trong lành để phụng hiến vô vị lợi cho đất trời; cũng vậy, chư vị tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni sống giữa cuộc đời, phải gánh chịu, nhẫn chịu vào lòng tất cả mọi đắng cay, sự phỉ báng, sự gièm pha, mọi tiếng lời thị phi, tâm địa bất trắc, khó lường của chúng sanh rồi ban rải tứ vô lượng tâm đến cho họ, cho thế gian nhiều khổ, ít vui này!

Đức Phật kết luận:

- Trước khi chưa thành đạo, Như Lai chưa có pháp nào cả. Thành đạo rồi, suốt bốn mươi chín ngày thọ hưởng hạnh phúc siêu thế; xuống lên, vào ra các tầng thiền cho thuần thục; quán ngược, quán xuôi những duyên khởi cho tinh minh; đến đi, xuất nhập các thắng trí cho tỏ suốt; ngẫm cạn, ngẫm sâu về Tứ Đế cho tỏ tường; chẻ thô, chẻ tế các sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến chỗ chi li, tinh mật, từ đấy, Như Lai mới có pháp, mới có rất nhiều pháp, mới có Pháp Bảo! Các thầy không thể tưởng tưởng được cái thấy biết của Như Lai về thế gian nội tâm, về thế giới vạn hữu, về tất cả các bộ môn học thuật trên cuộc đời này đâu. Nó rộng lớn lắm. Nó bao trùm cả hư không vô tận này. Tuy nhiên, nói hạt vi trần chia bảy mà làm gì khi kiến giải ấy không đem lại sự chấm dứt khổ, lắng dịu phiền não? Nói về các ngân hà, thiên hà mà làm gì khi tri kiến ấy chỉ để mà thỏa mãn kiến thức, một loại trí tham, trí dục, một hình thức khác của bản ngã và si mê mà thôi! Ồ, các thầy hãy xem đây!

Rồi đức Phật nắm một nắm lá trong tay, đưa lên rồi hỏi:

- Các thầy thấy nắm lá trong tay của Như Lai nhiều, hay lá trong rừng nhiều?

- Lá trong rừng nhiều hơn, bạch đức Thế Tôn!

- Ừ, đúng vậy! Nắm lá trong tay Như Lai thật là ít ỏi so với lá ở trong rừng. Cũng vậy, nhiều như lá ở trong rừng là thấy biết của Như Lai, là sở học, sở tri, sở chứng, sở ngộ của Như Lai, nói chung là của chư Chánh Đẳng Giác đã tích lũy được qua hằng hà sa số kiếp, qua vô lượng vô biên ba-la-mật. Tuy nhiên, nắm lá trên tay ít, nhưng vừa đủ, vừa đủ để trao truyền cho các thầy những tinh yếu, những nguyên lý để các thầy lên đường, để mà tu tập, để mà diệt tận khổ đau. Giáo pháp của Như Lai là giáo pháp diệt khổ, thoát khổ chứ không phải để mà giải thích về vũ trụ, các ngân hà, thiên hà. Như Lai còn biết nữa rằng, vào thời mà giáo pháp suy đồi, chư tỳ-khưu không còn tu tập giải thoát, thiền định hay giới luật được nữa, chúng sẽ biến giáo pháp của Như Lai thành một mớ triết lý, triết luận nghe thì có vẻ hay ho, cao siêu nhưng mà rỗng không, phù phiếm. Là cái trò chơi văn, giỡn chữ ồn ào, huyên náo ở chợ búa, ở quán nước và ngay cả tại các giảng đường, tu viện, học viện! Một bọn khác, cũng không còn tu học chính đính, hành trì giới luật nghiêm túc được nữa bèn chứng tỏ kiến văn, sở học của mình, muốn giải thích cả số lá vô lượng, vô khả lượng trong rừng cây kia. Chúng muốn vượt qua cả Như Lai! Những điều Như Lai im lặng, không nói vì thấy vô ích, vô bổ, phù phiếm thì chúng lại huyên thuyên giảng nói, không biết đâu trúng, đâu trật; chẳng biết đâu là sở tri hữu dụng và đâu là kiến tri chỉ để lòe đời, bịp đời! Chúng họp bè, kết phái, lập tông... để tự giương danh mình, giải thích giáo pháp của Như Lai bằng cái kiến văn đựng trong cái vỏ ốc, vỏ hến ngu si, tối tăm nhưng đầy kiêu căng và khoa đại của chúng! Có bọn thì thấy giác ngộ, giải thoát, giới luật khó quá nên trở lại với bà-la-môn giáo thời sa đọa là luyện chú, luyện bùa, đọc mật chú, thần chú để chữa bệnh kiếm tiền, để giúp việc mua may bán đắt, thăng quan tấn chức, lắm vợ nhiều con, được danh đoạt lợi. Chúng còn lấy cái bí bí, mật mật ấy... để dẫn dắt mọi người đến nơi giác ngộ, giải thoát! Cho đến, chúng còn có khả năng siêu nhiên là dẫn dắt thần thức người chết (phàm phu, chưa tu tập) đến các cảnh trời và cả Niết-bàn nữa! Có bọn chứng tỏ ứng hợp với thời đại, đã lấy kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, sinh học, lý học, vũ trụ học, thiên văn học, địa lý học, số học, toán học, cả triết, cả thơ và cả văn để giải thích giáo pháp của Như Lai! Bọn chúng nói chỉ để mà nói, mà khoe mẽ ta đây là học giả, là bác học nhưng năm giới cũng không giữ được, thậm chí, một giới cũng không giữ được - nói gì đến định, đến tuệ, đến tuệ giải thoát!

Này các thầy tỳ-khưu! Hãy tịnh định nơi hơi thở, an trú nơi hơi thở, hãy nghe cảm giác nói gì, tri giác nói gì, tâm hành nói gì, thức tri nói gì? Khổ ở đó, lạc ở đó mà giác ngộ giải thoát cũng ở đó. Đừng tìm hiểu Niết-bàn qua ngôn ngữ, qua ý niệm, qua thức tri. Không tới đâu. Cũng đừng định nghĩa nó. Đừng định nghĩa Niết-bàn. Đừng định nghĩa siêu thế. Đừng xác lập nó ở trong hay ở ngoài trái đất. Chỉ khi nào tham sân si, phiền não hoàn toàn vắng lặng, không còn thiêu đốt nội tâm nữa, thì lúc ấy, tuệ tri, minh tri hiện ra; giác ngộ, giải thoát được thấy rõ, ngay tại đây, bây giờ; ngay tại cái thân dài một trượng này cùng với cảm giác và tri giác, là thấy rõ Niết-bàn chớ không ở một nơi nào khác, một chỗ nào khác! Niết-bàn ấy chẳng phải “tại” mà cũng chẳng phải “siêu”! Chẳng bờ bên này, chẳng bờ bên kia! Tất thảy chúng đều bất lập!

Hãy lắng nghe với tâm trí rỗng rang, vô ngã và vắng lặng! Hãy như vậy mà thọ trì này các thầy tỳ-khưu!

Bài pháp thuyết xong thì trời đã tối. Đức Phật vào nghỉ trong liêu thất của tỳ-khưu Subhūti. Đêm đó, rất đông tỳ-khưu thức ngủ, đàm đạo về giáo pháp cho đến gần sáng; sau đó có vị kinh hành, vị tọa thiền, vị nằm nghỉ nghiêng lưng hướng đầu về phía đức Phật.

Đêm ấy quả thật là một đêm đậm đà hương vị giáo pháp; và, núi rừng, trăng sao như đồng tỉnh thức trong ánh huy hoàng của đạo giải thoát.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/10/2014(Xem: 32965)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
18/08/2014(Xem: 58345)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
12/03/2014(Xem: 24988)
Trong một cuộc đàm thoại giữa thính chúng thuộc nhiều thành phân xã hội, là nhà truyền thông, nhà giáo dục, chính khách…Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề đời sống xã hội của người tham dự một cách thẳng thắn và có duyên.
20/02/2014(Xem: 19997)
Chiều hôm nay, tôi đang ở trong cốc thì Thầy Viện Trưởng đến, Thầy gọi tôi và đưa cho tôi quyển sách này, Thầy nói: "Thầy thấy Từ Đức thích dịch sách của ngài Đạt Lai Lạt Ma nên Thầy mua quyển sách này, con đọc rồi dịch, khi nào xong thì đưa cho Thầy!" Tôi thích quá, thật khó tả. Tôi chỉ mĩm cười, khẻ nói "Dạ" và cầm lấy quyển sách. Thế là ngay hôm ấy tôi liền bắt tay vào dịch những dòng đầu tiên của quyển sách để lấy ngày, 20 – 11 – 2010.
10/02/2014(Xem: 22110)
Lama Thubten Yeshe sinh năm 1935 tại Tây Tạng. Mới sáu tuổi, Ngài đã vào học tại Sera Monastic University ở Lhasa, một trong những tu viện lớn và nổi tiếng của Tây Tạng. Ngài học tại đây tới năm 1959
05/02/2014(Xem: 20767)
Bất cứ ai sinh ra trong thế gian này đều nghĩ rằng trong ta phải có một cái linh thiêng, làm chủ mạng sống của mình và gọi đó là “Cái Tôi” tức là bản Ngã. Từ đó những vật sở hữu của họ thì gọi là “Cái Của Tôi”. Khi cảm tính về “Cái Tôi” hiện lên thì tính ích kỷ, tính tư lợi hay là tự xem ta là trung tâm (self-centered) cũng bắt đầu bùng phát.
16/12/2013(Xem: 18065)
Dân tộc ta thừa hưởng nhiều tư tưởng triết lý tôn giáo cũng như chính trị và văn học của nhân loại; khởi đầu là tư tưởng Nho gia, Đạo giáo rồi đến Phật học. Suốt thời kỳ dài, "Tam giáo đồng nguyên" đã hòa hợp khá nhuần nhuyễn để dân tộc ta có một nếp sống hài hòa từ văn hóa đến kiến trúc, nghi lễ, chính trị, giáo dục, giao tế... Vì thế, những di tích còn để lại ngày nay ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, mỗi làng đều có Đình, Miếu và chùa trong một quần thể mỗi xã, huyện.
16/12/2013(Xem: 14027)
Giới là sự khác biệt căn bản giữa người nam và người nữ, liên quan đến giới tính, đến vai trò và vị trí xã hội của họ. Vấn đề bình đẳng giới được nêu lên nhằm giải quyết sự thiệt thòi của phụ nữ vì bị đối xử phân biệt
14/12/2013(Xem: 35089)
Năm 2006, khi tôi viết thư xin phép Thiền sư Bhante H. Gunaratana để dịch quyển tự truyện cuộc đời ngài, Hành Trình Đến Chánh Niệm (Journey To Mindfulness), Thiền sư không những đã từ bi hoan hỷ cho phép, mà còn giới thiệu về quyển sách mới của ngài, Eight Mindful Steps To Happiness. Do duyên lành đó hôm nay bản dịch của quyển sách trên được đến tay độc giả với tựa Bát Chánh Đạo: Con Đường Đến Hạnh Phúc.
11/12/2013(Xem: 22271)
Nói về kiếp người Đức Lão Tử đã thốt lên rằng: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân, Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?” Dịch : “ Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân, Nếu ta không thân thì đâu có khổ gì ?”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]