Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuốn Kinh và Ngôi Chùa.

09/04/201312:29(Xem: 17477)
Cuốn Kinh và Ngôi Chùa.

20.cuonkinhvngoichua

Cuốn Kinh và Ngôi Chùa

Tác giả: Đức Hạnh
Lời giới thiệu: TT Thích Tuệ Sỹ

Tác giả xuất bản, California, Hoa Kỳ
2003

--- o0o ---

VIẾT CHO ĐỨC HẠNH

Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực Lạc, Ánh Sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc. Quen thuộc từ khi mình còn là một tiểu sa-di. Nhưng phần khác, thú vị hơn, khi biết rằng Liên Hoa Bảo Tịnh cũng là Đức Hạnh – đó là chú Hạnh, một thời ở Già Lam cùng với chú Sỹ.

Hồi ấy, khoảng từ 1962 1963, Già Lam chỉ mới có một dãy nhà tranh cho các chú, với ba gian nhà gạch; gian giữa thờ Phật; một gian để dành cho thầy trù trì. Gian còn lại, thỉnh thoảng Thượng Tọa Giám Viện từ Nha Trang vào trông chừng các chú tu học như thế nào, và thường xuyên hơn là Thượng Tọa Thiện Minh. Già Lam, tức Tăng-già-lam của Phật học viện, hình thức như một cư xá cho lưu học sinh. Phật học viện trung phần dùng đây làm chổ tu học cho các chú đã đậu tú tài II từ các trường trực thuộc. Một số theo học tại các phân khoa của Viện Đại học Sàigòn. Một vài chú khác được viện gởi vào để theo học các lớp Anh văn của Hội Việt Mỹ. Chú Hạnh ở trong số các chú này. Còn tôi trước đó thuộc loại tiểu giang hồ, lang thang qua nhiều chùa ở miền Nam mà không đủ điều kiện nhập chúng. Rồi do thầy trù trì giới thiệu, được Thượng tọa Giám viện thương tình cho về Già Lam tá túc. Dù không thân, rồi cũng trở thành thân thiết. Tình huynh đệ trong chốn thiền môn là vậy.

Dễ chừng cũng hơn ba mươi năm, kể từ ngày tôi hành cước sang Vạn Hạnh. Hình chú vân du lên vùng thượng nguyên, dạy Anh văn tại các trường Trung học Bồ Đề.

Ba mươi năm, vật đổi sao dời. Đất nước hòa bình nhưng con người ly tán. Tan ở chổ này, để tụ lại ở nơi khác. Mỗi người ra đi theo mỗi hướng khác nhau, mà trong sâu thẳm của tâm tư vẫn còn ủ kín sơ tâm học đạo dù chí nguyện chưa tròn. Riêng phần tôi, trong ngần ấy năm, trầm luân qua gần đủ sáu nẻo luân hồi trong một kiếp nhân sinh. Khi được đưa về cảnh cũ, huynh đệ cũ không còn ai cả. Phố phường thị tứ náo nhiệt hẳn lên. Chùa chiền cũng náo nhiệt theo, trào lưu và thời thượng. Hai thứ tóc, bỗng thấy mình bối rối. Cho nên, khi bất chợt đọc được những trang sách, mà thoạt đầu cảm thấy lạ, rồi nhận thấy thân quen, như nghe lại âm hưởng của một thời hành điệu. Người trở về, thời gian đã đổi. Nhưng người đi xa, gốc cổ thụ vẫn còn hắt bóng qua nửa phuơng trời. Hạt giống bồ đề qua biết bao lần lữa thiêu, nước cuốn; hình hài có thay đổi, mầm sống không hư hao. Tôi đọc những trang sách ấy, khám phá lẽ đời và lẽ đạo từ một mảng đời phiêu bạt của người bạn đồng học, đồng tu cũ.

Tôi vốn làm thân con mọt sách. Chìm nổi qua gần đủ sáu nẻo luân hồi trong một kiếp nhân sinh, khi trở về, vẫn là con mọt sách. Đức Hạnh có lẽ là hạt cải lăn lóc giữa đường đời bụi bặm. Mỗi dặm đường, thêm một lớp bụi, tưởng chừng hạt nhân bên trong héo quắt. Thế giới này tuy chợt có chợt không; cõi nhân sinh tuy bị cuốn hút trong ái dục, cuồng vọng; nhưng từ trong tự tính huyền vi, nguồn sữa từ thai tạng của Như Lai vẫn ngọt ngào nuôi dưỡng chủng tử bồ đề cho tuỳ thời lớn mạnh. Rồi hạt cải nảy mầm, có phải như vậy không? Tôi không biết rõ điều đó, nhưng biết khá rõ một điều khác: khổ hải thao thao, hồi đầu thị ngạn.

Chúng tôi mỗi người từ một góc trời riêng biệt, từ những đường đời gập gềnh bên ngoài Phật học viện, bất chợt cảm thấy đang cùng nhìn về những ngày cũ, nhìn lại tâm nguyện ban sơ, thấy lại ước vọng một thời thanh xuân vẫn còn thấp thoáng dưới bóng chùa. Những trang sách của chú khiến tôi cảm nhận được một nguồn an lạc của nhiều ngây thơ từ những ngày bé bỏng. Rồi Chú gởi thiếp theo một loạt đang viết cho quyển sách dự định xuất bản. Tôi đọc không như một đọc giả đi tìm những ý tưởng hay những quan điểm mới lạ, tìm những gì mà mình chưa nghĩ đến trong kho tàng Thánh điển bao la. Tôi đọc những bài viết này với tâm trạng của một người ước mong khám phá những gì chưa biết về một người bạn, tưởng chừng như quên hẳn. Ở đấy, vẫn những điểm giáo lý quen thuộc, mà một thời đã cùng chung học tập, và cũng có khi tranh luận. Với tôi, nền tảng giáo lý ấy theo thời gian được chồng thêm nhiều lớp sở tri đông tây kim cổ, tưởng như mãi mãi bị khuất kín dưới lớp kiến văn quảng bác. Rồi bổng nhiên, từ những trang sách tình cờ, quá khứ một thời sống dậy, với tất cả tình cảm và tri thức. Khi ấy tôi cũng nhận ra rằng, cũng những điểm giáo lý ấy nơi Đức Hạnh tưởng là đã chôn vùi, quên lãng dưới những lớp bụi đời; nhưng không, những điểm giáo lý quá đơn sơ, mỏng và nhẹ vừa đủ cho những Chú sa-di non nớt cả về lẽ đạo và nghĩa đời cất giữ trong tâm tư, làm hành trang cho đường đi sắp tới; những điểm giáo lý ấy bây giờ chợt lục lại, mới hay đấy là những mầm giống tuy rất dể mục rã với thời gian, nhưng bởi tự tính là chất kim cang bất hoại nên vẫn tiềm tàng đâu đó trong đáy sâu của tâm thức, khi thời tiết nhân duyên đến, lại xuất hiện.

Bất hạnh thay, chúng tôi đều sinh vào thời của nhiều ma chướng, cao đồ sộ như bóng núi Thiết vi che kín cả mặt trời Tuệ giác. Thỉnh thoảng ánh sáng bồ đề từ tâm nguyện ban sơ chợt hiện, như đốm sao duy nhất trong đêm tối mịt mù. Tuy vậy, mỗi người vẫn cố đi tới, theo cách riêng của mình, bằng phương tiện và cơ duyên mà mình có. Vì vậy, tôi cảm thấy hân hoan, muốn góp mấy lời vào đầu tác phẩm này của Đức Hạnh. Nhiều khi cảm thấy những gì mình đã viết quá xa với thực tế, góp chặt từ nhiều trang Kinh Luận rồi ghép lại; do đó, khi đọc được những dẫn giải Phật pháp từ chính những vấn đề tế toái của cuộc sống thường nhật, tôi cảm thấy thú vị khi có thể chiêm nghiệm những gì vốn được chiêm nghiệm bằng tư duy luận lý siêu hình. Không chỉ là thể nghiệm, mà trong giới hạn nào đó của cuộc sống, đó còn là sự thể nghiệm chân lý trong sinh hoạt thường nhật. Nói một cách khác, đó là sự thể nghiệm yếu tính của Phật Pháp phiền não tức bồ đề.

Bởi phiền não tức bồ đề, cho nên người cư sĩ sống giữa cõi đời ô nhiễm, bị trói buộc bởi nhiều sợi dây ân oán, vẫn tự thấy bản thân không bị cách ly Thánh đạo. Người cư sĩ học Phật thì nói nhiều hơn làm, đó là giới hạn tất nhiên rất ít ai có thể vượt qua. Nhưng giáo lý Duy thức cũng nói về danh ngôn huân tập. Nói về lẽ thiện, tuy chưa thể hoàn toàn sống đúng với điều mình nói, nhưng tự tính ngôn ngữ có tính huân tập, giống như một thứ tự kỷ ám thị, mầm giống Thánh đạo được xông ướp một cách vô tình hay vô tri, trải qua nhiều thời gian, có khi trải qua mấy a tăng-kỳ kiếp, hạt giống thánh đạo được tích lũy bằng danh ngôn huân tập sẽ đến hồi nãy lộc. Vả lại, người Phật tử học Phật dựa trên ý nghĩa rằng y pháp bất y nhân. Phật pháp không chỉ để nghe suông, mà cần chiêm nghiệm, thực hành, để tự mình phát hiện chân lý. Cho nên, như Phật đã dạy, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được nói bởi truyền thống, xuất phát từ chổ được nói là có thẩm quyền, được giảng dạy bởi Đạo sư của mình. Tôi muốn nói đến sứ mạng hoằng truyền Chánh pháp. Những người xuất gia đã dứt bỏ mọi ràng buộc của thế tục, cho nên sự hành đạo và hóa đạo là thuận duyên, và lời giảng pháp là những kinh nghiệm thực chứng. Điều đó thật hữu ích cho người nghe. Nhưng, trong xã hội càng lúc càng phức tạp với đủ loại quan hệ nhân sinh. Kinh nghiệm của người xuất gia về sự thật của thế gian càng lúc càng thu hẹp. Do đó, những lời giảng tuy là từ chứng nghiệm bản thân nhưng nhiều khi xa rời thực tế xã hội khiến người tại gia tuy nghe thì nghe hay thật đấy nhưng khi hành thì lại gặp nhiều tai biến. Chuột nhắt không sợ sư tử, mà chắc chắn là sợ mèo . Đó là điều mà kinh gọi là đối trị tất-đàn. Chân lý của chánh pháp được đánh giá bằng thực tế đối trị. Tất nhiên, căn bản phiền não cần đối trị là tham, sân, si. Giáo lý cao siêu trong nhiều trường hợp trở thành trò lý luận viển vông. Không thể trao gươm thái ất cho trẻ nhỏ đi đập hạt dẻ. Bất cứ viên đá cuội tầm thường nào cũng đều có hiệu quả rất đáng hài lòng hơn.

Đó là vài cảm nghĩ của tôi khi đọc các bài viết Phật pháp của Đức Hạnh. Tôi nghĩ rằng những bài viết về những điểm giáo lý căn băn này được nhìn từ những khía cạnh đời thường cũng sẽ gợi được nhiều hứng vị cho người đọc; từ cảm hứng ấy mà chiêm nghiệm về những vấn đề nhân sinh của chính mình với Phật pháp. Mỗi người có những chứng nghiệm riêng của bản thân, để rồi hiểu rõ càng lúc càng sâu sắc hơn ý nghĩa Phật pháp bất ly thế gian Pháp.

Quảng hương Già Lam

Mùa an cư Phật lịch 2546,

Tuệ Sỹ

CUỐN KINH VÀ NGÔI CHÙA

KINH, tiếng Phạn SUTRA dịch âm TUĐALA, có nghĩa là khế kinh. Hết thảy giáo lý mà Đức Thế Tôn nói ra suốt 45 năm trên vận hành giáo dục và hướng dẫn chúng sanh trong mọi giai cấp về cách thức tu tập để đạt trí tuệ giác ngộ vô ngã là con đường vượt thoát sanh tử luân hồi, đều gọi là khế kinh. Khế kinh gồm có Thánh giáoThánh đạohay còn gọi là kinh điển, Thánh điển. Tính chất của khế kinh luôn luôn xúc tác, phù hợp, đối trị với mọi căn tính hữu tình chúng sinh, ai cũng có thể đạt được niềm an lạc, hạnh phúc và trí tuệ giác ngộ vô ngã sau khi ra công tu tập đích thực, cho nên khế kinh có hai tính chất khế lýkhế cơ. Khế lý, là toàn bộ kinh điển Phật giáo, dù chỉ là một bài kệ ngắn, một tác phẩm kinh dài mươi trang hay một chơn ngôn Pháp Cú, tất cả đều chứa đựng lý đạo sâu, cạn, vi diệu và mầu nhiệm. Vì bất cứ con người nào trong mọi giai cấp xã hội khi quay về Đạo Phật cho mục đích tìm con đường giải thoát bằng trí tuệ giác ngộ đều có giáo pháp phù hợp với hoàn cảnh, trình độ, căn cơ của mình để tu tập đạt trí tuệ giác ngộ giải thoát, đó là khế cơ.Từ đây ta mới thấy rằng toàn bộ nền đạo lý của Phật giáo đều có cùng một vị giải thoát, như nước trăm sông trong đất liền chảy ra biển cả đều trở thành vị mặn.

Nói khác hơn, toàn bộ kinh điển Phật, dù Tiểu Thừa hay Đại Thừa có khế lý Tục đếgiảng luận khác nhau ở mỗi thứ kinh, nhưng đều cùng chứa đựng Chơn Đế Vô Ngã Chân Không, Tánh Khôngtrong đó. Sở dĩ mỗi thứ kinh có lý giải (Tục đế) khác nhau như vậy, chỉ là phương tiện hướng dẫn đối với tất cả chúng sanh có trình độ khác nhau về cách thức tu tập, nhưng cứu cánh vẫn là trí tuệ vô ngã bình đẳng, đó là mục tiêu chính yếu của đạo Phật. Đạo Phật đánh mất mục tiêu trí tuệ vô ngã, tánh không này, thì không còn là đạo Phật! Vì vậy mà chư Phật thị hiện ra nơi đời không ngoài sự chỉ bày cho chúng sanh cái chân lý Tánh Không, Chân Không, vô ngã là con đường vượt thoát sinh tử luân hồi bằng sự tu tập giáo pháp mang thực chất nguyên lý giải thoát mà chư Phật đã chứng nghiệm. Cho nên chân lý Tánh Không, Chân Không, vô ngã đều có mặt trong Tam Tạng Kinh, Luật, Luận, chứ không riêng ở một bộ kinh nào.

Tuy nhiên, chân lý Tánh không, Chân Không, Vô ngã được Đức Phật kết tụ lại một cách riêng biệt bằng ngôn ngữ Tục Đế biện chứng luân hai chiều về khế lý Nhân Duyên(duyên khởi) để làm cho người Phật tử đang tu tập giáo Pháp thích hợp của mình mà dể dàng nhận ra chơn đế Vô Ngã, Tánh Không, Chân Không ở các pháp. Số lượng ngôn ngữ biện chứng luận duyên khởi không dài lắm, chỉ vỏn vẹn 260 chữ. Nếu tính luôn đề kinh là 268. Đó là bài kinh Bát Nhã. Vì vậy mà bài kinh Bát Nhã được mệnh danh là Tâm kinh, thường gọi là Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã là trí tuệ vô ngã bình đẳng. Cho nên Bát Nhã Tâm Kinh như là một công thức, một định lý về đạo lý vô ngã, tánh không để giúp cho người đang tu tập bất cứ pháp môn nào được dễ hiểu, dễ ngộ tánh không vô ngã. Và từ đó cũng mau tự phá trừ kiến chấp, xa lìa hữu ngã, tham ái khi nhìn thấy được bản thể vạn hữu, trong đó có mình, được sanh và hoại diệt đều do nhân duyên. Do nhiều nhân khác nhau, do nhiều duyên khác nhau, chứ không phải do một nhân, một duyên, nên nhân có nhiều thứ, duyên cũng có nhiều loại. Thuyết nhân duyên được Phật nói nhiều và cặn kẽ trong kinh điển, vì là cơ bản để đạt chân lý Tánh Không, Vô Ngã, Chân Không. Vì vậy mà đạo lý Phật nói ra đều có hai: giả lập và phủ định. Giả lập là hình tưóng do nhân duyên mà có, nhưng sau đó liền phủ định, bởi vì sẽ bị hoại diệt do nhân duyên. Giả lập là , phủ định là không. Ta thường đọc câu sắc bất dị không, không bất dị sắc. Bởi vì trong sắc (hình tướng) vốn có cái không. trong cái không vốn có sắc. Tức là sắc không khác với không, không không khác với sắc. Đó là duyên khởi trùng trùng nối kết nhau mà sanh mà diệt. Tức là “có mà không, không mà có”.

Sở dĩ Đức Phật nói giả lập là dùng phương tiện hướng dẫn cách thức tu tập để đạt chân lý. Và phủ định ngay sau đó là không muốn cho người tu tập giáo pháp bị lụy dính mắc vào giáp pháp mà trở ngại cho sự đạt đạo vô ngã, Tánh không. Cho nên giáo lý Phật trong tất cả kinh, không phải là giáo điều, không phải là một học thuyết, mà là giáo lý phá trừ kiến chấp, vọng thức để đi đến chân lý vô ngã tánh không, chân không. Vì vậy mà nói đến con đường giải thoát của đạo Phật là nói đến tâm vô ngã chân không, tánh không, cho nên đạo Phật được mệnh danh là Cửa Không. Cửa không là niết bàn. Niết bàn là tâm không còn vọng động, hết tham, sân, chấp ngã, xa lìa mọi cực đoan, kiến chấp …Tâm còn những chất ô nhiễm ác trược vọng động thì không thể vào được Niết bàn. Muốn vào được Niết Bàn tâm ta phải đồng thể tánh khônggiống như thể tánh không của Niết Bàn.

Muốn đạt được cái tâm không còn ô nhiễm, hết mọi ác trược, phiền não, tham vọng…gọi là tâm vô ngã, tánh không, chân không là thể tánh Niết bàn, ta phải học và thực tập lời Phật dạy trong các kinh điển và giới luật.

Nói rằng đến với đạo Phật không cần học và tu tập Phật pháp, chỉ có lể Phật, dâng hoa cúng dường, làm việc phuớc thiện không thôi, là đủ rồi! Nếu như vậy thì đức Phật đâu có chủ trương hoằng dương chánh pháp vào đời làm chi!

Công việc kết tập kinh điển của chư Thánh tăng sau khi Phật nhập niết bàn, chư vị tổ sư đem kinh điển Phật lên phương bắc, xuống phương nam, chư tăng tiền bối Việt Nam qua nhiều thời đại và hôm nay đã và đang cặm cụi dịch kinh chữ Tàu, Pali ra chữ Việt, là những việc làm dư thừa hay sao!

Nói rằng không cần học và thực hành Phật pháp, chỉ làm việc phước thiện…thì lấy năng lực nào để được siêu thoát sau khi chết? Bởi vì nghĩa của chữ “SIÊU” là đi lên. Năng lực của Siêu là tâm vô ngã tánh không, hết vọng động…

Ta nên biết rằng, những hành động: từ lễ Phật, dâng hoa cúng dường lên chư Phật, Bồ Tát trong chánh điện hay ngoài sân chùa, cho đến những công việc từ thiện xã hội, phụng sự Đạo Pháp, tất cả phải được xây dựng trên tinh thần vô ngã tánh không. Được tinh thần vô ngã tánh không, ta phải học và thực hành lời Phật dạy trong kinh thì mới biết cách xây dựng tinh tấn vô ngã ở lãnh vực từ thiện xã hội, xây chùa, đúc tượng, in kinh sách, dâng hoa lể Phật, cúng dường Tam Bảo đúng chánh pháp, chánh đạo. Chứ không phải do nghe lời truyền thuyết từ những người khác qua lời mời gọi, rủ rê hay bắt chước, nghe lóm người kia, kẻ nọ đang làm mà làm. Trong khi tự bản thân mình chưa một lần được chứng nghiệm qua sự thực hành lời Phật dạy trong kinh hay chưa được vị đạo sư chơn tu có đủ ba nền giáo dục ở bản thân: ý giáo, khẩu giáo và thân giáo giảng nói về lãnh vực tu phước, thì làm sao có thể hành động đúng chánh đạo, chánh pháp của việc tu phước!

Qua tư tưởng trên cho ta thấy rõ mục tiêu chính yếu của đạo Phật là xây dựng cho con người khi quay về đạo Phật phải được có tâm vô ngã tánh không. Tâm vô ngã tánh không mà đạo Phật chủ trương phải được thường hằng hiện hữu trong tâm người Phật tử qua mọi sinh hoạt của đời sống hằng ngày trong gia đình, ngoài xã hội, cũng như các việc phụng trì, phụng sự Đạo Pháp tại các chùa. Chứ không phải chỉ riêng lúc tham thiền nhập định, tụng kinh niệm Phật, đi kinh hành mới có tâm vô ngã tánh không. Nhất nhất mỗi nơi, mỗi thời phải tu luyện tâm vô ngã tánh không, đúng như lời kinh Bát Nhã: “Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không…”Chữ THỜItrong câu kinh chỉ cho thời gian, tức là tâm luôn an trú trong chánh niệm gọi là đà sống có tỉnh thức trực nhận, quán chiếu vào bản thân mình một cách không hạn định, gọi là “phản quang tự kỷ”là năng lực làm cho tâm thấy năm uẩn nơi bản thân mình là vô ngã, không tự thể chỉ là hiện hữu tương quan với các duyên mà có, rồi ắt phải bị diệt cùng các duyên. Và thấy luôn vạn hữu thực tại cũng đều là vô ngã, tánh không như vậy.

Tóm lại, kinh điển Phật giáo không có tiểu thừa, đại thừa, tất cả đều có cùng một thực chất duy nhất, đó là nguyên lý giải thoát, cho nên nguyên lý của pháp môn tu đều linh hoạt, sinh động nên phù hợp với mọi căn cơ khác nhau của chúng sanh khi quay về đạo Phật cho mục đích tìm cầu con đường giải thoát cho mình bằng trí tuệ vô ngã, tánh không đều có giáo pháp để tu tập. Vì vậy kinh điển Phật là những phương tiện khai quyền hiển thật, cho nên kinh mà Đức Phật nói ra suốt 45 năm, được chia ra năm thời kỳ: 1- Hoa Nghiêm, 2- A Hàm, 3- Phương Đẳng, 4- Bát Nhã, 5- Pháp Hoa Niết Bàn.

Qua 5 thời kỳ thuyết kinh của Đức Phật suốt 45 năm trên vận hành hóa độ chúng sanh, cho ta một nhận thức đích thực rằng chư Phật thị hiện đản sanh vào cõi Ta bà này nhằm mục đích là “khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật” bằng giáo lý (khế kinh) duy nhất không gì khác hơn. Do vậy con người thời xưa đến với Đức Phật là đến với kinh điển Phật giáocho mục đích tìm cầu và học hỏi đạo lý Tánh Không Vô Ngãlàm phương tiện giải thoát. Nếu không nói là sức quyến rũ của đạo Phật là trí tuệ vô ngã tánh không. Bởi vì sau khi tu tập pháp môn hợp với căn cơ, trình độ của mình, con người cảm thấy được tuần tự vơi đi ưu phiền, lo lắng, được an lạc trong lòng. Tức là năng lượng trí tuệ, vô ngã tánh không là con đường giải thoát (từng phần đến toàn phần) các chủng tử ô nhiểm: tham, sân, chấp ngã, si mê, vọng tưởng, nghi kỵ, biên kiến, kiến chấp…tuần tự ra khỏi tâm thức. Được thay vào đó: nềm an lạc, hạnh phúc, thảnh thơi, an nhiên, tự tại…cứ tiếp tục hiện hữu ở bản thân thực tại khi tâm thức con người thực tập lời Phật dạy trong kinh điển bằng trực nhận, quán chiếu vào bản thể vạn hữu, trong đó có mình mà thấy được tất cả đều không tự thể, do duyên khởi mà có sanh, già, bịnhchết.

Nói khác hơn, tất cả hình ảnh văn hóa Phật giáo đều là nền tảng giáo dục tư tưởng bất thiện của con người được chuyển hóa thành thiện nghiệp, trong đó Kinh, Luật, Luậnlà mũi nhọn hàng đầu trên vận hành giáo dục. Còn ngôi chùachỉ là phần phụ làm nhân duyên trợ đạo, là nơi giữ gìn kinh điển, là nơi an trú của các thầy Tỳ Kheo. Cho nên dù một ngôi chùa nhỏ với mái tranh lụp xụp, nhưng trong đó có vị đạo sư chơn tu nên thông suốt Tam Tạng Giáo Điển (Kinh, Luật, Luận) sẽ được nhiều người đến đó xin thụ giáo và được hướng dẫn tu tập, đúng như tục ngữ: “Chùa đất Phật vàng”. Vì vậy, Phật vàng ở đây không phải tượng Phật được đúc bằng vàng, mà là vị tăng sĩ chơn tu có đạt đạo thường ở trong các ngôi chùa nhỏ hay am cốc nơi núi rừng, miền quê hay là phố thị. Chứ không phải, hễ chùa Phật giáo là phải ở trong rừng núi xa lánh xã hội con người. Chùa có bất cứ nơi đâu, vì chùa là trụ sở của Pháp bảoTăng bảo. Hay nói khác hơn, ở đâu có chùa, dù nhỏ hay lớn, ở đó có tăng sĩ, ở đâu có tăng sĩ ở đó có Tam Tạng Kinh, Luật, Luận hiện hữu. Sự hiện hữu của kinh, luật, luận không có nghĩa là ở đó hàng trăm bộ kinh, bộ luật, bộ luận được nằm trong các tủ kinh rất ngăn nắp như sự trưng bày cổ vật trong Bảo Tàng Viện. Sự hiện hữu kinh điển Phật tại ngôi chùa là khế lýcủa các thứ Kinh, Luật, Luận phải thường luôn được vị thầy Tỳ Kheo Tăng hay Tỳ Kheo Ni đem ra giảng dạy và hướng dẫn kỹ càng (Tục đế) từng khế lý một cho toàn thể nam nữ Phật tử già, trẻ trong mọi giai cấp có căn cơ trình độ khác nhau được học và tu tập bài Phật pháp hợp với căn cơ của mình. Tức là già có giáo pháp tu của già, trẻ có giáo tu của trẻ. Và kể cả giáo pháp cao siêu cho hương linh, người Tăng Sĩ tại ngôi chùa cũng phải thông suốt để trì tụng mà hóa độ cho chư hương linh được siêu thoát. Chứ không phải chủ trương duy nhất một pháp môn nào đó, vì văn hóa Phật giáo tại một ngôi chùa là nền tảng giáo dục con người Phật tử lên ngôi vị Chơn, Thiện, Mỹ, nên rất là đa dạng, linh hoạt và sinh động, không thể cứng ngắt được, vì bản chất của pháp môn vốn sinh động có biến đổi phương cách hóa độ. Nhưng tính chất của Phật pháp và tâm thức của các vị Tỳ Kheo vẫn thuần nhất vị là vô ngã tánh không. Quá khứ vô ngã, hiện tại vô ngã và tương lai cũng vô ngã. Mình được tâm vô ngã, hướng dẫn cho người khác tu tập Phật pháp để được tâm vô ngã như mình. Đó là nghĩa của sự hiện hữu kinh điển tại ngôi chùa do một hay nhiều vị Tăng sĩ có sở học, tu và sở chứng được kết tụ lại ở ba năng lực ý giáo, khẩu giáothân giáokhai hội pháp vũ, đem nguồn sống đạo vô ngã vào lòng người, là hiệu năng của giải thoát, mà ngôi chùa là môi trường để tu tập chuyển hóa cái tâm hữu ngã thành vô ngã. Nói đến đây tôi vẫn còn nhớ rõ trên cổng chùa BALAở Huế có đề một câu: “BẤT HẠ XA MÃ, BẤT QUÁ TIỂU KIỀU”. Có nghĩa là không xuống xe, xuống ngựa thì không thể đi qua chiếc cầu nhỏ được. Rõ thật nơi cái cổng chùa có xây dựng một chiếc cầu nhỏ trông có vẻ đẹp đủ cho người đi vào một cách thoải mái, nhưng xe hay ngựa đi qua thì hơi khó. Lý nghĩa sâu xa của câu trên là khuyến cáo con người vào cảnh chùa là không mang theo trong tâm mình cái chức quan quyền, sự nghiệp giàu sang, lắm của nhiều tiền, phải bỏ tất cả ý niệm về ngã đó, thì mới có thể học và tu tập Phật pháp.

Vì thế cho nên, nói đến Phật giáo là nói đến cuốn kinh, ngôi chùa và vị Tăng sĩ Phật giáo. Phật giáo không thể không có ba hình ảnh văn hóa này. Trong ba hình ảnh văn hóa tối thượng này, trong đó cuốn kinh được đặt lên hàng đầu, thứ đến là vị Tăng sĩ, sau cùng là ngôi chùa. Ngôi chùa tuy hàng thứ ba, con đẻ của cuốn kinh, nhưng được xem là tối quan trong, vì nó là sở trụ, bao dung, chứa đựng tất cả mọi sinh hoạt giáo vụ mang sắc thái Phật giáo. Và cũng là nhân duyên khởi dậy lòng người chưa biết tu, nhân dịp đi hái lộc đầu năm sẽ có ý muốn tìm hiểu Phật pháp. Cho nên một ngôi chùa dù nhỏ hay lớn phải được mang sắc thái văn hóa Phật giáo đích thực là trang nghiêm, thiền vị. Nhất hạng là thời đại ngày nay, là thời đại của văn minh khoa học kỹ thuật vật chất rất cao, nên đa số người dân của quốc gia có đạo Phật như Việt Nam, ít ai nghĩ đến việc tu tập Phật pháp, mà chỉ thích đến chùa lể bái cầu phước vào các ngày lễ Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán. Nhưng chùa mà họ đến lễ bái cầu phước, phải là chùa lớn khang trang có nhiều hình ảnh văn hóa Phật giáo từ trong chùa ra ngoài sân, chứ ít ai đến chùa nhỏ. Vì vậy mà Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại, chư vị Tăng, Ni và Phật tử cùng nhau cố gắng hết mình để kiến tạo cho được một ngôi chùa khả dĩ khang trang có sắc thái văn hóa Phật giáo để làm nhân duyên cho con người từng bước vào đường đạo một khi đến với Phật giáo. Và cũng là sức mạnh tinh thần nâng cao tâm ý của hàng Phật tử vốn đang hiện hữu tu học tại chùa, được lên mức độ tinh tấn cao hơn về tu học và phụng sự đạo Pháp khi nhìn thấy cái sắc thái uy nghi của ngôi chùa.

Ba hình ảnh văn hóa Phật giáo tối thượng: Kinh Điển, vị Tăng sĩNgôi Chùa, mà người Phật tử đã và đang hết lòng cúng dường vào đó để xây dựng và phát triển cho mục đích được tồn tại Đạo Pháp tại thế gian. Việc cúng dường trên gọi là chúng dường Pháp, dù cúng dường cho vị Tăng vẫn được gọi là cúng dường Pháp, vì trong Pháp (Kinh Điển) có Tăng. Trong Tăng có Pháp, trong Pháp có Phật. Cả ba chỉ là một, được hiện hữu nơi vị Tăng, được gọi là Hiện Tiền Tam Bảo.

Là Phật tử phải cúng dường vào ba ngôi vị văn hóa Kinh-Luật-Luận, ngôi chùavà vị Tăng sĩmột cách bình đẳng, không bên nào trọng, không bên nào kinh. Chúng ta không thể chỉ quan tâm xây dựng ngôi chùa mà quên cuốn kinh, hay chỉ cúng dường ngôi chùa mà quên cúng dường Tăng.

Ba hình ảnh văn hóa đầu não của Phật giáo: Kinh điển, vị Tăng và Ngôi chùa được đặc lên bàn cân, ta sẽ thấy kinh điểntrọng hơn. Bởi vì kinh điển là mẹ đẻ ra tất cả hình ảnh văn hóa khác trong Phật giáo để trợ duyên cho con người tu tập Phật pháp đễ dàng bắt gặp chơn lý vô ngã tánh không. Mặc dù kinh điển là đứng hàng đầu trong nền văn hóa Phật giáo, là thanh kiếm chặt đứt dây phiền não, là mũi nhọn chọc thủng màn vô minh dầy đặc, nhưng phải nhờ nhiều nhân duyên khác thì cây kiếm Phật phápmới được bén, mũi nhọn mới được nhọn đúng theo khế lý kinh Hoa Nghiêm: “Một pháp có mặt trong tất cả pháp. Tất cả pháp có mặt trong một pháp”. Đó là đạo lý tương dung, nên mới nói rằng cúng dường ba hình ảnh văn hóa trên phải cúng cho bình đẳng. Và quan tâm đến sự thịnh suy của Đạo Pháp là quan tâm đến cả ba hình ảnh văn hóa đầu não đó.

Có lẽ do không quan tâm nhiều về Tam Tạng Kinh Luật, Luận Phật giáo Việt Nam, nên đến giờ này năm 2003, mà Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam bằng chữ Việt chưa được hoàn thành, vẫn còn hiều bộ kinh, Luận bằng chữ Tàu, Pali chưa được dịch ra chữ Việt. Trong khi đó những nước láng giềng như Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Hàn, Lào, Thái Lan, Campuchia đã có Pháp tạng Phật giáo bằng ngôn ngữ của họ rất lâu cả thế kỷ qua.

Xét về phước báo cúng dường Tam Bảo, thì cúng dường Pháp Tạng Kinh, Luật, Luậnlà được phước báo cao hơn hết. Bởi vì Kinh, Luật, Luận là động cơ làm cho tâm con người được có trí tuệ vô ngã là phương tiện vượt thoát sinh tử luân hồi, cho nên mới nói sự quyến rũ của đạo Phật là Trí Tuệ. Hoa trí tuệ sẽ không bao giờ mất, được tồn tại muôn đời.

Cúng dường kinh điển Phật được phước đức cao quý nhất, không những chỉ riêng cho người đang sống có phát tâm hỷ cúng, mà còn cho cả người chết, nếu như con cháu, anh em, tộc họ hiện tại phát tâm cúng dường nhắm đến hồi hướng công đúc cho hương linh ông bà, cha mẹ, quyến thuộc của mình sau khi đã qua đời, sẽ được mau siêu thoát.

Xét về thời gian tồn tại của cuốn kinh, ít nhất là cả ngàn năm. Còn ngôi chùacó cao lắm là ba trăm năm sẽ bị hư hoại. Ấy thế mà người tu lại quên quan tâm về Kinh Điển Phật. Duy chỉ có số chư tôn giáo phẩm và một số ít cư sĩ Phật tử trong các giáo hội vốn có tư tưởng văn hóa Phật giáo và sở học kinh điển, mới quan tâm duy trì, phát triển nên đã và đang tích cực bảo trợ, giảng luận, phiên dịch các kinh từ ngoại ngữ ra chữ Việt.

CHÁNH PHÁP

Chữ ChánhChínhđồng nghĩa không khác trong văn chương Việt Nam. Người miền Nam nói là Chánh, người miền Bắc nói là Chính.

Chánh có nghĩa là ngay ở giữa, thường gọi là trung tâm điểm, tức là điểm ở giữa hai tiêu điểm trên một khoảng không gian, mặt phẳng, đường thẳng được cân phân hai khoảng cách bên phải bên trái của nó bằng nhau đúng kích thước nên gọi là Chánh (Chính).

Chữ Chánh còn có nghĩa là nguyên gốc, bất biến tức là không bị pha trộn, đúng hiệu, đúng phẩm chất không giả, như nói chánh thức, chánh hiệu cầu chứng. Chữ chánh được dùng chỉ cho tâm con người có đạo đức, nhân cách, như nói tâm chánh trực, tâm trung trực, thật tâm. Tức là cái tâm ngay thẳng không bị ngã về phe này phe kia, luôn ở giữa gọi là tâm không thiên vị .

Chữ Chánh thường đi đôi với chữ CHÂN (Chơn) gọi là CHÂN CHÁNH. Chữ Chánh và Chân đồng nghĩa. Chữ Chân (Chơn) được nói về tâm tánh con người và vật thể, như nói chân tâm, chân tánh, chân chất. Ta thường nghe lời ca: “Con tim chân chánh không bao giờ biết nói dối”.

Chánh phápở đây chỉ về kinh điển Phật, thường gọi là giáo pháp, giáo lý. Giáo nghĩa là dạy. Lý có nghĩa là lý lẽ của kinh luôn được phù hợp với căn cơ con người, cho nên lý trong kinh cũng gọi là khế, gọi cho đủ là Khế Kinh. Khế Kinh mà Đức Phật đã đem ra chỉ dạy và hướng dẫn cho chúng sanh về cách thức tu tập để đạt được trí tuệ giác ngộ sau khi Phật thành đạo, tất cả đều do đức Phật có quá trình tu tập trong vô lượng kiếp trước mà chúng ngộ, đắc pháp, đạt đạo. Chứ không phải do đức Phật tự sáng chế hay hóa hiện, đúng như lời đức Phật đã nói: “Pháp này(thập nhị nhân duyên) do ta tu chứng, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ có người trí mới thấy biết. Con người tâm còn dục lạc, tham ái, vọng động, tham chấp khó mà thấy được”.

Tất cả giáo pháp mà đức Phật đã tu đã chứng ngộ đều vốn có trong mọi bản thể của vạn vật, gọi vốn có này là đế, chánh tông, sự thật, là chánh phápnhư bốn sự thật là Khổ, Tập, Diệt, Đạothường gọi là Tứ Đế. Cho nên chánh pháp không có thời gian quá khứ, hiện tại, tưong lai, ở đâu có bản thể vạn hữu đúng như kinh văn nói: “Dù Phật có ra đời hay không, giới tánh của các pháp là an trú,pháp trụ, là quyết định, là như tánh, bất hư vọng tánh”.

Qua hai tư tưởng trên: Pháp này do ta tu chứng, thật sâu kín …Dù Phật có ra đời hay không, giới tánh của các pháp …cho ta thấy rằng do vì căn cơ, trình độ của chúng sanh trong mọi giai cấp không đồng đều, nên Đức Phật đã lấy ra những giáo lý mang thực chất nguyên lý diệt khổ để giải thoát thiết thực từ trong tổng thể đạo lý chứng đắc thành một hệ thống giáo hóa cho chúng sanh tu tập theo từng pháp môn qua từng thời gian mà đạt trí tuệ giác ngộ từng phần từ thấp đến cao, gọi từng phần đó là “THỪA”(chiếc xe). Cho nên từ Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừađến Bồ Tát thừa, người tu tập pháp môn ở thừa nào vẫn còn phải nguyện bỏ các điều ác, nguyện làm các việc lành để giữ tâm ý luôn thanh tịnh. Bởi vì mỗi thừa trong năm thừa vẫn còn cái ác riêng của nó, dù vi tế ở ý niệm về vấn đề nào đó chỉ thoáng qua rất nhanh trong tâm vẫn được xem là ác, do vậy mà các hàng Bồ Tát phải đi vào thế gian để tu tập bằng hành động hóa độ chúng sanh mà tập diệt cái ác vi tế đó (phiền não trụ địa) thật rốt ráo thì mới được vào quả vị Phật thừa. Từ chổ này cho ta thấy ràng toàn bộ nền giáo lý của Phật trong năm thời kỳ thuyết kinh suốt 45 năm trên vận hành hoằng hóa độ sanh trong thời xưa được gồm có giáo lý Thánh đạo và giáo lý Thánh giáo. Hai giáo lý này đang hiện hữu trong Tam Tạng Kinh, Luật, Luận của những quốc gia theo Đạo Phật mà chư Tăng Bảo ở những quốc gia đó đã và đang đem ra thuyết giảng diễn đạt khế lý hướng dẫn các cấp Phật tử của mình trên đường tu tập bỏ ác làm thiện để giữ tâm ý thanh tịnhlà phương tiện giải thoát. Vì thế cho nên giáo lý Thánh giáo và Thánh đạo đều là chánh pháp luôn tương dung với nhau mà thời xưa đức Phật khi nói pháp độ sanh đều nói cả hai Thánh đạo và Thánh giáo. Thánh giáo là Tục đế, Thánh đạo là Chơn đế, gọi hai giáo pháp này là Nhị đế, nói như Trung Luận: “Phật thuyết pháp bằng Nhị Đế”.

Thánh giáo, trong đó có giới luật và những bài pháp có khế lý ví dụ, giả lập, xây dựng đoàn kết, tình thương, trung hiếu, ân nghĩa, và kể cả lời thăm hỏi, vỗ về, khuyên nhủ đối với mọi người trước hay sau khi nói pháp Thánh đạo để làm cho chúng sanh nghe Pháp mà dễ dàng nhận ra Chơn đế, tức Chân Lý Tánh Không vô ngã của vạn hữu (pháp vô ngã) và con người (nhân vô ngã). Cho nên trong giáo lý Thánh giáo luôn có tàng ẩn giáo lý Thánh đạo, hay nói khác trong Tục đế có tàng ẩn Chơn đế, do vậy Tục đế được định nghĩa là ngôn ngữ diễn đạt, luận lý Thánh đạo để tìm ra chơn đế.

Giáo lý Thánh đạo được chứa đựng thực chất nguyên lý giải thoát, như những giáo pháp: Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Tam Pháp Ấn: Chư hành vô thường, Chư Pháp vô ngã, Niết bàn tịch tịnh, Hay là không, Vô tướng, Vô tácv.v…có mặt cùng khắp trong các kinh điển Phật giáo.

Cũng như vậy, giáo pháp Thánh giáo đều có mặt trong tất cả kinh điển Phật, như những giáo pháp: Lục Hòa, Tứ Ân, Kinh Vu Lan Báo Hiếu, Bổn Nhiếp Sự, v.v…

Chư Tăng, Ni ngày nay tại các quốc gia có đạo Phật trên vận hành hoằng hóa độ sanh, hoằng dương chánh pháp tức phụng trì chánh pháp và phụng sự đạo Pháp và dân tộc tại nước mình đều phải thực hành giáo lý Thánh Đạo và Thánh Giáo, không thể thiếu một trong hai, thì con người được mình giáo hóa, tâm mới có thể tuần tự xa lìa các vọng thức, ác trược để từng bước tiến lên mục tiêu yêu cầu là trí tuệ vô ngã, tánh không.

Con người được Tăng, Ni giáo hóa, ắt hẳn tâm sẽ được có trí tuệ, đó là ai? Chính là nam, nữ Phật tử tại gia. Người Phật tử tại gia sau khi được Tăng Ni hướng dẫn học và tu tập hai giáo pháp Thánh đạo và Thánh giáo, tức là phải thực thành cùng lúc cả hai: Thánh Đạo và Thánh Giáo. Bởi vì cả hai giáo pháp nói trên đều là CHÁNH PHÁPtương dung làm nhân duyên cho nhau để phát sinh trí tuệ, cho nên mới nói rằng: tu phước thiện chính là đang có tu huệ. Bởi vì tất cả những công việc phước thiện mà thân đang hành động đều đúng với Chánh Phápdo tâm được thông suốt khế lý hai giáo pháp Thánh Đạo và Thánh Giáo. Một khi hành động đúng chánh pháp, kết quả rất đúng Chánh Đạo. Chánh Đạo luôn có mặt trong chánh pháp, chánh pháp là mẹ đẻ ra chánh đạo. Con đường chánh đạo thuộc vô vi, vô tướng, nên rất khó dùng ngôn ngữ để diễn tả, nói như Lão Tử: “Đạo khả đạo, phi thường đạo”. Nghĩa là đạo mà nói ra được thì không có phải là đạo. Bởi vì đạo là vô tướng siêu hình, không có tên gọi vượt mọi cảm nhận của năm giác quan, nên không rờ mó được, không thấy, thật trống rỗng, trống không. Vì trống không nên nó sanh ra vạn hữu, và vì nó là trống không nên bản thể vạn hữu trở về không. Cho nên Đạo chỉ là cái tên tạm gọi là trật tự, thái độ khiêm cung, ái ngữ, cư xử lễ độđược hiển lộ ra thần mệnh. Đạo có mặt trong vạn hữu nhưng ẩn danh, vô hình. Mỗi cá nhân con người tự mình đạt được đạo không ai đạt dùm cho ai. Đạt được đạo là do tâm con người khởi lên ý niệm chân chánh rồi hành động chân chánh, là Đạosẽ đến ngay. Do vậy chánh pháp không ngoài cá thể vạn hữu, không phải là chân lý riêng lẻ của bậc cao siêu nào sáng tạo ra. Chánh pháp sẳn sàng sinh sản ra chánh đạo khi con người hành động đúng chánh pháp, cho nên chánh pháp cũng chính là chất liệu nuôi dưỡng đời sống, nên nó vô vàn hiện thực riêng biệt của sự sống từng cá thể. Từ đây cho ta thấy rằng con người trong xã hội ngoài thế gian được có một đời sống an vui, ấm no hạnh phúc, có đầy đủ tiện nghi đều do hành động thực hiện vô vàng công việc đúng chánh pháp. Chánh pháp tại thế gian thường gọi là phép tắc, lẽ phải, chánh lý, nên tính chất của chúng tự tạo theo quy luật, định lý, định luật tự nhiên. Nói khác hơn chánh pháp vốn có trong vô vàn hiện tượng, như hai cộng hai là bốn, dấu hiệu dừng xe ở bốn ngả đường, lane phải là phải quẹo phải ở ngã ba đường, cất nhà là phải xây móng, nhà càng cao móng càng chắc, ra đi ngàn dặm được xuất phát từ bước chân đầu tiên, v.v…Nếu con người thi hành đúng chánh pháp của chúng, con người được có đạo sống thực tại. Ngược lại không thi hành đúng, con người mất sự sống. Cho nên chánh pháp có trong đạo Phật và ngoài thế gian, tuy hai mà một, bởi vì chánh pháp mà đức Phật đã chứng ngộ vốn có trong trần gian, chứ không phải do Phật hóa hiện. Sự chứng ngộ chánh pháp của đức Phật gọi là Chánh Đạo. Vì vậy ở đâu có chánh pháp ở đó có chánh đạo, cho nên chánh pháp sản sinh ra chánh đạo.

Đạo, như đã nói là vô vi, vô tướng, không có ngôn ngữ diễn tả, không thể dùng năm cảm quan để cảm nhận. Nhưng ta có thể cảm nhận bằng mắt qua thái độ đối đãi, trạng thái hành sử từ những con người đối diện, cho nên mới nói rằng đạolà thái độ khả ài, chỉ có khả ái mới gọi là đạo. Trong đạo Phật có Tám Nguyên Tắc Hành Động Chân Chính, nói theo hán tự là Bát Chánh Đạo. Tám nguyên tắc hành động chân chính cũng chỉ là sản phẩm của Tám Chánh Pháp. Đó là Thấy biết chân chánh(chánh kiến), Suy nghĩ chân chánh(Chánh tư duy), Nói năng chán chánh(chánh ngữ), Hành động chân chánh(chánh nghiệp), Mưu sinh chân chánh(chánh mạng), Siêng năng chân chánh (chánh tinh tấn), Nhớ nghĩ chân chánh(chánh niệm), Thiền định chân chính(chánh định).

Tám nguyên tắc hành động chân chánh trên chính là Tám chánh pháp là mẹ đẻ ra tám chánh đạo. Nói khác hơn tám thái độ khả ái, trang nghiêm. Có thể nói thêm rằng: “Nói năng, hành động như chánh pháp và im lặng như chánh pháp”.

Qua tám nguyên tắc hành động chân chánh trên cho ta thấy rằng hành động chân chánh cuối cùng của những người xuất gia, tại gia tu tập Phật pháp trong Phật giáo phải đạt cho bằng được, đó là Chánh Định, dù tu tập bất cứ pháp môn nào mình đã chọn, chứ không phải chỉ có tu Tám Chánh Đạo trên mới đạt được Chánh Định. Chánh định là nhân tố làm nền tảng tiến đến đạt trí tuệ. Tâm chánh định là tâm thanh tịnh, vắng lặng, tịch tịnh, không còn vọng động, không còn tham ái, hết tham sân kiến chấp. Khi tâm được an lạc vào chánh định là năng luợng thấy biết. Thấy biết cái gì? Thấy mình hành động tội lỗi. Nhớ thấy mà trở về chân chánh. Thấy bản thân mình và vạn hữu được sinh, và bị diệt là do các duyên giả hợp mà có, tức là thực tướng của ta và vạn vật chúng sanh là vô ngã, không tự thể, nên sự hiện hữu chỉ là tương quan duyên khởi mà có sinh, có diệt. Tâm chánh định như cái tim trong đèn cầy được cháy sáng lên. Ánh sáng mà hiện hữu, thì bóng tối hết lý do tồn tại, cho nên thấy được bản thể mọi vật trong không gian. Ánh sáng của đèn là trí tuệ, thấy được bản thể vạn hữu chính là giác ngộ, vì vậy trí tuệđi đôi với giác ngộ, gọi là trí tuệ giác ngộ.

Tâm có trí tuệ giác ngộ không phải có liền ở cấp độ cao nhất là đại giác, toàn giác như Phật, mà phải tuần tự qua từng cấp độ ở ngôi vị các bậc Thánh trước đã, như trí tuệ giác ngộ của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và cuối cùng là trí tuệ Phật gọi là Trí Tuệ Toàn Giác, Đại Viên Cảnh Trí.Thời gian đạt được trí tuệ giác ngộ từ thấp đến cao như vậy không thể hạn định là bao giờ, tùy theo sự tu tập và nhận thức của ta về sự duy trì và phát triển lên cấp trí tuệ giác ngộ là cần thiết cho sự giải thoát, mới đáng nói. Do vậy một số đông Phật tử chúng ta đang có trí tuệ giác ngộ trong tâm mà không biết mình đang có. Chẳng hạn thấy đời nguời vô thường, vạn vật có được bản thể sinh tồn là do các duyên hòa hợp, của cải vật chất như phấn thổ, như bọt bèo…liền khởi tâm xả bỏ hết, không còn tham muốn danh chức địa vị gì nữa. Đó là trí tuệ giác ngộ đúng theo nghĩa giác ngộ là sự nhận thức ngược lại với tất cả mọi nhận thức trước giờ của ta đối với sự vật. Thời gian có trí tuệ giác ngộ này không được duy trì tiếp tục, bởi vì sau đó khởi lên ý niệm bất thiện để rồi có lời nói và hành động bất nhã gây khổ đau buồn phiền, bức xúc cho người khác tại một nơi nào đó trong giao tế. Sau đó tự thấy mình có lỗi nên ăn năn, tự sám, thề nguyện không tái phạm, quyết tâm tu tập thêm nữa để bỏ ác, làm thiện, giữ tâm thanh tịnh, đó là trí tuệ giác ngộ. Nhưng lâu lâu rồi lại tái phạm, cũng lại ăn năn sám hối.

Với người tu tập Phật pháp trong Đạo Phật là phải duy trì cái tâm thanh tịnh tức tâm định một cách thường xuyên đừng để mất, vì nó là năng lượng phát sinh tâm trí tuệ giác ngộ. Tâm giác ngộ là tâm thấy biết (tri kiến) như đã nói ở trên, thì phải duy trì cái thấy biết đó một cách thường xuyên, luôn tồn tại trong tâm thức là năng lượng tiến lên các cấp độ giác ngộ ở các bậc Thánh và Phật thừa.

Tâm thanh tịnh, tâm chánh niệm, tâm chánh định, tâm trong sáng, tâm trí tuệ, tâm giác ngộ …tất cả các cụm từ này được gọi là ĐẠO, thường nói Tâm Đạo, Đạo Tâm. Nói khác hơn, tâm ý và năm cảm quan bên ngoài (mắt, tai, mũi, miệng và thân) của ta gọi chung là sáu thức luôn thường hoạt động chân chánh, đó là Đạo, như Bát Chánh Đạo, được giảng rõ lại với cái tên: Tám nguyên tắc hành động chân chánh. Rõ thực trong đó ta thấy sáu thức: Tâm ý bên trong và năm thức bên ngoài ở bản thân của người học và tu tập Phật pháp thường an trú vào chánh niệm, tỉnh thức, đó là Đạo, nói như Hòa Thượng Nhất Hạnh: ăn, nói, đi, đứng, nằm, ngồi, tụng kinh, chấp tác Phật sự … đều là Đạo, do tâm hành chánh pháp.

Tóm lại, chủ trương của Đạo Phật là đưa con người vượt thoát sanh tử luân hồi khổ đau bằng trí tuệ giác ngộ, đó là mục tiêu chính yếu, nên con người đến với đạo Phật không ngoài mục tiêu ấy. Mà như thế con người phải học và tu tập Phật pháp ở hai chánh pháp Thánh Đạo và Thánh Giáo tương dung nhau, đúng như kinh Hoa Nghiêm: “Một pháp có mặt trong tất cả pháp. Tất cả pháp có mặt trong một pháp”. Người Phật tử thực hành hai chánh pháp nói trên một cách tổng thể được tựu trưng ở ba việc: Phụng trì chánh pháp tức là duy trì và phát triển Chánh Pháp, trong đó người Phật tử phải học và tu tập và đồng thời hướng dẫn cho các bạn đạo cùng học, cùng tu như mình. Bên cạnh đó tích cực phát triển chánh pháp theo khả năng của mình, như dịch thuật viết giảng luận Phật pháp, góp công đức in ấn kinh sách báo chí Phật giáo vào mọi tầng lớp con người vào xã hội…

Phụng sự đạo pháp và dân tộcở ba tiêu đề Hộ Dân, Hộ QuốcHộ Đạotrong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội (đề tài này đã nói rõ ở trước trong bài Tinh Thần Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định). Và Phật Sựtại các chùa hay trong tập thể cư sĩ. Phật sự rất đa dạng qua nhiều hình thái khác nhau ở mỗi cá nhân tình nguyện theo khả năng và trình độ văn hóa.

Ba việc Phụng Trì, Phụng Sự và Phật Sự nói trên, được xem là những phương tiện tu tập mang tính chất Tục Đế và Thánh Giáo để đạt tới Chơn Đế và Trí Tuệ Giác Ngộ, do vậy dù mỗi cá nhân phụ trách mỗi việc, nhưng vẫn liên đới với mọi người trong tập thể cư sĩ hay Tăng, Ni gọi là đồng sựđể cùng nhau đem đến lợi ích chung cho mọi người (lợi hành) là an vui, hạnh phúc, ấm no, và trí tuệ giác ngộ giải thoát, trong đó mỗi cá nhân được có. Được như vậy do thực hành những giáo pháp Thánh Giáo: Bốn Nhiếp Sự, Lục HòaTám Thánh Đạo, tức Bát Chánh Đạotrên vận hành ba việc lớn Phụng Trì, Phụng Sự và Phật Sự đúng chánh pháp thì mới đạt Chánh Đạo, đúng như lời Thánh Giáo Phật dạy: “Làm việc thiện từ việc nhỏ đến việc lớn đều được xây dựng trên tinh thần vô ngã”. Cho nên ba việc đại sự như đã nói trên mà mỗi người Phật tử chúng ta đang hành được gọi là tu phướcnhưng đồng thời cũng đang tu huệ(trí tuệ giác ngộ), bởi vì mọi ý niệm của ta vượt thoát cái ngã. Do vậy mọi việc phước thiện chúng ta đang làm tại bất cứ nơi đâu đều hướng đến lợi ích chung cho chúng sanh, không nghĩ về mình, thì phước đức đó liền trở thành công đức vô lậu. Đó là phần quả của ta khi ta không mong cầu mà lại được đến.

Qua tư tưởng vô ngã trong các việc phước thiện để đạt được trí tuệ giác ngộ, người Phật tử chúng ta trong các tập thể cộng đồng Phật giáo, chẳng hạn tại một chùa hội Phật giáo, các chức vụ trưởng, phó chỉ là phương tiện tu tập cho mình và cho mọi người (đồng sự và lợi hành) để cùng được cái tâm thanh tịnh, trí tuệ giác ngộ. Mỗi Phật tử chúng ta nhận thức được như vậy và hành động đúng chánh pháp, thì mọi chướng duyên phiền não không bao giờ hiện hữu.

TINH THẦN GIÁO DỤC THIỀN ĐỊNH TRONG PG

Văn hóa Phật giáo là nền tảng cơ bản trong việc giáo dục tư tưởng con người, đó chính là Giới Luật và Phật pháp một khi con người quay về đạo Phật cho mục đích tìm các con đường giải thoát bằng trí tuệ giác ngộ vô ngã bình đẳng đều phải tiếp nhận Giới Luật và Phật pháp vào lòng, rồi chịu lắng nghe lời Phật (thời xưa) và chư tôn giáo phẩm (thời nay) hướng dẫn tu học và thực hành hai văn hóa cao thượng đó, sau khi nhận thức rõ ràng thấy được chân lý trong hai pháp (giới pháp và Phật pháp). Qua đây ta thấy nền giáo dục trong Phật giáo không nhồi sọ tư tưởng con người. Giáo pháp Phật không có giáo điều bắt phải tin, không bao giờ bị lạc hậu, luôn luôn tiên tiến, sinh động, linh hoạt, tươi mát dạt dào tình cảm vào lòng người một cách tự do, dân chủ, không áp đặt, không khuyến dụ, bắt ép phải tin vào giáo pháp mình, bảo người nghe phải nghe kỹ và suy xét kỹ lời kinh sau khi nghe rồi mới tin. Chứ đạo Phật không bắt ai phải tin vội. Tin vội như thế là tin có tính cách cuồng tín. Chữ tin ở trường hợp này là chưa thấy. Chứ khi đã thấy rồi thì chữ tin không thành vấn đề. Vì vậy việc hoằng dương chánh pháp trong Phật giáo là chủ trương hướng dẫn, diễn đạt hơn là có tính cách truyền giáo.

Cho nên trong kinh Phật thường nhấn mạnh chữ Kiến (thấy rõ) hơn là chữ Tín. Vì vậy mà Tám mô thức hành động Chơn Chánh (Bát Chánh Đạo), Chánh Kiến được đứng vị thứ SỐ MỘT. Chánh Kiến là thấy đúng chân lý, đúng sự thật. Thấy bằng tâm khi bản thân con người thực hành giới pháp và Phật pháp giữa xã hội, năm giác quan của thân tiếp xúc với trần cảnh, tâm con người thấy biết thật tướng của vạn pháp (trong đó có mình) đều vô ngã, duyên sinh, vô thường hoại diệt không tồn tại vĩnh cửu, tức là hết thảy mọi hiện tượng chỉ là hiện hữu tương quan, nên chúng không có tự tính. Cho nên nền giáo dục của Phật giáo là rèn luyện sáu căn (mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý) phải được chuyển đổi trở thành trí thức Phật giáo (hiểu biết - tỉnh thức) trong đó chính yếu là cái Ý (tâm). Vì Ý là chủ tể chỉ đạo cho năm giác quan có liên quan mật thiết. Cho nên Tâm Ý an trú vào vị trí chánh niệm, thanh tịnh, thì năm thức bên ngoài cũng phải được chánh niệm, thanh tịnh theo, dù cho mắt có nhìn đến sắc đẹp bao lâu, một khi tâm ý đã được an trú vào tĩnh giác, thì sự nhìn đó của mắt được xem là thấy các tướng của sắc chỉ là vọng, giả hợp, không tự tính. Nếu như tâm ý chưa được chuyển đổi qua tĩnh giác, chắc chắn bị đắn chìm vào biến sắc.

Nói khác hơn, nền giáo dục của Phật giáo là nhắm vào rèn luyện cái tâm con người phải được liễu ngộ chân lý của các pháp. Từ liễu ngộ phải được chuyển sang giác ngộ, chính là lúc tâm có tuệ giác vô ngã bình đẳng. Từ đó con người thấy được rõ mười cái NHƯ của vạn pháp và bản thể chúng sanh là: 1.-Như thị tướng, 2- Như thị tánh, 3- Như thị thể, 4- Như thị lực, 5- Như thị tác, 6- Như thị nhân, 7- Như thị duyên, 8- Như thị quả, 9- Như thị báo, 10- Như thị bổn mạc cứu cánh.

Và thấy mười thanh tịnh bình đẳng:

1.- Thanh tịnh bình đẳng với Pháp của Phật quá khứ; 2.- Thanh tịnh bình đẳng với Pháp của Phật vị lai; 3.- Thanh tịnh bình đẳng với Pháp của Phật hiện tại; 4.- Thanh tịnh bình đẳng về giới; 5.- Thanh tịnh bình đẳng về Tâm; 6.- Thanh tịnh bình đẳng về sự thanh tịnh do diệt trừ các quan điểm, sự nghi ngờ và do dự; 7.- Thanh tịnh bình đẳng về nhận thức đạo và phi đạo; 8.- Thanh tịnh bình đẳng về tu hành trí và kiến; 9.- Thanh tịnh bình đẳng về sự quan sát càng lúc càng cao về các pháp bồ đề phần; 10.- Thanh tịnh bình đẳng về sự giáo hóa hết thảy chúng sinh.

Khi tâm con người thấy được hai đạo lý MƯỜI NHƯ- MƯỜI BÌNH ĐẲNGở trên, tất nhiên ắt phải thấy bản thân mình đã hết, hay còn nhiều, ít những thứ si mê, ngu muội, vọng thức, tham lam tật đố … trong nội thức. Nếu còn dù ít, ai cũng phải lo tiêu diệt cho sạch. Nếu đang trên đà hết, tâm vẫn an nhiên tự tại, không lấy làm vui mừng, không cảm thấy hỷ lạc trong lòng. Đó là thái độ có văn hóa Phật giáo, có giáo dục thiền định trong nội thức. Tâm có giáo dục thiền định là tâm tri kiến. Tâm có tri kiến mà không thấy mình tri kiến mới là tri kiến. Nhờ không thấy mình tri kiến tức tâm vô ngã, cho nên bảy chơn chánh sau cùng đều thành tựu viên mãn thông suốt, không bị đắp mô, không vướng vào đâu cả (Nên đọc lại bài Vô Trướcsẽ được hiểu rõ thêm).

Vì vậy mà Chánh tri kiến được áp dụng một cách tích cực và cương quyết trong nền giáo dục thiền định của Phật giáo từ ngàn xưa khi Phật còn tại thế cho đến thời đại ngày nay đối với bảy chúng đệ tử Phật, những ai có quyết tâm tự mình giáo dục lấy mình trên bước đường tu tập Phật pháp để đạt trí tuệ giác ngộ, không thể không áp dụng Tri Kiến. Do vậy, tri kiến luôn luôn tồn tại ở sáu thức cùng chung với Giới Luật hơn ở Phật pháp. Vì Giới Luật làm cho tâm thanh tịnh. Tâm có thanh tịnh, tâm mới thấy biết rõ khế lý của pháp môn mà tu tập. Trong khi tu tập pháp môn, bỗng nhiên tâm thấy rõ thực tướng của các pháp (trong đó bản thân mình) vô ngã, không tự tính, nên hiện hữu của các pháp chỉ là tương quan theo lý Duyên Khởi. Nói một cách khác, tri kiến là sản phẩm của Giới Luật, Giới Luật là vị Đạo Sư làm nhiệm vụ đuổi hết các khách trần ra khỏi ngôi nhà tâm thức, tâm thức được trở về tự thể tánh không. Vì thể của tâm là luôn luôn vốn không tương ứng với phiền não. Từ đây cho ta thấy rõ ràng phương tiện tiêu diệt các phiền não sẵn có trong nội thức và phiền não khách trần không thể xâm nhập, chính là Giới Luật và Phật pháp. Hai phương tiện này là mũi nhọn xung kích đâm thủng màn vô minh, là chất xúc tác làm rục rã các chất ô nhiễm ra khỏi tâm ý.

Vì vậy mà trên vận hành những việc ở thế gian (thế gian pháp) để mưu sinh cho đời sống, và cũng như mọi hành động phụng sự Đạo Pháp và tu tập Phật pháp của người Phật tử tại gia đều có mặt Giới LuậtPhật pháptương dung nhau trong đó như hai cánh tay phải, trái trong cơ thể con người. Nói rõ hơn, hai thứ giới pháp và Phật pháp luôn luôn canh cánh trong lòng làm chất liệu nuôi dưỡng tâm ý được no đầy thanh tịnh và ngăn tâm ý không phát sinh ra tư tưởng bất thiện đối với những ai quyết tâm tìm cầu trí tuệ để làm hành trang giải thoát. Chứ không phải ăn chay mà giữ giới, lúc tụng kinh niệm Phật trước tượng Phật A DI Đà, nghe thuyết pháp tại chùa mới thực hành Phật pháp. Thực hành Phật pháp ở bất cứ nơi đâu như đang bố thí tài vật cho kẻ nghèo, tâm niệm luôn có tình thương, không tự mãn về của cải, không sanh lòng bực tức khi gặp trắc trở khó khăn vì lý do nào đó v.v…Hành động làm pháp bố thí đó là Phật pháp với tâm thanh tịnh. Năng lượng làm cho tâm thanh tịnh đó là giới luật. Thực hành Phật pháp mà không có giới luật đi theo như cầm con dao không có cán như đang chặt những đồ vật. Và như thể gạo và nước có trong nồi mà bếp không có lửa, thì ta không có được cơm ăn. Lửacán daođược biểu tượng cho Giới Luật. Gạo, nước, lưỡi daođược biểu tượng cho Phật pháp. Phật pháp là những pháp môn để đạt đạo vì có năng lực chuyển hóa tâm ác thành thiện. Nhưng nhờ tâm thanh tịnh trong sáng, đó là Giới Luật. Cả hai Giới Luật và Phật pháp là nền tảng giáo dục tư tưởng người Phật tử tại gia được có đời sống chánh đạo ngay tại thế gian. Tức là thường xuyên nhiếp thọ Giới Luật và Phật pháp vào lòng suốt trên vận hành sống và làm việc cho đời, cho đạo. Tức là thường xuyên chánh niệm, tâm được thường xuyên an trú vào tỉnh thức. Tâm hằng luôn luôn tỉnh thức là tâm thường hằng có đức tính từ bi, được hiện hữu ra thân miệng trong đối đãi với mọi người ở thái độ có nhân cách, đạo đức, hiền hòa.

Sự nhiếp thọ hai thứ Giới Luật và Phật pháp cùng một lúc như vậy được gọi là Tinh Thần Giáo Dục Thiền Định. Xét về thể tính của thiền, nó thường hằng Định, Tĩnh Lự.Tuy nhiên thiền cũng chỉ là sản phẩm của Giới, vì thiền nương vào Giới mới có tĩnh lự, có Định. Được có Định là mục tiêu định hướng của sự thực hành Phật pháp để bắt gặp Chân Như là Đạo, là tính không, vô ngãở các pháp tức thập tướngcác pháp. Vì vậy mới nói rằng Giới Luật và Phật pháp do đức Phật nói ra làm phương tiện hướng dẫn, dạy dỗ (giáo dục) cho đệ tử Phật ở hàng xuất gia, tại gia tu tập bỏ ác, làm thiện để cho tâm ý được thanh tịnh, trí tuệ là năng lượng vượt thoát sinh tử. Từ đây ta mới thấy rõ nền tảng giáo dục trong Phật giáo là giáo dục tư tưởng con người biết cách tiêu diệt vô minh, phiền não, phiền trược, tham ái, vọng thức… ra khỏi tâm thức, để tâm được trở về tánh không, vô ngã là phương tiện vượt khoát sinh tử. Phương tiện cho nền tảng giáo dục đó là toàn bộ đạo lý của Phật, trong đó KinhLuậtlà phần chủ yếu của nền văn hóa Phật giáo cho việc giáo dục. Còn những hình ảnh văn hóa khác như ngôi chùa, pho tượng, chuông mõ …chỉ là phần phụ làm nhân duyên trợ đạo mà thôi.

Tóm lại, Giáo Dục Thiền Định là lấy giới luật và Phật pháp tức nhiếp thọ cho việc tu tập rèn luyện tâm thức vô minh thành Bồ Đề. Nói cách khác, trí tuệ trong Đạo Phật là phương tiện đi lên gọi là siêu thoát sinh tử luân hồi, đến cảnh Niết Bàn tịch tịnh hay cõi cực lạc an vui vĩnh cữu con người đều phải tu tập giới luật và Phật pháp cùng tương dung với nhau không riêng lẻ. Tu tập một cách tinh tấn thường xuyên, nhẫn nhục thường xuyên, ba la mật thường xuyên mới có thể đạt được trí tuệ.

Môi trường nhiếp thọ giới pháp và Chánh Pháp tức tu giới luật và Phật pháp, không hạn định là ở đâu. Bất cứ nơi đâu, bến tàu, chợ búa, khách sạn, quán ăn, v.v…Người tu giới luật và Phật pháp đều phải vào các nơi đó để rèn luyện giáo dục tư tưởng mình khi tâm ý mình đang tu giới luật và Phật pháp, thì đâu còn sợ gì nữa mà không vào! Nói như Bồ Tát Thái Hư Đạo Sư: “Đạo tràng thanh tịnh ở đâu cũng có, ngay cả ở cao lâu tửu điếm vẫn là đạo tràng thanh tịnh. Đích thực, tâm thanh tịnh đứng đâu cũng thanh tịnh khi mắt nhìn các sắc (sắc trần). Tai nghe âm thanh êm dịu hay chát chúa (thanh trần). Mũi ngửi mùi thơm, mùi thúi (hương trần). Lưỡi nếm các vị chua (vị trần). Thân chạm xúc vào các vật (xúc trần). Ý (mạt na) nhận biết các pháp (pháp trần) do năng thức truớc chuyển vào sau khi chúng tiếp xúc với lục trần. Nhưng tâm thức (mạt na) vẫn an nhiên thanh tịnh, không hề lay chuyển. Tâm như vậy là tâm được giáo dục bởi Giới Luật và Phật pháp.

Trước khi đào sâu vào cái tâm có văn hóa giáo dục thiền định và không có văn hóa giáo dục thiền định Phật giáo, ta ôn tập lại nghĩa hai chữ văn hóa.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có văn có chất mới thật con người”. Con người thật mà tục ngữ Việt Nam nói ra đó là con người nam, nữ trên đời có cái tâm đẹp. Tâm đẹp là tâm có văn hóa. Tâm văn hóa làm cho đẹp thânchứ không phải thân đẹp, và đẹp miệngchứ không phải miệng đẹp. Đẹp thânlà hành động luôn luôn có tư cách đạo đức, chạc, khiêm cung, đứng đắn. Đẹp miệnglà lời nói thật thà, ái ngữ, có tình thương yêu, bao dung, tha thứ, kính trọng mọi người từ trong gia đình, họ hàng, quyến thuộc, ra đến ngoài xã hội không phân biệt giai cấp trong đối đãi và xử thế. Được như vậy do tâm có đạo lý nhân bản.

Tâm có chứa đựng đạo lý nhân bản, chính là tâm vốn có phẩm chất Năm Giới Luật.Tâm có phẩm chất năm giới đích thực trong lòng được thể hiện ra ngôn ngữ và hành động đẹp gọi là tâm có văn hóa giáo dục Phật giáođúng như Luật Ưu Bà Tắc Giới Kinhnói : “Năm giới luật tại gia Cư sĩ vốn có bản chất đạo đức cá nhân là nền tảng hạnh phúc của đời sống tại thế gian. Giới này cũng là nền tảng căn bản tiến lên Sa Di tập giới, Đại Tỳ Kheo giới, và Bồ Tát giới cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Qua tư tưởng của Luật Ưu Bà Tắc Giới Kinh, ta thấy rằng tất cả giới luật Phật dạy dù thấp như năm giới, cao 250-348 giới, đều có cùng bản chất thanh tịnh, chính là hơi thở, sức sống của hành giả trên con đường tu tập Phật pháp để đạt mục đích là trí tuệ. Nếu không có giới thường trực trong tâm, thì tâm người tu tập sẽ chết theo nghĩa không thanh tịnh, không có trí tuệ, dù cho hành giả đang ở ngôi vị Tăng, Ni hay Cư Sĩ tại gia. Tâm không thanh tịnh, trí tuệ là tâm không có giáo dục thiền định. Ngược lại tâm có trí tuệ thanh tịnh là tâm có Giáo Dục Thiền Định. Tâm có Giáo Dục Thiền Định là tâm sống trong định. Nói như Thế Tôn Quan: “Phật thường ở trong định”.

Sống trong định không có nghĩa là phải bắt bản thân cứ ngồi im trong am cốc, hay là đi đứng phải ra vẻ thiền sư, thiền sinh. Cho nên Phật đã dạy các thầy SaDi và cả Tỳ Kheo: “Không được giả trang thiền tướng để cầu mong người khác cung kính mình”. (Luật oai nghi của Sa Di). Sống trong địnhlà tâm thường chánh niệm tỉnh thứcsuốt trên vận hành sống và làm việc hằng ngày trong đạo hay ngoài đời một cách thư thái, an nhiên, thảnh thơi theo việc làm, sự tu tập, nhưng tâm không khởi lên ý niệm bất thiện(biên kiến, kiến chấp, tự mãn, ngã mạn, tham sân…)

Tâm sống trong định, tức là tâm có chánh niệm, tỉnh thức, gọi là tâm đó là tâm có Giáo Dục Thiền Định. Ngược lại không có Giáo Dục Thiền Định.

Ạ - TÂM CON NGƯỜI CÓ GIÁO DỤC THIỀN ĐỊNH

Như đã nói năng lực chuyển hóa giáo dục tâm con người luôn an trú vào định, đó là giới, nên sở trụ của giới là tâm ý, và tồn tại nơi thân, miệng một cách thường hằng tịch tịnh, vắng lặng (định) không giới hạn thời gian, không gian, bình đẳng, không ngưng đọng ở giai cấp nào như dòng máu nóng chảy về con tim rồi lưu chuyển cùng khắp cơ thể rồi lại trở về tim, đó là cái đà sống của con người thuộc thể chất.

Thì cái đà sống của bảy chúng đệ tử Phật (Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, Sa Di Tăng, Sa Di Ni, Thích Xoa Ma Na nữ dự bị xuất gia, Ưu Bà Tắc: cư sĩ nam, Ưu Bà Di: cư sĩ nữ) từ ngàn xưa đến nay đà sống có định, tịch tịnh, vắng lặng trong tâm thức không thể thay đổi đúng như lời ngài Ca Diếp nói với đại Thánh Chúng: “Điều gì Phật không chế ra, nay ta không chế, điều gì Phật đã chế ra thì chớ nên thay đổi”. nhân cơ hội các vị Thánh Chúng hỏi ngài A Nan là Phật có dạy giới cấm nhỏ nhặt đó là gì không, thì ngài A Nan ngập ngừng không biết.

Rõ thật, giới luật và Phật pháp không bao giờ thay đổi, vẫn thuần nhất vị từ thuở Phật tại thế cho đến nay. Dù cho có sử dụng nhiều ngôn ngữ Tục Đế trong việc diễn giảng hướng dẫn cho con người tu tập Phật pháp bằng cách nào đi nữa vẫn không ra ngoài Nhứt vị (một vị), thường gọi tuỳ duyên bất biến. Nhứt vị ở đây là đà sống có định, thanh tịnh vắng lặng, tịch tịnhnhư đã nói ở trên.

Cho nên Giới LuậtPhật phápnhư nước trong những con sông trong đất liền đều chảy ra biển được biến thành vị mặn. Vị mặn được biểu tượng là vị giải thoát. Vị giải thoát đó là trí tuệ giác ngộ. Đạt được trí tuệ là do đà sống có định. Có định là do thực hành giới luật và Phật pháp cùng lúc tương dung nhau mà được phát sinh trí tuệ.

Trí tuệ trong Phật giáo là cái biết của tâm thức rất là rộng lớn bác học. Nói theo thuật ngữ Phật học, tâm có cái biết bác học là Chánh Tri Kiến, chỉ cho trí tuệ như thật hay thật trí. Tức là cái thấy biết bản thể vạn hữu không tự thể, chỉ là hiện hữu tương quan do duyên khởi mà có, đó là thật trí, là như thật mà 10 như, 10 thanh tịnh bình đẳng trong giáo pháp Phật đã chỉ rõ.

Với Phật tử xuất gia và tại gia có được trí tuệ như thật (thật trí) trong lòng do qua quá trình nhiếp thọ (tu tập) giới luật và Phật pháp một cách không mệt mỏi trên vận hành quán sát vào bản thể vạn hữu mà thấy được mọi hiện tượng vạn hữu thực tại chỉ là hiện hữu tương quan, nên chúng không tự thể do duyên khởi mà có. Tâm thấy rõ vạn hữu không tự thể trong sinh, diệt như vậy, tức là thấy rõ mười Như Thị trong thực tại, nên mới nói thực tại là Chân Như. Vì vậy mà tâm không khởi lên ý niệm nhàm chán thế gian. Dù cho tâm trí đang thấy đời người là một giấc mộng, hạnh phúc thế gian như nắng quái qua cầu, của cải thế gian như bèo bọt, thân người như sương mai, như ánh chớp chiều tà. Tất cả đều bị hoại diệt bởi cây gươm thời gian chặt đứt, nhưng lòng không nao núng, nhàm chán thế gian.

Chẳng những không nhàm chán, không chạy trốn thế gian, không tránh né cảnh khổ đau ách nạn của con người, và kể cả không thủ chứng Niết Bàn, mà lại phát khởi đại từ bi tâmhướng vào dân tộcĐạo Pháptrên quê hương và xa hơn nữa là cả nhân loại và Phật giáo thế giới do trí tuệ như thật sanh khởi. Nếu không nói là dòng tâm thức từ bi và trí tuệ luôn hằng chuyển hướng ra xã hội con người đang bị khổ đau ách nạn và hướng vào bản thân Phật giáo của mình vì cũng đang cùng chịu hoàn cảnh với dân tộc vể khổ lụy, ách nạn, áp bức, giam cầm, tù đày, mất mát, chia rẽ …và chánh pháp bị suy đồi.

Dòng tâm thức quán chiếu vào hai nơi đời, đạo ấy không hạn định thời gian, không gian. Dù bản thân đang an trú nơi chùa chiền thanh vắn, ngục tù xà lim, bị phong tỏa nơi am sơn hẻo lánh, nơi đô thị phú cường, v.v…vẫn thường hằng quán chiếu được hiển lộ ra trạng thái tư duy, tịnh mặc trầm tĩnh…trong có vẽ như bi quan chán đời vậy! Nhưng kỳ thật đang trong việc xử dụng cái trí tuệ như thật của mình, tức phương tiện tríđể tìm ra phương cách cứu khổ dân tộc ra khỏi ách nạn và phụng trì chánh pháp qua nhiều năm tháng có khi trọn cả cuộc đời chưa một lần được an nghĩ, nhưng tâm hồn luôn an lạc dù bản thân đang bị đi vào bão lửa bạo quyền thế gian, lặn chìm trong biển trần phiền não. Nếu không nói là cuộc rong chơi trong phiền não, trong sinh tử bắt gặp Bồ Đề, Niết Bàn của những hành giả có văn hóa giáo dục Thiền định Phật giáo.

Người Phật tử xuất gia và tại gia có phẩm chất VĂN HÓA GIÁO DỤC THIỀN ĐỊNH PHẬT GIÁOở tại xứ đông xứ tây, Âu Mỹ hay Việt Nam đều có định hướng đi tới Phật Thừa. Thì ắt hẳn trên đoạn đường đi tới ai cũng có cái tuệ giác trong lòng không ít thì nhiều, không cao thì thấp như những hạt kim cương trong lòng đất, có những hạt đã chắc nịch cứng cáp trong sáng, có những hạt đang trên đà tự cấu tạo bản chất trong sáng. Đã là hạt ngọc kim cương non, hay già bị quăng vào vũng bùn, gói trong miếng vải dơ, nó vẫn là kim cương khi đem ra rửa sạch chất bùn. Đã là tuệ giác Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, con người ấy dù sống ở đâu, tâm thức luôn luôn nghĩ đến chúng sanh đang bị khổ não, khổ ách trong biển trần ác trưọc. Rồi từ đó ra đi lê đôi gót từ bi, trí tuệ mà hiện hữu giữa truờng đời quê hương đầy khổ đau, ách nạn…để hành động công việc HỘ DÂN, HỘ QUỐC và không quên quay vào bản thân Phật giáo của mình để HỘ ĐẠO, HỘ DÂN, HỘ QUỐC ở mục tiêu Ly Khổ Đắc Lạc, HỘ ĐẠO ở hai mục tiêu Chuyển Mê Khai Ngộ, Đoạn Hoặc Chứng Chân.

HỘ DÂN, HỘ QUỐCbằng hành động thực hiện các mục tiêu chính yếu: Quyết tâm giải thể chính quyền nào trên quê hương không có tự do dân chủ đang đàn áp dân tộc, giải trừ ách nạn, giải phóng nô lệ xiềng xích, hòa nhập và góp phần xây dựng nền văn hóa cổ truyền dân tộc, cổ vũ và gia nhập vào các tổ chức đánh đuổi ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi, vận động xây dựng nền dân chủ, tự do để kiến tạo một đất nước thịnh vượng cho dân tộc được ấm no hạnh phúc.

HỘ ĐẠObằng hành động thực hiện các mục tiêu chính yếu: Học Phật một cách thông suốt, phụng trì chánh pháp, tức duy trì chánh pháp được tồn tại và phát triển Kinh, Luật, Luận vào quần chúng, xây dựng nền văn hóa Phật giáo, phụng sự đạo pháp đúng chánh đạo …

Phụng trì và phụng sự Đạo Pháp khác với Phật sự. Phật sự là những việc làm có tầm vóc hạn hẹp tại chùa, tu viện, bằng tay chân hơn là trí óc. Những Phật sự đó như: làm bếp, rửa chén bát trong các ngày đại lể Phật, sửa sang cây cảnh trong vườn chùa, quét dọn vệ sinh trong và ngoài chùa, đánh máy văn thư cho trù trì, soạn thảo chương trình và MC trong buổi lễ, ngồi thu ngân và kể cả chủ lể cho buổi tụng kinh, v.v…

Phụng sự Đạo Pháp có tầm vóc quốc gia dân tộc, cộng đồng Phật giáo và cả quốc tế. Mà bản thân của từng Tăng Ni, Phật tử trong những ngôi chùa trực thuộc Giáo Hội Phật giáo truyền thống dân tộc như GHPGVNTH là những nhân tố có ít, nhiều văn hóa giáo dục thiền định trong lòng nên họ thường tình nguyện dấn thân hành động phụng sự Đạo Pháp. Cho nên nghĩa phụng sự Đạo Pháp là đem đạo Phật đi vào cuộc đời bằng những hình ảnh mang sắc thái Phật giáo như tổ chức đại hội Phật giáo, đại lể Phật Đản, hội luận văn hóa Phật giáo, v.v…làm nhân duyên khai mở tâm thức con người bừng dậy Phật tánh khi tai nghe và mắt thấy tại bất cứ nơi đâu trên truyền hình, truyền thanh.

Những giáo vụ phụng sự Đạo Pháp ấy được mỗi cá nhân Tăng, Ni, Phật tử hành động như: Vẽ ra những bản hiệu có chứa đựng nội dung sáng tỏ ý nghĩa cho một đại hội văn hóa Phật giáo, tích cực đóng và ráp những giá sách để trưng bày các tác phẩm văn hóa Phật giáo, đánh máy và in ấn những tài liệu đại hội văn hóa Phật giáo, viết lên những tư tưỏng xây dựng giáo hội, xuất bản các đặc san văn hóa Phật giáo, tổ chức các buổi hội luận về Phật giáo như hội luận 8 điểm Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam của Hòa Thượng Quản Độ, vận động ngân quỹ cho công việc phiên dịch Pháp Tạng, tích cực phiên dịch các kinh điển, thành lập một đài phát thanh Phật giáo, tổ chức đại lễ Phật Đản nơi công cộng, quay phim những buổi lễ Phật giáo và chiếu lên truyền hình, vân vân…

Một số công việc trên đều nằm trong khuôn khổ Phụng Sự Đạo Pháp. Công việc phụng sự Đạo Pháp được đòi hỏi nơi con người Tăng, Ni, Phật tử trong các chùa trực thuộc Giáo Hội Phật giáo truyền thống (GHPGVNTH) hay ngoài truyền thống có Bồ Đề Tâm đích thực trong lòng nên sẵn sàng dấn thân lao động bằng tay chân và trí óc tư duy một cách hăng say, nhiệt tình không biết mệt mỏi, không hạn định không gian, thời gian ở đâu có hiện tiền Tam Bảo mang sắc thái phụng sự Đạo Pháp rõ thực là có mặt ở đó để thi hành vai trò phụng sự. Bởi vì mọi việc làm như vậy là hướng đến phụng sự cho dân tộc quốc gia và cộng đồng Phật giáo cũng như cả thế giới được hưởng lấy lợi lạc an vui, hạnh phúc ở đời sống vật chất và tinh thần, chứ không phải riêng cho một cá nhân, tập thể nhỏ tại ngôi chùa, nếu không nói là cục bộ, lợi dưỡng riêng tư. Cho nên nghĩa Phụng Sự Đạo Pháp là Phụng Sự Chúng Sanh,nói như kinh văn Pháp Cú: “Cứu giúp chúng sanh là cúng dường chư Phật”, đó là cách cúng dường cao thượng nhất lên chư Phật. Tư tưởng cứu giúp chúng sanh là cúng dường chư Phậtrất là thâm sâu vi diệu, khó thấy khó hiểu. Chỉ có những con người Tăng, Ni, Phật tử có Bồ Đề Tâm tức có văn hóa giáo dục thiền định mới thấy, mới hiểu. Thấy gì và hiểu gì? Thấy biết chư Phật, Bồ Tát thường thị hiện Đản Sanh làm người tại thế gian trong nhiều giai cấp, chủng tộc. Cho nên hành động phụng sự Đạo Pháp của họ rất là bình đẳng hướng ra con người ngoài xã hội nhiều hơn tại chùa. Chính cái tâm phụng sự bình đẳng đã là Phật rồi. Bình đẳng mới có thể bắt gặp Phật, gặp Bồ Tát, nếu không nói là quên phát nguyện gia nhập cộng đồng sau giờ phút thọ giới.

Ba việc Phụng Trì Chánh Pháp, Phụng Sự Đạo Pháp, Phật Sựtại chùa, mà tất cả hàng đệ tử Phật xuất gia, tại gia ai cũng phải làm không nhiều thì ít, tùy theo hoàn cảnh khả năng, không thể không làm. Bởi vì tất cả việc làm trong ba mục tiêu trênlà những pháp trợ duyên cho tâm thức hàn giả được phát sinh tâm có định lực (tĩnh lự, tịch tịnh, vắng lặng) một cách thường trực không dứt khi hành giả tu tập pháp môn chính của mình là Tịnh Độ Niệm Phật A DI Đà cầu vãng sanh, Thiền Quán Niệm, Trì Chú Đà La Ni, vân vân…

Nói khác hơn, trên đường tu tập và thực hành pháp môn mà mình đã chọn, người Phật tử vừa tu tập pháp môn của mình, lại vừa làm những công tác trong ba mục tiêu phụng trì, phụng sự và Phật sự theo trình độ của mình. Người có trình độ văn hóa thấp thì làm Phật sự, người có trình độ văn hóa cao thì làm việc phụng trì, hay phụng sự. Trình độ và việc làm tuy có khác nhau, nhưng đều cùng đi đến cứu cánh, đó là tâm thanh tịnh, tính không, vô ngãđúng như lời Phật dạy: “Làm việc từ thiện trong Đạo Phật từ việc nhỏ đến việc lớn đều được xây dựng trên tinh thần vô ngã”.

Qua tư tưởng có phẩm chất Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định Phật Giáovà những hành động Bồ Tát Đạo cho đời cho đạo một cách thiết thực như đã nói ở trên của những hành giả có văn hóa giáo dục thiền định, ta thấy trong Đại Pháp Thân Phật giáo thế giới nói chung từ xưa đến nay đã có vô số Đạo Sư và Phật tử đã vào đời cứu khổ chúng sanh và xây dựng Đạo Pháp, dân tộc trên quê hương mình, như một vua A Dục tại xứ Ấn Độ, là một Phật tử tại gia có phẩm chất giáo dục thiền định trong lòng, cho nên ông đã xây dựng nhiều cơ sở Phật giáo, trong đó một cột trụ lớn và cao để ghi lại lịch sử Phật Đản Sanh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp độ sanh và nhập Niết Bàn tại xứ Ấn Độ mà đã một thời vắng bóng do quân Hồi Giáo tiêu diệt. Đồng thời vua A Dục cũng hướng dẫn cho các quan thần, tướng sĩ và dân chúng học Phật và thực tập Phật pháp để đạt phẩm chất văn hóa giáo dục thiền định Phật giáo mà xây dựng đất nước. Vì vậy mà nước Ấn Độ được phồn thịnh, dân Ấn Độ được an cư lạc nghiệp dưới thời của vua A Dục.

- Như một Đạo Sư Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tây Tạng đã và đang vận động toàn dân Tây Tạng trong và nước và các dân tộc yêu chuộng tự do dân chủ trên thế giới trong công cuộc tranh đấu với chính quyền Trung Quốc đang xâm lăng Tây Tạng để đòi cho dân tộc và Đạo Pháp Tây Tạng đuợc tự trị, xây dựng quốc gia và hành đạo theo truyền thống văn hóa Tây Tạng.

- Như các vị Thiền Sư Vạn Hạnh, Trúc Mộc…các vua Trần Nhân Tông, Thái Tông…các quan thần: Tuệ Trung Thượng Sĩ …dưới các triều đại Lý Trần Việt Nam đã đưa đất nước và dân tộc đến ngôi vị tột đỉnh phồn vinh trong nhiều lĩnh vực: văn hóa luôn phát triển nhiều sắc thái mới, nền giáo dục đầy tràn đạo lý nhân bản, kinh tế dư thừa vật chất, xã hội luôn an ninh trật tự nên dân tộc được an cư lạc nghiệp, quân sự luôn được chiến thắng ngoại xâm phương bắc nên tổ quốc được an ninh bờ cõi. Về Đạo Pháp thì nhiều Tăng Sĩ tài giỏi và dạt dào, Phật tử tại gia được tu tập Thiền Quán, Tịnh Độ, Mật Tông, Tam Tạng giáo điển được giảng luận rộng rãi vào quần chúng, chùa chiền được xây dựng khắp nơi, v.v…

Trong thời đại ngày nay, có rất nhiều vị Tăng Sĩ và Phật tử có phẩm chất văn hóa giáo dục Thiền Định, cho nên đã và đang hành Bồ Tát Đạo nhiều việc Hộ Dân, Hộ Quốc và Hộ Đạo. Điển hình rõ nét một vài vị sau đây: Hòa Thượng Thích Trí Quang, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, và các Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, Lê Mạnh Thát. Những công hạnh Bồ Tát của quý ngài được toàn dân có đạo lý nhân bản dân tộc tính, và Phật tử, cũng như nhiều cơ quan truyền thống quốc tế có tầm vóc trung thực đã thấy rõ qua quá trình hành động Bồ Tát Đạo của quý ngài đối với dân tộc Việt, nên đã thường trực loan tin cho thế giới biết.

Nhất hạng là Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh được thế giới biết đến nhiều nhất về công hạnh cứu khổ nạn cho người dân Việt trong thời chiến tranh qua hình ảnh các sinh viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội hành Bồ Tát Đạo trên quê hương trước 1975, và cứu đói, cứu lạnh cho các em mẫu giáo nghèo khổ tại các vùng kinh tế mới xa xôi nơi núi rừng hẻo lánh, những làng quê, xã, quận mà cha mẹ các em lâm vào cảnh túng thiếu cũng như Bộ Giáo Dục Cộng Sản Việt Nam không quan tâm đến việc giáo dục công dân nên không xây cất trường học cho thanh thiếu nhi tại địa phương sau 30.4.1975 cho đến nay suốt gần 30 năm chương trình cứu đói, cứu dốt vẫn tiếp tục tăng lên số lượng đối tượng được cứu và ngân quỹ lên đến 50 ngàn mỹ kim mỗi tháng để giúp gần 1,100 lớp mẫu giáo tại các nơi như đã kể ở trên. (Lá thư Làng Mai số 25, ra ngày 12.2.2002 trang 56).

Tóm lại, tâm có phẩm chất Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định của người Phật tử xuất gia, tại gia đích thực được hiển lộ rõ nét ra bên ngoài bản thân ở ngôn ngữ và hành động thiện nghiệp đối với Đời, với Đạo Pháp.

VỚI ĐỜI

Tâm có Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định:

1. – Luôn luôn biết ơn tổ quốc, các vị anh hùng tiền nhân đã có công lập quốc, giữ nước. Biết ơn những chiến sĩ trong quá khứ xa xưa qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Quang Trung Nguyễn Huệ …Và gần đây nhất là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã có công đánh đuổi ngoại xâm phương bắc đem lại nền an ninh cho toàn dân ở hậu phương đuợc ấm no, an lạc, hạnh phúc, tự do đi lại, học hành đổ đạt, an cư lạc nghiệp, hành đạo thoải mái và được thuận lợi, vân vân …

2.- Luôn luôn hòa nhập bản thân mình vào cộng đồng dân tộc trong mọi giai cấp một cách bình đẳng từ nơi gần nhất là xóm làng, khu phố ra đến xã, quận, tỉnh, và trong cả nước để thực hiện các công trình kiến thiết, xây dựng xã hội dân tộc trên các lãnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, từ thiện xã hội, chính trị bảo vệ tổ quốc, đánh đuổi ngoại xâm, vân vân…Bản thân hòa mình vào xã hội dân tộc và tham dự những công tác như đã nói ở trên, chính là sự thực hành ba tụ tính giới: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp Thiện Pháp Giới, Nhiếp nhiêu ích hữu tình giới. Trong phần Nhiếp Luật Nghi được đáng nói, đó là năm giới cơ bản mà phẩm chất của nó là đạo đức nhân bản đưa đến thành các điều khoản của cộng đồng. Bởi vì nghĩa của thọ giới, dù năm giới hay mười giới và những giới cao hơn, là phát nguyện gia nhập cộng đồng làm thành viên của cộng đồng để phụng sự cho dân tộc. Mà Bốn Nhiếp Sự: Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành, và Đồng Sự chính là bốn mô thức thuộc bản thân người Phật tử phải tri hành qua sự nhận thức đã thấy rõ Bốn Nhiếp Sự là bản lề cho sự thực hành ba tụ tịnh giới, trong đó làm nhiều việc lợi ích vật chất và tinh thần cho chúng sanh là con đường đạt đạo, môi trường thiết thực nhất là cộng đồng chúng sanh, dân tộc là đối tượng. Vì trong đó có lý nhân duyênđang có mặt và bổn nhiệm xứđang có mặt, là hai pháp trợ đạo cho tâm thức mau được giác ngộ chân lý vô ngã của các pháp.

Trong công tác văn hóa giáo dục dân tộc rất là đa dạng được xem là tối quan trọng. Cho nên là người Phật tử không thể không góp bàn tay vào đó bằng những dòng nhạc bài ca, vần thơ, lời văn luân lý đạo đức, hay vẽ ra đắp lên thành những hình tượng các vị anh hùng tiền nhân, vân vân…Tất cả đều nhắm vào sự giáo dục người dân khi nhìn đến các hình tượng anh hùng tiền nhân, nghe đến bài ca quê hương đọc đến bài thơ, bài văn luân lý đạo đức sẽ khởi lên tâm thiệnquay về tổ quốc, tổ tiên ông bà, quay về Tam Bảo mà trau dồi đạo đức và tiến tới con đường tu tập Phật pháp. Đa số Phật tử tại gia có phẩm chất văn hóa giáo dục thiền định Phật giáo đã và đang đóng góp cho dân tộcViệt Nam rất nhiều tác phẩm văn hóa chứa đựng phẩm chất giáo dục dân tộc. Điển hình rõ nét là giáo sư Lê Thái Ất Duyên Hạc là một Phật tử thuần thành thọ Ưu Bà Tắc Giới, là thành viên văn hóa giáo dục Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, đã viết ra và soạn thảo nhiều tác phẩm văn hóa giáo dục dân tộc, trong đó sách Luân Lý Giáo Khoa cho các thanh niên Việt Nam lứa tuổi học trò trước năm 1975, được Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa khen ngợi và cho áp dụng vào học đường.

3.- Luôn luôn khởi lên tâm từ bi đối với chúng sanh ở xa và gần. Tâm từ là ban vui, tâm bi là cứu khổ.

Ban vui là thường tạo ra thêm những niềm vui cho con người khi đang có được có thêm. Như những đứa trẻ trong gia đình đang vui chơi với các thứ đồ chơi, đang thích thú những nón mũ, áo, quần, giày, dép…thì lại được bà mẹ mua sắm thêm cho những thứ ấy, lòng liền vui mừng hớn hở. Và khi con cái bị đau ốm, khổ nạn…bà mẹ liền cứu bịnh, cứu khổ một cách tận tình. Đó là tâm bi.

Với người Phật tử xuất gia, tại gia thường tạo thêm niềm vui, hỷ lạc, hạnh phúc cho chúng sanh ở xa là trên cả nhân loại thế giới và gần nhất là dân tộc nước mình trong làng xã, trong các tập thể đồng sự, đồng sở, cùng nghành, cùng nghiệp vụ, trong đoàn thể Tăng Già, Cư Sĩ Phật tử tại chùa. Tùy theo hoàn cảnh, trình độ và khả năng văn hóa giáo dục thiền định mà có hình ảnh sắc thái ban vui. Nếu là một nhà đại văn hóa giáo dục thiền định trong đạo Phật, người ấy thường đến thăm viếng các nước, cổ vũ dân tộc tại các nước về việc tư duy tinh thần dân chủ, và hướng dẫn tu tập thiền định cho những người đang quay về đạo Phật. Bên cạnh đó, cũng cất cao lời kêu gọi các cường quốc hãy chấm dứt chiến tranh để cho con người hết khổ, được trở lại đời sống hạnh phúc, an vui. Đó là tâm bi. Hành động ban vui, cứu khổ có tính cách quốc tế đó, ta thấy hai vị Đạo Sư thường đi ban vui, cứu khổ đó đây trên thế giới, đó là Đạt Lai Lạt Ma 14 Tây Tạng và Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh.

Với người Phật tử xuất gia, tại gia có văn hóa giáo dục thiền định trung bình, thì việc làm ban vui của họ thường thấy ở những hành động như: lân mẫn bên cạnh những người trong xóm làng, cùng sở, cùng nghành, cùng chùa, cùng tập thể hội Phật giáo, cùng đoàn thể tu học... để thăm viếng hỏi thăm sức khoẻ, ủy lạo vật chất, tạo ra những thú vui chơi lành mạnh có sắc thái văn hóa như ca hát nhạc quê hương, nhạc đạo, sinh nhật, v.v…

Và cũng không quên sẳn sàng ứng trực tâm đại bitrong việc cứu khổ, cứu nạn, tai ách cho con người tại bất cứ nơi đâu. Ba vị Hòa Thượng luôn luôn có tâm từ bi trong việc ban vui cứu khổ dân tộc, cho Phật tử tại gia, và Tăng Ni Sinh trong Tu Viện một cách tận tình đuợc đoàn thể Phật tử và Tăng Ni trong và ngoài nước biết rõ đến công hạnh, đó là Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và Hòa Thượng Thích Đổng Minh.

VỚI ĐẠO PHÁP

1.-Tâm luôn luôn khởi lên những nổi niền thao thức về bản thân Phật giáo của mình khi đang bị suy vong, khổ ách, khổ nạn. Sau những giờ phút thao thức đó, người Phật tử xuất gia, tại gia liền đi tìm phương cứu chữa, xây dựng lại theo khả năng và trình độ văn hóa giáo dục thiền định của mình là một quy luật do phẩm chất của giới luật đã thọ tác động vào tâm thức. Sự tác động đó, chính là tâm phát nguyện gia nhập cộng đồng Phật giáo nói riêng, dân tộc nói chung. Cho nên thấy Đạo Pháp bị suy vong, khổ nạn hay dân tộc bị khổ nạn, áp bức…liền dấn thân cứu khổ, xây dựng lại, dù cho có mệnh hệ nào đi nữa vẫn dấn thân.

Chẳng hạn như chư tôn giáo phẩm Phật giáo Việt Nam trước 1975 đã lãnh đạo Phật tử tại quê nhà vào năm 1963 trong công cuộc tranh đấu bất bạo động chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm để đòi Phật giáo Việt Nam được tự do hành đạo như Thiên Chúa Giáo. Bởi vì bản thân Phật giáo Việt Nam đã bị chính quyền thực dân và Ngô Đình Diệm ban hành dụ số 10 đối với Phật giáo, tức là đặt Phật giáo vào ngôi vị chỉ là cái hội như hội thể thao, không cho lập Giáo Hội vì vậy mà Phật giáo Việt Nam đã bị chính quyền đàn áp suốt hơn nữa thế kỷ. Nhờ tranh đấu mà bản thân Phật giáoViệt Nam đã được thoát khỏi Dụ số 10, là cái gông cùm máu lửa ác độc nhất đối với Phật giáoViệt Nam. Vị Đạo Sư châm ngọn đuốc trí tuệ làm sáng con đường tranh đấu lúc bấy giờ là Hòa Thường Thích Trí Quang.

Đến sau 30.4.1975, chư tôn giáo phẩm Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đứng lên tranh đấu với cộng sản Việt Nam, bởi vì Cộng Sản Việt Nam âm mưu tiêu diệt Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bằng cách bắt các chư tôn giáo phẩm sáp nhập vào Phật giáo quốc doanh của Cộng Sản và chịu dưới sự chỉ đạo của các nhà sư công an quốc doanh của họ.

Do vì chống lại không gia nhập Phật giáo quốc doanh cho nên bản thân Phật giáo truyền thống tức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị đảng Cộng Sản Việt Nam đàn áp và tiêu diệt bằng nhiều thủ đoạn, trong đó họ bắt các chư tôn giáo phẩm giam vào nhà tù và giết chết. Vị giáo phẩm bị Cộng Sản giết chết đầu tiên, đó là cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, rồi lập ra Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh được trực thuộc vào Mặt Trận Tổ Quốcchỉ là tổ chức tình báo ngoại vi của Đảng Cộng Sản. Những vị giáo phẩm bị chết sau đó là cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ, cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, do vì quá ư bức xúc trước sự việc Cộng Sản tịch thu chùa và cơ sở văn hóa của giáo hội và đàn áp khủng bố của đảng Cộng Sản lên từng bản thân Tăng, Ni và Phật tử trên cả nước. Một số vị ra khỏi nhà tù nhỏ, đến nhà tù lớn, đó là ngôi chùa xưa, vì ngôi chùa của quý ngài được về đó đã bị nhà cầm quyền Hà Nội biến thành nhà giam, tức là quản thúc rất là nghiêm ngặt. Những vị Đạo Sư bị cộng sản quản thúc tại chùa, đó là cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ và Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ. Một trong bốn vị đã viên tịch lúc đang bị quản chế tại chùa, đó là cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận.

Mặc dù bản thân ngủ uẩn bị giam cầm trong lao tù tối tăm chật hẹp, hôi hám hay nơi căn phòng có chút ánh sáng tại một ngôi chùa lúc bị quản thúc, tâm thức quý Đạo Sư Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sỹ vẫn thấy thực tại là Chân Như, là Niết Bàn vì do tâm vô ngã, nên phẩm chất văn hóa giáo dục thiền định cứ luôn thường tồn tại trong lòng, nếu không nói là một thứ tình yêu xuất thế gian có đôi cánh đại bàng từ bi bay cao mang theo những chất liệu trí tuệ nên không bị nhận chìm xuống hố thẳm ảo mộng, hoang đường, thần thoại, và sẳn sàng đáp xuống sa mạc sinh tử, cánh đồng bốc lửa chủ nghĩa để cứu bạt dân tộc.

2.- Tâm luôn luôn thao thức tư duy về Tam Tạng Kinh Điển, vì đã thấy rằng Kinh, Luật, Luận là yếu điểm, nòng cốt giáo dục, chuyển hóa tâm hữu ngã, tham ái, kiến chấp của con người thành tâm trí tuệ giác ngộ trong nền giáo dục của Phật giáo hơn là hình ảnh ngôi chùa. Nếu sử dụng ngôi chùa trong việc giáo dục chuyển hóa tâm vô minh con người, thì Đức Phật đã không chủ trương việc hoằng dương chánh pháp cho chúng sanh thực tại và cho hậu lai khi Phật vừa thành đạo! Vì Chánh Pháp phải được hoằng dương vào thế gian, cho nên Tam Tạng Kinh Điển tại Việt Nam bằng chữ Tàu phải được dịch và giảng luận ra chữ Việt. Do vậy mà chư tôn giáo phẩm và các Cư Sĩ trước năm 1975 và hiện nay trong nước và hải ngoại đang tích cực dịch và giảng luận ra chữ Việt để cho Phật Giáo Việt Nam được có một Tam Tạng Kinh, Luật, Luận bằng chữ Việt. Cho nên bản thân quý ngài Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sỹ đang bị quản thúc nghiêm ngặt như vậy mà vẫn đem các bộ kinh ra để dịch và giảng luận.

Tại quê nhà sau 30.3.1975 có hai vị Hòa Thượng hết lòng lo việc dịch kinh từ chữ Tàu ra chữ Việt, đó là cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa Thượng Đổng Minh. Cố Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đã dịch xong bộ Đại Tạng Bát Nhã 600 cuốn từ chữ Tàu ra chữ Việt. Hòa Thượng Đổng Minh sau khi ở tù cộng sản về, Hòa Thượng đã dịch các bộ luật Tứ Phần và hiện nay (2003) ngài Đổng Minh đang là thượng thủ 45 vị Tăng, Ni và Cư Sĩ trong việc dịch Đại Tạng Kinh từ chữ Tàu, Pali, Anh Văn ra chữ Việt. Việc dịch Đại Tạng Kinh của Hòa Thượng Đổng Minh được các chư tôn giáo phẩm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước và hải ngoại do các cựu học tăng Phật Học Viện Hải Đức Già Lam đứng ra vận động bảo trợ.

3.-Tâm luôn luôn khởi lên ý niệm đoàn kết các Tăng Thân xuất gia và tại gia phải sống và sinh hoạt với nhau bằng giáo pháp Lục Hòa. Bởi vì trong giáo pháp Lục Hòa được tàng ẩn những phẩm chất của năm giới, mười giới cơ bản, mười giới thiện nghiệplà những chất liệu xây dựng tâm thức người xuất giaPhật tử tại giađược có văn hóa giáo dục thiền định Phật giáo. Cho nên là một vị Tăng, Ni phải được sống chung với một hay hai vị Tăng trở lên, không thể sống một mình. Có sống chung như vậy, pháp Lục Hòa mới được thực hành cho mình.

Phẩm chấtVăn Hóa Giáo Dục Thiền Định Phật Giáolà chỉ yếu nòng cốt, phương tiện tối thượng đối với những ai quay về đạo Phật với mục đích tìm cầu cho mình con đường giải thoát bằng trí tuệ giác ngộ, không thể không đạt phẩm chất Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định vào lòng làm năng lực phát sinh trí tuệ. Những con người đi tìm cho mình một trí tuệ giác ngộ làm hành trang vượt thoát sinh tử, không ai khác hơn, đó là những Tăng, Ni, nam nữ Phật giáo tại gia.

Chất liệu và phương tiện để cho Tăng, Ni và Phật tử áp dụng trong việc kiến tạo phẩm chất Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định để đạt trí tuệ như đã nói đó là Giới Luật và Phật pháp. Tức là phải học và hành giáo pháp, nói như Đạo Sư Tuệ Sỹ: “Tôi vốn làm thân con mọt sách. Chìm nổi qua gần sáu nẻo luân hồi trong kiếp nhân sinh khi trở về, vẫn là con mọt sách”.

Mọt sách mà Đạo Sư Tuệ Sỹ nói, chính là học và thực hành Phật pháp và Giới Luật một cách tích cực không mệt mỏi suốt cả cuộc đời đối với Tăng, Ni, Phật tử như là một bổn phận được nói trong bốn hoằng thệ nguyện: “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Do có học và hành giáo pháp tâm mới có trí tuệ giác ngộ. Không học không tu là không có Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định.

Đồng với tư tưởng của Đạo Sư Tuệ Sỹ, người xưa có nói: “Tri Đạo tức học Đạo, kiến Đạo, tu Đạo và chứng Đạo”. Tư tưởng của câu tri Đạo tức học đạo…là một chơn ngôn đích thực, bởi vì từ sau khi Phật nhập Niết Bàn đến nay trên thế giới ở đâu có Đạo Phật hiện hữu, ở đó có người chứng đạo. Sự chứng đạo không hẹn ước là bao giờ, rất đột xuất bỗng nhiên một hôm nào đó người tu tập (Tăng, Ni, Phật tử) trở thành con người có nhân cách rõ nét rất nhân bản, rất là Phậtđược hiển lộ ra ngôn ngữ Chánh Phápvà hành động Chánh Đạo, tức là trạng thái GIÁC NGỘ. Bởi vì trạng thái sống và làm việc đời, đạo(Phụng sự Đạo Pháp) thực tại hôm nay khác với trước đây rất nhiều qua lời nói hành động cư xử, đối đãi với mọi người rất là bao dung từ tốn, hết thái độ kiến chấp, không còn cực đoan, hết ích kỷ, ngã mạn, rất từ bi hỷ xả … Đó là giác ngộ đúng theo nghĩa Giác ngộ là một nhận thức ngược lại với tất cả mọi nhận thức trước đây của ta đối với vạn hữu thực tại.

Cách ngôn Việt Nam có câu : “Nhân bất học bất tri lý”. Câu này có nghĩa là Con người không học sẽ không biết được lẽ phải, trái của thế gian. Bởi vì thế gian, theo kinh văn là cõi người, một cõi có cả hai hạnh phúc và khổ đau lẩn lộn. Lý của lẽ phải là hạnh phúc, lý của lẽ trái là khổ đau. Nếu không học sẽ bị đi vào con đường khổ đau gọi là đường ác. Có học sẽ được đi vào con đường hạnh phúc. Bởi vì thế gian không phải là thế ngay, cho nên có vô số con đường khổ đau đúng với người ngoài thường nói: “Đời có trăm lần vui có vạn lần buồn”. Do vậy đạo lý của Thánh Hiền tại thế gian dạy con người nên tránh lẽ trái, chọn lẽ phải để có hạnh phúc cho cuộc sống. Lẽ phải là cái Đạo biếtvà lẽ trái cũng là cái Đạo biết. Cả hai cái biết được có trong tâm thức gọi là trí thức có văn hóa ở đời. Cái trí thức này không phải ở nghĩa là khôn, không phải ở nghĩa là dại. Cái trí thức này gọi là biết. Biết là một lối sống có nhân cách, đúng như lời Thánh Hiền dạy: “Ở đời khôn cũng chết và dại cũng chết, biết mới là sống”. Sống đúng với lẽ phải, không sống với lẽ trái.

Với đời, con người ở đời phải học đạo lý Thánh Hiền của đời để được có nhân cách. Nhân cách là đạo lý của con người ngoài đời và cả trong đạo, vì nó là gìềng mối gìn giữ hạnh phúc cho mình và cho chúng sanh, là cái lý tránh xa khổ đau cho mình và không gây khổ đau cho kẻ khác. Nếu không nói là trong đạo lý nhân cách đó có cả sự nhiếp trì năm giới của thuở ban đầu mới vào Đạo Phật. Cho nên cái nhân cách của bốn chúng để tử Phật (Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, Ưu bà Tắc, Ưu Bà Di) rất là cao.

Nhân cách cao ở đây là thực thi Chánh Pháp có Chánh Đạo bằng Tâm Nguyên Tắc Hành Động Chân Chính (Bát Chánh Đạo) một cách đúng đắn không bị sai lệch ra quỹ đạo Chánh Pháp được thấy rõ qua hành vi và ngôn ngữ trong đối đãi với mọi người trên vận hành sinh hoạt phụng sự Đạo Pháp và phụng sự chúng sanh. Ngôn ngữ đối đãi ấy dù cho lời nói thăm hỏi, giáo huấn con người cũng vẫn là pháp Bát Chánh Đạo, gọi là Thánh Giáo . Huống là lời thuyết pháp lại càng Chánh Đạo, nên mới gọi là Thánh Đạo .

Với con ngườitrong đạo Phật là Tăng, Ni và Phật tử đều phải có hai chất văn hóa Thánh Giáo và Thánh Đạo trong lòng một cách hành thâm. Có được cả hai Thánh Giáo và Thánh Đạo là do có học và thực hành giới luật và Phật pháp để đuọc có tâm thanh tịnh là nền tảng giáo dục tư tưởng con người lên ngôi vị trí tuệ giác ngộ . Cho nên được gọi một cách tổng thể Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định. Do vậy mà con người trong Đạo Phật là Tăng, Ni và Phật tử có chất Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định trong tâm thức, thì mới đích thực là con người của đạo Phật, đúng như ngạn ngữ Việt Nam: “Có văn có chất mới thật con người”.

Con người Tăng, Ni và Phật tử trong Đạo Phật mà không có chất Văn Hóa Giáo Dục Thiền Định trong tâm thức thì làm sao gọi họ là đệ tử Phật! Bởi vì hể là đệ tử Phật đều phải giống Phật. Giống Phật là cái tâm thường hằng sống trong định, nên dù cho hằng trăm, hằng ngàn người xuất gia, tại gia cùng có mặt tại một ngôi chùa, cùng sinh hoạt Phật sự, tu tập trong đó, tất cả đều cùng có một trạng thái trang nghiêm thanh tịnh ở ngôn ngữ và thái độ hành sử trong đối đãi, nếu không nói là khiêm cung và ái ngữ. Do xuất phát từ cái tâm có định lực bởi chất thanh tịnh của giới giáo dục tâm thức, được gọi là cùng một thể tính không, vô ngã. Như hằng ngàn cây mía trong một đám mía đều có chất ngọt trong thân cây. Mía già ngọt đậm, mía ngon ngọt lợ, đều là ngọt. Dù cho cây mía có bị sâu ở đốt, nó vẫn không bị mất chất ngọt. Ngọt đậm chỉ cho con người Phật tử đang có tâm định lực cao, ngọt lợ chỉ cho con người Phật tử đang có tâm định lực thấp, tất cả đều có tâm định khi bản thân hiện hữu ở bất cứ nơi đâu. Từ đây cho ta thấy rằng, người xuất gia, tại gia dù sống nơi đâu chỉ có một tâm gọi là Nhứt tâm, tâm đó là tâm Phật.

VĂN HÓA VÀ TINH THẦN GIÁO DỤC THIỀN ĐỊNH TRONG PHẬT GIÁO

NGHĨA VĂN HÓA

Chữ “văn” nghĩa là đẹp. Như nói tướng đẹp (trang nghiêm), nét đẹp, dáng đẹp (khiêm cung), lời đẹp (ái ngữ), ý đẹp…Chữ “văn” được đọc trại từ chữ “VÂN”. Vân nghĩa là đường cong cong, vệt tua tủa ngoằn ngèo trên mặt các thứ đá quý (ngọc thạch, kim cương), gổ quý. Chỉ có các loại gổ quý, đá quý đến tuổi già thì trong lòng của nó tự biến hóa ra những đường, nét đẹp đó. Và cũng như trong bầu trời tự nhiên giữa hư không hóa hiện ra những vệt tua tủa trắng phau như đuôi con công, những đường cong cuồn cuộn như những con sông vào bờ, những lằn dài xám xịt chồng chất lên nhau như dãy núi. Rồi chẳng bao lâu, dãy núi ấy biến đổi thành hình thù ông thần linh có áo mão, cân đai, hình người võ sĩ nghiêm mình vung tay, hình những con vật, v.v…Những hình thù trong bầu trời giữa hư không như vậy, những người Trung Quốc gọi là VÂN, người Việt gọi là Mây (Vân), nên có câu “đám mây vân cẩu”. Vì vậy hai chữ VĂN HÓA được có là do dựa vào những đường nét đẹp (vân) của đá quý, gổ quý, mây trời (vân). Từ đó nói đến hai chữ Văn Hóa, người ta nghĩ ngay đến bản thể con người, sự vật như tranh ảnh, nhà cửa, pho tượng, công viên hiện hữu có sắc thái sinh động, trong sáng, xinh đẹp, tươi thắm…có sức quyến rũ, lôi cuốn đôi mắt và tâm tư con người khởi lên ý niệm ưa thích, nhìn ngắm (xúc, thọ, ái, thủ). Những sự vật có sắc thái sinh động, trong sáng tươi đẹp như vậy, không phải tự chúng có thể tạo thành hình tướng. Mà phải do nhiều nhân duyên khác tạo thành, trong đó con người là nhân duyên chính yếu. Nhưng với con người có tâm văn hóa gọi là óc mỹ thuật mới là nhân duyên chỉ đạo cho hai bàn tay, đôi mắt trong lúc sáng tạo ra những sự vật nói trên. Cho nên trong Phật giáo nói: “mọi việc, mọi vật được có ra hình tướng đều do tâm (Nhứt thiết duy tâm tạo).

Văn hóa của nhân loại ở mỗi quốc gia đều mang bản chất và sắc thái đặc thù của quốc gia đó. Nhưng không thể hiện hữu mãi hình thái cũ rích ngàn đời được, đều phải được biến thái, đổi thay theo đà văn minh khoa học của nhân loại. Do vậy, văn hóa không những chỉ hiện hữu riêng ở các vật thể trên cơ sở phục vụ đời sống người dân trong nước về mặt vui chơi, hưởng thụ mọi lạc thú, mà còn được đi vào trong văn tự là ngôn ngữ dân tộc qua những tác phẩm văn học luân lý, văn chương…cho nên văn hóa hiện hữu trong văn tự như là một loại vũ khí bảo vệ nòi giống, là tiêu đề định hướng tiến lên văn minh khoa học, phát triển xã hội và gìn giữ trật tự quốc gia từ khi loài người trong các bộ lạc bắt đầu tiến lên văn minh làng xã, quận hạt, quốc gia và cơ chế hành chánh. Thì văn hóa ở lãnh vực văn học là nền tảng giáo dục dân tộc. Từ đó hai chữ văn hóa và giáo dục không thể rời nhau, luôn tương dung nhau. Tức là lấy văn hóa trong văn hóa. Do vậy trong một quốc gia nếu bị mất một trong hai thứ văn hóa hay giáo dục, thì xã hội của quốc gia đó sẽ bị thác loạn, bị điên đảo, sanh ra nhiều bạo lực, gây khổ đau cho người dân.

Cho nên văn hóa giáo dục là linh hồn, sức sống, nguồn hạnh phúc, thịnh vượng của quốc gia, vì vậy phải được gìn giữ cho kỹ và luôn phát triển. Nếu chẳng may bị các thế lực vô minh, bạo lực chủ nghĩa, tôn giáo ngoại lai tiêu diệt, chà đạp, dẹp bỏ, thì người dân trong nước được xem như bị mất linh hồn, mất sự sống. Nên dù bản thân còn hiện hữu, nhưng hiện hữu của bản thân chỉ là ngơ ngác, nhân tình không còn, sanh ra những hành động quay lưng phản bội ông bà, tổ tiên và ngôn ngữ bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với quyến thuộc, bất trung với tổ quốc.

VĂN HÓA PHẬT GIÁO

Hình ảnh văn hóa Phật giáo phải nói rằng bắt đầu có, là do dây phút đầu tóc Thái tử Tất Đạt Đa được cắt ngắn do Thái tử tự lấy gươm cắt lấy bên bờ sông ANÔMA sau khi xuống ngựa. Và chiếc áo dân giả có hàng trăm miếng vải thô không đồng cỡ ráp nối với nhau, mà Thái tử mặc suốt sáu năm tu khổ hạnh thiền định dưới cội cây pipala; là chiếc áo của ông tiều phu cởi, đổi cho Thái tử, rồi nhận lấy chiếc áo của Thái tử do Thái tử yêu cầu. Từ chiếc áo ba nạp (nhiều tấm vải hợp lại) ấy đã trở thành áo cà sa của Đạo Sĩ Tất Đạt Đa. Thứ nữa, cái bình bát mà Thái tử ôm trong lòng bàn tay ở trước ngực, cùng với nhũng bước chân đi chậm thật vững chãi vào buổi sáng từ trong khu rừng ra ngôi làng gần bìa rừng để khất thực rồi trở về cội pipala, là do tín hữu trong làng kính hiến tặng. Tất cả hình ảnh bình bát, cà sa trăm miếng, đầu tròn tóc xoáy ốc theo kim đồng hồ, thân tướng trang nghiêm ở từng bước đi thảnh thơi, đi đứng lại trong tĩnh lặng trước các thí chủ cúng dường thức ăn…được hiện hữu nơi pháp thân Thái tử Tất Đạt Đa, được xem là nền tảng văn hóa Phật giáo ở bước đầu tiên.

Rồi sau khi Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật dưới cội cây Bồ Đề, ngài đứng lên và đôi chân phước trí vẹn toàn (lưỡng túc tôn) của ngài hiện hữu giữa cõi đời rày đây mai đó suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh làm mòn đôi dép cỏ, cà sa bạt màu cũng vì sự nghiệp chuyển hóa tâm vô minh chúng sanh thành Bồ Đề là con đường giải thoát sinh từ bằng giáo dục pháp thực chứng của mình. Vì thế cho nên nền văn hóa Phật giáo được xuất hiện thêm vô số lượng sắc thái mới một cách liên tục không ngừng nghỉ qua từng thời đại lúc nào cũng mới, đúng với nguyên lý pháp môn tu của Phật, là linh hoạt sinh động để phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh, trình độ văn hóa, văn minh và cách sống của con người tại những xứ sở một khi Phật giáo có mặt ở đó với sứ mạng hoằng dương chánh pháp cho nhân loại trong vai trò lấy chánh pháp làm nhân duyên chi phối nhân quả của chúng sanh thành Bồ Đề bằng giáo pháp phương tiện thiện xảo mà có ra thật đa dạng sắc thái văn hóa. Nhất hạng là sau khi đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, nền văn hóa Phật giáo được phát triển một cách tích cực ngay tại bản sứ Ấn Độ qua những đợt kết tập kinh điển, giới luật, rồi đến những cơ sở, một trường đại học Phật giáo Nalada có tầm vóc quốc tế với số lượng hàng ngàn tăng sĩ các nơi trên thế giới đến học, và hàng trăm ngàn cuốn kinh, luật. luận, hình tượng chư Phật, Bồ Tát, bảo tháp, tranh ảnh do các nhà văn hóa Phật giáo đương thời xây dựng và sáng tác.

Từ đó hạt giống Bồ Đề văn hóa Phật giáo được đi xa và giao trồng khắp vùng đất bốn phương, năm châu nhân loại bởi những vị Tăng sĩ bản xứ đem đi như Bồ Đề Đạt Ma đem Phật pháp vào Trung Quốc, ngài Huyền Trang từ Trung Quốc đến tu học tại đại học Nalanda rồi đem chánh pháp về Trung Quốc, cũng như nhiều nhà văn hóa, khoa học, xã hội tại Âu Mỹ đến Nalanda khảo sát, nghiên cứu văn hóa Phật giáo, sau đó về nước liền viết ra nhiều tác phẩm luận giảng Phật học có nhãn hiệu khác nhau .

Hình tướng vô số lượng tác phẩm văn hóa Phật giáo mang sắc thái thật đa dạng qua những cuốn kinh, luật, luận giảng Phật học, chuông, mõ, khánh, linh, hồng chung, bảo tháp, cà sa, bình bát, chùa chiền, tu viện, những tranh ảnh chư Phật, Bồ Tát, hoa sen, những pho tượng chư Phật, Bồ Tát, chư vị Tổ sư, v.v..như vậy, chỉ thuộc về pháp hữu vi tướng văn hóa Phật giáo. Phàm hữu vi tướng Pháp đều bị hoại diệt bởi định luật vô thường theo thời gian, theo các biến cố thiên tai, chiến tranh, bạo lực thù địch, v.v…gây ra làm tan rã hủy hoại hình tướng. Cho nên trường đại học Nalada bên Ấn Độ là đại học Phật giáo đầu tiên có tầm vóc quốc tế được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 do các hàng tăng sĩ, cư sĩ, trí thức văn hóa Phật giáo thời bấy giờ thực hiện. Đến thế kỷ 12 thì bị đạo quân Hồi Giáo xâm lăng đốt phá giết hại hàng ngàn tăng sinh, giáo sư, nhân viên hành chánh một cách giã man, thô bạo cho đến nổi chỉ còn lại bóng dáng nền móng màu đất nung sau sáu tháng lửa cháy.

Dù chỉ còn nền móng cổ xưa từ dạo đó cho đến ngày nay đầy rêu phong lên nền gạch đang trơ gan với nhật nguyệt, gió, bão, mưa sa trong bốn mùa. Nhưng nền văn hóa vô vi pháp tướng Phật giáo vẫn hiện hữu ngàn đời không ngớt trong lòng nhân loại khắp năm châu có hành hương hay không hành hương về xứ Phật, trong nội thức nhân loại vẫn còn nghe những pháp âm vi diệu của Phật như đang nói đạo lý diệt khổ của năm thời thuyết pháp Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa Niết Bàn. Vẫn còn thấy hình ảnh đức Phật và chư Thánh Tăng trong trạng thái từng bước thảnh thơi ôm bình bát khi khất thực, lúc trở về qua các làng mạc, quận lỵ vào buổi sáng. Cũng như lúc tĩnh tọa tại Linh Thứu, Kỳ Viên, Lộc Uyển nói pháp, nghe pháp thật trang nghiêm, luôn thường hằng tĩnh mặc. Đó là văn hóa vô vi pháp tướng Phật giáo.

Văn hóa vô vi pháp tướng Phật giáo được cắt nghĩa là tính không, vô tướng, vô tác, tức trí tuệ bình đẳng đang hiện hữu trong tâm thức hành giả đã giác ngộ chân lý vô ngã của các pháp. Cho nên tính chất văn hóa vô vi pháp tướng Phật giáo không bị các pháp văn hóa hữu vi vướng trần Phật giáo (quyển kinh, hình tướng chư Phật, Bồ Tát, chùa chiền, chông, mõ) chi phối. Tức là chỉ nương tựa vào đó làm nhân duyên trên đường tu tập để đạt cứu cánh là trí tuệ giác ngộ. Chứ không phải tôn thờ quyển kinh nằm im trong tủ kính muôn đời, lể bái hình tượng chư Phật, Bồ Tát để xin sự bình an phước báo, chiêm ngưỡng lên sắc tướng trang nghiêm, đồ sộ của ngôi chùa, bảo tháp với ý niệm hỷ lạc mà gọi là nương tựa để đạt được trí tuệ giác ngộ!

Nghĩa của nương tựa văn hóa hữu vi pháp tướng Phật giáo là học Phật trong các kinh được đặt lên hàng đầu. Học Phật tức thực hành, bắt chước làm theo hành động và ngôn ngữ thanh tịnh, từ bi, trí tuệ của chư Phật, Bồ Tát. Những hành động và ngôn ngữ từ bi, trí tuệ, thanh tịnh, trang nghiêm của chư Phật, Bồ Tát được thể hiện qua những ngôi chùa, bảo tháp, chuông, mõ, khánh, linh, phan lọng, cửa tam quan, bản thân tăng ni, cà sa, áo mão, v.v. Tất cả đều phải được chứa đựng sắc tướng, âm thanh thiền vị của chư Phật, Bồ Tát trong đó, cho nên, với một ngôi chùa, hình thể của nó không thể sừng sững vương lên cao ngạo nghễ với hư không như các nhà thờ của ngoại đạo, mà phải được luôn luôn trải rộng vững chãi, chiều ngang mái cong phủ xuống bao trùm lên không gian một cách lặng lẽ như hành giả thiền tọa nhìn vào nội tâm. Với các pháp khí: mõ, chuông không thể có âm thanh lay động, xé nát không gian như chuông nhà thờ ngoại đạo. Mà phải có âm thanh nhẹ nhàng, thanh thoát, ngân vang chìm lặng vào không gian, vạn hữu, lòng người khi đánh lên, khiến cho con người tỉnh thức quay về bản lai diện mục của mình đúng như lời thơ của cố Hòa Thượng Mật Thể:

Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng

Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa.

Với bảo tháp, dù cao bảy tầng, nhưng nó vẫn hiện hữu ra sắc tướng thường hằng thiền định của đức Phật, chư Thánh Tăng thời xưa trong trạng thái từng bước trang nghiêm, thảnh thơi, an nhiên nhìn xuống về phía trước tự tại khi đi trì bình khất thực, lúc dừng lại trong tư thế nghiêm túc yên lặng để nhận sự cúng dường thức ăn của thí chủ. Và cũng như khi rảo bước đó đây trên vận hành thuyết pháp hóa độ chúng sanh mà lòng luôn tĩnh lặng không bị sắc tướng lục trần chi phối như hoa sen kia sống trong ao bùn tanh hôi mà không hề hôi tanh mùi bùn, đúng như đức Phật nói: “Ta sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, không bị đời làm ô nhiễm”

Qua tư tưởng trên của đức Phật cho ta thêm định nghĩa nữa về văn hóa vô vi pháp tướng Phật giáo đối với con người và thân tâm thường hằng vượt thoát mọi ý niệm về ngã, đó là nét đẹp của tâm thức được thể hiện ra những nét đẹp của thân trong trạng thái vị tha, vô ngã, khiêm cung từ tốn, đôn hậu, hỷ xã, từ bi, trang nghiêm, tự tại, thảnh thơi, lời nói dịu dàng, lịch sự, thật thà. Những hành động và ngôn ngữ ở thân có văn hóa Phật giáo như vậy là tâm thức có văn hóa Phật giáo, gọi là Phật giáo vô vi pháp, nói như tục ngữ văn hóa Việt Nam: “Có văn có chất mới thật con người”.

Chữ vănở đây nghĩa là đẹpđược đọc trại từ chữ VÂN là những đường nét đẹp trong lòng của các đá quý (kim cương, ngọc thạch) và gỗ quý sau khi đến độ già thì trong lòng của gỗ quý, đá quý tự hóa hiện ra nhũng đường nét đẹp cong cong, ngoằn ngèo, tua tủa.

Cũng như vậy, một khi tâm thức hành giả được có trí tuệ tính không, vô ngã là năng lực tự nhiên hiện hữu ra ở ngoài thân những nét đẹp ở lời nói và hành động trong đối đãi với con người và loài vật cùng với hương thơm, mùi vị, âm thanh, sắc tướng vạn hữu, nói chung là lục trần mà tâm thức vẫn yên lặng, tịnh mặc, không bị lay động, đó là nét đẹp của Phật giáo (văn hóa Phật giáo).

Hành giả đạt được những sắc thái văn hóa Phật giáo ở bản thân như vậy, không những chỉ có do nương tựa vào các sắc tướng văn hóa hữu vi Phật giáo như lể bái trên các hình tượng chư Phật, Bồ Tát, Tổ sư, bố thí, cúng dường, thao tác Phật sự tại chùa mà còn phải nương tựa vào văn hóa hữu vi chính yếu, đó là lời kinh trong các cuốn kinh, nếu không nói là học Phật và thực hành khế lý của kinh thì mới có thể liểu ngộ và chứng ngộ chân lý vô ngã của các pháp, nói như người xưa: “ Tri đạo tức học đạo, kiến đạo, tu đạo và chứng đạo”. Đó là chủ trương của đạo Phật đúng như lời đức Phật nói trong kinh Pháp Hoa ở phẩm phương tiện: “Các đức Phật Thế Tôn chỉ do một sự nhân duyên lớn là muốn cho chúng sanh được khai thị tri kiến Phật để thanh tịnh tâm mà thị hiện ra nơi đời”.

Cho nên sau khi chứng đạo giác ngộ duới cội Bồ Đề, đức Phật đã nghĩ ngay đến việc hoằng dương chánh pháp vào đời để chỉ bày lại cho chúng sanh giáo pháp tu giải thoát sanh tử luân hồi mà mình đã chứng. Từ đó suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh, đức Phật đã lần lượt nói hết tất cả giáo pháp phương tiện có chứa dựng duy nhất đạo lý tu giải thoát một cách thực tế, không có siêu hình cho vô số lượng chúng sanh có căn lành khác nhau, tức Phật tánh trong tâm thức được trổi dậy ở mức độ, cao, thấp là nhân duyên gặp Phật, nên sau khi quay về đức Phật được Phật nói và hướng dẫn cho một số giáo lý pháp tu giải thoát đúng như lời đức Phật đã nói với chư Thánh chúng Tỳ Kheo sau khi ngài bức một số lá trong rừng Samsapà, nắm trong lòng bàn tay, ngài hỏi:

-Này các thầy Tỳ Kheo xem lá Như Lai đang nắm trong lòng tay của Như Lai nhiều hay là trong rừng nhiều?

-Kính bạch Thế Tôn, lá trong rừng nhiều, còn lá mà Như Lai nắm trong tay thì ít.

-Đúng như vậy! Những giáo pháp mà Như Lai đã và đang nói để hướng dẫn cho các thầy và hàng nam, nữ cư sĩ biết cách tu tập thì rất là ít so với những gì Như Lai biết. Nhưng tại sao Như Lai không nói ra hết? Bởi vì xét ra không có lợi ích gì cho đạo diệt khổ, do vậy mà Như Lai không nói đến.

Qua chơn ngôn trên của đức Phật khẳng định trưóc chư Thánh Tăng về sự có mặt của ngài tại cõi Ta bà và giáo pháp diệt khổ cách nay hơn 26 thế kỷ chỉ vì sự nghiệp trong vai trò khai thị cho chúng sanh được ngộ nhập tri kiến Phật là năng lực vượt thoát sanh tử luân hồi bằng giáo pháp diệt khổ, cho ta thấy rằng nền văn hóa Phật giáo trong đó Phật pháp được đặc lên hàng đầu hơn tất cả hình ảnh văn hóa khác trong Phật giáo. Bởi vì giáo pháp là nền tảng sinh sản ra nguồn sống an lạc, hạnh phúc chơn thật cho con người thực tại hiện hữu, là phương tiện giải thoát sinh tử khổ đau, không có phương tiện nào khác hơn ngoài kinh điển Phật pháp. Do vậy mà dù cho hành động các việc như cầu siêu, cầu an, từ thiện xã hội, phụng sự đạo Pháp đều là sản phẩm của kinh điển Phật pháp. Tức mọi hành động trên đều làm theo lời kinh Phật dạy, đó là tinh thần vô ngã, gọi là công đức vô lậu. Được như vậy, chúng ta phải học hỏi qua nhiều thứ kinh, luật, luận, và thực hành theo lời Phật dạy trong đó, mới đủ năng lượng tác động tâm thức ta vùng dậy tỉnh thức, giác ngộ tính không, vô ngã của các pháp, đó là trí tuệ bình đẳng, là động cơ vượt thoát không còn gì khác hơn đúng theo chủ trương duy nhất của đạo Phật là giải thoát sinh tử khổ đau cho chúng sanh bằng giáo pháp Phật.

Vì vậy mà chư Phật, Bồ Tát luôn thường thị hiện vào đời để chỉ dạy cho chúng sanh giáo pháp tu giải thoát. Và cũng vì vậy mà sau khi Phật nhập Niết Bàn, chư Thánh Tăng, chư vị Tổ Sư, danh tăng tiền bối và hiện hữu trên thế giới đã và đang cùng nhau tích cực kết tập, dịch thuật, giảng luận các thứ kinh, luật Phật để truyền thừa chánh pháp cho chúng sanh hậu lai để theo đó mà học hỏi và tu tập. Từ đó cho ta thấy rõ rằng cốt lõi nền văn hóa Phật giáo là kinh, luật, luận. Sau mới đến những sắc thái văn hóa khác, nhưng cũng chỉ vì là sản phẩm của Tam Tạng kinh điển mà được có ra.

Cho nên nói đến một nhà văn hóa Phật giáo là phải nói đến những danh tăng và cư sĩ trong Phật giáo. Những vị ấy được dân tộc, quốc gia, quốc tế biết đến do qua quá trình trên vận hành công tác văn hóa Phật giáo như đã từng giảng dạy Phật pháp tại các Phật học viện cho Tăng, Ni, Cư sĩ và tại các đại học quốc gia, cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, đã và đang dịch thuật, luận giảng kinh điển, sáng tác ra nhiều tác phẩm, văn hóa Phật giáo có chứa đựng nội dung khế lý giáo dục và chuyển hóa tâm thức vô minh con người thành Bồ Đề. Chẳng hạn Phật giáo Việt Nam có những vị Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thích Đức Nhuận, Thích Thiện Siêu, Thích Nhất Hạnh, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, Ni sư Thích Nữ Trí Hải …là những nhà văn hóa Phật giáo. Về phía Cư sĩ tiền bối có những vị: Cao Hữu Đính, Mai Thọ Truyền, Lê Đình Thám…

Còn những người điêu khắc, đắp tượng, họa sĩ vẽ ra, đắp lên, khắc thành tượng Phật, Bồ Tát, tranh ảnh hoa sen, chùa, tháp, lư hương được gọi là những người thợ, chứ không được mọi người gọi là nhà văn hóa Phật giáo.

TINH THẦN GIÁO DỤC CỦA THẾ GIAN NHÂN LOẠI

Tinh thần giáo dục của nhân loại trên trái đất này có từ thời Thượng cổ sau khi con người bắt đầu tự lột xác khỏi đời sống ăn lông ở lỗ, tiến dần lên nếp sống có văn minh văn hóa ở chế độ Bộ Lạc du mục. Giữa thời đại Bộ Lạc du mục, nền giáo dục của loài người chỉ có sử dụng ngôn ngữ chủng tộc trên cơ sở chỉ bày, huấn luyện cho nhau về cách thức chế tạo các dụng cụ trồng trọt và hướng dẫn trồng trọt và vũ khí săn bắn cho việc mưu sinh và kể cả đánh trả các bạo lực từ các Bộ Lạc khác đến xâm chiếm đánh phá. Ta gọi thời cổ đại này là thời đại văn hóa Đồ Đá.

Đến thời đại cư trú tại chổ có nhà cửa, thành lập cơ chế ấp xã và quốc gia có ranh giới, thì nền giáo dục của loài người càng lúc càng lớn mạnh qua nhiều phương pháp, phương tiện giáo dục tinh vi hơn. Ta gọi thời đại này là thời đại văn minh văn hóa khoa học kỹ thuật giáo dục. Bởi vì nhân loại đã và đang huấn luyện giáo dục cho nhau cả thế giới về nhiều phương cách chế biến, chế tác ra vô số lượng máy móc tinh xảo trong việc sản xuất ra nhiều của cải vật chất để phục vụ cho xã hội con người có một đời sống vật chất hạnh phúc. Giáo dục này gọi là giáo dục nghiệp vụ chơn chánh một khi nhân loại tiến đến sử dụng ngôn ngữ bằng văn tự của từng chủng tộc quốc gia được thể hiện qua các sách vở, văn kiện, tài liệu khoa học kỷ thuật trong việc giáo dục dân tộc mình trên cơ sở học và thực hành nghiệp vụ là nền tảng của cuộc sống ấm no và hạnh phúc ở đời.

Song song với nền giáo dục nghề nghiệp, những con người trưởng thượng ở mỗi quốc gia trên thế giới đang lãnh đạo đất nước họ, đều đồng loạt tiến hành mở ra nền giáo dục tư tưởng công dân trong nước mình bằng những sách vở, tư liệu văn hóa mang thực chất nguyên lý nhân bản, nên trong đó chứa đựng những đạo lý về đạo đức học, luân lý học và triết lý về sự sống như thế nào mới đáng gọi là sống, v.v…do những nhà trí thức văn hóa trong nước biên soạn, chế tác ra nhắm vào mục tiêu là giáo dục dân trí ở mọi tầng lớp trong nước ai cũng phải có sự hiểu biết rộng lớn trong tâm thức về vai trò của mình là công dân trong một nước là phải tuân thủ luật pháp quốc gia không vi phạm để đem lại nền an ninh trật tự xã hội, có trách nhiệm duy trì và phát triển văn hóa dân tộc, sống có đạo đức luân thường từ trong gia đình ra đến xóm làng xã hội, luôn trung thành với tổ quốc, biết ơn các tiền nhân quá khứ có công lập quốc và giữ nước. Thì những thế hệ công dân kế tiếp đều phải noi theo gương sáng của những anh hùng liệt sĩ tiền nhân, tổ tiên ông bà ở quá khứ là đánh đuổi các bạo lực ngoại xâm để bảo vệ văn hóa dân tộc nòi giống và bờ cõi đất tổ.

Tinh thần giáo dục dân trí để bảo vệ văn hóa dân tộc, nòi giống của nhân loại ở mỗi quốc gia trên thế giới là một quy luật tất yếu hiển nhiên không thể không có được, vì nó mang tính chất nhân bản vốn có từ tiền kiếp. Theo định luật nhân quả của Phật giáo: bản thân con người thực tại là kết quả của nghiệp nhân quá khứ trên cơ bản do hành trì tu tập năm giới cấm đúng đắn không sai phạm mà được có thân người. Do vậy mà tâm con người đều có chứa đựng đức tính hiền hòa đôn hậu được gọi là nhân tính, nhân bảnđúng như đức Khổng Tử nói: “Nhân chi sơ tánh bản thiện” (Con người vừa mới sinh ra, tánh của nó là thiện). Cho nên trong sáu con đường (lục đạo) luân hồi của các loài chúng sanh thì loài người được ở vị thứ thứ hai gọi là Nhân Đạosau Thiên Đạo. Sáu con đường luân hồi là: Thiên Đạo, Nhân Đạo, A Tu La Đạo, Địa Ngục, Ngả Quỹ Đạo, Súc Sanh Đạo.

Bản tính con người vốn hiền lành như đức Khổng Tử đã xác định, nên dù sanh ra ở xứ đông, xứ tây, chủng tộc này, chủng tộc nọ, Kinhhay Thượng đều hiền lành. Do vậy khi khôn lớn lên thành người thanh niên ở lứa tuổi hai mươi, ba mươi trở lên, ai cũng nhận thức rằng: “Tổ quốc quê hương là cái nôi đầu đời của mình, nơi đó mình được sinh ra và khôn lớn, nên phải ra sức bảo vệ, gìn giữ. Nếu quê hương bị lâm nguy bởi các bạo lực ngoại xâm, đều phải đứng lên đáp lời sông núi, ra đi cầm súng đánh đuổi quân thù. Với đồng bào trong nước dù cách xa nhau hàng ngàn cây số hay gần nhau trong xóm làng đều có cùng một tổ quốc, chung một giống nòi, huyết thống,t phải đoàn kết, hết lòng thương yêu nhau, biết đối đãi nhau có ân, nghĩa, lễ, trung…Với tổ tiên là những người đã sanh ra ông bà, ông bà sanh ra cha mẹ mình, cha mẹ mình sanh ra mình. Tất cả ai cũng hết lòng, ra sức nuôi nấng, dạy dỗ con mình, nên phải hiếu đễ và phụng thờ lúc còn sống cũng như đã qua đời, không thể vong ơn bội nghĩa. Với văn hóa dân tộc là nếp sống có tác dụng làm cho tâm thức con người được an vui, hạnh phúc suốt cuộc sống, nên phải duy trì và phát triển, không thể vì mối lợi vật chất nhỏ nhen phi đạo lý mà đánh mất, phủ nhận. Đó là thực chất nguyên lý của năm giới.

Đúng theo thực chất nguyên lý của năm giới mà con người có bản thân do tu tập, nên tâm thức con người ai cũng tự thấy những đạo lý thế gian như đã nói ở trên đang hiện hữu trong không gian tâm linh của mình. Cho nên thường được trổi dậy trong lòng rồi hiển lộ ra ngôn ngữ và hành động có đạo đức, văn hóa, nhân cách, ái ngữ, khiêm cung. Được như vậy là do một phần cơ bản tiếp nhận nền giáo dục tư tưởng văn hóa tại học đường lúc tuổi vị thành niên là động cơ phát triển. Cũng như tại trường đời được nghe và thấy thêm những lời đạo đức và hành động nhân cách từ những bậc trưởng thượng sau khi rời ghế nhà trường, ngược xuôi đó đây trên vận hành mưu sinh cho đời sống thế gian.

Như đã nói ở phần trước về con người trên trái đất này được có thân người là hành trì năm giới cấm của Đạo Phật trong đời trước gọi là quả báo nghiệp, nên có phẩm hạnh hiền hòa, nhân đạo như đức Khổng Tử đã xác định: con người vừa sinh ra là đã có đức tính thiện. Nhưng tại saogần hết cả nhân loại trên thế giới từ xưa đến nay đến tuổi trưởng thành trên vận hành mưu sinh giữa trường đời thì lại bị mất hết đức tính hiền lành nhân đạo, để rồi thay vào đó ngạ quỷ tính, súc sanh tínhlà những hành động tham, sân, chấp ngã, dục vọng điên đảo, độc tài thống trị, bạo hành kẻ yếu, dùng vũ lực tước đoạt tài sản kẻ khác, sát phạt giết chết con người và loài vật, chế tạo vũ khí giết người hàng loạt, khủng bố, đưa quân xâm lược nước yếu đặt nền đô hộ người dân bản xứ, người bản xứ chạy theo bạo lực làm tay sai, phản bội tổ quốc, quên ơn tiền nhân, bội nghĩa quyến thuộc, đánh mất văn hóa dân tộc, vân vân…

PHẨM CHẤT NĂM GIỚI

Xin nói rõ, phẩm chất của năm giới đủ để được tái sanh làm người ở kiếp kế tiếp, chứ không đủ năng lực tái sanh lên các cõi cao. Ngay cả cõi thấp gần cõi người nhất, đó là cõi Trời Tứ Thiên Vương (một trong sáu cõi trời thuộc dục giới như con người. Sáu cõi là: Tứ Thiên Vương, Đạo lợi, Dạ Ma, Đâu Xuất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại) cũng không thể tái sanh lên đó đuợc, huống hồ Cực Lạc, Niết Bàn! Con người muốn được tái sanh lên các cõi cao như vậy qua từng thứ bậc của từng kiếp tu hay nhảy bậc ngay kiếp này đều do năng lượng của trí tuệ ở mức độ nào được có trong tâm thức hay không.

Phẩm chất của năm giới chưa phải là trí tuệ của bốn bậc thánh Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, và cũng không phải là sự hiểu biết của cõi trời. Nó chỉ là sự hiểu biết rất hạn hẹp gọi là phàm phu trí, hay còn gọi là thế gian trí. Phẩm chất của năm giới trong tâm thức con người chính là Phật tánh bắt đầu phát triển, như củ sen trong ao bùn đang nảy mầm, nên phẩm chất của năm giới đưọc gọi là nhân phẩm, nhân cánh, nhân bản. Nó là nền tảng xây dựng xã hội con người có trật tự, tự do, dân chủ, an cư lạc nghiệp, hạnh phúc, phồn thịnh, đất nước thanh bình, dân tộc biết đoàn kết và thương yêu, tương trợ nhau …

Vì là thế gian trí, phàm phu trí, nên chi nó còn trụ địa một khối lượng vô minh, triền phược, tập khí, dục vọng, bản ngã quá lớn trong thức A Lại Da. Khối lượng vô minh, bản ngã lớn lao ấy là động cơ bộc phát ra những ngôn ngữ khả ố, hành động tàn ác, hung hãn …Cho nên con người đang ở trạng thái hiền lành bỗng nhiên trở nên hung dữ, đang tử tế với mọi người bỗng nhiên hận thù, đang tĩnh lặng bỗng nhiên nỗi sân si… một khi năm giác quan của họ tiếp xúc với cảnh trần có chứa đựng những cái nhân xung đột, tức là nhân xấu làm cho ý thức bị vùng dậy như làn sóng ngầm để rồi hiển lộ ra ngôn ngữ và hành động bất thiện. Hay đang hiền hòa, trầm tĩnh, thanh tịnh…bỗng nhiên sanh lòng dục vọng, tham lam, tham muốn, ngã chấp, nổi lên một khi năm giác quan tiếp xúc với con người, với sự việc tại thế gian có đầu mầu sắc dục lạc, hấp dẫn. Tức khắc bản thân hành động.

Bản thân hiện hữu con người thực tại trong trạng thái tĩnh lặng, hiền hòa, đôn hậu, tử tế, ái ngữ, khiêm cung…Đó chính là phẩm chất của năm giới. Còn trạng thái tham, sân, si, chấp ngã, kiến chấp, tà kiến, cục bộ, cực đoan trong đối đãi với mọi người, đó là bản chất của vô minh, triền phược, tập khí.

Phẩm chất năm giới đang hiện hữu trong A Lai Da thức con người chính là nhân duyên để bắt gặp Phật pháp, tức tiếp nhận Phật pháp trong nghĩa có học và thực hành Phật pháp để cho phẩm chất năm giới ấy được chuyển đổi qua các tuệ giác của bốn quả thánh Thanh Văn, Tuệ giác Duyên Giác, và trí tuệ Phật. Vì phẩm chất của năm giới như bóng đèn sẵn có dây tóc có tánh sáng, một khi được nối tiếp với dây điện có điện lực, bóng đèn được sáng lên. Vì vậy mà khi con người mới quay về Đạo Phật, ở bước đầu tiên ấy được Phật truyền dạy cho năm giới và căn dặn phải lo hành trì một cách tinh tấn ba la mật. Sau đó đức Phật hướng dẫn tu tập giáo pháp giải thoát và truyền dạy thêm những pháp giới cao hơn như mười giới cơ bản và mười giới thập thiện…Thời nay khi con người quay về đạo Phật, cũng được chư tôn giáo phẩm trong Phật giáo hướng dẫn quy y Tam Bảo giữ năm giới và sau đó hướng dẫn mọi người học Phật, thực hành Phật pháp và không quên hướng dẫn thọ thêm các pháp giới cao hơn đối với những ai mong muốn tiến lên các ngôi vị Thanh Văn ở bốn bậc thánh quả (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán), Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Đó là những nấc thang giải thoát. Từ đó ta thấy có số đông người sau khi thọ năm giới, họ thọ tiếp các giới cao hơn. Và lại cũng có số đông người an phận ở năm giới, nếu không nói là xin nguyện tái sanh lại kiếp người sau khi thân ngũ uẩn hiện hữu có chết đi.

Sở dĩ đức Phật thời xưa, chư Tăng, Ni thời nay sau khi hướng dẫn con người thọ năm giới, và lại hướng dẫn cho con người thọ thêm các giới pháp cao hơn nữa, chính là đã thấy được phẩm chất của năm giới không phải là phẩm chất của thiên đạo, và lại càng không phải phẩm chất của các bậc thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Nhưng nó có khả năng tiến lên nếu biết tu tập Phật pháp, đúng như lời Phật nói: “ Cõi người là cõi có đủ hai thứ khổ đau và hạnh phúc. Một cõi dễ tu để tiến lên các quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật hơn cõi khác. Với các cõi trời quá sung sướng khó mà tu được, khi hưởng hết phước báo lại bị tái sanh xuống lục đạo luân hồi. Các cõi ác (A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh) thì quá khổ đau, khó mà tu được. Do vậy mà các hàng Bồ Tát thường chọn cõi người để tiếp tục vận hành thành tựu công đức vô lậu cho mục tiêu đạt quả vị Phật thừa , tức là Niết Bàn Phật quả bằng các việc làm cứu khổ chúng sanh trên ba mục tiêu “Ly Khổ đắc lạc, Chuyển mê khai ngộ, Đoạn hoặc chứng chân” về cả hai mặt vật chất tinh thần.

Vấn đề con người khi quay về đạo Phật được Đức Phật trong thời xưa, Tăng, Ni thời nay làm lễ truyền cho năm giới ở bước đầu tiên và hướng dẫn cách thức hành trì như vậy. Chính là sự khai mở lại phẩm chất năm giới của con người vốn đã sẵn có trong đời trước được trổi dậy chứ không phải mới thực tại. Khai mở lại để cho con người nếu ai muốn tiếp tục tái sanh làm người trở lại, mà lo giữ giới, hành trì giới. Nếu con người quay về đạo Phật không được đạo Phật khai lại năm giới, thì đạo Phật mất vai trò. Về phía con người thì vô nghĩa khi con người hiện hữu nơi đạo Phật. Nếu con người không được khai lại phẩm chất năm giới, chắc chắn con người sẽ bị rơi vào bốn đường ác: atula, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh sau khi xả báo thân (chết) do các vô minh, triền phược và tội lỗi dẫn dắt vào một cách dễ dàng. Bởi vì bốn cõi ác và cõi người (nhân đạo) rất gần nhau bằng một đường ranh nhỏ hơn sợi tóc.

Phẩm chất của năm giới đủ để cho con người tái sanh làm người trở lại, nếu con người muốn, con người tự ôn tập, hành trì, chứ không phải mới bắt đầu, vốn sẵn có trong nội thức do trong đời trước đã hành trì rồi, nên mới được tái sanh làm người trở lại kiếp này. Trong kiếp này, nếu con người muốn đi lên các cõi cao của các bậc thánh Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật sau khi xả báo thân ngũ uẩn, con người thực tại phải tự phát nguyện hành trì các giới pháp khác ngoài năm giới (mười giới căn bản, mười giới thập thiện…) có phẩm chất cao hơn.

Vì vậy đạo Phật khai mở lại phẩm chất năm giới cho con người ở bước đầu quay về đạo Phật, không phải là mục tiêu cuối cùng, mà đó là sự tạo dựng nhân duyên cho con người được có trí tuệ bình đẳng tức tính không, vô ngã do quá trình học và thực hành Phật pháp, cũng như hành trì các giới pháp cao. Cả hai được thực hành cùng một lúc trên vận hành tu tập. Đó là mục tiêu chính yếu của đạo Phật đã và đang chủ trương. Cho nên giới pháp và Phật pháp tức những pháp môn tu cho năm thừa mà đức Phật đã thuyết cho chúng sanh suốt 49 năm khi đức Phật còn tại thế, và được lưu truyền cho đến ngày nay, là những nấc thang đi lên gọi là giải thoát từng phần, để cuối cùng là đạt được quả vị Phật thừa là quả vị cuối cùng không sanh, không diệt, không đến, không đi.

Trước khi đạt quả vị Phật Thừa, hành giả phải đạt quả vị Bồ Tát. Trước khi đạt quả vị Bồ Tát, hành giả đạt được tư tưởng Bồ Tát trong khi đang hành trì các pháp giới và Phật pháp ở Thiên Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác. Sau khi nhận thức mà hiểu được ý nghĩa Bồ Tát, rồi hành động Bồ Tát cho đời cho Đạo Pháp. Qua một vài lần hành động có kinh ngiệm và chứng nghiệm về tính chất Bồ Tát, con người mới thật sự xin lãnh thọ các pháp giới Bồ Tát gọi là Bồ Tát giới. Từ đó con người tiến bước trên con đường Bồ Tát Đạo mà hành động bất cứ mọi việc nào được xem là có lợi ích thiết thực cho chúng sanh về lãnh vực thực chất và tinh thần tại thế gian nhiều hơn trong Đạo Phật một cách tinh tấn nhẫn nhục ba la mật không ngừng nghỉ. Kết quả lợi ích ấy không chống trái với giới luật của Phật giáo và luật pháp thế gian, được các bậc tri thức và trí thức Phật giáo thấy đúng pháp và chấp nhận, tán thán công đức.

Tư tưởng và hành động Bồ Tát không dành riêng cho hạng người nào. Mọi người có Bồ Đề Tâm sanh ra Bồ Tát nguyện và Bồ Tát hạnh, dù học là người của đạo Phật, người xuất gia hay không xuất gia, vẫn là ngưòi Bồ Tát, không ai hơn ai. Cho nên Đức Phật đã chế ra pháp giới Bồ Tát cho những ai có chí nguyện cao cả ấy là yếu tố quyết định đi đến Phật Thừa.

BẢN CHẤT CỦA GIỚI

Giới gọi cho đủ là giới luật do Phật chế ra khi Phật còn tại thế để răn dạy, ngăn cấm bảy chúng đệ tử Phật trong tăng đoàn xuất gia và tại gia Cư Sĩ không được sanh khởi ý nghĩ, lời nói và hành động xấu ác suốt cuộc đời trong lúc sinh hoạt học và tu tập Phật pháp từ cá nhân cho đến đoàn thể, nhất nhất phải hành trì giới luật trong mọi động tác đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói, ngủ nghỉ đều thanh tịnh, tức tâm luôn an trú trong chánh niệm có tỉnh thức là năng lực phát sinh ra trí tuệ, đó là mục tiêu tối hậu, là hành trang giải thoát sinh tử của con người quay về đạo Phật chỉ vì mục đích ấ, đúng với quy luật “nhân giới sinh định, nhân định mà phát ra trí tuệ”.

Giới mà đức Phật chế ra có rất nhiều điều trong mỗi cấp của bảy chúng đệ tử từ thấp đến cao. Mỗi cấp như vậy có một số điều luật giống và có nhiều điều khác nhau. Nhưng thể tánh đều là thanh tịnh, Cho nên bản chất của giới là thanh tịnh, vắng lặng. Từ đó ta thấy định có nhiều cấp, thì trí tuệ cũng có nhiều cấp.

Định và trí tuệ đều do giới mà có, cho nên chức năng của giới là phòng hộ ý môn (tâm), tức là sử dụng ý thức ngăn chặn năm thức giới, cũng gọi là năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, không để cho chúng bị các lục trần chi phối dẫn dắt mà sanh ra ngôn ngữ và các hành động bất thiện. Khi bản thân người tu tập hiện hữu hay không hiện hữu giữa cảnh trần, tâm ý luôn an trú vào chánh niệm. Nói khác hơn, người tu tập Phật pháp cho mục tiêu đạt trí tuệ do tâm ý phải có định, thì hãy sử dụng ý thức đóng năm giác quan (năm cánh cửa) của mình lại, đừng để chúng trôi nổi vào biển sắc. Như thế tám ngọn gió lốc từ biển trần không thể xâm nhập vào nội thức được. Ý thức mà ngự trị được năm giác quan an trú được trong thanh tịnh, được gọi là ngũ căn, ngũ lực (tín căn tín lực, tinh tấn căn, tinh tấn lực, niệm căn niệm lực, định căn định lực, tuệ căn tuệ lực). Một khi ý thức có sức mạnh ở năm lực như vậy, thì ý thức đã được lên ngôi vị Thành Sở Tác Trí là một tuệ giác do năm giác quan thường hằng tĩnh lặng, hết lăng xăng. Nói như Duy Thức Học, trên đường tu tập Phật pháp để đưọc có định là sanh ra huệ, hành giả sử dụng ý thức cùng một lúc hai việc, vừa ngăn chặn các chủng tử bất thiện sẵn có trong a lai da thức không cho chúng tái hiện hành, vừa tiếp tục huân tập nhiều chủng tử thanh tịnh vào a lại da thức một cách thường xuyên qua năm cửa giác quan yên tịnh, là năng lực làm cho các chủng tử ô nhiễm trong a lại da bị tiêu diệt hẳn.

Là bảy chúng đệ tử Phật, ai cũng đều phải sống trong căn nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tọa (sàn) Như Lai, nên ai cũng phải lấy giới làm gốc. Lấy giới làm gốc như sống trong căn nhà được xây cất kỹ lưỡng, mái được lợp kín, tường vánh kiên cố, cửa ngõ kín đáo và có đèn sáng nên không bị vướng chân bởi các vật dụng trong nhà. Dù đèn nhỏ trong căn nhà nhỏ năm giới nhân thừa, hay đèn lớn trong căn nhà lớn có giới cao Thiên Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều có ánh sáng của đèn. Tức là con người tu tập Phật pháp ở các thừa từ thấp: nhân thừa …đến cao Bồ Tát thừa nhắm vào mục tiêu diệt trừ những chất ô nhiễm trong nội thức để từng bước tiến lên Phật thừa đều phải hành trì giới luật. Bởi vì khi chưa đạt đến Phật thừa, con người đang còn tu trong mỗi thừa đều bị các chủng tử ô nhiễm nhỏ li ti vẫn quấy động tâm thức, như các hàng Bồ Tát. Do vậy các hàng Bồ Tát phải vào đời hành Bồ Tát đạo cứu khổ chúng sanh để diệt trừ tận gốc các chủng tử ô nhiễm li ti trụ địa trong nội thức bằng hành trì Bồ Tát giới. Được như vậy mới có thể đạt đến Phật thừa.

Vì vậy Kinh Niết Bàn nói: “Giới là những pháp lành nâng chiu cho hành giả một cách vững vàng, chắc chắn, như những bậc thang bằng đá …”hoặc “ hành giả nên hành trì giới luật cho bền vững, coi đó như cái phao nổi dùng để bơi qua biển cả”.Kinh Di Giáo cũng dạy: “Này quý vị khất sĩ (Tỳ Kheo)! Sau khi Như Lai diệt độ, quý vị hãy quý trọng và tôn kính giới luật, như ở nơi tối tăm mà thấy đưọc ánh sáng, như ngưòi nghèo mà gặp được của báu. Phải xem giới luật chính là người thầy của quý vị, không khác gì Như Lai còn trụ thế” Kinh Pháp Cú cũng nói: “Giới là cội gốc của muôn hạnh lành”.

Ba tư tưởng trên của kinh Niết Bàn, Di Giáo và Pháp Cú đều cùng nói về chức năng của giới và phòng hộ cho sáu thức của hành giả trên bước đường tu tập Phật pháp để đạt trí tuệ. Tuy lời văn có khác về khế lý, nhưng cùng một ý xác định giới thuộc về tâm, đúng như luật Anh Lạc nói: “Hết thảy giới thuộc phàm, thánh, Bồ Tát đều lấy tâm làm thể”. Tức là tâm ý chỉ đạo cho thân hành trì giới luật. Cho nên sở trụ của giới là tâm, còn tồn tại một cách thường xuyên và đắc lực là ở năm thức: mắt, tai, mũi, miệng và thân. Trong năm thức ấy, Giới tồn tại chính thức ở thân, miệng. Vì thân miệng (hành động và lời nói) là hai cơ năng vận hành đối đãi chứa đầy sức sống con người được trực thuộc ý thức, vì ý thức là chủ tể của năm thức, nên ý thức thanh tịnh, yên lặng, thì năm thức cũng theo đó mà lặng yên, thanh tịnh. Yên lặng được thấy rõ nhất là thân miệng, một khi ý thức bên trong an trú vào vị trí chánh niệm, tỉnh thức. Ba thứ thanh tịnh này được gọi là Tam nghiệp hằng thanh tịnh đồng Phật vãng Tây Phương. Từ đây cho ta thấy rõ chức năng của giới; ngoài phòng hộ cho sáu cửa hiểu biết (lục thức) của hành giả trên bước đường tu tập Phật pháp, còn là vai trò trợ đạo cho các pháp môn được chính mùi, tiêu hóa ra thành tuệ giác một khi các hành giả đã chọn cho mình một pháp môn và đang tu tập pháp môn đó, thì giới liền hiện hữu ngay bên cạnh pháp môn đúng là một sứ mệnh trợ đạo. Cả hai thứ giới và Phật pháp được tương duyên nhau trong tâm thức hành giả trên bước đường tu tập như vậy là một quy luật duyên sinh theo khế lý Hoa Nghiêm: “Một pháp có mặt trong tất cả pháp. Tất cả pháp có mặt trong một pháp”. Nếu thiếu một trong hai thứ, hành giả không thể đến đích trí tuệ. Mặc dù Phật pháp là chất liệu chính thức sanh ra tuệ giác, nhưng nếu không có giới trợ đạo, chất liệu Phật pháp không thể được tiêu hóa thành tuệ giác, cho nên Phật dạy các hành giả tu tập giáo pháp giải thoát của Phật phải lấy giới làm đầu đúng với câu: “ Nhân giới sanh ra định, nhân định sanh ra trí tuệ”.

Qua câu “ nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ” làm cho ta thấy rõ bản chất của giới là định, vắng lặng, tịch tịnh. Bản chất của Pháp môn là Tuệ giác. Tuệ giác được thành hình là do định, cho nên định cũng gọi là giới. Giới là nhân duyên chi phối Phật pháp được thành tựu cái quả tuệ giác. Giới chi phối Phật pháp được ví dụ như lửa cháy bùng có ngọn lửa nóng làm cho nồi nước và gạo trong đó được sôi lên thành cơm. Còn gạo, nước, cái nồi, bếp chưa có lửa cháy bùng đưọc ví cho Phật pháp. Giới cũng được ví như cán dao là điểm tựa của lưỡi dao để cho bàn tay con người nắm vào đó mà chặt đứt các vật dụng. Lưỡi dao được ví cho Phật pháp. Giới cũng được ví dụ như thuốc súng trong nòng súng đại bác khi cháy lên là năng lực đưa quả đạn bay ra khỏi nòng đến mục tiêu đã định. Trái đạn ở đây được ví cho Phật pháp có năng lực vượt thoát sinh tử. Nhưng phải có giới là thuốc nổ trợ lực, tâm thức hành giả mới ngộ đạo là năng lực vượt thoát sanh tử, luân hồi.

LUẬN VỀ BỒ TÁT GIỚI

Bồ Tát Giới, thể tướng của nó là vô tướng, được biểu tượng cho cây Đại Thọ Bồ Đề có mười nhánh sum suê cành lá xanh tươi, gọi là mười đại thọ. Ở mỗi mười nhánh Đại Thọ lại nảy ra nhiều nhánh nhỏ khác, nơi mỗi nhánh nhỏ laị nảy ra vô số cành.

Mười nhánh Đại Thọ được biểu tượng cho mười giới thiện là nòng cốt tiến bước của đôi chân Bồ Tát đi giữa các cõi chúng sanh đầy ác trược khổ đau để cứu khổ mà tâm vẫn an tịnh. Và cũng biểu tượng cho mười địa(thập địa), mười địa giới, mười nguyện Sơ Phát tâmcủa Bồ Tát. Những nhánh nhỏ, cành nhỏ được nảy ra từ ba thứ mười nhánh lớn ấy được biểu tượng cho tất cả những giới luật mà bảy chúng đệ tử Phật đã thọ. Cho nên riêng về lãnh vực Bồ Tát xuất gia, tại gia cư sĩ, giớp pháp của hai hạng Bồ Tát này, không phải hành trì chỉ riêng Bồ Tát giới, mà phải hành trì tất cả giới mà mình đã thọ trước đó đúng như mười Tâm Địa Giới Bồ Tát, giới thứ nhất: giữ giới đã thọ. Vì vậy mà người Phật tử nam hay nữ một khi đã lãnh thọ Bồ Tát Giới đều phải hành trì năm giới của thuở ban đầu quy y tam Bảo, và tám giới. Những giới cơ bản này được gọi là Luật nghi giới haycận trụ luật nghi. Bởi vì chúng là nền tảng xây dựng cho người Phật tử có được nhân cách, đạo đức Phật giáo trong lòng để tiến lên những nấc thang Thánh Đạo, thì Bồ Tát Giới tại gia là nấc thang của ngôi vị Thánh Đạo, người Bồ Tát cư sĩ tại gia không thể không nhiếp thọ năm giới, tám giới cũ chung với Bồ Tát Giới trên bước đường hành Bồ Tát Đạo vào đời để cứu khổ chúng sanh, vào đạo để phụng trì chánh pháp. Bồ Tát Đạo ở hai môi trường đời, đạo là chất liệu xây dựng trí tuệ Bát Nhã.

Thọ là tiếp nhận giới luật từ chư vị Tăng bảo có đạo cao đức trọng đến hành lễ chứng minh và truyền giới. Tiếp nhận giới là do hành giả tự mình mong muốn thân tâm được thanh tịnh để dễ bề học và tu tập Phật pháp để được giải thoát bằng trí tuệ sau khi quy y Tam Bảo. Thọ giới pháp trong đạo Phật được qua nhiều bước nếu lữ hành muốn tiến lên những nấc thang các bậc Thánh, Bồ Tátvà nấc thang cuối cùng là Phật Đạo(Phật Thừa), tức là nấc thang kế cận Phật thừa, đó là Bồ Tát. Cho nên Bồ Tát Giới chỉ là những lời Phật dạy, nhắc lại những giới luật cũ đã thọ và chế ra một số giới mới mang tính chất hòa nhập đối diện, trực nhận vào mọi hiện tượng khổ đau của chúng sanh thực tại thế gian, để cho hai hạng đệ tử Phật; xuất gia, tại gia, ai đó muốn đạt từng cấp độ trí tuệ của các bậc Thánh là nền tảng bước lên trí tuệ Phật thừa bằng con đường tu tập Lục Độ Balamật ngay tại thế gian mà theo đó thực hành để nhiếp tâm trong lúc làm những công việc cứu khổ, độ tha chúng sanh. Nói một cách khác, Bồ Tát Giới là những lời Phật Dạy một cách tổng thể về giới luật có chứa đựng những phương pháp, cách thức nhiếp tâm, chế ngự tâm, bắt ép tâm an trú vào vị trí thanh tịnh, chánh niệm cho hai hạng đệ tử Phật xuất gia, tại gia ai là người vốn có Bồ Đề Tâm là năng lực khởi lên ý niệm muốn đạt được từng bậc trí tuệ từ Thánh đến Phật, phải vào đời hành Bồ Tát Đạo, đều phải hành trì Giới Pháp Tổng Thểqua nhận thức thấy được yếu tính của đạo Phật là hòa nhập bản thể mình vào dòng sinh mệnh của chúng sanh đang đau khổ để cứu khổ, thực tế nhất là dân tộc trên đất nước mà bản thân đạo Phật (Tăng, Ni, Phật tử) đang có mặt, ở đó dân tộc bị khổ đau, ách nạn bởi các bạo quyền khống chế gây ra, con người trong đạo Phật phải ra tay cứu khổ trên ba mục tiêu: “Ly Khổ Đắc Lạc - Chuyển Mê Khai Ngộ - Đoạn Hoặc Chứng Chân”một cách thực tế, không hoang đường, thần thoại, không tưởng. Chỉ có con đường hành Bồ Tát Đạo vào thế gian mới có thể tẩy sạch được mọi chủng tử ô nhiễm, diệt trừ và nhận chìm các chủng tử bất thiện, hữu ngã để cho Phật tánh được rộng chổ thênh thang vươn lên mang tính chất vô ngã, một thứ tuệ giác bình đẳng, tánh không một khi thức thứ bảy MẠTNA không còn cơ duyên bám lấy thức a lại da để chấp ngã, bởi vì thức a lại da không còn các chủng tử ô nhiễm, tức là MẠTNA mất đối tượng.

Từ xưa nay, có người quan niệm về cách tu hành trong Đạo Phật là ngồi dưới gốc cây, trong hang động, trong am, trong chùa bằng các hình thái tham thiền, nhập định, tụng kinh, niệm Phật, trì chú …Không bước ra xã hội, không làm gì cho xã hội, lành xa thế tục. Quan niệm trên chỉ đúng có một phần trên cơ sở tiêu cực lợi lạc về mình, nếu không nói là khó có thể tự giác. Bởi vì theo quy luật tự giác là có giác tha, độ tha chúng sanh được thấy rõ hình tướng và đôi chân của người có tự giác đang hiện hữu giữa trường đời ngũ trược hành Bồ Tát Đạo cứu bạt chúng sanh, nói như Luận Đại Trượng Phu: “Người có đức tính từ bi là người bộ hành không cô đơn đi giữa cõi đời ô trược”. Tức là đi giữa trường đời ô truợc bằng hành động cứu khổ, chứ không phải đi trong tư thế vô trách nhiệm, không mục đích. Để chứng minh điều đó qua hành động nhập thế cứu đời của Bồ Tát Tế Điên Hòa Thượng, thường gọi Tế Điên Tăng trong sách, trong video cho ta thấy rõ ngài là một người bằng xương bằng thịt, đầy đủ tứ đại, ngũ uẩn, nhưng tâm ngài là một Đại Thọ Bồ Đề có chứa đựng nhiều giới Bồ Tát, cho nên cuộc sống của ngài là sống cho thế gian bằng hành động Bồ Tát Đạo cứu khổ con người khỏi ách nạn một cách kịp thời. Được như vậy là do ngài có trí tuệ nên biết trước những tai ách khổ nạn sắp xảy ra cho con người trong thế gian, ngài liền bôn ba đi đến tìm đủ cách để cứu khổ, cho nên lời nói và đối xử trước con người sắp bị nạn, khổ nạn chứa đựng âm thanh và trạng thái như người điên, nhưng sau con người rời khỏi vị trí chừng vài giây vì bực tức ngài thì khổ nạn, tai ách liền xảy ra ngay tại vị trí đó, nếu con người không bỏ chạy ắt sẽ ngộ nạn.

Đạo Phật chủ trương xa lìa và tiêu diệt ba con đường ác tham, sân, si, ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanhtrong không gian tâm linh của chính mình và tại thế gian có thực thể do các bạo lực vô minh, bạo quyền gây ra cho con người hiện hữu trong xã hội.

Xa lìa được cắt nghĩa không bị dính mắt vào biển sắc đầy thế tục đầy các chất ô nhiễm và không tham gia vào những chức tước danh vị của các thứ bạo quyền, hay chính quyền.

Tiêu diệt được cắt nghĩa trên đà sống, tâm thức con người Bồ Tát nói riêng, nói chung tất cả bảy đại chúng đệ tử Phật thường huân tập các chủng tử thiện, vừa không cho các chủng tử ô nhiểm bất thiện sẵn có trong tâm thức phát triển, từ đó chúng sẽ bị tiêu diệt bởi các chủng tử thiện. Phần này chỉ cho cách thức tiêu diệt tam độc tham, sân, si.

Với vai trò của hàng Bồ Tát xuất gia thọ Bồ Tát giới, không những không tham gia giữ các chức vụ mang tính ác của ba đường dữ trong các chính quyền, bạo quyền tay sai của các chủ nghĩa, mà phải tìm cách tiêu diệt. Tiêu diệt ngay bộ phận đầu não gây ra ba đường ác cho dân tộc, đó là tập đoàn vô minh lãnh đạo quốc gia. Tiêu diệt bằng nước cam lồ từ bi và lưỡi gươm trí tuệ qua những văn kiện và hành động đấu tranh bất bạo động. Chứ đạo Phật không chủ trương xa lánh không gian các cõi chúng sanh. Nếu vậy chùa chiền, thiền viện xây cất giữa hư không ư? Đôi chân của các hàng Bồ Tát đi trong mây?

Yếu tính của đạo Phật là hòa nhập vào thế gian như nước hòa với sữa với mục đích cứu khổ chúng sanh và cũng là môi trường thực tập hành trì pháp giới và giáo pháp. Có như thế thì bản thân cây Bồ Đề trong tâm thức của hai hạng Bồ Tát xuất gia, Cư Sĩ Phật tử mới có thể mau lớn và phát triển trổ cành, ra hoa trí tuệ lên khỏi ao ngũ trược thế gian, như hoa sen kia trong giữa lòng ao tù nước đọng đầy bùn lầy tanh hôi, dơ bẩn; chính là chất liệu nuôi dưỡng thân cây sen, làm cho cây sen mau phát triển thân cây vững chắc, lá xanh mơn mởn, vươn lên trổ hoa trên mặt nước tỏa đầy ngát hương. Hoa sen mà trồng trong chậu, muôn đời thân cây sen khó có thể phát triển, bị gầy guộc, èo ọt, hoa lá của nó không đượm màu hương sắc, rất mau tàn tạ.

Cũng như vậy, riêng hàng xuất gia trong đạo Phật khó có thể đạt đạo đến chủ trương lánh xa thế gian, an phận trong am cốc để được an thân lợi dưỡng tứ sự cúng dường bởi một số bổn đạo thân tình, mà quên đi vai trò của mình là cứu khổ chúng sanh. Nói rõ hơn là chủ trương tránh xa hoàn cảnh khổ đau con người, làm ngơ trước hình ảnh dân tộc đang rỉ máu trong gông cùm bạo quyền thống trị đất nước, như giả lơ không nghe thấy tiếng kêu gào thét xin cứu đói, cứu khổ từ các giai cấp nông dân, thợ thuyền, vô gia cư, tật nguyền…là không phải người trong đạo Phật.

Đạo Phật không hòa nhập vào các thế giới đau khổ của chúng sanh để cứu khổ, Đạo Phật mất vai trò. Các hàng Tăng sĩ và Phật tử trong đạo Phật, nhất là hai hạng người phát nguyện thọ Bồ Tát Giới không dấn thân vào thế gian đau khổ để cứu khổ, thì hai hạng người Bồ Tát ấy mất vai trò.

Vai trò của Tăng, Ni nói riêng, hai hạng người Cư Sĩ thọ Bồ Tát Giới nói chung, nếu ai đó không hề có vài giây phút tư duy đến nhiều hình ảnh người trên quê hương mình đang bị nhiều khổ lụy trong gông cùm xiền xích của bạo quyền thống trị. Và không bao giờ có một ý niệm thương tâm đến các chư tôn các giáo phẩm lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, vốn là những bậc chơn tu có đầy đủ các phương tiện Phật pháp và thế gian pháp, nên đã một thời góp tâm sức cho nền văn hóaPhật giáo và dân tộc được phát triển, thì nay bị bạo quyền bắt bỏ tù và quản chế chỉ vì dám cất lên tiếng nói đời tự do dân chủ cho dân tộc, vì các ngài đã thấy chỉ có con đường tự do dân chủ mới đưa toàn dân ra khỏi các thứ khổ, dốt nát, ngu muội… và được phồn vinh, an vui, hạnh phúc.

Hai hạng thọ Bồ Tát Giới nói riêng, bảy chúng đệ tử Phật nói chung, không thấy dân tộc và bạn đạo của mình đang bị bạo quyền thống trị kềm kẹp ngộp thở trong gông cùm xiềng xịch… Thì thấy cái gì để thấy trí tuệ?

Thấy chúng sanh đang bị thống khổ là cái khổ của mình, đó là bậc đại nhân quan tử thượng hạng, nếu không nói là hạng người đã có hai đức tính từ bi và trí tuệ đích thực trong lòng, nên đã phát nguyện đi cứu khổ chúng sanh. Tư tưởng này được thấy trong bài Sám Phát Nguyện, bài sám được tụng sau những thời công phu, Tịnh Độ. Trong đó có hai câu thuộc vai trò của hai hạng người thọ Bồ Tát Giới: “Chúng con khổ nguyện xin cứu khổ. Chúng con khổ nguyện xin từ độ”. Hai câu này được chứa đựng tâm Từ Bi. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Bài sám được bắt đầu từ câu: “Đệ tử chúng con từ vô thỉ…”, do một vị giáo phẩm cao cấp thuộc GHPGVNTN trước 1975 biên soạn với mục đích giáo dục Tăng, Ni và Phật tử đừng quên phát nguyện cứu khổ chúng sanh sau một thời công phu, tịnh độ.

Con người khởi lên ý niệm tâm từ bi trong việc cứu khổ chúng sanh bằng vật chất đích thực và phụng sự Đạo Pháp đúng Chánh Đạo trên cơ sở phát triển Pháp Tạng làm mũi nhọn của nền văn hóa giáo dục thiền định của Phật giáo bằng công sức và tiền của, được thấy rõ ở một số Tăng sĩ và Phật tử nói riêng có thọ Bồ Tát Giới và không thọ Bồ Tát Giới. Nói một cách khác, có người đã thọ Bồ Tát Giới, nhưng không hề hành dộng cứu khổ con người đang thọ khổ, thờ ơ làm ngơ công việc phát triển Pháp Tạng; trong khi đó có một số người không thọ Bồ Tát Giới, không hiểu lý nghĩa Bồ Tát Giới, Bồ Tát Nguyện, Bồ Tát Đạo là gì, nhưng họ đã và đang tiếp tục hành động hai việc từ thiện nói trên một cách thường trực và vô tư. Từ chổ này cho ta thấy năm giới vẫn có tư tưởng Đại Thừa vì có bảo vệ chánh Pháp, làm cho chánh pháp được trụ. Ở đâu chánh pháp được trụ, ở đó có cộng đồng chúng sanh cùng được hưỡng an lạc giải thoát do một cá nhân hay nhiều người cùng phát nguyện hộ trì chánh pháp. Cho nên tư tưởng Đại Thừa, xin đừng nghĩ rằng có thọ Bồ Tát Giới mới là Bồ Tát, mới là Đại Thừa. Nó không giới hạn năm giới, mười giới, Bồ Tát Giới …Ngay cả con người không thọ năm giới vẫn là Đại Thừa, vì đã khởi lên ý niệm và hành động bảo vệ chánh pháp. Nói một cách khác, ngưòi có tư tưởng Đại Thừa, dù có thọ giới hay không thọ giới. Ngược lại có thọ, nhưng tư tưởng không có tính chất Đại Thừa chỉ là con người cởi ngựa xem hoa, múa võ rừng hoang với cỏ cây mà thôi, và dù cho có xây dựng chùa lớn, làm chủ sự ở đó, đệ tử của Đạo Sư danh tiếng, thì cũng chỉ là người bộ hành cô đơn; Nói như kinh Hoa Nghiêm: “Làm một việc thiện mà quên phát Bồ Đề Tâm chỉ là hành động của ma vương”.

Tư tưởng Đại thừa là tư tưởng lớn. Lớn được cắt nghĩa là thường hướng đại bi tâm đến bản thân khổ lụy của chúng sanh, cùng với đại trí hùng lực trên dòng tâm thức khát vọng đi cứu bạt bằng chiếc xe lớn của mình để chuyên chở tận cùng vô số chúng sanh ra khỏi biển trần đầy nước mắt và rát bỏng bản thân trong đêm trường tăm tối đầy những cơn lốc, cuồn phong, bạo quyền ma vương thống trị gây ra. Vì là xe lớn nên không thể chuyên chở từng chúng sanh một nơi từ tối tăm bạo loạn để qua bên kia vùng trời trong sáng và an lạc; đó là trái đạo, và càng trái hơn nữa, nếu ai sử dụng chiếc se lớn có nhãn hiệu Đại Thừa của mình trong việc bon chen lấn lướt để được vào hòn đảo an vui hạnh phúc chánh pháp một mình, rồi ngoảnh mặt làm ngơ, để lại sau lưng vô số chúng sanh đang khổ nạn bên lề hòn đảo chánh pháp do không có phương tiện vào. Mà đã là trái đạo, thì con đường đó là con đường đi không đến. Cho nên tư tưởng Đại Thừa chính là nguồn xúc động không giới hạn vì chứa đầy tình yêu xuất thế gian tuyệt vời mà trong đó hai thứ từ bi và trí tuệ là đôi cánh đại bàng bay cao lên không gian vô ngã và khi cần đáp xuống là xuống tận nơi sa mạc nóng bức của loài quỷ đỏ, cánh đồng khô cằn nứt nẻ của sinh tử để đưa chúng sanh ra khỏi hai cõi khổ đau ấy. Đây chính là con đường của sự vận hành nhiếp thọ hữu tình chúng sanh bằng pháp phương tiện hữu tướng: là xác thân ngũ uẩn hiện hữu bất động trước bạo lực vô minh, là ngôn ngữ tục đế pháp thoại, là tiếng nói luân lý nhân bản, là cơm áo, thuốc men…Tất cả được xuất phát từ pháp vô tướng trong căn nhà có ba cánh cửa không, vô tướng, vô tác, được gọi là thế giới an nhiên tịch tịnh mà có ra pháp hữu vi. Chỉ có thế giới vô vi đó mới đích thực là nguồn hạnh phúc thật sự cho chúng sanh. Được có thế giới an nhiên tịch tịnh, không gì hơn là hành thiện trên hai cơ sở nhiếp thọ chúng sanh và nhiếp thọ Chánh Phápcùng song vận tương dung nhau được gọi tên: “Thượng cầu Phật Đạo- Hạ Hóa Chúng Sanh”.Những ai đến với Đạo Phật không ngoài niềm khát vọng ấy. Cho nên tư tưởng Đại Thừa không gì khác hơn là niềm khác vọng bảo vệ, hộ trì chánh pháp, cũng tức là niềm khác vọng giải thoát cho chúng sanh và cho mình.

Nhiếp pháp chánh pháp chính là bảo vệ Nhứt thừa bằng quyết tâm hộ trì khai lại nguồn Đạo Pháp bị tắt nghẽn bởi những nguyên nhân nào đó, cũng như xây dựng thêm vốn có để dòng nước chánh pháp được lưu chuyển chìm sâu vào không gian tâm linh của mọi tầng lớp con người trong trong xã hội. Vì bản chất của giòng nước chánh pháp lưu chuyển vào thế gian không chọn lựa nơi chốn, một cách bình đẳng khắp nơi như dòng nước mát đang chảy trong lòng của trái đất đang có ở dưới của những tầng lớp sỏi, đá, dưới những lòng của ngọn núi cao hằng nghìn mét, và dưới mặt đất của khu rừng hoang đang rụng lá mùa thu …Tìm thấy được dòng nước mát, ngọn đó, chỉ có những bậc Đại Sư có trí tuệ Phật mới thấy được. Từ đó, ai bảo rằng nơi Vạn Phật Thánh Thành không có nước! Khi Hòa Thượng Tuyên Hóa về đó ngài đã khai lên được một nguồn nước ngọt, mà bao nhiêu năm xa xưa, con người cũ ở đó không thấy được dòng nước, phải đi mua nước từ xa đem về. Ai bảo trên núi Thiên ấn cao ngất ở Quảng Ngãi không có nước! Nơi đó đã có một giếng nước ngọt quanh năm, mà ngày xưa các vị Đạo Sư đã thấy, rồi lên đó xây dựng ngôi chùa Thiên Ấn. Cũng như ngôi chùa Bát Nhã trên núi cao hằng nghìn mét tại Phú Yên đã có một giếng nước trong, ngọt suối quanh năm, giếng nước được thiền sư Liễu Quán khai nguồn.

Cũng như vậy, nguồn suối Chánh Pháp luôn luôn có trong lòng con người, tức Phật tánh. Nhưng con người không thấy, nên không khai nguồn dù cho bản thân đang có mặt tại một nơi được gọi là cõi tịnh, đó là ngôi chùa, thiền viện. Một khi đã thấy được, đã khai nguồn, tức Phật tánh (Như Lai Tạng) phát triển, tức Bồ Đề Tâm hiện hữu, cho nên bản thân dù sống ở cõi đời ô trược hay thiền viện, chùa chiền, thì nguồn suối Chánh Pháp vẫn được tuôn trào như một vị sư được giác ngộ chơn lý khi đứng gần hàng thịt tại chợ đời nên được gọi là vị sư hàng thịt. Từ đó tức khắc thấy được dòng Đạo Pháp nơi này đang đứng vững sanh lòng hỷ lạc, nơi kia đang bị tắc nghẽn, không cần biết lý do, tức khắc tư duy tìm phương cách khai lại nguồn để dòng Chánh Pháp được tiếp tục tồn tại để chúng sanh nơi đó đuợc tiếp tục tu tập mà có trí tuệ. Thấy được như vậy là do cây đèn trí tuệ trong lòng được có trước, thì mới thấy được dòng Đạo Pháp nơi này thanh tịnh, nơi kia suy, tập thể Cư Sĩ này có sinh hoạt đúng pháp lục hòa, tập thể cư sĩ kia đang gây cho nhau phiền não bức xúc.

Đồng dạng với tư tưởng thương chúng sanh đói khổ, tật nguyền rồi thân hành phát nguyện cứu khổ (Bồ Tát Nguyện) của các Bồ Tát. Có hai gia đình người Việt, một trung lưu, một không trung lưu gần nơi vùng tôi ở, họ đã hơn một lần về Việt Nam cứu đói, cứu lạnh cho một số trẻ em mồ côi, người tật nguyền trong xóm làng một cách trực tiếp bằng hiện vật thuốc men và tiền. Cả hai gia đình này thuộc diện vượt biên, gốc quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Gia đình trung lưu, đó là anh chị Sáu theo đạo thờ ông bà, nên chưa có quy y Tam Bảo, nhưng có thờ tượng Bồ Tát Quan Âm trên một cái trang nhỏ ở vách tường. Với tình quen biết, sau khi xem xong tập ảnh cứu trợ các em mồ côi, người tật nguyền, tôi ngỏ lời ca ngợi hành động Bồ Tát Đạo của anh chị Sáu, thì chị Sáu nhìn tôi, nói bằng âm điệu chân tình của đáy lòng khó diễn tả qua ngôn ngữ mộc mạc của người miền Nam: “Anh Hạnh biết không, lần đầu tiên về thăm gia đình, sau khi nhìn thấy trước mắt những đứa trẻ mồ côi cha mẹ dưới mười tuổi đang đói khổ rách rưới, mấy người trong xóm bị tàn tật. Chao ôi, cảm thấy mà thương, không cầm lòng được, nên phải cất xén bớt số tiền cho gia đình để mua các thứ mà cứu đói cấp thời cho họ. Khi đã về lại đây (Mỹ) những hình ảnh đó cứ hiện rõ trong lòng, làm cho chúng tôi không thể lơ được, phải tiếp tục về mà cứu tận nơi mới an lòng. Có khi không về, gởi tiền về nhờ anh chị em mình bên đó mua quà cáp cứu khổ giùm”.

Sau một vài giây ngưng nói, từ bên ghế đối diện, chị Sáu bước qua lấy tấm ảnh trước mặt tôi, cầm trên tay, chị nói: “Tập hình cứu trợ này, trước hết để làm kỷ niệm cho những năm tháng sau này khi mình già, ngồi sem lại cho vui. Thật nữa để truyền dạy cho con, cháu mình được học hỏi theo những việc làm nhân đạo mà ông bà, cha mẹ nó đã từng làm, qua những hình ảnh có chứng minh cụ thể được lưu lại để cho chúng nó bắt chước làm theo. Chứ không có hình ảnh chúng nó có thể quên mất. Nói thật với anh Hạnh, tụi này chưa hiểu lời kinh, tiếng kệ Phật là gì, chỉ có ăn chay, ăn theo ông bà ngoại sắp nhỏ, tháng hai lần vào ngày rằm và mồng một. Còn đi chùa lễ Phật, một lần duy nhất vào sáng mồng một Tết Nguyên Đán. Chưa biết cách phục vụ chùạ chỉ có tấm lòng là ưa cảm thương người đói khổ tàn tật”.

Một gia đình không trung lưu theo kiểu Mỹ, đó là ông bà TH, thuộc diện vượt biên, sống ở Mỹ gần mười lăm năm, Ông TH hồi xưa là người lính Địa Phương Quân QLVNCH ở miền Trung. Ông bà TH gốc đạo Phật lâu đời, có quy y Tam Bảo, ăn chay định kỳ. Vì vậy mà gần một năm theo đạo Chúa từ thuở mới qua Mỹ, ông bà thưa gởi các vị lãnh đạo hội Chúa xin được trở về Đạo Phật. Vị lãnh đạo hội chúa rất hoan hỷ và đồng ý. Từ đó ông bà TH và hai con, một trai, một gái về sinh hoạt tại một ngôi chùa hội duy nhất. Tại chùa hội này, ông bà TH đến lo Phật sự với các bác, lễ bái, tụng kinh, cúng dường Tam Bảo, các con thì sinh hoạt trong GĐPT. Do cội gốc Bồ Đề Tâm sẵn có trong lòng, cho nên dù bận rộn công việc làm ăn và học hành trên đại học, hai đứa con ông bà TH tiếp tục sinh hoạt GĐPT tại một ngôi chùa khác sau khi đoàn GĐPT chùa hội không còn ký do tồn tại. Còn ông bà TH không những tiếp tục về chùa hội xưa, mà còn đến tất cả các chùa lớn có chánh đạo và các thiền viện, tu viện có chánh pháp để tham dự các khóa tu tập thiền quán, Tịnh Độ, Bát Quan Trai và nghe thuyết pháp một cách tinh tấn. Rồi lại tìm tòi nghiên cứu học hỏi Phật pháp qua sách vở Phật giáo và các thiện hữu tri thức.

Về công việc từ thiện xã hội, ông bà TH không từ nan, đều hoan hỷ đóng góp cứu trợ tận bên quê nhà một khi biết đến đồng bào bị lâm vào hoàn cảnh đói khổ cùng cực, như trường hợp một số dân làm nghề đánh cá ở về phía đông Tam Kỳ gọi là xóm Dương đã bị bão lụt cướp đi tất cả phương tiện sinh nhai, nên bị đói một cách thảm thiết, bèn phải ăn cây xương rồng, lưỡi cong cho đỡ lòng. Hay được tin ấy, ông bà TH và các bạn chí thân, cùng nhau đóng góp tịnh tài, rồi mang về thẳng bên đó để mua gạo cứu đói.

Về Đạo Pháp, ông TH luôn luôn hướng tâm đến bản thân Phật giáo Việt Nam một cách cộng đồng ở từng giáo vụ một, như quan tâm đến khâu Pháp Tạng, ông than thở với tôi rằng:

-Anh Hạnh, theo chổ tôi biết, Phật giáo Việt Nam đến giờ này chưa có Đại Tạng Chữ Việt đủ toàn bộ các thứ kinh, Luật, Luận, mới có hai phần trăm được dịch ra tiếng Việt như bộ Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã …một bài bộ luật, và các thứ kinh lẽ như Địa Tạng, Kim Cang, Di Đà …từ chữ Tàu, cũng như bộ A Hàm từ chữ Pali đã được dịch ra chữ Việt, còn vô số Kinh-Luật-Luận bằng chữ Tàu, pali, Anh Ngữ chưa được dịch ra hết. Trong khi đó các nước lân cận như Campuchia, Lào, Thái Lan, Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Hoa đã có Đại Tạng Phật giáo bằng ngôn ngữ của nước họ rất là lâu. Lý do nào mà Phật giáo Việt Nam bị chậm trễ về Đại Tạng chữ Việt, anh Hạnh có biết không?”

-“Tại vì …có ba thứ tại vì. Sở dĩ Phật giáo Việt Nam đến giờ này chưa có Đại Tạng chữ Việt đầy đủ Kinh-Luật-Luận là tại vì từ 1975 về trước bản thân Phật giáo Việt Nam bị chính quyền thực dân Pháp và Ngô Đình Diệm đeo vào cổ cái Dụ số 10 là cấm Phật giáo Việt Nam không được hoạt động văn hóa Phật giáo, đặt bản thân Phật giáo vào ngôi vị chỉ là một hiệp hội, không được ở ngôi vị Giáo Hội Phật giáo. Chỉ có Thiên Chúa Giáo La Mã mới được hoạt động tôn giáo, mới được quyền lập giáo hội. Khi bản thân Phật giáo Việt Nam được ra khỏi gông cùm Dụ số 10 sau khi chính quyền Diệm bị lật đổ vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 do hội đồng Quân Dân Cánh Mạng Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó Phật giáo Việt Nam mới được hoạt động văn hóa Phật giáo của mình gần mười năm, cho nên vấn đề dịch Đại Tạng được đặt ra do gần hai mươi vị giáo phẩm thuộc GHPGVNTH cùng ngồi lại bàn thảo kế hoạch, chương trình tại Đại Học Vạn Hạnh vào năm 1973. Chương trình và kế hoạch đang trên đà bắt đầu dịch Kinh, Luật, Luận thì bị tắt nghẽn, tại vì chính quyền Sài Gòn ra đi, bạo quyền Cộng Sản Việt Nam chiếm toàn miền Nam, thì Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị Cộng Sản Việt Nam đàn áp, cấm không cho hoạt động giáo vụ từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay.

Tuy nhiên, giữa hai khoảng thời gian dài bị các thứ bạo quyền cấm đoán hoạt động đó, một số chư Tăng tự mình dịch kinh một cách âm thầm trong chùa, như Hòa Thượng Thích Trí Tịnh đã dịch bộ kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa …Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đã dịch bộ kinh Bát Nhã …Hòa Thượng Thích Trí Thủ và Hòa Thượng Đổng Minh đã dịch một số Luật…Hòa Thượng Thích Minh Châu đã dịch bộ kinh A Hàm từ pali sang tiếng Việt. Hiện nay Hòa Thượng Đổng Minh đang chủ trì 45 vị Tăng Ni trong việc dịch một số kinh từ Hán ra Việt, Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã dịch và giảng luận bộ kinh Thắng Man, và hiện đang dịch Tạng Thanh Văn từ Pali ra Việt.

Và cái tại vì thứ ba …Cái tại vì này mới đáng trách, đáng nguyền rủa hơn là bạo quyền, vì nó đang ở trong bản thân Phật giáo Việt Nam, nếu không nói là một số không ít các vị Tăng, Ni xuất thân từ người Cư Sĩ đã có chồng, vợ, con đùm đề vào tu làm Tăng, Ni trong chùa, vì vậy mà không ý thức về Đại Tạng, Pháp Tạng là gì, không hiểu tầm quan trọng của sự hiện hữu Tam Tạng Kinh-Luật-Luận trong căn nhà văn hóa Phật giáo Việt Nam là điều trọng yếu cho nền giáo dục con người Phật tử và dân tộc bỏ ác làm thiện, biết ơn các vị tổ sư, hòa thượng, thượng tọa, ni sư, đã có công phụng trì Đạo Pháp, biết ơn đến Tổ Quốc, các vị anh hùng chiến sĩ đã vong thân trên dặm đường đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ bờ cõi …Tất cả đều do Kinh, Luật, Luận, chứ không do ngôi chùa, hình tượng, chuông, mõ …mặc dù những thứ ấy có bản sắc văn hóa trong căn nhà văn hóa Phật giáo Việt Nam, nhưng chỉ là phương tiện phụ thuộc trợ đạo giáo dục, Tam Tạng Kinh Điển mới là chính thức hàng đầu trong nền văn hóa giáo dục của Phật giáo, từ đó họ thiếu sự giáo dục thiền định Phật giáo trong lòng, cho nên bản thân đầu tròn áo vuông của họ trong cái gọi là Trưởng Tử Như Lai, nhưng họ lại thiếu vai trò của người Trưởng Tử Như Lailà phụng trì và phát triển chánh pháp Tam Tạng Kinh Điển. Vì vậy mà họ ngoảnh mặt làm ngơ trước công việc dịch thuật kinh điển do các chư tăng chơn tu từ nhỏ có học tại các Phật Học Viện đã và đang dịch Kinh, Luật, Luận ở trong và ngoài nước. Họ chỉ chung quy vào bản thân họ được no cơm, ấm áo cà sa, mong cầu Phật tử về chùa họ cho thật đông trong cái gọi là “ Thượng cầu Phật Đạo, Hạ Hóa Chúng Sanh” trên ba cơ sở bố thí: Tài Thí, Pháp Thí và Vô úy thí. Nhưng nhìn kỹ thấy họ chỉ có vô thu chứ không bố ra gì cả! Trong khi đó họ cũng thọ Bồ Tát Giới như các Tăng Ni chơn tu khác. Nhưng Bồ Tát Giới của họ không đem lại sự lợi ích nào cho dân tộc vào Đạo Pháp!

Những phần tử trên đáng lẽ ra phát tâm Bồ Đề khởi lên ý niệm là cần phải cổ vũ, khuyên bảo những người Phật tử chung quanh mình nên đóng góp tiếng nói, hay tịnh tài trong việc dịch thuật Pháp Tạng mới là đúng vai trò hiện hữu của họ . Ngược lại họ im hơi lặng tiếng, chính là sự đóng góp nếu kèo lui công việc dịch Pháp Tạng của quý chư Tăng trong nước hiện nay, làm cho công việc dịch Pháp Tạng vốn khó khăn bị càng trì trệ thêm. Bởi lẽ đó họ không nghe được tiếng than của một vị tăng chơn thu trong nước thuộc cội gốc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã và đang hết lòng lo cho Đại Tạng Chữ Việt mau thành hình, ngài than rằng: “Thời gian đánh máy bộ kinh Đại Bát Nhã của ôn Trí Nghiêm chỉ năm năm mà thôi, lúc ấy khó khăn, không có đánh máy chữ, không có gạo để cho người đánh máy ăn và không có phép để đánh. Sau đó phải nhờ danh nghĩa văn phòng tỉnh giáo hội (nhà nước) mới được phép đánh”.

Trong khi đó một số ít cư sĩ Phật tử hải ngoại, họ vốn không thọ Bồ Tát Giới, chỉ có năm giới, mười giới cơ bản, nhưng tâm rất là Bồ Tát, nên họ đã tích cực vận động bà con quen biết, bạn bè của họ và tự họ đóng góp tịnh tài cho công việc dịch thuật Pháp Tạng. dù cho số lượng tịnh tài rất nhỏ là mười đồng, hai mươi đồng, nhưng được nói lên cả một tấm lòng phát Bồ Đề tâm sau khi đọc đến lời than thở trên và lời kêu gọi chư tôn giáo phẩm các cấp đang lãnh đạo trong các Giáo Hội Phật giáo hải ngoại và Phật tử hãy hưởng ứng và giúp đỡ công trình dịch Đại Tạng của vị Đạo Sư hướng đạo một số Tăng Ni trong nước được xuất thân từ Phật Học Viện hồi xưa nên có khả năng văn hóa đang lo công trình dịch Đại Tạng chữ Việt. Điển hình rõ nét số người hưởng ứng và đóng góp, đó là chư vị Tăng, Ni thuộc GHPGVNTH và ngoài Thống Nhất tại hải ngoại, cùng một số cư sĩ Phật tử, trong đó được đáng kể là bà Phật tử và bạn hữu của bà có cơ sở làm ăn lớn nhỏ khác nhau như đã nói ở trước, và ông bà TH. Còn lại một số đông Tăng, Ni và Phật tử nói riêng ở hải ngoại đang sinh hoạt trong các chùa chiền, thiền viện thuộc các giáo hội Phật giáo và không giáo hội nào như một số thiền viện chỉ trực thuộc sự chỉ đạo của vị Thiền Sư từ bên Việt Nam, đều hoàn toàn không hưởng ứng công việc dịch Pháp Tạng của vị Đạo Sư gốc GHPGVNTH đang chủ trì dịch thuật bên quê nhà. Số Tăng, Ni và Phật tử không hưởng ứng đó, họ đều có sách báo Phật giáo riêng của họ. Sự riêng biệt sách Phật pháp như vậy, nếu không nói là cục bộ, bè phái, phiến diện, vì sự phát triển bởi cái tâm không được xuất phát từ ý niệm vì lợi ích cho cả cộng động dân tộc đúng theo bản chất của Bồ Tát Giới là đoàn kết tất cả mọi giới trong Phật giáo nói riêng, và nói chung cả một dân tộc, mà mô thức ràng buộc cho việc đoàn kết là bài pháp Tứ Nhiếp Pháp (Bốn Nhiếp Sự) chứa đựng hành động Bồ Tát Đạo cao quý. Bản thân đạo Phật được hiện hữu trên đất nước như cây Đại Thọ Bồ Đề, mà những nhánh đại thọ trong thân cây Bồ Đề chính là những tông phái, những giáo hội. Tập thể Tăng, Ni, Cư sĩ trong những giáo hội đó đều có cùng một huyết thống Như Lai, bản chất hòa nhập cộng đồng, bản tính Bồ Đề như những nhánh đại thọ Bồ Đề có cùng huyết mạch Bồ Đề như nhau. Dù cho một nhánh nào đó trong thân cây bị con sâu con sùng chui vào đục khoét, gậm nhấm làm cho èo ọt, nhưng bản chất và huyết thống vẫn là Bồ Đề không thể mất. Mà đã là Bồ Đề, nên nội tâm cùng bản tính, bản thể hữu vi cùng sắc tướng không khác như những cây tăm xe (rayons) trong những bánh xe đều cùng một cỡ không lớn, không nhỏ, đều dính liền với trục xoay và niền xe, bánh xe, rập khuôn theo bánh xe khi nó chuyển bánh và chạy. Cũng như vậy, Tăng, Ni, Cư Sĩ đều có cùng hình tướng ngoại vi . Còn nội thức, tin chắc rằng không khác, đó là Như Lai Tạng đang trổi dậy như lòng đỏ của trứng đang tượng hình gà con để rồi tự mình mổ vỏ bước ra . Tất cả đều an trú trong ngôi nhà văn hóa Đạo Phật trên ba ngôi vị: ở nhà Như Lai, ngồi tòa Như Lai, mặc áo Như Lai . Dù cho căn nhà văn hóa đó tức khác Tông Phái có những cơ sở văn hóa riêng như Trúc Lâm, Vạn Hạnh, Liễu Quán, Dược Sư, Quán Thế Âm, v.v…Những nhãn hiệu đó được nói lên rằng Tăng, Ni, Cư Sĩ trong đó đều giống như những danh hiệu chư vị Thiền Sư, các Đức Phật đã được chọn làm nhãn hiệu về tánh cũng như về tướng. Đích thực có những nơi giống y hệt, có những nơi không giống tí nào về nội dung văn hóa Phật giáo, chỉ giống hình thức bên ngoài. Nội dung văn hóa Phật giáo là tự giác. Có tự giác mới giác tha độ tha trên hai lãnh vực Nhiếp Thọ Chánh Pháp và Nhiếp thọ chúng sanh. Ngược lại, không tự giác, không có giác tha, lợi tha nào cho chúng sanh. Nếu có nhiếp thọ ở hai lãnh vực Chánh Pháp Chúng Sanhchỉ là trá hình mang tính hữu ngã được thể hiện ra những trạng thái và ngôn ngữ xảo quyệt, thủ đoạn, bè phái, cục bộ ở những con người không có Bồ Đề Tâm. Để rõ thêm về sự Nhiếp Thọ Chánh Pháp, và Chúng Sanh mang tính chất bè phái, phe nhóm…ta hãy nghe Thắng Man Phu Nhân nói về hành động lợi tha của một số người không có Bồ Đề Tâm sau đây:

LỢI THA.- Sự nhiếp thọ Chánh Pháp của Thắng Man phu nhân là sự hộ trì chánh pháp trong thời đại mà chánh pháp được công bố của đức Thích Tôn gần đi đến chổ biến mất. Thực tạng của sự biến mất đó được mô tả rõ: lúc bấy giờ các tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, nghĩa là tất cả bốn chúng đệ tử Phật, không tha thiết gì đến những sự kiện học hỏi và hành trì Phật pháp, mà chỉ bận tâm đến những tranh chấp, phe nhóm, bè đảng. Chính trong bối cảnh ấy, trách nhiệm nhiếp thọ Chánh Pháp phải là sự nêu cao đức tính không gian xảo. Đức tính này được đề cao ở đây quả thực có một ý nghĩa quan trọng mà chúng ta không thể lơ đãng để lướt qua. Đó là sự tiên đoán gián tiếp rằng Phật pháp sẽ không được tôn sùng trong thời đại mang tính gian xảo như là bản chất chủ động của con người được bộc lộ phổ biến, cho đến đệ tử Phật cũng không ngoài công ước chung của thời đại. Lấy tính gian xảo làm bản chất chủ động để điều hành những mâu thuẫn xã hội, thì thực trạng của thời đại đương nhiên là đấu tranh thù nghịch, chia rẽ phe nhóm. Giữa những làn sóng thô bạo đó, trách nhiệm hộ trì chánh pháp là phải củng cố cộng đồng Chánh Pháp, lấy trực tâm, lấy đức tính không gian xảo, đức tính nhiệt thành với chánh pháp làm nền tảng. Thắng Man phu nhân nói: “Những ai tham dự trong những cộng động Chánh Pháp sẽ được các đức Phật thọ ký .” Cộng đồng Chánh Pháp với cơ sở đạo đức vững chắc là thành trì bảo vệ chánh pháp trước nhũng cơn lốc và ma quỷ của thời đại.

(Lời giảng luận của Thượng Tọa Tuệ Sỹ. Thắng Man Giảng Luận trang 95 – 96)

Như đã nói con người có Bồ Đề Tâm trước mới có thọ Bồ Tát Giới sau những giờ phút qua nhận thức của mình và về giá trị siêu xuất tối thượng tối đại của Bồ Tát Giới, là lúc chấp nhận mình có khả năng dấn thân hành Bồ Tát Đạo vào hai nơi chốn Đạo và Đời được tương dung song vận hành đạo. Từ chỗ này cho ta thấy có Bồ Đề Tâm không thôi đã có một năng lượng từ bi thật siêu xuất ngay từ khi mới thọ năm giới mà tâm thức đã nóng bỏng thấy được thân phận của những con người nơi mình ở, trên quê hương mù khơi xa vời vợi đang đói, đang rét, liền tìm cách để cứu lạnh được ấm, đói lòng được no. Những con người có Bồ Đề Tâm, phát nguyện cứu khổ đó không riêng gì ở thời xưa Phật còn tại thế, hay thời nay. Thời nào cũng có, được điển hình thêm một số người sau đây:

Một số nam Phật tử có quy y năm giới. Cứ hằng năm mỗi độ thu về, có gió rừng cùng với gió biển thổi trên vùng trời San Diego, đem khí lạnh vào da thịt con người và loài vật. Người nam Phật tử này có cội gốc Bồ Đề (GĐPT) đã có cảm niệm thấy được những con người không nhà (homeless) đang nằm trên vĩa hè tại các đường phố ở Downtown bị lạnh về đêm, nên đi tìm mua một số Sleepingbed đem tận tay cho những người không nhà đó vào ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Nghĩa cử độ tha của người Cư Sĩ gốc hoa sen trắng đó được thể hiện vào ngày lễ Tạ Ơn. Trước hết cho thấy rằng người của đạo Phật khi đã liễu ngộ khế lý Từ Bi trong đạo Phật đều nhận thức rõ là tất cả những gì hiện hữu chung quanh mình đều có ơn nghĩa đối với mình, là nguồn sống liên quan mật thiết về mọi mặt đến sự sống của mình, làm cho mình có không khí tự do thoải mái, cơn áo nhà ở có đủ, có phương tiện đi lại …Đó là nhờ xã hội, nhờ sự điều hành hữu hiệu của những người lãnh đạo quốc gia có lòng chăm sóc dân chúng. Theo kinh Tâm Địa Quán, có bốn ơn: ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn Quốc Vương, và ơn Tam Nghĩa cử độ tha cho người homeless của hành giả này là sự đền ơn đất nước và con người Hoa Kỳ. Vì khi hành giả đến nước Mỹ với hai bàn tay không, nay được có một đời sống tạm đủ và nhất là được sống trong không khí tự do.

Một hành gả nữ rất là trẻ mới lên năm. Em theo bố mẹ em qua Mỹ theo diện HO vào mùa thu 95. Em được bố mẹ và anh chị của em cho tiền để ăn quà, nhưng em không xài hết và sau đó em làm một cái hộp giấy có cái lỗ, em bỏ vào đó cứ hai ngày một quarter (25 cents). Mẹ em phát hiện liền hỏi con mình:

-Con cất dành tiền để làm gì vậy?

Em nũng nịu trả lời:

-Con cất tiền để đến Tết, con gởi về cúng dường cho Thầy Trù trì của mình và cho mấy đứa bạn con như con Như, thằng Tý Hon trong xóm mình.

Mẹ em, bà Ngọc ôm con mình vào lòng, hôn lên mái tóc, cười và nói yêu:

-Cưng của mẹ ngoan lắm! Con bắt chước ai mà cất dành tiền để bố thí, cúng dường? Từ nay đến Tết con cất dành được mấy đồng mà con dự trù gởi cho nhiều người như vậy?

Lời nói và hành động cất dành tiền của bé Yến để cúng dường cho vị thầy của em đã quy y và bố thí cho bạn nghèo của em trong xóm, phải chăng tâm thức của em đã biết bố thí để được phước báo? Không, lời nói và hành động thiện của em hướng về mọi người đang đói khổ để mà bố thí chính là Bồ Đề Tâm sẵn có, vì tâm của em đâu có sanh khởi bố thí để được phước!

Để chứng minh thêm cho quý vị thấy Bồ Đề Tâm sẳn có trong lòng người của tuổi trẻ lên năm, lên sáu ở một con người vào thời xa xưa hơn 25 thế kỷ qua, đó là Tôn Giả Tu Bồ Đề.

Cậu bé Tu Bồ Đề lúc thời thơ ấu, khi chưa quy y Phật, cậu đã có cái nhìn đời bằng đôi mắt từ bi và trí tuệ. Mặc dầu cậu được sinh trưởng trong một gia đình Bà La Môn giàu có, được cha mẹ thương yêu, thường cho tiền để ăn xài, may cho những quần áo đẹp, nhưng thâm tâm của cậu không bị sợi dây xích vàng bạc, của cải ấy trói buộc, nên cậu đã đem số tiền mỗi lần cha mẹ cho hằng ngày, bố thí hết cho những người nghèo khổ.

Một hôm trên đường về nhà, thấy người ăn xin không có mảnh vải che thân. Cậu Tu Bồ Đề bèn cởi chiếc áo ngoài cho ông xin ăn. Đến khi về đến nhà, mẹ thấy cậu mặc áo lót và quần cụt, liền hỏi:

-Không Sinh! Khi con ra đi có mặc chiếc áo lớn bên ngoài, vậy chiếc áo đâu rồi?

Tu Bồ Đề trả lời:

-Con đã cởi cho ngưòi ăn xin, vì ông ấy không có áo che thân.

Bố mẹ của cậu không phải là hạng người không biết bố thí, nhưng vì thấy việc làm bố thí của con mình không đúng cách ở chổ cởi áo ngoài đem cho, rồi để tấm thân ở trần với chiếc áo lót, nên gọi Tu Bồ Đề lại mà trách mắng:

-Không Sinh! Áo là phải để mặc, tiền là phải để xài, cớ sao con đem cho hết? Nếu từ nay còn tiếp tục hành động bố thí không đúng lúc, sẽ bị nhốt trong nhà, không cho đi đâu cả, nghe chưa?

Tu Bồ Đề cung kính thưa:

-Thưa bố mẹ! Con chả biết vì nguyên nhân gì mà con cảm thấy con người và mọi vật trên trần gian này đối với con đều có sự liên quan mật thiết. Riêng mọi người và con như có đồng một thể tính, nên cái khổ của họ là cái khổ của con, sự đói khát của người là sự đói khát của con. Thân của mọi người và thân con đâu có gì khác nhau đâu, nên đem tiền bạc, áo quần của mình để bố thí cho con người nghèo khổ, đâu có gì là không đúng!

Nghe Tu Bồ Đề nói những lời có tính cách khẳng định và chứa đựng tư tưởng sẽ không từ bỏ việc bố thí . Bố mẹ cậu liền thi hành nhốt cậu Tu Bồ Đề trong nhà không cho đi đâu hết, và cả việc đi học cũng không đến trường.

Nhưng vì tình thương, để cho con được tự do đi lại, bố mẹ cậu liền thả cậu ra và dặn dò khi cho tiền, là không nên bố thí hết, phải ăn xài. Nhưng Tu Bồ Đề vẫn không sửa đổi được bản tính Bồ Đề Tâm vốn có trong lòng, nên vẫn tiếp tục bố thí. Sau đó Tu Bồ Đề bị bố mẹ nhốt luôn trong nhà không cho đi đâu nữa.

Nhưng cũng nhờ bị nhốt trong nhà, cậu Tu Bồ Đề đọc nhiều sách vở triết học và tôn giáo của xứ Ấn Độ thời bấy giờ; do vậy cậu đã được có vào lòng một mớ kiến thức sâu rộng về vũ trụ nhân sinh. Cho nên khi được gặp Phật, Tu Bồ Đề đã tiếp thu giáo pháp Phật vào tâm thức một cách mau chóng và thấu rõ khế lý tánh không một cách rốt ráo. Và cũng vì thế, Tôn giả Tu Bồ Đề được tôn xưng là vị thượng thủ hiểu rõ về TÁNH KHÔNG bậc nhất trong Tăng Đoàn của Phật thời xưa.

Kết Luận: Cụm từ “THỌ BỒ TÁT GIỚI” của hai hạng Bồ Tát xuất giatại giatrong Phật giáo ở mọi thời đại xưa và nay, không thể dùng danh từ nhiếp thủ, nhiếp thọ, thọ trì,mà phải dùng danh từ Thệ Nguyệnmới xứng đáng vai trò của Bồ Tát và phẩm chất Bồ Tát Giới. Bởi vì phẩm chất Bồ Tát Giới quá siêu tuyệt tối thượng, tối đại trên ngôi vị Đại Nhân Quân Tử, nếu không nói là đang có Tự Giác do có đủ từ bi và trí tuệ, nên không quay lưng phản bội tổ quốc, chư vị tổ sư, đồng bào Phật tử, bổn sư, bạn đạo …cho nên quyết tâm dấn thân hành động giác tha, độ tha trên hai lãnh vực Nhiếp thọ Chánh Pháp và Nhiếp thọ Chúng Sanh đồng hành một lúc đúng theo bốn lời nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô tận thệ nguyện học

Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Vì vậy mà cái kỳ diệu của Bồ Đề Tâm là vừa khi con người sinh khởi lên ý niệm muốn lãnh thọ Bồ Tát Giới, thì ngay trong giờ phút ấy đã có sự quyết định thành Phật, bởi vì do Bồ Đề Tâm là Như Lai Tạng (Phật tánh) đã đang vươn lên trong nội thức là năng lượng khởi lên thệ nguyện đi nhiếp thọ Chánh Pháp, nhiếp thọ hữu tình Chúng Sanh.Do vậy mà ngay sau khi tuyên thệ lãnh thọ Bồ Tát Giới vào lòng, tức khắc có hiệu lực ngay không giới hạn ở kiếp này, mà liên tục ở vô số kiếp về sau cho đến khi thành Phật.

TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ

Tịnh Độ, nghĩa là vùng đất thanh tịnh, xứ sở không có các đường ác, không gian tịch mặc, vắng lặng. Chữ Độ, nguyên gốc của chữ Trung Hoa đọc là Thổ (đất). Trong kinh Phật, chữ Thổ được đọc là Độ. Một vùng đất rộng, hẹp, bằng phẳng, cao, thấp, sâu thẳm, đen tối, sáng sủa, sạch sẽ hay dơ bẩn …Tất cả; nó và mọi vật đang hiện hữu trên bề mặt bản thể của nó đều cùng một thể tánh như nhau; đó là thể tánh Thanh Tịnh, Không, Vô Ngã. Nên mới gọi là vùng đất vắng lặng, thanh tịnh (tịnh độ), vì bổn lai của nó và mọi vật là Không, Vô Tướng. Nói khác hơn, Tịnh Độ có hai: hữu vi và vô vi, tức là hữu tướng và vô tướng. Tịnh Độ hữu tướng, chính là không gian có hình tướng; như một căn phòng, thính đường, chánh điện chùa hay một bãi đất, ngọn đồi, mà tại những nơi không gian đó, con người kiến tạo cho nó có một tổng thể chứa đựng sắc thái: tươi sáng bởi ánh sáng thanh dịu, các vật thể có tướng trạng gợi cảm lòng người ở trạng thái nhìn lên mà tâm thức không lay động, nếu không nói là ngưỡng mộ, quy phục và cung kính.

Chẳng hạn, trong chánh điện của một ngôi chùa, nơi mà những vật thể có mặt ở đó; từ những pho tượng Phật, Bồ Tát, đức Hộ Phật, ngài Tiêu Diện Đại Sĩ, chư vị tổ sư tiền bối, chuông mõ, tràng phan, bảo cái, khánh, linh, đại hồng chung, cái trống, có âm thanh và kể cả bản thân của Tăng, Ni, có trạng thái sống trong hành trì giáo pháp…tất cả được biểu tượng cho một cõi Tịnh Độ Hữu Tướng. Thì tất nhiên có năng lực khiến cho mọi người có mặt ở đó sanh lòng ngưỡng mộ cung kính Tăng Ni, lễ lạy và cúng dường hương hoa lên Phật và Bồ Tát …Tịnh độ hữu tướng này mang sắc thái cò vẻ thanh tịnh, nhưng trên cơ sở bản chất thanh tịnh chưa phải là nơi Tịnh Độ . Bởi vì mọi vật thể có hình tướng tịnh độ là do tiền tài vật chất của con người kiến tạo ra, nên không thật là tịnh độ . Điều này, có lẽ trong giới Phật giáo ai cũng hiểu: “Tâm là biểu hiện một họa sư, một kiến trúc sư, thiên đàng, địa ngục, tịnh độ …Do vậy trên trần gian này từ xưa nay, không ít cơ sở Phật giáo có tầm vóc đồ sộ và trang nghiêm ở hình tướng, nhưng con người đang hiện hữu ở đó không thiết lập Tịnh Độ (trang nghiêm tịnh độ) trong không gian tâm linh vô tướng của mình, thì cơ sở ấy không phải là tịnh độ . Nếu không nói là đi ngược lại quy luật tịnh độ là: “Đi tìm tịnh độ ngoài tâm sẽ không bao giờ bắt gặp tịnh độ! Mặc dù tịnh độ có tại trần gian, nhưng ở đâu có các bậc Giác Hữu Tình (xuất gia và cư sĩ) ở đó mới có tịnh độ, mới có chánh pháp lưu chuyển và thiết lập Tịnh Độ cho người cho mình, dù nơi mà Giác Hữu Tình có mặt là một ngôi chùa lụp xụp dưới chân núi gần làng quê hay đồ sộ trang nghiêm giữa thị thành, chính là Tịnh Độ có tại trần gian không đâu xa khi tâm con người có Tịnh Độ; nói như Bồ Tát Thái Hư Đại Sư . Vì vậy mà ta không lấy làm ngạc nhiên khi nghe đến nhiều vị Tăng, Ni, Nam Nữ cư sĩ Phật tử tại quốc nội và hải ngoại ở lứa tuổi cao niên đã biết trước ngày giờ viên tịch và sau khi hỏa táng nhục thân, có để lại một số ngọc xá lợi là do họ tự kiến tạo tịnh độ trong không gian tâm linh vô tướng của họ suốt trong thời gian tu tập Phật pháp đúng cách. Cho nên hai chữ “trang nghiêm” là động từ có nghĩa thiết lập, kiến tạo, trang hoàng…Chẳng hạn thiết lập một vườn Lâm Tỳ Ni, kiến tạo bốn hoạt cảnh: so canh, xuất gia, thành đạo, nhập niết bàn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trang hoàng một phòng họp đại hội Phật giáo hay một chánh điện của ngôi chùa. Tất cả hình ảnh ở những nơi đó đều phải mang sắc thái tươi mát, thanh dịu, từ bi, trí tuệ, hùng lực và thanh tịnh. Được như vậy là do con người có óc mỹ thuật Phật giáo chứ không phải mỹ thuật trường đời mà làm được. Cũng như vậy, riêng những hành giả học Phật mang tư tưởng vì mục đích giải thoát đều có sự nhận thức: “Bản chất của giới là thanh tịnh”, nên ai cũng quyết tâm hành trì để thiết lập tịnh độ đích thực trong tâm mình.

Một khi tâm của hành giả được có tịnh độ đích thực, thân của hành giả bên ngoài được thể hiện ra chất tịnh độ thật sự ở trạng thái đi, đứng, nằm, ngồi rất chững chạc, rất oai nghiêm và miệng nói ra những lời ái ngữ, thật lòng không hư dối. Vì vậy mà hai chữ trang nghiêm ở trạng thái thanh tịnh, oai nghi của con người, nó là trạng từ. Như nói: “hành giả A đi đứng trang nghiêm lắm! Sở dĩ thân tướng được trang nghiêm như vậy là do tâm có tịnh độ. Tâm có tịnh độ là do thân và tâm cũng kiến tạo tịnh độ (trang nghiêm tịnh độ). Một khi tâm có tịnh độ đích thực rồi, thân tướng phải có trạng thái trang nghêm thật sự đúng theo quy luật “Cái này có, cái kia có”. Ngược lại, tâm không có tịnh độ, trạng thái của thân trong đi, đứng, nói năng, dù cho ngọt ngào, khúm núm, ra vẻ khiêm cung đến đâu, trạng thái đó không phải là trạng thái trang nghiêm thật, vì thông thường sự giả tạo bao giờ cũng bị phát hiện, không thể che dấu được ai, nhất hạng là cái tâm con người gian dối, vì nó là chủ thể, nên tâm như thế nào, hành động của thân như thế đó. Vì vậy mà Tâm tịnh độ thân cũng tịnh độ, nên mới nói tịnh độ có trước, trang nghiêm có sau, chứ không phải trang nghiêm đi trước tịnh độ. Hành giả học Phật, tâm không có tịnh độ, thân làm sao có trang nghiêm được! Do vậy đức Phật đã dặn dò các vị tỳ theo đừng nên “giả trang thiền tướng cầu bỉ cung kính” (luật oai nghi). Muốn có tịnh độ phải thiết lập tịnh độ trong tâm thức, thân mới có trạng thái trang nghiêm tự nhiên, tự tại và bình đẳng.

Người tu thiền mong sao để đạt được trí tuệ giác ngộ, người tu niệm Phật để mong cầu vãng sanh cực lạc, ai cũng cần phải tự trang nghiêm tịnh độ cho mình trước là điều cơ bản vì nó là cây đuốc ắt phải có trong lòng bàn tay của những hành giả có quyết tâm về niết bàn, cực lạc dùng để soi sáng lúc đang đi đến trên con đường tu tập. Một khi hành giả đã có cây đuốc tịnh độ trong tay rồi, thì bất cứ nơi nào trên thế gian này, từ nơi chợ, ngục tù, núi non, hang động, tư gia, tu viện, chùa chiền am cốc…đều là cõi tịnh độ của họ, nói như Thái Hư Đại Sư: “Thanh tịnh đạo tràng có cùng khắp thế gian, đều là thanh tịnh đạo tràng khi tâm con người là một đạo tràng tịnh độ”. Tức tâm tịnh độ thơm tho, còn tấm thân là cái chợ đầy cá mắm tanh hôi. Chính ông cư sĩ Duy Ma Cật là người, tâm ông thì tại Đại Tràng Tịnh Độ, còn thân ông thì ở tại chợ được đức Phật nói cho ngài Anan biết như vậy nhân một hôm: ông Duy Ma Cật đến thăm đức Phật được thông qua thị giả Anan vào bạch Phật: “ Bạch Đức Thế Tôn, có ông Duy Ma Cật đến, muốn vào thăm Thế Tôn, xin thỉnh ý Thế Tôn!” Đức Thế Tôn bèn hỏi ngài Anan:

-“Ông Duy Ma Cật từ đâu đến đây?”

-“Thưa Đức Thế Tôn, ông ấy từ Đạo Tràng đến.

-“Không, ta thấy ông Duy Ma Cật từ chợ đến đây mà! Lời Đức Phật nói với Anan.

Lời Đức Thế Tôn nói ông Duy Ma Cật từ chợ đến là một sự thật hiển nhiên. Trước hết ông Duy Ma Cật là một cư sĩ Phật tử có cơ sở kinh tế buôn bán giàu có tại một khu phố, nên thỉnh thoảng ông đến Tịnh Xá thăm, lễ bái cúng dường Phật và đại Thánh Chúng, sau khi hết giờ buôn bán hoặc nhân cơ hội đi lo công việc kinh tế rồi tạt vào tịnh xá, chứ không phải từ Đạo Tràng đến. Mặc dù ông có đạo tràng tu học riêng tại tư gia, nhưng ông có mặt tại đạo tràng là lúc ông bận chủ tọa pháp thoại, pháp đàm cùng với năm trăm cư sĩ học Phật. Thứ nữa, Chợ mà đức Phật nói như ngài Anan là nghĩa của “nhục thân ngũ uẩn”, cõi ta bà thế gian, cõi người có hai thứ hạnh phúc và khổ đau lẫn lộn. Nên chi các Bồ Tát và chư Phật thường ứng thân vào cõi người để hóa độ chúng sanh. Mà như thế, thân thể của chư Bồ Tát và chư Phật như đức Thích Ca Mâu Ni phải là thân thể chất giống như thân người, đâu nào khác hơn! Nhưng một điều khác hơn con người phàm phu; đó là Tâm Phật, tâm Tịnh Độ Niết Bàn, tâm Tịnh Độ Cực Lạc, còn thân là thân cõi người. Vì chính chư Phật và các bậc Bồ Tát trước khi thành Phật, thành Bồ Tát là kẻ phàm phu. Nói khác hơn, Phật và Bồ Tát từ con người mà ra. Do đó Đức Phật mới nói Chợ là như vậy! Đúng như lời Lục Tổ Huệ Năng nói: “Thế gian pháp tức là Phật pháp”.Rõ ràng như vậy. Thế gian pháp không gì khác hơn đó là vô số lượng vật thể vô tình, hữu tình có hình thái dị biệt, đủ thứ màu sắc, âm thanh, hương vị khác nhau trong cõi trần chợ đời. Nơi mà ở đó con người giành giật, lường gạt, đánh nhau, cãi vã nhau …v.v…vì quyền lợi riêng tư cho cuộc sống của cá nhân. Nhưng với hành giả đã và đang tu tập Phật pháp để tự trang nghiêm tịnh độ cho mình, thân có đứng giữa chợ đời, hành giả vẫn tìm ra chân lý, gọi là ngộ Đạo tại chợ đời. Để chứng minh điều đó qua câu chuyện có thật sau đây: Thuở xưa, có một vị tăng (gọi là tăng hàng thịt, vì vị sư được ngộ Đạo là nhờ nghe tiếng nói của người hàng thịt) đã tham vấn nhiều vị danh tăng uyên bác Phật pháp để học hỏi, nhưng chức năng tánh giác bên trong nội thức chưa kiến giải được, còn bế tắc ở điều nghi. Nhân một hôm ra chợ, vị sư đứng gần quầy thịt, vị sư nghe người mua thịt nói lời yêu cầu người bán thịt hãy lựa cho miếng thịt ngon. Người bán thịt tức giận, chặt lưỡi dao xuống thớt, rồi hỏi lớn một cách giận dữ: “Miếng thịt nào là không ngon?” Vị sư đứng gần đó hoát nhiên ngộ Đạo do nghe âm thanh trần tục (Phỏng theo trong Hư Vân Pháp Ngữ).

Qua hai câu chuyện: Phật nói Duy Ma Cật đến từ Chợ và vị sư hàng thịt, cho ta thấy rõ Tâm Tịnh Độ, chứ không phải bản thân thể chất, chùa, thiền thất, tu viện, chợ, tư gia…là tịnh độ. Và ngay cả sáu cõi Trời Dục giới cũng không phải những cõi được định danh Niết Bàn, Tịnh Độ, Cực Lạc. Mặc dù chư Bồ tát đang trú xứ ở trên các cõi trời đó. Như Bồ Tát Di Lặc, Hoàng Hậu Ma Da, Hòa Thượng Hư Vân đang ở tại cõi Trời Đâu Xuất, còn ngài La Hầu La đang ở tại cõi trời Đạo Lợi. Nhưng không phải là cõi Niết Bàn, Tịnh Độ Cực Lạc của quý Ngài. Tuy nhiên, các cõi trong tam giới là môi trường thiết thực cho các hành giả phàm phu, bậc thánh, Bồ Tát nương tựa vào làm phương tiện để thiết lập (trang nghiêm) tịnh độ cho mình. Sau khi được có Tịnh Độ đích thực trong tâm, các hành giả phàm, thánh, Bồ Tát tự động thiết lập (trang nghiêm) Tịnh Độ cho chúng sanh tại cõi mà mình đến trú xứ, nếu không nói là hạnh nguyện giác tha của Bồ Tát. Chẳng hạn, ngài Bồ Tát Di Lặc đang thiết lập Tịnh Độ cho chúng sanh tại cõi Trời Đâu Xuất và tương lai, đức Di Lặc sẽ xuống trái đất (tái sanh vào cõi người) để thiết lập Tịnh Độ cho con người. Trong khi chờ đợi Bồ Tát Di Lặc tái sanh vào thế gian để thiết lập Tịnh Độ, nhiều vị Bồ Tát đã và đang lần lượt tái sanh vào các nước trên thế giới sau khi Đức Phật nhập niết bàn với hạnh nguyện thiết lập Tịnh Độ cho con người từ đó cho đến nay hơn hai mươi thế kỷ và tiếp tục đang xuất hiện. Sự xuất hiện của các bậc Bồ Tát có hai trường hợp: 1.- Được sanh ra và lớn lên tại xứ sở mà Bồ Tát ứng thân vào làm người. Sau đó được vào tu viện, được học hành và tu tập chánh pháp. Sau khi thành tài, vị tăng bảo Bồ Tát đi cùng khắp trong xứ sở của mình để thiết lập Tịnh Độ cho dân tộc mình. Rồi tiến thêm một bước nữa, (2) gọi là vận hành vân du thiết lập Tịnh Độ cho con người tại các nước. Chẳng hạn Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ vào Trung Quốc để thiết lập Tịnh Độ cho nhân dân Trung Quốc vào đời Đường. Trong hai thế kỷ qua, nhờ phương tiện giao thông, nên một số Bồ Tát tại các nước Á Châu đã và đang tiến về phương Tây và các Châu Mỹ, Úc để thiết lập Tịnh Độ cho nhân dân tại các châu nói trên. Riêng Việt Nam, có hai Bồ Tát Thiền Sư Thích Nhất Hạnh – Hòa Thượng Thích Thiên Ân, hai vị Tăng Bảo Việt Nam đầu tiên đến thiết lập Tịnh Độ cho nhân dân tại các nước Âu Mỹ trong thế kỷ qua và hiện nay đang tiếp tục.

Vấn đề trang nghiêm (thiếp lập) Tịnh Độ trong đạo Phật là một điều tiên quyết ắt phải có đối với những ai quay về đạo Phật cho mục đích giải thoát sinh tử, dù ở hình thức xuất gia hay cư sĩ đều phải tự thiết lập cho mình một Tịnh Độ đích thực trong tâm thức. Vì có Tịnh Độ trong tâm thức đã, sau đó mới nói đến chuyện giải thoát về đâu một trong hai cõi Niết Bàn hay Cực Lạc. Cho nên nói đến đạo Phật là phải nói đến Tịnh Độ. Đạo Phật mà bỏ Tịnh Độ ra, không còn là đạo Phật nữa. Cũng như con người trong đạo Phật nếu không có Tịnh Độ trong tâm thức, không phải là người của đạo Phật, dù cho người ấy có thân tướng là Phật giáo, mọi hình thức sinh hoạt của họ mang sắc thái Phật giáo rất sinh động nào đi chăng nữa, vẫn bị xem là tà đạo, không phải Phật giáo. Vì bản chất của Phật giáo là Tịnh, tâm tịnh, thân tịnh, cơ sở là đạo tràng thanh tịnh - gọi chung tam nghiệp hằng thanh tịnh, mới được vãng sanh Tây Phương, bắt gặp Niết Bàn.

Là Phật tử, chúng ta nên hiểu rõ rằng: “Tịnh Độ có cùng khắp trong tam giới . Muốn bắt gặp Tịnh Độ, tâm ta phải có Tịnh Độ”.

Chất liệu dùng để thiết lập trang nghiêm Tịnh Độ vô tướng (vô vi) không gì khác hơn; đó là giới luật và giáo pháp Phật, tức là lời dạy của Phật. Lời dạy này gồm có hai phần: Phương pháp và Pháp. Phương pháp, là những kinh nghiệm qua quá trình tu tập của Phật. Pháp, là chân lý được đức Phật khám phá tìm thấy trong tam giới chúng sanh, chứ không phải Phật sáng chế, nên mới gọi là Chân Lý, bởi vì bản thể của nó ở bất cứ thời gian nào; quá khứ, hiện tại và tương lai, vẫn hiển nhiên như vậy không bao giờ thay đổi. Chẳng hạn, Phật nói: “Tất cả mọi vật có hình tướng đều bị hoại diệt theo định luật vô thường. Sở dĩ chúng được có hình tướng là do các duyên hợp lại. Nên bản thể của vạn hữu tình chúng sanh gọi là giả tướng. Và sự sống của chúng (loài vật và con người) là sống giả, sẽ bị chết khi bản thể già nua. Cứ như thế liên tục, sanh ra ở cõi chúng sanh này rồi bị chết, lại bị sanh ra ở cõi chúng sanh khác rồi bị chết, gọi là “sanh-tử luân hồi”. Mà như thế là do sức mạnh của quả báo nghiệpkiếp trước. Trước khi thành Phật, Đức Phật là con người trong vô lượng kiếp từng bị nghiệp quả dẫn dắt lưu chuyển ra, vô, lên, xuống trong sáu cõi sanh-tử, bị khổ đau về thể chất và tinh thần nhiều hơn là hạnh phúc đúng như người đời thường nói: “Đời có trăm lần vui, có vạn lần buồn”.Nhưng không phải vì thế mà Đức Phật lánh xa cuộc đời. Đức Phật vẫn hiện hữu trong thế gian(Trời - Người) sẵn sàng đối diện trước khổ đau và hạnh phúc của thế gian lăn lộn trong đó suốt vô số kiếp. Nhưng kiếp nào ở cõi người, cõi trời, Đức Phật luôn luôn tự tư duy để tìm ra nguyên nhân từ đâu mà sự khổ đau có mặt trong thân-tâmta, và ai sinh ra khổ đau? Muốn chấm dứt khổ đau, sanh tử luân hồi ta phải làm cách nào?

Sau khi Đức Phật đã tìm ra nguyên nhân mà chúng sanh cứ bị sanh tử, luân hồi khổ đau là do tâm vô minh phiền não, tham dục, sân si, chấp ngã, ích kỷ, biên kiến…là nghiệp cấu tạo bản thân chúng sanh trong sáu cõi luân hồi. Và phương pháp giải thoát sanh tử luân hồi chỉ có một cách duy nhất là thực tập bắt cái tâm của mình phải thường xuyên xả bỏ tất cả; không tạo ra các tội ác, không còn tham lam, tật đố, sân si, chấp ngã, biên kiến, tự mãn…Tâm không còn những vô minh phiền não đó, chính là tâm thanh tịnh trong sáng. Đó là những chất liệu thiết lập Tịnh Độ. Đức Phật đã tự thiết lập Tịnh Độ cho Ngài, không phải ở thời gian xuất gia tu khổ hạnh sáu năm trong rừng; mà là trong vô lượng kiếp về trước khi còn làm thân chúng sanh để tìm con đường giải thoát. Do vậy mà sau giờ phút giác ngộ hoàn toàn, Đức Phật đã thấy lại tiền thân của mình trong vô lượng kiếp trước làm thân chúng sanh trong các cõi, ở cõi nào Đức Phật cũng tự thấy nguyên nhân làm cho mình bị sanh tử luân hồi là do vô minh. Và tìm phương pháp tiêu diệt sanh tử bằng cách bắt tâm mình buông xả tất cả để sống trong trạng thái vô ngã. Cho nên sau khi thành ĐẠO BỒ ĐỀ, bài Pháp đầu tiên về BỔN SỰ THẬT hiển nhiên (Tứ Đế) mà Đức Phật đã nói cho năm anh em KIỀU TRẦN NHƯ tại vườn Lộc Uyển chính là giáo lý cơ bản của đạo Phật để thiết lập Tịnh Độ vào tâm thức là con đường giải thoát sanh tử luân hồi khổ đau. Bài Pháp Tứ Diệu Đế mầu nhiệm mà Đức Phật đã tự khám phá và đã từng thực hành trong vô lượng kiếp làm thân chúng sanh, chính là chất liệu dùng để thiết lập Tịnh Độ.

BẢY ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI

(THẤT PHÁP BẤT KHẢ TỊ)

I - ĐIỀU THỨ NHẤT

Được tái sinh trở lại làm người là điều KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI (Sinh Bất Khả Tị). Đây là một định luật “nhân quả báo ứng”. Do vậy Phật tử chúng ta nên hiểu định luật nhân quả cho rỏ ràng để khỏi hiểu lầm cụm từ “KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI”. Tức là mọi người khi đọc đến điều thứ nhất này sẽ hiểu rằng; là con người đang sống hiện nay, sau khi chết ai cũng được tái sinh trở lại làm người. Quan niệm như thế có thể đúng và không đúng. Có thể đúng ở điều kiện; nếu như con người lúc còn sống trên đời có thực hành năm giới cấm (không SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG, UỐNG RƯỢU) là đạo lý làm người. Sau khi chết, người ấy sẽ được tái sinh trở lại làm người. Đó là điều không thể tránh khỏi. Hai là, nếu ai lúc tu thiền mà không đưa tâm mình vào chánh niệm để từng bước đi vào chánh định, mà cứ chạy theo vọng thức như khởi ý niệm mong sao được vào niết bàn sớm, được thấy Phật, cảm thấy hỷ lạc, hãnh diện về phép thiền của mình, tự mãn mình là môn đệ của thiền sư danh tiếng…Như thế, hành giả chưa đạt được chơn tâm của thiền. Nên sau khi chết, hành giả sẽ được tái sinh lại làm người là do nhờ giữ đúng 5 giới tu thiền là năng lượng thanh tịnh của 5 giới, chứ không phải là của Định. Đó là điều “KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI”.

Quan niệm không đúng. Đã là con người, gọi là NHÂN ĐẠO. Tức là con đường đạo đức, hiền lành, ơn, nghĩa, trung hiếu, thương yêu, thật thà, hoan hỷ, tha thứ …Tất cả đức tính này gọi là đạo lý làm người được gói gọn trong năm giới cấm của đạo Phật. Mà con người không theo đạo Phật và con người có theo đạo Phật không chịu thực hành trong đời sống. Tâm tư cứ suy nghĩ như ác thú, ngạ quỷ, địa ngục, atula và súc sanh. Sau khi chết, thức Alạida sẽ bị đi vào một trong bốn cõi vô minh đó. Đây là điều KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI theo quy luật nhân quả.

II - ĐIỀU THỨ HAI

Già nua là điều KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI (Lão Bất Khả Tị). Tâm lý con người ai cũng sợ mình già, nên tìm đủ cánh để chống lại cái già. Nhưng làm sao tránh khỏi! Con người bị già ngay từ lúc bị lọt lòng mẹ chứ không phải đợi cho đến khôn lớn mới bị già. Già được cắt nghĩa: mòn dần, diệt dần, cũ dần theo định luật vô thường có Sanh có Diệt. Cho nên sắc diện con người ở lứa tuổi 50 không giống lúc 30, 20. Và cứ như thế so sánh thực tại với quá khứ sẽ thấy mình già đi. Với các vật thể thì gọi là cũ. Như xe cộ, nhà cửa, máy móc được sản xuất làm ra từ năm 75, đến nay là năm hai ngàn lẻ ba, nên hình tướng của chúng bị cũ, bị mục nát, bị rỉ. Nói chung tất cả các loài hữu tình chúng sanh từ lớn đến bé và những vật hể vô hình như nhà cửa, xe cộ, cỏ cây, đá sỏi, v.v…đều bị diệt, bị mòn, phai sắc ngay từ lúc được sinh ra, được làm ra có hình tướng. Nói theo lý của Bát Nhã “Sắc bất dị không”. Tức là các pháp có hình tướng đều bị diệt để rồi trở về không”. Nói khác hơn, tất cả các pháp không có chủ thể và không độc lập tồn tại. Sở dĩ các pháp có hình tướng là do các duyên giả hợp mà thành gọi là Tương Duyên Sanh đúng với lý Bát Nhã “Không bất dị Sắc”. Nhưng vì giả hợp, nên các pháp không có ngã để rồi trở về KHÔNG gọi là Tương Duyên Diệt, Sự Tương Duyên Sanh Diệt này được nhà bác học Pháp, ông Lavoisier thấy một cách rõ ràng sau khi thí nghiệm các chất hóa học tổng hợp trong một dung dịch, thấy rằng các chất này khi qua một dòng điện có hai cực âm dương thì phân ra làm thành các chất khác nhau. Do đó, ông kết luận: “Không có cái gì tự mất đi, không có cái gì tự sanh ra” (Rien ne se perd, rien ne se crée).

Về Phần Tương Duyên Sanh dể thấy hơn khi một vật thể được cấu tạo bởi các duyên có hình tướng. Còn về phần Tương Duyên khó mà thấy được. Phần này chính là KHÔNG GIAN VÔ TƯỚNG gọi là THA DUYÊN. Không gian vô tướng là môi trường có năng lực xúc tác làm cho tấtc cả bản thân bữu tình của muôn loài chúng sanh hữu tình, muôn vật vô tình đều bị già nua – hoa mòn – cũ kỹ - ung thúi – rét rỉ …Do vậy con người và muôn vật dù trốn trong phòng tối vẫn bị lực không gian bám sát vào gậm nhấm làm cho cơ thể bị hao mòn, già nua, rỉ rét. Một khi đã gậm nhấm thân hữu tình rồi không thể tránh khỏi sự chi phối của không gian. Cứng như sắt kia vẫn bị rỏ bởi không gian. Vững bền như bia đá vẫn bị không gian làm cho hao mòn (Trăm năm bia đá thì mòn). Huống hồ tấm thân máu thịt của các loài hữu tình chúng sanh làm sao tránh khỏi sự già nua bởi không gian!

Không gian là một khoảng không vô tướng làm sao ghê gớm thế? Từ ngàn xưa, con người nhìn lên không trung; ngày thấy mây; đêm thấy trăng, sao; nghe chung quanh mình có gió thoảng, lấy lá rơi. Ngày nay các nhà khoa học không gian nhìn thấy không gian xa xôi có vô số lượng nguyên tử và thiên hà, hành tinh đang chuyển động qua ống kính viễn vọng thiên văn tối tân. Các nhà khoa học vật lý chiều không gian đã dùng kính hiển vi tối tân nhìn khoảng không ban đêm thấy được những tia hồng ngoại. Những tia hồng ngoại này chính là vô số phân tử đang cấu kết nhau không ngừng chuyển động. Con người thời xưa và các nhà khoa học thời nay nhìn lên không gian thấy như vậy rồi nói như vậy, không nói gì đến giá trị và vai trò của bản thể không gian cả! Kỳ thật, KHÔNG GIAN không phải đơn thuần là nơi chứa đựng các vật thể hữu tình một cách bình đẳng, rồi cứ yên lặng muôn đời! Không phải như vậy! Cho nên lý Bát Nhã của đạo Phật đã nói KHÔNG không phải là không. Chính bản thể của không gian là một tên thợ có năng lực gom góp các phân tử hữu cơ để cấu tạo thành thân hình của muôn loài chúng sanh. Và góp nhặt vô lượng các phân tử vô cơ để kiến tạo ra muôn vật hữu tình, nhỏ như sỏi đá, cát sạn, lớn như trái đất và các hành tinh trong dãi ngân hà. Và không gian cũng là một tên thợ đập phá các vật thể hữu tình. Do vậy từ Có đến Không (Sắc bất dị Không), từ Không đến Có (Không bất dị sắc) không sai tí nào. Vì vậy ta đừng lấy làm thắc mắc tại sao thỉnh thoảng có một tảng đá thật lớn như một cao ốc từ trên không trung rơi xuống quả đất. Chẳng hạn như tại khu rừng Châu Phi bị một tảng đá vĩ đại từ trên không trung rơi xuống cách nay mấy thập niên. Và đôi khi vào ban đêm ta thấy một luồng sáng xẹt ngang ở một góc trời. Theo khoa học, đó là hiện tượng của một hành tinh rất xa trái đất cả ngàn năm ánh sáng bị vỡ ra. Những khối bị vỡ ra đó bị sức hút của các hành tinh khác, nên tốc độ bay trong không gian không phải là chậm. Do vậy khoa học gọi là Sao Xẹt vì chỉ thấy một tia sáng rơi nhanh rồi mất hút trong đêm tối.

Vấn đề muôn loài chúng sanh, vạn vật hữu tình, cũng như các hành tinh trong không gian đang bị không gian chi phối được nhà bác học Einstein nói đến như sau: “Chung quanh một thiên thể, không gian bị cong, ánh sáng qua gần đó bị đổi hướng” sau những năm tháng dài ông bỏ công nghiên cứu Từ Trường Không Gian.

Sở dĩ ông Einstein chỉ nói không gian bị cong gần một thiên thể lớn mà không nói đến không gian bị cong gần một thiên thể nhỏ như một chiếc xe, tòa lâu đài hay một quả bóng bay lên không trung là nhằm mục đích cho nhân loại thấy không gian xa xôi có những hành tinh, và không gian ở đó và không gian tại quả đất này không khác. Từ đó ta suy ra; một cơ thể chúng sanh hữu tình lớn, nhỏ và những vật htể vô tình có thân tướng lớn hay nhỏ một khi có mặt trong không gian dù ở nơi trái đất hay trên không trung đều làm cho bản thể không gian bị cong, bị méo, bị uốn khúc nhiều hay ít là tùy theo bề mặt diện tích của vật thể. Nói chung một quanh vật thể không gian bị cong đừng nghĩ rằng vật thể chế ngự chi phối không gian. Chính không gian chế ngự chi phối vật thể. Bởi vì vật thể không gian vốn yên lặng như người lực sĩ ngủ yên, nhưng sở dĩ cong mình, uốn khúc là vì vật thể có mặt tại không gian được xem như xâm nhập vào bản thể không gian, buộc không gian phải kháng cự. Đúng như nhập gia phải tùy tục. Cho nên một hài nhi vừa lọt lòng mẹ, một mầm non cây đậu, một mãnh sắt vừa được người thợ rèn làm thành con dao, v.v…đang có mặt trong không gian, đều bị không gian gậm nhấm làm cho tàn phai nhan sắc, già nua, cũ, mòn, rĩ sét …từ lúc bắt đầu có hình tướng cho đến lớn lên và tàn rụi, không gian không buông tha một giây phút nào cả.

Tất cả các vật thể và muôn loài hữu tình chúng sanh do các duyên giả hợp mà thành, nên các duyên của bản thân từng cá thể chúng sanh tự phát triển gọi là SANH, nhưng không thể tồn tại lâu dài vì không gian cho phối chế ngự làm cho hao mòn, phai nhạt nhan sắc, già nua dần dần đến tàn rụi gọi là DIỆT. Cho nên làm thân người phải bị không gian chi phối làm cho tấm thân bị già. Vì vậy con người trên cõi trần này ai cũng biết mình sẽ già nên đua nhau ăn chơi lúc tuổi còn thanh niên, nếu không nói là khuyên nhau; vì ca dao có câu: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi, Cái già chòng chọc nó thì theo sau”.Từ đó con người cứ đua nhau say đắm trong dục vọng, không thấy lực không gian là cây kiếm vô hình đang chặt đứt sự trẻ trung con người gọi là không thấy vô thường. Đến khi bản thân mình yếu đuối là lúc cơ thể mình đã và đang bị không gian làm hao mòn. Rồi một hôm ngồi suy tư nhìn lại mình thấy đầu mình đã bạc, đúng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự than: “Chợt một chiều toc trắng như vôi”. Tóc trắng là dấu hiệu của già nua đang đến. Làm sao tránh khỏi được cái già!

III. ĐIỀU THỨ BA:

BỆNH LÀ ĐIỀU KHÔNG TRÁNH KHỎI (Bậnh bất khả tị)

- Tấm thân ngũ uẩn của con người phàm phu là một cái kho bệnh. Kho bệnh được chia ra làm hai ngăn: Thân bệnh và Tâm bệnh. Thân bệnh thuộc thể chất (sắc uẩn) ắt phải bị bệnh không thể tránh khỏi, không chừa một ai, kể cả chư Phật và các Bồ Tát ứng hiện vào thế gian làm thân người đều không thể tránh khỏi Thân Bệnh. Thân bệnh có ngay từ lúc sau khi lọt lòng mẹ; đó là bệnh di truyền hay bẩm sinh.

Bệnh di truyền là do huyết thống từ cơ thể của ông bà truyền vào cơ thể cha mẹ, rồi cha mẹ truyền vào cơ thể con, cháu.

Bệnh bẩm sinh là do quá trình “kiết sử” kiến tạo bào thai trong bụng bà mẹ không đúng quy trình tự nhiên bởi nhiều lý do; có thể bà mẹ hay người cha ăn, uống, hút các thứ có chứa các chất độc tố hoặc trong lúc mang thai, bà mẹ làm động thai do đi, đứng, nằm, ngồi không nhẹ nhàng.

Những yếu tố làm cho thân bệnh nhiều nhất là thời tiết nóng, lạnh, mưa, nắng, thiên tai, ăn, uống không đúng cách, mất vệ sinh, ngủ nghỉ, đi đứng, nằm ngồi không theo quy trình dưỡng sinh…

TÂM BỆNH

Nói về tâm bệnh, người phàm phu trần tục không ai có thể tránh khỏi, không ít thì nhiều, không ai là không có! Chỉ trừ chư Phật và các bậc Bồ Tát ứng thân vào cõi TRẦN là thân người vì mục đích hóa độ chúng sanh là hoàn toàn không có Tâm Bệnh. Vì vậy mà Tâm Bệnh được cắt nghĩa là Vô Minh và phiền não. Nói theo thế gian là Thói Đời - Bệnh Trầm Kha - Nghiệp Dĩ – Thâm Căn Cú Đế. Do vậy con người, nếu không dùng Phật pháp làm chất liệu chuyển hóa bản chất vô minh, phiền não trong tâm, thân và miệng của người ấy không thể tránh khỏi các thứ bệnh: nghiện ngập rượu chè thuốc phiện, bệnh ghiền dancing, đam mê nhạc tình, thích phô trường chức vụ có bằng cấp cao, ưa đặt điều những việc không có thật để tôn vinh mình hay mạ lý người khác, thái độ vô lễ, trạng thái của thân không oai nghi đứng đắng, miệng nói lời thô bỉ (không ái ngữ), càm ràm từng chút về các việc không đáng, nói xàm, nói lời bắt bẻ, v.v…

IV. ĐIỀU THỨ BỐN

CHẾT LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI (Tử bất khả tị)

Tất cả con người và mọi loài chúng sanh cũng như các vật thể có hình tướng trên cõi đời này không thể tồn tại dài lâu được, phải bị tan rã, gọi là CHẾT theo định luật vô thường có Sanh là có Diệt đúng như khế lý của Bát Nhã: “Sắc bất dị không” và Kim Cang “như giác mộng – bóng hình - bọt nước – sương mai – ánh chớp chiều tà. Bởi vì hình tướng được có là do các duyên giả hợp lại mà thành “Không bất dị Sắc”. Đã là giả, không thể tồn tại được, phải tan.

Con người ngoài xã hội, ai cũng có sự nhận thức đúng về cái chết không thể tránh khỏi. Nhưng người ta cứ nghĩ chết là do già, chứ không thấy cái chết do Thân Bệnh và Tâm Bệnh. Tâm Bệnh rất là nguy hiểm nhất, đem cái chết cho con người một cách dễ dàng, vì do vô minh, như đã nói vô minh là Tâm bệnh. Ta hãy suy gẫm kỹ mới thấy được. Ví dụ, do không thấy sự nguy hại của rượu, thuốc lá, thuốc phiện…, cứ lao đầu vào đó để rồi bị chết yểu, chết non. Chẳng hạn bắn giết nhau vì tranh giành chức vị và sắc dục. Tỷ lệ con người bị chết do Tâm bệnh đến 80 %, còn 20% là chết già. Nói đến GIÀ và BỆNH là phải nói đến cái CHẾT theo sau đó không thể tránh khỏi lưỡi gươm của Tử Thần. Chết vì Già thì chậm theo quy luật tiệm tiến. Chết vì Bệnh thì mau. Mau nhất là Tâm bệnh, vì tâm chỉ đạo cho thân làm những hành động hung hãn, dâm đãng, nghiền ngập…để rồi thân bị chết mau.

Đối diện với cái Chết, duy chỉ có những bậc Tăng bảo chơn tu trong đạo Phật mới không sợ, nắm cái chết trong lòng bàn tay, chủ động nó theo ý muốn có ước hẹn thời gian khi đến tuổi già cần chết là báo tin cho các môn đệ biết trước ngày, tháng, năm chính xác, an nhiên ngồi tĩnh tọa nhắm mắt mà viên tịch (chết), thân không có bệnh hoạn, ốm đau nào cả. Còn người đời đa số đều bị ám ảnh cái chết, nên rất sợ. Như bạo chúa Tần Thủy Hoàng thời xưa, sống trên đời không sợ ai, chỉ sợ Tử Thần khi cảm thấy long thể bất an, bèn sai hàng ngàn dân Trung Hoa với ngựa, voi cho người lên núi, thuyền bè cho người xuống biển để tìm cho ông thứ thuốc trường sinh mà chống lại Tử Thần. Nhưng không tránh khỏi cái chết, vẫn bị Tử thần dẫn ông qua bên kia cõi chết ở cái tuổi chưa tới lục tuần do Tâm bệnh là sai khiến bản thân hành động hoang dâm vô độ.

V. ĐIỀU THỨ NĂM

QUẢ BÁO CỦA TỘI LỖI LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI (Tội bất khả tị)

- Quả báo lúc nào cũng đi theo sát nút ở kiếp mới . Sau khi thân xác cũ bị tan rã chết đi, do vậy một thân của chúng sanh ở cõi Trời, người, Atula, gnạ quỷ và súc sanh không thể chứa đựng cùng một lúc hai quả báo, chỉ có một mà thôi. Từ đó một con người nếu lúc sống trên đời đã tạo nhiều tội lỗi, sau khi chết thân trung ấm bị quả báo làm thân ngạ quỷ chịu nhiều hình phạt đau khổ và đói khát, cụ thể như bà Thanh Đề, mẹ ngài Mục Kiền Liên. Hay một con người hiện tại, từ lúc được sanh ra và lớn lên, suốt cả cuộc đời chưa một lần được ăn no hay mặc ấm, chỉ sống trong hoàn cảnh đầy khổ đau chồng chất. Cho nên quả báo thiện hay ác là hành trang, là gia tài của con người vốn đã tạo, thì con người phải mang nó theo qua bên kia kiếp mới ở quả mới. Cõi mới đó là địa ngục, hay thiên đường, v.v…Do vậy chúng ta đừng nghĩ rằng tội lỗi nhỏ của mình không ai biết đến mà không có quả báo, hoặc tội lỗi lớn mà đã bị ngồi tù rồi, sẽ không theo mình qua kiếp mới. Thân ngồi tù theo luật pháp thế gian, chưa hết quả báo được. Vì tất cả hành động tội lỗi mà thân làm là do Tâm chỉ đạo, nên chi Tâm mang theo quả báo ở kiếp mới, chứ không phải thân cũ mang theo, vì thân cũ đã chết. Từ chỗ này ta thấy hai câu thơ của Nguyễn Du:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”

Thì chữ nghiệp ở câu đầu chính là hành động tội lỗi do thân tâm của kiếp trước đã tạo ra, được thức Alạida mang theo qua kiếp này, ám chỉ cho cuộc đời thực tại khổ đau từ thể chất đến tinh thần của nàng Kiều, nhưng cũng chỉ chung cho bất cứ những ai đã tạo tội lỗi ở kiếp trước, thì kiếp này phải nhận chịu những aủ báo khổ đau vào thân ở câu “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Vì vậy Nguyễn Du đã nhấn mạnh chữ Nghiệp vào thân. Mà đã là quả báo tội lỗi đang hiện hữu trong thân, bắt tấm thân chịu những cực hình khổ đau, nên âm thầm mà trả quả theo định luật nhân quả, đừng trách lẫn trời gần trời xa gì cả!

VI. ĐIỀU THỨ SÁU

QUẢ BÁO CỦA THIỆN NGHIỆP LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI (Phúc bất khả tị)

Nho giáo nói: “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện”, tức là tánh thiện là bản chất của con người có ngay từ lúc mới sanh ra. Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Phật tánh và Thiện là một. Một đó là chữ Nhân, tiếng Việt gọi là Người. Như thế cõi người là cõi Thiện. Điều này được đức Phật khẳng định: “Cõi người là cõi dễ tu và dễ thành Phật”. Do vậy chư Phật và Bồ Tát đang có mặt trong mười phương hiện nay được xuất thân từ loài người mà ra. Nên chi cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ lúc đảng sanh đến thành Phật và trong giờ phút nhập Niết Bàn rất là Nhân cách. Cho nên Thiện nghiệp được nói nhiều trong kinh điển Phật giáo. Đó là pháp môn tu phước thuộc pháp tục đế cho kẻ sơ cơ mới quay về Tam Bảo để làm duyên từng bước tiến lên Chánh Pháp là pháp Chơn Đế, tức là tu huệ để có Trí tuệ. Vì chủ trương của đạo Phật là vượt thoát sanh tử luân hồi. Mà như thế trí tuệ là một năng lực vượt thoát. Vì vậy mà chư Phật cùng có một lời dạy cho con người phải tu phước thiện trước, tu huệ sau được các Tổ ghi lại sau đây: “Đừng làm các việc ác. Nguyện làm các điều thiện. Và luôn giữ tâm hồn cho thanh tịnh”. Bỏ ác làm thiện là tu phước. Giữ tâm thanh tịnh là tu huệ .

Ngay cả con người trong thế gian cũng có những lời răn dạy con người nên bỏ ác làm thiện như những câu “Tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện”. Và lời nguyền rủa những ai làm ác không phải là người như câu nói “Cái đồ quỷ sứ, bất nhân”.

Qua tư tưởng về Thiện nghiệp của đạo Phật và Nho giáo, cũng như lý lẽ về Thiện của con người trong xã hội Việt Nam theo đạo lý thờ ông bà đều cùng khẳng định Thiện Nghiệp là một ngôi vị thánh thiện và cao quý không thể tránh khỏi đối với những ai từng làm các việc phước thiện, người ấy sẽ gặt hái quả báo Thiện nghiệp là được giàu sang phú quý, có chức cao phận lớn, được hưởng nhiều hạnh phúc, an vui ở kiếp sau tại cõi người hay cõi Trời được gọi là Phước Báo Nhân – Thiên. Kể cả kiếp sống hiện tại, có người được vượt thoát tai ách và được gia tăng tuổi thọ sau khi làm việc thiện như cứu người, cứu vật v.v…mà ta thường nghe nhiều người kể thật như vậy. Quả báo thiện nghiệp đến với con người dù không muốn nó vẫn đến theo quy luật. Trường hợp một vị Sa Di trong thời đức Phật được đức Phật cho biết mạng sống của vị Sa Di chỉ còn vài ngày nữa là hết, nên đức Phật cho vị Sa Di về thăm gia đình. Trên đường về, vị Sa Di thấy bầy kiến đang bu trên chiếc lá bị bồng bềnh trôi giữa dòng nước. Vị Sa Di lội xuống và cứu bầy kiến lên bờ. Sau khi về thăm gia đình, trên đường trở lại Tịnh Xá để chuẩn bị vào cái chết giữa sự hộ niệm của đại thánh chúng. Vừa đến Tịnh Xá, đức Phật gọi vị Sa Di đó vào và nói rằng: “Thầy an tâm đi, thầy không chết đâu, Thầy sẽ được sống với đại chúng từ nay cho đến khi thầy già, thấy mới chết”.

VII. ĐIỀU THỨ BẢY

DUYÊN SINH LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI (Nhân duyên bất khả tị)

Mọi sự vật có hình tướng thể lỏng, đặc, hơi mà ta sử dụng chẳng hạn như chiếc xe, quần áo, cơm ăn, nước uống…và cả bản thân ta nữa, v.v..vốn không có chủ thể độc lập, tồn tại. Nói như nhà bác học Pháp, ông Lavoisier: “Không có gì tự sinh ra – không có gì tự mất đi”. Tất cả đều phải do các nhân duyên. Ngay cả các nhân duyên có mặt trong vật thể đó, bản thân của chúng được có cũng do các nhân duyên khác. Cứ như thế mà nhân duyên với nhau, vật thể này làm nhân duyên cho vật thể khác. Vật thể khác làm nhân duyên cho vật thể khác nữa, nương vào nhau mà sinh thành và hủy diệt. Sau khi một hình tướng bị hủy diệt, các nhân duyên sẳn sàng có mặt ở vật thể khác. Do vậy nhân duyên không có sự bắt đầu hay chấm dứt nào cả, luôn luôn nối tiếp tương liên, luân hồi không ngừng, gọi là trùng trùng duyên khởi ở hiện tượng sinh, diệt, là nhân là quả của nhau.

Tóm lại, tất cả mọi vật hữu tình, vô tình trên vũ trụ này, cũng như mọi hiện tượng trong không gian như sấm sét, gió, mưa …trong đời sống con người như giàu, nghèo, khổ đau, tai họa, hạnh phúc, tốt, xấu, sống lâu, chết yểu, v.v…cũng không ngoài đạo lý nhân duyên. Đó là điều không thể tránh khỏi.

Phật tử chúng ta đang trên vận hành thực tập giáo pháp giải thoát có thể dùng thêm bảy “Điều Không Thể Tánh Khỏi” làm đề cương quán chiếu vào tâm thức để thấy rõ sự thật chân tướng của mình và mọi vật trên vũ trụ này vốn không có ngã tướng, chủ thể độc lập, tồn tại nào cả. Để từ đó chúng ta không còn sanh tâm sợ hãi, lo âu, chán nản trước bốn thứ Sanh – lão - Bệnh - Tử. Cũng như không còn hoài nghi, thắc mắc thân ta và mọi vật từ đâu sanh ra và chết đi về đâu. Thấy được như thế, chúng ta sẽ vượt thoát sinh tử.

XỨ XỨ THƯỜNG SỞ TRỤ CỦA BỒ TÁT HỘ MINH TRƯỚC KHI ĐẢN SANH VÀO HOÀNG CUNG VUA TỊNH PHẠN

Chư tôn giáo phẩm Phật giáo Việt Nam được xuất thân từ các Phật học viện trước 1975 trong các thế hệ tiền bối và hiện nay tại các quốc nội và hải ngoại, vị nào cũng đã hơn một lần thuyết pháp riêng về hai đề tài “Bồ tát hạnh trong đạo Phật”, và “Ý nghĩa Phật đản sanh”, đều nói đến tiền thân một vài chư Phật và Bồ tát quen thuộc như Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Văn Thù,…nói chung, và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng. Trước khi thành Phật dưới cội cây Bồ đề, Ngài đã làm vô số loại thân chúng sinh, nên Ngài đã từng bị ra, vô, lên, xuống sáu cõi sinh tử luân hồi của chúng sanh. Nhất là hai cõi Địa ngục A tỳ và Cõi người thường gọi là cõi Ta bà, được đại tạng kinh Phật nêu lên vô số quá trình hành động cứu khổ, ban vui, lợi tha cho chúng sanh về nhiều mặt vật chất và tinh thần một cách tích cực, bình đẳng, không đắn đo, do dự suy tư, cắt xén khi Ngài làm thân chúng sanh tại hai cõi ấy. Nếu không nói là khi Ngài có mặt tại hai cõi địa ngục A tỳ và cõi người, tâm thức Ngài thường nghĩ đến chúng sanh bằng tâm, biết thương yêu chúng sanh bằng trí xuất thế gian, nên lúc nào Ngài cũng có niềm khát vọng muốn cứu bạt chúng sanh ra khỏi những đường ác.

Do vậy mà, tại cõi Địa ngục A tỳ, Ngài đã sinh khởi lên ý niệm cứu khổ khi mắt ngài nhìn thấy một bạn đồng cảnh ngộ đang bị con quỷ sứ hành hạ, đánh đập vào tấm thân gầy còm vì đói khát không đủ sức nâng lên cái thùng phân nặng trĩu. Nên ngài liền nhảy vào giúp sức với người bạn, dù bị con quỷ ngăn cản, đánh vào thân ngài một cách dồn dập bằng thanh sắt, nhưng ngài vẫn đưa hai bàn tay vào khiêng thùng phân với người bạn đến mục tiêu quy định.

Sau giây phút xông pha, liều mình, không sợ hãi, chịu đựng đau đớn ở bản thân trong hành động cứu khổ cho tha nhân đồng cảnh ngộ tại địa ngục A tỳ. Ngài liền được vượt thoát ra khỏi địa ngục A tỳ, sanh lên làm người tại cõi ta bà.

Tại cõi Ta bà, ngài làm thân người trong vô lượng kiếp, chứ không phải một kiếp, đúng như lời ngài đã xác định “Ta vốn ở trong cõi ta bà thế giới này từ vô lượng kiếp về trước, chứ không phải mới sinh tại vườn Lâm tỳ ni”khi ngài thuyết về khế lý Bản môn và Tích môn của chư Phật và Bồ tát ở hai phẩm Tùng Địa Dõng Xuất và Như Lai Thọ Lượng trước hàng nghìn thánh tăng và cư sĩ tại đạo tràng Pháp Hoa trong thời điểm “Khai quyền chiếu cao sơn”, Pháp hoa niết bàn trước khi Phật vào Niết bàn.

Qua chơn ngôn trên của Đức Phật, ta thấy ngài là một con người thật (chúng sanh) bằng máu huyết, xương, thịt như vô số lượng chúng sanh (con người) khác đang hiện hữu trên mặt trái đất này. Nên ngài cũng có cha, mẹ, quyến thuộc, nội, ngoại, gia cảnh và sự nghiệp trên đời giữa xã hội con người. Vì đã là con người có xác thân do tứ đại hợp duyên, ắt phải sống theo với dòng sinh mệnh của con người trên trái đất này. Nhưng tâm thức ngài thì khác hẳn với vô số lượng chúng sanh đang có mặt đồng thời với ngài. Sự khác biệt ấy là Phật tánh được phát triển và đang vươn lên nở hoa Bồ đề trong tâm ngài, đnúg như ngài đã nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Phật tánh trong lòng được vươn lên và nở hoa Bồ đề, như hoa sen kia còn trong nước, chưa nở hoa mà đã có quả. Nói khác hơn, Bồ đề tâm hay Phật tánh trong lòng người được nở ra và phát triển, vươn lên như là một đóa sen trong nước. Mà đã là hoa sen dù chưa ra khỏi mặt nước, nhưng nó đã có hạt trong đó. Tức là trong nhân có quả, trong quả có nhân, như trí tuệ bình đẳng từ trong thật tướng bình đẳng. Do vậy, dù làm kiếp người, nhưng kiếp người của ngài rất là đặc biệt, đó là luôn luôn làm thân trai, không bao giờ làm thân gái. Gia đình tại cõi người mà ngài chọn để ứng thân vào làm thân nam nhi, không phân biệt gia cấp, chủng tộc, xứ sở. Dù gia đình được chọn là làm con thứ dân, trung lưu, thương gia, nông dân, thợ thuyền, quý tộc hay vua chúa cao sang…thuộc dân tộc Tây, Tàu, Nhật, Ấn, Mỹ, hay Việt…Bên xứ Đông phương, Tây phương, Mỹ châu, hay Úc…không thành vấn đề. Miễn là gia đình ấy có đạo đức Phật giáo và nhân bản có thiện căn, biết tu tập Phật pháp, biết thương dân tộc, có tâm từ bi, biết bênh vực lẽ phải cho con người, có tấm lòng cứu khổ, lợi tha cho chúng sanh…là ngài ứng thân vào làm con trai. Chứ không phải riêng gì xứ Ấn Độ. Đích thực nhờ Phật tánh trong tâm đang phát triển, cha mẹ, quyến thuộc cũng đang có Bồ đề tâm là những nhân duyên Phật pháp có năng lực đưa đẩy đức Phật bắt gặp chánh pháp. Vì vậy mà khoảng giữa thời gian vô lượng kiếp làm người tại thế gian, Đức Phật đã đến chổ Đức Phật Nhiên Đăng để lể bái, cúng dường hoa sen và nghe Phật Nhiên Đăng thuyết pháp, đúng như trong kinh Pháp hoa ở phẩm Như Lai Thọ Lượng, Đức Phật đã nói trước chúng hội Bồ tát: “Các thiện nam tử, nơi chặng giữa đó, ta nói Phật Nhiên Đăng…(Y nguyên văn Pháp Hoa trang 372 - bản dịch của HT Thích Trí Tịnh).

Cụm từ “Nơi chặng giữa đó” mà đức Phật đã nhấn mạnh, cho ta thấy rõ rằng, chính là một chuổi thời gian sau cùng của vô lượng kiếp làm người của ngài, mà kiếp nào cũng đều làm người thanh niên học Phật đang trên đà tự mình hành Bồ tát đạo ở 10 địa của Bồ tát tại thế gian trong việc thực tập giáo pháp và mọi hành động cứu khổ, lợi tha ban vui cho chúng sanh để hầu mong đạt được mục tiêu tối hậu là trí tuệ bình đẳng vô sai biệt, đúng như ngài đã nói: “Các thiện nam tử! Ta xưa tu hành đạo Bồ tát, cảm thành thọ mệnh…” Do vậy mà ngài đã đạt được quả vị “Vô thượng chánh đẳng chánh giác” cũng ngay tại cõi Ta bà nơi chặng giữa thời gian ấy, đúng như ngài đã nói: “Nhưng, thiện nam tử! Thực ta thành Phật nhẫn lại đây đã vô lượng, vô biên trăm nghìn muôn ức na do tha kiếp”(Pháp hoa - Phẩm Như Lai Thọ Lương trang 374)

Nói rằng tiền thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn làm người nam nhi tại cõi Ta bà trong vô lượng kiếp về trước đã tự mình tri hành Bồ tát đạo mà được thành Phật. Điều đó là một sự thật đúng lý của tự giác trên cơ sở nhân duyên căn bản chính yếu là Phật tánh trong tâm ngài đang được phát triển cực mạnh như hoa sen kia từ lòng nước tự vươn lên nở hoa trên mặt nước. Nhưng theo định lý duyên khởi, một hoa sen không thể tự mình nở ra. Mà phải nương vào các nhân duyên phụ, đó là bùn, nước, ánh nắng, và không khí. Cũng như vậy, sự nghiệp thành Phật của Đức Thích Ca Mâu Ni tại cõi ta bà thế gian khi còn làm thân nam nhi trong vô lượng kiếp về trước, đều có những nhân duyên phụ giúp đỡ ngài suốt trên vận hành Bồ tát đạo vào đời cho mục đích giác ngộ thành Phật. Một trong những nhân duyên phụ giúp đỡ ngài một cách tích cực trong sự nghiệp mưu sinh ở đời và đạo pháp trong việc hành trì Phật pháp và cứu giúp chúng sanh về mọi vật vật chất và tinh thần. Đó là tiền thân của công chúa Gia Du Đà La trong vô lượng kiếp làm thân nữ nhi tại cõi Ta bà thế giới này. Kiếp nào cũng trợ duyên cho ngài trong vai trò người vợ có tình yêu xuất thế gian trí, nên không bao giời có lời nói và hành động nhân ngã, bĩ thử, tham luyến chức quyền, chấp chặt tiền tài một khi tiền thân của ngài là vua chúa, thái tử, quan quyền, tướng quân, quý tộc hay thương gia giàu có. Cũng như không bao giờ âu sầu, khổ não, buồn phiền một khi tiền thân của ngài là thợ thuyền, nông dân có chân lấm tay bùn hay làm người thứ dân nghèo khó…ở bên Đông, bên Tây, thuộc dân tộc nào đi nữa. Tất cả đều cùng với ngài luôn luôn thể hiện tâm từ, tâm bi trong hạnh nguyện Bồ tát cứu khổ chúng sanh được ấm no, ban vui cho chúng sanh được hạnh phúc theo khả năng của giai cấp mình. Và, trong việc phụng sự và phụng trì đạo pháp bằng tâm có trí tuệ, nên chi giáo pháp giải thoát được áp dụng cho mình, cho chúng sanh là những giáo pháp chứa đựng thực chất nguyên lý giải thoát đích thực.

Nguyên nhân mà tiền thân đức Phật Thích Ca khi còn làm người nam nhi tại thế gian tên Tất Đạt được gặp người thiếu nữ là tiền thân công chúa Gia Du Đà La làm vợ, là do trên đường đi đến chổ Phật Nhiên Đăng để lễ bái, cúng dường và nghe pháp có ghé lại bên đường để mua hoa sen cúng Phật. Người bán hoa sen là một cô thiếu nữ, chính là tiền thân công chúa Gia Du Dà La. Mối tình giữa nguời thanh niên Tất Đạt (Tiền thân Đức Phật Thích Ca) và cô thiếu nữ bán hoa sen (tiền thân công chúa Gia Du Đà La) được ghi trong đại tạng kinh một cách ngắn gọn. Được chư tôn giáo phẩm Phật giáo Việt Nam thường kể sau một thời pháp về tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Quý Ngài kể rằng: “Tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni trong vô lượng kiếp làm thân nam nhi tại cõi Ta bà tên là Tất Đạt. Vì Tất Đạt vốn sẵn có Bồ đề tâm đang phát triển, nên sau khi nghe dân trong làng, xã rủ nhau đi đến chổ Phật Nhiên Đăng đang thuyết pháp tại một xứ rộng lớn cách xa làng xã hàng chục cây số, liền xin phép cha mẹ, rồi bôn ba ra đi với hoài bão từ lâu là mong được gặp Phật để lễ bái, cúng dường và nghe Phật thuyết pháp. Trên đường đi, Tất Đạt ghé lại bên đường nơi có những gánh hàng bán hoa sen để mua hoa cúng Phật. Tất Đạt lúc nào cũng thích hoa sen trắng hơn, nên qua hai gánh hàng hoa, không chổ nào còn hoa sen trắng, chỉ còn hao sen hồng. Đến hàng thứ ba, Tất Đạt nhìn thấy hoa sen trắng, liền bước tới, dán mắt vào gánh hoa, không để ý gì tới lời chào mời của cô chủ hàng hoa. Sau một giây phút ngắm nghía hoa, rồi cầm trên tay, Tất Đạt hỏi cô thiếu nữ về giá cả bao nhiêu mỗi đóa. Cô thiếu nữ trả lời mỗi đóa một đồng, và mời Tất Đạt mua hết mười đóa của bó còn lại. Sau đó Tất Đạt nhã ý muốn mua bảy đóa thôi vì trong túi chàng chỉ còn bảy đồng. Nhưng cô thiếu nữ không chịu bán lẽ, đòi bán nguyên bó theo lời căn dặn của mẹ nàng. Do vậy Tất Đạt bỏ đi không mua nữa. Nhưng mới đi vài bước, được cô thiếu nữ gọi lui và chịu bán bảy đóa, và xin gởi ba đóa cho Tất Đạt, nhờ Tất Đạt dâng lên cúng Phật Nhiên Đăng giùm cho nàng.

Sau giây phút chia tay đó, rồi mỗi người đều kéo theo trong hành lang trí óc những ngày tháng quên lãng và vô tình. Nhưng với Bồ đề tâm phát triển trong lòng người là chất liệu kiến tạo một thứ tình yêu xuất thế gian có năng lực làm nhân duyên nối kết với những chúng sanh nào có cùng thể tánh Bồ đề theo quy luật: hễ có quả báo thiện nghiệp là bắt gặp nhân duyên Phật pháp. Do vậy mà người thanh niên Tất Đạt được cô thiếu nữ bán hoa sen của ngày trước tìm gặp. Trong những lần gặp gỡ nhau, Tất Đạt biết người thiếu nữ có tấm lòng yêu thương mình chơn thật qua lời nói ái ngữ và trạng thái khiêm cung được phơi bày lên ánh mắt của nàng. Nếu không nói là dòng suối từ bi tâm của nàng đang tuôn chảy vào bản thể trang nghiêm của Tất Đạt. Cho nên Tất Đạt đã đưa ra nhiều hạnh nguyện Bồ tát vào đời của mình trong việc cứu khổ chúng sanh và phụng trì chánh pháp rất là khó thực hiện. Chẳng hạn, Tất Đạt đưa ra điều kiện là sau khi lập gia đình, chàng đi xuất gia. Lập gia đình là hằng thuận theo lệnh cha mẹ vì chữ hiếu, còn xuất gia là việc chính của phương tiện hóa độ chúng sanh. Nhưng không ngờ cô thiếu nữ đều nhận chịu và xin áp dụng trước mặt Tất Đạt. Vì vậy mà trong giữa đêm tại hoàng cung vua Tịnh Phạn cách đây gần ba nghìn năm, công chúa Gia Du Đà La có biết thái tử Tất Đạt Đa vào từ giã mình và con trai là La Hầu La trước khi ra khỏi thành đi xuất gia. Nhưng công chúa Gia Du Đà La vẫn nằm im để cho thái tử ra đi, không một lời bịn rịn hay ngăn cản. Bởi vì đã có lời xin nhận chịu và áp dụng những điều kiện mà Tất Đạt đã đưa ra trong vô lượng kiếp về trước. Trong đó có điều kiện là đi xuất gia sau khi lập gia đình.

Cho nên vấn đề Đức Phật Thích Ca là hậu thân của Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Xuất thị hiện lại vào cõi Ta bà trái đất này cách nay gần ba ngàn năm làm thân Thái Tử, con vua Tịnh Phạn. Lớn lên kết hôn với công chúa Gia Du Đà La là hằng theo ý muốn của vua cha. Sau đó đi xuất gia, tu sáu năm khổ hạnh trong rừng, chứng đạo Bồ đề, thuyết pháp độ sanh suốt 45 năm rồi nhập Niết bàn. Tất cả Tích môn như vậy chỉ là phương tiện vì mục đích chỉ cho chúng sanh tu giáo pháp vô ngã để vượt thoát sinh tử mà thị hiện, như bóng trăng dưới nước. Bóng trăng dưới nước được có là do mặt trăng trên bầu trời. Trăng trên bầu trời thì vĩnh hằng trường tồn không mất. Trăng còn dưới nước khi có khi không là do điều kiện của nước. Nói khác hơn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành Phật ngay tại cõi Ta bà này từ vô lượng kiếp, nên pháp thân Phật không bao giờ mất, dù cho vào Niết Bàn, như trăng trên bầu trời không sanh diệt. Nhưng vì muốn hóa độ chúng sanh tại cõi Ta bà này, nên Đức Phật thị hiện ra nơi đời do căn cơ và nghiệp quả của chúng sanh, nếu không nói là bản thể chúng sanh quá ư vô minh và uế trược. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ra tại cõi Ta bà này nói riêng, không phải là lần đầu hay lần cuối, mà đã thị hiện vô lượng thế kỷ và đang thị hiện. Nhưng vì chúng sanh quá ư mê vọng nên không thấy, cho rằng Đức Phật đã vào Niết Bàn vĩnh cữu không trở lại trần gian. Thật sự Đức Phật đang có mặt tại thế gian này, đúng như lời Đức Phật đã nói: “Ta lúc trẻ xuất gia được vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng thực ta thành Phật nhẫn lại, lâu xa dường ấy, chỉ dùng phương tiện giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh vào Phật đạo, nên nói như thế”. Đức Phật nói tiếp: “Những người đức mỏng, trải qua trăm nghìn muôn ức kiếp, hoặc có người thành Phật, hoặc người chẳng thấy, do việc này, nên ta nói rằng: “Tỳ kheo! Đức Như Lai khó có thể được thấy”.(Pháp hoa - Phẩm Như Lai Thọ Lượng, trang 373, 375)

Qua những chơn ngôn trên của Đức Phật, ta thấy rõ yếu tính của Phật giáo là hòa nhập bản thể của mình vào cùng với dòng sinh mệnh của dân tộc nơi xứ sở mà mình thị hiện vào, tái sinh vào, hay đi đến đó cho mục đích chỉ cho chúng sanh tu tập giáo pháp vô ngã để đạt trí tuệ bình đẳng là phương tiện vượt thoát sinh tử.

Hành giả hòa nhập vào dòng đời thế gian, ngoài chư Phật, Bồ tát, các bậc Thánh, còn có những nam nữ phàm phu có quả báo thiện nghiệp của kiếp trước là điều không thể tránh khỏi sự tái sanh vào đời. Cho nên chất liệu kiến tạo “Tính hòa nhập” là tâm từ bi, trí tuệ, có quả báo thiện nghiệp. Do vậy sự hòa nhập vào dòng đời thế gian của hàng phàm phu có quả báo thiện là đi tìm chân như trong định lý duyên khởi qua những hiện tượng sinh diệt của các pháp trong thực tại hiện hữu khi đôi chân bước trên đường đời của sự nghiệp mưu sinh cho bản thân, gia đình và con đường tu tập Phật pháp. Nếu không nói là hàng Bồ Tát sơ địa đang có hành động tập tành tự cởi trói những sợi dây phiền não, nghiệp quả, báo chướng, và tà kiến để được thấy tánh không của các pháp. Thấy được tánh không các pháp của hàng Bồ tát sơ địa chưa phải là niết bàn thật, dù là niết bàn của bậc thánh, vẫn chưa đạt được. Vì Niết bàn được cắt nghĩa là thế giới không tương quan không gian và thời gian, thật thanh tịnh, vắng lặng, tự tại vô ngã tuyệt đối. Nhưng khi bắt gặp niết bàn Bồ tát, các bậc thánh và Niết bàn Phật, hành giả phàm phu phải trải qua nhiều giai đoạn bắt gặp phiền não, sinh tử, khổ đau trong cõi trần qua quá trình vô lượng kiếp trôi lăn giữa dòng duyên khởi trùng trùng. Tức là nuôi dưỡng sinh tử, phiền não, khổ đau trong lòng để làm chất liệu lý tưởng giải thoát sinh tử, vì Niết bàn không ly khai với sinh tử! Tìm thấy được sinh tử trong duyên khởi tức là tìm thấy Niết bàn. Càng thấy Niết bàn càng thấy vô ngã. Càng thấy vô ngã tâm thức càng an vui, tự tại không vướng bận vào đâu cả. Và cũng từ tâm vô ngã, hành giả phàm phu tích cực hướng đến chúng sanh bằng tình yêu xuất thế gian trên bước đường hành động lợi tha cho dân tộc và đạo pháp ngay tại xứ sở mình. Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn làm người nam nhi tại cõi ta bà thế giới này trong vô lượng kiếp, Ngài đã hòa nhập vào dòng đời thế gian trên cơ sở cứu khổ và lợi tha cho chúng sanh mà được chứng ngộ định lý duyên khởi, tức là tìm thấy bản thể các pháp là vô ngã. Nhưng sở dĩ có ngã là do nằm trong định lý duyên khởi mà có hình tướng sinh và diệt.

Cho nên sự hòa nhập vào dòng sinh mệnh thế gian của chư Phật, Bồ tát và các bậc Thánh đều nhắm vào mục tiêu cứu khổ ách nạn, nói giáo pháp giải thoát cho chúng sanh, đúng như lời Đức Phật Thích Ca đã nói: “…Chỉ dùng phương tiện giáo hóa chúng sanh, khiến chúng sanh vào Phật đạo, nên nói như thế”.Từ chổ này cho ta thấy rõ câu: “Vô sát bất hiện thân” (Không có chổ nào mà chư Phật, Bồ tát, các bậc Thánh không hiện đến). Không phải sự hiện hữu của chư Phật, Bồ tát, các bậc Thánh vào thế gian bằng siêu hình, bằng tượng đồng, gỗ, đá, được thờ trên bàn. Mà sự hiện hữu ở đây là thân người bằng xương, thịt, máu huyết của cha mẹ, nên có cùng thân tướng, màu da, ngôn ngữ như cha mẹ mình thuộc dân tộc Ấn, Tây Tạng, Nhật, Việt, Pháp, hay Mỹ …khác biệt về thân tướng, màu da, ngôn ngữ, văn hóa, sắc phục…nhưng đồng một thể tánh Như Lai là yếu tính có năng lượng hòa nhập vào dòng sinh mệnh của dân tộc mình. Nên khi lớn lên, ngoài sự nghiệp thế gian trên vận hành mưu sinh của bản thân, cho gia đình, còn có sự nghiệp chính của sở trường hạnh nguyện Bồ tát đạo của mình là hộ dân, hộ quốc, hộ đạotrên cơ sở phụng sự và phụng trì chánh pháp, được gọi là tinh thần dân tộc và đạo pháp.

Cho nên nói đến tinh thần yêu nước, thương nòi giống, chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước và người dân trên các mặt vật chất, văn hóa, luân lý nhân bản, đạo đức Phật giáo…cũng như lời nói và những hành động đấu tranh chống lại tập đoàn các bạo quyền trên quê hương đang đưa dân tộc vào hố thẳm đói nghèo, gông cùm chết chóc và dốt nát là do cai trị dân bằng chế độ thực dân, chủ nghĩa ngoại lai đen, đỏ …Mà một số người dân trong các giai cấp tại các quốc gia trên thế giới từ ngàn xưa và hiện nay đã và đang đứng lên làm nhiều hành động lợi tha như trên cho dân tộc mình. Là phải nói đến Như Lai Tạng trong tâm thức con người đang vươn lên nở hoa từ bi và trí tuệ. Chứ không phải do huyết thống của giòng họ, quyến thuộc của dân tộc đó. Vì huyết thống chỉ là một thứ sản phẩm của vô minh, nên nó sinh ra những hiện tượng bán nước cho các thế lực ngoại lai xâm lăng để cầu vinh ở những con người dù cùng chung một quyến thuộc, một xứ sở, một tôn giáo, nhưng tâm huyết họ là biểu hiện của ba loại chúng sanh A tu la, ngạ quỷ và súc sanh.

BẢN CHẤT CỦA PHÁP MÔN

Bản chất của đạo Phật là hòa nhập bản thân mình vào dòng sinh mệnh của nhân loại một cách thường trực như nước với sữa, nhằm vào mục đích hóa độ chúng sanh được thoát khỏi luân hồi, sinh tử khổ đau, nói như lời kinh “Phật tại thế gian thường cứu khổ” bằng hành động thực tiển trên ba cơ sở “Ly khổ đắc lạc. Chuyển mê khai ngộ . Đoạn hoặc chứng chân”. Nên chi bản thân đạo Phật có mặt tại thế gian, không những thường trực, mà còn bình đẳng nữa, như mặt trăng, mặt trời chiếu ánh sáng xuống mặt đất không chọn lựa đất đai, vật thể tốt, xấu. Chỗ nào, vật nào có đủ điều kiện hiện hữu phơi bày bản thân ra giữa không gian, không dấu mình, ẩn núp trong chốn u tối, đều nhận lấy ánh sáng của mặt trăng, mặt trời. Cũng như vậy, bản thân đạo Phật đi vào xã hội loài người không chọn lựa xứ sở Đông, Tây, Âu, Mỹ… không bỏ người nghèo chọn kẻ giàu, không tránh né kẻ ngu, chọn người trí …Tất cả con người trong giai cấp ở xã hội nếu như Phật tánh trong tâm thức được ló dạng, vươn lên, đều có thể tiếp nhận giáo pháp giải thoát từ bản thân đạo Phật ngay thực tại hiện hữu, nói như Kinh Hoa Nghiêm: “Khắp cả hư không, ở mỗi một chổ bằng đầu sợi lông đều có vô lượng, vô số cõi Phật; ở mỗi một cõi Phật như vậy, trong mỗi một niệm, Phật ứng hiện vô số hóa thân Phật nhiều như bụi để chuyển pháp luân” (Phẩm 33).

Trong kinh Phổ Môn cũng có câu tương tự: “Vô sát bất hiện thân” (Không có chổ nào tại thế gian mà chư Phật, Bồ Tát không hiện đến). Nói cách khác, Phật pháp không hạn định về thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. Nơi nào có con người, nơi đó có bản thân đạo Phật hiện hữu hiển bày Phật pháp làm nhân duyên trực tiếp đối diện với con người trong nhiều giai cấp tại thế gian. Bản thân đạo Phật chính là chư Phật, Bồ tát, Thánh hiền tăng, Tổ sư thị hiện thân người, gọi là Phật sanh thân, Bồ tát sanh thân,Thánh Tăng sanh thân. Tức là thân tướng con người, còn tâm là tâm Phật, Bồ tát, Thánh hiền được gọi là Phật pháp thân, Bồ tát pháp thân, Thánh tăng pháp thân. Pháp thân còn có nghĩa Bản Môn. Bản Môn chư Phật, bản môn chư Bồ tát, bản môn chư Thánh tăng. Bản môn là mẹ đẻ ra Tích Môn. Vì vậy mà Tích Môn chứa đựng hành động Bồ tát đạo của quý ngài làm người ở thân tuớng xuất gia, cư sĩ, vua, quan, tể tướng, thứ dân và những kẻ sĩ: Bác sĩ, Dược sĩ, Văn thi sĩ trên vận hành hóa độ chúng sanh có khác biệt nhau gọi là Tích Môn Bồ tát đạo. Sự khác nhau về hành động Bồ tát đạo gọi là sở trường hạnh nguyện. Nói rõ hơn, chư Phật, Bồ tát, và Thánh hiền thị hiện làm thân người ở bất cứ giai cấp nào đều có cùng thể tánh bồ đề, nhưng hành động Bồ tát khác biệt nhau, gọi là chia nhau ở phương tiện, gặp nhau ở cứu cánh là sự nghiệp giải thoát cho con người là trí tuệ (Duy Tuệ Thị Nghiệp)

Phưong tiện tạo dựng trí tuệ giải thoát cho con người, ngoài vốn liếng pháp phương tiện sẵn có trong nội thức, còn là tánh tri kiến và hành Ba la mật mới làm nên sự nghiệp trí tuệ ấy. Vì vậy mà pháp phương tiện và tri kiến đều tương quan hiện hữu. Nếu không nói, pháp phương tiện vừa là cứu cánh vừa là tri kiến. Vì nhờ pháp phương tiện mà có tri kiến. Cả hai chỉ là một. Bởi vì mối tương quan của chúng không gì khác hơn là nhân quả. Có nhân pháp phương tiện là có quả tri kiến. Ngược lại, do có nhân tri kiến là có quả pháp phương tiện. Nên pháp phuơng tiện do tri kiến mà có ở nghĩa cách thức, phương pháp, phương thức, làm cách nào …Nếu không nói đây là pháp tuỳ duyên để đưa pháp bất biến là những pháp môn có yếu tính thực chất nguyên lý giải thoát của đạo Phật vào đời, để cho đời được bắt gặp dòng suối pháp có nước mát cam lồ của Phật mà tắm gội bản thân mang tính thể hữu được trở về tánh không. Vì vậy mà ta phải hiểu rằng bản chất toàn bộ nền đạo lý của Phật luôn biến đổi theo từng thời đại xứ sở, một khi mà đời sống xã hội nhân loại trên toàn cầu thường xuyên được thay đổi những cách sống mới bởi nền văn minh khoa học tiên tiến đem lại một cách mau lẹ qua những kỹ thuật truyền thông tinh vi. Pháp môn của đạo Phật không thể dừng lại muôn đời ở phương nào, xứ nào, phải thay đổi hình thái sinh động mang nguồn sống hạnh phúc chân thật của đạo Phật mà tuôn chảy vào nếp sống văn minh khoa học kỷ thuật của nhân loại, mới gọi là pháp môn, vì nguyên lý của pháp môn là hành đạo để đạt đạo hơn là truyền đạo. Tuy nhiên trên phương diện đem nguồn sinh lực của đạo Phật vào cuộc đời, ngôn ngữ, kỹ thuật, lý thuyết cũng phải được nói bằng lời, viết thành sách, vì nó là phương tiện chỉ bày, hướng dẫn cho con người biết phương pháp tu tập các pháp để mà đạt đạo, nói như người xưa: “Tri đạo tức học đạo, học đạo để biết đạo mà hành, hễ hành đạo là có đạt đạo”. Học đạo từ ngôn ngữ hay lý thuyết trong sách vở của người đạt đạo. Và ngôn ngữ, lý thuyết cũng là phương tiện diễn giải để đáp ứng nhu cầu cho con người trong thời đại văn minh ngày nay thường ưa thắc mắc hỏi đến những nguyên lý Hoa Nghiêm, Kim Cang Bát Nhã…Cho nên đừng lầm ngôn ngữ, lý thuyết là chơn lý cứu cánh, chỉ dựa vào ngôn ngữ, lý thuyết để khảo sát thực tại hiện hữu mà đạt đạo như nương vào ngón tay để thấy mặt trăng. Do nghe Phật pháp bằng ngôn ngữ, lý thuyết mà đạt đạo qua quá trình khảo sát và thực tập. Như vậy có phản lại tư tưởng tiền tông chủ trương: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” hay không? Tư tưởng ấy chỉ được áp dụng cho con người thời cổ điển. Đối với con người trong thời đại văn minh ngày nay không thể áp dụng được, vì tư tưởng con người thời đại văn minh này có ít, nhiều tính chất khoa học phổ thông, thích tìm hiểu, ưa thắc mắc, đào sâu, muốn nhìn thấy thực tế những điều mình nghi qua bài pháp của người nói và trong kinh điển Phật một khi quay về với đạo Phật.

Đạo Phật ngày nay cùng thời với văn minh nhân loại phải có bổn phận giải đáp những điều nghi vấn của con người về giáo lý Phật đúng theo nguyên lý Phật giáo là vì sự nghiệp sống hạnh phúc và giải thoát sinh tử cho nhân loại hơn là cho bản thân đạo Phật. Vì bản thân đạo Phật được sinh ra và lớn lên từ xã hội con người, chứ không phải hóa hiện như thần linh. Vì vậy mà bản thân đạo Phật phải có bổn phận đáp ứng lại nhu cầu tâm linh con người ở nghĩa hóa độ và báo ân cho đời vì được đời nuôi dưỡng và trưởng thành. Thực hiện vai trò Như Lai sứ giả vào đời để hướng dẫn và giải đáp giáo lý Phật một cách hanh thông, phù hợp với căn cơ, trình độ con người trong thời đại văn minh này được hiểu và biết rõ cách thức tu tập, phải là những bậc xuất gia đạt đạo đích thực mới có đủ ngôn ngữ và lý thuyết Phật pháp được ứng dụng theo khoa học, gọi là pháp môn mới.

Vì vậy mà trong sứ mạng nối tiếp dòng sinh hoạt Phật giáo cho con người quay về đạo Phật, giới xuất gia Tăng, Ni sống trên một đất nước của thời văn minh khoa học kỹ thuật phải có cơ sở học thế gian pháp để làm tư liệu biến đổi hình tướng các pháp môn Phật mà mình đã học ra nhiều phương cách, đường lối mới phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh con người trong thực tại qua sự hướng dẫn phuơng pháp tu tập Phật pháp. Chứ không phải chỉ diễn nói theo lời kinh Phật mà người nghe có thể lãnh hội được! Mặc dù cốt lõi của chân lý là bất biến, nhưng phương cách hướng dẫn phải đổi mới. Bởi vì nguyên lý pháp môn Phật luôn biến đổi phương thức, đường lối hướng dẫn chúng sanh trong mọi thời đại để chúng sanh dễ tiếp nhận chơn lý qua phương pháp thực tập mà đạt trí tuệ đúng theo mục đích của đạo Phật là duy tuệ thị nghiệp. Cho nên bản thân đạo Phật hiện hữu vào dòng sinh mệnh của dân tộc trong thời xưa và nay đều nhắm vào mục đích duy tuệ thị nghiệp cho đời không gì khác hơn. Vì chúng sanh trong thời đại nào – xưa và nay - vẫn là chúng sanh trong ao ngũ trược đầy dẫy các đường ác. Nói đến nghiệp ác con người, con người càng văn minh tiến bộ có nhiều tội ác to lớn hơn do mưu tìm và phát minh ra những phương tiện vật chất tinh xảo cho đời sống thực tại được sung mãn trên cơ sở hưởng thụ mà sinh ra tinh thần điên đảo bởi ý thức thường hằng tư duy kế hoạch tranh giành thị trường để được độc quyền tiêu thụ. Từ đó nhân loại gây ra chiến tranh, khủng bố các nước khác vì mình thua kém. Vì thế các bậc xuất gia Tăng, Ni phải học thêm thế gian pháp mới có thể thấy được giáo lý Phật hợp với khoa học, nhất là khoa học không gian qua Kinh Hoa Nghiêm. Hợp với công thức hợp chất để thành hình tướng và hư hoại hình tướng của các vật thể qua định lý duyên khởi, qua chân lý vô ngã, vô thường…mà Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử đã học qua các thứ kinh. Nếu Tăng, Ni không có sở học thế gian pháp, khó có thể diễn nói khế lý của các pháp môn trên vận hành hướng dẫn con người về sự tu tập Phật pháp. Bởi vì tất cả các pháp của thế gian đều là Phật pháp (Nhứt thế gian pháp tức thị Phật pháp).

Với hàng xuất gia, Tăng, Ni là biểu tượng của các bậc Bồ tát Đại trí Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Địa Tạng…không thể hiểu lầm pháp môn Phật là chỉ có quỳ trước bàn Phật trong nghĩa vụ và bổn phận tụng kinh cầu bình an cho người sống, cầu siêu độ cho người chết, chẩn tế trai đàn cho cô hồn, gọi là pháp môn! Mà còn phải mở tung hai cánh cửa từ bi và trí tuệ, bước ra giữa trường đời một cách tự tại, an nhiên thênh thang trong từng bước vững chãi như là cuộc rong chơi trên dòng sinh tử, giáp mặt với mọi gương mặt khác nhau của cuộc đời. Dù những gương mặt đó gây cho ta những điều kiện khó khăn hay khổ đau, ta vẫn ôm nó vào lòng, nuôi dưỡng nó để làm chất liệu khai lại nguồn sống đầy sinh khí của đạo Phật cho dân tộc, cho nhân loại. Có như thế, ta mới có thể thấy được mọi hiện tượng khổ đau, tù đày, chết chóc, bất an, nô lệ, mất hạnh phúc, sợ hãi …của con người. Cũng từ đó, ta biết được tâm lý con người có nhu cầu gì về thể chất và tâm linh, như mong muốn bản thân không còn lo lắng, hết căn thẳng thần kinh, được an lạc trong lòng…Và những mong muốn xa hơn là chấm dứt chiến tranh trên quê hương, trên thế giới, dân tộc đoàn kết thương nhau, chính quyền phải vì dân trên cơ sở dân chủ, nhân quyền để được có đời sống an cư lạc nghiệp…Có những việc ác thường xảy đến cho con người mà con người không thấy được. Chỉ có các bậc xuất gia có tình yêu xuất thế gian trí mới thấy được. Chẳng hạn con người có thói hút xách xì ke ma tuý, rượu chè, cờ bạc, yêu thương quá độ … là những mầm móng đưa đến vợ chồng mất hạnh phúc ly dị, ly thân, con cái lang thang rồi tạo bất an cho xã hội. v.v. Người xuất gia không những chỉ thấy mà còn phải dấn thân vào đời để tìm phương cứu khổ, giải quyết cấp bách, ngăn ngừa khổ đau, hoàn cảnh bất an…cho con người bằng pháp môn Phật được biến đổi thể tướng (không biến đổi thể tánh) sau những tháng ngày lê đôi gót vào đời bằng hành động khải sát thực tại hiện hữu, đúng nghĩa của chân như là thực tại hiện hữu, đúng với tư tuởng của đại thừa Phật giáo là niết bàn không ly với sinh tử.

CÔNG CUỘC PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Đạo Phật trên đất nước Việt Nam sau thời Lý, Trần ở vào thời đại triều Nguyễn, bản thân đạo Phật, ngoài cùng chung số phận với dân tộc bị thực dân trắng đen của phương Tây đô hộ, thống trị. Còn bị bạo quyền trắng đen đè nặng lên thân hình một màng lưới sắt Dụ số 10 ngăn cấm, bao vây và cột chặt đôi chân không cho bước ra sinh hoạt với Phật tử ngoài xã hội suốt thời gian dài đằng đẵng từ các thập niên 30 đến 60 của thế kỷ 20. nên chi những cánh cửa thiền môn vốn có bản chất thanh tịnh yên lặng càng thêm lặng im trong khói hương, đóng chặt chốt cửa tâm hồn, an phận thầm kín, xa lánh cuộc đời, không biết, không nghe con người ngoài xã hội bị khổ đau ra sao, sống chết thế nào! Nếu không nói là có tự giác mà không có giác tha, đích thực là hành động quay lưng phản bội chúng sanh do hiểu lầm pháp môn. Vì vậy mà bản thân đạo Phật đã tự cởi bỏ chiếc áo Bi – Chí – Dũng, khoác lên thân hình chiếc áo ma chay, cúng tế …quên mất vai trò của mình là Như Lai sứ giả có bổn phận truyền thừa nguồn sống hạnh phúc giải thoát của đạo Phật vào đời. Tuy nhiên, giữa khoảng hoàng hôn dài đăng đẳng trên quê hương lúc ấy, trong căn nhà lớn Phật giáo Việt Nam đã xuất hiện những bậc cao tăng mang tư tưởng Đại Trí Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Địa Tạng như các ngài Phước Huệ, Mật Khê, Trí Độ đã mở cánh cửa thiền môn, đánh lên tiếng chuông khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam do nghe được pháp âm vi diệu của Bồ tát Thái Hư đại sư bên Trung Quốc tuyên bố hiện đại hóa Phật giáo ở ba mục tiêu cách mạng: Cách mạng giáo lý, cách mạng giáo chế, và cách mạng giáo sản vào đầu thế kỷ 20 lúc ngài 23 tuổi.

Từ đó Phật giáo Việt Nam trên vận hành chấn hưng đã thành lập Hội Phật Học vào năm 1932, và sau đó tiến đến xây dựng Phật Học Viện để đào tạo tăng tài. Tất cả đều hướng đến mục tiêu hoằng truyền chánh pháp vào đời để cho Phật tử ngoài xã hội được tiếp nhận những pháp môn mang thực chất nguyên lý giải thoát khổ đau sau thực tại ở bản thân và sinh tử ở kiếp sau trên bước đường tu tập. Theo nguyên lý căn bản của pháp môn là như vậy. Nhưng hàng Phật tử ngoài xã hội lúc bấy giờ không tiếp nhận được nguồn sinh lực nào của các pháp môn, tức là nguyên lý căn bản của pháp môn mang nguồn sống đạo pháp không tuôn chảy vào tâm thức người Phật tử. Mặc dù Phật tử trong các giới đã vượt qua hàng lưỡi lê, súng đạn và lời hăm dọa của bạo quyền tay sai của thực dân, để về với đạo Phật của mình khi nghe, thấy những hình thức sinh hoạt Phật giáo mang sắc thái mới lạ như lớp học Phật pháp cho Phật tử, Tăng Ni tại các thành phố lớn. Cũng như đến tham dự các buổi lễ Phật đản, thuyết pháp được tổ chức ngoài phạm vi chùa một cách trọng thể và đông đảo Phật tử tham dự, mà Phật tử vẫn không tiếp nhận được sức sống của đạo pháp. Lý do dòng suối pháp không lưu nhuận được vào lòng người như thế bởi những nguyên nhân: Trong những sinh hoạt chấn hưng Phật giáo, ngoài sắc thái có tính cách trưng bày bản thân Phật giáo ra xã hội qua những buổi diễn thuyết về đạo Phật, những đại lễ Phật đản thật rộn ràng…mà từ lâu bị vắng bóng, nay để cho người được nhìn thấy lại. Còn có sự hướng dẫn cho Phật tử và Tăng, Ni trẻ được học Phật tại một vài chùa lớn trong nước được gọi là phong trào Phật học. Điều đó cho ta thấy rằng quý ngài có thao thức mong muốn phát triển giáo lý Phật đã vào quần chúng. Nhưng phương pháp và cách thức phát triển không được hội tụ vào thân tâm con người ở hai điểm quán lý và quán cơ, là nền tảng cơ bản mang yếu tính sở trường chuyên trách của các hành giả Bồ tát đạo trong sự nghiệp thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh trên sơ sở không trái với nguyên lý của pháp môn luôn thường hằng biến đổi để phù hợp với mọi căn tính và hoàn cảnh con người bằng sự khảo sát thực tại. Đằng này quý ngài chẳng những không khảo sát vào môi trường thực tại con người ngoài xã hội, mà còn ôm những pháp môn vào lòng quá chặt chẽ, đến nỗi làm cho những pháp môn không thở được. Pháp môn không thở được là pháp môn cằn cỗi đi đến chổ khô hạn như những con suối mùa hè không có nước do không mưa từ cội nguồn. Tức là đối với pháp môn qua nhận thức quý ngài là bất biến, nên chi quý ngài chủ trương chỉ diễn nói lý nghĩa y như trong kinh theo lối học từ chương. Vô tình quý ngài đã phản bội lại tinh thần chấn hưng Phật giáo của mình, và phản lại tư tưởng nhân sinh quan trong Phật giáo là hành giả Bồ tát phải thường hằng nghe thấy bản thể của pháp giới (con người và vạn hữu) trong vũ trụ trên đà biến dịch sinh tử trong từng sát na theo định lý duyên khởi trùng trùng bất tận mà sinh khởi tâm đại, để rồi sau đó tự trở thành người bộ hành không cô đơn khi đôi chân từ bi và trí tuệ bước vào xã hội của mình đang ở là vũ trụ bé nhỏ dù đang thịnh hay suy vẫn bước vào. Vì một xã hội con người luôn luôn chứa đựng nhiều đường ác. Chứ không phải xã hội suy mới có đường ác, thịnh thì không. Do vậy, tâm của hành giả xuất gia có dạt dào luôn tư duy về nỗi khổ đau của con người trên đất nước mà mình đang hiện hữu. Rồi từ đó mở tung đôi cánh cửa từ bi và trí tuệ trong lòng, bước ra xã hội mà tìm phương cách cứu khổ cho dân tộc mình, chính là Như Lai sứ giả đi theo dấu chân của Thái tử Tất Đạt Đa từ ngàn xưa.

BA CẤP TỪ BI TRONG ĐẠO PHẬT (1)

Đức Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Hai loài chúng sanh có Phật tánh cao hơn các loài, đó là loài Trời và Người. Giữa Trời và Người, loài người có Phật tánh cao hơn loài Trời gấp bội, do vậy mà tất cả chư Phật và Bồ Tát trong mười phương đều xuất thân từ loài người đúng như trong kinh Phật nói cõi người là một cõi dễ tu, mặc dù con người ai cũng có Phật tánh trong tâm, vì tâm là sở trụ của Phật tánh, nên nói rằng Phật tức tâm, tâm tức Phật. Chữ Tức ở đây là xác định Phật tánh có trong tâm mỗi con người, chứ không phải tâm là Phật. Tâm con người là một kho chứa đầy nghiệp lực cả thiện và ác. Nghiệp ác nhiều, Phật tánh khó mà trổi dậy, vươn lên và nở hoa từ bi. Nghiệp thiện nhiều, Phật tánh được trổi dậy, vươn lên nở hoa từ bi gọi là từ bi tâm. Phật tánh nhiều ở đây là chỉ cho mức độ trội hơn, lấn lướt đối với nghiệp ác, chứ không thể xác định số nhiều là bao nhiêu. Do vậy, Từ Bi Tâm trong tâm thức con người cũng theo đó mà có nhiều cấp độ từ bi. Nói khác hơn, Phật tánh trong tâm con người được vươn lên cao thấp, phát triển ở độ nào, đức tính từ bi ở cấp độ đó được biểu lộ ra hành động và lời nói đối đãi với mọi người một cách rõ nét ở trạng thái hòa ái, tử tế, đôn hậu, nhân đạo, yêu thương, nhẫn nhục, vị tha, hy sinh, nhớ ơn, đáp nghĩa …

I. CHÚNG SANH DUYÊN TỪ.

Chữ Duyên được cắt nghĩa gặp gỡ, móc nối, bắt gặp, nhìn thấy, nối kết. Chúng sanh duyên từ là lòng từ bi đối với chúng sanh trên cơ sở được gặp gỡ, nhìn thấy trực tiếp tận mắt những chúng sanh có tướng trạng tật nguyền, cùi lở, nghèo túng, đói khát…ở đâu đó, thì tâm thức mới phát sanh lòng từ bi thương xót, hoan hỷ, vị tha, rồi được thể hiện ra bằng hành động cứu giúp tiền tài vật chất và lời an ủi vỗ về. Sau khi chấm dứt hành động bố thí, cứu giúp chúng sanh, tâm từ bi của con người cũng tan biến đâu mất, không còn quan tâm, nhớ nghĩ gì đến đối tượng mà mình đã cứu giúp vừa rồi. Tâm từ bi được thể hiện ra do điều kiện gặp gỡ, nhìn thấy mới có, được gọi là tâm từ bi còn tướng trạng đối đãi vì khi gặp thì tâm sanh lòng từ bi, sau khi hết gặp lòng từ bi cũng tan biến, lặn chìm biền biệt theo năm tháng. Ví dụ một người suốt đời không hiểu lý nghĩa từ bi, bố thí là gì, nhưng mỗi lần thấy một người đàn ông có thân tướng nghèo túng đang đứng cầm bảng xin việc tại góc ngã tư đường, liền móc bóp bố thí cho người đàn ông đó một ít tiền khi xe ngừng chờ đèn xanh. Và có người phụ nữ nọ không theo tôn giáo nào cả, nên ý thức không chứa đựng một ý niệm từ bi, bố thí. Nhưng khi về đến làng quê tại Việt Nam, thấy tận mắt những bà con trong xóm mình quá ư nghèo đói, bệnh tật cùng cực, không cầm lòng nỗi, nên phát tâm bố thí tiền bạc, gạo cơm, áo quần, thuốc men cho bà con trong làng một cách nhân tình. Đến khi về lại Hoa Kỳ, tâm tư của người phụ nữ kia không lưu luyến, không cất giữ trong tâm những hình bóng người dân đói khổ mà mình đã ra tay cứu giúp, tức là tâm từ bi có sanh, diệt, có đối đãi như vậy, gọi là chúng sanh duyên từ.

II. PHÁP GIỚI DUYÊN TỪ.

Pháp, nghĩa là hình tướng của mỗi vật vô tình và hữu tình chúng sanh, gọi chung là vạn hữu. Tướng của mỗi vật đều có tự thể, nhưng giới hạn riêng của nó thì sai biệt khác nhau.

Giới, nghĩa là nhân duyên, cõi. Giới còn có nghĩa là Tính, vì các pháp phải dựa vào tính. Pháp giới nghĩa là thực tướng, chân như. Mỗi thân tướng chúng sanh đều gọi là pháp giới, cả vạn hữu chúng sanh đều gọi là pháp giới. Tất cả nhân loại trên thế giới, tất cả dân tộc trên đất nước đều gọi là pháp giới. Pháp giới là con người hữu tình, là súc sanh, là khác nhau, như tướng trạng của con người không ai giống ai: có kẻ cao, người lùn, kẻ ốm, người mập, vật thể này không giống vật thể kia trên cơ sở bình đẳng vô ngã tánh, mà bình đẳng vốn của sai biệt, vì các duyên tứ đại giả hợp mà thành bởi định lý duyên khởi trùng trùng không tận. Chỉ có chư Phật mới đứng ra ngoài pháp giới, không bị hạn cuộc của thời gian và không gian, nên mới gọi là Niết Bàn, là Phật. Còn tất cả vạn hữu và chúng sanh đều hiện hữu bởi duyên khởi tương quan với nhau, bị hạn cuộc vào không gian và thời gian. Tương quan một cách thâm tình đến nỗi đưa tay ngắt một đóa hoa hồng trước mặt đều làm lay động đến vạn vật trên địa cầu này và lay động đến cả các vì sao trong bầu trời xa xôi vô tận. Định lý duyên khởi tương quan trùng trùng không tận này, chỉ có các hàng Bồ tát và các hàng phàm phu (Tăng bảo và cư sĩ) nào có tình yêu xuất thế gian trí mới liễu ngộ định lý duyên khởi tương quan trùng trùng bất tận. Liễu ngộ định lý duyên khởi tương quan, tức là dùng tâm có trí tuệ để thấy sự sinh tồn của vạn hữu và con người không thể tự chủ trên cơ sở thiết lập bản thể và sự sinh tồn cho bản thể và kể cả sự hủy diệt bản thể để trở về không, phải tương duyên với các duyên khác mới được hiện hữu, mới được sinh tồn, và mới được hủy diệt, nên gọi là tương duyên sinh và tương duyên diệt. Riêng lãnh vực duyên sinh ở bản thân có sự sống của loài hữu tình chúng sinh, xã hội con người là một cộng đồng pháp giới duyên sinh khởi lên vô số hình thái sống thật là đa dạng và phức tạp tại các môi trường sinh khởi, mà trong đó từng cá nhân con người là một tiểu ngã pháp giới chủ động và linh hoạt trong vai trò tạo tác một sự nghiệp sống cho mình và cũng là nguồn sống cho tha nhân vốn của định lý duyên khởi. Dù sự nghiệp riêng của từng con người là nghề nông, thợ rèn, kỹ sư cơ khí, chăn nuôi, chài lưới, thương gia, thợ dệt, tài xế, giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, v.v. Đó là sự nghiệp sống riêng của từng người. Nhưng, sự nghiệp của một người là nguồn sống cho tất cả mọi người, như người kỹ sư cơ khí làm ra máy cày cho người nông dân làm nên gạo cơm cho người kỹ sư cơ khí kia, và cho tất cả mọi người no lòng. Ngược lại, tất cả mọi người được ăn cơm no là do người nông phu làm ra thóc lúa để thành cơm. Mà được thành cơm cũng do người thợ điện cung cấp cho dòng điện mang nhiệt luợng (lửa). Cứ như thế, người này nương tựa sự nghiệp của người kia mà được có một đời sống ấm no và hạnh phúc từ vật chất đến tinh thần do trao đổi cho nhau nguồn sống theo định lý duyên khởi: “Một pháp (một con người) có mặt trong tất cả pháp (mọi người). Tất cả pháp (mọi người) có mặt trong một pháp (mọi người). Nói rõ hơn, một con người sống trên trần gian này đều phải nương tựa sự nghiệp của tất cả mọi người mới có thể sống. Ngược lại tất cả mọi người được sống là phải nương tựa vào sự nghiệp của một người mới có thể sống. Đó là phần sống thuộc vật chất ở bản thân. Nhưng phần sống ở bản thân như thế nào đều do tâm thức có hiểu biết, có kiến thức; như biết cách sử dụng máy móc, hiểu đạo lý xử thế (tề gia, trị quốc, bình thiên hạ), biết đọc chữ, biết làm toán, viết văn. v.v.của mọi người hôm nay không phải do con người đó tự có sự hiểu biết, mà phải do học hỏi với những người khác. Những người có kiến thức làm nhân duyên cho mọi người nương tựa vào để học hỏi làm thành đạt trên cơ sở sống ở vật chất và tinh thần; là những người gần nhất như cha mẹ, anh, chị, em trong gia đình và ra đến xã hội như các bậc thầy, cô giáo trong quá khứ và hiện tại. Xa hơn thế nữa là những nhà luân lý học, văn học, khoa học, bác học trên thế giới, đã chết hay còn sống, nhưng họ là những người thầy và đang trao truyền kiến thức đến cho mọi người trên thế giới, dù gián tiếp qua sách vở của họ nhưng không ra ngoài định luật trùng trùng duyên khởi. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dù đã vào Niết Bàn, nhưng Ngài vẫn còn hiện hữu qua giáo pháp trong Tam Tạng kinh điển là nhân duyên Phật pháp cho con người nương tựa vào đó mà tu tập để được giác ngộ giải thoát.

Con người trên trần gian này, bất luận ở trong giới nào một khi liễu ngộ được định lý duyên khởi là nền tảng cấu tạo các pháp hữu vi, thấy mình và vạn hữu đồng một bản thể bình đẳng vô ngã tính theo cục diện không gian, và vô thường theo thời gian. Từ đó họ là một bậc đại trượng phu quân tử, là người bộ hành không cô đơn, tức là kẻ đồng hành với muôn loài hữu tình chúng sanh bé nhỏ như con kiến, to lớn như con voi trên cơ sở yêu thương và bảo vệ mạng sống không sanh tâm sát hại một cách thường trực trong lòng. Với con người, người liễu ngộ định lý duyên khởi, tâm thức của họ là một bầu trời từ bi trí tuệ bao la vô tận, nên tình thương yêu đối với tất cả mọi người từ trong gia đình, quyến thuộc, ra đến quốc gia, xã hội và nhân loại trên thế giới một cách nồng nàn, không gián đoạn, không hạn lượng, thường trực hiện hữu trong lòng. Lúc nào cũng sẳn sàng ra tay cứu giúp và bảo vệ mạng sống cho mọi người. Sở dĩ con người liễu ngộ định lý duyên khởi mà khởi lên tình thương yêu vô bờ bến đối với tất cả mọi loài chúng sanh và con người như vậy là do tâm đã nhìn thấy định luật nhân quả nghiệp báo đang bao trùm lên khắp cả muôn loài chúng sanh, đang liên hệ, tương quan giữa vô số người này với vô số người kia nói riêng qua một lần hay nhiều lần đã từng làm cha, mẹ, anh, chị, em, chồng, vợ, con cái, quyến thuộc với nhau qua vô lượng quá khứ và ngay cả hiện tại, và sẽ trong tương lai, được thông qua định lý trùng trùng duyên khởi mà thành tựu bản thân, thành tựu sự nghiệp sống hay là trí tuệ giải thoát. Vì vậy mà không còn sanh tâm đố kỵ, biên kiến giữa ta và người; không còn có cái nhìn phiến diện, đều thấy tất cả thân tướng chúng sanh và ta là một bản thể vô ngã, thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, không còn phân biệt ta là thánh, người kia là phàm phu. Năng lực khởi lên tâm có tình thương yêu chúng sanh một cách bao la và thường trực, không gián đoạn, không sanh lượng trong lòng như vậy được gọi là tình yêu xuất thế gian. Do tính chất từ bi không sanh, diệt, không hạn lượng nên được gọi là pháp giới duyên từ hay là đồng thể đại bi. Nói một cách khác, con người một khi có hai đức tính từ bi và trí tuệ Phật đích thực trong tâm thức luôn luôn thấy biết định lý duyên khởi thường hằng hiện hữu không gián đoạn, không hạn hữu ở trong từng bản thân dị biệt của vạn vật vô tình và hữu tình chúng sanh. Do vậy mà tâm thường khởi lên tình thương yêu chúng sanh một cách không ngừng nghĩ, không hạn lượng do tính chất từ bi trong tâm thức không sanh, diệt, không hạn lượng, đối đãi bình đẳng, không phân biệt, thấy mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh, nên gọi là pháp giới duyên từ.

III. VÔ DUYÊN TỪ HAY VÔ DUYÊN ĐẠI BI.

Hai chữ vô duyên ở đây, xin đừng hiểu là không có duyên, không quyến rũ. Vô duyên từ là một cụm từ chỉ cho lòng từ bi thương yêu muôn loài chúng sanh một cách đại bi, hiển nhiên, không do dự, không dựa vào nguyên lý, định luật, điều kiện nào, và cũng không hò hẹn, đợi chờ bắt gặp đối tượng, hoàn cảnh phát động ra tình thương yêu muôn loài chúng sanh một cách liên tục không gián đoạn một giây phút nào cả, như mặt trời trên bầu trời chiếu ánh nắng xuống thân hình của vô số lượng muôn loài vô tình và hữu tình chúng sanh đang hiện hữu trên mặt trái đất một cách thường hằng liên tục không ngừng nghỉ, không chọn lựa chổ này chiếu sáng, chổ kia không chiếu sáng, đều chiếu ánh sáng một cách bình đẳng lên mặt trái đất. Sở dĩ một nữa của quả địa cầu bên này là ban ngày, bên kia là ban đêm là do bản thân của quả địa cầu tự xoay vòng và đi chung quanh mặt trời không bao giờ di chuyển, đổi thay. Cũng như vậy, tánh và tướng từ bi của chư Phật, Bồ tát, chư vị Tổ sư, các hiền thánh Tăng, và chư tôn giáp phẩm trong đạo Phật không bao giờ đổi thay, vẫn đứng yên, vẫn hiện hữu muôn đời trong tâm thức quý ngài, nên thường hằng yêu thương loài chúng sanh một cách không chọn lựa đối tượng và không bao giờ ngừng nghỉ. Chính tâm từ bi đứng yên một chổ không sanh, diệt và thường hằng thương yêu chúng sanh được thể hiện ra lời nói và hành động cứu khổ một cách bình đẳng là cái nhà Như Lai của quý ngài.

BẢN MÔN VÀ TÍCH MÔN

Bản hay là Bổn, nghĩa là nguyên gốc, cội gốc, nguồn gốc. Môn nghĩa là cửa. Nhưng nói về giáo pháp Phật, Môn nghĩa là phương tiện. Tích nghĩa là gom góp, tích tụ . Như nói gom góp công đức, tích tụ thiện nghiệp.

Trong lãnh vực Phật giáo, Bản Môn đúng theo huyền nghĩa là trí tuệ, pháp thân, Phật pháp thân. Tích Môn nghĩa tạm là Tăng thân, bản địa thân, bản thân tứ đại và sự nghiệp tu hành và hằng hóa của Tăng, Ni. Với chư Phật, trong 28 phẩm Pháp Hoa, 14 phẩm trước Phật thuyết minh về Tích Môn bản địa Phật thân; 14 phẩm sau Phật thuyết về Bản Môn của các bản địa Pháp thân Phật, nên gọi là Bản Môn của Pháp Hoa.

A. BẢN MÔN và TÍCH MÔN THEO NGHĨA CỦA THẾ GIAN

Bản Môn và Tích Môn luôn luôn đi song hành với nhau như hình với bóng theo quy luật tương quan: cái này có, có cái kia. Có hình thì mới có bóng, chứ bóng không thể tự nhiên mà có được. Có nhân thì mới có quả, chứ quả không thể tự nhiên có. Có ăn thì bụng mới no. Có tích sử mới diễn dịch nên tuồng. Con người có tích cực ra sức học tất cả các phương thức bào chế các thứ thuốc, phương cách y khoa chửa bệnh, lý thuyết và cách thức nhổ răng…một cách nhuần nhuyễn mới có thể thi đỗ bằng cấp trở thành Dược sĩ, Bác sĩ, Nha sĩ …Đó là tích môn của người thế gian, tức là có quá trình huân tập, góp góp, tích tụ cái sở học vào tâm thức (tàng thức – A Lại Da thức) làm thành sự nghiệp cho đời sống thực tại. Sự nghiệp sống của người dược sĩ, bác sĩ, nha sĩ, là có tiệm thuốc, phòng mạch. Công việc hằng ngày của họ là bán thuốc, mặc chiếc áo chữa bệnh, đeo vào tai dụng cụ đo tim mạch, cầm trên tay dụng cụ nhổ răng…, đó là Tích Môn. Nhưng Tích Môn được có là do Bản Môn. Bản Môn là cái hiểu biết chuyên môn của nghề nghiệp dược sĩ, bác sĩ, nha sĩ do qua sở học mà có. Nó đang hiện hữu trong tâm thức. Khi nào nó được hiện hành ra lời nói và hành động bán thuốc, chữa bệnh, nhổ răng là lúc con người dược sĩ, bác sĩ, nha sĩ đang tri hành sự nghiệp của mình. Cho nên tích môn là con người có sự nghiệp được gắn liền với nhau như hình với bóng, như nhân với quả. Bóng được có do hình, quả được có do nhân, Tích Môn được có do Bản Môn. Bản Môn được hiện hữu và tồn tại trong tâm thức con người, không thể mất. Còn Tích Môn được thường trực hiện hữu hay bị gián đoạn là do tùy thuộc vào hoàn cảnh thế gian mà có thường, có đoạn.

B. BẢN MÔN và TÍCH MÔN CỦA NGƯỜI TRONG ĐẠO PHẬT.

Nhìn vào một ngôi chùa, một thiền viện ta thấy trong đó có hai hạng người Tăng, Ni và nam, nữ cư sĩ Phật tử thường gọi là tín đồ Phật giáo. Cả hai hạng Tăng, Ni và nam, nữ Phật tử được gọi là bốn chúng đệ tử Phật. Con người quay về với Đức Phật được Ngài cho đứng vào hàng ngũ bốn chúng (Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, và Ưu Bà Di) khi con người đó có Tích Môn và Bản Môn đạo pháp.

I . BẢN MÔN VÀ TÍCH MÔN CỦA TĂNG NI:

Trước hết là Tích Môn, Tích Môn của vị Tăng, Ni thực tại hiện hữu về thân tướng là đầu tròn, áo vuông, đi đứng có trạng thái oai nghiêm chững chạc. Nói lời ái ngữ và khiêm nhường hạ mình vô ngã với thái độ khiêm cung trước mọi người trong đối đãi bình đẳng. Đó là đạo đức Phật giáo do tâm đã thuộc nhuần nhuyễn lời Phật dạy trong hai cuốn luật Sa Di và Oai Nghi của người xuất gia, nên được hiện ra thân tướng, đúng với câu “nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm là biểu hiện của địa ngục, cũng là Niết Bàn, Tịnh độ.

- Tích Môn về đạo pháp. Đạo Pháp của Tăng, Ni là phụng trì Chánh pháp. Nghĩa của “Phụng trì” là duy trì chánh pháp được trường tồn, giữ gìn chánh pháp đừng để mất mát, và phát triển Chánh pháp bằng nhiều cách vào tận trường đời thế gian chứ không phải riêng ở tại một ngôi thiền viện, chùa chiền. Cho nên bản thân các Tăng, Ni đều ở cùng một ngôi vị, một chức vị là trù Trì tại một ngôi chùa, thiền viện, tu viện. Không còn chức vị nào khác. Nếu có chỉ là sự đặt để có tính cách tạm thời như là Giáo thọ, A xà lê tại các giới đàn mà thôi. Phụng trì chính là vị Trù Trì, mà vị Trù Trì phải làm cái việc phụng trì Chánh Pháp với bổn phận và trách nhiệm ắt phải có. Cho nên nghĩa của Trù Trì là thông suốt Tam tạng Kinh, Luật. Luận để biết mà tự tu tập để có tự giác. Sau khi tâm thức giác ngộ chân lý (tự giác), năng lực giác ngộ ấy là động cơ thúc giục vị Tăng, Ni làm công việc giác tha. Tức là nói lại giáo pháp mà mình đã hiểu, đã ngộ cho mọi người được hiểu như mình để mà tu tập đạt mục đích mong cầu nơi đạo Phật là trí tuệ giác ngộ. Lời nói pháp và hành động hướng dẫn người Phật tử nghe pháp, tu tập giáo pháp của các vị Tăng Ni được gọi là hoằng hóa độ sanh đúng với câu: “Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”. Hóa độ chúng sanh của các vị Tăng, Ni đặt để trên cơ sở giải thoát cho người sống và người chết. Cho người sống bằng giáo pháp phổ thông qua các kinh điển và luận giảng. Cho người chết bằng giáo pháp ứng phú đạo tràng. Ý nghĩa vai trò của vị trù Trì là phải hội đủ cả hai pháp trên, không thể thiếu một. Cho dù vị Tăng, Ni không ở tại chùa hay thiền viện, mà sống riêng ở am, cốc, vẫn được đứng trong ngôi vị Trù trì vì thuộc hai chúng xuất gia. Mà hễ xuất gia là đúng nghĩa: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Mà hạ hóa, tức là hóa độ chúng sanh phải thực hành hai pháp như đã nói ở trên. Riêng về phần hóa độ cho người chết, ngoài việc đi làm lễ cầu siêu, nếu có. Còn bằng không, cơ bản của người Tăng, Ni là sau mỗi thời tụng kinh, ngồi thiền, trì chú, đều có lời phục nguyện cho tất cả các loài vô tình, hữu tình đều có lời nguyện cho tất cả các loài vô tình, hữu tình pháp giới chúng sanh trong các cõi; nhất là địa ngục quỷ, A tu la, âm hồn, cô hồn…mau mau chóng thành Phật đạo.

Tích Môn của chư vị Tăng, Ni như đã được trình bày qua là như vậy, hay còn gọi là Đạo Nghiệp. Sự nghiệp tu hành và hóa độ chúng sanh. Tích Môn của vị Tăng, Ni trong thực tại hiện hữu được thăng tiến lên ba ngôi vị đạo hạnh: Giới hương, Định hương, và Huệ hương, gọi là thành tựu công đức phụng trì Chánh pháp viên mãn do đúng Chánh đạo, hay là bị trì trệ ngưng đọng đều do Bản Môn trong nội thức. A lại Da chỉ đạo theo quy luật “ Có cái này mới có cái kia”. Ngược lại “không có cái này, không có cái kia”. Với những Tăng, Ni vốn có Bản Môn và Tích Môn đích thực trong nội thức A lại Da thì không bao giờ có vấn đề “không có cái này, không có cái kia”. Nói khác hơn, Tăng, Ni chánh tông đều có Bản Môn và Tích Môn đích thực. Thì luôn luôn phụng trì Chánh pháp đúng Chánh đạo không sai phạm chân lý của giáo pháp Phật. Sở dĩ nói “trì trệ, ngưng đọng” trên vận hành Tích Môn là do vì hoàn cảnh nào đó như chiến tranh, bị bạo quyền ngăn cản, thiên tai …Chứ Bản Môn trong tâm thúc vẫn thường hiện hữu một cách trường tồn không sanh, không diệt, hay ngưng đọng. Giống như ánh trăng trên bầu trời thì thường hằng bất diệt. Còn bóng trăng dưới nước tại trái đất khi có khi không là do điều kiện của nước trong, đục, hay dơ bẩn. Cho nên Tích Môn được có là do bản Môn. Bản Môn của những phàm phu tăng, Ni trong thời đại ngày nay là tâm thức có thiện căn thường gọi là quả báo thiện nghiệp. Quả báo thiện nghiệp của phàm phu Tăng, Ni chỉ là một chiếc lá to, một chiếc lá vừa, một chiếc lá nhỏ trong rừng công đức (công đức lâm) của Phật mà thôi. Cho nên Bản Môn của Tăng, Ni chưa phải là ánh trăng trên bầu trời. Chỉ có Đức Phật mới là ánh trăng trên bầu trời. Sở dĩ ví dụ như ánh trăng là để làm sáng rõ cái nghĩa rằng: hễ có quả báo thiện nghiệp trong tàng thức A lại Da, là có ngay sự nghiệp (Tích Môn). Tu và hành đạo giác tha cứu khổ ban vui cho chúng sanh về mặt vật chất (ly khổ đắc lạc) và tinh thần về mặt giáo pháp giải thoát (chuyển mê khai ngộ, đoạn hoặc chứng chân). Quả báo thiện nghiệp của các vị Tăng, Ni chắc chắn không đồng cỡ mà đồng tánh , tức là cấp độ giác ngộ, vị này cao, vị kia thấp. Vì chỗ tánh giác ngộ cao, thấp ấy, chư vị tổ sư, chư tôn giáo phẩm tiền bối và hôm nay (Tăng, Ni) trên thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng, mỗi vị có hạnh Bồ tát hóa độ chúng sanh riêng biệt gọi là phương tiện (Tích Môn) nhưng cốt lõi chơn lý (Bản Môn) không bao giờ đổi thay. Chính phương tiện hóa độ sai biệt này là chất liệu bồi đắp cho Bản Môn trong nội thức được thêm to lớn gọi là Bồ Đề Tâm tăng trưởng. Nói rõ hơn, lấy Tích Môn xây dựng thêm tầng lầu trí tuệ cho căn nhà Bản Môn. Cứ như thế từ kiếp này cho đến vô lượng kiếp sau, kiếp nào quý Ngài cũng sử dụng Tích Môn để xây dựng Bản Môn cho đến khi nào Bản Môn thành mặt trăng trên bầu trời, nhưng vẫn thường hằng có mặt tại thế gian (Tích Môn) tức là bóng trăng dưới nước.

Cách thức xử dụng Tích Môn để xây dựng Bản Môn của chư vị Tăng, Ni có hai giai đoạn cùng một lúc của một kiếp người. Do Bản Môn là quả báo chứa đựng nhiều chủng tử thiện của kiếp trước mà kiếp này được cha mẹ sanh ra và nuôi nấng lớn lên, quý ngài liền được nhận vào tu viện, được học hành Phật pháp và thế gian pháp, được tôi luyện trong cái lò giáo luật và nội quy rất lâu từ mười lăm năm đến hai mươi năm. Giữa thời gian này, quý ngài được thọ đại giới Tỳ Kheo. Sau khi đã đỗ đạt thành tài, quý vị Tăng, Ni lên đường làm rất nhiều công việc, nào là vừa tiếp tục tu tập, vừa phụng trì chánh pháp và phụng sự chúng sanh. Đó là Tích Môn của hai giai đoạn: Một là nhập vào tu viện được học hành, hai là trên vận hành phụng trì chánh pháp và phụng sự chúng sanh. Mặc dù Bản Môn kiếp trước của quý Tăng, Ni có chứa đựng tối thiểu một ít giáo pháp, từ bi, và sự hiểu biết. Nhưng Bản Môn chứa đựng giáo pháp sẳn có lại là một năng lực có sức đưa đẩy vị Tăng bảo khi lớn lên ở dưới tuổi vị thành niên, hay vị thành niên phải nhập vào tu viện, phải gặp chư Tăng bảo tối thượng để mà được giáo dục theo tinh thần giáo dục thiền định của Đức Phật. Ấy thế vậy mà chư tổ xưa vẫn có lời: “Tri đạo tức học đạo, kiến đạo, tu đạo và chứng đạo”. Câu này có nghĩa là: “Biết đạo là do học đạo. Học đạo mới thấy rõ đạo. Thấy rõ đạo mới biết cách để tu đạo và hành đạo hóa độ (Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh). Mà hễ có tu đạo đích thực là có chứng đạo giác ngộ đúng theo quy luật “cái này có, cái kia có”.

- Tư tưởng của chư Tổ trong câu trên được hàm ý như thể khuyên bảo và khuyến cáo những con người trong trần gian này: Ai đó không có Bản Môn và Tích Môn Phật giáo trong tâm thức, mà đã lỡ trở thành Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử có đủ áo mão cân đai, màu cờ, sắc áo Phật giáo do lòng nhiệt tình muốn lãnh đạo tập thể cư sĩ tại ngôi chùa, thiền viện trong cái gọi là hoằng hóa độ sanh, phụng sự Tam Bảo theo cái nghĩa “thời thế tạo anh hùng”, thì hãy đóng cửa am, cốc mà tọa thiền, học Phật ở Tam tạng kinh điển để kiến tạo trí tuệ thành Bản Môn Phật pháp ngay tại kiếp này. Có như thế, Tích Môn của kiếp sau mới đích thực là Tích Môn Phật pháp. Đúng như tư tưởng của chư tổ xa xưa của tông phái Khôi Sơn Kê Dận Bộ sau đây: “Xuất gia vị thuyết pháp. Thông mẫn tất kiêu mạn. Tu xả vị thuyết tâm. Chánh lý chánh tu hành”. Nghĩa là làm Tỳ kheo mà để sức vào việc giảng kinh thuyết pháp lanh lợi, thời tập quán càng sâu, kêu mạn càng lớn, chỉ lợi cho đa văn chứ không lợi ích cho đường giải thoát. Cho nên Phật không tán thành giảng kinh thuyết pháp, cần nên bỏ thuyết pháp mà thuyết tâm”. Thật sự đây là tư tưởng về vô vi giáo pháp quan của Đại Thánh Chúng Bộ Khai Sơn kê Dận chủ trương dứt trừ phiền não bằng Tuệ học và Định học để mau đạt Trí Tuệ giải thoát. Rõ thực khi tâm người xuất gia có Định lực và Huệ lực là bài thuyết pháp hùng hồn nhất. Bởi vì Định và Huệ được hiện rõ ở thân tướng thay cho lời pháp nên gọi là Thuyết Tâm, hay gọi là tướng hảo đạo hạnh trang nghiêm là năng lực làm cho các quỷ thần phải kinh sợ (Đức trọng quỷ thần kinh), và làm chuyển hóa tâm ác con người thành thiện, đúng như trong kinh Phật có câu “Nhược nhơn chuyển vật tức đồng Như Lai” (nếu ai đó chuyển được vật, được người, tức đồng với chư Phật). Phải bằng thân tướng chứ không bằng lời pháp tức là thuyết tâm. Để chứng minh dùng thân tướng có đức tánh từ bi và trí tuệ trong việc hóa độ con người qua câu chuyện sau đây: Cách đây mấy thập niên, tại Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan, có một vị Tăng bảo với pháp hiệu Thích Thánh Nghiêm, tuổi đời gần 40, có trình độ đại học đời và Phật pháp nên thuyết pháp rất mạch lạc về khế lý của từng bài pháp. Thân tướng thầy cao ráo, hồng hào, và đức độ trang nghiêm chững chạc, khiêm cung, ái ngữ trong đối đãi. Thầy thuyết pháp một cách chậm rãi và lưu loát, rõ ràng từng khế lý, chứ không phải nói sai hay nói dở. Ấy thế thầy đã bị thất bại trên vận hành hóa độ, tức là thầy không độ được Phật tử nào cả. Mỗi lần thầy thuyết pháp, số người đến nghe có đến mấy trăm, nhưng nghe nữa chừng, họ từ từ bỏ ra về, chỉ còn lại một số ít vì cảm thương thầy. Sở dĩ hàng trăm người bỏ ra về không nghe thầy thuyết pháp nữa là vì thầy đang ở góc độ cực đoan không đứng trung đạo mà thuyết pháp. Cực đoan của thầy là quá ư nghiêm túc bằng thái độ không nhìn cữ tọa, tức là thầy từ ngoài đi vào tòa giảng, nếu lỡ nhìn lên là nhìn lên mãi. Nếu lỡ nhìn xuống bàn là nhìn mãi nơi bàn suốt cả tiếng đồng hồ. Sở dĩ thầy không nhìn xuống Phật tử khi nói pháp là vì thầy có quan niệm rằng nếu nhìn người nghe mà nói pháp, tâm của mình sẽ khởi lên niềm khoái cảm rung động, tự đắc, ngã mạn khi nhìn thấy người nghe có trạng thái hỷ lạc do hiểu lời pháp của mình, hay là bực bội buồn phiền khi nhìn thấy người nghe có trạng thái ngơ ngác, trầm tư do không hiểu lời pháp của mình. Và thầy lại sợ rằng Phật tử nam phê bình là thầy nhìn Phật tử nữ khi thuyết pháp, v.v. Do mấy cái sợ đó mà thầy đã đi vào góc độ cô đơn, nếu không nói là càng huệ, tức là trí huệ khô cằn được hiển lộ ra thân tướng, cho nên tâm thức của hàng trăm người trong hội trường cũng bị khô cằn như thầy. Vì vậy mà thầy không độ được người do bản tích cực đoan lãnh đạm của thầy.

Với người Tăng bảo có tàm quý (biết xấu hổ), thầy Thích Thánh Nghiêm tự tư duy thấy lại mình không có duyên hóa độ người, nên chi thầy quyết định không thuyết pháp nữa, đóng cửa am, nhập thất tu thiền định một thời gian để hy vọng phá trừ cực đoan khô cằn để gây duyên hóa độ Phật tử. Nhưng xét lại, thầy cũng không thể nào hóa độ được, thầy bèn nhập thất tu thiền tiếp. Nhưng nhập thất mới đến tuần thứ ba của đợt hai, thầy Thánh nghiêm ra thất, rồi mời một số người Phật tử thân tín đến mà nói: “Thầy sống không độ đời được, thầy lấy cái chết để độ đời”. Sau đó thầy cho các đệ tử thân tín biết ngày giờ sắp tới thầy sẽ viên tịch (chết). Và dặn dò Phật tử cách chôn cất thầy đúng y như lời thầy dạy là: Thầy mặc y áo, ngồi tĩnh tọa trước điện Phật tụng kinh chừng mười phút, thầy tắt thở viên tịch. Các đệ tử cứ để thầy ngồi như vậy mà để ngồi vào trong cái lu to, rồi đậy nắp, trét xi măng, đem để trên đồi sau lưng thiền thất của thầy với thời gian năm năm. Sau năm năm cũng vào giờ này, các Phật tử mở nắp lu ra. Nếu xác thân của thầy bị thối, bị rã ra thì các Phật tử đem thêu. Nếu không hư thối, tức là da thịt còn nguyên như người sống, các Phật tử tùy theo đó mà định liệu. Quả thật năm năm sau, Phật tử mở nắp lu ra, nhục thân thầy vẫn còn y nguyên từ da thịt đến y áo, và mặt mày hồng hào như lúc thấy sống đang ngồi tu thiền trong thiền thất vậy. Sau đó nhục thân thầy được chánh phủ Đài Bắc đưa về chùa Thiền Đạo trước mặt dinh Tổng Thống, và được hằng triệu triệu dân Đài Loan không phân biệt tôn giáo đều đến chiêm bái. Chẳng những chiêm bái mà còn tự tay quay về đạo Phật sau mấy chục năm bỏ Phật giáo theo các đạo khác.

2. BẢN MÔN VÀ TÍCH MÔN CỦA CƯ SĨ PHẬT TỬ TẠI GIA.

Nói đến cụm từ cư sĩ Phật tử tại gia là nói đến bản thân con người thế gian (nam, nữ) quay về với đạo Phật nhằm vào mục đích tìm cầu cho mình con đường giải thoát sinh tử là Trí Tuệ. Đúng nghĩa quay về đạo Phật là phải Quy Y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Quay về đạo Phật (tức là quy y tam bảo) không phải về không, mà phải nhận lãnh giới pháp (năm giới cấm cơ bản) và thực hành giới pháp. Trong ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng. Tăng Bảo biện hữu là người thay mặt Phật nói ý nghĩa quy y và truyền cho người quy y năm giới pháp. Sau khi nhận lãnh năm giới pháp, người quy y xin tự phát nguyện trước Tam Bảo là thề nguyện giữ giới. Được theo cùng giữ giới, người quy y bắt đầu mặc áo giới tức là áo Tràng Lam khi tụng kinh, lễ bái sám hối tại tư gia, tại chùa, thiền viện. Đây là ý nghĩa cư sĩ Phật tử ở giai đoạn một sau lễ quy y Tam Bảo. Ý nghĩa cư sĩ Phật tử ở giai đoạn hai là Bản địa tăng thân tức là Tích Môn. Khoảng Tích Môn này của người cư sĩ Phật tử là từ sau giờ phút quy y cho đến trăm tuổi già lâm chung; người cư sĩ Phật tử vừa làm ăn sinh sống theo sự nghiệp đời của mình như là dược sĩ, bác sĩ, nha sĩ, luật sư, bảo hiểm, công nhân, nông dân, v.v. lại vừa dành một ít thì giớ cho đời sống tinh thần là: hành thiền, tu bát quan trai, ăn chay định kỳ hay chay trường, niệm Phật Di Đà cầu vãng sanh, tụng kinh, niệm chú Đà La Ni, đọc sách Phật pháp một hai trang trước khi ngủ hay lúc nào thấy rãnh rỗi để được có thêm kiến thức Phật học và luôn luôn nhớ điều cơ bản là giữ năm giới đừng sai phạm. Tùy theo hoàn cảnh và khả năng, người cư sĩ Phật tử phát hạnh nguyện Bồ Tát Đạo bằng công việc Phụng sự Tam Bảo như: góp của góp công xây dựng ngôi chùa, đúc tượng, đúc chuông, cúng dường chư Tăng trong việc tổ chức lễ Phật Đản, Vu Lan, tưởng nhớ chư thánh tử đạo, v.v. Và phụng sự chúng sanh như: bố thí tài vật cho người nghèo khổ, cho người không nhà (homeless) một bửa cơm chay cùng với lời thăm hỏi . Đóng góp nuôi các em mồ côi và tàn tật, câm điếc, mù lòa. Chăm sóc tinh thần cho tập thể người già bằng lời pháp Phật tại chung cư, mở lớp dạy dưỡng sinh, khám bệnh miễn phí, tập yoga để tăng sức khỏe, ủy lạo và thăm viếng bạn đạo lúc đau yếu, hành lễ cầu an cho người cư sĩ khi bị đau bệnh, cầu siêu khi người cư sĩ qua đời, hành lễ truy điệu và cầu siêu cho các nạn nhân bị khủng bố, v.v. Phụng trì Chánh pháp như: Mời chư Tăng dạy Phật pháp, tự học Phật pháp với nhau qua từng thứ kinh, luận. Học nghi lễ và dạy nghi lễ cho các cư sĩ, viết giảng luận Phật pháp và dịch các thứ kinh (Cư sĩ Hạnh Cơ đã dịch xong Phật Học Giáo Khoa sơ cấp và đang dịch trung cấp và đại học từ chữ Tàu ra chữ Việt. Tác giả Phật Học Giáo Khoa là sư sĩ Phương Luân, người Trung Hoa). Mua giờ để phát thanh giáo lý (Đài Hương Sen). In các thứ Kinh và sách Phật pháp, và báo chí Phật giáo…

Ngoài đạo pháp của cá nhân cư sĩ là tự tu, tự giác, phụng sự, phụng trì, người cư sĩ còn có bổn phận đối với quê hương đất nước trong nghĩa vụ bảo vệ, xây dựng và biết ơn. Bảo vệ là đấu tranh, chống các bạo lực ngoại xâm, bạo quyền chủ nghĩa tham vọng cai trị dân bằng gông cùm, xiềng xích như bạo quyền cộng sản Việt Nam hiện hay, như bạo lực khủng bố 09-11-2001 tại New York vừa qua . Xây dựng quê hương theo đà văn minh vật chất của nhân loại là tự do, dân chủ, nhân quyền là nền tảng làm cho dân giàu, nước mạnh. Biết ơn tổ tiên, các bậc tiền nhân, chư vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng nước và giữ nước. Biết ơn các vị tổ sư, chư Tăng tiền bối đã có công phụng trì Chánh pháp được trường tồn hôm nay . Quê hương mà người cư sĩ Phật giáo bảo vệ và xây dựng, không riêng gì nơi sanh ra, nơi chôn nhau cắt rốn, mà có cả vùng đất tạm dung, đó là quê hương thứ hai . Vì khi ở, lòng cảm thấy yêu quý những con người và vạn vật nơi ấy . Khi ra đi, lòng cảm thấy ngậm ngùi, thương và nhớ tất cả những kỷ niệm sau lưng. Đó là nghĩa quê hương của con người có đạo lý nhân bản. Và đó là nghĩa quê hương của đạo lý hòa nhập vào dòng sinh mệnh dân tộc của đạo Phật khi người của đạo Phật có mặt ở xứ sở đó . Hòa nhập để cứu khổ ban vui và chuyển hóa tâm vô minh của con người thành tâm có trí tuệ là con người giải thoát.

Những yếu tố thiện nghiệp mà người cư sĩ Phật tử gom góp tích tụ để xây dựng cho mình một Bản Môn phải là Thiện nghiệp Đạo Pháp và Thiện nghiệp thế gian (đời). Cả hai thiện nghiệp Đạo và Đời được song hành tương quan duyên khởi mà sanh ra quả “tướng dụng” là chất liệu kiến tạo Bản Môn. Vẫn biết rằng nhân duyên hòa hợp sanh ra giả tướng, hư vọng, nói như kinh Niết Bàn. Nhưng nếu không nương vào những hiện tượng giả tướng thiện nghiệp ấy, bằng cớ vào đâu mà xây dựng Bản Môn? Chính Đức Thế Tôn Mâu Ni trước khi thành Phật, Ngài là con người đã sống giữa cõi trần gian trong vô lượng kiếp để thực hiện các hành động thiện nghiệp Đạo và Đời trong việc xây dựng cho Ngài một Bản Môn. Phật nói: “Ta vốn ở trong cõi Ta bà thế giới này từ vô lượng kiếp, chứ không phải mới sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni”.Cho nên Đức Phật được sanh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni, làm thân Thái Tử, đi xuất gia, thành đạo, nói pháp torng 45 năm, và nhập Niết Bàn, đó là Tích Môn. Nhờ Bản Môn mà có Tích Môn, Tích Môn tạo ra Bản Môn. Do hành Tích Môn làm sáng tỏ Bản Môn. Từ đó Bản Môn hướng dẫn Tích Môn tri và hành thiện đạo tại thế gian và đạo pháp. Tri ở đây là tri đạo tức học đạo, học đạo biết cách hành đạo. Hành đạo có chủ động định hướng hình thái Tích Môn để xây dựng Bản Môn từ bắt đầu chưa có, đến khi có được sáng tỏ thêm, mới chỉ là kiến đạo, chưa phải là chứng đạo, vì vậy mà nghĩa của tri là hướng dẫn hành. Hành để làm sáng tỏ và kiến tạo Bản Môn. Những điều kiện để hành đạo thiện nghiệp tại thế gian và trong Phật giáo đều là giả tướng duyên sinh vô ngã y tha khởi tính. Tức là người cư sĩ Phật tử nương tựa (y) những công việc thiện nghiệp Đạo, Đời (tha) để kiến tạo Bản Môn bằng lời nói và hành động vô ngã không chấp rằng chỉ làm phật sự tại chùa mới có công đức, làm việc thiền đời không có công đức. Sự thấy đó gọi là không biến kế chấp, tức là tâm đã thấy được: không có hiện tượng nào thực tại hiện hữu độc lập với các hiện tượng khác. Kinh Trường A hàm nói: “Cái này có cái kia có, cái này không cái kia không, cái này sinh cái kia sinh, cái này diệt cái kia diệt”.Người cư sĩ phải thấy ngay từ lúc hành thiện nghiệp. Và sau khi chấm dứt hành thiện nghiệp, người cư sĩ không còn để lại ý niệm: phước đức, công đức, việc chùa có công đức, còn việc thiện đời có phước đức…trong tâm thức. Không có biến kế chấp vọng thức đó, là năng lực chuyển hóa tâm vô minh thành tuệ giác Bản Môn. Có người cho rằng: các đạo khác làm việc từ thiệ, đạo Phật cũng làm việc từ thiện, có khác gì nhau! Khác lắm chứ . Chính đạo Phật đã khẳng định: “ Người trong đạo Phật làm việc thiện dù nhỏ hay lớn, cuối cùng cũng vẫn phải xây dựng trên tinh thần vô ngã”.

3. BẢN MÔN VÀ TÍCH MÔN CỦA CHƯ PHẬT VÀ BỒ TÁT.

Chư Phật và Bồ Tát trước khi thành Phật, thành Bồ Tát, quý ngài là người bằng xương, bằng thịt, có cha mẹ, anh chị em và quyến thuộc nội ngoại tại thế gian cõi người. Người phàm phu tứ đại của quý Ngài có khi là thân tướng cư sĩ trong kiếp này, có khi là thân tuớng Tăng, Ni ở kiếp sau. Nhưng dù hình tướng nào có sự nghiệp sống trong đời ở giai cấp thượng nhân xuất thế, trung lưu hay thứ dân trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Tâm thức của quý Ngài là một kho tàng chứa đựng bốn tấm lòng vô lượng: từ, bi, hỷ, xã. Bổn đức tính này chính là năng lực Phật, Pháp, Tăng khiến cho tâm tư quý Ngài hằng chuyển hướng đến chúng sanh trong trường đời ở mọi giai cấp bằng đôi chân từ bi và trí tuệ, để rồi phát nguyện hòa nhập vào dòng sinh mệnh chúng sanh bằng đôi chân máu thịt (tứ đại) của mình trên vận hành cứu khổ, ban vui, giải trừ ách nạn cho chúng sanh bằng giáo pháp “Ly khổ đắc lạc”, và giáo pháp “chuyển mê khai ngộ - đoạn hoặc chứng nhân” cho chúng sanh một cách thường trực, chứ không phải đợi chờ nghe, thấy, biết đến những hiện tượng khổ đau, đói khát, lạnh lùng, tật nguyền, áp bức, bạo hành, hình sự tội ác…của chúng sanh đang hiện hữu ở đâu đó. Sự không thấy biết những hiện tượng khổ đau của chúng sanh mà tâm tư và hành động luôn thường cứu khổ gọi là “vô duyên từ”. Bởi vì những hiện tượng: sanh, già, bệnh, chết, khổ đau, tật nguyện, bạo hành, v.v.của chúng sanh là một sự thật hiển nhiên không thể tránh khỏi (bất khả tỵ) theo định luật duyên khởi sanh, diệt trùng trùng bất tận, mà vô minh của chúng sanh là cái lực tự mình tạo ra cho mình những điều không thể tránh khỏi trên.

Với một con người có từ bi và trí tuệ trong lòng như Chư Phật và Bồ Tát lúc còn làm thân người trong ba đời quá khứ, hiện tại, và vị lai, quý Ngài không thể ngồi im trong tháp ngà dù sự nghiệp là vua, quan, tể tướng, thương gia, trí thức, hay thợ thuyền, công nhân, và nông dân, và thậm chí là kẻ ăn mày… vẫn quan tâm và hòa mình vào mọi giai cấp con người trong xã hội để hành các thiện đạo (Bồ tát Đạo) mà cứu vớt chúng sanh được mau ra khỏi sự áp bức bởi các bạo lực, khổ nạn, dốt nát, nghèo đói, vô minh, si mê, v.v. bằng thế gian pháp và Phật pháp. Hai thứ việc thế gian pháp và Phật pháp mà tiền thân làm người trong vô lượng kiếp trước của chư Phật và Bồ tát đã hành động độ tha bằng vật chất, giác tha bằng Đạo Pháp vì an vui hạnh phúc và giải thoát cho chúng sanh từ một việc thiện rất nhỏ ví như bằng một con tem 37 cents hay tờ giấy. To lớn như xây một ngôi chùa, đúc một đại hồng chung, v.v. đều được xây dựng trên tinh thần vô ngã. Bởi vì hành động Bồ Tát đạo như vậy không phải vì lợi ích cho mình, mà vì lợi ích cho chúng sanh, nên mới gọi là công đức. Vì chữ công trong hành động Bồ Tát Đạo có nghĩa là bỏ công sức, tiền tài vật chất và thời gian ra mà làm các việc cứu giúp chúng sanh (công cộng, cộng đồng) với tinh thần tinh tấn, đức tính nhẫn nhục hăng say và nhiệt tình Ba la mật. Cho nên trí tuệ được kiến tạo ngay giữa lòng công việc phước thiện cho đời, cho đạo pháp một khi tâm tức con người buông xả tất cả không mong cầu phước đức, công đức gì hết từ lúc sanh khởi ý niệm hướng về công việc phước thiện cho đến sau khi hoàn thành, vì vậy mới gọi là Phước Huệ song tu. Năng lực giải thoát sanh tử luân hồi là Trí Huệ (trí tuệ), chứ không phải là do phước báo, phước đức mà được giải thoát.

Môi trường có hiệu năng tiêu diệt bản ngã, chuyển hóa tâm vô minh, bỏn sẻn, ích kỷ…để tâm tánh được biểu lộ càng lúc càng cao, (đó là trí tuệ giác ngộ), chỉ có tại trường đời, chợ đời, chứ không phải nơi am cốc, chùa chiền đúng với tư tưởng của Đại thừa Phật giáo. Nơi nào không có bóng dáng, hình thái Phật giáo, chính nơi ấy vẫn có chư Phật và Bồ tát xuất hiện bằng thân tướng thế gian, nhưng tâm thức được chứa đựng một tình yêu xuất thế gian trí trong công việc cứu khổ cho đời.

Ai là người thấy được, biết được những con người trong các giai cấp từ thức dân tầm thường cho đến trung lưu, thượng trần trí thức tại chợ đời không có mang nhãn hiệu Phật giáo nào nơi thân tướng mà lại làm những công việc từ thiện giúp đời với tinh thần bất vụ lợi. Chỉ có người xuất thế gian trí mới thấy được. Chẳng hạn như Bồ tát Trí Tích đã thấy tiền thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong vô lượng kiếp trước khi làm thân người, ngài đã làm vô số lượng công việc cứu khổ ban vui cho chúng sanh với tinh thần tinh tấn nhẫn nhục. Trí Tích Bồ tát đã nói: “Tôi thấy Đức Thích Ca Như Lai ở trong vô lượng kiếp làm những hạnh khổ khó làm, chứa nhiều công đức để cầu đạo Bồ Đề chưa từng có lúc thôi dứt: ta xem trong cõi tam thiên đại thiên nhẫn đến không có chổ nhỏ bằng hột cải, mà không phải là chỗ của Bồ Tát bỏ thân mệnh để vì lợi ích chúng sinh, vậy sau mới được thành đạo Bồ Đề”.(Kinh Pháp Hoa, phẩm Ngũ Bá Thụ Ký thứ tám, trang 308)

Qua đoạn văn trên (lời của Bồ Tát Trí Tích), đích thực Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã ứng thân làm người thế gian tại cõi Ta Bà không phải là một lần trong vườn Lâm Tỳ Ni cách đây gần ba ngàn năm, mà vô số lượng kiếp như vậy. Nếu không nói là hai đức tính Từ bi và Trí Tuệ trong tâm thức con người là một năng lực hòa nhập vào dòng sinh mệnh thế gian để hành động cứu khổ, ban vui cho chúng sanh theo quy luật “cái này có, cái kia có” mà quy định của nó không hạn lượng thời gian là bao giờ chấm dứt. Ở đâu có những hiện tượng sống và chết của chúng sanh, con người có từ bi, trí tuệ Phật hiện hữu sống với chúng sanh qua từng kiếp, từng kiếp nối tiếp nhau không ngừng gọi là vô lượng kiếp. Nhưng sống và chết của một đức Phật, một Bồ tát ứng thân làm người tại thế gian khác với sống và chết của người phàm phu. Sống và chết của người thế gian phàm phu là do lực của quả báo nghiệp dẫn dắt vào đường sanh, tử. Còn sống và chết của chư Phật và Bồ Tát là do chư Phật và Bồ tát tự làm chủ lấy sanh, diệt của mình bằng từ bi và trí tuệ nên khi cần sanh thì ứng thân làm người có cha - mẹ, có dòng họ nội - ngoại. Khi cần diệt thì tự xả báo thân tứ đại mà trở về lại cõi Niết Bàn, một cảnh giới vô tướng mà thể tánh của nó yên lạnh tịch tịnh tuyệt đối không có tướng trạng hữu vi nên không sanh diệt. Nhưng khi ứng thân làm người gọi là sanh, thì cái thể tánh yên lặng tịch tịnh vẫn hiện hữu trong tâm thức, tức là Đại Viên Cảnh Trí (trạng thái thanh tịnh giác ngộ của thức A Lại da – cũng gọi là Bạch tỉnh thức) sau khi các chủng tử ô nhiễm trong thức này bị chuyển đổi hoàn toàn thanh tịnh, đó là Đại Viên Cảnh Trí, và đó cũng là Chân Như – là Pháp thân. Pháp thân không sanh - diệt, trường tồn vĩnh hằng như mặt trăng trên trời, nhưng thường hiện hữu tại thế gian như bóng trăng dưới nước tại trái đất cõi trần. Nói như kinh Pháp Hoa, là Phật sanh thân và Phật pháp thân hay là Tích Môn và Bản Môn. Tích Môn là Đức Phật có lịch sử ra đời và nhập Niết Bàn theo ý muốn có giới hạn không gian và thời gian như Đức Thích Ca mâu Ni đản sanh tại Ấn Độ cách đây gần ba ngàn năm. Cho nên đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni, lớn lên, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp độ chúng sanh trong 45 năm và nhập Niết Bàn dưới hai cây Sa La trong đêm rằm trăng sáng tháng hai âm lịch là Tích Môn là Phật sanh thân. Phật sanh thân được có tại cõi trần là do Phật pháp thân mà có. Như bóng trăng dưới nước được có là do nhờ trăng trên trời. Nói một cách khác, Tích Môn của một đức Phật ra đời là do Bản Môn của Đức Phật đó. Bản Môn là giáo pháp, thọ mạng vô lượng thời gian, trí tuệ Bát nhã vô ngã bình đẳng là năng lực thấy, biết, chiếu sáng khắp vô lượng pháp giới chúng sanh, nếu không nói là tâm từ bi bao la thương xót chúng sanh và hạnh nguyện vào đời để hóa độ chúng sanh của mỗi Đức Phật. Cho nên Tích Môn cũng từ đó mà có . Tuy nhiên, Tích Môn được có tùy theo căn cơ, nghiệp lực chúng sanh mà hiện hữu theo từng giai đoạn hiện ra và chấm dứt Tích Môn, như bóng trăng dưới nước được có là tùy theo duyên của nước mà khi có khi không, còn trăng trên trời không chịu sự có, không của nước. Vì vậy mà sự nhập Niết Bàn của Đức Phật chỉ là giai đoạn hết duyên tồn tại ở thế gian như sự vắng bóng trăng trong nước, nhưng trăng trên trời không bao giờ mất. Đó là Bản Môn, là Phật pháp thân, là tánh pháp thân không sanh, diệt. Còn Phật sanh thân (Tích Môn) có sanh, diệt theo định luật vô thường. Phật sanh thân (Tích Môn) được có là do Phật pháp thân (Bản Môn). Phật pháp thân được ứng dụng là do Phật sanh thân, tức là Bản Môn được ứng dụng là Tích Môn. Nhưng cũng nhờ Tích Môn mà sanh ra Bản Môn. Tích Môn phải được qua một quá trình vô lượng kiếp làm thân người tại cõi Ta Bà. Chính Đức Thích Ca Mâu Ni đã qua quá trình vô lượng kiếp làm người ở cõi Ta Bà, Ngài nói: “Ta vốn ở trong cõi Ta Bà thế giới này từ vô lượng kiếp trước, chứ không phải mới sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni”.Trong quá trình vô lượng kiếp làm thân người thế gian, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã tự tạo cho mình hành trình gom góp công đức để kiến tạo Bản Môn gọi là giai đoạn thành tựu công đức để đạt đạo Bồ Đề bằng những hành động độ tha bằng vật chất là cứu khổ ban vui trên nhiều mặt, và giác tha bằng giáo pháp giải thoát cho chúng sanh mà tâm thường hằng vô trụ, vô ngã mới có thể bắt gặp Bồ Đề. Với kinh nghiệm đó, Đức Phật đã có lời căn dặn đệ tử ở bốn chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, và Ưu bà di rằng: “Làm việc thiện dù nhỏ hay lớn vẫn được xây dựng trên tinh thần vô ngã”. Đức Phật đã chứng đạo Bồ Đề vô ngã ngay lúc trên vận hành Tích Môn của Ngài, chứ không phải ở thời gian và không gian sáu năm tu khổ hạnh ngồi tọa thiền dưới gốc cây Bồ Đề! Đúng như lời Đức Phật đã xác định: “Ta đã đắc đạo trong đêm của vô lượng thế kỷ và đã sống trong vô lượng thời gian”.

BA ĐIỀU CHƯ PHẬT DẠY CHO NĂM THỪA

Không làm các điều ác

Nguyện làm các điều lành

Luôn giữ tâm cho thanh tịnh

(Chư ác mạc tác- Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý - Thị chư Phật Giáo)

Ba điều chư Phật dạy: bỏ các điều ác, làm các điều lành (thiện), giữ tâm thanh tịnh chính là năm cây cầu giải thoát từng phần (Nhân thừa – Thiên thừa – Thanh Văn Thừa – Duyên Giác Thừa - Bồ Tát Thừa) cho những hành giả nào muốn qua bên kia bờ giác Phật Thừa, đều tự xây dựng cho mình từng cây cầu một qua con sông mê của mình. Con sông mê trong không gian tâm linh con người phàm tục Phật tánh chưa phát triển, giống như con sông hữu thể trên trái đất có dòng nước xoáy đục ngầu chảy xiết không soi được bóng trăng. Do vậy cây cầu Nhân Thừa, Thiên Thừa, Thanh Văn hay Duyên Giác, Bồ Tát bắt qua sông mê, nó phải được xây dựng vững chắc trên ba nền tảng cơ bản, đó là nhịp cầu, sàn cầu và thành cầuở hai bên mép sàn cầu. Nếu cây cầu bằng gỗ, những dụng cụ và chất liệu của nó là gỗ, các loại đinh lớn, nhỏ, những nẹp sắt, bù lon, kềm, búa, cưa đục, dây chạc, người làm .v.v. Nếu cây cầu bằng xi măng, dụng cụ và chất liệu của nó là gỗ ván để làm sàn đúc, xi măng và người làm. Một cây cầu bằng gỗ hay xi măng được hình thành và được vững chắc ở ba điều cơ bản nói trên đúng lỹ thuật là phải do người đã đậu bằng kỹ sư cầu đường chỉ đạo, hướng dẫn cho các nhân công về kỹ thuật và cách thức từ lúc khởi công bắt đầu từ bờ bên này, ra tới mép nước, giữa dòng sông, qua đến bờ bên kia phải xây dựng ba nền tảng cơ bản (nhịp cầu, sàn cầu, thành cầu) như thế nào cho đúng kỹ thuật để thích hợp với môi trường không gian khác nhau ở từng chặng của con sông. Chẳng hạn giữa dòng sông có nước xoáy, móng của nhịp cầu phải sâu hơn cái nhịp ở trong bờ. Tại hiện trường những công nhân và người kỹ sư, cả hai đều hòa hợp tương quan trên cơ sở diễn nói hướng dẫn kỹ thuật là bổn phận của người kỹ sư và lắng nghe lời hướng dẫn của người kỹ sư để làm cho đúng phẩm lượng là bổn phận của những công nhân, người kỹ sư không thể lơ là hiện trường, phó mặc cho công nhân, phải luôn thường trực nhắc nhở công nhân làm đúng kỹ thuật để khỏi bị đổ vỡ sau này bằng lời lẽ chân thành và trạng thái tôn trọng, đó là người kỹ sư có đạo đức, có lương tâm nghề nghiệp.

Đã là cây cầu, là phương tiện giao thông cho con người đi lại từ nơi này đến nơi khác không bi trắc trở đò sông khi nước lớn, lũ lụt, không cầu nào hơn cầu nào, dù bằng xi măng hay gỗ, miễn là nhịp cầu, sàn cầu và thành cầu được vững chắc không bị lõng lẽo là được.

Nói rõ hơn, giáo pháp của Phật là những phương tiện đưa con người ra khỏi sanh tử gọi là con đường giải thoát. Vì là phương tiện, nên con số tám vạn bốn ngàn pháp môn chỉ là biểu tượng cho năng lực của toàn bộ nền đạo lý của Phật có thể đối trị, phù hợp với mọi căn tính của từng giai cấp chúng sanh đều có thể tu tập được liễu ngộ giáo pháp và đạt đạo giác ngộ. Vì vậy mà con đường giải thoát cũng được chia ra từng phần, gọi là giải thoát từng phần. Từng phần giải thoát ở đây chính là Năm Thừa. Năm Thừa chính là năm cây cầu Phật pháp. Con người quay về đạo Phật thật sự mong muốn tìm cầu cho mình con đường giải thoát sinh tử đều phải lần lượt tự xây dựng cho mình cây cầu Nhân Thừa, Thiên Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, không phải xây dựng cùng lúc năm cây cầu, mà phải xây từng cây một. Tất cả các cây cầu này đều bắt qua con sông mê của mình. Cây cầu Nhân Thừa bắt qua con sông mê của mình, con sông có thể nước đục ngầu, chảy xiết và mang theo nhiều chất dơ bẩn. Cây cầu Thiên Thừa bắc qua con sông mê của mình, con sông có thể nước đục ngầu và ít chất dơ bẩn hơn. Cả hai con sông mê này, lòng nước của chúng không tiếp nhận bóng trăng từ bầu trời rọi xuống. Hai cây cầu Thanh Văn, Duyên Giác bắc qua hai con sông tĩnh nhiều mê ít, nên dòng nước của chúng lững lờ và trong, có tiếp nhận ánh trăng vào lòng nước. Cây cầu Bồ Tát Thừa bắc qua con sông hoàn toàn tĩnh lặng nên dòng nước của nó trong vắt như gương, chảy chầm chậm, do vậy soi được bóng trăng. Bóng trăng trong lòng nước của nó y hệt như mặt trăng trên bầu trời không khác.

Nước trong năm con sông có năm cây cầu bắc ngang qua đều chảy ra biển cả và cùng mặn với nước biển, cho nên nước biển được biểu tượng cho vị giải thoát của Đạo Phật. Do vậy, pháp âm của Phật được gọi là Hải triều Âm. Còn biển cả được biểu tượng cho Chánh Pháp, Chánh Đạo, cho nên mặc dù mặt biển rộng bao la nhưng không dung chứa, lưu giữ bất cứ một xác chết của con người, con cá và các loài vật khác. Tất cả đều bị sóng biển đưa vào bờ hết. Cũng như vậy, trong đạo Phật không có tà đạo, không có phiền não, vô minh…Vì vậy mà trong biển Đạo Pháp trên trái đất Ta Bà này, ở đâu đó có những hiện tượng vô minh, phiền não, tà đạo, phi chánh pháp…là những xác chết, đều bị Hải Triều Âm đưa đẩy vào bờ.

Năm cây cầu ngũ Thừa, cây cầu nào cũng đều được xây dựng vững chắc ở ba nền tảng cơ bản, đó là nhịp cầu, sàn cầu và thành cầu, Nhịp cầu được biểu tượng không làm các điều ác. Sàn cầu biểu tượng nguyện làm các việc lành. Thành cầu được biểu tượng cho giữ tâm luôn thanh tịnh. Dụng cụ và chất liệu xây dựng từ cây cầu Nhân Thừa là bước đầu tiên sau khi quy y Tam Bảo cho đến cây cầu thứ năm Bồ Tát Thừa để vào Phật Đạo, hành giả phải học Phật và thực tập giáo lý của mỗi Thừa một cách tổng thể đúng theo tinh thần giáo dục thiền định tổng thể được cắt nghĩa một pháp có mặt trong tất cả pháp, tất cả pháp có mặt trong một pháp. Chẳng hạn năm giới là pháp tu Nhân Thừa, nhưng hành giả phải học và tu tập thêm một số giáo pháp liên hệ như tụng kinh, bài sám, thiền quán, ăn chay, bố thí cúng dường, công việc từ thiện, xã hội…Tu tập thêm những giáo pháp liên hệ hỗ tương với năm giới như vậy, giống như làm hàng rào, hàng dậu, xây bức tường thành chung quanh nhà, phải có nhiều vật liệu vào đó, thì bức tường, hàng dậu, hàng rào mới được kiên cố, vững chắc, thì mới không bị gió bão làm nghiêng đổ, con heo, con gà bên hàng xóm không chui qua vườn mình. Ngược lại, nói như Trần Tế Xương “Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà”. Cũng như cây cầu gỗ hoặc xi măng kia không chỉ có gỗ hoặc xi măng không mà thành cây cầu được, mà phải có nhiều vật liệu khác hòa hợp vào mới thành. Nói rõ hơn, hành giả tự xây dựng cho mình từ cây cầu Nhân Thừa, Thiên Thừa … cho đến Bồ Tát Thừa, tức là học Phật và chọn cho mình một pháp môn chính như Thiền định, Tịnh độ, Mật tông…đồng thời cũng học và tu tập nhiều pháp môn liên hệ khác. Chính suốt trên vận hành thực tập các pháp môn liên hệ với pháp môn chính đó, là lúc hành giả đang bỏ các điều ác, làm các việc lành, khi làm các điều lành là lúc thực hành bỏ các điều ác. Động cơ thúc đẩy bản thân hành giả đi hành động các điều thiện là tâm hành giả chỉ có tư duy đến điều thiện, không tư duy các điều ác. Trong tất cả các pháp liên hệ với pháp môn chính, pháp giới là điều tiên quyết ắt phải có. Vì do giới sanh ra định, từ định sanh ra huệ. Cho nên tu tập các pháp môn của mỗi Thừa, Thừa nào cũng có tu giới pháp và tu các pháp liên hệ với nó. Thừa thấp có giới pháp và Phật pháp thấp như Nhân và Thiên. Thừa cao có giới pháp và Phật pháp cao như Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ tát. Hành giả tu thừa thấp và cao đều phải hành trì giới luật. Hành trì giới luật chính là bỏ các đìều ác không làm. Bởi vì ác có hằng vạn điều ác, trọng và khinh (nặng, nhẹ). Hành động ác là do tâm khởi ý niệm ác (tội từ tâm khởi). Do vậy tâm khởi lên ý niệm biên kiến, chấp ngã, tự mãn, vị kỷ, vọng niệm về một điều gì làm cho tâm ý cảm thấy khoái lạc, đó là ác. Chứ không phải tâm ý tư duy về việc cướp của, giết người, sau đó thân đi hành động cướp của giết người mới gọi là ác. Thiện, ác đều do tâm (nhứt thiết duy tâm tạo). Tâm là chủ tể chỉ đạo cho thân hành động, vì vậy mà tâm không tỉnh thức, không thanh tịnh, không chánh niệm, không làm điều thiện nhỏ thích làm điều thiện lớn được xem như là tâm ác. Bởi vì năng lực không chánh niệm, không tỉnh thức ở tâm mà thân hành động là tâm vô ý thức. Chẳng hạn như lái xe nếu không tỉnh thức có thể vượt đèn đỏ, không dừng lại ở bản hiệu stop, hoặc nói ra những lời xằng bậy gây cho người nghe ý niệm ghét bỏ, giận hờn…Tâm tỉnh thức, thanh tịnh có chánh niệm là tâm có trí huệ. Trí huệ là mẹ đẻ ra tâm từ bi. Tâm có từ bi là tâm luôn luôn nghĩ điều thiện. Điều thiện có hằng vạn điều thiện được xuất phát từ tâm ý, như tư duy về nỗi thống khổ của dân tộc bị bạo quyền, áp bức rồi tìm phương cứu khổ, tư duy về sự phát triển Đạo Pháp rồi dấn thân thực hiện thường lân mẫn đến những kẻ nghiện nghập mà khuyên bảo không nên rượu chè, cờ bạc v.v. Bố thí cho ngưòi ăn xin chén cơm, bát gạo, nói lời ái ngữ, không giận hờn…Nói tóm lại, những pháp môn học và tu tập của mỗi Thừa để giữ tâm thanh tịnh. Chứ không dành riêng cho Thừa nào, bởi vì Thứa thấp có cái ác, cái thiện của Thừa thấp, Thừa cao có cái thiện, ái ác của Thừa cao.

Ác của Thừa cao ở hàng Bồ tát là khởi lên ý niệm hỷ lạc, do vậy các bậc Bồ tát thường vào đời là cõi người để thành tựu các công đức vô lậu, trước khi vào Niết Bàn Phật quả (Nhứt Thừa) như Bồ tát Hộ Minh từ cung Trời Đấu Xuất đản sanh vào vướn Lâm Tỳ Ni, hoàng cung vua Tịnh Phạn, làm thân Thái Tử Tất Đạt Đa, sau đó đi xuất gia thành đạo rồi hoằng hóa độ sanh là đã dứt sạch vi tế hỷ lạc đó.

Ác của Thừa thấp mà đã có tu tập Phật pháp, đó là tâm sân hận, kiến chấp…cho nên ác có cấp độ cao và thấp là tâm hữu ngã. Điều thiện ở cấp độ cao và thấp là tâm vô ngã, đúng như lời Đức Thích Tôn nói với người Bà La Môn rằng: “Việc làm từ thiện trong đạo Phật chúng tôi, từ một việc thiện nhỏ, cho đến việc thiện lớn đều được xây dựng trên tinh thần vô ngã”. Sau khi người Bà La Môn cho rằng việc từ thiện của đạo Phật giống như tinh thần của họ là tinh thần hữu ngã. Qua sự trả lời của Đức Phật với người Bà La Môn, cho ta hiểu thêm nghĩa về các việc làm trong đạo Phật là: nhân cách con người có đạo đức Phật giáo trong mọi hành động trên vận hành hộ dân, hộ quốc, hộ đạo …tâm luôn luôn xa lìa mọi ý niệm về ngã và mọi khuynh hướng bảo thủ cực đoan, không làm thân chúng sanh bị đổ máu, không gây phương hại nhân phẩm người khác, không sa vào hý luận, huyền đàm…như lời thế gian thường nói “ Nhàn cư vi bất thiện”.

Năm cây cầu Ngũ Thừa là phương tiện đi đến Phật thừa, mà trong đó phước huệ song tu là pháp hàng phục vọng tâm để đi vào Nhứt Thừa. Tất cả hành giả của năm Thừa đều phải xây dựng trên ba nền tảng cơ bản bỏ ác, làm thiện, giữ tâm thanh tịnh một cách vô sở trụ đúng kỹ thuật, đúng nguyên lý của từng pháp môn. Nói khác nữa tu tập Phật pháp ở mỗi Thừa, hành giả đều hành trì giới luật. Vì có giới mới đưa tâm hành giả vào tỉnh thức, thanh tịnh và thực hành các việc thiện với tinh thần vô ngã, không trụ vào ba thứ: không thấy mình làm thiện, không thấy việc thiện hay của cải của mình bố thí và không thấy kẻ nhận của cải mình bố thí. Tâm không trụ ở ba điều ấy gọi là tâm luân không tịch. Cho nên cả hai việc giữ giới và làm việc thiện đều cùng đưa tâm hành giả vào thanh tịnh. Do vậy không giữ giới là phạm đã đành, nhưng không làm việc thiện cũng là phạm giới. Đúng như lời Phật dạy bỏ ác tức giữ giới, do giữ giới tâm thanh tịnh. Làm việc thiện, tâm hành giả vô ngã là năng lực đưa tâm thanh tịnh. Được như vậy con người phải quay về nương tựa tăng đích thực từ một cá nhân hay tập thể Tăng đoàn có học Phật pháp, thực hành Phật pháp nên đã liễu ngộ khế lý các pháp môn và đã chứng đạo (giác ngộ chân lý vô ngã các pháp) diễn nói, hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp xây dựng ba nền tảng cơ bản ấy ở năm cây cầu Ngũ Thừa. Kỹ thuật và phương pháp xây dựng ba nền tảng cơ bản bỏ ác. Làm thiện, giữ tâm thanh tịnh từ thấp đến cao ở năm Thừa được hữu hiệu như vậy, nếu không nói là do tinh thần giáo dục thiền định Phật giáo. Từ đó ta có thể phát biểu rằng: thiền có mặt trong tất cả nền đạo lý Phật giáo, hay nói khác: mỗi pháp môn trong Tam Tạng kinh điển Phật giáo đều có chất vị thiền. Nói theo Hoa Nghiêm một pháp có mặt trong tất cả pháp, tất cả pháp có mặt trong một pháp. Cho nên thiền là ánh nắng, không khí cho sự sống con người, như là chất ngọt có trong tất cả cây trái như mía, cam, cà rốt, củ cải v.v. Do vậy bản thân của chữ Thiềnkhông có thật, nó không phải là pháp môn mà chỉ là cách thiết lập tịnh độ (tâm thanh tịnh, tỉnh thức) ở tâm và thân trong cuộc sống, cho nên thiền không có ngôn ngữ luân lý, chỉ có ngôn ngữ luân lý ở từng pháp môn để đưa tâm vào chánh niệm tỉnh thức trong thực hành Tứ Vô Lượng Tâm, Bát Chánh Đạo, Lục Độ …một cách balamật thường trực trên vận hành đối đãi với cuộc đời. Cho nên mỗi pháp môn được lập văn tự để thấy rõ khế lý của nó mà thực tập như ba pháp: Tam Độc (tham, thân, si), Ba Tự Tính (biến kế sở chấp, y tha khởi, viên thành thật) v.v. Do vậy hành thiền không những chỉ có ngồi hít thở trong căn phòng yên lặng mà còn hít thở trên vận hành mưu sinh cho mình và hành động cứu khổ chúng sanh giữa xã hội. Nếu không nói tâm thanh tịnh tỉnh thức giác ngộ được xây dựng trên tinh thần Nhị Đếvào xã hội chúng sanh qua nền tảng giáo dục thiền định tổng hợp tinh hoa của tất cả hệ thống giáo lý khác biệt mà con số tám vạn bốn ngàn pháp môn là biểu tượng.

Ba điều chư Phật dạy trên, có người cho rằng rất khó thực hành. Đúng. Bởi vì do không có học đạo nên không biết đạo để hành. Hay là đã có học, nhưng không hành được bởi nhiều tham vọng, tham sân, chấp ngã …lấn áp, chồng chất lên Phật tánh. Nhưng lại có người nói rằng rất dễ thực hành do có học Phật nên biết phương pháp thực hành. Thực hành Phật pháp như chèo thuyền trên dòng nước ngược, vì đó là con đường đi lên tới đỉnh Phật thừa, nhưng phải bước lên từng nấc thang ở các Thừa nữa thì mới được vào Phật đạo. Thực hành Phật pháp ở từng bậc các Thừa phải thật đúng cách, đúng kỹ thuật như người leo dốc đá thẳng đứng bằng nhiều phương tiện và đúng kỹ thuật leo, nên người leo dốc không thấy khó. Cũng vậy, con người tiến tới mục tiêu quả vị Phật Thừa, đòi hỏi con người phải học Phật thật kỹ càng để thông suốt nguyên lý của pháp môn là phương tiện, kỹ thuật bước lên từng chặn (Ngũ Thừa) của núi Linh Thứu mà vào chỗ Phật. Và cùng lúc lập chí nguyện lớn gọi là chí nguyện Đại Thừa thì mới đạt được, đúng như trong các kinh Phật đã chỉ rõ, chí nguyện Đại Thừa mặc dù được coi là tối thượng, tối đại về kết quả thành tựu Phật đạo, nhưng nhân duyên để thành tựu quả vị Phật thừa, thì hết sức đơn giản: như ai đó khi bị loạn tâm, đi vào bảo tháp thờ Xá Lợi Phật mà niệm Nam Mô Phật, dù chỉ một lần niệm thôi, đều được thành tựu quả vị vô thượng Phật đạo.

Chí nguyện lớn là phát nguyện độ sanh là tư tưởng Đại Thừa, vì chỉ có hành Bồ Tát Đạo hóa độ chúng sanh là động lực chủ yếu là đưa hành giả tiến lên những nấc thang bậc Thánh là ngõ Phật đạo. Tức là trước khi vào Phật đạo phải hóa độ chúng sanh (Thượng đạo Phật đạo hạ hóa chúng sanh). Hạ hóa chúng sanh là cứu giúp bằng pháp Bố Thí ở ba mặt: Tài thí, Pháp thí và Vô Úy thí. Đó là cách cúng dường Chư Phật ở cấp độ cao nhất, bởi vì mỗi cá thể chúng sanh là Phật sẽ thành, nên trong việc hạ hóa chúng sanh, hành giả phải bố thí cho đủ ba thứ: Tài, Pháp và Vô Úy. Ba thứ Tài, Pháp và Vô Úy đích thực là những món ăn, thức uống, thuốc men cho bản thân và tâm trí con người được khỏe mạnh và minh mẫn, an lạc… Do vậy hành giả đem ba thứ Tài, Pháp và Vô Úy bố thí cho chúng sanh phải đúng cách là tâm vô ngã bình đẳng và thanh tịnh, nói như lời kinh: “Bố thí mà tâm không thanh tịnh, của thí trở thành bất tịnh” Thế gian cũng có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Vì vậy pháp bố thí dù thực hiện ở ba thứ (Tài, Pháp và Vô Úy) đơn giản đó thôi, nhưng nó (Pháp Bố Thí) được tương dung, liên hệ nhiều pháp khác như lời từ bi, giới pháp, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định (tỉnh thức) và trí tuệ, tri kiến, hành balamật. Riêng hành giả Bồ Tát Thừa thực hành thêm pháp “Mười Thù Thắng Hạnh” thì mới được có hiệu quả làm cho chúng sanh được thí lòng cảm thấy hạnh phúc, an lạc, giải thoát, an nhiên, không sợ hãi … khi hành giả xuất gia, tại gia vào đời hạ hóa chúng sanh để cầu Phật Đạo.

Hành động Bồ Tát Đạo hạ hóa chúng sanh rất là đa dạng, tức là cứu khổ, cứu nạn, giúp đở chúng sanh trên nhiều mặt như cho người không nhà một bữa ăn, góp lời tụng kinh cầu siêu cho người hàng xóm qua đời, nói một câu Phật pháp để cho người bạn để học bỏ ác làm lành v.v. tùy theo khả năng hiểu biết và tài vật của mình. Nhưng điều tiên quyết là hết lòng, tận lực hành động cho viện mãn, vì lợi ích cho chúng sanh, đó là Hạnh Thù Thắng, vì được xây dựng trên tinh thần vô ngã. Vô ngã là công đức vô lậu khi làm việc cứu khổ chúng sanh không vì mình. Thế cho nên sau hành động cứu bạt chúng sanh bằng tâm vô ngã như vậy, chư Tổ nói: (cầu an- nói pháp – cho người không nhà ăn cơm) công đức Thù Thắng Hạnh vô biên thắng phước giai hồi hướng, phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh tốc vãng vô lượng quang Phật sát (hướng về Phật pháp tỏ đạo mầu).

KHÔNG CẦN MANG NHÃN HIỆU PHẬT

Trên đường hoằng hóa độ sanh, đức Phật và đại Thánh chúng Tăng cùng đi với nhau, khi đi cũng như khi về lại Tịnh xá. Tuy nhiên thỉnh thoảng đức Phật đi một mình đến và về, dù vị trí hóa độ có xa cách mấy đức Phật vẫn đến bằng thần thông ứng hiện khi ở nơi nào đó có chúng sanh khởi ý niệm thiết tha mong cấu gặp Phật để lễ bái cúng dường và muống nghe giáo pháp mà phương thiện không thể đến tịnh xá được. Chẳng hạn Phật dùng thần thông từ thành Xá Vệ đến nước A Du Sà vào hoàng cung của vua Hữu Xứng Vương, Phật ứng hiện trên không trung tại phòng khánh tiết có thiết lễ hương hoa, theo lời mời của bà Thắng Man phu nhân, vợ của vua Hữu Xứng. Sau khi đức Phật thuyết pháp hóa độ cho phu nhân Thắng Man và nhà vua cùng các quan đại thần xong, Phật vận thần thông về lại tịnh xá.

Đối với chúng sanh, tùy căn cơ và hoàn cảnh, sự hóa độ có lúc Phật phải dùng phương tiện thiện xảo. Nên có lúc đức Phật dùng thần thông một nữa chặn đường, còn lại Phật đi bộ đến vị trí, nhất là nơi thôn xóm nghèo khổ. Có lúc Phật ở lại đêm đâu đó để làm một cuộc hội ngộ, rồi sau hóa độ. Với phương tiện thiện xảo nhằm vào các đối tượng chúng sanh, nên có khi Phật hóa hiện một vị Tăng sĩ bình thường.

Trong một trường hợp, vào một ngày kia, sau một ngày hóa độ ở một thôn xóm ở cách xa tịnh xá về phía nam thành Savathi . Trên đường vế lại tịnh xá, lúc bấy giờ Phật đi bộ một đoạn đường, thì trời giữa mùa Thu nên đã nhá nhem mau tối, Phật vào một trại làm đồ gốm, xin ông chủ trại thợ gốm nghỉ lại qua đêm. Ông chủ lò gốm vui vẽ chỉ cho Phật vào một căn nhà nhỏ bên cạnh gian nhà trống có chứa ngổn ngang bàn, ghế, bồn, chậu và các khối đất. Nơi căn phòng bé nhỏ, trong ánh sáng của cây đèn dấu chai đủ để thấy lối đi . Phật thấy có một người thanh niên trai trẻ tuấn tú, mặc y phục nhà tu giống như Phật. đã đến ngụ trước từ bao giờ . Phật và chàng trai tu sĩ kia chưa hề quen biết với nhau lần nào . Để tỏ tình thân mật, Phật tươi cười vui vẻ, nhìn vị tu sĩ khôi ngô, Phật hỏi:

- Ớ ông bạn Tỳ kheo, vì ai mà anh đi tu, vì ai mà anh bỏ gia đình xuất gia? Thầy anh là ai? Anh ưa thích giáo lý của người nào?

Vị Tăng sĩ Pukku Sati đáp:

- Có nhà tu tên là Gau Ta Ma, dòng họ Sakya đã bỏ gia đình đi tìm chân lý. Vì người ấy mà tôi đi tu và chính người ấy là thầy tôi. Tôi thích giáo lý của nhà tu Gau Ta Ma đó.

Phật hỏi:

- Ông Gau Ta Ma bây giờ ở đâu?

- Nghe nói ông ấy đang ở tại thành Savathi về phía Bắc.

- Anh có bao giờ gặp ông Gau Ta Ma chưa? Phật hỏi.

- Chưa gặp lần nào cả. Pukku Sati trả lời .

- Nếu anh gặp ông Gau Ta Ma anh có nhìn ra ổng không? Phật hỏi.

- Tôi chưa gặp, nên chắc chắn tôi sẽ không nhìn ra ông ấy.

Phật không chịu xưng tên mình, mặc dù biết rằng người thanh niên ấy vì mình mà đi tu. Phật bèn hỏi tiếp:

- Anh có chịu nghe tôi nói một ít giáo lý của tôi không?

- Bằng lòng lắm chứ, xin mời ông bạn cứ nói.

Phật và Thầy Pukku Sati ngồi đối diện nhau trong căn phòng bé nhỏ trong ánh sáng đủ thấy nhau, trong đêm giữa mùa Thu của xứ Ấn, mùa lý tưởng có gió mát của sự yên nghỉ sau một ngày làm việc vất vả của đám dân nghèo, mùa của lá vàng ở các cây rừng dưới chân núi Hy Mã và lưu vực sông Hằng đang rụng. Trong không khí thân mật đạo tình, Phật nói một số giáo pháp cho vị Tỳ kheo Pukku Sati nghe.

Sau khi nghe xong, vị tu sĩ trẻ tuổi kia đã nhận ra liền: Người Tu sĩ lớn tuổi oai nghiêm trước mặt chính là Phật chứ không ai xa lạ!

Liền sau đó vị Pukku Sati vội đúng lên vén y bày vai bên phải, quỳ xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Cần gì phải mang nhãn hiệu Phật mới là Phật. Cần gì phải mang nhãn hiệu Phật Giáo mới nói lên những lời của Phật.

Khi thầy Pukku Sati đang nghe Phật nói giáo pháp, rồi đã hiểu và ngộ giáo pháp, thầy chưa biết người đang ngồi và đang nói chơn lý đó là ai, và giáo pháp thầy đang nghe đó là của ai. Thầy Pukku Sati đi tìm chơn lý và tiếp nhận chơn lý đâu cần có nhãn hiệu. Cũng như món thuốc đối với căn bệnh có công hiệu, chứng bệnh sẽ lành ngay, cần gì phải đi tìm cho biết ai chế ra nó, nó ở đâu đến. Đó là công việc của người thống kê các sử liệu về thuốc, chứ không phải công việc của người uống thuốc.

Đứng về tinh thần tự giác để phát triển Tâm Bồ Đề ở đâu có thuận duyên và có chứa đựng các thực chất nguyên lý giải thoát, dù xa, dù gần, dù một ngôi chùa tranh vách lá ở thôn giã, dù một ngôi chùa đồ sộ, hay ở nơi một hang núi… Ta hãy tìm đến để bắt gặp chơn lý, bắt gặp các trợ duyên cho việc phát triển trí tuệ. Không cần phải chọn lựa cho ra một cơ sở có mang nhãn hiệu tông phái này, tông phái kia… mới giác ngộ được! Ý niệm đi tìm nhãn hiệu chính là sự vướng mắc trong vô minh. Cho nên ở một đạo tràng thanh tịnh khi tâm hành giả an trú trong Định, ở đâu cũng là đạo tràng vô vi thanh tịnh: chợ, hang núi, trong xe, nơi đồng ruộng, trong nhà, ngoài ngõ… thậm chí nơi cao Lâu Tửu Điếm (Lời của Bồ Tát Thái Hư Đại Sư).

Như thế một ngôi Thường Trú Tam Bảo, thường gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, đâu cần mang nhãn hiệu Phật, Bồ tát và tên của các vị Tổ Sư được viết lên nơi cổng cơ sở mới được gọi là đạo tràng! Và sự giác ngộ chơn lý đâu phải chỉ dành cho những con người nào có văn bằng tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư mới ngộ được chơn lý, mới hoằng dương đạo pháp được, mới gọi là Tăng bảo! Một Huệ Năng không biết chữ, trong giây phút duyên khỏi đầu tiên chỉ nghe một câu kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,” tiếng tụng câu kinh đó vọng ra từ một ngôi nhà bênh cạnh phố chợ sau khi để gánh củi xuống, lấy nón lá hình chóp quạt cho mát và vén vạt áo lau mồ hôi trán, tâm liền chứng ngộ chơn lý.

Trên tinh thần giác tha, một hành giả làm việc hoằng dương đạo pháp cho xã hội con người đúng trên cơ sở hạnh nguyện sở trường của mình và cùng với tâm từ bi và trí tuệ cũng như sự hiểu biết khế lý kinh điển. Đâu cần gì phải mang nhãn hiệu giáo hội này, giáo hội kia, chức vụ, cấp bậc và nhất là tự xưng nhãn hiệu “Thầy” trước người già cả, để mặc tình cho chúng sanh tôn xưng. Tục ngữ ở đời có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”. Vì vậy, chữ “Hương” được nói trong các kinh Phật về sự xưng tán cúng dường lên chư Phật và Bồ tát khi con người thực hành bố thí, cúng dường. Có nghĩa là thân tâm của hành giả (Tăng và cư sĩ) luôn luôn an trú trong thanh tịnh. Thanh tịnh từ trong ra ngoài, giống như cây trầm hương kia còn non hay già cổ thụ, dù có bị chặt xuống, thân cây bị mục nát, đem đốt lên, hương vẫn thơm nồng. Đem thân trầm nghiền nát làm thành cây hương, bó lại thành bó, không cần dán lên nó cái nhãn hiệu: “Hương giải thoát”, “Hương Bồ Đề”… nó vẫn là cây hương trầm. Một Tăng sĩ, Cư sĩ cũng vậy, khi thân tâm thanh tịnh, có giới đức trang nghiêm qua quá trình hoằng hóa giáo pháp độ chúng sanh, mọi người ai cũng biết thì đâu cần rêu rao nhãn hiệu tông phái thật kêu. Trên mặt cơ sở truyền bá cũng thế, đâu cần phải in hình Phật viết nhãn hiệu cơ sở lên tờ giấy, đem đặt để ở các chợ đời thì mọi người biết ngày đó là ngày vía Phật. Đã là một Phật tử ai lại không biết ngày đó, ngày kia là vía Phật, mà hà tất gì phải bận tâm cho sự kêu gọi, thúc giục con người hãy mau mau về với cơ sở có nhãn hiệu … của mình để dự lễ kẻo trể! Để cho đến mỗi ngày vía Phật (Quán Thế Âm) đã qua rồi mà các tờ giấy đó vẫn còn nằm la liệt ở các cơ sở chợ đời, là những nơi không phải là chổ đễ những tờ kêu gọi có hình tướng Phật như vậy.

Một cơ sở tam bảo, đúng thực có sự sinh hoạt giáo vụ có chứa đựng các thực chất nguyên lý giải thoát, đối với hàng Phật tử chánh tín đều biết, dù xa cách mấy cũng đến, cần gì phải quảng cáo bằng các nhãn hiệu Phật như thế!

Đứng về mặt cộng đồng, sự truyền thông trên báo chí và đái phát thanh là đủ rồi không cần phải quảng cáo nhãn hiệu Phật như vậy.

Mặc dù cho kinh Hoa Nghiêm, phẩm 33 đã nói “…ở mỗi chỗ bằng sợi lông đều có vô số Phật, ở mỗi cõi như thế, trong mỗi niệm Phật ứng hiện vô số hóa thân nhiều như bụi để chuyển pháp luân” và ý nghĩa của đạo tràng thanh tịnh. Từ đó Phật tánh mới được thể hiện, chứ đâu phải Phật sẵn có ở cái chỗ bằng sợi lông kia. Vẫn biết rằng các pháp và con người, bản thể vốn là không, là vắng lặng, đó là nghĩa Phật. Nhưng tâm thanh tịnh mới thấy được bản thể vạn hữu vốn không cho nên trong kinh mới nói “Trong mỗi niệm, Phật ứng hiện vô số,” Cũng như nghĩa của “mỗi cõi”, Cõi đó ở đâu? Phải chăng ở bất cứ nơi nào khi thân tâm của hành giả an trú trong định đúng nghĩa của đạo tràng có cùng khắp. Như thế, đúng trên cơ sở hành thiền chúng ta hành ở đâu cũng được, không cần phải chọn lựa nơi có cơ sở mang nhãn hiệu Hội Phật giáo, Thiền Viện.

Hai sinh viên Việt Nam và Nhật cùng ngồi băng ghế trên xe buýt sau giờ tan học về nhà. Sau một hồi nói đủ thứ chuyện, sinh viên Nhật nín trong vài phút mắt anh ta nhìn xuống, lưng hở ghế một chút và ngồi thẳng trong tư thế thiền định. Sinh viên Việt Nam tưởng rằng bạn mình đang buồn ngủ, nên cũng im luôn, đưa mắt nhìn bầu trời San Diego đang vào thu qua cửa sổ. Sau gần 20 phút, sinh viên Nhật đưa tay vuốt mắt, xoa trán, xoa tai. Sinh viên Việt Nam bèn hỏi:

- Nãy giờ bạn ngủ phải không?

- Tôi đâu có ngủ. Tôi hành thiền định.

Sinh viên Việt Nam hỏi tiếp (hỏi bằng tiếng Anh với nhau):

- Ủa, bạn cũng là Phật tử?

- Vâng, đa số người Nhật đều theo đạo Phật, nên thiền là đời sống của dân Nhật, thiền là món ăn, thức uống để nuôi dưỡng bản thân, được tráng kiện, tâm hồn minh mẫn, nên ngày nào tôi cũng thiền, và vị trí hành thiền ở bất cứ đâu. Vậy, bạn là người Việt Nam, bạn có theo đạo Phật, nếu theo đạo Phật, bạn có biết hành thiền?

- Gia đình tôi theo đạo Phật, và tôi cũng có thực hành thiền, nhưng chờ khi nào có tổ chức tu thiền ở tại chùa của tôi cơ. Mỗi lần như vậy phải có ông thầy về thì tôi mới đến hành thiền.

Sinh viên Nhật nói:

- Ấy, bạn nhận thức thiền như vậy là sai rồi. Thiền là tâm phải biết nhìn thẳng vào sự việc thân đang làm. Chính tôi đang nói chuyện với bạn, tôi đang ngồi đây tâm tôi đang đi vào chánh niệm, vì tôi biết tôi đang nói và làm gì theo hơi thở. Tuy nhiên, tôi phải có nhiều thì giờ thực tập tọa thiền ở nhà. Thiền sư tôi đã chỉ dạy như vậy, và ngài đã nói ở bất cứ nơi nào cũng là đạo tràng của con khi tâm con an trú trong chánh niệm. Cho nên đừng có hẹn ước về thời gian và đừng chọn không gian có nhãn hiệu Phật giáo, chỉ hẹn ước với tâm mình khi tâm bị thất niệm đi vào vọng niệm, tức khắc trở về chánh niệm ngay.

Đức Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.” Rõ thực, một chúng sanh Phật tánh được thể hiện không hạn định ở dân tộc Tây, Tàu, Việt, Mỹ hay con người mang nhãn hiệu tôn giáo nào.

Tại một con hẽm nhỏ năm xưa ở con đường Dương Bá Trạc, quận 8 Sài Gòn. Ở đó đa số là dân lao động, nên nhà cao ốc không nhiều lắm. Một đường hẻm ở thành phố như cái xóm làng ở thôn quê, nên tình cảm trao nhau rất nhiều và cũng lắm chuyện cãi vã và chửi bới nhau. Vì chổ đó, mọi người đều biết rõ tánh nết của nhau, ai nổi danh về cái gì, ai dữ, ai hiền, người theo tôn giáo nào cũng đều biết nhau. Ở đó có bà Tư Chánh, thường gọi là bà Chánh Chùa, vì bà đi chùa nên dân đặt tên cho bà. Bà được nổi danh nhiều thứ, trong đó nổi danh chửi bới là số một và nhất là nét mặt kênh kiệu với dân trong xóm. Bà thường chửi rủa nhà bên cạnh khi các trẻ con nô đùa, la hét làm cho bà bực tức khi tụng kinh buổi tối, có khi bà đừa mồm ra cửa cổng chửi bới bọn trẻ nghịch ngợm bắn ná cao su lọt trúng vào các chậu hoa trên lan can. Cũng trong hẻm đó có gia đình bà Hai Chất theo đạo thờ ông bà. bà Chất ngoài cái nghề bán cháo lòng, bà còn cái nghề cạo gió, bà sẵn sàng cạo gió cho bất cứ ai gọi vào nữa đêm bà không từ nan, bà cạo gió mà không lấy tiền ai. Hôm nào cháo bán không hết, bà đem cho ông lão Mân cô đơn ở cách bà năm căn nhà. Cậu Cẩm, chủ nhật ở nhà không đi đưa thư bưu điện, ngoài việc giặt giũ áo quần ra, cậu được người này gọi đi sửa giùm cái quạt máy, bà kia gọi: cậu Cẩm ơi, qua sửa hộ cái “Radio” cho bác, có khi đang ngồi ăn cháo lòng vào buổi chiều khi đi làm về, cậu ăn vội vì có hứa với ông Mẫn cô đơn lúc sáng về việc làm giùm cái đơn xin tiền tử tuất từ lúc ông Mẫn nhận giấy báo tin từ Bộ Tư Lệnh nhảy dù là con trai ông đã mất tích tại Đaktô, cao nguyên Trung Việt vào mùa hè đỏ lửa 72.

Cô Thư là một thợ dệt vải của hãng Vinatexco. Hôm nào ở nhà, ngoài việc giúp bà Chất gánh cháo ra đầu hẻm, cô làm lụng việc nhà và đôi khi qua nhà bác Hai Tụng xích lô chỉ cho thằng bé Cu Lì làm toán cộng, trừ lớp hai. Gia đình bà Chất coi như bao dàn việc từ thiện cả xóm mà không mang nhãn nhiệu Phật tử đi chùa nào cả!

Con người Phật tánh được thể hiện đâu cần mang nhãn hiệu Phật giáo. Một con người có lòng nhân dù họ là người của tôn giáo nào, hay không tôn giáo vẫn là người có lòng nhân, không ai hơn ai. So sánh giữa hai gia đình bà Chánh Chùa và bà Chất, ta thấy gia đình bà Chất làm các việc cứu đời đúng như lời của vị Thiền Sư nơi khu rừng dạy cho Thanh Niên Tất Đạt Đa từ trần gian đến bên ngài, năn nỉ xin theo ngài để tìm chơn lý Vị Thiền Sư hai lần từ chối: “Ở đây ta không có chơn lý, con hãy về lại trần gian mà tìm”.

Tất Đạt liền thưa: “Con không biết cách tìm chơn lý xin ngài chỉ cho”. Thiền Sư bèn khẳng định và chỉ rõ: “Con hãy về lại trần gian, thấy ai mù lòa, con hãy dắt họ qua đường. Người nào tàn tật, con hãy cõng họ đến chổ vui chơi. Đường xá trong làng bị lỡ và dơ, con hãy lấy chỗi quét dọn và lấp chổ dơ. Trên đường đi thấy có gai và vật chướng ngại, con hãy dừng chân lượm sạch những thứ đó. Trong đời sống, con hãy lắng nghe ai đó mở lời cầu xin giúp đỡ về vật chất hay tinh thần, con nên cố gắng giúp đỡ cho họ một bữa ăn, một manh áo, nói lời khuyên nhủ họ là nên an lạc trong cuộc sống. Con hãy về trần gian thực hành đúng như cách của ta hướng dẫn, thi con sẽ tìm ra chơn lý.”

Đúng, Phật pháp không ngoài thế gian (Phật pháp bất ly thế gian pháp) là tư tưởng nhập thế sâu xa nhất của đạo Phật có từ trước đức Thích Ca Mâu Ni ra đời và sau đức Thích Ca Mâu Ni. Tư tưởng đó là cốt lõi của đạo Phật. Vì vậy mà bản thân của đức Phật và giáo lý của Ngài lấy con người làm trung tâm. Do đó mà đời sống của người là đối tượng của sự thuyết giáo. Theo tư tưởng này, nếu lìa bỏ quan hệ sinh hoạt thực tại của con người, chắc chắn sẽ không có một thế giới thanh tịnh xa vời nào khác, khi con người muốn đi tìm giáo pháp để trang bị cho mình có một Pháp Thân (Chơn Như). Giáo Pháp đó có ngay trong trần gian ở mọi nơi chốn. Sau khi Chân Sư đã chỉ rõ, chứ không phải ở cơ sở có nhãn hiệu Phật giáo. Cơ sở có nhãn hiệu Phật chỉ là nơi Chân Sư truyền đạt mà thôi.

Theo tinh thần của Bồ Tát Hạnh, tinh thần của Thiền Định hành giả phải dấn thân vào trần gian nơi có động để mà rèn luyện sáu thức an trú vào Tịnh.

Đúng như vị Thiền Sư đã chỉ cho chàng Tất Đạt hãy trở về trần gian âm thầm thực hành các điều thiện không cần mang nhãn hiệu Phật nào cả. Cũng như Yeshevị Lạt Ma già tu trong núi tuyết Tây Tạng đã hai lần có lời chỉ dạy về cách thức tu chứng cho vị LaMa Yeshe Gyatso hai lần vuợt đèo núi, bị giá lạnh và khổ sở dưới mưa tuyết, đền quỳ trước cửa hang xin cầu Pháp Tu Chứng, trong lần chót, vì thấy vị Lạt Ma Yeshe quá thành khẩn cầu xin, ngài ra tiếp và hỏi lý do tại sao cầu pháp của Ngài. Sau khi nghe Lạt Ma Yeshe kê khai quá trình của bản thân và sự nghiệp có văn bằng cao học Phật pháp ở tại một tu viện danh tiếng, khảo cứu tam tạng kinh điển thấu rõ Khế Lý, nhập thất thiền định nhiều năm tập trung tư tưởng, giữ tâm vào định, tụng kinh chú nhiều thứ … mà sao đến nay vẫn chưa chứng đắc giáp pháp! Ngài Lạt Ma già liền nói: “Tu niệm lâu năm mà chưa chứng đắc Pháp, tại vì cái tu của ông còn bị vướng cái thấy: Tâm còn cầu chứng, làm sao chứng được. Còn thấy phương pháp để tu, còn thấy quả vị để chứng, còn thấy có ngồi tọa thiền, còn chấp chặt vào các nhãn hiệu Phật có hình tướng của người, của ta ở bên ngoài, làm sao chứng được. Phải nên biết buông xả, bỏ hết các vọng chấp, thành kiến, sống tự nhiên như người bình thường, nhưng khi ăn biết rõ mình đang ăn, khi uống biết mình đang uống, khi đi biết mình đi, khi giận biết mình giận v.v. Gặp việc thuận không kêu căng, hãnh diện, gặp nghịch ý không sanh tâm buồn nản. Luôn luôn giữ tâm an trú trong bình thản. Đó là thiền định. Ngài nói thêm: “Để được các duyên đó cho việc thực tập, nên xuống dưới chân núi, sống chung với những người chăn trâu, người tiều phu đốn củi, tham gia vào các việc như họ, họ làm gì mình làm đó, họ xách nước mình cũng xách, họ đốn củi mình cũng đốn củi, họ chăn trâu mình cũng chăn trâu …Làm và sống tự nhiên giữ tâm bình thản trong cái biết như ta đã nói”.

Từ đó Lạt Ma Yeshe đã xuống núi và thực hành theo lời vị Lạt Ma già chỉ giáo bằng sự sống chung với người dân trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Một ngày kia tự nhiên quán triệt được những điều mà trước đây Lạt Ma Yeshe cứ thắc mắc trong tư tưởng.

Đích thực, sự giác ngộ như theo cái học của đạo Phật là một nhận thức ngược lại với tất cả mọi nhận thức từ trước đến nay của ta trước sự vật.

Sự nhận thức ngược lại này chính là đưa quán chiếu vào sự vật và con người để thấy (tri kiến) các pháp đều vô ngã, giả hợp duyên sanh, sẽ bị hoại diệt tan rã theo định luật vô thường. Mà như thế, các pháp đó chính ở ngay thân ta đâu cần phải đi tìm đâu xa ở một nhãn hiệu Phật giáo nào. Chính đức Phật đã dạy cho bốn chúng đệ tử là hãy quay về Tam Bảo ở ngay chính mình, tức là chối bỏ Tam Bảo Tam Tự Quy hữu vi có nhãn hiệu.

Sở dĩ có tên kinh này kinh kia là phương tiện là cách thức của sự thực hành Khế lý mà thôi. Cũng như các Tăng Bảo đã từng bảo các đệ tử hãy ra xã hội mà thực hành Phật pháp sau khi thuyết giảng xong Khế lý của một pháp môn.

BẢN CHẤT TRUNG ĐẠO CỦA THIỀN ĐỊNH

THIỀN, tiếng Phạn là dhyana, Tàu dịch âm THIỀN NA, có nghĩa là phương pháp, cách thức đưa tâm an trú vào vị trí định trong không gian tâm linh. Chữ Thiền đứng riêng có nghĩa là tĩnh lự: tức là tâm lìa tướng không trụ vào lục trần vạn hữu, gọi tâm ấy là tâm định, nói như Hòa Thượng Thích Hồng Đạo: “Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn động là định”, nên gọi là Thiền định. Do vậy, nói đến thiền là nói đến tâm vắng lặng, tịch tịnh, vô ngã, vô trụ, vô trước không dính mắc sắc trần. Những danh từ trên được cắt nghĩa là bản chất thiền có tính chất trung đạo, không cực đoan. Đã là bản chất, không bao giờ thay đổi, thì bản chất thiền cũng như vậy, giống như bản chất cây sen vốn từ gốc mẹ của nó là củ sen nằm trong bùn, khi nó được nảy mầm thành cây, vươn lên sống giữa lòng nước tối tăm đầy bùn lầy hôi hám, mà thân và hoa của nó vẫn không bị dính bùn, hôi tanh. Cũng như vậy, tâm thức con người khi chưa có tuệ giác còn nằm trong vỏ vô minh, tức là Phật tánh, Như lai tạng bị bao vây bởi những chủng tử ô nhiễm, gọi tâm ấy là thức; tức còn mê theo nghĩa thức là mê . Sau khi thức mê ấy được chuyển hóa thành trí tức là trí tuệ theo nghĩa trí là ngộ (thức mê, trí ngộ) bởi nhân duyên Phật pháp bằng thực tập thiền định mà có tuệ giác. Tuệ giác là Phật tánh phát triển vươn lên không ngừng. Phật tánh còn gọi là Bồ Đề, trí tuệ bình đẳng vô sai biệt, tâm vô ngã, vắng lặng, tịch tịnh, đó là Phật, sau khi những thứ phiền não, vô minh bị dập tắt bởi công cụ thiền định, thì Phật tánh hiện hữu, như hạt gạo được ra khỏi vỏ trấu bởi các duyên chà xát, xay giã. Như lòng đỏ trứng được tượng hình thành gà con rồi tự mổ vỏ trứng bước ra bởi các duyên hơi ấm của dòng điện, gà mẹ ấp. Như thỏi vàng kia được lấy ra từ hầm xí bởi các duyên là bàn tay con người và dụng cụ cùng nước trong rửa sạch. Cho nên tâm không còn vô minh, phiền não là tâm vô ngã, trí tuệ tức là tâm Phật. Tâm Phật là tâm thường hằng sống trong thiền định. Sống trong thiền định không có nghĩa là luôn giam mình trong am cốc, chùa chiền. Mà sống trong thiền định là tâm thường hằng chánh niệm tỉnh thức, không bị điên đảo, cực đoan, dù bản thân đi giữa cõi trần đầy sắc thái ngũ trược để hành Bồ Tát Đạo cứu khổ chúng sanh mà tâm không hề bị lay chuyển, đổi thay như ngọc kim cương được gói trong miếng vải dơ, sạch hay lăn lóc nơi hôi thối, được đựng trong hộp bông gòn trắng tinh, tướng trạng cục kim cương vẫn không thay đổi.

Cũng như vậy, vị Đạo sư có tâm vô ngã, chân không thường hằng an trú trên dòng thiền định vững chắc, nên dù sống trong xã hội bị loạn ly hay an lành, bị bạo lực vây hãm hay tự do. Tâm vị Đạo sư không hề bị đổi thay, không tránh né khổ đau, không tìm nơi sung sướng để an thân. Nhưng luôn hòa mình vào dòng sinh mệnh dân tộc bị khổ đau, ngu dốt mà cứu khổ, giải trừ ách nạn. Tâm đó là tâm bình thị đạo, tức là thấy dân tộc bị khổ đau, ách nạn, mình cũng cảm thấy khổ đau theo mà sinh lòng thương xót, nao núng, cảm thọ sướng hay khổ, như ánh nắng mặt trời, mặt trăng chiếu xuống mặt đất một cách yên lặng, bình đẳng không chọn lựa nơi chốn. Nơi nào không bị ngăn che bởi các chướng ngại, nơi đó được tiếp nhận ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Tâm không chọn lựa đó là tâm thiền định. Tư tuởng này không khác với tư tưởng của trường phái Thế Tôn Quan nhận định về Đức Phật: “Phật thường ở trong thiền định không hề thật sự có trong thuyết pháp, nhưng do duyên lực của Phật, tự nhiên tác động, thì những chúng sanh khi được có đủ thiện căn, thì được nghe Phật thuyết pháp, được Phật đến nói pháp hóa độ”. Không những chỉ riêng Đức Phật sống trong thiền định, chư Thánh Tăng trong thời Phật còn tại thế đều luôn sống trong thiền định từ sang sớm đi trì bình khất thực, trở về Tịnh Xá tĩnh tọa ăn cơm, rửa bát, đi kinh hành, nghe Phật nói pháp trong chánh niệm và mỗi động tác đều chững chạc, thảnh thơi, an nhiên cho tâm có chánh niệm, tỉnh thức chỉ đạo cho thân có những trạng thái trên. Thân được trạng thái thanh tịnh an nhiên do tâm hành trì giới luật mà có tâm định. Tâm định sinh ra tuệ . Gọi cho đủ là nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ . Từ chổ này, ta nên biết rằng, thành tố chính yếu của Đạo giải thoát, đó là Giới học, Định học và Tuệ học. Nếu xa lìa ba thành tố ấy, thì không có đạo giải thoát, không có đạo Phật, nói như lời kinh: “Còn vọng là còn sinh tử luân hồi”. Vì vậy, hành trì giới luật là cách thiền định, thiền định là cách giữ giới một cách thường trực trong đời sống hằng ngày . Cho nên, trong Đạo Phật tâm giới, thân giới là cách thiền định, phần nòng cốt chính yếu duy nhất trong việc thực tập các pháp môn ngay giữa trường đời đầy muôn vạn hình tướng có sắc thái dị biệt, âm thanh nào động để đưa tâm vào định trên dòng hằng chuyển của tâm thức gọi là đà sống. Đà sống chính là bản chất hoạt động không ngừng hằng chuyển của thức A-Lại-Da. Vì tính chất của thức A-Lại-Da là hằng chuyển, cho nên đối với những hành giả tu tập bất cứ pháp môn nào cũng đều sử dụng thiền định để chỉ đạo cho tâm thức không tiếp tục huân tập các chủng tử ô nhiễm (phiền não, vô minh) vào A-Lại-Da, vừa ngăn ngừa các chủng tử ô nhiễm sẳn có trong A-Lai-Da không tái xuất hiện. Trong khi tu tập, hành giả tiếp tục cho huân tập những chủng tử thanh tịnh vào A-Lai-Da được vươn tới giác ngộ tức Bồ Đề, gọi là trí tuệ được hiển lộ ra ngoài thân ở các trạng thái trang nghiêm, nhân cách không thiên vị về bất cứ đối tượng nào trước mọi hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn ngoài xã hội hay trong đạo một cách không ngững nghỉ, đó là thiền định trung thực. Vì vậy mà riêng giới xuất gia, Đức Phật đã dạy rất kỹ về tính trung thực thiền định là “Đừng nên giả trang thiền tướng để cầu kẻ khác cung kính” (Sa Di Luật Giải) ngay từ thuở bước đầu nhập đạo ở cấp Sa Di, cho đến ở ngôi vị cao tăng hạ lạp. Nói rõ hơn, là bậc xuất gia ai cũng phải có tính trung thực thiền định bất ly tâm, bất ly thân được hiển lộ trong mỗi động tác: tụng kinh, trì chú, thuyếp pháp, đắp y, lễ bái, ăn cơm, rửa bát, quét sân, đóng cửa chùa, lên giường nằm ngủ (thượng đơn), thức dậy bước xuống giường (hạ đơn), và cho nên trong đạo Phật từ nguyên thủy đến nay, tất cả hàng xuất gia đều được gọi là Thiền Tăng, Đạo Sư, Pháp Sư, Giảng Sư là người giảng giải và hướng dẫn tu tập Phật pháp cho người sống. Cũng như cứu bạt cho người chết bằng giáo pháp Mật Tông (cầu siêu) đúng như trong nghi thức có câu: “Thiền tăng thượng hương cẩn đương phụng thỉnh (chư Phật), không có danh từ Thiền Sư đúng như lời một Đạo Sư nói:

Phật thuyết ngôn vô ngã

Thiền Sư vấn thị thùy?”

Dịch là:

Phật đã dạy vô ngã

Thiền Sư là ai kia?”

Qua lời giảng của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh: “Bụt đã dạy rằng chúng ta vốn không có ngã . Vì vậy người được gọi là Thiền Sư đó là ai vậy? Tại sao đã vô ngã rồi mà còn có cái ông gọi là Thiền Sư đó là ai vậy? Thiền Sư đó có phải là một cái ngã không? hễ nói tới vô ngã thì từ Thiền Sư không thể nêu lên. Thiền Sư là một cái ngã (Thiết lập Tịnh Độ, Nhất Hạnh, trang 56-57).

Hai chúng xuất gia (Tăng, Ni) sống trong chùa, chùa được gọi là Thiền Môn (cửa Thiền), không gọi là Thiền Viện, Thiền Thất. Nhưng nơi nào có nhiều Tăng Ni tu học, những nơi đó được gọi là Tu Viện, Phật Học Viện, là những từ ngữ của thời đại hôm nay; như tu viện Nguyên Thiều, tu viện Quảng Hương Già Lam, Phật Học Viện Hải Đức, Phật Học viện Ấn Quang trong nước trước năm 1975. Tại hải ngoại có tu viện Làng Mai, Lộc Uyển, Rừng Phong, Pháp Vương, Bảo Pháp Trong thời xưa, Phật còn tại thế, những nơi Phật và chư Thánh Tăng ở đó tu tập được gọi là Tịnh Xá như tịnh xá Kỳ Viên, Lộc Uyển

Chư vị xuất gia sống trong Tu Viện, Phật Học Viện giống như những hạt thóc được chà xát trong cối xay để sau đó trở thành những hạt gạo trắng tinh. Tức là tâm thức được tôi luyện qua học Phật ở nhiều pháp môn và thực tập ở bản thân bằng thiền định trong thời gian lâu dài, thì sở học ấy được kinh qua sở tu, nên giáo pháp ở sở học được tiêu hóa một cách thông lưu đúng như câu thơ của Hòa Thượng Phúc Hậu:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư

Học hành không thiếu cũng không dư,

Năm nay tính lại chừng quên hết,

Chỉ nhớ trên đầu một chữ “NHƯ”

Hai câu đầu là thời điểm vào đạo của người xuất gia học Phật và thực hành Phật pháp, nên Phật pháp đã được tiếu hóa biến thành chất liệu nuôi dưỡng tâm linh. Tức là thức được chuyển đổi thành trí đúng với hai câu sau là đạt đạo giác ngộ, gọi là ra. Vào và ralà một quy luật của tất cả vạn hữu chúng sanh trên nhiều lãnh vực khác nhau. Ở lãnh vực bản thân con người về sinh lý; nêu như ăn, uống các thứ nuôi dưỡng vào cơ thể mà không tiêu hóa, không ra được, thân tâm ắt sẽ bị rối loạn, đau nhức, máu huyết không lưu thông sinh ra nhiều bệnh tật. Ở lãnh vực học Phật và thực hành Phật pháp (Vào) mà không chứng đạo (Ra) tức là không có trí tuệ, được xem như bị chìm ngập trong vô minh, sinh tử đúng như lời Phật nói: “Tâm còn vọng là còn bị luân hồi sinh tử”. Cho nên chữ Ra là nghĩa Chân Như mà Hòa Thượng Phúc Hậu đã nói, đó là một thứ tuệ giác bình đẳng vô sai biệt, ấy là trung đạo. Cái tuệ giác bình đẳng trung đạo có năng lực thấy biết một cách sâu sắc trong mọi thế giới hiện hữu thực tại chỉ là hiện hữu tương quan duyên khởi không tự thể khi năm cảm quan của thân trực nhận với hiện hữu torng đối đãi mà tâm không hề lay động vào âm thanh, sắc tướng của lục trần. Đó là bản chất trung đạo của thiền định. Tính chất trung đạo của thiền định được thấy qua các kinh Lăng Già: “Vô tướng, Vô pháp, Vô ngã” đúng như lời Phật dạy: “Lấy vô tướng mà thuyết pháp độ sanh - Lấy vô pháp mà bố thí cúng dường - Việc thiện trong đạo Phật dù nhỏ hay lớn đều được xây dựng trên tinh thần vô ngã”. Trong duy thức học: “có, không, thường, đoạn,” đúng như lời Phật nói: “Tất cả đều là một cực đoan, tất cả đều không là một cực đoan, xa lìa hai cực đoan ấy ta thuyết pháp một cách trung đạo”. Trong kinh Bát Nhã: “Không trụ vào tất cả các pháp, tức trụ vào Bát Nhã (Bất trụ nhất thiết pháp, danh trụ Bát Nhã), nghĩa là thân ngũ uẩn hiện hữu giữa trần cảnh thế gian, nhưng tâm không trụ vào lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp)” nói như lời kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Tâm trống không trụ vào đâu cả). Câu này trong kinh Kim Cang ở phẩm trang nghiêm tinh độ, Phật thuyết minh về cách trang nghiêm tịnh độ của hàng Bồ Tát vào đời đầy ngũ trược mà hành động cứu khổ ách nạn, giác tha cho chúng sanh nên lấy tâm vô tướng mà thuyết pháp độ sanh, lấy tâm vô ngã, vô pháp mà bố thí cúng dường, mới đích thực là trang nghiêm tinh độ. Cho nên Phật hỏi ông Tu Bồ Đề:

-Này ông Tu Bồ Đề, ý ông thấy sao, Bồ Tát có trang nghiêm tịnh độ chăng?

-Bạch Thế Tôn, không.

-Bởi cớ sao?

-Bạch Thế Tôn, trang nghiêm tịnh độ, tức chẳng phải trang nghiêm, ấy là trang nghiêm tịnh độ.

Sự trả lời của ông Tu Bồ Đề ở trên cơ sở khẳng định, phủ định, chiết trung. Tức là ý ông Tu Bồ Đề nói rằng: các hàng Bồ Tát có trang nghiêm tịnh độ, nhưng không khởi lên ý niệm thấy mình có trang nghiêm. Tức là vượt thoát pháp tướng, phi pháp tướng, nói rõ hơn là không đem tâm chấp thủ vào các pháp tướng, phi pháp tướng, đó mới đích thực là trang nghiêm tịnh độ. Tướng trang nghiêm tịnh độ là tướng siêu việt trong đối đãi, là pháp thân Như Lai.

Tâm của hàng Bồ Tát từ sơ địa đến thập địa đều lần lượt tiến lên nấc thang: vượt qua sáu nhập (sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhập vào sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp và sinh ra sáu thức). Chẳng trụ nơi nào, lìa nơi nào, không hữu vi, chẳng vô vi, lần lượt ra khỏi ba cõi, không có chổ để tâm phân biệt. Cuối cùng thấy các tướng trong phi tướng, là thời điểm tâm không còn chấp thủ. Tâm không còn chấp thủ là tâm không còn hư vọng. Tâm không còn hư vọng là tâm không còn ô nhiễm, không đúng như lời Phật nói với đạo sĩ Bà La Môn:

-Ta sanh ra trong đời, lớn lên trong đời. Ta chinh phục đời, không bị đời làm ô nhiễm.

Cụm từ “không bị đời làm ô nhiễm” được cắt nghĩa: Tâm không còn dòng tương tục, hết vọng tưởng phân biệt; đó là tự thể của tâm là không tính. Nói khác hơn, tâm an trú ngôi vị viên thành thực, tức giác ngộ thấy được bản thể vạn hữu chỉ là y tha khởimột cách mau lẹ không suy nghĩ đúng như Hòa Thượng Thiên Hoàng Đạo nói với Long Đàm rằng: “Hễ thấy là thấy liền, còn nghĩ ngợi tức sai”.Thấy liền mà ngài Thiên Hoàng Đạo nói với Long Đàm tức là thấy tánh không ở mọi hiện hữu khi tâm thức không nói thầm, định danh đối tượng. Tâm thấy (tri kiến) chứ không phải do thân thấy mặc dù thấy hình tướng vạn hữu, tai nghe âm thanh cõi trần, tay chân chạm xúc với sự vật. Cho nên con người thật của ta là tâm, chứ không phải là thân. Thân chỉ là cái vỏ bao bọc tâm, tâm nằm sâu trong thân, tâm là chủ thể chỉ đạo cho thân nói ra lời thiện, ác và hành động thiện ác khi tâm sanh khởi y niệm về sự việc gọi là ý nghiệp, rồi sau đó miệng nói ra lời gọi là khẩu nghiệp, thân hành động gọi là thân nghiệp. Lời nói ái ngữ, đạo đức, chân thật không hư dối và hành động thiện, vị tha, cứu khổ, không ngã mạn, kiến chấp…Tâm đó là Phật, tâm đó làm Phật, không có tâm nào khác hơn (Thị Tâm, Thị Phật, Thị Tâm tức Phật), Cho nên tâm thiền là tâm thực tập làm Phật, Bồ Tát. Do vậy mà nhìn vào mọi bản thể hiện hữu thấy ngay liền tánh không trong đó, không còn khái niệm. Được như vậy là do sau nhiều thời gian thực tập thiền quán niệm là do tâm thức xa lìa mọi biến kế sở chấp, không còn tồn tại trong tâm những thứ vọng tưởng phân biệt giống như khi ta nằm ngủ mộng thấy nhiều cảnh vật, khi tỉnh thức thì những cảnh vật trong mộng ấy đều tự tan biến hết. Đó là tâm tỉnh thức, là tâm chân thật vô tướng, không tính, viên thành thực tính.

Những nhân tố đem đến cái quả tâm tỉnh thức để rồi trở thành vô tướng, không tính là do thực tập thiền định. Cho nên trong Đạo Phật, thiền là phần nòng cốt chính yếu duy nhất trong việc thực tập các pháp môn ngay trong đời hiện tại ở mọi nơi có sắc thái biến động hay nơi yên tịnh không thành vấn đề, đều là đạo tràng thanh tịnh của sự thực tập thiền định đưa tâm vào định, đó là bản chất trung đạo của thiền định. Nếu sanh tâm ghét động chọn tịnh, ghét tịnh chọn động thì chưa phải là Trung Đạo thiền định. Trung đạo của thiền định như thể ánh nắng mặt trời, không khí đem sự sống đến cho sinh vật, cỏ cây và con người. Nói khác hơn, Phật pháp là chất liệu kiến tạo sức sống có tỉnh thức cho con người, bất cứ ai thực tập Phật pháp, do vậy, nói đến Đạo Phật là nói đến Phật pháp trước, nói đến thiền sau (cách thức thực tập). Vì là trung đạo, nên chi mọi không gian, thời gian, mọi hiện hữu thực tại (vạn vật và con người) tất cả pháp môn đều là sở trụ của thiền. Nói khác hơn, tất cả pháp có mặt trong thiền, thiền có mặt trong tất cả các pháp; giống như chất ngọt có trong những trái cây: mía, thốt nốt, cam quýt, vú sữa, chôm chôm, mận, củ cải đường…Từ những trái cây có chất ngọt này người ta đều có thể lấy ra chất ngọt (đường), rồi đọng lại thành khối hoặc rời để bồi dưỡng cho cơ thể con người được sức khỏe tốt. Nói về chất ngọt của đường, có loại ngọt gắt, loại ngọt vừa, ngọt ít. Do vậy, với con người có cơ thể khỏe mạnh hơn, người ta dùng đường có độ ngọt cao . Với con người có cơ thể không khỏe lắm, người ta dùng đường ngọt vừa, hay ít ngọt. Cũng như vậy, con người có Phật tánh đang phát triển cao độ trong tâm thức, thường chọn những giáo pháp có tư tưởng hơi triết học như Duy Thức Học, Bát Nhã, Kim Cang, Tam Pháp Ấn…Cho nên nói đến Đạo Phật là nói đến con đường giải thoát; đó là giáo pháp và thực tập giáo pháp để đưa tâm vào định mà có trí tuệ vô ngã, tánh không bằng thiền quán, quán chiếu vào tự thân, vạn hữu thực tại mà đạt tuệ giác. Còn con người có Phật tánh đang phát tirển thấp hoặc chưa phát, thường thì chọn những pháp môn Tịnh Độ niệm Phật Di Đà, tụng kinh, trì chú, diệt tam độc Tham Sân Si, Bát Chánh Đạo v.v…bằng thiền quán niệm, quán chiếu thì mới có năng lượng để đạt tuệ giác. Đó là tâm thiền, chứ không phải thân thiền. Tuy nhiên thân và tâm đều hòa hợp nhau là năng lực phát sinh ra định, đó là trung đạo của thiền định. Nếu như tâm thức ra khỏi thân gọi là tâm không chánh niệm, đang trôi lăn vào mọi ý niệm về ngã đó là một cực đoan. Tâm cực đoan là tâm không chánh đạo, là nhân tố đưa đến mọi sự đổ vỡ, thất bại trên mọi lãnh vực trong đạo và ngoài thế gian. Ngược lại được đạt đạo giác ngộ, thành công là do tâm chánh trực, chánh đạo trên vận hành có tu tập Phật pháp bằng thiền định. Cho nên thiền không phải là pháp môn, nó chỉ là phương tiện trợ đạo cho hành giả khi thực hành Phật pháp. Chính Lục Tổ Huệ Năng nói với Ấn Tống rằng: “Đức Huỳnh Mai (Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn) không phú chúc lời nào cả về thiền, chỉ luận về môn kiến tánh. Vì thiền không phải là Phật pháp” (PBĐK trang 33). Đúng, thiền không phải là Phật pháp, nó chỉ là cách thức an tâm vào định khi thực hành những pháp môn để thấy tánh không nơi các pháp, đó là nghĩa kiến tánh. Do vậy cụm từ “luận về môn kiến tánh” mà Huỳnh Đức Mai nói với Lục Tổ Huệ Năng, chính là tất cả các pháp môn của Phật đều chứa đựng khế lý, tánh không, vô ngã của các pháp. Nếu tu một pháp nào đó thật đúng cách Balamật, thì tâm vô minh của mình sẽ được chuyển hóa thành trí tuệ bình đẳng, tức là tâm không còn cái ngã khi thấy mình và vạn hữu không tự thể, chỉ là do duyên khởi mà có, đó là kiến tánh. Chẳng hạn tu tập pháp bố thí, nếu như bố thí bình thường thì chỉ được phước báo hữu lậu tức còn chấp thủ vào của bố thí vì do háo danh mà bố thí đó là cái ngã trong việc bố thí. Nếu như bố thí Balamật, tức là vượt thoát mọi ý niệm về ngã là tâm không còn phân vân, đắn đo, không còn chọn lựa nơi này bố thí không được phước, nơi kia mới được phước, tâm đó là tâm chưa kiến tánh là tâm còn ngã mạn.

Qua lời ngài Lục Tổ Huệ năng nói với Đức Huỳnh mai chỉ luận về môn kiến tánh và nói thiền không phải là Phật pháp. Vì vậy thiền không phải là pháp môn, nên chi không có ngôn ngữ diễn tả bản chất của nó để cho người khác được biết. Do vậy người nào có sử dụng thiền trong việc thực tập để được an vui hạnh phúc, hết giận hờn, hết sợ hãi, giảm căn thẳng cần kinh…hay thực tập thiền để biết mọi hiện tượng chỉ là hiện hữu tướng quan duyên khởi, nên không có tự thể v.v… người ấy thấy biết tánh chất của thiền, nói như Lão Tử: “Đạo Khả Đạo, Phi Thường Đạo” (Đạo mà nói ra được, thì không phải là cái đạo), nên mới nói bất lập văn tự là như vậy.

Vì thiền là cách thức, phương pháp an tâm (dhyana), nên thiền là một phương pháp có kỹ thuật cao, là dụng cụ trợ đạo thật đa dạng, dùng để an dưỡng thần kinh, trị liệu bệnh tật, cũng như đào xới vào bản thể vạn hữu thực tại để tìm ra tịnh độ, niết bàn, chân như, tánh không…được Phật chỉ rõ trong Tam Tạng Giáo Điển Kinh, Luật, Luận. Cho nên niệm Phật A Di Đà Vãng Sanh,tụng kinh, trì chú, thực tập bỏ tham,sân, si, Bát Chánh Đạo, Lục Độ, làm việc xã hội…Và ngay cả những việc sinh hoạt trong đời sống. Tất cả đều phải sử dụng thiền để chỉ đạo thì mới có thể đạt được hiệu quả đúng mục tiêu trên nhiều lãnh vực. Lãnh vực giải thoát sinh tử, mục tiêu của nó là cái tâm thường hằng vô ngã, thanh tịnh là phương tiện, hành trang vào Niết Bàn, Cực Lạc. Do vậy, dù cho không niệm Phật A Di Đà, không tụng kinh, trì chú …mà chỉ thực hành một câu kệ ngắn lời Phật dạy, công việc từ thiện rất nhỏ, phụng sự Phật pháp tại một tự viện, quán niệm mười hai nhân duyên vào tự thân, vào hiện hữu thực tại v.v…đều được xây dựng trên tinh thần vô ngã (không, vô tướng, vô tác). Thực tập những pháp như vậy, được gọi phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh của mình. Cho nên hiệu quả đúng mục tiêuđược cắt nghĩa “Qua bên kia bờ giác” (đáo bỉ ngạn). Cụm từ “Qua bên kia bờ giác” được dịch ra Việt ngữ từ tiếng Trung Hoa là “đáo bỉ ngạn”. Đáo bỉ ngạn được người Trung Hoa dịch từ Ấn Độ là Pàramita (balamậtđa), có nghĩa là làm cho xong, phải được đến đích, đúng mục tiêu đã định. Cho nên trong kinh Phật từ ngữ Pàramita chỉ bờ giác, trí tuệ bát nhã, tính không, chân không… là phương tiện vào Niết Bàn, Cực Lạc, nói như Lục Tổ Huệ Năng: “kết quả cả hai pháp (thiền và tịnh độ) cũng đồng chứng một bản thể Chân Như tức Phật tánh” (Pháp Bảo Đk, trang 69). Phật tánh (Như Lai Tang) mà Lục Tổ đề cập đến là Phật tánh phát triển, vươn lên như lòng đỏ của trứng gà đã thành gà con rồi tự mổ vỏ trứng bước ra. Phật tánh phát triển chính là cái tâm thấy được bản thể vạn hữu là vô tự tính, tức vô ngã, không tính, chân không do qua quá trình nhìn vào tự thân, trực nhận vào hiện hữu một cách chánh niệm bằng sáu thức tương dung qua những khái niệm Vô ngã, Vô thường, Duyên sanh…là những pháp môn mang thực chất nguyên lý giải thoát. Để rồi sau đó, tâm hành giả trở nên trống rỗng không còn nghĩ thiện, nghĩ ác, ơn, oán, danh, vọng…Tâm đó là tâm vắng lặng, thanh tịnh, là tuệ giác bình đẳng, tức là thức được chuyển thành trí. Trí ở ngôi vị này là trí tuệ bình đẳng là Phật tánh, tự tánh, chân như, chân tánh, Như Lai Tạng. Thiền Tông gọi là Bản Lai Diện Mục, Tịnh Độ Tông gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Thiên Thai Tông gọi là Tự Tánh. Hoa Nghiêm Tông gọi là Nhất Chân Pháp Giới. Luật Tông gọi là Bản Nguyên Tự Tánh. Duy Thức Luận gọi là Viên Thành Thực Tính. Tam Luận gọi là Thực Tướng Bát Nhã. Lục Tuệ Huệ Năng gọi Tâm Không Trụ Pháp là Đạo thông lưu. Đạo phải là thông lưu, cớ sao làm cho nó ngưng trệ? (PBĐk trang 72). Đạo thông lưu mà Lục Tổ nói đó, chính là ngài đã chứng đắc các pháp hiện hữu vô ngã, vốn thường yên lặng sau khi ngài ngộ được câu “Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm”. Cho nên ngài đem lời khuyến cáo rằng:

“Chớ lầm tưởng để tâm yên trống không là không thấy biết gì hết. Cái đạo tuy hư không mà rất linh hoạt, gồm có hữu có vô, có động có tịnh. Trong cái hữu có cái vô, trong cái vô có cái hữu, trong cái động có cái tịnh, trong cái tịnh có cái động. Hai mặt hữu vô, động tịnh đều ở trong Bổn Thể Chơn Như mà hiện ra. Nếu thiên chấp một mặt, thì chẳng phải Chánh Đạo” (PBĐk trang 56).Đó là bản chất trung đạo của thiền.

Lời Lục Tổ Huệ Năng nói hai mặt động, tịnh đều ở trongđược cắt nghĩa “Sắc bất dị không, Không bất dị Sắc”. Tức là sắc không khác với không. Không không khác với sắc. Nghĩa là không hai, bất nhị, tức là một. Một chính là Chân Như, không tánh. Nói khác hơn, Như Lai Tạng, Phật tánh được vươn lên sau khi tầng lớp vô minh bị tiêu diệt; tức thức (mê) được chuyển thàn trí (ngộ). Hay nói khác, phiền não hết, Bồ Đề hiện ra do trên tiến trình tu tập Phật pháp qua các khái niệm về vô thường, vô ngã, duyên sinh, tam pháp ấn…bằng thiền Quán niệm. Tức sử dụng bài kinh Tứ Niệm Xứ còn gọi là Kinh Quán Niệm trên tiến trình đưa tâm trực nhận vào hiện hữu qua từng hơi thở để tri hành pháp Quán. Tức là duy trì ý thức ngay trên đối tượng mà mình đã học qua những bài pháp mà quán niệm vào đó, như quán thân thể mình và mọi người không có trong sạch (Quán thân bất tịnh), Quán mọi cảm thọ đều đau khổ (Quán thọ thị khổ), Quán rằng tâm lý là vô thường (Quán tâm vô thường), Quán vạn pháp đều vô ngã (Quán pháp vô ngã), và quán niệm vào những sắc tướng trang nghiêm chư Phật, Bồ Tát để cho tâm bị ngã nghiêng qua những đối tượng bất thiện khác, gọi là chơn tâm quán niệm, còn gọi là chánh niệm, đúng như câu Kinh Phổ Môn: “Chơn quán thanh tịnh quán, Quảng đại trí tuệ quán, Bi quán cập từ quán”.

Quán và hành đều do tâm xa lìa các tướng, duy nhất an trú trong chánh niệm (thiền) khi tâm quán niệm đến đối tượng, tức là có khái niệm, phân tính trên mặt nhị nguyên gọi là tục đế ngôn ngữ. Bởi vì trước khi thấy được tánh không ở các pháp, nếu không nhờ đến tính chất ý niệm này thì không thể thấy được tánh không ở vạn hữu. Nói khác, nhờ có bản thể vạn hữu vạn pháp mà có ra lý tính không, khi tâm thức đã thấy bản thể vạn hữu không có tự thể sinh, diệt đều do duyên khởi; là lúc tâm thức từ bỏ nhị nguyên, tức là cái biết không lời, gọi là biết như thật. Thật đây là thật tướng các pháp là vô ngã. Tâm thấy các pháp đều vô ngã là tâm không còn ý niệm phân hai, không còn bị mắc vào sắc tướng lục trần (vô tướng), không còn ý niệm về tốt, xấu, thiện, ác, có không…(vô trụ). Đó là tâm hành, hành trong vô niệm. Tâm hành trong vô niệm như là một thứ ngôn ngữ không lời. Trên phương diện nhận thức, ngôn ngữ không lời là thuộc Tục Đế, chứ không phải chỉ riêng cho ngôn ngữ ra lời mới là Tục Đế, chứ không phải chỉ riêng cho ngôn ngữ ra lời mới là Tục Đế… Nhờ ngôn ngữ Tục Đế dù thầm lặng hay ra lời, ta tìm ra Chơn Đế, tức tính không, vô ngã. Tục Đế và Chơn Đế cùng có mặt trong mọi bản thể hiện hữu gọi là Nhị Đế, là Trung Đạo. Do vậy mà Trung Luận nói rằng: “Phật thuyết pháp bằng Nhị Đế” tức Trung Đạo. Tức Phật mượn ngôn ngữ để khai quyền hiển thật, tức hướng dẫn chúng sinh phải đi vào Đệ Nhứt Nghĩa Đế, đó là tánh không, vô ngã, một tức tuệ giác bình đẳng. Do vậy, sau khi diễn đạt khế lý (Tục Đế), để nhận ra tính không (Chơn Đế), Đức Phật liền phủ định ngôn ngữ vừa nói, và phủ định luôn cả tính không tức là không còn thấy cái khôngmà mình đã chứng đắc, thì mới thực là tính không. Cho nên cái khôngtrong Phật giáo không phải là cái không trống rỗng tiêu cực, mà là cái chân không diệu hữu. Chân không diệu hữu cũng là trí tuệ bình đẳng Vô Sai Biệt, nhưng rất hiệu dụng, đúng như lời Lục Tổ Huệ Năng đã nói:

“Cái đạo tuy hư không mà rất linh hoạt…”

Linh hoạt là tâm thấy biết tất cả mọi hiện tượng sinh, diệt, cùng cực đói khổ, khổ nạn, khổ ách, nô lệ, xiềng xích… trên dòng sinh mệnh của chúng sanh, dân tộc mà ứng thân hòa nhập vào đó mà cứu khổ, mà giải trừ ách nạn, gông cùm xiềng xích…đúng với câu: “Phật tại thế gian thường cứu khổ”. Hành động cứu khổ trong đạo Phật được thực hiện cả hai: cứu vô minh chúng sanh thành trí tuệ, thuộc tâm linh. Và cứu bản thân thể chất chúng sanh được ấm no, hết ách nạn, nô lệ, gông cùm, xiềng xích…một cách bình đẳng không phân biệt giai cấp, chủng tộc. Đó là con đường Trung Đạo của Đạo Phật, và cũng là bản chất trung đạo của thiền định được hiện hữu ở mỗi tăng thân của hàng xuất gia, được gọi là thiền tăng. Bản chất trung đạo của thiền định ở các vị đạo sư đích thực có tính linh hoạt diệu dụng đúng như lời Lục Tổ đã xác định, đều sẵn sàng hòa nhập vào thế gian khổ đau mà cứu khổ chúng sanh trên cả hai mặt: Phật pháp cho tâm linh, vật chất cho bản thân ngũ uẩn, mà tâm không sợ dính mắc vào sắc tướng lục trần. Đúng như lời Phật nói:

“Ta sanh ra trong đời, lớn lên trong đời. Ta chinh phục đời, không bị đời làm ô nhiễm”.

Tâm không còn sợ bị mình dính mắc vào biển sắc trần thế, là tâm có trí tuệ diệu dụng. Trí tuệ diệu dụng gồm có đủ ba năng lượng Bi-Chí-Dũng. Trí tuệ diệu dụng này là trí tuệ của hàng Bồ Tát xuất gia và tại gia Cư Sĩ phát Bồ Đề tâm hòa nhập vào dòng sinh mệnh khổ đau của chúng sanh gần nhất là dân tộc mình để cứu khổ trên cả hai mặt giáo pháp tâm linh và vật chất bản thân theo quy luật; hễ có trí tuệ là có hòa nhập cứu khổ . Ta thấy những Bồ Tát trong quá khứ đều có trí tuệ diệu dụng này; như Bồ Tát Quán Thế Âm đúng với câu: “Quan Âm Diệu Trí Lực Năng Cứu Thế Gian Khổ”.

Trí tuệ diệu dụng, thật sự chỉ là trí tuệ bình đẳng vô sai biệt, tức là tâm hoàn toàn vô ngã, tánh không đích thực, nó có năng lực khiến đôi chân hành giả hòa nhập vào thế gian để hành động cứu bạt trên nhiều lãnh vực một cách không cực đoan, thật thênh thang tự tại, vô ngại không sợ bạo lực, không ngại bị ô nhiễm sắc trần, nên mới nói là diệu dụng. Bởi trong trí tuệ có từ bi; trong từ bi có trí tuệ. Hai đức này là năng lực không sợ hãi, đó là đức tính hùng dũng. Với hành giả chưa có trí tuệ, tức tâm thức còn ngã, còn chấp thủ, kiến chấp…nên luôn luôn sinh khởi những ý niệm về ngã được biểu lộ ra ngôn ngữ và hành động cực đoan ở gốc độ im bặt tư tưởng không dám nghĩ đến cảnh tù đày của bạn đạo, và ở gốc độ ly khai khỏi những cảnh khổ nạn, khổ ách của dân tộc được chứng thực qua ngôn ngữ: “Tu hành không nên làm chính trị”. Như vậy, cái hành động của thiền sư Trần Thái Tông rời khỏi núi yên Tử, về lại Thăng Long mặc áo giáp, điều binh khiển tướng đánh đuổi quân xâm lược Mông Cổ, được chiến thắng đem lại an bình cho dân tộc Việt Nam vào năm 1257, sau khi nghe lời khuyến cáo của Thiền Sư Trúc Mộc:

“Không có Phật ở trong núi, Phật ở trong tâm”.

Có phải là hành động của thiền sư làm chính trị, hay là do có trí tuệ Phật, Bồ Tát?

Một khi hành giả xuất gia hay Cư Sĩ không có trí tuệ, dù ở ngôi vị có tầm cỡ nào đi nữa, vẫn là cái lực dẫn tâm thức đi từ cực đoan này đến cực đoan khác, trong đó có tôn vinh thiền tông, phủ nhận tịnh độ niệm Phật Di Đà Cầu Vãng Sanh, bài xích cầu siêu, cầu an. Nếu không nói đây là tư tưởng phản lại định lý nhân duyên chi phối định luật nhân quả trong Đạo Phật. Định lý nhân duyên trong Đạo Phật được công nhận từ một lời kinh, tiếng mõ, tiếng chuông, hình tượng Chư Phật, Bồ Tát, thân tướng trang nghiêm đức độ của vị Tăng, Ni …, đều là những nhân duyên Phật pháp đưa con người từ ngôi vị phàm phu được tuần tự bước lên ngôi vị các bậc Thánh khi Phật tánh trong nội thức được khơi dậy, đánh thức bởi những duyên Phật pháp đó. Và ngay cả những hiện tượng của chiếc lá rơi bởi cơn gió thổi qua, đám mây trong bầu trời từ từ lan rộng rồi biến dạng trong hư không, đều là những nhân duyên Phật pháp làm cho lòng người thức tỉnh thấy được định lý vô thường, vô ngã, duyên khởi đang chi phối lên bản thể vạn vật và con người.

Những hiện tượng lá rơi, mây bay v.v…là những vô tình chúng sanh ở ngoại vi ngôi chùa mà còn được chấp nhận vào nhân duyên Phật pháp. Huống hồ một pháp môn Tịnh Độ niệm Phật Di Đà Vãng Sanh được Phật thuyết, nghi lễ cầu siêu cũng được Phật dạy qua bài Kinh Vu Lan, mà thiền sư hậu lai kia đã phủ nhận, bài xích không chấp nhận là nhân duyên Phật pháp, thì quả thật Đạo pháp Việt Nam đang bị mất dần chánh đạo bởi những con người tự nhận mình là thiền sư.

Ta nên biết rằng người Tăng Sĩ trong Đạo Phật từ ngàn xưa và hôm nay khắp thế giới sau khi tâm thức có tuệ giác đích thực là năng lực hòa nhập vào thế gian trong vai trò cứu khổ ách nạn và giác tha giáo lý cho chúng sanh, không ai có tâm thức cực đoan một chiều với pháp môn này, pháp môn kia, đều sử dụng tất cả làm phương tiện tùy duyên, tùy căn tánh chúng sanh mà cứu khổ độ tha, nên không có vị nào bác bỏ, bài xích pháp môn này, pháp môn nọ. Chẳng những không bác bỏ bài xích mà còn chế tác ra những pháp môn mới (tùy duyên phương tiện bất biến chánh pháp) để đối trị lại những căn tánh con người ở từng mỗi quốc gia có nền văn minh, văn hóa khác nhau đúng theo tám mươi bốn ngàn pháp môn chỉ là con số tượng trưng cho phương tiện thiện xảo mà áp dụng pháp môn này pháp môn kia, đó mới thực là Tăng Sĩ đạt đạo, được xứng danh thiền sư do mọi người tôn xưng. Thật sự từ ngữ thiền sư là do các Tăng Sĩ hậu lai gọi thiền sư đối với các Tăng Sĩ tiền bối có quá trình tu tập và chứng nghiệm, nên sinh khởi tâm tôn kính mà gọi. Chứ các ngài trong thời quá khứ, không vị nào tự xưng thiền sư. Để thấy rõ, thiền sư không có thật chỉ là ngôn ngữ tôn kính mà có do hậu lai gọi đến qua lời nhận định của triết gia Phạm Công Thiện sau đây:

“Xưa kia những bậc tiền bối, như thiền sư Thật Hiền(hiệu Tĩnh Am) là một đại thiền sư, chẳng hạn những liễu chứng tinh túy của thiền tông mà thực ra là người đã thực chứng toàn diện tinh túy sâu thẳm của Đại Pháp Môn siêu việt thể hiện huyền diệu trong việc nhất tâm niệm Hồng Danh Đức Phật A Di Đà (hiểm họa lớn nhất của Phật giáo Việt Nam hiện nay là sự xuất hiện ma quái của những người tự nhận là “thiền sư” rồi đả kích, chỉ trích pháp môn Tịnh Độ; họ quên rằng Tổ Sư Long Thọvừa là tổ sư của thiền tông và cũng là tổ sư của Tịnh Độ; không có Long Thọ thì cũng chẳngcó cái gọi là Thiền Tông”. (Viên Thông – Phát Bồ Đề Tâm - Phạm Công Thiện).

Không riêng gì hai ngài Thật Hiền, Long Thọ mới luận về pháp môn Tịnh Độ, mà bất cứ vị Tăng Sĩ xuất gia nào trong Đạo Phật tại các nước trên thế giới thuộc giáo hội Phật giáo truyền thốngđược xuất phát từ dân tộc qua từng thời đại ở tiền bối và thực tại, một khi đã giác ngộ chân lý tánh khôngcủa các pháp qua quá trình tu tập Phật pháp bằng thiền định, đều có bổn phận nói và hướng dẫn cho hàng Cư Sĩ Phật tử về pháp môn Tịnh Độ niệm Phật Di Đà, trong đó có Lục Tổ Huệ Năng, ngài nói:

Người tu hành phải cầu sức tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà (Cầu tha lực), mới được giải thoát. Phải thường tin tưởng niệm danh hiệu ngài cho mục đích để nhờ đức từ bi cảm hóa của ngài mà được giải trừ tội chướng. Lại phải quán cảnh Tây Phương Cực Lạc, quán tưởng hình tượng của ngài để kềm chế cái tâm khỏi bị tán loạn, phiền não, hầu đạt hết cảnh thanh tịnh vô vi là phương tiện Vãng Sanh” (PBĐk trang 68).

Ngoài những pháp môn Tịnh Độ ra, quý ngài tuần tự thuyết nhiều thứ kinh và giáo lý Pháp số từ số một đến số mười haicho toàn thể nam, nữ Phật tử một cách tổng thể; để rồi sau đó mỗi người tự chọn cho mình một pháp môn tu chính và một vài pháp phụ được phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh của mình đúng với: “Tám vạn bốn ngàn pháp môn trong Đạo Phật là con số biểu tượng có tính cách đối trị lại mọi căn tính của từng chúng sanh”.

Tất cả pháp môn mà người Phật tử tự chọn cho mình con đường tu tập đều được chư vị xuất gia có quá trình học Phật, tu tập và chứng nghiệm trong tu viện từ thuở thiếu niên, nên có kinh nghiệm phụ trách hướng dẫn. Trên lộ trình hướng dẫn, trong đó các bước đầu tiên là hướng dẫn cách thực tập an tâm vào vị trí thanh tịnh chánh niệm (dhyana - thiền na) phải được thuần thục nằm lòng (không thể không nằm lòng) vì là bàn đạp để bước lên những nấc thang chính yếu: Học Phật pháp để biết khế lý (kiến đạo) các pháp mà thực hành (tu đạo) để đạt mục tiêu cuối cùng là chân lý tánh không (đạt đạo) ngay tại ngoài thế gian chứ không phải ở am cốc chùa chiền, đúng như lời Lục Tổ Huệ Năng nói: “Muốn tu thành một vị Phật, Bồ Tát, tất phải hòa quang hỗn tục, hòa mình lẫn lộn trong các hạng chúng sanh, vừa độ mình vừa độ thế, thực hành cho đủ các đức tánh vô vi hữu vi, như thế mới thành công đắc quả. Trái lại nếu bỏ đạo thế gian mà tìm Phật, thì chẳng khác nào leo cây bắt cá, lặn biển mò kim, thì chẳng nên gì cả”.

Tư tưởng trên của Lục Tổ Huệ Năng cũng không khác lời phát nguyện nhập thế của ngài A Nan: “Ngũ trược ác thế thề tiên nhập”.

Tư tưởng nhập thế để tìm thấy chân như tánh không đối với các hàng Bồ Tát xuất gia, tại gia Cư Sĩ không hạn định là thời xưa, mà trong bất cứ thời đại nào cũng có xuất hiện tư tưởng nhập thế. Như cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã nói: “Đạo Phật chỉ có thể tìm thấy được bóng dáng…ở những nơi nào không có Phật giáo”. Đích thực, câu chuyện một vị sư tu tập trong am cốc lâu năm mà không kiến giải được điều thắc mắc trong Phật pháp. Một hôm xuống phố đang đứng giữa chợ đời gần một hàng thịt, thì bỗng nhiên hoắc ngộ chơn lý đã thắc mắc đó, do nghe được âm thanh con dao chặt xuống thớt cùng với lời giận dữ của ông chủ hàng thịt nói với người khách hàng: “Miếng thịt nào đưa cho bà, bà đều chê không ngon! Vậy miếng thịt nào là miếng thịt ngon?” Từ đó về sau vị sư liễu ngộ chơn lý tại hàng thịt được người đời tặng cho cái tên “Vị sư hàng thịt”.

Với Đạo sư Tuệ Sỹ, tư tưởng nhập thế của ngài không những chỉ xuất hiện trong văn thơ, trên những trang sách Phật pháp do ngài sáng tác, mà xuất hiện luôn cả bản thân gầy guộc giữa xã hội trong đó con người ở mọi giai cấp đang chịu nhiều khổ đau, ách nạn, dốt nát…đúng như lời thầy Tuệ Sỹ nói với tác giả trong điện thoại: “Từ xưa nay tôi chỉ thích làm ông thầy tu bụi đời”.

Tư tưởng bụi đời của Đạo Sư Tuệ Sỹ là bản chất trung đạo thiền định, là yếu tính nhập thế của Đại Thừa Phật giáo bởi tình yêu xuất thế gian tràn ngập trong lòng của các hàng Bồ Tát xuất gia mà Đạo Sư Tuệ Sỹ đang có là năng lực tự nhiên khơi dậy tâm từ bi khiến cho đôi chân trí tuệ (lưỡng túc tôn) của ngài hiện hữu giữa thế gian đầy khổ nạn mà hành động cứu bạt chúng sanh một cách quên mình, dù cho bị lá chắn vô minh của các bạo lực thế gian ngăn chận đến đâu, vẫn như không thấy, cứ tiến bước. Bước đi trong không gian tâm linh là cái bước đi vào lòng người ở mười phương các cõi xa xôi khi bàn chân tứ đại bụi đời không ra khỏi phòng bởi các lá chắn vô minh ngăn cản, nhưng đôi chân trí tuệ của thầy vẫn đi trong bầu trời cao rộng, nên chi thầy không thấy luôn cả bản thân gầy còm của mình được no hay đói, lạnh hay nóng, sướng hay khổ. Đó là bụi đời của thầy Tuệ Sỹ, nói như tư tưởng Đại Thừa: Niết Bàn không ly khai với sinh tử, phiền não tức Bồ Đề, sắc không khác với không, trụ vô trụ . Vạn hữu ở đâu nhỏ như hạt cát đều là sở trụ của Như Lai, tánh không. Thì còn lấy đâu nữa mà trụ đối với các bậc Đạo Sư có thực chứng tánh không như Tuệ Sỹ.

Qua tư tưởng nhập thế của Lục Tổ Huệ Năng trong quá khứ xa xưa và Đạo Sư Tuệ Sỹ thời nay, cho ta một nhận thức đứng đắn rằng: hễ là Tăng Sĩ chân tu trong Đạo Phật đều là những đạo sĩ có thân tướng thiền tăng, nên sống trong an bần lạc đạo, thường đi giữa không gian hiện hữu và hiện hữu trong không gian tâm linh con người, vì do lấy trung đạo làm nền tảng sống và hành đạo trong đối đãi với chúng sanh trên ba lãnh vực Hộ Dân, Hộ Quốc, Hộ Đạo, vì vậy mà thường quên mình, quên thời gian, hy sinh cho đại cuộc ở người dân trên vấn đề an cư lạc nghiệp và trí tuệ (Hộ Dân), cho tổ quốc có dân chủ và chính nghĩa quốc gia (Hộ Quốc), ở Đạo Phật có Chánh đạo và Chánh pháp (Hộ Đạo), đúng với yếu tính của Đạo Phật là hòa nhập vào dòng sinh mệnh của chúng sanh để kiến tạo nhân duyên Phật pháp mà làm chuyển hóa, biến đổi nhân quả xấu thành trí tuệ cho chúng sanh theo định lý nhân duyên là năng lực chi phối định luật nhân quả trong Đạo Phật. Vì vậy mà nhân duyên Phật pháp ở đây là Phật pháp và Bồ Tát xuất hiện đúng theo quy luật. Ở đâu có chúng sanh, ở đó có Phật pháp và Bồ Tát hiện hữu không hạn định thời gian quá khứ, hiện tại hay tương lai trong vai trò khai lại nguồn sống Đạo pháp cho chúng sanh, dân tộc đúng ở ba lãnh vực nói trên, mới đích thực là Tăng Sĩ của Đạo Phật.

Qua tư tưởng Phật học: “Phật pháp không có thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. Ở đâu có hữu tình chúng sanh, ở đó có Phật pháp và Bồ Tát xuất hiện”.Tác giả xin mượn tư tưởng nhập thế của Đạo Sư Thích Tuệ Sỹ qua ngôn ngữ: “Từ xưa nay tôi chỉ thích làm ông thầy tu bụi đời”, để kết luận cho đề tài: “Bản Chất Trung Đạo Của Thiền Định”với tư tưởng trung thực sau đây: Không có nhãn hiệu độc tôn về THIỀN trên danh xưng ở bản thân, ở am, thất, tịnh xá. Tức không có thiền sư, thiền viện. Chữ thiền được có giá trị ngôn ngữ tục đế ra lời và sách vở để hướng dẫn cách an tâm vào Định, vào Quán Niệm. Quán chiếu mà đạt đạo tánh không gọi là Chân Đế. Sau đó hành giả phủ định ngay trên chứng đắc chơn đế của mình, vì bản chất của thiền là là vô trụ vào các pháp. Cho nên toàn bộ nền đạo lý trong Đạo Phật là những phương tiện hướng dẫn tâm con người muốn đạt được trí tuệ để thấy tánh không vô ngã của các pháp, tâm con người phải tĩnh lặng không trụ vào các pháp khi con người tiếp nhận vào lòng những pháp môn hợp căn cơ của mình rồi thực tập. Từ đó tâm tĩnh lặng chánh niệm là năng lượng nuôi dưỡng, trị liệu và triễn hóa những chũng tử nhiễm thành trí tuệ vô ngã tuyệt đối . Tâm vô ngã tuyệt đối được biểu hiện qua ngôn ngữ phủ định thì mới đích thực là vô ngã, cho nên Đức Phật đã nói:

“Suốt 45 năm thuyết pháp, ta không nói một lời nào”. Tức là Đức Phật sử dụng ngôn ngữ tục đế để khai quyền hiển thực chơn lý tánh không cho chúng sanh được tỏ ngộ. Xong rồi Đức Phật liền phủ định ngay. Nếu không phủ định là dính mắc vào cực đoan . Và nếu chỉ có phủ định trên cái khôngcủa khôngcũng là một cực đoan ở cái không,nên phải xác định thì mới đích thực tâm có chứng đắc tánh không vô ngã. Như Kinh Kim Cang có câu: “Cái gọi là Phật pháp, tức chẳng phải là Phật pháp, nên gọi là Phật pháp”. Phật nói:

“A nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề, tức chẳng phải A nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề; cho nên mới gọi là A mậu đa la tam miệu tam Bồ Đề”.

Câu sau cùng là xác định chỉ có tâm có trí tuệ vô ngã tánh không đích thực là năng lực hòa nhập vào các cõi khổ đau chúng sanh mà hóa độ một cách tự nhiên, cho nên các hành giả Bồ Tát xuất gia mới dấn thân vào giữa xã hội con người đang bị khổ nạn, khổ ách… mà ra tay giải cứu một cách an nhiên tự tại không sợ hãi bất cứ bạo lực nào. Đó là tâm vô ngã, tánh không của hàng Tăng Sĩ giáo chân tu đích thực. Mà tâm vô ngã, tánh không cũng chính là tâm vô trụ vào các pháp. Vô trụ, ta đừng tưởng lầm là không nên hiện hữu giữa xã hội điên đảo, thác loạn… chỉ nên an thân trong thiền viện, am cốc với lời lẽ: “Tu hành không nên làm chính trị”. Mà vô trụ ở đây, tấm thân của hàng Bồ Tát hiện hữu giữa cõi đời vô trược mà tâm không bị vuớng mắc vào sắc tướng, danh vọng, chức vụ… trên vận hành hóa độ chúng sanh bằng sở trường Phật pháp mà người Bồ Tát đã chứng nghiệm qua quá trình tu tập ở một pháp hay hai món có chọn lựa cho đúng với căn cơ của mình. Từ đó mới có ra Tông phái trong Phật giáo. Thật sự toàn bộ nền đạo lý diệt khổ của Phật giáo không có chia ra tông phái. Sở dĩ có ra các tông này tông kia là do chư vị tổ sư tiền bối lập ra sau khi qua quá trình tu tập pháp môn nào đó hợp với căn cơ của mình mà chứng ngộ chơn lý, rồi viết ra khế lý đã được thực nghiệm.

Tất cả các tông trong Phật giáo trước và nay không ra ngoài nguyên lý đưa tâm vào thanh tịnh, tĩnh lặng (định) để thấy được đạo.

Cho nên các Tông phái như những con thuyền trên những dòng sông trên lục địa. Thuyền ở đây được biểu tượng cho trí tuệ bát nhã. Trên những con thuyền có người đang chèo thuyền từ sông có dòng nước lạc ra biển mặn để qua bên kia bờ giải thoát. Vì biển Phật pháp mênh mông, nên chi những con thuyền đều có tầm cở lớn như nhau mới không bị sống gió phiền não làm ngã nghiêng. Tầm cỡ lớn như nhau của các con thuyền được biểu tượng cho các Tông phái trong Phật giáo, không có tông nào lớn hơn tông nào về trí tuệ, nếu con người trong những Tông phái đó tu tập đúng chánh pháp đều có trí tuệ bình đẳng như nau (Phật pháp bình đẳng pháp). Trí tuệ tánh không, vô ngã ấy dù gọi bằng nhiều tên nào đi nữa như: Thường Tịch Quang, Tự Tánh, Nhất Chân Pháp Giới, Thực Tướng Bát Nhã, Tâm Vô Trụ Pháp, Viên Thành Thực Tính… nhưng bản chất giống nhau, đó là tuệ giác bình đẳng. Từ chổ này ta thấy rằng, đã là bình đẳng thì không có tông phái nào hết, nói như lời Lục Tổ Huệ Năng: “Trong Tịnh Độ có phần kiến tánh, mà khi được kiến tánh thì không còn sợ Tịnh Độ nữa, nghĩa là khi thấy thành Phật Đạo thì thực nhập vô vi Niết Bàn, không còn công phu định tâm, tịnh tánh nữa” (PBĐK trang 69) tức không còn Thiền.

Đã là không gọi thiền, thì làm gì có Thiền Tông Việt Nam, mà đòi phục hưng? Thay vì đòi phục hưng Thiền Tông Việt Nam, đòi phục hưng Đạo Pháp cho dân tộc Việt Nam thì đúng đạo hơn trong thời đại nhân loại đang tiến lên nhiều văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại và cũng đang sinh sản ra nhiều thứ chủ nghĩa khủng bố, tàn sát chia rẽ con người. Mà nạn nhân đang chịu nhiều khổ đau ấy, đó là dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Do vậy, bản thân Phật giáo Việt Nam hiện nay phải tự nhận thức: toàn bộ nền đạo lý diệt khổ mà Đức Phật đã để lại trong Tam Tạng Giáo Điển đều được xây dựng trên tinh thần vô ngã, mà quay về cái Tông vô ngã duy nhất đó, không có tông nào khác hơn; vì nó được phát xuất từ cội nguồn khi Đức Phật bứt một nắm lá tại khu rừng Simsapà, rồi ngài hỏi các vị Tỳ Kheo:

- Này các thầy Tỳ Kheo xem lá Như Lai nắm trong lòng tay nhiều hay lá trong rừng nhiều?

- Kính bạch Đức Thế Tôn, lá trong rừng nhiều, còn lá mà ngài nắm trong tay thì ít.

- Những điều mà Như Lai đã nói và hướng dẫn cho các thầy biết cách tu tập Phật pháp rất là ít so với những gì Như Lai biết. Nhưng tại sao Như Lai không nói ra hết? Bởi vì xét ra không có lợi ích gì cho Đạo Diệt Khổ. Do vậy mà ta không nói.

Thì, cái nắm lá trong tay của Đức Phật được biểu tượng cho bốn chúng đệ tử Phật cùng ngồi trong tòa nhà Bát Nhã dù ở thời đại xưa hay nay đều đoàn kết chung trong một khối Phật giáo nếu không nói là cái Tông Trí Tuệ Bát Nhã. Chỉ có Tông Trí Tuệ Bát Nhã này mới có thể không bị các bạo lực vô minh chia rẽ, phá hoại, lợi dụng Phật giáo để phát triển quyền lực của chúng. Còn bằng không, cứ tiếp tục dán lên cái nhãn hiệu tông này, tông kia là động cơ tiến lên ngôi vị đại ngã, chấp thủ, cực đoan, là hang ổ ẩn nấp của các bạo lực vô minh nhằm đánh phá và tiêu diệt Phật giáo mà thôi.

CHẤT LIỆU NÀO KIẾN TẠO THÀNH BỒ ĐỀ TÂM?

Phẩm chất của năm giới kết thành hạt kim cương bé nhỏ được gọi là sự hiểu biết có nhân bản hay đạo lý con người qua quá trình thực hành năm giới thông suốt không vi phạm năng lượng khơi dậy tâm thức con người nghĩ đến chúng sanh gần nhất, đó là đồng bào đang bị khổ đau, ách nạn rồi tự phát nguyện đi hành động cứu khổ, mặc dù phẩm chất của năm giới không phải phẩm chất của Bồ Tát giới, nó chỉ là nhân đạo. Do năng lượng hạt kim cương nhân đạo này là chất liệu Phật tánh đang bừng dậy như hoa sen kia đang nở trong lòng nước là năng lượng đưa tâm thức con người tự nguyện thọ trì thêm mười giới cơ bản, rồi tiếp đến mười giới thập thiện, được gọi là giáo luật mười việc thiện. Cả hai phẩm chất của hai thứ mười giới cùng nối kết nhau hiện hữu trong không gian tâm linh, làm cho hạt kim cương nhỏ bé vốn có, được lớn thêm, va phẩm chất cao lên đúng với khế lý Hoa Nghiêm “thử sanh cố bỉ sanh”(cái này sanh cái kia sanh).

Vì do thực hành ba thứ giới luật cơ bản kia như đã nói ở trước mà tâm con người được trở nên trong sáng thanh tịnh, tịnh mặc, vắng lặng; đó là Bồ Đề tâm, là Bồ Tát, là Phật đúng với bản chất của giới là thanh tịnh, là Bồ Tát, Phật một khi con người quyết tâm thực hành đúng đắn không sai phạm, con người trở thành Bồ Tát, Phật. Đó là định luật nhân quả rõ ràng, và định lý Hoa Nghiêm lại càng rõ hơn. Cho nên trước khi thọ Bồ Tát giới, tâm con người phải có phẩm chất của ba thứ giới cơ bản, trong đó mười giới thập thiện là nền tảng vững chắc để bước lên nấc thang Bồ Tát giới. Vì giới của Bồ Tát là giới do lòng phát nguyện dấn thân vào mọi nẻo đường thế gian, vào tận hạ tầng và thượng tầng giai cấp chúng sanh để cứu bạt theo khả năng của mình, đó là Bồ Tát nguyện được hiện thực rõ ràng qua những hành động và ngôn ngữ cứu chúng sanh ra khỏi vô minh bức bách đọa đày, những khổ đau ách nạn ở bản thân… đó là Bồ Tát đạo.

Do đâu mà tâm thức con người có Bồ Tát nguyện, Bồ Tát đạo? Do có Bồ Đề Tâm. Cho nên Bồ Đề tâm có trước trong tâm thức là năng lượng phát sanh ra hai thứ Bồ Tát nguyện và Bồ Tát đạo. Bồ Tát tâm là tâm thanh tịnh, vắng lặng, là năng lượng thấy biết. Thấy biết gì? Thấy mình và động loại chung quanh mình đang bị sống trong cõi tối tăm, bức bách đọa đày, khổ nhục…Tâm thấy được như vậy, tức khắc phải quyết tâm tìm con đường sáng để giải thoát mình và người được ra khỏi các cảnh khổ đau, đọa đày ấy.

Tâm thấy biết mình và người bị khổ đau rồi dấn thân xông pha cứu khổ. Tâm đó là tâm Bồ Đề, vì nó chứa đựng hai thứ từ bi và trí tuệ. Cho nên Bồ Tát giới không phải là giới lên ngôi vị được ăn trên ngồi trốc, đứng trước, đi trước, có dù che lọng rước, được trọng đãi, được mọi người quy phục…mà phải hạ mình trong im lặng giữa cõi trần thế gian để lắng nghe lời kêu cứu khổ của chúng sanh đang bị trói buộc trong các xiềng xích lửa bỏng, sẵn sàng ra đi đến đó để giải thoát cho chúng sanh một cách thường hằng.

Sự hiện hữu bản thân mình giữa cõi trần khổ đau để giải thoát khổ đau của các hàng Bồ Tát chính là đi tìm chất liệu để nuôi dưỡng, tô bồi cho hạt giống Bồ Đề của mình được lớn mạnh, được chuyển đổi qua ngôi vị Phật Thừa. Môi trường có những chất liệu nuôi dưỡng cho Bồ Đề tâm, không gì khác hơn đó là các cõi khổ đau, ách nạn của chúng sanh. Cho nên hạt giống Bồ Đề của hàng Bồ Tát phải được gieo xuống những vùng sa mạc của chúng sanh đầy bão cát sanh tử, gió nóng, lửa đỏ khô cằn…là điều kiện ắt phải để cây Bồ Đề được tiếp tục trổ cành, ra hoa trí tuệ Phật. Chứ hạt giống Bồ Đề không thể giao xuống những vùng phì nhiêu, thịnh vượng của chúng sanh đang tràn đầy hạnh phúc. Vả lại càng không thể gieo xuống những không gian thần thoại, trừu tượng mơ hồ khác.

Ba thứ Bồ Đề tâm, Bồ Tát nguyện, và Bồ Tát đạo là ba chân vững chắc của cái vạn đựng nước cam lồ của hàng Bồ Tát vào đời, để tưới lên bản thân mình và chúng sanh đang bị chìm ngập đau khổ, ách nạn, áp bức… được tươi mát, an lạc, hạnh phúc. Nếu không nói là đi tìm Niết Bàn trong sanh tử. Vì Niết Bàn có trong sanh tử. Không ly khai với sinh tử. Vì vậy mà Bồ Tát giới được dính khằn sâu thẳm trong tâm của người đã thọ giới suốt cả cuộc đời đang sống và đi theo qua thân xác mới ở kiếp sau, không thể mất được. Bồ Tát Giới được ví như áo quần che thân để thân được ấm, như cơm ăn, như thuốc men chữa bệnh, như nước uống. Tức là một khi đã phát tâm thọ Bồ Đề giới, người sắp thọ đã được học, nghe qua phẩm chất của Bồ Tát giới do vị Tăng sĩ hướng dẫn và giảng giải. Từ đó mới biết rõ vai trò của người thọ Bồ Tát giới phải làm gì, mới xứng danh là Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia.

Năm giới, mười giới cơ bản và mười giới thập thiện, con người sau khi thọ có thể tự xả bỏ những giới trên vì lý do nào đó, chẳng hạn do theo ngoại đạo hay không còn tin Tam Bảo, v.v…Và Bát Quan Trai giới được hiệu lực qua một ngày đêm, dù có công bố hay không xả giới nó vẫn hết liệu lực, không còn tồn tại nơi thân tâm con người. Còn Bồ Tát giới thì không thể xả bỏ, tức là luôn luôn thực hành trên vận hành khổ đau cùng cực của chúng sanh mà nhặt ra từng mảnh thanh tịnh để xây dựng Niết Bàn bằng hành động và ngôn ngữ cứu khổ. Nếu con người trong Đạo Phật đi ngược lại quy luật này, tức là khởi lên ý niệm tránh né vào các giai cấp nghèo hèn, khổ lụy… chỉ chọn những nơi có chúng sanh đang ở ngôi vị giàu sang, lắm của nhiều tiền mà đến đó trong cái gọi là “trên cầu thành Phật, dưới hóa độ chúng sanh”, thì bản thân họ cho dù đội mão cao, áo đỏ thùng thình hiện hữu ở chùa to chùa nhỏ, thiền viện lớn, am cốc với trạng thái lăng xăng, hay im lặng trong cái gọi là phụng sự đạo pháp, và ngôn ngữ Phật pháp, gọi là nói pháp độ sanh… thì chỉ là hành động và tiếng mớ trong cơn mộng của giấc ngủ say của đêm dài tối tăm mà thôi. Bởi vì ngôn ngữ và hành động đạo pháp đó không chứa đựng tính chất từ bi, trí tuệ, tức Bồ Đề, nói như Kinh Hoa Nghiêm: “Làm một việc từ thiện mà quên mất phát Bồ Đề tâm, chỉ là hành động của ma vương”. Quên phát Bồ Đề tâm được đồng dạng là không có Bồ Đề tâm. Bởi vì nếu đã có, làm sao có thể quên được. Sở dĩ kinh nói quên là nói theo ngôn ngữ văn hóa Phật giáo. Bồ Đề tâm cũng được gọi là tinh thần vô ngã, là mục tiêu chính yếu trong Đạo Phật, nó là năng lượng vượt thoát sanh tử. Do vậy, Phật thường nhắc nhở hàng đệ tử Phật rằng: “Phàm làm các việc từ thiện, từ việc nhỏ đến việc lớn luôn luôn được xây dựng trên tinh thần vô ngã”.

Tóm lại, Bồ Đề tâm được có là do hành trì ba thứ giới luật cơ bản (năm giới và hai thứ mười giới). Trong đó mười giới thập thiện là nền tảng giáo dục tâm lý con người từng bước lên cấp độ chánh niệm, thanh tịnh hơn các giới khác, nên mười giới thập thiện được gọi là “GIÁO LUẬT MƯỜI VIỆC THIỆN”. Do vậy, Giáo Luật được cắt nghĩa: Lấy giới luật để tu sửa tâm ý đi vào vị trí chánh niệm, thanh tịnh. Tâm được tịnh rồi, thân cũng được có theo các trạng thái trang nghiêm, oai nghi chững chạc, đạo đức, từ tốn, khiêm cung, ái ngữ … Tâm được thanh tịnh, vắng lặng, thi tâm mới có định, tâm định phát ra huệ. Cho nên Phật mới chế ra giới luật nhằm mục đích dạy (giáo luật) cho hàng đệ tử muốn cho tâm được tịnh để có huệ là hành trang giải thoát, phải tự mình tu trì giới luật một cách nghiêm minh. Do vậy mười giới thiện (Thập Thiện) là con đường (đạo) sáng của tâm thức, trong đó có những phẩm chất chánh niệm, thanh tịnh, tỉnh thức, vô ngã (Đạo) một cách thường hằng không dứt. Tâm thức có ánh sáng trí tuệ vô ngã là đà sốngcủa hàng đệ tử Phật đúng theo triết lý sống của Phật giáo là trí tuệ vô ngã. Chết là không có trí tuệ, dù bản thân đang sống trên đời không có trí tuệ là chết. Cả hai SốngChếtlà Đà sống của con người thực tại khi bản thân còn thở ra, vào trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng gọi là chết, đó là tâm trí trầm luân, nặng nề đi xuống bởi những tính chất u mê, ngu si, tham dục… gọi là chất ô nhiễm. Gọi là sống, đó là tâm nhẹ nhàng như hư không bay bổng đi lên bởi tính chất thanh tịnh, trong sáng…gọi là chủng tử thiện do hành trì giới luật gìn giữ tâm ý và thân không vi phạm giới luật trong đời sống hằng ngày. Trong lúc thân tâm gìn giữ giới luật trong sinh hoạt đời sống, cũng là lúc thực tập thải hồi ra những chủng tử xấu, ô nhiễm, thu thập vào tâm thức những chủng tử thiện thanh tịnh, vắng lặng, tức vượt thoát mọi ý niệm về ngã.

Vì vậy mà mười giới thiện được gọi là “Thập Thiện Nghiệp Đạo”.Cụm từ này được tạm dịch: Chặng đường kiến tạo ra mười việc thiện. Phương tiện cho việc kiến tạo mười việc thiện là thiện giới luật. Chủ tể kiến tạo là ý thức cùng năm thức trước hợp tác với nhau. Môi trường là không gian thực tại. Chất liệu để tạo thành là vạn hữu và con người đối diện, gọi chung là lục trần. Vì thế chữ Thiệntrong mười giới thiện không phải là công việc từ thiện xã hội, mà là thân tâm thanh tịnh trang nghiêm suốt trên vận hành của cuộc sống.

Để được hiểu rõ thêm về vai trò của mười việc thiện là giáo dục tâm ý con người được thanh tịnh trong sáng là nền tảng lần lượt lên các ngôi vị Tam Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) và Phật Thừa qua lời giảng giải rõ ràng của Cư Sĩ Hạnh Cơ sau đây:

“Một hành động được gọi là “thiện” khi nó đem lại sự an vui, hạnh phúc, giải thoát và giác ngộ cho mình, cho mọi người và mọi loài. Ngược lại thì là “ác”, hay ‘bất thiện’. Người tu học thì dĩ nhiên suốt đời chỉ nguyện làm việc thiện và tránh làm tất cả những việc bất thiện. Một cách tổng quát, có mười loại việc thiện như sau:

1.Không giết hại sinh mạngcũng như không tán thành và khuyến khích sự giết hại. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ sinh mạng. Phải chọn những công việc mưu sinh nào không gây tàn hại cho con người, loài vật và thiên nhiên.

2.Không lấy làm tư hữu những tiền bạc và của cải không do chính mình tạo ra hoặc không do người khác biếu tặng. Không gây dựng tài sản bằng những phương cách bất hợp pháp. Phải tôn trọng quyền tư hữucủa người khác, nhưng đồng thời cũng phải biết tìm cách ngăn chặn, khuyến hóa những kẻ làm giàu bất lương trên sự đau khổ của quần chúng bị áp bức, thua thiệt.

3.Dù là độc thân hay đã lập gia đình cũng không đượcphá hoại danh dự và hạnh phúc của bản thân hoặc gia đình, cũng như của người hoặc gia đình người khác bằng cách ăn nằm với những người chưa hoặc không phải là vợ hay chồng mình. Phải ý thức được những đổ vỡ, những khổ đau mà mình có thể gây ra cho người khác vì hành động bất chính của mình. Và do đó, cần phải tích cực bảo vệ danh dự và hạnh phúccho bản thân và gia đình mình cũng như cho người và gia đình người khác.

4.Không nói những lời dối trá, thiêu dệt, điêu ngoa, xúc xiểm nhằm khoa trương và mưu cầu danh lợi, địa vị cho mình, hoặc để vu oan giá họa cho người. Phải thành thật nhìn nhận những sai lầm của mình để hối cải. Phải can đảm nói lên sự thậtđể cứu người vô tội, cũng như để phơi bày những âm mưu gian dối, xảo trá, bất công và tàn ác. Phải luôn luôn đối xử chân thậtvới mọi người.

5.Không nói lời ly giánnhằm gây nên không khí bất hòa giữa những người khác, tạo sự chia rẽ và đổ vỡ trong tổ chức, đoàn thể. Phải nói lời xây dựng, hòa giải. Phải tạo sự đoàn kết giữa mọi người.

6.Không nói lời ác độc, hung dữ, cộc cằn, lỗ mãngnhư cãi vã to tiếng, chửi mắng hay nguyền rủa, tạo nên sân hận, oán thù. Phải nói lời ôn hòa, nhã nhặn, dịu dàngnhằm tạo sự thông cảm, thương yêu, hòa điệu.

7.Không nói những lời thô tục, dâm đãng. Không dùng lời lẽ trau chuốt ngọt ngào cốt mê hoặc, dụ dỗ người. Không nói những lời vô ích. Không lên án hoặc rao truyền những điều mà mình không thấy biết rõ ràng, chính xác. Không nói những lời gây hoang mang cho mọi người. Phải nói những điều đứng đắn và xác thực hầu đem lại sự hiểu biết chính đáng cho người. Những lời nói như vậy lúc nào cũng có ích và luôn luôn tạo được niềm an vui và gây tin tưởng cho người nghe.

8.Không để cho tâm tham dục điều khiển mình. Phải thường xuyên tỉnh thức, không để cho bị quyến rũ bởi năm thứ dục vọng rồi lấy đó làm mục đích chính của đời mình. Phải biết sống giản dịđể dùng thì giờ và khả năng của mình phụng sự xã hội. Phải biết chia sẻnhững gì mình có thể san sẻ được để giúp đỡ người trong mọi hoàn cảnh khổ đau.

9.Phải ngăn ngừa, đừng để cho tâm sân hận và oán thù phát sinh.Nếu nó đã phát sinh thì đừng để nó tồn tại và phát triển, mà phải tìm mọi cách hữu hiệu (như theo dõi hơi thở, quán niệm về từ bi và duyên sinh chẳng hạn) để tiêu diệt nó ngay. Luôn luôn đối xử với mọi người bằng thái độ hòa nhã, khiêm tốn và vui vẻ.

10.Không có thái độ cuồng tínđối với những điều không do trí tuệ soi sáng. Không mù quáng tin theo những tà thuyết trái chống với những nguyên lý nhân quả, duyên sinh, vô thường, vô ngã v.v…không cố thủ những tri kiến sai lầm của mình và gạt bỏ tri kiến của người. Không phẩm bình người khác bằng những thành kiến hẹp hòi, cố chấp của mình. Phải học tập thái độ phá chấp và biết cởi mở để lắng nghe quan điểm của kẻ khác. Phải luôn luôn tìm cầu học hỏi để phát huy trí tuệ và dùng trí tuệ ấy để soi sáng, làm hiển lộ sự thật duyên sinh trong mọi vấn đề liên quan đến bản thân, con người, mọi loài, và vũ trụ.

Mười việc thiệntrên đây là những nguyên tắc hướng dẫn cuộc sống gia đình và xã hội của Đạo Phật, được dùng làm giới luật hành trì cho chúng cư sĩ tại gia, cho nên cũng được gọi là ‘Giáo luật mười việc thiện’ (thập thiện giới),có thể đọc tụng tại gia đình mỗi tháng một hay hai lần.”

(PHÁP SỐ CĂN BẢN trang 216-217-218, Hạnh Cơ)

Tuy nhiên, nhân duyên trợ đạocho tâm ýđược thanh tịnh, trí tuệ vô ngã là chủ trương của Đạo Phật không những chỉ có hành trì mười giới thiện (Thập Thiện) và môi trường hành trì tu giới là chùa chiền, tư gia, am cốc yên lặng. Mà còn phải áp dụng nhiều nhân duyên trợ đạo khác mới đủ năng lực giúp cho tâm ý được thanh tịnh vững mạnh; đó là những công việc từ thiện xã hội, phụng sự đạo pháp được gọi là hành động HỘ DÂN, HỘ QUỐC và HỘ ĐẠO đúng như lời Phật dạy và cũng lời khẳng định: “Làm việc từ thiện, từ việc nhỏ đến việc lớn đều phải được xây dựng trên tinh thần vô ngã”. Môi trường để hành động ba việc hộ Dân, Quốc và Đạo, gọi chung Từ Thiện là tại hai nơi có những hành thái biến động; đó là xã hội có đầy dẫy những hình ảnh khổ ách, khổ nạn, nghèo đói cùng cực, tật nguyền… và tại các chùa. Ở những nơi này, dù là chùa được biểu tượng cho cõi Tịnh Độ, nhưng có lắm hiện tượng lăng xăng, rộn ràng, cười, nói thị phi, ngôn ngữ và hành vi tự mãn, hay im lặng nhưng đang đá qua ánh mắt biên kiến hữu ngã… được xuất phát từ một số người căn cơ thấp kém do không có văn hóa Phật giáo.

Ta phải hiện hữu hòa nhập cả hai nơi đời, đạođể vừa làm việc từ thiện vừa hành trì giới luật mười việc thiện cùng một lúc. Bởi vì hai nơi biến động trên là môi trường hành trì giới luật thiết thực và hiệu quả hơn ở am cốc yên lặng khi bản thân ta giáp mặt trực nhận vào thực tại hiện hữu, nhưng tâm ý vẫn an trú vào chánh niệm tỉnh thức, dù cho năm giác quan có tiếp xúc sắc trần. Vì trí tuệ vô ngã là đối tượng của tâm nguyện hành trì giới luật được phát khởi và được hướng đến.

Vì thế cho nên, những ai đã quay về Đạo Phật, thật sự muốn tìm cầu cho mình con đường giải thoát bằng trí tuệ vô ngã bình đẳng qua quá trình công phu hành trì giới luật là mấu chốt vào định để có trí tuệ, không thể không pàm việc từ thiện (Hộ Dân, Quốc, Đạo) ở hai nơi: xã hội thế gian và chùa chiền. Nêu chỉ chọn chùa làm việc thiện, không làm việc thiện tại thế gian là cực đoan hữu ngã, là đi ngược lại con đường trung đạocủa Phật giáo.

Là người Phật tử Việt Nam phải có mặt cả hai nơi đời, đạo để làm việc từ thiện và hành trì giới luật. Có mặt ở hai nơi, không nhất thiết là phải thường trực hiện hữu bản thân mình ở hai nơi đó. Tùy nhân duyên mà có mặt. Có mặt bằng cái tâm, tức là thường quan tâm đến khổ của con người ngoài xã hội, thịnh suy trong đạo qua các cơ quan truyền thông tin tức. Sau khi biết được, liền tìm cách cứu khổ, cúng dường bằng cách gián tiếp gởi tịnh tài đến người đói khổ, chư Tăng Ni ở noi phương trời xa chưa một lần gặp mặt. Hai sự việc này được hành động cùng một lúc khi tâm nguyện Bồ Đề được phát khởi và hướng đến đúng như tư tưởng Đại Thừa Phật giáo nói: “Làm việc từ thiện là hành trì giới luật. Hành trì giới luật là làm việc từ thiện”. Tư tưởng này có lúc táo bạo hơn: “Không làm việc từ thiện là phá giới”. Tư tưởng này ám chỉ cho những người đã thọ Bồ Tát giới, nhưng không hành trì giới luật trên cơ sở cứu khổ chúng sanh, dân tộc bị tai ách, khổ nạn trong gông cùm, xiềng xích của bạo quyền thống trị. Mà chỉ an thân nơi thiền viện, chùa chiền, tư thất trong trạng thái quy phục, ngưỡng vọng lên các hình tượng chư Phật, Bồ Tát để cầu xin trí tuệ vì quên đi lời Phật dạy: “Cách cúng dường chư Phật, Bồ Tát ở cấp độ trí tuệ cao nhất; đó là cứu chúng sanh dân tộc được thoát khỏi mọi thứ ách nạn, khổ đau, đói khát, dốt nát, bần cùng… do các bạo lực vô minh gây ra . Tư tưởng này được gói gọn “Cứu giúp chúng sanh là cúng dường chư Phật” (Kinh Pháp Cú).

Thậm chí có những người khi chưa thọ Bồ Tát giới, thường hòa mình với đại chúng trong mọi sinh hoạt tại chùa, một cách bình đẳng, khiêm cung, lễ độ. Nhưng sau khi thọ Bồ Tát giới, họ có những hành vi khác lạ, nếu không nói là lập dị do bản ngã trỗi dậy, nên họ hành động bon chen lên ngồi đầu bàn mỗi lần cúng Quá Đường trong ngày Tu Bát Quán Trai, và giành ngồi trước mọi người nơi chánh điện lúc tụng kinh, nghe pháp. Trạng thái bon chen thiếu văn hóa Phật giáo như vậy, gọi là thói ưa “ăn trên ngồi trước” của hạng người thọ Bồ Tát giới mà không hiểu vai trò của Bồ Tát giới phải làm gì.

Tác giả xin nguyện đem công đức của mọi người hướng về khắp mười phương chư Phật tác đại chứng minh. Nguyện cho mọi người và chúng sanh mau trọn thành Phật đạo.

--- o0o ---
Vi tính: Ngọc Diệu Nguyên Châu
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/10/2013(Xem: 39746)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
17/10/2013(Xem: 29906)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
17/10/2013(Xem: 25556)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 40918)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
26/05/2013(Xem: 7507)
ự gia hộ ở đây, theo người viết, mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, khi ta tu tập theo lời Phật dạy có an lạc, thì sự an lạc này có thể nói là sự gia hộ hay sự cứu độ của Đức Phật. Thứ hai, khi ta nhận được niềm tin và cảm xúc thánh thiện từ hành động và nhân cách cao thượng của Đức Phật rồi hành động tốt đẹp trong cuộc đời, thì khi đó ta có thể nói rằng Đức Phật đã gia hộ cho ta.
10/04/2013(Xem: 6232)
Giáo dục học là khoa học về việc giáo dục con người, khoc học về sự huấn luyện đạo đức, huấn luyện trí tuệ và hình thành nhân cách con người. Giáo dục là khoa học của các khoa học, đào tạo nên tất cả ngành nghề trong xã hội. Từ gốc độ xã hội học, giáo dục là quá trình hành thành con người dưới tác động của môi trường xã hội và thực tại xung quanh con người.
09/04/2013(Xem: 12314)
Có hai hình ảnh quen thuộc gợi lên ý tưởng biến dịch: như dòng sông và như ngọn lửa bốc cháy trên đỉnh núi. Mỗi hình ảnh lại gợi lên một ý nghĩa tương phản: tác thành và hủy diệt. Trời đất như đã thay loài người nói lên ý nghĩa của sự sống, . . .
09/04/2013(Xem: 7276)
Ai trong chúng ta khi nghe nói đến những văn hóa cũ của thế giới cũng đều muốn tìm hiểu để biết. Vì vậy thế giới ngày nay vẫn còn rất nhiều điều mà con người trong giới hạn có thể, muốn có được một bản đồ thu gọn của năm Châu và nếu được nằm hẳn trong đầu óc của con người, sau khi đã thăm viếng những xứ nầy. Dĩ nhiên ngày nay cũng không cần phải đi đến những nơi như thế mới rõ biết hết, mà chỉ cần ngồi nhà, mở máy Computer lên, vào Internet, rồi bấm nút nầy, tắt nút kia ta cũng sẽ có đầy đủ những điều như ý muốn.
09/04/2013(Xem: 6116)
Ðối với người xuất gia, chữ “lễ hội” vắng bóng trong sinh hoạt. Những nơi chốn vui chơi hội hè ca nhạc, đám tiệc linh đình v.v... không thể đặt chân đến. Ðôi lúc cảm thấy bị bỏ rơi, cảm thấy mình ở ngoài lề xã hội. Pháp Cú kể chuyện một hoàng tử dòng Bạt Kỳ, từ bỏ vương vị xuất gia, sống ẩn dật trong khu rừng gần thành Tỳ Xá Ly. Vào ngày hội trăng tròn tháng Kahika, dân cư nô nức tham dự dạ hội, đèn hoa nhạc vũ vang vọng đến chỗ thầy tu tập.
09/04/2013(Xem: 5230)
Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa có đề nghị tôi phát biểu đôi lời cảm tưởng về Ðại hội Văn hóa Phật giáo hôm nay. Xin thành thật cảm ơn mỹ ý của Thượng tọa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]