Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đàn tràng chẩn tế siêu độ người chết và cảm hóa người sống.

09/04/201312:24(Xem: 4335)
Đàn tràng chẩn tế siêu độ người chết và cảm hóa người sống.

tvqdchante (103)


ĐÀN
TRÀNG CHẨN TẾ:

SIÊU ĐỘ NGƯỜI CHẾT VÀ CẢM HÓA NGƯỜI SỐNG

Huỳnh Kim Quang

Trong truyền thống Phật Giáo Đại Thừa nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng, Đàn tràng Chẩn tế là pháp thức để siêu độ vong linh của những người đã chết mà vì oan nghiệp chưa siêu thoát hay chưa tái sinh được. Những người bị oan nghiệp đó có rất nhiều nguyên do, rất nhiều thành phần, mà đại để đã được tổng hợp trong mười loại gọi là Thập loại Chúng sinh (như Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du đã đề cập) hay Thập loại Cô hồn. Theo bộ Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí ThựcNghi do ngài Tam Tạng Bất Không Kim Cang (Amoghavajra) dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đường, thì Thập loại cô hồn [1] gồm:

1. Thủ hộ quốc giới: Loại oan hồn vị quốc vong thân;
2. Phụ tài khiếm mạng: Loại oan hồn chết vì trái chủ oan gia, trụy thai, sẩy thai;
3. Khinh bạc Tam Bảo: Loại oan hồn vì tạo nghiệp bất hiếu, phụ nghịch, vô đạo;
4. Giang hà thủy nịch: Loại oan hồn chết sông, chết biển;
5. Biên địa tà kiến: Loại oan hồn ở nơi biên ải hẻo lánh xa xăm;
6. Ly hương khách địa: Loại oan hồn phiêu bạc tha hương, chết đường, chết bụi;
7. Phó hỏa đầu nhai: Loại oan hồn chết vì tự tử, trầm mình xuống sông, núi, chết đâm, chết chém;
8. Ngục tù trí mạng: Loại oan hồn chết vì bị tra tấn, khổ nhục trong lao tù;
9. Nô tì kết sử: Loại oan hồn chết vì bị nô lệ, hành hạ, đày đọa;
10. Manh mung ám á: Loại oan hồn lúc sống bị đui, què, câm, điếc, cô quả không ai chăm sóc.

Đàn tràng là một trong các nghiã của Mạn đà la (Mandala), tức là dùng đất (Thổ đàn), gỗ (Mộc đàn) hay nước (Thủy đàn) lập lên một cái đàn trong đó tôn trí những biểu tượng, hình tượng và pháp khí của chư Bổn Tôn để hành lễ theo thể thức Mật giáo. Đàn tràng còn gọi là Đạo tràng vì là nơi thực hiện Đạo, thực hiện Phật sự, thực hiện sự tự giác và giác tha, như trong Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Bồ Tát thứ tư, đoạn Bồ Tát Duy Ma Cật giải thích cho Quang Nghiêm Đồng Tử về ý nghiã của Đạo tràng.

Tâm chính trực là đạo tràng, vì không giả dối… Tâm bồ đề là đạo tràng, vì không thể sai lầm. Bố thí là đạo tràng, vì không cầu đáp trả. Trì giới là đạo tràng, vì giúp hoàn thành tâm nguyện. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì tâm vô ngại đối với hết thảy chúng sinh. Tinh tấn là đạo tràng, vì lìa xa biếng nhác. Thiền định là đạo tràng, vì là tâm điều thuận nhu hòa. Trí tuệ là đạo tràng, vì trực kiến các pháp.

“Từ là đạo tràng, vì đối xử bình đẳng với tất cả chúng sinh. Bi là đạo tràng, vì nhẫn nại các khổ nhọc. Hỷ là đạo tràng, vì là pháp an vui khoái lạc. Xả là đạo tràng, vì dứt bỏ yêu hay ghét.”[2]

Đàn tràng chẩn tế cũng gọi là Trai đàn vì lấy sự trang nghiêm thanh tịnh làm gốc để nhất tâm hồi hướng cho cô hồn, ngạ quỷ được ân triêm công đức. Mạn đà la còn có nghĩa là Luân viên tức là tròn đầy, được tựơng trưng bằng hình hoa sen nở tròn. Đàn tràng chẩn tế cô hồn là nơi tổ chức các khoá lễ thực hiện theo khoa nghi Mật Giáo để cứu tế các loại cô hồn hay vong linh vì oan nghiệp chưa siêu thoát vẫn còn sống trong thế giới đói khổ, điêu linh, thống hận. Đàn tràng chẩn tế thông thường được thiết lập theo hình thức và pháp thức của Mạn Đà La (Mandala). Theo Mật giáo có hai loại đàn tràng:

1. Kim Cang Giới Mạn Đà La (Vajradhàtu-mandala): Đây là tượng trưng cho Trí tuệ chứng đắc của Phật, thuộc trí môn. Trí tuệ liễu ngộ bản thể chơn không diệu hữu của vạn pháp. Trí tuệ không gì phá hoại được như kim cương bất hoại. Trí tuệ có khả tính tiêu trừ tận gốc vô minh và phiền não. Trí tuệ thấu đạt từng căn cơ sai biệt của hữu tình để cứu độ.

Kim Cang Giới Mạn Đà La vì là trí môn cho nên lấy Ngũ Trí Như Lai làm gốc. Đàn tràng được thiết trí trong vòng tròn Nguyệt Luân giống như mặt trăng tròn đầy ngày Rằm. Ở trung tâm tôn trí biểu tượng, hình tượng của đức Đại Nhật Như Lai (MahaVajrocana-Tathàgata). Phía Đông là đức Bất Động Như Lai (Aksobhya-Tathàgata). Phía Nam là đức Bảo Sinh Như Lai (RatnaSambhava-Tathàgata). Phía Tây là đức A Di Đà Như Lai (Amitabhà-Tathàgata). Phía Bắc là đức Bất Không Thành Tựu Như Lai (AmoghaSiddhi-Tathàgata).

2. Thai Tạng Giới Mạn Đà La(Garbhadhàtu-mandala): Biểu thị cho phương tiện độ sinh của Phật, thuộc lý môn. Từ lý tánh nhất thể hàm tàng bồ đề tâm để thi thiết đại nguyện từ bi cứu khổ chúng sinh. Nhờ sức phương tiện của từ bi dẫn dắt chúng sinh quay về với chân tánh bất sinh bất diệt của nhất tâm pháp giới.

Thai Tạng Giới Mạn Đà La là lý môn, từ lý tánh uyên nguyên hàm tàng đầy đủ các đức tánh viên mãn của Như Lai trong tất cả vạn hữu giống như đóa sen từ bùn vươn lên nở hoa thanh khiết, cho nên được thiết trí theo hình đóa sen tám cánh. Ở phần Trung Đài Bát Diệp Viện, tôn trí biểu tượng, hình tượng và pháp khí của đức Đại Nhật Như Lai ở giữa, bên phía Đông là đức Bảo Tràng Như Lai (Ratnaketu-Tathàgata), phía Nam là đức Khai Phu Hoa Vương Như Lai (KusumitaRàja-Tathàgata), phiá Tây là đức Vô Lượng Thọ Như Lai (Amitayus-Tathàgata), phía Bắc là đức Thiên Cổ Lôi Âm Như Lai (Divyadundubhi-Tathàgata). Ở bốn góc có bốn Đại Bồ Tát: Đông Nam là đức Phổ Hiền Bồ Tát (Samantabhadra-Bodhisattva), Đông Bắc là đức Quán Tự Tại Bồ Tát (Avalokitesvara-Bodhisattva), Tây Nam là đức Diệu Cát Tường Đồng Tử (Manjusri-Kumara), Tây Bắc là đức Từ Thị Bồ Tát (Maitreya-Bodhisattva).

Qua cách thiết lập đàn tràng Kim Cang Giới Mạn Đà La và Thai Tạng Giới Mạn Đà La như đã trình bày ở trên cho thấy đàn tràng chẩn tế cô hồn mang ý nghiã triết lý Đại thừa Phật Giáo thâm sâu. Kim Cang Giới Mạn Đà La và Thai Tạng Giới Mạn Đà La đều là hình thức thu nhỏ của pháp giới vô biên về thời gian và không gian vào trong một phạm vi thời-không hiện thực và cụ thể trước mắt mà phàm nhân đều có thể chứng kiến được. Kim Cang Giới biểu thị cho trí tuệ giác ngộ siêu việt của chư Phật. Trí tuệ ấy sắc bén và rắn chắc như kim cương không gì có thể phá hoại được và không gì mà nó không thể tiêu trừ được kể cả vô minh và phiền não huân nhiễm qua vô thỉ kiếp. Trí tuệ ấy thể nhập vào tận cùng bản thể của các pháp, quán triệt được rằng chư pháp do duyên sinh, không có tự tánh, cho nên là tánh không; rằng chư pháp cũng do duyên sinh, vô tánh mà hiện hữu, vì vậy mà giả hữu; như thế, các pháp vốn không thật có, vốn không thật không, chư pháp cũng không phải vừa có vừa không, không phải không vừa có không vừa không; chư pháp vốn lìa tứ cú, thường vắng lặng ở trung đạo đệ nhất nghiã, đó chính là chơn không diệu hữu. Như vậy, các pháp: nào khổ, nào vui, nào tham, nào si, nào oan ức, nào thù hận, nào phân biệt bỉ thử nhân ngã xưa nay đều chỉ là vọng động chấp trước của tâm sinh diệt điên đảo vì vô minh tập khởi. Khi được khai thị bởi trí tuệ ấy thì tức khắc có thể buông bỏ mọi vọng trần, viễn ly mọi điên đảo tưởng để giải thoát tự tại.

Thai Tạng Giới là nơi hàm tàng, chứa giữ đầy đủ mọi phẩm đức vi diệu vốn có của Như Lai. Nó giống như bào thai nuôi dưỡng một sinh mạng đang bắt đầu có mặt để một ngày nào đó khai hoa nở nhụy thì là một hữu tình với đầy đủ căn tính ra đời. Tất cả các pháp đều được dung dưỡng trong Thai Tạng Giới, đều từ Thai Tạng Giới mà xuất sinh. Như Lai là phẩm đức cực diệu, là quả vị tối thắng nhất của Thai Tạng Giới. Cho nên, trong mọi pháp có phẩm đức của Như Lai và trong Như Lai có chất liệu từ bi ban phát xuống cho vạn hữu. Nguồn suối từ bi của Như Lai không do gắng gượng dụng tâm mà tuôn chảy, nhưng đó là đức tính nhiệm mầu trong một phẩm cách đặc hữu như nước từ nguồn chảy xuống một cách tự nhiên, không chút dụng tâm. Đức từ bi ấy trang trải đến tất cả muôn loài một cách bình đẳng như mưa đổ xuống không phân biệt thào mộc lớn hay nhỏ, tùy theo căn cơ mà cảm ứng[3] . Đại nguyện từ bi là dưỡng chất nuôi lớn tình thương yêu chân thật nơi tất cả chúng sinh. Đại nguyện từ bi thấm nhuận đến đâu thì nơi ấy tình thương yêu được phát triển, lòng khoan dung độ lượng được mở bày, và vì vậy thù hận, oan trái được giải kết.

Trong pháp thức thực hiện khoa nghi chẩn tế, vị Chủ Gia Trì và ban Kinh Sư Hộ Đàn đảnh lễ Phật, Bồ Tát, tán, tụng chân ngôn và thủ ấn để thanh tịnh đàn tràng, nhiếp phục ma quân, thỉnh Phật, Bồ Tát quang lâm đàn tràng để hộ niệm, vị Chủ Gia Trì gia trì ba nghiệp: Thân bắt thủ ấn, miệng tụng chân ngôn, tâm quán niệm hình tướng Phật để nhất tâm thể nhập vào Tam Mật Du Già. Từ đây, vị Chủ Gia Trì sẽ được chư Phật trực tiếp hộ niệm để đại diện cho quý Ngài mà ban phát tài và pháp thí Ba la mật cho chúng cô hồn, ngạ quỷ. Bấy giờ vị Chủ Gia Trì là hóa thân Phật có đầy đủ diệu lực mầu nhiệm để khai mở địa ngục và những cõi tối tăm khổ nhục của cô hồn, ngạ quỷ, triệu họ vân tập về đàn tràng để nhận lãnh sự bố thí tài và pháp, làm cho họ không những hưởng dụng tài thí mà còn thâm nhập Phật pháp, giải thoát mọi trói buộc của nghiệp lực bấy lâu để có thể siêu sinh.

Trong phần kinh văn của khoa nghi, chứa đựng nội dung thâm áo của Phật pháp hầu khai mở trí tuệ, hưng phát từ bi tâm; đặc biệt diễn bày những nỗi u uất, thống hận, khổ lụy mà cô hồn, ngạ quỷ phải gánh chịu vì nghiệp lực của họ, cũng như những lời giải bày thực trạng giả tạm của cuộc đời, tính chất hư huyễn của mọi hiện tượng sinh diệt trong thế giới hữu vi. Chẳng hạn:

Hội khởi Mông Sơn tối thắng duyên
Giác hoàng thùy phạm lợi nhân thiên
Kinh tuyên bí điển siêu đồ thán
Giáo diễn chân thừa cứu đảo huyền

(Lời dịch của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ: Do nhân duyên đặc biệt mà lễ hội Mông Sơn được tổ chức. Đức Giác Hoàng đã chỉ dạy một nghi thức làm lợi ích cho cả chư thiên và loài người. Lời kinh nêu rõ pháp điển bí mật có khả năng siêu hóa từ chốn lầm than. Giáo thuyết diễn rộng ba thừa để cứu vớt khổ đau bị treo ngược)[4]

Trong phần mở đầu của Mông Sơn Thí Thực có đoạn:

Mãnh hỏa diệm diệm chiếu thiết thành
Thiết thành lý diệm nhiệt cô hồn
Cô hồn nhược yếu sinh Tịnh độ
Thích tụng Hoa Nghiêm bán kệ Kinh:
Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ứng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo

(Lửa dữ thiêu đốt thành địa ngục, khi thành địa ngục bị thiêu đốt thì sẽ nung cháy cô hồn trong đó. Cô hồn nếu muốn thoát khỏi điạ ngục để cầu sinh về cõi Tịnh độ thì hãy trì tụng bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm: Người nào muốn liễu tri được tất cả chư Phật trong ba đời thì nên quán chiếu rằng trong pháp giới tánh tất cả vạn hữu đều từ tâm mà sinh).

Và:

Trước thỉnh kẻ hoàng vương đế bá
Triều đại xưa trải quá biết bao
Đền đài chín lớp ở cao
Non sông muôn dặm chén vào một tay
(Hòa Thượng Bích Liên diễn Nôm)

Hoặc là:

Đỗ quyên kêu suốt tàn canh
Máu hờn nhuộm mãi trên cành đào hoa
(Hòa Thượng Bích Liên)

Hay là:

Kinh song trăng thảm lạnh lùng
Nhà thiền leo lét đèn chong canh dài
(Hòa Thượng Bích Liên)

Lại như:

Thương thay thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Phận mồ côi lần lữa đêm đêm
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu
(Nguyễn Du, Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh) [5]

Những kinh văn như vậy được tuyên xướng trong một hoàn cảnh trang nghiêm thanh tịnh của đàn tràng, thì không phải chỉ giải thoát được kết nghiệp của vong linh kẻ chết mà còn cảm hóa được tâm thức của người sống đang chứng kiến và lắng nghe. Người sống qua đó nhận thức được rằng những hành động bất thiện mà mình gây ra trong đời này, hoặc trong những đời sống khác sẽ là sợi dây nghiệp lực trói chặt họ vào trong thế giới oan khiên, khổ đau chập chùng. Người sống cũng nhân đó mà ý thức sâu sắc rằng trên thế gian này chỉ có từ bi mới chuyển hóa được mọi hận thù, vì tham si, thù hận do mình gây ra hay do người khác gây ra sẽ là những bức tường thành kiên cố vây hãm kiếp nhân sinh trong vòng khốn đốn, lầm than, khổ não!

Hiệu lực giải nghiệp và chuyển hóa của đàn tràng chẩn tế sẽ tùy thuộc vào hai yếu tố căn bản: Một là cách thức tổ chức đàn tràng, hai là tâm thức của cộng đồng xã hội nơi mà đàn tràng được cử hành. Cách thức tổ chức đàn tràng gồm hai điều quan trọng: Một là việc tổ chức đàn tràng phải thật sự đúng pháp thức của khoa nghi Mật Giáo, từ hình thức thiết lập đàn tràng, các phẩm vật hiến cúng, đến việc hành lễ chẩn tế của các vị Chủ Gia Trì và ban Kinh Sư Hộ Đàn. Hai là việc vận động trong phạm vi rộng lớn của nhân gian để mọi thành phần xã hội có thể tham gia vào đàn tràng chẩn tế qua hai bình diện trực tiếp và gián tiếp. Đàn tràng càng được sự tham dự rộng rãi của mọi giới chừng nào thì càng vận động được sức mạnh hộ trì về cả tinh thần lẫn vật chất của tập thể.

Ở đây yếu tố tâm thức của người tổ chức đàn tràng và của cộng đồng xã hội tham dự vào đàn tràng đóng một vai trò rất trọng yếu. Các pháp lấy tâm làm đầu mà cũng lấy tâm làm chung quyết. Điều này có nghiã là từ tâm mà khởi niệm làm điều thiện hay điều ác, từ tâm mà quá trình thực hiện các phương tiện để dẫn đến thành tựu được quyết định, từ tâm mà kết quả được thẩm định là tốt hay xấu. Với thiện tâm thiện ý thì mọi việc đều đưa đến thành tựu thắng phước. Với cơ tâm ác ý thì dù là nhân danh việc thiện cũng chỉ dẫn đến kết quả khổ đau. Yếu tố tâm thức không những đóng vai trò chủ yếu trong đời sống cá nhân mà còn là thành tố quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng xã hội.

Trong đàn tràng chẩn tế, thì yếu tố tâm thức này sẽ là thuận hay nghịch duyên để mang lại lợi lạc hay phiền lụy thêm cho các vong linh, cô hồn, ngạ quỷ và người sống. Trong đàn tràng chẩn tế từ người đứng ra tổ chức, những vị Gia Trì Sư và người tham dự cầu nguyện đều cần phải phát khởi tâm thức như Chánh pháp, nghiã là nhất tâm thành ý hồi hướng thắng duyên cho những cô hồn, ngạ quỷ để họ có thể nhờ “thính pháp văn kinh thọ tài hưởng thực” mà trút bỏ những oan khiên, giải thoát những trói buộc của phiền não. Từ tâm thức thuần tịnh của mỗi cá nhân đến cả cộng đồng xã hội sẽ tạo thành chánh báo trang nghiêm để chuyển vận y báo chung quanh. Nhờ y báo trang nghiêm thanh tịnh của cộng đồng xã hội này sẽ chuyển hóa được nghiệp lực của cô hồn, ngạ quỷ, hay ít ra có thể cảm hóa được tâm thức của những vong linh, oan hồn, uổng tử. Không những thế, ngay đối với người sống trong cộng đồng xã hội, nơi mà đàn tràng chẩn tế được tổ chức đúng pháp, vận khởi được tâm thức thuần tịnh trang nghiêm, cũng là một cơ duyên qúy giá để được cảm hóa. Khi toàn bộ cộng đồng xã hội đang hướng về điều thiện, đang vận dụng tâm thức từ bi, thanh tịnh để cứu khổ vong linh, cộng với nội dung được biểu thị của đàn tràng, sẽ là chất liệu có sức mạnh không nhỏ để cảm hóa các thành viên đang sống trong cộng đồng xã hội ấy. Đây chính là ý nghiã tại sao, khi Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy pháp thức cứu độ cho mẹ ngài đang thọ khổ ở địa ngục, đức Thế Tôn đã dạy Tôn Giả Mục Liên phải nương nhờ oai lực thanh tịnh của mười phương Chúng Tăng mới có đủ sức mạnh vi diệu mà giải thoát cho mẹ ngài.

Sức mạnh cảm hóa đó thấm sâu đến đâu thì còn tùy thuộc vào đàn tràng được thực hiện tinh mật đến mức nào, và nội lực tâm thức của cộng đồng xã hội, nơi đàn tràng được tổ chức, phát khởi dũng mãnh, đồng nhất và thanh tịnh đến chừng nào.

[1] Xin đọc bài viết “Lễ Tháng Bảy” của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ đăng trong tạp chí Phương Trời Cao Rộng, số 3, tháng 8, 2006, hoặc trang nhà: www.phatviet.com.
[2] Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, bản dịch Việt của Tuệ Sỹ, Ban Tu Thư Phật Học, 2002, trang 116, 117.
[3] Xin đọc Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Dược Thảo Dụ thứ 5.
[4] Trích từ bài “Lễ Tháng Bảy” của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, xem chú thích ở trên.
[5] Mấy bài diễn Nôm này cũng trích từ bài “Lễ Tháng Bảy” của Thượng Tọa Tuệ Sỹ, xem chú thích ở trên

Huỳnh Kim Quang

---o0o---



Hình ảnh Lễ Chẩn Tế
tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
chủ nhật 24-10-2010




tvqdchante (64)tvqdchante (67)
tvqdchante (80)tvqdchante (82)tvqdchante (84)tvqdchante (98)tvqdchante (99)


tvqdchante (122)tvqdchante (123)tvqdchante (124)tvqdchante (155)tvqdchante (156)chante-vnqt (4)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/10/2014(Xem: 32856)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
18/08/2014(Xem: 58319)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
12/03/2014(Xem: 24959)
Trong một cuộc đàm thoại giữa thính chúng thuộc nhiều thành phân xã hội, là nhà truyền thông, nhà giáo dục, chính khách…Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề đời sống xã hội của người tham dự một cách thẳng thắn và có duyên.
20/02/2014(Xem: 19987)
Chiều hôm nay, tôi đang ở trong cốc thì Thầy Viện Trưởng đến, Thầy gọi tôi và đưa cho tôi quyển sách này, Thầy nói: "Thầy thấy Từ Đức thích dịch sách của ngài Đạt Lai Lạt Ma nên Thầy mua quyển sách này, con đọc rồi dịch, khi nào xong thì đưa cho Thầy!" Tôi thích quá, thật khó tả. Tôi chỉ mĩm cười, khẻ nói "Dạ" và cầm lấy quyển sách. Thế là ngay hôm ấy tôi liền bắt tay vào dịch những dòng đầu tiên của quyển sách để lấy ngày, 20 – 11 – 2010.
10/02/2014(Xem: 22108)
Lama Thubten Yeshe sinh năm 1935 tại Tây Tạng. Mới sáu tuổi, Ngài đã vào học tại Sera Monastic University ở Lhasa, một trong những tu viện lớn và nổi tiếng của Tây Tạng. Ngài học tại đây tới năm 1959
05/02/2014(Xem: 20762)
Bất cứ ai sinh ra trong thế gian này đều nghĩ rằng trong ta phải có một cái linh thiêng, làm chủ mạng sống của mình và gọi đó là “Cái Tôi” tức là bản Ngã. Từ đó những vật sở hữu của họ thì gọi là “Cái Của Tôi”. Khi cảm tính về “Cái Tôi” hiện lên thì tính ích kỷ, tính tư lợi hay là tự xem ta là trung tâm (self-centered) cũng bắt đầu bùng phát.
16/12/2013(Xem: 18060)
Dân tộc ta thừa hưởng nhiều tư tưởng triết lý tôn giáo cũng như chính trị và văn học của nhân loại; khởi đầu là tư tưởng Nho gia, Đạo giáo rồi đến Phật học. Suốt thời kỳ dài, "Tam giáo đồng nguyên" đã hòa hợp khá nhuần nhuyễn để dân tộc ta có một nếp sống hài hòa từ văn hóa đến kiến trúc, nghi lễ, chính trị, giáo dục, giao tế... Vì thế, những di tích còn để lại ngày nay ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, mỗi làng đều có Đình, Miếu và chùa trong một quần thể mỗi xã, huyện.
16/12/2013(Xem: 14017)
Giới là sự khác biệt căn bản giữa người nam và người nữ, liên quan đến giới tính, đến vai trò và vị trí xã hội của họ. Vấn đề bình đẳng giới được nêu lên nhằm giải quyết sự thiệt thòi của phụ nữ vì bị đối xử phân biệt
14/12/2013(Xem: 35079)
Năm 2006, khi tôi viết thư xin phép Thiền sư Bhante H. Gunaratana để dịch quyển tự truyện cuộc đời ngài, Hành Trình Đến Chánh Niệm (Journey To Mindfulness), Thiền sư không những đã từ bi hoan hỷ cho phép, mà còn giới thiệu về quyển sách mới của ngài, Eight Mindful Steps To Happiness. Do duyên lành đó hôm nay bản dịch của quyển sách trên được đến tay độc giả với tựa Bát Chánh Đạo: Con Đường Đến Hạnh Phúc.
11/12/2013(Xem: 22245)
Nói về kiếp người Đức Lão Tử đã thốt lên rằng: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân, Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?” Dịch : “ Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân, Nếu ta không thân thì đâu có khổ gì ?”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]