Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mưa núi.

09/04/201312:18(Xem: 4332)
Mưa núi.

MƯA NÚI

Diệu Trân

--- o0o ---

Người bạn đạo rủ tôi lên chùa trên núi nghe pháp vì có người cho quá giang. Thật là duyên lành vì đấy là ngôi chùa tôi mong một lần được viếng mà chưa có phương tiện.

Buổi chiều trước ngày đi, tin khí tượng báo, đêm sẽ mưa và hôm sau còn mưa nữa ! Bạn tôi gọi, và lo lắng:

- Mưa, làm sao mà lên núi ?

- Thế người cho quá giang có đi không ?

- Chưa nghe họ nói gì cả.

- Vậy mình cứ coi như trời không mưa, sáng mai mình cứ đến điểm hẹn.

Điểm hẹn chính là tư gia của người sẽ cho chúng tôi quá giang. Tin khí tượng lâu lâu đoán sai nhưng lần này họ lại đoán đúng quá ! Đêm qua tôi nằm thao thức nghe mưa rạt rào bên khung cửa, nghĩ đến bầy chim sẻ đông đảo làm tổ trên cây thông rậm rạp tàn lá, lối cửa vào nhà bếp. Bản năng sinh tồn thật là kỳ diệu, sau những cơn giông bão tả tơi của đất trời, tưởng như những sinh vật nhỏ bé không còn cơ sống sót, vậy mà, chỉ một tia nắng ban mai yếu ớt thôi là chúng lại reo vui cùng vạn hữu. Tôi biết chúng sẽ qua được đêm mưa này để ngày mai lại chịu cơn mưa khác. Sự khổ đau của con người cũng như vậy chăng ? Có những nỗi đau ta tưởng không chịu nổi nhưng rồi nỗi đau đó vẫn qua, ta vẫn còn đó để sẵn sàng chịu bao nỗi đau khác tới !

Sáng sớm hôm sau, hai đứa tôi lội mưa tới điểm hẹn. Chủ nhà đã sẵn sàng, và chúng tôi cùng lên đường trên chiếc xe Van của họ do con trai họ lái. Ở thời buổi này, hai người thanh niên trẻ trung, năng động, dành ngày cuối tuần đưa bố mẹ đi chùa là điều khá hiếm. Hiếm hơn nữa, câu chuyện trên xe họ nói với nhau chỉ là những sinh hoạt trên chùa, thỉnh thoảng nhắc đến tên những vị tăng ni mà họ quý mến mà không hề có tiếng thị phi qua lại.

Mưa nhẹ hơn khi xe rẽ vào đường núi. Phút chốc, cảnh ồn ào phố thị đã khuất sau lưng. Núi rừng hùng vĩ bao la ngạo nghễ trong màn mưa trắng đục. Xe chạy qua rừng thông, qua rừng sồi, qua những vách đá cheo leo mà vững chãi, niềm vui trong lòng tôi, theo với mưa mà chan hòa trời đất……

Mưa lại nhẹ hạt hơn, chỉ còn như những làn bụi mỏng khi xe ngừng trước thiền đường khang trang trên một ngọn đồi. Đó đây, những bóng áo nâu, áo lam thấp thoáng như những nét chấm phá tuyệt vời trên bức tranh thủy mạc linh động. Không có tiếng cười nói ồn ào, không có những bước chân khua động vội vã, không có những gương mặt nhăn nhó, ưu tư…..chỉ thấy những nụ cười nhẹ nhàng, những cái chắp tay chào nhau thầm lặng mà đầy thân ái, những bước chân khoan thai mà đầy an lạc, thảnh thơi. Không ai bảo ai, họ thư thái, nhu hòa, thể hiện chân-như bát ngát.

Hai chúng tôi hòa nhập vào đạo tràng đó và dù cố gắng thế nào vẫn lộ rõ sự lúng túng, lăng xăng. Rồi giờ thực hành nghi lễ bắt đầu. Tuy không thấy vị Thầy chủ lễ nhưng trên những hàng tọa cụ đối diện nhau, chúng tôi thấy quý Sư chú, Sư cô đông đến hơn ba mươi người. Các vị ngồi xuống, rất nhẹ nhàng, và gương mặt đều toát ra tràn đầy vẻ từ ái. Chính tư thái đoan nghiêm của các vị tu sĩ đã truyền năng lượng trực tiếp đến tất cả Phật tử hiện diện và mọi người đều đồng nhất ngồi xuống như thế, thanh thản như thế và nhu hòa như thế. Không khí này tôi chưa từng được thấy ở bất cứ ngôi chùa nào, tu viện nào mà tôi đã viếng thăm. Và lòng tôi rung động khi nghĩ tới hai câu thơ đã đọc được trên một tạp chí Phật Giáo nào, nay không nhớ rõ: “Người biết trang nghiêm cõi Phật. Là biết trang nghiêm tâm mình”. Lẽ đạo đơn giản quá ! Cứ tập trang nghiêm tâm mình đi, thì cõi Phật trang nghiêm là chính đó. Tâm náo động mà đi tìm cõi Phật trang nghiêm thì có khác gì nàng Diễn Nhã Đạt Đa trong Kinh Lăng Nghiêm, cứ lắc đầu mà khóc rằng “ Đầu tôi đâu ? Tôi đã mất đầu !!!”

Khi đại chúng đều an tọa, vị duy-na điểm nhẹ ba tiếng chuông rồi cất giọng, xướng bài kệ Dâng Hương. Mọi người lặng yên quán tưởng. Bên ngoài, trời lại bắt đầu mưa. Xung quanh thiền đường toàn là cửa kính nên có thể thấy rất rõ từng cái oằn mình của nhánh thông non, từng chiếc lá sồi lượn lờ trong màn mưa trong vắt, nghe được từng tiếng gió rít qua hàng tiêu lả ngọn, và, ở một phút nào, có phải là mưa đang cùng tụng Bát Nhã ? Ôi, kỳ diệu thay ! mưa đang hòa âm thanh trầm bổng với tăng chúng “…Sắc chẳng khác gì không

Không chẳng khác gì sắc

Sắc chính thực là không

Không chính thực là sắc

Còn lại bốn uẩn kia

Cũng đều như vậy cả….

……………………..

Gate

Gate

Paragate

Parasamgate

Bodhi

Svaha”

Chỉ khi đọc tới câu chú này tôi mới định thần rằng mình vừa mộng tưởng. Nhưng cái gì là mộng, cái gì là thực khi “Sắc chẳng khác gì không. Không chẳng khác gì sắc”? Âm thanh tôi đang nghe được qua nhĩ căn có thực là âm thanh Bát Nhã, hay chính cơn mưa hùng tráng tinh khôi ngoài đồi núi bạt ngàn kia mới là bài ca Bát Nhã bất tận ? Mưa xuống như rong chơi, núi lặng yên tắm mát, rừng đùa vui cùng gió rạt rào, những tảng đá thì thào to nhỏ….vạn hữu thể hiện tràn đầy tự tại an nhiên, trong sáng và đơn giản, đứng ngoài mọi biệt phân, hý luận chính là tinh thần Bồ Tát Tự Tại “…Nên khi vị Bồ Tát

Nương diệu pháp Trí Độ Bát Nhã Ba La Mật 

Thì tâm không chướng ngại

Vì tâm không chướng ngại

Nên không có sợ hãi…”

Năng lượng của tăng chúng, của gió núi mưa rừng, của tiếng chuông rất nhẹ mà như ngân vô tận, của tiếng mõ rất nhỏ mà như thoảng khôn dừng, tất cả, trong một sát na, bỗng lắng yên. Một cánh cửa hé mở. Một chút mưa, một chút gió đùa nghịch lén theo gót chân Thầy. Nhẹ tay khép cửa, Thầy bước vào, cởi chiếc nón lá, rũ nhẹ những giọt mưa còn lưu luyến rồi từ tốn đặt nón ở góc phòng. Thầy bước từng bước chậm nhưng vững chãi, an nhiên. Thầy tiến lên bục giảng. Thầy chắp tay. Và Thầy nói:

- Xin chào đại chúng.

Tất cả đại chúng chắp tay và cúi đầu.

Trời ơi, tôi chưa thấy nơi nào mà cung cách đón vị giảng sư vào đạo tràng lại đơn giản mà tôn nghiêm đến thế ! Có cần chi chuông khánh rộn ràng mà tâm thiếu tôn kính trang nghiêm ? Nơi đây, Thầy tự bước vào, cất tiếng chào đại chúng trước. Và Phật tử lặng yên chắp tay đáp lễ, chính là đang nhiếp tâm chánh niệm, cúng dường Thầy nội tâm thanh tịnh của mình. Một kẻ còn ngơ ngác như tôi mà cũng nhận được ra như thế ! Tôi liếc nhìn người bạn đạo ngồi bên, cũng là lúc chị ngửng đầu lên, môi điểm nụ-cười-Ca-Diếp trong Hội Liên Hoa.

Rồi Thầy cất tiếng giảng. Giọng Thầy cũng nhẹ như khi Thầy bước vào cùng mưa, nhưng rõ ràng, khúc chiết như những giòng chữ Thầy đang ghi trên bảng đen. Bài giảng xen lẫn những áng thơ óng chuốt mà Thầy phiên dịch từ chữ Hán sang chữ nôm. Với viên phấn trắng, Thầy viết nguyên bản chữ Hán đến đâu thì cất giọng phiên dịch đến đấy. Không phải là giấy điều, bút lông mà nét chữ Thầy đã rất đẹp, rất bay bướm. Hôm đó, Thầy mở đầu bằng bài thơ của vua Trần Nhân Tông tức là Thiền sư Hương Vân, để giảng về Hạnh Bồ Tát. Thỉnh thoảng Thầy nâng tách nước, uống một ngụm nhỏ, như để đại chúng có chút không gian, thời gian thấm được những lời Thầy nói. Bằng ái ngữ dịu dàng, cử chỉ khoan thai, Thầy giảng bài pháp thâm diệu hết sức xúc tích mà lại vô cùng dễ hiểu. Hạnh phúc biết bao khi được thọ nhận pháp thí này !

Khi Thầy vào như thế nào thì ra như thế ấy. Sau kệ hồi hướng, Thầy chắp tay xá đại chúng, bước xuống bục giảng, đi về hướng cửa. Tới góc phòng, Thầy cúi xuống, cầm chiếc nón lá, nhìn ra khung trời mưa bay rồi chậm rãi đội nón, mở nhẹ cánh cửa. Không nói thêm một lời mà như để lại ngàn lời.

Đại chúng đều ngồi chắp tay lặng yên, nhiếp tâm chánh niệm theo bóng áo nâu nhòa dần sau làn mưa núi….

Tôi khóc tầm tã như mưa ! Hạnh phúc như mưa ! Lắng trong và ngọt lịm như mưa ! Pháp là thế mà thôi, là Từ Bi Trí Tuệ thể hiện viên dung, như Đức Phật đã dạy: “49 năm ta chưa từng nói.” Nhưng hãy nhìn những bước Đức Phật đi, hãy thấy những việc Đức Phật làm mới biết đâu là cửa đạo.

Trên đường xuống núi, người bạn cùng đi, nhặt một chiếc lá phong rất đẹp vương trên bụi cỏ, im lặng đưa cho tôi. Tôi nhận chiếc lá. Và im lặng mỉm cười. Bỗng nhiên tôi hiểu bạn như bạn đang hiểu tôi.

Chúng tôi vừa thực chứng giai thoại “Niêm hoa vi tiếu” thuở nào…….

Diệu Trân 

Tháng Giêng 2005


--- o0o ---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/03/2020(Xem: 10827)
Những người Cơ đốc giáo thường đặt vấn đề: Thượng đế có phải là một con người hay không? Nếu Thượng đế không phải là một con người thì làm sao chúng ta có thể cầu nguyện? Đây là một vấn đề rất lớn trong Cơ đốc giáo. (God is a person or is not a person?)
18/03/2020(Xem: 4781)
Phần này bàn về cách dùng tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa thời LM de Rhodes trong tự điển Việt Bồ La. Đây là tục lệ rất ít tài liệu nào ghi nhận. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
06/01/2020(Xem: 12950)
Đức Tổng Giám mục Colombo, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith người Sri Lanka,Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sri Lanka, phục vụ Giáo hội Công giáo La Mã của Thánh Matthew ở Ekala, Sri Lanka, gần đây đã nói điều gì đó dọc theo dòng “Nhân quyền đã trở thành tôn giáo mới nhất ở phương Tây. . . Người dân Sri Lanka đã nghiêng về con người thông qua Phật giáo, truyền thống tôn giáo chính thống của họ đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. . . Những người không thực hành tôn giáo là những người bị treo lên Nhân quyền”.
08/12/2019(Xem: 27594)
Kính lễ Phật Pháp Tăng là thể hiện niềm tin sâu xa của Tứ chúng đệ tử đức Phật mỗi ngày đối với Tam bảo. Đệ tử Phật dù tu tập chứng A-la-hán vẫn suốt đời nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng không hề xao lãng. Các vị Bồ tát từ khi phát Bồ đề tâm, tu tập trải qua các địa vị từ Tín, Trú, Hạnh, Hướng, Địa cho đến Đẳng giác không phải chỉ nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng một đời mà đời đời, kiếp kiếp đều nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng. Nhờ sự nương tựa và kính lễ Phật Pháp Tăng như vậy, mà Bồ tát không rơi mất hay quên lãng tâm bồ đề, khiến nhập được vào cảnh giới Tịnh độ không thể nghĩ bàn của chư Phật, nhập vào thể tính bất sinh diệt cùng khắp của Pháp và nhập vào bản thể hòa hợp-thanh tịnh, sự lý dung thông vô ngại của Tăng.
08/12/2019(Xem: 29449)
Phật Giáo và Những Dòng Suy Tư (sách pdf)
22/11/2019(Xem: 26799)
Nam mô ADIĐÀ PHẬT , xin Thầy giải thích thắc mắc của con từ lâu : “ Nam mô Tam Châu Cảm Ứng Di Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát “: 1- Tại sao Tam Châu mà không là Tứ Châu ? 2- Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát có phải là Vị Bồ Tát đứng chung với Ngài Tiêu Diện BT ở bàn thờ trước hall mà khi chúng con mới vào chùa QDT dẫn đến và nói : cô chú khi mới vào chùa đến xá chào 2 Vị BT này ( check in ) trước khi ra về cũng đến xá chào ( check out).Xin Thầy nói về tiểu sử của 2 Vị BT ( 2 security officers) mà Phật đã bổ nhiệm xuống cho mỗi chùa .Xin mang ơn Thầy 🙏
08/11/2019(Xem: 15836)
Thanh Từ Thiền Sư, tuyên ngôn như thế, lời vàng đanh thép, lý tưởng cao siêu, muôn đời bất diệt. Phật Giáo Dân Tộc, đồng hành muôn thuở, tuy hai mà một, bền lòng sắc son, nẻo đạo thanh cao, đường đời rộng mở. Ông Dương Ngọc Dũng, mang danh tiến sĩ, học vị giáo sư, nói năng như khỉ, hành vị đáng khinh, giảng đường đại học, kỳ thị tôn giáo, nói xàm nói láo, xúc phạm Phật giáo, bôi nhọ Tăng Ni.
22/05/2019(Xem: 5426)
Phần này bàn về cách dùng thì (tiếng Anh tense ~ temps tiếng Pháp) vào thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
10/05/2019(Xem: 15199)
Các nước phương Tây đang sống trong một thời đại bất thường: Trung Quốc trỗi dậy và uy hiếp, kinh tế khủng hoảng, nợ công cao ngất, nạn di dân đe doạ, xã hội bất bình đẳng, dân chúng nổi giận giúp đưa cho ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và đẩy Vương Quốc Anh thống nhất ra khỏi Liên Âu. Đâu là nguyên nhân cho nền kinh tế thị trường không còn vận hành hoàn hảo và giải pháp cho hệ thống dân chủ tự do đang lâm nguy? Phần một lý giải cho vấn đề này theo quan điểm của Francis Fukuyama trong tác phẩm Identity: khủng hoảng về bản sắc của các nhóm sắc tộc là nguyên nhân, đấu tranh để công nhận nhân phẩm là
04/01/2019(Xem: 110044)
“Hiểu về trái tim” là một cuốn sách khá đặc biệt, sách do một thiền sư tên là Minh Niệm viết. Với phong thái và lối hành văn gần gũi với những sinh hoạt của người Việt, Minh Niệm đã thật sự thổi hồn Việt vào cuốn sách nhỏ này. Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã đưa ra 50 khái niệm trong cuộc sống vốn dĩ rất đời thường nhưng nếu suy ngẫm một chút chúng ta sẽ thấy thật sâu sắc như khổ đau là gì? Hạnh phúc là gì? Thành công, thất bại là gì?…. Đúng như tựa đề sách, sách sẽ giúp ta hiểu về trái tim, hiểu về những tâm trạng, tính cách sâu thẳm trong trái tim ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]