Tiếng chuông Hàn Sơn Tự
Thích Chiếu Sáng
Chùa Hàn Sơn không dựa vào vách núi như bao nhiêu ngôi già lam cổ kính ở trung Quốc, mà nó nép mình trong một thôn xóm nghèo ở vùng ngoại ô của thành phố Tô Châu. Chúng tôi bước lần theo con đường tráng nhựa quanh co dẫn đến cổng chùa. Phía trướccó một con sông nhỏ trong xanh, khơi nguồn từ Bắc kinh, chảy thẳng đến Hàng Châu, nhưng lại uốn mình qua cô tô , lửng lờ trước cổng Hàn Sơn tự. Dòng sông hiền hòa như mặc khách, êm đềm như tao nhân, ẩn hiện như câu chuyện cổ tích, nhưng lại rực sáng bằng thi ca và lưu truyền cho hậu thế. Nhờ đó mà dòng sông đã tô đậm sắc màu cho ngôi già Lam thêm phần thi vị. Cầu Giang thôn ở trước chùa như kết nối hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và bàn tay sáng tạo của con người. Chiếc cầu đá được xây dựng theo hình bán nguyệt nằm vắt mình trên sông. Nếu vui tính, du khách bước lên cầu sẽ phóng tầm nhìn xa hơn, có thể ngắm hai hàng cây phong, xa hơn nữa là những ngôi nhà lầu cao ngất ngưỡng như thách thức với thời đại, cùng sánh vai bước vào thế kỷ hai mươi mốt. Thời gian trôi qua, ngôi chùa vẫn đứng bên sông, âm thầm ghi vào nỗi nhớ từng trang lịch sử, lặng lẽ chứng kiến bao cuộc thăng trầm dâu bể của đất nước Trung Hoa. Ngôi chùa đã soi bóng dưới dòng sông, hóa thân thành bức tranh thủy mặc, phong sương với gió, hòa quyện vào mây, trơ gan cùng năm tháng.
“Bong...bong...bong...”Tiếng chuông thanh thoát trầm hùng, vọng vang vào tai du khách, lòng chúng tôi như lắng đọng mọi suy tư, lâng lâng theo tiếng chuông, xóa tan niềm vương vấn. Từ những tâm tình riêng lẻ, chúng tôi gợi nhớ những giai thoại thi ca, tiếng chuông đã thoát xác hiện thân vào cuộc sống, nhắc nhở thế nhân quay về với thực tại.
Ngày xưa Trương Kế là một trong những khách thuyền đi tìm cảm hứng thi ca, ông đã sống dưới màn trời đầy sương, trong bóng đêm ông đã lắng nghe tiếng của chim kêu, lặng nhìn ánh trăng khuất dần ở trời xa. Tất cả cảnh sắc của thiên nhiên đã hội tụ trên sông, hồn thơ liền trỗi dậy, nhất hình ảnh của bác ngư phủ bên ánh đèn lập lòe, khiến cho hai hàng cây phong ở ven bờ như đượm nét sầu vương. Là thi nhân không thể gát bút ngẫng người ra mãi, khi cảnh sắc xung quanh đã biến thành nàng thơ kiều diễm. Thế là Trương kế vội phóng bút thành thơ.
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Tạm dịch:
Nhạn kêu trăng lặn đêm sương
Bến sông ánh lửa sầu vương thẩn thờ
Tiếc thay cảm hứng của ông bỗng nhiên biến mất, bao nhiêu mỹ từ đã chắp cánh bay xa, để lại một mình ông trên chiếc thuyền độc mộc, sự bế tắt của ngôn từ khiến ông mệt lả, chập chờn ru vào giấc ngủ.
Cùng lúc đó Hòa thượng trụ trì chùa Hàn Sơn, sau giờ tọa thiền đang tản bộ dưới hiên chùa thanh vắng, bóng đêm trường tĩnh mịch, ánh trăng lung linh tỏa chiếu, các vì sao đang ẩn hiện mập mờ, tạo nên không gian lôi cuốn thi nhân. Hòa Thượng cũng phải miên man phóng bút.
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tợ câu ngân bán tợ cung
Tạm dịch:
Canh tư trăng sáng mông lung
Nữa hình câu móc, như cung nữa vành
Đến đây ý thơ không tuôn chảy nữa, hòa thượng cố tìm lại một chút gì đó cảm xúc của hồn thơ, để điểm xuyết bức tranh thi ca còn đang dang dở. Thế là ngài đi tản bộ dưới ánh trăng, tâm hồn lại vương vấn nỗi niềm riêng. Lang thang trong vườn chùa, đêm càng lúc càng khuya, hòa thượng càng lúc càng bít lấp. Ngài bèn buông bút để cõi lòng nhẹ rơi vào vực thẳm của thất vọng chán chường. Biết được tâm trạng của sư phụ, chú tiểu âm thầm lẽo đẽo theo sau, phát họa lại bức tranh của đêm trăng chưa được hoàn hảo. Chẳng những chú đã vượt trội hơn sư phụ về mỹ từ, mà còn biểu hiện sâu sắc hơn về nội dung. Sức sống của màn đêm đã được tái tạo trở lại qua hai câu thơ của chú tiểu.
Thùy bả kim bôi thân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ để bán phù không
Tạm dịch:
Ai đan tâm xẻ trăng vàng
Bóng chìm dưới nước, nữa vầng trên không
Lắng nghe người đệ tử làm thơ, hòa thượng như được một thứ gì đó đã thoát khỏi tầm tay. Không ngờ hai câu thơ của chú tiểu quá trát tuyệt, vừa có trăng có đáy nước có hư không, vừa diễn đạt ý trừu tượng bằng hình ảnh cụ thể hóa vầng trăng bị xẻ làm đôi. chỉ cần vài nét chấm phá trong bài thơ của chú tiểu, đọc giả có thể liên tưởng đến một bức tranh hoàn hảo của một đêm trăng. Niềm vui cũng từ đó mà nhân đôi, đến nỗi không thể tự kềm chế, thế là hai Thầy trò leo lên lầu dộng đại hồng chung đang lúc nữa đêm. Tiếng chuông ngân vang theo gió, đồng vọng đến bến sông, khiến cho Trương Kế giật mình tỉnh giấc. Tiếng chuông như phá tan sự tĩnh mịch của đêm khuya, nối lại dòng suy tư đang đứt khoảng, Trương Kế đã xuất thần làm nên kiệt tác lưu lại cho đời sau.
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền
Tạm dịch:
Nhạn kêu trăng lặn đêm sương
Bến sông ánh lửa sầu vương thẩn thờ
Hàn Sơn vẹn ngoại cô tô
Tiếng chuông lay tỉnh giấc hồ nữa khuya
Tiếng chuông ngày xưa lay tỉnh khách tao nhân, nhưng bây giờ là tiếng chuông của buổi chiều nhạt nắng. Ai cũng giật mình vì chỉ mới đó mà thời gian lại trôi qua thật nhanh, chúng tôi vội vào đại hùng bảo điện lễ phật, phía sau chánh điện là nơi tôn thờ hai vị Hàn Sơn và Thập Đắc. Ngôi chùa này sở dĩ được nổi tiếng trong và ngoài nước, chính là do sử thoại của hai vị hoá thân này.
Hàn Sơn lai lịch như thế nào không ai biết rõ,người ta chỉ biết nhà của ông gần chùa và thường xuyên qua lại làm bạn với Hòa Thượng Phong Can. Một hôm Hòa Thượng Phong Can lượm một chú bé mang về đặt tên là Thập Đắc. Hằng ngày Hàn Sơn và Thập Đắc thường lượm cơm thừa rơi rớt ở sàn rửa chén, phơi khô để dành ăn. Hai vị và Hòa Thượng Phong Can rất tâm đầu ý hợp, họ thường rong chơi trên khắp nẻo đường và làm thơ khi gặp cảnh bức xúc. Một bữa nọ,Thập Đắc đến trước tượng của tôn giả Kiều Trần Như nói:“đứng đây làm gì vậy đồ tiểu căn bại chủng?”Lần sau chẳng ai bảo ông lên chánh điện cúng phật nữa. Hôm khác ông thấy chim chóc thường đến ăn cơm cháo của chùa, Thập Đắc mới đánh mắng tượng thần già lam:“ông là vị thần hộ trì tam bảo,tại sao không đuổi loài chim chóc bay đi?Thần già lam báo mộng cho Tăng chúng chùa, Thập Đắc đã đánh mắng ông.”Mọi người hết sức ngạc nhiên nhưng chẳng ai dám nói gì cả. Cũng vào năm đó Hòa Thượng Phong Can xuống núi hành cước, trong dịp tình cờ trị lành bịnh tuần phủ Thái Châu. Nhân lúc tuần phủ muốn chiêu hiền đãi sĩ, Hòa Thượng mới bảo ông đến chùa Quốc Thanh tìm hai vị Hàn Sơn và Thập Đắc. Hai vị này chính là hóa thân của Bồ tát văn Thù và Phổ Hiền. Điều đặc biệt là họ không màng đến chuyện danh lợi của thế gian, nếu mời được họ, ông có thể trị nước an dân. Sau đó không lâu, Tuần phủ đến chùa tìm Hàn Sơn và Thập Đắc, trong lúc bái kiến ông còn nghe văng vẳng bên tai lời của hai vị,“Đối diện với Di Đà mà chẳng biết, lễ lạy ta làm chi?”Thế rồi hai vị cổng nhau trốn vào núi, từ đó về saukhông còn ai biết tông tích của họ ở đâu.
Phía sau là Bảo Tháp Phổ Minh cao năm tầng, du khách thường đứng trên tầng cao nhất của Bảo Tháp dõi trông về phía xa, ngắm nhìn toàn quang cảnh của chùa Hàn Sơn. Bên ngoài xung quanh của Bảo Tháp người ta đã lưu lại những bút tích các nhà thư pháp nổi tiếng như là: Tánh không, Tống vương..v.v. Điều hết sức ngạc nhiên, các nhà thư pháp đều viết về bài thơ“Phong kiều Dạ Bạt ”của Trương Kế. Từ phía Trước nhìn vào ở bên trái là Pháp Đường, bên trong cũng trưng bày bút pháp “Phong Kiều Dạ Bạt”.
Giờ đây tuy xa rồi nhưng bên tai chúng tôi vẫn vang mãi tiếng chuông chùa Hàn Sơn, Trương Kế nhờ tiếng chuông này đã làm một bài thơ, để lại ấn tượng cho người đời nhớ mãi. Chỉ một bài thơ thôi, mà tên tuổi của ông được lưu danh đến ngàn sau, người ta nhắc đến Trương Kế đều không quên vầng thơ trát tuyệt của ông. Vầng thơ đó Trương Kế đã xuất thần sáng tác, đồng thời chiếm vị trí độc tôn trong làng thi ca Trung Quốc. Các thi nhân nổi tiếng vào đời Đường như Lý Bạch và Đỗ Phủ cũng làm thơ nói về chùa Hàn Sơn, nhưng cũng thừa nhận thơ của họ không thể nào sánh bằng kiệt tác của Trương Kế.
---o0o---
Rất cảm ơn trang nhà Quảng Đức !
trân trọng,