Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1

01/07/201319:08(Xem: 2337)
Phần 1

TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG THI VĂN

KHUÔNG VIỆT VÀ PHÁP THUẬN

Thích Thắng Hoan

Phần 1

Phật Giáo Việt Nam kể từ khi lập quốc (970) đến nay đã đóng góp rất lớn cho nền Văn Học Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần,..v..v…. nhưng không có một Quốc Sử Việt Nam nào ghi nhận cả thật đau buồn, mặc dù Phật Giáo Việt Nam thời bấy giờ và cho đến bây giờ không cần ai quan tâm đến. Phật Giáo Việt Nam nếu như không có công gì với núi sông thì đâu được Đinh Tiên Hoàng Đế phong Thiền sư Ngô Chân Lưu đến chức Khuông Việt Thái Sư vào năm Thái Bình thứ 2 (971) và chức Tăng Thống Phật Giáo Việt Nam. Cho đến các Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh,..v..v….. là những bậc long tượng trong trụ cột quốc gia của thời bấy giờ, thế mà cũng không thấy một Quốc Sử Việt Nam nào ghi lại đậm nét những vết son cao quý của họ. Phật Giáo Việt Nam mặc dù bị đối xử phũ phàng đến mấy của các Sử Gia biên kiến nhưng cũng phải công nhận Văn Học Lý Trần là thời đại vàng son của Phật Giáo Việt Nam đã tài bồi công sức rất lớn cho nền Văn Học Việt Nam trong các thời đại đó.

Riêng ở đây chúng tôi muốn các đọc giả cùng chúng tôi nhìn lại vài nét tư tưởng của Phật Giáo trong Thi Văn Khuông Việt và Pháp Thuận để nhận chân được giá trị độc đáo của nền Văn Học Phật Giáo đã được Văn Học Việt Nam tiếp nhận một cách sâu sắc.

I.- TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG THI VĂN KHUÔNG VIỆT:


A)- PHẦN TIỂU SỬ:

Thiền sư Khuông Việt, tục danh là Ngô Chân Lưu, con của Ngô Xương Tỷ, cháu của Ngô Xương Sắc (1), người làng Cát Lợi, huyện Thường Lạc (2), trụ trì chùa Phật Đà (3). Thuở nhỏ ngài theo Nho Học, lớn lên thọ giới với Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc. Năm 40 tuổi ngài nổi tiếng tinh thông Thiền Học và được vua Đinh Tiên Hoàng quý trọng phong chức Tăng Thống. Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ 2 (971), vua lại phong Quốc sư với tước hiệu là Khuông Việt Thái Sư (Khuông Việt Thái Sư nghĩa là Quốc sư chuyên lo giúp đỡ sửa sang nước Việt).

Khi Lê Đại Hành lên ngôi (980 – 1105), Thiền sư Khuông Việt và Thiền sư Pháp Thuận được vua mời tham dự những việc quan trọng trong triều đình. Năm Thiên Phúc thứ 7 nhà Tiền Lê (986), nhà Tống phái sứ giả Lý Giác sang nước ta, vua cử Thiền sư Khuông Việt và Thiền sư Pháp Thuận ra đón tiếp. Khi Lý Giác về Trung Hoa, Thiền sư Khuông Việt thay vua làm một bài thi tiễn chân Lý Giác theo điệu hát “Tống Vương Lang Qui”. Tống Vương Lang Qui, nghĩa là tiễn đưa Ngọc Lang về nước.

TỐNG VƯƠNG LANG QUI

“Tường quang phong hảo, cẩm phàm trương,

Thần Tiên phục Đế Hương,

Thiên lý vạn lý thiệp thương lương,

Cửu Thiên qui lộ trường,

Nhân tình thảm thiết đối ly trường.

Phan luyến sứ tinh lang,

Nguyện tương thâm ý vị Nam Cương,

Phân minh báo ngã Hoàng.”

Ngô Tất Tố dịch:

“Trời quang, gió thuận, buồm giương,

Thần Tiên chốc đã giục đường Bồng Lai,

Mông mênh muôn dặm bể khơi,

Lối về trong bóng chín trời xa xa,

Bâng khuâng trước chén quan hà,

Mến ai, lòng những thiết tha nỗi lòng,

Xin ai vì cõi Nam Trung,

Rõ ràng gửi lại mặt Rồng trước sau.”

(Văn Học Đời Lý, Trang 20 của Ngô Tất Tố).

Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, trang 112 của Thích Mật Thể ghi Thiền sư Khuông Việt ở triều được ít lâu thì lấy cớ già yếu xin về hưu. Thiền sư dựng một ngôi chùa ở núi Du Hý để mở trường dạy đạo. Học trò đến học với Thiền sư rất đông. Trong số học trò nói trên, Thiền sư Đa Bảo là người xuất sắc nhất của Thiền sư Khuông Việt, được thầy xem như đệ tử thân tín của ngài. Theo Thiền Uyển Tập Anh kể lại, một hôm Đa Bảo nghe danh Thiền sư Khuông Việt liền đến tham vấn. Đa Bảo hỏi Thiền sư về sự khởi đầu và sự kết thúc của việc học đạo. Thiền sư Khuông Việt trả lời bằng hai câu thơ:

“Thủy chung vô vật diệu hư không,

Hội đắc chân như thể tự đồng.”

Ý nghĩa hai câu thơ này là:

Không một vật nào có “Thủy” và có “Chung”, chỉ có “Hư Không” mới thực sự là nhiệm mầu, nếu ngộ được “Chân Như” thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm.

Đa Bảo nghe qua tỏ ngộ liền xin thọ giáo với Thiền sư Khuông Việt và về sau được thầy truyền tâm pháp.

Ngày 15 tháng 2, niên hiệu Thuận Thiên thứ hai đời nhà Lý tức là ngày 22 tháng 3 năm 1011, Thiền sư Khuông Việt viên tịch. Trước khi viên tịch Ngài gọi Đa Bảo đến đọc bài kệ rằng:

“Mộc trung nguyên hữu hỏa,

Nguyên hỏa phục hoàn sanh.

Nhược vị mộc vô hỏa,

Toản toại hà do manh.”

Thích Mật Thể dịch:

“Trong cây vốn có lửa,

Tia lửa mới sáng lòa.

Nếu bảo cây không lửa,

Cọ xát sao lại ra?”

Đa Bảo hiểu thâm ý của thầy liền sụp xuống lạy. Thiền sư Khuông Việt ngay lúc đó chấp tay viên tịch, thọ được 81 tuổi. Thiền sư Khuông Việt là đời thứ tư của hệ phái Vô Ngôn Thông. Đây là phần tiểu sử của Thiền sư Khuông Việt đã được nhiều sách sử ghi lại.

B)- PHẦN TƯ TƯỞNG:


Thiết nghĩ trong các hệ phái của Thiền Tông Việt Nam, Thiền Môn Gia Huấn lẽ tất nhiên phải có và có rất nhiều do các Thiền sư nối tiếp sáng tạo để làm phương châm cho sự đạt đạo của các thiền sinh. Thiền Môn Gia Huấn nghĩa là những lời giáo huấn trong gia phả của Thiền Môn và những lời giáo huấn đó chính là những khuôn vàng thước ngọc không thể thiếu để phát huy hệ phái Thiền Tông. Thiền Môn Gia Huấn có khi là thi kệ, có khi là văn bản, đều là những Pháp Ngữ có tánh cách trắc nghiệm thiền sinh nhằm trao truyền chỗ chứng đắc của mình cho đệ tử. Thiền Tông càng phát triển thì Thiền Môn Gia Huấn càng phong phú. Căn cứ nơi lịch sử truyền thừa của các hệ phái Thiền Tông Việt Nam, danh bộ các Thiền sư được liệt kệ trong gia phả không phải là ít và được thấy một số Thiền sư như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh,..v..v…. đã để lại thanh danh một thời cho dân tộc và đạo pháp. Nhưng Thiền Môn Gia Huấn của các ngài thì bị bỏ quên trong lịch sử Việt Nam và chỉ còn lại thưa thớt một vài thi kệ nghèo nàn nơi lịch sử truyền thừa của các Thiền Tông. Hơn nữa các thi kệ còn lại của các Thiền sư mặc dù chỉ có một vài câu thi ngắn gọn, đơn giản, nhưng chúng ta nhận thấy tư tưởng trong đó vô cùng súc tích và phong phú, chứng tỏ trình độ thông bác và đạt đạo của các Thiền sư thời bấy giờ không phải tầm thường. Trường hợp Thiền sư Khuông Việt là một trong những bằng chứng của lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Thiền sư là Quốc Sư của một triều đại mà lịch sử dân tộc chỉ ghi lại danh phận thật quá đơn giản và phũ phàng. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thích Mật Thể cho biết Thiền sư Khuông Việt sau khi cáo lão về hưu mở trường dạy đạo ở núi Du Hý và học trò đến học rất đông thì không phải kết quả chỉ có một Thiền sư Đa Bảo thôi đâu. Đã là học trò đến học rất đông, Thiền sư Khuông Việt lẽ tất nhiên cũng phải tổ chức học đường cho qui củ và cũng phải sáng tác rất nhiều Thiền Môn Gia Huấn để giáo dục các thiền sinh. Thế mà những Thiền Môn Gia Huấn đó không thấy lịch sử ghi lại và chỉ tìm được nơi Thiền sư một vài thi kệ thưa thớt như thi kệ “Tống Vương Lang Qui, Thủy Chung, Thị Tịch”. Thật là vô cùng thương tiếc cho thân phận đời ngài và cũng thương tiếc cho thân phận của lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Giờ đây chúng ta thử khảo sát tư tưởng của Thiền sư Khuông Việt trong thi kệ “Thủy Chung”
qua câu chuyện vấn đáp giữa hai thầy trò để hiển bày giá trị đạt đạo của ngài.

GIÁ TRỊ THI KỆ THỦY CHUNG:

Câu chuyện vấn đáp giữa Thiền sư Khuông Việt và học trò Đa Bảo được thấy trong Thơ Văn Lý Trần tập I, trang 210 do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1977 ghi rằng: “Theo TUTA thì một hôm có người học trò là Đa Bảo hỏi về sự khởi đầu và sự kết thúc của việc học đạo, Khuông Việt đã trả lời bằng hai câu thi:

“Thủy Chung Vô Vật Diệu Hư Không,

Hội Đắc Chân Như Thể Tự Đồng”.

Dịch nghĩa:

Không một vật nào có Thủy và có Chung, chỉ có Hư Không mới thực sự là nhiệm mầu. Nếu ngộ được Chân Như thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm.”

Đại ý hai câu này:

Vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm nơi thế giới Chân Như. Hình tướng của vạn vật thì có sanh (có thủy) và có diệt (có chung), nhưng tự thể của vạn vật thì trường tồn, cho nên không có điểm khởi đầu (vô thủy) và cũng không có điểm kết thúc (vô chung).

Giá trị tư tưởng hai câu thi trên của Thiền sư Khuông Việt trả lời câu hỏi của học trò Đa Bảo được nhận định như sau:

a)- Vấn Đề Thủy Chung:

Chữ Thủy nơi ý của hai câu thi trên gọi cho đủ là Vô Thủy và chữ Chung nơi ý của hai câu thi trên gọi cho đủ là Vô Chung. Vô Thủy nghĩa là vạn pháp không có nguyên nhân đầu tiên sanh ra và Vô Chung nghĩa là vạn pháp không có điểm cuối cùng của sự hoại diệt.

Vấn đề Thủy Chung được đặt ra là căn cứ nơi sự sanh diệt của vạn pháp. Vạn pháp trong thế gian, theo quan niệm của Phật Giáo đều do nhân duyên nên được sanh thành và cũng do nhân duyên nên bị hoại diệt. Nối tiếp theo đó, vạn pháp từ nơi chỗ hoại diệt lại liên tục sanh ra nữa và cứ như thế sanh diệt mãi cho đến vô cùng tận. Dựa trên nguyên lý duyên sanh vừa trình bày, vạn pháp không có vấn đề Thủy Chung (không có nguyên nhân đầu tiên sanh ra và cũng không có điểm cuối cùng của sự hoại diệt).

Kinh Thắng Man Bảo Quật, quyển trung ghi rằng: “Nhiếp Luận nói: “Vô thủy tức là hiển nhân. Nếu hữu thủy thì vô nhân, hữu thủy thì hữu sơ, sơ thì vô nhân. Vô thủy thì hữu nhân, cho nên làm sáng tỏ sự hữu nhân, để hiển bày Phật Pháp là cái nghĩa nhân duyên.”

Giải thích đoạn văn trên:

Không có nguyên nhân đầu tiên tức là hiển bày được nguyên lý nhân duyên. Nếu như có nguyên nhân đầu tiên thì nhất định không có nguyên lý nhân duyên. Nếu như có nguyên nhân đầu tiên thì phải có cái nguyên lý sơ khởi và nếu như có cái nguyên lý sơ khởi thì không có nguyên lý nhân duyên. Còn như không có nguyên nhân đầu tiên thì mới có nguyên lý nhân duyên. Cho nên một khi làm sáng tỏ vấn đề nguyên lý nhân duyên là hiển bày được Phật Pháp.

Đúng thế, đời này chính là do nhân duyên đời trước xây dựng (hiển nhân), đời trước thì lại cũng do nhân duyên đời trước nữa thành lập. Chúng ta cứ như thế suy cứu mãi trở về trước thì sẽ thấy vạn pháp không có điểm khởi đầu, nên gọi là Vô Thủy. Chúng ta đã thấy vạn pháp không có điểm khởi đầu (vô thủy) thì lại cũng thấy vạn pháp không có điểm kết thúc, nên gọi là Vô Chung.

Thật ra vạn pháp không có vấn đề điểm khởi đầu (hữu thủy) hay điểm kết thúc (hữu chung), chỉ có sự tác dụng hay không tác dụng của các nhân duyên mà thôi. Nguyên nhân (dòng tâm thức) của vạn pháp mỗi khi tác dụng liền quan hệ với nhau (nhân duyên) qua nghiệp tướng và nghiệp lực để hiện ra hình tướng gọi là sanh (thủy) và đến khi không còn tác dụng hiện tướng nữa gọi là (chung). Nhưng nguyên nhân của vạn pháp thật sự không có vấn đề Thủy và Chung. Nguyên lý này nếu như so sánh với dòng điện thì không khác nhau cho lắm. Dòng điện một khi tác dụng qua Video Tape (nhân duyên của vạn pháp) liền hiện ra hình tướng trên màn ảnh gọi là sanh (thủy) và dòng điện không tác dụng nữa thì hình tướng trên màn ảnh không còn hiện ra nên gọi là diệt (chung). Nhưng ở đây, dòng điện chỉ có tác dụng hay không tác dụng mà thôi. Riêng dòng điện thật sự không có vấn đề sanh hay diệt.

Như Kinh Bồ Tát Thiện Giới, quyển I (Đại 30 – 962 Hạ) cũng chứng minh cho những nguyên lý vừa trình bày trên có ghi: “Bổn tánh là 5 Ấm, 18 Giới, 6 Nhập cứ theo thứ tự tác dụng nối tiếp với nhau từ vô thủy cho đến vô chung (4)”. 5 Ấm, 18 Giới, 6 Nhập là chỉ cho những nguyên nhân của vạn pháp. Những nguyên nhân này đã có từ Vô Thủy và tác dụng mãi cho đến Vô Chung để tạo nên dòng sanh mạng của vạn pháp. Dòng sanh mạng của vạn pháp cứ liên tục quay tròn mãi để tạo thành bánh xe luân hồi trong ba cõi. Các pháp cứ sanh rồi diệt và diệt rồi sanh trong cái vòng tròn của bánh xe luân hồi đang quay. Bánh xe luân hồi của dòng sanh mạng cứ quay mãi vô định, quay mãi không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc của vòng tròn, nên gọi là Vô Thủy Vô Chung.

Qua những dữ kiện trên, vấn đề Thủy Chung trong câu “Thủy chung vô vật diệu hư không” của Thiền sư Khuông Việt không khác so với nguyên lý Vô Thủy Vô Chung của các kinh luận chủ trương, như Nhiếp Luận, Kinh Bồ Tát Thiện Giới,..v..v…. Đó là một trong những giá trị tư tưởng của Thiền sư đã đạt đạo được thể hiện trong câu thi nói trên.

b)- Vấn Đề Hư Không:

Hư Không, tiếng Phạn Àkàsa, nghĩa là khoảng không gian (không) trống rỗng (hư) mênh mông vô cùng tận. Vạn pháp trong thế gian đều hiện có mặt và xoay vần trong hư không. Hư Không là một nguyên lý và nguyên lý này có giá trị bao trùm cả muôn pháp ở trong. Muôn pháp không thể có mặt và cũng không thể tồn tại ngoài Hư Không này. Hư Không có thể xem như là bản thể, là nền tảng của muôn pháp sanh khởi và tồn tại.

Kinh Bắc Bổn Niết Bàn, quyển 22, phẩm Đức Vương và quyển 6, phẩm Phạm Hạnh đều cho Hư Không “rộng lớn không có bờ mé, có thể dung chứa tất cả pháp”. Duy Thức Bách Pháp Minh Môn Luận lại cho Hư Không là Pháp Vô Vi. Bát Thức Quy Củ Tụng của dịch giả Thích Thắng Hoan, trang 21 cũng cho Hư Không là Không Vô Biên Xứ.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 3 của dịch giả Thích Chơn Giám, đức Phật giải thích Hư Không có hai loại:

1)- Tướng Hư Không:

Tướng Hư Không được thể hiện từ nơi nghiệp tướng và được xây dựng theo nghiệp lực của chúng sanh. Tướng Hư Không được thành hình theo từng giống loại. Chúng sanh có nhiều giống loại khác nhau thì Tướng Hư Không được thành hình cũng có nhiều thứ không giống nhau. Tướng Hư Không của loài người thì khác hơn Tướng Hư Không của loài Cá, của loài Ngạ Quỷ, của loài Địa Ngục,..v..v…. Tướng Hư Không của Dục Giới thì khác hơn Tướng Hư Không của Sắc Giới, của Vô Sắc Giới,..v..v…. Mỗi loại, mỗi giới đều có Tướng Hư Không riêng biệt không giống nhau.

Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức, tác giả Thích Thắng Hoan, trang 55 và 57 cho Tướng Hư Không là “Môi Trường Sống”. Quyển Bát Nhã Tâm Kinh này giải thích:

“Tướng Hư Không của loài cá là khối lượng nước, thuộc môi trường sống của loài cá. Khối lượng nước nếu như cạn khô thì loài cá bị chết ngạt. Nhưng khối lượng nước nói trên không phải là Tướng Hư Không của loài người; nguyên vì loài người khác giống với loài cá. Tướng Hư Không của loài người là không khí, thuộc môi trường sống của loài người. Không khí nếu như bị cháy tan thì loài người cũng bị ngạt thở mà chết. Tướng Hư Không của loài người không phải là Tướng Hư Không của loài Ngạ Quỷ, của loài Địa Ngục, của loài A Tu La, và của các cõi Trời; nguyên vì loài người không giống với loài Ngạ Quỷ, với loài Địa Ngục, với loài A Tu La và với các cõi Trời. Cho đến loài Ngạ Quỷ, loài Địa Ngục, loài A Tu La và các cõi Trời cũng thế, nghĩa là mỗi loài mỗi cõi khác nhau thì môi trường sống của họ hoàn toàn không giống nhau về Tướng Hư Không.”

2)- Tánh Hư Không:

Tánh Hư Không thì thuộc về chân như và vẫn tồn tại muôn thuở. Ngược lại Tướng Hư Không thì thuộc về mê vọng và luôn luôn bị sanh diệt biến hoá. Tướng Hư Không là biến tướng của Vô Minh Nghiệp Tướng, thể hiện ở bên phía trong Tánh Hư Không và chọn Tánh Hư Không làm nơi nương tựa để hiện khởi. Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật giải thích: “A Nan! Ngươi phải biết trong Tạng Như Lai, Tánh Giác tức là thiệt Hư Không, Hư Không tức là thiệt Tánh Giác, thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp pháp giới…”

Tánh Giác gọi cho đủ là thể tánh của giác ngộ. Tánh Giác tứ là chỉ cho Tạng Như Lai, thuộc về Tâm Chân Như. Tạng Như Lai của Tâm Chân Như thì mới có tánh giác. Tánh Giác của Tạng Như Lai thì bao trùm cả Thánh và Phàm, cả Chân và Vọng. Hơn nữa, Tánh Giác tức là Tánh Hư Không thì không thể có ngoài Tạng Như Lai, đều thuộc về nguyên lý sự sống của vạn pháp. Cho nên Đại Thừa Khởi Tín của ngài Mã Minh nói: “Tâm Chân Như là cái tâm tánh bất sanh bất diệt, Thể và Tướng (Tạng Như Lai) của nó to lớn bao trùm tất cả các pháp.”

Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức, trang 58 giải thích: “Tánh Hư Không của Tâm Chân Như không phải là Tướng Hư Không của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Tướng Hư Không của tất cả chúng sanh trong ba cõi sở dĩ khác nhau là do bởi Nghiệp Tướng của mỗi loại chúng sanh không giống nhau trong những cõi đó tạo nên. Nhưng đặc biệt nhất, Tướng Hư Không của tất cả chúng sanh trong ba cõi thảy đều thể hiện ở phía bên trong Tánh Hư Không của Tâm Chân Như và được Tánh Hư Không của Tâm Chân Như che chở với hình thức bao trùm.”

Thí dụ, Tánh Hư Không của Tâm Chân Như cũng tương tợ như không gian của cái phòng. Tướng Hư Không của tất cả chúng sanh cũng tương tợ như không gian của ngọn đèn xanh, không gian của ngọn đèn đỏ, không gian của ngọn đèn trắng, không gian của ngọn đèn vàng,..v..v…. Không gian (Tướng Hư Không) của các ngọn đèn xanh, đỏ, trắng, vàng,..v..v…. đều thể hiện ở bên phía trong không gian (Tánh Hư Không) của cái phòng và được không gian của cái phòng che chở với hình thức bao trùm.

Như thế, Tánh Hư Không chính là Tạng Như Lai của Tâm Chân Như, nguyên vì Tạng Như Lai theo Đại Thừa Khởi Tín của ngài Mã Minh thì thuộc về hình tướng của Tâm Chân Như. Tâm Chân Như là cái tâm không sanh diệt thì Tánh Hư Không lẽ tất nhiên cũng thuộc về loại bất biến. Tánh Hư Không này thì vẫn hiện có mặt, vẫn tồn tại mãi trong Tạng Như Lai và không thể nào có mặt ngoài Tạng Như Lai.

Từ giá trị này, “Diệu Hư Không” trong câu thi “Thủy chung vô vật diệu hư không” mà Thiền sư Khuông Việt đề cập đến đích thực là chỉ cho Tánh Hư Không của Tạng Như Lai thuộc Tâm Chân Như. Tánh Hư Không đối với vấn đề vạn pháp hiện có mặt trong thế gian thì quả thật mầu nhiệm vô cùng. Vạn pháp trong thế gian, nếu như không có Tánh Hư Không làm nền tảng thì không biết nương tựa vào đâu để sanh trưởng và tồn tại. Vạn pháp trong thế gian có thể nói là luôn luôn bị sanh rồi diệt, diệt rồi sanh trong Tánh Hư Không trường tồn bất diệt.

c)- Vấn Đề Chân Như:

Chân Như, tiếng Phạn là Bhùta-Tathatà hoặc gọi là Tathatà, nghĩa là căn nguyên của vạn pháp, cũng gọi là bản thể chân thật của vũ trụ. Vấn đề Chân Như có rất nhiều kinh luận giải thích.

Duy Thức Luận định nghĩa Chân Như: “Chân vị chân thật, hiển phi hư vọng; Như vị như thường, biểu vô biến dịch. Vị thử chân thật ư nhất thiết pháp, thường như kỳ tánh, cố viết chân như.”

Dịch nghĩa:

Chân là chân thật, hiển nhiên không phải hư vọng; Như là sự trường tồn, chỉ bày cái lý không thay đổi. Hai chữ Chân Như là nói lên cái nguyên lý chân thật của tất cả pháp và thể hiện cái tánh trường tồn của nó, vì thế nên gọi là Chân Như.

Phật Địa Kinh Luận, quyển 7 có ghi: “Chân Như chính là thật tánh của tất cả hiện tượng. Cái tướng của tất cả hiện tượng tuy có các thứ sai biệt, nhưng thật tánh của chúng thì chỉ có một vị, so với tất cả pháp không phải một, không phải khác, lìa ngôn ngữ, lìa cả suy luận và khảo cứu. Thật tánh này xa lìa quan điểm lầm lỗi và hư ngụy, nên gọi là Chân Như.”

Kinh Đại Bát Nhã, quyển 360 giải thích Chân Như gồm có mười hai nguyên lý Không. Mười hai Chân Như gồm có:

1)- Chân Như: Chân là chân thật và Như là như thường, nghĩa là thể tánh chân thật của các pháp thì như thường nên gọi là Chân Như.

2)- Pháp Giới: Giới là nghĩa sở y (chỗ nương tựa). Chân Như là chỗ nương tựa (sở y) của các pháp.

3)- Pháp Tánh: nghĩa là thể tánh của các pháp thì Chân Như.

4)- Bất Hư Vọng Tánh: nghĩa là Pháp Tánh Chân Thật đã lìa hẳn hư vọng nên gọi là Chân Như.

5)- Bất Biến Dị Tánh: nghĩa là bản thể của các pháp thì không biến đổi nên gọi là Chân Như.

6)- Bình Đẳng Tánh: nghĩa là Chân Như sau khi lìa hẳn các tướng sai biệt của các pháp đều duy nhất bình đẳng không có hai.

7)- Ly Sanh Tánh: nghĩa là Chân Như đã lìa hẳn sự sanh diệt.

8)- Pháp Định: nghĩa là pháp tánh thì an trụ và thường hằng nên gọi là Chân Như.

9)- Pháp Trụ: nghĩa là ngôi vị của các pháp thì thường trụ nơi Chân Như.

10)- Thật Tế: nghĩa là nguyên lý của Chân Như thì rất thật tế đến chỗ cùng cực.

11)- Hư Không Giới: nghĩa là lý thể của Chân Như thì biến khắp pháp giới.

12)- Bất Tư Nghì Giới: nghĩa là lý thể của Chân Như thì không thể nghĩ bàn.

Bao nhiêu kinh luận cũng đủ chứng minh được giá trị của nguyên lý Chân Như. Chân Như là thể tánh thường hằng, không sanh không diệt của vạn pháp và vạn pháp thường an trụ trong Chân Như, lấy Chân Như làm thể tánh của mình. Lý do đó, Thiền sư Khuông Việt cho rằng, vạn pháp đồng một thể tánh Chân Như thế nên có câu: “Hội đắc chân như thể tự đồng”.

Tóm lại, Diệu Hư Không là chỉ cho Tánh Hư Không của Tạng Như Lai nơi Tâm Chân Như. Tánh Hư Không này làm nền tảng sanh ra muôn pháp một cách mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, nên gọi là Diệu Hư Không. Thâm Chân Như tự nó thuộc về loại trường tồn bất diệt thì Diệu Hư Không lẽ dĩ nhiên bản tánh cũng thuộc về loại thường hằng bất biến. Bản thể của muôn pháp (vạn vật) đã là Tâm Chân Như thì bản tánh của muôn pháp chính là Diệu Hư Không. Diệu Hư Không là những nguyên lý duyên sanh để biến hiện ra hình tướng của muôn pháp và hình tướng của muôn pháp thì có sanh có diệt (hữu thủy hữu chung) theo nguyên lý duyên sanh, nhưng thể tánh của muôn pháp thì thuộc về Chân Như cho nên không có vấn đề sanh diệt (vô thủy vô chung). Từ đó Thiền sư Khuông Việt mới nói lên hai câu thi:

“Thủy chung vô vật diệu hư không,

Hội đắc chân như thể tự đồng”.

(Không một vật nào có Thủy và có Chung, chỉ có Hư Không mới thực sự là nhiệm mầu. Nếu ngộ được Chân Như thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm).

C)- MỤC ĐÍCH CỦA THIỀN SƯ KHUÔNG VIỆT:

Khi Đa Bảo hỏi về sự khởi đầu và sự kết thúc của việc học đạo, Thiền sư Khuông Việt trả lời bằng hai câu thi: “Thủy chung vô vật diệu hư không, hội đắc chân như thể tự đồng”.

Thiền sư trả lời hai câu thi này có mục đích:

1)- Thiền môn chủ trương cho vấn đề tu chứng là trên hết và xem thường sự học rộng cũng như sự hiểu biết nhiều. Thiền môn quan niệm rằng, người học rộng hiểu biết nhiều mà không tu chứng thì cũng vô ích. Họ chỉ là một lý thuyết gia, chuyên môn lý luận suông, không thực tế trên con đường đạt đạo. Còn kẻ chuyên môn tu tập làm đầu, mặc dù họ không được học rộng, không được hiểu sâu, nhưng khi đạt đạo thì cũng thông bác tất cả giống như người có học. Vì lý do đó, các Thiền môn chú trọng nơi sự tu tập nhiều hơn sự học hỏi; theo các vị Thiền sư nhận thức, sự học hỏi làm trở ngại cho sự tu chứng và những điều tu chứng theo họ thì khác xa mà cũng không có trong vấn đề học hỏi.

Thời xưa, đức Phật đã chỉ dạy trong các kinh điển, các đệ tử phải thường xuyên tu học theo ba môn Huệ Học là: “Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ”. Văn Huệ là trí tuệ do học kinh nghe pháp được thành tựu. Tư Huệ là trí tuệ do suy nghiệm và giác ngộ lý nhiệm mầu trong các kinh luận. Tu Huệ là trí tuệ do công phu tu tập được chứng ngộ và cũng có chỗ gọi là được chứng đắc trong sự đạt đạo. Theo đức Phật, ba môn Huệ Học này là ba yếu tố rất cần thiết không thể thiếu trên con đường giải thoát. Người tu hành nếu như thiếu một trong ba môn Huệ Học nói trên thì không thể đạt đạo cũng giống như một cái ghế ba chân đã thiếu đi một chân thì không thể nào ngồi vững được.

Ngày nay các Thiền môn thì canh tân hơn. Trong ba môn học căn bản của đức Phật chỉ dạy vừa trình bày ở trên, các Thiền sư chỉ chuyên hành trì một phương diện Tu Huệ để mong được chứng đắc và khinh thường hình thức Văn Huệ. Đúng theo lãnh vực Văn Huệ, các thiền sinh phải trải qua thời gian tu học kinh luận theo khoá trình đã vạch sẵn, nghĩa là các thiền sinh phải hoàn tất chương trình tu học từ Sơ Cấp, Trung Cấp và cho đến Cao Cấp Phật Học do Thiền môn soạn thảo. Những khoá trình tu học này đều được quy định thời gian khởi đầu và thời gian kết thúc là bao nhiêu năm.

Còn lãnh vực Tu Huệ thì khác hơn, tùy theo căn cơ lanh lợi hay đần độn trong việc đạt đạo của các thiền sinh, nghĩa là thiền sinh nào có căn cơ thông minh lanh lợi thì đạt đạo nhanh chóng hơn và thiền sinh nào có căn cơ đần độn kém cõi thì lãnh hội chậm chạp hơn trong việc hành trì, cho nên Thiền môn không có quy định thời gian khởi đầu cho công trình tu tập và cũng như thời gian kết thúc cho vấn đề chứng đắc. Nguyên vì chủ trương Tu Huệ trên hết của các Thiền môn, Thiền sư Khuông Việt liền trả lời câu hỏi của Đa Bảo là:

“Thủy chung vô vật diệu hư không,

Hội đắc chân như thể tự đồng”.

(Không một vật nào có Thủy và có Chung, chỉ có Hư Không mới thực sự là nhiệm mầu. Nếu ngộ được Chân Như thì vạn vật đều đồng một bản thể Chân Tâm”.

2)- Mục đích thứ hai, Thiền sư Khuông Việt trả lời bằng hai câu thi trên nhằm trắc nghiệm tư tưởng và đánh giá trình độ thông bác của Đa Bảo trước khi cho nhập môn. Một vị Thiền sư mỗi khi nhận một vị đệ tử nào phải nắm vững được tâm yếu cầu đạo của vị đệ tử đó để cho tâm truyền có thể chính xác hơn. Muốn nắm vững được tâm yếu của đệ tử, Thiền sư trước hết phải đánh giá trình độ, đo đạc khả năng và tìm hiểu khuynh hướng nhận thức của thiền sinh bằng phương pháp trắc nghiệm tư tưởng. Nhờ thế Thiền sư mới thật sự nắm vững được tâm yếu và dễ dàng phân loại khả năng hành trì của mỗi thiền sinh. Đứng trong chiều hướng này, Thiền sư Khuông Việt liền trả lời câu hỏi của Đa Bảo qua hai câu thi: “Thủy chung vô vật diệu hư không, hội đắc chân như thể tự đồng” mà trong đó hàm chứa cả hai ẩn ý nói trên. Đa Bảo cũng là một nhà thông bác, sau khi nghe qua hai câu thi kệ của thầy liền tỏ ngộ ngay và xin thọ giáo với Thiền sư Khuông Việt.

3)- Hơn nữa “Thủy chung vô vật diệu hư không, hội đắc chân như thể tự đồng” là hai câu Thoại Đầu mà Thiền sư Khuông Việt trao truyền cho Đa Bảo làm phương châm tu tập để quán chiếu. Thiền sinh Đa Bảo tu tập quán chiếu hai câu thi kệ nói trên cho đến khi nào ngộ được nguyên lý và sự dung thông về tánh tướng của vạn pháp là chừng đó mới chứng tỏ được mình đã đạt đạo.

D)- GIÁ TRỊ THI KỆ THỊ TỊCH:

Thiền sư Khuông Việt trước khi viên tịch gọi Đa Bảo đến đọc bài thi kệ Thị Tịch để di chúc và nội dung của bài thi kệ Thị Tịch như dưới đây:

“Mộc trung nguyên hữu hoả,

Nguyên hoả phục hoàn sanh.

Nhược vị mo65c vô hoả,

Toản toại hà do manh.”

(Trong cây vốn có lửa, tia lửa mới sáng lòa.

Nếu bảo cây không lửa, cọ xát sao lại ra.)

Ý nghĩa của bài thi kệ Thị Tịch được giải thích như sau:

Thi kệ Thị Tịch là thi kệ có tánh cách Di Chúc hơn là Tâm Truyền. So với thi kệ Thủy Chung, thi kệ Thị Tịch không ngoài mục đích làm phương châm trong lãnh vực truyền thừa của Thiền Tông hơn là khai thị mà Thiền sư Khuông Việt muốn Đa Bảo trong việc kế thừa đi đúng đường hướng Tâm Truyền của Thiền Tông. Yếu chỉ của thi kệ Thị Tịch mượn lửa là một trong những sự vật để ám chỉ Tâm Linh mà Thiền sư Khuông Việt di chúc cho Đa Bảo. Ở đây Thiền sư không phải đề cao vật chất trên phương diện Tâm Truyền.

Theo Thiền sư Khuông Việt, trạng thái của Tâm Linh cũng giống như trạng thái của lửa và sự hiện hữu của Tâm Linh trong thân thể con người cũng giống như sự hiện hữu của lửa trong thân cây. Chúng ta không thể nhìn thấy hình tướng của Tâm Linh như thế nào và chỉ biết khi nó tác dụng sanh ra tư tưởng cũng giống như chúng ta không thể nhìn thấy hình tướng của lửa như thế nào và chỉ biết khi nó tác dụng qua sự cọ xát thành tia sáng. Tâm Linh giả sử không thật có trong thân thể con người thì làm sao có tư tưởng cũng giống như lửa giả sử không thật có trong thân cây thì làm sao có tia sáng.

Hơn nữa trong thân thể con người, Tâm Linh vốn có nguyên thể riêng và nó không phải do vật chất sanh ra, vì nó không cùng một bản chất với vật chất, cũng như lửa vốn có nguyên thể riêng (Mộc trung nguyên hữu hoả) và nó không phải do thân cây sanh ra, vì nó không cùng một bản chất với thân cây. Tâm Linh mặc dù không có não bộ thì không thể phát sanh ra tư tưởng được cũng giống như lửa mặc dù không có thân cây thì không thể phát sanh ra tia sáng được. Người ta thật sự lầm lẫn nếu như cho rằng Tâm Linh phát sanh từ nơi vật chất cũng giống như có kẻ cho rằng ánh sáng điện phát sanh từ nơi bóng đèn. Đúng hơn, dòng điện nương nơi bóng đèn để phát sanh ra ánh sáng cũng giống như Tâm Linh nương nơi não bộ để phát sanh ra tư tưởng.

Thật sư Thiền sư Khuông Việt đã khai thị cho Đa Bảo từ lâu và Đa Bảo cũng đã đắc pháp tự bao giờ bằng lối Tâm Truyền của thầy. Vạn pháp về phương diện lý tánh theo Thiền sư thì đồng một bản thể chân như sanh ra với hình thức duyên khởi, cũng tương tợ như các lượng sóng khác nhau đều cùng một bản thể nước sanh ra với hình thức duyên khởi. Nhưng về phương diện sự tướng, Tâm Linh và vật chất của vạn pháp trên lãnh vực tác dụng thì có khác nhau, một bên là chủ và một bên là khách, nghĩa là Tâm Linh luôn luôn làm chủ sự vật, dẫn đầu cả mọi việc (5), có khả năng quyết định sự thành bại của muôn loài chúng sanh. Còn vật chất thì vô tri giác và luôn luôn ở tư thế bị động trong sự sanh tồn của các pháp. Thiền sư muốn cho Đa Bảo lãnh hội một lần chót giữa lý và sự, giữa tánh và tướng của vạn pháp ở mọi khía cạnh thể và dụng, cũng như phân loại rõ ràng giữa Tâm và Vật ở tư thế chủ và khách trong việc truyền thừa. Thế nên trước khi viên tịch, Thiền sư Khuông Việt di chúc cuối cùng về vấn đề này cho Đa Bảo với thi kệ Thị Tịch:

“Mộc trung nguyên hữu hoả,

Nguyên hoả phục hoàn sanh.

Nhược vị mộc vô hoả,

Toản toại hà do manh.”

Đa Bảo hiểu được thâm ý của thầy liền sụp xuống lạy và cũng từ đó Thiền sư Khuông Việt an tâm ra đi một cách tự tại trong tư thế chấp tay viên tịch.

Tóm lại, qua một vài thi kệ vừa trình bày, chúng ta nhận thấy Thiền sư Khuông Việt là một con người thật sự đắc đạo của hệ phái Vô Ngôn Thông, một Tăng Thống cao minh đáng quy ngưỡng của Phật Giáo Việt Nam và cũng là một Quốc Sư lỗi lạc của triều đại nhà Đinh mà cho đến ngày nay Thiền sư vẫn còn dư âm trong lịch sử Việt Nam. Những tư tưởng ẩn chứa trong các thi kệ cũng đủ chứng minh cụ thể sự chứng đắc của ngài. Đối với giáo lý cao thâm trong Phật Giáo, Thiền sư rất thông bác giữa sự và lý, giữa tướng và tánh trong mọi lãnh vực thể và dụng với hình thức duyên khởi của muôn pháp. Mặc dù những điều thông bác này được gói gọn bóng bẩy trong các thi kệ giản đơn, chúng ta đem các thi kệ ra quán chiếu cũng có thể nhận thấy được tư tưởng sâu xa của ngài. Chúng ta vô cùng vui mừng đã có được một Thiền sư Khuông Việt là người đầu tiên khơi nguồn sanh mệnh của đạo pháp với danh nghĩa Tăng Thống và cũng là người đầu tiên khai thông sanh lộ cho dân tộc Việt Nam với danh nghĩa Quốc Sư Khuông Việt. Nhờ Thiền sư nên sanh mệnh đạo pháp và dân tộc hòa hợp nhịp nhàng, dung thông chuyển hoá, nẩy nở phát triển trên khắp mọi nẻo đường đất nước, trải dài từ thế kỷ thứ chín cho đến ngày nay. Thật là lành thay cho Phật Giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam muôn đời bất diệt.

CHÚ THÍCH:

(1)Thiền Uyển Tập Anh, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội 1990, trang 42.

(2)Văn Học Lý Trần, tập I, trang 208 của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội.

(3)Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, trang 109, của Thích Mật Thể.

(4)5 Ấm, 6 Nhập, 18 Giới:

a)- 5 Ấm: là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức.

b)- 6 Nhập: là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý.

c)- 18 Giới: 6 Căn, 6 Trần và 6 Thức.

(5)Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu.

---o0o---

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/01/2011(Xem: 2800)
Kobayashi Yatarõ được tôn sùng khắp hoàn cầu với cái tên Issa, có nghĩa là Một Tách Trà. Issa sanh năm 1763 làng Kashiwabara trong nông trại quận Nagano trung tâm Nhật Bản bây giờ.
22/01/2011(Xem: 2937)
Nhà thiền có danh từ “Tọa Xuân Phong” để diễn tả hạnh phúc khi thầy trò, đồng môn, được ngồi yên với nhau, không cần làm gì, nói gì mà như đang cho nhau rất đầy, rất đẹp.
20/01/2011(Xem: 3152)
Từ lâu, hình ảnh con trâu cứ thế mà đi vào tâm thức mọi người, không chỉ có giá trị trong đời sống lao động thực tiễn mà còn nghiễm nhiên đi vào văn học nghệ thuật Việt Nam.
05/01/2011(Xem: 37194)
Từ ngày 6 đến ngày 16 tháng 6 năm 2007 này, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ viếng thăm Úc Châu, đây là chuyến thăm Úc lần thứ năm của Ngài để giảng dạy Phật Pháp. Mọi người đang trông đợi sự xuất hiện của ngài. Bốn lần viếng thăm Úc trước đây đã diễn ra vào các năm 1982, 1992, 1996, 2002, đặc biệt trong lần viếng thăm và hoằng pháp lần thứ tư năm 2002, đã có trên 110. 000 người trên khắp các thủ phủ như Melbourne, Geelong, Sydney, và Canberra đến lắng nghe ngài thuyết giảng để thay đổi và thăng hoa đời sống tâm linh của mình.
04/01/2011(Xem: 52860)
QUYỂN 5 MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL) 91 CÁC LOẠI CỎ Đầu Xuân, khi trời mát mẻ, đức Phật tính chuyện lên đường trở về Sāvatthi. Thấy hội chúng quá đông, đức Phật bảo chư vị trưởng lão mỗi vị dẫn mỗi nhóm, mỗi chúng phân phối theo nhiều lộ trình, qua nhiều thôn làng để tiện việc khất thực. Hôm kia, trời chiều, cạnh một khu rừng, với đại chúng vây quanh, đức Phật ngắm nhìn một bọn trẻ đang quây quần vui chơi bên một đám bò đang ăn cỏ; và xa xa bên kia, lại có một đám trẻ khác dường như đang lựa tìm để cắt những đám cỏ xanh non hơn; ngài chợt mỉm cười cất tiếng gọi:
02/01/2011(Xem: 8603)
Người xưa nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Con người có mặt trong cuộc sống, ngoài việc phải nắm bắt thời gian, giành lấy thời gian, tận dụng thời gian, làm nhiều việc mang lại lợi ích cho xã hội, ngoài mục đích kéo dài tuổi thọ về mặt thời gian ra, còn cần phải mở rộng phạm vi đời sống, mở mang không gian tâm linh, để bản thân có thể hòa nhập vào nhân quần, hướng về cộng đồng thế giới.
30/12/2010(Xem: 3292)
Có lẽ người đầu tiên đặt vấn-đề Phật-giáo trong Truyện Kiều là sử-gia Trần Trọng Kim. Viết trong tập-san Khai Trí Tiến Đức số 1 (Octobre-Décembre) năm 1940, ông đã có bài “Lý-thuyết Phật-học trong Truyện Kiều.” Dù như ta biết ông là một học-giả uyên bác, không riêng gì trong ngành sử-học mà còn cả trong văn-học - ông đã cùng Bùi Kỷ hiệu đính một bản Kiều nổi tiếng từ năm 1927, sau này được nhà Tân Việt in lại rất nhiều lần - cũng như ông đã có tay trong việc phục-hưng Phật-giáo ở nước ta trong thập niên 30-40, trong bài viết nói trên, ông chỉ nêu ra được có “thuyết nhân quả” và đi vào đề-tài “cái thuyết nhân quả diễn ra ở trong Truyện Kiều” một cách tương-đối sơ sài.
14/12/2010(Xem: 19339)
Để hiểu Đạo Phật là gì? Ta hãy gạt mọi thiên kiến chỉ cần tìm sâu vào nguồn giáo lý cao đẹp ấy, một nền giáo lý xây dựng trên sự thật để tìm hiểu sự thật, do đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni sáng lập.
13/12/2010(Xem: 24550)
Văn hóa như hơi thở của sự sống. Chính vì vậy mà qua bao thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử, Đạo Phật như một sức sống văn hóa ấy vẫn còn đó, như một sinh chất nuôi dưỡng nếp sống tâm linh cho con người.
27/10/2010(Xem: 12926)
Phật vốn xem mình đồng đẳng như bao chúng sinh, do vậy ai theo Phật mà tôn người thành giáo chủ, xem như mắc tội vậy. Phật không bao giờ cho lời mình là khuôn vàng thước ngọc, mà đòi hỏi người nghe phải tự chứng những lời ấy, có vậy mới mong gỡ bỏ tham sân si mạn nghi tà kiến, mới mong minh tâm kiến tánh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]