Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

50. Trách Nhiệm

04/01/201910:40(Xem: 16473)
50. Trách Nhiệm

Trách Nhiệm

(giọng đọc Đại Nghĩa)

                                                                         

Hãy ý thức rằng ta đang gìn giữ gia tài rất quý báu của tổ tiên và phải có trách nhiệm trao truyền cho con cháu.

 

 

 

Có làm có chịu

 

Chưa bao giờ hai chữ "trách nhiệm" được nhắc nhở nhiều như bây giờ. Mặc cho báo đài cứ kêu ca mỗi ngày, nhưng dường như nó không đánh động nổi trái tim vô cảm của con người đối với những thứ được gọi là của chung.

 

Sự thực dụng đến mức thô thiển khiến người ta không những không muốn chịu trách nhiệm cho những gì mình đang cùng thừa hưởng, mà còn ngang nhiên góp phần tàn phá. Họ tưởng rằng chỉ có tiền bạc, quyền lực hay sắc dục mới là những thứ quan trọng. Nhưng thử ngưng sử dụng nước hay không khí thì họ có còn sống sót để đeo đuổi những thứ ấy nữa hay không? Nên nhớ kinh tế cũng chính là phi kinh tế. Kinh tế không thể có mặt và đứng vững khi những lĩnh vực khác bị suy yếu.

 

Tình yêu cũng vô ngã. Tình yêu cũng được tạo ra từ những thứ phi tình yêu. Nghĩa là không có cái gọi là tình yêu, nếu nó chỉ đứng riêng một mình. Vậy mà khi làm kinh tế hay yêu đương, người ta lại sẵn sàng gạt bỏ những yếu tố gắn bó mật thiết xung quanh, quên hết bổn phận trách nhiệm, chỉ sống theo cái tôi nông nổi nhất thời. Chẳng trách tại sao rốt cuộc họ vẫn khổ đau, lận đận.

 

Sự bùng nổ kinh tế thị trường đã đánh thức lòng tham của con người vốn được thuần phục bởi những khuôn thước đạo đức mà ông cha ta đã gầy dựng và gìn giữ suốt mấy nghìn năm qua. Bây giờ, hầu hết mọi người đều sống trong tình trạng bất an. Nhưng không phải vì thiếu ăn thiếu mặc mà vì thiếu hiểu biết. Họ nghĩ rằng nếu không có đầy đủ tiện nghi như kẻ khác thì không thể hạnh phúc được. Do đó, hễ thấy quyền lợi là họ nhảy vào chụp bắt ngay, bất chấp thủ đoạn. Họ quên rằng vũ trụ vốn rất công bằng. Nhiều khi ta cố gắng hơn thua hay chèn ép kẻ khác thì có thể vũ trụ sẽ rút lại tình cảm hay sức khỏe của ta. Còn nếu ta bồi đắp cho những cái chung thì vũ trụ sẽ ban tặng cho ta những món quà bất ngờ. Vũ trụ không phải là một đấng quyền năng tối cao. Mà đó là tổng năng lượng của vạn vật hữu hình và vô hình, đang không ngừng vận hành theo nguyên tắc nhân quả và duyên sinh. Khi ta mở lòng để hướng tới những đối tượng khác hay hướng tới cái chung thì chắc chắn ta sẽ kết nối được với nguồn năng lượng tiềm tàng vĩ đại ấy.

 

Vì vậy tổ tiên ta thường khuyên: "Có đức mặc sức mà ăn". Sống có trách nhiệm thì vũ trụ sẽ nuôi ta suốt đời. Ta sẽ trở thành đứa con cưng của vũ trụ. Thật ra, trách nhiệm cũng chính là quyền lợi. Chẳng qua nó chuyển đổi từ dạng công sức hay tiền của, sang dạng năng lượng khác cao quý hơn, nhưng phải có năng lượng "không toan tính" làm tác nhân.

 

Hiện nay, có rất nhiều vấn đề đang trong tình trạng kêu cứu ý thức trách nhiệm của mọi người. Đó là hàng loạt công trình xây dựng bị rút ruột, tình trạng kinh doanh hóa chốn học đường, sự tham lam đến tàn nhẫn trong việc giả mạo hàng hóa và thực phẩm, cuộc tranh đua chế tạo vũ khí hạt nhân để lấn chiếm lãnh thổ, hay nhiều vụ tham nhũng dẫn đến kinh tế quốc gia kiệt quệ làm cho dân tình sống cảnh điêu đứng lầm than Những vấn đề nhức nhối ấy phải cần có sự quan tâm đúng mức của Chính phủ hay Liên hiệp quốc mới hy vọng ngăn chặn nổi. Riêng đối với tình trạng môi sinh, tuy cũng đang ở mức báo động "hiểm họa" nhưng mỗi cá nhân có thể góp phần vào việc thay đổi tình trạng ấy một cách tích cực ngay từ bây giờ.

 

 

 

Tìm hướng đi lên

 

Môi sinh chính là bà mẹ của chúng ta, là căn nhà của chúng ta. Nếu nó có mệnh hệ gì thì chúng ta sẽ không còn chỗ trú ngụ và sống sót. Ta hãy nhìn lại môi trường mà mình đang sinh sống bằng con mắt tỉnh táo và hiểu biết để thấy rõ thực trạng.

 

Vấn đề túi nylon: Túi nylon được làm ra từ nhựa PVC. Khi đốt cháy nó sẽ tạo ra chất dioxin rất độc hại, gây khó thở và có thể nôn ra máu, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo ra các triệu chứng ung thư hay dị tật bẩm sinh. Dùng túi nylon màu để đựng thực phẩm dễ khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, cadimi(1) góp phần làm bại


não và gây ung thư phổi. Túi nylon khi bị vứt xuống cống, nó sẽ làm tắc nghẽn các hệ thống thoát nước, tạo điều kiện cho muỗi và các dịch bệnh phát sinh. Còn nếu nó lẫn trong đất thì cỏ không mọc nổi và dẫn đến sự xói mòn ở các vùng đồi núi.

 

Ở  Wales, miền tây nam nước Anh, mỗi năm người ta vứt khoảng 480 triệu túi nylon. Loại túi này phải mất cả nghìn năm mới tự phân hủy được. Chính quyền Wales đã tuyên bố thực tập giới hạn sử dụng túi nylon vào năm 2011, họ sẽ đánh thuế 15 xu trên mỗi chiếc túi nylon được sử dụng. Số tiền thu được sẽ dành cho các dự án bảo vệ môi trường. Trong khi ở Ireland đã áp dụng từ năm 2002, cũng 15 xu cho 1 túi nylon và họ đã thu về 109 triệu bảng (khoảng 153 triệu đô la Mỹ). Số lượng túi nylon được sử dụng từ đó giảm đến 90% và chi phí xử lý rác cũng xuống thấp rõ rệt. Còn ở Sài Gòn, cứ mỗi một ngày tiêu thụ khoảng 5 triệu túi nylon, tương đương với 35 tấn, chủ yếu ở các siêu thị.

 

Hiện nay ở Đức, Pháp và Hà Lan đang tiến hành sử dụng túi sản xuất từ tinh bột khoai tây hay giấy có thể tự phân hủy sau 3 tháng. Trước đây ông bà ta dùng lá sen, lá chuối để gói hàng hay xách giỏ đi chợ. Hình ảnh ấy tuy thô sơ nhưng đó lại là nếp sống rất an toàn và hiểu biết. Đã đến lúc ta cần quay về học lại nếp sống "văn minh tâm hồn" của truyền thống, bớt chạy theo lối tiện nghi xa hoa nhưng luôn khiến ta mệt mỏi và bất an. Ta hãy cùng nhau thực tập chỉ sử dụng túi vải, túi mây, hoặc bất cứ loại nào không gây nhiễm độc cho môi sinh để đựng hàng hóa khi đi chợ. Đừng đợi Chính phủ lên tiếng cảnh báo, phạt tiền rồi ta mới chịu làm. Như thế sẽ quá muộn để cứu lấy hành tinh xanh này.

 

Vấn đề giấy: Rừng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tồn vong của chúng ta. Nhờ có tán lá xòe rộng mà nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nên lớp đất bề mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa và nắng cũng không đốt cháy mặt đất. Rừng không chỉ bảo vệ đất mà còn làm tăng độ màu mỡ cho đất, là nơi dự trữ nguồn nước để nước thong thả chảy về nuôi các con sông trong thời gian không mưa. Cho nên, những vùng có rừng che phủ sẽ giảm bớt hạn hán. Rừng còn có chức năng làm cho các cơn lũ giảm mức tấn công đột ngột. Điều quan trọng nhất là rừng đã hấp thụ khí thải CO2 từ khói xe và nhà máy, để nhả ra dưỡng khí O2 cung cấp cho lá phổi con người. Rừng chính là lá phổi mẹ của chúng ta.


Một trong những lý do lớn khiến hàng vạn khu rừng liên tục ngã xuống đó là việc sản xuất giấy. Cứ 1 tấn giấy thành phẩm thì phải cần có 5 m3 gỗ và 100 m3 nước. Sẽ không có gì quá đáng khi nói rằng nếu rừng ngã thì ta cũng sẽ ngã theo. Từ bây giờ trở đi, ta hãy thực tập hạn chế tối đa việc sử dụng khăn giấy, thay vào đó ta dùng trở lại khăn vải để lau miệng hay khăn lông để lau tay. Ngay cả chén hay ly giấy, ta chỉ nên dùng trong trường hợp bất khả kháng, chứ đừng tiếp tục xem đó là cách tiện lợi thích đáng. Sử dụng lại cách cũ tuy hơi mất công một chút, nhưng nó vừa đối trị thói quen dễ dãi lười biếng của ta, lại vừa giúp ta không trở thành thủ phạm gián tiếp hủy diệt vô số cánh rừng xanh tươi.

 

Đối với giấy sử dụng trong việc học tập hay văn phòng cũng nên tận dụng hết mức. Ít nhất là phải xài hết hai mặt rồi mới bỏ đi. Cách nay chừng vài thập niên thôi, ta đã từng biết gom lại những quyển tập niên học cũ làm "kế hoạch nhỏ" để có tiền mua tập cho niên học sau. Thời ấy, ai làm diều bằng giấy tập được xem là hạng sang. Kinh tế phát triển đã làm cho ta có đầy đủ mọi thứ, nhưng cũng chính từ ấy ta trở nên phung phí, quên đi rất nhiều nguyên tắc sống rất căn bản để giữ gìn sức khỏe và thăng hoa giá trị tâm hồn.

 

Vấn đề nguồn nước: Khi rừng ngã xuống hay không khí bị nhiễm độc thì nguồn nước sạch cũng sẽ dần cạn kiệt. Hiện nay có khoảng 1/6 dân số thế giới không được dùng nước sạch, và hằng năm có hơn 2 triệu người mà phần lớn là trẻ em chết vì khát hay vì các chứng bệnh liên quan tới nguồn nước. Thật ra, trong 30 năm qua nhu cầu nguồn nước sạch của con người đã vượt quá khả năng cung cấp. Trong khi một số ít quốc gia đang cố gắng lập ra những nhà máy lọc nước mặn thì đa phần còn lại tiếp tục phun thuốc trừ sâu loại độc hại, tuôn chất thải từ công nghiệp chăn nuôi vào nguồn nước hay sử dụng nước một cách lãng phí. Các hiệp hội bảo vệ môi trường trên thế giới dự báo rằng, khoảng 50 năm nữa con người của cả địa cầu này phải chịu cảnh hạn hán kinh niên và phải đi hứng từng giọt nước để uống, nếu cứ đà lãng phí hay làm ô nhiễm nguồn nước như hiện nay.

 

Chúng ta chắc không quên mình đã từng sống qua những giai đoạn "khát cháy". Ta phải thức hôm thức khuya để hứng từng xô nước từ giếng làng về xài cho sinh hoạt cả gia đình trong ngày. Thảm cảnh ấy bây giờ vẫn còn đang tiếp diễn ở châu Phi hay một vài khu vực ở châu Á, và trong tương lai sẽ là toàn cầu. Khi ấy, dù chúng ta có thật nhiều tiền cũng không thể nào mua được nước, bởi nước đã bị ô nhiễm và từ giã ta đi xa rồi. Ngay cả hiện nay tại một số nơi, nước đã nằm trong quyền quản lý của một vài tập đoàn kinh doanh và nó đã trở thành mặt hàng đắt đỏ đứng sau điện và xăng dầu. Nghĩa là người nghèo sẽ không được phép dùng nước sạch. Trong khi nguồn nước vốn là tài sản của thiên nhiên, ai cũng có quyền sử dụng và không ai có tư cách làm ô nhiễm hay tranh giành làm của riêng cả. Do đó, nếu chúng ta không muốn thảm cảnh ấy lặp lại một lần nữa với mình và con cháu mình thì hãy quyết tâm tiết kiệm nước ngay từ bây giờ.

 

Mỗi khi đánh răng ta hãy nhớ tắt ngay vòi nước. Trong vài phút vô tâm ấy, ta đã phung phí cả chục lít nước sạch có thể cứu sống vài trẻ em đang chết khát trên thế giới. Khi rửa chén ta cũng nên rửa trong thau. Đừng vì vài cái chén mà ta xả nước ồ ạt, dù ta có tiền để trả mỗi tháng. Chỗ hao phí nước nhiều nhất trong sinh hoạt hằng ngày chính là trong nhà tắm. Kể từ bây giờ, ta nên cùng nhau thực tập giới hạn việc dùng bồn tắm hay vòi sen, thay vào đó ta hãy hứng nước vào xô để tắm. Cách này giúp ta dễ dàng tiết kiệm nước, có thể ngừng xả nước khi không thật sự cần thiết và biết rõ mình đã sử dụng bao nhiêu nước. Việc làm này tuy giản dị, nhưng hiệu quả tức thì mà không cần phải có một chính sách ban hành ta mới làm được. Con cháu mai sau không bị khuyết tật bẩm sinh, không bị cằn cỗi hay chết yểu và còn có thể nhìn thấy màu xanh của hành tinh này, sẽ rất biết ơn nếp sống có hiểu biết của ta hôm nay.

 

Vấn đề khói xe: Theo WHO - tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có gần 600.000 người tại châu Á bị chết vì các bệnh thuộc đường hô hấp liên quan tới không khí. Thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng ô nhiễm này là khói xe. Ở Bắc Kinh mỗi ngày có 2,6 triệu xe phun khói lưu hành và nơi đây đã được mệnh danh là thành phố xe hơi. Cứ 5 người Bắc Kinh là có 1 người sở hữu xe riêng. Với số dân gần 20 triệu, nên giao thông ở Bắc Kinh không những trì trệ mà còn đến mức nghẹt thở. Ở Hong Kong, khói xe luôn giăng kín thành phố, đến nỗi 1/3 số ngày trong năm người ta không thể ngắm các dãy phố hay hải cảng. Ở Hà Nội, mỗi ngày một người phải hít vào phổi khoảng 100mg bụi PM10 (particulate matter) cực kỳ độc hại, 5.000mg CO và 50mg khí thải khác như NO2, SO2 vì khói xe phong tỏa.

 

Mỗi khi cầm chìa khóa xe lên, ta hãy tự hỏi mình nhiều lần là ta đang định đi đâu đây? Cần thiết thì ta cứ đi. Còn nếu thấy mục đích ấy không thật sự chính đáng thì ta hãy can đảm để chiếc chìa khóa xuống. Đừng vì chút cảm hứng mà ta lại đi hủy diệt chính mạng sống của mình và muôn loài. Ngoài ra, ta cũng nên dùng xe đạp, những loại xe chạy bằng nhiên liệu không độc hại như điện hoặc sử dụng xe công cộng khi có thể. Cách này vừa tiết kiệm xăng, vừa không góp phần gây

 

ô  nhiễm, mà cũng vừa tiếp nhận lại tính tương tác giữa mình và mọi người trong cộng đồng đang sinh sống. Đón xe đi chung với nhau là hình ảnh rất đẹp. Nó kéo chúng ta lại gần nhau và phá vỡ phần nào chủ nghĩa cá nhân.

 

Vấn đề ăn thịt: Địa cầu đang bị hâm nóng dần. Ước tính có thể vài năm tới đây các tảng băng ở Iceland và Tây Nam Cực sẽ tan rã rất nhanh, sẽ khiến cho mực nước biển dâng cao đột ngột. Nó không những làm ảnh hưởng đến phân nửa dân số thế giới đang sống ven bờ biển mà còn khiến cho hàng tỉ tấn chất mêtan (CH4) trong lớp băng dày đặc kia vỡ ra. Đây là nguyên nhân chính khiến địa cầu ngày càng nóng lên dữ dội và hàng loạt thảm họa thiên tai sẽ xảy ra như hạn hán, sức nóng gia tăng, sa mạc hóa, đất lún chìm, biển chết, loài hoang dã bị tuyệt chủng và sức khỏe con người cũng bị suy sụp trầm trọng.

 

Thế giới đang báo động tình trạng hiệu ứng nhà kính và hết sức nỗ lực giảm khí thải trong công nghiệp hay giao thông. Nhưng phải mất thời gian khá lâu thì tình trạng mới khả quan, vì nó có liên quan tới quyền lợi của nhiều tập đoàn trục lợi hay guồng máy chính trị độc tài và tham nhũng. Trong khi ăn chay thuần chất, tức là tất cả thức ăn đều có nguồn gốc từ thực vật, là giải pháp có thể làm ngay đối với mỗi cá nhân và có hiệu quả rất cao trong việc làm nguội địa cầu. Bởi vì chăn nuôi đóng góp hơn 50% chất thải mêtan vào bầu khí quyển này. Ngoài ra, chính việc chăn nuôi gia súc lấy thịt tăng nhanh trong những năm gần đây đã khiến cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện. Phải chăng từ khi con người đắm chìm trong những món ăn cầu kỳ lấy từ mạng sống của đủ loài động vật, cũng chính là lúc con người đánh mất lòng bao dung cao cả của một bậc đàn anh?

 

Với tinh thần trách nhiệm của một đứa con, ta hãy hứa với bà mẹ thiên nhiên:

 

1- Ý thức việc vứt bỏ túi nylon gây nhiễm độc cho bà mẹ thiên nhiên vì phải mất cả nghìn năm nó mới tự phân hủy, con xin nguyện chỉ sử dụng túi vải để đựng hàng hóa khi đi chợ.

 

2- Ý thức nếu rừng ngã thì con không thể thở và cũng sẽ ngã theo,


con xin nguyện chỉ sử dụng chén, ly hay khăn giấy trong những trường hợp không còn cách nào khác hơn.

 

3- Ý thức nguồn nước thiên nhiên đang dần cạn kiệt và hàng triệu người đang chết khát trên thế giới, con xin nguyện tiết kiệm từng ngụm nước dù khi tắm rửa.

 

4- Ý thức khói xe gây ô nhiễm không khí, tạo ra những trận mưa axít làm chết rừng, hư hại nguồn nước, con xin nguyện chỉ lái xe vào những mục đích thực sự chính đáng, và sẽ cố gắng dùng xe công cộng khi có thể.

 

5- Ý thức việc chăn nuôi gia súc lấy thịt gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm, chất thải làm cho địa cầu nóng thêm dẫn đến những thảm họa thiên tai và con người ngày càng đánh mất lòng từ ái vốn rất cao cả dành cho muôn loài, con xin nguyện ăn chay thường xuyên để góp phần xoa dịu và giữ gìn sinh mạng chung.

 

Vì tình thương và hiểu biết, thưa bà mẹ thiên nhiên, con xin tự nguyện ký kết năm hiệp ước này. Con ý thức rằng, con đang gìn giữ gia tài rất quý báu của tổ tiên và phải có trách nhiệm trao truyền cho con cháu. Con không thể để cho tâm hồn chúng nghèo đói và lạc lõng mà đi về tương lai. Nếu bàn tay này còn tiếp tục gây ra những năng lượng độc hại có tính chất hủy diệt sinh mạng chung thì con sẽ có tội với các bậc tiền nhân và với vũ trụ. Từ nay con xin hứa sẽ cố gắng giữ bàn tay thật trong sạch để cùng đưa con cháu đi lên.

 

 

Giữ bàn tay cho khéo

Tiếp nhận nếp tổ tiên

Trao truyền cho con cháu

Cùng tìm hướng đi lên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/09/2011(Xem: 3659)
Ngày nay nhân loại đang đứng trước vấn đề khủng hoảng môi sinh. Khủng hoảng môi sinh là sự ô nhiễm môi sinh do các phóng xạ, sự phân bạch, bụi bạch của thiên nhiên, nạn khai thác rừng, cháy rừng, giao thông vận tải quá tải, sự thiêu đốt, sự khai thác các nguồn năng lượng vô tội vạ, phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp nhẹ và nặng trong một nền kinh tế thị trường đầy lợi nhuận luôn biến động.
16/08/2011(Xem: 9175)
Khi Trung Cộng xâm lăng Tây Tạng năm 1950, người ta hứa hẹn đem hiện đại đến một vương quốc phong kiến cô lập. Thay vì thế, nó đã đến một sự cai trị đè nén tôn giáo và văn hóa đã làm cho chính phủ Tây Tạng đi đến lưu vong, kể cả lĩnh tụ tối cao giáo quyền và thế quyền của Tây Tạng. Được khám phá như hóa thân của tu sĩ cao cấpTây Tạng thứ 14 vào lúc hai tuổi và đăng quang lúc bốn tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đào thoát đến Ấn Độ năm 1959 và chưa bao giờ trở lại. Sau bốn mươi lăm năm cố gắng bảo tồn một quốc gia không lĩnh thổ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đang phải vật lộn với tương lai của Tây Tạng trong một cung cách thực tiển rất ngạc nhiên, một cách mà có thể có ngu ycơ khiến đồng bào của Ngài sự ủng hộ của quốc tế, và ngay cả gia đình của Ngài xa lánh.
15/08/2011(Xem: 3929)
Đức Phật là người chinh phục vĩ đại nhất. Ngài chinh phục thế giới bằng vũ khí của tình thương và chân lý
11/08/2011(Xem: 6254)
Tôi thích nhìn ngắm những sự việc như chúng là và đối diện những sự kiện; thuộc cá nhân tôi không có cảm tính của bất kỳ loại nào, tôi xóa sạch tất cả điều đó.
05/08/2011(Xem: 7713)
Mặt trời đang chiếu sáng trên chùa Tsuglakhang, trên đồi núi của Hy mã lạp sơn Ấn Độ, hàng trăm người Tây Tạng đang tập trung trong sân cho buổi lễ hội. Khi những thầy tu xới cơm trắng và rau cải hầm ra, những tiếng kèn và chập chỏa vang lên. Những lễ lược như vậy là thông thường ở đây - tu sĩ thường cung cấp thức ăn cho những dân làng địa phương như một hành động phục vụ để tích tập phước đức- nhưng không khí lễ hội dường như thu hút được tình cảm của vị hiền nhân sống bên cạnh ngôi chùa.
03/08/2011(Xem: 8480)
Thưa các vị Thanh thiếu niên: Mấy hôm trước một cơn mưa to ập đến, con đê vừa mới đắp để ngăn chặn dòng suối ở phía Tây đã sạt lỡ rất nguy hiểm, các vị pháp sư trong học viện đích thân dẫn đại chúng đến đó để sửa sang lại. Việc công quả trong Phật giáo cũng là một pháp tu, cũng là một thời khóa, tham gia công việc khiến cho chúng ta có thể hiểu rõ sự thánh thiện của việc làm, sự vĩ đại của việc phục vụ, từ công việc chúng ta có thể nhận thức được mình là người hữu dụng.
01/08/2011(Xem: 4007)
Khi chúng ta nhìn vào những kinh luận truyền thống của Đạo Phật dường như có rất ít liên hệ trực tiếp với những gì ngày nay gọi là khái niệm môi trường hay sinh thái học. Khi chúng ta thể nhập một cách thông minh vào thế giới mà Đức Phật đã sống và hành đạo, lý do của điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn. Khung cảnh nổi bật lên là một nền văn hóa sống trong sự hòa hiệp vô cùng sâu xa với môi trường, nếu đôi khi phải nói là trong sự thông cảm của lối sống Phật Giáo, và một cuộc “Vận Động Môi Trường” đơn giản là không cần đến.
27/07/2011(Xem: 7180)
Dallas, Texas, USA,10 tháng Năm, 2011 - Đức Thánh Thiện đã bắt đầu vào hôm nay với cuộc gặp gở với cựu Điều hợp viên Đặc biệt của Hoa Kỳ cho những vấn đề của Tây Tạng, bà Paula Dobriansky. Sau đấy, ngài đã đi đến tư gia của Nguyên Tổng thống George W. Bush và phu nhân để gặp gở họ. Đức Thánh Thiện đã ở đấy khoảng một giờ đồng hồ. Tổng thống Bush đã nói rằng ông vinh hạnh được đón tiếp Đức Thánh Thiện.
20/07/2011(Xem: 6468)
Từ khi ngài tuyên bố từ bỏ trách nhiệm của một vị nguyên thủ chính quyền lưu vong Tây Tạng, đời sống của ngài đã thay đổi thế nào? Không có thay đổi gì nhiều, bởi vì trong thập niên vừa qua, từ năm 2001, chúng tôi đã có đội ngũ lĩnh đạo qua bầu cử. Tôi sẽ diễn tả vị trí của tôi là giống như vậy từ lúc ấy. Do vậy, những quyết định chính yếu là trong tay của những người dân cử.
19/07/2011(Xem: 5183)
Hiện nay câu hỏi này là một quan tâm chính đối với mọi người, bởi vì khoa học và công nghệ hiện đại đã phơi bày rõ ràng những khả năng xảy ra sự hủy diệt to tát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]