TRỞ VỀ VỚI NGUỒN GỐC
Buổi nói chuyện hôm nay có đề tài là Trở về với nguồn gốc. Chúng ta tu theo đạo Phật thì phải phăng tìm tận nguồn gốc của đạo Phật. Nắm vững gốc rồi thì tìm kiếm thân thể ngọn ngànhkhông khó.
Nếu không nắm được gốc, tu dễ lệch lạc trái vớiđường hướng Phật Tổ đã dạy. Khi mới xuất giatu học Phật pháp, tôi tự đặt câu hỏi lý do gì đức Phật đi tu, Ngài thành đạo chứng quả là thành cái gì, chứng cái gì. Đó là những thăc mắc về đức Phật. Trong chùa, thấy phía sau thờ Tổ, tôi cũng muốn biết tại sao các ngài thành Tổ, tu pháp gì và chứng cái gì mà thành Tổ. Đó là hai thắc mắc về Phật và Tổ.
Tôi muốn mình tu phải có căn bản về giáo lý thật vững chắc. Nếu không phăng ra manh mối, chúng ta tu theo Phật mà không biết Phật tu pháp gì, tu theo Tổ cũng không biết tại sao các ngài thành Tổ thì tu làm chi. Vì vậy khi tra tìm trong lịch sử đức Phật, tôi thấy rõ những điều này. Ai đọc lịch sử Phật cũng đều biết, khi Thái tử Tất-đạt-đa dạo bốn cửa thành, Ngài gặp người già thân thể gầy còm rất đau khổ ở cửa thành thứ nhất, người bệnh đang rên rỉ trên đường ở cửa thành thứ hai, người chết ruồi bu kiến đậu rất ghê sợở cửa thành thứ ba. Cuối cùng đến cửa thành thứ tư, Ngài thấy một vị Sa-môn đang đi rất thanh thản thong dong.
Qua bốn hình ảnh đó Ngài suy gẫm tường tận về kiếp sống của con người, ai rồi cũng già bệnh chết. Tất cả chúng ta có mặt trên thế gian này trong mấy mươi năm, hoặc ít hoặc nhiều, người nào cũng đi đến kết thúc bằng già, bệnh và chết. Như vậy đời sốngcủa con người trong cảnh thuận, mới nhìn dường như vui vẻ, trong cảnh nghịch lại thấy đau khổ. Vậy mà hầu hết họ đều ôm ấp tưởng tượng mình hạnh phúc, thật sự không tìm đâu ra hạnh phúc, chỉ là một chuỗi dài nhiều bất mãn, đau buồn hơn là niềm vui.
Khi quán sát như thế, đức Phật biết đã làm người thì đau khổ dồn dập tới bằng ba hình tướng già bệnh chết. Đó là một bản án không ai chạy khỏi. Chính Ngài tự thấy những gì gọi là hạnh phúc, an vui, sang trọng, giàu có v.v... ở thế gian chỉ là tạm bợ, tất cả sẽ đưa tới kết thúc bằng già bệnh và chết. Thế nên Ngài không yên lòng và tìm đường đi để giải quyết ba vấn đề nghiêm trọng già bệnh chết.
Ngài tự đặt nghi vấn, câu hỏi thứ nhất: “Con người trước khi ra đời ở đâu, là gì?” Câu hỏi thứ hai: “Sau khi nhắm mắt con người sẽ đi về đâu, còn hay là mất?” Câu hỏi thứ ba: “Có phương pháp nào để giải quyết sanh già bệnh chết hay không?” Ba câu hỏi này là một vấn đề to lớn của kiếp người. Bấy giờ trong lòng Ngài bất an, không thể nào ngồi yênhưởng cảnh giàu sang tạm bợ, cũng không thể nào ngồi yên trông thấy người trước già chết, người kế già chết, tới mình già chết. Phải làm sao giải quyết vấn đề này.
Như vậy trọng tâm đức Phật đi tu là giải quyết thân phận con người. Ngài xuất gia hoàn toàn vì con người, vì nhân loại chớ không phải vì một cá nhân riêng tư, vì một hoàn cảnhxã hội, đất nước nào. Trên đường tầm đạo, Ngài gặp những vị thầy dạy tu thiền nhưng chưa giải quyết được ba nghi vấn trên. Vì vậy Ngài từ giã họ đi nơi khác. Sau Ngài ứng dụng phương pháp khổ hạnh chịu khổ cực triệt để nhưng vẫn không giải quyết được ba vấn đề Ngài ôm ấp. Cuối cùng từ bỏ khổ hạnh, Ngài đến cội bồ-đề thiền định bốn mươi chín ngày đêm. Đến đêm thứ bốn mươi chín, trong sử kể lại rất rõ từ canh một tới canh hai, Ngài chứng Túc mạng minh. Ngài thấu suốt tất cả vô số kiếp về trước mình đã sanh ở đâu, tên họ gì, cha mẹ là ai, xứ sở nào… Ngài thấy tường tận không một chút hồ nghi. Chứng Túc mạng minh, Ngài giải quyết được nghi vấn thứ nhất, trước khi có mặt ở đây ta là ai, những sự việc này Ngài kể lại và được biên tập thành kinh Bản Sanh.
Kế đến từ canh ba tới canh tư, Ngài chứng được Thiên nhãn minh, Ngài biết rõ sau khi chết con người còn hay mất, nếu còn thì đi đâu. Ngài thấy rõ sau khi thân này hoại, chúng sanh theo nghiệp lành hay dữ mà đi nơi này nơi nọ, nên Phật nói chúng ta chết rồi không phải hết mà theo nghiệp luân hồi trong lục đạo. Lục đạo tức sáu đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la, người, trời. Ngài thấy chúng sanh chết đây sanh kia như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng, không nghi ngờ. Vì vậy Ngài mới dạy chúng ta muốn đời sau sanh cõi lành phải tu các điều thiện, còn tạo các điều ác phải đọa các cõi dữ, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Đó là do chúng ta gây nghiệp nên phải chịu, không phải ai làm cũng không ai thưởng phạt mình. Chứng được Thiên nhãn minh, đức Phật giải quyết được nghi vấn thứ hai.
Từ canh tư mãi đến canh năm, khi sao Mai vừa mọc Ngài chứng được Lậu tận minh. Chữ lậu là lọt, tận là sạch, minh là sáng. Lậu tận minh là dứt sạch mầm sanh tử, không còn trở lại thế gian này nữa. Ngài thấy rõ con người do nguyên nhân nào tiếp tục trong vòng sanh tử và muốn dứt vòng sanh tử phải làm sao. Sau khi chứng được Lậu tận minh, Ngài tuyên bố đã thành Phật, là bậc đại giác. Nếu đức Phật không ôm ấp tâm niệmnghĩ về thân phận con người, làm sao Ngài có được ba minh đặc biệt đó.
Khi đã thành Phật, Ngài nhớ tới những người bạn đồng tu khổ hạnh, đó là nhóm anh em ngài Kiều-trần-như nên tìm tới vườn Lộc Uyển. Gặp nhau, các vị đó nhận ra Ngài rất đặc biệt nên mời thuyết pháp. Bài pháp đầu tiên Phật nói là pháp Tứ đế. Tứ đế là gì? Là Khổ đế, Tập đế, Đạo đế và Diệt đế. Khổ đế là quả đau khổ do sanh già bệnh chết của kiếp người. Nhân loại không ai tránh được nên gọi Khổ đế, đế là khẳng định không sai chạy. Quả khổ đó không phải ngẫu nhiên mà có, nó từ nhân. Nhân là Tập đế, tức sự nhóm họp lại thành. Nhân nhóm họp lại thành quả. Nhân đó gồm những gì? Trong kinh kể có nhiều thứ, tựu trung có hai thứ chánh là căn bản phiền não và tùy phiền não.
Căn bản phiền não có sáu thứ: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Tùy phiền não có hai mươi mấy thứ, như phẫn, hận, phú, não, tật, san, cuống, xiểm, hại, kiêu... nhiều lắm. Chữ Hán giải hơi lâu, tôi chỉ kể đại khái thôi. Như vậy thân này không phải ngẫu nhiên có mà do nhân căn bản phiền não, cô đọng lại là tham sân si. Do tham, sân, si tạo thành thân. Như quí vị thấy thân mình già bệnh sắp chết thì có niệm gì? - Sợ chết. Vì sao? - Vì sợ mất thân. Sợ mất thân tức là muốn sống. Muốn sống gọi là tham sanh. Bởi tham sanhnên mất thân này muốn kiếm thân khác tốt xấu khổ vui gì cũng được, phải có thân kế mới được. Đó là nhân tạo thành nghiệp dẫn chúng ta thọ sanh đời sau. Thân kế tiếp hay thân hiện tại này do nhân của quá khứ hoặc nhân hiện tại tạo thành. Cứ thế tiếp tục sanh tử liên miên không bao giờ dứt, nên Phật gọi là luân hồi sanh tử. Cứ quanh vòng chết đi sống lại, chết đi sống lại mãi không cùng, chịu đau khổ triền miên. Đã có nhân sanh tử thì quả sanh tử không tránh được. Đó là nhân và quả đi trong luân hồi sanh tử.
Bây giờ muốn hết luân hồi sanh tử phải làm sao? Phải dẹp hết nhân sanh tử nên Phật dạy Đạo đế. Đạo đế là phương pháp diệt trừ nhân gây sanh tử. Trong Đạo đế có Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, như Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo… Ba mươi bảy phẩm này là phương pháp tiêu diệtmầm tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… nói đủ là tất cả các thứ phiền não. Phiền nãodẹp hết sẽ đi tới quả an vui là Diệt đế. Diệt đế còn gọi Niết-bàn.
Như vậy trong pháp Tứ đế có hai cặp: cặp thứ nhất là nhân quả của sanh tử, cặp thứ hai là nhân quả của Niết-bàn hay thoát ly sanh tử. Ai ôm ấp tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… là nuôi dưỡng nhân sanh tử đời sau. Ai muốn diệt hết những nhân này thì dùng phương pháp Đạo đế để đi tới quả Niết-bàn. Niết-bàn có nhiều nghĩa nhưng nghĩa chánh là vô sanh, tức không còn sanh tử nữa.
Nếu đức Phật không chứng được Lậu tận minh, làm sao Ngài biết từ nhân nào tạo ra sanh tử và phương pháp diệt sanh tử để đi tới Niết-bàn an lạc. Từ đầu Ngài ôm ấp những nghi vấn, rồi từ từ giải quyết được những nghi vấn đó. Ngài thấy tường tận số kiếp của con người vì sao đi trong sanh tử, làm sao để giải thoát sanh tử. Thấy tường tận như thế Ngài giác ngộ thành Phật, thỏa mãn được những gì từ buổi đầu ôm ấp. Nếu không có ba nghi vấn đó Ngài không bỏ các vị tiên nhân để tìm tu cho tới giác ngộ. Nếu không có ba nghi vấn đó Ngài cũng sẽ không chứng ba minh đặc biệt trên.
Trong pháp Tứ đế, Phật dạy người tu diệt hết nhân sanh tử thì được giải thoát. Nhưng Ngài không nói giải thoát sanh tử, nên nhiều người đặt câu hỏi, diệt hết nhân sanh tửđược giải thoát là giải thoát cái gì, giải thoát rồi đi đâu? Nếu chúng ta không khéo, không biết tu cũng hơi hoang mang với nghi vấn này. Nói giải thoát là giải thoát cái gì đây. Bởi thuyết của Phật là vô ngã, không có cái ta, bây giờ nói giải thoát thì ai giải thoát. Đó là một nghi vấn lớn.
Quí Phật tử thử nghĩ nếu tâm mình được định, thì tham sân si mạn nghi ác kiến có khởi không? Nhất định là không. Tâm an định thì không dấy niệm, làm gì có tham, sân, si v.v... Như vậy tất cả phiền não gốc từ niệm mà khởi. Dấy niệm lên nghĩ cái đó tốt mình tham, cái kia xấu mình chê… Niệm khởi là gốc ban đầu để tạo nghiệp. Nghiệp xấu tốt gì cũng từ đó mà ra cho nên có niệm thiện niệm ác. Niệm thiện thì tạo nhân tốt, niệm ác tạo nhân xấu. Do niệm khởi tạo nhân thì quả sanh cõi lành cõi dữ, chớ không thể giải thoát sanh tử, vì còn niệm là còn tạo nghiệp. Nếu không còn niệm nào lúc đó nhân gì đưa tới sanh tử? Không còn niệm thì đâu có tạo nghiệp, không tạo nghiệp làm sao bị sanh tử dẫn đi được.
Chúng ta thấy đức Phật do tu thiền định mà sạch hết nghiệp, mới chứng quả giải thoát sanh tử. Bây giờ lúc ngồi thiền hoặc ngồi chơi bình thường, tâm quí vị không dấy niệm thì có phiền não không? - Không. Lúc đó có mình không? Tâm không dấy niệm nhưng nghe, thấy vẫn tự nhiên, rõ ràng. Biết nghe, biết thấy, biết xúc chạm là có mình. Cái mình khi không niệm khởi có chấp ngã, chấp nhân không? Không niệm nên không chấp chi cả. Chỗ này hết sức quan trọng.
Lâu nay chúng ta lầm chấp thân tướng luôn biến chuyển sanh diệt là mình. Nếu thế khi nó hoại đi, mình ở đâu? Đó là điều không ổn. Kế nữa ta cho những ý nghĩ tốt xấu hơnthua v.v... là tâm mình. Ý nghĩ đó khi có khi không, như vậy chẳng lẽ mình cũng lúc có lúc không? Ý niệm là những bóng dáng gặp duyên thì phát, hết duyên liền mất. Vậy màhiện giờ chúng ta bị nó chi phối trọn vẹn. Ai nghĩ hợp với mình, mình thương. Ai nghĩ khác mình, mình ghét. Buồn thương giận ghét cả ngày vì chấp những ý niệm là thật mình.
Người nào thấy thân này không thật, tâm niệm nghĩ suy không thật là thấy được một phần lẽ thật, một phần giác ngộ. Còn giác ngộ sâu thẳm là khi không có tất cả ý niệm, cái biết vẫn hiện tiền, không tướng không động. Do không tướng không động nên không vôthường sanh diệt. Đó là cái giải thoát sẵn nơi mình mà ta bỏ quên. Thời đức Phật, Ngài không nói tới cái đó mà chỉ nói giải thoát sanh tử. Tại sao Ngài không nói? Vì thời đó đức Phật đang bị áp lực của đạo Bà-la-môn. Đạo Bà-la-môn cho rằng có linh hồn bất biến, Ngài sợ nếu nói có cái mình thật, người ta tưởng lầm đó là linh hồn hoặc thần ngã của Ba-la-môn. Phật chỉ nói dứt hết nhân sanh tử được giải thoát.
Tới thời các Tổ, các ngài gọi đó là Bản lai diện mục, tức mặt thật xưa nay sẵn có của mỗi người. Nói theo kinh đó là Phật tánh, Chân tâm, giải thoát sanh tử. Như vậy giải thoát sanh tử là nhận ra cái chân thật của chính mình, cái đó không còn bị nghiệp dẫn đi trong sanh tử nữa. Khi nào quí vị ngồi yên chừng năm phút không một niệm nghĩ suy, lúc đó có biết mình đang ngồi không? Biết rõ ràng nhưng không diễn tả được cái biết ấy, vì nó không có tướng mạo, không chỗ nơi. Một cái hằng hữu như vậy mà lâu nay chúng ta bỏ quên, nên cứ chịu trôi lăn trong sanh tử. Phật nói chúng sanh rất đáng thương.
Từ đức Phật đến chư Tổ dạy không khác nhau. Các kinh A-hàm lấy Tứ diệu đế làm gốc, giải thoát là dứt hết mầm sanh tử. Mầm sanh tử từ ý niệm mà có. Như vậy niệm hết thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì hết sanh tử, hết sanh tử là giải thoát. Chư Tổ cũng thế. Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa chưa đủ duyên, Ngài tới chùa Thiếu Lâmchín năm xoay mặt vào vách không nói gì cả. Đến lúc Thần Quang tới cầu đạo, đứng dưới tuyết cả đêm, gương mặt không thay đổi. Tổ nhìn ra thấy, hỏi:
- Ông đến đây cầu gì mà khổ hạnh như vậy?
Thần Quang trả lời:
- Bạch Hòa thượng, con đến đây cầu Ngài dạy cho pháp giải thoát.
Tổ quở:
- Chư Phật và Bồ-tát thuở quá khứ tu hành có khi phải bỏ cả thân mạng để cầu đạo sau này mới được. Ông dùng chút ít khổ hạnh thế ấy làm sao cầu đạo được?
Ngài liền chặt cánh tay dâng lên nói:
- Con xin dâng cánh tay này để cầu đạo.
Bấy giờ Tổ Bồ-đề-đạt-ma mới khen và nhận làm đệ tử, đổi hiệu là Huệ Khả tức có trí tuệkhá đó.
Câu chuyện mới nghe có vẻ thần thoại, nhưng thật tình hình ảnh ngài Huệ Khả chặt tay cầu đạo để nói lên tinh thần người muốn đạt đạo phải quên mình, không thể trọng thân mà đạt đạo được. Thân vô thường bại hoại mà chúng ta quí nó thì làm sao có được thân thật, nên trước phải xem thường thân hư giả. Phật tử ngồi thiền đau chân quá có rên không? - Có. Đau nhưng chết không? - Không. Không chết thì chưa sao, phải tập gan dạ coi thường thân. Nếu mình nuông chiều thân này thì không bao giờ tìm được cái cao siêu hơn.
Khi được Tổ Đạt-ma nhận làm đồ đệ, một hôm ngài Huệ Khả thưa:
- Bạch Hòa thượng, tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.
Tổ Đạt-ma bảo:
- Đem tâm ra ta an cho.
Câu nói nghe như đùa, nhưng ngài Huệ Khả không dám xem thường Tổ, vì vậy xoay tìm cái tâm ở đâu để đem ra. Tìm một hồi không được, Ngài thưa:
- Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.
Tổ bảo:
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Ngay đây ngài Huệ Khả liền nhận được pháp tu, thấy đường vào nên sụp xuống lạy Tổ. Tổ dạy đơn giản như vậy có hợp với lời dạy của Phật trong pháp Tứ đế không? Lâu nay chúng ta cho tâm là cái suy nghĩ của mình. Nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ hay, nghĩ dở, tất cả cái nghĩ đó gọi là tâm. Nhớ chuyện này, tính chuyện kia, chạy tứ tung thành ra tâm bất an. Lẽ ra Tổ phải dạy cách nào để an tâm, nhưng ở đây Ngài không dạy, chỉ bảo “đem tâm ra an cho”, ngài Huệ Khả liền biết đường vào.
Bình thường chúng ta nghĩ đủ thứ, bây giờ tìm xem nó ở đâu lại không thấy. Không thấy là tan mất nên Tổ nói an tâm cho rồi. Tổ chỉ cách an tâm, mới nghe thấy như không chỉ gì hết. Rõ ràng quay lại tìm, nó không còn hình bóng tức là an. Để thấy tâm lăng xăng chỉ là bóng dáng chạy đuổi theo ngoại cảnh, không thật mà lâu nay chúng ta chấp nó là tâm thật của mình. Tâm lăng xăng ấy mất mới hiện bày Tâm chân thật hiện tiền. Đó là chỗ thiết yếu của sự tu.
Như vậy muốn thấy được Bản lai diện mục, chúng ta phải dẹp hết tâm lăng xăng. Hiện giờ ta đang sống với cái thật hay cái giả? - Cái giả. Nhận thân giả, tâm giả là mình đó là tỉnh hay mê? - Mê. Biết được cái giả không còn lệ thuộc vào nó nữa, sống với cái thật, đó là giác. Thế thì tìm giác ngộ ở đâu? Quay lại mình tìm, chớ không ở đâu xa hết. Không còn những niệm sanh diệt là định. Do định trí tuệ phát sáng, Tâm chân thật hiện tiền. Ngay đây là Niết-bàn, là không sanh tử. Cái không sanh tử luôn luôn có sẵn nơi chúng ta, không lúc nào rời mình mà mình bỏ quên. Vì vậy Phật gọi là mê, bởi mê nên chấp giả làm thật, cái thật lại không biết.
Bây giờ biết được cái giả, không lệ thuộc nó nữa mà trở về cái thật, nhà thiền gọi là trở về cố hương. Nhận lại tâm không dấy động, yên tịnh đó có hợp với pháp Tứ đế Phật dạy không? Trong Bát chánh đạo, cuối cùng là chánh định, tức tâm không loạn nên giải thoát sanh tử. Hoặc trong năm căn, tức năm cội gốc căn bản: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Thứ tư là định, thứ năm là tuệ, có định rồi tuệ. Tuệ là cái thật của mình hiện ra, chớ không gì lạ.
Như vậy giáo lý Nguyên thủy là Tứ đế do Phật dạy với lời Tổ dạy không khác nhau. Không hiểu thế, chúng ta tưởng Tổ dạy lạ đời không giống trong kinh Phật dạy. Phật dạy tùy căn cơ chúng sanh mà nói đủ các pháp. Còn Tổ chỉ thẳng trọng tâm cái gì là nhân sanh tử, ngay đó mình biết khỏi đi quanh co gì hết. Bởi vậy Tổ dạy gọi là “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Tâm hư dốiđừng theo, cái chân thật hiện ra là tánh. Nhận được tánh đó thì nhân thành Phật không nghi ngờ nữa.
Tới Tổ Huệ Năng, Ngài ngộ từ kinh Kim Cang. Tu-bồ-đề hỏi Phật: Người phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao hàng phục tâm, làm sao an trụ tâm? Phật dạy muốn hàng phục tâm thì tất cả chúng sanh hữu sắc vô sắc, hữu tưởng vô tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng v.v... đều đưa vào Vô dư Niết-bàn. Khi nghĩ về hình tướnggọi là chúng sanh có sắc, nghĩ về tâm tưởng gọi là chúng sanh hữu tưởng, nghĩ về cái không phải tưởng gọi là phi phi tưởng… Tất cả niệm nghĩ của mình là chúng sanh, đưa chúng vào Vô dư Niết-bàn là chỗ không sanh. Nó chạy ra mình đưa vào chỗ yên lặng là vô sanh. Đó là hàng phục tâm.
Đến an trụ tâm, Phật dạy “bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Nghĩa là không nên để tâm dính mắc với sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Trụ tâm như vậy là không chạy theo sáu trần. Thấy cảnh tâm không chạy theo cảnh, nghe tiếng tâm không chạy theo tiếng. Cứ nghe, cứ thấy mà không dính với nó là không trụ. Đó là an trụ tâm.
Lâu nay chúng ta cứ nghĩ phân biệt sắc thanh là tâm mình, vừa có tiếng liền chạy theotiếng, vừa có sắc liền chạy theo sắc nên bị dính hoài. Bây giờ biết nó không thật mình không chạy theo, thấy sắc nghe tiếng v.v... đều an nhiên, đó là tâm an trụ. Tổ Huệ Năngngộ được chỗ này nên thốt lên: “Không ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh, không ngờ tâm mình xưa nay trùm khắp, không ngờ tâm mình xưa nay bất sanh bất diệt…” Ngài thấy tường tận nếu không để niệm chạy theo sáu trần, đó là Tâm chân thật hằng thanhtịnh.
Khi chúng ta không dấy niệm, cái biết luôn thanh tịnh trùm khắp, không giới hạn. Biết mà không dấy niệm nên không sanh diệt. Khi thấy tường tận tâm đó, Ngũ Tổ mới ấn chứngcho Lục Tổ và trao y bát. Lãnh được ấn chứng Ngài ôm y bát về phương Nam. Có một nhóm đuổi theo giật lại. Trong đó, Thượng tọa Minh đuổi kịp. Lục Tổ để y bát trên bàn đá, không thấy quan trọng vì Ngài không có tâm tranh giành. Huệ Minh tới bưng lên không nổi nên đổi ý kêu: “Hành giả, hành giả! Tôi tới đây vì pháp, chớ không vì y bát.” Nghe vậy Ngài từ trong bụi chui ra nói: “Nếu ngươi cầu pháp thì hãy bình tĩnh để tâm yên lặng nghe ta nói.” Huệ Minh yên lặng giây lâu, Tổ bảo: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay đó, Huệ Minh có tỉnh.
Qua câu hỏi này, chúng ta cứ tìm câu trả lời, nhưng không ngờ không nghĩ thiện, không nghĩ ác chính là Bản lai diện mục rồi. Không nghĩ thiện không nghĩ ác thì tâm không dấy động. Lúc đó mặt thật xưa nay hiện ra, không có gì lạ hết. Như vậy ngộ đạo là nhận được Tâm chân thật của mình. Rõ ràng như vậy, đó là gốc của sự tu, là gốc của giải thoát sanh tử.
Ngài Trúc Lâm Đại Đầu-đà trong bài Cư trần lạc đạo, kết thúc bằng bốn câu kệ:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc san hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền,
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, là ở giữa bụi trần như quí Phật tử mà vui với đạo. Muốn thế phải khéo tùy duyên. Tùy duyên bằng cách nào?
Cơ tắc san hề khốn tắc miên, nghĩa là đói đến thì ăn mệt ngủ liền, thấy như không tu vì thảnh thơi quá. Nhưng thật ra người tu ăn ngủ không giống như người thế gian. Người thế gian ăn đòi món này món nọ, người biết tu cho gì ăn nấy, không khởi niệm đòi ngon, chê dở. Đó là khéo tùy duyên. Người thế gian nằm xuống trằn trọc không chịu ngủ, người biết tu nằm xuống ngủ khò. Đó là khéo tùy duyên. Dù hình thức cư sĩ mà đói ăn mệt ngủ, không đòi hỏi kén chọn vẫn là người khéo tùy duyên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích, tức là ngay trong nhà sẵn có châu báu, không nên tìm kiếm ở đâu. Châu báu ví dụ cho Bản lai diện mục hay Chân tâm sẵn có của mình. Cái đó quí hơn tất cả mọi thứ trên thế gian này. Vì tất cả mọi thứ trên thế gian thuộc về tướng vô thường sanh diệt, Chân tâm không phải vô thường sanh diệt nên quí hơn tất cả. Chúng ta có sẵn rồi đừng tìm ở đâu hết, mà hãy xoay lại chính mình để nhận ra.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền, nghĩa là đối với sáu trần chúng ta không dính mắc, đó là vô tâm, là thiền. Như vậy Ngài dạy đúng như Lục Tổ đã dạy. Tâm không dính mắc là tâm an định, tâm an định thì trở về hòn ngọc báu trong nhà, chớ không đâu hết.
Từ đức Phật tới chư Tổ đều chỉ cho chúng ta cái gốc này. Bao nhiêu công phu của mình nằm hết trong mọi sanh hoạt đi đứng nằm ngồi đều tu, không phải chỉ ngồi mới tu. Trong nhà Phật thường nói tu cả bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng là lúc tu. Nhưng ngồi là ưu hơn hết, thù thắng hơn hết. Tại sao? Bởi vì khi chúng ta đi, mắt ngó cái này cái kia thành ra hơi xao lãng, có những niệm lăn tăn dấy lên mình không thấy. Tuy tu nhưng chỉ thấy được niệm thô, còn niệm tế không thấy nên yếu. Đứng cũng vậy, thấy cảnh thấy người tâm duyên theo nên khó thấy rõ tâm mình, tu được nhưng không mạnh. Đến nằm lại càng yếu hơn nữa, nằm một chút thì ngủ nên không nhớ tu. Chỉ có ngồi là thù thắng hơn hết. Nhất là ngồi thiền tư thế vững vàng nên có sức mạnh tinh thần, nhìn thấy tường tận những dấy niệm lăng xăng, chúng ta dễ dẹp hơn mấy trường hợp kia. Cho nên giai đoạn đầu của công phu, ngồi là thiết yếu vì đủ sức mạnh dẹp phá vọng tưởng. Nếu nghe nói đi đứng nằm ngồi cũng tu rồi quí vị tha hồ thì tu lâu lắm. Từ sức mạnh của ngồi tu thuần thục, sau đó đi đứng mới có khả năng kềm chế.
Như vậy tu là dẹp hết những tâm vọng tưởng điên đảo. Dẹp hết vọng tưởng điên đảo rồi thì không còn phiền não. Nhất là khi chúng ta nhận được mình có cái chân thật, thấy ai mình cũng thương, không ghét. Đó là tâm từ bi. Không phải họ sống vừa ý mình thương, không phải họ khổ sở mình thương, mà thương vì họ có cái thật như mình nhưng họ quên, rồi sống trong lao đao lận đận khổ sở. Thương là thương như vậy, tổng thống cũng thương, người bần cùng cũng thương, không phân biệt người nghèo mới thương, người giàu không thương. Vì thương là thương cái mê của chúng sanh, có cái thật mà quên không biết nên khổ. Tình thương này chính là lòng từ bi bình đẳng trong nhà Phật. Chỉ khi nào giác chúng ta mới có được thứ tình thương ấy, còn mê đừng nói từ bi. Mê thì chỉ thương ai vừa ý, ai đẹp mắt mình thôi, không bao giờ thương tất cả được.
Bây giờ chúng ta tu để nhận ra của báu, coi thường tất cả những thứ tạm bợ giả dối ở thế gian. Thân không quan trọng, ý niệm không quan trọng thì còn tranh hơn thua với ai, phải không? Chỉ người nào cho nó thật nên mới chấp, mới giành giật hơn thua đủ thứ. Chúng ta tu để thành Phật thì phải phăng tìm gốc của Phật tu, ứng dụng đúng tinh thầnPhật dạy, tu như thế mới có kết quả chứ. Cứ lăng xăng bao nhiêu chuyện bên ngoài, làm sao thấy được Tâm chân thật không sanh diệt. Phải có những giờ phút lặng lẽ yên tĩnh, nhìn lại mình mới nhận ra được cái chân thật ấy. Tất cả những thứ bên ngoài là phương tiện, không phải gốc, quay lại tìm tường tận cái chân thật của chính mình mới là mục đích tối thượng trong đời tu.
Trọng tâm tu của đạo Phật mới thấy như bình thường, nhưng nó tối quan trọng. Con người biết được mình thì không còn ai hơn thua giành giật nữa, tất cả đều thương nhau như ruột rà, vì có cái gì để hơn thua! Tâm lăng xăng lộn xộn là tâm điên đảo, đã là điên đảo thì có gì đâu quí giá. Bởi vậy nên tu là trở về cái chân thật, trở về chính mình. Ngộ đạo là ngộ được cái thật nơi chính mình, không có gì lạ hết.