Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Tôn Giáo Của Các Dân Tộc Cổ Đại

04/03/201608:21(Xem: 5343)
Chương 3: Tôn Giáo Của Các Dân Tộc Cổ Đại

Chương 3: Tôn Giáo Của Các Dân Tộc Cổ Đại

TIẾT 1: TÔN GIÁO CỦA BABYLON

1. Hoàn cảnh và thời đại của Babylon

Babylon nói ở đây chính là lãnh thổ Iraq và Syria ngày nay. Sự phát triển về văn hóa của đất nước cổ đại này bắt nguồn từ món quà thiên nhiên ban tặng là hai con sông Euphrates và Tigris chảy giữa dãy núi Armenia. Hai con sông này khi bắt đầu ra khỏi vùng núi thì có phương hướng ngược nhau, nhưng sau đó chảy song song, rồi cuối cùng nhập lại làm một và đổ ra vịnh Ba Tư. Vùng đồng bằng phì nhiêu nằm giữa hai con sông trên, trong lịch sử gọi là Mesopotamia. Chính trên vùng đồng bằng phì nhiêu này đã sản sinh ra một trong những nền văn hóa đầu tiên của các dân tộc cổ đại.

Mesopotamia là một khu vực trù phú, thích hợp canh nông, nhưng không phải là nơi có thể phòng thủ giặc ngoại xâm, vì thế mà quân địch từ các hướng đông, tây và bắc đã tấn công vào vùng đất này. Do đó, ở Mesopotamia, các thành phố nơi thịnh nơi suy, dân tộc người qua kẻ lại, ngôn ngữ pha tạp nhiều thứ, các vương quốc cũng lúc hưng lúc diệt.

Dân tộc lưu lại nền văn hóa đáng chú ý sớm nhất ở Mesopotamia là người Sumerian. Vào 4000 năm trước Công nguyên hoặc sớm hơn nữa, họ đã biết sử dụng đồ đồng. Họ dùng một dụng cụ giống cái đục, khắc lên đá và các tấm đất sét, tạo thành một loại văn tự, xưa nay được gọi là chữ hình nêm[1]. Lịch sử về vùng Mesopotamia mà chúng ta biết ngày nay đa phần là được phát hiện từ những chữ hình nêm được khắc trên các tấm đất sét này. Khoảng năm 2.870 trước Công nguyên, tộc người Semite từ phía tây đến cũng đã xây dựng đế quốc của họ ở đây.

Vì ở phía nam sông Tigris có một thành phố tên là Babylon nên người ta còn gọi khu vực Mesopotamia này là Babylonia. Có một vị vua danh tiếng tên là Hammurabi từng sinh ra tại đất nước Babylon, ông đã chinh phục các dân tộc khác, mở rộng bản đồ của nước mình từ vịnh Ba Tư về phía bắc, dọc theo sông Tigris và sông Euphrates. Vị danh vương này sống vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên. Di sản văn hóa quý giá và vĩ đại nhất mà ông để lại trong lịch sử là một bộ luật được khắc trên một khối đá vuông, đó chính là Bộ Luật Hammurabi nổi tiếng với tổng cộng 285 điều luật. Các sự việc như thương nghiệp, hôn nhân, tiền lương, mưu sát, trộm cắp, nợ nần... đều có quy định của pháp luật. Bộ luật này đã bảo vệ đời sống của nhân dân trên mọi phương diện, nhờ đó Babylon có thương nghiệp phồn vinh, văn hóa phát triển.

2. Tiến trình của tôn giáo

Tín ngưỡng tôn giáo sớm nhất của Babylon là sùng bái quỷ thần: họ cho rằng trong tự nhiên có đầy rẫy quỷ thần, tất cả hiện tượng tự nhiên đều do quỷ thần gây ra. Nhưng họ tin rằng, đọc tụng thần chú có thể sai khiến được quỷ thần, vì thế chú thuật và bùa hộ mệnh thời đó rất thịnh hành.

Sau thời đại sùng bái quỷ thần, họ lại lấy hình dạng của động vật để biểu hiện dáng vẻ của các thần. Ví dụ, bò đực có cánh hoặc người mang đầu chim đại bàng đều từng là tượng thần của họ, đây được gọi là thời đại thần hình dạng thú. Tiếp theo còn có thời đại nửa người nửa thú, thời đại thần thánh hóa hiện tượng thiên văn...

Sự thay đổi tín ngưỡng của họ dĩ nhiên là do sự tiến bộ dần dần của văn hóa, nhưng đồng thời cũng là do kết quả của sự hòa nhập lẫn nhau giữa các loại tín ngưỡng mà những dân tộc ngoại lai đã đem đến vùng đất này. Ví dụ, vào khoảng thời gian từ năm 3200 đến 2800 trước Công nguyên, các thành phố của họ đều đã có thần bảo hộ riêng, các vị thần này trên thực tế bắt nguồn từ những tín ngưỡng khác nhau của mỗi dân tộc.

3. Các vị thần chủ yếu

Tôn giáo Babylon tin vào rất nhiều thần linh, có thần bản địa và có cả thần của các dân tộc ngoại lai. Nay chỉ giới thiệu 15 vị thần chủ yếu như sau:

a. Anu: Anu là thần trời. Anu cùng với thần đất Inlil và thần nước Ea là ba ngôi một thể[2], tức ba thần hợp nhất[3]. Anu là ngôi chính trong ba ngôi. Vì vậy, Ngài được xem là cha của các thần, cũng là vua của các thần, và là vị thần tối cao, xử lý vạn sự.

b. Inlil: Inlil là thần đất, có thể tìm thấy tên vị thần này trong thần thoại về hồng thủy và các bài tán ca của Babylon. Inlil là ngôi thứ hai trong ba ngôi một thể.

c. Ea: Ea là ngôi thứ ba trong ba ngôi một thể. Ea là thần nước, vì thế địa điểm tế tự của thần này là ở cửa sông Euphrates và Tigris. Ea có quan hệ mật thiết với con người, do đó còn được sùng bái là thần trí tuệ, là sức mạnh tâm linh của sông suối.

d. Sin: Sin là thần mặt trăng. Sin là ngôi chính trong ba ngôi một thể thứ hai của tôn giáo Babylon; đồng thời cũng được sùng bái như là thần từ bi và thần khải thị. Tên núi Sinai trong bộ kinh Cựu Ước được lấy theo tên của thần Sin. Việc Chúa Yahweh trong Cựu Ước giáng linh ở núi Sinai cũng có nguồn gốc từ tín ngưỡng sùng bái vị thần mặt trăng này.

e. Schamasch: Schamasch là thần mặt trời, là một ngôi trong ba ngôi một thể thứ hai của tôn giáo Babylon. Schamasch là con trai của thần mặt trăng Sin. Vì còn được xem là thần ánh sáng và thần thưởng thiện phạt ác, nên Schamasch còn là thần tư pháp. Trước khi Bộ Luật Hammurabi ra đời, theo truyền thuyết, tất cả pháp luật đều do thần Schamasch chế định. Ngoài ra, Schamasch còn được xem là thần khải thị nên vị thần này nhận được sự sùng kính đặc biệt của các nhà bói toán.

f. Ischtar: Ischtar là nữ thần phổ biến nhất trong các thần của Babylon, vốn là một thần địa phương, sau mới phổ cập khắp nơi. Vị thần này có liên quan đến tín ngưỡng sùng bái sao Kim. Tìm hiểu trên nhiều phương diện thì Ischtar vốn là nữ thần nông nghiệp, nên nàng được xem là thần bảo hộ sự sống tự nhiên; trong thần thoại, Ischtar còn được xem là thần tính dục; các vị vua của Assyria thì tôn sùng vị thần này là thần chiến tranh và săn bắn; trong các bài tán ca, Ischtar xuất hiện như là một vị thần từ bi giúp đỡ nhân loại, nàng là thiện thần trừ bệnh và xá tội cho nhân loại. Tính cách của Ischtar rộng rãi như thế nên vị thần này nhận được sự sùng kính ở khắp nơi.

g. Marduk: Marduk là thần bảo hộ của thành phố Babylon. Marduk được cúng tế vào mùa xuân vì Ngài vốn là thần mặt trời mùa xuân, đại biểu cho sự sống và ánh sáng. Marduk có khả năng trừ bệnh và rất giàu trí tuệ. Trong chiêm tinh, Marduk có liên quan đến sao Mộc. Một tên khác của Marduk là Bel, nghĩa là “chủ”, nên trong các bài tán ca, Ngài được xem là vị thần tối cao hoặc vua của các vị thần.

h. Nabu: Nabu là thần bảo hộ của thành phố Borsippa. Nabu cai quản việc báo cáo vận mạng con người, làm thư ký cho thần Marduk, khiến cây cối tốt tươi... Trong chiêm tinh, lúc đầu vị thần này có liên quan đến sao Mộc, sau đó có liên quan đến sao Thủy.

i. Ninib: Ninib là con trai trưởng của thần đất Inlil. Ninib là vị thần trị bệnh và bảo hộ ruộng đất. Người Assyria lại cho rằng Ninib là thần chiến tranh và săn bắn. Lúc đầu Ninib có liên quan đến sao Hỏa, sau thì liên quan đến sao Thổ.

j. Nergal: Nergal là thần bảo hộ của thành phố Kutha, được xem là nữ thần âm phủ. Nergal trong tôn giáo Babylon chiếm một vị trí đặc thù vì ở một phương diện khác vị thần này còn được xem là thần bệnh sốt, thần chiến tranh và săn bắn, thần từ bi coi sóc cho mùa màng bội thu. Nữ thần Nergal có liên quan đến mặt trời oi ả, đến sao Thổ và sao Hỏa.

k. Nusku: Nusku là thần của thành phố Nippur, là con trai của thần mặt trăng Sin, là thần ánh sáng, là thần khuyến thiện phạt ác. Nusku có liên quan đến trăng lưỡi liềm.

l. Gibil: Gibil là thần lửa, trông coi việc rèn đúc và cúng tế.

m. Ramman: Thần này còn có tên là Adad. Ramman là thần cuồng phong và mưa dông, cũng là thần tạo mưa ban ân cho con người.

n. Tammuz: Tammuz là thần bảo vệ thực vật. Mùa xuân cỏ cây đâm chồi, mùa hạ cỏ cây khô héo... là những biểu trưng của vị thần này. Trong truyền thuyết thần thoại, Tammuz là tình nhân hoặc là chồng của nữ thần Ischtar.

o. Aschschur: Aschschur là vị thần tối cao của người Assyria. Aschschur là thần chiến thắng, sau này Ngài đã đoạt lấy và thay thế ngôi vị của thần Marduk.

4. Thần thoại của Babylon

Thần thoại của Babylon rất nhiều, thần thoại sáng tạo trời đất và thần thoại hồng thủy kể trongSáng Thế Ký của Cựu Ước vốn cũng là thần thoại của Babylon. Ngoài ra còn có thần thoại chuyện tình của Ischtar, thần thoại mạo hiểm của anh hùng Gilgamesch... Ở đây chỉ xin ghi chép lại hai đoạn như sau:

4.1 Thần thoại sáng thế: Thần thoại này được phát hiện trên một tấm bia vỡ có khắc chữ hình nêm, có thể là do kể lại và thêm chi tiết vào thần thoại về mùa xuân mà thành, nội dung miêu tả câu chuyện người Babylon chiến đấu và giành chiến thắng trước mây, sương và mưa để nhìn thấy được mặt trời.

Nghe nói, buổi sơ khai, thần nước Tiamat cầm đầu quyến thuộc của mình thống trị thế giới, không ai có thể chống nổi ông ta. Ở cõi thần, các vị thần liền mở một cuộc họp, quyết định mời thần mùa xuân Marduk làm nguyên soái, dẫn quân tử chiến một trận với thần nước Tiamat. Thần trời Anu, thần đất Inlil, thần lòng đất Ea, cũng đem quyền lực của mình giao cho Marduk. Marduk dùng bao gió để bảo vệ thân thể, tay vung đinh ba, đâm thủng miệng của thần nước, sau đó thổi gió vào, phá nứt thân thể to lớn của thần nước, rồi đem một nửa thân thần nước tạo thành trời, nửa còn lại thì tạo thành đất.

4.2 Thần thoại chuyện tình của Ischtar: Nữ thần Ischtar, khi người yêu là thần thực vật Tammuz chết, nàng liền xuống địa ngục, tìm suối nguồn sinh mạng để cứu sống người yêu của mình. Trên đường xuống địa ngục, phải đi qua 7 lớp cửa, mỗi lớp cửa phải cởi bỏ một bộ quần áo, cuối cùng nàng cởi hết sạch đồ trên người và trở nên lõa thể, vì thế bị nữ thần âm phủ tống giam vào ngục. Tuy nhiên, sinh vật trên trái đất vì cái chết của Tammuz mà đều mất đi sinh mạng. Vì vậy, các vị thần cùng một lúc sai thiên sứ của mình xuống địa ngục, xin miễn tội và phóng thích nữ thần Ischtar để nàng đi tìm suối nguồn sinh mạng, cứu sống người yêu của nàng.

Rất hiển nhiên, đây là một thần thoại về mùa vụ, giải thích nguyên nhân vì sao sinh vật chết khô vào mùa đông sau đó lại có thể sinh trưởng vào mùa xuân. Sở dĩ Ischtar còn bị xem là thần tính dục là vì nàng có thể giúp đỡ người yêu của mình là thần thực vật Tammuz sinh ra và dưỡng nuôi vạn vật. Trong bộ kinh Cựu Ước, người ta lại đem câu chuyện thần thoại này kể thành thần thoại về những thiên sứ đọa lạc.

5. Sinh hoạt tôn giáo của Babylon

Có thể phân chia sinh hoạt tôn giáo của Babylon thành một số điểm như sau:

a. Quan hệ giữa thần và người: Con người đối với thần cũng giống như dân chúng đối với một vị đế vương chuyên chế, phải có thái độ tuyệt đối phục tùng. Con người chỉ biết im lặng quỳ gối trước các vị thần, nhũn nhặn cảm kích sự ban ơn của thần và mang lòng kính sợ sâu sắc trước những cơn phẫn nộ của thần. Con người phải tự nhận ra tội ác của mình và cầu xin ân sủng của thần. Điều này có tác dụng gợi mở rất lớn đối với Thánh kinh Cựu Ước và đối với tín ngưỡng Yahweh sau này.

b. Tư tưởng về tương lai: Người chết xuống địa ngục, trú ngụ trong các hang động đầy bụi bặm, họ không nhìn thấy ánh sáng mặt trời và lấy bùn làm thức ăn. Đường xuống địa ngục dưới lòng đất ở về phía tây, gồm có 7 lớp cửa. Vận mạng của người chết phải xem cuộc sống hiện đời của họ và con cháu lo hậu sự cho họ thế nào mà định đoạt. Tuy nhiên, người chết sẽ không tái sinh làm người nữa, nên tôn giáo Babylon không có tư tưởng về luân hồi. Vị vua thống trị địa ngục là nữ thần Erischkigal, dưới trướng nữ thần này còn có rất nhiều nữ thần khác đảm trách các công việc ở địa ngục.

c. Xây dựng điện thần: Babylon có rất nhiều điện thần, mỗi thành phố đều có một điện thần, thờ vị thần bảo hộ cho thành phố mình, ngoài ra còn có rất nhiều điện thờ khác có liên hệ đến vị thần bảo hộ này. Kiến trúc điện thần Babylon đại thể là trong khuôn viên có một quảng trường lớn, trước điện có một cái sân, chánh điện là nơi thờ thần, có đặt các bức tượng, phía trước chánh điện có một tòa nhà lớn, bên hông chánh điện là các công trình kiến trúc như kho, văn phòng và phòng ở của các tư tế. Trong khuôn viên điện thần còn xây thêm trường học dạy văn hóa cho thanh thiếu niên và huấn luyện chúng trở thành tư tế sau này.

d. Các giai đoạn cúng tế: Việc cúng tế phân thành rất nhiều giai đoạn: hiến cúng vật tế, đọc tụng tán ca, trừ khử ác linh, phán đoán lành dữ... Những người làm công việc cúng tế rất có quyền lực và chiếm địa vị rất cao trong xã hội Babylon. Điểm đặc thù của tôn giáo Babylon là chế độ nữ tư tế, họ gọi những nữ tư tế này là “em gái của thần”, hay “thánh nữ”. “Mại dâm thiêng liêng” mà chương I sách này nói đến chính là do những thánh nữ này thực hiện.

e. Nghi thức tế tự: Ở các điện thần của họ có những ngày cúng khác nhau, quan trọng nhất là ngày cúng năm mới. Thần mùa xuân Marduk được cúng vào ngày đầu tiên của tháng Nisan[4]trong tiết xuân phân. Họ lại gọi các ngày 7, 14, 21, 28 hàng tháng là ngày đại hung, trong 4 ngày này, người dân đều nghỉ làm việc. Tư tưởng mỗi 7 ngày có một ngày nghỉ của người Israel sau này bắt nguồn từ đây. Chú thuật, bói toán, đoán mộng, chiêm tinh... cũng rất thịnh hành. Trong các phẩm vật cúng thần, nếu là động vật thì nướng chân phải phía sau của nó cho thần thọ hưởng, phần còn lại thuộc về thầy tư tế. Trong Cựu Ước sau này, Moses cũng học theo những quy định tương tự như vậy.

 


TIẾT 2: TÔN GIÁO CỦA AI CẬP

 1. Ai Cập cổ đại

Ai Cập giống với Babylon cũng là một đất nước có nền văn minh cổ vĩ đại của thế giới. Theo Edward Meyer, một học giả uy tín về lịch sử cổ đại, lịch của Ai Cập được chế định rất sớm, từ tận năm 4241 trước Công nguyên. Còn theo đại sử gia Herodotus của Hy Lạp, nền văn minh Ai Cập là món quà của dòng sông Nile. Lại có người nói rằng, Ai Cập là “con gái” của sông Nile.

Sông Nile là một dòng sông lớn chảy từ nam ra bắc, bắt nguồn từ vùng cao nguyên phía đông châu Phi. Những cơn mưa lớn hàng năm cuốn bùn đất từ cao nguyên xuống, trôi theo sông Nile. Mùa mưa Ai Cập kéo dài đến khi mực nước sông Nile tăng lên 25 - 30 thước (1 thước = 1/3m), phủ kín vùng thung lũng hai bên bờ sông. Sau khi nước rút, để lại một lớp phù sa mỏng màu đen, tạo nên một vùng canh nông phì nhiêu rộng từ 10 đến 30 dặm Anh (1 dặm Anh = 1.609m). Loại phù sa đen này rất màu mỡ, vì vậy mà lưu vực sông Nile, giống như lưu vực sông Euphrates, được gọi là vựa lúa của thế giới cổ đại.

Không có gì là khó hiểu khi một nền văn hóa phát triển cao độ đã được hình thành dưới hoàn cảnh như vậy. Văn tự ghi chép sớm nhất của Ai Cập thường được các học giả đoán định là xuất hiện vào năm 3500 trước Công nguyên, cũng có thể còn sớm hơn. Đó là một loại chữ tượng hình[5].

Do người Ai Cập tin vào thế giới sau khi chết nên họ đã tốn rất nhiều công sức để bảo tồn di thể người quá cố, tạo thành các xác ướp, gọi là mummy. Các quốc vương (pharaoh) của Ai Cập đã xây dựng những lăng mộ to lớn và tráng lệ để cất giữ di thể của họ. Việc này thịnh hành nhất vào thời các pharaoh vương triều thứ tư khoảng 3000 năm trước Công nguyên. Khi đó, hình thức lăng mộ phổ biến nhất là các kim tự tháp lớn xây bằng đá; trong đó, kim tự tháp lớn nhất cao khoảng 200 thước, diện tích đáy tới 30 mẫu Anh, thường được gọi là Đại Kim tự tháp[6] và đến tận ngày nay nó vẫn được công nhận là một trong những kỳ quan của thế giới.

2. Xã hội cổ đại

Do phải phòng ngự giặc ngoại xâm nên chế độ xã hội của Ai Cập cổ đại đã phát triển từ rất sớm. Tổ tiên của họ lúc đầu là các bộ lạc cát cứ khắp nơi, về sau dần dần thống nhất lại, chia làm hai vương quốc phía nam và phía bắc. Đến năm 3400 trước Công nguyên, vua Menes của vương quốc phía nam thống nhất Ai Cập thành một vương quốc, xây dựng kinh đô ở Memphis. Vương triều vua Menes chính là Vương triều thứ nhất trong các vương triều của Manetho[7]. Vương quốc thống nhất này được các nhà sử học gọi là Cổ vương quốc. Khởi thủy của vương quốc này từ tận năm 5600 trước Công nguyên, cách nay đã gần 8000 năm. Cổ vương quốc tồn tại đến năm 2160 trước Công nguyên thì bị diệt vong. Vua Amenemhat I kiến lập Trung vương quốc, đóng đô ở Thebes. Đến năm 2000 trước Công nguyên, giặc ngoại xâm từ Syria tấn công vào Ai Cập, gây nên cục diện hỗn loạn trong hàng trăm năm. Đến năm 1580 trước Công nguyên, Ahmes bắt đầu nổi dậy, đánh lui ngoại xâm, tái thiết kinh đô ở Thebes, gọi là Tân vương quốc. Đến năm 525 trước Công nguyên, Tân vương quốc cuối cùng đã bị Ba Tư tiêu diệt.

Vào thời đại Cổ vương quốc, xã hội Ai Cập được cấu thành từ giai cấp quý tộc (địa chủ), giai cấp hạ lưu (nông dân, tù binh, nô lệ) và giai cấp trung gian (dân thường). Cuối thời kỳ Trung vương quốc, trừ vương tộc và nô lệ ra, còn có các giai cấp tư tế, võ sĩ và bình dân; trong đó, địa vị của tư tế là cao nhất, một nửa đất đai trong nước thuộc sở hữu của các thầy tư tế, họ còn được hưởng đặc quyền miễn thuế, nên thường hay xảy ra đụng chạm với thế lực của vương tộc. Sở dĩ địa vị và thế lực của tư tế cao như thế là vì họ là giai cấp có tri thức hàng đầu trong nước. Họ là học giả, nhà tiên tri, thầy thuốc, quan tòa, chính trị gia, kiến trúc sư... Họ trực tiếp phò tá quốc vương, xử lý những công việc quốc gia cực kỳ quan trọng. Bởi thế, các thầy tư tế một mặt phụ giúp quốc chính, một mặt phục vụ ở điện thần, đồng thời còn đảm nhiệm việc dạy học ở các ngôi trường, phổ cập kiến thức cho quốc dân. Chúng ta thấy, trong Cựu Ước mô tả Moses là một nhân vật đầy tài năng, nhưng thật ra thì tài năng đó cũng giống như tài năng của các thầy tư tế ở Ai Cập mà thôi!

3. Sự tín ngưỡng thần linh

Ở thời đại bộ lạc, mỗi bộ lạc đều có một vị thần mà mình tín ngưỡng, đó là thần tổ tông hoặc thần gia tộc ra đời từ sự sùng bái vật tổ. Vật tổ luôn là động vật, cho nên thần của Ai Cập có quan hệ rất mật thiết với các loài cầm thú. Ví dụ, thần Amen của vùng Thebes có hình dạng con dê đực, thần Ptah của vùng Memphis có hình dạng con bò đực, thần Atum của vùng Heliopolis có hình dạng con sư tử.

Đến thời đại hai vương quốc nam bắc đối địch, thần Sat ở vùng Ombos là thần của vương quốc phía nam, thần Horus ở vùng Bedet là thần của vương quốc phía bắc. Vì hai nước đối địch nên trong các câu chuyện cổ, hai vị thần này cũng thường xung đột với nhau. Sau này, người ta xem Sat là ác thần.

Thời đại Cổ vương quốc, vì kinh đô của Ai Cập ở Memphis nên họ chuyên cúng tế thần Ptah. Chỉ có điều, thần Ptah trước đây có hình con bò đực, bây giờ đã đổi thành dáng vẻ của con người. Ở một phương diện khác, việc thờ thần Ptah còn biểu hiện tín ngưỡng tôn thờ thần linh nửa người nửa thú.

Thời vương triều thứ năm của Cổ vương quốc, xuất phát từ gia tộc của tư tế On, người Ai Cập bắt đầu xem thần Atum hình sư tử là thần mặt trời. Ngoài thần Atum, họ còn tin thờ nhiều vị thần khác. Từ những chữ khắc trên lăng mộ của các pharaoh thời đại này, người ta phát hiện thấy người Ai Cập tin rằng vua của họ sau khi chết sẽ trở thành thần Osiris. Tính chất của vị thần này hơi giống với thần thực vật Tammuz trong thần thoại Babylon. Đồng thời, họ còn cho rằng người thường sau khi chết sẽ xuống địa ngục, quốc vương sau khi chết sẽ trở thành thần, vào sống ở thiên đường. Vì thế, sau này họ lại xem Osiris là thiện thần, đối lập với thần Sat.

Đến thời đại Trung vương quốc, vì kinh đô ở vùng Thebes, nên người Ai Cập chuyển sang sùng bái thần Amen của địa phương này, làm cho thần Amen trở thành vị thần được sùng bái khắp đất nước. Bởi người Ai Cập thời đại Trung vương quốc bị ngoại giặc xâm lăng cả mấy trăm năm nên sinh ra tư tưởng Messiah (đấng cứu thế) giống như người Israel sau này, khát vọng xuất hiện một vị vua dũng mãnh đến giải cứu cho họ. Ngược lại, chúng ta cũng có thể nói, tư tưởng Messiah của người Israel, e rằng bắt nguồn từ người Ai Cập cũng không chừng.

Vào năm 1400 trước Công nguyên, có một pharaoh tên là Akhnaton đã sáng lập ra một tôn giáo nhất thần, chỉ phụng thờ thần Aton. Vì bị bọn tư tế theo chủ nghĩa bảo thủ phản đối mà ông đã phải dời đô, sau khi vị vua này mất, tôn giáo của ông cũng bị diệt vong.

Tóm lại, tôn giáo đầu tiên của Ai Cập cổ đại là tín ngưỡng các thần động vật. Khỉ đầu chó, sư tử, mèo, bò, chó rừng, chim ưng, cá sấu, dê, ếch... đều được người Ai Cập lấy làm thần để sùng bái. Có loài động vật được đem giết để làm vật hiến tế, có loài động vật thì được xem là người bảo vệ điện thần... nên người Ai Cập xem chúng là những động vật thần thánh. Tiếp đó, từ thần động vật phát triển lên giai đoạn quá độ là thần nhân cách hóa, xuất hiện các vị thần có hình dạng nửa người nửa thú. Ví dụ, thần sáng tạo Khnum mang đầu dê đực, thần Bastet mang đầu mèo, thần Toth mang đầu chim hồng hạc, thần Horus mang đầu chim ưng. Nhưng về sau, thần Ptah hình bò đực, thần Amen hình dê đực, và thần Osiris đều đã thành hình người. Từ đó, chúng ta có thể thấy được quá trình tiến hóa của sự tín ngưỡng thần linh ở Ai Cập.

Thần linh của Ai Cập, có những vị sinh ra tại bản địa, cũng có những vị đến từ châu Phi, châu Á và Babylon, nên vô cùng phức tạp.

4. Điện thần và tư tế

Điện thần của Ai Cập cổ đại không hoàn toàn giống nhau, nhìn chung là đặt tượng thần trong một phòng kín của điện thờ, phía trước phòng kín là một sảnh đường có nhiều cột, bàn thờ đặt ở trước sảnh đường này. Xung quanh điện thần có tường bao tạo thành một khu vườn rộng lớn, trong vườn có những căn nhà nhỏ để cất giữ vật hiến tế và cho các tư tế ở. Tài sản của điện thần rất nhiều, sở hữu đến 1/7 đất đai toàn quốc. Có một thời, nô lệ của điện thần đến 17 ngàn người, gia súc lớn nhỏ đến 42 vạn con.

Mỗi buổi sáng, tư tế mở cửa điện thần, thắp hương, lau chùi tượng thần, dâng cúng hoa, quả, đồ ăn, thức uống và tụng một câu khấn nguyện nhất định. Mỗi vị thần đều có một ngày cúng lớn, cứ đến ngày cúng, tư tế dùng một cái tủ có hình chiếc thuyền, đặt tượng thần vào, khiêng ở trên vai, tín đồ xếp thành một hàng dài, đi thăm viếng các điện thần khác. Điện thần vào ngày cúng, trang trí đầy hoa cỏ, đồ cúng chất cao như núi. Trong nghi thức cúng tế, tư tế đóng vai một nhân vật trong thần thoại và biểu diễn thần thoại đó chung với tín đồ để làm vui lòng thần linh.

5. Tư tưởng đời sau

Người Ai Cập tin rằng người chết rồi có thể sống lại, sinh hoạt của những người chết sống lại đó cũng giống với sinh hoạt ở hiện đời, vì vậy sau khi con người chết đi phải lấy đồ gốm và đồ đá đựng thức ăn và nước uống, cùng đồ gia dụng, vũ khí, đồ trang điểm, nhà và thuyền làm bằng bùn, người giả làm bằng đá và đất... chôn theo người chết để họ sử dụng khi đến một thế giới khác. Bởi vậy mà người Ai Cập đã xây dựng những ngôi mộ to lớn và kiên cố (như kim tự tháp), và dùng hương liệu tạo ra các xác ướp vĩnh viễn không thối rữa. Tư tế phải tụng chú ngữ vào mắt, tai, mũi, miệng của xác ướp để cho các giác quan của người chết lúc sống trở lại có thể tái sử dụng.

Ban đầu, người Ai Cập tin rằng người chết hồi sinh sẽ sống trong lăng mộ, về sau lại tin rằng họ sẽ di cư đến sống ở một cảnh giới xa xôi. Do đó, mới nảy sinh quan niệm về một cõi nước thanh tịnh ở phương Tây và xem Osiris là thần của cõi nước đó. Một người sau khi chết, vong hồn bay lên trời, ở trước thần Osiris, chịu sự xét xử của thần cùng vài chục vị “thẩm phán”, họ dùng cân trời để đo đếm thiện ác của người đó, nếu kết quả xét xử là có tội, người đó sẽ bị đại quái thú nuốt sống. Có hai loại tội: Một là, đối với thần thì vô lễ, cướp đoạt tài vật của thần. Hai là, đối với người thì sát hại, trộm cắp, gian dâm, phỉ báng. Vì thế, lúc an táng, người Ai Cập chôn cùng thi thể một quyển Sách Của Người Chết[8], trong đó có viết những câu đại loại như:

- Tôi chưa từng làm người khác khó khăn, thiếu thốn.

- Tôi chưa từng làm hại bất kỳ người chủ, người tớ nào.

- Tôi chưa từng cướp đoạt đồ ăn tuẫn táng theo người chết...

Quyển Sách Của Người Chết này là để cầu xin sự ân xá của thần linh hoặc của các thẩm phán xét xử người chết, cũng là để tỏ rõ sự vô tội của người chết. Trong Sách Của Người Chết, ngoài những lời tự bạch như trên, còn có bùa chú, có bài thơ ca ngợi thần Osiris, có chỉ dẫn vong hồn phương pháp đi qua cổng trời. Điều chúng ta nên hiểu thêm là tư tưởng về cuộc phán xét vào ngày cuối cùng của Cơ Đốc giáo đã có trong tư tưởng của người Ai Cập cổ đại từ trước đó.

 

TIẾT 3: TÔN GIÁO CỦA DÂN TỘC ISRAEL

1. Người Hebrew

Trong các tôn giáo lớn trên thế giới hiện nay, Hồi giáo là tôn giáo non trẻ nhất. Muốn biết về Hồi giáo, thì trước hết phải tìm hiểu về Cơ Đốc giáo; muốn biết về Cơ Đốc giáo, thì trước hết phải tìm hiểu về Do Thái giáo; muốn biết về Do Thái giáo, thì trước hết phải tìm hiểu về tôn giáo của người Hebrew; muốn biết về tôn giáo của người Hebrew, thì trước hết phải tìm hiểu về tôn giáo của Babylon và Ai Cập. Các tôn giáo này đều có quan hệ nhân quả, huyết thống với nhau. Tôn giáo của Babylon và Ai Cập đã giới thiệu ở trên, bây giờ sẽ giới thiệu tôn giáo của người Hebrew.

Người Hebrew, người Israel và người Do Thái[9] thực ra là một. Theo những gì ghi lại trong Cựu Ước, Thiên Chúa Yahweh đặt tên cho Jacob, cháu của Abraham, là Israel. Vì Jacob là người Hebrew nên người Hebrew tự xưng mình là “con của Israel”[10] hoặc là “người Israel”.

Gốc gác đầu tiên của dân tộc Hebrew này ở đâu? Các sử gia gặp rất nhiều khó khăn trong việc khảo cứu điều này. Đại để, họ là một chi của tộc người Semite ở vùng Syria ngày nay. Họ từng quy phục người Babylon, Ai Cập và Assyria, nhưng lại chơi trò kết bè kết đảng cướp bóc tài sản của người ta. Không biết vào thế kỷ nào, vì đói khổ, từ sa mạc Arab, họ di cư đến Ai Cập, làm nô lệ cho các pharaoh trong nhiều thế kỷ. Cuối cùng, họ rời Ai Cập, tiến vào vùng đồng bằng phì nhiêu ở miền tây châu Á, nơi được gọi là vùng Palestine, bắt đầu xây dựng nền văn hóa sơ khai của dân tộc mình.

2. Tộc người Semite ở Palestine

Phía đông của Palestine là sa mạc Arab, phía tây là Địa Trung Hải, phía nam là bán đảo Sinai, phía bắc là núi Lebanon. Diện tích của Palestine, đông tây khoảng 30 dặm Anh, nam bắc khoảng 80 dặm Anh. Do địa thế đặc biệt, khí hậu Palestine biến đổi thất thường. Người Hebrew đã trưởng thành lên tại chính vùng đất nhỏ bé này. Trước khi có nơi định cư, họ ở trong tình trạng thái cổ, sống đời du mục, đi từ nơi có nước và có cỏ này đến nơi có nước và có cỏ khác, không ở chỗ nào cố định, lưu lạc khắp nơi.

Tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc nguyên thủy rất đơn thuần, ngoài việc nghĩ đến sự an toàn của bản thân và của gia tộc mình, họ không nghĩ rằng người của gia tộc khác cũng hy vọng có được sự an toàn như họ. Vì các bộ lạc của người Semite phân tán ở khắp nơi, nên mỗi bộ lạc đều có thần bảo hộ của riêng mình. Về sau, có một chi tộc người Semite, tự xưng là người Israel, dưới sự lãnh đạo của Moses, thực lực trở nên rất hùng mạnh, họ đã khuếch đại thế lực của Yahweh, vị thần bảo hộ của chi tộc họ, và tuyên bố mạnh mẽ rằng chỉ thần của người Israel bọn họ mới là thần độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, về tính chất, vị thần này chỉ là thần của dân tộc Israel, không phải là thần chung cho các dân tộc khác, vì họ tin rằng, chỉ có người Israel mới là dân tộc được thần lựa chọn.

Theo chương 2, cuốn Triết Học Tôn Giáo của Tạ Phù Nhã thì: “Dân tộc Hebrew, trước khi di cư đến Ai Cập, vốn do 4 bộ tộc hợp thành, trong đó hai bộ tộc Bò rừng (Leah) và Dê cái (Pechel) rõ ràng là thuộc chế độ sùng bái vật tổ của thời đại tôn giáo nguyên thủy nhất... Tới khi Moses đưa dân tộc này rời Ai Cập đến Palestine[11], thì cục diện mới của tôn giáo Hebrew bắt đầu được khai mở”.

Vì thế, tôn giáo Hebrew, rất rõ ràng là, từ sùng bái vật tổ nguyên thủy, tiến hóa lên sùng bái đa thần, rồi trở thành sùng bái nhất thần.

3. Tôn giáo Hebrew và Do Thái giáo

Hầu hết các học giả tôn giáo chưa từng phân biệt tôn giáo Hebrew với Do Thái giáo[12], cứ nói đến tôn giáo Hebrew hoặc Do Thái giáo, thì họ liền cho rằng đây là hai tên gọi của chung một tôn giáo. Kỳ thực, hai tôn giáo này có chỗ khác nhau. Tôn giáo Hebrew xuất hiện từ thời đại Moses. Đến năm 586 trước Công nguyên, khi người Hebrew (được xem là con cháu của Abraham) bị người Babylon lưu đày đến Mesopotamia, họ đã mất nước, mất lãnh thổ, mất vườn địa đàng của mình, họ đã rời bỏ thành Jerusalem ở Palestine, và thần bảo hộ của chính họ phật ý vì điều này. Tôn giáo Hebrew đích thực cũng đã bị diệt vong ngay từ thời điểm đó.

Còn Do Thái giáo là tôn giáo của người Hebrew sau khi họ dần dần trở về lại Palestine từ nơi bị lưu đày. Vào năm 444 trước Công nguyên, khi Nehemiah làm tỉnh trưởng Jerusalem, ông đã dẫn đầu các tư tế và văn sĩ, tổ chức đại hội với người Hebrew (lúc này gọi là người Do Thái) và tuyên đọc Luật pháp Moses[13]. Người dân Do Thái đã đồng loạt tuyên thệ tuân thủ Luật pháp Moses, đấy chính là tiếng khóc chào đời đầu tiên của Do Thái giáo.

Song, tôn giáo của người Do Thái, tuy có thể phân thời kỳ ra để nghiên cứu, nhưng cũng có nguyên tắc tư tưởng nhất quán của nó. Nếu muốn giới thiệu nội dung của tôn giáo này, vẫn cần phải phân rõ giới hạn giữa tôn giáo Hebrew và Do Thái giáo. Vì thế, nội dung liên quan đến tôn giáo của người Do Thái, tôi sẽ trình bày và phân tích khi giới thiệu về Do Thái giáo ở chương VII.

 

TIẾT 5: TÔN GIÁO CỦA HY LẠP CỔ ĐẠI

Tương truyền, người Hy Lạp tự xưng là người Hellene, chữ này có nghĩa là “con của Hellen”, và gọi đất nước của họ là Hellas, chữ này có nghĩa là “đất của người Hellene”. Hellen là một vị vua trong truyền kỳ của người Hy Lạp, giống với Abraham, ông có quan hệ với người Do Thái. Người Hy Lạp xem Hellen là thủy tổ của họ.

1. Hy Lạp và giống người của Hy Lạp

Tuy nhiên, muốn nói rõ người Hy Lạp rốt cuộc thuộc giống người nào là một việc không hề đơn giản vì họ là một chủng tộc hỗn hợp. Xét về tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết và màu da, thì họ rất giống người Ấn Độ và người Ba Tư, nên rất nhiều học giả đoán định rằng người Hy Lạp là giống người Āryan. Dân tộc này, không chỉ sống ở bán đảo Hy Lạp, từ năm 1200 đến 1000 trước Công nguyên, họ đã vượt biển Aegean, tỏa đến Troy và vùng Tiểu Á. Từ năm 750 đến 550 trước Công nguyên, họ lại di dân đến bờ biển Đen, bờ biển châu Phi phía nam Địa Trung Hải và các vùng phía tây bán đảo Hy Lạp tương đương với các nước Ý, Pháp và Tây Ban Nha ngày nay. Đây là một dân tộc vô cùng hoạt động, nên có thể chia họ thành 3 phần: chủng tộc phương Bắc (Nordic), chủng tộc Alpine, và chủng tộc Địa Trung Hải (Mediterranean).

Theo nghiên cứu, người Hy Lạp cũng không phải là dân bản địa của bán đảo Hy Lạp. Trước khi họ đến bán đảo này, đã có một dân tộc gọi là Pelasgi sống ở đó, Pelasgi là dân tộc có thân người thấp lùn, da đen, đầu dài, gầy yếu và ngực hẹp.

Sau khi người Hy Lạp đến, họ lần lượt chinh phục các đảo trên biển Aegean và các vùng đất duyên hải vùng Tiểu Á, dần tạo dựng nên nền văn hóa Aegean[14], trưởng thành dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Ai Cập và văn hóa Mesopotamia (Babylon). Chữ tượng hình của người Ai Cập, chữ hình nêm của người Babylon và hệ thống chữ cái của người Semite đều được người Hy Lạp học tập, lựa chọn và cải tiến, vì thế người Hy Lạp đã trở thành một dân tộc cực kỳ ưu tú trong lịch sử thế giới. Các môn nghệ thuật, triết học, văn học, khoa học... của phương Tây thời cận đại, không môn nào không được khai sáng từ nền văn hóa Hy Lạp.

2. Sùng bái tổ tiên

Tín ngưỡng tôn giáo của người Hy Lạp vô cùng phức tạp, nếu chưa từng nghiên cứu hình thái xã hội cổ đại của Hy Lạp, về cơ bản, khó có thể lý giải nguyên nhân của sự phức tạp ấy.

Theo cuốn Lịch Sử Xã Hội Hy Lạp Và La Mã Cổ Đại của đại sử gia người Pháp thế kỷ XIX Numa Denis Fustel de Coulanges thì: “Người La Mã chính là dân di cư gốc Hy Lạp, người Hy Lạp lại cùng một huyết thống với người Āryan ở Ấn Độ”. Đối chiếu nội dung kinh điển Veda và Bộ Luật Manou[15] của giai cấp Brahmana ở Ấn Độ với chế độ xã hội và tín ngưỡng của Hy Lạp cổ đại chúng ta có thể thấy được sự tương thông lẫn nhau giữa những dấu tích nguyên thủy nhất của chúng. Sự phát triển xã hội của người Āryan Hy Lạp và người Āryan Ấn Độ giống nhau ở chỗ khi bắt đầu có tín ngưỡng tôn giáo họ đều sùng bái tổ tiên của gia tộc. Phương thức sùng bái tổ tiên của họ là giữ một ngọn lửa ở trong nhà, trách nhiệm của con cháu là làm sao cho ngọn lửa đó không bao giờ tắt, giữ lửa là thờ tổ, lửa chính là biểu trưng của thần tổ tông. Phát triển đến sau này, giai cấp Brahmana của Ấn Độ phải thờ lửa, tế lửa, người Hy Lạp thì nhà có ngọn lửa của nhà, thị tộc có ngọn lửa của thị tộc, bộ lạc có ngọn lửa của bộ lạc, thành bang có ngọn lửa của thành bang, lấy ngọn lửa cháy mãi làm tổ tiên chung của toàn thể những người trong một gia đình cho đến trong một thành bang. Tổ tiên là thiện quỷ, cũng chính là thần phù hộ, che chở cho con cháu của mình. Vì thế, ngọn lửa mà con cháu gìn giữ được gọi là lửa thiêng. Nghi thức truyền lửa thiêng trong các đại hội thể thao Olympic ngày nay có gốc gác từ chính tín ngưỡng truyền thống này, vì đại hội thể thao Olympic vốn là đại lễ tôn giáo 4 năm một lần của Hy Lạp, lần tổ chức sớm nhất được ghi chép lại là vào năm 776 trước Công nguyên.

3. Lửa thiêng

Trong nhà của người Hy Lạp và người La Mã đều có một cái bàn thờ, trên bàn thờ này thường đốt than đá hoặc than củi, người chủ nhà có trách nhiệm tôn giáo là giữ cho ngọn lửa này cháy suốt ngày đêm, nếu lửa bị tắt, người trong nhà chắc chắn gặp điều bất hạnh, chỉ khi gia tộc nào đó tuyệt tự, không người nối dõi, ngọn lửa này mới tắt mà thôi. Việc này với việc sinh con đẻ cái nối dõi tông đường của người Trung Quốc có chung ý nghĩa là “con cháu đời đời tiếp nối nhau”.

Vì người Hy Lạp tin rằng sau khi con người chết đi, linh hồn của họ vẫn sống cùng với người nhà, nên đem chôn người chết trong nhà hoặc ở gần nhà, để họ một mặt hưởng lửa cúng của con cháu, một mặt phù hộ cho con cháu hạnh phúc. Nếu linh hồn không có con cháu cúng lửa, sẽ biến thành ác quỷ, hoặc biến thành hồn ma vất vưởng. Người Hy Lạp đặc biệt coi trọng việc nối dõi và sự phồn vinh của gia tộc. Điều này giống với tư tưởng của người Trung Quốc: “Bất hiếu có ba lỗi, không con nối dõi là lỗi lớn nhất” (Mạnh Tử). Thế nên, tôn giáo và pháp luật của Hy Lạp cổ đại nghiêm cấm đàn ông không kết hôn, lại còn cưỡng bức thiếu niên kết hôn. Có một diễn giả người Athens nói rằng: “Không một người nào, lúc lâm nguy, lại không lo mình làm cho gia đình không có người nối dõi, bởi như thế sẽ không có ai thờ cúng cho người đó”. Bà-la-môn giáo của Ấn Độ cũng có một giáo điều là: “Người đàn bà lấy chồng đã 8 năm mà không có con trai, người chồng phải bỏ cô ta lấy vợ khác”. Có hai vị vua của Sparta, vì không có con mà bị ép bỏ vợ. Ở La Mã có một vị danh gia vọng tộc vì vợ không có con trai mà ly hôn với vợ, mặc dù ông yêu vợ sâu sắc nhưng cũng không cách gì cứu vãn được vì mục đích ông cưới vợ là để sinh cho ông một cậu con trai. Ở Trung Quốc cũng có việc không có con trai là lấy thêm vợ hai, vợ ba. Có điều, người Trung Quốc không cấm người nam đa thê, nên họ không cần phải bỏ vợ; còn tôn giáo của người Hy Lạp thì không cho phép đa thê.

Tín ngưỡng thờ cúng lửa thiêng đưa đến hệ quả là thần tổ tông của mỗi nhà tuyệt đối không chấp nhận người ngoài. Lửa thiêng của mỗi nhà đều giấu ở nơi người ngoài không nhìn thấy được, khi cúng lửa không được cho người ngoài tham gia, nếu không nhà đó liền gặp tai họa. Vì vậy, nghi lễ tôn giáo về kết hôn của người Hy Lạp và La Mã cũng rất phiền phức: Người con gái lúc đầu là người ở nhà cha mẹ, cũng thờ lửa thiêng trong nhà cha mẹ, và được thần của nhà cha mẹ bảo hộ. Khi cô xuất giá, phải thực hiện các nghi thức tôn giáo, tuyên bố thoát ly khỏi lửa thiêng và sự bảo hộ của thần nhà mình, rồi đeo mạng che mặt, mặc lễ phục tôn giáo và đội mũ miện màu trắng, ngồi lên cỗ xe được sử dụng khi tuyên chiến hoặc giảng hòa trong chiến tranh tên là Heraldus để về nhà chú rể, những người đưa tiễn hát vang các ca khúc tôn giáo. Đến trước cửa nhà trai, cô dâu phải giả vờ không chịu vào cửa, chú rể thì giả vờ bắt cóc cô dâu vào nhà, họ làm vậy để biểu thị không phải tự cô dâu muốn vào ngôi nhà này, mà là bị ép buộc vào, hy vọng thần nhà tha thứ cho cô. Tiếp theo, lại cử hành một nghi thức tôn giáo rất nghiêm trang: đôi nam nữ đứng trước bàn thờ, để cho cô dâu diện kiến thần nhà chú rể[16], dùng nước ngâm qua than của lửa thiêng rửa cho cô dâu, rồi đưa tay của cô dâu chạm vào lửa thiêng, sau khi cầu xin thần nhà phù hộ, cô dâu chú rể sẽ chia nhau một bữa ăn nhẹ với bánh mì và trái cây để biểu thị người con gái này đã trở thành một thành viên của nhà bên chồng, cùng tin một tôn giáo với chồng, cùng nhận sự che chở của thần trong một nhà. Từ đó có thể thấy rằng, nghi thức hôn lễ mới ngày nay, và lễ rửa tội của Cơ Đốc giáo, thực ra đều bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn giáo cổ của dân tộc Āryan.

Mỗi nhà đều có một bàn thờ, một ngọn lửa thiêng, và một tín ngưỡng tôn giáo, nhà nào cũng thế, nên tín ngưỡng của người Hy Lạp cổ rất phức tạp. Tuy vậy, năm tháng trôi qua, các gia tộc đông đúc thêm, có gia tộc lên đến mấy ngàn người, họ cùng thờ một ngọn lửa thiêng, hình thành nên lửa thiêng của thị tộc. Từ thị tộc tiếp tục phát triển lên, vài thị tộc cùng thờ một ngọn lửa thiêng, tạo nên lửa thiêng của bộ lạc. Cuối cùng, họ xây dựng các thành bang, làm điện thần để thờ lửa thiêng, đó chính là lửa thiêng của thành bang. Có điều, mỗi nhà, mỗi thị tộc, mỗi bộ lạc, mỗi thành bang tuy đã có lửa thiêng và thần tổ tông chung, lại vẫn thờ lửa thiêng và thần tổ tông riêng của từng đoàn thể nhỏ. Thế nên, khi một đứa trẻ ra đời, có những nghi thức tôn giáo mà gia đình đứa trẻ phải thực hiện. Ở La Mã vào ngày mùng 9, ở Hy Lạp vào ngày mùng 10, ở Ấn Độ vào ngày mùng 10 hoặc 12, cha của đứa trẻ tập hợp toàn thể gia tộc, mời người làm chứng, cử hành lễ cúng, để cho đứa trẻ ra mắt thần nhà, trở thành người được thần của nhà này phù hộ. Vài năm sau, tiếp tục làm lễ cúng gia nhập thị tộc, rồi lễ cúng gia nhập bộ lạc. Khi được 16 đến 18 tuổi, lại làm một lễ cúng nữa, xin được gia nhập thành bang, từ đó về sau, đứa trẻ mới trở thành công dân và tin theo tôn giáo của thành bang mình.

Thành bang của Hy Lạp rất nhiều, mỗi thành bang đều có lửa thiêng và thần bảo hộ riêng, chưa bao giờ có thể hình thành nên một tôn giáo thống nhất mang tính tín ngưỡng chung toàn dân. Nhưng, tính chất của lửa thiêng, đến thời đại thành bang, có chút khác biệt với thời kỳ đầu. Vì người Hy Lạp ngoài tín ngưỡng thần tổ tông ra, còn tín ngưỡng cả các vị thần tự nhiên và đều có tạo tượng để thờ. Tượng thần tự nhiên được đặt bên cạnh lửa thiêng trên bàn thờ, phụ với thần tổ tông phù hộ cho các gia tộc. Nhưng đến sau này, tượng các thần tự nhiên được thờ ở chính giữa điện thần, ngọn lửa thiêng trở thành đài tế dùng để đốt các vật hiến tế khi cúng thần và được đặt ở trước cửa điện, còn thần tổ tông của họ thì trở thành môi giới giữa họ và thần tự nhiên khi họ cử hành nghi thức cúng tế. Tuy vậy, việc này không có nghĩa là người Hy Lạp từ bỏ tín ngưỡng sùng bái thần tổ tông. Vào những ngày cúng tế lớn, họ cử đại diện của các gia tộc nhỏ, tập trung trước điện thần, cùng chia nhau ăn thịt vật hiến tế đã nướng trên đài tế, lúc đó, họ cảm nhận được sự thiêng liêng của việc có cùng huyết thống, cùng tổ tiên, cùng tư tưởng và cùng niềm tin. Người Hy Lạp cổ hễ có đại sự là phải cầu xin thần, ví dụ: lúc xuất chinh, trước tiên phải tập hợp tướng sĩ lại, vị đại tướng sẽ thay mặt toàn quân cầu xin thần phù hộ[17]; khi ra trận, phải chở tượng thần và lửa thiêng của thành bang mình theo[18]. Có thể thấy rằng, tín ngưỡng tôn giáo của người Hy Lạp tuy phức tạp, nhưng không vô lý, cho nên thần tổ tông và thần tự nhiên cùng được tín ngưỡng một lúc mà không ngăn ngại lẫn nhau.

4. Tín ngưỡng thần tự nhiên

Bất kể là người phương Đông hay người phương Tây, khi nói đến các vị thần của Hy Lạp, liền sẽ nghĩ đến hai đại sử thi Iliad và Odyssey của Homer. Sử thi Odyssey đã có bản dịch tiếng Hoa tại Nhà in Thương Vụ của Trung Quốc, được dựng thành phim ở Mỹ, và đã từng trình chiếu ở Đài Loan. Được biết, Homer là người sống vào thế kỷ thứ IX trước Công nguyên, nhưng Hồ Thích lại cho rằng: Homer đã được người đời sau đem những bài sử thi cổ không rõ tác giả quy hết là do ông sáng tác, vì hai bộ sử thi vĩ đại đều dài tới 24 quyển như thế, một mình ông tuyệt đối không thể nào hoàn thành nổi. Trong hai bộ đại sử thi này, ngoài việc ghi chép lại lịch sử, Homer cũng đã giới thiệu những câu chuyện thần thoại. Ông đã miêu tả vô cùng chi tiết các nam thần, nữ thần như Zeus, Athena, Hera, Poseidon, Aphrodite... giúp cho những người có chút ít kiến thức về văn hóa phương Tây như chúng ta rất quen thuộc đối với các vị thần này. Đó chính là công lao của Homer. Những vị thần Hy Lạp là thần của tự nhiên và là thần của núi Olympus.

Tuy nhiên, nếu muốn tìm ra thuộc tính cố định của mỗi vị thần Hy Lạp, thì lại cực kỳ khó khăn. Vì, mỗi thành bang có thần riêng của mình; thần của các thành bang thường có thể dùng chung một tên gọi, nhưng tính cách của hai vị thần cùng tên lại khác nhau hoàn toàn, thậm chí còn đối địch với nhau. Vả lại, cùng là một thần, do sự biến thiên của thời đại và sự đổi thay của hoàn cảnh, cũng sẽ năm lần bảy lượt biến đổi tính cách của mình. Ví dụ, sau khi Hy Lạp từ thời đại bộ lạc phát triển lên thời đại thành bang, những quan niệm mới đã được thêm vào trong thuộc tính vốn có của một vị thần nào đó và làm thay đổi thuộc tính vốn có đó.

Loại tín ngưỡng thần tự nhiên này có thể đã ra đời cùng lúc với tín ngưỡng thần tổ tông. Tín ngưỡng thần tổ tông là sự sùng bái đối với người đã chết; tín ngưỡng thần tự nhiên thì xuất phát từ yêu cầu giải thích và thỏa hiệp với các hiện tượng tự nhiên. Trên thực tế, hai tín ngưỡng này xuất xứ từ sự phân loại của tín ngưỡng sùng bái vật linh: vật linh trong con người là linh hồn, con người chết rồi linh hồn trở thành thần tổ tông; vật linh trong tự nhiên là linh khí, linh khí thăng hoa trở thành các vị thần. Nhưng bất luận là thần tổ tông hay thần tự nhiên cũng đều phản ánh tâm lý của con người. Do đó, các thần của Hy Lạp, vì được nhân cách hóa, nên họ cũng có những nhược điểm và tính xấu giống loài người: giết hại, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ[19], điều nào cũng có; tham lam, sân giận, si mê, ngạo mạn, không thiếu thứ gì. Người Āryan xét cho cùng không giống với các dân tộc khác, trong số các thần của họ, không tìm thấy vị nào đạo mạo, nghiêm trang như thần kiểu phương Đông, các thần của họ đều trông giống những con người dân dã, hoạt bát, khỏe mạnh và xinh đẹp.

5. Các thần chủ yếu

Thần tự nhiên của Hy Lạp rất nhiều, ở đây chỉ có thể nêu ra 12 vị thần chủ yếu như sau:

a. Zeus: Zeus là vị thần lớn nhất trong các thần của Hy Lạp, được nhà thơ Homer gọi là “cha của các thần và loài người”. Ngài có thể nổi mây tạo mưa, cung cấp nước uống cho hết thảy sinh vật, nên còn là thần mưa. Ngài ở trong không trung, hoặc ở trên những đỉnh núi cao khuất giữa tầng mây. Vì vậy, núi Olympus là nơi thường trú của Ngài.

Theo cuốn Khảo Sát Tên Các Vị Thần[20] của Hermann Usener thì: “Thần Zeus quản lý rất nhiều công việc. Tất cả gia tộc, thị tộc, thành bang đều nằm trong tay Ngài; Ngài bảo hộ những lữ khách quá cảnh xuất ngoại; Ngài là đấng cứu thế và diệt tội tối cao; Ngài kết đôi nam nữ thành vợ thành chồng và giữ gìn quan hệ huyết thống của thị tộc; Ngài trông coi việc sống chết, định giá vàng bạc, quyết định vận mệnh của các dũng sĩ; Ngài bảo vệ biên cương; vương quyền và vật tượng trưng của nó cũng từ Ngài mà ra; Ngài giám sát các hiệp ước của nhân gian và là nguồn gốc của sự trung thực và uy tín; khi chính nghĩa bị chà đạp, Ngài liền khôi phục lại; Ngài nghiêm trị việc xét xử không công bằng, đồng thời cũng giám sát việc thực hiện hình phạt của những người phạm tội”.

b. Hephaestus: Hephaestus là thần ánh chớp, và là con trai của Zeus. Một lần thần Zeus nổi giận đã quẳng Hephaestus xuống mặt đất. Khảo sát gốc gác của vị thần này, nghe nói vốn là thần lửa, sau được cho là thần trông coi nghề rèn, là tổ tiên của các thợ rèn và là người bảo hộ cho họ. Khi Athens của Hy Lạp trở thành trung tâm của kỹ nghệ kim loại, thần Hephaestus được nhân dân thành bang này sùng bái rất cao.

c. Athena: Athena là nữ thần chui ra từ đầu của Zeus, khi ra bên ngoài, nàng đã trang bị đầy đủ vũ khí, vì vậy nàng là chiến thần. Thành bang Athens khi đó vừa xây dựng xong, nàng cạnh tranh với chú của mình là thần biển Poseidon và giành thắng lợi, trở thành thần bảo hộ của Athens. Tên của nàng được dùng để đặt cho thành bang này. Athena còn là nữ thần trí tuệ và là thần bảo hộ nghề dệt. Vì nàng là thần bảo hộ của Athens, khi Athens trở thành một trung tâm văn hóa, Athena cũng trở thành vị thần sùng bái chung của người Hy Lạp. Nếu khảo sát về nguyên nghĩa của cái tên Athena, thì thật ra vị thần này là thần gió bão, thoát ra từ mây đen (tức thần Zeus), có thế lực hùng mạnh, nên trở thành một vị chiến thần.

d. Apollo: Người Hy Lạp lúc mặt trời mọc và lặn đều cầu nguyện thần mặt trời Helios. Thần Helios không vật gì che khuất được nên khi làm khế ước chính thức người ta thường lấy vị thần này làm chứng. Nhưng sau này, việc làm chứng lại nhân danh thần Apollo, và thần Apollo trở thành một vị thần quan trọng của toàn cõi Hy Lạp. Apollo là thần ánh sáng, vị thần này đem đến hạnh phúc cho nhân loại mỗi ngày, giúp đỡ người bệnh, bảo vệ loài người trước hiểm nguy của đêm tối và quét sạch gió bão cho những người đi biển. Apollo còn là thần dự báo, thần thi ca, thần âm nhạc và thần bảo hộ thanh niên. Dung mạo thần Apollo rất tuấn tú, có tất cả điều kiện của một vẻ đẹp nam tính, là điển hình tiêu chuẩn của các mỹ nhân nam, nhưng trong thần thoại, Apollo lại là kẻ thất bại trong chuyện tình ái. Khi Apollo theo đuổi cô con gái Daphne của thần sông Peneus, Daphne đã bị cha mình biến thành cây nguyệt quế. Apollo vì yêu nàng nên nói rằng: “Sau này, hễ ai là người xuất sắc trong các cuộc thi thơ ca và âm nhạc đều phải đội vòng hoa bện bằng lá cây của nàng”. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của việc cung đình Anh quốc có những “nhà thơ nhận vòng nguyệt quế”[21].

e. Hermes: Hermes cũng là con trai của Zeus, là thần chăn nuôi, và là một thiên sứ. Vào thời đại con người lấy gia súc làm tài sản, Hermes được sùng bái là vị thần phước. Hermes còn là thần của người du lịch, sau này còn trở thành thần bảo vệ linh hồn người chết. Ngoài ra, Hermes cũng là thần bảo hộ của thương nhân, người diễn thuyết và thị trường.

f. Poseidon: Poseidon là em trai của Zeus, là thần hồ, thần suối, thần sông. Đầu tiên Poseidon được hai vùng Thessalia và Arcadia thờ phụng, sau này lan ra toàn Hy Lạp và trở thành thần biển.

g. Aphrodite: Sự ra đời của thần này có hai thuyết: một, là con gái của thần trời Zeus và thần hơi ẩm Dione; hai, sinh ra từ bọt biển ở gần vùng Thessalia của Hy Lạp, được thần gió thổi đến đảo Cyprus. Trong các vị thần Hy Lạp, Artemis đại biểu cho tự nhiên thuở hồng hoang, Aphrodite đại biểu cho sự phồn thịnh của sinh vật. Đối với tự nhiên, nàng là nữ thần tươi tốt; đối với nhân sinh, nàng là nữ thần tình yêu. Vị thần này có thể đem đến cho những người đang yêu sắc đẹp và sức hấp dẫn, nên còn là nữ thần sắc đẹp. Eros, con trai của nàng, là thần tình yêu.

h. Artemis: Artemis là em gái của Apollo, con gái của Zeus, và là nữ thần mặt trăng. Vị thần này biểu thị cho sự thuần khiết và đoan trang của các trinh nữ. Artemis còn là thần săn bắn, thần sinh sản và thần có quan hệ đến cuộc sống của phụ nữ. Tuy nhiên, tượng của Artemis có dáng vẻ u ám, nên vị thần này cũng là nữ thần bóng đêm.

i. Hera: Hera là thiên hậu, tức vợ của thần trời Zeus. Sự kết hôn của hai vị thần này chính là sự kết hợp của trời và đất. Vì còn là nữ thần hôn nhân, nên Hera là nữ thần bảo hộ cho những phụ nữ đã lập gia đình. Nhưng trong thần thoại nói nữ thần Hera vô cùng ngạo mạn, lại có lòng khoan dung nhỏ hẹp, hơi bị sỉ nhục liền cảm thấy thù sâu như biển, nhất định phải báo thù tới cùng. Hera còn là một nữ thần ưa ghen tỵ, người chồng Zeus của Hera là một kẻ háo sắc, từng quan hệ với rất nhiều nữ thần và nữ nhân, sinh ra rất nhiều con riêng. Sau mỗi lần phát hiện, Hera đều nổi trận lôi đình, dùng mọi thủ đoạn để hãm hại tình nhân và con riêng của chồng mình.

j. Ares: Ares là con trai của Zeus. Ares là thần chiến tranh, rất hiếu chiến, thường thống lĩnh thần linh đến các chiến trường sát phạt. Thần Ares chiêu mộ chiến sĩ và đem lại dũng khí cho họ.

k. Hades: Hades là anh em với Zeus. Hades là thần địa ngục, là Diêm Vương. Khi nhìn thấy Persephone, con gái của nữ thần Demeter (chị của Zeus), thì Hades liền bị mũi tên của thần tình yêu bắn trúng tim, ôm Persephone lên xe, chạy như bay về địa ngục, cho làm vương hậu của mình.

l. Demeter: Demeter là chị của Zeus, là mẹ vợ của Hades, và là nữ thần trông coi nông nghiệp. Vì con gái của mình bị Hades bắt về địa ngục, Demeter liền làm cho mặt đất quanh năm hoang vu. Sau này, trong một năm, Persephone nửa năm ở với chồng, nửa năm ở với mẹ; vào nửa năm con gái ở bên Demeter, mặt đất hồi phục sự sống, khai hoa kết trái, đó là hai mùa xuân và hạ; vào nửa năm con gái Demeter ở địa ngục, cỏ cây trở nên héo tàn, đó là hai mùa thu và đông.

Các thần tự nhiên đều ra đời từ sự tưởng tượng liên quan đến các hiện tượng tự nhiên. Vì vậy, để phù hợp với việc giải thích về các hiện tượng tự nhiên, không thể dựa theo góc độ của người hiện đại mà suy xét quan niệm luân lý về các vị thần được.

Ngày nay, đa thần giáo của Hy Lạp cổ đại đã sớm bị Cơ Đốc giáo tiêu diệt. Hiện tại, người Hy Lạp tín ngưỡng Chính Thống giáo Đông phương của Cơ Đốc giáo. Nhưng dân gian Hy Lạp, chẳng qua là lấy các Thánh đồ của Cơ Đốc giáo làm thần bảo hộ của họ, Thánh mẫu Maria cũng chỉ là một trong những vị thần bảo hộ đó. Vì vậy, một số người Hy Lạp thiếu hiểu biết, thường quỳ trước tượng Maria mình thờ và nhục mạ tượng Maria người khác thờ. Có thể thấy, trong ý thức của họ, Cơ Đốc giáo chẳng qua cũng chỉ là tên gọi khác của tín ngưỡng thần nhà hoặc thần thành bang của Hy Lạp cổ đại mà thôi.

 

TIẾT 5: TÔN GIÁO CỦA LA MÃ CỔ ĐẠI

Theo truyền thuyết, La Mã là do hai anh em sinh đôi Romulus và Remus, những người được nuôi lớn bởi một con sói cái, xây dựng nên vào năm 753 trước Công nguyên. Nhưng thuyết này không được các sử gia cận đại chấp nhận.

1. Người La Mã

Khoảng 1000 năm trước Công nguyên, nước Ý là nơi sinh sống của một dân tộc hỗn hợp, họ sống bằng trồng trọt và chăn nuôi, văn hóa không cao. Nhưng có một nhóm các bộ tộc Latin cư trú bên bờ sông Tiber ở vùng Latium sau này đã phát triển rất phồn thịnh; ngôn ngữ, văn tự và pháp luật của họ cuối cùng đã từ tòa thành La Mã mà họ xây dựng nên phổ cập đến toàn thế giới.

Có một số người khác, hình như là đến từ vùng Tiểu Á, trong lịch sử được gọi là người Etruscan. Từ rất xa xưa, họ đã trao đổi, buôn bán với người Hy Lạp. Chữ viết của họ mượn từ chữ viết của Hy Lạp. Họ cũng sử dụng những bộ áo giáp và phương pháp chiến đấu của người Hy Lạp, thậm chí bắt chước cả tranh sơn dầu và nghệ thuật điêu khắc của người Hy Lạp. Hết thảy những thứ này lại thông qua họ mà truyền vào La Mã.

Người Etruscan đến nước Ý không lâu thì những người Hy Lạp di cư cũng nối gót đến theo. Tới khoảng năm 300 trước Công nguyên, các tòa thành mà người Hy Lạp xây dựng ở Ý hầu hết đều có triển vọng hơn thành La Mã của người Latin. Nhưng sau này, người Latin cuối cùng đã chinh phục các thành của người Etruscan và người Hy Lạp. Tuy vậy, về văn hóa, La Mã vẫn là “tù binh” của Hy Lạp, vì những yếu tố của văn hóa La Mã phần lớn là bắt nguồn từ Hy Lạp.

2. Tín ngưỡng của người La Mã

Tiết trước chúng ta đã nói đến việc xã hội cổ đại của La Mã giống với của Hy Lạp. Tín ngưỡng tôn giáo đầu tiên ở La Mã cũng là một loại tín ngưỡng tôn giáo độc lập theo từng gia đình, lấy thờ cúng ngọn lửa của thần tổ tông là chính. Đồng thời, trong mỗi nhà, đều có thờ tượng thần tự nhiên của gia tộc mình, cùng với thần tổ tông bảo hộ cho các gia đình và các gia tộc. Mỗi gia đình là một điện thần, thần linh được thờ phụng ở ngay trong nhà. Quốc gia là tập hợp của các gia tộc, nên cũng có thần và điện thần chung cho toàn thể quốc dân.

Do đó, theo cuốn Đại Cương Lịch Sử Thế Giới của nhà sử học người Mỹ Lynn Thorndike thì: “Tôn giáo La Mã cổ đại dường như là một loại tôn giáo cực kỳ thô sơ, cực kỳ ấu trĩ... Loại tôn giáo này tuy cao cấp hơn bái vật giáo[22], nhưng chưa bao giờ vượt qua được thuyết vật hoạt[23]. Nghi thức chủ yếu là ngâm tụng nhiều lần những câu, những từ ma thuật nào đó; hoặc cử hành các nghi thức liên quan đến lò lửa, cửa ngõ, ngưỡng cửa... để cầu bảo hộ cho sinh mạng của gia tộc và sự bình an của gia đình; hoặc thi triển những ma thuật liên quan đến việc nông để bảo vệ cho ngũ cốc của họ được mùa; hoặc tổ chức những lễ cúng công cộng để duy trì sự hưng thịnh của đất nước”.

Vì thế, phù thủy rất phổ biến ở Hy Lạp và La Mã. Tất cả những việc công tư, lớn nhỏ còn nghi hoặc, khó giải quyết người ta đều nhờ thầy phù thủy truyền đạt lại ý của thần linh rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Đoạn 18, chương 22, sách Xuất Ai Cập Ký trong bộ kinh Cựu Ước của Cơ Đốc giáo có nói: “Không được tha mạng cho các mụ phù thủy”, tức là phải tiêu diệt đa thần giáo và những nữ tiên tri hoặc nữ phù thủy của đa thần giáo. Do vậy, sau khi Cơ Đốc giáo trở thành quốc giáo của La Mã, những nữ tiên tri (nhà dự báo) của tôn giáo cổ đại kia đã không còn cơ hội để sống sót.

3. Thần của La Mã

Thần của La Mã cũng rất phức tạp, ngoài thần tổ tông ra, còn có thần tự nhiên. Thần tự nhiên cũng chia thành hai loại lớn là thần sinh ra ở bản địa và thần du nhập từ nước ngoài:

a. Thần tự nhiên bản địa La Mã: Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của người La Mã vẫn là một loại tín ngưỡng sùng bái quỷ thần. Họ cho rằng trong tự nhiên nơi nơi đều có thần linh, họ sùng bái những vị thần đem lại phúc lợi và có quan hệ trực tiếp đến đời sống thực tế của họ. Ví dụ như Saturninus là thần gieo hạt, Ceres là thần làm ngũ cốc sinh trưởng, Consus là thần thu hoạch, Silvanus là thần rừng, Pales là thần đồng cỏ chăn nuôi, Volturnus là thần sông, Mater Matuta là thần sinh sản, Lalenta là thần chết. Trong các thần, vị thần lớn nhất là Jupiter, đây là thần trời, ban tặng nước mưa và ánh sáng cho con người.

b. Thần du nhập từ nước ngoài: Đây là các thần ngoại lai, ví dụ như thần Cybele đến từ Tiểu Á, thần Isis đến từ Ai Cập. Nước có các vị thần du nhập vào La Mã nhiều nhất chính là Hy Lạp. Vì La Mã là “tù binh” của văn hóa Hy Lạp, nên người La Mã cũng tiếp thu y nguyên tín ngưỡng của Hy Lạp. Theo truyền thuyết Khúc Ca Enée, nguyên nhân mà hoàng tử Enée của thành Troy di chuyển đến Ý chính là phụng mệnh thần của thành Troy, đưa thần từ thành Troy, vượt biển sang Latin, xây dựng thành mới. Điều này có thể tin được vì người Hy Lạp lúc đó đối với mệnh lệnh của thần chỉ biết răm rắp nghe theo. Có điều, thần của Hy Lạp sau khi đến La Mã, phần lớn đã thay đổi tên của mình, ở đây xin lấy các vị thần chủ yếu lập bảng đối chiếu như sau:

Tên Hy Lạp

Tên La Mã

Tính chất

Zeus

Jupiter

Thần trời, chủ của các thần

Hera

Juno

Thiên hậu, vợ của thần trời

Poseidon

Neptune

Thần biển

Aphrodite

Venus

Thần tình yêu

Ares

Mars

Thần chiến tranh

Hades

Pluto

Thần địa ngục

Demeter

Ceres

Thần nông nghiệp

Hermes

Mercury

Thiên sứ

Athena

Minerva

Thần trí tuệ, chiến thần

Artemis

Diana

Thần mặt trăng, thần săn bắn

Persephone

Proserpina

Vợ của thần địa ngục

Apollo

Apollo

Thần thơ ca, thần mặt trời

4. Sự hợp nhất chính trị và tôn giáo

Giống với người Hy Lạp, người La Mã cũng sùng bái thần tổ tông. Họ nói rằng: “Linh hồn người chết là một vị thần đáng sợ, có thể trừng phạt con người, theo dõi tất cả động tĩnh ở trong nhà”. Lại còn nói: “Tổ tiên là thần nuôi dưỡng chúng ta, ban cho chúng ta đồ ăn thức uống và chỉ dẫn linh hồn của chúng ta”. Vì thế mà ở La Mã đã ra đời “tôn giáo mộ phần”, và cũng vì thế mà người La Mã tôn những anh hùng đã qua đời, những người xây dựng các thành bang và những vị cổ nhân có chút ảnh hưởng trong lịch sử là những vị thần vĩ đại. Về sau, đế quốc La Mã được thành lập, hoàng đế La Mã cũng trở thành một vị thần sống, gọi là “thần hoàng đế”[24].

Trong xã hội Hy Lạp và La Mã, do việc thờ cúng của tín ngưỡng sùng bái thần tổ tông, nên chủ nhân của một gia đình là “giáo chủ” của mọi người trong gia đình đó, lãnh đạo người nhà thờ cúng thần linh. Về mặt tôn giáo, thủ lĩnh của đoàn thể các cấp cũng chính là giáo chủ của những đoàn thể đó. Tuy đã có những nữ phù thủy và các giáo sĩ chuyên nghiệp, nhưng nếu là những buổi lễ tôn giáo lớn, thì người chủ lễ nhất định phải là các thủ lĩnh. Việc triệu tập thủ lĩnh các nơi họp mặt trước điện thần chung của một thành bang được gọi là “đại hội giáo chủ”. Sau khi hoàng đế La Mã được xem là thần, thì hoàng đế vừa là thủ lĩnh chính trị, vừa là thủ lĩnh tôn giáo. Có thể thấy rằng, chế độ Giáo hoàng, giáo chủ, giáo sĩ của Cơ Đốc giáo sau này vốn là di sản mà tôn giáo cổ của La Mã để lại. Cơ Đốc giáo đã tiêu diệt tôn giáo La Mã nhưng vẫn tiếp thu chế độ của tôn giáo La Mã.

5. Pháp luật và tôn giáo

Chúng ta biết rằng, người La Mã vốn nổi tiếng về tinh thần pháp luật của mình, thậm chí họ đã trở thành người chỉ đường về tinh thần pháp trị cho các nước trên thế giới sau này; nhưng rất ít người biết rằng, pháp luật và tôn giáo của La Mã là hai thứ không thể tách rời.

Pháp luật và tôn giáo ra đời cùng một lúc trong lịch sử La Mã. Luật dân sự[25] của họ là để duy trì mối quan hệ chính đáng giữa cư dân với nhau; còn luật thần sự[26] của họ là để duy trì mối quan hệ chính đáng giữa thần linh và người La Mã. Ví dụ, tất cả điềm báo, dự báo, nghi thức... của tôn giáo đều phải tuân thủ, thực hiện một cách nghiêm ngặt. Vì thế, tôn giáo của người La Mã tuy thô lậu nhưng nó chứng thực được rằng người La Mã có ý thức pháp luật rất vững chắc, đồng thời có sự coi trọng đối với hình thức, khế ước và tập quán. Nhờ nền tảng này mà tinh thần tuân thủ luật dân sự của họ cũng kiên cố như tuân thủ luật thần sự vậy.

Về sau, người La Mã bắt đầu quan hệ với các nền văn hóa khác, trong đó có văn hóa Cơ Đốc giáo, và tôn giáo của họ đã bị Cơ Đốc giáo nuốt chửng, họ đành phải từ bỏ dần tín ngưỡng tôn giáo cổ của mình. Tuy nhiên, tinh thần và nội dung pháp luật của họ nhờ hấp thu những nguồn dinh dưỡng mới mà được tiếp tục cải cách và phát triển.

 


83. Cuneiform.

84. Trinity

85. Three Gods in One.

86. Tháng Nisan là tháng đầu tiên của lịch Do Thái, tương đương với khoảng tháng 3, tháng 4 của lịch Tây.

87. Hieroglyphic.

88. Great Pyramid.

89. Manetho là một nhà sử học Ai Cập cổ đại, sống vào thời vua Ptolemy. Ông đã có nhiều đóng góp lớn về nghiên cứu lịch sử Ai Cập. Ông cho rằng Ai Cập cổ có 31 vương triều kế tiếp nhau kể từ khi vua Menes thống nhất Ai Cập và sáng lập Vương triều thứ nhất.

90. Book of the Dead.

91. Khoảng năm 586 trước Công nguyên, đế quốc Babylon tiêu diệt vương quốc của người Israel và lưu đày dân Israel đến vùng Mesopotamia. Những người Israel còn sót lại sau cuộc lưu đày được gọi là người Do Thái.

92. Children of Israel.

93. Sự kiện này được cho là xảy ra vào năm 1320 trước Công nguyên.

94. Judaism.

95. Xem chương 8, sách Nehemiah, bộ kinh Cựu Ước.

96. Tiền thân của văn hóa Hy Lạp.

97. Sách pháp luật của Bà-la-môn giáo, hoàn thành vào thời đại học phái.

98. Trung Quốc cổ đại cũng có lễ thăm miếu, sau khi kết hôn nhiều nhất là 3 tháng, chú rể phải chọn một ngày dẫn cô dâu đến thăm miếu thờ tổ tiên của nhà chồng, biểu thị cuộc hôn nhân của họ đã được tổ tiên nhà chồng đồng ý.

99. Sách Tả Truyện của Trung Quốc cũng có câu: “Xuất quân từ miếu”.

100. Sách Lễ Ký của Trung Quốc cũng có câu: “Ra trận phải chở theo tượng chủ thần”.

101. Vọng ngữ gồm nói dối, nói thêu dệt, nói lời hung ác và nói lưỡi hai chiều.

102. Götternamen.

103. Poet Laureate: là những nhà thơ được tuyển vào Hoàng gia Anh để làm thơ trong các dịp quan trọng.

104. Fetishism.

105. Hylozoism: Thuyết vật hoạt là học thuyết cho rằng tất cả các hình thức tồn tại của vật chất trong vũ trụ, từ các dạng vật chất vô cơ cho đến vật chất hữu cơ, đều có năng lực cảm giác, tư tưởng và tâm hồn. Thuyết vật hoạt đã xuất hiện ngay từ triết học cổ đại Hy Lạp với các đại diện như Thales và Anaxagoras, sau đó có phát triển nhưng theo hình thái khác, thể hiện qua những quan điểm triết học của Toland, Spinoza và Diderot, mà theo như Karl Marx đánh giá, đó là biểu hiện chưa hoàn chỉnh của chủ nghĩa duy vật có tính chất nhân hình hóa, gán cho các vật và các lực lượng của tự nhiên những thuộc tính và khả năng riêng biệt của con người.

106. Divi Imperatores.

107. Jus Civile.

108. Jus Divinum.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/02/2011(Xem: 30051)
Danh từ Ðạo Phật (Buddhism) xuất phát từ chữ "Budhi" nghĩa là "tỉnh thức" và như vậy Ðạo Phật là triết học của sự tỉnh thức. Nền triết học này khởi nguyên từ một kinh nghiệm thực chứng...
10/02/2011(Xem: 16228)
Được thân người và gặp được Phật Pháp mà để cho thời gian luống qua vô ích thì quả là uổng cho một kiếp người. Xin hãy lắng nghe và phụng hành theo những lời khuyên dạy của Đức Từ Phụ...
06/02/2011(Xem: 12595)
Đạo Phật được đưa vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai do những vị tăng sĩ và những thương gia Ấn Độ và Trung Á tới Việt Nam bằng đường biển Ấn Độ Dương.
25/01/2011(Xem: 10821)
Sách này nói về sự liên quan chặt chẽ giữa con người và trái đất, cả hai đồng sinh cộng tử. Con người không thể sống riêng lẻ một mình nếu các loài khác bị tiêu diệt.
23/01/2011(Xem: 3004)
Trước đây người Việt đã có mặt trên khắp thế giới – đặc biệt tại Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Nga, Đông Âu v.v… là do các chương trình du học hoặc làm việc trong các tòa đại sứ hoặc đi lính cho Pháp từ thời Thế Chiến I, nhưng con số không nhiều. Chỉ từ sau năm 1975 con số bỗng vọt lên tới trên 3 triệu do các đợt “di tản”, “thuyền nhân” (Boat People), “đoàn tụ gia đình” và “hợp tác lao động”.
18/01/2011(Xem: 4602)
Quyển sách này là kết quả của những cuộc nói chuyện và những cuộc thảo luận được tổ chức ở Ấn độ bởi J. Krishnamurti với học sinh và giáo viên của những trường học tại Rishi Valley...
12/01/2011(Xem: 15878)
”Vượt Khỏi Giáo điều” không phải chỉ đề cập đến những vấn nạn đời thường, nó còn tiến xa hơn một bước nữa là vạch ra cho con người một hướng đi, một hành trình tu tập tâm linh hầu có thể đạt đến cứu cánh giác ngộ giải thoát ngay trong kiếp sống này.
10/01/2011(Xem: 5835)
“Không có tẩu thoát khỏi sự liên hệ. Trong sự liên hệ đó, mà là cái gương trong đó chúng ta có thể thấy chính chúng ta, chúng ta có thể khám phá chúng ta là gì...
05/01/2011(Xem: 2900)
Nền giáo dục của Đức Phật đứng trên lập trường nhân bản, nêu cao tinh thần tự giác của con người, đó là vấn đề chủ yếu giúp con người đánh thức trí tuệ của mình, biết điều hành được cuộc sống tâm lý và vật lý của chính mình để đạt đến giải thoát và giác ngộ, biết hướng con người thích ứng với môi trường sống trong xã hội tiến bộ, biết sáng suốt nhìn và biết sống như thế nào để đem lại hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng xã hội…
05/01/2011(Xem: 8424)
Hiện đại hoá đạo Phật không có nghĩa là thế tục hóa đạo Phật. Đạo Phật đi vào cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm giảm mất đi những đặc tính siêu việt của nó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567