Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc quyển “Tôn Giáo Học so sánh” của Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

04/03/201606:42(Xem: 13672)
Đọc quyển “Tôn Giáo Học so sánh” của Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
                                 
thichthanhnghiem-03
 Đọc quyển
“Tôn Giáo Học so sánh” 
của Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
(bản dịch Việt ngữ của Thượng Tọa Thích Chân Tính
dịch từ Hán Văn ra Việt ngữ)

Bài viết của Thích Như Điển




 

Đọc sách là niềm vui của tôi từ thời còn đi học cho đến nay, chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nếu sách hay, tôi chỉ cần đọc trong một hay hai ngày là xong một quyển sách 500 đến 600 trang. Nếu sách khó, cần phải nhiều thời gian hơn thì mỗi lần tôi đọc một ít. Còn thế nào là sách dở? xin trả lời ngắn gọn là: Sách ấy không hợp với năng khiếu của mình. Dĩ nhiên khi một người viết sách, họ phải đem cái hay nhất, cái đặc biệt nhất của mình để giới thiệu đến các độc giả khắp nơi, cho nên không thể nói là dở được. Cuối cùng thì dở hay hay tùy theo đối tượng cho cả người viết lẫn người đọc, là tác giả muốn gì và độc giả muốn học hỏi được gì nơi tác phẩm ấy. Tôi đọc Đại Tạng Kinh có ngày đến 200 trang nhưng vẫn không thấy chán, mặc dầu chỉ có chữ và chữ, chứ không có một hình ảnh nào phụ họa đi kèm theo cả. Nhiều khi nhìn thấy trời tối mà lo cho những trang Kinh còn lỡ dở chưa đọc xong, phải vội gấp Kinh lại, đúng là một điều đáng tiếc. Vì biết đâu ngày mai đọc tiếp sẽ không còn những đoạn văn hay tiếp tục được khơi dậy trong tâm thức nữa.

 

Ai biếu tôi cái gì, cũng quý cả. Tất cả tôi đều nhận, nhưng có lẽ quý nhất là Kinh sách. Đi đâu và đến đâu, dầu sách có nặng cho mấy đi nữa, tôi cũng cố gắng mang theo về, không bỏ sót một quyển nào. Tôi quan niệm rằng, người ta tốn công viết và in thành Kinh sách, mình chỉ có công đọc thôi mà không dùng thì giờ để nghiên tầm thì quả là điều đáng tiếc vô cùng. Kỳ nầy tôi được một Phật tử về thăm quê, sau khi trở lại Đức, mang cho tôi 3 quyển sách của Thượng Tọa Thích Chân Tính, Trụ Trì chùa Hoằng Pháp tại Việt Nam gửi tặng và đề ngày 10 tháng 11 năm 2015. Quyển thứ nhất nhan đề như đã nêu trên; quyển thứ hai tên là: Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) và quyển Lời Hoa bằng hai ngôn ngữ Việt Anh. Quyển sau cùng tôi xem nhanh, vì chỉ là thư họa; quyển thứ hai sau khi đọc lời tựa của sách, tôi biết rằng Thầy Chân Tính sao lục gom góp những câu chuyện về Vua Ba Tư Nặc khắp đó đây trong Đại Tạng Nam và Bắc Truyền mà tôi đã có dịp đọc qua như: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm…rải rác đâu đó, tôi đã đọc qua rồi, nên không phải nhọc công đọc lại nữa. Chỉ riêng quyển  “Tôn Giáo Học so sánh”  của Cố Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm là tôi quan tâm nhiều, nên liền đọc ngay. Sách dày 624 trang, in bìa cứng, trình bày rất trí thức, rành mạch, ngay cả những lời chú thích và đặc biệt là hầu như không sai một lỗi chính tả Việt ngữ nào. Đây là một quyển sách dịch biết tôn trọng độc giả. Vì người đọc, không phải chỉ tìm những văn phong hay ho, ý tưởng trung thực của tác giả lẫn dịch giả, mà nơi ấy người đọc phải thấy an lạc, hoan hỷ khi đọc được một tác phẩm giá trị. Ở đây, tác giả, dịch giả và tác phẩm nầy đã đáp ứng được tất cả những nhu cầu đó.

 

Đọc lời tựa của Cố Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm thì thấy sách nầy được biên soạn xong vào tháng 4 năm 1968 tại Đài Bắc, Đài Loan. Đây là kết quả của những bản văn nghiên cứu của Hòa Thượng dùng làm sách giáo khoa để dạy cho Tăng Ni tại Học Viện Phật Giáo Thọ Sơn ở Cao Hùng trong những năm Ngài làm Giáo Thọ tại đó, và theo Thầy Chân Tính thì bản dịch từ Hán Văn ra Việt ngữ nầy hoàn thành vào tháng 10 năm 1995, xuất bản lần đầu tiên năm 1996,  tái bản có bổ khuyết cho lần nầy vào năm 2015 và được in ấn tại Đài Loan nên cả hình thức lẫn nội dung đều tuyệt hảo.

 

Đầu năm 1972 khi tôi sang Nhật Bản du học, lúc bấy giờ Thầy Lâm Như Tạng (hiện ở Úc) sắp xếp cho tôi ở nhờ chung phòng cùng với Hòa Thượng Thích Chơn Thành (hiện Ngài đang Trụ Trì chùa Liên Hoa tại Santa Ana, Hoa Kỳ) trong thời gian 3 tháng đầu, cốt để đi tìm thuê phòng trọ khác và chính trong thời gian nầy Hòa Thượng Chơn Thành có dẫn tôi đến thăm căn phòng trọ của Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm tại Gotanda (Ngũ Phản Điền) nằm gần Đại Học Risso (Lập Chánh), Tokyo. Thuở ấy tiếng Anh của tôi cũng chỉ mới bập bẹ, còn tiếng Pháp thì Ngài Thánh Nghiêm không hiểu, nên Hòa Thượng Thích Chơn Thành nói tiếng Nhật với Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm, còn tôi chỉ cười trừ, chứ chưa dùng được ngôn ngữ nào để diễn tả được ý của mình cả. Nhìn lên các kệ sách, tôi thật ngưỡng mộ vị Thầy nầy và được biết thuở ấy (1972) Ngài Thánh Nghiêm đang dọn luận án Tiến Sĩ tại Đại Học Risso. Sau nầy có cơ hội đọc  “Thánh Nghiêm tự truyện” tôi mới vỡ lẽ ra là Hòa Thượng Thánh Nghiêm cũng không có bằng cấp đặc biệt nào tại Trung Hoa Lục Địa hay sau nầy tại Đài Loan, sau khi Ngài tỵ nạn tại đó từ năm 1949 (năm toàn cõi Trung Hoa trở thành cộng sản). Theo tôi, có lẽ nhờ công trình nghiên cứu về  “Tôn Giáo Học so sánh” nầy mà Ngài đã được các học giả Phật Giáo Nhật Bản đương thời quan tâm và mời Ngài sang Nhật để tiếp tục công trình nghiên cứu nầy chăng? Và cũng chính năm 1975 Ngài đã tốt nghiệp Tiến sĩ Văn Học tại Đại Học Phật Giáo Risso nầy. Đầu tiên khi thoáng nhìn chữ Risso, tôi nghĩ rằng chữ Jean-Jacques Rousseau (người Pháp) họ viết trại đi chăng? Nhưng không phải. Đó là hai chữ trong “Lập Chánh An Quốc Luận” (Risso Ankokuron), là một bản điều trần của Ngài Nhật Liên, Giáo Tổ của Nhật Liên Tông (chuyên trì tụng Kinh Pháp Hoa phẩm thứ 2- Phương Tiện Phẩm và phẩm thứ 16- Như Lai Thọ Lượng Phẩm). Thuở ấy quân Mông Cổ (giữa thế kỷ thứ 13) sang xâm chiếm Nhật Bản và Ngài Nhật Liên đã dâng biểu tấu với triều đình Nhật Bản về tác hại của việc xâm lược; nhưng kết cuộc là Ngài và các đệ tử bị đày lên đảo Sato. Cuối cùng đúng như sự thật, nên triều đình Mạc Phủ mới cho mời Ngài về và kể từ đó Ngài đứng ra tuyên bày giáo nghĩa của Kinh Pháp Hoa và ngày nay Tông Nhựt Liên nầy phong Ngài làm Sơ Tổ, họ có chừng 30 trường Đại Học dài hạn và ngắn hạn, trong đó có Đại Học Risso nầy.

 

Sau khi tốt nghiệp tại Nhật Bản, Ngài Thánh Nghiêm về lại Đài Loan, nhưng Ngài không trụ tại đó, mà Ngài sang Hoa Kỳ để hành đạo (xem thêm quyển Thánh Nghiêm tự truyện), Ngài lập chùa Đông Sơ Thiền Tự tại New York và ngôi chùa nhỏ nầy chính là nơi xuất phát Phật Giáo Đài Loan tại Hoa Kỳ. Chùa có cho xuất bản định kỳ mỗi năm 4 số Chan Magazine ở địa chỉ Institute of Chung-Hwa Buddhist Culture – 90-56 Corona Avenue Elmhurst, NY 11373, USA. Tạp chí nầy viết bằng tiếng Anh và có tuổi thọ hơn 40 năm rồi. Cho đến hôm nay (2016) tôi vẫn còn nhận đều đặn tạp chí nầy để đọc. Sau nầy tôi nghe nói Ngài về lại Đài Bắc thành lập Pháp Cổ Sơn và kể từ đó, tôi lại được liên lạc với Ngài. Nhờ vậy mà tôi đã gửi Thầy Hạnh Giới (hiện đang Trụ Trì chùa Viên Giác, Hannover) sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Hannover (2003) sang Đài Loan học tiếng Hoa và cư trú tại Pháp Cổ Sơn lúc Ngài còn sanh tiền, để học Thiền Tào Động tại Phật Học Viện nầy. Vì Ngài đã tốt nghiệp Bác sĩ (Tiến sĩ) Văn Học tại Nhật Bản cũng như có hoạt động dạy Thiền cho người Mỹ tại Hoa Kỳ, nên cách tổ chức của Pháp Cổ Sơn tại Đài Loan là một trung tâm văn hóa, học thuật, tôn giáo có tính cách Bác Học cũng như Phật Học. Do vậy nếu những Tăng Ni Việt Nam nào muốn tham cứu thâm sâu về Phật Học ở trình độ Đại Học và Hậu Đại Học tại Đài Loan thì nên đến đây để tu và để học. Thật là lợi ích vô cùng.

 

Ai đến Đài Bắc rồi, không thể không trầm trồ ngợi khen công trình thế kỷ mà Ngài đã để lại cho Đạo, cho Đời. Nhưng khi Ngài ra đi, Ngài chỉ di chúc lại là nên đem tro cốt của Ngài rải vào vườn hoa trong Pháp Cổ Sơn để bón cho cây cỏ xanh tươi, thân cát bụi của Ngài, xin trả về lại cho cát bụi. Quả thật là một việc làm bất khả tư nghì, mà không phải vị Đại Sư nào cũng có thể làm được như vậy trong đời nầy. Tư tưởng của Ngài ảnh hưởng bởi Ngài Thái Hư Đại Sư và Ngài Ấn Thuận. Ngài dung thông cả Thiền và Tịnh Độ. Riêng Tịnh Độ thì Ngài chia ra làm bốn quốc độ như sau. Đó là: Nhân gian Tịnh Độ, Thiên Quốc Tịnh Độ, Phật Quốc Tịnh Độ và Tự Tánh Di Đà Tịnh Độ. Quý Vị nào nếu có đến Taipei Đài Loan thì cũng nên viếng thăm đảnh lễ Pháp Cổ Sơn để học hỏi được nhiều điều hay lạ tại ngôi Già lam nầy.

 

Bây giờ chúng ta chính thức đi vào khảo sát nội dung của tác phẩm nầy. Sách gồm tất cả 10 chương, lần lượt trình bày về 1) Tôn Giáo Nguyên Thủy, 2)Tôn Giáo của những dân tộc chưa khai hóa, 3) Tôn Giáo các dân tộc cổ đại, 4) Tôn Giáo của Ấn Độ, 5) Tôn Giáo của Trung Quốc, 6) Tôn Giáo thiểu số, 7) Do Thái Giáo, 8) Cơ Đốc Giáo, 9) Hồi Giáo, 10) Đạo Phật. Cứ mỗi một chương như vậy có nhiều tiết mục khác nhau. Tác giả đã khéo léo phân tích kỹ lưỡng từng tôn giáo một, đứng trên quan điểm của người nghiên cứu khảo sát, chứ không phải đứng trên lập trường của người theo Phật Giáo. Đây có thể nói là một tác phẩm tuyệt vời đã viết về so sánh giữa các tôn giáo với nhau mà tôi chưa hề được đọc đến. Về lịch sử, Ngài Thánh Nghiêm cũng đã chứng minh rất rõ ràng qua những văn kiện cũng như ngôn ngữ, văn hóa v.v… Ví dụ như chữ Hán thì gọi nước Trung Hoa là Trung Quốc, nhưng tại sao tiếng Anh gọi là China? Ngài giải thích trong tác phẩm nầy như sau: Thuở nhà Tần đã có sự giao dịch với nước ngoài. Chữ Tần đọc âm là Chin, mà Chin chỉ riêng một đơn âm khó dùng, nên người Tây phương thêm chữ na vào cho dễ đọc và cuối cùng người ngoại quốc khi nói hay gọi đến nước Trung Hoa thì gọi là Chi(na) là vậy.

 

Ngài đã phân tích rất rõ ràng trong Kinh 10 điều của Đạo Lão, đã lấy điều nào của Phật Giáo đem làm Kinh Văn của mình và vì sao Đạo Lão cũng như Đạo Khổng chỉ tồn tại ở Trung Hoa mà không vượt ra khỏi được biên giới của Trung Quốc như Đạo Phật đã từ Ấn Độ sang Trung Hoa và từ Trung Hoa được truyền đi các nơi khác trên thế giới? Ngài cũng đã cho biết rõ (trang 579) “Vào năm Xích Ô thứ 10 đời Ngô Đại Đế (247), Khương Tăng Hội, một Thiền sinh ở Giao Chỉ (nay là Việt Nam), đến Kiến Nghiệp, kinh đô của nước Ngô, cầu được Xá lợi Phật xuất hiện, khiến Ngô Tôn Quyền phát tâm xây chùa thờ Phật, lấy tên là Chùa Kiến Sơ. Đây là ngôi chùa thờ Phật đầu tiên tại nước Ngô. Khương Tăng Hội đã biên tập Lục Độ Tập Kinh và viết chú thích cho những Kinh điển được dịch trước đó. Nhờ vậy Phật Giáo vùng Giang Nam dần trở nên hưng thịnh…..” Đọc đoạn văn trên, chúng ta là người Việt Nam cảm thấy hãnh diện vô cùng, vì Sơ Tổ Phật Giáo Việt Nam của chúng ta là Ngài Khương Tăng Hội, người sinh ra và lớn lên tại Giao Châu; sau đó qua Giang Nam,Trung Quốc dịch kinh, truyền đạo khiến cho vua quan Trung Quốc ngưỡng mộ, nên cho xây chùa và học Phật v.v… Như vậy từ tác phẩm nầy chúng ta có thể khẳng định rằng việc nghiên cứu của Ngài Thánh Nghiêm rất nghiêm túc. Việc nầy cũng tương ưng với sách “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập I” của Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát cũng đã có đề cập về vấn đề nầy. Với lịch sử dịch Kinh điển từ tiếng Phạn sang chữ Hán thì có rất nhiều các đại dịch giả người Ấn Độ và các nước khác cũng như người Trung Hoa, nhưng trong lịch sử dịch kinh, không ai qua bốn vị Tam Tạng Pháp Sư, đó là Ngài Cưu Ma La Thập, Ngài Bất Không, Ngài Chân Đế và Ngài Huyền Trang.

 

Về Ấn Độ Giáo, Ngài phân tích cũng rất là tỉ mỉ chi tiết. Ngài cho biết Phật Giáo đã dùng Thiền Học và việc ăn chay từ Ấn Độ Giáo như thế nào? Sự cải cách về quan điểm vũ trụ quan cũng như nhân sinh quan về việc hình thành vũ trụ theo quan điểm của Ấn Độ Giáo và Phật Giáo giống ở điểm nào và khác nhau ở điểm nào? Chữ Sa Môn Thích Tử, Sa Môn Phạm Chí, Sa Môn ngoại đạo...Từ nầy do đâu mà có và cuối cùng thì Ngài khuyên rằng nên dùng chữ Tỳ Kheo, là một giới danh khác biệt hoàn toàn với Ấn Độ giáo và chỉ có Phật Giáo mới có cách gọi nầy do Đức Phật đặt ra mà thôi.

 

Ngài đã viết về những Tôn Giáo Cổ của Arab và Giáo Chủ Hồi Giáo Mohamed đã dùng những điểm nào của cả Do Thái Giáo để tạo nên giáo lý của tôn giáo mình. Thiên đường của Hồi Giáo khác nhau với Thiên Đường của Cơ Đốc Giáo hay Do Thái Giáo như thế nào? Tại sao Mohamed chủ trương có nhiều vợ? (Ông ta có tất cả 7 bà, sau khi bà vợ chính thức đã qua đời lúc bà ta ở tuổi 65 và Ông ta ở tuổi 50). Tất cả những điều nầy nếu quý vị muốn tìm hiểu, xin đọc tác phẩm nầy, sẽ được giải đáp tường tận rõ ràng và nên nhớ rằng tác phẩm nầy đã được biên soạn rất công phu và đã được xuất bản tại Đài Loan từ năm 1968 chứ không phải mới đây, nghĩa là cách nay cũng đã gần nửa thế kỷ rồi. Gần đây thì vấn đề chiến tranh tôn giáo, nhất là các xứ Hồi Giáo đã liên tục gây hấn, giết chóc, tàn sát dã man, khiến cho nhiều người phải quan tâm tìm đọc những kinh sách cũng như chủ trương của Đạo nầy, thì quyển sách nầy có thể giải đáp hầu như tất cả những nghi vấn của quý vị.

 

Với Đạo Phật cũng như vậy, Ngài không vì mình là một Tăng nhân để phải bênh vực cho Phật Giáo, mà Ngài đã đứng trên quan điểm và lập luận của lịch sử cũng như tính triết học của Tôn Giáo nầy để luận bàn. Ngài nói về thuyết Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên rồi 37 phẩm trợ đạo như: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo phần để rồi Ngài nhấn mạnh về Tam Pháp Ấn. Đây chính là giáo lý căn bản mà Đức Thích Tôn đã dạy về: Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã và Niết Bàn tịch tịnh v.v… Ngài đã giải thích cặn kẽ về tu như thế nào để chứng Thanh Văn, tu theo phép gì để chứng Duyên Giác, Bồ Tát, Phật v.v… Ngài dùng những kỳ kết tập (4 lần ) tại Ấn Độ để chỉ rõ về việc phân chia bộ phái cũng như Phật Giáo Thượng Tọa bộ đã áp đảo Đại Chúng bộ trong kỳ kết tập Kinh điển lần thứ 2 sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 100 năm tại Thành Phố Hoa Thị như thế nào? Tại sao thời kỳ kết tập Kinh điển lần thứ nhất sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 100 ngày tại động Thất Diệp gần thành Vương Xá chỉ có 500 vị A La Hán mà trên thực tế thuở ấy còn nhiều vị A Lan Hán khác nữa không được cung thỉnh? Vì lẽ Ngài Ma Ha Ca Diếp thiên về hạnh tu Đầu Đà cũng như Thiền Định, nên chỉ muốn những vị chuyên hành trì các pháp môn nầy tham dự mà thôi. Đó là câu trả lời của Ngài Thánh Nghiêm. Trong khi đó những vị A La Hán  chuyên về trí tuệ và sự lợi lạc cho chúng sanh có tinh thần Đại Thừa thì bị bỏ rơi ra ngoài. Đây là cách lập luận có thể tin tưởng được. Rồi Phật Giáo cất cánh ra ngoài Ấn Độ, nếu không nhờ lần kết tập thứ ba thời vua A Dục (sau Đức Phật nhập diệt 300 năm) và nếu không là Ông Vua Hộ Pháp nầy thì tinh thần bộ phái Bắc Tông vẫn chưa vươn xa ra khỏi Ấn Độ và nếu không có Ngài Long Thọ, Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân tiếp nối… là những vị Đại Sư thuộc Trung Quán, Tánh Không và chủ trương xiển dương học phái Đại Thừa, thì Đại Thừa vẫn nằm trong lãnh thổ Ấn Độ chứ không ra ngoài lãnh thổ nầy được, nhất là 5 vấn đề của Đại Thiên được bàn đến trong kỳ kết tập lần thứ ba nầy.

 

Nhìn toàn bộ thì đây là một tác phẩm tuyệt vời khi bàn đến vấn đề tôn giáo trên thế giới. Những ai là Giáo Sư tại các trường Tôn Giáo Học trên thế giới nên chia sẻ với sinh viên của mình qua tác phẩm nầy, thật là hữu ích vô cùng và tôi tin rằng tác phẩm nầy đã được dịch ra Anh Văn rồi. Hy vọng những người của các tôn giáo khác cũng có thể đọc được. Nếu bạn là người thích nghiên cứu về nguồn gốc của các tôn giáo thì không thể thiếu tác phẩm giá trị nầy trong tủ sách của mình. Một lần nữa cũng xin tán thán Thầy Thích Chân Tính, một ngòi bút điêu luyện đã chuyển tải được những tư tưởng về Tôn Giáo của Ngài Thánh Nghiêm qua lời dịch của Thầy. Công đức nầy thật là không nhỏ. Xin vô vàn niệm ân Thầy.

 

Riêng quý độc giả, những ai thích nghiên cứu thì xin quý vị bắt đầu mở những trang sách nầy ra để đọc và chiêm nghiệm từng chữ, từng lời, từng trang một…để rồi có thể nói lên quan điểm của mình sau khi đã đọc xong 624 trang này và lúc gấp sách lại, quý vị sẽ thấy phảng phất đâu đây một Thánh Nghiêm Pháp Sư, con người nhỏ thó, nhưng trí tuệ thật là tuyệt vời. Cuối cùng, điều mong mỏi của chính tôi là mong quý vị có thể thẩm thấu tác phẩm nầy qua nhiều cách nhìn khác nhau để được lợi mình và lợi người, mà tôn giáo mãi cho đến ngày hôm nay vẫn đóng một vai trò tâm linh quan trọng trong đời sống tôn giáo của mọi người trên hành tinh nầy.

 

Riêng tôi khi tiếp xúc trực tiếp với các tôn giáo tại Âu Mỹ ngày hôm nay thì xin đưa ra nhận định rằng: Mỗi tôn giáo đều giống như hương thơm của những loài hoa quý. Thiên Chúa Giáo tượng trưng cho Hoa Hồng; Tin Lành biểu hiện cho Hoa Cẩm Chướng; Đạo Phật là Hoa Sen. Lâu nay chúng ta trồng riêng lẻ những loài hoa nầy mỗi nơi mỗi cụm, bây giờ chúng ta nên trồng chung vào trong một vườn hoa tâm linh, khi hoa nở sẽ mang vẻ đẹp muôn màu, đem hương thơm dâng hiến cho thế nhân. Xin được là như vậy.

Viết xong vào một sáng mùa Xuân tại thư phòng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc nhằm ngày 3 tháng 3 năm 2016.

HT. Thích Như Điển

 

 

 

 

                                

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/11/2010(Xem: 21424)
Nếu Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc an lạc, nếp sống ấy cũng là một nếp sống đề cao cho con người vào một vị trí tối thượng...
04/11/2010(Xem: 7408)
Có nhiều loại giác ngộ, nhưng bản chất của giác ngộ thì chỉ có một, đó là phá vỡ bức tường ngăn ngại của vô minh để ánh sáng của tự tánh, Phật tánh được dịp bùng lên.
27/10/2010(Xem: 12931)
Phật vốn xem mình đồng đẳng như bao chúng sinh, do vậy ai theo Phật mà tôn người thành giáo chủ, xem như mắc tội vậy. Phật không bao giờ cho lời mình là khuôn vàng thước ngọc, mà đòi hỏi người nghe phải tự chứng những lời ấy, có vậy mới mong gỡ bỏ tham sân si mạn nghi tà kiến, mới mong minh tâm kiến tánh.
22/10/2010(Xem: 10589)
Từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế, đạo Phật được truyền bá một cách sâu rộng khắp trên lưu vực sông Hằng cũng như qua các thị trấn và những quốc gia thời bấy giờ của xã hội Ấn Độ, quê hương của Phật. Phật pháp được tuyên thuyết bởi Đức Phật, cũng như các hàng Thánh chúng đến từng nhà, từng người, từng cộng đồng trong xã hội. Phật pháp đã tạo sự bình an cho con người, đã xây dựng một nếp sống đạo đức, lễ nghi hướng thượng cho tất cả.
15/10/2010(Xem: 9442)
Hôm nay Đạo Phật đang chuyển đến một hướng mới, và có hàng ngàn người phương Tây đang cố gắng thực hành lời dạy của Đức Phật như một phương pháp sống.
15/10/2010(Xem: 9191)
Nghiên cứu Phật giáo từ quan điểm Hindu là một sự nghiên cứu của Ấn Độ giáo chứ không phải là Phật giáo. Thật sai lầm khi vay mượn để hỗ trợ quan điểm Hindu hiện đại...
10/10/2010(Xem: 10868)
Trước hết, chúng ta đã ý thức được tầm cỡ có tính cách toàn cầu của một số vấn đề bức xúc đang đối mặt với chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ biết được làm thế nào để huy động trí tuệ và sức mạnh của nhân dân thế giới để giải quyết một cách tốt đẹp những vấn đề đó. Thí dụ các vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề xây dựng một nền trật tự kinh tế mới, một nền trật tự đạo đức mới cho thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường của chúng ta.
10/10/2010(Xem: 4693)
Đức Phật thuộc dòng dõi vua chúa nên đương nhiên có liên hệ với các bậc quan quân và đại thần. Mặc dù mối liên hệ và giao tiếp đó, Ngài không bao giờ dùng đến ảnh hưởng quyền uy chính trị để quảng bá giáo lý của Ngài. Ngài cũng không cho phép giáo lý của Ngài được lạm dụng để đạt uy quyền chính trị…
30/09/2010(Xem: 4665)
Nhà Phật có xác định sáu nguyên tắc để sống trong hòa hợp (Lục hòa). Vốn là để cho tăng già, nhưng nới rộng ra, đối với bất cứ một nhóm người nào cùng chung sống...
30/09/2010(Xem: 3552)
Từ khi nhân loại xuất hiện trên trái đất này cùng với những sinh vât khác, chúng ta cùng mọi sinh vật đã chỉ sống và sử dụng mọi thứ trên trái đất để tồn tại. Người ta có thể nghĩ rằng trái đất là một vật thể không có sự sống. Người ta không cần biết điều gì cuối cùng sẽ xãy ra với những gì chúng ta hành động để sinh tồn. Cho đến bây giờ, những nhà khoa học đã cho mọi người biết rằng mỗi hành đông của con người ảnh hưởng sâu đậm đến trái đất. Thêm nữa, chúng ta đang sống trên trái đất, một hành tinh sống, những gì chúng ta hành động cho đời sống của chúng ta đã làm nên sự hâm nóng địa cầu, hiệu ứng nhà kính, và đấy là một đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, và nó cũng đặt sự sống của chúng ta trong một tình thế nguy hiểm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]