Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

53. Bữa Cơm Ngàn Vàng

15/03/201409:08(Xem: 22948)
53. Bữa Cơm Ngàn Vàng
blank

Bữa Cơm Ngàn Vàng


Tiếp theo nữa là câu chuyện kể về sa-di Sukha, một vị thánh bảy tuổi khác nữa.

Vào thời quá khứ có một chàng công tử, tên là Gandha, con trai của một vị đại triệu phú. Khi cha mất, đức vua gọi đến nói những lời an ủi rồi cho chàng kế vị chức đại thủ khố(1)kinh thành Bārāṇasī.

Lớn lên trong nhung lụa, ưa gì có nấy, muốn gì sắm nấy nên chàng trai không biết gì về tài sản, tiền bạc; càng không biết gì về đời sống của muôn dân lao động nghèo khổ luôn luôn chạy vạy, lo toan, tối lửa tắt đèn về chuyện cơm áo, gạo tiền.

Sống trong một cơ ngơi nhà cửa lầu ngang dãy dọc, hằng trăm gia nô, người hầu lui tới rộn ràng; cả một bộ máy vận hành xuôi thuận, nhịp nhàng từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong; Gandha đi đâu cũng được mọi người nể vì, kính trọng, trong nhà thì ai cũng cung kính, chào thưa; chàng biết mình giàu, giàu nhất nước nhưng không rõ là giàu đến cỡ nào?

Hôm kia, Gandha gọi viên quản gia đến, ra giọng chủ nhân ông:

- Mở cửa kho cho ta kiểm tra!

- Vâng! Thưa chủ!

Họ xuống một tầng lầu, hai tầng lầu, xuống sâu một tầng hầm, hai tầm hầm, cánh cửa sắt với những ổ khóa lạ lùng được mở ra. Gandha bước vào. Và chàng không còn tin vào đôi mắt của mình nữa. Chúng có rất nhiều phòng bằng sắt, bằng đồng; mỗi loại kim ngân châu báu gì đó được cất giữ vào những phòng khác nhau, chứa đựng trong những thùng, những hộp được thiết kế mỹ thuật công phu, tinh xảo. Nhưng đấy là cái vỏ. Mở thử bên trong. Chàng chóa mắt vì kim cương, hổ phách, xa cừ, mã não, ngọc đỏ, ngọc hồng, ngọc xanh, ngọc tím... Còn vàng thì từng khối, từng khối tùy theo thể tích mà điêu khắc tượng thần, tượng sư tử, nai, rồng và vô vàn là khí dụng thờ tự...

Nhiều quá, chàng không muốn kiểm kê nữa. Viên quản gia đưa tay chỉ để cho chàng biết, chỗ này là gia sản để lại của nhiều đời, chỗ nọ là từ ông cố, chỗ kia là từ ông nội, và chỗ này là phát sanh từ đời này, tức là tài sản kiếm được do tài năng thương mãi, lợi tức ruộng vườn của cha chàng để lại.

Gandha hỏi thử người quản gia trung tín:

- Ví dụ, hai trăm người trong đại gia đình nhà ta, tiêu dùng rộng rãi trong một ngày thì hết bao nhiêu đồng tiền vàng (kahāpaṇa)?

- Chưa tới trăm đồng!

- Vậy chừng ấy người, nếu không làm mà chỉ ăn tiêu thì bao giờ mới hết cái kho châu báu này?

- Khó tính toán quá, thưa chủ! Nhưng có lẽ cả vài chục đời cũng không hết!

- Khiếp!

Im lặng một lát, chàng hỏi:

- Ta có hai thắc mắc. Thứ nhất, sao tiên tổ của ta, vất vả làm ăn mà lại không tiêu xài? Thứ hai, khi chết, sao họ không mang đi mà để đây nhiều lắm thế?

Viên quản gia đáp:

- Vị nào ăn tiêu cũng tiện tặn mới giàu có như thế được. Còn khi chết rồi, thì ra đi với hai bàn tay trắng, làm sao mà mang theo cái gì được!

- Không mang theo bất cứ cái gì cả hay sao?

- À, vâng! Nhưng mà, thưa có! Nghe người xưa nói là có mang theo cái nghiệp thiện hoặc ác mà mình đã tạo tác ở trong đời!

- Cái gì là tạo tác?

- Nghe nói là ý nghĩ, lời nói và việc làm trong đời sống thường nhật của mình; nó có xấu ác, sai quấy hay lành tốt, đúng đắn.

- Hay lắm! Ta hiểu rồi! Nghĩa là mình chẳng giết ai, trộm cắp của ai hay làm những việc xấu xa mà xã hội và con người chê trách, khinh bỉ?

- Đúng vậy! Chủ tiếp thu rất tốt!

Đêm ấy, chàng trai trẻ Gandha thở dài rồi trằn trọc không ngủ được. Ôi! Chết là hết, chẳng mang theo được cái gì hết thì đống tài sản ấy để lại cho ai? Hay ta cứ tiêu xài cho sướng cái thân, cho oai cái danh giá, lỡ chết bất thình lình cũng uổng phí đi. Làm vậy ta có xấu ác với ai đâu!

Vậy là sáng ngày, chàng kêu viên quản gia và hai mươi người nam nữ hầu cận thân tín, phán rằng:

- Bắt đầu từ hôm nay, các người phụ trách trưởng nhóm từ nội thất, nội viên, kế toán, sổ sách chi tiêu, kho, bếp, sân vườn, ruộng rẫy... đều được tăng lương thêm năm mươi đồng tiền vàng một tháng; tất thảy nô lệ làm ruộng, làm đồng, chăn nuôi, làm vườn, nô bộc, thị tỳ thì được tăng ba mươi đồng. Riêng ông quản gia thì được tăng một trăm đồng vàng...

Mọi người sung sướng đồng cất tiếng “Xin cảm ơn chủ, xin cảm ơn chủ!”

Chàng mỉm cười, hỏi người quản gia:

- Thế là ta đã làm được một việc tốt phải không?

- Thưa, rất tốt ạ! Mọi người ghi ân tấm lòng của ông chủ. Cả cái quốc độ này chưa có ai trả lương cho nô lệ cao đến như vậy.

- Ông còn phải để ý chăm lo nơi ăn chốn ở, vật dụng, thuốc men cho họ nữa đấy. Ta muốn mọi người trong đại gia đình ta không ai phải đói, phải rét và sống quá thiếu thốn, cơ cực. Tốn kém bao nhiêu bảo kế toán và thủ quỹ chi cho, nghe rõ không?

- Vâng, thưa chủ!

Gandha mỉm cười rồi nói tiếp:

- Còn ta là chủ, nên ta sẽ tiêu xài bằng trăm, bằng ngàn lần các người. Và hãy nghe cho kỹ đây mà đốc thúc công việc.

Thứ nhất, chi phí cho ta hai triệu đồng tiền vàng để xây một ngôi nhà tuyệt đẹp, tuyệt hoành tráng bằng pha lê giữa ngôi vườn, cạnh con đường lớn vào kinh thành. Nhà có hai phòng, phòng tắm và phòng ăn.

Thứ hai, một triệu đồng tiền vàng để làm một mái diềm công phu phía trên cùng tiện nghi vật dụng trong phòng ăn.

Thứ ba, một trăm ngàn đồng tiền vàng làm bốn cửa sổ tinh vi, lộng lẫy nằm ở bốn hướng.

Thứ tư, một trăm ngàn đồng tiền vàng để làm các hệ thống nước nóng, lạnh, phun mưa, phun sương cùng những bình hương.

Thứ năm, mười ngàn đồng tiền vàng để làm cho ta một chiếc ghế với vật liệu bằng gỗ chiên đàn, thuê thợ kim hoàn đính thêm các loại châu báu, để cho ta ngồi nghỉ sau khi tắm xong!

Thứ sáu, mười ngàn đồng tiền vàng để làm chén bát đĩa đựng thức ăn; đặc biệt là cái bát ăn phải bằng vàng và khảm trân châu.

Thứ bảy, mười ngàn đồng tiền vàng để sắm sập, bàn, mâm, đĩa lót, khăn trải, khăn ăn, là những vật dụng cao sang, quý phái nhất.

Gandha ngưng nói. Mọi người trố mắt, căng tai. Xung quanh yên lặng như tờ. Chàng nói tiếp:

- Chưa đâu! Ta còn tiêu xài hơn thế nữa. Trưởng bếp nghe đây. Mỗi ngày ta sẽ ăn ba bữa. Hãy mua tất thảy những gì cực quý trên đời này. Buổi sáng, mâm ăn của ta phải trị giá một ngàn đồng vàng, trưa một ngàn đồng vàng và tối một ngàn đồng vàng. Nếu ăn không hết, gia nhân cứ chia nhau.

Có tiếng xì xào nho nhỏ. Chàng nói tiếp:

- Chưa đâu! Riêng ngày trăng tròn, mâm cơm của ta phải có trị giá mười ngàn đồng tiền vàng. Dĩ nhiên là ta sẽ dùng không hết, phần còn lại sẽ là của các ngươi.

Thấy chàng im lặng, viên quản gia nói:

- Còn gì nữa không, thưa chủ?

- Còn, còn chút xíu. Đúng ngày trăng tròn ấy, bỏ ra mười ngàn để trang hoàng khắp các con đường phố, thuê chừng mươi người vừa đánh trống vừa loa truyền khắp các nơi: “Nghe đây! Nghe đây! Mọi người hãy đi xem bữa ăn ngàn vàng của ông đại thủ khố Gandha! Nghe đây! Nghe đây!”

Đúng ngày, dân chúng tụ tập đến, mang cả ghế, giường, chõng hoặc ngồi hoặc nằm vây quanh ngôi nhà pha lê. Và Gandha đã lần lượt sử dụng hết mọi thứ còn sang hơn cả vua chúa để mọi người nhìn ngắm cho thỏa thích: Tắm trong bồn với mười sáu bình nước hoa, mở chiếc cửa sổ lộng lẫy rồi ngồi trên chiếc ghế gỗ trầm hương khảm châu báu. Bên phòng kia, những người hầu xiêm áo như tiên nữ dọn thức ăn trên sập (hay bàn?) với mâm, đĩa đều bằng vàng, bằng bạc có trải tấm thảm dệt kim tuyến. Đặc biệt có chiếc bát đựng cơm một ngàn đồng tiền vàng.

Khi chàng triệu phú vừa bước qua phòng ăn thì một đoàn mỹ nữ dập dờn như một đàn bướm trăm màu đồng xuất hiện, biễu diễn những tiết mục ca vũ để phục vụ cảm hứng cho bữa ăn thêm ngon miệng...

Hôm ấy, một anh nhà quê gánh củi lên bán ở thành phố, vì trời tối nên đến ở lại một ngôi nhà quen. Chiều ấy, chủ nhà đi xem bữa ăn ngàn vàng của người đại thủ khố nên rủ chàng cùng đi.

Đến căn nhà pha lê trông như cảnh trời, cả hai chen lấn vào gần cửa sổ để nhìn ngắm bên trong. Ôi! Trên đời này mà có nơi tắm, nơi ăn sang trọng như thế ư? Ôi! Nghe nói đời sống vua chúa cao sang nhưng có lẽ cũng chỉ đến mức như thế này là tột cùng! Chợt, mùi hương của những món thức ăn trong phòng tỏa ra bên ngoài, át tất cả những mùi nước hoa. Anh chàng nhà quê không còn thấy toán vũ nữ ca nhi, không còn thấy căn phòng pha-lê cùng các đĩa châu báu cực quý; sự thèm ăn cuốn hút lấy làm cho chàng chảy nước miếng. Không biết hổ thẹn là gì, chàng nhà quê cố van vỉ bạn mình:

- Hãy xin giúp cho tôi ăn một miếng, một miếng thôi, tôi thèm quá!

Hai lần, ba lần năn nỉ, người bạn không đành lòng, cất giọng lớn đến tai chàng đại thủ khố:

- Này ông triệu phú! Ông bạn của tôi đây nghe mùi thơm thức ăn, chịu không nổi. Hãy cho anh ta ăn một miếng, một chút xíu thôi!

Hai lần, ba lần, đại thủ khố đành phải trả lời:

- Bát cơm ngàn vàng thì mỗi miếng là một trăm đồng vàng, hai miếng là hai trăm đồng vàng... Nếu ai cũng muốn ăn cả thì ta làm sao chia sớt cho đủ?

Anh bạn bèn năn nỉ giùm:

- Ông chủ! Người nhà quê này thèm muốn quá rồi, nếu không được ăn, hắn sẽ chết! Xin ông hãy cứu sống một mạng người!

- Không được! Không được là không được!

- Hắn sẽ chết thật đấy!

Nghe vậy, chàng triệu phú ngẫm nghĩ một chút rồi cất tiếng nói:

- Thôi được rồi! Như thế này này! Hôm nay ta đã ăn xong, phần dư, phần thừa thì cũng đã có người tàn thực! Nếu chàng nhà quê kia muốn có bữa ăn ngàn vàng thì hãy làm công cho ta ba năm thật chăm chỉ, thật tháo vát. Ta sẽ trả công như sau: Ăn sáng ngàn đồng vàng, ăn trưa ngàn đồng vàng, ăn tối, ngàn đồng vàng! Tắm và ăn đều ở trong căn nhà pha lê này. Và ngày ấy, người nhà quê sẽ là ông chủ ở đây với hai trăm người hầu hạ phục dịch, chỉ ngoại trừ một người, đấy là bà vợ yêu kiều diễm lệ của ta, nàng Cintāmaṇī! Các ngươi nghe rõ không?

- Nghe rõ!

Thế rồi, anh chành nhà quê, chỉ vì một bữa ăn ngon mà phải thức khuya dậy sớm, làm tất cả mọi công việc nặng nhọc trong ngoài do viên quản lý giao một cách chu đáo, không chê vào đâu được. Dân trong thành phố nghe người ta kể tràn tai về việc làm lạ lùng của chàng nhà quê. Họ tò mò có, lạ lùng có, ngạc nhiên có mà xót thương cũng có! Họ chế nhạo đặt tên chàng là Bhattabhatika, có nghĩa là Người-tìm-kiếm-bữa-cơm!

Mãn hạn, viên quản gia đến báo cho ông chủ biết, không quên khen ngợi anh chàng nhà quê đã làm việc hết mình. Đến phiên Gandha thực hiện lời hứa, sắp xếp cho chàng nhà quê làm ông chủ xài sang một ngày.

Mọi việc đâu đó đã xong. Vị triệu phú cho trang hoàng thành phố, thuê toán người đánh trống đi khắp thành thông báo với loa truyền rằng: “Nghe đây! Nghe đây! Hãy đến căn nhà pha lê mà xem anh chàng nhà quê Bhattabhatika ăn bữa ăn ngàn vàng, là tiền công sau ba năm làm nô lệ cho ông chủ đại thủ khố! Nghe đây! Nghe đây!”

Vào sáng sớm, anh chàng nhà quê đóng bộ vào người tất cả phục trang trong ngoài y như ông chủ. Rồi tắm trong bồn với mười sáu bình nước hoa, mở chiếc cửa sổ lộng lẫy, ngồi trên ghế gỗ trầm hương khảm châu báu. Bên phòng kia, những người hầu xiêm áo như tiên nữ dọn thức ăn trên bàn với mâm, đĩa đều bằng vàng, bằng bạc, có trải tấm thảm dệt kim tuyến. Đặc biệt có chiếc bát đựng cơm một ngàn đồng tiền vàng...

Lúc bấy giờ, trên núi Gandhamādana ở Himalaya, có một vị Độc Giác Phật sau bảy ngày, xuất định, tung võng lưới rà soát khắp thế gian xem ai có căn cơ, có duyên lành. Bữa ăn sau ba năm cần khổ của chàng nhà quê lọt vào nhãn thông của ngài.. Phật Độc Giác mỉm cười tự nhủ: “Hy hữu! Thật là hy hữu! Mà duyên lành sau này của chàng ta còn hy hữu hơn thế nữa!”

Vậy nên, khi anh chàng nhà quê Bhattabhatika rửa tay chuẩn bị ăn bữa ăn ngàn vàng thì đức Phật Độc Giác đắp y, ôm bát, từ đâu giữa hư không, hiện giữa hư không, đứng bên ngoài cánh cửa căn nhà pha lê, như ở ngay trước mặt chàng vậy.

Bhattabhattika mọc ốc, rùng mình! Một nhận thức sáng sủa đâu từ vùng tăm tối của vô thức hiện ra giúp chàng có được tri kiến như sau: “Bởi trăm ngàn kiếp sống bỏn xẻn, keo kiệt, rít róng, luôn luôn ích kỷ, chưa cho ai một xu, một cắc, chưa mở rộng tấm lòng đến người nghèo khổ; luôn luôn vị ngã, luôn luôn bần tiện, tham lam, tích cóp của cải, tài sản không từ nan các thủ đoạn lọc lừa, mưu thâm kế hiểm cũng vì lợi ích ngũ dục cho cái bản ngã ti tiểu, hèn mọn nên ta đã rơi vào các cảnh giới đọa đày đau khổ. Nay dù được làm người nhưng ta phải chịu quả báo cơ cực đói nghèo! Nếu hôm nay, ta nhịn được bữa ăn ngàn vàng, khởi quyết tâm bố thí, cúng dường để gieo chút duyên lành đến vị đạo sĩ thanh tịnh thì ta có thể nương tựa phước báu ấy trong các kiếp sống về sau!”

Nghĩ thế xong, do năng lực của tư duy chơn chánh, mọi tham muốn “thèm ăn” biến mất, chàng thanh niên đứng bật dậy, ôm bát cơm vàng lẫn cả thức ăn bước đến, nghiêng mình cung kính trút vào bát của vị đại ẩn sĩ. Được một nửa, đức Phật Độc Giác đưa tay che bát lại:

- Thôi! Vừa rồi con! Đủ rồi con! Hãy dành phần để ăn một chút sau ba năm làm công lao nhọc!

- Thưa, không! Không cần thiết nữa, bạch ngài! Chàng nói - Mọi thèm ăn, mọi tham muốn ăn bây giờ đã chấm dứt! Xin ngài cho con trọn vẹn sự cúng dường này, với ba nghiệp thanh tịnh để cho con nương tựa lâu dài về sau! Và nương tựa vào oai lực, vào cái mà ngài đã đắc, đã chứng nữa!

- Này Bhattabhattika! Rồi con sẽ thành tựu được như nguyện!

Thọ nhận xong, như để hồi hướng công đức, như để cho sự hoan hỷ của chàng thanh niên được viên mãn, như để cho tất thảy mọi người trong kinh thành thấy rõ công năng vô lượng của quả bố thí, cúng dường, đức Phật Độc Giác bèn hiện thần thông bất khả tư nghị, một dải lụa tợ như ngọc xanh vắt ngang giữa nền trời, theo với chiếc bóng của ngài, bay về núi Gandhamādana ở Himalaya. Tại đây, đức Phật Độc Giác sớt vật thực cho năm trăm vị Độc Giác khác rồi các ngài cùng ngồi xuống độ thực. Sự kiện xảy ra ấy, mọi người trong kinh thành ai cũng thấy rõ mồn một trong tầm mắt.

Chứng kiến rõ ràng cảnh tượng ấy, thanh niên Bhattabhattika tràn ngập hỷ lạc! Một niềm khinh an dịu nhẹ, len thấm rồi ngấm tràn trong huyết quản, rung động toàn thể châu thân! Lần đầu tiên, lần thứ nhất trong đời, chàng mới biết, mới cảm nhận thấm thía, sâu đậm thế nào là hạnh phúc!

Đại thủ khố Gandha nghe tin, cũng thấy rõ cảnh tượng ấy, cũng rúng động cả toàn thân, cũng bổi hổi, bồi hồi, cũng cảm nhận được một niềm tin từ đâu đó trong việc làm lạ lùng của người nhà quê! Chàng tự nghĩ: “Ôi! Việc làm ấy thật là khó khăn! Chỉ một phần ngàn, phần vạn như thế ta cũng không làm được! Như một kẻ làm nông, ba năm thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương chăm lo đồng áng, kết quả lao nhọc ấy, y có phần thưởng là một kho thóc. Kho thóc ấy chỉ nấu được một bát cơm thiên vị, thiên hương! Thế nhưng, hắn đã không nếm, không ăn, hắn đã dâng cúng hết. Rồi cái bát công đức kia bay về núi Himalaya, được chia đều phần ăn cho năm trăm bậc đại ẩn sĩ! Thật là vĩ đại! Thật là anh dũng! Còn ta là gì? Còn ta là ai? Ta đã chơi ngông để thỏa mãn cá tính, hưởng thụ từng trăm ngàn đồng tiền vàng mà không đổ một giọt mồ hôi, không lấm một tí bụi bùn của ruộng đồng gian khổ! Ta cũng chưa cho ai một muỗng cơm, một vá cháo? Chàng nhà quê mình trần thân trụi không có gì mà dám tặng cả kho lúa sau ba năm quần quật như nô lệ? Cái tâm ấy thì ta thua, một triệu phần như thế ta cũng không có! Thật là đáng hổ thẹn!”

Nghĩ thế xong, đại thủ khố Gandha mời chàng nhà quê đến, cung kính trao một ngàn đồng tiền vàng rồi nói rằng:

- Một chút xíu thôi! Hãy chia cho ta một “hạt bụi” công đức mà ngươi đã làm!

- Vâng, thưa chủ! Tôi sung sướng mà chia cho chủ! Không những là hạt bụi mà cả ngọn núi Himalaya tôi cũng vui lòng chia hết!

Nghe nói vậy, đại thủ khố Gandha hỷ lạc dâng đầy khắp cả người, y chợt nói:

- Vậy thì tôi cũng xin được chia phần thêm. Cái gia tài này sẽ chia làm hai, tôi một nửa, bạn một nửa; chúng ta sẽ kết nghĩa anh em sống với nhau cho đến bạc đầu.

Nghe chuyện, đức vua xứ Bārāṇasī cũng lao xao, nôn nả muốn xem thử mặt mũi của chàng nhà quê ra sao nên triệu Bhattabhatika vào chầu.

Thấy thanh niên Bhattabhatika phục sức cũng như sắc diện đều đẹp đẽ, quý phái, cao sang, rõ là một công tử đại phú gia nên đức vua hoan hỷ nói:

- Ta cũng xin đóng góp, tặng ngươi mười ngàn đồng tiền vàng; hãy chia cho ta “một hạt bụi phước” nhé?

- Tâu đại vương! Có phước bao nhiêu, như núi, như biển, hạ thần cũng chia cho đại vương hết.

- Tốt! Tốt! Đức vua cười ha hả! Vậy thì ta cũng phong chức đại thủ khố cho ngươi được hưởng vinh hoa phú quý, danh dự cao sang cho đến trọn đời!

Thế đó, phước báu trổ sanh từ bát cơm vàng của anh chàng nhà quê dâng cúng cho vị ẩn sĩ Phật Độc Giác; mà là dâng cúng hết cái gì quý nhất, không chừa lại, quả là chia hoài, ăn hoài cũng không hết, lại được phước báu kia trổ quả nhãn tiền nữa(1). Không chỉ có thế, sau khi mạng chung, đại thủ khố Gandha, anh chàng chơi ngông kia không biết lưu lạc về đâu, nhưng chàng nhà quê Bhattabhatika của chúng ta được hóa sanh các cõi trời hưởng phước báu thiên lạc suốt thời gian giữa hai đức Chánh Đẳng Giác; thời Phật hiện tại, tái sanh vào nhà một thí chủ danh gia vọng tộc sang giàu của trưởng lão Sāriputta ở kinh thành Sāvatthi, nước Kosala.

Khi mang thai bào, do dư phước từ quá khứ, người mẹ được chăm sóc vô cùng chu đáo và kỹ lưỡng; đồng thời bà còn khởi lên một ước muốn lạ đời là chỉ muốn độ thực trong cái bát vàng cực quý mà thôi.

Ðến ngày mãn nhụy khai hoa, gia đình thỉnh mời tôn giả Sāriputta và chư tỳ-khưu đến tư gia để họ đặt bát cúng dường. Ðứa bé mặt mũi sáng sủa, kháu khỉnh được tắm bằng “những vòi nước thơm”, mặc y phục quý phái, đặt trên một “cái giường khảm châu báu lộng lẫy trị giá trăm ngàn đồng tiền vàng”. Và vì trong nhà không có ai đau ốm từ khi hài nhi còn trong bụng mẹ nên nàng yêu cầu tôn giả Sāriputta đặt tên là Sukha-kumāra, tức đứa trẻ an lạc, hạnh phúc.

Lên bảy tuổi cậu bé muốn xuất gia theo chân của tôn giả Sāriputta. Do phước báu xui khiến nên người mẹ dễ dàng bằng lòng. Bà thưa chuyện ấy với tôn giả và sau đó mặc y phục đẹp đẽ cho trẻ rồi dẫn đến tịnh xá Kỳ Viên giao phó cho trưởng lão.

Nhìn đứa trẻ mặt mũi đẹp đẽ, cao sáng, tôn giả dịu dàng cất tiếng trao đổi một vài câu hỏi, biết được căn cơ sâu dày của trẻ từ quá khứ nên cho xuất gia, là sa-di Sukha vậy.

Chuyện của sa-di Sukha, sau này được ghi chép lại, không biết tại sao lại tương tự chuyện sa-di Paṇḍita - là trong ngày thứ tám sau khi xuất gia, được đi trì bình với tôn giả Sāriputta. Do học được “cái mương dẫn nước, người thợ uốn tên, người thợ mộc đẽo bánh xe”; nên sau đó, Sukha-kumāra không đi bát nữa, trở về liêu cốc tích cực thiền quán. Vị sa-di kỳ lạ này cũng được thiên chủ Đế Thích, Tứ Đại thiên vưong và cả đức Thế Tôn tạo duyên giúp đỡ nên chú cũng đắc rốt ráo cứu cánh sa-môn hạnh ngay trong ngày hôm đó.

Và vị thánh sa-di này là tấm gương sáng cho những người biết tự điều chỉnh, tự kiểm thúc thân tâm, tinh cần thiền quán cho đến lúc uống được giọt nước tận đầu nguồn thánh hạnh, đúng như câu kệ ngôn:

“- Giỏi thay! Dẫn nước đào mương!

Mũi tên khéo uốn thành đường thẳng ngay!

Bánh xe tròn đẽo, tài hay!

Tự điều, tự kiểm mới tày trí nhân!”(1)



(1)Gọi là đại thủ khố nhưng không phải trông coi kho bạc của nhà nước. Đây chỉ là gia sản triệu phú của gia đình, dòng họ - thường được xem là giàu nhất nước. Họ thường đem lại lợi ích kinh tế cho quốc gia nên đức vua thường kính trọng, tôn trọng họ.

(1)Phước báu nhãn tiền phải hội đủ 4 điều kiện: 1- Đối tượng xứng đáng cúng dường, là bậc Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, Thanh Văn Giác. 2- Vật bố thí chánh mạng, lại còn cúng dường hết không chừa lại. 3- Tư tác thanh tịnh và hoan hỷ cả ba thời ( trước khi, trong khi, sau khi). 4- Ân đức cao thượng - xuất diệt, thọ, tưởng định 7 ngày.

(1)Soạn giả dịch từ câu Pháp cú 80 và 145: “Udakaṃ hi nayanti nettikā - usakārā namayanti tejanaṃ. Dāruṃ namayanti tacchakā -attānaṃ damayanti paṇḍitā!”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 52257)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 6651)
Văn hóa và giáo dục Phật giáo là phương tiện để ươm mầm và nuôi dưỡng hạt giống bồ đề tâm trong từng cá thể xã hội. Khi những hạt mầm lớn lên sẽ là những con người đi vào cuộc đời bằng tâm bồ đề, bằng trí giác ngộ, bằng trái tim từ bi để không những thắp sáng lý tưởng cao cả của Phật Đạo, mà còn là những nhân tố hữu ích để góp phần xây dựng và phát triển xã hội.
28/08/2010(Xem: 4941)
Ngay cả trong thời đại văn minh khoa học, xã hội phát triển theo xu hướng hội nhập toàn cầu, thì định hướng trung tâm của tính cách con người vẫn có phần thuộc đời sống hướng nội và phần thuộc đời sống hướng ngoại mà Phật giáo Thiền gọi là nội quán và ngoại quán, bao gồm trong Tứ niệm xứ với các đề tài thiền quán về thân, thọ, tâm, và pháp, theo đó, thân thì bất tịnh, thọ mang lại khổ đau, tâm thì vô thường, và pháp vốn vô ngã. Từ các pháp quán, con người có thể đứng về mặt nhận thức luận để biết bản chất cuộc đời, rồi từ đó, đứng về mặt đạo đức học, con người có những hành động phù hợp với nhận thức.
28/08/2010(Xem: 51664)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
28/08/2010(Xem: 9281)
Viết về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
27/08/2010(Xem: 20811)
Còn nghĩ rằng “Đời là thế, vốn dĩ đời là thế”, “giữa cuộc đời cũng chỉ thế mà thôi”. Trước hiên nhà, lá rụng đầy sân, Chớm lộc mới, ngát hương đường cũ. Vậy nên: Hương xưa còn đọng trên đường, Ngàn lau lách ấy xem dường trinh nguyên. Âm ba tiếng hát đỗ quyên, Lung linh trăng nước xe duyên sơn hà.
17/08/2010(Xem: 7782)
Tôi luôn luôn tự xem mình như một nhà sư Phật Giáo đơn giản. Tôi cảm thấy như thế mới là tôi thật. Tôi cảm thấy rằng Đạt Lai Lạt Ma với cương vị nhà cầm quyền thế gian là một định chế nhân tạo. Khi nào người ta còn chấp nhận Đạt Lai Lạt Ma, họ sẽ chấp nhận tôi. Nhưng, là một vị sư là một điều thuộc về tôi. Không ai có thể thay đổi điều đó. Tận sâu thâm tâm, tôi luôn luôn tự xem mình là một nhà sư, ngay cả trong các giấc mơ của tôi.
22/07/2010(Xem: 12133)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
20/07/2010(Xem: 15143)
Với quyển Phật Pháp Cho Mọi Người, chúng tôi tương đối đã đạt được phần nào kết quả khi có thể mang những bài pháp thoại của nhiều tác giả đến với người đọc, nhất là những người sơ cơ như chúng tôi. Cũng đã ba năm kể từ quyển sách đó được phát hành, cũng đã có thêm nhiều bài pháp được chúng tôi chuyển ngữ. Theo sự gợi ý của một số thân hữu, lần này chúng tôi cũng xin tổng hợp các bài dịch rải rác đó đây để mang đến cho quý độc giả xa gần một luồng gió mát của chân Pháp. Mong là chúng tôi không phụ lòng mong đợi của quý độc giả. Dầu đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi chắc rằng sẽ khó thể tránh những thiếu sót trong phần dịch thuật và biên tập, mong quý tôn sư, quý độc giả hoan hỷ chỉ bày. Lần nữa chúng tôi xin cảm tạ quý đạo hữu luôn chung tay với chúng tôi trong Phật sự này, để một số sách luôn đến tay quý độc giả dưới dạng ấn tống. Nguyện cho phước báu trong Pháp thí này được chia sẻ đến chư thiên, quý ân sư, quý ân nhân, đạo hữu, thân quyến và mọi chúng sanh. Na
09/05/2010(Xem: 3968)
Theo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, tình yêu khởi đầu từ Thụ. Vì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy hoặc tưởng tượng tới một người nào đó - dĩ nhiên tòan hương vị ngọt ngào, tòan những êm ái, tốt lành, mộng mơ, quyến rũ, đáng yêu, quý giá - mà sinh Ái (ham muốn)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567