Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Hai Vị Đại Đệ Tử

26/10/201316:38(Xem: 30167)
03. Hai Vị Đại Đệ Tử
Mot cuoc doi bia 02

Hai Vị Đại Đệ Tử



Tại một ngôi làng Nālakagāma cổ xưa (sau này thành lập trường đại học Nālanda), cách thủ đô Rājagaha chừng một do-tuần, có gia đình dòng tộc Upatissa là nơi xuất sinh của tôn giả Sāriputta. Thân phụ ngài tên là Vangaṅta, làm trưởng giáo bà-la-môn, thân mẫu ngài là bà Rūpasārī. Ngài được gọi tên theo mẹ: Sāriputta (Xá-lợi-phất hay Xá-lợi-tử) con trai của bà Sārī; đôi khi gọi theo tên dòng tộc: Upatissa! Ngài là con trai trưởng, sau ngài còn có ba anh em trai là Cunda, Upasena và Revata; ba chị em gái là Cālā, Upacālā và Susipacālā (sau này đều đắc quả A-la-hán).

Ngôi làng Kolitagāma bên cạnh là nơi sinh trưởng của tôn giả Moggallāna. Thân phụ ngài làm lý trưởng (trưởng thôn), thuộc giai cấp sát-đế-lỵ, được xem là giới thượng lưu; thân mẫu ngài thuộc giai cấp bà-la-môn, tên là Moggallānī. Ngài được đặt tên theo mẹ: Moggallāna; đôi khi gọi theo tên làng là Kolita!

Tôn giả Sāriputta và tôn giả Moggallāna đều có tướng mạo đẹp đẽ, thông minh đĩnh ngộ; ra đời cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ; đều thuộc gia đình cự phú trong làng, kế truyền dòng dõi trí thức và đều là con cầu tự!

Thuở nhỏ, hai vị đã là bạn hữu thâm tình với nhau; cả hai đều được trang bị một sở học căn bản, chu đáo, vững chắc. Sáu tuổi đã được các thầy bà-la-môn uyên bác dạy các môn vệ sinh thường thức, văn phạm, cú pháp, học thuộc lòng một số thánh ca, kệ thơ được rút ra từ Upanishad; một số phương pháp hít thở, điều thân, điều khí dựa theo Hatha-yoga. Bảy tuổi, trẻ bắt đầu học thêm các môn ngữ pháp, thi, văn phức tạp, tán tụng, thẩm âm, xướng âm; đạo đức và luân lý phổ thông dựa theo luật Manu. Thấy sức học của trẻ như thần đồng nên tám tuổi lại được học thêm số học, hình học, đo lường, tự nhiên học! Chín tuổi học thêm về kiến thức thiên văn, địa lý, y dược; tập đọc kinh, đọc chú, tế lễ, cầu nguyện. Mười tuổi đến mười bốn tuổi đi sâu, đi xa hơn các môn đã học. Mười lăm đến mười bảy tuổi - bắt đầu học môn luận lý, chiêm tinh, thuật số; lần vào tư tưởng triết học Vedā, Vedantā, Upanishad; học thuộc lòng các trường ca Bhagavadgīta, Rāmanaya, anh hùng trường ca Mahābharata... Thật là một tham vọng quá lớn của các đức thân sinh, nhưng hai trẻ lại theo học rất say sưa, và môn nào các thầy giáo cũng đều phải thán phục. Và nghiễm nhiên, họ đã vượt thầy lúc lên mười tám tuổi do sở học của họ còn có thêm chiêm nghiệm và suy luận. Từ đây, khi họ đã có được sở học và phong độ của những bậc đạo sư lỗi lạc nhất, nhưng chính họ lại sinh ra thao thức, trăn trở; càng học nhiều thì họ càng rối mù! Những lúc du sơn ngoạn thủy, ai cũng đoanh vây bên mình hơn trăm môn đệ. Họ chỉ dạy cho môn đệ thật nhiều, nhưng chính bản thân lại không giải quyết được bài toán sinh tử của lòng mình!

Năm hơn hai mươi tuổi, cả hai đều bị thúc ép lập gia đình, nhưng họ từ chối khéo léo. Trong lúc cả hai đều là niềm hy vọng lớn lao để kế thừa huyết thống và kế thừa sự nghiệp thì họ lại xin xuất gia, đi theo đoàn du sĩ! Cuối cùng, với rất nhiều khó khăn, đến độ cả hai dường như bị trục xuất khỏi tông môn dòng dõi, họ mới được thỏa nguyện sống đời xuất gia đạo sĩ!

Thế rồi, họ tự cắt tóc, quàng áo đạo sĩ, ôm bát ra đi. Họ không ra đi một mình mà còn kéo theo hai trăm năm mươi môn đệ. Sau nhiều ngày tháng lang thang tìm đạo, nghe danh đạo sĩ Sañjaya, hai người tìm đến rồi xin sáp nhập vào đạo tràng này, làm cho hội chúng ở đây lên đến năm trăm người, trở nên đông đảo, thạnh mậu hơn nhiều. Từ đây, ngày tháng trôi qua, hai chàng có cơ hội vừa tu tập vừa tìm hiểu thêm các giáo phái ở trong truyền thống và các giáo phái ở ngoài truyền thống. Chỉ hơn năm sau, hai tôn giả nhận thấy sở học, sở chứng của thầy cũng không được bao lăm, không giải quyết toàn bộ nghi vấn về tâm linh, họ lại xin ra đi. Đạo sĩ Sañjaya lấy làm tiếc hai người học trò ưu tú, đang làm cho ông tăng thêm uy tín, rạng danh thiên hạ nên khẩn khoản mời ở lại và sẵn sàng giao hội chúng cho hai tôn giả với danh vọng, địa vị, lợi dưỡng chẳng ai bì được! Thầm mỉm cười cho mục đích tầm thưòng, dung tục của thầy mình; hai vị lễ độ chối từ rồi ra đi theo tiếng gọi vô thượng từ nhân duyên tiền kiếp: Phải tìm cho ra đạo lộ chân phúc và bất tử!

Hai trăm rưỡi môn sinh xin đi theo, nhưng hai tôn giả bảo họ nên ở lại đây, chờ đợi lúc nào tìm ra lộ trình giải thoát sinh tử khổ đau, sẽ không quên họ đâu!

Thế rồi, dầm mưa, dãi nắng, đạp tuyết, đội sương - đầu trần, chân đất, vài tấm vải che thân, bình bát xin ăn – hai chàng theo con đường bộ hành thương mãi lên phía bắc. Từ các thôn làng, thị trấn, rừng núi hễ nghe nơi nào có đạo sĩ nổi danh là hai chàng tìm đến! Và hai chàng còn chịu khó tìm đến cả những đạo sĩ ẩn danh để mong những lời chỉ giáo! Hết mấy chục tiểu quốc phương bắc, len lỏi vào các vùng hẻo lánh, thâm u ở tuyết sơn, hai chàng lại quay sang các tiểu quốc phương tây, băng qua cả những sa mạc cháy lửa nhưng tìm ra bậc đạo sư chơn chính, có trí tuệ siêu đẳng, vẫn không tìm thấy! Kiến thức và sự thấy biết của họ vẫn loanh quanh luẩn quẩn trong tam giới, vẫn còn vi tế phiền não và khổ đau! Bỏ phương tây, từ thượng lưu sông Gaṅgā hai vị tôn giả men theo các quốc độ xuôi chảy về phía đông, ghé hai thành phố Payāga và Bārāṇasī trù phú rồi xuống Pātaḷigāma, rồi trở lại quê hương, kinh thành Rājagaha!

Thế đấy, cuộc ra đi tìm đạo của hai tôn giả thật vô cùng gian truân, còn nhiêu khê và vất vả hơn tất cả những khổ hạnh sư trên đời này. Đã nhiều năm lắm rồi – mà họ cũng không còn nhớ chính xác là bao nhiêu năm; bây giờ, nước da đôi bạn đã sạm đen, phong trần; tuy thân thể có gầy đi nhưng đôi mắt như tinh anh hơn, sáng rực hơn; và bên trong như còn ngun ngút lửa, ngọn lửa thao thức tuyệt đối, ngọn lửa không đầu hàng hư vô, bóng tối, māyā! Tuy những bước chân trở lại có vẻ bất lực, thất bại nhưng họ chưa bỏ cuộc, nhất định còn lên đường tìm kiếm nữa; nên trước khi tạm thời chia tay, họ cam kết với nhau rằng: “Nếu ai tìm ra con đường Chân phúc và Bất tử trước, thì người ấy tức khắc thông báo cho người kia và ngược lại”.

Tôn giả Assaji, một vị trong nhóm ngài Koṇḍañña, trên bước đường du hóa ghé về hầu thăm đức Phật ở Trúc Lâm, sau đó đang đi trì bình khất thực.

Nhân duyên kỳ diệu đã đến.

Hôm ấy, du sĩ Upatissa (Sāriputta) vừa chia tay với du sĩ Kolita (Moggallāna), đang trên đường về thăm lại đạo sư Sañjaya sau nhiều năm xa cách thì trông thấy tôn giả Assaji. Upatissa nhìn sững! Từ màu y vàng hoại sắc đến chiếc bát gỗ trên tay, cho đến phong thái, uy nghi đều toát ra một cái gì rất lạ thường, rất khó nói mà từ bao nhiêu năm qua, lê gót lang thang khắp mọi chân trời chàng chưa hề nhìn thấy! Xem kia, có cái gì vừa trang nghiêm vừa khiêm hòa trong từng bước đi trầm tĩnh, nhẹ nhàng, trong đôi mắt nhìn xuống ôn nhu và vắng lặng! Tất cả đấy, cái hiển lộ ra ấy, phải có một cái gì rất ổn định, một cái gì dừng lặng rất sâu xa ở phía bên trong: Cái không còn lao xao, lăng xăng tìm kiếm! Vị đại đức khả kính nọ đang khoan thai, chừng mực đi từ nhà này sang nhà khác, nhận lãnh chút ít vật thực khiêm tốn từ tấm lòng của mọi người có cái gì đó rất từ bi mà cũng rất trân trọng! Chính cái cốt cách rất siêu phàm mà vô cùng bình dị ấy của bậc chân tu đã lôi cuốn, hấp dẫn Upatissa một cách mãnh liệt! Chàng chưa bao giờ gặp được một sa-môn, một bà la-môn, một đạo sĩ, một du sĩ có được một nhân cách nom có vẻ bình thường mà cũng thật là vĩ đại như vị đại đức này! Chắc chắn ngài, vị này, là một trong những người đã đắc quả A-la-hán (là lý tưởng phổ thông thời ấy giờ), hay ít ra là một trong những vị đang đi trên con đường dẫn đến đạo quả vô thượng ấy!

Upatissa tự nhủ:“Ta hãy đến gần ngài và hỏi rằng: Vì sao ngài thoát ly thế tục? Thầy của ngài là ai? Và giáo pháp ấy là giáo pháp gì?” Tuy nhiên, thấy tôn giả Assaji đang yên lặng trì bình, Upatissa không dám làm phiền rộn ngài!

Tôn giả Assaji đi bát xong, hướng mắt đến vùng ngoại ô cất bước. Upatissa vẫn cung kính, lặng lẽ theo sau, tự nghĩ: “Chắc chắn ngài đang tìm đến một nơi an tịnh phải lẽ để độ thực, ta sẽ tìm cách hầu hạ ngài như một người đệ tử. Rồi ta sẽ hỏi pháp”.

Tôn giả Assaji biết có người theo sau, ngài tự nghĩ: “Mấy ông du sĩ ngoại đạo này thường cống cao, ngã mạn; chúng không biết rằng, khi đức Thế Tôn xuất hiện như mặt trời, mặt trăng ở trong đời thì tất cả giáo phái chủ, giáo phái sư, chân sư, đạo sư... trên châu Diêm-phù-đề nầy chỉ còn là những ngọn đèn le lói, những con đôm đốm lập lòe! Ừ, nhưng mà ta hãy xem ông du sĩ này muốn gì?” Đến một lùm cây cao có bóng mát, tôn giả Assaji dừng chân lại. Upatissa biết ý, nhanh nhẹn lấy tấm tọa cụ của mình đặt trên một đám cỏ bằng, sạch sẽ rồi thưa rằng:

- Xin ngài hãy an tọa ở đây mà độ thực! Xin ngài hãy hoan hỷ tiếp thọ tấm lòng thành của đệ tử!

Tôn giả Assaji gật đầu, mỉm cười, bình lặng ngồi xuống rồi nhẹ nhàng đặt bình bát ở trước mặt, thong thả độ thực. Ngài dùng chậm rãi, từ tốn, an trú chánh niệm, rốt ráo hiện quán, rốt ráo tỉnh thức. Upatissa đứng một bên, vòng tay cung kính, nét mặt trang nghiêm, bình lặng.

Một ý nghĩ chợt khởi sanh trong tâm tôn giả Assaji: “Người này, vị du sĩ trẻ tuổi, tuấn mỹ phi phàm và rất mực lễ độ này đã biểu lộ một cái gì đó rất khác thường! Ta chưa từng thấy ai, biết ai trong hàng ngoại đạo, lại toát ra vẻ trí thức, đạo hạnh và khiêm cung rất mực như thế! Phải chăng đây là một đóa kỳ hoa khi được ánh nắng siêu thoát của đức Tôn Sư rọi đến?” Thế rồi, lúc tôn giả vừa rời tay khỏi bình bát thì Upatissa đã nhanh nhẹn và cẩn trọng dâng nước rửa tay, nước uống và tăm xỉa răng, là những vật phụ tùy mà các du sĩ hành cước luôn mang sẵn bên mình, với cung cách của một đệ tử rất thuần thục trong bổn phận phải làm! Tôn giả Assaji im lặng thọ nhận, tự nghĩ: “Không phải không duyên cớ mà y đi theo sau ta, lại cung kính phục vụ, hầu hạ ta với tư cách của một người đệ tử lễ phép, ngoan ngoãn. Vậy ta hãy tìm chỗ phải lẽ để nghỉ ngơi, an trú tâm giải thoát rồi xem thử ý đồ của y ra sao!”

Tôn giả Assaji đứng dậy. Upatissa nhanh chóng thu dọn mọi thứ rồi thưa:

- Có lẽ ngài muốn tìm một nơi khác để tĩnh chỉ? Đệ tử xin được đi theo, có việc gì xin ngài cứ tùy nghi sai bảo!

- Tôi đã hoan hỷ thọ nhận tất cả những mỹ ý của ngài rồi, vị du sĩ trẻ tuổi đáng mến ạ! Tôn giả đáp - Nay là thời khắc phải lẽ để nghỉ ngơi vào buổi trưa, tôi không dám làm phiền nữa đâu! Chẳng hay tôi có thể giúp đỡ cho ngài được việc gì?

Upatissa thỉnh tôn giả ngồi xuống trở lại trên tấm tọa cụ của mình, quỳ đảnh lễ rồi bạch:

- Đệ tử lang thang tìm đạo đã nhiều. Đệ tử đã lê gót ta bà khổ hạnh khắp cả hằng trăm quốc độ, nghe đâu có các bậc đạo sư, chân sư thì tìm đến để học hỏi. Đệ tử ở trong truyền thống bà-la-môn, đã học hỏi hết tất thảy kinh điển hiện có trên đời, cũng đã từng tu tập tất cả mọi con đường để dẫn đến với Phạm thể. Thế nhưng, cuối cùng vẫn bế tắc và khổ đau. Bao năm qua, đệ tử đã khẳng khái phất tay từ bỏ chúng, bước ra ngoài truyền thống; rồi cũng học hỏi với rất nhiều đạo sư, chân sư không thừa nhận uy quyền của thánh kinh Vedā, Upanishad nhưng Chân phúc và Bất tử vẫn không tìm thấy!

Bạch ngài, vị sa-môn khả kính! Đệ tử chưa từng thấy ai có được ngũ quan trong sáng với bước đi trầm thản và an tịnh như ngài. Cốt cách và phong thái của ngài mới bình dị, tịch tịnh và siêu thoát làm sao! Đệ tử chiêm ngưỡng ngài rồi tụ nghĩ: “Đây đúng là nhân cách của bậc vĩ nhân A-la-hán hay ít ra là cũng đang trên đường đi đến đạo quả A-la-hán.” Vậy xin ngài hãy dạy cho đệ tử biết, vì mục đích nào mà ngài thoát ly thế tục? Có ai làm tôn sư của ngài trên đời này không? Ngài thọ giáo với ai? Và giáo pháp mà ngài thọ giáo ấy như thế nào?

Tôn giả Assaji chăm chú lắng nghe, tự nghĩ: “Đúng là y đã nói tận đáy lòng. Đúng y là một du sĩ có học thức, có trí năng, có hạnh kiểm. Đúng là y đã từng nỗ lực cần cầu sự an ổn, vượt thoát mọi khổ ách trên đời này!” Sau đó, ngài đã khiêm tốn trả lời, thái độ khiêm tốn là đặc điểm tính cách của chư vị thánh nhân:

- Tôi đã đọc được sự thành khẩn và sự chân thật trong cung cách của ngài du sĩ; nhưng tôi chỉ mới là một tu sĩ sơ cơ, mới chỉ tập tành bước chân vào giáo pháp. Tôi là người ít học, ít ngôn ngữ, thiếu khả năng diễn đạt nên thật không đủ sức giảng nói giáo pháp một cách rành rẽ được.

Upatissa vẫn cứ cung kính dập đầu:

- Đệ tử là Upatissa! Xin ngài cứ chỉ giáo cho ít nhiều. Dẫu chỉ một ít nhưng đệ tử sẽ cố gắng suy nghiệm theo nhiều cách khác nhau! Đệ tử là người khao khát giáo pháp như hạn hán trông mưa, nhất là thứ giáo pháp mà ngài đã tu tập, đã thấm sâu vào trong ruột rồi tỏa sáng, chói ngời nơi tứ oai nghi, nơi tác phong siêu thoát của ngài! Xin ngài hãy ban cho đệ tử một ít về giáo pháp ấy. Ngài chỉ cần vài lời tóm tắt. Dẫu là tóm tắt nhưng phải là cái căn bản, cốt lõi nhất!

Biết lòng thành khẩn, thiết tha của người du sĩ, tôn giả Assaji nói:

- Vậy, này hỡi người du sĩ trẻ tuổi! Tôi sẽ tóm tắt gọn ghẽ một giáo giới cao siêu, như chân như thật của đức Tôn Sư, hãy lắng tai để nghe, hãy lấy trí để biết, để thấy và để liễu tri: “Các pháp phát sanh do bởi một nhân. Nhân ấy, đức Như Lai đã chỉ rõ. Và ngài cũng đã chỉ dạy phương pháp để diệt tắt nhân ấy. Chính đó là lời giáo huấn của bậc Đại Sa-môn!” (Ye dhammā hetuppabhavā. Tesaṃ hetuṃ Tathāgato. Āha tesaṃ ca yo nirodho. Evaṃ vādī Mahā Samano!)

Bốn câu kệ tóm tắt toàn bộ giáo pháp của đức Tôn Sư thật giản dị mà vô cùng cao siêu. Có lẽ trí tuệ của Upatissa lúc bấy giờ đã thuần thục nên lập tức thấu triệt chân lý ấy. Đấy là cách giảng nói Tứ diệu đế một cách rất cô đọng, chắt lọc như chỉ còn cái tinh tủy. Các pháp phát sanh chính là định luật duyên khởi của mọi hữu vi, của mọi hiện tồn sanh lão bệnh tử sầu bi khổ ưu não: Đấy là sự thật về dukkha. Do bởi một nhân: Ái dục, đấy là sự thật về nguyên nhân của dukkha. Và phương pháp diệt tắt nhân ấy chính là Đạo đế, Bát chánh đạo!

Như một tia sáng kỳ diệu, chỉ cần một mở phơi như thế là Upatissa đã thấy hé lộ con đường đi đến Chân phúc và Bất tử! Còn kỳ diệu hơn thế nữa, là không đợi đến lúc tôn giả Assaji đọc xong bốn câu, mà chỉ mới nghe hai câu đầu thôi, Upatissa đã chứng quả Tu-đà-hoàn (Sotapati), đi vào dòng thánh!

Upatissa đứng lặng hồi lâu, toàn thân chàng chấn động mạnh: Một trạng thái siêu thoát đã đến với chàng!

Xúc động, cảm kích, tri ân, bàng hoàng lẫn lộn, Upatissa quỳ xuống, ôm chân bụi của tôn giả Assaji, nghĩ rằng: “Ý nghĩa của sự giải thoát, Chân phúc và Bất tử, ta đã tìm thấy ở đây rồi!” Rồi nói:

- Bạch ngài! Đệ tử đã tìm thấy rồi! Thật vĩ đại, nhiệm mầu và vô thượng là giáo pháp nầy. Xin ngài đừng giảng giải gì thêm nữa! Đối với đệ tử, vậy là quá đủ, quá đủ cho mục đích của một thiện gia nam tử xuất ly, cần cầu an ổn mọi ách phược trên trần thế!

Tôn giả Assaji biết vị du sĩ trẻ tuổi đã đắc pháp nhãn, đã thấy rõ con đường xuất trần ly cấu, bèn nói:

- Hãy đi đến bên chân của đức Đạo Sư, bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, ngài còn có cả một kho tàng Pháp Bảo, chỉ để dành cho những ai có trí!

- Bạch ngài, hiện đấng Vô Thượng Giác ở đâu?

- Cũng gần đây thôi! Ở phía bắc kinh thành, chỗ rừng trúc, nơi có nhiều sóc và thỏ!

- Rồi đệ tử sẽ đến đó! Hiện giờ đệ tử sẽ đi tìm một người bạn thân, y cũng cần cầu giáo pháp, thao thức giáo pháp từ thuở thiếu niên! Y cũng đã từng đau khổ nhiều năm như đệ tử vậy. Nay tức khắc đệ tử phải thông báo cho y niềm vui siêu thoát và bất tử này. Ít hôm nữa thôi, chúng đệ tử sẽ đến quỳ bên chân đức Đạo Sư vô song!

Upatissa cung kính quỳ mọp đảnh lễ tôn giả Assaji rồi từ giã.

Thấy bạn với dáng đi, với nét mặt tỏa sáng, rạng rỡ kỳ lạ chưa từng thấy, Kolita ngạc nhiên hỏi:

- Này hiền huynh! Đừng nói với đệ là hiền huynh đã tìm ra đạo bất tử rồi đấy nhé!

- Phải, hiền đệ ạ! Upatissa cười xòa - Thật là hạnh phúc cho chúng ta, cho tất cả chúng sanh vì đạo bất tử đã thật sự có mặt trên cuộc đời này rồi! Ôi, một đức Thế Tôn vô song, một bậc A-la-hán vĩ đại đã tuyên bố một giáo pháp vĩ đại chưa từng được nghe! Huynh đã nếm được hương vị đầu tiên của giáo pháp qua đệ tử của đức Vô Thượng ấy. Bây giờ, hiền đệ hãy lắng tai để nghe, lấy trí để giác hiểu!

Nói thế xong, Upatissa đọc lên. Khi bốn câu kệ ngôn vừa chấm dứt, Kolita chấn động cả châu thân, ánh sáng bất tử lóe hiện: Chàng nhập vào dòng thánh như Upatissa vậy!

Kolita chợt quỳ xuống, chấp tay cung kính:

- Quả là giáo pháp tối thượng, vĩ đại đã xuất hiện ở trong đời! Đệ tử xin được cung kỉnh đảnh lễ giáo pháp ấy! Đệ tử xin được cung kỉnh đảnh lễ đức Đại Giác vô thượng đã cho đệ tử thấy được ánh sánh vinh quang và bất tử!

Kolita run run nắm tay bạn:

- Đức Thế Tôn ấy giờ ở đâu?

- Tại khu rừng trúc, phía bắc kinh thành gần đây thôi!

- Chúng ta hãy mau mau đến đảnh lễ, chiêm bái ngài!

Upatissa có vẻ nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Rồi chúng ta sẽ đến chiêm ngưỡng đức Đại Giác ấy. Nhưng hiền đệ nghĩ như thế nào, có nên thông báo sự kiện hy hữu này đến cho thầy cũ của chúng ta không?

- Nên lắm! Kolita gật đầu – Nên thức tỉnh đạo sư Sañjaya từ bỏ mớ giáo lý “bất khả tri” hời hợt nông cạn ấy, một vài cái định phù du mà bảo là “niềm bằng an tại thế hằng cửu” ấy! Khi mặt trời chân lý đã có mặt thì tất cả mọi tư tưởng, triết thuyết trên thế gian sẽ chẳng còn rọi sáng cho ai được nữa!

Thế rồi sáng hôm sau, họ tìm đến tu viện cũ. Trên đường, đôi bạn thấy rất nhiều tu sĩ khoác y màu vàng đất hoặc màu lõi mít. Họ đều giống nhau ở cách ăn mặc gọn gàng, râu tóc sạch sẽ; và đặc biệt hơn là trông ai cũng an nhiên, tĩnh tại trong từng bước đi, trong từng cử chỉ, trong từng tia mắt! Chỉ chừng ấy thôi đã chứng tỏ họ đều có được niềm vui tịnh định, an nghỉ ở phía bên trong, vừa bình dị vừa siêu thoát! Rõ ràng đây là những con người mới, những sa-môn mới ở trong tôn giáo mới đều là bạn hữu của thầy ta! Thật khác xa với những tu sĩ, đạo sĩ ở trong và ngoài truyền thống cũ lúc nào cũng có vẻ âu sầu, đăm chiêu, tư lự! Không thế thì đôi mắt cứ láo liên, xuôi ngược; bước đi thì hấp tấp, vội vã, lơ đễnh, thất niệm! Và cái dễ nhận ra rõ nhất là tóc râu rối bù, y áo xốc xếch, dơ dáy; dường như càng bẩn thỉu, càng kỳ hình dị dạng chừng nào sẽ càng làm cho mọi người kính ngưỡng, tôn trọng hơn! Đều là những người có kiến thức và trí tuệ vượt bậc, đôi bạn chỉ nhìn lướt qua đã xác tín đâu là chân thiện mỹ. Chắc hẳn giáo pháp của đức Thế Tôn ấy sẽ có một năng lực, một uy lực cảm hóa con người và cuộc đời. Giáo pháp ấy đã đưa đôi mắt tuệ quán xanh trong, không ô nhiễm để thấu triệt sự duyên khởi hữu vi cùng nguyên nhân của nó. Như vậy, nó không ru ngủ, huyễn hoặc con người trong bùa chú, thánh ca, tế lễ, cầu khấn trong hương khói âm u, trong những đền miếu thần thánh và ma quỷ kỳ bí!...

Gặp lại hai người học trò ưu tú, đạo sĩ Sañjaya mừng lắm. Đôi bạn kể tóm tắt nhưng đầy đủ nhiều năm lang thang tầm đạo, tất cả đều vô ích, cuối cùng, gặp được giáo pháp bất tử như thế nào; rồi họ khuyên đạo sĩ Sañjaya hãy từ bỏ đạo tràng nầy để đến quy giáo một đức Thế Tôn đã xuất hiện ở trên đời! Vì nghĩ ân đức của thầy cũ nên họ đã ra sức thuyết phục, bằng lý lẽ minh nhiên, bằng sự thấy biết chân thực, bằng nhiều ví dụ, ẩn dụ kín đáo mà sâu sắc nhưng đạo sĩ Sañjaya một mực từ chối. Ông ta viện dẫn sự khổ hạnh, sự tu tập suốt bao nhiêu năm trường mới có được sự thành tựu như ngày hôm nay! Ông nói đến công lao dạy dỗ môn sinh, sự gian lao vất vả khi xây dựng cơ sở vật chất! Ông nói đến danh vọng, địa vị và lợi dưỡng hiện nay! Tất cả thành công ấy không phải trong một sớm, một chiều; phải đầy đủ công phu, dõng lực, bản lĩnh, trí tuệ siêu phàm tạo lập mới có được! Chẳng lẽ nào lại thảy trôi sông tất cả để đi làm đệ tử người khác? Thật là ngu xuẩn, các vị có biết không?

Cảm thấy mình đã thất bại trước con nguời tầm thường, hạ trí này; nhưng hai người cũng cố gắng lần cuối:

- Thế thầy có thấy giáo pháp mà chúng đệ tử vừa trình bày, có điểm nào sai lầm, điểm nào là không chân thực, không như thực?

Hồi lâu, đạo sĩ Sañjaya mệt mỏi, gật đầu thú nhận:

- Không sai một điểm nào cả; chúng rất trí tuệ nữa là khác!

Kolita mở tròn mắt:

- Thế mà thầy vẫn không chịu từ bỏ? Không theo tôn giáo mới?

- Phải! Ông gật đầu mạnh mẽ, nghĩ thầm: “Đối với những kẻ trí tuệ, chân thực và lắm nhiệt huyết nầy, nếu không được trả lời một cách rõ ràng, dứt khoát thì chúng sẽ căn vặn cho đến tận cùng; ta sẽ không có chỗ nào mà lách, mà trốn được nữa, Ta đã mệt mỏi quá rồi, thôi, thà cứ nói thật một lần là xong”. Bèn nói tiếp: Đất đã không chịu trời thì trời đành chịu đất vậy. Các ngươi hãy nghe đây! Các ngươi đều là kẻ có trí tuệ, chân thực có lẽ hơn cả ta! Điều mà các ngươi bảo rằng đúng, ta cũng công nhận là đúng, không thể bài bác, không thể phủ nhận. Cái giáo pháp mà các ngươi cho là vô thượng, chân phúc và bất tử ấy, quả thật ta cũng không một mảy may nghi ngờ! Nhưng đây mới là sự thật, ta cần nói với các ngươi! Giọng đạo sư Sañjaya đến đây như chùng hẳn xuống - Ta thật sự đã già quá rồi! Ta không thể thay đổi những thói quen đã ăn sâu quá lâu. Ta thật sự đã quen làm đạo sư của thiên hạ, thật không thể thay đổi thành đời sống của một đệ tử được nữa! Rồi chợt ông hét to lên – Các ngươi nghe rõ rồi đấy chứ! Thôi, hãy đi đi! Hãy để cho ta được yên!

Nghe lời thành thật tầm thường và đau đớn ấy, cả hai chợt áy náy, thương xót cho đạo sĩ già; biết là không còn có cách gì thuyết phục được nữa. Upatissa lại cố vớt vát:

- Khi đức Thế Tôn xuất hiện ở trên đời thì đó là phúc duyên tối thượng triệu triệu năm mới có một lần, thầy mà không theo thì thầy sẽ hối hận. Có hối hận cũng đã muộn rồi!

- Ta không bao giờ hối hận! Các ngươi cần phải biết rằng, trên đời này, người trí ít lắm, chính kẻ ngu mới nhiều, rất nhiều...

- Ý thầy muốn nói gì? Kolita lại ngạc nhiên.

- Ta nói rõ rồi đấy chứ! Ta nói thế có nghĩa rằng, xin cho một số kẻ khôn ngoan, có trí như ngọc, như kim cương ấy hãy đến với đức Thế Tôn của các ngươi! Còn những chúng sanh ngu dốt, mê muội, thiểu trí nhiều như bụi bặm, nhiều như cát sông Gaṅgā hãy đến với ta! Ha ha!

Nói vậy là hết kinh điển, hết chữ nghĩa, hết văn cú, danh ngôn, hết tất thảy mọi lý lẽ phải trái ở trên đời! Upatissa và Kolita bèn xá lễ, cáo từ...

Mặc dầu nói cứng vậy, nhưng khi cả hai đi rồi, thẩn thờ dạo quanh tu viện, ông thấy tất cả đều vắng tanh, trống trải, ông vô cùng buồn bã... Bây giờ ông mới thật sự thấy rằng, ảnh hưởng tinh thần và uy tín của hai vị đệ tử ưu tú to lớn quá đối với đám môn đệ của ông: Khi ra đi, không những họ mang theo hai trăm năm mươi môn sinh cũ của họ trước đây – mà còn lôi cuốn tất thảy đồ chúng, hai trăm năm mươi người của ông nữa. Càng nghĩ, đạo sĩ Sañjaya càng đau lòng, tức uất đến hộc máu tươi!

Xế chiều, Upatissa và Kolita khuyên nhủ đám môn sinh của đạo sĩ Sañjaya chẳng nên bỏ thầy lúc tuổi già, hứa sẽ không quên dìu dắt họ vào giáo pháp mới, họ mới chịu về lại tu viện cũ... Ngụ qua đêm tại một ngôi rừng vắng vẻ, Upatissa và Kolita thay nhau giáo giới đám môn đệ một ít về tăng tướng mô phạm, một ít về cách sống, cách tu tập khi gia nhập một tôn giáo mới. Vài ngày hôm sau nữa, khi râu tóc đã sạch sẽ, y áo đã được trang bị đàng hoàng, cả hai mới dẫn đồ chúng lên đường tìm đến Trúc Lâm bái yết đức Đạo Sư.

Hôm ấy, đức Phật cho triệu tập chư tăng, thuyết một thời pháp đi sâu vào nhiệm vụ hoằng hóa khó khăn trong mai hậu, theo đó, mỗi người, dù lậu hoặc đã tận nhưng còn cần phải tu tập thêm tứ vô lượng tâm, tinh tấn, nhẫn nại... Phải thể hiện cho bằng được đời sống trong sạch như vỏ ốc, luật nghi, nền nếp sáng ngời mới mong cảm hóa, thu nhiếp những người ngoại giáo, giới vua chúa, quý tộc cũng như các giới cấp khác... Để kết luận, ngài nói:

- Nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai đi từ Lộc Uyển, Isipatana, đến Gayā, Uruvelā là do thấy nhân duyên từ quá khứ nên đã độ cho ba mươi vị vương tử nước Kosala, ba anh em Kassapa và một ngàn đồ chúng của họ; sau đó, Như Lai lại đến Rājagaha để độ đức vua Seniya Bimbisāra và triều đình, là những hộ pháp đắc lực khuông phò giáo hội sau này! Các thầy đừng nghĩ rằng, bây giờ có thêm Trúc Lâm với công trình xây dựng vĩ đại đang được hoàn thiện từng bước một, như vậy là đủ, như vậy là đã đặt được nền móng vững chắc! Giáo hội của chúng ta sẽ còn có nhiều nhân duyên kỳ diệu hơn thế nữa kìa! Vậy thì hôm nay, bây giờ, ở đây, Như Lai sẽ tiếp nhận thêm hai đóa hoa kỳ tuyệt, hai ngôi sao sáng, hai nhân cách tú mỹ cho giáo hội. Nhân duyên từ rất lâu xưa ấy giờ đã chín muồi, đã tròn đủ. Các thầy hãy nhìn xem: Hai thanh niên du sĩ Upatissa và Kolita cùng với hai trăm năm mươi môn đệ đang vào đến cửa khu rừng.

Quả nhiên, một lát sau, Upatissa và Kolita đã vào đến nơi. Cả hai đều đẹp đẽ, tuấn mỹ; theo sau là mấy trăm môn đệ râu tóc sạch sẽ, y bát trang nghiêm bước đi thứ tự, uy nghi, lặng lẽ... Hội chúng tự động chừa một con đường cho họ đến bái yết đức Thế Tôn.

Sau khi đảnh lễ đức Phật, Upatissa chấp tay thưa rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Chúng đệ tử lang thang, lưu lạc đã nhiều may nhờ ánh sáng của giáo pháp qua đệ tử của đức Tôn Sư mà chúng đệ tử tìm thấy con đường bất tử! Nay chúng đệ tử đến đây xin được nương tựa đức Phật, đức Pháp, đức Tăng; ngưỡng mong đức Thế Tôn từ bi thâu nhận.

Đức Phật mỉm nụ hoa sen:

- Này Sāriputta, Moggallāna! Như Lai chứng nhận cho hai ông và môn đệ của hai ông đã là tỳ-khưu trong giáo pháp nầy! Như Lai cũng đã có ý chờ đợi hai ông. Khi pháp bảo đã được thấy rồi, thì đời sống của những sa-môn Thánh đệ tử là những tháng ngày thiêng liêng, đạo hạnh trong sạch vì lợi ích cho mình, cho chư thiên và loài người.

Rồi ngay tối hôm ấy, đức Phật cho triệu tập riêng các vị tỳ-khưu thượng thủ như tôn giả Koṇḍañña, Assaji, Mahānāma, Yasa, ba tôn giả Kassapa cùng với Sāriputta, Moggallāna rồi dạy rằng:

- Hiện nay, Trúc Lâm tịnh xá đã có gần vài ngàn tỳ-khưu; trong đó trên một ngàn vị lậu hoặc đã tận, một số khác đã bước vào dòng; riêng mấy trăm tỳ-khưu môn đệ của Sāriputta, Moggallāna; mấy trăm tỳ-khưu từ nhóm Koṇḍañña, Assaji, nhóm Yasa... cho thọ giới các nơi rồi mang về. Đa phần họ còn trẻ, cần sự giáo huấn, nhắc nhở hằng ngày. Đảm trách sự ăn ở, tới lui đã có ba trưởng lão Kassapa đốc thúc và những đệ tử lớn chăm lo. Làm gương cho chúng thì đã có Koṇḍañña, Assaji, Mahānāma, Yasa... Giáo hội như vậy thì trông đã khá vững mạnh. Tuy nhiên, hiện Như Lai vẫn chưa có trợ thủ đắc lực có thể thay mặt Như Lai giáo giới pháp học, pháp hành đến cho chư tỳ-khưu cùng hai hàng cận sự nam nữ; còn có thể giúp Như Lai giải quyết tất thảy mọi vấn đề về Phật sự cũng như Tăng sự; vị ấy còn có thể có khả năng đối thoại với bất kỳ vị giáo phái chủ, giáo phái sư nào trên châu Diêm-phù-đề nầy mà không sợ bị thất thủ, lại còn nhiếp phục được họ nữa; nhân cách, tác phong, khẩu thuyết, đạo hạnh, trí tuệ của vị ấy có thể cảm hóa giới vua chúa, quý tộc, đại thần, thương gia, triệu phú... một cách dễ dàng! Ý Như Lai muốn nói rằng, người có thể đảm trách công việc cực kỳ khó khăn ấy phải có kiến thức bác lãm tất cả mọi nguồn tư tưởng, triết học xưa và nay, phải có sự thông minh kỳ đặc, nghe Như Lai nói một mà vị ấy hiểu hai, ba, năm, bảy...; phải có trí tuệ tinh minh, sắc bén, biện tài cả phân tích và tổng hợp; ngôn ngữ, khẩu thuyết phải chính xác, rõ ràng, lưu loát... Và quan trọng nhất, vị ấy phải có lời phát nguyện trước một vị Chánh Đẳng Giác quá khứ là trở thành cánh tay phải và cánh tay trái của Như Lai! Một vị như vậy, hai vị như vậy Như Lai đã có chưa nhỉ?

Câu hỏi của đức Phật như rơi vào đại định. Tuy nhiên, chư vị đều là thánh nhân, ngài Koṇḍañña mỉm cười rồi nói:

- Những nhân cách thành tựu tất thảy mọi ưu việt như thế, thật không có đâu, bạch đức Thế Tôn! Đệ tử rất hy vọng ở hai hiền giả Sāriputta và Moggallāna! Về mặt tướng pháp học mà nói, thì hai vị hiền giả đáng mến này như hai ngôi sao chầu quanh đức Tôn Sư vậy! Và dường như đây là nhân duyên nhiệm mầu từ quá khứ, bạch đức Thế Tôn!

Các vị thượng thủ khác cũng đồng ý như thế, ngoài ra, không ai không biết cái tài tướng pháp như thần của trưởng lão Koṇḍañña về việc thành Phật của thái tử Siddhattha thuở trước!

Đức Phật chợt nói nhỏ nhẹ rằng:

- Nhưng cả hai sa-môn trẻ này đều chưa chứng quả cao nhất!

Chợt, Moggallāna quỳ xuống:

- Bạch đức Thế Tôn! Ngay ngày mai, cho đệ tử đến một ngôi làng vắng vẻ, tịch mịch, cũng ở gần đây thôi. Đệ tử biết là mình phải làm gì cho tròn bổn phận.

- Được! Đức Phật nói – Ông vừa khởi tác ý, cương quyết hành trì để đắc đạo quả A-la-hán! Điều ấy rất tốt, rất phải lẽ, là xứng đáng bổn phận đầu tiên cần phải làm. Tuy nhiên, sẽ có những trở ngại trên lộ trình, chứ không dễ dàng như các ông Koṇḍañña, Yasa đâu. Khi nào khó khăn nhất, cơ hồ không vượt qua nổi, lúc ấy, Như Lai sẽ có mặt, sẽ hỗ trợ cho ông.

Rồi đức Phật quay qua Sāriputta:

- Còn ông, ngày mai, phải cùng đi với Như Lai đến ở trong một nơi khá xa, phia nam kinh thành; ông cũng phải có những bổn phận phải làm như Moggallāna vậy. Mọi công việc ở tịnh xá, Như Lai trông cậy vào các vị trưởng lão ở đây!

Sau khi đảnh lễ từ giã đức Phật, Upatissa và đại chúng, Moggallāna tìm đến ngụ cư ở bìa rừng ngôi làng Kallavāta, cách Rājagaha không bao xa. Ngày ngày, ngoài việc trì bình khất thực quanh vùng, toàn bộ thì giờ còn lại, ngài dành cho việc thiền định, thiền quán là bổn phận duy nhất còn lại. Đúng một tuần sau, sự mệt mỏi, dã dượi, hôn trầm, thụy miên đồng loạt kéo đến; mặc dầu đã hết sức chống chỏi nhưng ngài cơ hồ không vượt qua nổi. Đúng lúc ấy thì đức Thế Tôn xuất hiện như vầng trăng, bảo ngài đi rửa mặt, sau đó chỉ dẫn những tầng bậc thiền định, những pháp che lấp phải vượt qua, cần vượt qua liên tục; phải thay đổi từ oai nghi này sang oai nghi khác, phải chiến thắng. Còn có những cảm thọ vi tế của hỷ, của lạc, của xả, của thuần tịnh nhất tâm, của không, của thức, của tưởng... phải an trú rồi phải xuất ly như thế nào. Khi tâm đã tịnh định như ngọn Sineru, vắng lặng như đáy biển sâu, trong suốt như pha-lê châu hãy nhìn ngắm sắc thọ tưởng hành thức, nhìn ngắm như thực rồi quan sát mọi duyên khởi một cách trọn vẹn, trạm nhiên và hư tĩnh thì tuệ tri, tuệ giác, tuệ minh sẽ phát sanh. Khi định và tuệ đã được thấy rõ, đã giải thoát toàn vẹn mọi trần cấu, đã được an lập một cách tự tại, đã được thiết định, đã được làm cho thuần thục, đã được kiên trú vững chắc, đã làm cho nhuần nhuyễn... thì hãy sử dụng chúng để hướng tâm thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, biến hóa... không gì là không làm được, không gì là không thành tựu vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người...

Nói vắn tắt như vậy xong, đức Phật biến mất. Vì là bậc trí, Moggallāna thông suốt đạo lộ, ngay tối hôm ấy thôi, ngài chứng đắc đạo quả A-la-hán luôn cả năm thắng trí, năm thần thông vô ngại, là pháp của bậc thượng nhân!

Trong thời gian ấy thì Sāriputta đang ở cùng với đức Phật trong một hang động tịch liêu có tên là Sūkaraleṇa (động Lợn Rừng) nằm ở sườn núi phía nam kinh thành, hằng ngày cùng với ngài đi khất thực mà chẳng được dạy bảo gì cả! Trên đường trì bình hay tại chỗ ngụ cư, bao giờ đức Phật cũng nhàn thoát, tự tại; thỉnh thoảng ngài trú định sâu, khí an tĩnh và mát mẻ tẩm đầy cả hang động. Đôi khi, từ vầng trán của ngài tỏa ra nhiều loại hào quang khác nhau; vài lần, ngài như ngồi trong cả khối châu ngọc. Sāriputta lặng lẽ tu tập, lặng lẽ đi theo, lặng lẽ chiêm ngưỡng và cảm nhận những năng lực, những từ lực, những khí, những thần từ đức Phật tỏa ra nhiếp hóa cả không gian xung quanh. Lại còn những khi đức Phật dẫn Sāriputta lên các ngọn núi phía nam, tây nam; đi loanh quanh các sườn núi tây bắc, nhìn các hang động khác; và bao giờ cũng dừng lại khá lâu ở đỉnh Linh Thứu (Gijjhakūta). Lên cao chút nữa, ngồi ở điểm cao nhất của dãy núi Chanthā, ta có thể nhìn bao quát xuống tận phía nam, những thung lũng trải dài xanh mát và cả kinh đô Rājagaha cổ kính, sầm uất được hai bức tường thành trong, ngoài che chắn, bảo vệ rất kiên cố, vững chãi. Thấy đức Phật lặng yên, tĩnh tại, lúc thì như nhìn ngắm mây trời, lúc thì như đang cảm nhận những làn gió mát mẻ thoảng qua trong không gian trong lành, vô nhiễm và thanh bình, Sāriputta đọc được một phần nào cái tâm của bậc Đại Giác: Người không những đã yên nghỉ trong hạnh phúc vĩnh cửu với từng sát-na dịch biến của thiên nhiên, vạn hữu mà còn phác thảo trong tâm trí những dự định hoằng hóa mai hậu vì lợi ích cho giáo pháp.

Đúng một tuần sau, khi Moggallāna đắc quả A-la-hán luôn cả ngũ thông rồi, đức Phật chợt nói với Sāriputta:

- Moggallāna đã làm xong những việc cần phải làm, còn ông, sao Như Lai không thấy ông “chất vấn” Như Lai điều gì cả?

Sāriputta sợ hãi, quỳ sụp xuống:

- Đệ tử còn quá tối tăm, ngu muội, đâu dám “chất vấn” đức Tôn Sư điều gì!

Đức Phật mỉm cười:

- Không phải thế đâu, này Sāriputta! Như Lai dùng động từ “chất vấn” là có lý do, và cũng rất chính xác đấy, nhà học giả ngôn ngữ ạ! Rồi đức Phật xuống giọng như tâm sự - Ông biết không, trong rất nhiều kiếp quá khứ, đôi khi ông là thầy của Như Lai, nhiều lần Như Lại là thầy của ông, rất nhiều kiếp, chúng ta còn là vua tôi, cha con, huynh đệ và cả bạn hữu nữa! Và lúc nào cũng vậy, chúng ta đều là người hằng thao thức, tầm cầu học hỏi, săn tìm học hỏi cho đến tận cùng; bởi thế, Như Lai luôn luôn chất vấn ông, mà ông cũng luôn luôn chất vấn Như Lai! Ôi, những câu hỏi khó khăn, hóc búa; những câu hỏi có trọng lượng của quả địa cầu; những câu hỏi lạnh buốt cả hư vô, những câu hỏi xuyên sâu, chẻ vụn từng sát-na, từng hạt vi trần! Thế đấy! Nhiều lần, Như Lai đẩy tư duy ông đến tuyệt lộ; và nhiều lần, không kém gì, ông cũng đã làm cho Như Lai toát mồ hôi hột! Ồ, nhân duyên thật là nhiệm mầu, kỳ diệu vậy thay!

Sāriputta lại thưa:

- Quá khứ đã bị che lấp, xin đức Tôn Sư bi mẫn khai hóa!

- Hãy kham nhẫn, này Sāriputta! Kiến thức, sở học của ông không thua gì Như Lai; công hạnh ba-la-mật của ông dẫu chưa toàn hảo, trọn vẹn nhưng cũng đã đủ đầy. Tâm và trí của ông là cả một kho tàng, chỉ cần mở hé cánh cửa là ông sẽ thấy ra toàn bộ. Nhưng nay thì chưa phải thời!

Rồi một tuần sau nữa, đức Phật chợt nói:

- Nầy Sāriputta! Chiều nay, có một du sĩ tu theo Ni-kiền-tử vượt đường xa đến thăm ông đấy!

- Đệ tử có một ông cậu tu theo giáo phái ấy! Ông ta cứng đầu, cố chấp, ngã mạn, lại có tài ngôn ngữ, miệng lưỡi nữa!

- Nhưng mà du sĩ Dīghanakkha biện tài ấy, lần nào tranh luận với ông cũng luận bại chứ đâu có luận thắng, có phải thế không?

- Đức Thế Tôn không có gì là không biết! Sāriputta mỉm cười nhẹ rồi cất giọng tha thiết - Kính xin đức Thế Tôn bi mẫn hóa độ cho ông ấy!

Đúng buổi chiều hôm ấy, du sĩ Dīghanakkha y áo luộm thuộm, râu tóc gió sương tìm đến hang động. Sāriputta rất vui mừng nhưng đã vội giáo đầu và nhắc nhở ngay:

- Liệu hồn cậu đấy, đừng có mà miệng lưỡi xuôi ngược với đức Tôn Sư! Đừng có hòng mà múa rìu qua mắt thợ! Kiến thức và sở học của cậu và cháu cộng lại chỉ là hai hạt bụi so với núi Sineru! Chỉ lắng nghe và học hỏi thôi! Khi một đức Chánh Đẳng Giác đã xuất hiện ở trên đời rồi thì chỉ một lời, một câu của ngài thôi cũng đã đủ cho chúng ta nếm thưởng được hương vị của giáo pháp bất tử!

Và quả thật vậy, tướng hảo quang minh của đức Phật đã hoàn toàn nhiếp phục Dīghanakkha; nhưng tri kiến “Tôi không thích thú cảm thọ” của ông ta có vẻ ngoan cố và cứng đầu. Đức Phật đã nhẫn nại đi lướt qua bốn phạm trù (tứ cú) đưa đến tranh luận, chống đối, nhiệt não cần phải xa lánh, đoạn trừ: Đấy là “Tôi có thích thú cảm thọ, tôi không thích thú cảm thọ, tôi vừa có vừa không thích thú cảm thọ, tôi không có, không không thích thú cảm thọ”! Tất thảy chúng là hý luận, là kiết phược, là não hại. Phải nhận chân như thực rằng: Cả ba loại cảm thọ khổ, lạc, xả đều hữu vi, vô thường, do duyên sanh thì sẽ do duyên diệt. Bậc thánh đệ tử phải xa lánh, yểm ly tất cả chúng, phải giải thoát tất cả chúng không còn dư tàn... Sau thời pháp nói về các cảm thọ (Vedanā) cùng những bám víu, bám giữ, chấp thủ (Pariggaha) chúng như thế nào để sinh ra thọ uẩn (Vedanā-khandha), đánh mất như thực, dẫn đến sai lầm và đưa đến đau khổ thì du sĩ Dīghanakkha đắc quả Tu-đà-hoàn! Sāriputta hầu sau lưng đức Phật, nhờ nhất tâm chuyên chú vào thời pháp nên đắc quả A-la-hán luôn cả bốn tuệ phân tích (tứ vô ngại giải).

Biết người đệ tử mình đã làm xong xuôi bổn phận cuối cùng cũng như Moggallāna trong tuần trước, đức Phật chợt đứng dậy:

- Này Sāriputta! Bây giờ trời còn sớm, chúng ta hãy cùng nhau trở về Trúc Lâm, ở đó còn rất nhiều việc cần phải làm!

Đến bây giờ, Sāriputta chợt hiểu: “Hóa ra, đức Tôn Sư gợi ý cho Moggallāna ẩn tu để đạt quả vị cuối cùng; ngài đột ngột dẫn ta đến biệt trú ở động Lợn Rừng này, đợi chờ nhân duyên khai ngộ cho du sĩ Dīghanakkha và cũng để ta tự thành tựu rốt ráo Phạm hạnh – mà dường như không dạy một chữ, một lời! Sự thấy biết của một đức Toàn Tri Diệu Giác thật bất khả tư nghì vậy”.

Khi về đến Trúc Lâm thì trời đã quá khuya, có một tỳ-khưu tên là Nāgasamāla, được tôn giả Uruvelā-Kassapa chỉ định làm thị giả đón chờ, dẫn đức Phật đến hương phòng của ngài. Tịnh thất đạt yêu cầu: Tinh tươm, sạch sẽ, tiện nghi, rộng thoáng; có cả chỗ rửa chân, tắm giặt và nơi vệ sinh! Tất cả vật liệu như đá chân móng, gạch xây, gỗ lát tường, nền, cửa tre gỗ, mái tranh lá... nhờ còn giữ nét thô mộc nên trông giản dị, đẹp! Hai chùm đèn dầu lạc sáng dịu, một lò trầm chiên-đàn thơm thoảng và ấm áp! Một chiếc sạp tre chân thấp được lót một tấm thảm cỏ thơm. Một tọa cụ được đan bện nhiều lớp mây sợi công phu được đặt trên một hộp gỗ vuông vức... “Chà! Đức Phật tấm tắc ngợi khen - Người thiết kế hương phòng cho Như Lai phải là bậc thầy về nghệ thuật kiến trúc!”

Tỳ-khưu thị giả Nāgasamāla mang nước rửa chân, khăn ấm rửa mặt, sau đó trình cho đức Phật biết là quy mô xây dựng toàn bộ khuôn viên Trúc Lâm đang từng bước hoàn thiện, có lẽ sẽ xong trước an cư mùa mưa chừng mươi ngày.

Đêm đầu tiên, trong bao nhiêu năm nay, đức Phật được nghỉ ngơi trong một tịnh thất đẹp đẽ và sang trọng nhất! Cả gần hai ngàn tỳ-khưu mà đâu đó lặng như tờ, khá khen thay là sự giáo hóa của các vị trưởng lão!

Chiều hôm sau, đức Phật cho thông báo một cuộc họp rộng rãi, có đầy đủ các vị trưởng lão và gần hai ngàn vị tỳ-khưu; rồi ngồi trên một pháp tòa cao, có thể quán xuyến hết thảy hội chúng; ngài cất giọng phạm âm với tám tuyệt hảo (Lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động) không ai là không nghe:

- Nầy các thầy tỳ-khưu! Muốn cho giáo pháp có thể phát triển vững mạnh, lan xa nhiều quốc độ, giáo hội cần thiết phải có hằng ngàn vị thánh vô học, hàng ngàn vị thánh hữu học, hàng ngàn vị có đời sống thanh cao, phạm hạnh, hiểu biết giáo pháp, rành thông uy nghi, phép tắc, các điều học; nghĩa là đầy đủ minh, tuệ, hạnh, giới... Vào buổi đầu, ngay tại cơ sở đầu tiên này, nhân lực của giáo hội tương đối đã đáp ứng được chừng một, hai phần yêu cầu. Trong tương lai sẽ có nhiều nhân vật ưu tú thuộc nhiều thành phần giai cấp khác nhau xuất hiện. Và họ đã bắt đầu xuất hiện. Hôm nay, Như Lai sẽ giới thiệu hai nhân vật quan trọng, họ là những tinh hoa ưu tú trong những người ưu tú, đó là Upatissa và Kolita, tức là Sāriputta và Moggallāna! Như Lai tuyên bố rằng, họ là hai cánh tay mặt và tay trái của Như Lai, là trưởng tử của Như Lai, được sinh ra từ cửa miệng của Như Lai, được sinh ra bởi giáo pháp của Như Lai! Kể từ bây giờ, Sāriputta và Moggallāna là hai trợ thủ đắc lực của Như Lai, được quyền thay mặt Như Lai để giải quyết mọi lãnh vực thuộc Phật sự và tăng sự; thỉnh thoảng hỗ trợ Như Lai để giáo giới chư tỳ-khưu trẻ, giáo giới hai hàng cư sĩ áo trắng. Sāriputta và Moggallāna thật xứng đáng là hai vị đại đệ tử của Như Lai, Như Lai trân trọng tuyên bố như vậy!

Đức Phật vừa nói xong, đại chúng xôn xao bàn tán. Có nhiều cuộc tranh luận nho nhỏ đâu đó xảy ra, nhóm nầy và nhóm khác. Người ta không hiểu tại sao, đức Phật không dành địa vị tối thắng, cao trọng nầy cho các vị trưởng lão tuổi cao, đức lớn như nhóm năm ngài Koṇḍañña? Nhóm năm mươi lăm người của ngài Yasa? Nhóm ba mươi vị vương tử dòng Kosala? Nhóm ba tôn giả Kassapa tuổi lớn, trí hạnh đầy đủ mà cả ngàn đồ chúng của họ xem như vị thần? Tất cả các vị ấy đều xứng đáng bước vào hàng thượng thủ, đại đệ tử! Còn hai vị mà đức Phật trân trọng giới thiệu thì họ vừa mới chân ướt chân ráo bước vào giáo hội, chưa có công đức gì, chưa có danh vọng và uy tín gì, lại còn thuộc vào hàng trẻ tuổi, mới đến Trúc Lâm chỉ vừa đúng nửa tháng!?

“Ồ! Chẳng lẽ nào một đức Chánh Đẳng Giác lại còn có tâm thiên vị!?”

Đức Phật hướng tâm, biết tâm của đại chúng, ngài liền giải tan mối nghi:

- Nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai không hề thiên vị! Như Lai làm vậy là do sự thấy biết của Như Lai! Các thầy vì không thấy biết nên đã hiểu lầm Như Lai một cách đáng tiếc!

Để cho hội chúng yên lặng trở lại, đức Phật hỏi nhóm năm ngài Koṇḍañña:

- Hãy nói đi! Hãy xác chứng cho Như Lai! Trong một kiếp quá khứ, các ông là nông dân, khi cúng dường vật thực chín lần trong mùa gặt lên một vị Chánh Đẳng Giác, các ông đã phát nguyện những gì dưới chân đức Thế Tôn ấy?

Nói thế xong, đức Phật biết năng lực túc mạng thông của Koṇḍañña còn yếu, không đủ sức thấy biết quá khứ xa xôi như vậy, ngài bèn nhập định, hỗ trợ cho ông. Quả nhiên, chỉ vài khắc sau, Koṇḍañña quỳ xuống:

- Đệ tử thấy rồi, bạch đức Tôn Sư! Cả chín lần cúng dường, cả chín lần phát nguyện, chúng đệ tử chỉ xin được chứng quả vị cao nhất, đầu tiên, và cũng làm những đệ tử đầu tiên của đức Phật Sākya Gotama!

Quá khứ lâu xưa đã được vén lên, đã được một vị thánh trưởng lão uy tín xác nhận. Đức Phật lại quay sang hỏi tôn giả Yasa và nhóm bằng hữu:

- Còn các vị, nhất là Yasa, ông đã đắc túc mạng thông; hãy cho Như Lai biết, trong quá khứ, có khi nào ông phát nguyện sẽ được làm đại đệ tử của một vị Phật?

- Dạ thưa không, bạch đức Tôn Sư! Tôn giả Yasa mau mắn đáp - Từ xa xưa, đệ tử đã có duyên gặp đươc các đức Chánh Đẳng Giác Sumedha, Siddhattha, Kassapa chỉ nguyện được sống đời giác ngộ, giải thoát bên chân một vị Phật mà thôi!

Đức Phật chưa hỏi mà tôn giả Uruvelā-Kassapa đã đại diện mọi người, tiếp lời:

- Không có ai cả đâu, bạch đức Thế Tôn! Cho đến hai mươi chín đại kiếp trước, trước đại kiếp nầy, trong nhóm vương tử Kosala hoặc trong hội chúng của con, chẳng ai có thể có khả năng làm đại đệ tử cả! Đại nguyện cũng không mà sở học, sở hành, sở tu thì quả thật chưa đủ! Đệ tử dù thắng trí giới hạn nhưng cũng thấy rằng hiền giả Sāriputta, đúng là bậc Tối Thượng Thanh Văn, không chỉ lậu hoặc đã tận, trí hạnh đủ đầy mà còn chứng đắc trọn vẹn catupaṭisambhidappabheda (tứ vô ngại giải); Moggallāna cũng thế, một bậc Tối Thượng Thanh Văn thứ hai, đã chứng đắc chaḷabhiññā (lục thông). Cả hai thành tựu ấy thật khó được, thật là vô lượng công phu tu tập, không chỉ trải qua vài vị Phật mà thôi đâu, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật mỉm cười:

- Ông đã nói đúng, đã thấy đúng, này Kassapa! Không chỉ hai mươi chín đại kiếp trước đâu! Cả Sāriputta và Moggallāna đã phát nguyện tu tập mười ba-la-mật tính đến nay đã trải qua một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trái đất rồi! Chính ba-la-mật của ông cũng còn thiếu cả một a-tăng-kỳ, so với hai vị kia đấy, ông phải biết như vậy!

Sau khi tôn giả Kassapa trình bày, đức Phật xác nhận rồi giải minh thêm, cả hội chúng ai cũng nhìn Sāriputta và Moggallāna với sự kính trọng và ngưỡng mộ. Đức Phật còn biết hội chúng muốn nghe chuyện quá khứ của hai vị đại đệ tử, nên ngài hoan hỷ kể chuyện đã xa mù trong ký ức tiền kiếp:

“- Cái gì cũng có nhân, cũng có duyên, này các thầy tỳ-khưu! Nay Như Lai sẽ kể chuyện quá khứ của Sāriputta và Moggallāna một cách vừa đủ để cho các thầy thấy rõ nhân, thấy rõ duyên mà tu tập. Cách đây một a-tăng-kỳ và trăm ngàn đại kiếp, có một vị Chánh Đẳng Giác hiệu là Anomadassī xuất hiện trên thế gian; ngài có hai vị đại đệ tử, thượng thủ, xuất sắc làm cánh tay mặt, tay trái rất đắc lực!

Thuở ấy có một trưởng giả hào phú, tên là Nārada, sau khi cha mẹ qua đời, cảm thấy tiền bạc, của cải tợ phù vân, lạc thú ngũ dục vui ít, khổ nhiều nên đã bố thí tất cả tài sản, vào rừng xuất gia làm đạo sĩ. Nhờ tinh cần tu tập nên Nārada đắc được các định và có một số năng lực thần thông, môn sinh đệ tử rất đông đảo. Đạo sĩ Nārada có một người bạn thân, là điền chủ Sirivaddhaka giàu có, cũng là người hằng tâm hằng sản: Ngôi nhà của ông là giếng nước giữa ngã tư đường cho các tu sĩ, đạo sĩ, cho những người nghèo khó. Cả hai rất thân với nhau. Sirivaddhaka cũng muốn từ bỏ tất cả để xuất gia như bạn mình, nhưng Nārada khuyên là chưa nên, hãy ở nhà làm các công đức, vì chính ông, tuy đắc định, có nhiều năng lực nhưng bài toán sinh tử vẫn chưa giải quyết được, khổ đau và phiền não vi tế vẫn còn ngủ ngầm ở bên trong!

Hôm kia, đạo sĩ Nārada, nhờ thiên nhãn, thiên nhĩ nên biết trong quốc độ đã có một vị Phật, một vị Chánh Đẳng Giác vừa mới ra đời, ngài có hiệu là Anomadassī! Toàn thân ông chợt rúng động! Ông tự nghĩ: ‘Định nầy, các năng lực này, tuy là thắng trí nhưng nhất định chưa phải là trí tuệ, ta phải đi bái yết đức Phật ấy, vị Chánh Đẳng Giác ấy để nhờ vào sự khai hóa của ngài!’

Đức Phật Anomadassī hướng tâm, biết tâm nên đã từ hư không xuất hiện ngay ở trước mặt với dung sắc chói sáng ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp! Đạo sĩ Nārada biết ngay đấy là ai, quỳ xuống đảnh lễ rồi lấy tọa cụ của mình đặt trân trọng dưới gốc cây, nơi một đám đất cao ráo rồi thỉnh đức Thế Tôn an ngự. Việc vừa xong thì phía hai bên đức Phật hiện ra hai vị sa-môn với mỹ mạo trang nghiêm thù thắng thế gian khó bì! Đức Phật Anomadassī mỉm nụ hoa sen nói:‘Đấy là hai đại đệ tử của Như Lai!’ Đạo sĩ Nārada tức tốc gọi đệ tử tìm kiếm hai tấm tọa cụ khác đặt ở hai bên đức Chánh Đẳng Giác rồi thỉnh hai ngài an tọa. Ngước lên, đạo sĩ Nārada ngạc nhiên đến sửng sốt: Cả hằng ngàn sa-môn y áo vàng rực, không biết xuất hiện từ bao giờ đang đứng đầy đặc cả khu rừng! May mắn thay, đạo sĩ cũng có hằng ngàn đệ tử nên việc chuẩn bị tọa cụ cho chư vị thánh tăng giáo đoàn không đến nỗi khó khăn lắm...

Rồi bằng tất cả tấm lòng thành, tự thân đạo sĩ mang nước rửa chân, nước rửa tay, sau đó dâng cúng những trái cây ngon lành nhất vào bát cho đức Thế Tôn. Cả hằng ngàn đệ tử của ông, thấy sự cúc cung tận tụy của thầy mình như thế nên cũng hoan hỷ phục vụ tương tợ đến đoàn sa-môn rất chu đáo. Khi đức Thế Tôn, hai vị đại đệ tử và giáo đoàn yên lặng thọ thực, đạo sĩ quan sát và chợt phát giác một điều: Chỗ ngồi của đức Thế Tôn ngang bằng hai vị đại đệ tử; và chỗ ngồi của thánh chúng xung quanh, có nhiều nơi lại cao hơn! Lại nữa, tất cả tọa cụ đều đã cũ rách, có nhiều tấm lấm đất lấm bụi thật không xứng đáng cho một cuộc tiếp đón trân trọng, không tương hợp chỗ ngồi của chư vị thánh nhân! Thế rồi, đạo sĩ sai bảo đệ tử vào rừng kiếm hoa, hoa cho thật nhiều; còn đích thân ông, sử dụng thần thông làm cho tọa cụ của đức Tôn Sư cao lớn như một bảo tọa có các diềm tua châu ngọc. Hai vị đại đệ tử cũng hai bảo tọa trân trọng như vậy nhưng thấp hơn bằng nửa hắc tay([1]). Hằng ngàn bảo tọa khác thấp hơn bảo tọa của hai vị đại đệ tử. Khi chúng đệ tử mang hoa về, đạo sĩ sai rải đầy tất cả xung quanh chỗ ngồi của các ngài... Khi công việc xong xuôi, đạo sĩ Nārada quỳ xuống:

- Chúng đệ tử ở rừng sâu, không biết lấy gì để cung nghinh, đón tiếp và cúng dường đến đức Thế Tôn và thánh chúng, vậy xin ngài bi mẫn hỷ xả!

Đức Phật nói:

- Cung nghinh như vậy là cung nghinh đệ nhất, cúng dường như vậy là cúng dường đệ nhất, quả báo của công đức này thì vô lượng nhân thiên cũng không bì được! Ông và chúng đệ tử hãy hoan hỷ đi, này Nārada!

Nārada hỷ lạc dâng đầy cả chân tơ kẽ tóc, thưa tiếp:

- Xin đức Thế Tôn hãy ban bố cho chúng đệ tử một thời pháp!

Vì muốn thử lòng đạo sĩ Nārada nên đức Phật nói:

- Giờ này không phải thời, này Nārada! Giờ này là thời mà Như Lai và đệ tử của Như Lai an nghỉ trong định diệt thọ, tưởng!

Thế rồi, tất cả như một rừng đại định. Đạo sĩ Nārada tức khắc sử dụng thần thông biến hóa ra một chiếc lọng tua vàng rồi nghiêm cẩn đứng hầu che cho đức Thế Tôn. Vì định này là định kéo dài suốt bảy ngày đêm nên đạo sĩ Nārada cũng không ăn, không uống, không ngủ nghỉ cũng suốt bảy ngày, bảy đêm như thế để che sương đỡ nắng cho đức Thế Tôn!

Xả định, đức Phật sai hai vị đại đệ tử thay nhau thuyết pháp đến cho hội chúng, mặc dầu với ngôn ngữ lưu loát, trong sáng, dễ hiểu, dễ nghe... nhưng chẳng ai đắc quả vị gì cả. Đến phiên đức Phật thuyết thì toàn bộ đệ tử của đạo sĩ Nārada đều Nhập lưu hoặc đạt quả cao nhất! Riêng đạo sĩ Nārada thì không đắc gì cả, vì khi ấy, ông đang chăm chú nhìn vị đại đệ tử tay phải, và hoàn toàn bị lôi cuốn bởi oai tướng, ngôn ngữ biện tài lưu loát và phong cách của vị ấy!

Thời pháp xong, đạo sĩ Nārada thưa hỏi:

- Nhân duyên tu tập như thế nào mới có khả năng thành tựu địa vị ưu thắng của một vị đại đệ tử, như vị đại đệ tử ngồi bên phía tay mặt của đức Thế Tôn?

- Cũng lâu lắm, cũng trường kỳ tu tập mới đạt được! Đức Phật bi mẫn nói - Này Nārada! Vị trợ thủ đắc lực ấy của Như Lai phải thực hành ba-la-mật trải qua một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp quả địa cầu đấy! Hiện tại, trên châu Diêm-phù-đề nầy, ông ta được xem là đệ nhất về trí tuệ phân tích, biện tài vô ngại! Ngoài ra, các trí và hạnh khác, ông ta được xem là gần ngang bằng với Như Lai đấy!

Đạo sĩ Nārada quá ngưỡng mộ, bèn quỳ sụp bên chân đức Phật Anomadassī: ‘Tất cả công phu tu tập của đệ tử, tất cả công đức được hầu hạ đức Thế Tôn hôm nay, đệ tử xin được phát đại nguyện trở thành một vị đại đệ tử của một đức Chánh Đẳng Giác ngày vị lai, xin đức Tôn Sư chứng minh!’

- Ông sẽ được như nguyện! Đức Phật nói - Vậy thì trải qua một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp quả địa cầu, tại châu Diêm-phù-đề, sẽ có một vị Chánh Đẳng Giác ra đời, ngài có hiệu là Sākya Gotama, ông sẽ là đại đệ tử cánh tay mặt của vị ấy!

Sau cuộc tiễn đưa, đạo sĩ Nārada vận thần thông lực, tìm ngay bạn mình là điền chủ Sirivadhaka, kể lại mọi nhân duyên kỳ diệu rồi khuyên bạn mình là phải thỉnh đức Phật và thánh chúng để làm phước lớn, cúng dường lớn... Thế là, điền chủ Sirivadhaka cúng dường trọng thể đến đức Phật và thánh chúng trọn bảy ngày rồi xin phát nguyện được làm vị đại đệ tử tay trái của đức Phật Sākya Gotama thời hậu lai, ngoài trí và hạnh ưu thắng, ông ta là bậc có thần thông đệ nhất trong giáo hội, chẳng ai bì được”.

Đức Phật thuyết xong, cả hội chúng im lặng như tờ! Các vị thánh nhân đắc quả cao nhất và có thần thông họ cũng không có thể thấy biết nhân duyên, nhân quả lâu xa như thế! Các vị mới vào dòng hoặc sơ tu thì thấy rõ sự kỳ diệu của đạo lộ tu tập, họ lại càng thâm tín với giáo pháp hơn. Đức Phật kết luận:

- Thế là Như Lai đã không có thiên vị, phải không? Ai với phẩm vị nào, với lời nguyện nào từ quá khứ thì Như Lai đã đặt đúng phẩm vị của vị ấy, đúng với lời nguyện của vị ấy không hề sai lệch vậy!

Sự giải minh của đức Toàn Tri Diệu Giác không có chỗ cho một hạt bụi hoài nghi nào bám dính vào! Địa vị của hai vị đại đệ tử vậy là đã được thiết lập vững chắc trong giáo hội và nhất là trong lòng tin của đại chúng.

Đại tịnh xá Trúc Lâm (Veḷuvanārāma) thế là đã hoàn tất như quy mô dự định của đức vua Seniya Bimbisāra. Tuy nhiên, gần đến ngày an cư mùa mưa, các vị tân tỳ-khưu vừa mới xuất gia ở nhiều nơi, phát sanh từ các phái đoàn truyền giáo, ai cũng muốn chiêm ngưỡng đức Thế Tôn nên lũ lượt tìm về. Hai ngàn cốc liêu thế là không đủ vào đâu cả! Vấn đề tưởng là khó khăn nhưng hóa ra vô cùng đơn giản. Tôn giả Uruvelā-Kassapa hội ý với hai em là chỉ nên giữ lại các đệ tử lớn, các tỳ-khưu biết đảm đang công việc, biết chăm lo các chỗ ăn ở, nước nôi, vệ sinh chỗ này chỗ kia, còn ngoài ra nên tự lực di trú đến các ngôi làng, các khu rừng, núi đồi gần đây có khá nhiều hang động có thể tĩnh cư được, nhường chỗ cho những người mới đến!

Hai vị đại đệ tử vừa được tấn phong, luôn được đức Phật gọi vào dạy dỗ việc này việc kia. Các thời pháp của đức Thế Tôn giảng nói hằng ngày cho chư tăng hoặc tại gia cư sĩ, cả hai vị đều lắng nghe không bỏ sót một buổi nào!

Hôm kia, đức vua Seniya Bimbisāra cho làm lễ khánh thành để dâng cúng toàn bộ công trình xây dựng Trúc Lâm lên đức Phật và tăng chúng. Ông đã tổ chức rất long trọng. Dường như tất cả giáo phái chủ, giáo phái sư, chủ ngân hàng, chủ nghiệp đoàn, đại thương gia, hào phú, nhân sĩ, trí thức... của kinh đô đều được mời đến. Riêng giới hoàng gia, quý tộc, quan lại, tướng lãnh, chiến sĩ... phải được xem như là bổn phận của mình, phải biết đóng góp tiền của hoặc công sức cho công trình vĩ đại ấy!

Dịp này, đức vua và triều đình đặt bát cúng dường bảy ngày; và suốt sáu ngày, tại đại giảng đường vừa mới khánh thành, đức Phật ban bố những thời pháp “thuận thứ” đến cho hai hàng cư sĩ áo trắng; chiều tối, ngài lại giáo giới chư tăng. Riêng ngày thứ bảy, đức Phật lại giao phó cả hai thời pháp ấy cho tôn giả Sāriputta đảm trách, có lẽ ngài muốn giới thiệu rộng rãi vị đại đệ tử ưu tú mà chưa ai rõ tầm vóc trí tài như thế nào!

Là bậc đại trí tuệ, đã đắc tứ vô ngại giải, mặc dầu cận kề đức Phật với thời gian rất ngắn nhưng tôn giả Sāriputta nắm bắt đại cương và chi tiết giáo pháp rất nhanh, lại còn có khả năng triển khai rộng rãi chúng nữa tùy căn cơ và đối tượng! Lại nữa, tôn giả Sāriputta đã quen làm trưởng giáo, quen giáo huấn môn đệ; ngôn ngữ, văn phạm, cú pháp lại đều làu thông từ thuở thiếu niên nên việc thuyết giảng trước hội chúng, thâu nhiếp hội chúng, quả thật là không mấy khó khăn! Thời pháp buổi chiều, tôn giả đã làm cho giới tại gia cư sĩ hoan hỷ, tín phục, xúc động; thời pháp buổi tối, không những các vị tân tỳ-khưu thích thú, phỉ lạc dâng đầy mà các hàng tôn túc trưởng lão cũng vô cùng mát mẻ, thỏa dạ, bội phục. Và ai ai cũng cảm nhận được rằng: Ngôn ngữ lưu loát, sống động, những ví dụ cụ thể, phong phú của tôn giả đã làm cho họ thấy hiểu giáo pháp sâu thêm, rộng thêm từ những điểm quá cô đọng của đức Tôn Sư! Và chỉ có đức Phật là không ngạc nhiên gì cả, lúc nào ngài cũng xuất hiện đúng lúc để xác định với hội chúng rằng: “Như Lai đã từng tuyên bố là Sāriputta và Moggallāna được sinh ra từ cửa miệng của Như Lai, từ giáo pháp của Như Lai; bây giờ điều ấy đã được khẳng định có da, có thịt, có xương, có tủy, có phải thế không!”




(1) Hắc tay (hattha): Đơn vị đo lường, tính từ khủy cánh tay ra tới đầu ngón tay giữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2013(Xem: 5771)
Đạo Phật có sứ mệnh đem ánh sáng của Trí Tuệ và Tình Thương đến với muôn loài chúng sanh. Ánh sáng của tinh tú, của mặt trời. mặt trăng giúp cho con người thoát khỏi cảnh tối tăm mờ mẫm ...
01/04/2013(Xem: 8001)
“ Đức Phật dạy chư tỳ kheo có bổn phận suy xét hằng ngày 4 điều: Ân đức Phật, rãi tâm từ, niệm sự chết và quán bất tịnh!”. Hành giả cần phải: Hành 14 giờ chính thức mỗi ngày bằng thiền, trong tư thế ngồi và đi ...
01/04/2013(Xem: 3533)
Thế giới mà chúng ta đang sống luôn luôn nảy sinh những tranh chấp và bất ổn. Trong quá khứ đã từng xảy ra không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc, đẫm máu, làm thiệt hại vô số sinh mạng và tài sản. Hiện nay, tuy tình hình có hơi lắng dịu và hòa hoãn, nhưng chưa phải đã hoàn toàn ổn định.
29/03/2013(Xem: 3936)
Trước đây nhiều học giả Tây phương nghĩ rằng nhân quyền được quy định trong Hiến Pháp của các quốc gia và luật quốc tế của Liên Hiệp Quốc từ sau Thế Chiến II đều bắt nguồn từ truyền thống Âu Mỹ với luật Dân Quyền Anh Quốc năm 1689
20/02/2013(Xem: 5289)
Bertrand Arthur William Russell (1872-1970) là một triết gia, nhà lôgic học, nhà toán học người Anh của thế kỷ 20. Ông sinh trưởng trong một thời đại vừa có nhiều thành tựu rực rỡ từ những phát kiến khoa học kĩ thuật đi đôi với nhận thức ngày càng phong phú và vượt bậc của con người, vừa nhuốm màu đen tối thê lương từ hai cuộc đại thế chiến, bầu khí tôn giáo nặng nề, thảm trạng bất công và nghèo đói…
20/01/2013(Xem: 5722)
Hội đàm Tâm thức và Đời sống (Mind and Life) lần thứ 25 về chủ đề “Tâm thức, Bộ não và Vật chất- các đàm luận giữa tư tưởng Phật giáo và Khoa học” diễn ra tại tự viện Drepung ở Mundgod, karnataka, Ấn Độ từ ngày 17 đến 22
17/01/2013(Xem: 3584)
Khó khăn trong việc phát triển một mô hình lý thuyết cho Phật Giáo trong việc tham gia với các vấn đề xã hội đương đại bắt nguồn từ chính bản chất của Phật giáo như là một luận cứ bản thể học hướng đến sự cứu rỗi cá nhân thông qua sự chuyển đổi bên trong. Đó là luận điểm của tôi, tuy nhiên, khái niệm về lòng vị tha đó có thể trở thành cơ sở của một lý thuyết Phật giáo về sự Công bằng xã hội mà không gây nguy hiểm cho tâm điểm của Phật giáo về việc tự độ.
17/01/2013(Xem: 5249)
Trong hiện đời này, chúng ta phát tâm Bồ-đề hành Bồ-tát đạo nhằm mục tiêu xây dựng tương lai tươi sáng trong Phật pháp, hoặc xây dựng con đường đi về Tịnh độ của chư Phật, hay về Niết-bàn. Còn chúng ta xây dựng tương lai ở trần gian trong cuộc đời giả tạm này thì có sanh có diệt, chúng ta làm gì thì cuối cùng cũng hoàn không. Vì vậy, chúng ta không bận tâm đến xây dựng tương lai trong cuộc đời, mà lo xây dựng tương lai trong Phật pháp và nếu chúng ta thành công, tạo được tương lai tươi sáng trong Phật pháp thì cuộc đời này cũng sẽ tốt đẹp theo, vì chánh báo của chúng ta ở đâu thì y báo ở đó. Cho nên, lo xây dựng tương lai là xây dựng chánh báo, vì chánh báo xấu thì y báo không thể tốt đẹp.
28/12/2012(Xem: 15053)
Nguyên tác Hoa ngữ của “66 cầuthiền ngữ” này là “Lục thập lục điều kinhđiển thiền ngữ” (六十六條經典禪語),có nghĩa là “66 câu thiền ngữ trong Kinhđiển [Phật giáo]”, được phổ biếntrên internet vào khoảng năm 2004. Bản dịch tiếng Việt được phổ biến năm 2010,có tựa đề là “66 cầu làm chấn động thiền ngữ thế giới” hoặc “66 câu Phật họclàm chấn động thiền ngữ” đều không chuẩn với nguyên tác Hoa ngữ, đồng thời, đãthêm cụm từ “chấn động thế giới” và tỉnh lược từ “kinh điển”.
13/12/2012(Xem: 9469)
Chúng tôi nghĩ chúng tôi vừa trả lời điều ấy! Về mặt khác, chúng tôi không có câu trả lời đặc biệt đến câu hỏi của bạn. Tuy thế, chuyển hóa thái độ tinh thần là nhiệm vụ chính của chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể hoàn thành điều này: Làm thế nào chúng ta có thể mang việc làm này về trong gia đình và trường học?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]