Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Thành phố thiếu bóng cây xanh

04/07/201220:14(Xem: 9318)
Chương 8: Thành phố thiếu bóng cây xanh
HƯỚNG ĐI CỦA ĐẠO BỤT
CHO HÒA BÌNH VÀ MÔI SINH
Thích Nhất Hạnh

Phần 2: Tình thương bằng hành động

Chương 8
Thành phố thiếu bóng cây xanh


Chúng ta hãy thử tưởng tượng một thành phố chỉ có độc nhất một cái cây. Chắc chắn những người sống trong thành phố đó đều bị bệnh tâm thần vì họ không còn được sống gần gũi thiên nhiên. Biết được điều đó, một bác sĩ đã trao cho họ một toa thuốc: “Quý vị bệnh là vì quý vị đã sống xa rời thiên nhiên. Bây giờ mỗi sáng quí vị nên đón xe buýt đi vào thành phố, đến gần cái cây xanh kia và thiền ôm với nó trong vòng mười lăm phút. Hãy thưởng thức cho hết lòng màu xanh tươi mát của lá cây và hương thơm ngào ngạt của vỏ cây”.

Sau ba tháng thực hành như thế các bệnh nhân đều cảm thấy khỏe hơn nhiều. Số người đứng sắp hàng để được đến gần cái cây và ôm cái cây tăng vọt lên mỗi ngày, vì hầu như ai cũng có căn bệnh giống nhau nên bác sĩ cho toa giống nhau. Hàng người đứng chờ dài hơn cả dặm nên bệnh nhân bắt đầu mất kiên nhẫn. Mỗi người chỉ được ôm cái cây trong vòng mười lăm phút thôi mà ai cũng thấy quá lâu. Cho nên hội đồng thành phố phải ra luật là chỉ được ôm tối đa là năm phút thôi. Sau đó lại phải hạ xuống chỉ còn một phút, và sau nữa chỉ còn vài giây. Cuối cùng thì không còn phương thuốc nào để cứu chữa cho tất cả các bệnh tật.

Nếu ta vẫn sống không có chánh niệm thì thế nào ta cũng rơi vào tình trạng nói trên. Ta nên nhớ là thân thể của ta không phải chỉ là những thứ nằm dưới lớp da này, thân thể của ta lớn hơn thế rất nhiều. Ta cũng biết rằng nếu trái tim ta ngừng đập thì ta sẽ chết, nhưng ta thường không để tâm đến nhiều thứ khác ngoài ta cũng rất quan trọng cho sự sống còn của ta. Nếu tầng ozon quanh trái đất này biến mất chỉ trong một lát thôi thì ta cũng sẽ chết. Nếu mặt trời ngừng hoạt động thì tất cả mọi sự sống cũng sẽ ngừng theo.

Trong khi tọa thiền, ta thử để hết tâm ý vào trái tim:

Thở vào, tôi ý thức về trái tim tôi

Thở ra, tôi mỉm cười với trái tim tôi.

Ta sẽ nhận thấy rằng không phải ta chỉ có một trái tim duy nhất trong cơ thể ta, mà ta còn có nhiều trái tim khác nữa. Mặt trời cũng là trái tim của ta. Nếu trái tim ta ngừng đập thì ta sẽ chết ngay. Nhưng nếu mặt trời nổ tung hay ngừng hoạt động thì ta cũng sẽ chết lập tức. Mặt trời là trái tim thứ hai của ta, trái tim nằm ngoài cơ thể ta. Mặt trời giúp cho mọi sinh vật trên trái đất có đủ nhiệt lượng để mà sống. Cây cối sống được là nhờ mặt trời. Những chiếc lá hấp thụ năng lượng mặt trời cùng với khí CO2 tạo ra thức ăn cho cây, cho hoa và cho phiêu sinh vật (planktan). Nhờ có cây cối, chúng ta và các loài động vật khác mới có thể sống được. Không có loài sinh vật nào trên trái đất mà không cần đến mặt trời dù trực tiếp hay gián tiếp. Ta không thể nào nói hết được tất cả những lợi ích mà mặt trời ban tặng cho ta. Khi ta hiểu được như vậy, ta sẽ dễ dàng vượt thoát được cái nhìn lưỡng nguyên giữa ngã và vô ngã, và ta thấy ta có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ môi trường vì môi trường chính là chúng ta.

Khi nhìn vào rổ rau xanh, ta biết rằng không phải chỉ có rau mới xanh mà mặt trời cũng xanh. Mặt trời đã làm nên màu xanh của lá. Không có mặt trời thì không có một loài sinh vật nào trên trái đất có thể sống được. Không có mặt trời, không có nước, không có không khí, không có đất đai thì rau quả cũng không thể mọc được. Tất cả những nhân duyên xa gần đều có mặt để làm nên rau quả. Không có hiện tượng nào trong vũ trụ mà không liên quan mật thiết đến chúng ta, từ một hạt sỏi nằm dưới lòng đại dương cho đến sự vận chuyển của hàng triệu tinh hà cách đây hàng triệu năm ánh sáng. Tất cả mọi hiện tượng đều tương quan tương duyên với nhau. Khi nghĩ đến một hạt bụi, một đóa hoa hay một người nào đó, ta thường bị kẹt vào ý niệm có một cái ngã thường hằng bất biến. Ta chia ranh giới giữa cái một và cái tất cả, giữa cái này và cái kia. Nếu ta thấy được mối tương duyên giữa con người, hạt bụi, và đóa hoa ta mới hiểu rằng cái hợp nhất được làm ra từ những cái dị biệt, cái này không thể có nếu cái kia không có. Cái một là cái tất cả và cái tất cả là cái một, mọi cái đều tương tức với nhau.

Nếu ta là người thích leo núi, thích sống ở miền quê, hay trong rừng cây yên tĩnh, ta sẽ hiểu rằng cây xanh là buồng phổi thứ hai của ta. Ta có thể hiểu như vậy nhưng ta vẫn không ngừng được sự đốt phá hàng triệu mét vuông đất rừng, làm ô nhiễm không khí, làm chết các dòng sông và hư hoại các tầng ozon. Ta chỉ biết giam mình trong cái ngã nhỏ bé với những tiện nghi riêng tư mà không để tâm đến những mất mát lớn lao hơn. Nếu ta muốn thay đổi tình trạng hiện nay, ta phải bắt đầu với chính chúng ta, ta phải thấy được mình cũng là rừng cây, là không khí, là dòng sông, là tầng ozon.

Nếu thấy được mình là rừng cây, ta mới cảm được niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của cây rừng. Nếu ta không cảm được như vậy, rừng cây sẽ chết và ta sẽ mất đi cơ hội được sống với rừng cây, và ta sẽ mất sự bình an. Khi ta thấy được ta và cây xanh có liên hệ mật thiết với nhau, ta mới biết cách chăm sóc cây xanh. Cây xanh có sống sót được hay không là tùy vào sự hiểu biết của ta. Mấy chục năm vừa qua, khí đốt từ các xe hơi và nhà máy đã tạo ra mưa axit tàn phá rất nhiều cây xanh. Vì ta tương tức với cây xanh cho nên nếu cây xanh không sống sót được thì ta cũng đâu có hy vọng sống sót. Nếu ta hiểu được rằng đất Mẹ là thân thể của ta thì ta mới cảm được những đau nhức mà đất Mẹ đang phải chịu đựng.

Chúng ta đều là con của trái đất, một ngày nào đó ta cũng phải trở về với đất. Đất Mẹ đã sinh ra ta, nuôi dưỡng ta, và cuối cùng sẽ đưa ta trở về với Mẹ. Sự sống là vô thường. Cỏ cây cũng như ta được đất Mẹ sinh ra, sống được một thời gian rồi cũng trở về lại với đất. Khi cây cỏ tan hủy, chúng trở thành phân bón cho rau trái trong vườn. Rau tươi và phân xanh là những phần của một thực tại. Không có cái này thì sẽ không có cái kia. Sau một thời gian chừng vài tháng, phân xanh lại trở thành hoa quả thơm ngon. Cây xanh và đất Mẹ nương vào nhau mà hiện hữu. Nếu cây cỏ xanh tươi thì đất Mẹ cũng xanh tươi, nếu cây cỏ cằn cỗi thì đất Mẹ cũng cằn cỗi. Ta cũng đóng góp một phần vào việc đó.

Rất nhiều sinh vật trên trái đất đã yêu thương ta một cách vô điều kiện. Tiếng chim hót thánh thót cho ta biết bao niềm vui; dòng nước trong, cây xanh mát, không khí trong lành đã tỏ lòng thương yêu ta rất mực mà không hề đòi hỏi ta một điều gì cả. Ta rất cần tình thương đó của vạn vật nhưng ta vẫn tiếp tục hủy hoại phẩm chất của không khí, nguồn nước và cây xanh. Ta cần phải cố gắng hết sức mình để hạn chế tối đa việc gây tổn thương các loài sinh vật khác. Khi làm vườn, ta nên học cách trồng những loại cây giúp ngăn ngừa sâu bọ bên cạnh những loại hoa quả, ngăn ngừa cả nai và thỏ vào phá vườn mà không làm chúng bị tổn thương. Thay vì dùng thuốc trừ sâu làm bằng các chất hóa học, ta có thể dùng thuốc trừ sâu làm bằng những chất liệu thiên nhiên để bảo vệ các loài chim và ong mật. Ta nên luôn tìm cách giảm bớt khổ đau gây ra cho các loài sinh vật khác. Giết hại động vật, tàn phá cây cối và làm ô nhiễm không khí tức là làm hại chính ta. Ta nên học cách thương yêu không điều kiện đối với mọi loài chúng sanh trên trái đất để chúng có cơ hội vui hưởng trọn vẹn đời sống của chúng.

Cây sồi cần được là cây sồi một cách trọn vẹn. Nếu cây sồi không còn là cây sồi thì tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối. Trong những kiếp trước ta đã từng là đá cuội, là mây trời, hay cây cỏ. Cũng có thể ta đã là một cây sồi. Không phải chỉ có đạo Bụt mới nói như vậy mà các nhà khoa học cũng đã xác nhận như thế. Loài người chúng ta mới xuất hiện đây thôi. Trước khi là người, chúng ta đã từng là cây cỏ. Chúng ta phải nhớ quá khứ của mình, nhớ lại những kiếp xa xưa để học bài học khiêm cung từ cây sồi.

Nền sinh thái học của chúng ta phải có chiều sâu và chiều rộng.Tâm thức của ta rất dễ bị ô nhiễm. Ti vi, phim ảnh, sách báo là những phương tiện để học hỏi nhưng cũng dễ trở thành những hình thức đầu độc. Chúng có thể gieo rắc những hạt giống lo âu, giận hờn, sợ hãi, và làm ô nhiễm tâm thức ta. Những thứ này cũng có khả năng tàn hại ta như ta đã tàn hại môi trường qua cách thức nuôi trồng bằng chất hóa học, chặt phá cây rừng và làm ô nhiễm nước sông. Chúng ta cần phải học cách chăm sóc giữ gìn sự lành mạnh của trái đất cũng như chăm sóc giữ gìn sự lành mạnh của tâm thức ta, không thì đời sống của ta sẽ dần dần bị mọi thứ bạo động xâm chiếm.

Ta thường cho rằng loài người là giống thông minh nhưng khi so sánh mình với các loài phong lan hay các loài ốc sên, ta thấy mình chưa thông minh gì lắm. Hoa phong lan biết nở ra những đóa hoa với những đường nét vô cùng tinh xảo và tuyệt mỹ, con ốc sên cũng vậy, biết làm cho mình một cái vỏ ốc thật vừa vặn xinh đẹp. Trước những sáng tạo đầy thẩm mỹ của hoa phong lan cũng như của con ốc sên, ta muốn cúi đầu bái phục; ta cũng muốn chắp tay tỏ lòng ngưỡng mộ cung kính trước các loài bướm đầy màu sắc rực rỡ, trước cây hoa mộc lan tây (magnolia) đang nở hoa thật diễm lệ, sáng rực cả một góc trời. Khi ta biết kính trọng các loài khác, ta làm lớn mạnh những đức tính cao quý trong ta.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/01/2011(Xem: 6611)
“Không có tẩu thoát khỏi sự liên hệ. Trong sự liên hệ đó, mà là cái gương trong đó chúng ta có thể thấy chính chúng ta, chúng ta có thể khám phá chúng ta là gì...
05/01/2011(Xem: 3566)
Nền giáo dục của Đức Phật đứng trên lập trường nhân bản, nêu cao tinh thần tự giác của con người, đó là vấn đề chủ yếu giúp con người đánh thức trí tuệ của mình, biết điều hành được cuộc sống tâm lý và vật lý của chính mình để đạt đến giải thoát và giác ngộ, biết hướng con người thích ứng với môi trường sống trong xã hội tiến bộ, biết sáng suốt nhìn và biết sống như thế nào để đem lại hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng xã hội…
05/01/2011(Xem: 9474)
Hiện đại hoá đạo Phật không có nghĩa là thế tục hóa đạo Phật. Đạo Phật đi vào cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm giảm mất đi những đặc tính siêu việt của nó.
05/01/2011(Xem: 3522)
Dù là thuyết giảng, phân tích hay đàm thoại, đức Phật đều sử dụng một loạt các phương pháp giáo dục thực hành tiêu chuẩn. Ngài nhắm vào trình độ trí thức của người học và tuyên giảng cùng một ý tưởng bằng nhiều phương thức khác nhau tùy theo bản tánh và thể chất của người nghe.
05/01/2011(Xem: 36625)
Từ ngày 6 đến ngày 16 tháng 6 năm 2007 này, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ viếng thăm Úc Châu, đây là chuyến thăm Úc lần thứ năm của Ngài để giảng dạy Phật Pháp. Mọi người đang trông đợi sự xuất hiện của ngài. Bốn lần viếng thăm Úc trước đây đã diễn ra vào các năm 1982, 1992, 1996, 2002, đặc biệt trong lần viếng thăm và hoằng pháp lần thứ tư năm 2002, đã có trên 110. 000 người trên khắp các thủ phủ như Melbourne, Geelong, Sydney, và Canberra đến lắng nghe ngài thuyết giảng để thay đổi và thăng hoa đời sống tâm linh của mình.
04/01/2011(Xem: 51771)
QUYỂN 5 MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI BỐN (Năm 574 trước TL) 91 CÁC LOẠI CỎ Đầu Xuân, khi trời mát mẻ, đức Phật tính chuyện lên đường trở về Sāvatthi. Thấy hội chúng quá đông, đức Phật bảo chư vị trưởng lão mỗi vị dẫn mỗi nhóm, mỗi chúng phân phối theo nhiều lộ trình, qua nhiều thôn làng để tiện việc khất thực. Hôm kia, trời chiều, cạnh một khu rừng, với đại chúng vây quanh, đức Phật ngắm nhìn một bọn trẻ đang quây quần vui chơi bên một đám bò đang ăn cỏ; và xa xa bên kia, lại có một đám trẻ khác dường như đang lựa tìm để cắt những đám cỏ xanh non hơn; ngài chợt mỉm cười cất tiếng gọi:
03/01/2011(Xem: 4849)
Tôi có nhân duyên với Đạo Phật từ khá sớm, hồi còn học trung học vào đầu thập niên 40. Thế Giới ấy đối với tôi là niềm vui thích và tin tưởng càng ngày càng lớn.
02/01/2011(Xem: 8516)
Người xưa nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Con người có mặt trong cuộc sống, ngoài việc phải nắm bắt thời gian, giành lấy thời gian, tận dụng thời gian, làm nhiều việc mang lại lợi ích cho xã hội, ngoài mục đích kéo dài tuổi thọ về mặt thời gian ra, còn cần phải mở rộng phạm vi đời sống, mở mang không gian tâm linh, để bản thân có thể hòa nhập vào nhân quần, hướng về cộng đồng thế giới.
01/01/2011(Xem: 10438)
Ðức Phật là một chúng sanh duy nhất, đặc biệt Ngài là nhà tư tưởng uyên thâm nhất trong các tư tưởng gia, là người phát ngôn thuyết phục nhất trong các phát ngôn viên...
29/12/2010(Xem: 4360)
Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thời đại của nhiều cuộc khủng hoảng to lớn, đương đầu với những thách thức trầm trọng nhất...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]