Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những ưu tư khi người xuất gia phụng dưỡng Cha Mẹ ở chùa.

09/04/201313:28(Xem: 5249)
Những ưu tư khi người xuất gia phụng dưỡng Cha Mẹ ở chùa.

Những ưu tư khi người xuất gia phụng dưỡng Cha Mẹ ở chùa

Do phát xuất từ nhiều lý do khác nhau, có thể do điều kiện thiếu người chăm sóc, do muốn gần Phật, gần chùa, gần chư Tăng, Ni để vun bồi cội phúc… nên đã có nhiều người xuất gia hôm nay đưa cha mẹ vào sinh hoạt, tu học trong chùa…

Phụng dưỡng cha mẹ là hành vi đúng pháp

Theo luật Phật chế và y cứ vào kinh điển, người xuất gia được phép nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Kinh Tiểu Bộ, tập 9, ghi lại câu chuyện hết sức cảm động về hạnh hiếu của người xuất gia (chuyện Hiếu tử Sama, kinh số 540), rằng: "Một người con đi xuất gia vẫn có thể giúp đỡ cha mẹ mình". Ngoài ra, trong luật Ngũ phần và nhiều kinh điển khác, cũng đã ghi lại rất nhiều trường hợp tương tự về hạnh hiếu của người xuất gia.

Phụng dưỡng cha mẹ, nói một cách nôm na là nuôi dưỡng cha mẹ thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần, là điều được Đức Phật xác tín. Trong Tăng Chi Bộ kinh, Phật dạy: "Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha..." (Tăng Chi I, 75).

Tuy nhiên, Tỳ kheo thời Đức Phật không sở hữu tài sản, không có chùa riêng, việc phụng dưỡng cha mẹ trên phương diện vật chất được thực hiện chủ yếu bằng vật phẩm do khất thực trong ngày. Nói cách khác, người xuất gia phụng dưỡng cha mẹ về phương diện vật chất chỉ mang ý nghĩa cung cấp vật thực đủ nuôi sống thân mạng trong một chừng mực nhất định. Đây là một lưu ý quan trọng. Kế đến, chuyển hóa cha mẹ, hướng cha mẹ vào con đường Thánh đạo luôn là mục tiêu hàng đầu của những người con xuất gia khi thực hành hạnh hiếu. Ngay cả bản thân Đức Thế Tôn, độ thoát cho Ma Da phu nhân và vua Tịnh Phạn cũng là một trong những thôi thúc canh cánh bên lòng kể từ khi Ngài đạt được đại ngộ. Lịch sử kinh điển Phật giáo đã ghi nhận rất nhiều điển tích về các Thánh đệ tử trong vấn đề phụng dưỡng này.

Như vậy, xét theo tiêu chí kinh luật, việc nuôi dưỡng cha mẹ, thậm chí đưa cha mẹ vào chùa nuôi dưỡng là đúng pháp, đúng luật. Thế nhưng, khi đưa mẹ vào chùa, người con hiếu đó đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Những thuận lợi và khó khăn khi phụng dưỡng cha mẹ trong chùa

Do phát xuất từ nhiều lý do khác nhau, có thể do điều kiện thiếu người chăm sóc, do muốn gần Phật, gần chùa, gần chư Tăng, Ni để vun bồi cội phúc… nên đã có nhiều người xuất gia hôm nay đưa cha mẹ vào sinh hoạt, tu học trong chùa. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến hiện tượng mang tính tiêu biểu: mẹ của thầy trú trì.


“Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du”, ước mơ sáng tối hầu thăm sức khỏe của cha mẹ, đã trở thành hiện thực cho những thầy trụ trì khi có cha mẹ ở chùa. Chúng tôi cũng được biết và tiếp xúc, có những thầy trụ trì thường sống bên mẹ và quan hệ giữa họ và chúng Tăng cũng như Phật tử thật tuyệt vời. Theo tâm sự của các vị đó, mẹ là người đầu tiên dẫn khởi niềm tin để họ đến với đạo, mẹ là chỗ dựa vững chắc về tinh thần trong bước đường tu tập của họ. Và thậm chí khi họ đã nên người, đã trở thành chỗ dựa của chúng Tăng, thì mẹ vẫn là người tham vấn cho họ trên nhiều phương diện. Trong quá trình tu tập ở chùa, những người mẹ tuyệt vời như thế, do ý thức được bản thân, ý thức được nghiệp cảm của riêng mình, cộng với sự sẻ chia, hướng dẫn cần thiết của thầy trú trì, người mẹ đó đã có những nỗ lực rất lớn trong sự tu tập, trong nỗ lực chuyển hóa bản thân, nên từng bước tạo ra một môi trường sống an lạc khả ái, có điều kiện thăng tiến tâm linh và an hòa với tất cả mọi mối quan hệ hiện tại. Trong thực tế, có rất nhiều vị trú trì đã có được phúc lạc to lớn này.

Thế nhưng, không phải thầy trú trì nào cũng gặp nhiều thuận duyên khi phụng dưỡng cha mẹ trong chùa. Vấn đề bắt đầu nảy sinh trong mối quan hệ với chúng xuất gia trong chùa. Vì lẽ, do thiếu duyên, do hạn chế trong nhận thức, do không y cứ vào kinh luật, do sự lơi lỏng và nếu không nói là thiếu nghiêm minh của vị trú trì, do sự thiên vị hay vị nể của chúng Tăng nên đã xảy ra nhiều hiện tượng, gây nên những hiệu ứng không tốt về hiện tượng người xuất gia nuôi cha mẹ trong chùa.

Theo khảo sát của riêng chúng tôi, dù đó là mẹ của thầy trú trì, nhưng nếu như sống cộng trụ trong chúng, tất sẽ xảy ra những va vấp với chúng Tăng. Có thể, có những va vấp dễ dàng giải quyết, nhưng đôi lúc, đã có những căng thẳng diễn ra giữa chúng Tăng và mẹ của thầy trụ trì và lẽ dĩ nhiên, người đau khổ nhất, ray rứt nhất vẫn là người nuôi dưỡng mẹ, tức là thầy trú trì. Nghe mẹ, la mắng chúng Tăng thì không được và nếu như không nghe, tất mẹ sẽ buồn lòng.

Về phương diện quần chúng, là Phật tử, không phải ai cũng được đọc kinh điển và thấu hiểu điều này, tức người xuất gia cũng được phép phụng dưỡng cha mẹ. Do không hiểu, không cảm thông nên họ đã vô tình tạo nên những áp lực cho thầy trú trì. Cho nên trong thực tế đã từng xảy ra tình trạng khó xử trong quan hệ giữa người xuất gia và cha mẹ như thấy cha mẹ quá khổ mà không dám giúp đỡ vì sợ miệng tiếng của thế gian, dư luận của xã hội. Trong khi đó, nếu như gặp người khốn khó, vị xuất gia đó có thể tùy tâm ủng hộ, nhưng trong trường hợp đối với bậc thân sinh của mình, họ đành phải nghẹn ngào im lặng. Hành động như vậy có quá đáng lắm không, có đúng không đối với pháp Phật chế? Và, thậm chí có những vị xuất gia do không hiểu pháp, luật Phật đầy đủ và kỹ lưỡng, nên đã dẫn đến thái độ sống cực đoan với cha mẹ. Vì theo suy nghĩ của họ, vậtchất mà họ thọ hưởng là của đàn na tín thí, nếu như cha mẹ cùng thọ hưởng, tất sẽ đọa địa ngục.

Cần phải thấy rằng, điều kiện xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều, người xuất gia đã sở hữu những tài sản riêng trong sạch (tịnh tài). Có thể tài sản đó do tự mình làm ra, tự thân làm ruộng, cúng đám, giảng dạy… hoặc do tín chủ hiến cúng. Việc vận dụng đúng đắn và hợp lý tài sản đó được hướng dẫn một cách đầy đủ và chi tiết trong các bộ luật của Phật giáo. Và lẽ tất nhiên, việc sử dụng một phần tài sản đó chu cấp cho cha mẹ là hành vi đúng luật, nếu như việc chu cấp chỉ dừng lại ở chỗ nuôi dưỡng thân mạng và một khoản nhỏ khác cho sinh hoạt tinh thần. Miễn làm sao, khi thọ nhận sự cấp dưỡng đó, người cha, người mẹ không sanh tâm tham đắm và khởi phát lạc thọ là được. Điều đặc biệt chú ý là trong khi chu cấp, cố gắng khéo léo trong cách thức để đừng làm dao động tín tâm của người Phật tử sơ cơ.

Theo kết quả sơ khởi từ các cuộc phỏng vấn những vị trú trì có nuôi dưỡng mẹ trong chùa, thì chỉ khi người cha, người mẹ không có người chăm sóc, hoặc điều kiện sống quá thiếu thốn, không đảm bảo những nhu cầu sống căn bản thì người xuất gia mới đưa cha mẹ vào chùa phụng dưỡng. Hơn nữa, từ những quan sát ban đầu chúng tôi ghi nhận được, khi đưa cha mẹ vào chùa để phụng dưỡng, người xuất gia gặp nhiều nghịch duyên hơn thuận duyên, như sự ỷ lại hay những va chạm không đáng có với các thành viên khác…

Những suy tư gợi mở

Với tất cả những thuận lợi và khó khăn như đã trình bày, người xuất gia nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa cha mẹ vào chùa để phụng dưỡng. Phải ý thức rằng, ý nghĩa của đời sống xuất gia ngoài mục tiêu tự độ, thì mong mỏi về độ tha phải luôn canh cánh trong lòng, và hơn thế, trách vụ của người xuất gia mà cụ thể là vai trò của thầy trú trì rất nặng nề, “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”. Mặt khác, việc đưa cha mẹ vào chùa là tìm cầu sự an lạc, nếu như người xuất gia vì cha mẹ mà xao lãng trọng trách cũng như bậc làm cha mẹ không thể có sự an lạc thực sự khi vào sống trong chùa, thì cần nên cân nhắc lại phương thức phụng dưỡng cha mẹ của mình.

Trên phương diện là chúng Tăng và Phật tử, với cái nhìn chánh kiến và phóng xả, cần phải thấy rằng nền tảng của đời sống là sống với. Không thể ở đâu chúng ta có thể sống-một-mình. Nếu như do hoàn cảnh bất khả kháng, hiện diện trong chùa có một người cư sĩ, mẹ của người xuất gia, chúng ta phải cố gắng ứng xử với tinh thần hòa ái, khoan dung, bình đẳng và chia sẻ. Phải xem người mẹ đó cũng như là người mẹ ruột của mình. Chỉ khi xem mẹ của thầy trú trì cũng như mẹ của chúng ta, tâm thương yêu sẽ khởi phát, bổn phận làm con sẽ dâng trào và từ đây sẽ tránh được những vướng mắc, so đo không đáng có.

Trên phương diện ngược lại, nếu bậc làm cha, làm mẹ khi được người con là bậc xuất gia đưa vào chùa, những bậc làm cha làm mẹ đó phải cố gắng học và thực tập theo hạnh của người xuất gia. Ngôi chùa không phải là cái nhà và thầy trú trì tuy có quyền định đoạt mọi chuyện, nhưng tất cả mọi quyết định đều căn bản phải dựa vào pháp và luật Phật chế. Những bậc làm cha, làm mẹ đó phải ý thức rằng, được vào chùa là một phước báo lớn và đồng thời đây cũng là một môi trường tu tập đầy thử thách, thậm chí có cơ may bị đọa lạc, nếu như mình không nỗ lực, gắng tu. Phải cố gắng hiểu được áp lực mọi phía đang dồn lên vai thầy trú trì và cần phải thấy rằng, nhiệm vụ căn bản của người xuất gia, ngoài mục tiêu độ thoát cho cha mẹ thì ý nghĩa độ thoát cho chúng sanh cũng là tiêu chí hàng đầu. Không vì bất cứ lý do gì mà người xuất gia, thầy trú trì, xao lãng hai mục tiêu đó. Nói cụ thể, nếu trước đây khi chưa xuất gia, thầy ấy thuộc về gia đình mình nhưng từ khi xuất gia, thầy đã thuộc về nhiều người. Với suy tư từ nhiều phía như vậy, tuy vẫn chưa đủ cho một sự định hướng hợp lý, nhưng sẽ gợi mở ra những pháp thức ứng xử hợp tình trước thực tế: khi người xuất gia phụng dưỡng cha mẹ trong chùa.

Đặc biệt, ở Việt Nam, gương hiếu của Tổ sư Liễu Quán, Thiền sư Nhất Định đã ghi đậm dấu ấn trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Sự giống nhau của hai bậc xuất trần đại hiếu này là lìa chúng Tăng mà phụng dưỡng mẹ cha. Một mái am tranh, tục gọi là An Dưỡng Am nằm ven kinh thành Huế, sớm tối Thiền sư Nhất Định hai buổi đi về phụng dưỡng mẹ già. Một người tuy đã xuất gia như Tổ sư Liễu Quán, nhưng phải về nhà một năm để phụng dưỡng cha, đến khi cha mất rồi mới tiếp tục con đường xuất gia đã chọn. Xem ra, hai bậc long tượng của thiền môn, của Phật giáo Việt Nam, đã có một sự lựa chọn chu toàn giữa trách vụ của người xuất gia và phận sự của một người con hiếu. Trong hiện tình của đời sống hiện đại, qua khảo sát, chúng tôi đã chứng kiến nhiều người xuất gia báo hiếu theo phương cách này.

Trong vô vàn cách thức báo hiếu của người xuất gia, điều đọng lại trong chúng tôi là giai thoại nổi tiếng về hạnh hiếu của một thầy trụ trì nuôi mẹ. Đó là những dị bản khác nhau đề cập đến Hòa thượng Cua, một vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam miền Bắc thuở trước. Ngài là Thiền sư Tông Diễn, hiệu Chơn Dung (1640-1711), đời vua Lê Hy Tông, quê ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang.

Chuyện kể rằng, có một thầy trú trì quản lý một tu viện to lớn. Do ngài xuất gia từ bé nên không rõ mẹ mình lưu lạc phương nào. Một lần nọ, trên bước vân du, ngài thấy một bà cụ già ăn xin trên phố, ngài đưa về phụng dưỡng, chăm lo, bằng cách cho làm công quả trong chùa. Một thời gian sau, với những câu chuyện và bằng chứng cụ thể, ngài nhận ra rằng, bà cụ đó thật sự là mẹ ruột mình. Mặc dù vậy, ngài chỉ âm thầm khuyến tấn, nhắc nhở bà cụ siêng năng trong tu tập và lo lắng cho sức khỏe của cụ hơn. Trong một chuyến Phật sự ở xa, hay tin bà cụ ở chùa đã quá vãng, ngài bảo chúng Tăng rằng, hãy đợi đến khi ngài trở về rồi hãy chôn cất cho bà cụ. Đến nơi, trước quan tài của cụ, sau khi đảnh lễ Tam bảo và thắp hương chú nguyện xong, ngài an nhiên cho chúng Tăng biết rằng, đây chính là mẹ của ngài.

Câu chuyện khép lại nhưng đã mở ra suy nghĩ cho nhiều người. Riêng cá nhân người viết, âu đó cũng là sự gợi mở cho một phương thức tối ưu dành cho người xuất gia khi đưa cha mẹ vào chùa vậy.

CHÚC PHÚ

----o0o---

Nguồn: Chuyển Pháp Luân

Trình bày: Linh Thoại

Cập nhật: 1-9-2008

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/12/2010(Xem: 24441)
Văn hóa như hơi thở của sự sống. Chính vì vậy mà qua bao thăng trầm nghiệt ngã của lịch sử, Đạo Phật như một sức sống văn hóa ấy vẫn còn đó, như một sinh chất nuôi dưỡng nếp sống tâm linh cho con người.
11/12/2010(Xem: 13379)
Bằng cách tập trung vào sự kiện của tình trạng bị quy định chặt chẽ và sự cần thiết cho tinh thần phải trải qua một cách mạng, Krishnamurti dẫn chúng ta đến nền tảng chung, đến cái nguồn của cả cá thể lẫn xã hội.
07/12/2010(Xem: 5162)
Phật giáo nhìn tính dục dưới khía cạnh của sự thèm khát và đau đớn : đó là một mối hiểm nguy xô đẩy con người vào cảnh đọa đày của dục vọng và khổ đau.
30/11/2010(Xem: 3193)
Lời Phật dạy: “Tất cả chỉ là phương tiện.” Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay xuất phát từ việc con người đã quên đi sự thật này.
28/11/2010(Xem: 8340)
Mùa thu vừa rồi, tôi đã tiến hành một loạt phỏng vấn với Đức Đạt Lai Lạt Ma qua những buổi giải lao hiếm hoi trong thời khóa biểu của ngài khi ngài chính thức trong một khóa thuyết giảng. Tôi thật may mắn có đủ nhân duyên để có thể viếng thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn tại tịnh thất khiêm tốn, đầy màu sắc sống động của ngài ở Dharamsala lần đầu tiên năm vào năm 1974, khi tôi là một thiếu niên.
27/11/2010(Xem: 11630)
Trong khi Đức Phật tạo mọi nỗ lực để dẫn dắt hàng đệ tử xuất gia của Ngài đến những tiến bộ tâm linh cao cả nhất, Ngài cũng nỗ lực để hướng dẫn hàng đệ tử cư sĩ tiến đến sự thành công...
17/11/2010(Xem: 4157)
Những lời thống thiết xuất phát từ lòng từ bi vô lượng của chư Phật, chư tổ chính là kim chỉ nam cho chúng ta cứu vãn, khôi phục và làm rực rỡ nền văn hoá đạo đức truyền thống của dân tộc. Ý nghĩa văn hoá và phương pháp tu trì của Tịnh độ tông chẳng những có thể đáp ứng mong muốn của con người hiện đại ở trình độ cao mà còn có khả năng chữa trị có hiệu quả những căn bệnh của xã hội ngày nay.
16/11/2010(Xem: 16170)
Trên thế giới đã có nhiều tôn giáo, tại sao lại còn cần thiết cho chúng ta có một đạo khác nữa gọi là Đạo Phật? Phải chăng có cái gì thật đặc sắc...
13/11/2010(Xem: 8761)
Học Phật là tìm biết vai trò của đạo Phật trong suốt lịch sử của sự sống nhân loại, những đóng góp của đạo Phật trong văn hóa nhân loại, những luồng sinh khí mà đạo Phật đã thổi vào...
13/11/2010(Xem: 4999)
Nếu toàn thể nhân loại kể từ đời thượng cổ cho đến ngày nay đều có cùng một thói quen sống "ai sao tôi vậy" hoặc "xưa sao nay vậy" thì giờ này chúng ta vẫn còn phải vác rìu bằng đá để đi săn thú đem về ăn sống nuốt tươi, chứ không thể có được nền văn minh điện toán như ngày nay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]