Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lấy giáo dục và đào tạo làm nền tảng

09/04/201313:03(Xem: 4719)
Lấy giáo dục và đào tạo làm nền tảng

LẤY GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÀM NỀN TẢNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thích Hạnh Bình

Abstract

Education is quite important. Whether the policies of education are soundly prepared or not keeps quite a key factor in deciding whether the organization or the country in question is healthily developing or in stagnation. Vietnamese Buddhism in its present attempt to keep and develop the national and Buddhist inheritance should take up the career of education and training as the basic for the development of Vietnamese Buddhism. As to clarify this, we will discuss the following four issues.

1. Characteristics of Buddhist education: The religious education in general is likely ethical and uses the belief principle as means to promote religious morality. Buddhism shares to some extent this common attitude of religious education in addition to its own principle of understanding, that is, Buddhist education prefers to the use of understanding principle as means to build up morality instead. Thus, Buddhist education does not aim at elevating the ethic standard only but also puts emphasis on the role of wisdom, the understanding of humankind.

2. The relationship between Buddhism and national culture: Buddhism originated in India has been introduced by far in Vietnam; its introduction in Vietnam, however, has never caused any detriment to the national culture. On the contrary, the Buddhist features have been its decent contribution to and made the ingenious culture beautifully enriched and wholesomely modified. Buddhism, moreover, since its advent has ever been hand in hand with the nation in the struggle for the preservation of the national independence. That is the reason why the majority of Vietnamese believe in Buddhism and regard Buddhism as national religion.

3. The present situation of Vietnamese Buddhism: We are living in the age of science and technique; the whole country of Vietnam is in the process of renovation in ideological and economical measures. Face-to-face with such a reality the Vietnamese Buddhism with its current way of thought and practice would be hardly possible to deal with the new society’s demands. In order to be going on appropriately and to have an affluent accomplishment, the Vietnamese Buddhism must alter the way of thought and practice.

4. The establishment of the Buddhist University is the most decent and effective project aiming at the development of Buddhism: It is the intellectual who would play the key role in the changing of the society’s living attitude from bad to good, from stagnant to dynamic; the intellectual in turn are qualified by educational institutions. The educational institutions mentioned here is referring to the educational establishments and their legitimacies. Buddhism is in need of a private university as to characteristically develop the education scheme that aims at qualifying the next monastic generation for Buddhism and society. This would be strongly helpful in dealing with the critical problems in society.

Cho đến nay chưa có một con số thống kê cụ thể và chính xác nào về vấn đề Việt Nam có bao nhiêu người dân theo đạo Phật. Nhưng cho dù như thế nào đi nữa, người dân Việt nam theo đạo Phật vẫn chiếm đa số, chưa kể đến số lượng người được gọi là theo đạo Ông Bà cũng chịu ảnh hường khá sâu đậm về văn hoá truyền thống giáo dục của Phật giáo. Qua chứng tích của lịch sử cho thấy, Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc, từ các loại văn hóa vật thể như các công trình kiến trúc mỹ thuật cho đến các loại văn hoá phi vật thể, như đạo đức phong tục tập quán, bao gồm cả truyền thống yêu nước dân tộc của nhân dân ta. Có thể nói đây là điểm đặc thù của truyền thống văn hoá của dân tộc Việt nam, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp của Phật giáo cho nền văn hoá dân tộc.

Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại khoa học kỷ thuật tiên tiến, nhất là ngành công nghệ viễn thông, đã làm cho thế giới đổi thay và thu hẹp lại, dường như không còn khoảng cách không gian, giữa quốc gia với quốc gia , giữa châu lục với châu lục, một thông tin từ bên đây địa cầu cũng trong giây phút bên kia địa cầu nhận biết. Từ những yếu tố này, tôi cho rằng trong tương lai sự dị biệt về văn hoá truyền thống của từng dân tộc cũng theo đó bị đồng hoá.

Định hướng phát triển kinh tế cho đất nước việt Nam không thể không tuân thủ những nguyên tắc chung của thế giới. Đó là lý do tại sao, trong những năm gần đây Việt nam tất bậc công việc điều chỉnh và biên soạn luật pháp, làm cán cân pháp lý cho đôi bên bảo vệ quyền lợi của mình, trước khi Việt nam gia nhập vào WTO.

Sự hội nhập này có hai ý nghĩa tích cực và tiêu cực, như đã được các chuyên gia phân tích. Ở đây tôi chỉ phân tích thêm về mặt tích cực của sự hội nhập này, nó không những là yếu tố tích cực làm phát triển nền kinh tế Việt nam, nó còn là đoàn bẩy kích thích cho mọi mặc khác của xã hội phát triển, trong đó có cả vấn đề tôn giáo….Tất nhiên sự hội nhập này, không sao tránh khỏi những mặt trái của nó, những loại văn hoá phi đạo đức phi dân tộc làm băng hoại xã hội cũng theo đó du nhập. Đứng trước sự kiện này, chúng ta bằng cách nào để ngăn chận những loại văn hoá này ? Theo tôi, đây không phải là vấn đề riêng của nhà nước mà là vấn đề chung của của dân tộc. Nếu như Phật giáo Việt nam là một tôn giáo lớn của dân tộc thì Phật giáo cũng phải có bổn phận và trách nhiệm trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc trong xã hội mới. Củ đề hội thảo hôm nay mà Viện đã đề ra cũng nói lên ý nghĩa đó. Với chủ đề hội thảo này, tôi xin trình bày một ý kiến nhỏ rằng, căn cứ từ thực trạng của xã hội Việt nam hiện nay, Phật giáo nên lấy việc giáo dục đào tạo làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt nam trong sự nghiệp chung bảo vệ và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc.

Nếu như Phật giáo là một Tôn giáo lớn của Việt Nam, thì vấn đề chung của dân tộc, nhất là mặt văn hoá đạo đức, Phật giáo không thể là kẻ bàn quan, đứng ngoài cuộc, phải chung vai gánh vác với dân tộc, vì sự tồn tại của dân tộc là sự tồn tại Phật giáo; sự phát triển Phật giáo biểu thị sự lớn mạnh của văn hoá dân tộc và ngược lại. Do đó, Phật giáo phải có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ truyền thống văn hoá của dân tộc, giữ gìn và phát huy mối quan hệ gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc. Muốn hoàn thành trách nhiệm đó, bản thân Phật giáo phải ý thức rõ câu “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” trong kinh Viên giác. Điều đó có nghĩa là bản chất truyền thống văn hoá và và tinh thần gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc là cái không thay đổi, tức là cái ‘bất biến’, nhưng khi xã hội chuyển sang một hình thức sinh hoạt mới, Phật giáo cũng phải thay đổi cách suy tư và phương pháp làm việc của mình, để thích nghi với xã hội mới, đó là cái ‘tùy duyên’. Nếu như ngày xưa ngôi chùa là cơ sở giáo dục cho dân làng, hình thức giáo dục của Tăng già mang tính gia giáo, thầy truyền cho trò thì vào những năm 1950~60 hình thức Phật Học Viện đã ra đời, đã thay thế cho nền giáo dục gia truyền của Phật giáo. Có thể nói hình thức giáo dục này đã mang lại cho Phật giáo Việt nam một bộ mặt mới, tiến bộ hơn và hiệu quả hơn. Đến năm 1964 Đại học Vạn hạnh ra đời, là Đại học đầu tiên của Phật giáo, nó đã góp phần không nhỏ cho cho sự nghiệp tô bồi làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc, nhưng đến năn 1975 vì yếu tố đặc thù của lịch sử, Ðại học Vạn Hạnh đã ngưng hoạt động, từ đó cho đến nay Phật giáo việt nam sinh hoạt dưới hình thức giáo dục là Phật Học Viện.

Trước tình hình kinh tế đang phát triển, nhất là Việt nam đang trên đường hội nhập, hình thức giáo dục Phật Học Viện không đủ sức đáp ứng cho nhu cầu của một xã hội mới, nó còn khá nhiều mặt hạn chế, không đủ tư cách ngoại giao để giao lưu với ngành giáo dục và đào tạo, vô tình nó là bước cản trở cho sự phát triển Phật giáo trong nhiều lãnh vực. Do vậy Phật giáo Việt nam cần phải mau chóng hình thành trường Đại học để kịp thời đào tạo nhân tài, giải quyết những vấn đề của thời đại. Theo tôi đây lànhu cầu hết sức chính đáng và quan trọng, không những nó giải quyết những vấn đề khó khăn của Phật giáo mà tích cực góp phần xây dựng cho xã hội ngày càng phồn vinh và ổn định.

Theo tôi, nếu như nhà nước quản lý xã hội bằng luật pháp thì Tôn giáo quản lý con người bằng niềm tin và đạo đức. Có nghĩa là luật pháp chỉ trừng phạt, khi con người vi phạm luật pháp, bằng hành vi cụ thể, nhưng luật pháp không thể cấm đoán con người suy tư phi pháp ở bên trong. Ngược lại, cách giáo dục của tôn giáo, nhất là Phật giáo không những chỉ khuyên con người không được làm ác mà còn khuyên con người không được suy nghĩ bất thiện từ trong ý thức. Từ những yếu tố này, nó cho chúng ta nhận thức, giáo dục Tôn giáo là một công cụ khá tích cực trong việc giúp cho nhà nước ngăn chận hành vi bất chính, phi đạo đức của con người, nó không phải hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa xấu như một số người đã lầm tưởng.

Việt Nam là một đất nước thuộc vùng Đông Nam Á, Bắc giáp Trung Quốc, Tây giáp Lào và Campuchia, Nam giáp Thái Lan đều là những đất nước lấy Phật giáo là quốc giáo hay có đa số người dân theo đạo Phật. Cũng vậy, Việt Nam không lấy Phật giáo làm quốc giáo, nhưng đa số người dân tin theo đạo Phật, trở thành lực lượng nồng cốt của dân tộc. Lý do nào Phật giáo lại chiếm được long tin của dân tộc ? Theo tôi câu trả lời là, Phật giáo đến Việt nam không làm tổn thương đến văn hoá dân tộc và sự thống nhất đất nước, ngược lại Phật giáo đã hòa mình cùng cam cọng khổ với dân với nước, lấy sự ưu lo của dân tộc làm sự ưu lo của Phật giáo. Trải qua bao thăng trầm, vinh nhục của non sông, suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc và Phật giáo vẫn giữ một tấm lòng keo sơn, không thể chia cắt, và cho đến thời điểm hiện nay, Phật giáo và dân tộc Việt Nam vẫn còn giữ nguyên tinh thần keo sơn đó. Do vậy chúng ta cần phải duy trì và phát huy tinh thần đó.

“Lấy Giáo Dục và Đào Tạo làm nền tảng cho sự phát triển Phật GiáoViệt Nam” là đề tài tác giả tham dự hội thảo. Với nội dung bài viết này, tác giả thảo luận gồm những vấn đề: Thứ nhất: Đặc tính giáo dục của Phật giáo; Thứ hai: Sự gắn kết giữa Phật giáo và văn hoá dân tộc; Thứ ba: Hiện tình Phật giáo Việt Nam và những nhu cầu của nó; Thứ tư: Sự ra đời Trường Đại Học Phật Giáo là phương án thích đáng cho sự phát triển Phật giáo và dân tộc. Đây là toàn bộ nội dung của bài viết. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của các Giáo sư, các nhà nghiên cứu.

1. Đặc tính giáo dục của Phật giáo

Phật giáo là một trong những tôn giáo của Ấn độ, nhưng bản thân Phật giáo không đồng tình với hình thức tu tập cải thiện đời sống con người bằng các lễ nghi cúng tế phiền toái vô ích của Bà-la môn[1], Phật giáo cũng không chấp nhận những quan điểm phi đạo đức, bất hợp lý của các phái ngoại đạo[2]; Phật giáo không chấp nhận lối sống khổ hạnh[3], cũng không đồng tình với đời sống hưởng thụ thấp hèn[4]. Phật giáo là một Tôn giáo nhưng không đề cao niềm tin[5], ngược lại Phật giáo xem trọng vai trò hiểu biết, tức ‘trí tuệ’ (pa��a)[6], vì Phật giáo lấy sự giác ngộ và giải thoát làm mục tiêu hướng đến của Phật giáo. Có nghĩa là ai muốn được giải thoát, trước tiên người ấy phải có sự giác ngộ, không có giác ngộ thì không thể có sự giải thoát. Đây là biện chứng giải thoát trong giáo lý đạo Phật. Trong quá trình tu tập của Phật giáo, niềm tin chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình tu tập (5 căn: tín, tấn, niệm, định và tuệ), tuệ là kết quả của việc tu tập. Như vậy, niềm tin là phương tiện, trí tuệ là mục đích. Đây chính là lý do tại sao Phật giáo đề cao vai trò trí tuệ, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Để minh chứng cho quan điểm này, chúng ta cần tìm hiểu đoạn kinh dưới đây:

Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỷ kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.”[7]

Qua đoạn kinh vừa dẫn, đức Phật xác định giáo lý mà Ngài nói ra là giáo lý dành cho ‘người thấy’(passato) và ‘người biết’(jŒnato), không phải là ‘người không thấy’ (apassato) và ‘người không biết’ (ajŒnato). Ở đây, danh từ jŒnato có nguồn gốc từ động từ là passati, có nghĩa là ‘thấy’ ‘biết’, thuộc về nhận thức suy luận của ý thức, không là thị giác. Như vậy, hai từ này mang ý nghĩa chỉ cho người có suy tư, có hiểu biết, không phải là người không biết suy tư, nói bừa nói càn, không tôn trọng đạo lý. Thật ra, quan điểm này là quan điểm mà đức Phật phản bác lối giáo dục truyền thống của Bà la môn, đề cao việc tế tự, với lễ nghi phiền toái, hoặc các học thuyết phi đạo lý của 6 phái ngoại đạo[8], vì cách giáo dục này không mang lại lợi ích cho con người, dù có lập đàng tràng cúng tế cầu nguyện, nhưng lòng tham sân si không đoạn trừ thì sự cúng tế ấy trở thành vô ích; Dù có chủ trương cho rằng, không có nhân quả nghiệp báo, nhưng khi con người làm những việc bất thiện thì hậu quả xấu sẽ đến với người ấy và ngược lại. Đó là lý do tại sao đức Phật không đồng tình lối giáo dục của Bà la môn cũng như 6 phái triết học.

Thế thì cách giáo dục của đức Phật như thế nào? Cũng qua đoạn kinh vừa dẫn trên, đức Phật chỉ ra phương pháp giáo dục của Ngài chính là: Yoniso manasikara, Khái niệm này được H.T Minh Châu dịch là ‘như lý tác ý’. Thật ra, câu này Hoà thượng đã vay mượn cách dịch của người Hoa vốn chữ Hán là 如理作意(yoniso=如理,manasikara = 作意). Cách vay mượn này, mặc dù người Việt đọc hơi khó hiểu, nhưng nó diễn đạt trọn ý nghĩa của câu PŒli, nếu câu này dịch sang tiếng Việt có nghĩa là ‘đạo lý của nó như thế nào thì (chúng ta) suy nghĩ như thế ấy’. Có thể nói, đây là phương pháp nhận xét vấn đề rất rất khách quan của đức Phật, điều đó chứng tỏ đạo Phật không chấp nhận lối suy tư mơ hồ không thật tiễn, duy ý chí thiếu khách quan là bóng dáng của vô minh, là nguyên nhân gây ra khổ đau và phiền muộn cho đời sống con người. Bản thân của sự việc như thế nào, thì chúng ta suy tư đánh giá như thế ấy, không thêm cũng không bớt. Bản thân mình có khuyết tật gì, nếu muốn sửa sai, chính mình cần phải thấy rõ khuyết tật ấy, không nên che dấu, hoặc biện minh như thế này hay thế khác. Có thể nói đây là nguyên lý giáo dục của đạo Phật, nó không những chỉ có giá trị trong quá khứ, mà còn có giá trị ở hiện tại và ngay cả trong tương lai; cũng không phải chỉ có giá trị cho dân Ấn, mà cho tất cả mọi người và ở mọi nơi. Những người lãnh đạo xã hội cũng có thể vận dụng phương pháp này, để giải quyết những vấn đề nan giải từ xã hội. Chúng ta có thể xem câu này như là một phương pháp nghiên cứu khoa học, cũng là đường hướng giáo dục của Phật giáo.

Thật vậy, nếu chúng ta suy tư về việc gì một cách qua loa, không căn cứ vào đạo lý của nó, thì việc ấy chắc chắn sẽ không được rõ ràng. Cái gì không rõ ràng mà vẫn quyết định làm thì tính nguy hiểm của nó rất cao, phiền não khổ đau cũng từ đó phát sinh. Đó chính là ý nghĩa của câu: ‘… do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng’ . Ngược lại, chúng ta suy tư công việcmột cách cẩn thận, căn cứ vào đạo lý của nó mà hành sử, việc ấy chắc chắn sẽ được rõ ràng. Việc gì đã rõ ràng minh bạch, khó có thể vấp phải sai lầm, có nghĩa là phiền não khổ đau không phát sinh từ việc ấy. Đây là ý nghĩa của câu:‘do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.’

Từ ý nghĩa này, nó cho chúng ta nhận thức, Phật giáo là một Tôn giáo, nhưng Phật giáo vốn không đặt nặng niềm tin, ngược lại Phật giáo đề cao vai trò ‘tri tuệ’ là sự hiểu biết. Theo tôi, đây là một trong những lý do mà nhà vua A Dục (A§oka) lấy Phật giáo làm quốc giáo, mặc dù Phật giáo là một Tôn giáo rất nhỏ so với Ấn giáo hay Kỳ na giáo là những Tôn giáo lớn của Ấn độ. Tại sao nhà vua không chọn lấy những tôn giáo truyền thống làm quốc giáo mà lấy Phật giáo làm quốc giáo? Có lẽ mọi người sẽ có câu trả lời khác nhau, riêng người viết cho rằng, theo nhà vua, trong hệ thống giáo lý của những tôn giáo truyền thống không giúp được nhà vua trong chính sách cai trị của mình là: Bảo vệ sự thống nhất và chính sách phát triển đất nước. Trong yếu tố thứ nhất, nếu như một trong những tôn giáo truyền thống này trở thành quốc giáo, tôn giáo đó sẽ có ý tưởng loại trừ những tôn giáo khác, nó là nhân tố dẫn đến sự bất hoà giữa các tôn giáo, là nguyên nhân dẫn đến đất nước sẽ rơi vào loạn ly hoặc chia cắt; Ở yếu tố thứ hai là chính sách phát triển đất nước. Trên nguyên tắc chung, bất cứ quốc gia nào muốn nền kinh tế phát triển, quốc gia đó phải có chính sách tốt về đường hướng giáo dục, tức là đề cao vai trò trí thức, người dân biết suy tư và nhận thức chính là nhân tố cơ bản để đưa xã hội phát triển. Thế thì, ở hai yếu tố này không thể có trong những tôn giáo truyền thống, ngược lại Phật giáo đề cao vai trò ‘trí tuệ’ và tinh thần ‘bao dung’ là hai yếu tố mà nhà vua A Dục cần. Đó là lý do tại sao nhà vua lấy Phật giáo làm quốc giáo. Có lẽ cũng chính từ điểm này mà Albert Einstein đã đánh giá chỉ có hệ thống giáo lý của Đạo Phật mới phù hợp ở thời đại khoa học[9].

Đức Phật cho rằng, nguồn gốc đau khổ của con người là do vô minh, tức là thiếu sự hiểu biết. Thế nào gọi là thiếu hiểu biết? Nói một cách dễ hiểu là những gì xuất phát từ lòng tham lam, giận hờn và mê muội là những nguyên nhân mang lại sự khổ đau cho con người. Thật ra, lòng tham và sân là sự thể hiện tính hai mặt của lòng ngu si. Ví dụ, khi chúng ta tiếp xúc với đối tượng đẹp, dễ thương nào đó, thì chúng ta thường có thái độ muốn chiếm đoạt đối tượng ấy, do vậy lòng tham xuất hiện; Ngược lại, khi chúng ta tiếp xúc với đối tượng không tốt đẹp nào, chúng ta thường có thái độ không muốn tiếp xúc với đối tượng ấy, không muốn mà nó vẫn hiện hữu cho nên lòng sân hận xuất hiện. Cả hai trạng thái tham và sân này đều có nguồn gốc từ lòng ngu si, vì không biết khả năng của mình cho nên tham xuất hiện; vì không biết sự hình thành của các pháp là do nhân duyên (prat´tya-samutpŒda), nhân duyên của nó vẫn còn mà ý thức chúng ta không muốn nó hiện hữu mà nó vẫn hiện hữu, cho nên sân xuất hiện, do vậy khổ sanh. Như vậy, ngu si là nguồn gốc của khổ đau. Phật giáo giáo dục con người diệt trừ lòng ngu si, điều đó cũng có nghĩa là lối giáo dục của Phật giáo mang tính chất tiến bộ, thúc đẩy xã hội phát triển, không phải như một số người cho rằng lối giáo dục của Phật giáo làm ngăn cản sự tiến bộ của xã hội

Giáo lý ‘Tứ đế’ (catvŒri-Œryasatyani) đức Phật cho rằng, cuộc đời là khổ (duúkha-satya), nó không mang ý nghĩa, đức Phật khuyên chúng ta nên từ bỏ lẩn tránh thế giới này, đi tìm một thế giới xa lạ nào khác mà đức Phật khuyên chúng ta nên hành trì giáo lý ‘Bát chánh đạo’[10], để chúng ta đạt được trạng thái Niết bàn (nirvŒna), là cuộc sống đã chấm dứt trạng thái khổ đau, không còn tham lam thù hận và si mê. Như vậy, cảnh giới Niết bàn không phải là cảnh giới nào xa lạ, chính là cảnh giới của những người đã đoạn trừ lòng tham, sân, và si. Bất cứ ai có trí tuệ thì người ấy có hạnh phúc an lạc, người nào có an lạc, người ấy không còn tham sân si; Bất cứ nơi nào, người sống ở trong ấy không còn tham sân si thì nơi ấy là thế giới của Niết bàn, Cực lạc.

Từ ý nghĩa giáo dục trong đạo Phật vừa được trình bày, nó gợi ý cho chúng ta hiểu rõ một vấn đề quan trọng: Mục tiêu mà đạo Phật hướng đến là giác ngộ và giải thoát, đối tượng giáo dục của đạo Phật là con người. Như vậy, giáo lý mà đã được đức Phật thuyết giảng, nó có mối quan hệ thiết thân với con người, không phải là những lời nói vô nghĩa, hay chỉ để thờ phụng và lễ lạy, chúng ta cần phải hiểu và thực hành nó. Cũng vậy, phương pháp giáo dục của nhà Phật không phải là lối giáo dục thuần túy tín ngưỡng, đề cao vai trò thần linh, lễ lạy van xin, mà là giáo lý đề cao vai trò sự hiểu biết, có bổn phận và trách nhiệm[11], xem ‘như lý tác ý’ là phương pháp để dứt trừ mọi khổ đau phiền lụy từ cuộc sống.

Tôi cho rằng, mục đích và phương pháp giáo dục của đạo Phật, không những phù hợp với khuynh hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giời, mà còn đáp ứng những nhu cầu cho con người và đất nước Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng, nhất là thế hệ trẻ ở thời đại khoa học kỷ thuật hôm nay.

Nếu như nạn tham nhũng (tham lam) đang là bức tường cản trở cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước; Lòng sân hận không những chỉ phá vỡ niềm vui và hạnh phúc của chính mình, đôi khi nó còn có tác hại đến xã hội; Tâm trí ngu muội thiếu sáng suốt là nhân tố cho mọi sự thất bại và mầm mống cho mọi khổ đau, thì giáo dục Phật giáo là loại giáo dục ngăn chận lòng tham lam, sân hận và ngu si của con người. Do vậy, quan điểm và đường hướng giáo dục Phật giáo không những là nhu cầu riêng cho Phật giáo, mà còn là nhu cầu chung cho đất nước và dân tộc Việt nam. Nếu như thế giới hiện nay đang âu lo về tình trạng khủng bố, phát triển vũ khí giết người hàng loạt, thì Phật giáo là một tôn giáo yêu chuộng sự hòa bình và mở rộng lòng bao dung; Nếu như mê tín dị đoan và yếu tố tâm lý nương tựa vào kẻ khác, không làm chủ chính mình, có thể dẫn đến làm chậm phát triển xã hội thì Phật giáo là tôn giáo đề cao vai trò trí tuệ. Như vậy, giáo dục Phật giáo là đường hướng giáo dục giáo phù hợp với quan điểm thời đại, ích nước lợi dân, là bức tường vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ nền văn hóa của dân tộc Việt Nam và sự hoà bình trên toàn Thế giới.

2. Sự gắn kết giữa Phật giáo và văn hoá dân tộc

Phật giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam gần 2000 năm lịch sử. Với chiều dài lịch sử ấy, nó cũng đủ chứng minh cho chúng ta thấy rằng, Phật giáo và dân tộc thật sự đã có mối quan hệ thân thiết như keo sơn, không thể phân chia cách biệt. Nếu chúng ta quan sát từ các mặt sinh hoạt của xã hội Việt Nam, thì mặt nào trong ấy không ít thì nhiều cũng ẩn chứa đậm nét văn hóa Phật giáo. Chúng ta có thể ngang qua những mặt khác nhau trong xã hôi để hiểu về mối quan hệ này.

a.Về giáo dục - đạo đức

Giáo dục là một ngành rất quan trọng cho việc phát triển đất nước, chính sách giáo dục tốt hay xấu là nguyên nhân dẫn đến xã hội đó chậm tiến hay phát triển. Có thể nói giáo dục là đòn bẩy kích thích cho mọi mặt hoạt động xã hội phát triển. Trong ngành giáo dục lại được phân hai lãnh vực: Khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn tư tưởng. Ở lãnh vực khoa học tự nhiên, nó không phải là đối tượng nghiên cứu của Phật giáo, nhưng quan điểm chung vẫn đề cao vai trò hiểu biết, lấy tư duy và sự hiểu biết định hướng cho sự phát triển xã hội. Trong lãnh vực nhân văn tư tưởng, đạo đức chính là mối quan tâm của Phật giáo, cụ thể là xã hội Việt Nam. Ở đây chúng ta không cần viện dẫn những hệ thống triết lý sâu xa của Phật giáo, chỉ nêu ra quan niệm đạo đức Phật giáo được nhân dân Việt Nam thực thi và được xem như là triết lý sống, đạo lý làm người của người dân Việt Nam trong quá khứ cũng như ngày nay. Nó không phân biệt là Bắc hay Nam là già hay trẻ, giàu hay nghèo, nam hay nữ, người theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, bất cứ ai cũng phải biết, và tuân theo đạo lý đó. Như là ‘Ở hiền gặp lành’, ‘Nhân nào quả nấy’, ‘tu nhân tích đức’… Quan điểm đạo đức này rõ ràng chịu ảnh hưởng thuyết ‘nhân quả nghiệp báo’ trong đạo Phật rất sâu đậm. Thật ra lý thuyết ‘nhân quả’ và ‘Nghiệp’ (kamma) của Phật giáo hàm chứa triết lý khá sâu sắc, nhưng ở đây nhân dân Việt nam tiếp thu nó như là một đạo lý làm người, nói lên một quan điểm sống phân biệt rạch ròi giữa phải và quấy, giữa đúng và sai, giữa thiện và ác; biết tôn trọng lẽ phải, khinh chê hành vi sai quấy, ca ngợi người làm lành, quở trách kẻ sống ác. Đó là quan niệm đạo đức của người dân Việt nam, bất cứ ai cũng phải tôn trọng đạo lý đó.

Mỗi người dân đều nhận thức đạo lý nhân quả nghiệp báo như vậy, cho nên nếu người nào có đời sống bất hạnh, họ không oán trách ai, ngược lại cho rằng, nguyên nhân của bất hạnh này do kiếp trước không ‘tu nhân tích đức’, không ăn hiền ở lành, cho nên gặp phải quả báo như vậy. Tự mình kiểm điểm và cố gắng vươn lên, làm điều lành lánh điều dữ, ra sức giúp đỡ người khác. Và ngược lại, ai đó được giàu sang phú quí, cho rằng do ăn hiền ở lành, tu nhân tích phước mà được. Do vậy, cần phải tiếp tục làm phước thiện để kiếp sau tiếp tục có được cuộc sống tốt đẹp. Có thể nói đây là một quan niệm sống của dân tộc Việt nam, bất cứ sống ở đâu cũng mang trong lòng nguyên tắc sống đó. Nếu nguyên tắc này bị phá vỡ, không tuân thủ thì mọi người sẽ nguyền rủa, nào là loài ‘súc sinh’, chết sẽ bị ‘đoạ vào địa ngục’. Súc sinh là gì, địa ngục ở đâu, cũng không ai tra hỏi làm gì, chỉ cần hiểu đó là những hình phạt của hành vi bất thiện, và cũng đơn giản chỉ có thế mà người dân Việt Nam ai cũng tôn trọng đạo lý nhân quả nghiệp báo. Sợ nhân quả nghiệp báo mà người dân không làm bậy, nổi sợ ấy là tốt hay xấu? là mê tín hay chánh tín? Dù được hiểu như thế nào đi nữa, tôi cho rằng nổi sợ đó là tốt, quan niệm sống đó là lành mạnh, cách giáo dục đó mang tính tích cực, cần được phát huy trong lòng xã hội Việt nam, vì mục đích của nó mang ý nghĩa thiên, xây dựng đạo đức.

Ngày xưa luật pháp Việt Nam còn lỏng lẻo, không nhiều và chặt chẽ như ngày nay, thế mà cuộc sống đạo đức xã hội vẫn được tôn trọng, không phức tạp như ngày hôm nay. Có thể nói đây là sự thành công của nền giáo dục Phật giáo, chính quan điểm giáo dục này đã gián tiếp giúp cho các triều đại giữ được kỷ cương, xã hội không bị rối loạn. Đây không phải là sự đóng góp của Phật giáo trong sự nghiệp giáo dục, giữ gìn những thuần phong mỹ tục của nền văn hoá Việt Nam sao?

b. Về kiến trúc - mỹ thuật

Nói đến những công trình văn hoá kiến trúc cổ của Việt Nam, chúng ta không thể không nói đến nền văn hóa văn bia chùa tháp. Việt nam không giống như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, hay Miến Điện, là những nước có những công trình kiến trúc chùa tháp vĩ đại, Phật giáo ở Việt nam có tính cách khiêm nhường hơn, khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam thì những ngôi chùa tháp cũng dần theo thời gian và không gian được xuất hiện, với mục đích làm nơi lễ bái tín ngưỡng, cũng là cơ sở giáo dục cho nhân dân trong làng, không mang tính dành cho giới quí tộc hay vua chúa. Do vậy, nó mang đậm nét bình dị mộc mạc của người dân hơn là công trình kiến trúc quốc gia. Vượt qua thời gian, cùng với tuế nguyệt tồn tại cho đến nay, không ít những ngôi chùa tháp này đã trở thành những công trình kiến trúc mang tính đặc trưng tiêu biểu cho nền văn hoá dân tộc, và được xếp vào di tích văn hóa tầm cỡ quốc gia. Như Chùa Dâu (Thế kỷ III), chùa Bút Tháp, Chùa Keo, Chùa Một Cột, Chùa Thầy, Chùa Hàng (Thế kỷ XIII), Chùa Trấn Quốc, Chùa Tây Phương, Chùa Thiên Mụ, Chùa Thập Tháp, chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, Chùa Phụng Sơn...Ngôi chùa không những chỉ là nơi tín ngưỡng còn là những Viện bảo tàng nho nhỏ của Phật giáo, giữ lại những nét đặc thù văn hoá của dân tộc. Ngoài những danh lam cổ tự này, Việt nam còn có biết bao ngôi chùa khác nữa cũng mang đậm nét văn hoá dân tộc.

Ngoài yếu tố yếu tố di sản văn hoá của dân tộc, ngôi chùa còn có một loại di sản văn hoá phi vật thể, không thể dùng mắt để thấy, mà bằng trái tim thương yêu, ngôi chùa đã để lại trong lòng mỗi người dân Việt những ấn tượng thật đẹp. Nếu ai đó đã rời xa quê hương, chắc chắn sẽ cảm nhận được điều đó. Nhắc đến quê hương là nhắc đến bụi tre, khóm chuối, ngôi chùa làng… là những hình ảnh không thể quên cho người dân Việt nam. Những người Việt sống xa quê hương, hình ảnh ngôi chùa xưa thân thương chỉ còn lưu lại trong ký ức. Mặc dù cuộc sống ở đất khách quê người, nhưng không phải vì vậy mà tình cảm về ngôi chùa không còn nữa, vì vậy mà mọi người cùng nhau góp phần tái tạo ngôi chùa thân thương ấy ngay nơi mình đang sống, để nhờ về cố hương. Ở đây ngôi chùa trở thành không những chỉ là nơi lễ bái tín ngưỡng, còn là trung tâm văn hoá của cộng đồng người Việt, là ngôi trường Việt ngữ, có bổn phận trách nhiệm bảo vệ truyền thống văn hoá của dân tộc. Mỗi ngày lễ hay ngày tết, người Việt đến chùa dâng hương cúng Phật, để hoài niệm về quê hương về cha ông đất tổ, cầu nguyện cho người thân, cho họ hàng cho đất nước được bình yên.

Ngôi chùa với người dân Việt Nam có mối thâm tình như vậy, thâm tình đó thật đẹp và thật có ý nghĩa, nói lên tính keo sơn giữa Phật giáo và dân tộc. Có lẽ chính vì vậy mà người dân Việt Nam có câu: Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tiên. Thử hỏi, cái gì có thể thay được thâm tình đó?

c. Về mặt văn học - thi ca

Trong những tác phẩm văn học và thi ca Việt nam, có không ít tác phẩm liên hệ đến Phật giáo. Ví dụ, tập “Văn thơ Lý Trần” là một điển hình cụ thể, nó là tác phẩm gồm nhiều tác giả, là những nhân vật nổi tiếng trong văn học của thời Lý Trần, trong đó không ít nhà thơ nhà văn là những Thiền sư. Họ không những chỉ cống hiến cho dân tộc những bài thơ hay mà còn để lại cho dân tộc một quan điểm sống thật lạc quan, có ảnh hưởng rất sâu đậm đến hậu thế. Như bài thơ của Mãn giác Thiền sư (1052-1096).

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai,

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai[12]

Nội dung và ý nghĩa bài thơ này, có lẽ mỗi người có những cảm xúc khác nhau, nhìn nhận khác nhau. Ở đây, theo người viết, bài thơ này nói lên nhân sinh quan của Thiền sư hay nói đúng hơn là nhân sinh quan của Phật giáo. Vì Phật giáo không có bi quan như một số người đã lầm tưởng, Phật giáo thừa nhận một thực tại thiên biến vạn hóa của vũ trụ, nhưng không phải vì thế mà bi quan yếm thế. Cuộc đời có đổi thay, từ giàu đến nghèo, từ làm quan đến làm dân, nhưng khi gặp cảnh bất hạnh, không nên vì thế mà buồn khổ, nên nghĩ rằng chúng ta vẫn còn có nhiều cơ hội để tiến thân, chỉ cần chúng ta biết kiểm điểm nhìn nhận những nguyên nhân đưa đến thất bại, và nổ lực tạo điều kiện những yếu tố tốt đẹp thì cái điều tốt đẹp sẽ xuất hiện. Đó chính là ý nghĩa của hai câu thơ cuối:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Ngoài ra, tác phẫm “Tuyện Kiều” của Nguyễn Du cũng là một tác phẩm có nội dung tư tưởng chứa đựng tư tưởng của Phật giáo. Ví dụ câu:

Biết bao duyên nợ thề bồi

Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì.

Tái sinh chưa dứt hương thề,

Làm than trâu ngựa đền nghì trúc mai.[13]

Hay câu:

Đã mang lấy nghiệp vào than,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại long ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài[14]

Rõ ràng đây chính là quan điểm nghiệp lực của Phật giáo. Nếu Nguyễn Du không chịu ảnh hưởng quan điểm tư tưởng của Phật giáo, thì ông không thể đưa quan điểm ‘nghiệp báo’ của Phật giáo vào thi ca của mình.

Ngoài những tác phẩm văn học và thi ca, trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt nam còn có một loại văn học thuộc về tục ngữ ca dao. Trong đó có biết bao nhiêu là câu tục ngữ ca dao mang đâm nét Phật giáo. Như

Con vua thì được làm vua

Con sãi ở chùa thì quét lá đa

Bao giờ dân nổi can qua

Con quan thế thế, lại ra quét chùa.[15]

Từ đó, nó gợi ý cho chúng ta thấy, quan điểm tư tưởng của Phật giáo không chỉ được thấy qua những di tích lịch sử mà nó đã ăn sâu vào lòng người vào lòng dân tộc, và trở thành một loại văn hoá phi vật thể của dân tộc. Điều đó biểu thị văn hoá Phật giáo và văn hoá dân tộc đã quyện chặt vào nhau, không thể chia cắt.

3. Hiện tình Phật giáo Việt Nam và những nhu cầu của nó

Đất nước Việt Nam đang thay đổi, kinh tế đang trên đà phát triển, tiến trình cam kết hội nhập WTO cũng đến hồi kết, mở cửa cho Việt nam gia nhập vào sân chơi chung của nền mậu dịch của thế giới. Tất nhiên bất cứ một vấn đề gì bao giờ nó cũng mang tính hai mặt được và mất, nhưng dù gì đi nữa sự hội nhập WTO cũng là cơ hội tốt cho nền kinh tế Việt nam phát triển, và nó cũng là đòn bẩy kích thích cho mọi lãnh vực xã hội khác cũng theo đó phát triển. Một chứng minh cụ thể là trong thời gian qua ở Việt nam, các mặt hoạt động xã hội yêu cầu sự thay đổi về cách suy tư quản lý và phương pháp làm việc, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo.

Xã hội đang từ ngày thay đổi, nhận thức của con người cũng theo đó đổi thay, thế thì Phật giáo có thể tồn tại trong xã hội mới với lối suy tư và phương pháp làm việc xưa cũ sao ? Theo tôi, Phật giáo chúng ta có chấp nhận hay không chấp sự diễn biến của xã hội thì xã hội cũng sẽ diễn biến theo qui luật riêng của nó. Do vậy, Phật giáo chúng ta cần phải tùy theo thời thế và căn cơ của chúng sinh, lựa chọn nền giáo lý thích nghi và phương pháp làm việc hữu hiệu, để đưa đạo Phật vào cuộc sống của xã hội đó. Thế thì chúng ta cần phải làm gì trong xã hội mới ? Theo tôi, trước nhất chúng ta cần phải tìm hiểu hiện tình sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như thế nào ? mặt nào Giáo hội còn yếu kém ? Phương pháp khắc phục những yếu kém đó là gì ? Đây là những điểm cần được thảo luận. Dưới đây là một số mặt hoạt động của Giáo hội cần được mổ xẻ và thảo luận.

a.Phiên dịch và biên tập Đại tạng kinh Việt Nam

Hầu như tác phẩm nào viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đều cho rằng, Phật giáo truyền vào nước ta rất sớm, vào thế kỷ thứ II SCN, có những nhà nghiên cứu còn đưa ra giả thuyết sớm hơn thời gian này. Đồng thời, nói đến Phật giáo Việt Nam ai cũng cho rằng, thời đại Lý Trần là thời đại vàng son của Phật giáo… Nhưng tôi tự hỏi: tại sao Phật giáo được truyền vào nước ta rất sớm, gần 2000 năm lịch sử, lại có những triều đại ủng hộ Phật giáo như thế, nhưng cho đến nay Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có bộ Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt, tại sao? Lý giải vấn đề này, có lẽ mỗi người có cách giải thích khác nhau, nhưng cho dù như thế nào đi nữa, chúng ta vẫn không phủ nhận sự thật là cho đến nay Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có bộ Đại tạng kinh bằng Việt ngữ. Nếu như trước đây vì lý do nào đó Phật giáo chưa làm được, thì hôm nay Phật giáo chúng ta phải tiến hành thực thi công việc này. Nó là công việc trọng đại nhất cho Phật giáo Việt Nam[16], vì nó là cơ sở vững chắc nhất để định hướng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, là nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất để cho giới nghiên cứu và Phật tử người Việt tìm hiểu về đạo Phật.

Theo được biết, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã thành lập một ban chuyên trách làm việc này, với danh xưng là: “Ban phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt nam”, cho đến nay đã phát hành 35 tập, nội dung và hình thức trình bày có nhiều vấn đề cần phải được thảo luận và chỉnh sửa. Ngoài ra, các tổ chức cá nhân cũng đang tiến hành phiên dịch và biên tập, thành quả của nó như thế nào chúng ta vẫn còn chờ đợi.

Theo người viết, công trình phiên dịch và biên tập Bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam là công trình lớn của Phật giáo Việt Nam, có thể nói là công trình của quốc gia, nó không phải là một cá nhân nào, vì qua đó nó biểu thị tinh thần, phương pháp làm việc và trình độ chuyên môn của Phật giáo Việt nam, do vậy, chúng ta cần phải nghiêm túc công việc phiên dịch và biên tập bộ “Đại Tạng Kinh Việt Nam”. Theo tôi, Phật giáo Việt nam cần phải tổ chức những cuộc hội thảo chuyên đề, mời các chuyên gia học giả trong và ngoài nước phát biểu đóng góp ý cho công việc phiên dịch và biên tập này. Từ những góp ý xây dựng đó chúng ta mới tiến hành tổ chức công việc phiên dịch và biên tập Đại Tạng Kinh Việt nam. Theo tôi, từ kinh nghiệm bản thân, công việc phiên dịch kinh điển Hán tạng không đơn giản như chúng ta đã hiểu, không thể biết chữ Hán là có thể dịch được, đòi hỏi cần phải có trình độ chuyên môn về Phật học, không những người dịch chỉ am tường các hệ tư tưởng của Phật giáo Ấn Độ mà còn phải hiểu về văn hoá Trung Quốc, để tránh trường hợp chuyển dịch sai ý so với nguyên bản, đồng thời phát hiện những điểm sai của bản Hán. Do vậy, đòi hỏi người làm công tác phiên dịch phải có kiến thức chuyên môn về mặt tư tưởng sử. Từ đó nó gợi ý cho chúng ta một nhận thức trước tiên là Giáo Hội cần phải gấp rút đào tạo những người chuyên môn này, trước khi chúng ta tiến hành phiên dịch và biên tập bộ “Đại Tạng Kinh Việt Nam”

Tóm lại, công việc phiên dịch và biên tập Đại Tạng Kinh Việt Nam là trọng tách của Giáo hội, cần phải tiến hành, để làm cơ sở cho công việc nghiên cứu, nâng cao kiến thức Phật học cho Phật tử Việt nam.

b.Vấn đề giáo dục và đào tạo

Phật giáo Viện Nam hiện nay có 3 Học Viện, được phân phối ở 3 miền: Bắc, Trung và Nam, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh có thêm một trường với danh xưng Cao Đẳng Phật học, và hầu như mỗi Tỉnh, Thành đều có tối thiểu là 1 trường cơ bản Phật học, chuyên đào tạo Sơ cấp và Trung cấp Phật học. Ngoài cơ sở giáo dục, Phật giáo Việt Nam còn có Viện Nghiên cứu Phật học cũng được phân chia làm 3 miền, Bắc Trung và Nam, nhưng trên thực tế Viện vẫn chưa phát huy chức năng của mình.

Thật tế, các cơ sở giáo dục này chỉ có giá trị nội bộ trong Phật giáo, giống như hình thức Phật học viện trước đây, chỉ đào tạo cho giới xuất gia, không đào tạo cho giới cư sĩ. Nói cách khác, những cơ sở giáo dục này vẫn chưa đươc Bộ Giáo dục Việt Nam chấp nhận, cho nên các Tăng, Ni sinh sau khi tốt nghiệp, không được tiếp tục học các chương trình kế tiếp, mặc dù một số học viên có đủ trình độ học tập ở trong nước cũng như nước ngoài.

Về mặt giáo dục, chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy đều mang tính tùy tiện, không thống nhất. Giáo hội vẫn chưa định hướng cho việc giáo dục và nghiêm túc biên soạn chương trình giáo dục cho các cấp, đào tạo giáo sư chuyên ngành cho các cấp học. Do vậy, vấn đề giáo dục của Phật giáo Việt Nam cần phải cải cách, để đáp ứng cho nhu cầu của thời đại.

c.Vấn đề hành chánh tổ chức và nhân sự của Giáo hội

Chúng ta cần xác định rằng, Giáo hội là một cơ quan cao nhất của Phật giáo, chuyên quản lý và điều hành các mặt hoạt động của Phật giáo Việt Nam bằng nội quy và nghị quyết, không phải quản lý theo hình thức của tự viện, đồng thời có bổn phận, trách nhiệm quan hệ với nhà nước và các cơ quan có liên hệ, cũng như quan hệ quốc tế. Do vậy, người giữ vai trò lãnh đạo và tổ chức hành chánh của giáo hội cần phải có trình độ tương xứng với danh xưng và đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội. Đối với việc này, người viết có vài nhận định mang tính cá nhân như sau:

Thứ nhất, việc đề cử nhân sự của Giáo Hội, chúng ta thường chú trọng đến mặt đạo đức, yếu tố năng lực và tuổi tác thường ít chú ý đến. Từ thực tế cho thấy, người lãnh đạo Giáo hội dĩ nhiên là người phải có phẩm hạnh đạo đức tốt, bên cạnh đó yếu tố ‘năng lực’ và ‘tuổi tác’ không thể không đề cập, nó là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của Giáo hội. Muốn đảm trách công việc này, Giáo hội cần chọn người biết nhìn xa thấy rộng, hoạch định xu hướng phát triển cho Giáo hội, có bổn phận và trách nhiệm, biết trọng dụng nhân tài, biết cấu trúc tổ chức và phân bổ công việc hợp lý. Do vậy, chúng ta cần phải cân nhắc khi tuyển chọn người lãnh đạo giáo hội hay cho một một cơ quan tổ chức của Giáo hội, không nên tùy tiện.

Thứ hai, vấn đề kiêm nhiệm chức vụ. Nếu tôi nói không lầm, Phật giáo chúng ta đang tồn tại một thói quen ‘bệnh tôn sùng’ thái quá. Ví dụ, chúng ta thấy thầy A có khả năng về lãnh vực chuyên môn này, vì phục tài của thầy, chúng ta lại đề cử thầy kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác, nhưng công việc đó hoàn toàn không liên hệ gì đến khả năng chuyên môn của thầy. Việc kiêm nhiệm nhiều chức vụ cũng xuất phát từ quan điểm này, nó là một trong những nhân tố chính yếu dẫn đến công việc trì trệ cho Giáo hội. Hơn nữa, sức người có giới hạn, mỗi ngày chúng ta chỉ có 8 giờ làm việc, thế thì sức lực đâu, thời gian đâu chúng ta làm những công việc khác? sức khỏe yếu lại không có thời gian thì ai là người làm thay công việc cho mình? Không làm việc mà muốn công việc thành công là điều không thể có; Không làm mà nhận chức vụ là thái độ xem thường tổ chức và người khác, vô trách nhiệm. Đó là nguyên nhân của mọi sự thất bại. Chúng ta không thể viện dẫn người lãnh đạo không cần làm việc theo thời gian. Theo tôi, cách giải thích nghe ra có phần hợp lý, nhưng không đúng với thực tế, vì không có một công việc nào lại không cần đến thời gian, có thể người lãnh đạo không ràng buột vào nơi làm việc, nhưng nó không đồng nghĩa là người lãnh đạo không cần thời gian nghiên cứu suy tư cho công việc đó. Ở xã hội, người lãnh đạo cho một cơ quan nào, người đó phải chịu trách nhiệm cho sự thành công hay thất bại của công việc, nếu qua một thời gian làm việc, công việc không hiệu quả thì vị lãnh đạo đó phải từ chức, thay vào đó một người khác cò khả năng hơn, thế nhưng trong Phật giáo thì không thấy trường hợp này xảy ra, tại sao ? điều đó tốt hay xấu ? Do vậy, sự kiêm nhiệm nhiều chức vụ, nó mang ý nghĩa tiêu cực hơn là tích cực, nó là một trong những nguyên nhân đưa đến sự trì trệ các mặt hoạt động của giáo hội.

Thứ ba, về mặt hành chánh và tổ chức. Nhìn chung cách cơ cấu tổ chức của Giáo hội hay các ban ngành trực thuộc giáo hội còn quá nặng nề về mặt hình thức, không mang tính thực tiễn, nhiều ban nhiều chức vụ, nhưng trên thực tế không hoạt động. Ví dụ, tại sao Học Viện Phật giáo VN phải cần đến 3 vị phó Viện trưởng, và cho đến 5 phó Tổng thư ký ? tại sao phải có chức vụ Tổng thư ký và phó Tổng thư ký ? công việc của chức vụ này như thế nào? cách cấu trúc nhân sự này dựa vào điều kiện thực tế nào? Đây chỉ là một ví dụ điển hình, trên thực tế đây không chỉ có Viện Nghiên cứu mà là vấn đề phổ biến các ban ngành trong Giáo hội.

Giáo hội có những ban ngành thừa người thừa việc, nhưng trong Phật giáo lại còn có khá nhiều lãnh vực vẫn chưa đưa vào hành động. Ví dụ, tình trạng xây cất và sửa sang các tu viện trong Phật giáo hiện nay rất tùy tiện, sửa như thế nào, cất như thế nào, kiến trúc sa sao? dường như Giáo hội vẫn thả lỏng không quản lý; Trong đời sống Tăng Ni thường phát sinh các chứng bịnh như là gan, bao tử... Lý do tại sao? nó xuất phát từ đâu? Phải chăng do thức ăn, uống, sử dụng chung dao cạo đầu ? Thực trạng này Giáo hội vẫn chưa lưu tâm, đề xuất biện pháp; Âm nhạc là phương tiện truyền giáo rất có hiệu quả, chư Tổ ngày xưa đã vay mượn nhạc cụ dân gian để biến thành lễ nhạc Phật giáo, là những bài tán tụng trong nhà chùa, rất có hiệu quả trong cách truyền giáo ở ngày xưa, nhưng nó không còn hấp dẫn trong thời đại ngày nay. Nếu nó là mặt mạnh trong công việc truyền giáo, tại sao Phật giáo không đào tạo người chuyên nghiên cứu về âm nhạc Phật giáo, để tiếp tục sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, đưa Phật giáo vào xã hội ?

Vấn đề Tăng Ni sinh đi du học nước ngoài cũng là một trong những vấn đề cần được nêu ra đây. Thật tế mà nói, cho đến nay Giáo hội vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đối với việc đưa tăng ni sinh đi du học. Học ở đâu, học ngành gì, đều do tăng ni sinh quyết định, cho đến nay vẫn chưa có sự hướng dẫn nào từ Giáo hội. Sự học này sẽ không làm sao tránh khỏi việc thừa việc thiếu, dẫm chân lẫn nhau trong tương lai. Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình và trọng yếu, trước mắt Giáo hội Phật giáo Việt cần phải khắc phục, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển.

Những gì vừa được trình bày là thực trạng của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo muốn được phát triển cùng với con người trong xã hội mới, chúng ta cần phải đối điện vấn đề và giải quyết. Thế thì giải quyết như thế nào ? Theo tôi, muốn giải quyết một vấn gì, công việc trước tiên vẫn là vấn đề con người, có nghĩa là ai thực thi hiệu quả những công việc đó ? chắc chắc phải là người có trình độ chuyên môn và có tấm lòng. Người này từ đâu có ? không thể tự nhiên mà có, phải bắt nguồn từ công việc giáo dục và đào tạo. Như vậy vấn đề then chốt vẫn là vấn đề giáo dục và đào tạo, nó là nơi cung ứng nhân sự cho các mặt hoạt động khác nhau của Phật giáo.

4. Sự ra đời Trường Đại học Phật giáo là phương án thích đáng và hữu hiệu nhất cho sự phát triển Phật giáo Việt nam.

Như tôi vừa trình bày qua, Phật giáo Việt Nam có chiều dài gần 2.000 năm lịch sử, luôn luôn gắn bó, cùng cam cọng khổ với dân tộc. Phật giáo đến với dân tộc không làm tổn hại đến nền văn hoá truyền thống của dân tộc, ngược lại Phật giáo tô bồi cho nền văn hoá đó càng tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể ngang qua những di tích lịch sử chứng minh điều đó và ngay cả cách suy tư, giáo dục con người đều mang trong đó những dấu tích của Phật giáo. Như vậy văn hoá Phật giáo là một bộ phận không nhỏ của văn hoá truyền thống dân tộc. Nếu như chúng ta đồng ý quan điểm này, thì sự phát triển Phật giáo có nghĩa là chúng ta đang phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc. Sự củng cố và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc là bức tường vững chắc nhất cho sự nghiệp bảo vệ truyền thống văn hoá Việt nam và nền độc lập và thống nhất của dân tộc, là vũ khí sắc bén nhất để đẩy lùi những suy tư phi dân tộc.

Thời gian chiến tranh đã qua, hơn 30 đất nước sống trong hoà bình độc lập, những gian nan cam khổ rồi cũng qua đi, nền kinh tế đất nước đang từng bước ổn định và phát triển. Nếu như Phật giáo là một tôn giáo của dân tộc, là một Tôn giáo được đa số người dân tin theo, tư tưởng văn hoá của dân tộc và Phật giáo đã quyện chặt vào nhau thành một khối, thì tại sao chúng ta không tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển, cùng nhau tạo dựng trường Đại học cho Phật giáo ? Tôi tin rằng, Trường Đại học sẽ là đòn bẩy kích thích cho mọi mặt hoạt động của Phật giáo cùng phát triển. Thử hỏi một đất nước không có cơ sở giáo dục thì đất nước đó đi về đâu? Phải chăng là một đất nước có nền kinh tế lạc hậu và xã hội rối loạn ? Cũng vậy, nếu Phật giáo không có cơ sở giáo dục đào tạo họp lý, không sao tránh khỏi những hoạt động yếu kém. Nếu như trong thời gian qua các mặt hoạt động của Phật giáo còn trì trệ, Giáo hội không chủ động được những công việc của mình. Theo tôi nguyên nhân chính vẫn là vấn đề nhân sự.

Phật giáo tuy đã có các cơ sở giáo dục, từ sơ cấp đến cao cấp, nhưng chỉ sinh hoạt dưới hình thức Phật học viện mang tính nội bộ, chưa được chấp nhận của ngành giáo dục quốc gia. Hình thức giáo dục này không thể đáp ứng được những nhu cầu của Phật giáo trong xã hội hiện nay. Hơn nữa, sinh hoạt Phật giáo không còn mang ý nghĩa đơn thuần chỉ là người ẩn dật tu tập trong rừng núi, phần lớn là những người hoạt động xã hội. Nếu như một người lãnh đạo hoạt động xã hội mà không có kiến thức Phật học và xã hội học, thì công việc làm của người đó hàm chứa yếu tố nguy hiểm hơn là người có kiến thức. Mặt khác những cơ sở giáo dục này vì chưa được bộ giáo dục thừa nhận, điều đó trở ngại cho nhu cầu tiếp tục học tập của các Tăng Ni sinh. Do vậy, sự hình thành trường Đại học Phật giáo là nhu cầu cần thiết và hết sức bức bách của Phật giáo Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Nó không những chỉ có lợi cho Phật giáo trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp, còn có bổn phận phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, góp phần xây dựng xã hội, nâng cao trình độ nhân thức cho thế hệ trẻ, huấn luyện kiến thức chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của Phật giáo và xã hội trong thời đại mới.

Tính đặc thù của Trường Đại học Phật giáo chuyên đào tạo và nghiên cứu các lãnh vực thuộc về nhân văn tư tưởng. Như Phật học, Việt Nam học, Ấn Ðộ học, Trung Quốc học, tôn giáo học, đạo đức học, xã hội học, dân tộc học, ngôn ngữ học và những ngành liên quan đến Phật giáo Việt Nam và văn hoá Việt Nam. Ngoài ra, đại học Phật giáo còn có thể đào tạo các ngành khoa học về tự nhiên, nếu có thể. Trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo các chuyên viên phiên dịch và biên tập bộ “Đại Tạng Kinh Việt Nam”. Những sinh viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp trường này sẽ là những chuyên viên cho các mặt hoạt động của Phật giáo, không những chỉ giới hạn trong Phật giáo mà còn cung ứng cho xã hội những ngành có liên quan, như công tác tôn giáo, công tác từ thiện xã hội….

Ngoài ra, Trường Đại học Phật giáo xúc tiến nghiên cứu các ngành liên quan đến Phật học, tôn giáo và xã hội, nhằm để cống hiến cho xã hội có cái nhìn đúng đắng hơn đối vớn vấn đề tôn giáo, và sự ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Đồng thời, trường Đại học Phật giáo còn có chức năng giao lưu với các Đại học Phật giáo trên thế giới, thường xuyên tổ chức những hội thảo chuyên đề, nhằm tạo điều kiện cho đôi bên có cơ hội trao đổi và tìm hiểu lẫn nhau trong lãnh vực nghiên cứu khoa học. Có thể nói đây là xu hướng chung của Phật giáo thế giới. Các nước như Thái Lan, Tích lan, Taiwan… đều có trường Đại học Phật giáo. Việt Nam là một nước có nền văn hoá gắng liền với Phật giáo, đại đa số người dân theo đạo Phật thì thật là vô lý chúng ta không chưa có trường Đại học Phật giáo.

5. Kết luận

Phật giáo là một trong những Tôn giáo lớn của Thế giới, sau khi Phật giáo truyền vào Việt Nam được đa số người dân tin theo và mau chóng thành một tôn giáo của đại bộ phận dân tộc. Phật giáo là một tôn giáo thuộc văn hoá Ấn độ, nhưng khi Phật giáo truyền vào Việt nam không làm nguy hiểm đến văn hoá và nền độc lập dân tộc. Ngược lại Phật giáo vun bồi và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, không những chỉ có thế Phật giáo luôn luôn gắn bó cùng với nhân dân Việt nam bảo vệ nền độc lập và thống nhất của dân tộc.

Trải qua gần 2000 năm lịch sử, Phật giáo đã để lại cho dân tộc không biết bao nhiên công trình văn hoá quí giá, từ vật thể cho đến phi vật thể. Cho đến nay, văn hoá Phật giáo trở thành một bộ Phật văn hoá của dân tộc, hay nói một cách khác, nói đến văn hoá Việt nam không thể không đề cập đến văn hoá Phật giáo. Do vậy tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển, điều đó đồng nghĩa tạo điều kiện cho nên văn hoá dân tộc phát triển; Giữ gìn văn hoá truyền thống dân tộc có nghĩa là giữ gìn văn hóa Phật giáo.

Phật giáo là một tôn giáo, nhưng Phật giáo không lấy ‘niềm tin’ làm mục đích cho sự giáo dục, mà Phật giáo lấy giác ngộ (sự hiểu biết) làm mục đích. Do vậy, giáo dục Phật giáo không làm cản trở cho sự phát triển xã hội, ngược lại lối giáo dục Phật giáo không những giúp cho con người có suy tư tốt, làm cơ sở cho sự phát triển mà còn giúp cho xã hội sinh hoạt trong sự hoà bình tương thân tương ái.

Thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại khoa học kỷ thuật, trình độ nhận thức của con người được trang bị khá tốt. Xu hướng phát triển của xã hội Việt nam cũng sẽ theo qui luật chung này. Đứng trước thời đại mới con người mới này, với phương pháp làm việc của Phật giáo Việt Nam hiện nay không thể đáp ứng những nhu cầu mới của thời đại. Phật giáo muốn tiếp tục tồn tại và phát triển cùng với xã hội mới đó, phật giáo không thể không thay đổi cách suy nghĩ và phương pháp làm việc. Theo tôi, Phật giáo muốn làm được điều này, điều trước tiên phải có nhân sự. Nhân sự đó không thể tự nhiên mà có, mà phải bắt nguồn từ giáo dục. Nói đến giáo dục và đào tạo là nói đến tính hợp pháp của trường Đại học, như vậy sự hình thành trường Đại học Phật giáo là nhu cầu hết sức bức bách, nó là cơ sở là nền tảng để giải quyết mọi vấn đề trong Phật giáo.

Nếu như Phật giáo là một tôn giáo lớn của Việt Nam, được đa số người dân tin theo thì nhu cầu hình thành trường Đại học Phật giáo là nhu cầu chung của đại đa số nhân dân Việt nam; Nếu nền văn hoá dân tộc và văn hoá Phật giáo có mối quan hệ mật thiết thì nhu cầu hình thành trường Đại học Phật giáo là nhu cầu chính đáng, để duy trì và phát huy văn hoá dân tộc; Nếu như Phật giáo là một tôn giáo có công bảo vệ nền độc lập và thống nhất của dân tộc thì trường Đại học Phật giáo là nơi giáo dục con người tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó.

KINH SÁCH THAM KHẢO

HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 1, 2 Viện NCPHVN Ấn hành.

HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập, Viện NCPHVN ấn hành.

HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành.

HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành.

HT. Thiện Siêu dịch, “Kinh Tạp A-hàm” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành.

Viện CĐPH Hải Đức NT dịch, “Kinh Trung A-hàm” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành.

Viện CĐPH Huệ Nghiêm dịch, “Kinh Trường A-hàm” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành.

Lê Mạnh Thát, “Lịch sử Phật giáo Việt nam” tập 1, Huế, NXB Thuận Hoá.

Nguyên Hồng, “Giáo dục học Phật giáo”, NXB Tôn giáo.

Thích Hạnh Bình, “Tìm hiểu đạo Phật Nguyên Thủy”, Hà nội, NXB Tôn giáo.

Thích Hạnh Bình, “Đạo Phật xưa và nay”, Hà Nội, NXB Tôn giáo.

Võ Văn Tường, “Việt nam Danh lam Cổ tự”, Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội.

Hà Duy dịch, “Các quan hệ Việt Nam Ấn Độ Từ thế kỷ I đến thế kỷ XXI” NXB Lao Động.

Vũ Thanh Sơn, “Thần Linh đất Việt”, NXB Dân Tộc.

Phạm Đan Quế, “ Tìm hiểu điển tích Truyện Kiều” NXB Thanh Niên.

Châu Nhiên Khanh biên soạn, “Ca dao Việt nam” NXB Đồng Nai.



[1]HT. Thiện Siêu dịch, “Kinh Tạp A-hàm” tập 1,’Kinh số 89, 90, 93…’ Viện NCPHVN ấn hành, 1994.

[2]HT. Thiện Siêu dịch, “Kinh Tạp A-hàm” tập 1, ‘Kinh số 154~165’ Viện NCPHVN ấn hành, 1994.

[3]HT.Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” (Majjhima-NikŒya) tập 1, ‘Đại Kinh Sư Tử Hống’ (MahŒsihanŒdasuttam), Viện NCPHVN ấn hành, 1992, trang 161~191.

[4]Ht. thiện Siêu dịch, “Kinh Tạp A-hàm” tập 3, ‘Kinh số 912’ Viện NCPHVN ấn hành, 1995, trang 284-290.

[5]HT Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 2, Viện NCPHVN ấn hành, 1996 , trang 185: “Này Bhaddiya, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nới có uy quyền; chớ có tin vì vị sa môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào ông tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Bhaddiya, ông hãy từ bỏ chúng.”

[6]HT Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 3, Viện NCPHVN ấn hành, 1993, trang 271~273 “Này các Tỷ-kheo, không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ tất cả, thời không có thể đoạn tận khổ đau.”.

[7]HT Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” (Majjhima NikŒya) tập 1 , Viện NCPHVN ấn hành 1992 , trang 19~20

[8]Xin tham khảo ‘Kinh Sa Môn Quả’ (SŒma��aphala Sutta) trong “Kinh Trường Bộ” (D´gha NikŒya), tương đương ‘Kinh Sa Môn Quả’ (沙門果經) trong “Kinh Trường A Hàm” (長阿含經).

[9]K. Sri Dhammananda, “Buddhism in the Eyes of Intellectuals” (Copyright by Buddhist Missionary Society. Malaysia. P. 21). ‘The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description’

[10]1. Chánh kiến là quan điểm đứng, 2. Chánh tư duy là cách suy tư đúng, 3. Chánh ngữ là lời nói đứng và chân thật, 4. Chánh nghiệp là có việc làm chân chánh, 5. Chánh mạng là đời sống chân chánh, 6. Chánh tinh tấn là sự nổ lực cố gắng họp lý và đúng, 7. Chánh niệm là sự chú ý chuyên tâm chân chánh, 8. Chánh định là thiền định chân chánh.

[11]HT. Thiện Siêu dịch, “Kinh Tạp A-hàm” tập 1, ‘Kinh số 36’ ghi: “Hãy trú trên hoàn đảo của chính mình, trú trên chỗ nương tựa của chính mình; trú trên hoàn đảo chánh pháp, trú trên nương tựa chánh pháp, chứ đừng trú trên hoàn đảo khác, chỗ nương tựa nào khác” Viện NCPHVN ấn hành, 1994, trang 74.

[12]Thích Thanh Từ, “Thiền Sư Việt Nam”, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1992, trang 124.

[13]Phạm Đan Quế, “Tìm hiểu điển tích Tuyện Kiều”, NXB Thanh Niên, TP.HCM, năm 2003, trang 270.

[14]Sđd trang 602.

[15]Châu Nhiên Khanh biên chọn, “Ca dao Việt nam” NXB Tổng họp Đồng Nai, 2000 trang 159.

[16]Ở đây từ ‘Phật giáo Việt nam’ làkhái niệm màtác giả muốn chi chung cho tất cả các tổ chức thuộc Phật giáo của Việt nam, không mang ý nghĩa giới hạn chỉ cótổ chức Phật giáo này không làPhật giáo khác, vìđây làtrách nhiệm chung của Phật giáo Việt nam.

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 5476)
Hóa thân phải chăng là một hiện tượng siêu hình như ma quỷ hóa làm người, người hóa thành ông bình vôi trong truyện cổ tích? Hóa thân phải chăng là óc tưởng tượng không có thực trong sinh hoạt tâm lý của con người? Hay hóa thân không chỉ có thế mà còn có một ý nghĩa tích cực?
09/04/2013(Xem: 5386)
Làm thế nào để thay đổi hoàn cảnh xã hội là một loạt đề tài do Pháp sư Tịnh không giảng dạy vào mùa hạ năm 1997 tại Ðài bắc, và được đài truyền hình Ðài lục phát sóng. Ðối tượng của chương trình này không chỉ nhắm vào quần chúng xã hội Ðài loan hiện tại, mà nó còn bao quát cả nhân dân các nước trên thế giới, . . .
09/04/2013(Xem: 4424)
Tập sách mỏng về Đức Đạt-Lại Lạt-Ma thứ 14 Tenzin Gyatso bao gồm những đề tài liên quan đến Đức Đạt-lại Lạt-ma, một vị lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng cũng như của các Phật tử khắp trên thế giới. Những tài liệu này được tổng hợp từ Internet.
09/04/2013(Xem: 9768)
Nhiều người cho rằng Phật Giáo mang tư tưởng xuất thế nên không chủ trương có gia đình, không khuyến khích kết hôn, cũng tương đồng với việc cho rằng người theo đạo Phật đều phải xuất gia. Thật ra, đây là một quan niệm sai lầm.
09/04/2013(Xem: 4921)
Trước hiện tình của đất nước và sự lầm than khổ sở của trăm họ, chúng tôi, một nhóm người tài hèn đức mọn, không biết chi hơn là trích dịch trong quyển "GIÁO LÝ CỦA ÐỨC PHẬT" do một vị tu sĩ Tích Lan, Ðại Ðức Walpola Rahula soạn ra, . . .
09/04/2013(Xem: 7086)
Năm Nguyên Hưng thứ 2 (403), Thái úy Hoàn Huyền được thăng chức Tể phụ. Huyền từ lâu đã có dã tâm soán đoạt, lúc này lại dựa uy của vua Tấn hạ chiếu buộc Sa môn phải lạy cả vua và lục thân. Huyền gởi thư nêu lại việc đại thần Dữu Băng từng dâng thư buộc Tăng phải lạy tục và việc đại thần Hà Sung phản bác.
09/04/2013(Xem: 7968)
Theo đạo Phật nhu cầu sống con người gồm có 4 loại: 1. Đoàn thực, là các loại thức ăn và uống, 2. Xúc thực, là các loại cảm xúc của 5 căn, trong đó có cả cảm xúc của thân, 3. thức thực, là những loại tri thức, 4. Tư niệm thực, là ý chí muốn sống...
09/04/2013(Xem: 4797)
Bất cứ ai đã kinh nghiệm trạng thái sân hận đều biết chúng khó chịu thế nào. May mắn thay, Đức Phật đã dành cho chúng ta những lời hướng dẫn rõ ràng về cách buông bỏ sân, cách sống sao để tránh sân hận, . . .
09/04/2013(Xem: 4367)
Trong thời đại phát triển khoa học ngày nay, con người càng trở nên bận rộn, mệt mõi và chịu nhiều áp lực khi phải đối diện với những thách thức, những trở ngại và những sự cạnh tranh tất yếu mà cuộc sống mang lại; và buột phải đồng hành theo nhịp sống hiện đại của xã hội hầu thoả mãn được nhu cầu sống cho chính mình.
09/04/2013(Xem: 11276)
Tập sách này là một sự tập hợp các bài biên khảo đã được đăng trong các tạp chí Phật giáo. Các bài : Triết lý quanh đèn, Triết lý chiếc nôi, Cái nhìn, Những vấn đề sáng tạo, . . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]