Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11: Đơn giản

18/07/201102:02(Xem: 4023)
Chương 11: Đơn giản

J. KRISHNAMURTI
TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG
THE FIRST & LAST FREEDOM
Lời dịch: Ông Không –2010

CHƯƠNG XI
ĐƠN GIẢN

Tôi muốn bàn luận về ý nghĩa của đơn giản, và có lẽ từ đó dẫn đến sự khám phá về nhạy cảm. Dường như chúng ta nghĩ rằng, đơn giản chỉ là một thể hiện phía bên ngoài, một từ bỏ: có được một ít tài sản, mặc vào một cái khố, không có nhà cửa, khoác vào ít quần áo, có một tài khoản nhỏ ở ngân hàng. Chắc chắn đó không là đơn giản. Đó chỉ là một phô diễn phía bên ngoài. Dường như đối với tôi, đơn giản là cốt lõi; nhưng đơn giản hiện diện chỉ khi nào chúng ta bắt đầu hiểu rõ ý nghĩa của hiểu rõ về chính mình.

Đơn giản không là một điều chỉnh đến một khuôn mẫu. Nó cần đến nhiều thông minh để sống đơn giản và không phải là tuân phục vào một khuôn mẫu đặc biệt, dù có giá trị phía bên ngoài ra sao. Bất hạnh thay, hầu hết chúng ta đều bắt đầu bằng sự đơn giản phía bên ngoài, trong những sự việc bên ngoài. Tương đối dễ dàng khi có một ít vật dụng và thỏa mãn với một ít vật dụng đó; sống mãn nguyện với chút ít và có lẽ chia sẻ chút ít đó với những người khác. Nhưng một thể hiện thuần túy phía bên ngoài của đơn giản trong những sự vật, trong những sở hữu, chắc chắn không hàm ý sự đơn giản của con người phía bên trong. Bởi vì, như thế giới hiện nay, càng ngày càng nhiều sự việc đang thúc giục chúng ta, phía bên ngoài, ở ngoại vi. Sống đang trở nên mỗi lúc một phức tạp hơn. Với mục đích tẩu thoát khỏi sự phức tạp đó, chúng ta cố gắng từ bỏ hay xa rời những sự vật – xe cộ, nhà cửa, những tổ chức, những rạp chiếu bóng, và vô số những tình huống phía bên ngoài đang xô đẩy chúng ta. Chúng ta nghĩ chúng ta sẽ sống đơn giản bằng cách rút lui. Nhiều vị thánh, nhiều vị thầy, đã từ bỏ thế giới; và dường như đối với tôi, một từ bỏ như thế nơi bất kỳ người nào trong chúng ta không giải quyết được vấn đề. Đơn giản mà là cốt lõi, thực sự, chỉ có thể hiện diện ở phía bên trong; và từ đó, có một thể hiện phía bên ngoài. Vậy thì, làm thế nào để sống đơn giản là một nghi vấn; bởi vì đơn giản đó làm cho người ta càng lúc càng nhạy cảm. Một cái trí nhạy cảm, một tâm hồn nhạy cảm là cốt lõi, vì lúc đó nó có thể nhận biết mau lẹ, thâu nhận mau lẹ.

Chắc chắn, người ta có thể được đơn giản phía bên trong bằng cách hiểu rõ vô số những trì hoãn, những quyến luyến, những sợ hãi, trong đó người ta bị trói buộc. Nhưng hầu hết chúng ta đều ưa thích được trói buộc – bởi con người, bởi những tài sản, bởi những ý tưởng. Chúng ta ưa thích được là những tù nhân. Phía bên trong chúng ta là những tù nhân, mặc dù phía bên ngoài chúng ta dường như rất đơn giản. Phía bên trong chúng ta là những tù nhân của những ham muốn của chúng ta, của những mong ước của chúng ta, của những lý tưởng của chúng ta, của vô vàn những động cơ. Đơn giản không thể tìm được, nếu người ta không được tự do phía bên trong. Vì vậy nó phải bắt đầu từ bên trong, không phải phía bên ngoài.

Có một tự do lạ thường khi người ta hiểu rõ toàn qui trình của niềm tin, tại sao cái trí bị quyến luyến vào một niềm tin. Khi có tự do khỏi những niềm tin, có đơn giản. Nhưng đơn giản đó cần đến thông minh, và muốn có thông minh người ta phải nhận biết được những trì hoãn riêng của người ta. Muốn nhận biết, người ta phải liên tục tỉnh thức, không bị cố định trong bất kỳ khe rãnh đặc biệt, trong bất kỳ khuôn mẫu đặc biệt của tư tưởng hay hành động nào. Rốt cuộc, điều gì người ta là phía bên trong có gây ảnh hưởng phía bên ngoài. Xã hội, hay bất kỳ hình thức nào của hành động, là sự chiếu rọi của chính chúng ta; và nếu không có sự thay đổi phía bên trong, chỉ tạo ra những luật lệ chẳng có ý nghĩa bao nhiêu phía bên ngoài; nó có lẽ tạo ra những đổi mới nào đó, những điều chỉnh nào đó, nhưng điều gì người ta là phía bên trong luôn luôn chi phối phía bên ngoài. Nếu phía bên trong người ta tham lam, tham vọng, đang theo đuổi những lý tưởng nào đó; cuối cùng sự phức tạp phía bên trong đó có đảo lộn, lật đổ xã hội phía bên ngoài, dù xã hội đó đã được thiết lập vững chắc đến chừng nào.

Vì vậy người ta phải bắt đầu từ phía bên trong – không phải loại trừ, không phải phủ nhận phía bên ngoài. Chắc chắn, bạn đến được phía bên trong, bằng cách hiểu rõ phía bên ngoài, bằng cách tìm được tại sao đấu tranh, xung đột, đau khổ, tồn tại phía bên ngoài; khi người ta tìm hiểu nó mỗi lúc một thâm sâu hơn, tự nhiên người ta lọt vào những trạng thái tâm lý mà sản sinh ra những xung đột và những đau khổ phía bên ngoài. Sự thể hiện phía bên ngoài chỉ là một phơi bày của trạng thái phía bên trong chúng ta; nhưng muốn hiểu rõ trạng thái phía bên trong chúng ta, người ta phải tiếp cận qua phía bên ngoài. Hầu hết chúng ta đều làm việc đó. Trong hiểu rõ phía bên trong – không phải loại trừ, không phải phủ nhận phía bên ngoài, nhưng bằng cách hiểu rõ phía bên ngoài và thế là bất ngờ bắt gặp phía bên trong – chúng ta sẽ phát giác rằng, khi chúng ta thâm nhập những phức tạp bên trong của thân tâm chúng ta, chúng ta mỗi lúc mỗi nhạy cảm, tự do. Chính đơn giản phía bên trong này là cốt lõi, bởi vì đơn giản đó tạo ra nhạy cảm. Một cái trí không nhạy cảm, không tỉnh thức, không nhận biết, không thể có bất kỳ thâu nhận nào, bất kỳ hành động sáng tạo nào. Sự tuân phục như một phương tiện giúp cho chúng ta được đơn giản, thực sự lại khiến cho cái trí và tâm hồn đờ đẫn, vô cảm. Bất kỳ hình thức ép buộc nào của uy quyền, bị áp đặt bởi chính thể, bởi chính người ta, bởi lý tưởng của thành tựu, và vân vân – bất kỳ hình thức nào của tuân phục phải dẫn đến vô cảm, bởi vì không nhạy cảm phía bên trong. Phía bên ngoài bạn có lẽ tuân phục và cho ‘vóc dáng’ của đơn giản, như quá nhiều con người tôn giáo đã làm. Họ luyện tập vô vàn những kỷ luật, gia nhập những tổ chức khác nhau, tham thiền trong một kiểu đặc biệt, và vân vân – tất cả đều cho một vóc dáng của đơn giản, nhưng sự tuân phục như thế không dẫn đến đơn giản. Sự ép buộc thuộc bất kỳ loại nào không bao giờ dẫn đến đơn giản. Trái lại, bạn càng kiềm chế nhiều bao nhiêu, bạn càng thay thế nhiều bao nhiêu, bạn càng lý tưởng nhiều bao nhiêu, càng có ít đơn giản bấy nhiêu; nhưng bạn càng hiểu rõ qui trình của lý tưởng, thay thế, kiềm chế nhiều bao nhiêu, càng có thể có nhiều đơn giản bấy nhiêu.

Những vấn đề của chúng ta – xã hội, môi trường, chính trị, tôn giáo – phức tạp đến độ chúng ta có thể giải quyết chúng chỉ bằng cách đơn giản, không phải bằng cách trở nên có uyên bác và thông thái. Một con người đơn giản thấy trực tiếp nhiều hơn, có một trải nghiệm trực tiếp nhiều hơn con người phức tạp. Cái trí của chúng ta bị nhồi nhét quá nhiều bởi vô số những hiểu biết về những sự kiện, về điều gì những người khác đã nói, đến độ chúng ta trở nên không thể đơn giản và có được tự-trải nghiệm trực tiếp cho chính chúng ta. Những vấn đề này đòi hỏi một cách tiếp cận mới mẻ; và chúng có thể được tiếp cận mới mẻ như thế chỉ khi nào chúng ta đơn giản, phía bên trong thực sự đơn giản. Đơn giản này hiện diện chỉ qua hiểu rõ về chính mình, qua hiểu rõ về chính chúng ta; những cách suy nghĩ và cảm thấy của chúng ta; những chuyển động thuộc tư tưởng của chúng ta; những phản ứng của chúng ta; chúng ta tuân phục như thế nào, qua sợ hãi, qua ý kiến của công chúng, đến điều gì người khác nói, điều gì Phật, Chúa, những vị thánh vĩ đại đã nói – tất cả điều đó thể hiện bản chất tuân phục, muốn an toàn, muốn yên ổn của chúng ta. Khi người ta đang tìm kiếm an toàn, rõ ràng người ta đang ở trong một trạng thái sợ hãi và thế là không có đơn giản.

Nếu không đơn giản, người ta không thể nhạy cảm – với những cái cây, với những con chim, với những hòn núi, với những cơn gió, với tất cả những sự việc đang xảy ra quanh chúng ta trong thế giới; nếu người ta không đơn giản người ta không thể nhạy cảm với những ‘bắt chước’ phía bên trong về những sự việc. Hầu hết chúng ta sống rất hời hợt trong những tầng phía bên ngoài của ý thức chúng ta; ở đó chúng ta cố gắng có suy nghĩ hay thông minh, mà cũng giống như có tôn giáo; ở đó chúng ta cố gắng làm cho cái trí của chúng ta đơn giản, qua ép buộc, qua kỷ luật. Nhưng đó không là đơn giản. Khi chúng ta ép buộc cái trí tầng ý thức bên ngoài phải đơn giản, sự ép buộc như thế chỉ làm cằn cỗi cái trí, không khiến cho nó mềm dẻo, rõ ràng, nhạy bén. Muốn đơn giản trong tổng thể, toàn tiến hành thuộc ý thức của chúng ta, là điều cực kỳ gian nan; bởi vì phải không có sự bảo thủ phía bên trong, phải có một khẩn thiết để tìm ra, để thâm nhập vào sự tiến hành của thân tâm chúng ta, mà có nghĩa tỉnh táo được mọi bắt chước, mọi hàm ý; nhận biết được những sợ hãi của chúng ta; những hy vọng của chúng ta, và tìm hiểu và được tự do khỏi chúng nhiều hơn và nhiều hơn và nhiều hơn. Chỉ đến lúc đó, khi cái trí và quả tim thực sự đơn giản, không bị bao bọc, chúng ta mới có thể giải quyết được nhiều vấn đề đối diện với chúng ta.

Hiểu biết sẽ không giải quyết được những vấn đề của chúng ta. Ví dụ, bạn có lẽ biết rằng có luân hồi, rằng có một sự tiếp tục sau khi chết. Bạn có lẽ biết, tôi không nói bạn biết; hay bạn có lẽ được thuyết phục về nó. Nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề. Chết không thể bị hoãn lại bởi lý thuyết của bạn, hay bởi thông tin, hay bởi niềm tin. Nó bí mật hơn nhiều, sâu thẳm hơn nhiều, sáng tạo hơn điều đó nhiều.

Người ta phải có khả năng tìm hiểu tất cả điều này mới mẻ lại; bởi vì chỉ qua trải nghiệm trực tiếp những vấn đề của chúng ta mới được giải quyết, và muốn có trải nghiệm trực tiếp phải có đơn giản, mà có nghĩa phải có nhạy cảm. Một cái trí bị làm đờ đẫn bởi gánh nặng của hiểu biết. Một cái trí bị làm cằn cỗi bởi quá khứ, bởi tương lai. Chỉ một cái trí có khả năng tự-thích ứng chính nó đến hiện tại, liên tục, từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, có thể gặp gỡ những ảnh hưởng mạnh mẽ và áp lực mạnh mẽ liên tục mà thôi thúc, hành hạ chúng ta bởi môi trường sống của chúng ta.

Vẫn vậy một con người tôn giáo thực sự không là một con người mà khoác vào một cái áo choàng hay một cái khố, hay sống dựa vào một bữa ăn mỗi ngày, hay nuốt vào vô số những lời thề để là điều này hay không là điều kia, nhưng là một con người mà đơn giản bên trong, mà không đang trở thành bất kỳ cái gì. Một cái trí như thế có khả năng thâu nhận lạ thường, bởi vì không có cản trở, không có sợ hãi, không có hướng đến một cái gì đó; vì vậy nó có khả năng thâu nhận ơn lành, Thượng đế, sự thật, hay bất kỳ điều gì bạn muốn. Nhưng một cái trí đang theo đuổi sự thật không là một cái trí đơn giản. Một cái trí đang tìm kiếm, lục soát, dò dẫm, kích động, không là một cái trí đơn giản. Một cái trí mà tuân phục bất kỳ khuôn mẫu nào của uy quyền, bên trong hay bên ngoài, không thể nhạy cảm. Và chỉ khi nào một cái trí thực sự nhạy cảm, tỉnh thức, nhận biết được tất cả những xảy ra, những phản ứng, những suy nghĩ riêng của nó, khi nó không còn đang trở thành, không còn định hình chính nó để là một cái gì đó – chỉ đến lúc đó nó có thể thâu nhận cái đó mà là sự thật. Chỉ đến lúc đó mới có thể có hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc không là một mục đích – nó là kết quả của sự thật. Khi cái trí và quả tim đã trở nên đơn giản và thế là nhạy cảm – không qua bất kỳ hình thức của ép buộc, hướng dẫn, hay áp đặt – vậy thì chúng ta sẽ thấy rằng những vấn đề của chúng ta có thể được giải quyết rất đơn giản. Dù những vấn đề của chúng ta phức tạp đến chừng nào, chúng ta sẽ có thể tiếp cận chúng mới mẻ lại và thấy chúng khác hẳn. Đó là điều gì được yêu cầu vào thời điểm hiện nay: con người có thể gặp gỡ sự hỗn loạn, sự đau khổ, sự thù địch phía bên ngoài này một cách mới mẻ lại, sáng tạo lại, đơn giản lại – không phải bằng những lý thuyết hay những công thức, hoặc của cánh tả hoặc của cánh hữu. Bạn không thể gặp gỡ những vấn đề mới mẻ lại nếu bạn không đơn giản.

Một vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta tiếp cận nó như thế. Chúng ta không thể tiếp cận nó mới mẻ lại nếu chúng ta đang suy nghĩ dựa vào những khuôn mẫu nào đó của tư tưởng, thuộc tôn giáo, thuộc chính trị hay cách nào khác. Vì vậy chúng ta phải được tự do khỏi tất cả những sự việc này, để đơn giản. Đó là lý do tại sao rất quan trọng phải tỉnh thức, phải có khả năng hiểu rõ toàn qui trình thuộc suy nghĩ riêng của chúng ta, phải nhận biết được trọn vẹn chính chúng ta; từ đó một đơn giản hiện diện, từ đó một khiêm tốn hiện diện mà không là một đạo đức hay một luyện tập. Khiêm tốn mà kiếm được không còn là khiêm tốn. Một cái trí làm cho chính nó khiêm tốn không còn là một cái trí khiêm tốn. Chỉ khi nào người ta có khiêm tốn, không phải một khiêm tốn được vun quén, chỉ khi đó người ta mới có thể gặp gỡ những sự việc của sống mà không bị áp lực, bởi vì lúc đó người ta ‘không quan trọng’, người ta không nhìn qua những áp lực riêng và ý thức quan trọng của người ta; người ta nhìn vào chính vấn đề và thế là người ta có thể giải quyết được vấn đề.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6919)
hững nhà văn chương đạo đức, những bậc thầy đời là một kiến thức xây dựng cho đời một lối sống ổn định hạnh phúc chung. Bao giờ hạnh phúc có liên quan với nhau hạnh phúc đó tồn tại. Những hạnh phúc ích kỷ cá nhân, . . .
09/04/2013(Xem: 18372)
Con người sinh ra đều giống nhau ở điểm là hai bàn tay trắng, không một mảnh vải che thân, sự khác đi của con người bắt nguồn từ quá trình trưởng thành, chịu ảnh hưởng cuộc sống từ gia đình và xã hội, xuất phát từ cơ sở đó định hướng cho mình một hướng đi, . . .
09/04/2013(Xem: 9356)
Thế Kỷ thứ 20 sắp kết thúc với những tiến bộ vật chất ngoài sức mơ tưởng của con người. Tuy đạt được thành quả vật chất đáng kể, nhưng con người vẫn không hạnh phúc, vẫn sống trong bất an, lo âu, phiền não và đang đứng trước hàng loạt thử thách cam go nhất, . . .
09/04/2013(Xem: 10915)
Hôm nay là ngày 4 tháng 6 năm 2002 nhằm ngày 24 tháng 4 năm Nhâm Ngọ tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 34 của mình với nhan đề là: "Cảm Tạ Xứ Đức".
09/04/2013(Xem: 5177)
Trong một bài pháp thuyết giảng tại Mã Lai, Thượng tọa Sayadaw U. Sumana cho biết Phật giáo là một tôn giáo có số lượng tín đồ ít ỏi nhất trong bốn tôn giáo lớn trên thế giới và cảnh giác rằng: “Phật giáo hiện nay được thí dụ như là một con cá trong hồ nước cạn và nước sẽ tiếp tục bốc thành hơi nếu không có cây che mát hồ để tránh đi ánh nắng nóng bỏng của mặt trời. Con cá đó sẽ cố gắng tiếp tục sống với cái hy vọng là cơn mưa sẽ đến, nếu như cơn mưa kịp lúc đến thì cá sẽ được sống cho đến khi mãn kiếp. Những người Phật tử thông thường được ví như là cơn mưa làm cho hồ được đầy nước trở lại và do vậy mà Phật giáo được tồn tại dưới sự bảo tồn của Phật tử”.
09/04/2013(Xem: 5120)
Thế giới chúng ta đang sống thật có quá nhiều đau khổ! Mỗi ngày chúng ta lại chứng kiến một tai ương ách nạn xảy ra. Tâm chúng ta nhói đau khi có quá nhiều người đau khổ. Nhưng từ nổi khổ mà chúng ta thấy được tình thương chân thật và khi dối diện khổ đau thì lòng cảm thương được đánh thức.
09/04/2013(Xem: 5372)
Phật Giáo Nhân Sinh là đề tài do Thái Hư Ðại Sư đưa ra mấy năm trước ngày Người tịch diệt. Trong thời gian Ngài chưa đề cập đến vấn đề này, bắt đầu từ năm dân quốc thứ 17, từ bản thân mình, Ngài đã biểu hiện như là một tấm gương tốt về Phật học nhân sinh.
09/04/2013(Xem: 5554)
Xã hội hôm nay đang trải qua những biến đổi lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, quan hệ quốc tế v.v... với bao hệ tư tưởng cùng những ngộ nhận đáng tiếc. Sự tiến bộ của khoa học đã mang lại những thành tựu đáng kể, . . .
09/04/2013(Xem: 11908)
Không ai có thể phủ nhận được rằng chiến tranh là một tội ác, là một hình thức dã man. Nó là hiện thân của đau khổ, chết chóc, tàn phá và hủy diệt. Ngôn ngữ loài người không đủ để nói lên những hậu quả thảm khốc và tàn nhẫn của nó.
09/04/2013(Xem: 4721)
Tập sách này là kết tập những bài báo viết trên Bản Tin Hải Ấn và Phật Giáo Việt Nam trong cùng một chủ đề. Đó là Con Đường Phát Triển Tâm Linh. Nội dung các bài viết này chỉ có một mục đích là trình bày các phương pháp tu trì của Đạo Phật Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]