Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Quan hệ với bạn bè

23/02/201115:19(Xem: 7074)
1. Quan hệ với bạn bè

SỐNG ĐẸP GIỮA DÒNG ĐỜI
Nguyên Minh

CHƯƠNG V: SỐNG ĐẸP GIỮA CUỘC ĐỜI

Quan hệ với bạn bè

Bước ra khỏi gia đình, quanh ta đều là bạn bè. Bạn đồng nghiệp, bạn chơi thể thao, bạn cùng sở thích, bạn học cũ, bạn trong quan hệ làm ăn, nhờ cậy phụ thuộc lẫn nhau... và hàng loạt những quan hệ bạn bè khác nữa không sao kể hết. Thậm chí, đi cùng chuyến xe cũng có thể trở thành bạn bè nếu xét thấy có điểm nào đó hợp nhau qua dăm ba câu trao đổi...

Vì thế, nói đến một nếp sống đẹp không thể không xem xét đến quan hệ bạn bè. Tất nhiên, nói cho cùng thì trong mỗi một quan hệ bạn bè khác nhau đều có những điểm dị biệt khác nhau, nhưng dù sao vẫn có một số điểm chung mà ta có thể vận dụng vào trong từng quan hệ khác biệt.

Những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp sẽ đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong mọi quan hệ xã hội. Những người bạn tốt có thể là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho chúng ta những lúc sa sút trong cuộc sống. Một tình bạn thật sự luôn xuất phát từ những tương đồng nhất định nào đó, vì thế mà những người bạn tốt luôn biết cách chia sẻ và nâng đỡ lẫn nhau trong những tình huống xấu.

Nhìn từ một góc độ khác, bạn bè cũng là nguồn kiến thức phong phú, đa dạng để chúng ta học tập. Tục ngữ có câu: “Học thầy không tày học bạn.” Điều này càng chính xác hơn nữa trong bối cảnh xã hội ngày nay. Khi chúng ta nhận một công việc mới, chính các bạn đồng nghiệp bao giờ cũng là những người dạy cho ta nhiều điều nhất, kể cả những điều mà có thể chúng ta chưa từng được học qua nơi trường lớp.

Một thực tế là, cho dù gia đình là nơi thân thiết nhất, nhưng phần lớn thời gian trong cuộc sống của đa số chúng ta lại là gần gũi với bạn bè. Trừ khi bạn rất may mắn để có được một công việc làm tại nhà, bằng không thì thời gian làm việc và giao tiếp ngoài xã hội bao giờ cũng vượt xa hơn thời gian mà bạn được gần gũi với gia đình.

Quan hệ với bạn bè là một mối quan hệ bình đẳng theo hai chiều, vì thế bạn chỉ có thể có được những người bạn tốt, hay nói đúng hơn là những tình bạn tốt đẹp, khi bạn biết cách xây dựng cũng như gìn giữ những mối quan hệ ấy.

1. Chọn bạn mà chơi

Cho dù các quan hệ xã hội ngày nay có mở rộng đến đâu, phức tạp đến đâu, bạn cũng không thể phủ nhận được nguyên tắc có vẻ như đã cũ mèm này. Người ta nói rằng, chỉ cần biết được những người mà bạn giao du là có thể hiểu được con người của bạn. Đó là nói về khuynh hướng lựa chọn của mỗi người nói lên bản chất của con người ấy. Nhưng điều này cũng còn có nghĩa là, bạn khó lòng mà tránh được những ảnh hưởng nhất định, tích cực hoặc tiêu cực của bạn bè chung quanh. Vì thế, cách khôn ngoan nhất vẫn là phải biết “chọn bạn mà chơi”.

Tuy nhiên, việc chọn bạn mà chơi ngày nay hoàn toàn không thể hiểu một cách đơn giản như ngày trước. Có những người bạn mà dù muốn dù không chúng ta cũng không thể tránh né quan hệ với họ. Hơn thế nữa, nếu chúng ta không thật tế nhị trong cung cách ứng xử, không khéo rồi sẽ chẳng còn mấy ai đến gần để cho ta chọn lựa đâu! Trong mối quan hệ hai chiều này, nếu bạn công khai đưa ra những tiêu chuẩn này nọ để chọn lựa người khác, e rằng bạn sẽ là người đầu tiên được xem là không đủ tiêu chuẩn để kết giao cùng bè bạn.

Trong xã hội ngày nay, cũng khó mà đưa ra những nhận xét phân loại cụ thể về những người bạn tốt hoặc xấu để chọn lựa. Có thể tạm hiểu một cách giản đơn, những người bạn tốt là những người mà ta cảm thấy thích hợp trong quan hệ, có thể chia sẻ, hỗ trợ cho nhau để cùng phát triển tốt mà không có những khác biệt thái quá trong quan điểm cũng như trong cách sống. Hiểu như thế, một người mà ta không thích giao du vẫn có thể là bạn tốt của nhiều người khác. Và chính bản thân chúng ta cũng chưa chắc đã được tất cả mọi người xem là bạn tốt!

Một câu cách ngôn phương Tây nói: “Có trăm người bạn vẫn không thừa, chỉ một kẻ thù là quá đủ.” Hiểu theo cách này, chúng ta sẽ thấy việc mở rộng quan hệ giao tiếp là quan trọng như thế nào. Hơn bao giờ hết, cuộc sống của chúng ta ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào những người chung quanh trong xã hội, hay nói cách khác là phụ thuộc rất nhiều vào bạn bè. Chúng ta không thể thành công hoặc duy trì được một nếp sống thoải mái nếu không có được một quan hệ ngoại giao rộng rãi và tốt đẹp.

Vấn đề ở đây là, làm thế nào để vừa có thể “chọn bạn mà chơi” và vẫn có được nhiều bạn tốt?

Thật ra, trong những sinh hoạt xã hội ngày nay, những điều kiện kết giao bè bạn đã mở rộng hơn xưa rất nhiều. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách để nhận ra và giữ lấy những người bạn tốt trong quan hệ của mình, đồng thời cũng biết cách để khéo léo từ chối, tránh đi những mối quan hệ mà xét thấy không tốt đẹp về một phương diện nào đó.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách mở rộng quan điểm giao tế. Hãy sẵn lòng kết giao bạn bè trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Trong một chừng mực nào đó, việc có thêm mỗi một người bạn là có thêm một giá trị tinh thần cho chính mình. Vì thế, chúng ta cần phải có một khuynh hướng rộng mở thay vì khép kín. Nói cho cùng, chính chúng ta là người phải đi tìm những người bạn tốt, không phải tự nhiên họ tìm đến với chúng ta đâu.

Một trong những khuynh hướng chọn lọc tự nhiên là sự đồng cảm. Người xưa gọi là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Vì thế, hãy sống chân thật, bộc lộ chính mình trong giao tiếp. Rồi chúng ta sẽ thấy là chỉ những người đồng cảm mới tiếp tục giữ mối quan hệ thường xuyên với mình. Chẳng hạn, nếu chúng ta không có khuynh hướng thích bàn chuyện chính trị, đừng cố tỏ ra quan tâm đến đề tài ấy trong một đám đông cốt chỉ để làm cho người khác không thất vọng. Hãy bộc lộ chính mình. Điều đó không có gì sai trái, nhưng nó giúp những người bạn thật sự biết để tìm đến cùng chúng ta.

Sự chân thật và một chút khéo léo, tế nhị cũng giúp chúng ta tránh được những mối quan hệ không thích hợp. Đừng ngại mếch lòng khi từ chối không đi xem bóng đá với một người bạn mà mình không thích. Nhưng cũng đừng từ chối một cách quá thẳng thừng. Bạn có thể đưa ra hàng tá lý do, và tôi tin là có những lý do rất thật, để nhẹ nhàng từ chối. Qua vài lần như thế, bạn sẽ không còn nhận được những lời mời bất đắc dĩ nữa.

“Kính nhi viễn chi” cũng là một trong các phương thức hữu hiệu khi phải giữ mối quan hệ chừng mực với những người mà mình thấy là không thích hợp, chẳng hạn một người bạn nào đó cùng sở làm. Điều đó có nghĩa là “cung kính mà lánh xa”. Nhưng lánh xa không có nghĩa là tránh không đến gần (?), mà có nghĩa là tránh kết nối những mối quan hệ thân mật hoặc quá thường xuyên, tạo sự hiểu lầm về một tình bạn thân thiết. Chẳng hạn, bạn không cần thiết phải mời ai đó dự tiệc sinh nhật của mình chỉ vì sợ “mếch lòng”, nếu như không thực sự thích giao du với người ấy. Một lần nữa, ở đây cũng là yếu tố chân thật. Tuy nhiên, một lời xin lỗi có tính cách xã giao là cần thiết khi gặp gỡ về sau.

Mặt khác, việc “chọn bạn mà chơi” trong thời đại này cũng nên được hiểu theo hai chiều. Nếu như bạn lăm le có ý “chọn lựa” người khác, thì bản thân bạn cũng là đối tượng “chọn lựa” của “thiên hạ” vậy. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn muốn có những người bạn tốt, thì bản thân mình cũng phải là một người thật tốt trước đã.

2. Sự chân thật và cảm thông

Thiết lập được mối quan hệ bạn bè là một chuyện, gìn giữ và phát triển tốt mối quan hệ ấy lại là một chuyện khác hơn.

Mặc dù có rất nhiều yếu tố cần thiết có thể được xem xét trong việc duy trì một mối quan hệ bè bạn tốt đẹp, nhưng về mặt chủ quan có thể thấy nổi bật nhất là sự chân thật và biết cảm thông.

Chân thật có nghĩa là không để cho những yếu tố giả tạo chi phối vào quan hệ bạn bè. Cần phân biệt sự giả dối với những tránh né mang tính xã giao mà ai ai cũng phải có trong giao tiếp. Khi bạn làm ra vẻ hết sức nhiệt tình muốn giúp đỡ ai đó, có thể bạn sẽ được họ cảm kích. Nhưng sự thật cuối cùng cũng sẽ phơi bày, bởi vì thực tế là khi sự việc xảy đến bạn lại chẳng giúp gì cho người ấy cả. Trong trường hợp đó, mối quan hệ sẽ xấu đi còn hơn cả trước kia, khi chưa xảy ra sự việc. Ngược lại, bạn có thể nói là bận việc để từ chối một lời mời dùng cơm tối – trong khi không bận gì cả – thì người mời vẫn có thể cảm thông được mà không xem đó là một sự dối trá. Anh ta sẽ hiểu rằng bạn có những lý do riêng nhất định nào đó mà không tiện nói ra.

Sự chân thật giúp cho mối quan hệ bạn bè được bền vững, vì mỗi người đều cảm thấy mình được tôn trọng và có thể tin cậy lẫn nhau. Ngược lại, sự dối trá được hiểu như là một sự khinh thường và khó tin cậy.

Bạn có thể biểu lộ sự chân thật qua cách ứng xử của mình, qua việc tôn trọng những gì đã nói và qua việc chân thành chấp nhận những sai lầm, khiếm khuyết. Một cung cách ứng xử như thế, thông thường sẽ nhận lại được một cách ứng xử tương tự từ phía bên kia. Nếu không, cần xét lại ở khâu “chọn bạn mà chơi” của bạn.

Sự cảm thông giúp chúng ta vượt qua được những khác biệt không sao tránh khỏi trong quan hệ bạn bè. Trừ khi đó là những khác biệt làm cho hai người trở nên không thể nào hoà hợp với nhau, còn thì hầu hết mọi sự khác biệt đều có thể bằng cách này hay cách khác vượt qua được. Tất nhiên là khi hai bên có sự cảm thông nhau.

Mỗi người trong chúng ta đều thường xuyên mắc phải những lỗi lầm về phương diện này hay phương diện khác. Những người bạn tốt luôn biết cách cảm thông và khuyến khích nhau để cùng hoàn thiện. Sự chỉ trích thiếu xây dựng thường không làm cho vấn đề trở nên tốt hơn mà chỉ khiến cho quan hệ bạn bè dễ đi đến chỗ ngày càng xa cách.

3. Giúp đỡ lẫn nhau

Nếu bạn nghĩ rằng nhận sự giúp đỡ cụ thể của một người bạn là một hành vi lợi dụng, bạn đã sai lầm. Một quan hệ bạn bè chỉ thực sự tốt đẹp đúng nghĩa khi đôi bên có sự giúp đỡ qua lại với nhau. Chẳng những bạn cần biết cách giúp đỡ bạn bè khi khốn khó, hoạn nạn, hoặc đơn giản chỉ là khi được cần đến, nhưng đồng thời cũng cần biết chấp nhận sự giúp đỡ chính đáng của bạn bè. Nếu không có được sự qua lại hài hoà như thế, sẽ không bao giờ có được một tình bạn thật sự gắn bó. Điều quan trọng là bạn biết ghi nhận sự giúp đỡ chân thành của bạn bè và sẽ sẵn sàng đáp lại bất cứ khi nào có dịp. Tuy vậy, đừng nên tính toán hơn thua trong những mối quan hệ qua lại theo cách này. Có những giá trị của tình bạn mà chắc chắn bạn sẽ không sao đo lường được bằng tiền bạc hay vật chất của cải.

Việc giúp đỡ lẫn nhau được thực hiện bằng vào sự quan tâm chân thật, thể hiện ngay cả qua những ý kiến đóng góp cho bạn mình, không phải lúc nào cũng phải là những giúp đỡ bằng tiền bạc hay công sức. Đôi khi, sự quan tâm chân thật của bạn bè có thể giúp ta có cảm giác được chia sẻ gánh nặng, và vì thế mà bản thân sự quan tâm tự nó đã là một cách giúp đỡ rồi.

Bạn bè cũng có thể giúp nhau qua những lời khuyên chân thành để cùng tiến bộ. Một người bạn tốt thường đưa ra những lời khuyên xuất phát từ lòng chân thành mong muốn sự tốt đẹp cho bạn mình, khác hẳn với những cách nói đẩy đưa của người ngoài cuộc.

Nói tóm lại, sự giúp đỡ lẫn nhau là yếu tố quan trọng để nối kết tình bạn ngày càng gắn bó hơn. Vì thế, hãy sẵn sàng giúp đỡ khi được cần đến, và hãy chấp nhận sự giúp đỡ của bạn bè khi bản thân chúng ta gặp khó khăn.

4. Đừng tạo ra cách biệt

Quan hệ bạn bè, dù thân thiết đến đâu cũng vẫn là bạn bè. Nghĩa là vẫn còn có những điều cần phải tế nhị gìn giữ. Nếu bạn may mắn có được thu nhập khá tốt, bạn cũng phải biết cách sử dụng tiền bạc trong quan hệ giao tiếp sao cho điều đó không trở thành một nguyên nhân gây cách biệt.

Thử tưởng tượng bạn thường ra căn-tin uống nước với một người bạn vào giờ giải lao hàng ngày. Nhưng anh ta bao giờ cũng giành trả tiền mà không để cho bạn có một cơ hội nào đáp lễ. Dù không phải là một sự tính toán sòng phẳng, nhưng lòng tự trọng của bạn rất dễ dàng bị tổn thương, và quan hệ giữa hai bên bắt đầu nảy sinh sự cách biệt nhất định...

Quan tâm đến khó khăn về tài chánh của bạn mình cũng là điều rất tốt. Điều đó thể hiện một tình bạn chân thật. Tuy nhiên, trong những trường hợp không cần thiết, hãy khéo léo đừng cư xử một cách vượt trội quá. Một món quà sinh nhật có thể cần có giới hạn nhất định để thể hiện sự hiểu biết của bạn, khi nó được đưa ra chung với những món quà khác của bạn bè. Cho dù bạn có khả năng tài chánh và rất muốn tặng cho bạn mình một món quà thật đắt tiền, điều đó cũng không phải là một cách ứng xử đẹp, bởi vì nó tạo ra sự cách biệt với những người khác. Tương tự, khi giao tiếp với bạn bè tránh ăn mặc quá “khác thường” hoặc tỏ ra rộng rãi quá đáng. Sự hào phóng của bạn sẽ có rất nhiều dịp khác đúng đắn hơn nhiều để bày tỏ.

Những người có cuộc sống khó khăn về tài chánh lại càng dễ mang mặc cảm thua kém với bạn bè. Nếu có một người bạn như thế, chúng ta cần phải biết cư xử sao cho có sự hài hoà, hạn chế tối đa những cách biệt. Chẳng hạn, nếu có dịp đi ăn cơm chung, hãy chủ động chọn một quán ăn bình dân khiêm tốn. Điều này không dựa vào túi tiền của chúng ta mà là nhằm để tránh cho người bạn một sự khó xử, ngay cả khi anh ta không phải là người trả tiền.

Nếu bạn có một điều gì đó đặc biệt hơn người, cũng nên tránh sự bộc lộ mình thường xuyên trước bạn bè. Một người luôn nói về mình – cho dù là những điều đáng nói – ít khi tạo được sự hoà hợp cùng người khác. Nếu sự phô trương ấy kèm theo chút tự cao, ngạo mạn – mà điều này lại rất thường xảy ra – nó sẽ khiến cho những người bạn tốt dần dần xa lánh chúng ta.

5. Nhưng cũng đừng vượt qua giới hạn

Nếu bạn ỷ lại vào sự thân thiết với một người bạn để xen vào những chuyện riêng tư thuộc về cá nhân hoặc gia đình người ấy, bạn đã sai lầm. Quan hệ bạn bè có những giới hạn nhất định không thể vượt qua, và người khôn ngoan bao giờ cũng biết tự giữ mình trước khi vấn đề trở nên quá đáng.

Chúng ta không thể chờ đợi một người bạn nói với chúng ta rằng “anh đang xen vào chuyện riêng của tôi”. (Nhưng nếu điều này thường xuyên xảy ra thì tôi e rằng sẽ có đấy!) Công khai nói lên một giới hạn mà mình không muốn bạn bè vượt qua, đó là một điều tế nhị không làm được, vì nó cũng đồng nghĩa với việc nói rằng “sự thân mật giữa tôi với anh chỉ đến mức này thôi”, và tất nhiên là không ai muốn nói như thế cả.

Nhưng trong thực tế đó là một điều có thật. Vì vậy, chúng ta cần biết tự nhận ra những giới hạn nhất định của tình bạn để không gây sự khó xử cho người khác.

Gia đình của mỗi người là một thế giới riêng tư. Chúng ta không nên đến chơi nhà bạn bè vào những giờ giấc mà người ta có thể cần có những sinh hoạt gia đình nhất định. Những khách không mời mà đến vào giờ cơm là tỏ ra thiếu lịch sự. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn thuần là một bữa ăn, nó còn là một “cuộc họp mặt gia đình”, vì người ta thường tranh thủ thời gian đó để trao đổi với nhau những điều cần thiết, hoặc thậm chí là để bày tỏ tình cảm, sự quan tâm đến nhau. Sự hiện diện của một người ngoài – dù là bạn thân – thường chỉ được chào đón “theo phép lịch sự” mà thôi, vì có những khó chịu mà không thể nói ra được. Nói chung, trừ khi được chính thức mời, còn thì việc đến chơi nhà riêng cần nên được cân nhắc hạn chế ở mức tối thiểu.

Thậm chí nếu chúng ta có dịp đến thăm một người bạn ở xa lâu ngày không gặp, thì việc ở lại nhà người ấy cũng cần nên cân nhắc. Nói chung thì sự hiện diện của một người ngoài trong gia đình dù có được chủ gia đình chào đón cũng còn có thể gây lúng túng cho những thành viên khác. Nếu chúng ta dự định ở lại nơi nào khá lâu, nên tự giải quyết chỗ ở của mình, hoặc tìm một nhà bà con trong thân tộc thì tốt hơn.

Việc gọi điện thoại đến nhà bạn bè vào giờ cơm, giờ nghỉ ngơi ... đều cần được hạn chế. Điều này có thể tự biết qua tâm lý của chính mình. Không gì khó chịu bằng đang bữa ăn của cả gia đình, nhất là khi đang dở dang một câu chuyện, mà chuông điện thoại reo lên và một người phải đi nhấc máy. Sự khó chịu sẽ càng tăng lên gấp bội nếu như cú điện thoại ấy không có thông tin gì cấp bách, cần thiết mà chỉ là để thăm hỏi và ... tán gẫu. Nếu là đang giờ nghỉ trưa của cả nhà, vấn đề cũng sẽ không được hoan nghênh hơn chút nào.

Khi chúng ta muốn góp ý với bạn bè về một vấn đề gì đó có liên quan đến sự riêng tư trong gia đình, tốt hơn là nên hết sức thận trọng. Sự khó chịu không phải bao giờ cũng được bộc lộ ra ngay để chúng ta thấy được – và nếu đã đến mức đó thì e rằng chúng ta sẽ không còn có cơ hội để lập lại sự việc lần thứ hai!

Nếu là bạn bè khác phái thì càng phải thận trọng hơn nhiều. Cho dù là một tình bạn “trong sạch” mà không có sự khéo léo, tế nhị trong ứng xử cũng có thể gây ra những sự hiểu lầm không cần thiết.

Những chuyện riêng tư của bạn bè mà chúng ta tình cờ biết được hoặc chính thức được nghe bạn tâm sự, cũng cần nên được giữ kín. Điều đó thể hiện một sự hiểu biết và tôn trọng. Khi người bạn thân đến than phiền với chúng ta về một người cha nghiện ngập đã có những hành vi quá đáng trong cơn say..., người ấy chỉ muốn chia sẻ nỗi buồn bực trong lòng mình vào lúc đó, chứ hoàn toàn không muốn chúng ta mang chuyện ấy đi nói với bất kỳ ai khác. Nhưng những việc tương tự như vậy rất thường xảy ra, và chính là một trong những nguyên nhân gây thương tổn cho tình bạn.

Khi một người bạn đến nhờ chúng ta giúp đỡ trong lúc khó khăn, chẳng hạn như cho mượn một số tiền, điều tất nhiên là họ sẽ nói hết cho chúng ta nghe về lý do cần tiền của họ. Việc chúng ta đồng ý giúp đỡ bằng cách cho mượn tiền cũng không bao giờ là lý do chính đáng để có thể mang chuyện ấy ra kể lại cho người khác biết.

Để nhận thức đúng về những giới hạn trong tình bạn, chúng ta cũng cần phải đánh giá đúng về mức độ thân mật giữa mình với mỗi người bạn khác nhau. Đây là điều rất tế nhị không dễ làm. Cách tốt nhất là dựa vào cách ứng xử của mỗi người bạn đối với chúng ta để xác định điều đó. Nếu một người bạn sẵn lòng chia sẻ những chuyện buồn trong gia đình với chúng ta, điều đó có nghĩa là người ấy cũng sẽ sẵn lòng lắng nghe những tâm sự của ta khi cần thiết. Và nếu một người bạn có ý muốn tránh né không đề cập đến những chuyện riêng tư trong gia đình họ, hãy thận trọng đừng làm điều đó với anh ta.

6. Biết tôn trọng lẫn nhau

Dù là bạn bè thân thiết đến đâu, sự tôn trọng lẫn nhau vẫn là cần thiết. Nếu là bạn bè mới quen, hoặc bạn bè quan hệ trong công việc... thì điều này lại càng quan trọng hơn nữa.

Sự tôn trọng lẫn nhau được thể hiện qua cung cách giao tiếp, có khi chỉ là trong ngôn từ hoặc những cử chỉ rất nhỏ.

Nhiều người coi thường việc chọn lựa cách xưng hô. Họ không biết rằng việc xưng hô không thích hợp thường gây khó chịu cho người khác rất nhiều, và nó cũng bộc lộ sự thiếu hiểu biết của bản thân chúng ta. Muốn xưng hô thích hợp, chúng ta cần phải đánh giá đúng mức độ thân mật giữa mình với người khác. Dùng tên riêng để xưng hô với một người bạn mới quen biết không phải là điều thích hợp, trong khi việc sử dụng những danh xưng thật trịnh trọng, nghiêm trang với một người bạn thân thường tạo ra cách biệt.

Những lời nói đùa giữa bạn bè với nhau cũng cần được chú ý. Sự pha trò đúng mức là một yếu tố làm cho cuộc gặp gỡ giữa bạn bè với nhau trở nên vui nhộn, hào hứng, nhưng đừng bao giờ đưa ra những lời nói đùa có tính cách xúc phạm đến người khác. Một tiếng cười hoà nhập cùng tập thể vào lúc đó không có nghĩa là người ấy hoàn toàn hài lòng hoặc không khó chịu. Và những người pha trò như thế là đã thiếu đi sự tôn trọng tối thiểu đối với bạn bè.

Quan hệ bạn bè trong một chừng mực nào đó là quan hệ rất thoải mái, ít có sự gò bó, khuôn khổ như nhiều mối quan hệ khác. Tuy nhiên, nếu thiếu sự tôn trọng lẫn nhau thì sự thoải mái sẽ trở thành sự bừa bãi và không thể giữ cho mối quan hệ ấy tốt đẹp dài lâu được.

7. Sòng phẳng trong công việc

Đôi khi, một mối quan hệ bạn bè còn đi kèm theo với một quan hệ khác nữa, chẳng hạn như quan hệ trong công việc. Một người bạn thân đồng thời cũng là cộng sự trong công tác chẳng hạn, hoặc hai người cùng hợp tác buôn bán hay làm một dịch vụ nào đó...

Những mối quan hệ song song này nên được phân biệt rạch ròi, tránh sự lẫn lộn qua lại với nhau. Một người bạn rất thân, nhưng đồng thời cũng giữ cương vị trưởng phòng mà bạn đang phải làm việc dưới quyền. Trong trường hợp đó, chúng ta cần phải biết phân biệt rõ khi nào là quan hệ bè bạn và khi nào là quan hệ công việc.

Điều này người xưa đã từng nhắc nhở. Trong công việc người ta gọi là “công tư phân minh”, trong mua bán cũng thường nói “ăn cho, buôn so”... Những quan điểm này chính là sự phân biệt tách bạch quan hệ bạn bè và những mối quan hệ khác...

Sự nhập nhằng trong quan hệ bè bạn và những mối quan hệ khác thường không thấy ngay những điều khó xử, nhưng về lâu về dài sẽ dẫn đến nhiều lúng túng cho cả đôi bên. Và nếu điều này không được giải quyết thoả đáng thì tình bạn cũng khó mà duy trì được sự tốt đẹp lâu dài.

Một nguyên tắc chung là bao giờ cũng nên sòng phẳng trong công việc. Đừng bao giờ để cho quan hệ bạn bè chi phối vào những gì thuộc về trách nhiệm của mình, cũng đừng ngại việc quy trách nhiệm cho một người bạn nếu như điều đó là cần thiết. Xét cho cùng, bạn có thể giúp đỡ bạn bè theo nhiều cách khác nhau, nhưng không thể thay thế để nhận lãnh trách nhiệm về một điều thuộc phạm vi công việc của người khác.

Thử tưởng tượng, nếu như chúng ta ỷ lại vào quan hệ bè bạn với trưởng phòng để thường xuyên đi làm trễ giờ, điều đó sẽ không sao chấp nhận được. Và trong cương vị ngược lại, nếu là một trưởng phòng, chúng ta cũng không thể vì tình bạn mà bỏ qua không nhắc nhở sự vi phạm kỷ luật thường xuyên của bạn mình.

Nhiều quan hệ nhỏ nhặt khác trong cuộc sống cũng cần được ứng xử một cách sòng phẳng, rõ ràng minh bạch. Sự sòng phẳng không có nghĩa là coi trọng tiền bạc hơn tình nghĩa, nhưng nó là cách tốt nhất để bảo vệ tình cảm lâu dài. Bởi vì có những điều tuy không nói ra được nhưng sẽ hình thành những gút mắc trong quan hệ, mà nếu kéo dài lâu ngày có thể trở nên căng thẳng.

Nếu bạn khéo léo trong ứng xử và nắm vững nguyên tắc này, bạn sẽ tránh được rất nhiều tình huống khó xử về sau. Hơn thế nữa, trong trường hợp này tình bạn sẽ là một yếu tố tích cực thúc đẩy cho công việc. Ngược lại, bạn có thể sẽ phá hỏng cả tình bạn lẫn công việc đang làm.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/10/2013(Xem: 62478)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
19/10/2013(Xem: 12357)
Làm người biết thương yêu và bảo vệ hành tinh sống của chúng ta thì mớ thật sự làm người, mới xứng đáng làm người. Có làm người như vậy mới xứng đáng là người có đạo đức hiếu sinh. Còn ngược lại là phá hoại sự sống của nhau, làm đau khổ cho nhau. Phải không hỡi các bạn? Đạo Đức Hiếu Sinh! Có bốn chữ rất đơn giản, nhưng hành động của nó cao thượng và đẹp đẽ tuyệt vời.
17/10/2013(Xem: 39781)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
17/10/2013(Xem: 29950)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
17/10/2013(Xem: 25592)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
17/10/2013(Xem: 40985)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
11/10/2013(Xem: 10749)
Khi Phật còn tại thế, Ngài thường dạy các đệ tử như sau: _ Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà người xuất gia cần phải tránh xa: + Một là đắm say các dục vọng, tham muốn thấp hèn, thô bỉ, có tính cách phàm phu tục tử, không dẫn đến đức hạnh Thánh nhân, không liên hệ đến mục đích tu tập, giác ngộ, giải thoát.
26/06/2013(Xem: 4722)
Éric Rommeluère là một nhà sư ngườiPháp sinh năm 1960, khởi sự tập thiền từ năm 1978 dưới sự hướng dẫn của thiềnsư Teisen Deshimaru. Một năm sau ông xin quy y và hai năm sau đó thì ông chínhthức xuất gia và thụ phong tỳ-kheo. Éric Rommeluère ngày nay đã trở thành một vịthiền sư rất năng động
26/05/2013(Xem: 7546)
ự gia hộ ở đây, theo người viết, mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, khi ta tu tập theo lời Phật dạy có an lạc, thì sự an lạc này có thể nói là sự gia hộ hay sự cứu độ của Đức Phật. Thứ hai, khi ta nhận được niềm tin và cảm xúc thánh thiện từ hành động và nhân cách cao thượng của Đức Phật rồi hành động tốt đẹp trong cuộc đời, thì khi đó ta có thể nói rằng Đức Phật đã gia hộ cho ta.
13/05/2013(Xem: 3814)
Thế giới ngày nay mà chúng ta gọi là “thời đại mới” đổi thay đến chóng mặt, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống trong đó có tôn giáo. Tuy không có “thánh chiến” được công khai tuyên bố, nhưng cạnh tranh để bành trướng, giành giật tín đồ, mua chuộc dưới mọi hình thức để cải đạo, kể cả bằng bạo lực đã diễn ra hàng ngày và gần như trên quy mô toàn cầu. Điều này dễ hiểu bởi vì khi tín đồ bành trướng thì sức mạnh chính trị bành trướng. Khi sức mạnh chính trị bành trướng thì khống chế được chính quyền hoặc chiếm đoạt được chính quyền. Khi chiếm đoạt được chính quyền thì chính quyền là phương tiện mạnh nhất để áp đặt hoặc bành trướng hoặc cải đạo hàng loạt. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã nói lên lời cảnh báo về kế hoạch cải đạo quy mô mà Á Châu là mảnh đất màu mỡ nhất để thi hành kế hoạch này. Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi đó là “chiến tranh văn hóa”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]