Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6- Đạo Bụt Ở Phương Tây

15/05/201311:05(Xem: 3676)
6- Đạo Bụt Ở Phương Tây


THẾ GIỚI HÒA ĐỒNG

HỘI LUẬN GIỮA H.H THE DALAI LAMA& TÁM NHÀ TÂM LÝ HOA KỲ

Bản dịch:Chân Huyền

Nhuận sắc: Chân Văn

CHƯƠNG 6

ĐẠO BỤT Ở PHƯƠNG TÂY

Jack Engler:

Thưa ngài, người Mỹ chúng tôi thường khi bắt đầu làm một công chuyện gì cũng hay đặt rất nhiều câu hỏi. Chúng tôi có khuynh hướng thích đi tìm một kỹ thuật hoàn hảo hơn. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải có quan điểm chính đáng (Chính Kiến) khi bắt đầu đi theo một con đường nào đó. Như vậy mới có được bối cảnh để hiểu rõ mình đang làm gì. Khi tới với đạo Bụt, chúng tôi thấy đạo bắt đầu bằng câu chuyện kỳ lạ về sự chối bỏ vĩ đại của Bụt. Một người tên là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddharth Gautama) đã bỏ gia đình, thần dân, vương quốc của mình để tự đi tìm kiếm Con Đường riêng cho mình. Nhưng truyện không cho chúng tôi biết rõ là sau đó thì gia đình và thần dân của ngài ra sao.

Tôi đang ở vào tuổi trung niên. Nếu tôi được sống lùi lại thời trẻ, tôi nghĩ mình cũng sẽ thực tập thiền quán và sau đó sống như một người cư sĩ tại gia. Lúc này tôi có gia đình, một căn nhà vùng ngoại ô, hai xe hơi và một công việc tai phải làm rất nhiều giờ trong ngày, và tôi vẫn muốn đi tìm. Tôi rất thành thật, muốn tìm đường đi, nhưng tôi muốn mang theo tôi gia đình, xe cộ và tất cả mọi thứ khác. Tôi biết rằng trong truyền thống đạo Bụt, người ta được khuyến khích nên bỏ tất cả mọi thứ lại phía sau để mà đi tìm đạo. Một thầy tu như ngài, đã bỏ hết mọi sự, sẽ khuyên một người như tôi thế nào?

Đạt lai lạt ma

Dù cuộc đời Bụt như vậy, nhưng không phải lúc nào con đường của một người sống bình thường trong xã hội cũng không phù hợp với con đường của Bụt. Người tại gia vẫn có thể theo chân Bụt trên con đường tìm giải thoát. Điều này là do khả năng và ước muốn của bạn, cũng như do nhu cầu của xã hội mà bạn muốn phục vụ.

Tôi thường khuyên các bạn người tây phương mới tìm vào đạo Bụt, là đừng cắt đứt liên hệ với xã hội của họ. Chuyện này rất quan yếu cho con đường thực nghiệm tâm linh của ta. Sống tại đâu bạn cũng vẫn phải làm một phần tử tốt của cộng đồng. Điều này quan trọng lắm. Trong một xã hội mà thầy tu Phật giáo không phải là một hình ảnh quen thuộc, thì có khi làm tu sĩ sẽ khó hội nhập với xã hội, khó mà giúp ích được mọi người trong cộng đồng. Trường hợp này, có lẽ sống tại gia hữu ích hơn.

Daniel Brown:

Thưa ngài, theo văn hoá nơi đây, dây liên hệ mật thiết cũng là một yếu tố quan trọng trên con đường tìm đạo, tìm chân lý. Tôi đã thiền tập gần hai mươi năm qua, nhiều khi rất tinh chuyên, tại xứ này và tại Châu Á. Tôi đã học được một chút về giá trị và lợi ích của sự tỉnh thức liên tục, và biết rằng nếu cứ theo dõi tâm ý trong một thời gian, ta sẽ thực tập được sự tỉnh thức với ít phản ứng hơn. Sự vướng mắc và chống đối vẫn có trong tâm thức nhưng ta đã có thể đứng cách ra được một quãng rồi. Tôi cũng thấy rằng nếu ta quán chiếu cái tâm luôn luôn vọng động, thì ta sẽ khó mà có Định tâm. Thật khó mà chấp nhận cái Ngã bình thường đó chính là mình. Đó là những bài học rất bổ ích cho tôi.

Giống như Jack, khi nhìn lùi lại, tôi thấy mình đã thực tập thiền quán rồi đi theo con đường chữa trị tâm bệnh. Tôi theo học về ngành chữa trị bệnh thần kinh cho từng cá nhân với một ông thầy tâm lý trị liệu trong vòng 5 năm, và học về phân tâm học với một bà thầy trong 9 năm. Tôi nhận thấy chữa bệnh bằng phân toâm học ở xứ này cho tôi một thứ kinh nghiệm khác. Phẩm chất của mối tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân là một thứ gì cá biệt, duy nhất. Trong khoa phân tâm, bệnh nhân được nằm trên giường, nói chuyện hành giờ về tình trạng tâm thần của họ, mỗi tuần lễ bốn hay năm lần. Diễn bày tâm tư ra như vậy quả là một điều đáng làm trước mặt một người khác, người mà ta đã biết họ có quan điểm dứt khoát là sẽ không buộc tội hay phê phán ta. Bệnh nhân sẽ từ từ hiểu được nỗi lo sợ của chính họ khi họ có ý thức và có thể diễn tả ra được tất cả những gì đang nảy sinh trong đầu óc họ. Họ cũng được học rằng họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm đó mà không sợ bị khiển trách hay hắt hủi. Tôi không học được những điều này trong thiền quán.

Một trong những điều tôi thắc mắc là làm sao để cho thiền tập và khoa trị bệnh tâm thần hợp nhất với nhau được? Cả hai đều là phương pháp luyện tỉnh thức, một dạy tôi làm sao có trí tuệ để thấy rõ những hoạt động của tâm thức và một cho tôi thấy rõ hơn về những liên hệ thân tình, làm sao để thành thực với mình và với người khác. Cả hai phuơng pháp đều có ích, nhưng tôi không biết làm sao để hợp nhất hai thứ lại. Tôi mong ước ngài sẽ nói vài điều về bản chất của liên hệ bình thường hay liên hệ thân tình trong con đường tu tập, và xin ý kiến của ngài về khoa tâm lý trị liệu tây phương trong vấn đề này.

Đạt lai lạt ma:

Tôi không có kinh nghiệm nào trong việc áp dụng khoa trị liệu tâm lý vào đạo Bụt. Nhưng tôi biết rằng mối thâm tình cần thiết cho việc thực tập tâm linh, nhất là khi ta muốn vượt qua những khó khăn tình cảm. Ta chỉ mở bầu tâm sự ra với người ta hết lòng tin cậy, người ta rất thân thương. Cởi mở ra như vậy là một bước quan trọng trong việc vượt qua những khó khăn về tâm lý.

Cũng giống như các Bồ Tát nguyện hiến cuộc đời cho lợi lạc của người khác, bạn sẽ trở thành một phương tiện để cho tất cả chúng sinh. Khi người ta hiểu là bạn có mặt chỉ để giúp họ thôi, thì lợi lạc sẽ rất lớn. Đây là con đường Đại Thừa của Bồ Tát đạo. Đây cũng là vấn đề liên quan tới sự vướng mắc, ràng buộc. Ngay khi ta nói tới tình thân, thì sự ràng buộc, vướng mắc cũng hiện ra. Trong đạo Bụt nguyên thuỷ, sự vướng mắc coi như một Khổ thọ chính của tâm, trong khi theo đạo Bụt Đại Thừa, thì Sân hận mới là tâm Khổ lớn nhất. Trong Phật Giáo Đại Thừa, người ta có thể sử dụng sự ràng buộc và quyến luyến để giúp đỡ đại chúng.

Daniel Brown:

Tôi muốn đi xa hơn một chút về vấn đề này. Tôi không thấy trong kinh điển nào của Phật giáo nói rõ về vấn đề dùng tình thân làm phương tiện để theo đuổi việc thực tập và đi tìm chân lý. Tỷ dụ như, khi tôi tranh cãi với vợ tôi và tôi trở nên cáu giận, đau khổ. Khi đó, nếu tôi bết nhìn vào tình trạng tâm thần mình thì rất tốt. Cũng như nếu tôi có thể tự chuyển hoá để cởi mở ra và nói : “có lẽ tôi không đủ nhạy cảm và không hiểu hết câu chuyện”, rồi tôi ráng nhìn theo quan điểm của vợ - thì một điều gì đó trong tôi sẽ thay đổi. Có thể cả hai chúng tôi sẽ nhận ra một khía cạnh nào đó của chân lý, và sự xung đột giận hờn sẽ tan đi.

Tôi thấy những lúc có xung đột với vợ và bạn như vậy là một phương tiện rất hữu ích cho sự tiến triển, trưởng thành. Nhưng tôi không thấy phương cách này được nói rõ trong tiến trình tu tập của đạo Bụt. Có phương pháp nào giống như vậy chăng?

Đạt lai lạt ma:

Nói chung, giáo lý của đạo Bụt đưa ra những phương thuốc chữa những rối ren hay phiền luỵ của tâm trí, nhất là sự ràng buộc và sân hận. Những phương cách này có thể được dùng bất cứ khi nào có khổ đau. Nếu nỗi khổ đó xảy ra trong một liên hệ thân thiết, như khi bạn xung đột với vợ, thì sự tu tập chắc chắn cũng giúp ích bạn. Tôi đã là bạn đã hiểu.

Daniel Brown:

Trong truyền thống Phật giáo, có nhiều giai đoạn tu tập. Giáo pháp đạo Bụt dạy cách diệt khổ có thể áp dụng dễ dàng cho sự xung đột giữa hai vợ chồng tôi, nhưng vấn đề Giác ngộ thì sao? Cái hiểu về tánh Không thì thế nào? Và vấn đề Định tâm? Những giáo lý này áp dụng thế nào trong liên hệ vợ chồng?

Đạt lai lạt ma:

Chúng ta có thể nói là có hai lãnh vực trong sự thực nghiệm tâm linh. Một số yếu tố có tính cách cá biệt để thực tập một mình, nhằm mục đích nuôi dưỡng trí tuệ giác ngộ. Có những yếu tố khác nên dùng để thực tập trong các liên hệ với tha nhân. Theo đạo Bụt, chúng ta liên hệ với người khác phần lớn là để giúp ích. Đó là hai cách tu tập có liên quan chặt chẽ với nhau.

Thật là dễ nhận ra ảnh hưởng của việc tu tập trên sự cải thiện các mối liên hệ với người khác. Khi được tiếp xúc với những thiện tri thức có khả năng tâm linh, ta cũng lại nhận ra một cách dễ dàng ảnh hưởng của họ vào sự tu tập của mình. Nhưng ý tưởng cho là phản ứng tương tức giữa ta và người khác có thể giúp ta giác ngộ, quả là một ý tưởng đáng chú ý. Trong một liên hệ thâm tình, trong đó tình yêu trộn lẫn với ràng buộc, thật là khó mà biết rằng liên hệ này giúp ích cho sự thực tập giác ngộ được tới đâu. Khi bị ràng buộc hay vướng mắc, với một người khác, khi người ta trở nên một đối tượng rất mạnh và vướng mắc vào cái Chấp Ngã thì cái “Tôi – Tôi thương người đó, tôi muốn chiếm hữu người đó” thường rất lớn. Nhưng một khi cái Tôi đó được ta nhận diện nó chỉ là một vọng tưởng, thì bạn có thể có chút giác ngộ về quan niệm Tánh Không.

Daniel Brown:

Ngài có thể khai triển vấn đề này trong chuyện thực tập được chăng? Ngài sẽ thực tập thế nào?

Đạt lai lạt ma:

Trong bối cảnh đó, ta có thể thấy dễ dàng là cái Ngã không có một Tự Tánh riêng biệt, độc lập. Vậy khi ta quá đam mê, dù là thèm muốn hay ghét bỏ thì Chấp Ngã nổi lên đùng đùng, nhưng cái Ngã đó chỉ là phiến diện, bề ngoài. Ta có thể cảm nhận được cái Ngã chấp đó ngay khi nó xuất hiện một cách rõ ràng lộ liễu trong tâm trí ta. Rồi ta tự tìm hiểu coi cái Ngã như vậy có thật hiện diện chăng, thì ta sẽ thấy nó không thật.

Khi tâm ta không bị khổ đau, không bị vo tròn bóp méo, liên hệ giữa vật và tâm (đang nhận biết vật) là một dòng nhận thức liên tục và tánh cách nhất thời của các nhận thức lúc đó sẽ không rõ nét. Nhưng khi tâm ta bị đam mê chỉ huy, nó bị khích động cùng cực, thì ta sẽ dễ nhận ra tính cách phù du vô thường của những biến động tình cảm đó. Khi khởi tâm giận ghét hay quyến luyến, ta phải tiêu dùng rất nhiều năng lực. Vấn đề của chúng ta là làm sao không bị rơi vào cái bẫy nguy hiểm của những khổ thọ, mà phải biết dùng năng lượng do những khổ thọ mang tới.

Jack Engler:

Theo quan điểm Phật giáo cũng như tâm lý trị liệu, thì điều lý tưởng là ta nên đứng trên những Khổ luỵ, không để nó chạm vào ta. Với sự an nhiêu thư thái, ta có thể đạt tới tình trạng không bị đau khổ làm hại. Tôi nghĩ điều lý tưởng đó không có ích lợi gì cả.

Stephen Levine:

Tôi không nghĩ là mình có thể tránh được niềm đau dù là của người khác, khi ta còn ràng buộc.

Jack Engler:

Ồ, có thể chứ. Thầy thuốc trị bệnh tâm thần thường tránh được đó thôi.

Margaret Brenman-Gibson:

Hoặc là họ cố tránh.

Stephen Levine:

Như vậy thì họ không phải là thầy lang hay.

Margaret Brenman-Gibson:

Tôi nhiều phần tin rằng nếu thầy thuốc có thể đứng trên đau khổ của bệnh nhân thì hơn.

LIÊN HỆ THẦY – TRÒ

Jack Engler:

Chúng ta thường làm như vậy. Thưa ngài, chúng ta vừa nói rất nhiều tới sự quan trọng của một liên hệ hữu ích trong tâm lý trị liệu và trong việc thực tập tâm linh. Tôi từng nghe ngài nói: “Nếu không giúp được, thì cũng đừng làm hại.” Tôi cũng nhớ ngài nói nếu một người phải đối diện và đi sâu vào cái khổ của một người khác, thì phải cần có sự tin tưởng, hiểu biết và an toàn trong liên hệ giữa hai người. Chuyện này thường xảy ra giữa thầy thuốc và bệnh nhân, hoặc trong các cộng đồng tu tập, giữa thầy và trò. Sự tin cậy và hiểu biết này khiến cho hai người đó trở nên rất thân tình. Có lẽ tình yêu này trộn lẫn với bám víu, ràng buộc, nhưng liên hệ đó có thật và nó có thể lớn lên.

Tương quan này tạo nên một tình trạng dung tục, nguy hiểm cho cả hai người, nhất là phía bệnh nhân hoặc người học trò. Rất tiếc là ngày nay chúng ta thấy nhiều chứng cớ về chuyện này. Người giúp đỡ dùng thế lực và địa vị của mình để lạm dụng kẻ yếu. Tại Boston, thành phố nơi tôi làm việc, hầu như tháng nào cũng có tin trên báo chí về một nhà tâm lý trị liệu bị kết tội đã lạm dụng, cưỡng bức bệnh nhân, thông thường là một nam nhân bức hiếp phụ nữ. Chúng tôi cũng thường nghe tin về những cộng đồng tăng thân Phật giáo xứ này, trong đó các ông thầy đã lạm dụng quyền thế và lòng tin của trò.

Trong việc trị liệu tại phòng mạch, tôi ngày càng có nhiều bệnh nhân đã bị thầy thuốc của họ lạm dụng. Gần đây còn có thêm cả các thầy thuốc thủ phạm cũng tới chữa. Chúng tôi phải cố làm việc giúp họ dù là rất khó khăn. Các thầy thuốc này cũng cần được trị bệnh như bất cứ ai.

Trong khoa tâm lý tây phương, người ta được giáo dục để dự trù những tình trạng lạm dụng bệnh nhân, làm sao đối đầu với nó để nó không gây tai hại, nhưng người ta vẫn phạm vào những chuyện đó khá nhiều. Nhưng ít nhất đa số các nghề chữa bệnh tâm lý gia, bác sĩ tâm thần, cán sự xã hội, y tá – đều phải theo luật lệ của tiểu bang và có nghiệp đoàn chú ý tới tư cách họ. Khi phạm lỗi về đạo đức nghề nghiệp, họ có thể mất giấy phép hành nghề. Bệnh nhân cũng có thể kiện họ ra toà án. Trong Phật giáo, có một cơ chế tương tự như vậy không thưa ngài? Quý vị đối xử với các thầy tu phạm giới đó ra sao? Trong khi huấn luyện hay trong khi làm thầy, nếu họ phạm kỷ luật thì cộng đồng tăng nhân sẽ làm sao?

Đạt lai lạt ma:

Một phần lỗi là ở phía học trò, vì họ đã cưng chiều các thầy quá đáng, làm hư hỏng họ. Trong truyền thống đạo Bụt, không có mảnh giấy nào chứng nhận người đó là thầy dạy về tâm linh. Bạn sẽ là ông thầy Lạt Ma vì bạn có học trò theo học với bạn.

Điều quan trọng là đừng nên coi ai là vị thầy tâm linh của mình một cách hấp tấp, ì đó là một liên hệ rất quan trọng. Dù phải đợi một thời gian dài hai năm, năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa, bạn cũng hãy cứ coi người đó như một thiện tri thức (bạn tinh thần) thôi. Trong khi đó bạn quan sát cách xử sự và cách giảng dạy của người đó, cho tới khi bạn hoàn toàn có lòng tin nơi họ. Như vậy thì không cần gì tới giấy phép hành nghề nữa. Nhưng ngay từ đầu, điều rất quan trọng là bạn chỉ nên tiến tới trong mối liên hệ đó một cách chắc chắn và an toàn.

Không có cách nào đặc biệt trong việc huấn luyện Lạt ma mà có thể áp dụng cho bạn để tránh cho bạn không lạm dụng sinh viên. Nhưng bản chất của lối tu tập trong đạo Bụt là nuôi dưỡng lòng từ bi, là lòng thương yêu những người khác. Nếuđó là một tình thương trong sạch, thì ông thầy sẽ không lạm dụng học trò.

Jack Engler:

Cái “Nếu” đó quá lớn – “Nếu” con người đó trong sạch đủ. Tôi nghĩ là khi đi tìm thầy, người ta tin rằng ông ấy đã giác ngộ một phần nào. Nên chỉ khi thầy có lầm lỗi, khi trò bị lạm dụng, thì ảo tưởng bị vỡ tan tành.

Đạt lai lạt ma:

Tôi thường khuyên các Phật tử đừng coi các thầy như thần thánh, mọi hành động đều cao thượng. Trong mọi truyền thống Phật giáo, người ta đòi hỏi nhiều đức tính đặc biệt nơi những vị lãnh đạo tinh thần.

Nếu một học trò thấy người thầy nào có những hành xử không hợp đạo lý, thì người đó có quyền phê bình hành động đó. Trong Kinh chính Bụt nói rất rõ, là khi người thầy có tư cách thì ta nên theo học, khi họ không đàng hoàng thì chớ nên. Vậy khi thấy người thầy nào dạy những điều không lành mạnh hay trái với Phật Pháp, thì bạn chớ nên bước theo chân thầy. Đừng bao giờ nên nói rằng “Ông ta là thầy nên làm như vậy là đúng!” Không làm gì có chuyện đó. Kinh điển dạy ta rất rõ ràng là khi thầy làm sai, ta không nên theo mà phải phê bình họ. Trong cuốn “Mật tông Du-Già tối thượng” (the highest yoga Tantra) có nói rõ ràng khi gặp người thầy dạy dỗ chuyện gì không hợp với Phật Pháp thì chớ có theo.

Jean Shinoda Bolen:

Những điều ngài nói đều quy trách nhiệm cho người học trò, mà không có phần ông thầy, người được coi là tỉnh thức hơn.

Đạt lai lạt ma:

Người thầy tự trách nhiệm về những hành xử của họ. Học trò có trách nhiệm là đừng để bị lôi cuốn. Cả hai đều đáng trách hết. Một phần là vì học trò quá vâng lời và tận tuỵ với người hướng dẫn tâm linh. Đó là sự chấp nhận theo học thầy một cách mù quáng. Như vậy ông thầy thế nào cũng bị hư hỏng. Dĩ nhiên người thầy cũng đáng trách, vì ông ta thiếu nội lực, thiếu tư cách để bị kéo vào tình trạng tầm thường đó.

Jack Engler:

Thưa ngài, liên hệ thầy trò cũng như liên hệ bác sĩ - bệnh nhân, là một mối liên hệ không cân bằng. Một bên là người có nhiều quyền lực và giả thiết là có trí tuệ và sáng suốt hơn. Người kia trong một tình trạng cần được giúp đỡ nên dễ bị xử sự bất công. Tôi chú ý tới lời ngài vừa trình bày, đặt nhiều trách nhiệm quá vào người bị lạm dụng, tức là phía nạn nhân. Tôi lại cho rằng trách nhiệm phải đặt nặng hơn về phía các thầy hay các tâm lý gia chữa bệnh, ít nhất là trách nhiệm lúc tiên khởi.

Đạt lai lạt ma:

Đúng, bạn nói rất thực tế. Sự kiện này thay đổi tuỳ trung tâm và tuỳ các ông thầy. Một điều tôi chú ý là tại phương tây, đa số các trung tâm giảng dạy Phật Pháp hiện hữu là do công trình của một thầy và mấy trò liên hệ. Những trung tâm này không thành hình do một chương trình hay tổ chức trung ương nào hết, nên không có cách nào kiểm soát họ. Trong tương lai, chúng tôi nghĩ tới việc trung ương hoá các tổ chức. Tôi nhận được khá nhiều thư than phiền về các thầy tu. Tôi nghĩ là đã tới lúc phải làm gì đó rồi.

Khi có một tổ chức trung ương, ta sẽ có lợi điểm là có thể bổ nhiệm một ông thầy có khả năng và đạo hạnh tới nơi nào có nhu cầu tu tập. Như vậy ta có cơ hội chọn lựa các thầy. Còn như sự chọn lựa chỉ tới từ vài cá nhân, thì các học viên khó mà biết được vị thầy tâm linh của mình có đạo cao đức trọng hay không. Nếu như một thầy được bổ nhiệm tới một trung tâm nao đó, sau vài ba năm bắt đầu hủ hoá, hội đồng trung ương lúc đó có thể không ủng hộ ông ta nữa, chỉ cần cho ông ta biết “vì ông không còn thích hợp với trung tâm”

Daniel Goleman:

Tôi nghĩ đây là một tin mừng cho nhiều học trò Phật tử. Các Lạt ma cần có giấy phép giảng đạo. Tôi nghĩ rằng đa số các vị thầy Lạt ma đều tốt, chỉ có một thiểu số có vấn đề. Nhưng có lẽ ngài am tường hơn tôi, vì ngài nói nhận được khá nhiều thư than phiền.

Jack Engler:

Thưa ngài, trong một liên hệ thầy trò mà người thầy đã lạm dụng học trò một cách xấu xa vì họ mạnh thế và khôn ngoan, giỏi giang hơn, thì ngài có nghĩ phần lớn trách nhiệm, tội lỗi đó là do bên ông thầy, nhiều hơn là bên trò không? Hay ngài cho lỗi đó phần lớn là do học trò?

Đạt lai lạt ma:

Không, trường hợp này thì trách nhiệm chính là phía người thầy. Khi một người rao giảng Phật pháp nhân danh là ông thầy tâm linh, lại phạm những lỗi lầm mà ông ta khuyên kẻ khác nên tránh, thì thật là đáng xấu hổ, nhục nhã. Ta có thể coi như ông ta đã phản bội công việc mình làm.

VƯỚNG MẮC VÀ BUÔNG XẢ:

Margaret Brenman-Gibson:

Thưa ngài, tôi có một câu hỏi về sự buông bỏ, không vướng mắc. Tôi hy vọng không diễn tả sai lời nói của Joanna Macy, cho rằng người ta thường hiểu lầm đạo Bụt. Rằng khi đi tìm sự giải thoát, buông bỏ, người ta sống xa cách với thế giới?

Đạt lai lạt ma:

Trong đạo Bụt, có hai thái độ với sự vướng mắc. Tùy theo mục tiêu của bạn. Nếu bạn muốn tìm cầu sự giải thoát chỉ cho riêng mình thôi, thì những ràng buộc được coi là điều có hại, cần phải xả bỏ, tránh né và ngăn ngừa. Nhưng nếu bạn muốn tìm sự giải thoát cho tất cả chúng sinh, như trường hợp các vị Bồ Tát, thì có khi họ phải dùng tới những ràng buộc để giúp người khác. Có sự khác biệt giữa những ràng buộc có nguyên do vị kỷ và những liên hệ thân tình với những kẻ mà bạn muốn giúp đỡ. Trong trường hợp thứ hai này, ta không cần phải dứt bỏ những liên hệ đó.

Trong tâm lý trị liệu tây phương, có điểm nào để ta đạt tới những liên hệ trung dung hay liên hệ tốt không? Có mức giới hạn nào mà trên đó là nguy hiểm? Có sự phân biệt như thế chăng?

Daniel Brown:

Tôi cho là có một chỗ trung dung. Đôi khi người ta quyến luyến nhau quá sức, thì đó là một thứ bệnh, một nỗi đam mê. Người ta quá nhiều ham muốn. Trong khi đó, có nhiều người lại quá thờ ơ, họ trở nên lãnh đạm và xa cách. Giữa hai thái độ đó là mối tương quan lành mạnh, và ta có thể giúp cho người bệnh cũng thấy tình trạng trung dung đó là hữu ích.

Stephen Levine:

Thưa ngài, tôi có cảm tưởng như phương Tây chúng tôi khá bối rối khi tìm hiểu về giáo pháp đạo Bụt. Trong mấy cuốn sách tôi đã đọc, quý vị mô tả những cảnh tượng rất lạ thường mà người đi tìm đạo có thể trải qua. Hầu như có vài đoạn nói rằng nếu như không thể vẫn từ bi với những người xúc phạm ta thì không thể thành Bụt được. Có câu truyện một ông thầy tăng trên đường bị kẻ cướp chặt tay. Ông đạt tới quả vị giác ngộ đầu tiên, ông đem lòng từ bi độ cho kẻ cướp. Rồi ông lại bị cưa một chân, đạt tới quả vị giác ngộ thứ nhì và lại độ cho kẻ đã làm hại mình. Rồi ông bị chặt nốt tay kia, sự giác ngộ lại càng sau, trái tim rộng mở, tâm trí hoàn toàn tỉnh táo. Loại truyện này theo tôi, chỉ làm cho người ta không tin và rất nản chí. Người ta có thể diễn giải một cách sai lầm là “Nếu tôi không bị xúc phạm, thì tôi không phải là một Phật tử thuần thành”.

Đạt lai lạt ma:

Bạn muốn ngụ ý rằng khi một ông thầy tâm linh dạy dỗ bạn một cách khôn lanh, sắc sảo, thì có thể là vì ông ta muốn dọn đường để lạm dụng bạn phải không?

Stephen Levine:

Ông ta cũng rất khéo léo nữa. Tôi xin thêm như vậy.

Đạt lai lạt ma:

Tôi cho là bạn nên lánh xa những người thầy như vậy.

Câu hỏi của thính giả:

Xin ngài dạy cho một số điều về việc bắt đầu tu tập tâm linh. Làm sao để chúng tôi được vững vàng, giản dị trong xã hội xô bồ, vật chất này?

Đạt lai lạt ma:

Khi bắt đầu tu tập tâm linh, bạn cần lấy đà khá mạnh. Trong thời gian này, có khi bạn sẽ thấy muốn sống giản dị và vững vàng không phải là chuyện dễ làm. Nhưng khi có kinh nghiệm rồi thì không khó lắm đâu.

Khung cảnh nơi bạn bắt đầu thực tập có thể ảnh hưởng tới bạn. Tại Hoa Kỳ, có nhiều trung tâm tu học. Bạn có thể tới một trong các nơi đó để thực tập chuyên tâm trong vài tuần lễ. Theo đạo Bụt Tây Tạng, thì khi thực tập như vậy không có nghĩa là bạn rời xa xã hội của bạn. Điều này quan trọng lắm. Nhiều khi tôi thấy một số người rất ưa sống tách rời cộng đồng của họ. Như vậy thì sau vài năm sẽ có vấn đề. Vậy nên tôi luôn khuyên người ta phải sống với cộng đồng.

Một điều quan trọng khác là bạn cũng nên nhớ bạn là người Tây phương. Xã hội, văn hoá và môi trường sống khác với tôi. Nếu bạn muốn tu tập theo một truyền thống Đông phương, chẳng hạn theo truyền thống Tây Tạng thì bạn nên nắm lấy cái căn bản rồi làm cho nó thích nghi với văn hoá và môi trường của bạn nơi đây. Với thời gian, bạn sẽ có thể làm cho đạo Bụt hoà nhập với giá trị và truyền thống văn hoá xứ này, cũng như trong quá khứ, đạo Bụt đã hoà nhập với xứ Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa… Dần dà ta sẽ có đạo Bụt tây phương, đạo Bụt Hoa Kỳ vậy.


---o0o---

Vi tính: Tường Chánh

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/02/2011(Xem: 17586)
Thật là một nghịch lý khi hành tinh này ngày càng có đông người sinh sống hơn nhưng mối quan hệ giữa người với người lại ngày càng trở nên xa cách, nhợt nhạt hơn.
19/02/2011(Xem: 14949)
Phật Giáo hiện hữu trên thế gian nầy từ vô lượng kiếp và Phật Giáo đã được hình thành bằng hình thức khế lý khế cơ qua hơn 2.500 năm lịch sử trên quả địa cầu này...
18/02/2011(Xem: 9971)
Một buổi sáng thức dậy băn khoăn nghe tiếng chim rất lạ. Mỗi một nụ cười, ánh mắt, bước chân đi cũng dường như thay đổi. Lòng dạt dào những cảm xúc khó tả...
11/02/2011(Xem: 33865)
Danh từ Ðạo Phật (Buddhism) xuất phát từ chữ "Budhi" nghĩa là "tỉnh thức" và như vậy Ðạo Phật là triết học của sự tỉnh thức. Nền triết học này khởi nguyên từ một kinh nghiệm thực chứng...
10/02/2011(Xem: 18224)
Được thân người và gặp được Phật Pháp mà để cho thời gian luống qua vô ích thì quả là uổng cho một kiếp người. Xin hãy lắng nghe và phụng hành theo những lời khuyên dạy của Đức Từ Phụ...
06/02/2011(Xem: 15760)
Đạo Phật được đưa vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai do những vị tăng sĩ và những thương gia Ấn Độ và Trung Á tới Việt Nam bằng đường biển Ấn Độ Dương.
25/01/2011(Xem: 12817)
Sách này nói về sự liên quan chặt chẽ giữa con người và trái đất, cả hai đồng sinh cộng tử. Con người không thể sống riêng lẻ một mình nếu các loài khác bị tiêu diệt.
23/01/2011(Xem: 3526)
Trước đây người Việt đã có mặt trên khắp thế giới – đặc biệt tại Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Nga, Đông Âu v.v… là do các chương trình du học hoặc làm việc trong các tòa đại sứ hoặc đi lính cho Pháp từ thời Thế Chiến I, nhưng con số không nhiều. Chỉ từ sau năm 1975 con số bỗng vọt lên tới trên 3 triệu do các đợt “di tản”, “thuyền nhân” (Boat People), “đoàn tụ gia đình” và “hợp tác lao động”.
18/01/2011(Xem: 5535)
Quyển sách này là kết quả của những cuộc nói chuyện và những cuộc thảo luận được tổ chức ở Ấn độ bởi J. Krishnamurti với học sinh và giáo viên của những trường học tại Rishi Valley...
12/01/2011(Xem: 17596)
”Vượt Khỏi Giáo điều” không phải chỉ đề cập đến những vấn nạn đời thường, nó còn tiến xa hơn một bước nữa là vạch ra cho con người một hướng đi, một hành trình tu tập tâm linh hầu có thể đạt đến cứu cánh giác ngộ giải thoát ngay trong kiếp sống này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]