- Chương 1 Hỏi Đáp Phật Pháp
- Chương 2 Sự Truyền Bá Phật Pháp
- Chương 3 Sơ Lược Lịch Sử Phật giáo Việt Nam
- Chương 4 Bổn Phận và Trách Vụ của Cư Sĩ
- Chương 5 Cư Sĩ với việc Kinh Doanh làm Giầu
- Chương 6 Cư Sĩ với việc Hôn Nhân Khác Tôn Giáo
- Chương 7 Cư Sĩ với việc Từ Thiện Xã Hội
- Chương 8 Cư Sĩ với việc Xem Bói Toán Tử Vi
- Chương 9 Cư Sĩ với việc Đốt Vàng Mã
- Chương 10 Hoả Táng hay Địa Táng
- Chương 11 Thực Hành Phật Pháp
- Chương 12 Một Số Trung Tâm Tu Học tại Việt Nam
CẨM NANG CƯ SĨ
Tâm Diệu
CHƯƠNG 8
CƯ SĨ VỚI VẤN ĐỀ TỬ VI BÓI TOÁN
Đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát. Việc coi bói toán tử vi, lên đồng nhập cốt không có mặt trong giáo lý nhà Phật. Trong kinh Chuyển Pháp Luân,ngay sau khi Đức Phật giác ngộ và kinh Di Giáo ngay trước khi Đức Phật Niết-bàn, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài là không nên xem bói toán, xem quẻ, xem sao và xem tướng số. Trong năm môn học được giảng dạy ở các trường đại học Phật giáo trước đây ở Ấn Độ không có môn tướng số và bói toán tử vi, tuy có dạy các môn thế học như là Ngôn Ngữ Học, Thủ Công Nghệ Học, Y Học và Luận Lý Học.
Theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề tai họa hay sung sướng, khổ đau hay bất hạnh, giầu có hay nghèo khổ đều do nhân thiện ác mà chúng ta gieo trồng từ nhiều đời sống trước rồi đời này hay đời sau chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay lười biếng trong đời sống hiện tại mà có thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng của đời này hay đời sau. Do việc gieo nhân khác nhau trong đời trước mà tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này. Cái gọi là hoàn cảnh cũng bao gồm cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh, nuôi dưỡng và giáo dục, anh em, họ hàng, thầy bạn và đồng nghiệp. Tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nhân tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại nhưng nếu có sự tu tập về mặt nội tâm và luyện tập thân thể tốt, trau dồi thêm ý thức, mở mang trí tuệ thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt.
Phật Giáo quan niệm, con người không phải do một đấng nào đó tạo ra, có thể bị sai sử, bị thưởng phạt, cho sống hay cho chết. Người Phật giáo không tin vào cái gọi là "định mệnh" an bài. Phật giáo cho rằng, sự vận hành biến hóa của vũ trụ và sự lưu chuyển của sinh mạng, là do nghiệp lực của chúng sinh tạo nên. Tiến trình nhân và quả không do một nhân vật toàn năng nào điều khiển và định đoạt mà do hành động qua thân, khẩu và ý của chúng ta hằng ngày. Ðó là một định luật tự nhiên. Chúng ta trách nhiệm về những hành động chúng ta làm, thì chúng ta cũng phải gánh trách nhiệm về hậu quả của những hành động ấy. Việc chấp nhận ở đây không có nghĩa là tự mãn hay cam chịu với cái gọi là "Số Mệnh" an bài, bởi vì chúng ta có tự do làm thay đổi và khắc phục những sự việc hay kết quả mà chúng ta không ưa thích. Như chúng ta thi rớt, chúng ta phải cố gắng luyện thi lại, thế nào cũng đạt được. Chúng ta làm chủ tạo nhân, chính chúng ta làm chủ thọ quả. Chỉ cần sáng suốt khi tạo nhân, chịu khó chăm sóc tốt cho nhân tăng trưởng, thì quả chín ngon ngọt sẽ đến tay chúng ta một cách dễ dàng. Ðó là lý nhân quả, nếu chúng ta tin sâu và tin chắc lý này, chắc chắn sẽ không còn mê tín mà đi coi bói toán tử vi hay đi xin xăm cầu đảo.
Một nhà Sư người Trung Hoa là Trí Khải Đại Sư, trong bài tựa cuốn "Đồng Mông Chỉ Quán", kể trường hợp một chú Sa-di trẻ ở cùng chùa với một vị trụ trì đã chứng quả A-la-hán. Vị trụ trì biết trong vòng một tuần nữa học trò mình sẽ chết bệnh, không thể tránh khỏi, bèn lẳng lặng cho học trò mình về thăm nhà. Anh học trò lên đường về nhà thấy một ổ kiến trên bờ đê đang bị một dòng nước xoáy đe doạ cuốn trôi đi. Chú Sa-di trẻ động lòng thương lũ kiến đang nháo nhác, bèn cởi quần áo nhảy xuống sông, ra sức đắp lại chỗ đê có thể bị vỡ để cứu ổ kiến. Cứu được ổ kiến, chú Sa-di tiếp tục lên đường về thăm nhà và sau một tuần trở lại chùa. Vị Thầy trụ trì thấy học trò mình trở lại chùa an toàn, khí sắc lại còn hồng hào hơn xưa, rất lấy làm lạ, bèn hỏi chú Sa Di, tuần lễ vừa qua đã làm những gì. Sau một hồi nhớ lại chú Sa di đã tường thuật cặn kẽ đầu đuôi chuyện cứu ổ kiến thoát chết. Vị trụ trì kết luận là do chú Sa-di phát tâm từ bi rộng lớn cứu ổ kiến cho nên đã chuyển nghiệp, đáng lẽ phải chết trong vong một tuần lại vẫn sống an toàn và còn tiếp tục sống thọ trong nhiều năm nữa.
Do câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng không có một cái gì là cố định, không có một cái gì là định pháp hay định mệnh, tâm thức chúng ta biến chuyển từng sát na và do đó nghiệp thức lẫn nghiệp quả cũng thay đổi từng sát na. Nếu các ông thầy bói toán tử vi tướng số nói những gì xảy ra trong tương lai mà chúng ta tin, tức là chúng ta tin rằng muôn sự muộn việc là thường chứ không phải là vô thường và là định pháp chứ không phải là bất định pháp, tức là chúng ta mù quáng mà phủ nhận định luật nhân quả và giáo pháp vô thường của Phật dạy.
Tóm lại, đối với việc coi tử vi bói toán, cũng như việc xin xăm cầu đảo là những việc làm có tính cách mê tín, không có chỗ đứng trong Phật Giáo. Người Phật Giáo được khuyên bảo cẩn trọng đừng để rơi vào hố sâu mê tín dị đoan khiến tâm bị rối loạn bởi sự sợ hãi không cần thiết. Một thời tọa thiền hay niệm Phật hằng ngày giúp ích rất nhiều để tự thanh lọc tư tưởng bất thiện trong tâm. Tâm được thanh lọc tự động dẫn đến một thân thể trong sạch và khoẻ mạnh. Pháp Phật là liều thuốc chữa khỏi các loại tâm bệnh này. Một phút giây tâm được tịnh là ngưng tạo bao nhiêu nghiệp, ngưng gieo bao nhiêu nhân và xa bao nhiêu dặm khổ ải.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
“Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.” [20][1]
Nếu như con người hàng ngày không làm các việc lành thiện, chỉ lo tạo tội, tạo nghiệp, trong cuộc sống đấu tranh giành giựt, khi quả báo đến, không ai có thể tránh được, dù cho có lên non xuống biển hay trốn vào hang núi.
[1]HT. Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ Tập 1, Kinh Pháp Cú 127 http://www.thuvienhoasen.org/kinhtieubo1-02-phapcu-01.htm
---o0o---
---o0o---
Trình bày: Vĩnh Thoại