Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VI. Những điều kiện đã giúp tôi đi đến sự thành công

13/05/201314:04(Xem: 5027)
Chương VI. Những điều kiện đã giúp tôi đi đến sự thành công

Cảm tạ xứ Đức

Thích Như Điển

Phật lịch 2546 - 2002

Trung tâm văn hóa xã hội Phật Giáo Việt Nam

---o0o---

Chương VI. Những điều kiện đã giúp tôi đi đến sự thành công

Có thể sự thành công của người nầy nó không phải là sự thành công của người khác và đồng thời nó không là tiêu chuẩn, mẫu mực cũng như công thức cho mọi người thực hiện; nếu tốt thì cứ thế mà tiến; nếu không hay thì hãy bỏ đi. Cùng là loại trà ấy; nhưng nếu nấu nước của giếng nước đó tại Việt Nam thì nó khác, đem trà ấy sang Nhật Bản nấu với nước Nhật Bản uống nó có mùi khác và hôm nay loại trà kia được mang từ Nhật Bản qua nước Đức để nấu với nước ở đây để tôi có được một tách trà. Nếu bạn hỏi tôi uống có ngon không? Làm sao tôi có thể trả lời chính xác được. Do vậy những gì tôi viết bên dưới đây chỉ nhằm trong 2 ý nghĩa:

- Cảm ơn nước Đức đã cưu mang tôi mấy chục năm trường, sống trên đất nước nầy và cũng có thể một mai đây tôi sẽ chết trên đất nước nầy nữa.

- Mặt khác để trao truyền lại cho những thế hệ tương lai sau nầy, nếu có ai đó giở chồng sách cũ ra tìm tòi, thì biết đâu có một vài điều họ có thể chọn ra để học hỏi và thực hành cho cuộc sống của họ.

Đó là 2 lý do chính mà tôi viết chương nầy. Quyết một điều là không có khoe khoang và tôi không giới thiệu cái tự ngã của mình trong nầy.

Cuộc đời tôi từ khi đi xuất gia cho đến bây giờ, gần 40 năm qua, cũng gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau; nhưng tựu chung tôi đã vượt qua và căn bản nhờ những sự tự lực và có sẵn nơi mình qua sự tu học, rèn luyện, nhẫn nại mà thành. Ví dụ như:

-Nghi lễ: Trong đạo Phật có một môn gọi là tán tụng hay lễ nhạc hoặc nói chung là nghi lễ. Trong nầy gồm có việc đọc, tụng và kéo dài làn hơi tạo thành những nốt nhạc thiền, nhằm ca tụng và tán dương công đức của chư Phật hoặc chư vị Bồ Tát.

Không phải ai cũng có thể tán được. Nếu một người có giọng kim, giọng đồng hoặc giọng âm thì khó có thể học tán được, mà người đó phải có giọng thanh thì khi cất giọng lên mới có thể chinh phục người khác được. Trong chùa hay nhắc đi nhắc lại câu: "Học kinh 3 tháng, học tán 3 năm" để chứng minh cho sự khó khăn khi học tán như thế nào. Kinh như Kinh Lăng Nghiêm, khó hết chỗ nói; nhưng chỉ cần 3 tháng là một chú tiểu có thể thuộc lòng được. Sau khi thuộc, hòa chung với chúng để tụng và chú tiểu ấy sẽ hoặc đánh chuông, đánh mõ cũng như học những kinh điển khác như A Di Đà, Phổ Môn, Sám Hối, Mông Sơn Thí Thực v.v... để tụng trong mỗi ngày vào sáng, trưa, chiều, tối. Còn nói tới tán tụng ư! Không phải ai cũng có giọng và điệu để thực hành được những lễ nghi nầy.

Trong chùa có chia ra nhiều loại Thầy. Đó là: Thầy tu, Thầy chùa và Thầy cúng.

- Thầy tu là Thầy chuyên môn tu học, không màn đến chuyện gì ở bên ngoài cả. Vị Thầy như thế có thể vừa thế học và Phật học rất thâm hậu. Vị nầy có thể ở trong thất, trong chùa lâu năm và cũng có thể là giảng sư danh tiếng của Giáo Hội.

- Thầy chùa là danh từ để chỉ chung cho mọi người đi tu. Vì tu phải ở chùa; nên mọi người gọi là Thầy chùa. Cũng như tại Trung Quốc nếu một người mà bỏ tục đi xuất gia thì họ nói là đi làm Hòa Thượng. Hòa Thượng là một danh từ chung để chỉ cho mọi người xuất gia, chứ không phải là một cấp bậc được tôn trọng như của Phật Giáo Việt Nam.

- Còn Thầy cúng. Có thể Thầy nầy không ở chùa, có gia đình, trước đó ông ta đã đi tu rồi và sau không tu nữa, ra đời lập gia đình và khi ở chùa có được giọng hay tiếng tốt nên đã đi làm đám nhiều nơi, do vậy khi ra đời không có chuyện gì làm để nuôi vợ con; nên làm nghề Thầy cúng; nhưng điều ấy cũng chưa hẳn hoàn toàn đúng. Vì có rất nhiều Thầy đang ở trong chùa và cúng cũng rất là hay. Trong luật Sa Di gọi những vị nầy là "ứng phó đạo tràng" có nghĩa là làm nghề Thầy cúng đó.

Đàn tràng thì có nhiều loại như: cầu an, cầu siêu, chẩn tế, vớt vong, đề phan, bạt độ, sám hối, phóng sanh v.v... Có đàn kéo dài tới 7 ngày đêm. Trong thời gian ấy thì Ban Kinh Sư gồm có: Thầy chủ sám và các vị Linh sư phải túc trực tụng kinh, trì chú, cúng ngọ, cúng linh cho gia chủ và sau đó là chẩn tế cô hồn. Mỗi một nghi lễ như thế phải cần nhiều người Tăng sĩ và mỗi một Tăng sĩ như vậy phải xử dụng nhiều nhạc khí khác nhau như: mõ, linh, tang, đẩu, khánh, trống, mộc bảng, bảo chúng v.v... nghĩa là tất cả phải nhịp nhàng, ăn khớp với lời của vị Sám chủ.

Khi đi xuất gia tôi ở Tổ Đình Phước Lâm tại Hội An hai năm (1964-1966); nơi đây không phải là chùa chuyên cúng đám, nên tôi không học được những lễ nhạc cần thiết, chỉ khi về chùa Viên Giác, Hội An, sống và đi học từ 1966-1968 và sau đó vào chùa Hưng Long ở Sài Gòn (1969-1971) là chuyên môn đi cúng, tụng, cầu an, cầu siêu và cũng đã nhiều lần tham dự các trai đàn chẩn tế theo nghi thức tán tụng xứ Quảng Nam; nên từ đó nhịp linh, tang, chuông, mõ, trống đã khá vững vàng. Dĩ nhiên là tôi không chủ trương để sau nầy trở thành ông Thầy cúng đám; nhưng nếu ở chùa các nhạc cụ, nhạc khí nầy được hòa tấu lên để cúng dường chư Phật vào mỗi buổi tụng kinh như trong kinh Pháp Hoa đã dạy, hoặc các luật Sa Di mà chúng tôi đã học khi còn nhỏ thì quá tốt, không có lỗi gì cả.

Phật Tử lúc đi chùa hoặc tham gia những nghi lễ như thế đa phần là thích thú. Vì những âm điệu thiền ấy đã làm cho họ lắng đọng tâm tư trở lại theo nhịp điệu của chuông, mõ, linh, tang. Từ đó, nếu có đám ma hay những nghi lễ cúng về nhà mới, đám cưới v.v... họ đều mời chùa Viên Giác. Ngày xưa tôi đi rất nhiều đám như thế; nhưng ngày nay có quý Thầy, quý chú đệ tử thay thế; nên chỉ đi một số đám cho những vị ở lâu trên nước Đức từ những năm đầu tiên đã góp công, góp của với chùa mà thôi. Còn những vị đến Đức 5 hay 10 năm thì tôi cho Thầy khác đi thay.

Đa phần người Phật Tử Việt Nam không phải ai cũng thuần thành. Theo tôi, tự chia số Phật Tử trong 100.000 người đang sinh sống tại Đức như sau: Có 15.000 người theo Thiên Chúa và Tin Lành. 5.000 người không có đạo nào hết và trong 80.000 người gọi là Phật Tử ấy có thể chia ra làm 3 hạng.

- Hạng thứ nhất là những Phật Tử thuần thành, hạng nầy độ 20%, nghĩa là có quy y Tam Bảo, có ăn chay mỗi tháng 2 đến 10 ngày, có biết tội phước, có cúng dường Tam Bảo, in kinh ấn tống v.v...

- Hạng thứ hai độ 40%, có nghĩa là có biết tội phước; nhưng ít đi chùa thường xuyên và thỉnh thoảng mới phát tâm bố thí cúng dường.

- Còn hạng thứ ba độ 40% còn lại. Hạng nầy thì hầu như hoàn toàn không biết đến chùa; nhưng họ nói họ là Phật Tử. Vì họ có thờ ông bà, chứ không thờ giáo chủ của một đạo nào khác. Mỗi năm họ đi chùa chỉ một vài lần và ăn chay cũng thế; nhưng khi cha mẹ hoặc người thân của họ chết, họ gọi điện thoại về chùa nhờ Thầy đến đi đám. Trong trường hợp nầy rất quan trọng. Quý Thầy phải nên đi. Vì lẽ "độ tử cũng như độ sanh". Nhân cơ hội trong gia đình có thân nhân mất đó, một vị Thầy đến đi đám và cúng tụng, sau đó thuyết giảng về sự vô thường, khổ, không và vô ngã, làm phước, bố thí v.v... sẽ dễ ngấm sâu vào lòng họ hơn và từ đây trong số người ấy sẽ có người trở thành những người Phật Tử thuần thành hộ đạo, để đạo được phát triển. Ở trong Đạo Phật không có cơ quan đi truyền giáo để khuyến dụ người khác theo đạo của mình; nhưng đây là cơ hội để xiển dương lòng tin đối với những người chưa tín kính Tam Bảo, để họ hiểu biết giáo lý nhà Phật nhiều hơn nữa.

Có lần tôi sang thăm Mỹ và gặp Hòa Thượng Thích Đức Niệm. Hòa Thượng hiện là Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế tại Los Angeles, California - USA. Đã đỗ Tiến sĩ Quốc gia Sư phạm Đài Loan năm 1980 thì phải. Hòa Thượng có nói với tôi rằng:

- Thầy Như Điển thấy đó! Ngày xưa khi tôi mới vô chùa làm điệu, Thầy tôi giao cho tôi cái mõ và cái chuông và bây giờ tôi đã học xong Tiến sĩ rồi đó, cũng chỉ cái chuông, cái mõ mà thôi !

- Vì là người tu mà! Bạch Hòa Thượng. Tôi cười và phát biểu như vậy.

Đúng là cái duyên và cái nghiệp của người tu, đi học cho đến bằng cấp nào, có địa vị gì gì đi nữa trong xã hội nầy thì mình vẫn là người Tăng sĩ, thì chuông với mõ đi kèm là đúng rồi chứ còn cái gì thêm nữa.

Điều ân nghĩa đối với người Á Châu trong đó có người Việt Nam rất khó quên. Khi họ đã nhận, chịu ơn thì trong suốt cuộc đời ấy họ mong sẽ đền đáp lại và người làm ơn thì bao giờ cũng chẳng muốn nhớ. Tuy vậy, nhưng gia đình có hữu sự như ma chay, cưới hỏi ấy sau nầy họ về chùa và tìm hiểu học hỏi giáo lý càng ngày càng đông. Đây là một thành công nho nhỏ của tôi. Tuy tôi không phải là ông Thầy cúng chuyên nghiệp. Vì vậy tôi khuyên những vị tu học sau nầy; nếu có phương diện khác giỏi thì càng tốt; nhưng cũng đừng quên những việc lễ nghi quan trọng của gia đình Phật Tử như tôi vừa nêu trên.

Điều thứ hai mà tôi muốn đề cập đến là việc thuyết giảng. Dĩ nhiên không phải ai học ngành giáo dục lúc ra trường đều đi làm Thầy giáo và cũng không phải ai đi tu là có thể thuyết pháp được. Cũng có nhiều bài pháp vô ngôn mà cũng có nhiều bài pháp phải dùng đến nhiều loại ngôn ngữ để diễn đạt. Nếu bạn đã đi tu, mà bạn không học hỏi giáo lý, nghiên tầm kinh điển. Có một lúc nào đó bị Phật Tử hỏi đến, bạn sẽ cảm thấy chới với. Vì đó là sở trường của người đi xuất gia mà. Người xuất gia không thể viện dẫn lý do là tôi không rành giáo lý, trong khi đó lại thạo chuyện thế gian. Điều ấy quá nghịch lý. Dĩ nhiên người Phật Tử mới hiểu đạo, chỉ cần những cái căn bản, chứ đâu có cần những giáo nghĩa sâu xa đâu. Nếu người tu không đáp ứng được nhu cầu tâm linh nầy, quả là một thiếu sót rất lớn.

Nhiều người học thật giỏi, đậu thật nhiều bằng cấp về Đạo cũng như về Đời; nhưng khi giảng chẳng ai hiểu được bao nhiêu. Vì vị ấy nói những ngôn từ và triết lý cao xa khó hiểu. Cái thành công của thuyết trình viên không phải là nói cho nhiều, mà nói làm sao cho họ hiểu là điều tối ư quan trọng.

Khi giảng nên để ý thính chúng muốn cái gì. Nếu đang giảng mà nửa chừng có nhiều người bỏ ra ngoài, hoặc nói chuyện ồn ào; chứng tỏ rằng bài giảng của mình không hấp dẫn. Hoặc từ bên trên nhìn xuống thấy có nhiều người ngủ gục thì phải biết rằng ta nên chuyển hướng câu chuyện đang giảng sang một câu chuyện vui. Thỉnh thoảng phải làm như thế. Nếu không, bài giảng sẽ nhợt nhạt lắm và sẽ trở thành vô vị. Lần đến nếu thính chúng nghe đến tên và đề tài của mình giảng họ sẽ có quyền không đến nghe. Thế là mình sẽ thất bại.

Có nhiều Thầy giảng rất hay, làm cho thính chúng cười hoài không nghỉ; nhưng cuối bài giảng không lãnh hội được một điều gì quan trọng cho đức tin cả; thì đây cũng chẳng phải là một sự thành công được.

Có nhiều vị Thầy giảng làm cho họ cảm động và khóc sướt mướt, hoặc khóc nức nở v.v... như thế là thành công rồi đó. Giảng cho họ cười thì dễ, chứ làm cho họ khóc không phải là chuyện đơn thuần đâu. Điều ấy chứng tỏ rằng họ đã hiểu bài giảng của vị Thầy kia một cách rốt ráo rồi đó.

Có nhiều Thầy khi vào đề rất hay, nói một chút đi lạc đề hơi nhiều. Sau hơn một tiếng đồng hồ giảng thuyết chẳng có kết luận và không đưa ra được một sự tiêu biểu nào để cho Phật Tử tu tập cả, thì đây là một sự thất bại không nhỏ. Người giảng sư có quyền triển khai vấn đề rộng bao nhiêu cũng được; nhưng đừng quên rằng đề tài lúc ban đầu mình đề ra là gì, phải quay trở lại mục tiêu ấy.

Thính chúng của những buổi giảng công cộng như thế rất phức tạp. Vì có nhiều trình độ khác nhau; nên phải làm sao cho lớp tuổi nào và ở vào trình độ nào cũng có thể hiểu được, không phải là chuyện dễ dàng. Ở đây không phải là một lớp học của bậc Trung Học, hoặc giảng đường của Đại Học mà giáo sư chỉ cần một đề tài nhất định là có thể làm xong bổn phận của mình, mà ngược lại phải chu toàn trách nhiệm về lãnh vực tạo được đức tin cho người nghe và làm cho họ càng ngày càng thấm sâu vào giáo lý của Đạo Phật.

Cho đến nay tôi đã giảng nhiều đề tài khác nhau từ dễ đến khó, từ giáo lý căn bản cho đến những bộ kinh mấy chục băng như: Kinh Bách Dụ, kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bi, Đại Thừa Khởi Tín Luận, kinh Viên Giác v.v... cho đến nay tổng cộng độ 40 đề tài và 140 loại băng, mỗi băng độ 90 phút. Tôi không phải là một diễn giả có nhiều tài hùng biện; nhưng nghe những băng giảng của tôi, có nhiều người đã rút ra được những bài học cho cuộc đòi; nên họ rất thích.

Một hôm tôi đi vào một tiệm Việt Nam ở phố Bolsa, Westminster, California, Mỹ Quốc, đang đứng ngắm nhìn mặt hàng bày ra trong tủ kiếng, tự nhiên nghe có băng thuyết pháp, thì hóa ra đó là băng của tôi giảng. Hỏi ra mới biết là các Phật Tử ở đây sang ra rất nhiều băng của tôi giảng như thế để biếu cho các bạn đạo nghe. Người chủ tiệm bảo rằng: Lâu nay con đã nghe băng Thầy; nhưng bây giờ mới gặp được mặt Thầy, quả là một nhân duyên và "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình" là vậy.

Ngày nay thông tin rất nhanh, qua Radio, Internet, Cssette, CD v.v... đủ chuyên chở những lời giảng ấy đến mọi nhà, mọi nơi và mọi hoàn cảnh; nên rất tiện lợi. Nếu ở nhà họ không có thì giờ để nghe thì khi đi trên đường để đến sở làm họ có thể để băng tụng, băng giảng của quý Thầy vào nghe cũng tiêu đi một số thì giờ trống vắng. Ngoài ra họ còn hiểu thêm được một số giáo lý căn bản khác nữa.

Giảng về Duy Thức học, Tâm Lý học Phật Giáo rất khó; nhưng ai là người biết đắc nhân tâm thì sẽ thành công ở lãnh vực nầy. Thông thường người nghe đang chờ đợi ở người giảng một lời khuyên, một sự phân tích, một sự dạy dỗ, một hình ảnh đẹp nào đó. Do vậy mà giảng sư phải là người đáp ứng được những nguyện vọng của thính chúng. Tôi không là một vị giảng sư nổi tiếng như bao nhiêu vị khác; nhưng có nhiều người nghe băng giảng của tôi. Điều ấy chứng tỏ rằng qua lối thuyết giảng, tôi cũng đã thành công một phần nào trong cuộc đời hoằng pháp của tôi.

Điều thứ ba là ngoại giao. Người đi tu chẳng phải là một quan chức chính quyền. Tuy nhiên nếu muốn tổ chức mình phát triển mạnh, mà không có ngoại giao với các tổ chức khác, các tư nhân v.v... thì quả là điều thiếu sót.

Ngày nay ở ngoại quốc khi nói đến ngoại giao, điều đầu tiên phải biết nhiều ngoại ngữ, hoặc ít nhất là tiếng Anh. Ở Đức bắt buộc phải nghe, hiểu, nói và đọc được tiếng Đức. Nếu ở Pháp thì tiếng Pháp là căn bản. Ví dụ có một ngôi chùa nào đó ở xa gởi đến cho chùa mình một thư yêu cầu gì đó bằng tiếng Hoa hay tiếng Nhật. Nếu vị trụ trì ấy biết những ngôn ngữ kia, quả là điều thuận lợi; đọc xong thư có thể trả lới liền. Bằng ngược lại, đọc chẳng hiểu gì, cứ để đó chờ đợi người biết ngôn ngữ ấy đến chùa để hỏi thăm và trả lời dùm, thì ở đây thời gian tính đã qua đi. Bên kia chờ lâu quá không có trả lời. Thế là họ nãn và không còn liên lạc trực tiếp với mình nữa.

Ngôn ngữ ngoại giao rất quan trọng, cần ngắn gọn và đầy đủ ý nghĩa, không cần dông dài mà mục đích chính mình lại không nói lên được. Mình phải biết chủ đích của mình khi đi đến đó. Hoặc bài diễn văn của mình, mình muốn người nghe ghi nhận được điều gì. Nếu nói cho có nói và làm cho có làm thì đây không phải là mục đích của sự ngoại giao.

Tôi được cái may là biết nhiều ngoại ngữ. Tuy không giỏi; nhưng có thể dùng nhiều ngôn ngữ khác nhau để diễn đạt khi đi dự Hội Nghị Phật Giáo Tăng Già Thế Giới, hoặc những Hội Nghị khác tại Á , Âu Châu, tôi có thể dùng tiếng Việt tiếng Hoa và tiếng Nhật. Nếu ở Âu Châu tôi có thể dùng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp. Còn Mỹ và Úc Châu nơi nào cũng dùng tiếng Anh, nên rất tiện lợi. Dĩ nhiên mỗi ngành đều có lãnh vực sâu thẳm của nó; nhưng căn bản của mỗi vấn đề nếu nắm vững thì lãnh vực ngoại giao sẽ thành công nhiều hơn. Đó là phạm trù lớn ở ngoài xã hội. Còn một ngôi chùa phải như thế nào đây?

Người ta đi đến chùa chắc chắn mỗi người có một mục đích khác nhau, không ai giống ai cả. Có người vì thấy chùa lớn nên tới. Có người vì nhu cầu tâm linh nên tới. Có người vì hẹn hò bạn bè nên tới. Có người vì tìm chỗ an tịnh nên tới. Có người thích ăn đồ chay ở chùa nên tới v.v... nghĩa là có hằng trăm lý do như thế; nhưng tựu chung chỉ hướng về chùa. Vậy chùa phải đáp ứng lại tất cả những nhu cầu như thế. Tôi thường hay ví rằng ngôi chùa cũng như một nhà hàng vậy. Ngày nay người ta đi nhà hàng ăn cơm không phải vì đói bụng hay vì không biết nấu ăn, mà ăn uống ngày nay là một nghệ thuật và thưởng thức cảnh trí của nhà hàng cũng như cách tổ chức, sự đối xử của nhân viên v.v... Nếu một nhà hàng không đủ những điều kiện ấy thì ít người tới lắm. Ngoài ra một lý do không kém phần quan trọng là giá cả phải chăng và tiếp đãi ân cần lịch sự. Chừng ấy yếu tố là yếu tố ngoại giao của một nhà hàng để được thành công rồi.

Còn ở đây một ngôi chùa, khi người ta nhìn vào, nếu là một người trí thức; người ta phải tự hỏi rằng người ta vào đó để làm gì? và để học hỏi được gì? còn người bình dân cũng phải có nhu cầu của họ nữa. Vì vậy vị Trụ trì, Tăng chúng tại tự viện ấy phải là những giọt mật mời gọi qua công phu tu hành, gia trì tu tập, nghiêm trang đạo hạnh v.v... thì dầu có ở xa trong muôn vạn dặm người Phật Tử họ sẽ kéo về chùa càng ngày càng đông. Còn khi nào nếu Phật Tử lánh xa chùa phải biết rằng nơi đó không dụng công tu hành đúng mức vậy. Đâu có gì để bắt buộc họ được. Việc đến chùa là một chuyện tự do và là một việc làm tự nhiên của mỗi người Phật Tử mà. Do vậy sự đi lại thăm viếng, tiếp xúc han hỏi một cách ân cần, tế nhị v.v... là những thành công trong sự ngoại giao rồi đó. Danh từ ở chùa thường gọi để chỉ cho vị ngoại giao ấy là "tri khách". Có nghĩa là biết lòng người khách, hiểu tâm lý người khách muốn gì. Nếu đã hiểu được ý của người khách thì không cần khách sáo trong lời ăn tiếng nói, khách cũng có thể bộc lộ hết cả tâm tình của mình. Đây là sự thành công của vị tri khách vậy.

Có nhiều ngôi chùa khi nhìn vào thấy như đang giãy chết. Vì lẽ đìu hiu quá, cô quạnh quá. Không có nội dung tu học, không thể thu hút được tín đồ. Nơi ấy chỉ có một vị Sư già, hoặc một vài bà Vãi; không có hoạt động nào đáng kể, nhằm giúp đỡ tín đồ tu học và tìm hiểu thêm giáo lý của nhà Phật, thì ngôi chùa ấy trước sau cũng sẽ bị quần chúng quên đi. Chùa do Phật Tử, dân chúng xây lên. Nếu xứng đáng họ sẽ hỗ trợ tiếp tục; nếu không xứng đáng, nó sẽ tự nhiên băng hoại, không cần ai đập phá làm gì. Vì vậy công việc hoằng dương Phật Pháp, kiến tạo đạo tràng tu học nó rất cần thiết cho cả giới xuất gia lẫn tại gia. Cho nên đừng khinh thường những gì dầu cho đó là điều nhỏ nhoi nhất.

Điều thứ tư mà tôi sẽ đề cập đến là thông tin, sách báo v.v... rất là quan trọng. Ngày nay có nhiều người bận rộn ít đi chùa, họ phải ở nhà, phải làm việc ở hãng xưởng, ít có thì giờ đi đến chùa để nghe pháp. Do vậy sách báo gởi đến nhà biếu họ, quả là điều quý hóa vô cùng.

Năm 1978, 79, 80 chúng tôi có cho xuất bản tờ báo Viên Giác. Mỗi lần như vậy in 500 quyển bằng lối Photocopy để gởi đi khắp nơi. Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm nên bài vở, tin tức rất khô khan. Tuy nhiên khi Viên Giác đổi sang bộ mới khổ A4 và được sự tài trợ của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức thì con số độc giả càng ngày càng tăng. Từ 500 người lên 1.000 người, rồi 2.000 người, 3.000 và 4.000 để cuối cùng sau 25 năm miệt mài với thông tin, tờ báo Viên Giác đã lên gần 6.000 số và được gởi đi 38 quốc gia để biếu. Tất cả đều không phải trả tiền, chỉ có ủng hộ mà thôi. Điều nầy chỉ có tổ chức Tôn Giáo mới làm được. Còn tư nhân thì khó tồn tại. Vì lẽ tổ chức Tôn Giáo có nhiều người làm thiện nguyện; nên không phải chi phí tiền công. Thế nhưng nội tiền giấy, mực cũng đã hãi hùng rồi. Thông thường mỗi tờ báo ít nhất 3 người trong gia đình hoặc bạn bè chuyền tay nhau đọc. Như vậy bình quân mà nói báo Viên Giác có độ gần 20.000 độc giả. Nội dung của báo Viên Giác gồm có các mục như: Thư Tòa Soạn, phần Phật học, phần tiếng Đức, phần Trang Thiếu Nhi, phần Thơ văn, phần sáng tác, phần điểm sách, phần Y học, phần Gia chánh chay, phần Tin tức thời sự, tin Phật sự, những bài Bình luận về Văn học, Chính trị, Phân ưu, Cáo phó, Tìm thân nhân và cuối cùng là Phương Danh Cúng Dường cũng như quảng cáo. Chỉ chừng ấy mục thôi cũng đã đáp ứng được rất nhiều nhu cầu cho người Phật Tử cũng như không Phật Tử. Nếu họ không thích thì họ không đọc, mà đã không đọc thì không ủng hộ, thì làm sao tờ báo đạo sống nổi. Chúng ta sống bằng tình thương của độc giả và sự tin tưởng của độc giả đối với tờ báo; nên họ đã ủng hộ và gởi gắm tâm sự của mình vào trên giấy trắng mực đen. Tạo được sự tin cậy như vậy không phải dễ. Nghĩa là còn mấy tháng nữa là 25 năm rồi đấy. Kể ra chính quyền cũng như độc giả, tờ báo Viên Giác đã và đang được sự tin cậy rất cao. Từ đó chúng tôi đã vững tin vào lý tưởng và con đường phụng sự cho Dân Tộc và Đạo Pháp là thiết yếu. Vì vậy suốt 25 năm qua tôi vẫn đóng vai trò Chủ Nhiệm cho tờ báo và Thị Chơn, anh Phù Vân đóng vai trò Chủ Bút của báo Viên Giác suốt từ hơn 2 thập niên qua và đây là một cơ quan ngôn luận đáng kể về lượng cũng như về phẩm đối với người Việt đang tỵ nạn cộng sản ngày nay tại năm châu lục nầy.

Những sách vở của tôi viết cũng đã góp phần không nhỏ vào sự thành công nầy. Đa phần những sách tôi viết đủ loại, đủ thể tài như giáo lý, ký sự, hành hương, giáo dục, dịch thuật, tường thuật, biên khảo, tiểu thuyết v.v... bộ môn nào cũng có một vài cuốn tiêu biểu. Từ năm 1974 đến nay tôi viết và dịch kể cả quyển nầy là 34 quyển. Như vậy trung bình mỗi năm xuất bản một quyển bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Đa phần tôi viết hoặc dịch ra tiếng Việt rồi anh Tuấn, chị Cúc, Thị Chơn, Hạnh Tấn, Hạnh Giới đã chuyển sang tiếng Đức và những sách nầy cũng đã được Bộ Nội Vụ giúp tiền xuất bản. Đồng thời cũng là một nguồn thông tin đáng tin cậy; nên các Giáo sư Đại Học Hannover như Giáo sư Tiến sĩ Martin Baumann, Giáo sư Tiến sĩ Rump đã trích dịch sách của tôi viết, nhằm làm tài liệu nghiên cứu cho các Sinh viên Đại Học về ngành Tôn Giáo học. Ví dụ như quyển Deutsche Buddhisten xuất bản năm 1995 của nhà xuất bản Diagonal và quyển Migration, Integration Religion - Buddhistische Vietnamesen und Hinduistische Tamilen in Deutschland - nghĩa là: Sự di cư, hội nhập về tôn giáo của người Phật Tử và Ấn Độ giáo của dân Tamil tại nước Đức. Đây là những cuốn sách tiếng Đức rất có giá trị mà nhiều Sinh viên cũng như Giáo sư Đại Học đều biết đến.

Giáo sư Tiến sĩ Rumpf là người Ấn Độ lấy chồng Đức. Bà theo Ấn Độ giáo; nhưng rất quan tâm đến Phật Giáo. Bà ta đang dạy tại Đại Học Hannover trong phân khoa Tôn Giáo học, vừa rồi bà ta cũng cho xuất bản một quyển sách tiếng Đức nhan đề là: Weltreligion Buddhismus cũng đã trích dẫn nhiều tài liệu trong sách của tôi đã viết.

Bộ Nghiên Cứu Giáo Đoàn Phật Giáo Thời Nguyên Thủy, 3 cuốn, tôi dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt và Hạnh Tấn đã dịch những sách nầy sang tiếng Đức và có một lúc Dharma College ở Innsbruck, Áo Quốc, đã dùng làm sách giáo khoa cho các Sinh viên học về Phật khoa tại đây.

Riêng những sách tiểu thuyết như: Tình Đời Nghĩa Đạo, Vụ Án Một Người Tu v.v... đã được đăng nguyên văn lên Internet và trở thành những quyển tiểu thuyết hay cho mọi người và đã được nhiều người đọc. Từ đó chữ nghĩa chuyên chở tư tưởng cũng như tư tưởng giải thoát đã mang đến cho mọi người xa gần nhiều cảm nhận khác nhau.

Đọc văn tức hiểu người là ý nầy vậy. Câu văn viết càng đơn giản chừng nào, ý nghĩa càng sâu sắc chừng nào thì càng dễ làm cho người ta có cảm tình và chấp nhận. Một văn sĩ nổi tiếng không phải tự nhiên viết một hay hai quyển sách mà nổi tiếng. Người ta phải qua hằng chục năm kinh nghiệm mới gởi gắm tâm tình của mình vào sách vở được. Đến nay tôi đã hoàn thành 34 tác phẩm rồi và dĩ nhiên từ đây cho đến cuối đời còn tiếp tục sáng tác dịch thuật nữa. Trong 34 tác phẩm ấy, có tác phẩm tôi rất hài lòng; nhưng cũng có tác phẩm chưa vừa ý mấy. Có lẽ cũng giống như 34 người đệ tử đã xuất gia với tôi từ bấy lâu nay đấy thôi. Đây là một con số trùng hợp rất có ý nghĩa. 34 tác phẩm và 34 người xuất gia. Có thể mỗi người đại diện cho một tác phẩm được chăng ?

Người xưa bảo: Thư trung hữu ngọc. Nghĩa là trong sách có ngọc là vậy. Nhiều người lấy tiền bạc đi mua ngọc ngà châu báu để trang sức cho sắc đẹp sẽ tốn kém hơn, chi bằng trang sức tâm niệm mình bằng những tư tưởng của sách vở, sẽ làm cho nội tâm mình phong phú hơn nhiều. Có nhiều người không tiếc tiền để mua cả hằng trăm thức ăn khác nhau chất trong tủ lạnh. Trong khi đó bỏ tiền ra mua một cuốn sách lại chẳng dám; nhưng ngược lại cũng có lắm người cho việc ăn uống chẳng cần thiết; nhưng việc bổ dưỡng cho trí tuệ là một điều không thể nào thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

Mỗi ngày tôi đọc ít nhất là 2 tiếng đồng hồ, bất cứ sách, kinh gì. Điều ấy gần như bắt buộc. Nếu không đọc sách, trí óc sẽ mù lòa. Vì vậy ngày nào tôi cũng bắt buộc đầu óc của mình nó làm việc nhằm khơi dậy những chủng tử nơi A Lại Da Thức phải luôn luôn tỉnh thức và nhận chân lối đi về của mình.

Có người thích đọc sách về triết học, về nghiên cứu, về địa lý, về tiểu thuyết, về xã hội, về giáo dục, về kỹ thuật v.v... nhưng cũng có lắm người chỉ muốn thực tập chứ không muốn đọc sách. Điều ấy cũng tốt thôi. Miễn sao lý thuyết và thực hành chúng bổ sung với nhau là được.

Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là văn sĩ, cũng không là tiểu thuyết gia, mặc dầu tước hiệu văn học sĩ của Nhật Bản đã có từ năm 1977. Tôi phải làm gì cho Văn Học Nhật Bản, Văn Học Việt Nam và Văn Học Đức đây? Tôi quan niệm mỗi một người, một loại ngôn ngữ là một chiếc cầu có thể bắt nhịp từ quá khứ đến hiện tại và từ hiện tại sẽ có một nhịp cầu bắt tiếp qua tương lai, chứ tuyệt nhiên không có chiếc cầu nào có thể bắt trực tiếp từ quá khứ sang tương lai cả, mà phải có sự chuyển giao, đào tạo và hợp với khế cơ, khế lý của từng thời đại v.v...

Tôi đã nhờ vào sách vở và kinh điển mà học hỏi được rất nhiều. Bây giờ tôi lại nấu, xào những gì đã thâu thập được, làm một loại thực phẩm khác để trao truyền lại cho quý vị, nó cũng chỉ là bổn phận của người đi trước mà thôi. Nếu các bạn và quý vị rút tỉa ra được một số điều căn bản nào để tu tập hoặc giả làm phương tiện trong đời sống tâm linh của mình thì đó cũng là sự thành công nho nhỏ của người viết muốn gởi gắm đến quý vị rồi.

Điều thứ 5 đã giúp tôi đi đến chỗ thành công cũng là cách tổ chức và sắp đặt công việc.

Tôi thường hay nói với mọi người rằng: Nếu so sánh đầu óc, học lực giữa người Á Châu và người Âu Mỹ, chưa chắc ai đã hơn ai. Nhiều khi người Á Châu có sức học nhiều hơn là người Âu Mỹ. Nhưng tại sao ở Âu Mỹ có nhiều nhân tài như Bác học, Bác vật, trong khi đó thì tại Á Châu lại ít hơn ? Đây là một câu hỏi mà sự trả lời có thể nhắm đến là: Phương pháp tổ chức, cách điều hành một cơ sở, hãng xưởng, chùa viện v.v... Nếu người ấy làm việc có phương pháp, chắc chắn sẽ dễ thành công hơn là người không có đầu óc tổ chức. Vậy người Âu Mỹ tổ chức như thế nào ?

Đầu tiên là người nào việc ấy. Việc của ai kẻ ấy biết, chứ không cần biết việc của người khác, ngoại trừ ông Giám đốc có trách nhiệm phải coi ngó công việc chung cho hãng. Ví dụ một người thợ sửa xe hơi của Đức, mỗi người chỉ làm một việc khác nhau như người lo cho dàn đồng riêng, người thợ sơn riêng, người thợ làm nguội riêng. Trong khi đó người thợ Á Châu có thể sửa chiếc xe từ A đến Z, cái nào cũng làm được; nhưng cuối cùng chẳng có cái nào ra cái nào cả. Vì không có chuyên môn nên tay nghề yếu. Từ sự yếu kém nầy thì không thể có sự chuyên nhất được. Đã không chuyên nhất thì làm sao có thể tiến thân cao xa hơn nữa.

Trong khi đó ở những xã hội Âu Mỹ nầy có điều kiện để nghiên cứu và thời gian ăn học lâu hơn. Ví dụ như cha mẹ có tiền cho con ăn học, hoặc giả chính phủ nâng đỡ, cho mượn học bổng học cho xong học trình, sau khi ra trường đi làm việc lấy tiền trả dần lại cho chính phủ. Ở đây phải nói rằng chính phủ có quan tâm đến sự học và hỗ trợ cho sự học ấy thành tựu. Còn ở Á Châu lại không có được điều đó và nếu có cũng không thoải mái chút nào.

Có nhiều người đặt câu hỏi. Tại sao tại Đức, chính phủ lại giúp cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và chùa Viên Giác ở đây suốt hơn 20 năm qua như thế? Dĩ nhiên là có nhiều câu trả lời và đây là ý chính theo cái nhìn của tôi.

- Nhà nước Đức trên thực tế chỉ cho mỗi năm một cho mọi hoạt động. Nếu anh làm tốt thì năm sau sẽ được tiếp tục. Nếu làm không thành công, dĩ nhiên là năm sau không có lý do gì để xin tiếp tục nữa. Ví dụ tờ báo Viên Giác chẳng hạn. Đầu tiên ra 500 số và sau 24 năm, bây giờ con số độc giả đã gần 6.000 số phát hành mỗi kỳ. Mỗi năm chúng tôi phát hành 6 số, liên tục trong 24 năm qua không gián đoạn. Do vậy đây là sự tin tưởng mà chính quyền đã có và sự giúp đỡ vẫn còn tiếp tục.

- Giúp để tự giúp. Điều ấy có nghĩa là chính phủ cho vốn liếng và từ vốn liếng nhỏ ấy, cứ tiếp tục tăng trưởng mãi và dĩ nhiên trong đó cũng có sự đóng góp của Giáo Hội nữa. Nếu với số lượng tiền bạc giúp đỡ đó mà chính phủ tự làm thì không thành công bằng giao cho người Việt làm. Người Việt làm trực tiếp ít tốn kém hơn, mà hiệu năng nhiều hơn. Vì lẽ không ai hiểu người Việt bằng người Việt cả.

- Điều kế tiếp cũng không kém phần quan trọng là chính phủ Đức đang thực hiện chương trình đa văn hóa trên quê hương nầy. Họ giúp đỡ những nhóm nhỏ để tự tồn và phát triển để bảo tồn và phát huy văn hóa của quê hương cũ đồng thời hội nhập vào đời sống văn hóa mới tại xứ Đức nầy. Điều nầy chính phủ Đức rất khôn khéo và đã tạo được sự tin tưởng của những người ngoại quốc đang sinh sống hoặc tỵ nạn tại xứ nầy. Có nhiều người Đức cực đoan nghĩ rằng: Xứ Đức phải là xứ thuần chủng, không bị lai giống. Nhưng nghĩ như vậy là sai. Vì lẽ trong một vườn hoa, nếu có nhiều bông hoa nở, khoe sắc thắm thì vườn kia càng ngày càng khởi sắc chứ có sao đâu. Còn hơn là chỉ đơn điệu nở có một loài hoa, trông nó lẻ loi và đơn độc. Ngày nay thế giới đã sống chung đại đồng rồi. Không còn ai có thể đứng độc lập mà tồn tại cả. Ngay tại Âu Châu nầy ngày nay mọi người cũng đã ý thức và đang sống chung như vậy.

- Chính phủ không giúp cho một Tôn Giáo nào phát triển tại đây cả, mà Tôn Giáo nào phải tự lo phát triển trong tinh thần tự do của Tôn Giáo mình là được. Nếu có giúp đỡ như trường hợp của người tỵ nạn Phật Tử Việt Nam là giúp đỡ văn hóa của tôn giáo đó mà thôi.

Trên đây là một số lý do chính mà chính quyền Đức đã tài trợ cho người tỵ nạn Phật Tử Việt Nam qua cái nhìn và suy nghĩ của tôi. Còn lý do nào thầm kín nữa thì tôi không biết; nhưng tựu chung có thể hiểu như những gì đã giới thiệu bên trên.

Người biết tổ chức là người biết điều hành, xử dụng mọi người vào công việc. Người xưa thường nói: Dụng nhân như dụng mộc. Có nghĩa là dùng người như dùng cây. Cây cong thì làm theo dáng cong; cây thẳng thì làm theo dáng thẳng. Nếu cây cong kẽ cho thẳng, hoặc cây thẳng kẽ cho cong, sẽ có vấn đề. Cái khôn khéo của người lãnh đạo quần chúng là ở chỗ nầy. Phải biết tâm lý quần chúng như thế nào và muốn gì thì mình dựa vào đó mà quyết định, xử trí v.v... thì sẽ dễ đi đến chỗ thành công. Mình nên bán những gì người ta thích mua, chứ đừng nên bán những gì mà mình thích bán. Người mua bao giờ cũng xem về giá cả, mẫu mã trước. Nếu hợp túi tiền thì sẽ mua và mua những gì họ thích. Người bán cũng thế, khi bày hàng ra thì phải muốn bán cho được hàng. Không phải muốn cho có lời nhiều mà hàng của mình là loại hàng dỏm được. Đa phần thì người ta chỉ thích bán những gì họ đang bán; nhưng phải hiểu tâm lý của người đi mua nữa, nó cũng không kém phần quan trọng trong khi thể hiện chỉ bán một món hàng. Nếu là hàng tốt mà đắt bao nhiêu, họ cũng cố gắng mua; nhưng là hàng không tốt mà treo giá cao, thì chắc chắn sẽ khó thành công trong việc thương mại.

Khi một công việc đã được phân công thì người được phân công chỉ có bổn phận làm công việc của mình và không cần để tâm đến công việc của người khác. Ví dụ như công tác của tôi là lo dọn cơm cho khách, chẳng may trong lúc dọn cơm có người nhờ tôi ra nhà gare để đón một người nào đó; tôi không thể bỏ nhiệm vụ dọn cơm của tôi mà đi làm một chuyện không phải là công tác của mình. Nhiệm vụ nầy do người lãnh đạo giải quyết chứ không phải là chuyện của mình phải giải quyết. Nếu vị nể người nhờ mà đi đón khách. Cuối cùng trách nhiệm đã được giao không làm tròn. Ở Tây Phương cái tinh thần trách nhiệm nầy người ta học rất kỹ; trong khi ở Á Châu, nhất là Việt Nam, cái tinh thần trách nhiệm nầy không được tôn trọng mấy. Do đó ít đi đến chỗ thành công là lý do chính vậy. Người Á Đông xuề xòa hơn, cởi mở hơn; nhưng đồng thời cũng ít tự chủ vấn đề hơn. Trong khi đó người Âu Mỹ khép kín, tính toán kỹ lưỡng; nhưng có mục đích và kế hoạch rõ ràng hơn là người Đông Phương.

Người Á Châu, có lắm người hối lộ trắng trợn; người Âu Châu cũng không ít; nhưng cái hối lộ, cái gian trá ấy có giấy tờ bảo chứng. Ví dụ họ đến sửa máy chỉ một tiếng đồng hồ; nhưng giá thành phải trả là 2 tiếng rưỡi. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ thôi. Còn nhiều mánh lới khác giữa Đông và Tây đều có; nhưng xét về quyền lợi và bổn phận cái nào phải hy sinh cho cái nào thì tùy theo mỗi hoàn cảnh của mỗi châu lục khác nhau mà đi đến kết luận của vấn đề.

Người đứng ra tổ chức không nhất thiết phải là người làm tất cả mọi công việc, mà là người biết tất cả việc và biết phân chia công việc cho người khác một cách hợp tình hợp lý. Ví dụ người có khả năng tại nhà bếp không thể chia công việc ở văn phòng được. Ngược lại người làm vườn không thể chia cho công việc của một kỹ sư về Computer được. Một ông Giám đốc của một hãng, xưởng hay một vị Trụ trì của một ngôi chùa, tự viện không nhất thiết phải làm được tất cả mọi việc từ nhà bếp đến văn phòng. Dĩ nhiên biết được càng tốt; nhưng ít có người như thế lắm. Điều căn bản là phải biết dùng người trong trường hợp nầy rất là quan trọng. Mọi người đang chờ ta đó, ta phải làm sao để dung nạp họ là một thành công của người tổ chức.

Sau bao nhiêu năm học tại Nhật và Đức, tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho người Việt Nam và đã ứng dụng cho chùa Viên Giác trong các kỳ lễ Phật Đản, Vu Lan cũng như Tết và Rằm Tháng Giêng nên đã đi đến một kết quả rất khả quan. Ban đầu cũng có nhiều người chống đối; nhưng bây giờ đã đi vào nề nếp. Ví dụ như đi chùa vào các lễ lớn mỗi phần cơm phải trả 5 Đức Mã. Có nhiều người bảo đi chùa đã cúng tiền rồi, ăn cơm tại sao phải trả tiền nữa? Nói như vậy không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Vì lẽ cúng dường là một phước đức riêng, ai cúng cũng được, ai không cúng cũng không sao. Điều nầy không bị bắt buộc. Còn ăn uống. Nếu ta ở nhà hoặc ra tiệm cũng phải mua sắm đồ ăn vâỵ thôi. Khi đi tiệm hoặc mua sắm chắc chắn phải trả tiền rồi. Vả lại một buổi lễ 5, 7 ngàn người như thế không thể nào phát không mà không thâu lệ phí nào cả được. Khi có phát hành và trả tiền như thế chắc chắn phần ăn 5 Đức Mã kia sẽ xứng đáng với đồng tiền, chứ không phải là một sự phát chẩn muốn phát như thế nào cũng được.

Bây giờ thì mọi người đã hiểu và hầu như chùa nào tại Đức nầy hay tại Âu Châu cũng như Mỹ Châu và Úc Châu cũng đã ứng dụng vào cách tổ chức phát hành như vậy. Tuy cũng còn một số chùa vẫn còn áp dụng như lối sinh hoạt tại Việt Nam, nghĩa là cái gì cũng miễn phí để tùy hỷ cúng dường. Như vậy sẽ khó phát triển cơ sở lớn rộng hơn về lâu về dài được.

Mới đây tôi có nhận được một băng Niệm Phật phát hành tại Hoa Kỳ. Phía ngoài của máy niệm Phật để là: Hỗ trợ tùy hỷ. Điều ấy có nghĩa là cúng vào bao nhiêu cũng được để nhận được cái máy nầy; nhưng mấy ai có thể bỏ ra hơn 5 US$ để có máy ấy. Trong khi ấy mỗi máy nầy hỏi ra giá căn bản để có là 10 US$. Như vậy nếu có ai đó bỏ vào chỗ cúng dường 1 hoặc 2 US$ để lấy cái máy, lúc ấy tâm phân biệt của mình lại nổi lên là tại sao cúng dường vào đó ít quá nhỉ? Tại sao ta không để giá thành, hoặc ít ra phải ghi rõ là phát hành không cần lợi nhuận; nhưng giá chính thức là như vậy để cho cả người thỉnh lẫn người phát hành dễ dàng hơn. Đây cũng là một cách tổ chức thôi. Muốn thành công phải có nhiều cải cách nữa mới được.

Ở ngoài đời sống bình thường khi làm việc như thế có lãnh lương, có tiền thưởng, có nghỉ hè v.v... thì nhân công siêng năng làm việc; nhưng ở trong chùa, nhất là những hội từ thiện tôn giáo, ai ai cũng đến với đạo chỉ một tấm lòng. Nếu căng thẳng điều hành giống như một mô hình nhất định thì sẽ hỏng ngay. Khi viết sách cũng thế, người lãnh đạo phải viết những gì thực tu, thực chứng và thực học họ mới nghe theo. Còn nếu nói cho có nói, viết cho có viết sẽ không chinh phục được ai bao giờ.

Có nhiều loại sách bán rất chạy như tiểu thuyết tình cảm, dâm thư, sách chửi bới nói xấu kẻ khác; nhưng khi đọc xong chẳng có một ý nghĩa gì cả, ngoài cái ý nghĩa làm thỏa mãn tự ái cá nhân. Thế nhưng lại rất nhiều người lưu tâm. Vì trình độ họ chỉ đến đó, họ không cần suy nghĩ thêm mất thì giờ và không cần tính toán cho xa. Điều ấy không cần thiết. Cũng ví như có nhiều nghề lợi nhuận rất nhiều, chẳng mấy chốc mà giàu to như buôn ma túy; nhưng kết quả là gì thì ai cũng rõ, làm cho bao nhiêu thế hệ trẻ, già, trung niên bị sa ngã và đọa lạc. Quốc gia không thể nào phát triển được với những công dân bệnh hoạn như thế. Gia đình sẽ chẳng có hạnh phúc khi mà người chồng hay người vợ chỉ vui sống với khói mây, hơi men mà quên đi bổn phận giáo dục con cái v.v...

Cũng có những tờ báo ở xứ Đức nầy bán rất chạy và mỗi lần xuất bản cả mấy trăm ngàn số, tiền lời vô kể. Trong khi đó những tờ báo đứng đắn thì rất khó phát hành; nhiều khi bị phá sản vỡ nợ; không phải là họ không có ý chí và khả năng; nhưng thiên thời, địa lợi và nhân hòa là 3 yếu tố chính, họ đã chưa trọn vẹn đạt tới được. Trong truyện Kiều Việt Nam có câu thơ rằng:

"Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần"

là vậy. Người có tài thường hay gặp nhiều khó khăn trở ngại. Nếu không nhờ hồng phúc của chính mình và ông bà ở nhiều đời nhiều kiếp thì khó mà thành tựu trong đời nầy.

Có nhiều người xem đá banh xong ra bình luận rằng: Đội A đó đá hay nhưng chẳng may bị xui xẻo quá khi "sút" cú banh bị thủ môn chụp được. Hoặc giả hôm đó trời mưa; nên đội A không làm chủ tình hình được. Còn đội B quá hên, vì đến phút cuối cùng mà đã thắng. Hoặc giả đó là sân nhà của đội B cho nên mới có được kết quả như vậy.

Học thì nhiều người đã đi học, khi thi ra trường người ta cũng đậu bằng nầy bằng nọ; nhưng nhìn kỹ lại bạn bè thì có nhiều người hên hơn nên có chỗ làm tốt hoặc được ông chủ tin cậy giao phó nhiều vấn đề quan trọng. Còn mình cũng bằng cấp như ai; nhưng có ra gì đâu. Nhiều khi còn dở hơn là những người công nhân nữa. Vậy thì cái gì nó tạo nên cái yếu tố thành công đó? Có phải là nhân duyên, sự may rủi chăng ?

Dĩ nhiên là không hoàn toàn đúng 100% nhưng cũng có một phần nào đó. Ví dụ như người học trò trước khi đi thi sửa soạn rất kỹ, làm bài rất tốt; nhưng hôm đó xui là gặp ông Thầy có vấn đề trong gia đình, buồn rầu; nên khi chấm bài cho anh ta không hứng thú mấy và thế là bị cho điểm thấp. Như thế đó và trong cuộc sống lại cứ liên tục có nhiều vấn đề tương tự như vậy.

Riêng tôi cũng nằm trong những trường hợp trên. Dĩ nhiên là tôi phải tự lực rồi; nhưng sức tự lực của con người bao giờ cũng có giới hạn, phải cầu đến tha lực của chư Phật và chư vị Bồ Tát nữa. Sự gia hộ, sự gia trì, sự hỗ trợ vô hình, sự tin tưởng có nhiều đời nhiều kiếp, sự hy vọng, sự nhẫn nại, ý chí cương quyết v.v... tất cả những thứ đó dựng nên con người của tôi. Vì vậy cho nên nhiều Thầy, Cô hay Phật Tử thường nói tôi là người có phước. Bên trái cũng có người giúp đỡ, bên mặt cũng có người hộ vệ. Ở sau lưng, ở phía trước, ở chung quanh nơi nào cũng có người luôn luôn chia xẻ những khó khăn của mình. Tôi xin thưa một điều tôi không là những người tài giỏi. Vì trên tôi có nhiều người tài giỏi hơn mình. Tôi thành công trong 5 lãnh vực vừa kể như: cung kính, thuyết giảng, ngoại giao, viết sách, óc tổ chức v.v... là nhờ biết điều nghiên, thay đổi phương pháp làm việc, thích hợp thời cơ và đặc biệt là phải hay lắng nghe những ý kiến đóng góp. Khi ra làm việc phải chấp nhận một nguyên tắc chung, chứ không nên thiên vị. Ví dụ như không phải lúc nào cũng chỉ nghe lời người lớn nói chuyện, mà không để ý đến những ý kiến đóng góp của thanh niên hay trẻ con. Nếu người lớn nói sai làm sao ta có thể tin tưởng hoàn toàn vào những lời nói đó. Trong khi con trẻ đóng góp ý kiến đúng mà ta không thực hành. Đây là những cái tíc-tắc; những cái quyết định rất nhanh của người lãnh đạo cần phải có; nếu muốn công việc được thành công.

---o0o---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/12/2010(Xem: 4566)
Phật giáo nhìn tính dục dưới khía cạnh của sự thèm khát và đau đớn : đó là một mối hiểm nguy xô đẩy con người vào cảnh đọa đày của dục vọng và khổ đau.
30/11/2010(Xem: 2686)
Lời Phật dạy: “Tất cả chỉ là phương tiện.” Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay xuất phát từ việc con người đã quên đi sự thật này.
28/11/2010(Xem: 7266)
Mùa thu vừa rồi, tôi đã tiến hành một loạt phỏng vấn với Đức Đạt Lai Lạt Ma qua những buổi giải lao hiếm hoi trong thời khóa biểu của ngài khi ngài chính thức trong một khóa thuyết giảng. Tôi thật may mắn có đủ nhân duyên để có thể viếng thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn tại tịnh thất khiêm tốn, đầy màu sắc sống động của ngài ở Dharamsala lần đầu tiên năm vào năm 1974, khi tôi là một thiếu niên.
27/11/2010(Xem: 8697)
Trong khi Đức Phật tạo mọi nỗ lực để dẫn dắt hàng đệ tử xuất gia của Ngài đến những tiến bộ tâm linh cao cả nhất, Ngài cũng nỗ lực để hướng dẫn hàng đệ tử cư sĩ tiến đến sự thành công...
17/11/2010(Xem: 3510)
Những lời thống thiết xuất phát từ lòng từ bi vô lượng của chư Phật, chư tổ chính là kim chỉ nam cho chúng ta cứu vãn, khôi phục và làm rực rỡ nền văn hoá đạo đức truyền thống của dân tộc. Ý nghĩa văn hoá và phương pháp tu trì của Tịnh độ tông chẳng những có thể đáp ứng mong muốn của con người hiện đại ở trình độ cao mà còn có khả năng chữa trị có hiệu quả những căn bệnh của xã hội ngày nay.
16/11/2010(Xem: 14125)
Trên thế giới đã có nhiều tôn giáo, tại sao lại còn cần thiết cho chúng ta có một đạo khác nữa gọi là Đạo Phật? Phải chăng có cái gì thật đặc sắc...
13/11/2010(Xem: 7971)
Học Phật là tìm biết vai trò của đạo Phật trong suốt lịch sử của sự sống nhân loại, những đóng góp của đạo Phật trong văn hóa nhân loại, những luồng sinh khí mà đạo Phật đã thổi vào...
13/11/2010(Xem: 4367)
Nếu toàn thể nhân loại kể từ đời thượng cổ cho đến ngày nay đều có cùng một thói quen sống "ai sao tôi vậy" hoặc "xưa sao nay vậy" thì giờ này chúng ta vẫn còn phải vác rìu bằng đá để đi săn thú đem về ăn sống nuốt tươi, chứ không thể có được nền văn minh điện toán như ngày nay.
12/11/2010(Xem: 18078)
Nếu Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc an lạc, nếp sống ấy cũng là một nếp sống đề cao cho con người vào một vị trí tối thượng...
04/11/2010(Xem: 6588)
Có nhiều loại giác ngộ, nhưng bản chất của giác ngộ thì chỉ có một, đó là phá vỡ bức tường ngăn ngại của vô minh để ánh sáng của tự tánh, Phật tánh được dịp bùng lên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567