Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

39. Tôn Giả Sāriputta Viên Tịch

19/03/201408:21(Xem: 28540)
39. Tôn Giả Sāriputta Viên Tịch
blank

Tôn Giả Sāriputta Viên Tịch


Sau hạ thứ bốn mươi ba(1)của tôn giả Sāriputta tại làng Beḷuvā gần Vesāli, ngài và đại chúng tỳ-khưu về Kỳ Viên tịnh xá để đảnh lễ đức Đạo Sư. Câu chuyện về quả ác báo của Devadatta, đã lan truyền đi khắp nơi, nhiều vị tỳ-khưu phàm tăng tò mò muốn xem tận mắt chỗ đất rút ấy nó như thế nào.

Trải qua bốn mươi lăm do tuần, tôn giả Sāriputta cảm thấy cơ thể rã rời, dường như không còn chút hơi sức nào. Ngài biết rằng, tấm thân này đã như một cỗ xe quá cũ, các trục đã hao mòn, các căm đã lỏng lẻo hoặc hư mục. Rõ ràng đây là lúc phải thời để tính chuyện ra đi!

Thế rồi, tôn giả xin phép đức Phật trở về tịnh thất, cất đặt y bát, quét dọn phòng, trải tọa cụ rồi đi vào định diệt thọ tưởng để nghỉ ngơi. Khi xả thiền thì trời đã vào khuya, lúc đứng dậy, ngài nghe các khớp xương đau nhức và trong đầu như có cái gì bén nhọn đâm vào rồi lại kéo ra. Tuy thế, đi kinh hành một lát, tôn giả lại trở về chỗ tọa cụ, chậm rãi ngồi xuống, một ý nghĩ khởi sanh: “Ta sẽ nhập diệt trước đức Thế Tôn hay là sau ngài?

Tôn giả hướng tâm đến, biết rằng, bao giờ vị đại đệ tử cũng nhập diệt trước vị Phật. “Còn Mahā Moggallāna thì sao?” Ngài lại tự hỏi, rồi biết rằng tôn giả Mahā Moggallāna sẽ nhập diệt sau ngài nửa tháng. Và hiện tại, thọ hành của tôn giả Sāriputta chỉ còn duy trì được hai mươi mốt ngày. Vậy thì trong thời gian này, tôn giả còn bổn phận gì trên đời cần phải thực hiện? Và dĩ nhiên, tôn giả lại tưởng nghĩ đến mẹ. Mẹ ngài vẫn là cái gì cứ mãi canh cánh ở bên lòng.

Mặc dầu cả thảy bảy người con (bốn trai ba gái) trong gia đình đều đắc quả A-la-hán nhưng bà Sārī không tin Tam Bảo, vẫn xem thường đức Phật và tăng chúng, vẫn đặt niềm tin mù quáng theo ngoại đạo.

Tại sao tôn giả lại không thể cứu độ mẹ được? Cả hàng ngàn vị trời, ngài đã từng an trú cho họ vào các tầng thánh quả. Cả hàng ngàn gia đình cư sĩ, tôn giả đã mở những cánh cửa trời cho họ bước lên, đôi khi là đưa họ vào dòng giải thoát. Cũng đã hàng ngàn tỳ-khưu và sa-di đã nhờ tôn giả mà họ bước vào các đạo lộ siêu thế. Kể cả các giáo phái chủ, giáo phái sư, bà-la-môn trưởng giáo, bà-la-môn trí thức hữu danh, vua chúa, đại thần, tướng quân, thương gia... dẫu kiêu căng, cứng đầu, trịch thượng nhưng sau khi nghe pháp họ đã trở nên nhu thuận, dễ dạy! Thế thì tại sao tôn giả lại bất lực trước mẹ ngài? Có lẽ vì thiếu trí tuệ hoặc vì nhân duyên của bà chưa chín muồi?

Tôn giả Sāriputta lại trở nên trầm ngâm, ngài đang hướng tâm quan sát căn duyên của mẹ. Chợt tôn giả hoan hỷ thốt lên:

- “Hay thay! Tuyệt diệu thay! Mẹ ta sẵn đủ căn duyên bước vào thánh đạo!”

Rồi tôn giả lại nghĩ tiếp:

-“Vậy ai là người có duyên để cứu độ mẹ ta?”

Sau khi biết rõ kẻ đó chính là mình, tôn giả quyết định:

- “Vậy thì ta sẽ nhập diệt ở chốn cố hương, nơi chỗ mà ta chào đời để cứu độ mẹ ta!”

Sáng hôm sau, tôn giả Sāriputta trình bày quyết định của mình cho tôn giả Mahā Moggallāna hay. Cả hai ngồi yên lặng một hồi lâu.

- Tôn huynh tính như vậy thì tình, lý, đều trọn vẹn! Đức Mahā Moggallāna nói - Thôi, tôn huynh đi trước, đệ sẽ tùy thời mà đi sau!

Tôn giả Sāriputta đứng lên, nắm tay Mahā Moggallāna:

- Vậy là từ nay, chúng ta sẽ không có cơ hội gặp nhau, đây là lần cuối cùng, chẳng còn cái cuối cùng nào nữa cả!

- Cũng vừa đủ, tôn huynh! Mahā Moggallāna cất giọng chậm rãi - Ðã kinh qua suốt cuộc đời, duyên lành gặp được đạo mầu bất tử, chẳng còn một mảy may đau khổ, phiền não nào dính mắc ở trong tâm! Và, chúng ta cũng đã làm được nhiều điều hữu ích, lợi lạc cho chúng sanh! Chúng ta cũng đã làm việc hết sức mình, cơ thể chúng ta đã không còn chịu đựng được nữa rồi!

- Ðúng là vậy, pháp đệ! Chúng ta làm bạn với nhau suốt trong tuổi thơ ấu, thanh niên, và hơn bốn mươi năm trong giáo pháp của đức Tôn Sư. Chúng ta đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong mọi công việc được đức Thế Tôn giao phó, chưa lần nào chúng ta tranh cãi một lời, luôn luôn thuận thảo, tương kính, luôn luôn từ hòa, hỷ hoan, mát mẻ...

Ôi! Thật là tốt đẹp thay khi chung ta đã sống trọn vẹn một cuộc đời giác ngộ!

Tôn giả Mahā Moggallāna nắm tay tôn giả Sāriputta, xiết chặt, mỉm cười:

- Không biết mấy triệu năm mới có một cuộc tương ngộ và một cuộc vĩnh biệt như thế này? Hãy cho đệ đảnh lễ lần cuối cùng, một người anh duy nhất, cao cả và siêu việt!

Tôn giả Mahā Moggallāna quỳ xuống đảnh lễ. Tôn giả Sāriputta cũng quỳ xuống đảnh lễ theo. Cả hai đều rất chân tình và rất trân trọng.

Tôn giả Sāriputta nói:

- Từ khi thấy được giáo pháp Bất Tử, ta không tìm thấy chỗ nào là huynh, chỗ nào là đệ ở trong hai chúng ta cả. Ðây chỉ là sự tương kính pháp. Ta cũng xin được đảnh lễ một vị sư đệ duy nhất, cao cả và siêu việt!

Cả hai vị tôn giả tối thượng từ giã nhau như vậy, vĩnh biệt nhau như vậy. Thật là thân thiết mà xa xôi, đậm đà mà nhạt đạm, chẳng vướng bận gì, chẳng dính mắc gì. Như mây bay, như gió thoảng. Không rỗng như hư không.

Sau đó, tôn giả Sāriputta đi khất thực. Ngài muốn đi một vòng quanh kinh thành Sāvatthi thăm viếng một lần cuối cùng nơi mà ngài đã từng sống với chư tăng và mọi người trong bao nhiêu năm, nơi mà ngài được bao người kỉnh mộ dâng cúng vật thực đầy đủ để nuôi thân và hành đạo. Ngài phải biết tri ân điều đó.

Về lại tịnh xá Kỳ Viên, tôn giả cũng đi thăm một vòng như thế. Ðộ ngọ xong, tôn giả cho gọi trưởng lão Mahā Cunda, là em của ngài đến bên rồi nói:

- Này Mahā Cunda! Hãy chuẩn bị, cùng với ta, về quê thăm mẹ nhé!

- Dạ, thưa vâng!

- Hãy sử dụng khả năng của đệ để thông báo cho Upāsena, Revata và các vị tỳ-khưu-ni Cālā, Upacālā, Sīsupacālā cùng về luôn thể.

- Dạ, thưa vâng!

- Hãy bảo rằng là ý của ta, cho tụ họp năm trăm tỳ-khưu môn đệ, cùng bộ hành với chúng ta về Nāḷāka để hỗ trợ uy lực cho mẹ.

- Dạ, thưa vâng!

Khi trưởng lão Mahā Cunda quay lưng bước đi, tôn giả Sāriputta chợt kêu lại:

- Này Mahā Cunda! Trong bao năm sống với pháp huynh, pháp huynh có làm điều gì phiền rộn đến em không?

- Dạ thưa không! Pháp huynh trắng bạch như vỏ ốc. Bảo làm phiền rộn thì chẳng khác nào là đệ không có tai, không có mắt, không có tim, không có óc!

Tôn giả lại ân cần:

- Đệ đã là một trưởng lão cao hạ rồi. Ta hỏi thế thôi chứ ta biết đệ an vui, tinh tấn, sống rất hài hòa với mọi người, lại được hạnh phúc vững chắc trong giáo pháp nữa.

Trưởng lão Mahā Cunda ngần ngừ một lúc:

- Lần này có thể dắt mẹ qua bờ được không?

- Báo tin vui cho đệ hay là chắc chắn được! Mẹ chúng ta sẽ đến được bến bờ bình an!

Trưởng lão Mahā Cunda cảm thấy hoan hỷ trong lòng, chào tôn giả rồi đi ngay.

Hôm sau, tôn giả Sāriputta lấy chổi quét dọn tịnh thất, cất đặt mọi thứ đâu đó cho ngăn nắp. Dọn dẹp bên trong rồi tôn giả ra quét dọn xung quanh hành lang. Xong xuôi, đắp y, mang bát – tôn giả bước ra bên ngoài, khép cửa lại. Ngài đi quanh ba vòng rồi bước ra xa, nhìn ngắm lại tịnh thất. Tôn giả nói thầm trong tâm rằng:

- “Cảm ơn ngươi đã che mưa đỡ nắng cho ta bao ngày. Ðây là cái nhìn cuối cùng của ta, ngươi biết không? Nhưng khi ta đi rồi, thì hy vọng rằng, sau ta, nhiều vị A-la-hán khác nữa sẽ ở trong vòng tay ấm cúng của ngươi”.

Lát sau, hai vị Tôn giả Upāsena, Revata tìm đến; rồi lần lượt các vị tỳ-khưu-ni Cālā, Upacālā, Sīsupacālā ở phương xa cũng vân hành đến nơi. Vậy là những em ruột của ngài đều tề tựu đầy đủ. Tôn giả rất hoan hỷ, báo với các em mục đích chuyến thăm viếng mẹ lần cuối cùng. Ngay lúc ấy, trưởng lão Mahā Cunda cùng năm trăm tỳ-khưu đi đến. Họ đều đảnh lễ tôn giả và chờ lệnh.

Tôn giả nói:

- Các thầy sẽ vất vả bộ hành đường xa, nhưng rồi sẽ thâu hái được nhiều điều hữu ích. Bây giờ hãy cùng ta đến đảnh lễ đức Tôn Sư!

Ðức Thế Tôn đã biết, lúc ấy, ngài đang chờ họ ở đại giảng đường. Sau khi đảnh lễ, tôn giả quỳ xuống bên chân đức Ðạo Sư:

- Hôm nay, đệ tử đến đây để chào đức Tôn Sư lần cuối cùng. Ðệ tử sắp từ bỏ huyễn thân và từ bỏ cõi đời trần tục này. Thọ hành của đệ tử như ngọn đèn leo lét. Xin đức Tôn Sư cho phép đệ tử được nhập diệt.

Ðức Thế Tôn im lặng.

Tôn giả lại cất giọng khẩn thiết:

- Ôi! Ðệ tử biết nói lời gì khi vĩnh biệt một bậc vĩ nhân siêu quần bạt tụy? Chính nhờ hồng ân của đức Đạo Sư mà đệ tử bước ra khỏi bể khổ trầm luân để đi theo dấu chân giải thoát của ngài. Từ đây, đệ tử sẽ không còn lang thang vô định, tới lui giữa sáu cõi khổ vui sinh diệt nữa. Ðây là lời phụng bái thứ nhất của đệ tử!

Tôn giả cung kính đảnh lễ.

- Giờ đây, thân xác tứ đại của đệ tử bắt đầu rã tan, sắp trả về cho tứ đại. Chỉ vài mươi hôm nữa, thọ hành của đệ tử sẽ chấm dứt vĩnh viễn, kể cả ngũ uẩn này cũng không còn tiếp tục chồng chất, rối loạn, lòe bịp ai được nữa. Thế là gánh nặng muôn đời đã được buông bỏ xuống. Ðệ tử sẽ hoàn toàn giải thoát, không còn bất kỳ một hạt bụi phiền não nào còn tồn tại. Ân đức ấy thuộc về đức Tôn Sư, triệu triệu năm không đền đáp được. Hãy cho đệ tử thêm một phụng bái thứ hai nầy!

Tôn giả cung kính đảnh lễ.

- Ôi! Hồng ân của đức Tôn Sư là đời đời bất diệt. Từ khi bước chân vào giáo pháp Bất Tử, đệ tử đã biết sống một cuộc đời có lợi ích thiết thực, biết phục vụ và biết phát huy, tăng trưởng sung mãn những phẩm chất cao đẹp của con người. Thế nên biết bao chúng sinh đã được lìa xa khổ não? Biết bao chư thiên và nhân loại đã được nếm hương vị của pháp mầu? Giờ đây, đệ tử đi vào Niết-bàn với tâm tư hoàn toàn thanh thản và mãn nguyện. Xin đức Thế Tôn cho phép đệ tử được nghỉ ngơi vì cái cỗ xe thân xác này đã đến lúc rã mục. Cho đệ tử được phụng bái một lần nữa, lần thứ ba, thay mặt chúng sinh, tri ân bậc Vô Thượng Giác!

Cả hội trường im lặng như tờ. Ðâu đó dường như có tiếng khóc nho nhỏ. Rất nhiều vị tỳ-khưu trong hàng ngũ chư tăng không ngăn được giọt lệ.

Ðức Thế Tôn cất giọng an nhiên, điềm đạm:

- Này Sāriputta! Ông sẽ nhập diệt ở đâu?

- Tại quê hương của đệ tử, làng Nāḷāka, tại chỗ mà đệ tử được chào đời!

Ðức Phật hỏi tiếp:

- Thời gian chỉ còn hai mươi ngày, từ đây về quê có kịp không?

- Dạ thưa, vừa đủ.

- Vậy thì đây là việc cần thiết, sau lần từ giã này, chư tăng và huynh đệ sẽ không còn cơ hội được gặp mặt ông nữa; ông hãy ưu ái đến hội chúng, thuyết cho họ nghe thời pháp cuối cùng.

Vâng lời đức Phật, tôn giả bước lên một bảo tọa thấp hơn, ngồi ngay ngắn, đoan nghiêm, nhiếp tâm thanh tịnh rồi ban một thời pháp chưa từng được nghe...

Thời pháp như tiếng gió rì rào bất tận, như hải triều âm xa mù đại dương, từng đợt sóng cuộn trào va đập vào ghềnh đá. Liên miên. Bất tuyệt. Gió lại lặng, sóng lại tan... Cử tọa thính chúng chợt như thấy trước mắt mình một bình minh tươi sáng, một mùa xuân mát mẻ an lành hiện ra sau đêm đông lạnh lẽo. Tuyết tan, tiếng chim reo vui, muôn hoa đua nở, hương trời bàng bạc, dịu dàng như xoa dịu tất cả những tâm hồn khổ đau...

Tôn giả nói về đời ngài bị bít bùng bởi truyền thống, bởi tâm thức ngoại giáo, sống trong bóng tối nô lệ của thần quyền; bước đi trong mê lộ của những thứ triết học rối rắm, tơ vò, hợm hĩnh và cao đại. Có những lời, những chữ được dệt gấm thêu hoa, kết nên tư tưởng được đóng khung, được mạ vàng, được quảng cáo rầm rộ là chân lý bất diệt nhưng thực chất là rỗng không, không có linh hồn, không có sự sống. Tất cả đấy chỉ là lớp ngụy trang, là cái vỏ hào nhoáng bao che bên ngoài các bản ngã với những dục vọng thô thiển cũng như tế vi! Thế rồi từ đời này sang đời nọ, cha ông, cháu con, hệ hệ được nối tiếp, kế thừa; hình thành một tập cấp buôn thần bán thánh, rêu rao vì đại bi, vì phương tiện tối thượng thừa, vì lòng từ của thượng đế! Chúng nắm độc quyền về tinh thần, miệng lưỡi trả giá như con buôn, thao túng bọn dân ngu khu đen, chụp bàn tay lông lá vào những đặc quyền đặc lợi, ăn trên ngồi trước, no nê phè phỡn, nhảy múa bên bờ vực thẳm của tử ma...

Thế rồi, tiếng trống bất tử có mặt giữa đời, xóa tan mây mù hôn ám; như một sinh khí mới, làn sóng Pháp Bảo uy dũng và dịu dàng cuốn đi tất cả mọi rác rưởi xú uế của thần linh và con người ngu si để lại. Ðấng Vô Thượng Tôn ngự giữa tầng mây, gióng lên tiếng sấm, thức tỉnh mọi loài; một cơn mưa hoa nhân ái, sáng rỡ trí tuệ, mênh mông giải thoát; chỉ ra một lộ trình hướng thượng, mở ra một cánh cửa đã đóng kín tự ngàn xưa, đem chúng sanh đến các cõi chân phúc và xán lạn...

Ôi! Con đường ấy là gì? Cánh cửa ấy là gì? Hỡi ai có chân để bước, có tay thì gõ mà vào! Một vị Chánh Ðẳng Giác đã xuất thế, qua hằng triệu tỷ năm tu tập công hạnh, thăng hoa phẩm chất, kết đài trí tuệ! Từ đỉnh Himalaya bước xuống, dòng sông Gaṅgā mở ra, quả địa cầu cúi mình xuống thấp, nghênh đón bước chân nở bảy hoa sen. Ngài đi giữa chốn loài người đã bốn mươi bốn năm không mệt mỏi vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Ðức Thế Tôn ấy là thầy của tôn giả, cho ngài uống được giọt nước trong mát tận đầu nguồn thánh hạnh...

Ôi! Ðầu nguồn thánh hạnh ấy là gì? Hỡi ai có tai để nghe, có trí để tìm hiểu!...

Vốn làu thông cả pháp và luật, tôn giả Sāriputta đã đi từ những pháp cao siêu nhất xuống những pháp gần gũi và giản dị nhất. Rộng thì rộng đến vô biên, mà nhỏ thì có thể đựng đầu hạt cải. Và cuối cùng, lộ trình hướng thượng ấy, cánh cửa Bất Tử ấy chỉ còn là đứng đi nằm ngồi, mặc áo, ăn cơm, quét tịnh thất, tôn kính bậc trưởng thượng, giác tỉnh, nhu thuận, lặng lẽ, ôn hòa, thuần tịnh, nội tâm trong sạch không có cáu bợn phiền não...!

Cả đại giảng đường mênh mông như vừa được tắm mát bởi thời pháp của tôn giả. Chư thiên, phạm thiên, rồng, dạ-xoa, cưu-bàn-trà, càn-thát-bà... ngự đầy đặc cả không gian rải hoa ca ngợi.

Tôn giả bước xuống pháp tòa, quỳ ôm đôi chân của đức Thế Tôn rồi cất lên tiếng lời uy dũng của sư vương:

- Kính lạy bậc Thiên Nhân Sư! Hãy cho đệ tử lễ bái đôi chân này! Cũng chính nhờ lễ bái đôi chân này mà đệ tử được hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn giải thoát. Chính nhờ lễ bái đôi chân này mà đệ tử được sống giữa thời gian vô cùng và không gian vô tận, được sống vĩnh cửu trong mỗi chớp mắt thoáng trôi. Tất cả mọi nguyện vọng, hy cầu của đệ tử giờ đây đã được cụ túc, viên dung, trọn vẹn. Từ đây, đệ tử sẽ không còn được gặp đức Thế Tôn để đảnh lễ đôi chân này nữa. Ðây là giờ phút nghiêm trọng, thiêng liêng mà đệ tử có thể sờ được đôi chân của đấng Toàn Giác, đồng thời thấy rõ được cảnh giới Niết-bàn, không chết, không sinh, an nhiên, tự tại, tịch mặc. Ðệ tử đảnh lễ đôi chân này vì đôi chân này cũng chính là đôi chân của vô lượng vị Phật quá khứ đã bước vào cảnh giới ấy; và hiện giờ đây, đệ tử cũng đang lần bước theo...

Ðảnh lễ đôi chân một ngàn căm bánh xe của đức Phật xong, tôn giả đứng lên rồi quỳ xuống lại.

- Bạch đức Thế Tôn! Từ trước đến nay, suốt hơn bốn mươi ba năm sống trong giáo pháp, nếu đệ tử có hành vi hay lời nói nào phật ý đức Thế Tôn, không được vừa lòng đức Thế Tôn vì trí tuệ non kém của đệ tử, ngưỡng mong đức Thế Tôn hỷ xả, tha thứ lỗi lầm ấy cho đệ tử.

Ðức Phật cất giọng chậm rãi, ôn nhu, từ hòa:

- Này Sāriputta! Ông là một tỳ-khưu uyên bác, thông minh, có đạo hạnh cao cả, khiêm nhu, một trí tuệ vượt bậc, sắc bén và sáng sủa, lẽ nào ông có thể có hành vi hay cử chỉ tạo ra lỗi lầm với Như Lai? Ông đúng là một sa-môn ưu tú, mẫu mực, giềng mối cho giáo hội; gia dĩ có sự quở trách nào đó cũng chỉ vì muốn viên toàn bổn phận cho ông, hoặc ông sẽ tăng trưởng phương tiện thiện xảo để dẫn dắt chư tăng thay mặt Như Lai mà thôi.

Rồi đức Thế Tôn lại nói tiếp:

- Dầu ông có lỗi lầm hay không lỗi lầm Như Lai cũng đã tha thứ cho ông rồi. Mà thật ra, ông có lỗi lầm gì đâu, trọn cả cuộc đời, dầu là một hạt bụi nhỏ, ông cũng không để dính trên sợi lông chân của mình! Thôi, thì giờ cũng đã phải lẽ, ông hãy làm những gì mà ông nghĩ là đúng thời!

Ðức Phật đứng dậy. Tôn giả Sāriputta rời khỏi bàn chân của đức Thế Tôn.

Ngay lúc ấy, đại địa cầu rung chuyển, nước trong bốn đại dương dâng cao. Cả tầng mây, cả hư không dường như cũng dao động không ngớt! Nếu đại địa cầu biết nói thì nó sẽ nghẹn ngào, xúc động mà khởi lên tiếng nói như sau:

“- Ôi! Hỡi những hiện thân kỳ mỹ, vĩ đại và siêu việt! Mặc dầu thân thể tôi đây có thể chịu đựng được những vết chém ngang dọc của những con sông to, sông nhỏ; mặc dầu thân thể tôi đây có thể chở mang, gánh nặng những ngọn Meru hùng vĩ, những thần sơn Cakkavāla cao ngất và đỉnh Himavantu, vua của loài núi, ngút mây! Thế nhưng, tôi đã không chịu đựng nổi ngày hôm nay, một ngày mà giới đức, định đức, tuệ đức cùng vô lượng phẩm chất cao đẹp khác của con người, của thế gian đồng quy tụ ở đại giảng đường Kỳ Viên tịnh xá tại kinh thành Sāvatthi, nước Kosala này!”

Chợt một tiếng sấm đầy uy vũ vang tận các tầng trời và không biết từ đâu, một đám mây khổng lồ che kín cả không gian, tối đen; rồi một trận mưa kinh hoàng, xối xả tuôn xuống mặt đất như thác đổ.

Ðức Thế Tôn nhìn trời, tự nghĩ:

- “Giờ đây, một vị Chưởng Pháp vô song sắp đi vào Tịch Diệt, trời đất đã khởi lên những hiện tượng của trăm ngàn đại kiếp mới có một lần. Thôi! Ngài ngước nhìn trời - mưa như vậy là vừa đủ để còn nhiều người đưa tiễn con trai ưu tú của Như Lai!”

Dường như giữa hư không biết được ý nghĩ của đức Phật nên trời lại quang, mây lại lặng.

Ðức Thế Tôn rời đại giảng đường, bước về hương phòng, ngài đứng trên tấm thảm nhìn ra. Tôn giả Sāriputta đi theo, chấp tay rồi đi quanh hương phòng ba vòng về bên mặt, bốn góc, đảnh lễ bốn phương; đến khung cửa chính, chấp hai tay lên quá đầu, đảnh lễ đức Thế Tôn một lần nữa. Với tư thế lặng lẽ như vậy, tôn giả nói ở trong tâm:

- “Giờ phút này, giữa không-thời-gian-vĩnh-cửu-bất-diệt; không biết đã trải qua bao trăm ngàn đại kiếp, khi ta quỳ mọp dưới chân đức Phật Anomadassi và phát nguyện được gặp đấng Như Lai này? Nguyện vọng ấy giờ đã hoàn toàn viên mãn. Lần gặp gỡ đầu tiên với vị Cổ Phật là sự kiện lớn nhất đối với ta. Còn đây là lần gặp gỡ sau chót, ta chiêm ngưỡng đức Phật hiện tại, để sau này chẳng còn cơ hội nào nữa cả”.

Thế rồi, tôn giả đứng dậy, vẫn giữ nguyên tư thế hai tay trên đỉnh đầu, ngài thụt lùi từng bước một chậm rãi, thụt lùi cho đến lúc không còn thấy đức Thế Tôn nữa.

Ðại địa cầu một lần nữa lại rung chuyển dữ dội, sóng nước từ bốn đại dương dâng cao, ì ầm, va đập giữa hư không!

Ðức Phật nói với chư tăng, lúc ấy họ đang đứng yên lặng đầy đặc cả Kỳ Viên tịnh xá:

- Các ông có nghe, có thấy con trai trưởng của Như Lai đã để lại bài học huy hoàng, cao cả và xán lạn cho muôn đời sau hay chưa? Thôi, bây giờ các ông hãy đi đi ! Hãy đi đi! Hãy đi tiễn ông anh cả của các ông đi!

Nói xong, đức Thế Tôn quay lưng, khép cửa hương phòng lại. Chư tăng cả hàng ngàn vị, hàng chục đại trưởng lão đồng theo chân đưa tiễn bậc Tướng quân Chánh pháp về nơi an nghỉ cuối cùng. Dân chúng thành Sāvatthi hay tin, họ khóc lóc kéo nhau thành từng đoàn, lũ lượt như từng dòng suối chảy cuồn cuộn, đổ ra từ các hang cùng ngõ hẻm. Chợ không đông, nhà nhà đóng cửa lại. Họ tỏ dấu chịu tang bằng cách tẩm ướt nước lên tóc, tay cầm tràng hoa, vật thơm đặt lên tất cả các lối đi.

Tôn giả Sāriputta và chư tăng bị bít kín giữa rừng người, giữa rừng tiếng khóc than và biển nước mắt.

Ngài phải đứng lên cao, nói lời an ủi, phủ dụ:

- Hỡi các hàng cận sự nam nữ và muôn dân kinh thành Sāvatthi yêu mến! Các người đã có lòng thương xót đến ta, kính mến ta thì hãy trở về. Ðưa tiễn ta như vậy là vừa đủ. Ai rồi cũng phải một lần vĩnh biệt. Nhưng ta ra đi không phải là về nơi đau khổ, ta đi về chốn giải thoát, chân phúc và tịch lặng. Ta ghi nhận tấm lòng tri ân của các người, rồi phước báu sẽ hộ trì cho các người được hạnh phúc và an ổn!

Tôn giả lại nói chuyện với chư tăng cùng chư vị trưởng lão:

- Tôi cũng rất biết ơn chư tăng cùng các vị trưởng lão đã tận tình tiễn đưa. Trong bao năm chung sống trong giáo pháp thiêng liêng, cao cả, chư tôn hiền giả đã giúp đỡ tôi hết lòng, nhờ vậy giáo hội mới có được ngày hôm nay. Giờ phút cuối cùng này, và không bao giờ còn sự gặp gỡ nào khác, xin chư tăng và chư vị trưởng lão xá tội cho tôi nếu tôi đã có gì lầm lỡ. Mong chư tôn hiền giả thay mặt tôi mà chăm sóc, hầu hạ sức khỏe cho đức Đạo Sư. Tôi xin thành kính đa tạ.

Chư tăng lặng lẽ hơn nhưng không tránh khỏi còn nhiều tiếng khóc. Họ cũng không nói gì, đưa đôi mắt nhìn tôn giả thật lâu, kính cẩn đảnh lễ, chào rồi từ từ quay gót. Tuy thế còn rất đông vị bịn rịn không chịu đi, tôn giả ân cần nói mãi, họ vẫn khóc lóc, kể lể:

- Này các thầy! Hãy đứng lại một lát đã. Trước đây người anh cả của chúng ta đi bao nhiêu lần rồi cũng trở về, còn đây là chuyến đi không có ngày trở lại!

- Chúng ta sẽ không bao giờ được nghe những lời pháp êm ái, ngọt ngào được tuôn chảy ra từ tấm lòng từ ái bao la của người mẹ hiền nữa.

- Chúng ta sẽ không còn được nhìn ngắm khuôn mặt tuấn tú, đoan nghiêm; tác phong ôn nhu, khiêm tốn; nụ cười rực sáng hồn hậu của vị đại huynh trưởng kia nữa!

Tôn giả lại phải khuyên nhủ:

- Này các thầy! Ly hợp là thường tình, luyến thương là phiền não. Tất cả mọi cái được cấu tạo, do nhân duyên, do điều kiện đều bị chi phối bởi định luật tất yếu của sanh diệt, vô thường. Các thầy biết rõ điều ấy rồi thì đừng nên chuốc lấy đau khổ cho mình mới phải!

- Thưa vâng, bạch tôn giả! Chúng tôi sẽ khắc cốt, ghi tâm những lời vàng ngọc ấy.

Lúc đó họ mới chịu bước đi.

Trong giờ phút tiễn đưa này, tôn giả Sāriputta được gặp hầu hết các vị trưởng lão. Chỉ có một số tôn giả tránh gặp mặt, rút vào rừng sâu. Tôn giả Mahā Moggallāna viện cớ đi xa. Tôn giả Ānanda được đức Phật sai đi công việc ở nơi khác.

Tôn giả Anuruddha xin được đưa tiễn đến nơi đến chốn, tôn giả Sāriputta đồng ý. Thế rồi, ngài, tôn giả Anuruddha, sáu vị A-la-hán em ngài cùng với năm trăm vị tỳ-khưu môn đệ nhắm hướng Nāḷāka cất bước.

Ôi! Thật là một cuộc từ giã vĩ đại mà trong giáo pháp của đức Tôn Sư chỉ xảy ra một lần! Quả địa cầu đã không chịu đựng nổi. Thiên chúng, phạm thiên chúng, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, cưu-bàn-trà đưa mắt nhìn lặng lẽ, ngậm ngùi. Riêng phạm thiên Sāhampati và Đế Thích biết mình còn một bổn phận cuối cùng tại ngôi làng Nāḷāka nhỏ bé ấy.

Thế rồi, ngày đi đêm nghỉ, bộ hành vất vả suốt mười chín ngày đường, họ mới về được đầu làng Nāḷāka. Trong thời gian ấy, tôn giả Sāriputta rất mệt mỏi, đôi khi phải sử dụng thiền định để làm cho yên lặng cơn đau. Và ngài cũng không tránh khỏi sự gặp gỡ chư tăng cùng cận sự nam nữ hai hàng. Dường như tôn giả chẳng có sự nghỉ ngơi nào, ngài đã cố gắng giáo huấn, dạy dỗ tại mỗi nơi dừng chân. Và số người được nếm hương vị thánh quả không phải là ít.

Ngôi làng Nāḷāka cũng được gọi tên là Upatissa, trước đây bà-la-môn giáo rất thịnh hành, bây giờ đã đến lúc suy tàn. Cả hàng trăm chỗ thờ cúng, lễ lạy nơi đền thiêng, bảo tháp, cội cây giờ đã trở nên hoang lạnh. Rất nhiều gia đình đã quy giáo đức Thế Tôn. Rất nhiều tỳ-khưu, sa-di xuất thân từ những gia đình danh giá, cao sang ở đây. Chỉ riêng bà Sārī là khư khư bất động theo với đức tin tôn giáo cũ mà thôi.

Dừng chân dưới những tàn cây cừa cổ thụ, chư tăng tìm nước rửa mặt, tay chân. Trời đã về chiều, khói hoàng hôn bãng lãng xa gần giữa những vườn xanh trùng điệp. Làng quê trông thật yên ả, thanh bình. Nơi đây đã một thời tôn giả lớn lên, học hành, suy tư, chiêm nghiệm và trưởng thành. Tất cả trở nên mồn một trong ký ức. Bây giờ, tôn giả đã là một con người khác, rất gần mà cũng rất xa con người cũ ấy. Dường như ngài không còn dính bất kỳ một quê hương nào nữa cả, không lý lịch mà tên tuổi cũng không, đã bước ra ngoài tất cả mọi hiện tượng, mọi quy ước trên trần thế.

Có một đứa trẻ dừng lại nhìn ngắm chư tăng với đôi mắt đầy thân thiện. Khi hỏi ra mới biết đó là cháu trai của ngài, bà nội nó là em của mẹ ngài. Tôn giả kêu lại và nói:

- Cháu đoán ra ta là ai không?

- Cháu đoán ngài là con của bà dì nội cháu!

- Thế là giỏi! À, này cháu! Cháu có biết bà dì nội cháu có nhà không?

- Dạ có ạ!

- Vậy thì ta nhờ cháu làm giúp một việc nhé?

- Dạ vâng ạ!

- Cháu vào làng, nói với bà dì nội như thế này: “Con trai trưởng của bà dì nội, sa-môn Sāriputta cùng với anh chị em, con của bà dì nội đang về đến đầu làng”. Cháu nói thế có được không?

- Dạ được!

- Hãy nói như thế này nữa: “Sa-môn Sāriputta sẽ xin ở trong nhà bà dì nội một ngày. Vậy xin bà dì nội sửa soạn, sắp xếp căn phòng mà thuở xưa con trai trưởng của bà dì nội chào đời. Ông ta sẽ xin được ở lại đấy! Ba con trai, ba con gái của bà dì nội nhớ thương bà dì nội lắm! Ngoài ra, xin bà dì nội hoan hỷ sắp xếp chỗ ở cho năm trăm vị tỳ-khưu nữa! Năm trăm vị, cháu nhớ không?”

Y lời, trẻ tên là Uparevāta, chạy vụt đi, đến nhà bà Sārī:

- Thưa bà dì nội, con trai trưởng của bà dì nội đã về đến đầu làng.

Lòng người mẹ rất thương nhớ con, nghe vậy rất vui, nhưng lời lại rất xẵng:

- Nó về đây làm gì?

- Thưa, ngài không về một mình mà có cả ba con trai, ba con gái của bà dì nội nữa; họ nhớ thương bà dì nội lắm!

Trái tim của người mẹ già nua xúc động bồi hồi, cảm nghe như máu đang chảy loạn trong lồng ngực vì vui mừng, nhưng giọng bà vẫn lạnh tanh:

- Chúng nó nói dối đấy! Đi biền biệt còn nói thương với nhớ!

Đứa bé cười hì hì, chưa đưa hết thông tin:

- Mà còn có cả năm trăm vị tỳ-khưu nữa đấy!

- Làm gì mà đông dữ vậy! Bắt “con mọi già” này hầu hạ chúng chăng?

Ðứa bé vẫn vô tư:

- Bà dì nội phải sửa soạn căn phòng thuở xưa, chỗ mà con trai trưởng của bà dì nội chào đời, cho ngài ấy ở. Rồi lại còn phải sửa soạn hơn năm trăm chỗ ở khác nữa đấy. Có ba cô ni, cháu đoán được nên nhìn ra; còn ba người con trai khác lẫn lộn giữa rừng áo vàng, cháu không biết! Ôi! Ðông lắm! Vui lắm nha!

Khi đứa bé đi rồi, bà Sārī tự nghĩ:

- Ðúng thật là cái thằng ngu! Đã ngu rồi còn dẫn theo các em nó đi theo con đường ngu nữa! Bây giờ, lại kéo theo cả bầy, cả lũ cùng đến đây! Cái gia đình này giàu lắm mà! Nó đã không cần, sao còn về đây mà báo hại? Mà sao lạ? Có bao giờ nó thèm xin ở lại một đêm đâu? À, hay là nó đã chán cái đời sống không cửa không nhà, muốn về đây trong những ngày tháng cuối cùng để ngủ cho đã, ăn cho sướng, mặc cho ấm? Rõ là đã quá muộn rồi con ơi, con cũng đã bảy mươi mấy tuổi đầu rồi, còn “cá mú” gì được nữa? Rồi còn tụi kia, hà cớ chi mà cùng nhau dẫn về đây một lần?

Bà Sārī thở dài nhưng cũng sai gia nhân sắp đặt đâu đó tươm tất, đàng hoàng. Trời đã tối, bà còn sai gia nhân đốt hàng chục cây đuốc sáng rực, đến đầu làng dẫn tôn giả và chư tăng về nhà.

Lát sau, tôn giả và chư tăng bước qua sân gạch rộng thênh thang. Gia nhân đứng lố nhố, thắp đèn sáng rực như ban ngày. Ai cũng muốn nhìn mặt những người con trai, con gái của chủ sau mấy chục năm xa cách.

Tôn giả bước đến bên bà Sārī, cúi đầu xuống:

- Thưa mẹ! Con, Sāriputta đã về!

Các con trai đều vòng tay, khép nép:

- Thưa mẹ! chúng con là Cunda, Upāsena, Revata - các con trai của mẹ cũng đã có đủ mặt ở đây rồi!

Các vị tỳ-khưu-ni liến thoắng, cười vui cùng đến ôm vai bà:

- Còn chúng con là con gái của mẹ, là Cālā, Upacālā, Sīsupacālā cũng đồng có mặt.

Bà Sārī hom hem căng mắt nhìn. Tim bà đập như trống làng. Mừng quá, bà muốn khóc, nhưng cố trấn tĩnh, chống gậy lui vào phòng, nói mà không hề ngoái lại:

- Có gì mai hãy nói! Chỗ ở của ông Sāriputta yêu cầu, đã được dọn sẵn. Tụi con trai, con gái bọn bây thì cứ tìm là thấy, phòng đứa nào còn nguyên phòng đứa đó. Chỗ ở cho hơn năm trăm vị tỳ-khưu đều đâu đó cả rồi, có gì sai bảo, nước nôi, giặt giũ thì đã có gia nhân sẵn sàng túc trực hẳn hoi!

- Chúng con cám ơn mẹ.

- Đừng khách sáo! Bà nói – đã về đến đây rồi thì các người là chủ, vậy, cứ tùy nghi!

Rồi bà Sārī đóng phòng lại.

Trưởng lão Mahā Cunda, tìm chỗ quý trọng cho tôn giả Anuruddha. Còn Upāsena, Revata thì hướng dẫn chư tăng tìm các chỗ ở, phòng ngủ, nước uống, chỉ cầu tiêu, phòng tắm...

Quả đúng là một cơ ngơi vĩ đại, không thiếu bất cứ một tiện nghi gì. Chư tăng rất thán phục anh chị em của tôn giả, dám khẳng khái từ bỏ một cơ ngơi như cung điện của vua chúa thế này. Nếu chư tăng còn biết rõ gia sản hiện kim của gia đình ngài lên đến chín trăm triệu đồng tiền vàng thì họ còn phải ngạc nhiên, kính phục đến chừng nào nữa!(1)

Ba vị tỳ-khưu-ni A-la-hán đến gõ cửa phòng bà Sārī, định trò chuyện với mẹ nhưng bà không mở cửa, nói vọng ra:

- Tụi bây là con gái hư! Có chồng giàu có, có con trai nối dõi đàng hoàng thế mà ưa thích ôm bát đi ăn xin! Thật là chẳng còn thể thống gì nữa!

Cả ba vị mỉm nụ cười ở trong tâm, tìm về căn phòng cũ của mình, nói nhỏ với nhau: “Mẹ chỉ còn chấp thủ, cứng đầu đêm nay nữa thôi!”

Tôn giả Sāriputta bước vào căn phòng xưa, vừa ngồi vào giường là một căn bệnh trầm trọng phát sanh. Trưởng lão Mahā Cunda thấy huynh trưởng có vẻ đau đớn, ái ngại hỏi:

- Đệ có giúp gì được cho pháp huynh không?

- Có lẽ đêm nay phải làm phiền các em đây!

- Ðược giúp pháp huynh lần cuối này, không dễ gì ai cũng có được cái may mắn, hạnh phúc ấy!

- Ta bị bệnh tả lỵ đấy các em ạ! Hãy chuẩn bị giúp mấy cái “bô”.

Thế rồi, sau đó tôn giả đi tả liên hồi. Trưởng lão Mahā Cunda đi vào đi ra hoài với cái bô trên tay. Lát sau, trưởng lão Upāsena và Tôn giả Revata sắp đặt chỗ ở cho chư tăng xong xuôi, tìm đến, họ thay công việc cho anh.

Bà Sārī thấy phòng con trai trưởng còn thắp sáng, lịch kịch có tiếng động, bà hé cửa nhìn sang. Thấy Cunda rồi sau đó là Upāsena, Revata tất tả vào ra, bà biết chuyện. Cho đến gần nửa khuya, bệnh mới giảm bớt. Bà nghĩ:

“- Con trai của ta đi tả liên tục, chắc là đau đớn lắm, nhưng nó không hề rên la lấy một tiếng. Thiệt lạ đời! Cả các ông Cunda, Upāsena, Revata cũng vậy, cũng lặng lẽ! Ồ! Mà cả năm trăm con người ta cũng đều lặng lẽ như thế, không một tiếng ho, tiếng khạc nhổ, không cả tiếng nói chuyện rầm rì! Sao họ giống nhau đến thế? Ôi! Người mẹ này lo lắng cho ông con trai trưởng mà dường như không dính líu gì đến chúng nó cả”.

Bà không thể ngủ được, bên ngoài thì có vẻ lạnh lùng mà bên trong lại bồn chồn không yên; bà cứ dỏng tai lắng nghe, dóng mắt để nhìn.

Lúc ấy, Tứ Trấn Thiên Vương gặp nhau, nghĩ rằng họ phải có bổn phận đi thăm lần chót bậc thượng thủ A-la-hán trưởng lão nên đã với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay, hào quang sáng rực, họ hiện trong phòng ngài, cung kính lễ bái rồi đứng hầu một bên. Tôn giả biết chuyện này nên dùng thần thông để cho bà Sārī nghe thấy quang cảnh và cuộc đàm thoại.

Tôn giả hỏi lớn:

- Các vị là ai?

- Bạch tôn giả, chúng đệ tử là Tứ Ðại Thiên Vương cai quản bốn châu thiên hạ.

- Các vị đến đây có việc gì?

- Thưa, thứ nhất là để chiêm ngưỡng, thăm viếng tôn giả lần cuối cùng, thứ hai là đến đây để tôn giả tùy nghi sai bảo.

Tôn giả nói bằng âm thanh của phạm thiên:

- Vậy thì cảm ơn các vị trời đầy oai đức đã bỏ công thăm viếng. Bệnh tình tôi đã thuyên giảm, lại có các trưởng lão và Tôn giả ở đây, khỏi phiền đến các vị. Thời cũng đã phải lẽ, các vị hãy về đi thôi!

Họ vâng lời, đảnh lễ tôn giả, rồi như vầng trăng sáng, họ mất hút giữa hư không.

Thiên chủ Ðế Thích, thiên vương cõi trời Ðao Lợi nghĩ mình phải có bổn phận đưa tiễn bậc Ðại Chưởng Pháp nên với oai nghi, hào quang, thần lực hiện bên giường tôn giả trong chớp mắt. Cũng qua một hồi đối thoại ngắn, trời Ðế Thích cung kính đảnh lễ rồi xin rút lui.

Trời đã khuya, không những trong vườn bà Sārī mà dường như cả làng Nāḷāka đồng trở nên sáng rực. Ðó là các vị phạm thiên, đại phạm thiên Sāhampati xuống hầu tôn giả Sāriputta, cũng cung kính nghiêng lưng thi lễ và muốn săn sóc bệnh tình cho ngài. Tôn giả cảm ơn và rồi họ cũng cáo biệt.

Bà Sārī chứng kiến từ đầu, thấy rõ quang cảnh và nghe không sót một lời nào, bà nghĩ rằng:

“- Không biết những vị nào như các đấng Thiên Thần oai lực và cao sang như thế lại đến thăm con ta, đảnh lễ con ta rồi nói gì rằng là... hầu hạ... sai bảo nữa? Mà cũng kỳ lạ, là con trai ta có vẻ lớn hơn họ, là bậc thầy của họ?”

Bà Sārī rời phòng, rón rén đến tận cửa phòng của tôn giả, muốn gặp các ông con trai để thăm hỏi bệnh tình. Tôn giả đã biết chuyện này nên bảo các em mở cửa để bà Sārī vào.

Tôn giả Sāriputta dựa lưng trên chiếc gối, ngồi dậy:

- Ðã khuya rồi mẹ chưa đi ngủ sao?

- Mẹ ngủ sao được khi tả lỵ nó hành hạ con như thế!

- Con đã khỏe rồi mẹ ạ!

Bà Sārī lặng lẽ quan sát thần sắc của tôn giả, thấy có hư hao nhưng vẫn toát ra cái an nhiên, thanh thản đến lạ kỳ! Các ông con trai kia cũng thế, đứa nào cũng rất trầm tĩnh và dường như đối với chúng, chẳng có gì xẩy ra? Rồi căn phòng bệnh của tả lỵ, mà sao lại thanh sạch và lại còn tỏa hương thơm kỳ diệu như thế - một loại hương thơm không có trên trần gian! Bà đâu có biết rằng đấy là các vị trời đã âm thầm bỏ lại hương trời để tẩy xú khí!

- Này con! Bà Sārī hỏi - Tại sao đã khuya rồi mà có những người đến thăm con như vậy? Các vị đầu tiên là ai mà oai phong lẫm liệt, oai gấp trăm lần vua loài người, mà chung quanh họ lại sáng rực như có hào quang? Họ là những ai vậy con?

Chưa trả lời vội, tôn giả bảo trưởng lão Cunda lấy cho mẹ một cái ghế, còn tôn giả sửa lại oai nghi, ngồi kiết già rồi mới nói chuyện:

- Thưa mẹ! Ðấy là bốn vị vua trời, còn gọi là Tứ Ðại Thiên Vương oai trấn bốn châu thiên hạ đấy mẹ ạ!

Bà Sārī rùng mình, nổi gai ốc: “Hèn gì!” Rồi bà bồn chồn hỏi tiếp:

- Họ oai đức như vậy, cao sang như vậy, sao họ lại đến thăm con, cung kính đảnh lễ con? Có lẽ nào con lại cao hơn họ sao?

- Thưa mẹ! Tôn giả mỉm cười, cất giọng ôn nhu, dịu dàng - Những vị trời ấy có tâm rất cao thượng, họ hằng hộ trì Phật Pháp. Khi đức Đạo Sư đản sanh, chính họ tiếp bồng hoàng tử bằng tấm da mịn. Họ luôn luôn bảo vệ đức Đạo Sư, như bốn vì Thiên Tướng cặp kè với gươm giáo sáng lòe làm người hầu cận vậy. Con cũng hay giảng đạo, dạy đạo cho họ nên họ cung kính con, coi con như bậc thầy! Các em con đây cũng thế, đều là vai vế bậc thầy bốn ông Thiên Vương oai vệ ấy!

Bà Sārī nghe vậy, hoan hỷ đến tận chân tơ kẽ tóc. Móm mém cười, bà hỏi tiếp:

- Còn vị đến sau? Vị đó ngó bộ oai sang hơn bốn vị trước! Cái thân như tạc bằng ngọc ngà châu báu, hào quang đã sáng mà lại còn rất đẹp nữa. Ôi, lại đẹp một cách lạ lùng! Vị ấy là ai?

- Thưa mẹ! Vị đó là vua cõi trời Ba Mươi Ba, là vua cõi trời Ðao Lợi mà người ta hay gọi ngài là Ðế Thích Thiên Vương. Vị này còn là vua của bốn vị đến trước nữa. Thế gian hay gọi vị này là Ngọc Hoàng Thượng Ðế, vì ngài có rất nhiều oai lực, nhiều thần lực kinh khiếp lắm!

- Vị như vậy mà còn thua cả con sao?

- Thưa mẹ! Ðối với tỳ-khưu, đối với chúng con thì vị trời ấy cũng như một chú sa-di, một người hầu để sai bảo việc vặt thế thôi!

- Khiếp! Nghe ông con nói mà khiếp!

Tôn giả cười cười trong ánh mắt:

- Mẹ không tin sao? Ðể con gọi ông Ðế Thích ấy xuống đây, sai bảo cho mẹ xem nhé?

Bà Sārī chối đây đẩy, xua tay lia lịa:

- Thôi! Thôi! Mẹ tin rồi! Thấy oai tướng của ông trời ấy mẹ đã khiếp rồi! Mẹ đã run rồi! Mẹ thiếu đức, thiếu phước nên sẽ cúi đầu, run rẩy trước ông ta mà thôi!

Tôn giả chậm rãi, giải thích tiếp:

- Có một mùa an cư, đức Thế Tôn nhập hạ ở cõi trời ấy về. Chính vị trời Ðế Thích cao sang ấy đã mang y bát cho đức Thế Tôn, tiễn đưa đức Thế Tôn đến tận quả đất với lòng thương kính và trân trọng vô hạn.

- Thật vậy sao?

- Còn nữa mẹ ạ! Vị vua trời ấy rất cao sang, rất nhiều thần lực mà cũng khá cứng đầu, khó dạy! Có lần, bạn của con là Mahā Moggallāna - chắc mẹ nhớ Mahā Moggallāna là ai rồi - do nhắc nhở, dạy bảo ông ta, đã dùng một ngón chân làm cho cả Ba Mươi Ba tòa cung điện của ông ta rung rinh, chao đảo, ông ta sợ hãi lắm! Vị vua trời ấy, là đệ tử của đức Tôn Sư, cũng là học trò của con; không những ông ta kính trọng con mà còn rất sợ con khiển trách đấy mẹ ạ!

- Khiếp! Khiếp! Không ai ngờ con lại oai lực đến thế!

Tôn giả mỉm cười. Các ông con trai A-la-hán cũng mỉm cười!

Trưởng lão Mahā Cunda nói:

- Mẹ chưa biết đấy! Oai lực con trai trưởng của mẹ, mười lần mà chưa nói được một đấy!

Trưởng lão Upāsena rắc thêm hương:

- Mẹ ơi! Không những các anh trai của con mà ngay chính Revata bé bỏng thuở xưa của mẹ, cái ông Đế Thích ghê gớm kia cũng phải cúi đầu đảnh lễ đó!

Tôn giả Revata nhũn nhặn, khôn ngoan tiếp thêm lời:

- Điều ấy là đúng sự thật đấy mẹ ạ! Nhưng chính mẹ mới là người vĩ đại, cao quý nhất, vì nếu không có mẹ thì chúng con ở đâu ra? Ân đức của mẹ còn to lớn hơn mấy ông trời ấy không biết chừng nào mà kể!

Bà Sārī hoan hỷ đến nổi da gà cả toàn thân. Trấn tĩnh một lát, bà tiếp:

- Rồi còn mấy vị đến sau, hào quang sáng cả vùng trông rõ mồn một như ban ngày? Ôi! Các vị này thân thể như ánh sáng, nhẹ nhàng, thanh cao và tinh khiết làm sao! Mới thấy họ thôi mà tâm hồn mẹ đã lâng lâng, mát mẻ vô cùng. Họ là những ai vậy con?

Tôn giả đáp:

- Thưa mẹ! Ðấy chính là những vị phạm thiên, đại phạm thiên là những bậc Thần Linh Cao Cả mà cha mẹ cũng như dòng họ chúng ta hằng tôn thờ từ đời này sang đời kia đấy!

- Hả?!!!

Bà Sārī tròn xoe đôi mắt, ngạc nhiên quá, miệng dường như không còn ngậm lại được.

Biết mẹ đã khởi tâm tịnh tín, tôn giả nói tiếp:

- Vào ngày đức Đạo Sư xuất thế, có bốn vị ở cõi trời Ngũ Tịnh Cư, bốn người bốn góc đã căng một tấm lưới bằng vàng mịn tiếp bồng hoàng tử. Thường thường vào buổi khuya, đức Thế Tôn thuyết pháp cho họ nghe. Không những họ coi đức Thế Tôn là bậc thầy vô thượng mà họ cũng xem chúng con như bậc thầy mà họ hằng ngưỡng mộ, tôn sùng! Vừa rồi, có vị đại phạm thiên Sāhampati, là bạn thân của đức Đạo Sư từ thời Phật Kassapa cũng đến đảnh lễ, thăm viếng con đấy mẹ ạ! Vị ấy hằng hộ trì đức Thế Tôn, tăng chúng cũng như giáo pháp!

Bà Sārī tâm tư đã hoàn toàn đổi khác, bà nghĩ:

- “ Ôi! Ai ngờ rằng con trai ta mà cao siêu, cao cả đến thế, cho đến các vị phạm thiên, đại phạm thiên mà dòng tộc ta tôn thờ, lễ lạy, cúng kiếng từ đời này sang kiếp nọ cũng ở dưới con ta không biết bao nhiêu bực? Còn nói là đến đây để con trai ta tùy nghi sai bảo nữa? Ồ! Nếu vậy, con ta đã là bậc Đại Thánh trên đời sao?! Và dường như mấy ông con kia, oai lực cũng không kém gì! Ôi! Nếu con trai trưởng của ta, các ông con kia đã là vậy thì oai đức của đức Thế Tôn kia cao lớn biết dường nào?”

Một sự thỏa thích, hoan hỷ tràn ngập tâm tư bà; một niềm mát mẻ, trong lành tỏa khắp cả châu thân bà. Tôn giả Sāriputta ghi nhận được sự diễn biến ấy; và đây là thời tốt đẹp nhất để thuyết cho bà rõ về ân đức của Tam Bảo.

Tôn giả bèn hỏi:

- Thưa mẹ! Mẹ nghĩ gì mà khuôn mặt mẹ rạng sáng đến như vậy?

- Này con! Không rạng sáng sao được khi không những con, mà các con trai của mẹ đều cao cả hơn các ngài đại phạm thiên? Và chắc chắn rằng thầy của con, đức Thế Tôn lạ lùng ấy, rõ đúng là vô biên vô lượng ân đức nhất dưới gầm trời này!

Tôn giả gật đầu:

- Ðúng vậy mẹ ạ! Mẹ đã suy nghĩ rất đúng. Ân đức của một vị Phật thì chính ngay hư không hay biển cả kia cũng không thể so sánh được. Mẹ biết không? Dễ gì có một đức Chánh Ðẳng Giác xuất hiện trên đời này? Phải kể đến hằng trăm đại kiếp mới tượng ra được một nhân cách chí thiện, chí mỹ và đại toàn như thế. Ngày đức Đạo Sư ra đời, quả địa cầu dày bốn mươi do tuần này rung chuyển ba lần. Ngày đức Thế Tôn thành đạo cũng thế. Không những địa đại rung chuyển mà cả hằng vạn cõi trên khắp đại thiên thế giới cũng chao đảo, chấn động như sóng dội!

Thưa mẹ! Con thì đã có nghĩa gì, mặc dầu giữa thế gian này, con đứng hàng thứ hai sau đức Phật! Về phước đức, về định lực, về trí tuệ, về giải thoát, về kiến thức hiểu biết quảng đại, về phẩm hạnh, về công hạnh, về các tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả thì con cũng đã thành tựu khá nhiều; nhưng so với đức Phật, một vị Chánh Đẳng Giác thì có thể ví như hạt cát so với biển cát của con sông Gaṅgā, như một hạt bụi so với ngọn Himalaya!

Rồi tuần tự, từ từ, chậm rãi, tôn giả nói cho bà Sārī nghe về ân đức của Phật, ân đức của pháp, ân đức của tăng... làm cho bà Sārī như rơi vào vùng biển trời bao la, lạ lùng, choáng ngợp, hùng vĩ, huy hoàng... Thời pháp chưa chấm dứt mà bà đã đắc quả Tu-đà-hoàn, nhập vào dòng thánh.

Bà Sārī hoan hỷ quá, hân hoan quá, bà thốt ra lời trong những giọt lệ mừng vui, lần thứ nhất và cuối cùng ở trong đời:

- Này Upatissa! Này các con! Từ nay mẹ không dám gọi xách mé nữa, mà mẹ sẽ gọi ông là tỳ-khưu Upatissa, là sa-môn Sāriputta! Mẹ sẽ gọi các con trai, con gái mẹ đều tương tợ như thế! Các người đã có ân đức vô lượng vô biên, đã cho mẹ uống được những giọt nước ngọt ngào, đã cho mẹ thấy rõ đường đi nước bước, biết đặt đức tin đâu là đúng, đâu là sai. Ôi! Quý hóa thay! Này sa-môn Upatissa! Này các con trai yêu quý của mẹ! Sao từ trước đến nay các vị không chịu dẫn dắt mẹ? Tại sao trong suốt những năm tháng qua, các người đã không cho mẹ một sự hiểu biết Chơn Chánh và Bất Tử này?

Tôn giả Sāriputta hân hoan, tự nghĩ:

“- Thế là ta đã báo đáp được trong muôn một ân sinh thành dưỡng dục cho mẹ. Và đấy chính là điều phải làm duy nhất còn lại đối với ta. Vậy mọi bổn phận trên đời này ta đã hoàn tất, đã chu toàn, ta ra đi là phải lẽ, đúng thời”.

Khi bà Sārī rời khỏi phòng, tôn giả quay qua hỏi các em:

- Giờ là canh mấy rồi?

- Thưa, đã quá canh ba, trời đã rạng sáng.

- Ta muốn nói chuyện với chư tăng lần cuối cùng, các em triệu tập giúp ta nhé!

- Thưa vâng!

- Ta đã tập trung tất cả mọi sức lực còn lại để nói chuyện với mẹ, giờ ta yếu lắm! Các em hãy bảo người khiêng ta ra Nhà Hội, chư tăng cũng sẽ tụ họp ở đấy! Các vị thánh tỳ-khưu-ni thì chắc họ biết rồi!

- Thưa vâng!

Khi đã an vị đâu đó xong xuôi, nhìn chư tăng hội chúng đệ tử một cách rất ân cần, tôn giả nói:

- Tất cả mọi điều đáng nói, ta đã nói hết rồi. Bây giờ ta chỉ xin các thầy hoan hỷ bỏ lỗi cho ta vì một vài hành vi hay lời nói nào đó mà làm cho các thầy buồn lòng. Trên con đường tấn tu phạm hạnh, ai cũng có những sai lầm, không nhiều thì ít. Ðây là giây phút cuối cùng, các thầy hỷ xả bỏ qua cho ta nhé?

Chư tăng đệ tử của tôn giả đồng trả lời:

- Ngài đừng nói như thế mà tội nghiệp cho chúng con. Ôi! Quả thật một sự mếch lòng nhỏ như hạt bụi giữa ngài đối với chúng con cũng không có! Với chúng con, ngài là một viên ngọc maṇi không tỳ vết, là mặt trăng, là mặt trời lồng lộng giữa không trung! Dù ngài có ra đi, có khuất bóng, dấu chân Bất Diệt và Cao Cả của ngài vẫn còn đó. Chúng con nguyện đi theo dấu chân ấy và ghi khắc hình ảnh của ngài vào tâm khảm. Phải nói ngược lại mới đúng: Xin ngài hoan hỷ xá tội cho những lầm lỡ của chúng con!

- Lành thay - Tôn giả nói, giọng đã yếu lắm - Hãy lấy Phật làm ngọn đèn, hãy lấy pháp làm chân lý lên đường, hãy lấy tăng làm áo giáp ngăn che. Vậy là các thầy sẽ được bình an về nơi cõi miền giác ngộ. “Hãy tinh tấn, gia công chuyên niệm, kiên trì chăm chú, giác niệm đừng có xao lãng, đấy là lời dạy cuối cùng của ta”.

Lát sau, tôn giả nói:

- Thôi, vừa rồi, đủ rồi! Các thầy hãy lui ra!

Cả năm trăm vị tỳ-khưu, rất nhiều vị đỏ lệ ngậm ngùi nhưng đều vâng dạ, bước ra ngoài, vòng tay cúi đầu hoặc đưa mắt nhìn vào bên trong. Bên cạnh tôn giả chỉ còn trưởng lão Anuruddha và sáu vị thánh A-la-hán em trai và em gái ngài!

Tôn giả ngước nhìn tất cả mọi người rồi nói nho nhỏ:

- Giờ là phải thời, cho phép tôi ra đi trước chư hiền!

Các vị lặng lẽ chấp tay, cúi đầu. Tôn giả xoay người nằm nghiêng về bên phải, chân phải duỗi thẳng, chân trái co lên, đầu gối lên cánh tay phải, tay trái bỏ dọc theo thân mình. Trưởng lão Mahā Cunda kéo y ngoại phủ chân và phủ đầu ngài. Lát sau, nhiếp tâm, tôn giả nhập sơ thiền, từ sơ thiền ngài đi vào nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên thiền, thức vô biên, vô sở hữu, phi phi tưởng rồi đi vào diệt thọ tưởng định. Từ diệt thọ tưởng định, một lượt nữa, ngài xuống lại sơ thiền. Từ sơ thiền ngài lên lại tứ thiền. Dừng lại ở tứ thiền, ngài trú sâu viên mãn vào đại định rồi hoàn toàn đi vào Đại Bát Niết-bàn Tịch Diệt.

Lúc ấy, vầng thái dương cũng bắt đầu ló dạng ở chân trời như chào đón một bậc Vĩ Nhân, một ngôi Sao Sáng đã đi vào vĩnh cửu.

Hôm đó là ngày trăng tròn tháng Kattika ở Ấn Ðộ, vào khoảng giữa tháng 10 và 11 Dương lịch.

Bà Sārī nằm nghỉ một lát thì trời đã sáng bừng, bà vội vã trở dậy với ý nghĩ: “Không biết bệnh tình của ông con của ta giờ ra sao?” Bà bước sang phòng, vắng tanh. Các phòng khác cũng thế. Thấy mọi người trang nghiêm đứng trong Nhà Hội, bà bước vào. Tới nơi chỗ nằm, bà lần lượt sờ chân, sờ mũi, sờ đầu mới biết rằng tôn giả đã tịch! Bà liền quỳ dưới sàn phòng, than khóc, nước mắt, nước mũi nghẹn ngào.

- Ôi! Ông con trai cao quý của mẹ đã đi rồi! Ôi! Ông con trai suốt đời hiền lành, dịu dàng, nết na, mẫu mực... giờ không còn nữa! Trước khi mất, mẹ mới biết rằng ông là người cao cả, oai đức lớn còn hơn cả đại phạm thiên! Thế nhưng đã muộn rồi, ông con ơi! Gần suốt một trăm năm, mẹ đã không tạo được, không tích lũy được một công đức nào cả trong cái tòa trang viện đồ sộ này! Mẹ đã không biết cung kính, cúng dường cho hằng trăm sa-môn, hằng ngàn sa-môn chân chánh và cao thượng. Mẹ đã không xây cất được một tịnh xá, không dâng được một mảnh đất, chưa thật sự phát tâm hoan hỷ dâng một chút ít vật thực cho đức Phật cao cả và tăng chúng thánh hạnh! Ôi! Than ôi! Của cải chất đầy rương, đầy hòm mà mẹ chưa có một chút phước báu nào cả ông con ơi!

Bà Sārī kể lể cho đến khi mặt trời lên cao. Bảy vị A-la-hán ngồi đại định ở xung quanh nhục thể của tôn giả, an nhiên, bất động như bảy bức tượng đồng! Nhìn sự yên tĩnh ấy, yên tĩnh một cách lạ lùng, một hồi, tâm bà thanh thản hơn. Chư tăng lần lượt bước vào đảnh lễ.

Tôn giả Anuruddha xuất thiền, khẽ nói nhỏ vào tai bà Sārī:

- Không nên khóc nữa, thưa mẹ! Con trai của mẹ đã nhập Niết-bàn, nghĩa là đã đi vào chốn an vui bất tử, từ rày không còn dính một tí đau khổ nào nữa, dầu chỉ là đầu ngọn cỏ kusa! Mẹ hãy tỉnh táo, lau ráo nước mắt, lo hậu sự cho con trai mẹ, với tất cả tấm lòng của mẹ, rồi mẹ sẽ cảm thấy yên vui và mát mẻ lạ lùng!

Thưa mẹ! Mẹ chỉ mất đi một người con đức hạnh, nhưng chúng con lại mất đi cả một Kho Tàng Pháp Bảo, mất đi một ngôi Sao Sáng bên cạnh đức Tôn Sư; mất đi một người cha, một người mẹ, một người anh cả trong giáo hội và tăng đoàn. Chúng con mất mát lớn hơn cả mẹ nữa đấy! Mẹ hãy nhìn xem chư tăng kìa! Anh trai trưởng của chúng con ra đi, cả năm trăm đứa con kia, mới chỉ là số ít thôi, đã cảm thấy bơ vơ không có nơi nương tựa! Nhưng định luật của tự nhiên là vậy, có sinh thì có diệt, có tụ thì có tan!

Còn vấn đề tạo công quả thì không có gì phải muộn màng! Chư tăng còn nhiều lắm, đức Phật còn tại thế, giáo hội còn trường tồn. Mẹ hãy chứng tỏ cho các thôn làng xung quanh đây, những ngôi làng bà-la-môn kỳ cựu biết rằng mẹ là mẹ của bảy vị A-la-hán cao cả, mẹ đã đứng vững trong Chánh Pháp, mẹ có Ðức Tin Bất Ðộng với Tam Bảo, mẹ đã nếm được hương vị của Ðạo Bất Diệt. Thưa mẹ! Những lời con đã mạo muội nói ra như vậy, mẹ nghĩ có đúng không?

Bà Sārī gật đầu mạnh mẽ:

- Rất đúng, hoàn toàn đúng, thưa tôn giả! Các ngài và ông con trai của tôi nói lời nào là đúng lời ấy mà trước đây tôi vì quá mê muội nên không thấy. Hãy cho tôi được sám hối đức Phật, đức Pháp và đức Tăng.

Bà quỳ xuống đảnh lễ, cả bảy vị A-la-hán đều lặng lẽ chứng minh cho lời sám tội ấy.

Sau đó, bà Sārī rộng tay mở kho tàng, lấy ra những rương to, rương nhỏ vàng ngọc, nữ trang trông đến chóa mắt. Thế rồi hằng trăm gia nhân chạy tới chạy lui xuôi ngược. Hằng chục trưởng lão trong thân quyến ăn vận nghiêm trang đến nhà theo lời mời của bà Sārī. Hằng trăm thợ thầy danh tiếng, hằng trăm người phụ việc tuân lệnh răm rắp theo lời chỉ dẫn của bà. Từng núi lương thực được chở đến. Vật liệu, hương liệu, tràng hoa, vật thơm, vải vóc... ngựa xe nườm nượp. Gỗ chiên đàn, gỗ thơm hương vàng theo thuyền trên nguồn tải về.

Thế là chỉ trong ba ngày, một ngôi nhà Hội Tế được dựng ngay chính trung tâm làng Nāḷāka. Tất cả cột và vòng khung toàn bằng gỗ quý, thếp vàng, thếp bạc. Chính giữa ngôi nhà Hội Tế có hai mái che phủ rộng rãi, có bao lơn, có trường bản được khắc chạm tinh vi với những trụ cột cũng được bọc vàng bên ngoài. Tất cả khí cụ thờ tế hoặc trang hoàng khác cũng bằng vàng, bằng bạc hoặc những khí vật đắc tiền.

Thật là tài tổ chức, sự khéo léo sắp đặt, chỉ huy của bà Sārī vẫn còn hiệu năng, đắc dụng như thuở nào! Cả mấy làng trầm trồ thán phục một bà lão trên trăm tuổi. Chưa thôi, hằng ngày, gia nhân chăm lo vật thực đầy đủ, sung mãn, thượng vị cúng dường cho năm trăm thầy tỳ-khưu. Hằng ngày, số người ăn, cả quan khách, thầy thợ và gia nhân bao giờ cũng trên ngàn người. Một mình bà Sārī quán xuyến tất cả.

Ðến ngày thứ tư, quan khách đông hơn, và tôn giả Anuruddha nói với bà Sārī là rất nhiều vị thiên, địa tiên, thọ thần, rồng, da-xoa... cũng trà trộn xen lẫn vào đấy để cùng tham dự. Có điều hay là mặc dầu đã ở trong hàng ngũ chánh đạo, bà Sārī vẫn để cho các trưởng giáo bà-la-môn và quan khách tổ chức hội tế theo truyền thống, tập tục của dân làng. Khi số người đông đảo ấy đã hành lễ suốt mấy ngày theo nghi thức tang lễ cổ truyền đã xong, bà cho dựng ngay một dàn hỏa thiêu cao trọng bằng tất cả các loại gỗ quý nhất, củi đốt cũng bằng gỗ trầm hương. Nhục thể của tôn giả Sāriputta được quấn bằng hằng trăm mét lụa Kāsi quý báu, tẩm dầu hương; rồi được phủ bằng hàng chục loại hoa tươi, hương liệu thơm như đinh hương, hồi hương, nước hoa ngát ngào đủ loại; và được tôn trí trên cao...

Thế rồi, chư tăng đứng quanh mấy vòng quanh, tụng những biến kinh về vô thường, khổ không, vô ngã. Ba vị tỳ-khưu-ni A-la-hán, em của ngài, ngồi quỳ lặng lẽ bên linh cữu. Bốn vị A-la-hán, dẫn đầu là tôn giả Anuruddha, cầm những bó mồi bằng rễ cây usīva thơm hương, châm lửa đốt. Lời kinh của năm trăm người đọc quả có uy lực kinh thiên động địa, dào dạt, ùn ùn như sóng lượn giữa không gian. Lửa bốc cháy, thơm ngào ngạt, lan xa cả mấy ngôi làng...

Trong đêm hỏa thiêu ấy, có mấy ngàn người tham dự cùng vô số chư thiên, phạm thiên chứng kiến. Tôn giả Anuruddha và ba vị thánh tăng em trai ngài thay nhau thuyết pháp không nghỉ. Khi lửa tàn chỉ mới cuối canh hai, tôn giả Anuruddha và Mahā Cunda lấy những thùng nước hoa rưới tắt những cục than âm ỉ khói. Trưởng lão Mahā Cunda đến góp nhặt xá-lợi vào vuông vải lọc.

Bà Sārī đưa ra một cái hộp bằng vàng để đựng di cốt nhưng trưởng lão Mahā Cunda nói:

- Không, thưa mẹ! Chỉ vuông vải lọc của thầy tỳ-khưu như thế này là đẹp lắm rồi. Con sẽ đi ngay, kịp thời về trình báo với đức Thế Tôn. Con không thể lưu lại đêm hay lưu lại một giây khắc nào nữa cả.

Nói xong, trưởng lão Mahā Cunda chào mẹ, chào tôn giả Anuruddha, chào các em; sửa lại y bát, buộc vuông vải lọc chứa đầy xá-lợi, đồng thời cầm luôn y tăng-già-lê và bình bát, là di vật tùy thân của tôn giả Sāriputta, cấp tốc lên đường về Sāvatthi.

Bà Sārī đưa mắt lặng lẽ, ngậm ngùi nói:

- Chẳng lẽ con đành đoạn mang đi hết sao? Con chẳng để lại một chút xíu gì di vật của anh trai con cho mẹ và ngôi làng Nāḷāka này tưởng niệm hay sao?

- Có đây rồi mẹ! Trưởng lão Upāsena nói – Anh trai con chu đáo lắm, có để lại cho mẹ đây.

Rồi tôn giả trao cho bà Sārī vuông vải lọc của thầy tỳ-khưu, trong đó có mấy ngôi xá-lợi sáng lấp lánh. Tiếp theo sau đó, Revata, Cālā, Upacālā, Sīsupacālā đều đưa những vuông vải lọc ra cho bà Sārī xem. Hóa ra vị nào cũng có một ít xá-lợi của tôn giả cả.

Tôn giả Anuruddha bèn giải thích cho bà Sārī hiểu:

- Vì ân đức của tôn giả - con trai trưởng của mẹ quá lớn, nên chúng tôi đã đồng chia nhau mỗi vị một ít, mang về nơi trú xứ, xây dựng bảo tháp để cho chư tăng và hai hàng cư sĩ áo trắng các nơi có cơ hội chiêm bái, phụng thờ!

Bà Sārī mừng đến chảy nước mắt. Những giọt nước mắt hân hoan, thanh khiết.

Ít hôm sau, bà đã bỏ tiền của ra không tiếc, hết lòng kiến tạo một ngôi bảo tháp để tôn thờ xá-lợi của tôn giả Sāriputta, một hiện thân siêu việt đã làm thơm lây ngôi làng Nāḷāka nhỏ bé này.

Trưởng lão Mahā Cunda sử dụng thần thông tức tốc về Kỳ Viên tịnh xá, tìm gặp tôn giả Ānanda, đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên:

- Thưa tôn giả! Sa-môn Sāriputta, anh trai trưởng của con đã nhập diệt rồi. Ðây là di cốt, đây là bình bát và y tăng-già-lê của vị ấy.

Tôn giả Ānanda lặng ngắt, im sững một hồi lâu rồi thò tay sờ vuông vải lọc, sờ y, sờ bát... miệng nói như một cái máy:

- Vâng, vâng thưa hiền giả! Vâng, thưa hiền giả! Chúng ta sẽ ra mắt... chúng ta hãy cùng ra mắt đức Tôn Sư!

Thế rồi cả hai vị đến đảnh lễ đức Ðạo Sư.

- Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Ānanda lắp bắp - Hiền giả... hiền giả Mahā Cunda vừa từ Nāḷāka đến đây, có đưa tin rằng, đại huynh trưởng của tất cả chúng con, là tôn giả Sāriputta đã Niết-bàn rồi. Và đây là xá-lợi và di vật của Con Người Cao Cả ấy!

Nói thế xong, tôn giả Ānanda đôi mắt ứa ra hai hàng lệ, nghẹn ngào:

- Khi đệ tử nghe tin ấy, tâm tư đệ tử trở nên bàng hoàng và cơ thể cảm nghe như yếu ớt, suy nhược đi. Mọi vật chung quanh như quay cuồng, mờ nhạt. Và tâm trí của đệ tử như rơi vào trạng thái mơ hồ, mông lung, không còn phân biệt cái gì ra cái gì nữa cả. Ôi! Ðệ tử rất đau đớn!

Ðức Phật biết tâm tư của người đệ tử giàu xúc cảm, ngài cất giọng từ hòa:

- Này Ānanda! Sao ông lại nói như vậy? Sāriputta nhập diệt có lấy đi của ông phần nào giới hoặc định hay không? Hay Sāriputta đã mang đi tất cả trí tuệ và giải thoát của ông mất rồi?

- Anh Cả của đệ tử không lấy đi cái gì cả! Rồi tôn giả Ānanda sụt sùi nói - Nhưng người là cố vấn trí tuệ cho đệ tử, đã giảng giải Pháp Bảo cho đệ tử một cách trọn vẹn, rõ ràng và chân thực. Người đã dẫn dắt hàng ngàn tỳ-khưu vào thánh đạo. Đã hào sảng rộng tay mở toang cánh cửa trời người cho hằng vạn chúng sanh. Những huấn pháp, dụ pháp của tôn giả ấy linh động, ngát ngào, mát mẻ, ấm cúng và thâm diệu dường bao! Ôi! Vĩnh viễn đệ tử sẽ không còn nghe được những thời pháp đậm đà, sâu sắc và thắm thiết kia nữa!

Ðức Phật lại phải an ủi, dạy bảo:

- Này Ānanda! Ðừng sầu thương thái quá! Như Lai biết rõ tình cảm của ông đối với Sāriputta, nên trong buổi tiễn đưa, Như Lai đã cố ý không cho ông gặp mặt là vì vậy. Tất cả mọi pháp hữu vi nó sinh diệt hoại thành ra sao ông đã biết rồi. Tất cả mọi cái gọi là yêu thích, yêu mến, luyến thương... chúng tạo ra ràng buộc, đau khổ như thế nào ông cũng biết rồi. Và ông còn thuyết pháp rất hay về điều đó nữa là khác. Như Lai chỉ nhắc nhở ông một điều thôi: “Hãy tự tạo cho mình một hòn đảo để nương tựa, một hòn đảo không sinh diệt, Bất Tử, một hòn đảo thoát ra ngoài mọi định luật vô thường, một hòn đảo ở trên mọi trạng thái và các điều kiện”. Ông là bậc bác học, đa văn, quảng tuệ, Như Lai nói ít nhưng ông hiểu nhiều!

Tôn giả Ānanda cúi đầu ghi nhận nhưng dòng sóng cảm xúc trong tâm tư vẫn cứ tuôn trào.

Thấy vậy, đức Phật đưa tôn giả Ānanda vào công việc:

- Hãy tụ tập tất cả tăng chúng trong Kỳ Viên tịnh xá đến ngay đại giảng đường để Như Lai nói thêm về người Anh Cả của họ.

Ðức Thế Tôn ngồi lên pháp tòa, phóng hào quang sáu màu trộn lẫn từng đôi một, duỗi thẳng cánh tay nhận vuông vải lọc đựng di cốt của tôn giả Sāriputta, mở ra, đưa lên cao rồi đặt vào lòng tay trái, nhìn hội chúng chư tăng đầy cả đại giảng đường rồi nói:

- Này các thầy tỳ-khưu! Ðây là di cốt có màu sắc sáng trắng như ngọc trai của một vị tỳ-khưu có phẩm hạnh trinh bạch tựa vỏ ốc. Ðấy là Anh Cả của các ngươi! Ông ấy đã nhập diệt rồi. Và đây là xá-lợi còn lại!

Ðức Thế Tôn đưa tay chỉ y, bát nằm bên cạnh pháp tòa, mở lời tán dương công đức:

- Này các thầy tỳ-khưu! Sāriputta đã tu tập rất lâu, kể từ khi phát nguyện dưới chân đức Phật Anomadassi đến nay với thời gian không thể tính được. Ông ta đã tích lũy ba-la-mật như cát của con sông Gaṅgā, như lá cây trên đại ngàn Himalaya! Quả vị mà ông ta đạt được rất gần với Như Lai. Là một tỳ-khưu xứng đáng được tứ chúng tôn trọng và ngưỡng mộ, vinh hạnh cho thế gian chiêm bái, phụng thờ! Trí tuệ của ông ta không ai bì kịp. Trí tuệ ấy sáng suốt, quảng bác, rực chói như hàng triệu ngôi sao tụ lại. Ông ấy là một người sống đời biết đủ, ít ham muốn, điềm đạm, không dính bụi trần, ưa tĩnh cư, ưa tạo sự hòa hợp giữa tăng chúng, không mệt mỏi trong phật sự, không chán nản trong việc giáo huấn môn đồ, cư sĩ đệ tử. Là người bạn khả kính, khả ái của mọi người. Là một thiện trí thức vĩ đại!

Nầy các thầy tỳ-khưu! Từ bỏ một gia sản và hiện kim không thua gì gia sản và hiện kim của trưởng giả Cấp Cô Ðộc; Sāriputta đã nhẹ nhàng ra đi như một cánh chim trời tự do để sống đời sa-môn vô sản bần hàn, quyết tầm cầu đạo quả tối thượng chưa có trên trần gian này!

Các thầy có biết không? Trải qua vô lượng kiếp huân tu và tích lũy công hạnh, ông ấy là người luôn luôn thân cận với Như Lai; khi là thân phụ, khi là nội tổ, là chú, là bác, anh em, con cái, cháu chắt hoặc bạn của Như Lai. Ông ấy kiên định như đá tảng, khiêm nhu tựa lụa mềm, kham nhẫn giống đại địa, tĩnh lặng tợ bể sâu! Ông ấy sống đời vô hại và hữu ích cho mọi người. Với bè bạn, người thân, môn đệ, ông như con linh ngưu chúa đàn với đôi sừng bằng sắt sẵn sàng bảo vệ và ngăn chặn kẻ ác, điều ác, việc ác không cho đến gần mọi người. Ông ấy đã từng tự ví mình như đất, nước, lửa, gió, như miếng giẻ chùi chân, như chén mỡ đặc, như một người chiên-đà-la tôi tớ, nô lệ, thấp kém, thấp hèn nhất trong xã hội; thế nhưng ông ta lại là một Con Người Cao Cả, Vĩ Đại Nhất trên đời này!

Ðức Phật một lượt nữa lại đưa di cốt lên:

- Nầy các thầy tỳ-khưu! Ðây là xá-lợi của vị tỳ-khưu ấy, có sắc trong sáng, trắng sáng như ngọc trai, là vị thánh tăng duy nhất khi ra đi có cuộc tiễn đưa vĩ đại, quả đất phải rung động và sấm gióng đầy uy vũ giữa trời cao!

Trong trăm trăm ngàn ngàn kiếp qua, ông ta đã biết bao lần bứt xiềng đời sống ngục tù, ràng buộc của gia đình. Ðã biết bao lần ông ta đã khẳng khái chối bỏ ngọc vàng, tước lộc, thê nhi vì lý tưởng vô thượng của đời mình. Vị tỳ-khưu ấy giờ đây mãi mãi được chư thiên, phạm thiên, nhân loại cung kính, phụng thờ. Các thầy hãy bước theo gót chân của Sāriputta. Một gót chân dù ở giữa đô thị hay rừng sâu cũng không làm hại đến một chúng hữu tình, một chúng vô tình; gót chân in dấu sự tịch lặng và vô nhiễm đến muôn đời!

Sāriputta là người chiến thắng vĩ đại! Một vị tỳ-khưu phẩm hạnh trong trắng như vỏ ốc, thanh sạch như pha ly châu! Ông ta là người xứng đáng nhất để xây dựng một bảo tháp để chư thiên, phạm thiên và nhân loại cung kính, lễ bái, chiêm ngưỡng, dâng đèn hoa, trầm hương để tôn kính, thờ phụng đến ngàn sau.

Sau khi xá-lợi, y, bát của tôn giả Sāriputta được chính đức Thế Tôn ca ngợi như vậy, tán thán như vậy; hai hàng cận sự nam nữ, vua chúa, đại thần, phú hộ, dân chúng quanh thành Sāvatthi hùn góp tiền bạc, của cải, công sức; kiến tạo một bảo tháp quý trọng để tôn trí xá-lợi, y bát của ngài, được chọn địa điểm trên một ngọn đồi cao, sâu trong rừng cây của hoàng tử Jeta (Kỳ-đà).

Tôn giả Sāriputta ra đi - ai cũng xúc động và đau thương trước sự mất mát lớn lao của giáo hội. Nhưng xúc động và có vẻ đau thương nhất là tôn giả Ānanda, ông khóc lóc, than thở với nước mắt dầm dề, như người vô hồn, lặp đi lặp lại mãi:

- Ôi! Người bạn cao thượng của tôi, ông Anh Cả của tôi đã đi rồi thì đối với tôi, cuộc đời này sẽ chìm sâu trong đêm đen lạnh lẽo.

Thấy vậy, đức Phật bảo:

- Này Ānanda! Thấy cảnh ông lại nhớ người. Vậy hãy tập họp chư tăng, ngay ngày mai, ông cùng với đại chúng bộ hành về Trúc Lâm tịnh xá trước. Như Lai và chư vị trưởng lão khác sẽ đến sau.



(1)Tức là hạ thứ 44 của đức Phật.

(1)Ghi chú: So sánh để biết – là gia sản của trưởng giả Cấp Cô Ðộc trước là năm trăm bốn mươi triệu đồng vàng, sau tìm thấy thêm năm trăm bốn mươi triệu đồng vàng nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 5163)
Trong chiều hướng phát triển xã hội trên toàn thế giới ngày nay khi đề cập đến thiếu nhi mọi người luôn luôn nói :“ Tuổi thơ hôm nay là người chủ của tương lai”. Ơ ÛPhật giáo thì sao, Có đề cập và quan niệm thế nào về thiếu nhi, quan niệm của Phật như thế nào ?.
09/04/2013(Xem: 5441)
Này Người bạn trẻ, tôi muốn mời anh, tôi muốn mời chị tham dự vào một giấc mơ, tôi tạm gọi giấc mơ ấy là giấc mơ Việt Nam ...
09/04/2013(Xem: 3854)
Từ khi con người có mặt trên quả địa cầu nầy, dưới một hình thức nào đó, ở bản thể tự nhiên, con người đã sinh sống trong cuộc đời này ở hai dạng thức khác nhau. Đó là đời sống tinh thần và đời sống vật chất.
09/04/2013(Xem: 3629)
Phật giáo Việt nam đang chứng kiến những xáo trộn và khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Các mô hình tổ chức, những lễ tiết sinh hoạt, từ ma chay, cưới hỏi các thứ, được cố gắng rập khuôn theo mô hình phương Tây một cách vội vã đã làm xói mòn phần nào truyền thống tâm linh của dân tộc.
09/04/2013(Xem: 3914)
Lâu nay đa số người Việt Nam cho rằng: Ðạo Phật là dành riêng cho các bậc già nua tuổi tác, nhờ câu kinh tiếng kệ an ủi những ngày tàn; hoặc kẻ bị tình đời đen bạc hay người đã mấy phen vấp ngã trên bước công danh quay về nương tựa cửa thiền, . . .
08/04/2013(Xem: 13256)
Tập sách này in lại những bài viết về Trung Quán Luận, đã đăng trong Nguyệt San Phật Học. Ngài Long Thọ, tác giả Trung Quán Luận và những kinh sách khác, được chư thiền đức xưng tán là Đệ nhị Thích Ca, đã vạch ra thời kỳ chuyển pháp lần thứ hai. Trong những tác phẩm của người, Trung Quán Luận trình bày tánh Không, phần tinh túy của giáo lý đạo Phật.
08/04/2013(Xem: 26020)
Cuốn sách này gạn lọc trí tuệ hàng ngàn năm của Phật Giáo Tây Tạng, được chuyển tải bằng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu đối với mọi người. Mục đích chính yếu của tôi là trình bày những giáo lý không chỉ có tính cách chữa trị sự đau khổ và vô minh của chúng ta về sự chết và sự hấp hối mà còn giúp chúng ta chứng đạt mục tiêu an lạc vô thượng, không những cho đời này mà còn cho sự chết và cõi bên kia nữa.
08/04/2013(Xem: 19134)
Trong cuộc sống, có người quan niệm tâm lý là sự hiểu biết về ý muốn, nhu cầu, thị hiếu của người khác, là sự cư xử lý tình huống của một người. Đôi khi người ta còn dùng từ tâm lý như khả năng “chinh phục đối tượng”.
08/04/2013(Xem: 10591)
Bản dịch quyển "The Buddha and His Teachings -- Đức Phật và Phật Pháp" được tu chỉnh và bổ túc lần thứ ba theo bản Anh ngữ cuối cùng của Ngài Narada, xuất bản ...
08/04/2013(Xem: 14514)
Một Tôn Giáo Hiện Đại (nguyên tác Anh ngữ: "What is this Religion? - Tôn giáo này là gì ?", ấn hành tại Đài Loan vào năm 1992), là một trong mấy mươi tác phẩm...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]