Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Gieo hạt giống lành

28/08/201013:10(Xem: 5118)
Gieo hạt giống lành

GIEO HẠT GIỐNG LÀNH
(GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ)
GSTS. Trần Kiêm Đoàn
none
none

nguyentho-trankiemdoanLời biên tập: Khóa Hội Thảo Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ được tổ chức tại miền Nam California từ 19-9-2009 đến 20-9-2009 với nội dung: “Giáo Dục Trong Gia Đình Phật Tử”. Diễn giả trong khóa hội thảo là TT. Thích Từ Lực, ĐĐ. Thích Đạo Quảng và GSTS. Trần Kiêm Đoàn. Sau đây là bài tham luận của diễn giả TKĐ trình bày trong hội nghị.


Thêm một em oanh vũ
Gieo một hạt giống lành
Tươi mới đóa sen xanh
Nhú trên đài hoa cũ.
Thơ N.T

Từ nguồn gốc, Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) là một tổ chức giáo dục. Một hệ thống giáo dục đặt căn bản trên tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng Mãnh (Bi,Trí, Dũng) của đạo Phật. Trong lịch sử gần 60 năm, GĐPT là một biểu tượng linh động cho thế hệ trẻ trong các sinh hoạt chùa chiền tự viện. Đó là đội ngũ của những người tuổi trẻ Phật tử từ tuổi ấu thơ (ngành oanh) cho đến thanh thiếu niên (ngành thiếu). Dù ở trong bất cứ cấp độ nào, giáo dục vẫn là phương tiện nòng cốt để xây dựng và phát huy một tổ chức hay đoàn thể có kỷ cương.

I. Nhìn lại đường lối giáo dục truyền thống trong GĐPT.

Lần đầu tiên, lễ Phật đản năm Ất Hợi (10/05/1935) do Hội An Nam Phật học tổ chức rầm rộ tại Huế. Và đây cũng là lần đầu, tuổi trẻ chính thức được tham gia lễ Phật với một tư thế riêng chứ không phải chỉ là bóng mờ quen thuộc của các em bé lẽo đẽo theo bà ngoại đến chùa. Có tất cả 52 “em”, đồng phục tươm tất, đi theo hàng ngũ chỉnh tề trong đoàn rước Phật, mang hoa sen, vừa đi vừa hát theo điệu Đăng đàn cung với bài hát: "Vui mừng gặp ngày nay mồng 8 tháng tư. Ngày khánh tiết, Phật Thích Ca ngài, hiện về Ca Tỳ La Vệ...". Hiện tượng tuổi trẻ giữa đời, sống đạo bằng con ngườì thật đã cuốn hút sự quan tâm của thế hệ đàn anh. Một vấn đề mới mẽ bắt đầu thành hình: Tuổi trẻ với Phật giáo.

Ngày 10-08-1938, trong bài diễn văn khai mạc đại hội thường niên của hội An Nam Phật học, ông hội trưởng Lê Đình Thám đã xác định: "Không có một thành tựu vững bền nào mà lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên. Các em sẽ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai...". Hai năm sau, năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục (TNPHĐD) ra đời với sự bảo trợ của Hội An Nam Phật học và sự hướng dẫn trực tiếp của một Phật tử có uy tín hàng đầu về kiến thức Phật học uyên bác và tinh thần cải cách cấp tiến là bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Bước đầu, đoàn TNPHĐD quy tụ được một lực lượng nhân sự uy tín và hùng hậu với sự tham gia nhiệt tình của các anh: Phạm Hữu Bình (đoàn trưởng), Đinh Văn Nam (đoàn phó), Ngô Điền (thư ký), Võ Đình Cường, Ưng Hội, Tráng Thông, Đinh Văn Vinh, Ngô Thừa, Nguyễn Hữu Quán, Nguyễn Khải, Lê Kiểm, Phạm Quy, Hoàng Ngọc Phu, Lê Đình Duyên, Lâm Công Định...

Đoàn TNPHĐD đã nổi bật trong sinh hoạt Phật giáo đương thời vì “tuổi trẻ hành đạo” vừa là một hình ảnh tiền phong, vừa là một khái niệm rất tươi mới, sinh động, trẻ trung và cuốn hút trong sinh hoạt tôn giáo vốn từ lâu được xem là chỉ quy tụ toàn các bậc cao niên trưởng thượng. Đoàn đã thành lập cơ sở văn hóa Phật giáo cho tuổi trẻ đầu tiên tại nước ta với sự ra đời của Phật Học Tùng Thư. Các tác phẩm về tuổi trẻ và đạo Phật có giá trị được xuất bản như: Thanh Niên Đức Dục của Đinh Văn Nam, Phật Giáo và Thanh Thiếu Niên Đức Dục của Phạm Hữu Bình, Đời Vui của Ngô Thừa, Nghĩa Chữ Nho của Nguyễn Hữu Quán, Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường… Song song với sinh hoạt văn hóa, các chương trình sinh hoạt tập thể năng nỗ và phong phú cũng được xây dựng như: Hoạt động thanh niên, giáo dục Phật pháp, Phật học thực hành…

Nhu cầu tổ chức, đoàn ngũ hóa mang tính giáo dục cho tuổi trẻ Phật tử trở thành một nhu cầu thời đại trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam. Lễ Phật đản năm 1944 tại đồi Quảng Tế - Huế, các đơn vị thanh niên Phật học, Hướng đạo Phật giáo, Đồng ấu Phật học... họp đại hội và khai sinh tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ. Đó là tiền thân của Gia Đình Phật Tử ngày nay. “Phật hóa phổ” nói một cách nôm na là đem đạo Phật đến với mọi người. Với tuổi trẻ là giáo dục Phật học cho thế hệ đàn em. Bốn Gia đình Phật Hóa Phổ đầu tiên được thành lập tại Huế là Gia đình Tâm Minh, Tâm Lạc, Thanh Tịnh và Sum Đoàn do các cư sĩ Lê Đình Thám, Phạm Quang Thiện, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng. Về mặt giáo dục Phật học, các huynh trưởng tiền phong là các nhà giáo, nhà văn có tinh thần và kiến thức Phật học vững vàng. Các anh đã phụ trách hai phần chính là: Soạn thảo tài liệu giáo khoa và huấn luyện giảng dạy. Về mặt hoạt động thanh niên, các huynh trưởng đầu tiên trong đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục phụ trách hướng dẫn sinh hoạt theo mô thức của Hướng Đạo Sinh thế giới. Hệ thống Gia Đình Phật Hóa Phổ càng ngày càng lớn mạnh theo đà phát triển của đạo Phật trong cả nước.

Gia Đình Phật Tử Việt Nam được chính thức thành lập. Đại hội Gia Đình Phật Hóa Phổ tổ chức tại Huế vào 3 ngày 24, 25 và 26 tháng 4 năm 1951 tại chùa Từ Đàm Huế với sự tham dự của đại biểu từ Bắc vào Nam gồm có: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Viên, Bình Thuận, Đồng Nai. Đại hội đã đồng thuận chọn một danh xưng thống nhất, do các huynh trưởng tiền phong là các anh Đinh Văn Nam, Ngô Thừa, Võ Đình Cường, Phạm Hữu Bình, Võ Hữu Quán đề nghị. Đó là tên gọi GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM chung cho Gia Đình Phật Hóa Phổ và các tổ chức thanh niên, hướng đạo, đồng ấu Phật tử… đang còn trong giai đoạn sơ khai.

Năm 1953, khi đại hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam lần thứ hai được triệu tập tại Huế, với sự tham dự đông đảo và rộng khắp của các đại biểu 3 miền Trung, Nam, Bắc thì tổ chức GĐPT mới thật sự đi vào nề nếp ổn định, kiện toàn tổ chức. Đại hội đã soạn thảo chương trình tu học cho các ngành, các cấp, thống nhất hình thức, tổ chức, đồng phục, huy hiệu, phù hiệu...

Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ đó tồn tại và phát triển theo lịch sử thăng trầm của đạo pháp và dân tộc. GĐPT về chiều sâu cũng như chiều rộng đã thật sự trở thành một “gia đình tâm linh” của tuổi trẻ Phật tử Việt Nam. Từ năm 1975 đến nay, một số các thành viên cũ và mới của GĐPT Việt Nam cũng có mặt trong những đợt người Việt đi ra nước ngoài. Sau một thời gian ngắn tan tác và chao đảo theo hoàn cảnh mới ở nước ngoài, các huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT đã nhanh chóng tập hợp lại trong mỗi địa phương có sinh hoạt chùa chiền, tự viện, tăng ni và Phật tử. Những đơn vị GĐPT bắt đầu tái hình thành và phát triển bất cứ nơi đâu có quý tăng ni, Phật tử và chùa chiền ở khắp các nước trên thế giới.

Trong hoàn cảnh xã hội còn xa lạ ở nước ngoài với một địa bàn cư trú quá rộng rãi, bao la, trải dài từ Á sang Âu, tổ chức GĐPT Việt Nam phải đối diện với những thử thách mới chưa từng có trước đây.

Bên cạnh hoàn cảnh riêng, đạo Phật và GĐPT Việt Nam còn phải đương đầu với những thử thách chung. Đó là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và môi trường truyền thông đại chúng đã làm thay đổi môi trường sống cùng tri thức và tâm lý con người quá nhanh chóng.

Trong khoảng thời gian 30 năm qua, GĐPT Việt Nam đã có nhiều cố gắng vừa để hội nhập với điều kiện và hoàn cảnh mới; vừa nỗ lực vươn lên để khỏi bị lão hóa, lạc hậu, xa rời thực tế. Thế nhưng hạt giống bồ đề, tuy có đâm chồi nẩy lộc, nhưng bóng mát hành đạo vẫn còn bị lay động qua nhiều gai góc. Tình trạng phân biệt, phân hóa, phân vùng, phân tổ chức… đã xảy ra và vẫn còn dậm chân tại chỗ. Trong những phương kế khả thi, ngỏ hầu giảm thiểu được thực trạng tiêu cực đang trở thành “chướng duyên” cho tuổi trẻ Phật tử trên đường tu học, giáo dục vẫn là nền tảng vững chắc để làm chỗ dựa cho thế hệ Phật tử đàn anh dùng để nuôi dưỡng và uốn nắn thế hệ đàn em.

II. Đặc tính tiêu biểu
của một nền giáo dục theo tinh thần Phật giáo.

Tôn giáo nói chung là một hệ thống giáo dục khép kín hay mở rộng dựa trên một hệ thống lý thuyết hay triết lý nào đó đã trở thành đức tin và chỗ dựa tạm linh. Đó thường là lời dạy có giá trị thiêng liêng và đầy tôn kính nhất của một đấng chí tôn mà người theo tôn giáo đó tin tưởng và tôn thờ. Giáo dục đời thường mang ý nghĩa tri thức và thực dụng phục vụ cho đời sống hiện thực. Giáo dục tôn giáo mang ý nghĩa đức tin và hành đạo phục vụ cho đời sống tâm linh. Bởi vậy, vì yếu tính khác nhau nên phương tiện cũng khác nhau. Khác nhau giữa thế giáo và tôn giáo đã đành; nhưng ngay trong lĩnh vực thuần túy tôn giáo vẫn hoàn toàn khác nhau từ tôn giáo nầy đến tôn giáo khác. Thậm chí, có khi trái ngược nhau như nước với lửa; tùy theo cách nhìn về mối tương quan của con người với vũ trụ (vũ trụ quan), về cách nhìn thế giới (thế giới quan) và cách nhìn con người (nhân sinh quan). Hầu như mỗi tôn giáo đều có một đấng tiên tri thay mặt cho Thượng Đế tới cõi trần gian để làm các vị giáo chủ như: Đức chúa Jesus Christ (đạo Chúa), Abraham (đạo Do Thái), Muhammed (đạo Hồi), Vishnu (đạo Hindu, Ấn độ)… Chỉ có đạo Phật là tìm thể tính (be, essence, nature) của con người ngay trong sự hiện hữu của chính nó – duy ngã độc tôn – để xác định và giải quyết vấn đề hệ lụy nhân sinh và giải thoát giữa cuộc đời nầy. Bởi vậy, giáo dục trong Phật giáo không phải là một sự rao giảng mang tính tẩy não hay phải áp dụng những nguyên tắc lý thuyết đầy áp đặt mà đấy là một quá trình rèn luyện nhân cách từ u tối, mù mờ (vô minh, tà) đến chỗ sáng suốt, hiểu rõ (trí tuệ, chánh).

Giáo dục là một sự nghiệp có hai vế rõ ràng: Giáo (dạy dỗ) và dục (nuôi dưỡng). Với quan niệm thông thường thì hễ có người dạy, tất phải có kẻ học. Học để khỏi dốt (Dĩ học dũ ngu). Nhưng khái niệm “học” trong đạo Phật không hẳn là theo ý niệm thông thường ngoài đời. Truyền đạt không phải lúc nào cũng dùng tới lời nói; tiếp thu không phải lúc nào cũng qua trung gian dạy và học. Tăng đoàn thời Phật còn tại thế bao giờ cũng bao gồm hai đối tượng: Các bậc hữu học và các bậc vô học. “Hữu” và “vô” ở đây không mang ý nghĩa là “có” (tích cực) và “vô” (tiêu cực) trong khái niệm giáo dục đời thường. Các bậc vô học đã tu tiến và chứng ngộ không qua phương tiện giáo dục theo hình thức thông thường. Bởi thế, cái “học” cao nhất trong Phật giáo là sự quán niệm và chứng ngộ trực tiếp. Nhiều trường hợp vẫn là “không thầy riêng mầy làm nên” (vô sư tự ngộ). Các bậc thánh tăng như Lục Tổ Huệ Năng, tuy mù chữ đời thường, nhưng tri thức giác ngộ cốt tủy của đạo Phật thì vô cùng uyên áo.

Thời cận đại, đạo Phật Việt Nam đã đầu tư vào giáo dục tuổi trẻ qua một hệ thống trường ốc tiêu chuẩn và các viện Phật học. Hệ thống trường Bồ Đề nhắm vào một nền giáo dục phổ thông và đại chúng. Các học viện Phật học ở Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Sài gòn, Hà Nội… nhắm vào việc giáo dục các học tăng, học ni còn trẻ. Hệ thống trường tiểu và trung học Bồ Đề mở rộng khắp các tỉnh miền Nam thường được xem là tiêu biểu cho khuynh hướng giáo dục Phật giáo. Thật ra, trường Bồ Đề nổi lên như một thương hiệu giáo dục có ít nhiều liên quan đến sinh hoạt Phật giáo hơn là mang bản chất giáo dục Phật giáo. Tuy rằng, trường Bồ Đề có giảng dạy một số giờ giáo lý song song với giáo trình theo tiêu chuẩn phổ thông; nhưng mục tiêu rốt ráo của nhà trường vẫn là đào tạo học sinh thi đỗ, vào đời như tất cả các trường tư nhân và công lập khác. Hoặc cao hơn trong hệ thống giáo dục Phật giáo là viện đại học Vạn Hạnh, nơi quy tụ tăng ni danh tiếng và giới học giả hàng đầu của miền Nam một thời, thì vẫn còn nằm trong quỹ đạo của một nền giáo dục khoa bảng hơn là thoát xác thành một đại học Phật giáo chuyên ngành như tinh thần đại học Nalanda, một đại học Phật giáo quốc tế có quy mô đồ sộ đầu tiên được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 (427) tại bắc Ấn Độ. Ngày nay, các đại học Phật giáo thế giới như đại học Quốc Tế ITBMU (Miến Điện), đại học Buryatia (Nga), đại học Maha-Chulalongkora (Thái Lan), đại học Chi-nan (Đài Loan), đại học Nagarjuna (Ấn Độ)… đều là những trường đại học chuyên về Phật học. Tín chỉ, chứng chỉ và bằng cấp của những trường nầy được hệ thống giáo dục quốc tế công nhận trong việc trao đổi sinh viên ngành Nhân chủng Xã hội (Humanities and Social Sciences) giữa các nước. Tại Việt Nam, từ năm 2007, đã có tin đặt đá xây dựng đại học Phật giáo Quảng Đức gần Sài gòn. Nhưng đến nay vẫn chưa nghe tin khánh thành và khai giảng.

Truyền thống và hệ thống giáo dục Phật giáo đại chúng và học viện vừa trình bày ở trên, không đóng một vai trò trực tiếp và thương xuyên đối với vấn đề giáo dục trong sinh hoạt của GĐPT Việt Nam 60 năm qua. Sinh hoạt của GĐPT hằng tuần có một hệ thống hàng dọc riêng từ Ban Hướng Dẫn trung ương đến từng đơn vị GĐPT chùa chiền, khuôn hội. Giáo hội và quý tăng ni đóng vai trò cố vấn tổ chức và cố vấn giáo hạnh. Lịch sử và kinh nghiệm thực tế đã chứng minh rằng, sức mạnh và tinh hoa của GĐPT Việt Nam chỉ phát huy rộng khắp, sinh động và hài hòa nhất từ thành thị đến nông thôn là khi chỉ có một ban hướng dẫn trung ương, một hệ thống tổ chức và một tiếng nói hòa hợp từ phía quý thầy, sư cô làm cố vấn giáo hạnh đến quý anh chị huynh trưởng và các cư sĩ thiện tri thức hỗ trợ. Không có chính trị đời thường xen vào lãnh đạo hay lãnh đạo xen vào chính trị.

III. Thử mạn đàm về một phương thức giáo dục thích hợp.

Không riêng gì tuổi trẻ trong tổ chức GĐPT Việt Nam mà tuổi trẻ cả nước và trên toàn thế giới nói chung, đang bước vào một thế giới mới của thế kỷ 21. Giềng mối và cấu trúc của gia đình, dòng họ, quý tộc, tên tuổi, danh thơm… của những thế kỷ trước đang bị lung lay hay thử thách trước một sự thay đổi chưa từng thấy do cuộc chạy đua tốc độ về những phát minh ngày một mới lạ trong nhìều lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật, truyền thông đại chúng, giao thông vận tải, y tế xã hội, giáo dục đào tạo.

Trong bảng thang giá trị mới (new value system), tuổi trẻ thường xuyên đối diện và bị thách thức giữa hai cặp phạm trù mới/cũ khác nhau hay có khi trái ngược nhau. Riêng đoàn sinh GĐPT Việt Nam, không nhiều thì ít, vẫn đứng bâng khuâng giữa hai quan niệm sống như hai dòng nước cần phải chọn lựa vì nước đang trôi xuôi:

- Tâm linh hay vật chất
- Cá nhân hay tập thể
- Lý tưởng hay thực dụng
- Cảm tính hay lý tính
- Cầu nguyện hay hành động
- Vì ta hay vì người
- Chấp ngã hay phá ngã…

Những cặp nhị nguyên tốt/xấu đối đãi cứ như thế kéo dài. Tuổi trẻ hoang mang buông thả hay nắm bắt một khái niệm giá trị vừa thích hợp, vừa đúng đắn không phải là điều đơn giản. Dưới sức ép xảy đến chớp nhoáng tưởng chừng như tự nhiên từ phía xã hội, gia đình, tâm lý… khiến tuổi trẻ chỉ còn biết phản ứng. Nhưng biết dựa vào đâu để có phản ứng thích hợp, khỏi bị lạc đường và giảm thiểu tai họa va chạm giữa cuộc đời muôn mặt nầy? Câu trả lời là: Giáo dục. Giáo dục phải được quan niệm và sử dụng như một ngọn đèn định hướng, giúp tuổi trẻ có một phương tiện tương đối an toàn trên đường dò dẫm tiến bước vào tương lai.

Vai trò giáo dục trong GĐPT không nhằm thay thế cho chương trình giáo dục phổ thông ngoài đời. Vì vậy, mục đích, nguyên tắc và phương thức giáo dục cần phải được soạn thảo, truyền đạt, ứng dụng linh động và thích hợp theo đối tượng và hoàn cảnh cụ thể:

1. Mục đích giáo dục:

Mục tiêu giáo dục trong GĐPT là nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân tốt của đất nước mình đang ở và những Phật tử chân chính. Giáo dục là quá trình xây dựng thế hệ trẻ về cả 4 mặt: Khởi lòng từ bi, trau giồi trí tuệ, luyện ý chí dũng mãnh và giữ được tinh thần khiêm tốn nhẫn nhục.

Hình ảnh người Phật tử chân chính của thế hệ nầy là một người đơn giản, hiểu biết, có tấm lòng nhân hậu và tư cách ngay thẳng. Đó là người có cuộc sống ổn định, có nghể nghiệp lương thiện để sinh tồn; có kiến thức Phật học cơ bản để suy nghĩ và thực hành trong đời sống; có tinh thần cầu tiến bộ và hiểu rõ chính mình để tinh tấn; biết mình là ai trong mối tương quan giữa cá nhân, gia đình, dân tộc và đạo pháp để hòa điệu sống.

Mục đích giáo dục trong sinh hoạt GĐPT không chủ yếu nhắm vào sự thành công theo quy ước đời thường như học vị, thăng chức, xếp loại, so sánh… mà cơ bản là hướng về sự thành nhân. Một bác sĩ lành nghề, có đông khách là ví dụ điển hình về sự thành công của việc học hành ngoài đời. Một cư sĩ đức hạnh, giúp được nhiều người tu học; một đoàn sinh GĐPT gương mẫu về nhiều mặt là ví dụ điển hình về sự thành nhân của việc học hành trong đạo. Phân định rõ ràng giữa mục đích đào tạo thành công và thành nhân sẽ giúp người soạn thảo chương trình và sách giáo khoa, cũng như giúp người giảng dạy chủ động chọn lựa nội dung và đường lối thích hợp.

Xa hơn thế nữa, xác định được rõ ràng mục đích của giáo dục trong sinh hoạt GĐPT để thấy rõ vấn đề nhằm chấm dứt (hay ít nhất là giảm thiểu) các hoạt động giáo dục dính mắc vào tính chất vụ hình thức, cổ xúy sự cạnh tranh ích kỷ và cục bộ. Sự cạnh tranh hình thức này thường là nguyên nhân chính của sự phân hóa, chia rẽ giữa các đơn vị GĐPT sinh hoạt gần nhau.

2. Nguyên tắc giáo dục:

Mỗi lĩnh vực giáo dục chuyên môn đều có nguyên tắc thích ứng riêng cho lĩnh vực đó. Giáo dục trong GĐPT Việt Nam dựa trên những nguyên tắc lý thuyết cơ bản của đạo Phật. Bi, Trí, Dũng là nguyên tắc hành xử của GĐPT. Tuy nhiên, qua quá trình giảng dạy, học tập và thực hành, tinh thần Bi, Trí, Dũng thường được hiểu một cách máy móc và diễn dịch giới hạn nên chưa phát huy được tác dụng trong nhiều hoàn cảnh và thời đại mới như hiện nay.

Cần minh định lại nội dung Bi, Trí, Dũng áp dụng cho GĐPT.

Bi: Là Từ Bi. Lòng từ bi là tình thương không phân biệt của đạo Phật. Người có lòng từ bi lấy đôi mắt thương yêu nhìn cuộc đời. Tình thương xuất phát từ lòng từ bi không phải là một sự ban phát tình cảm thương hại của một người đứng trên tư thế cao hơn hay hạnh phúc hơn nhìn xuống kẻ bất hạnh bên dưới. Từ bi là một sự cảm thông và chia sẻ bình đẳng, nhìn người được giúp với lòng trân trọng như nhìn một vị Phật tương lai. Tuổi trẻ trang bị lòng từ bi sống đơn giản và chân thành với chính mình và với ngươi khác. Đi xa hơn trong quan hệ sinh hoạt tập thể, tuổi trẻ có lòng từ bi không phân biệt ta với người, đơn vị mình với đơn vị bạn. Do đó, luôn luôn có sẵn một tinh thần hiếu hòa và hóa giải; không chê của người, không khen của ta. Sự thống nhất GĐPT không bắt nguồn từ hình tướng phía nầy hay phía khác mà phải có cội nguồn từ lòng từ bi. Càng phân biệt, chỉ trích, phê phán nhau thì càng xa nhau và đào sâu thêm sự phân hóa. Càng tao ra sự kỳ thị, đương đầu, thách thức thì lòng từ bi càng nghèo nàn và vắng bóng. Bởi vậy, trong giáo dục GĐPT, nguyên tắc Từ Bi là nguyên tắc cơ bản của tâm hồn cần phải được nhắc nhở và thực hành thường xuyên trong mọi hình thức suy nghĩ, cư xử và sinh hoạt.

Trí: Là Trí Tuệ. Trí Tuệ sáng suốt không giới hạn của đạo Phật.

Nhà Phật phân biệt hai loại trí tuệ: Trí hữu sư và trì vô sư . Trí tuệ hữu sư có được do kiến thức tích lũy qua quá trình nghe, suy tư và tu theo lời dạy của bậc làm thầy hay thiện hữu tri thức (Văn-Tư-Tu). Trí vô sư là trí tuệ tự mình phát khởi do chính mình cố công nghiêm trì giới luật và giữa tâm an định (Giới-Định-Huệ).

Trí tuệ tuổi trẻ trong GĐPT cần cả hai để có được cái nhìn bao quát và sâu sắc; sẵn sàng mở rộng tầm nhìn để đón nhận và học hỏi cái mới. Tuy nhiên, nếu cứ khư khư bảo thủ cái cũ hay nhắm mắt chạy hùa theo cái mới là hai trường hợp cực đoan của sự thiếu vắng trí tuệ. Trong một xã hội mà bộ mặt “văn hóa thế giới” đang thay đổi nhanh chóng từng giây, từng phút về khoa học kỹ thuật, về phương tiện truyền thông và giao lưu như hiện nay, tuổi trẻ cần phải được giáo dục về trí tuệ giải thoát của đạo Phật. Đạo Phật lấy trí tuệ giải thoát làm căn bản. Tất cả đều là phương tiện để đạt mục đích cuối cùng là sự an lạc trong cuộc sống và lý tưởng giải thoát. Tuổi trẻ thường xuyên bị dính mắc với phương tiện mà quên cứu cánh như ngồi trên chiếc xe êm dịu mà không biết về đâu hay ngồi suốt ngày trên máy vi tính chỉ để vui chơi như người ham mê cờ bạc là có phương tiện tốt mà không có mục đích, lý tưởng giải thoát rõ ràng.

Dũng: Là Dũng Mãnh. Dũng Mãnh là tinh thần vô uý (không sợ hãi), vượt thắng những chướng ngại, khai quang con đường phải đi và vững vàng tiến tới. Đó là sự tinh tấn của người Phật tử. Dũng mãnh không đồng nghĩa với thái độ xốc nổi mù quáng, lăn xả vào mọi sự hiểm nguy không đúng lúc, chỉ biết tiến tới mà không biết lùi. Đương đầu với bạo lực vô minh hay xông pha vào hang hổ đói không phải là dũng mãnh mà là vọng động cuồng điên. Giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần dũng mãnh là phải biết tiến tới hay thoái lui đúng lúc. Tinh thần dũng mãnh của đạo Phật thể hiện bằng sự quán sát kỹ càng, hành xử quyết đoán đúng lúc; làm điều phải không sợ hãi; can đảm chấp nhận cái sai đề sửa đổi (sám hối); không để sự bất tịnh, sai trái, mê hoặc của lòng tham dục và tà kiến của ma vương lôi kéo quật ngã.

Xin thêm một đề nghị:

Trong 3 nguyên tắc giáo dục của tinh thần Bi, Trí, Dũng có một sự mặc nhận (hiểu ngầm) không có lợi cho vấn đề giáo dục tuổi trẻ, đó là nguyên tắc thứ 4: Khiêm. Khiêm Nhẫn là khiêm tốn và nhẫn nhục mà các bậc thức giả thường cho rằng, tính khiêm nhẫn được “mặc nhiên gói ghém” trong Bi, Trí, Dũng vì một khi đã có tình thương, trí tuệ, dũng mãnh thì sự khiêm tốn và nhẫn nhục tự động xuất hiện. Trên thực tế, sự suy diễn nầy đi quá xa ngoài tầm tay với của tuổi trẻ. Với tuổi trẻ, những nguyên tắc nào hợp với khế cơ hay khế lý cần phải được ghi nhận và minh định rõ ràng. Vì vậy, trên nguyên tắc giáo dục GĐPT, xin được đề nghị là: Bi, Trí, Dũng, Khiêm. Trong vài ba thập niên gần đây, hiện tượng người Phật tử Việt Nam, nhất là tuổi trẻ Phật tử đã có những biểu hiện sa sút về đức khiêm tốn và nhẫn nại. Đó là sự phân hóa giữa các đơn vị GĐPT. Thế hệ đàn anh có khuynh hướng cường điệu và quá chấp chặt với quá khứ. Thế hệ đàn em phản kháng quay lưng để nhìn về hiện tại và tương lai. Thái độ khiêm nhẫn trong nội bộ đã khó; sự khiêm nhẫn trong quan hệ bên ngoài có vẻ còn khó hơn. Phát huy đức tính khiêm nhẫn tức là trực tiếp tạo ra sự tôn trọng hai chiều, biết chịu khó lắng nghe, cẩn trọng trong việc ra chỉ thị, quyết định gây chia rẽ không cần thiết. Áp dụng thêm nguyên tắc khiêm nhẫn trong giáo dục là góp phần tích cực hàn gắn và hóa giải sự phân hóa đang làm đau lòng mọi Phật tử có đạo tâm trong hoàn cảnh hiện nay,

2. Phương thức giáo dục:

Mỗi phương thức giáo dục đều có một tác dụng với từng đối tượng đặc biệt. Phần sau đây, thử góp ý, phân tích và chia sẻ những nét tiêu biểu về một đường hướng giáo dục tương đối thích hợp và cần thiết nhất là có thể áp dụng được (khả thi) cho tuổi trẻ và gia đình Phật tử Việt Nam trong hoàn cảnh cụ thể trước mắt.

Giáo dục truyền thống trong đạo Phật có rất nhiều hình thái khác nhau tùy theo hoàn cảnh, trình độ và căn cơ của người theo học (pháp dùng phương tiện). Tuy nhiên, các hình thức thông thường nhất là:

- Trí giáo hay ý giáo: Dạy dỗ và truyền đạt bằng kiến thức trong sách vở và kinh nghiệm thực tiễn trong đời sống.

- Ngôn giáo hay khẩu giáo: Dạy dỗ và truyền đạt bằng lời giảng giải, thuyết phục; khuyên bảo trực tiếp bằng lời nói.

- Đức giáo: Dạy dỗ và truyền đạt bằng chính tấm gương trong sáng về cuộc sống đạo đức và hạnh lành của bậc làm thầy.

- Thân giáo: Dạy dỗ và truyền đạt bằng hành động bản thân của người thầy có đầy đủ các biểu tượng của từ bi, trí tuệ, dũng mãnh và khiêm nhẫn.

Thân giáo là một phương thức giáo dục quan trọng nhất trong các phương thức giáo dục Phật giáo.

Thân giáo có hai mức độ: Tự thân giáo và thọ thân giáo.

Tự thân giáo là chính bản thân mình tự trau giồi kiến thức, nhân cách, quán niệm, điều tâm, tu dưỡng để chuyển hóa thân tâm theo đường chánh đạo. Người tự thân giáo nương cậy chính vào tự lực, phát huy sức mạnh nội tại của chính mình. Tự thân giáo đòi hỏi người thực hành có một năng lực tập trung và tinh thần tự giác cao độ.

Thọ thân giáo là thu thập và học hỏi qua nhân cách, đạo hạnh, uy vệ của người thuyết giảng. Trong GĐPT, hình ảnh của thầy cô cố vấn giáo hạnh, của bác gia trưởng, của quý anh chị trong ban Huynh trưởng đóng một vai trò thân giáo rất quan trọng trong việc giáo dục các em. Người giảng dạy dẫu có kiến thức phong phú , lời nói hay ho đến mức nào mà phong cách không trang nghiêm, tên tuổi không trong sáng, lời nói không đi đôi với việc làm thì làm sao có đủ sức chứng minh, thuyết phục và và chuyển đổi được đối tượng nghe giảng. Trong giáo dục, thân giáo được xem là chuẩn mực, là quy phạm để người giảng dạy tự suy xét chính mình. Một anh chị huynh trưởng GĐPT mang tai tiếng thì làm sao cầm còi, hướng dẫn các em đoàn sinh là điều hay lẽ phải. Kẻ nói năng thiếu xác tín, lên tiếng khuyên đàn em phải làm điều lành, tránh điều dữ trong lúc bản thân mình là đối tượng phạm pháp, mang tai tiếng tranh quyền đoạt vị, mất uy tín với gia đình và xã hội thì thật là điều mỉa mai và phản tác dụng với thế hệ đàn em. Nếu thân không nghiêm, hành động thiếu quang minh chính đại thì mọi lời nói và việc làm đều không có giá trị đạo đức và giáo dục. Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú rằng:

Trước nhất tự luyện mình
Đạo hạnh thành chân chính
Sau mới giáo hóa người
Thân trí đồng tương kính

Sống là học tập. Giáo dục xuất hiện dưới nhiều dạng thức. Giáo dục trong GĐPT là một quá trình tổng hợp của chư tăng ni, đại chúng Phật tử, gia đình đoàn sinh và GĐPT. Nguyên tắc phương thức giáo dục nào cũng đều có thế mạnh và thế yếu. Nhưng trên tất cả vẫn là thế đứng và sự kế thừa của thế hệ trẻ trong lòng đạo pháp và dân tộc trong khi thế hệ già đang từ từ vắng bóng theo luật tự nhiên.

IV. Đề nghị một sự chấn chỉnh cấp thời.

Trước khi GĐPT chính thức ra đời, trước năm 1945, đạo Phật tại Việt Nam là một tôn giáo của các bậc cao niên, trưởng thượng. Phật giáo dần dần bị lão hóa. Chùa chiền là việc của chư tôn đức và của các ông già bà lão!

GĐPT Việt Nam đã làm cho đạo Phật Việt Nam sinh động với một hình ảnh mới: Tuổi trẻ hành đạo. Tuổi trẻ đã cùng với tuổi cao niên đi chùa, lễ bái, làm Phật sự, tu học.

Tuy nhiên, trong khung cảnh chùa chiền, tự viện tôn nghiêm cộng với truyền thống văn hóa gia trưởng phụ quyền lâu đời, tuổi trẻ Phật tử chưa phát huy được thế chủ động cần thiết của mình. Tình trạng “thầy đâu trò đó” đã làm cho tuổi trẻ Phật tử không vươn lên khỏi vai trò chỉ để “trang hoàng” và phụ thuộc trong các sinh hoạt chùa chiền. Thực trạng càng xót xa hơn khi tuổi trẻ Phật tử tươi mát và hồn nhiên bị thế hệ đàn anh lợi dụng. Trong những năm qua, không ít đơn vị GĐPT đã bị giới đàn anh cầm đầu lèo lái và sử dụng vào những hoạt động phi Phật giáo như chính trị, kinh tế, xã hội.

Nếu đi sâu vào chuyên môn, không ai có thể chối bỏ được sự thật rằng, hoàn cảnh đã đổi thay, tri thức tuổi trẻ hiện đại cùng lứa tuổi đã tăng lên nhiều lần so với tuổi trẻ thời tiền chiến (1930-1945). Tâm lý tuổi trẻ của thời kỳ kinh tế thị trường và văn hóa thế giới cũng đã chuyển đổi mãnh liệt: Độc lập, mạnh dạn, tích cực và chủ động hơn xưa. Thế nhưng, trong sinh hoạt nội bộ của GĐPT, những nguyên tắc và lề lối sinh hoạt “truyền thống” không thay đổi kịp với tốc độ thực tế. Lề lối sinh hoạt có nơi, có chỗ đã quá lỗi thời, không còn thích hợp cho nhu cầu tri thức và tâm lý thực tế của tuổi trẻ Phật tử muốn tinh tấn tu học.

Xin đơn cử một số vấn đề tồn tại tiêu biểu:

- Về Phật pháp: Chương trình Phật pháp được các bậc huynh trưởng tiền phong soạn thảo hơn 50 năm qua mang đậm tính quốc văn giáo khoa thư và ứng dụng phương pháp truyền thụ kiến thức thụ động một chiều vẫn không có gì thay đổi, cập nhật.

- Về kinh sách: Chỉ nói đến những nghi thức tụng niệm đơn giản dùng hằng ngày mà thôi thì cũng đã thiếu sự thống nhất giữa các chùa và các đơn vị. Văn cổ học chữ Hán tối tăm khó hiểu xen lẫn với văn thuần Việt dịch nghĩa chưa được hoàn thiện trong các kinh sách hiện dùng là một vấn đề thiếu sót và cản trở nghiêm trọng trong việc tu học. Thực tế là các bậc phụ huynh còn chưa hiểu nổi thì làm sao tuổi trẻ – nhất là khi các em ở nước ngoài, nói tiếng nước ngoài – lại có đủ sức để hiểu, để yêu mến và ham thích học Phật cho được.

- Về hoạt động thanh niên:Nội dung lễ nhạc, các bài hát tập thể, các trò chơi sinh hoạt, các môn sinh hoạt ngoài trời… vẫn chỉ mới ở mức độ tạm “sống còn”, chưa tạo ra được sự sinh động và cuốn hút cho tuổi trẻ. Trong lúc đó, thế giới “games” muôn màu muôn vẻ, điện thoại di động, vi tính truyền thông… đã lôi kéo nhiều tâm hồn tuổi trẻ một thời gắn bó với GĐPT ra khỏi quỹ đạo của chùa chiền.

- Về mặt lãnh đạo và chỉ đạo: Hiện trạng có tới 3 (hay nhiều hơn?) Ban Hướng dẫn GĐPT Trung Ương GĐPT tại Hoa Kỳ đã làm cho nhiều người, kể cả chư tôn đức, các nhân vật trong GĐPT, trong các đạo tràng và quần chúng… ngạc nhiên và hoang mang.

- Biểu hiện thông thường là giới đàn anh ở tư thế lãnh đạo không hòa hợp được với nhau, không giải quyết được những mâu thuẫn, xung đột, khác biệt nên “chia tay” và kéo theo đàn em chia GĐPT thành nhưng đơn vị ly khai nhau theo vùng, theo khuynh hướng… Sự phân hóa nầy đã làm cho hệ thống GĐPT Việt Nam Hải ngoại chững lại và khó có thể phát huy được vai trò tích cực để mong làm chiếc cầu kế thừa cho hai thế hệ Phật tử, già đang qua; và trẻ đang đến, trong dòng chảy của Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại có sự tương tác cần thiết.

Muốn xây dựng một chương trình giáo dục GĐPT lành mạnh, có hiệu quả, cần phải vận động một cuộc chấn chỉnh nội bộ GĐPT Việt Nam Hải ngoại càng sớm càng tốt. Nếu chưa có được một giải pháp hóa giải cấp thời ổn thỏa và êm đẹp giữa các thành viên có trách nhiệm đang ở vai trò lãnh đạo vả chỉ đạo, tại sao chúng ta không tạm dùng phương thức “đa lưu chi” (nhiều nguồn nhánh) theo mô thức dân chủ pháp trị đa nguyên của Mỹ. Nghĩa là các đơn vị GĐPT vẫn giữ nguyên vị trí của mình như hiện nay, nhưng đại biểu của đơn vị có thể ngồi lại với nhau – như các đảng Dân Chủ, Cộng Hoà và Độc Lập Mỹ – để hoạch định một đường lối giáo dục chung, thích nghi cho GĐPT, tiến tới một khả năng chấn chỉnh toàn diện và tốt đẹp phục vụ cho con đường giáo dục và tu học của thế hệ Phật tử đàn em nói chung.

Một hình thức “Liên Hiệp Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Ương…” trong lúc cấp thời nầy là một khả năng tích cực có thể thực hiện được tương đối công bằng và hợp lý.

Ba mươi năm qua, Phật giáo và GĐPT Việt Nam tại hải ngoại vẫn chưa qua khỏi giai đoạn “chuẩn bị” trong việc xây dựng cơ sở vật chất và nề nếp sinh hoạt nên tác dụng hoằng dương Phật Pháp chưa thâm nhập được vào xã hội phương Tây như Phật giáo Tây Tạng, Đài Loan, Tích Lan, Nhật Bản.

Thế hệ huynh trưởng GĐPT có tâm huyết và kinh nghiệm nay đều đã ngoài 60. Các anh chị không còn nhiều thời gian để đắn đo và chở đợi một giải pháp “đèn thần” nào đó đến từ bên ngoài. Sự nghiệp lớn nhất của người huynh trưởng GĐPT là sự truyền thừa một giá trị cụ thể nào đó cho các em. Chúng ta chỉ còn lại một tấm lòng và một sự hy sinh cần thiết để cởi bỏ những định kiến, mặc cảm, hiểu lầm hay chưa hiểu hết… để ngồi lại với nhau.

V. Kết luận.

Tiêu đề cho khóa hội thảo huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 2009 là GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ. Giáo dục là một vấn đề truyền thống ngỡ như quá quen thuộc và xưa cũ; nhưng thật ra, cứ mỗi hình thái xã hội, văn hóa, thời đại nào thì có một nền giáo dục tương ứng cho hoàn cảnh đó.

Sau gần 60 năm hoạt động, GĐPTVN đang đứng trước nhiều vấn đề và nhiều thử thách mới. Nhưng 3 vấn đề nổi bật, đòi hỏi giải pháp thức thời và khả thi là:

- Tình trạng phân hóa nội bộ.

- Sự khác biệt về văn hóa, xã hội, ngôn ngữ giữa hai hoàn cảnh quê nhà và quê người; cũng như giữa hai thế già và trẻ tạo ra nhiều khó khăn, trở ngại.

- Khuynh hướng chính trị và xã hội dị biệt đưa đến cách nhìn và cách hành xử khác nhau.

- Thế hệ huynh trưởng đàn anh thiếu chuẩn bị để trao truyền sự kế thừa cho thế hệ đàn em.

Vai trò giáo dục thuần túy không phải là chiếc đũa thần để giải quyết những vấn đề khó khăn vừa nêu trên đây. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi lâu dài và cơ bản của một hệ thống tổ chức đoàn thể lớn như GĐPT phải bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục đóng vai trò gieo ý thức để chuyển hóa hành động.

Lịch sử sinh hoạt tập thể có những quy luật đào thải riêng của nó. GĐPT tất nhiên không phải là một ngoại lệ. Phương châm hành động của đạo Phật là “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Nếu chịu khó quan sát thật kỹ và tìm hiểu với thế hệ trẻ đoàn sinh GĐPT tại Hoa Kỳ thì hơn 80 phần trăm ngôn ngữ các em dùng với nhau là tiếng Anh. Văn hóa Mỹ đậm nét trong suy nghĩ và tâm hồn các em hơn là Việt. Thành phần huynh trưởng trẻ và năng nỗ nhất thì phải hết sức vất vả mới giữ cho mình ở tư thế song ngữ (bi-lingual) và song văn hóa (bi-cultural) Việt Mỹ. Thành phần huynh trưởng lớn tuổi ngày một hiếm chỉ còn đứng trong vai trò cố vấn và chỉ đạo. Thế nhưng, trên “mặt trận” quyền lực thì chính những vị cao niên nầy lại dày công vận động năng nỗ và sử dụng nhiều đòn phép bất tịnh nhất. Tại sao hiện tượng nghịch lý nầy lại tồn tại trong hệ thống GĐPT Việt Nam?

Vì tương lai của thế hệ đàn em, với trí tuệ tam bảo, cầu mong định lực của chư tôn đức và thiện tâm của chư vị có trách nhiệm đưa GĐPT vượt qua những trở ngại nhất thời. Cấp thời trước mắt là xin quý huynh trưởng lãnh đạo, cố gắng bắt tay nhau chấn chỉnh GĐPT, soạn thảo một chương trình giáo dục cho GĐPT trước khi quá muộn màng, buộc phải buông tay trước quy luật đào thải tự nhiên không aì tránh khỏi.

Cựu huynh trưởng
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn


09-18-2009 05:23:46

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/02/2012(Xem: 7554)
Phật pháp vô lượng Giáo lý vô biên Ta bước lên thuyền Mong qua khỏi bến Niết bàn sẽ đến Chú trọng tinh thần Suy lý tìm chân Ấy là thức ngộ Hành là tự độ Rồi mới độ tha Vượt biển ta bà Về nơi an lạc
05/02/2012(Xem: 4752)
Áp lực do học tại trường chuyên cũng là nguyên nhân làm cho một số học sinh trở nên căng thẳng với chính mình và ứng xử lạt quẻ. Khicăng thẳng quá mà kết quả học tập kém hơn chúng bạn có thể làm cho một số cháu rơi vào mặc cảm thua sút và chán nản...
09/10/2011(Xem: 12523)
Bởi vì sự mở mang một cái trí tốt lành là một trong những quan tâm chính của chúng ta, người ta dạy học như thế nào là điều rất quan trọng. Phải có một vun quén của tổng thể cái trí...
01/08/2011(Xem: 4486)
Tuổi trẻ thế hệ Tiền Chiến (trước 1945) đi ghe chèo, xe ngựa. Tuổi trẻ thế hệ 1950 đi ghe máy đuôi tôm, xe đạp. Tuổi trẻ thời 1960 đi đò máy dầu cặn, xe mô tô 2 bánh. Tuổi trẻ thời 1980 đi tàu thủy, ô tô. Tuổi trẻ thời nay đi tàu cao tốc, máy bay. Đấy là một bức tranh khá sống động minh họa cho tốc độ chuyển biến của quá trình phát triển khoa học kỹ thuật. Trong đó, tuổi trẻ là lực lượng nhiệt tình và năng nỗ nhất.
08/07/2011(Xem: 4571)
Phật pháp cho trẻ em - Tác giả: Jing Yin và Ken Hudson - Minh họa: Yanfeng Liu - Biên soạn và chuyển ngữ: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
04/07/2011(Xem: 9532)
Cụ bà Hà Nội 20 năm tập 5 thức yoga Tây Tạng Bà Lê Thu Hồng, 75 tuổi, hàng sáng đều dành 15 phút tập 5 thế yoga để rèn luyện sức khỏe.
01/07/2011(Xem: 2709)
Tuổi thanh niên là tuổi hi vọng ước mơ, bao giờ cũng nuôi sẵn trong lòng những mộng đẹp. Nhờ sự hi vọng ước mơ ấy, thanh niên mới phát triển hết khả năng để đạt được sở nguyện. Thế mà, nghe đạo Phật đề cập đến vấn đề diệt dục, thật là một việc cằn cỗi khô khan, không thích hợp chút nào với tuổi đang tràn trề nhựa sống, theo quan niệm của họ. Do đó, đa số thanh niên chỉ đứng xa nhìn đạo Phật, thấy như mình không có liên hệ gì với cái đạo già cỗi ấy.
23/06/2011(Xem: 16884)
BỘ SÁCH PHẬT HỌC ỨNG DỤNG Hồng Quang sưu tầm và biên soạn Nhà xuất bản Phương Đông TP. Hồ Chí Minh 2011 GIỚI THIỆU BỘ SÁCH "PHẬT HỌC ỨNG DỤNG" Nguyên Định MỤC LỤC TỔNG QUÁT Cuốn 1: Nghi lễ, Thiền và Tịnh độ Cuốn 2: Giáo lý căn bản Cuốn 3: Bước đầu học đạo Cuốn 4: Bảy tôn giáo ngoài Phật giáo Cuốn 5: Áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống Cuốn 6: Dưỡng sinh Cuốn 7: Khoa học và Phật giáo Cuốn 8: Những vấn đề kiếp sau Cuốn 9: Đạo Phật trong vùng ruộng lúa Cuốn 10: Nghệ thuật diễn giảng và tầm quan trọng của văn nghệ.
22/06/2011(Xem: 2615)
Hiện nay, người Việt ở hải ngoại đã qua ba thế hệ, họ sớm hòa nhập với xã hội công nghiệp, nhất là tuổi trẻ thuộc thế hệ thứ ba. Vấn đề tôn giáo đối với thế hệ nầy gần giống như cư dân bản địa, còn chút gì chăng là do tính huyết thống của ông bà cha mẹ lưu truyền.
30/05/2011(Xem: 21596)
Phật Và Thánh Chúng The Buddha and His Sacred Disciples Chương 1: Đức Phật—The Buddha Chương 2: Đạo Phật—Buddhism Chương 3: Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan Phật Giáo Buddhist Points of view on Human Life and Buddhist Cosmology Chương 4: Chuyển Pháp Luân và Năm Đệ Tử Đầu Tiên Turning The Wheel of Dharma and The First Five Disciples Chương 5: Kết Tập Kinh Điển—Buddhist Councils Chương 6: Tam Bảo và Tam Tạng Kinh Điển Triple Jewels and Three Buddhist Canon Baskets Chương 7: Kinh và Những Kinh Quan Trọng—Luật—Luận Sutras and Important Sutras-Rules-Commentaries Chương 8: Đạo và Trung Đạo—Path and Middle Path Chương 9: Vi Diệu Pháp—Abhidharma Chương 10: Tam Thời Pháp—Three Periods of The Buddha’s Teachings Chương 11: Thân Quyến—The Buddha’s Relatives Chương 12: Thập Đại Đệ Tử—Ten Great Disciples Chương 13: Những Đệ Tử Nổi Tiếng Khác—Other Famous Disciples Chương 14: Giáo Đoàn Tăng và Giáo Đoàn Ni—Monk and Nun Orders Chương 15: Tứ Động Tâm—Four Buddhis
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]