Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1

13/05/201312:39(Xem: 5073)
1


Tuổi Trẻ Tình Yêu Lý Tưởng

Nói với tuổi 20 Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ 21

Thiền Sư Nhất Hạnh

--- o0o ---

1

Này người bạn trẻ, tôi muốn mời anh, tôi muốn mời chị tham dự vào một giấc mơ, tôi tạm gọi giấc mơ ấy là giấc mơ Việt Nam.

Giấc mơ chung của chúng ta

Giấc mơ Việt Nam là có một nước Việt Nam thật đẹp, thật hiền, chơi chung với các nước Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, với Hàn Quốc và Nhật Bản, và sau đó, với cả Trung Quốc, một cách thân ái trong tình huynh đệ, dân chúng các nước qua lại không cần chiếu khán, và tất cả sử dụng một đồng bạc chung.

Giấc mơ Việt Nam là dân tộc Việt Nam biết để thì giờ ra để đi chơi, ngồi chơi, leo núi, đi biển, sống với cảnh đẹp thiên nhiên, hàng ngày có nhiều cơ hội dựng xây tình huynh đệ mà không để hết thì giờ chạy theo sắc dục, tiền bạc, quyền hành và danh vọng.

Giấc mơ Việt Nam là trẻ em và người lớn đều ý thức được rằng đất hứa, thiên đường hay cõi tịnh độ là cái đang có mặt đích thực trong giờ phút hiện tại, và ta phải biết và phải có khả năng thích ý rong chơi.

Giấc mơ Việt Nam là người Việt có khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc, có thì giờ và tình thương để làm việc giúp cho người trong nước và ngoài nước vượt thắng nghèo khổ, bệnh tật, thất học, hòa giải được với người thân và tìm được nguồn vui sống.

Giấc mơ Việt Nam là sông, núi, rừng, biển và ruộng vườn của chúng ta được bảo vệ an lành để chúng ta và con cháu chúng ta cũng như thế giới cũng được bảo vệ an lành và để cho mọi người được tiếp tục thừa hưởng tất cả những gì hùng vĩ, cẩm tú và giàu sang của đất nước này.

Giấc mơ Việt Nam là những người Việt sống trong một nước có quyền tin theo bất cứ một tôn giáo, một chủ thuyết nào, nhưng tất cả đều thấy được rằng không có tôn giáo và chủ thuyết nào cao hơn tình huynh đệ, cao hơn lòng cởi mở và lượng bao dung, và bất cứ ai cũng học được và thừa hưởng được những châu báu của các truyền thống và quan điểm khác để làm giàu cho tuệ giác và hạnh phúc của mình.

Giấc mơ Việt Nam là các quốc gia lân cận, kể cả Trung Quốc, biết thương mến và thưởng thức cái đẹp và cái dễ thương của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam mà không còn có ý muốn xâm chiếm và giành giật nhau, tại vì người Việt đã học được cách bảo vệ sông núi, văn hóa và con người của mình bằng nếp chung sống hòa bình, bằng tình huynh đệ, bằng tài ngoại giao, bằng nếp sống tương trợ với các nước chung quanh mà không tin rằng chỉ có vũ khí và quân sự mới làm được chuyện ấy.

Ô hay, bạn sẽ nói, thầy Nhất Hạnh lâu nay khuyên mình sống trong giây phút hiện tại mà bây giờ lại tìm cách trao cho mình một giấc mơ, gọi là giấc mơ Việt Nam! Thầy Nhất Hạnh có còn là thầy Nhất Hạnh nữa không, khi thầy muốn dìu mình đi vào một giấc mơ, dù là một giấc mơ thật đẹp?

Người bạn trẻ ơi, sở dĩ tôi nói tới giấc mơ, tại vì giấc mơ này có thể trở thành sự thật, và đang bắt đầu trở thành sự thật. Một giấc mơ không bao giờ có thể trở thành sự thật một trăm phần trăm, nhưng nó có thể dần dần trở thành sự thật mỗi ngày, và ta có thể sống với sự thật ấy trong giây phút hiện tại.

Lý tưởng lớn, hoài bão rộng là gì, nếu không phải là một giấc mơ? Trong đạo Bụt người ta dùng danh từ Tâm Bồ Đề. Tâm bồ đề đâu có phải chỉ là giấc mơ? Tâm bồ đề là một sự thật, một năng lượng mà ta đang sống và đang cho ta nhiều niềm tin và hạnh phúc. Giấc mơ có thể trở thành sự thật từ từ trong từng giây phút của cuộc sống. Mấy mươi năm nay, không lúc nào mà tôi không đang chứng kiến giấc mơ trở thành sự thật, trong đời sống hàng ngày của tôi.

Tháo Gỡ Hận Thù và Kỳ Thị

Sự thật quan trọng nhất mà tôi đang sống là: trong tôi, không còn hận thù và kỳ thị. Điều này đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc. Tôi có thể chấp nhận và thương yêu được con người, dù con người ấy thuộc về tôn giáo nào, chủng tộc nào, văn hóa nào hoặc chính kiến nào. Tôi không còn oán hận ai, dù người ấy hoặc nhóm người ấy đã làm cho tôi khổ, cho gia đình và đất nước tôi điêu đứng, đã dán nhãn hiệu chính trị và tôn giáo cho tôi để có thể làm hại chúng tôi. Đối với ai tôi cũng mong muốn cho người ấy hết khổ, hòa giải được với người thân và tìm lại được nguồn vui sống. Tôi biết trong quá khứ đã có và trong hiện tại cũng đang có những người có cái nhìn như tôi, biết hiểu, biết thương, biết tha thứ, và trong tương lai sẽ cũng có nhiều, rất nhiều người như thế.

Bạn để cho tôi nhắc lại một vài câu chuyện quá khứ. Vua Lý Thánh Tông vào mùa Đông năm Ất Mùi (1055), trời giá rét, đã bảo với các quan: 'Trẫm đang nghĩ đến những người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa biết rõ ngay gian, mà ăn không được no bụng, áo không kín mình, gió rét khổ thân, hoặc có kẻ chết không nơi nương tựa, trẫm rất thương xót. Vậy các quan nên hạ lệnh cho hữu ty phát chăn chiếu cho mọi người trong tù và mỗi ngày cho họ ăn đủ hai bữa cơm.'

Cũng vua Lý Thánh Tông năm 1065, trong một phiên xử kiện ở điện Thiên Khánh đã chỉ vào công chúa Đỗng Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo: 'Lòng ta yêu con cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân.Dân vì không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Vậy thì từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nên nhất luật khoan giảm.'Trước vua Lý Thánh Tông, vua A Dục (Asoka), vị hoàng đế đã thống nhất Ấn Độ vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, cũng là một ông vua hành trì đạo Bụt như vua Lý, đã ra lệnh ân xá cho tù nhân gần như mỗi năm một lần. Trong hai mươi sáu năm đầu làm hoàng đế, vua đã ban lệnh ân xá cho tù nhân toàn quốc tới 25 lần!

Vào đời Trần, khi quân Nguyên đang uy hiếp nước ta, trong triều thần có kẻ hai lòng, có giấy tờ giao thiệp với giặc. Sau giặc thua chạy về Bắc, triều thần bắt được một tráp biểu hàng của các quan. Đình thần muốn lục các tài liệu này ra để trị tội. Nhưng thượng hoàng Trần Thánh Tông nghĩ rằng làm tội những kẻ tiểu nhân cũng vô ích, phải dùng ân đức để tạo dựng đoàn kết, cho nên đã ra lệnh đốt cả tráp tài liệu đi trước mặt các quan cho yên lòng mọi người.

Khi đọc những dòng sử như trên nói về cha ông, ta có niềm tin nơi dân tộc ta. Ta biết rằng ta cũng có thể làm như cha ông ta, và ta biết cha ông ta muốn ta làm hay hơn.Từ hồi còn trẻ, tôi đã mơ ước dựng lên một tăng thân (đoàn thể tu học) trong đó mọi người có khả năng xây dựng tình huynh đệ, biết sống và làm việc với nhau trong thương yêu và tha thứ. Khi lớn lên tôi đã thực hiện được điều đó, và điều đó đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc.

Xây Dựng Tình Huynh Đệ

Đây cũng là một sự thật khác mà tôi đang được sống trong đời sống hàng ngày, là một chứng tích của giấc mơ đã trở thành hiện thực.Tôi đang được sống với một đoàn thể mấy trăm người tới từ nhiều đất nước khác nhau nhưng trong ấy ai cũng có khả năng chấp nhận, tha thứ cho nhau và đùm bọc lấy nhau, ai cũng có khả năng đóng góp phần mình vào hạnh phúc chung, không ai đi tìm một hạnh phúc riêng vì biết rằng cái ấy không thể nào có được.Chúng tôi học hỏi và thực tập sống đời sống hàng ngày như thế nào để có thể xây dựng tình huynh đệ, giúp nhau chuyển hóa sầu đau và tìm được niềm vui sống trong cuộc sống hàng ngày.

Chúng tôi đang sống ở một miền quê trong khung cảnh thiên nhiên, có rừng, có hồ, có suối, có trăng, có sao.Ngày nào chúng tôi cũng được tiếp xúc với thiên nhiên, được thiên nhiên nuôi dưỡng, được bước những bước chân thảnh thơi và vững chãi, và tập sống sâu sắc giây phút hiện tại.Không ai trong chúng tôi muốn nắm quyền làm chủ để kiểm soát hay ra lệnh cho kẻ khác.Chúng tôi sống như một bầy Ong, cùng làm việc cho hạnh phúc chung.Chúng tôi mở cửa đón chào các bạn bè từ nhiều quốc gia tới, và giúp họ tập sống trong giây phút hiện tại, hòa giải được với chính mình, hòa giải được với những người thân.Có khi các bạn đã tới từ 38 quốc gia cùng một lúc, gần cảngàn người.Ai nấy đều có cơ hội được nếm hương vị an lạc của nếp sống thảnh thơi, chuyển hóa khổ đau, làm lại cuộc đời.Chúng tôi cũng đi tới nhiều nước, tổ chức những tuần lễ thực tập sống theo phương pháp ấy cho người bản xứ.Những tuần lễ thực tập ấy được tham dự rất đông đảo, từ 500 tới 1000 người, người Pháp, người Anh, người Đức, người Thụy Sĩ, người Hà Lan, người Ý, người Canada, v.v ... Các bạn đã thành lập trên một ngàn đoàn thể sống theo nếp sống này trên 38 nước, biết thực tập đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, nói chuyện, lắng nghe có ý thức, có chánh niệm, chuyển hóa được khổ đau, hòa giải với chính mình và với những người thân.Chúng tôi rất hạnh phúc khi thấy họ hạnh phúc.Mỗi năm có những nhóm người Palestine và những nhóm người Israel đến thực tập với chúng tôi.Ban đầu họ không thể nhìn nhau, nói chuyện với nhau, bởi vì họ oán thù nhau, nghi kỵ nhau.Nhưng với sự nâng đỡ và dìu dắt của cộng đồng, họ bắt đầu biết ôm lấy niềm đau để vỗ về và làm lắng dịu.Họ tập đi, tập đứng, tập ăn, tập làm việc theo nguyên tắc an trú trong giây phút hiện tại.Rồi họ tập lắng nghe nhau để thấy và hiểu được những nỗi khổ niềm đau của nhau.Từ từ họ có thể nhìn nhau, và nhận ra rằng phía bên kia cũng là những con người có sợ hãi, có khổ đau, có tuyệt vọng, và cuối cùng họ chấp nhận được nhau, và cùng ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp sống chung an lạc và hòa bình.Sự thành công của họ, cũng như sự thành công của những cặp vợ chồng, cha con, anh em trong các khóa thực tập đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều hạnh phúc và ngày nào chúng tôi cũng được nuôi dưỡng bằng niềm vui đó.Các bạn có thấy rằng giấc mơ đang biến thành sự thực hay không?

Ngày xưa vào những năm 1960, chúng tôi đã thành lập ra phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, đã từng quy tụ sáu bảy trăm thanh niên cùng sống chung, học tập chung, và phụng sự chung.Chúng tôi ai cũng đã từng mang giấc mơ Việt Nam, đã sống cuộc sống hàng ngày trong giấc mơ ấy và tuy sống rất đơn giản không có lương bổng, nhà cửa hay xe cộ riêng, nhưng chúng tôi đã tạo được tình huynh đệ và thành lập được những làng hoa tiêu cho phong trào xây dựng cộng đồng nông thôn, nâng mức sống của người dân quê lên trên bốn mặt kinh tế, tổ chức, giáo dục và y tế.Có tình huynh đệ, có giấc mơ mỗi ngày được thực hiện, chúng tôi đã không cần chạy theo giàu sang, danh vọng, quyền hành và sắc dục.Và tuy thời cuộc khó khăn, chúng tôi đã không buông bỏ giấc mơ.Và giấc mơ vẫn đang được tiếp tục trở thành hiện thực.

Hiến tặng cho nhau những gì tốt đẹp nhất

Chúng tôi không nghĩ rằng nếp sống văn hóa Việt Nam là nếp sống đẹp nhất, hay nhất mà các dân tộc khác đều phải bắt chước theo.Không! Chúng tôi biết là chúng tôi có thể học được rất nhiều cái hay cái đẹp từ các truyền thống văn hóa khác, và chúng tôi tin rằng cộng đồng nhân loại phải duy trì được tính đa dạng của nền văn hóa thế giới.Tuy nhiên chúng tôi cũng muốn đem những cái hay cái đẹp của nền văn hóa Việt Nam ra để chia sẻ và cống hiến cho các bạn khắp nơi.Tại Làng Mai, nơi chúng tôi sống chung với nhau, chúng tôi chia sẻ sự thực tập sống hạnh phúc thảnh thơi trong giây phút hiện tại với mọi người, chúng tôi giúp mọi người thấy được tính tương quan tương duyên của mọi hiện tượng và chúng tôi cũng giúp mọi người thấy được là ai trong chúng ta cũng có tổ tiên tâm linh và huyết thống, và tổ tiên chúng ta luôn luôn đang có mặt một cách hiện thực trong từng tế bào cơ thể của chúng ta, dù đó là tổ tiên huyết thống hay tổ tiên tâm linh.Con người một khi không tiếp xúc được với gốc rễ của mình thì không còn có thể sống có hạnh phúc.Vì vậy, nếp sống thờ phụng tổ tiên, ý thức rằng mình là sự tiếp nối của tổ tiên, rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó là một nếp sống truyền thống rất đẹp rất lành của văn hóa Việt Nam mà chúng tôi đã chia sẻ với rất nhiều người bạn tới từ những phương trời văn hóa khác nhau.Chiều hướng toàn cầu hóa sẽ có thể làm cho mất đi tính đa dạng của các nền văn hóa thế giới, vì vậy trong giấc mơ Việt Nam, chúng tôi quyết tâm gìn giữ bảo hộ những nền văn hóa địa phương.Có những người trong chúng tôi có cảm tưởng rằng toàn cầu hóa nghĩa là Mỹ hóa, và điều này thật là một sự đe dọa cho nền văn hóa đa dạng của nhân loại.

Khả năng chuyển hóa và biến dưỡng

Văn hóa Việt có những điểm đặc sắc giúp cho người Việt tiếp thu được những tinh hoa của các nền văn hóa khác mà vẫn không đánh mất bản sắc riêng của mình.Chúng ta từ một ngàn năm trước tây lịch đã được tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ, sau đó được tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, và trong những thế kỷ gần đây lại được tiếp xúc với nền văn hóa Tây phương.Vì chúng ta đã có bản sắc riêng cho nên chúng ta đã không bị đồng hóa bởi một nền văn hóa nào, trái lại chúng ta đã làm giàu được cho nền văn hóa chúng ta bằng cách chuyển hóa (bio-transform) và biến dưỡng (metabolize) được những cái hay cái đẹp của các nền văn hóa đó.Biến dưỡng mà không phải là đồng hóa.Có được những bản sắc riêng, văn hóa ta có thể hành xử như một cơ thể (organism) và như vậy mới có khả năng biến dưỡng như thế.

Một nét rất đặc biệt trong ngôn ngữ ta là tiếng Việt không có từ je tu của Pháp hoặc I you của Anh hoặc wo ni của Hoa.Đại danh từ tôi mà chúng ta sử dụng thực ra chỉ có nghĩa là người phụng sự (votre serviteur, your servant), và đại danh từ ông chỉ có nghĩa là tôn xưng người kia lên hàng trưởng thượng (ông là bố của cha). Người Việt trước khi nói chuyện với nhau phải thiết lập một liên hệ gia tộc mới có thể nói chuyện được.Ta chỉ có thể gọi người kia là mẹ, là cha, là anh, là chị, là cô bác, là ông bà, là em hay cháu, chứ không thể gọi họ là you hay là tu được.Và ta cũng phải hoặc là cháu, là em, là con, là chú hay là bác chứ không thể là je hay I.

Nhiều làng xóm của ta đã được thiết lập bởi những gia đình lớn, và khi lên xóm Thư ợng hay qua xóm Đoài, gặp ai, ta cũng thấy là người cùng một gia tộc.Ai cũng là bác cả, anh hai, chị ba hay là chú tư của ta. Không ai là người dư ng nước lã.Và đình làng là nơi tụ họp của đại gia đình, vị thần hoàng là người được tôn kính như một người cha có khả năng hướng dẫn và bảo hộ cho tất cả dân chúng trong làng và vì vậy lễ tế thần mỗi năm là một cơ hội để mọi người nhận diện nhau như thành phần trong một gia đình lớn.Ngoài đình làng ta còn có nhà thờ họ và chùa cũng là những nơi mà ta đến với nhau để nhận diện nhau như những người cùng có một gốc gác huyết thống hay tâm linh.Ai cũng thấy rằng mình là sự tiếp nối của tổ tiên, tổ tiên có mặt trong mình, mình có mặt trong tổ tiên và mình có mặt trong những thành phần khác trong cộng đồng cũng như mọi thành phần khác của cộng đồng đều có mặt trong mình.Vì vậy cho nên không thể có việc nồi da xáo thịt, củi đậu nấu đậu, mà chỉ có chuyện chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách, và giấy rách phải giữ lấy lề.Chính tuệ giác ấy và tinh thần ấy giúp ta tiếp thu và biến dưỡng được những yếu tố văn hóa khác trên thế giới.Chính tuệ giác ấy và nếp sống ấy đã tạo thành bản sắc của nền văn hóa Việt, chính những cái ấy giữ cho chúng ta còn là chúng ta, và chính những cái ấy là những gì mà ta có thể chia sẻ cho những người anh em thuộc các nền văn hóa khác.

Tương tức và liên lập

Giấc mơ Việt Nam là nếu trong gia tộc và trong cộng đồng ta biết đi tìm hạnh phúc chung mà không nghĩ rằng hạnh phúc là một cái gì riêng tư của một người, thì trên bình diện quốc tế ta cũng nghĩ và cũng làm được như vậy.Sự giàu thịnh của một quốc gia không thể nào được xây dựng trên sự nghèo khổ của những quốc gia khác.Giấc mơ Việt Nam của chúng ta không phải là một giấc mơ của riêng người Việt, mà là một giấc mơ cho cả hành tinh, tại vì ta biết rằng hạnh phúc và an ninh của ta và của người liên hệ mật thiết với nhau, tương lai là tương lai chung, hạnh phúc là hạnh phúc chung và an ninh cũng là an ninh chung, nên mọi người trong chúng ta đều tập nhìn bằng cái nhìn đại đồng mà không chỉ biết lo cho cái ngã của bản thân mình, của quốc gia mình, theo cái kiểu 'ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi .'Chúng ta tập thương yêu theo tinh thần không kỳ thị, ta yêu ta mà ta cũng yêu được người, ta yêu nước ta mà cũng yêu được nước người, ta không còn kỳ thị và mặc cảm, tự cho mình là hơn người, thua người hay bằng người, tại vì ta đã thấy được rằng ta và người là bất nhị.Có cái nhìn vô phân biệt ấy rồi thì tình nhân loại, tình huynh đệ mới thật sự có mặt. Và câu người bốn biển là anh em (tứ hải giai huynh đệ) không còn là một ước mơ nữa.Vì vậy ta không đi theo hướng tranh đua để dành quyền lợi, giàu sang và thế lực cho chỉ một mình ta mà ta muốn cùng các quốc gia khác nắm tay đi lên trong tình huynh đệ, để có thể nhận thấy rằng hòa bình, an ninh và thịnh vư ợng của các nước khác cũng là hòa bình, an ninh và thịnh vư ợng của chính nước ta, và như vậy là ta nh ắm tới hướng liên đới (trong đạo Bụt gọi là tương tức hay tương quan tương duyên)mà đi. Khi các quốc gia cùng thấy được như thế thì không còn ai muốn lấn đất của ai, cướp giật chủ quyền của ai hoặc xâm chiếm lãnh thổ của ai. Chúng ta sẽ không cần tự bảo hộ bằng vũ khí, quân sự và quyền lực của mình mà bằng tinh thần liên đới và tình huynh đệ. Chúng ta không ai muốn làm bá chủ.Chúng ta chỉ muốn làm 'những nước anh em 'của nhau.Ta không bế môn tỏa cảng, ta không tự giam mình trong hải đảo cô đơn, ta mở cửa ra cho nhau để ai cũng có cơ hội thấy mình là một thành phần của cộng đồng thế giới.Đây đích thực là đại đồng,và đại đồng ở đây không phải là toàn cầu hóa, vì ở đây mỗi vùng văn hóa còn giữ được bản sắc riêng biệt của mình.Hiện có những nước rất giàu mạnh, vũ khí hàng đầu, quân lực đông đảo, ngân sách quốc phòng của họ vượt quá ngân sách giáo dục và xã hội, nhưng dân chúng đang sống trong phập phồng lo sợ về khủng bố, bởi vì chính sách của những nước này căn cứ trên ý niệm tự phụ, tự hào, nghĩ rằng mình không cần đến ai, mình chỉ biết lo cho cái lợi của chính mình, mình tự cho mình là khuôn mẫu của tự do, của văn minh, của dân chủ cho các nước khác và không chấp nhận được rằng mình đang cần tới những nước khác để thực sự có phát triển, tự do và an ninh.Giấc mơ của ta không đi về hướng ấy. Hướng ấy là hướng của chia cách, chiến tranh và hận thù.Ta không nên đi về hướng ấy, như nhà thơ Hoàng Cầm đã nói: 'Ta ru em, lớn lên em đừng đi tìm mẹ phía cơn mưa.'(1)

Bảo tồn để còn sử dụng được mãi

Giấc mơ của ta phải là một giấc mơ có khả năng trở thành hiện thực.Ta không thể vừa chạy theo hướng khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế vừa mong có thể bảo hộ sinh môi ; vừa khai thác sức lao động và giành giật tài nguyên của những quốc gia khác vừa mong được sống an lành một mình mà không gây hận thù và bất công xã hội.Ta phải tập sống đơn giản lại. Sống đơn giản, không tiêu thụ nhiều, nhưng có hạnh phúc.Chuyện này nhiều người đã làm được và đang làm được.Chúng tôi cũng đang tập sống như thế đó.Không có ai trong chúng tôi có trương mục ngân hàng riêng, điện thoại riêng hay dự tính tương lai riêng, vậy mà chúng tôi rất hạnh phúc, bởi vì chúng tôi sống có tình huynh đệ, ngày nào cũng có cơ hội tạo được niềm vui cho mình và cho người, sống với một giấc mơ đang từ từ mỗi ngày được trở nên sự thực.Chúng tôi học sống sâu sắc trong phút giây hiện tại, tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống trong phút giây hiện tại, thấy được kho tàng của niềm vui ngay trong phút giây hiện tại.

Cho nên trong chúng tôi không ai còn muốn chạy theo hướng danh vọng, tiền tài, quyền hành và sắc dục nữa.Trong giới trẻ Tây phương và Đông phương đã có nhiều người thấy được như thế và đang đi theo con đường đó, và cương quyết sống như thế nào để cho hành tinh xanh xinh đẹp này vẫn còn được xinh đẹp lành lặn, không bị tàn hại bởi lòng tham và ý muốn khai thác không nương tay những tài nguyên của trái đất. Muốn cho muôn loài có một tương lai, chúng ta phải sống như thế nào để bảo hộ được trái đất, sử dụng tài nguyên thiên nhiên như thế nào mà tài nguyên ấy không bao giờ bị khô cạn (người Tây phương gọi đó là sustainable development).

Cởi Mở Bao Dung, Buông Bỏ Thái Độ Giáo Điều

Giấc mơ Việt Nam là người Việt dù theo một truyền thống tâm linh hay tôn giáo nào, dù có tín mộ cách mấy vào truyền thống ấy, cũng không có thái độ coi thư ờng và chê bai những truyền thống khác, cũng không bao giờ tự cho mình là đã nắm được chân lý còn những kẻ khác là những kẻ đang đi lạc đường.Cũng như khi ta rất thích ăn một loại trái cây như trái xoài, ta không nghĩ rằng chỉ có xoài là ngon, là đáng ăn, còn những trái cây khác không có giá trị, cần phải vứt bỏ ... Cũng như khi ta cho cơm Việt là ngon, ta không chê cơm Tàu, cơm Tây, cơm Ý là dở.Mỗi truyền thống có những đặc sắc của họ, và trong khi ta theo một truyền thống ta vẫn có thể học hỏi và thừa hư ởng được những cái hay cái đẹp của các truyền thống khác.Khi ta tu Thiền, ta không mạt sát Tịnh Độ; khi ta tu Tịnh Độ, ta không mạt sát Thiền.Nếu một người con trai Cơ đốc giáo đã yêu một cô gái Phật giáo, người con trai ấy không bắt người yêu của mình phải bỏ Phật giáo.Trái lại người con trai ấy để cho người yêu của mình tiếp tục thực tập theo truyền thống Phật giáo, và mình cũng bắt đầu học hỏi và tham dự vào những sinh hoạt tâm linh của người mình yêu, như đi chùa, nghe Pháp, dự khóa tu, ngồi thiền, dự ngày chánh niệm, thực tập sám hối.Và người mình yêu cũng sẽ không bắt mình theo đạo Bụt, trái lại, người mình yêu cũng đi nhà thờ với mình và bắt đầu học hỏi những gì hay và đẹp trong truyền thống Cơ đốc của mình.Thay vì có một gốc rễ tâm linh, ta có tới hai gốc rễ, và hai cái ấy không cần phải đối kháng nhau.Bụt Thích Ca là một vị đạo sư, chúa Ki Tô cũng là một vị đạo sư. Ta có thể học được rất nhiều từ cả hai vị.Ta chỉ tiếp nhận và học hỏi được những gì mà ta có thể tiếp nhận và học hỏi, và ta có thể bỏ ra ngoài những gì ta cho là đã được thêm thắt vào sau, không thực sự thiết yếu trong sự hành trì.Ví dụ học Phật, ta có thể đem áp dụng tứ diệu đế, bát chánh đạo, tam pháp ấn, tứ niệm xứ, v.v ..., vào đời sống hàng ngày của ta. Ta không cần phải tin những chuyện như thái tử Siddhartha sinh ra từ phía hông phải của hoàng hậu Ma-gia và khi mới sanh đã có thể bước đi bảy bước và tuyên bố: 'Trên trời dư ới đất chỉ có mình ta là tôn quý hơn cả.'Ta có thể cho những chi tiết ấy là không quan trọng, là do người đời sau thêm thắt vào.Còn khi ta đọc Phúc Âm, ta cũng chỉ cần học những đạo lý mà đức Ki Tô dạy trong đời sống hàng ngày và trong cách tiếp xử, mà không bắt buộc phải tin rằng đức Maria là mẹ đồng trinh, rằng Thư ợng Đế có hình dáng con người, nắm hết quyền quyết định và thư ởng ph ạt... Thomas Jefferson, người đã so ạn thảo bản Tuyên Bố độc Lập của Hiệp Chủng Quốc và cũng là tổng thống Hoa Kỳ từ 1801 đến 1809, đã đọc Phúc Âm (ấn bản King James) theo tinh thần đó, đã loại ra những gì tạp nh ạp mà người sau thêm thắt vào trong Thánh Kinh, và đã giữ lại những tinh túy của giáo lý do đức Ki Tô truyền dạy để làm ra cuốn The Life and Morals of Jesus of Nazareth,sau này được người ta gọi là Jefferson Bible.

Tổng thống Jefferson bắt đầu làm công việc này trong nhiệm kỳ tổng thống đầu của ông, và mỗi đêm, sau khi công việc trong ngày đã được hoàn tất. Cũng giống như vua Trần Thái Tông tuy bận rộn chính sự ban ngày, ban đêm vẫn để thì giờ nghiên cứu Phật học và tọa thiền.Bản thảo của cuốn thánh kinh này được tổng thống sử dụng để hành trì, và tổng thống cũng đã có thì giờ dịch nó ra thành tiế ng La tinh và tiế ng Pháp.Bản thảo này phải đợi đến năm 1904 mới được buổi họp quốc hội thứ 57 cho lệnh đem đi xuất bản, và mỗi nghị sĩ và thư ợng nghị sĩ trong quốc hội Hoa Kỳ đã được tặ ng cho một cuốn.

Trong một lá thơ gởi cho bạn là John Adams mư ời năm sau đó, ngày 24.1.1814, tổng thống tâm sự với bạn tại sao ông phải 'lọc lại'thánh kinh như thế. Ông viết: 'Trong Phúc Âm, rõ ràng là có những đoạn những phần nói lên được tinh thần của một con người phi thư ờng, còn những đoạn khác phần khác là do những bộ óc rất hạ liệt thêm vào.Chọn lấy những phần thật và loại bỏ những phần giả ra ngoài, công việc này cũng dễ như nh ặt những hạt kim cương từ một đống rác'. Nếu ta biết làm như Thomas Jefferson, ta có thể học hỏi và thừa hư ởng được từ bất cứ truyền thống tâm linh nào, và vì vậy ta không còn chống đối hay kỳ thị một truyền thống nào khác, trái lại ta có thể giúp cho việc thanh lọc được truyền thống của chính ta và giúp cho các bạn của những truyền thống khác thanh lọc được truyền thống của chính họ.Thái độ cởi mở và bao dung này đưa tới sự xây dựng tình huynh đệ, xóa bỏ mọi kỳ thị, và đây là công tác căn bản cho hòa bình thế giới.

Bao nhiêu cặp thanh niên đã sa vào tình trạ ng bế tắc tuyệt vọng, bao nhiêu thanh niên đã tự tử cũng vì thái độ giáo điều và hẹp hòi đó, cho nên chúng ta phải mở cho họ một con đường thoát. Tại Đạo Tràng Mai Thôn nơi tôi cư trú, các bạn gốc Do Thái Giáo, Tin Lành, Công Giáo, Anh Quốc Giáo, Ấn Độ Giáo, và cả Hồi Giáo nữa, đã đến thực tập và sống chung trong tinh thần này.Có những vị linh mục Công giáo ngồi thiền rất giỏi, có những vị mục sư Tin Lành thuyết pháp rất hay, có vị đã từng tiếp nhận năm giới và ba quy nhưng không thấy điều này có gì chống đối với giáo lý Ki Tô đích thực.Các thầy và các sư cô của đạo tràng Mai Thôn cũng có học Phúc Âm như họ đã học khoa học, và họ cũng đã từng đi tham dự những sinh hoạt tu tập và trao đổi tại các tu viện Cơ đốc giáo ở Pháp, ở Hoa Kỳ và ở nhiều nước Âu Châu khác.

Ði Qua Cầu HIỂU Tới Cầu THƯƠNG

Giấc mơ Việt Nam là giấc mơ trong ấy người trẻ khi yêu nhau có cơ hội tìm hiểu nhau và khi tìm hiểu nhau họ tìm hiểu được chính mình. Tình yêu là một cơ hội để ta tự hiểu được mình, để thấy được cội nguồn của mình, những khó khăn, những khổ đau, những hạnh phúc và những ước vọng sâu xa nhất của tổ tiên mình và của chính mình. Nhu yếu hiểu được đi đôi với nhu yếu thương,bởi vì nếu không hiểu nhau ta sẽ không thương yêu nhau được một cách đích thực và lâu dài. Vì vậy khi yêu nhau ta không đưa chuyện tình dục lên hàng đầu. Ta tôn kính nhau; ta thấy được rằng trong truyền thống văn hóa ta, thân với tâm là nhất như,nếu ta không tôn kính thân thể của người yêu thì ta cũng không tôn kính được tâm hồn của người ấy. Yêu nhau cũng là giữ gìn cho nhau; chừng nào sự kính trọng còn thì Đi qua cầu hiểu tới cầu thương

Giấc mơ Việt Nam là giấc mơ trong ấy người trẻ khi yêu nhau có cơ hội tìm hiểu nhau và khi tìm hiểu nhau họ tìm hiểu được chính mình. Tình yêu là một cơ hội để ta tự hiểu được mình, để thấy được cội nguồn của mình, những khó khăn, những khổ đau, những hạnh phúc và những ước vọng sâu xa nhất của tổ tiên mình và của chính mình. Nhu yếu hiểu được đi đôi với nhu yếu thương,bởi vì nếu không hiểu nhau ta sẽ không thương yêu nhau được một cách đích thực và lâu dài. Vì vậy khi yêu nhau ta không đưa chuyện tình dục lên hàng đầu. Ta tôn kính nhau; ta thấy được rằng trong truyền thống văn hóa ta, thân với tâm là nhất như,nếu ta không tôn kính thân thể của người yêu thì ta cũng không tôn kính được tâm hồn của người ấy. Yêu nhau cũng là giữ gìn cho nhau; chừng nào sự kính trọng còn thì tình yêu vẫn còn, chừng nào sự rẻ rúng xem thường bắt đầu xảy ra thì ta biết là tình yêu đã bị đe dọa. (Truyện Kiều: trong khi chắp cánh liền cành, mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.)

Muốn cho tình yêu là một tình yêu lớn và muốn cho tình yêu bền vững, người con gái phải biết tự giữ gìn và người con trai cũng phải biết bảo hộ cho người con gái. Sự thực tập này làm cho tình yêu càng ngày càng đẹp, càng cao quý. Bảo hộ là bảo hộ cho chính hạnh phúc lâu dài của mình. Mà bản chất của sự bảo hộ là sự tương kính. Bất cứ một lời nói hay một cử chỉ nào của mình cũng phải biểu lộ sự tương kính ấy. Những gì sâu kín nhất trong tâm hồn ta, kể cả những nỗi khổ niềm đau, chúng ta thường không chia sẻ với bất cứ ai. Chỉ khi gặp người tri kỷ có khả năng hiểu được ta, ta mới mở lòng ta cho người ấy. Với thân thể của ta cũng vậy. Có những vùng thiêng liêng và riêng tư của cơ thể, ta không muốn ai chạm tới, chạm tới tức là xúc phạm đến cả con người ta. Ta chỉ có thể chia sẻ, phó thác hình hài ta cho người ta tin cậy nhất trên đời, người mà ta nguyện sống với trọn đời trọn kiếp. Trong hoàng cung, có một nơi cư trú của vua mà không ai được lãng vãng tới nếu không có phép, kể cả vị đại thần lớn nhất trong triều. Nơi ấy gọi là tử cấm thành. Ai lọt vào mà không có phép thì có thể bị chém đầu. Cơ thể ta cũng linh thiêng như thế và phải được bảo hộ nghiêm mật như thế. Càng bảo hộ nghiêm mật thì phẩm giá ta càng cao và tình yêu càng lớn. Sở dĩ cuộc tình của Trương Quân Thụy và Thôi Oanh Oanh đã thất bại, là tại vì hai người đã không biết bảo hộ cho nhau, dù họ là một cặp trai tài gái sắc ít ai sánh kịp. (Truyện Kiều: mây mưa đánh đổ đá vàng, quá chiều nên đã chán chường yến anh.)Tại các thành phố lớn của nước ta trong mấy năm nay, con số của các nàng Thôi Oanh Oanh cứ tăng lên vùn vụt. Số lượng những bạn trẻ phá thai mỗi năm làm chúng ta e ngại. Đó là tại vì chúng ta đã không trao truyền và học hỏi được truyền thống 'thân tâm nhất như'ấy.

Không có gì đẹp bằng tình yêu chân thật, trong tình yêu chân thật ta không làm cho nhau lo lắng, buồn khổ, giận hờn, trái lại ta có khả năng hiến tặng niềm vui và làm vơi nỗi khổ của người ta yêu. Nhờ hiểu cho nên ta biết thương, và ta không tước đoạt niềm vui, sở thích và cảm hứng của người ta yêu, ta không ép buộc người ta yêu phải suy nghĩ như ta, hành xử như ta, ưa thích như ta, mà ta để cho người yêu của ta còn giữ được quyền tự mình là mình. Trong tình yêu chân thật, không còn có sự kỳ thị, hai người cùng có chung một tương lai, khổ đau của người yêu chính là khổ đau của mình, hạnh phúc của mình cũng là hạnh phúc của người yêu. Trong tình yêu chân thật ta luôn nghĩ tới mọi cách để giúp người yêu thực hiện được những hoài vọng, những thao thức lý tưởng của người ấy như đang làm cho chính ta, và người ấy cũng sẽ yểm trợ cho ta như thế. Tình yêu của chúng ta sẽ không bị tôn giáo hay chủ thuyết giới hạn và cấm đoán. Khi ta thực sự có hạnh phúc trong tình yêu ta sẽ có khả năng tạo hạnh phúc cho nhiều người. Tình yêu ấy sau này không những sẽ ôm trọn được giống nòi mà còn ôm trọn được nhân loại, bởi vì tình yêu có tính cách của một cơ thể, nó có thể lớn mãi không ngừng để một ngày kia ôm trọn được cả thái hư. Tình yêu này trong đạo Bụt được gọi là tâm không biên giới (vô lượng tâm).

Yêu Nhau là Hiểu Nhau, Chia Sẻ Hoài Bão Cho Nhau

Này người bạn trẻ, trong tình yêu chân thật, khi yêu ai, anh (hay chị) có ước muốn được chia sẻ cuộc đời của mình với người ấy, và muốn sống với người ấy cho đến trọn đời. Vì vậy anh hãy xét đoán cho cẩn thận, đừng vì những đam mê ban đầu mà đi vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm có thể gây thương tích và tàn hại cho anh, và cho gia đình anh, hoặc cho chị và cho gia đình chị. Tiếng sét tình ái có thể làm cho anh (chị) choáng váng lúc ban đầu, nhưng anh (chị) phải tự gượng lại sau đó. Những đam mê của buổi ban đầu có thể làm cho anh mất ăn, mất ngủ, không học hành gì được, bỏ bê cả nhiệm vụ mình, làm cho anh ốm o, gầy mòn, mất đi từ ba tới năm ký! Gỡ ra cho được, anh (hoặc chị) cũng có thể mất đi nhiều ký! Anh có trí tuệ, có nhận xét; chị có trí tuệ, có nhận xét. Anh (chị) phải sử dụng trí tuệ ấy và khả năng nhận xét ấy. Nếu trong liên hệ tình yêu hai người thường làm khổ nhau, nếu mối tình ấy đưa lại nhiều hệ lụy và buồn giận thì anh (chị) nên biết rằng có một cái gì không đúng trong mối liên hệ tình cảm ấy. Cái ấy có thể là hai người không thực sự truyền thông được với nhau, không biết lắng nghe nhau, không có khả năng chia sẻ những nỗi khổ niềm vui của nhau cho nhau, và vì vậy có nhiều khi anh (hay chị) cảm thấy có một sự bế tắc.

Này người bạn trẻ, anh (hay chị) đừng để cho những cái bề ngoài hào nhoáng bịt mắt anh. Cái nhan sắc kia, cái bằng cấp kia hoặc cái địa vị xã hội kia không đủ để anh (hoặc chị) đầu tư hết cả cuộc đời của mình vào đó. Anh hoặc chị chỉ có thể có hạnh phúc chân thật một khi, trong tình yêu, người kia có khả năng hiểu được mình, hiểu được những khó khăn, những niềm đau nỗi khổ của mình, những ước vọng và hoài bão thâm sâu của mình và yểm trợ được mình trên con đường lý tưởng. Nếu người ấy không biết lắng nghe anh, nếu trong khi anh nói người ấy cứ cắt lời anh, đó là một dấu hiệu là người ấy không có khả năng hiểu được anh và người ấy có thể làm cho anh (hoặc chị) khổ suốt đời.

Anh hoặc chị hãy can đảm tự hỏi mình: 'Người ta yêu có khả năng hiểu được những khó khăn, những nỗi khổ niềm đau của ta hay không? Người ta yêu có khả năng thấy được những ước vọng, những hoài bão sâu kín nhất của ta hay không? Người ta yêu có quan tâm đến sự an vui hàng ngày của ta hay không? Người ta yêu có thể là người bạn đường nâng đỡ ta suốt đời trên đường sự nghiệp không?'Bạn hãy trả lời những câu hỏi ấy cho thành thật. Nếu câu trả lời là không, thì bạn hãy sớm tìm cách tháo gỡ mình ra khỏi tình trạng ấy, càng sớm càng hay. Và bạn cũng nên tự hỏi mình: 'Ta có khả năng hiểu được những khó khăn, những nỗi khổ niềm đau của người ta yêu không? Ta có khả năng thấy được những ước vọng và những hoài bão sâu kín của người ta yêu không? Ta có quan tâm tới sự an vui hàng ngày của người ấy không? Ta có ước muốn làm người bạn đường nâng đỡ người ấy suốt đời trên đường sự nghiệp của người ấy không?'Nếu câu trả lời là không, thì bạn đang không thực sự yêu người ấy. Bạn chỉ đang chạy theo những cái hào nhoáng bên ngoài của người ấy mà thôi.

Có một người thanh niên thông minh, đẹp trai, tốt nghiệp từ một trường đại học nổi tiếng tại Hoa Kỳ và đang có một sở làm rất tốt, lương cao. Người thanh niên này còn sống với mẹ. Chàng có rất nhiều cô bạn gái xinh đẹp mà chàng thường hay mời về nhà chơi, và họ thường được mẹ chàng mời ở lại ăn cơm chiều. Trong số các cô bạn gái, chàng đặc biệt chú ý tới một người mà mẹ chàng nghĩ rằng không phải là cô gái xinh nhất. Cô này tên là Thảo. Có một hôm bà cụ hỏi chàng: 'Mẹ thấy con có nhiều cô bạn rất xinh, nhưng mẹ không biết tại sao con không chọn một trong số những cô ấy mà lại đặc biệt có cảm tình nhiều với con Thảo? Theo mẹ, thì con Thảo hơi thấp và nước da lại không được trắng như những cô kia.'

Chàng thanh niên không biết trả lời ra sao. Đúng là Thảo không xinh đẹp bằng các cô kia, nhưng chàng đã yêu Thảo. Sáng ngày hôm sau, khi thức dậy, chàng tìm ra được câu trả lời. Chàng nói với mẹ: 'Thưa mẹ, con yêu Thảo tại vì Thảo là người hiểu con hơn hết trong số các bạn gái của con.'Chàng đã nói đúng. Khi mình có cảm giác được hiểu là mình có cảm giác được thương. Chàng thanh niên này tuy tốt nghiệp về khoa học nhưng rất sính làm thơ. Và chỉ có Thảo mới có cái say mê ngồi nghe chàng đọc thơ và nói về thơ chàng, lại còn có khả năng diễn đạt cái thấy và cái hiểu của mình đối với những bài thơ đó. Người hiểu mình là người tri kỷ của mình. Người mình yêu phải là một người tri kỷ thì mình mới thật sự có hạnh phúc.

Vun Bón Cho Nhau

Tình yêu cũng giống như một loài hoa, phải được nuôi dưỡng mới có thể lớn lên và tồn tại lâu dài. Không có gì sống được nếu không có thực phẩm. Anh (hay chị) phải biết sử dụng những loại thực phẩm thực sự cần thiết cho sự nuôi dưỡng của tình yêu ấy và phải biết nuôi nó mỗi ngày. Nếu không thì tình yêu sẽ chết, sẽ trở thành chua chát, giận hờn, tuyệt vọng và hận thù. Hãy chăm sóc cho người yêu của mình như chăm sóc một bông hoa. Phải học che chở, bảo vệ, không bao giờ được nặng tay hay nặng lời. Lời nói cũng như hành động của ta có thể gây thương tích nơi người yêu của ta, hoặc làm cho những thương tích có sẵn trở nên trầm trọng hơn nơi tâm hồn người ấy.

Người ta yêu có thể đã trải qua những trận giông tố phũ phàng từ hồi còn ấu thơ, có thể đang mang trong người những nỗi khổ niềm đau mà ta cần phải nhận diện, để ta đừng làm cho những vết thương ấy rướm máu trở lại, và để ta có thể giúp cho người ấy chữa lành được những thương tích xưa. Tình yêu chân thực bao giờ cũng có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu! Bạn là một người có chân tình, bạn có thể làm được việc ấy. Bạn phải biết lắng nghe, phải có khả năng và thì giờ để lắng nghe người yêu của bạn. Bạn phải hiến tặng cho người yêu của bạn món quà lớn nhất của tình yêu: được hiểu và được chăm sóc trong quá trình trị liệu thân tâm.

Nếu người yêu của bạn có những tập khí (thói quen) thường nói và làm những điều có thể gây thương tích và đổ vỡ thì bạn cũng có thể có những tập khí như thế. Bạn hãy coi chừng. Những cái tập khí ấy thường mạnh hơn cả ta, nó xúi ta nói và làm những cái mà chính ta không muốn nói muốn làm, bởi vì trong những lúc ta bình tĩnh ta biết rất rõ rằng nói những câu như thế, làm những cử chỉ như thế thì sẽ có sự đổ vỡ. Vậy mà khi đối diện với một tình trạng bất ngờ ta vẫn nói vẫn làm như thường, để rồi sau đó ta bứt tóc đấm ngực tự hỏi tại sao ta đã dại dột nói như thế và làm như thế!

Những tập khí ấy, những thói quen ấy có thể đã được trao truyền lại cho bạn từ các thế hệ đi trước, nghĩa là từ ông, bà hoặc cha mẹ. Nếu bạn không chuyển hóa được chúng thì bạn cũng sẽ trao truyền chúng lại cho con cháu của bạn, rất tội nghiệp cho họ. Cách hay nhất để đối trị là nhận diện và mỉm cười với các tập khí ấy mỗi khi chúng bắt đầu xuất hiện. Bạn biết nếu bạn không làm chủ được bạn thì bạn sẽ bị các tập khí ấy kéo đi và thúc đẩy bạn nói và làm những cái có thể làm tan vỡ tình nghĩa. Vì vậy khi năng lượng của tập khí bắt đầu phát khởi, bạn hãy trở về với hơi thở, chú ý tới hơi thở, thở những hơi thật dài, thật sâu, và nói với tập khí của bạn: 'Tập khí của ta ơi, ta biết mi đang phát khởi, ta sẽ chăm sóc cho mi, và mi sẽ không làm chủ được ta lần này đâu.'Bạn chỉ cần nhận diện nó, bạn không cần phải vật lộn với nó. Đây là một phương pháp rất thần hiệu, gọi là 'nhận diện đơn thuần'. Khi tập khí được bạn nhận diện, nó không còn đủ sức sai sử bạn nữa. Và nếu bạn thực tập liên tục, tập khí ấy sẽ yếu dần, và một ngày kia bạn có thể chuyển hóa nó một cách hoàn toàn, để bạn có tự do.

Bạn có thể tâm sự với người yêu của bạn, xin với người ấy là mỗi khi thấy tập khí ấy bắt đầu lộ diện thì báo cho bạn biết và nhắc cho bạn thực tập. Và bạn cũng hứa làm như thế với người yêu: mỗi khi người ấy sắp bị tập khí lôi kéo thì bạn nhẹ nhàng nhắc người ấy ý thức và thực tập nhận diện nó. Như vậy bạn và người yêu của bạn sẽ tránh được những xung đột đổ vỡ, và tình yêu càng ngày càng bền chặt.

Yêu nhau, chúng ta cũng cần giúp nhau nuôi dưỡng những tập khí tốt. Ví dụ thói quen biết lo lắng cho nhau, biết lắng tai nghe người yêu mà đừng ngắt lời hoặc chê trách khi chưa nghe hết. Ví dụ thói quen hỏi thăm về sự an vui của người yêu trong những ngày qua. Ân cần chăm sóc người yêu, biết tới những khó khăn buồn khổ của người yêu để an ủi, để chia sẻ, biết công nhận những gì hay, đẹp và tài giỏi của người yêu, đó là những thực phẩm cần thiết để nuôi dưỡng tình yêu. Người yêu của bạn có những hạt giống của khổ đau trong tâm thức, nhưng cũng có những hạt giống của hạnh phúc. Nói và làm những gì có thể tưới tẩm những hạt giống của giận hờn, tủi hận, ganh tỵ, đam mê, nghi ngờ, v.v..., nghĩa là những hạt giống xấu trong người yêu, bạn làm cho người yêu khổ và bạn cũng sẽ khổ theo người yêu. Bạn phải tự nhủ: 'Người yêu của ta có những hạt giống ấy trong tâm, ta nguyền không tưới tẩm chúng. Trái lại, mỗi ngày ta phải tưới tẩm những hạt giống tốt nơi người yêu của ta, những hạt giống tài năng, niềm tin, sự bao dung, tính đảm đương, lòng dễ dàng tha thứ, khả năng biết hy sinh, niềm vui, niềm hy vọng, tinh thần trách nhiệm.'Bạn có biết không? Một giờ tưới tẩm hạt giống tốt nơi người yêu đủ làm cho người yêu nở như một bông hoa rồi. Chúng tôi thường gọi phương pháp này là phương pháp tưới hoa. Tưới hoa chứ không phải tưới rác. Tưới rác thì người kia sẽ khổ. Và bạn cũng sẽ khổ. Tưới hoa thì người kia sẽ hạnh phúc, và bạn cũng sẽ có hạnh phúc. Tưới hoa không phải là nịnh. Đó chỉ là công nhận những cái gì tích cực đang có, khuyến khích sự phát triển lớn mạnh của những cái đang có ấy. Phương pháp này mầu nhiệm lắm, bạn hãy thí nghiệm đi. Bạn có thể nói với người yêu: 'Anh (hoặc em) có những hạt giống yếu kém, như ghen tuông, giận hờn, tủi thân. Nếu thương anh (em) thì xin em (anh) đừng tưới tẩm những hạt giống ấy nơi anh (em). Tưới tẩm thì anh (em) sẽ khổ, và anh (em) sẽ làm khổ em (anh). Em (anh) hứa đi, em (anh) hứa sẽ không tự tưới tẩm những hạt giống tiêu cực như bạo động, hận thù, nghi kỵ trong em (anh), và trong anh (em). Anh cũng hứa sẽ làm như thế. Chúng ta cùng nâng đỡ nhau trên con đường thực tập.'Yêu không phải chỉ là hưởng thụ sự tươi mát và hạnh phúc. Yêu là nuôi dưỡng, bảo hộ, chuyển hóa để sự tươi mát và hạnh phúc ấy càng ngày càng lớn mạnh và có mặt lâu dài.

Thiếu Phụ Nam Xương

Bao nhiêu cuộc tình đã đổ vỡ vì tri giác sai lầm. Cho nên bạn phải cẩn thận lắm mới được. Những gì mình nghe, những gì mình thấy có thể không phải là sự thực. Trong giới y khoa ngày nay, người ta ưa nói: 'Dầu bạn có chắc chắn là chẩn đoán của bạn đúng, bạn cũng nên kiểm chứng thêm một lần nữa'(even if you are sure, please check it again). Bao nhiêu bệnh nhân đã mất mạng vì những chẩn đoán sai lầm. Bạn phải hỏi lại người yêu của bạn bằng một giọng trầm tĩnh: 'Có phải là sự thực đã xảy ra như thế hay không? Tại sao anh (em) đã làm như thế, đã nói như thế? Anh (em) hãy nói cho em (anh) nghe đi?'Người yêu của bạn sẽ có cơ hội để giúp bạn thấy rõ sự thực. Nếu đã vì vụng về, mà đã làm đã nói những điều ấy thì người yêu của bạn sẽ có dịp để xin lỗi. Và nếu bạn đã có hiểu lầm thì bạn có cơ hội điều chỉnh nhận thức của bạn. Phương pháp thực tập này quan trọng lắm. Bạn đừng có vì tự ái mà trở nên lạnh lùng, hất hủi người yêu, tránh né người yêu, muốn chứng tỏ rằng ta đây không cần ai cả, không có người kia thì ta cũng không sao. Đó là thái độ khờ dại nhất.

Bạn có nhớ chuyện thiếu phụ Nam Xương không? Em bé nói với chàng Trương là chàng Trương không phải là bố nó, bố nó là một người khác, mỗi đêm thường đến chuyện trò với mẹ nó, nghĩa là với thiếu phụ Nam Xương. Và chàng Trương tin rằng trong khi mình còn ở trong quân ngũ, vợ mình đã có ngoại tình. Nghĩ như thế cho nên chàng trở nên lạnh lùng, không nhìn vợ, không trả lời những câu hỏi của thiếu phụ Nam Xương, từ khi nàng đi chợ về. Mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên, chàng Trương đã thắp hương khấn nguyện, báo tin với tổ tiên là mình đã được sống sót từ chiến trận trở về, nhưng không cho phép vợ chàng ra lạy, bởi chàng đã quá tin đứa bé, nghĩ rằng vợ đã ngoại tình. Cúng xong, chàng Trương không ăn cơm, bỏ ra ngoài quán rượu, muốn dìm chết niềm đau và nỗi tuyệt vọng của mình trong đáy cốc rượu.

Trong khi đó thì thiếu phụ Nam Xương vô tội. Chẳng có ai từng đến mỗi đêm như đứa bé đã nói. Mỗi đêm, nàng đã chỉ nói chuyện với chiếc bóng của chính mình in trên vách nhà. 'Anh đi ra mặt trận lâu quá, không biết sống chết thế nào. Một mình ở nhà làm sao em có thể nuôi con!'Nói rồi nàng khóc. Nàng dạy đứa bé chào chiếc bóng trên tường, và dạy nó gọi chiếc bóng đó là bố! Bởi vì đứa bé một hôm nọ vào làng chơi, đã về hỏi mẹ: 'Mẹ ơi, đứa nào trong xóm cũng có bố, tại sao con không có bố? Bố con ở đâu?'Thiếu phụ Nam Xương chỉ vào chiếc bóng trên tường, nói với con đó là bố. Và em bé thơ ngây đã tưởng chiếc bóng ấy là bố của nó thực. Nghe em bé nói, trái tim chàng Trương trở nên một khối băng. Niềm đau quá lớn, cho nên tự ái cũng tổn thương khá nặng. Khi thiếu phụ Nam Xương đi chợ về, nếu chàng biết phương pháp thực tập, chàng sẽ dẹp tự ái ra một bên, và đến hỏi nàng: 'Anh rất đau khổ. Con nó nói là trong thời gian anh còn đang ở trong quân ngũ, có một người đàn ông đêm nào cũng tới, và em đã bắt con gọi ông ta là bố? Em ơi, anh đã làm gì nên tội, để bị em đối xử như thế? Người ấy là ai, em nói cho anh nghe đi, em giải thích cho anh nghe đi, tại sao em đã làm như thế?'Nếu chàng Trương làm được như thế, thì thiếu phụ Nam Xương đã có cơ hội giải tỏa những hiểu lầm, và gia đình tránh được bi kịch. Thiếu phụ Nam Xương cũng có nhiều tự ái lắm, và tự ái đó đã không cho nàng tới với chàng để hỏi: 'Anh ơi, em đã làm nên tội tình gì để bị anh đối xử như thế? Tại sao từ lúc em đi chợ về, anh không thèm nhìn em, hỏi gì anh cũng không nói, và anh lạnh như một tảng băng? Vì lý do gì anh không cho em lạy trước bàn thờ? Vì lý do gì sau lễ cúng anh bỏ ra ngoài quán rượu?'Nếu nàng đã làm được như thế, thì chàng Trương cũng đã có dịp nói ra, và để nàng có dịp điều chỉnh nhận thức của chàng.

Này người bạn trẻ, khi yêu anh đừng để cho tự ái chận đường, chị đừng để cho tự ái chận đường. Tôi không muốn anh chị lặp lại cái lầm lỡ của chàng Trương và thiếu phụ Nam Xương. Ba hôm lạnh lùng, đủ để thiếu phụ Nam Xương tuyệt vọng. Nàng đã nhảy xuống sông tự tử. Có nỗi khổ niềm đau nào, anh cũng phải nói cho người yêu nghe, dù anh tin rằng nỗi khổ niềm đau đó là do người yêu anh gây ra. Chị cũng phải làm như thế. Tri giác sai lầm giết chết tình thâm. Bạn phải biết thực tập để cứu lấy tình yêu khi tình yêu lâm nguy.

.....................

Ghi chú: (1) Hoàng Cầm. Về Kinh Bắc

--- o0o ---

Nguồn: http://www.langmai.org

Trình bày: Nhị Tường.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/12/2024(Xem: 672)
Đây là lần đầu tiên quý Huynh trưởng cao cấp của tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hải ngoại có cơ hội tiếp cận, thăm hỏi với Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ. Cuộc hầu chuyện này xảy ra vào ngày 29 tháng 4, 2021 lúc 8:30PM trên hệ thống Zoom. Sau đó chúng tôi đã gởi đến toàn thể quý Ban Hướng Dẫn các cấp Hải Ngoại và Quốc Gia và những Huynh trưởng có thẩm quyền; sau một thời gian dài im lặng, chúng tôi, vì lợi ích chung của số đông và nhiều người cũng như để tưởng nhớ và biết ơn tình thương bao la của Thầy nói riêng và của Giáo Hội nói chung dành cho tổ chức GĐPT Việt Nam trong và ngoài nước, nên xin mạo muội chia sẻ chung cho đại chúng và quý hàng huynh trưởng các cấp, và xin tóm lược lại những ý chính của cuộc hầu chuyện và lời dặn dò của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ:
26/10/2024(Xem: 799)
Trong bất kỳ tổ chức nào, và Gia Đình Phật Tử không ngoại lệ, tính minh bạch và cởi mở là rất quan trọng trong việc duy trì niềm tin vào tổ chức và sự tin cậy giữa tất cả các thành viên. Để bồi dưỡng tinh thần minh bạch, khách quan, việc phổ biến biên bản họp một cách rộng rãi và kịp thời là điều cần thiết. Cách làm này không chỉ đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều nhận được thông tin kịp thời mà còn tạo ra một môi trường cởi mở và có trách nhiệm giải trình.
04/06/2024(Xem: 2121)
“Kiếp xưa ắt có nhân duyên, Nếu không ai dễ chống thuyền gặp nhau”. HT đã giới thiệu, trên 50 năm tôi rời khỏi Huế từ Tết Mậu Thân đi du hóa, tu học phương xa, luôn vọng về quê hương đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của Tổ tiên ông bà, nơi đã có nhiều kỉ niệm của thuở ấu thơ tu học tại Huế, sinh hoạt tại Huế, trên 50 năm vắng mặt, chỉ có năm này với tuổi đã 87, năm nay Lễ Phật Đản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại Chùa Phật Ân, cử hành sớm vào ngày 12 vừa rồi
04/06/2024(Xem: 4470)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 3327)
Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đ
30/04/2024(Xem: 3934)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
07/02/2024(Xem: 7934)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
19/12/2023(Xem: 9670)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 17360)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 15287)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]