Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2

13/05/201312:39(Xem: 4772)
2


Tuổi Trẻ Tình Yêu Lý Tưởng

Nói với tuổi 20 Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ 21

Thiền Sư Nhất Hạnh

--- o0o ---

2

Yêu Nhau Là Cùng Mơ Một Giấc Mơ Chung

Tình thương chân thật sẽ giúp cho ta hiểu được các thế hệ đến trước ta (cha mẹ) và các thế hệ đến sau ta (con cháu). Vì nhờ hiểu mà ta không còn trách móc, giận hờn, do đó sẽ không có những cái hố ngăn cách thế hệ và văn hóa, những cái hố đã tạo ra biết bao nhiêu khổ đau cho những người đi trước. Khoảng năm 1965, khi chiến cuộc đi tới giai đoạn khốc liệt, Trụ Vũ có viết bài thơ Giấc Mơ như sau, nói đến tâm trạng của một người dân quê nước Việt:

Giấc mơ bé nhỏ vô cùng

Một căn nhà lá, đôi vồng khoai lang

Thế thôi, mà lạy mười phương

Ba mươi năm lẻ chưa tròn giấc mơ!

Bạn có tình yêu chân thật, bạn có hạnh phúc, thì bạn sẽ có khả năng thực hiện giấc mơ Việt Nam, một giấc mơ lớn, bởi vì tình yêu của bạn có khả năng lớn lên và ôm trọn được mọi người. Có tình yêu, là có giấc mơ, là bạn có hướng đi. Có hướng đi thì hạnh phúc càng lớn. Nhà văn Pháp Antoine de St Exupéry, tác giả sách Hoàng Tử Bé đã từng nói: 'Yêu nhau, không phải là ngồi đó nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng.' Tôi nghĩ nhìn nhau cho thật sâu sắc tức là mình đã cùng nhìn về một hướng rồi, tại vì nhìn sâu mình có thể thấy được giấc mơ của người yêu, cũng cùng một bản chất với giấc mơ của chính mình.

Để cho mọi người trong bốn biển có thể thấy nhau như anh em ( tứ hải giai huynh đệ), ta phải có khả năng thấy được nỗi khổ niềm đau của nhau, thấy được kẻ kia có thể vì tri giác sai lầm nên đã hành xử trên căn bản hận thù, kỳ thị và bạo động, do đó thay vì muốn trừng phạt hay tiêu diệt, ta khai mở ra được tấm lòng thương xót và giúp cho họ điều chỉnh được những tri giác sai lầm của họ. Tình thương chân thật đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Triết gia Jean Paul Sartre nói con người là địa ngục của nhau (l'homme est l'enfer des autres). Điều này nghe bi thảm quá. Con người với tri giác sai lầm về bản thân và về kẻ khác thường tự tạo địa ngục cho mình và cho kẻ khác. Vì vậy chúng ta đã nói tới tình yêu như một quá trình tự khám phá (connais toi toi­même) và tìm hiểu được kẻ khác (Bụt có danh hiệu là thế gian giải - lokavid, có nghĩa là hiểu thấu thế gian). Có cái hiểu ấy rồi thì con người không còn là địa ngục của nhau mà trở thành anh em của nhau và thiên thần của nhau. Đó là giấc mơ lớn, đang được thực hiện từ từ. Có những người trong chúng ta đang sống được với nhau như vậy, ở khắp mọi chân trời. Đâu có phải chỉ là một giấc mơ suông, hỡi người bạn trẻ?

Tình Thương Lan Rộng

Tình thương của ta có thể lớn lên và ôm trọn cả các loài hữu tình (sentient beings). Thật sự là nếu ta không thể yêu thương loài vật, nếu ta tàn ác với loài vật thì ta cũng khó yêu thương được con người. Ngày xưa triết gia Descartes nói rằng thú vật chỉ là những cơ thể không có linh hồn, được sáng tạo ra chỉ để thay người làm việc nặng nhọc hay để con người ăn thịt. Trong khi đó thánh Gandhi nói rằng ta có thể đánh giá một quốc gia trên cách thức người của quốc gia ấy đối xử với loài vật như thế nào? 1 Các nhà khoa học đã chứng minh loài vật cũng biết đau, biết buồn, biết thương, biết khóc, biết chơi và có loài cũng biết được thế nào là cái chết. Tại Âu Châu hiện có rất nhiều đoàn thể vận động cho thú vật quyền (animal rights). Nữ minh tinh màn bạc Brigitte Bardot là một trong những người thành khẩn nhất đang vận động cho sự chấm dứt việc hành hạ và sử dụng thú vật trong những cuộc thí nghiệm khoa học. Các nước trong cộng đồng Âu Châu đã lên tiếng về nhu yếu tôn trọng và bảo vệ thú vật mà họ bắt đầu gọi là sentient beings (chúng sanh). Quốc hội Đức năm 2002, với 543 phiếu thuận và 15 phiếu nghịch đã đưa vào hiến pháp một điều khoản buộc bảo vệ thú vật quyền. Đạo luật nói rằng: 'Nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo vệ những nền tảng thiên nhiên của sự sống và của các loài sinh vật để có thể bảo vệ được cho những thế hệ tương lai' 2.Ta đã bắt đầu thấy được rằng sự an vui của các loài chính là sự an vui của chính ta, và bảo vệ loài vật cũng là bảo vệ chính mình. Vua A Dục ngày xưa, vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch cũng đã công bố những đạo luật tương tợ. Những khổ đau bi thảm của các loài thú vật bị hy sinh để cúng tế, để làm vật thí nghiệm không thể có bút mực nào tả được. Không những con người đã tổ chức những lễ tế đẫm máu các loài cầm thú, con người cũng đã giết người để cúng tế và chôn sống người để phục vụ những vị vua đang đi về thế giới bên kia.

Ngày xưa chúng ta đi săn để có thức ăn, bây giờ chúng ta đi săn chỉ để vui chơi. Số người chống đối chuyện đi săn hiện giờ càng ngày càng đông trên thế giới. Họ được tổ chức thành đoàn thể hẳn hoi và gây áp lực trong việc làm ra những đạo luật hạn chế hoặc cấm cản sự săn bắn. Ở nước Anh, Hạ viện (the House of Commons) của Quốc Hội Anh năm 2003 đã bỏ phiếu chống săn chồn, một truyền thống săn bắn có tự lâu đời của giới thượng lưu. Thượng viện (the House of Lords) đang còn chống đối đạo luật này vì đây là một truyền thống giải trí lâu đời của hoàng gia Anh. Trước đó chính nữ hoàng Elizabeth cũng đã có chiêm nghiệm về vấn đề này, và đã khuyên hoàng thái tử Charles ngưng lại thứ thể thao này để đừng gây ác cảm của dân chúng đối với hoàng gia 3. Thủ tướng Anh Tony Blair đã quyết định sẽ sử dụng một điều khoản trong hiến pháp để đạo luật cấm săn chồn mà Hạ Viện đã thông qua sẽ được chấp hành, dù Thượng Viện Anh còn chống đối, và đạo luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng bảy năm 2006. Ngày 15.9.04 tại Luân Đôn có một cuộc biểu tình của những người chống đối đạo luật, nhưng chính quyền Anh biết rằng đa số dân chúng Anh đã muốn chấm dứt truyền thống săn chồn tàn ác này cho nên đã nhất quyết đi tới để làm cho đạo luật trở thành pháp luật. Vua A Dục từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch cũng đã quyết định hủy bỏ thú đi săn bắn của hoàng gia. Điều này được ghi trong một sắc lệnh khắc vào đá (Rock Edict VIII). Các nước trong cộng đồng Âu Châu cũng đã đồng ý cấm sử dụng sinh mệnh loài vật để thí nghiệm trong việc sáng chế mỹ phẩm. Ở Hoa Kỳ, những tổ chức vận động bảo vệ loài vật tuy đã hoạt động ráo riết vẫn chưa đạt được tới kết quả ấy.

------------

1 Wynne Tyson, Jon. The Extended Circles. Sussex, England : Centaur Press, 1985, p.91.

2 Germany Votes for Animal Right. CNN, May 17,2002. www.cnn. com/2002/WORLD/europe/05/17/germany.animals.

3Đài BBC, 27.12.2002 (www.news.bbc.co.uk/2/hi/uk-news)

Xót Thương Và Bảo Hộ

Nuôi thú vật để cung cấp thức ăn, ta có thể gây đau khổ rất nhiều cho chúng và cho chính ta. Chúng ta ép gà phải sống trong những cái rọ rất nhỏ, không có đủ không gian cho chúng vỗ cánh, và bắt chúng phải đẻ trứng hơn một lần trong ngày bằng cách sử dụng ánh sáng nhân tạo để làm ra ngày đêm nhân tạo, ngắn hơn ngày thường. Đứng trong rọ chật hẹp, không được cựa quậy, bay nhảy, gà rất khổ sở, xương cánh rất dễ gẫy. Sự bực bội của gà tạo ra trong cơ thể gà nhiều chất độc, vì vậy lâu lâu lại có những đợt gà nhiễm trùng salmonella campylobacter jejuni tìm thấy trong trứng và trong thịt gà, khiến cho người ăn thịt gà cũng bị nhiễm độc theo. Có tin mừng là cộng đồng Âu Châu và cả Trung Quốc nữa đã đồng ý rằng đến năm 2012 theo luật thì không ai còn có quyền nuôi gà như thế nữa, nếu không sẽ phạm pháp. 1

Kỹ nghệ chăn nuôi ở Hoa Kỳ gây ô nhiễm cho sông hồ và nước uống một cách kinh khủng. Tất cả các ngành kỹ nghệ khác trong toàn quốc họp lại cũng không gây ô nhiễm nhiều hơn. Mỗi giây đồng hồ,kỹ nghệ sản xuất thịt thải ra tới 43.000 ký phân thú vật, nhiều hơn phân của tất cả loài người trên trái đất góp lại tới 130 lần. Một nông trại nuôi heo tại Hoa Kỳ phải thải ra một số lượng phân và rác tương đương với số lượng phân rác của một thành phố với dân số 12.000 người thải ra. Tại Hoa Kỳ chỉ có 13% đất đai nông nghiệp là để sản xuất lúa gạo và hoa mầu, còn lại 87% đất đai là để dành cho ngành chăn nuôi. Đất đai cần có để nuôi một người ăn thịt phải rộng hơn đất đai cần có để nuôi một người ăn chay tới 20 lần. Mỗi năm người ta phải phá thêm 200.000 cây số vuông rừng hoang để có thêm chỗ chăn nuôi. Núi cấm rừng thiêng của chúng ta đang bị phá hoại với một tốc độ kinh khiếp. 2

Kỹ nghệ chăn nuôi không những phá hoại núi rừng, làm ô nhiễm sông hồ mà còn tiêu phí một lượng nước khổng lồ, trong khi cả tỷ người trên thế giới không có nước uống. Muốn sản xuất một ký thịt, người ta cần phải sử dụng tới 8.750 lít nước, trong khi muốn sản xuất một ký lúa mì, người ta chỉ cần có 87 lít nước!

Số lượng lúa gạo sử dụng vào kỹ nghệ chăn nuôi và kỹ nghệ làm rượu cũng thật khổng lồ. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization), khoảng một tỷ hai trăm triệu người trên thế giới đang đói và ăn uống rất thiếu dinh dưỡng. Đó là một phần năm của dân số thế giới. Tổ chức UNESCO cho biết mỗi ngày có khoảng 40.000 trẻ em chết vì đói hoặc vì thiếu dinh dưỡng. Năm 2005 sẽ có 60 triệu người chết đói. Theo học giả John Robbins, chỉ cần 10% những người ăn thịt ngừng ăn thịt thôi là đã có thể để dành được đủ ngũ cốc để cứu đói được 60 triệu người ấy. Mỗi năm ta sát hại đến 25 tỷ con vật để ăn thịt, và đồng thời còn phá hại núi rừng, làm ô nhiễm sông hồ. Mà cái cách ta chăn nuôi và sát hại các loài thú vật để ăn thịt rất dã man và ác độc. Bạn chỉ cần xem qua cuốn phim ' Meet your meat ' (Hãy nhìn kỹ miếng thịt mà bạn sắp ăn) của tổ chức PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) sản xuất là bạn sẽ không còn dám ăn thịt nữa.

Thương người là thương thân

Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia ở Hoa Kỳ có báo cáo rằng những phụ nữ nào ăn thịt nhiều thì có nguy cơ ung thư vú bốn lần nhiều hơn các phụ nữ không ăn thịt hoặc ăn thịt rất ít. Các nhà nghiên cứu cho ta biết trong thịt có chất độc sát trùng (pesticides) 14 lần nhiều hơn trong rau. Bạn có biết là mỗi năm người ta phải sử dụng trên 7 triệu ký thuốc trụ sinh trong kỹ nghệ chăn nuôi? Dấu vết của thuốc trụ sinh ấy được tìm thấy trong sữa và trong thịt. Bên Hoa Kỳ, 95% các tàn dư hóa học có chất độc tìm thấy trong thức ăn của người Mỹ là nơi thịt và sữa. Bớt ăn thịt, bớt uống sữa, bớt ăn phó-mát và trứng được 50% thì giảm được nguy cơ nghẽn tim. Nếu bỏ hẳn thịt, thì nguy cơ ấy được giảm tới 90%. Tại những nước dân chúng ăn thịt nhiều, tỷ số những người bị ung thư đại trường là cao nhất. Cũng vì vậy giới thanh niên và giới có học đã bắt đầu bỏ ăn thịt. Tại Tây phương, bạn đã có thể mua đậu hủ và sữa đậu nành trong các siêu thị của thành phố rồi! Bạn đừng tưởng ăn chay không ngon. Ăn chay ngon lắm! Giáo sư Makoto Suzuki tại trường đại học Okinawa đã báo cáo rằng trong miền quần đảo Ryukyu ở Nhật Bản, dân chúng sống lâu hơn dân chúng ở các nước khác như Pháp và Hoa Kỳ, bởi vì thực phẩm của họ phần lớn là cơm và rau. Số người sống trên 100 tuổi ở quần đảo nhiều hơn so với ở Pháp và ở Mỹ tới ba lần. Một nhóm khoa học gia đã theo dõi và nghiên cứu về vấn đề này. Họ báo cáo rằng ở Mỹ, bảy năm cuối của một đời người thường bị quấy rối bởi tật bệnh, trong khi ở Okinawa, người ta chỉ khổ vì bệnh trong hai năm rưỡi cuối của một đời người 3. Mà nếu bạn có kiến thức về dinh dưỡng thì ăn chay dư sức cung cấp cho cơ thể bạn đầy đủ chất bổ. Thêm vào đó, bạn sẽ an lạc, vui tươi, đầy hy vọng, bởi vì bạn đang góp phần vào công việc bảo vệ sông núi quê hương, giải cứu hành tinh và mọi loài.

Bảo vệ sinh môi, và tự bảo vệ cơ thể ta, ta phải tập canh tác và sản xuất lúa gạo rau đậu mà không sử dụng các chất độc hóa học để trừ sâu và làm phân bón. Ở Âu Châu, ý thức này đã trở nên sáng tỏ, và dân chúng đang nỗ lực hướng về phía này. Nước Đức đã quyết định từ đây cho đến năm 2020, ít nhất là 20 phần trăm rau trái và lúa gạo sẽ là sản phẩm sạch (organic) 4. Thụy Điển cũng đã tuyên bố rằng đến năm 2005, 20% diện tích trồng trọt sẽ được sử dụng để sản xuất thức ăn sạch. Diện tích canh tác sử dụng để sản xuất thức ăn sạch tại Ý và tại Đan Mạch hiện đã lên tới 7%. Các nước Phần Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh, Hà Lan cũng đã có chương trình chuyển sang sản xuất thức ăn sạch. Riêng tại nước Anh, vào cuối năm 2002, thức ăn sạch đã được tăng lên gấp đôi, và là một nước sản xuất thức ăn sạch đứng vào hàng nhì tại Âu Châu, đứng sau nước Đức. Hiện có tới gần 80% dân chúng bên Anh biết mua thức ăn sạch 5. Bên Mỹ chỉ có 33% dân chúng biết tiêu thụ thức ăn sạch, và cũng chỉ mua một phần thôi. Đan Mạch và Thụy Điển là hai nước tiêu thụ thức ăn sạch nhiều nhất ở Âu Châu, sự tiêu thụ ấy đã lên tới 10%. Bên Hoa Kỳ, chỉ có 0.3% ruộng đất canh tác đang sản xuất thức ăn sạch 6.

-------------------

1 Lymbery, Philip. The Welfare of Farm Animals in Europe : Current Conditions and Measures. Paper presented at Symposium on Organic Livestock Farming and Farm Animals Welfare in Japan and the EU/UK. Nov. 30, 2002, p.4.

2 Brian Halprin. The Righteous Times, Vol 1., Issue 1, August 2004.

3 Tạp chí Sciences et Avenir, tháng 9, năm 2004.

4 How to facilitate the Development of Transnational Co-Operation in Research in Organic Farming by Members and Associated States. Paper presented at Seminar on Organic Farming Research in Europe ( Brussels). Sept. 24-25, 2002, p.2.

5 Brown, Amanda. UK Organic Food Sales the Second Highest in Europe. The Journal, Oct. 15, 2002.

6 Agriculture Information Bulletin, No. 55 (A1B780). April 2003. www. ero.usda.gov/publications; Organic Consumers Association. June 28, 2003. www.organicconsumers.org

Bảo Vệ Sông Núi Của Nhau Là Tự Bảo Vệ

Người bạn trẻ ơi, anh phải biết nắm lấy vận mệnh của anh và của hành tinh trong tay anh, chị phải biết nắm lấy vận mệnh của chị và của trái đất trong tay chị. Rừng thiêng của núi sông ta, của trái đất ta đang mỗi ngày bị tàn hại. Bà Chúa Thượng Ngàn của chúng ta đang bị bó tay, nếu ta không mau lẹ tới tiếp cứu Bà. Bà Mẫu Thoải của chúng ta cũng đang ốm đau vì chất độc hóa học. Nếu chúng ta bị động thì chỉ trong vòng một trăm năm nữa, là rừng thiêng không còn, chỉ còn lại những lâm viên, gọi là lâm viên quốc gia (national parks).

Các loài cầm thú đang bị diệt chủng một cách mau chóng. Theo một tài liệu nghiên cứu do một đoàn khoa học gia quốc tế công bố trên báo Nature (Thiên Nhiên) thì từ 15% tới 37% của những loại cầm thú và cây cỏ hiện có trên hành tinh sẽ bị diệt chủng vào năm 2050 nếu cái đà tàn hại sinh môi này không bị chận đứng. Diệt chủng vì không còn đất sống. Người Việt chúng ta phải ngồi lại với các bạn Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc để đàm luận về cách bảo hộ sông núi và rừng thiêng trong vùng. Con sông Cửu Long là mạng mạch của sự sống của các nước chúng ta. Ta phải nắm tay nhau để bảo hộ con sông, như bảo hộ mạch máu của một cơ thể chung. Vận mệnh của chúng ta gắn bó liền vào nhau, cái nhìn của chúng ta phải có khả năng vượt biên giới quốc gia. Bảo vệ sông núi của nhau là tự bảo vệ. Bên Pháp có một loại sơn dương mùa Hè cư trú ở miền núi Pháp nhưng mùa Đông thì kéo nhau về sống ở Ý tại vì miền Nam ấm hơn. Người Ý dành một vùng núi ở biên giới để tạo lập lâm viên quốc gia Paradiso để bảo hộ cho các đoàn sơn dương ấy. Người Pháp cũng tạo lập lâm viên quốc gia Vanoise để bảo hộ cho các đoàn sơn dương. Năm 1972, hai nước đồng ý nới rộng vùng lâm viên siêu biên giới ấy đến 14 cây số, để loài sơn dương được bảo vệ suốt năm. 1

Biển Địa Trung Hải rộng tới hơn 2 triệu rưỡi cây số vuông cũng đã là mối chung lo của tất cả các nước trong vùng. Từ lâu đã có những cố gắng chung của các nước ấy để đến với nhau và cùng định đoạt về những phương thức bảo vệ và khai thác biển ấy. Năm 1973, hội nghị đầu về biển đã được tổ chức ở Beyrouth vào tháng sáu, và tất cả các thành phố chung quanh biển đã được đại diện tại hội nghị. Sau đó không lâu tại đại hội ở Opatija tại Yugoslavia, các đại biểu đoàn đã ra Tuyên Ngôn Rijeka, đòi hỏi những biện pháp cụ thể để chận đứng đà ô nhiễm của biển. Tiếp theo lại có hội nghị Split (1977) và hội nghị Genève (1979) để đi tới những quyết định cụ thể về việc bảo hộ sinh môi của biển.

Từ đó về sau vẫn có sự hợp tác liên tục của các nước chung quanh biển để bảo hộ và sử dụng nguồn sinh lực của biển.

Các nước Yugoslavia và Slovak ở Trung Âu cũng thiết lập một vùng lâm viên siêu biên giới ở vùng núi Tara, điểm cao nhất của dãy Carpathian để bảo vệ nhiều chủng loại động vật và thực vật quý hiếm đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Lâm viên này rất quý, và mỗi năm có tới hơn 8 triệu người tới tham quan và thưởng thức cái đẹp muôn màu của vùng núi ấy. 2

---------------

1 Cornelius, Steve. Transborder Conservation Areas: An Option for the Sonoran Desert? Bordelines. Vol 8, No. 6. July 2000. p. 3.

2. A Transboundary Biosphere Reserve in the Carpathians. Global Transboundary Protected Areas Network. December 17, 2003. www.tbpa. net

Liên Hiệp Đông Á

Năm 1995, Việt Nam đã gia nhập khối ASEAN (Association of Southeast Asian Nations), và đây cũng là một phần của giấc mơ đang được thể hiện. Khối ASEAN được thành lập năm 1967 với các nước Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore và Thái Lan. Năm 1976, các nước trong khối ASEAN đã ký kết hiệp ước ASEAN, quyết tâm thiết lập 'một vùng Hòa Bình, Tự Do, và Trung Lập'. Các nước đã cam kết 'không xen vào nội bộ của nhau' và chuẩn bị thành lập một hội đồng bộ trưởng tối cao để giải quyết những mâu thuẫn có thể xảy ra giữa các nước thành viên của khối và để đề nghị những biện pháp cụ thể để giải quyết mọi xung đột nếu có. Brunei gia nhập ASEAN năm 1984, Lào và Myanmar năm 1997, Cam-pu-chia năm 1999 và hiện giờ ASEAN đã có được mười nước Đông Nam Á tham dự với tư cách thành viên. Các nước ASEAN đã liên tiếp tổ chức những buổi họp liên quốc hội (inter-parliamentary), và đã thành lập tổ chức AIPO (ASEAN Inter-Parliamentary Organization) mỗi năm họp tại một nước. Năm 2002, AIPO đã họp lần thứ 23 tại Hà Nội từ ngày 8 đến ngày 13 tháng 9. Năm 2004, đã có buổi họp lần thứ 25 tại Phnom Penh, có cả sự tham dự của đại diện Quốc Hội Châu Âu.Trong kỳ họp năm 2002 tại Hà Nội, AIPO đã kêu gọi các nước trong khối ASEAN gây ý thức bảo hộ sinh môi trong dân chúng các nước ấy bằng cách sống đời sống hàng ngày cho có chánh niệm để góp phần xây dựng một vùng Đông Nam Á 'xanh tươi, tinh sạch và xinh đẹp' và để có thể tiếp tục phát triển mà không làm cạn nguồn nhiên liệu thiên nhiên.

Năm 1998, mười nước ASEAN đã cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc thành lập một tổ chức gọi là EAVG (East Asian Vision Group - nhóm Đông Á hướng về tương lai). Năm 2001, EAVG đã đưa ra một bản phúc trình với nhan đề là 'Để đi đến một cộng đồng Đông Á: vùng đất của Hòa bình, Thịnh vượng và Tiến bộ' (Towards an East Asian Community: Region of Peace, Prosperity and Progress). Mục tiêu của cộng đồng là cộng tác kinh tế, cộng tác tiền tệ, cộng tác chính trị và an ninh, cộng tác sinh môi, cộng tác xã hội và văn hóa và cuối cùng là cộng tác cơ cấu tổ chức và chế độ. Bản phúc trình kêu gọi sự thành lập Vùng thương mại tự do Đông Á (EAFTA, East Asia Free Trade Area) khuyến khích việc cộng tác về phát triển và về kỹ thuật giữa những nước thành viên, hiện thực hóa nền kinh tế dựa trên trí tuệ chứ không chỉ dựa trên thiên nhiên, tư bản và sức lao động, và thực hiện cho cả vùng, thiết lập và củng cố những cơ chế có khả năng đáp ứng và giải quyết những đe dọa cho nền hòa bình trong toàn vùng, nới rộng sự cộng tác chính trị để quản lý toàn vùng, nói lên được tiếng nói hùng mạnh phải được kính nể của Đông Á trong cộng đồng quốc tế, thiết lập những chương trình y tế và giáo dục rộng rãi để tất cả mọi người dân trong toàn vùng có cơ hội thừa hưởng; khơi dậy ý thức vùng, để cho người dân trong vùng thấy mình không phải chỉ là một công dân của quốc gia mình mà cũng là một công dân của toàn vùng Đông Á và cộng tác trong những dự án bảo vệ và phát triển các truyền thống văn hóa và nghệ thuật đa dạng của toàn vùng.

Bản phúc trình nói trên quả thực đã biểu lộ được tuệ giác và sự tỉnh thức của những thành phần ưu tú của các dân tộc Đông Á. Đông Á thực sự là một giấc mơ có thể trở thành sự thật. Bản phúc trình có nói: 'Trong quá khứ, những cạnh tranh chính trị, những tỵ hiềm lịch sử, những dị biệt văn hóa và những bất đồng ý thức hệ đã ngăn cản sự cộng tác của các nước Đông Á.' Và bản phúc trình biểu lộ niềm tin rằng 'Công trình phối hợp và hội nhập kinh tế giữa các nước Đông Á sẽ từ từ đưa tới một cộng đồng kinh tế Đông Á' 1,tương đương với Liên Hiệp Châu Âu, hiện giờ đã có tới 25 quốc gia thành viên. Một cộng đồng kinh tế Đông Á như thế sẽ là một thế lực kinh tế và chính trị lớn lao trong cộng đồng quốc tế.

Ngân hàng Phát triển Á châu (The Asian Development Bank) trong một bản phúc trình công bố năm 2002, đã nêu lên đề nghị về một đồng bạc chung cho cả vùng Đông Nam Á. Bản phúc trình nói: 'Dù sự thực hiện của nó sẽ gặp rất nhiều trở lực, nhưng một đồng bạc chung cho Đông Nam Á là một dự án rất đáng nghiên cứu, bởi vì xét cho kỹ thì vùng Đông Nam Á cũng có những điều kiện để thực hiện dự án này, giống như Âu Châu trước ngày ký hiệp định Maastricht'. Hiệp định này đã khai sinh đồng Euro. 2

Đồng bạc Đông Á, nếu bạn muốn, ta sẽ đặt cho nó một cái tên như tên Đồng Đại Đồng,viết tắt là Đ, hay Đồng Hữu Nghị, viết tắt là H, với hai gạch ngang ( như Ð hay H) Tôi ưa quan niệm Đại Đồng, vì Đại Đồng là lý tưởng muôn đời của Châu Á, và các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đều phát âm tiếng Đại gần giống nhau.

------------

1 Termsak Chalermpalanupap 'Towards an East Asian Community: The Journey has begun' - East Asian Group Report, 2001

2 Srinivasa Madhur, 'Costs and Benefits for a Common Currency for ASEAN', ERD Working Paper Servies No 12. Economics and Research Department, Asia Development Bank

Việt Nam Trên Ðường Tương Lai

Này người bạn trẻ, Việt Nam có khả năng đóng một vai trò then chốt trong việc xây dựng và bồi đắp cho cộng đồng Đông Á, cũng như nước Pháp đã đóng vai trò then chốt, cùng với nước Đức, trong việc tạo dựng và bồi đắp cho Liên Hiệp Châu Âu. Nước ta từ những buổi đầu đã tiếp thu được văn hóa Ấn Độ, sau đó văn hóa Trung Quốc rồi đến văn hóa Âu Châu. Chúng ta đã có khả năng tiếp thu và chuyển hóa được những yếu tố văn hóa ấy để một mặt làm giàu cho gia tài văn hóa ta và một mặt giữ được bản sắc văn hóa ta. Vị trí địa dư, chủng tộc và văn hóa của ta sẽ giúp ta làm được việc ấy. Đó là giấc mơ của bạn, đó là giấc mơ của tôi. Trước hết Cộng Đồng Đông Á phải quy tụ các nước trong vùng, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc. Với Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng ta sẽ đủ mạnh để mời ông láng giềng khổng lồ của ta là Trung Quốc tham dự. Ông láng giềng này trong quá khứ đã từng xâm chiếm, đô hộ, lấn áp và đồng hóa các nước nhỏ bên cạnh. Nhưng với sự liên kết của tất cả các nước Đông Á khác trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, ta sẽ đủ sức ngăn không để cho ông láng giềng khổng lồ kia làm như thế nữa. Ông sẽ cần đến chúng ta, vì ông không thể nào sống cô lập một mình trong vùng. Chừng nào ông lộ ra cái ý muốn chèn ép và đè nén thì ta chỉ cần đồng loạt tuyên bố ' nghỉ chơi ' với ông ấy, tức khắc ông ấy sẽ bỏ ý định kia. Với lại trong chiều sâu, ông ấy cũng có nhu yếu sống hài hòa không có vấn đề với các nước lân cận, và thỉnh thoảng ta có thể nhắc chừng ông ấy.

Tự do và liên lập

Giấc mơ Cộng Đồng Đông Á sẽ không là giấc mơ suông. Với quyết tâm của bạn, nó sẽ thành ra sự thật. Nó đang thành ra sự thật. Có nhiều người Đông Á đang nghĩ và đang cùng nhau đặt kế hoạch cho sự thực hiện giấc mơ này. Nếu các nước Liên Hiệp Châu Âu có những yếu tố triết học, thần học và văn hóa chung làm nền tảng cho sự thực hiện cộng đồng, thì các nước Đông Á chúng ta cũng có những yếu tố như thế để làm mẫu số chung. Đó là đạo Bụt, đạo Khổng, đạo Lão, tinh thần tam giáo đồng nguyên, lý tưởng đại đồng, quan điểm tam tài (thiên, địa, nhân), ý hướng yêu chuộng và hòa hợp với thiên nhiên (chứ không phải chinh phục nó), và nhất là sự yêu chuộng thảnh thơi nhàn hạ. Năm 2003, tại Hán Thành, Hàn Quốc, đã có một hội nghị giữa các vị bộ trưởng các nước Đông Á, trong đó có nhiều giới lãnh đạo thương mãi, trí thức, khoa học trong toàn vùng tham dự. Hội Nghị đã đàm luận tới những phương thức hay nhất để thành lập một Liên Hiệp Đông Á tương đương với Liên Hiệp Châu Âu. Đứng ra tổ chức hội nghị này là hội East Asian Common Space.Chính tổ chức này đã đưa ra đề nghị về một quốc hội chung cho các nước Đông Á và một chính quyền chung cho các nước Đông Á. Học giả Richard Nisbett trong tác phẩm The Geography of Thought của ông đã nói rằng các dân tộc Châu Á rất có khả năng và năng khiếu tạo dựng một ý thức đại đồng, và khả năng này của các dân tộc Đông Á còn có thể vượt cả khả năng của người Châu Âu nữa. Tư tưởng và tuệ giác duyên sinh, tương tức, đại đồng, tứ hải giai huynh đệ đã có sẵn tự ngàn xưa trong dòng máu người Châu Á. Đây là lúc ta có thể giúp cho tuệ giác và lý tưởng này biểu hiện. Ai cũng thấy rõ rằng trong thời đại này không ai còn có thể bế quan tỏa cảng,không ai còn có thể đứng một mình như một hải đảo nữa. Ta không thể nào độc lập trong cô lập. Ta chỉ có thể đứng trong thế liên lập mà thôi. Từ độc lập (independence) phải được hiểu là liên lập (interdependence). Ta là ta, ta là người Việt, nhưng ta phải học làm người Đông Á, làm công dân của trái đất, phải biết cùng mang một giấc mơ, phải không người bạn trẻ?

Hạnh Phúc Chân Thật Ngay Bây Giờ

Này người bạn trẻ ơi, giấc mơ của chúng ta không phải chỉ là một giấc mơ của sự giàu thịnh và vinh quang cho riêng một mình ta. Hạnh phúc chân thật không nằm trên tiền bạc, danh vọng và quyền thế. Hạnh phúc chân thật nằm trên nền tảng của tự do. Tự do ở đây không phải là tự do chiếm đoạt, tự do hủy hoại, hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại thân tâm mình và thân tâm người. Tự do đây là thảnh thơi, là có thì giờ để vui chơi và thương yêu. Tự do là không bị ràng buộc bởi hận thù, tuyệt vọng, ganh tỵ, mê cuồng, không bị kéo theo công việc để tối ngày quanh năm bận rộn, không có cơ hội vui chơi, thương yêu và chăm sóc cho nhau. Phẩm chất đời sống nằm ở nơi này.

Tôi không mơ nước tôi trở thành một nước như nước Mỹ. Người Mỹ có thể giàu hơn, nhưng số lượng những người Mỹ thực sự có hạnh phúc còn ít lắm. Bên Mỹ, số người Mỹ đang ở trong tù còn đông hơn số người Mỹ nông dân đang làm việc toàn thời gian trong nông trại của họ! Số thanh niên tự tử rất nhiều. Tôi đã từng gặp những người rất giàu, quyền lực rất nhiều, danh vọng rất lớn, nhưng họ không có hạnh phúc, họ rất cô đơn, họ không có bạn bè thật sự. Họ cứ nghĩ là những người đi theo họ đều là những người muốn cầu cạnh hoặc lợi dụng họ, và vì vậy họ không thực sự có bạn. Trái lại, tôi đã được gặp những con người hạnh phúc, giàu lý tưởng, giàu tình thương, hai mắt sáng, hai chân vững, luôn luôn đi tới với niềm tự tin, tuy những người này sống một nếp sống đơn giản. Họ không đi tìm hạnh phúc trong sự mua sắm và tiêu thụ. Họ đi tìm hạnh phúc trong sự thảnh thơi và niềm tin yêu. Thảnh thơi, họ có thì giờ rỗi rảnh để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong chính bản thân và chung quanh họ. Tiếp xúc với những mầu nhiệm ấy họ được nuôi dưỡng và vì thế họ có khả năng nuôi dưỡng và tạo dựng hạnh phúc cho những người khác. Hạnh phúc của những người khác do họ tạo dựng trở thành hạnh phúc của chính họ. Hiến tặng cho người là hiến tặng cho chính mình.

Tôi nghe nói ngày xưa thi sĩ Nguyễn Du đã có dịp đi chơi khắp chín mươi chín ngọn núi trên dãy Hồng Lĩnh, và khi phải ra làm quan cũng vẫn giữ được nếp sống thảnh thơi của mình. Tổ tiên của ta ngày xưa có dư thì giờ để đi chơi, tiếp xúc với những cảnh đẹp của thiên nhiên, uống trà và đàm đạo. Không có máy bay, xe buýt, thế mà các vị đi đâu cũng tới. Ngày nay ta có đủ thứ phương tiện, nào máy giặt, máy sấy, xe hơi, thang máy, điện thư, điện thoại... vậy mà ta vẫn cứ bận rộn, chẳng có thì giờ để ăn sáng cho thoải mái, để nhìn kỹ người thương, đừng nói để chăm sóc và yêu thương họ. Bên Pháp hiện thời thiên hạ chỉ còn đi làm việc 35 giờ một tuần. Thì giờ còn lại là để sống cho mình, cho gia đình mình và để đi chơi. Họ không còn ham hố làm việc thêm vào cuối tuần hoặc vào buổi tối để có thêm tiền. Nhiều người đã biết học tiêu thụ và mua sắm ít lại để có thì giờ vui chơi. Họ đi núi và đi biển nhiều lắm. Nhiều người thay vì lên núi xuống biển thì tới tham dự những khóa tu. Tại đạo tràng Mai Thôn ở miền Nam nước Pháp, vào những mùa nghỉ ngơi như mùa Hè và mùa Đông, thiên hạ về tham dự các khóa tu tĩnh tâm chánh niệm rất đông. Mỗi tuần có cả gần ngàn người.

Phương pháp thực tập ở Mai Thôn là sống sâu sắc giờ phút hiện tại. Mọi người tập thở, tập đi, tập ngồi, tập ăn trong chánh niệm, ý thức rõ ràng là mình đang đi, đang ngồi, đang thở, và biết giá trị của những giây phút ấy. Họ tập lắng nghe và nói lời ái ngữ để có thể tái lập được truyền thông với những người thân, hòa giải được với nhau, nhờ vậy họ nâng cao được phẩm chất cuộc sống của họ, đem lại cho bản thân và cho gia đình họ nhiều hạnh phúc. Có rất nhiều gia đình không còn muốn đi núi, đi biển nữa mà chỉ muốn tới sống mấy tuần lễ trong những khóa tu, vì chính trong các khóa tu họ trở nên thư thái hơn, tươi vui hơn, có nhiều hiểu biết và thương yêu hơn. Ở Mai Thôn, chúng tôi sống đơn giản lắm, không ai có dự án tương lai riêng, nhưng chúng tôi có rất nhiều hạnh phúc, tại vì chúng tôi có thì giờ và cơ hội xây dựng tình huynh đệ, biết cách tự giúp và giúp nhau chuyển hóa, và tuy ở chung với nhau hàng trăm người mà không khí vẫn thân mật như không khí gia đình. Chúng tôi giúp được cho rất nhiều người, nhiều gia đình ngay tại Mai Thôn và ở những khóa tu tập mà chúng tôi tổ chức tại các nước khác. Chúng tôi cũng có thì giờ trồng rau, chăm sóc lâm viên, cây cảnh, và đầu năm 2005, chúng tôi đã có đầy đủ điều kiện để chỉ tiêu thụ rau trái trồng theo lối sạch.

Thánh Gandhi có nói: 'Bạn muốn thay đổi thế giới thì bạn phải thay đổi bạn trước (You must be the change you want to see in the world).' Nếu chúng ta biết sống đơn giản, thảnh thơi, hạnh phúc thì hành tinh này sẽ có một tương lai và tất cả mọi loài trên hành tinh này cũng sẽ có một tương lai. Đó là giấc mơ mà mình có thể sống ngày hôm nay, một giấc mơ có thể trở thành hiện thực. Còn nếu mình sống trong quên lãng, không biết những gì đang thực sự xảy ra trong giây phút hiện tại, bị lôi kéo vào mê lộ, cảngày chúi mũi vào máy tính và vào đam mê ( 'đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy' - Trịnh Công Sơn) thì rốt cuộc tất cả đều chỉ là một giấc mơ đầy ảo tưởng và đầy khổ đau. Giấc mơ Việt Nam đầy ánh sáng và tình bằng hữu chính là giấc mơ của bạn.

Tôi biết có nhiều người bạn trẻ đang nổ lực phấn đấu để vượt thoát tình trạng nghèo khổ bấp bênh của họ và chưa sẵn sàng nghe những điều tôi đang nói. Bạn đang phấn đấu giật một mảnh bằng, học ngày học đêm, không có thì giờ để ăn, để thở và để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Hoặc bạn đang phấn đấu tìm một sở làm, có được một số lương tạm đủ để trả tiền nhà, tiền gạo, mua thuốc men và nuôi những người thân, nghĩ rằng chẳng bao giờ bạn sẽ có cái cơ hội để mà 'thảnh thơi'.

Tôi không có ý khuyên bạn nên ngừng phấn đấu.Trái lại, tôi cầu chúc cho bạn thành công. Tôi chỉ cầu bạn có thì giờ nghe tôi tâm sự vài ba mươi phút thôi. Tôi biết có một người thuyền nhân vượt biên năm 1978 qua Thái Lan, giữa đường bị hải tặc cướp lột hết, chỉ còn một chiếc quần cụt mặc trên người khi tới được trại tỵ nạn Songkla ở Thái Lan. Vậy mà anh ta cứ ca hát suốt ngày. Có một bà cũng tới trại tỵ nạn Songkla, bao nhiêu tiền bạc vòng vàng của bà bị hải tặc cướp hết, trừ hai chỉ vàng bà cất giấu đâu trong người mà hải tặc Thái Lan không thấy được. Bà ta khóc bù lu bù loa: 'Trời đất ơi, còn có hai chỉ vàng, làm sao mà sống.' Anh chàng kia thấy vậy, liền cũng giả bộ than trời: 'Trời đất ơi, còn có một chiếc quần xà lỏn mặc trên người, làm sao mà sống.' Nói xong, anh lại cười ha hả. Này bạn, trong khi ta phấn đấu vì sự sống, dù ta còn nghèo khổ, ta vẫn có thể có khả năng tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Tiền bạc, giàu sang, tiện nghi cũng như danh vọng và quyền hành không biết bao giờ thì mới được gọi là đủ. Có những người giàu sang, đầy danh vọng và quyền hành mà vẫn thấy thiếu, vẫn không có hạnh phúc. Tuần trước, có phóng viên từ Triều Tiên Nhật Báo tới phỏng vấn tôi và câu hỏi duy nhất của anh ta là: 'Hiện giờ người Đại Hàn đang sống cuộc sống hàng ngày của họ một cách rất bận rộn, tâm trí của đa số rất căng thẳng, đầy lo lắng, giận hờn và khổ đau. Họ không thiếu vật chất, trái lại họ rất giàu sang. Thầy nghĩ họ phải làm gì cho đỡ khổ?' Bạn ơi, một ngày nào đó, có thể bạn cũng sẽ tự hỏi mình câu hỏi đó và những lời tâm sự của tôi hôm nay với bạn sẽ được bạn nhớ tới. Đó là điều tôi mong ước. Chế Lan Viên đã từng nói tới 'giấc mơ con' như sau:

Lũ chúng ta ngủ trong giường chật hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn

Cái giấc mơ con ấy, nó là một giấc mơ thật đấy, nhưng nó không cho bạn đủ không gian và dưỡng khí cần cho một người trẻ. Nó giết con người Phù Đổng Thiên Vương trong bạn. Bạn cần một giấc mơ lớn.

Nối Lại Nhịp Cầu

Giấc mơ của tôi không phải là một phương tiện giúp tôi trốn tránh thực tại, lãng quên thực tại. Giấc mơ của tôi là một năng lượng giúp tôi đối diện được với thực tại và chuyển hóa được thực tại. Bạn hãy hình dung một gia đình trong đó cha mẹ không hiểu được nhau và cha mẹ cũng không hiểu được con trai và con gái của mình, một gia đình mà trong đó những người trẻ không có khả năng truyền thông với cha mẹ. Có những người làm cha mẹ vì bị thất chí, hoặc đã từng bị cuộc đời bạc đãi, hoặc vì đã từng bị bầm dập ngay từ hồi ấu thơ, nên đã cất chứa trong thân tâm nhiều nỗi bực dọc, oan ức và thù hận. Những năng lượng bạo động đó, vì các vị chưa biết cách chuyển hóa, càng ngày càng được dồn chứa nhiều thêm. Mỗi khi chúng phát hiện, các vị lại làm khổ nhau và làm khổ các đứa con của các vị. Người trẻ tiếp nhận bạo động mà không dám chống trả, bởi vì các vị kia là cha mẹ của họ. Vì vậy cho nên người trẻ để cho những bạo động ấy dồn chứa vào thân tâm mình, rồi để sau này chúng được phát hiện nơi học đường hoặc ngoài xã hội. Hiện tượng bạo động, phá phách và giết chóc của người trẻ ở học đường và ngoài xã hội là một trong những triệu chứng bất an lớn của thời đại chúng ta, ở Tây phương cũng như ở Đông phương. Sự tiếp thu bạo động từ phim ảnh, sách báo và băng đảng... càng làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng. Nếu ta không biết cách tu tập và chuyển hóa bản thân, chuyển hóa gia đình và học đường thì ta sẽ đi vào ngõ cụt, ta sẽ phá hoại cả cuộc đời của ta.

Giấc mơ của chúng ta là chuyển hóa được tình trạng đó, làm cho mọi người có thể đến được với nhau, chia sẻ với nhau những tâm tình, những khó khăn, những ước vọng... Tôi có rất nhiều người bạn trẻ biết tu tập, biết chuyển hóa, giúp được cả cha mẹ và gia đình mình chuyển hóa, đem lại tình thương và hạnh phúc trong đời sống gia đình và xã hội của mình. Họ có khả năng hiểu được những khó khăn và những khổ đau của cha mẹ. Với sự thực tập, họ ôm được những nỗi khổ niềm đau của họ để dần dần chuyển hóa, và sau đó giúp cho cha mẹ của chính mình chuyển hóa. Họ đem lại cho tôi một niềm tin lớn. Chúng ta không bí lối. Chúng ta có con đường thoát. Có được con đường rồi chúng ta sẽ không còn lo sợ gì nữa. Chúng ta chỉ cần nắm tay nhau cùng đi. Tổ tiên của chúng ta cũng đã từng đi trên con đường ấy. Con đường ấy là con đường của tình huynh đệ, cao quý hơn bất cứ một chủ nghĩa hay một tôn giáo nào.

Trong giấc mơ của tôi, chúng ta có thể ngay từ ngày hôm nay, bắt đầu thực hiện được chuyện đó. Tại Làng Mai nơi chúng tôi cư trú, ai cũng được học phương pháp thực tập lắng nghe với tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ. Người kia là cha mình, mẹ mình, anh mình, chị mình, em mình, bạn mình, người yêu của mình hay người bạn hôn phối của mình. Người ấy có những nỗi khổ, niềm đau, những khó khăn, những cái bất đắc chí, những ước vọng... mà người ấy chưa nói ra được. Những khi cảm thấy bức xúc quá, người ấy thường nói ra những điều chua chát, trách móc, buộc tội, la rầy... chỉ có tác dụng gây thêm đổ vỡ, đổ vỡ trong bản thân của người ấy cũng như đổ vỡ trong ta và trong gia đình. Thực tập lắng nghe và sử dụng ái ngữ là những gì chúng ta có thể sử dụng để giúp cho người ấy. Nếu bạn biết nghệ thuật theo dõi hơi thở để làm lắng dịu thân tâm thì bạn đã có thể thực tập ái ngữ và lắng nghe. Với giọng nói chân thật, ôn tồn và đầy ưu ái, bạn có thể nói, ví dụ: 'Con biết là trong những năm qua, bố có rất nhiều khó khăn, nhiều nỗi thương tâm mà bố không nói ra được. Con đã không giúp được bố mà con lại còn trách móc, than phiền, chống đối và giận hờn bố, và làm cho tình trạng càng ngày càng khó khăn thêm. Nay con đã thấy được điều đó, con rất hối hận, và con tự hứa từ nay trở đi, con không còn dại dột như thế. Con sẽ không còn dám trách móc, than phiền hay thách đố bố, và con muốn làm được một cái gì đó để giúp bố bớt khổ. Bố ơi, con muốn được bố tâm sự với con, nói cho con nghe những gì bố chưa nói ra được, để con có thể hiểu được những khó khăn, những phiền muộn của bố. Con muốn được chia sẻ niềm đau của bố, con muốn cùng gánh chung với bố những phiền muộn khó khăn ấy. Trong quá khứ con đã dại dột trong cách suy tư, nói năng và hành động của con. Xin bố nói cho con nghe về những cái dại dột ấy để từ nay con không còn nghĩ, nói và làm như thế nữa. Con muốn làm được những gì bố đã muốn làm nhưng chưa làm được. Con muốn con là một sự tiếp nối đẹp đẽ của bố. Con muốn bố sẽ tự hào về con. Nhưng con cần bố giúp con. Trước hết con xin bố nói cho con nghe về những vụng về dại dột của con đi. Con hứa sẽ ngồi lắng nghe bố mà không cãi bướng hoặc phản ứng như xưa nay. Con xin bố giúp con.'

Lắng Nghe Để Hiểu, Nhìn Lại Để Thương

Những lời trên, bạn phải nói bằng một tấm lòng chân thật, một quyết tâm muốn thay đổi, một quyết tâm muốn lắng nghe để giúp cho cha mình bớt khổ. Phương pháp này gọi là phương pháp lắng nghe với lòng xót thương,đạo Bụt gọi là bi thính, tại Làng Mai chúng tôi dịch là compassionate listening. Bạn có hạt giống của lòng xót thương ấy chôn sâu trong lòng mà bạn cứ nghĩ là bạn không thể tha thứ được, không thể chấp nhận được, không thể thương yêu được, bởi vì bạn nghĩ người kia đã nói đã làm những điều đã làm tan nát hết. Nhưng nếu nhìn kỹ lại (trong đạo Bụt gọi là quán chiếu)bạn sẽ thấy sở dĩ người kia đã làm và đã nói như thế tại vì người kia có quá nhiều khổ đau bực dọc trong tâm mà không biết cách quản lý và chuyển hóa được cho nên người ấy đã làm vung vãi khổ đau của người ấy ra chung quanh và nhất là trên bạn. Bạn đừng tưởng chỉ có bạn mới là nạn nhân, là người nhận hết thương tích. Người kia sau khi đã nói, đã làm như thế cũng trở thành nạn nhân như bạn, cũng đã mang thêm vào người nhiều thương tích như bạn. Thấy được sự thật là người ấy đang khổ và đang không có lối thoát cho nên bạn cảm thấy lòng xót thương nơi bạn bắt đầu trào dâng. Đó là hạt giống của từ bi nơi bạn đang được tưới tẩm và đang phát hiện thành năng lượng. Và tự nhiên bạn thấy có khả năng tha thứ, chấp nhận và thương yêu. Bạn muốn người ấy nói ra được nỗi lòng để cho người ấy bớt khổ. Đó là ý tốt, đó là tâm thương yêu, đó là nguyện lành. Bạn đang trở thành vị bồ tát Quan Thế Âm, bởi vì Quan Thế Âm là người có khả năng lắng nghe với tâm xót thương. Bạn đừng tưởng đức Quan Thế Âm là một thiên thần đang đứng trên mây. Quan Thế Âm là hạt giống của tình thương chôn vùi trong tâm thức bạn, đã được tưới tẩm bởi sự quán chiếu, và đang trở thành năng lượng giúp bạn có thể lắng nghe người kia với lòng xót thương. Nếu bạn có thể nói ra được những lời trên kia tự đáy lòng, thì người kia, trong trường hợp này là ông thân sinh của bạn, sẽ cảm được tấm chân tình ấy, và trái tim của ông sẽ mở ra. Bạn phải hết sức thành khẩn mới thành công được. Và khi ông nói ra, ông có thể không sử dụng được ngôn từ hòa ái, bởi vì ông chưa có cơ hội luyện tập phép ái ngữ.Lời nói của ông còn có thể chua chát, giận hờn, trách móc và có tính cách buộc tội. Nhưng nếu bạn đã nắm được phép lắng nghe thì bạn sẽ không để cho sự bực bội và giận hờn chiếm cứ lấy bạn. Bạn vẫn có thể tiếp tục lắng nghe với lòng xót thương, dù ông ấy đang sử dụng những lời nói trách móc buộc tội, và nhất là ông ấy đang có những tri giác rất sai lầm về bạn và về tình trạng. Làm sao để có thể tiếp tục lắng nghe với tâm từ bi khi những lời người kia nói đụng tới những vết thương sẵn có trong tâm? Đó là bí quyết của sự thực tập. Nếu bạn biết nắm được hơi thở, duy trì được ước muốn lắng nghe để cho người kia nói ra được những điều người kia chưa nói ra được, nếu bạn luôn luôn ý thức là người kia đang khổ, đang có những tri giác sai lầm về bạn và về chính người kia, và việc lắng nghe mà bạn đang làm đây chỉ có một mục đích là làm cho người đó bớt khổ, thì bạn có khả năng tiếp tục lắng nghe được người kia mà những bực bội vẫn không phát khởi trong bạn, và những vết thương trong bạn vẫn không bị đụng tới. Đó là phép lạ của tâm từ bi.Duy trì được tâm xót thương thì bạn được che chở. Bạn cứ thực tập đi rồi bạn sẽ thấy. Cố nhiên trong khi lắng nghe bạn nhận thấy người ấy có nhiều hiểu lầm, nhiều cố chấp, nhưng bạn không nóng nảy ngắt lời người ấy, vì bạn biết rất rõ nếu bạn cắt lời người ấy, nói cho người ấy biết là người ấy sai lầm, thì người ấy sẽ bực bội, khựng lại, sẽ không còn tiếp tục nói được nữa, và cả hai sẽ bị kéo vào trong một cuộc cãi vã. Bạn thấy được những tri giác sai lầm của người ấy, nhưng bạn tự nhủ: ta hãy lắng nghe đã, mai mốt thế nào ta cũng có cơ hội cung cấp cho người ấy những dữ kiện về những gì đã thực sự xảy ra để người ấy có thể từ từ điều chỉnh nhận thức và tri giác của người ấy. Bây giờ đây công việc ta đang làm là chỉ lắng nghe thôi. Lắng nghe với lòng xót thương. Bởi vì bạn biết rằng do những tri giác sai lầm như thế cho nên người kia mới tự làm khổ mình và làm khổ người mình thương. Duy trì được lòng xót thương ấy suốt trong buổi ngồi nghe là bạn thành công. Bạn thành công là bạn làm được như bồ tát lắng nghe,nghĩa là bồ tát Quan Âm.

Ðiều Chỉnh Nhận Thức

Trong khi lắng nghe, bạn có thể tự bảo: 'Tội nghiệp quá, tri giác sai lầm như thế, thảo nào mà lại không khổ và không làm người khác khổ.' Và nếu bạn cần nói một câu gì đó trong khi lắng nghe để khuyến khích người kia nói tiếp, thì câu ấy có thể là: 'Tội nghiệp bố quá, vậy mà con không biết.' hoặc 'Tội nghiệp mẹ quá, vậy mà con không biết.' Tôi đã từng giúp rất nhiều người làm cha làm mẹ hòa giải với con. Trong khi họ lắng nghe, họ cũng nói: 'Tội nghiệp cho con tôi quá, thế mà mẹ không biết.' Và hàng ngàn những người làm cha làm mẹ đã nhờ phép lắng nghe mà hòa giải được với con.

Được người khác lắng nghe như thế trong một giờ đồng hồ, mình có cảm tưởng nhẹ hẳn người, như vừa uống tới mười thang thuốc bổ! Trong xã hội ta, Đông cũng như Tây, có quá nhiều gia đình trong đó không ai biết lắng nghe ai, do đó sự truyền thông bị bế tắc, những hiểu lầm chồng chất, và ai cũng khổ. Có người khi bị bế tắc phải đi tìm thầy trị liệu bệnh tâm thần. Bổn phận của những nhà trị liệu tâm thần là lắng nghe ta. Nhưng không chắc khả năng và phẩm chất lắng nghe của những người ấy được bảo đảm. Nếu vị thầy trị liệu ấy có quá nhiều khổ đau trong tâm, nếu chính người ấy không truyền thông được với những thành viên khác trong gia đình, thì phẩm chất lắng nghe của người ấy còn kém, và khi nói ta không cảm thấy được lắng nghe, được hiểu, và ta không cảm thấy có thuyên giảm. Còn nếu bạn biết nắm lấy hơi thở, ôm lấy niềm đau, duy trì được lòng xót thương, thì khả năng lắng nghe của bạn sẽ lớn lắm và bạn có thể làm hay hơn những nhà trị liệu tâm thần!

Mai kia, gặp những dịp an lành, hòa hoãn, bạn sẽ tìm cách cung cấp những dữ kiện về sự thật đã xảy ra để giúp bố hoặc mẹ điều chỉnh những tri giác sai lầm của các vị ấy. Phải làm việc này từ từ, mỗi lần chỉ đưa ra một ít dữ kiện, để quý vị ấy có thể đủ sức tiếp nhận và quán chiếu. Nếu bạn nóng nảy, muốn nói hết ra một lần thì sợ người kia chịu không nổi. Bạn có thấy là năng lượng từ bi luôn luôn chuyên chở năng lượng kiên nhẫn hay không?

Trái tim đã nở như một đóa hoa

Còn nếu trong khi lắng nghe mà bạn thấy được những sai lầm và những vụng về của bạn thì bạn nên sử dụng những dữ kiện mà bạn mới tiếp nhận để điều chỉnh ngay những nhận thức sai lầm của bạn và xin lỗi bố hoặc mẹ ngay về những vụng về của mình. Tôi đã từng yểm trợ cho rất nhiều bậc làm cha làm mẹ để họ có thể xin lỗi con của họ về những nhận thức sai lầm và những vụng về của họ trong khi đối xử với con. Và chúng tôi cũng đã giúp được rất nhiều người trẻ hòa giải được với cha mẹ. Trong những khóa tu tập bảy ngày hoặc hăm mốt ngày tổ chức tại Làng Mai hay tại các nước khác, luôn luôn phép lạ của sự hòa giải được xảy ra vào gần cuối khóa. Những ngày đầu của khóa tu tập là để tập thở, tập đi, tập ôm ấp và nhận diện những nỗi khổ niềm đau của chính mình. Những ngày kế tiếp là để quán chiếu, thấy được niềm đau của người kia, tập hiểu, tập chấp nhận, tập nói và tập nghe. Vào ngày thứ sáu, mọi người được yêu cầu thực tập các phép lắng nghe và ái ngữ để đi đến hòa giải. Và phải làm cho được trước khi khóa tu tập kết thúc! Có không biết bao nhiêu cặp vợ chồng, cha con, mẹ con, anh em, bạn bè, v.v... đã thành công trong việc thực tập, và điều này đem lại cho chúng tôi rất nhiều hạnh phúc.

Tôi còn nhớ năm 2002 tại thành phố Oldenburg, trong khóa tu cho trên sáu trăm người Đức, vào ngày chót, có bốn người thanh niên Đức đã tới báo tin cho tôi biết là tối hôm trước đó họ đã dùng điện thoại di động để thực tập lắng nghe và ái ngữ và đã hòa giải được với phụ thân của họ! Tôi rất phục những chàng thanh niên ấy. Vẻ mặt họ rạng rỡ, hạnh phúc của họ rất lớn. Trong những năm qua, họ đã không nói được với cha họ những lời nói thương yêu như hôm qua họ đã nói. 'Tại sao?', bạn sẽ hỏi. Tại vì hạt giống thương yêu trong họ đã được tưới tẩm và đâm hoa kết trái sau sáu ngày thực tập, trái tim của họ đã nở ra được như một bông hoa cho nên họ đã có thể nói lên được dễ dàng những câu nói đầy ân tình và thương yêu như thế. Thực tập hòa giải được với người thân có mặt ngay trong khóa tu đã là một chuyện mầu nhiệm rồi, mà sử dụng điện thoại cầm tay để làm được thành công việc này với một người ở xa hàng trăm cây số, tôi nghĩ đó là một phép lạ đích thực.

--- o0o ---

Nguồn: http://www.langmai.org

Trình bày: Nhị Tường.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/12/2024(Xem: 497)
Đây là lần đầu tiên quý Huynh trưởng cao cấp của tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hải ngoại có cơ hội tiếp cận, thăm hỏi với Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ. Cuộc hầu chuyện này xảy ra vào ngày 29 tháng 4, 2021 lúc 8:30PM trên hệ thống Zoom. Sau đó chúng tôi đã gởi đến toàn thể quý Ban Hướng Dẫn các cấp Hải Ngoại và Quốc Gia và những Huynh trưởng có thẩm quyền; sau một thời gian dài im lặng, chúng tôi, vì lợi ích chung của số đông và nhiều người cũng như để tưởng nhớ và biết ơn tình thương bao la của Thầy nói riêng và của Giáo Hội nói chung dành cho tổ chức GĐPT Việt Nam trong và ngoài nước, nên xin mạo muội chia sẻ chung cho đại chúng và quý hàng huynh trưởng các cấp, và xin tóm lược lại những ý chính của cuộc hầu chuyện và lời dặn dò của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ:
26/10/2024(Xem: 745)
Trong bất kỳ tổ chức nào, và Gia Đình Phật Tử không ngoại lệ, tính minh bạch và cởi mở là rất quan trọng trong việc duy trì niềm tin vào tổ chức và sự tin cậy giữa tất cả các thành viên. Để bồi dưỡng tinh thần minh bạch, khách quan, việc phổ biến biên bản họp một cách rộng rãi và kịp thời là điều cần thiết. Cách làm này không chỉ đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều nhận được thông tin kịp thời mà còn tạo ra một môi trường cởi mở và có trách nhiệm giải trình.
04/06/2024(Xem: 2028)
“Kiếp xưa ắt có nhân duyên, Nếu không ai dễ chống thuyền gặp nhau”. HT đã giới thiệu, trên 50 năm tôi rời khỏi Huế từ Tết Mậu Thân đi du hóa, tu học phương xa, luôn vọng về quê hương đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của Tổ tiên ông bà, nơi đã có nhiều kỉ niệm của thuở ấu thơ tu học tại Huế, sinh hoạt tại Huế, trên 50 năm vắng mặt, chỉ có năm này với tuổi đã 87, năm nay Lễ Phật Đản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại Chùa Phật Ân, cử hành sớm vào ngày 12 vừa rồi
04/06/2024(Xem: 4104)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 3048)
Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đ
30/04/2024(Xem: 3620)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
07/02/2024(Xem: 7547)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
19/12/2023(Xem: 9380)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 16925)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 14991)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]